BỚT ĐI NHỮNG VỆT TRẮNG

 

Dường như càng gần cuối thế kỷ, ở những năm hiện giờ, với nhiều lý do khác nhau, người ta càng cảm thấy nhu cầu nhìn lại, biết lại, hiểu lại thời kỳ đầu thế kỷ, rồi ngược lên chút nữa, xa về trước nữa… Về lịch sử đã như thế, về văn hóa càng rõ là như thế. Nói riêng về văn học, nhân nhiều dịp kỷ niệm các bậc tiền bối đã quá cố, đám hậu sinh chúng ta cảm thấy giá trị những công trình của họ như tăng hẳn lên với thời gian. Nhà văn hiện đại (1932-1941) của Vũ Ngọc Phan, Thi nhân Việt Nam 1932-1941) (1942) của Hoài Thanh và Hoài Chân, Việt Nam văn học sử yếu (1943) của Dương Quảng Hàm, Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (1960) của Đặng Thai Mai… đã đi vào danh mục tham khảo sách tra cứu cho những người soạn từ điển hay lược truyện tác gia…

 

Thế nhưng, để biết diện mạo văn học từ đầu thế kỷ, hơn thế, để biết đến ngọn nguồn của văn học bằng chữ quốc ngữ, thì với những công trình trên trong tay, bạn vẫn còn đứng trước nhiều vệt trắng. Có điều, những vệt trắng trong văn học sử chỉ xuất hiện trước mắt bạn khi đã lấp ló những gì chưa biết, những gì còn thiếu.

 

Người ta biết rằng báo chí và sách bằng chữ quốc ngữ xuất hiện ở miền Nam từ nửa cuối thế kỷ trước (1865). Nhưng một trong những nội dung được đăng tải trên các sách báo ấy là văn học − nó có diện mạo cụ thể ra sao, − thì ít có những thông tin tường tận. Thật ra suốt mấy chục năm trước 1975, trong khi một số nhà nghiên cứu ở miền Bắc vừa loay hoay trong những huý kỵ vừa bó tay trước những thiếu hụt tư liệu đáng kể, cả trong các kho sách cũ lẫn trong các danh mục lưu trữ, thì ở miền Nam, một số nhà nghiên cứu đã có thể công bố một số tư liệu về mảng văn học còn ít được biết tới này. Khốn thay, đến lượt những thông tin ấy lại bị quên đi thêm vài chục năm nữa…

 

Cho mãi tới gần đây, có thể kể là từ 1988, sau khi tập II cuốn Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (dành riêng cho văn học) ra mắt, dòng thông tin ấy mới lại hồi phục, và lần này, nó may mắn được lan truyền khắp cả nước. Năm 1990, nhà xuất bản An Giang ấn hành cuốn Tiến trình văn nghệ miền Nam của soạn giả Nguyễn Q. Thắng. Đầu năm 1992, nhà nghiên cứu Bằng Giang, nhờ sự tán trợ tích cực của nhiều bạn bè và một vài doanh nghiệp, đã công bố được tại nhà xuất bản "Trẻ" công trình Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930. Cuối năm 1992, nhà nghiên cứu văn học và ngữ học Bùi Đức Tịnh cho tái bản có bổ sung một công trình đã công bố đầu năm 1975: Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (Nxb. Tp. HCM.).

Có thể tin rằng dòng thông tin này sẽ còn được tiếp tục.

 

Phần đóng góp của các nhà biên khảo

Không phải ngẫu nhiên mà cả mấy cuốn sách vừa xuất bản kể trên đều mang dáng vẻ những công trình thư tịch học. Ở miền Bắc suốt ba bốn chục năm, chính ngành này bị mất giá và đình trệ nhiều nhất. "Khảo chứng vụn vặt" trở thành một lời phê mang hàm nghĩa hạ thấp. Trong giới nghiên cứu, người ta thích thuyết, thích luận hơn là khảo. Theo đuổi công việc này, đáng kể nhất dường như chỉ có Thúc Ngọc Trần Văn Giáp (1902-1973). Kế thừa xứng đáng Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú trong chuyên môn này, Thúc Ngọc tiên sinh dành hầu hết công sức cho kho sách Hán Nôm mà nguy cơ hư nát có thể tính bằng ngày bằng tháng. Phần thư tịch bằng chữ quốc ngữ, ngay trong kho sách báo cũ và các danh mục lưu trữ còn giữ được ở Hà Nội, vẫn chưa được kiểm lại kỹ lưỡng và công bố rộng rãi. Công việc của ngành thư tịch học, văn bản học vẫn còn bề bộn. Ngay đối với phần thư tịch  Hán Nôm, nguồn tư liệu bổ sung vẫn đang mở ra hoặc sâu trong các làng xã (đền miếu, chùa chiền, tộc họ…), hoặc xa tận các thư viện nước ngoài. Còn phần thư tịch bằng chữ quốc ngữ thì càng ngược về đầu dòng càng khó tìm kiếm... Nếu lời khẳng định của Ung Ngọc Ky trên tuần báo Thanh niên (2/9/1944) ở Sài Gòn rằng "Trước hết, luồng sóng văn Hán và văn Nôm đã đi từ Bắc vô Nam"… và "Bây giờ luồng sóng quốc ngữ lại đi ngược từ Nam ra Bắc", giả thử thời ấy Vũ Ngọc Phan hay Dương Quảng Hàm được biết, cũng không kịp bổ chính vào các công trình đã in hoặc đang in của hai cụ. Huống nữa, dòng thông tin tư liệu lại ách tắc đến tận gần đây. "Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930 không phải là một vỉa than lộ thiên" − Bằng Giang viết điều này thành một chương nhỏ, và lời tri ân ở trang đầu sách, ông đề "kính dâng Mẹ", người đã giữ cho ông những tài liệu sách báo thu góp từ trước 1945 suốt thời gian ông đi kháng chiến.

 

Con đường đi tới một phác hoạ về văn học quốc ngữ thời đầu buộc phải khởi từ việc hình thành một thư mục. Chỉ riêng điều này đã đầy khó khăn. Từ thư mục đến văn bản các tác phẩm là một chặng khó khăn nữa. Ngay sau khi Địa chí văn hóa thành phố HCM đã công bố một thư mục về mảng văn học này với khoảng 300 tư liệu, thì những tư liệu mà Bằng Giang thu lượm bằng con đường riêng vẫn có giá trị: hoặc nó đồng xác nhận, hoặc nó bổ sung, hiệu chính… Đề bạt cho cuốn sách của Bằng Giang, giáo sư Trần Văn Giàu − người chủ biên công trình Địa chí kể trên − đã xác nhận ít nhất hai phát hiện quan trọng của nhà nghiên cứu: một là "người đầu tiên dịch truyện Tàu (Tam quốc chí) ra quốc ngữ là một người Pháp", đó là Canavaggio, chủ nhiệm tờ Nông cổ mín đàm (điều này, cuốn sách của Bùi Đức Tịnh dẫn hồi ức của Vương Hồng Sển, cho biết: thật ra do một người Việt là nhà báo Lương Khắc Ninh dịch, tuy ghi trên số 8 của tờ báo này tên người dịch là Canavaggio), và hai là tờ Phan Yên báo xuất hiện vào năm 1898 (chứ không phải vào năm 1868 như được xác định ở một công trình khác…)

 

Đọc cuốn sách của Bằng Giang ta thấy ông thật nghiêm cẩn trong việc xác định các tư liệu, lại vừa thoải mái tự do trong cách trình bày. Người đi ngược dòng về quá khứ này lại tự thể hiện như một người rất chịu lắng nghe hiện tại, và nhạy cảm đến độ rất dễ "bật lò xo" đối thoại ngay với những ý kiến nông nổi nào vừa xuất hiện đây đó, tuỳ tiện đem những thông tin sai “xía vô” mảng văn học sử này. Câu chuyện lần tìm những tên tác phẩm, tên tác giả đã cách nay gần trọn thế kỷ tưởng khô khan bỗng hóa nên thú vị.

 

Thật ra, đối với những ai muốn có được một sự mường tượng cụ thể như là "sờ tận tay" vào văn chương của thời đoạn này, thì cuốn sách của Bùi Đức Tịnh thỏa mãn được nhiều hơn. Không chỉ bởi số trang dành cho việc dẫn các đoạn văn dài, mà còn bởi giác quan phân tích của nhà ngữ học. Chính với ưu thế riêng này, Bùi Đức Tịnh dễ thuyết phục ngay cả những người kỹ tính rằng truyện Thầy Lazaro Phiền (in 1887) của Nguyễn Trọng Quản (1865-1911) được viết bằng một lối văn xuôi gần hiện đại hơn nhiều, ví dụ so với những tác phẩm của Lê Hoằng Mưu (1879-1941) xuất hiện muộn hơn đến vài chục năm, với một lối văn xuôi có đối có vần, còn chưa ra khỏi phạm vi văn biền ngẫu thời trước, nhưng (đây lại là nghịch lý hiểu được) lại dễ nổi tiếng, lại phổ biến trong công chúng đương thời hơn hẳn lối văn hiện đại của tác giả kể trên, vốn là người xuất thân Tây học.

 

Những thông tin tư liệu về mảng văn học đã có tuổi trên dưới trăm năm này quả là mới mẻ (bài viết này không thể nêu hết các thông tin ấy). Giá thử chưa biết đến những thông tin này, người làm nghiên cứu cứ việc an tâm với những thông tin cũ, gắn văn học quốc ngữ với thời điểm xuất hiện Đông Dương tạp chí (1913) và Nam phong (1917), gắn thời điểm xuất hiện tiểu thuyết Việt Nam hiện đại vào năm 1925 với cuốn Tố Tâm, v.v… Cố nhiên, ngay khi đã nhận đủ nguồn thông tin mới này (bây giờ thì chưa), khi đã bắt tay khảo sát sự tiến triển về chất lượng, hẳn còn nhiều tranh cãi. Nhưng lúc ấy, tư liệu đã làm xong việc của nó.

 

 

 

 

Một mảng trắng được lấp bớt, những mảng trắng khác có thể lại xuất hiện

Xin hình dung như sau: Cuốn từ điển tiếng Việt ghi bằng chữ quốc ngữ sớm nhất được in ra từ 1651. Phải 45 năm sau đó Đoàn Thị Điểm mới chào đời; phải 70 năm sau đó Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sỹ mới khai sinh; phải 80 năm sau đó, Nguyễn Gia Thiều, Trịnh Sâm, Bùi Huy Bích… mới chào đời; phải 115 năm sau đó, người mẹ quê Kinh Bắc mới sinh hạ đứa con sẽ làm rạng danh văn học nước nhà: Nguyễn Du… Nhưng, tất cả những tên tuổi vừa dẫn đều làm văn bằng chữ Hán chữ Nôm, có lẽ chưa ai trong số họ biết đến thứ văn tự lạ lùng nọ. Văn tự ấy đã sống thế nào suốt hai thế kỷ, để, chẳng hạn, đến 1865, (lần đầu tiên) được dùng để in tờ báo đầu tiên (Gia Định báo)? Có phải đây cũng là một khoảng trắng lớn, không hẳn về văn học sử, mà là về văn hóa sử. Khó ai tin được là suốt hai thế kỷ ấy, chỉ có một bản văn duy nhất được viết bằng thứ văn tự mới này − bản Phép giảng tám ngày, cũng bằng tuổi với cuốn từ điển nọ. Phải có thêm nhiều bản văn khác, dù được viết về việc gì, làm minh chứng cho sự sống hiển nhiên của thứ văn tự sẽ chiếm lĩnh (nghĩa là biến thành công cụ) hầu như toàn bộ sinh hoạt văn hóa chữ viết của người Việt trên đất Việt, từ cuối thế kỷ trước, suốt thế kỷ này, và hẳn cả thế kỷ tới…

 

Công việc cho nghiên cứu hẳn còn quá nhiều, ở đấy có thể các nhà sử học phải đóng vai trò nhà thư tịch học và ngược lại…

12/3/1993

● Báo “Thể thao & Văn hóa”, s. 14 (3/4/1993)