DẤU VẾT ẢNH HƯỞNG "TÂN THƯ"

TRONG SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN THƯỢNG HIỀN

 

Đọc thơ văn Nguyễn Thượng Hiền, (1) có thể thấy tương đối rõ hai mảng sáng tác với những yếu tố ít nhiều khác nhau. Mảng thứ nhất gồm toàn bộ thơ trữ tình (thơ chữ Hán, một số bài ca trù, thơ nôm). Mảng thứ hai gồm các bài văn xuôi chữ Hán trong Nam Chi tập (quyển hạ) và các bài thơ văn cổ động duy tân bằng tiếng Việt.

Ở mảng thứ nhất − lĩnh vực thơ trữ tình, − cái nổi bật là thế giới tâm tình của tác giả, qua những thời kỳ khác nhau. Vẫn gắn với con người ấy, với tâm sự, chí hướng ấy, ở mảng thứ hai − mảng văn chương hành thế, − cái chủ yếu là sự thể hiện hành động "duy tân", "báo quốc" của người chí sĩ: tố cáo tội ác ngoại xâm, vận động cứu nước, vận động duy tân, hoặc, ghi những lược truyện về các liệt sĩ trong sự nghiệp phục quốc.

 

Đối với sự biến chuyển về tinh thần, tư tưởng của giới trí thức Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, vai trò của Nguyễn Thượng Hiền là quan trọng. Ông được kể như một trong số các nhà khoa bảng sớm tiếp xúc với "tân thư", hơn nữa, tích cực truyền bá "tân thư" trong giới nho sĩ; ông là một trong những người tổ chức các phong trào Đông du, duy tân; ông là một trong những yếu nhân của Việt Nam quang phục hội. Tất cả những điều đó được xác nhận bằng sự kiện hoạt động thực tế của Nguyễn Thượng Hiền. Tuy vậy, về mặt trứ tác, dấu ấn của "tân thư" ở ông không nhiều, không đậm.

 

Bằng vào phần thơ trữ tình còn lại của ông (quyền thượng và quyển trung của Nam Chi tập, một số thơ lẻ khác, chữ Hán và chữ Nôm), có thể thấy thi tài thành thục, trác tuyệt của Nguyễn Thượng Hiền. Nhưng ở thể loại này, Nguyễn Thượng Hiền thể hiện mình hoàn toàn như một tác gia cổ điển. Thời cuộc mà tầm mắt ông đã biết nắm bắt ở quy mô quốc tế, sự hoạt động mà ông từng tham dự một cách cụ thể, − đi vào thơ trữ tình của ông, vẫn chỉ tụ lại ở những nét mờ, thậm chí khuất lấp sau các tầng điển cố từ chương rút từ Nam sử, Bắc sử, thi văn Hoa, Việt thời trước.

 

Bằng vào các thiên lược truyện những bậc "nghĩa liệt" bỏ mình vì nước, có thể thấy tính cụ thể của sự kiện trong ngòi bút ghi việc của tác giả. Nhưng có lẽ đây vẫn là sự tiếp tục cái mạch của ngòi bút từng viết Hát đông thư dị hơn là một cái gì hoàn toàn mới của ông.

Đánh giá về di sản văn học của Nguyễn Thượng Hiền, bài văn tế của Phan Bội Châu nói cô đọng trong nhận xét: "Thơ kiểu Thịnh Đường, văn khuôn Tiền Hán". Sau này, nhà nghiên cứu Lê Thước cho rằng: "Có thể nói ông là một người tiêu biểu tài hoa trong số nhỏ những người tiêu biểu cho nền văn chương chữ Hán của ta hồi tàn cục". (2) 

 

Những lời đánh giá, nhận xét của hai bậc danh gia dẫn trên là hoàn toàn thích đáng. Tựu trung Nguyễn Thượng Hiền chủ yếu là tác giả văn học thuộc phạm trù trung đại. Có điều, dường như chính  Nguyễn Thượng Hiền lại tỏ ra không cam chịu khuôn mình trong cái kiểu tác giả ấy vốn dĩ nó định hình ngòi bút ông. Đối với thơ chẳng hạn, − lĩnh vực mà chính ông thú nhận là mình "nghiện nặng", (3) lĩnh vực mà ngòi bút ông đã chứng tỏ được cái "cốt Thịnh Đường" (như lời khen của Phan Bội Châu), − ít ra đã có một lần ông muốn dứt bỏ:

Danh tâm vị đoạn, hối điêu trùng

Túy bả ngâm biên phó chúc dung

Vị tất ngộ nhân thiên tải hạ

Khả kham lao ngã bách niên trung

(Tập thơ chạm gọt bởi ham danh,

Say đốt quách đi dạ cũng đành

Chưa dễ nghìn sau lừa kẻ khác,

Nhưng còn giữ mãi mệt thân mình)

(Lê Thước dịch)

 

Không rõ lần ấy, ông đốt tập thơ nào? Phải chăng là thi tập với những bài viết thời trẻ, thời đèn sách, với những tham vọng "cao khoa hiển hoạn"? Bởi vì trong khoảng 600 bài thơ còn lại, theo Lê Thước, chỉ thấy những bài viết sau năm Ất Dậu 1885, tức là sau khi kinh đô Huế thất thủ, cũng là gần lúc hoặc cùng lúc ông có dịp xúc tiếp với "tân thư"?

 

Không rõ ông có ghi cảm tưởng đọc "tân thư" trong bài thơ cụ thể nào không, nhưng trong ngót trăm bài mà nhóm Lê Thước - Vũ Đình Liên dịch và giới thiệu ở cuốn Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội, 1959) có thể thấy ít nhất hai chỗ nói về việc đọc sách. Một lần, gặp Chương Thái Viêm ở Nhật Bản, trò chuyện về cuộc "tráng du", rồi Rượu say đem sách lạ đọc bên đèn (Túy bả kỳ thư đăng hạ độc). Một lần khác, đi thuyền ghé đến Hương Cảng, trong tâm trạng phấn khích, ông tự nhủ: Đọc sách rồi cũng có ngày làm nên sự nghiệp (Tố thư chung hữu hưng vương nhật). Mượn tích Trương Lương được Hoàng Thạch Công cho sách lạ, nhưng có phần chắc "tố thư" ở đây không phải là "cựu thư" tức là kinh truyện nho gia. Còn kỳ thư − sách lạ − mà hai nhà chí sĩ Việt - Hoa cùng đọc, chỉ có thể là sách mới (tân thư) − sách báo với nguồn kiến văn mới, tư tưởng mới.

 

Tân thư − nguồn kiến văn mới, nguồn tư tưởng mới, − đã làm Nguyễn Thượng Hiền "phục sinh", (4)  đổi mới nhận thức và đời sống của ông. Tân thư trở thành điểm tựa cho sự tập hợp của giới trí thức cấp tiến đương thời − họ đều là nhà nho như Nguyễn Thượng Hiền, − trở thành căn cứ lý luận cho sự trao đổi về tư tưởng giữa họ, để rồi từ đó, hình thành khuynh hướng mới của tư tưởng giải phóng dân tộc: từ bỏ chủ trương "cần vương", chuyển sang lập trường yêu nước "phi quân chủ hóa", với nội dung vận động mới: kêu gọi duy tân, tự cường.

 

Kể từ đó cho đến lúc ông thất vọng, vào chùa đi tu ở Hàng Châu (1918?), có thể nói toàn bộ đời sống và hoạt động của Nguyễn Thượng Hiền đều là kết quả những ảnh hưởng của "tân thư": đốt bỏ tập thơ cũ, hoạt động cứu tế giúp nạn đói ở Huế và Hà Đông, tham gia phong trào duy tân, vận động thanh niên đi du học ở Nhật, tham dự vào việc chuẩn bị mở Đông kinh nghĩa thục, xuất dương và hoạt động ở hải ngoại.

 

Trong số những trứ tác trước khi xuất dương, Phú cải lương và  Hợp quần doanh sinh thuyết là hai tác phẩm thể hiện rõ nhất những chuyển biến ở ngòi bút Nguyễn Thượng Hiền, từ khi chịu ảnh hưởng "tân thư". Ở khía cạnh thuần văn chương, việc sáng tác bằng tiếng Việt "nôm na", tận dụng ngữ liệu dân gian (thành ngữ, tục ngữ), sử dụng thể thơ thuần Việt (song thất lục bát) − là nét mới ở một tác giả đã thành thục và có thành tựu rõ ràng trong các sáng tác thơ và văn xuôi bằng chữ Hán trước đó. Trong những sáng tác bằng Hán văn, tác giả hoàn toàn làm văn chương bác học; ở hai sáng tác nôm này, ông hướng tới trình độ bình dân. Ở sáng tác chữ Hán, nhất là thơ, ông chỉ trầm tư, độc thoại, hoặc đối thoại trong nhóm hẹp; ở hai bài văn thơ nôm này, ông muốn nói chuyện với đông đảo "quốc dân đồng bào", và dàn tác phẩm ra thành cả một cuộc đối thoại, hỏi đáp. Những chuyển biến này hiển nhiên là gắn với phương thức hoạt động của các nhà chí sĩ, trong số đó có Nguyễn Thượng Hiền: vận động dân chúng trong nước cải cách lối sống, hợp quần lại để kinh doanh, sản xuất, làm cho dân mạnh, nước cường, từ đó mà đứng lên giành lại nền độc lập cho quốc gia.

Xét về mặt chức năng, (5) hai bài thơ văn nôm này và các bài Khuyến cáo quốc dân, Chiêu hồn nước (chữ Hán) tương ứng với mảng "văn chương ứng thế" của các vị hiển nho thời trước. Nếu ở thời "trị", khi các vị ấy ở đúng cương vị bầy tôi của vua và giữ vai trò là "cha mẹ" của dân, văn chương ứng thế của các vị không thể ra ngoài quy phạm các thể tài chế, chiếu, biểu, tấu, sớ..., tựu trung phát ngôn trong 3 tư thế: hoặc soạn lời cho triều đình; hoặc từ ngôi vị (chức vụ) của mình soạn lời tâu lên ngôi vị bề trên; hoặc từ ngôi vị "phụ mẫu chi dân" của chính mình mà đưa ra lời hiểu dụ, ban khen, quở phạt... Nhưng thời thế đã khác, vị thế cũng khác: nhà khoa bảng đã từ quan mà vẫn nhập thế, dấn thân; nhu cầu thu phục nhân tâm thì thậm chí còn bức xúc hơn trước, nhưng quan hệ đối thoại đã đổi khác, và cần ý thức sâu sắc về nó. Phát ngôn đã không còn hiệu lực hành chính, chỉ còn có thể dựa vào hiệu năng của lý lẽ, của tình cảm. Quan hệ đối thoại từ đây phải được giả định trên cơ sở bình đẳng: cả người phát ngôn, hiệu triệu lẫn những người sẽ tiếp nhận chúng đều được coi là "quốc dân" (người của nước, "người trong một nước...", (6) là "đồng bào" với nhau (cùng trong một bọc − sử dụng huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ bọc trứng).

 

Bài Phú cải lương mở đầu bằng lời gọi: Anh em ơi! Anh em ơi! Và kết thúc bằng: "Giống Hồng Lạc anh em cùng một họ, sống ở làng sang ở nước, mấy câu gắn bó, khuyên ai thong thả nghĩ mà coi".

 

Gọi là phú, nhưng Phú cải lương không mô tả, mà chủ yếu chỉ tỏ bầy những lời phân tích điều hơn lẽ thiệt, đưa ra những lời khuyên. Nội dung những lời khuyên này chính là nội dung của cuộc vận động duy tân cải lương − phương hướng vận động mới của phong trào yêu nước, hình thành do việc xúc tiếp với tân thư. Phú cải lương khuyên quốc dân biết đến "sóng cạnh tranh lai láng giữa hoàn cầu" mà hành động theo tinh thần đổi mới;

đổi mới tinh thần: "nhức tinh thần đừng giữ mãi thói si";

đổi mới tác phong, ăn mặc: "lối ăn mặc đừng theo chi lối hủ, lượt thượt như lễ sinh mất vợ, ngó bộ buồn cười";

nhất là đổi mới sự học: "Lối dụng tài đã bỏ hết hư khoa, thôi những anh hay thi hay phú, hay kinh nghĩa hay sách văn, đứt đuôi nòng nọc",

"Đường tiến hóa cốt tìm thực hiệu", "Công việc đủ nghề học, nghề cày, nghề buôn, nghề thợ"; "kìa cao đẳng, nọ giáo sư, học hành một bụng khuyên răn, sao cho sáng suốt", v.v...

 

Kêu gọi cải lương, duy tân, đối với Nguyễn Thượng Hiền và các chí sĩ, chẳng qua chỉ là một bước tự cường để sửa soạn cho các hành động "báo quốc", bởi ông và các đồng chí của ông đã thấy "việc hồi thiên (xoay lại cơ trời?) há một chốc xong ngay", và "lòng ái quốc dẫu trăm năm ghi đó", nếu không biết cách, cũng "chưa dễ ăn ai".

Viết Hợp quần doanh sinh thuyết, dường như Nguyễn Thượng Hiền đã gắng dẹp bớt tâm trạng "ngẫm việc nước nhiều phần bối rối" để bàn với vị khách du giả định của mình về chuyện "làm ăn", "sinh nhai", "sinh kế". Đọc lại bài văn tuyên truyền này của 90 năm trước, kể cũng thấy ngồ ngộ. Tác giả là nhà nho, nhà nho vốn không thích nói đến "lợi", không ưa sự buôn bán, không ưng nghe chuyện tiền nong. Vậy mà vị Hoàng giáp lại đứng ra chỉ vẽ cho quốc dân chính những việc ấy.

Việc súc mục, việc trồng cây

Gần rừng gần núi, sự này dễ toan

Như muốn sự bán buôn cho dễ

Thời gần sông gần bể mới hay

Muốn nghề kỹ xảo trong tay

Học khôn phải ở gần ngay thị thành...

 

Như tên gọi của nó, Hợp quần doanh sinh thuyết kêu gọi "hợp quần" − đoàn kết, liên kết, hợp tác, − chưa phải để chuẩn bị cho các hành động bạo lực, mà chỉ nhằm vào các hoạt động kinh tế xã hội. Hãy nghe tác giả thuyết phục vị khách của mình:

 

Buổi này các nước Đông, Tê (Tây)

Muốn toan gây dựng mọi nghề công thương

Họp đoàn thể, kẻ sang người khó,

Góp tiền tay nào có thiếu ai,

Làm ra một vốn muôn lời

Sự kia đâu dễ ít người làm nên.

Ta nhớ chuyện ở bên Thanh quốc

Có một người nghĩ được cũng hay:

Gây ra Lạc Thiện hội này

Mỗi người chỉ góp tiền tay một đồng…

 

Cách làm mới này, tác giả muốn người nước mình học theo: hợp đoàn, góp vốn, mua thiết bị, mở xưởng, làm ra hàng hóa cạnh tranh với hàng ngoại. Chương trình ông đề ra là mỗi "châu, huyện" lập một hội, chọn "người đức hạnh" đứng đầu, vốn góp chỉ cần mỗi người mỗi tháng một hào, có quản lý cẩn thận, rồi dùng tiền ấy vào các việc: vỡ ruộng hoang, trồng trọt, chăn nuôi, học buôn bán, kinh doanh... Đi đôi với việc chấn hưng kinh tế là mở mang dân trí.

 

Việc hay có kẻ đứng đầu

Chắc rằng dân trí đã hầu mở mang

Dân trí đã xem dường hơn trước

Dân khí kia cũng được ra tuồng

Hẳn sau nên nghiệp phú cường...

Cách diễn tả một chương trình kinh tế xã hội như thế hãy còn quá đơn giản, nhưng không quá ảo tưởng. Trên thực tế, chính với những nhận thức mới theo hướng như trên, những tổ chức hội đoàn như công ty Liên Thành ở miền Trung, hội Minh Tân ở Nam Kỳ đã xuất hiện.

 

Đề tựa cho Hợp quần doanh sinh thuyết (1906), Phan Châu Trinh nói: "Ngẫm nghĩ ý trong bài thì chẳng qua là lấy việc hợp đoàn thể, mở thực nghiệp làm cái nghĩa thứ nhất trong lúc mở màn..." (7) Sau này (1959), nhà nghiên cứu Lê Thước nhận định: "Có thể xem bài Hợp quần doanh sinh là phần đầu trong chương trình chính trị của Nguyễn Thượng Hiền. Tất nhiên việc đuổi thực dân giành độc lập cho nước vẫn là phần chính của chương trình, song theo ý ông thì chấn hưng kinh tế và khai thông dân trí có quan hệ quyết định. Có làm tốt việc này mới làm thành được việc kia". (8)

 

Hẳn chính vì coi chấn hưng kinh tế, khai thông dân trí chỉ là bước chuẩn bị, bước khởi đầu, cho nên ngoài hai bài văn nôm này ra, những tác phẩm về sau, khi tác giả hoạt động ở nước ngoài, ta chỉ thấy Nguyễn Thượng Hiền chú ý đến "phần chính của chương trình", ít khi tỏ ra muốn trở lại bàn bạc kỹ với quốc dân về các vấn đề doanh sinh, dân trí nữa.

 

Một điểm đáng ghi nhận là, để thuyết phục quốc dân "hợp quần doanh sinh", Nguyễn Thượng Hiền đã bước đầu có những nhận định phê phán hiện trạng dân tộc. Dù còn quá nhẹ lời, Nguyễn Thượng Hiền cũng phải nói rằng dân mình "lười", "u mê". Ông phê phán các hủ tục: cúng bái lễ lạt liên miên, cúng ma chăm hơn cả nhà Ân, lễ bái nhiêu khê hơn cả nhà Chu.

 

Kể xôi thịt đồng niên biết mấy

Lễ nghĩa gì mượn lấy mà ăn

Nào là bái xã, kỳ thân

Nào khi cưới hỏi, nào tuần ma chay

 

Ông hô hào những người giỏi giang trong thôn xã đứng ra sửa lại dân phong.

 

Duy tân nay phải biến thông

Bao nhiêu khoán cũ bỏ trong hỏa lò

 

Ý tưởng xóa bỏ khoán ước, hương ước ở đây thật mạnh bạo. Cũng như các sĩ phu đương thời tiếp nhận được nguồn kiến văn mới từ "tân thư", Nguyễn Thượng Hiền bắt đầu nhận thấy sự lạc hậu của những khoán ước, những tập tục lưu cữu trong dân cư. Điều ông muốn là một thứ "dân phong" mới, chuộng thiết thực, lễ nghi giản tiện, quan tâm nhiều đến việc làm ăn, nhất là hưởng ứng việc "hợp quần doanh sinh". Và chắc chắn là ông muốn sự hợp quần vì mục đích chính trị: nổi lên giành lại chủ quyền quốc gia.

 

Mục đích chính trị ấy, hoặc − nói theo cách diễn đạt của nhà nghiên cứu Lê Thước − "phần chính trong chương trình chính trị" của Nguyễn Thượng Hiền − sẽ là nội dung bao trùm toàn bộ trứ tác văn xuôi chữ Hán của ông từ khi hoạt động lưu vong. Những tác phẩm ấy có giá trị riêng, và ở khía cạnh liên quan đến đề tài ta đang bàn, cũng không thể nói những tác phẩm ấy không còn dính líu gì đến các ý tưởng mà tác giả từng có, từ khi tiếp xúc với "tân thư". Đặt trong sự liên hệ giữa 2 tác phẩm nôm viết hồi ở trong nước với các tác phẩm viết sau, từ hồi ra nước ngoài, có thể nghĩ rằng đối với Nguyễn Thượng Hiền, các mục tiêu "duy tân", "cải lương", các vấn đề dân trí, dân sinh − dẫu sao cũng chỉ có ý nghĩa thứ cấp, ý nghĩa phương tiện, so với mục đích giành độc lập chính trị cho quốc gia. Đọc Tang hải lệ đàm, đọc các thiên "nghĩa liệt sử" ông soạn, đọc Khuyến cáo quốc dân, Chiêu hồn nước, ta gần như không thấy hình ảnh một người có quan tâm cải cách xã hội, mà chỉ thấy đậm nét hình ảnh một tráng sĩ ruột bầm gan tím, lăm lăm toan kéo đại quân vượt sông, "đập nồi dìm thuyền", trở về "phục quốc". Cái nôn nóng có phần đơn giản ấy góp phần cắt nghĩa vì sao sau thất bại trong việc tổ chức đánh úp mấy điểm trên biên giới, nhất là từ khi thấy cục diện thuận lợi cho nước Pháp sau đại chiến (1914-18), ông lại trở nên thất vọng, bực tức, vào chùa đi tu cho đến lúc chết.

 

Nguyễn Thượng Hiền gắn với thế giới cũ nhiều hơn các chí sĩ khác. Lẽ ra, ông phải ở trong hàng ngũ cần vương của Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, hoặc ở trong đám nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, nếu ông không chọn cách lui hẳn về chốn lâm tuyền như Nguyễn Khuyến. Có thể nói chính sự tiếp xúc với tân thư, với lớp trí thức trẻ háo hức cái mới, như Nguyễn Lộ Trạch, Trà Quý Bình, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, v.v..., chính sự trao đổi tư tưởng với họ đã làm thay đổi một đoạn tiểu sử đời ông, lẽ ra đã định hình theo lối khác. Một số biểu hiện chuyển biến trong sáng tác của Nguyễn Thượng Hiền như trên, chính ra lại cho thấy sức mạnh của những tư tưởng mới, những nguồn kiến văn mới đối với một xứ sở trì đọng, lạc hậu.

14/5/1996

● Tham luận tại Hội thảo về “tân thư” lần thứ nhất, Hà Nội, 8/7/1996.

------------------------

(1) Chủ yếu căn cứ vào cuốn Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền, Nxb, Văn hóa, Hà Nooiju, 1959, do nhóm Lê Thước - Vũ Đình Liên biên soạn.

(2) Sách đã dẫn, tr. 34.

(3) Sách đã dẫn, tr. 21.

(4) Trần Đình Hượu: Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, Nxb.  ĐH và THCN, Hà Nội, 1988, tr.86.

(5) Xem bài viết: Các thể tài: chức năng, trứ thuật, và sáng tác nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam // "Tạp chí văn học", 1996 (có in trong cuốn sách này).

(6) Câu ca "Người trong một nước phải thương nhau cùng" phải chăng chính là diễn đạt khái niệm "quốc dân"?

(7) Sách đã dẫn, tr.186.

(8) Sách đã dẫn, tr.25.