PHÀM LỆ

 

 

1/ Cơ sở để ghi nhận trong biên niên là những dữ kiện liên quan đến hoạt động của Hội nhà văn Việt Nam, những dữ kiện của đời sống văn học mà trước hết là việc công bố các tác phẩm trên một số cơ quan báo chí văn học chủ yếu trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

2/ Ngôn ngữ dùng cho biên niên noi theo văn phong những người chép sử, mang tính vắn tắt và trung lập về thái độ, về xúc cảm.

 

3/ Tác phẩm thơ và văn xuôi nghệ thuật (hư cấu hoặc không hư cấu) ở dạng đăng báo được ghi đúng như tên tác phẩm tại lần công bố cụ thể trên ấn phẩm cụ thể; riêng các bài phê bình, tiểu luận, đọc sách, điểm sách, sẽ không hoàn toàn ghi đúng tên bài, nhưng sẽ được lưu ý ghi một vài dấu hiệu nội dung thiết yếu (ví dụ nói về sách gì, của tác giả nào, nhà xuất bản nào, v.v…).

 

4/ Các sự kiện của đời sống văn hóa, văn nghệ được ghi trong biên niên chủ yếu rút từ tin tức trên báo chí; vì vậy sẽ có niên đại xác định (có ngày tháng cụ thể) hoặc không thật xác định (chỉ biết xảy ra trong tháng ấy) tùy thuộc mức thông tin của tài liệu gốc.

 

5/ Dù bám sát một số ấn phẩm báo chí và ghi nhận hầu hết những tác phẩm đăng trên đó, người ghi biên niên cũng sẽ không ghi chép về các loại tác phẩm không thuộc chất liệu ngôn từ (như bản nhạc, tranh biếm họa, tranh minh họa, ảnh nghệ thuật) cùng hiện diện trên ấn phẩm báo chí đó.

 

6/ Khi đề cập sách văn học xuất bản trong từng năm, biên niên chỉ ghi nhận sách xuất bản lần đầu, sách tái bản có bổ sung sửa chữa; ở khu vực này, biên niên sử dụng cách mô tả ấn phẩm của ngành thư viện, tức là ghi văn tắt một số dấu hiệu chính: tên sách, thể tài sách, tác giả, nơi xuất bản (trong đó với Việt Nam: H. = Hà Nội, Tp.HCM. = Thành phố Hồ Chí Minh, K.đ. = không rõ nơi xuất bản,…), năm xuất bản.   

 

7/ Tên riêng tác giả nước ngoài, trên báo chí Việt Nam đương thời, thường dùng lối phiên âm (ví dụ: Công-xtăng-tanh Si-mô-nốp); trong biên niên sẽ tra cứu để chuyển về lối viết các tên riêng ấy trong các văn tự La-tinh (ví dụ chuyển thành: Konstantin Simonov), tạo thuận lợi cho những ai cần đối chiếu; nếu không tra cứu được thì biên niên buộc phải lặp lại cách viết ấy (cách viết phiên âm trong bản công bố).

 

                                                                                      NGƯỜI BIÊN SOẠN