ĐÔI ĐIỀU BIẾT THÊM VỀ VŨ TRỌNG PHỤNG

 

Từ dăm năm nay, do công việc chuyên môn, tôi có tham gia làm một số cuốn sách tư liệu về Vũ Trọng Phụng, đến nay có cuốn đã được in, có cuốn còn nằm trong bản thảo. Một điều lý thú là có khi sách làm xong in xong thì lại gặp được biết được một vài nguồn tư liệu mới. Đợi để đưa vào một cuốn sách mới thì thấy xa xôi quá, mà những điều được biết thêm, tuy không dám chắc là chính xác hoàn toàn, vẫn muốn sớm thông tin với đồng nghiệp và bạn đọc. Có bài báo này là vì lẽ ấy.

 

Những điều biết thêm nói dưới đây, là rút từ ba người.

Trước tiên là bà Vũ Mỵ Hằng, con ruột duy nhất của nhà văn họ Vũ. Trong xúc tiếp tôi quen gọi bằng chị, nhưng ở đây xin gọi là bà, vì quả thực bà là mẹ của 8 đứa con đều đã trưởng thành, là bà của 6 đứa cháu nội ngoại, tính đến lúc này. Bà gần như không nhớ mặt cha (ông Vũ có con lúc bệnh lao đã khá nặng, thường không dám bế con, chỉ đứng xa nhìn, sợ lây bệnh sang con). Sau khi ông Vũ mất, vợ ông và nhất là mẹ ông cũng cố sức giữ gìn nhiều sách vở, giấy tờ của ông, nhưng rồi về sau, người này người khác hỏi nhiều lần, nể tình đành cho mượn, cứ thế rồi mất dần. Gần đây, nhất là từ khi các tác phẩm của ông được in lại, một số bè bạn cũ, người thân quen cũ đã liên lạc với bà Hằng, cung cấp cho bà những tài liệu hoặc những điều họ còn nhớ về người cha. Bà Hằng đã chỉ cho tôi một số địa chỉ như hai trường hợp sau đây.

 

***

 

Một trong hai người ấy là ông Nguyễn Bá Đạm, một thày giáo đã nghỉ hưu, là người cùng làng Mọc với gia đình bà Vũ Mỹ Lương (vợ ông Vũ Trọng Phụng). Ông Bá Đạm (xin gọi thế, vì dưới đây còn nói đến một cụ cùng tên) gần đây có viết cho một vài tờ báo ở Hà Nội, nhất là ở các mục chuyện cũ Hà Nội. Ông đã công phu tìm hiểu kỹ về nhạc phụ của nhà văn là cụ Cửu Tích và chi họ Vũ ở làng Mọc. Ông nói ông được biết ông Vũ từ khi Vũ thành rể làng; có vài lần gặp nhưng không dám trò chuyện cùng, vì kém Vũ tới 8-9 tuổi. Theo ông nhớ, thời ấy trẻ con trong làng có lệ đón đường các đám nhà trai đến rước dâu; chăng ngang đường một sợi dây bứt từ các bụi dây leo còn tươi khiến đoàn đón dâu phải dừng lại, cho đám trẻ một món tiền nhỏ gọi là "tiền chăng dây", bọn trẻ sẽ bỏ sợi dây để họ đi tiếp đoạn đường vào nhà gái. Riêng đám cưới ông Phụng, vì biết trong đoàn nhà trai sẽ có nhiều nhà văn nhà báo, người lớn đã khuyên bọn trẻ bỏ lệ ấy, lỡ bị hiểu nhầm, bị đưa lên báo, mang tiếng cho làng. Ông Bá Đạm gần đây đã viết bài tả lại đám tang nhà văn họ Vũ, như ông nhớ, vì ông đã dự từ đầu đến cuối (bài đã đăng báo Giáo dục và thời đại, số 28, ra ngày 13/7/1992). Ông đã ghi cho tôi tường tận ngày tháng, lý do các lần chuyển dời mộ nhà văn, do những biến động về sử dụng đất đai ở khu vực Nhân Chính, Thượng Đình. Vốn phục văn tài họ Vũ, lại là người sưu tập nghệ thuật, ông Bá Đạm đã tập hợp được một loạt giấy tờ của Vũ Trọng Phụng (ông bảo ông đã phải đổi một bức tranh đẹp của Bùi Xuân Phái để lấy lại các giấy tờ này). Bà Hằng cho tôi biết, ông Nguyễn Bá Đạm đã hứa khi nào ông trăm tuổi (như cách nói dân gian), ông sẽ tặng lại gia đình bà Hằng tất cả những di vật này. Chính ông Bá Đạm, khi cho tôi xem kỹ từng thứ, cũng xác nhận lại như vậy. (1) Nhân tiện, xin ghi lại các giấy tờ ấy:

1- Giấy khai sinh, làm lúc ông Phụng bắt đầu đi học, 1920, trong đó ghi ngày tháng năm sinh là 20-10-1913.

2- Giấy xin học bổng, làm ngày 12-8-1927, bà Phạm Thị Khách đứng tên, xin cho con trai là Vũ Trọng Phụng suất học bổng trường trung học bảo hộ (Collège du protectorat), có nhận thực của trưởng phố Hàng Bạc và chứng thực của tòa đốc lý Hà Nội.

3- Giấy khám sức khoẻ: ngày 29-3-1929; ghi tuổi ông Phụng là 16; cao 1,61 m,  nặng 48kg; bác sĩ xác nhận sức khoẻ tốt.

4- Thẻ nhà báo, làm năm 1932, Nông công thương báo.

5- Thẻ nhà báo, làm năm 1933, báo Nhật tân.

6- Thẻ thuế thân, năm 1938.

7- Cuốn sổ tay nhỏ, cỡ bao thuốc lá, loại sổ tự đóng lấy bằng giấy học trò kẻ ô ca-rô, trên bìa màu xanh ghi: "Carnet de Reconnaissance"; bên trong, phần đầu là "Sổ biên đồ mừng cưới, ngày 22 tháng Chạp Đinh Sửu - 23 Janvier 1938", tiếp đó là "Danh sách những quý vị cho Vũ Mỵ Hằng (đẻ ngày 4 tháng Chín Mậu Dần)", các trang còn lại ghi các loại địa chỉ, chủ yếu là các hiệu thuốc.

8- Một bản kê "Tiền giúp Vũ Trọng Phụng", đánh máy trên giấy có tiêu đề của nhà in Tân Dân, tên người và tiền giúp: Vũ Đình Long - 50đ; Nguyễn Triệu Luật - 3đ; Nguyễn Đỗ Mục - 1đ; Ngô Văn Triện - 1đ; Ngọc Giao - 2đ; Lan Khai - 3đ; Như Phong - 3đ; Trương Tửu - 2đ; Nguyễn Khánh Đàm - 3đ; Đái Đức Tuấn - 3đ; Lưu Trọng Lư - 3đ; Nguyễn Tuân - 3đ; Phạm Viết Song - 1đ; Thanh Châu - 3đ; Lê Sung (Văn Thanh) - 20đ; Tổng cộng 101đ. Không ghi ngày tháng (nhưng có thể đoán là 1938 hoặc 1939).

 

Ngoài ra, ông Bá Đạm có một bản chụp photocopy (bà Hằng chụp tặng ông một bản) một thẻ căn cước của Vũ Trọng Phụng, làm ngày 22-7-1935, có dấu lăn tay đủ 5 ngón bàn tay phải; không cần nhìn quá kỹ cũng thấy trừ ngón tay cái, cả bốn ngón kia đều in bốn "hoa tay" rành rõ.

 

***

 

Người thứ hai tôi tìm gặp cũng là một nhà giáo lão thành, cụ Nguyễn Văn Đạm, năm nay 82 tuổi, một thời gian nhiều năm trước lúc hưu trí, cụ làm việc ở ban tu thư bộ giáo dục (cũ). Cụ kể:

− Tôi với anh Phụng và anh Vũ Đình Liên cùng học một chỗ với nhau qua khá nhiều lớp, nhiều trường, bắt đầu từ 1921, tức là từ lúc bắt đầu học tiếng Pháp. Đầu tiên là ở trường Hàng Vôi (nay là trường Nguyễn Du), sau là trường Hàng Kèn (chỗ trường Quang Trung bây giờ); cho đến lớp moyen supérieur là ở trường Sinh Từ. Hết bậc tiểu học, 1926, chúng tôi học tiếp, còn anh Phụng thì đi làm…

 

(− Nhưng trong giấy tờ còn lại thấy có đơn xin học bổng trường Bưởi, bà Phạm Thị Khách đứng đơn ấy, có dấu "nhận thực" hẳn hoi? − Tôi hỏi.)

 

− Chuyện ấy tôi không rõ. Luôn thể xin nhắc các anh nghiên cứu: họ và tên bà cụ thân sinh anh Phụng có chỗ lầm lẫn. Tôi nhớ anh có nói với tôi: hình như bà cụ họ Phan, sau giấy tờ làm nhầm, cứ theo thế mà thành Phạm. Tên bà cụ, anh Phụng nói vốn là Khánh, cũng do nhờ người khác viết mỗi khi có việc giấy má, đơn từ, nhầm thành Khách, rồi cũng phải theo như thế mãi. Tôi nhớ khi tôi và anh Liên nộp đơn thi vào trường Bưởi, anh Phụng không thi. Sắp hết hạn, tôi giục, anh mới nói thật: cảnh nhà nghèo, anh phải tìm việc làm. Tôi thấy có người  viết là anh Phụng có thi vào trường sư phạm − chuyện này tôi biết chắc là không có. Khoảng tháng chín hay tháng mười 1926, anh vào làm ở nhà Godard (chỗ Bách hóa tổng hợp bây giờ), nhưng chỉ được vài tháng lại thôi việc ở đấy. Về chuyện này, có người viết giản đơn là anh bị đuổi, còn thêm lý do là anh đem sách báo vào đọc trong giờ làm. Tôi rất muốn các anh đính chính cho. Chỗ nhà Godard, chúng tôi vẫn hay qua lại, vì tàu điện trên Thụy Khuê xuống đỗ ngay bờ hồ đối diện hãng này. Hôm anh quyết định thôi việc, tôi được chứng kiến. Hôm ấy anh là người ra cửa sau cùng, một người Tây đang nói chuyện với anh. "Thế là từ hôm nay ông không trở lại đây nữa?" − "Vâng" − "Nhưng ông có nhẹ dạ mà quyết như thế không đấy?" − "Các ông là người thuê làm, chúng tôi là người làm thuê. Hôm nay các ông cho khám túi từng người lúc ra, vì các ông nghi chúng tôi ăn cắp. Thế thì các ông khinh chúng tôi quá. Tôi không thể đến đây làm được nữa" − "Ông chắc là sẽ sớm tìm được chỗ làm mới?" − "Vâng" − "Tôi mong ông sẽ làm ở nơi mới được lâu!?" − "Tôi cũng sẽ làm đến cái lúc mà người ta làm cái việc như hôm nay các ông làm". Năm ấy anh 16 tuổi, tìm được chỗ làm như ở nhà Godard, lương 15đ một tháng là khó. Thế mà anh bỏ. Bỏ chứ không phải bị đuổi việc. Sau đó mới đến chỗ nhà in Viễn Đông (IDEO). Nhưng rồi anh cũng thôi, chuyển hẳn sang viết báo… Tôi sở dĩ nhớ chuyện trên là vì những câu nói, cách nói rất khó quên của anh Phụng. Cả những khi anh nói dí dỏm nữa. Hồi ấy ở căn nhà ba tầng phố Hàng Bạc, anh Phụng có lập ra tờ báo Nông công thương bằng tiền của ông Phạm Chân Hưng (bố đẻ anh Phạm Huy Thông). Trong số mấy người sáng lập báo có Thượng Sỹ. Ông này có nhược điểm là khi nói chuyện cứ hay kể công. Một lần ông bảo Phụng: Tờ báo đã làm đủ thứ việc rồi, chỉ có một việc chưa làm là ghi công tôi! − Phụng bảo: Vâng, tôi biết anh đóng góp nhiều cho tờ báo này, một ngày kia chúng tôi sẽ ghi lại. − Ghi ở đâu? − Ghi lại trên mặt nước!

 

Năm 1933, tôi vào Nam, xuống Cần Thơ dạy học; anh Liên anh Phụng vẫn ở ngoài Bắc. Do xa cách nên mới có thư từ với nhau. Tôi cũng có mời anh Phụng vào chơi với chúng tôi. Năm 1935, anh vào đang ở chơi thì có điện gọi ra, anh ra rồi lại vào. Chúng tôi đưa anh đi thăm đảo Phú Quốc, đảo Hòn Cau (ở phía tây đảo Phú Quốc, trong Vịnh Xiêm). Chỗ này lại xin các anh đính chính cho một nhận định của ai đó, bảo rằng anh Phụng tả chuyện bắt vích là thuần tưởng tượng, hoặc nhiều lắm là do nghe ông Trần Huy Liệu kể lại. Ở đảo Hòn Cau, chúng tôi và anh có đi xem bắt vích, không phải những người tù đi bắt vích mà là thường dân, họ làm nghề của họ. Chúng tôi cũng đi Hà Tiên. Anh Phụng có gặp Đông Hồ ở đấy. Những năm ấy Linh phượng ký của ông và Giọt lệ thu của bà Tương Phố đang được ngưỡng mộ. Anh Phụng cũng có vẻ thích. Nhà Đông Hồ hồi ấy nghèo, chúng tôi đến thăm rồi ra nghỉ lại qua đêm ở nhà trọ ngoài thị xã Hà Tiên. Sang năm 1936, anh Phụng còn vào với chúng tôi, không nhớ mấy lần, chắc chắn là hơn một lần. Cần Thơ với Sài Gòn tuy xa, nhưng xe cộ hồi đó cũng thuận, nên anh Phụng đã có dịp biết khá kỹ Sài Gòn.

 

Những dịp anh vào chơi, ngoài chuyện đưa anh đi thăm viếng các nơi, chúng tôi thường cùng anh trò chuyện về văn chương, về các vấn đề đời sống. Tôi dạy các môn tự nhiên, thích đọc văn nhưng không thạo nhận xét kỹ. Vợ tôi khi đó tuy làm nghề y, nhưng cũng đang tập viết thử, có cộng tác với tờ Phụ nữ tân văn. Mắc trực đêm thì ban ngày được ở nhà, vợ tôi có nhiều dịp hỏi anh, nghe anh nói về các khía cạnh của văn học và nghề văn. Nhà tôi làm về chuyên khoa phụ sản, đã có lần đưa anh tới thăm bệnh viện và nói với anh khá nhiều về chuyên khoa này; những điều ấy, tôi cho là đã giúp ích cho anh, khi viết những trang không dễ viết của các cuốn Làm đĩ, Lục sì. Trong những thư từ trao đổi từ Bắc vào Nam, anh cũng thường nói đến các vấn đề của văn chương, của nghề văn. Ngoài ra anh còn rất cần nhờ chúng tôi mua sách giúp. Anh đọc rất nhiều sách tiếng Pháp. Tôi nhớ là đi đâu anh cũng đem theo hai quyển Hán-Việt tự điển của Đào Duy Anh, đến nỗi tôi phải trách anh nhọc sức mang sách vào theo, vì trong ấy cũng có.

 

Những ý kiến anh nói hoặc viết trong thư, nhà tôi thường ghi lại trong nhật ký gia đình. Tôi nhớ có những đoạn anh nói về quan niệm hạnh phúc, nhận xét về tôn giáo của người Việt, về phóng sự và tiểu thuyết… Ngay từ hồi ấy, nhà tôi đã ghi lại vào nhật ký gia đình, trong số "những việc cần làm": Làm rõ hai điểm về anh Phụng: "Về con người − Vũ Trọng Phụng giàu tình cảm. Về prose abstraite (văn xuôi trừu tượng) qua các thư từ và (nếu có thể) qua các phóng sự và tiểu thuyết".

 

… Có một cuộc đối đáp bằng Pháp văn ở ngoài phố của anh Phụng, còn ấn tượng đến nỗi nhà tôi hôm ấy đã ngồi vào bàn ăn, trước khi cầm đũa, còn cố nhớ và ghi ngay, ghi xong đưa anh Phụng đọc lại, rồi mới vào bữa. Chuyện thế này. Hôm ấy Quốc khánh Pháp. Vợ chồng tôi và anh Phụng đi bộ, đến một ngã tư đường Catinat, Sài Gòn, thì đường bị chắn, sắp có một cuộc duyệt binh đi qua. Ba người tìm được chỗ đứng xem rõ. Bỗng có hai người Pháp len vào đứng trước mặt. Anh Phụng phản đối hành vi đó, nhất là đối với một phụ nữ:

Respectez. Messieurs, le droit des gens. Nous nous sommes tenus ici bien avant vous, or la terre est au premier occupant (Thưa các ông, xin các ông hãy tôn trọng quyền của mọi người. Chúng tôi đứng đây đã lâu trước các ông, mà mặt đất thuộc quyền sở hữu của người đến đầu tiên).

Một trong hai người Pháp nói:

Si nous prenons place ici, c' est que la priorité du spectacle qui va s' offrir doit être réservée aux Franҫais. N'est-ce pas là une raison? (Chúng tôi đứng đây là vì ưu tiên của cảnh  (duyệt binh) sắp diễn ra ở đây phải được dành cho người Pháp. Chẳng phải là một lý do đó sao?)

− C'en est une, j' en couviens, et c' est raison du plus fort (Đó là một lý do, tôi công nhận, và là lý của kẻ mạnh).

Người Pháp kia đáp:

Rassurez-vous, la France est le pays des grandes idées démocratiques (Xin ông yên tâm, Pháp là đất nước của những tư tưởng dân chủ vĩ đại).

Anh Phụng bảo ông ta:

C' est vrai. C' est aussi celui de la civilité et la politesse franҫaise fait honneur a ceux qui conduisent suivant ses regles. Je dirai avec vous que c' est surtout le pays des grandes idées démocratiques, mais le peuple de France s'attriste d' avoir parfois des enfants qui savent le empêcher de franchir vos frontières (Đúng vậy, Pháp cũng là đất nước của lịch sự và lễ phép của Pháp mang lại vinh dự cho những ai cư xử theo những qui tắc của nó. Nhất là tôi đồng ý với các ông rằng đó là đất nước của những tư tưởng dân chủ vĩ đại, nhưng dân Pháp phải lấy làm buồn vì đôi khi đã sinh ra những người con biết ngăn cản không cho các tư tưởng đó vượt qua biên giới của các ông).

***

 

Dưới đây là ba bức thư mà cụ Đạm nói là của Vũ Trọng Phụng gửi cho gia đình cụ, do chính cụ chép ra gửi cho bà Vũ Mỵ Hằng, đồng thời cho phép tôi công bố.

 

***

TRÍCH THƯ VŨ TRỌNG PHỤNG VIẾT THÁNG XII-1936

[Quan niệm về hạnh phúc]

Thân gửi anh chị Đạm,

Tôi muốn trở lại vấn đề hạnh phúc của con người mà khi tôi ở chơi trong nam, chị Khuê và tôi đã nhiều lần nêu lên. Tôi suy nghĩ chưa sâu nhưng hôm nay đã có thể tạm gửi anh chị một vài ý.

 

Các tác giả từ điền chắc chỉ định nghĩa được hạnh phúc một cách chung chung; theo tôi, muốn nói được hạnh phúc là gì ta phải căn cứ vào hoàn cảnh riêng của từng người. Về phần tôi, tôi được hưởng hạnh phúc trước khi biết cái gì làm nên hạnh phúc. Tôi ra đời chưa được bao lâu thì mất cha, nhưng mẹ tôi đã nuôi nấng và dạy dỗ tôi như sau này lớn lên tôi còn nhớ lại và bà tôi thường kể với tất cả tấm lòng mà một người mẹ có thể dành cho con mà không vì đó để sơ suất một điều gì trong việc phụng dưỡng bà tôi. Chia sẻ mọi tình cảm tốt đẹp của mình cho bà tôi và tôi, mẹ tôi vẫn giữ được ở bà tôi cũng như trong tôi lòng thương yêu nguyên vẹn không chia.

 

Gia sản chúng tôi không có một chút gì đáng kể, nhưng không những không bao giờ chúng tôi phàn nàn cảnh sống nghèo mà chúng tôi còn sống trong hạnh phúc.

 

Người ta thường lầm tưởng về hạnh phúc và điều thiện, nhiều khi người ta cho rằng nền tảng của hạnh phúc là vàng, là tiền, là các dinh cơ, là ruộng sâu trâu nái, v.v… Tôi cho rằng hạnh phúc và đạo đức nảy sinh chủ yếu từ thiện cảm giữa những con người với nhau, từ những thiện ý của người này đối với người khác. Hạnh phúc và đạo đức trong gia đình và trong xã hội đều xuất phát từ lòng người; hạnh phúc và đạo đức lên đến mức độ lý tưởng nếu mỗi người thực hiện được những lời kêu gọi mà từ gần hai nghìn năm nay người ta vẫn nhắc lại nhưng chưa làm được là bao: "Ta hãy thương yêu lẫn nhau" "Ta phải ái nhân như ái kỷ" "Ta phải lấy cái hay mà đáp lại cái dở, lấy điều thiện mà đối phó với điều ác". Hạnh phúc và đạo đức (tôi muốn nói đến hạnh phúc và đạo đức thực sự) không xuất phát từ kỹ thuật xây nhà năm chục tầng, làm thịt lợn hàng loạt với tốc độ 16 phút mỗi con, ghi âm nhạc vào đĩa, "âm nhạc đóng hộp"… Hạnh phúc, đạo đức thực sự nâng cao được phẩm giá chúng ta, có những cội rễ trong những tình cảm cao đẹp của con người; nếu nó không xuất phát từ lòng người thì nó không thể có nguồn gốc nào khác.

 

***

 

TRÍCH THƯ VŨ TRỌNG PHỤNG VIẾT 31-XII-1935

[Quan niệm về phóng sự và tiểu thuyết]

Mùa hạ vừa qua chị có hỏi tôi những ý kiến của tôi về thể phóng sự, tôi vẫn tiếp tục viết tiểu thuyết? Nguyên nhân nào dẫn tôi đến phóng sự? Và tôi nhằm những đối tượng nào?

 

Hôm ấy ta vội đi Hà Tiên rồi mải chơi quên đi nên đến tận hôm nay tôi mới trả lời.

Tiểu thuyết và phóng sự là hai thể văn gần nhau. Phóng sự là một thiên truyện kể với cơ sở là những điều mà nhà báo đã từng mắt thấy tai nghe, trừ phi là một thiên "phóng sự trong buồng", nhà báo nghe người ta kể lại cái mà mình chưa biết bằng tai và bằng mắt. Tôi hết sức tránh cái kiểu viết phóng sự như vậy.

 

Người viết tiểu thuyết "trình bày" các sự việc thu nhận được có thể từ phóng sự và cho các sự việc tác động vào nhau đến thành một "nút" để rồi đến phần cuối tác phẩm "cởi" cái nút ấy ra sao cho tiểu thuyết là một chỉnh thể, kết quả của một công cuộc sáng tạo. Cho đến nay tôi vẫn đi con đường viết tiểu thuyết như vậy. Tôi có tưởng tượng chăng thì chỉ là trong việc sắp xếp các chi tiết, còn các sự việc thì đều đã diễn ra giữa bạch nhật, dưới thanh thiên. Mỗi cuốn tiểu thuyết, theo tôi quan niệm, là một bản mô tả hay một thiên phóng sự thuật lại những sự việc mà những nhân vật này nọ gây ra hay phải chịu đựng và bao hàm một ý (mà tôi tạm gọi là một đề). Hiện nay tôi đang đọc lại bản thảo một quyển tiểu thuyết mà đề là con người hư hỏng vì đồng tiền kiếm được đột ngột, nhanh và quá dễ dàng; mặt khác tôi cũng đã đặt dưới tên Cạm bẫy người dòng sous-titre "phóng sự tiểu thuyết".

 

Nguyên nhân nào đã dẫn tôi đến thể phóng sự? Năm tôi 21 tuổi thể hiện trong tôi một ý nghĩ ngày một rõ nét hơn qua một thời gian dài: con người thường ngại nhìn vào những nỗi đau của người khác và luôn luôn muốn gạt bỏ ra khỏi trí nhớ của mình những kỷ niệm buồn như, ở tôi, những hình ảnh thời kỳ thơ ấu. Tôi đã mang lấy nghiệp văn chương và càng trưởng thành tôi càng cảm thấy trong xã hội nhiều nỗi đau dằn vặt con người trong thể xác và trong tâm hồn. Cái hố ngăn cách người giàu và người nghèo ngày càng rộng và sâu, tà áo lụa của cô tiểu thư vẫn nguyền rủa những làn gió làm cho nó nhiễm bẩn khi thổi cho nó quệt phải cái váy đụp của bà lão nhà quê, các bàn tiệc vẫn phủ quá kỹ càng thảm cảnh đói nghèo triền miền. Tôi cũng đã được tin nhà diêm Hà Nội dự định tuyển vào làm những trẻ em đang lớn lên, tự mình vì thiếu ăn thiếu mặc mà xin được giam vào trước những cỗ máy để bản thân mình cũng biến thành những cỗ máy lặp lại mỗi ngày hàng chục ngàn lần một cử động, những kẻ vô tội xin được nhốt trong đề lao, "những thiên thần trong địa ngục" như người phương tây thường nói. Ở ngoài bắc tình trạng này còn trầm trọng hơn trong nam.

 

Văn chương chỉ là một món tiêu khiển nếu nó than mây khóc gió. Tôi quan niệm văn chương là một phương tiện tranh đấu của những người cầm bút muốn loại khỏi xã hội con người những nỗi bất công, nhen lên trong lòng người  nỗi xót thương đối với kẻ bị chà đạp lên nhân phẩm, kẻ yếu, kẻ bị đầy đọa vào cảnh ngu tối, bị bóc lột, mỗi ngày kiếm ra đủ ăn bữa tối để nhịn sáng hôm sau. Tôi sẽ cố gắng nhìn vào những nỗi đau khổ của xã hội, may ra tìm được những phương thuốc khiến những cái ung đó có thể hàn miệng, lên da.

 

Tôi có ghi được câu sau đây của một nhà hiền triết thời nay: "Cuộc sống của chúng ta có thể ví được với một ngọn lửa. Muốn cháy sáng, cháy to, ngọn lửa phải cháy lan ra. Cuộc sống của con người chỉ thực có ý nghĩa khi ta phá vỡ cái vỏ cá nhân để sống cả vì người khác". Mỗi khi cầm bút tôi lại tự nhắc nhủ tôi làm theo lời răn cao thượng ấy.

 

Tôi đã nhận được của anh chị gửi cho hai tập phóng sự Terre d'ébèneLe chemin de Buenos-Aires của Albert Londres. Nếu mua được ở Sài Gòn anh chị gửi cho tôi quyển La Traite des Blanches cũng của tác giả ấy. Tôi đã nhận được tập phóng sự À l'ombere de la Croix gammée của Xavier de Hautecloque, tôi đọc được mươi trang rồi bỏ vì tôi cũng chẳng muốn biết gì về những dự định chiến tranh của Hitler…

 

[ Chú thích của cụ Đạm:

− Albert Londres: Nhà báo Pháp có tài, bị chết trên chiếc tàu biển bị đốt cháy ở Hồng Hải trên đường từ Thượng Hải về Pháp.

Terre d' ébrène (Xứ gỗ mun); Le Chemin de Buenos-Aires (Đường đi Buenos-Aires) − hai phóng sự về việc buôn bán nô lệ da đen ở Nam Mỹ.

La traite des Blanches (Việc buôn bán phụ nữ da trắng) phóng sự về việc buôn bán phụ nữ Âu châu sang Nam Mỹ làm gái điếm.

À l'ombre de la Croix gammée (Dưới bóng chữ thập ngoặc).]

***

 

TRÍCH THƯ VŨ TRỌNG PHỤNG VIẾT THÁNG 10-1936

 

X. 36

Bạn Đ. và bạn Kh. rất thân,

Chị Khuê hỏi tôi về hoàn cảnh đã dẫn tôi vào nghề phóng sự. Chưa trả lời được cho mọi cuộc điều tra mà tôi đã tiến hành, tôi hãy gửi cho anh chị hồi âm riêng cho Cơm thầy cơm cô.

 

Đã một dạo chúng tôi ở tầng gác một căn nhà mà ông giáo Toàn thuê tầng dưới cho gia đình ông, hai vợ chồng, bốn cháu nhỏ lắt nhắt như nhau và một bà cụ hồi ấy hơn sáu mươi.

 

Bà săn sóc, bế bồng thằng cu Đông, cháu bé nhất, lúc đó mới được mười tháng, không kém gì những năm trước, còn có sức hơn, bà nuôi nấng hai chị nó và anh nó. Lần nào thấy thằng cu Đông mỗi ngày lại mập mạp hơn, cũng như hai chị nó và anh nó sạch sẽ, nói năng đúng lễ phép hơn… tôi lại có ý nghĩ: các cháu được chăm nom dạy dỗ như thế thảo nào chẳng khoẻ mạnh, sáng dạ, ngoan ngoãn; thật may cho các cháu là còn có bà.

 

Nhưng không. Ông giáo Toàn kể cho tôi tâm sự của ông. "Chúng tôi bao giờ cũng coi bà cụ Mía như mẹ. Trước kia, mẹ đẻ tôi, để rảnh tay đi buôn bán, đã mướn bà vào trông nom tôi. Dù trí nhớ của tôi có lùi sâu đến thời kỳ nào trong dĩ vãng tôi vẫn thấy hình ảnh bà trong buổi thơ ấu và lúc thiếu thời của tôi. Theo lời mẹ tôi kể lại, tôi được biết rằng bà nâng niu tôi trong khi chờ đợi lập gia đình để rồi âu yếm những đứa trẻ mà chính bà sinh ra. Tiếc thay, mọi việc gia thất đều không thành, bà buộc phải rẽ một bước ngoặt; bà lấy hạnh phúc của chúng tôi làm niềm vui của bà, bà khóc những nỗi đau khổ của chúng tôi và không cầm được nước mắt khi mẹ tôi nằm xuống, thầy tôi qua đời".

 

Từ ngày ấy tôi để tâm nhìn vào cuộc sống của con người đã được số phận chỉ giành cho những thiệt thòi, thậm chí những đau thương một đôi khi.

 

Bà còn vui vẻ được chút nào có chăng là vì các cháu còn bé, còn quấn quýt bà, nhưng rồi lớn lên, tình cảm phai nhạt dần, các cháu chỉ coi bà như cái ghế, cái bàn, cần cho chúng nó khi nó ngồi vào đấy làm bài hay ăn cơm, nhưng lại cồng kềnh, chiếm mất chỗ nó đá cầu, đánh bi; có chăng là vì mỗi năm vài lần, những dịp tết nhất, bà đỡ từ tay ông Toàn bà Toàn một bộ quần áo mới, chẳng đáng bao nhiêu, nhưng bà coi là rất quý nên bà gập lại, trân trọng cất đi để lúc bà buông xuôi hai tay người ta mặc cho bà; là vì bà yên trí được thở hơi cuối cùng ở nơi đây, giữa những người mà suốt cuộc sống cô đơn trong cảnh tứ cố vô thân bà coi là những người ruột thịt.

 

Bà Mía thuộc loại người mà ta gọi với một giọng khinh miệt bằng cái tên "người ở". Đó là những trẻ em hoặc những thiếu niên đáng lý phải đi học thì lại vì thiếu ăn mà phải phiêu lưu từ  thôn quê ra thành thị để hầu hạ kẻ cùng tuổi cho học hành tốt hơn, hoạ may cơn đói của mình có dịu được. Đó là những thiếu nữ ra đất Hà Thành với ý muốn làm ăn lương thiện nhưng bị những mưu mô xảo quyệt dẫn bước vào những nơi sa ngã khiến họ chỉ còn biết nuôi miệng bằng cách bán thân. Đó là những người mẹ mà gia cảnh nheo nhóc thúc giục phải gạt nước mắt trao con mới lọt lòng cho mẹ già nuôi bằng cơm mớm và mang ra Hà-nội bầu sữa mà mỗi giọt là một giọt vàng để nuôi con những phu nhân muốn giữ cho bộ ngực cao được lâu, cho nhan sắc được bền, dáng đi mãi mãi kiều diễm.

 

Bà Mía là một trường hợp đặc biệt. Nếu mọi người đi ở đều được đối xử như bà cụ này thì những cuộc điều tra mà lúc ấy tôi dự định làm chưa phải là cần. Tiếc thay, mọi ca khác đều trái ngược ca này.

 

Tôi kêu gọi bằng một thiên phóng sự lòng nhân ái của các ông chủ bà chủ, để những người hầu hạ kẻ có tiền may ra được đối xử một cách dịu dàng hơn; lòng thương xót con người ở những hội các nhà từ thiện lập nên để cưu mang những ai (nói rộng ra, không riêng gì người đi ở) phải chịu thiếu thốn đến cả những cái mà  khi thiếu sẽ biến chuyển những tình cảm của con người thành bản năng của con vật; tình nhân ái của những đoàn thể tranh đấu để co hẹp lại một phần nào khoảng cách giữa những kẻ phải chịu rét và những kẻ thừa mặc, giữa kẻ chết đói và kẻ chét no…, tóm lại để từng bước đưa xã hội ta nhích lại mỗi ngày một gần hơn cái thế quân bình về tài sản mà ai cũng biết là không bao giờ một xã hội nào đạt tới. Để tranh đấu vì mục đích này, tôi mong có nhiều nhà báo cùng làm phóng sự với tôi, về những loại người khác.

 

Chị Khuê có thể thấy một số chi tiết trong Cơm thầy cơm cô không phù hợp với những dự định trên đây; đó là do những duyên cớ mà tôi sẽ trình bày trong một thư sau.

 

Anh chị có sách gì gửi ra cho tôi không? Chắc chị Khuê đã nghiền ngẫm xong Solitudes của Edouard Estaunié. Tôi ao ước được đọc Le Disciple của Paul Bourget trong đó tác giả nêu lên trách nhiệm của nhà văn, nhà tư tưởng, trước thế hệ mà mình góp phần đào tạo tâm hồn và hun đúc nên đời sống đạo lý. Một quyển Anthologie trích từ bài tựa Le Disciple câu: "Si un jeune homme est poussé au crime par l'influence d' une doctrine dangereuse ou mal comprise, quelle sara dand son crime la part du maitre don’t il a suivi lesҫons?"

Thư đã dài rồi, tôi chỉ còn cần nhắc quý vị gửi ngảy a bắc cho tôi tin tức và tình bạn.

[Chú thích của cụ Đạm:

Solitudes (Những cảnh cô đơn), − tập truyện ngắn của nhà văn Pháp Edouard Estaunié (1862-1942).

Le Disciple (Đệ tử) (1889), tiểu thuyết của nhà văn Pháp Paul Bourget (1852-1935).

Anthologie − tuyển tập.

− Câu tiếng Pháp trong thư, tạm dịch: "Nếu một thanh niên bị đẩy vào tội lỗi do chịu ảnh hưởng của một học thuyết nguy hiểm hoặc bị hiểu sai, thì trong tội lỗi đó đâu là phần của ông thầy mà anh ta đã theo học?"]

 

***

 

… Cụ Nguyễn Văn Đạm trở ra Bắc từ 1940, từ đó không có dịp vào Nam. Sau 1954 cụ làm việc ở Ban Tu thư Bộ Giáo dục; còn người vợ và con gái cụ thì từ lâu đã sang Pháp. Biết ông Phụng đã mất từ lâu nhưng chỉ cách đây 2 năm cụ mới liên lạc được với bà Vũ Mỵ Hằng, con gái nhà văn. Cụ Đạm có ý tìm lại các bức thư cũ của ông Vũ gửi gia đình cụ dạo ở Cần Thơ, nhưng các bức thư và sổ ghi của gia đình, nếu còn cũng đã ở Pháp. Năm ngoái, nhân chị Tâm, con gái cụ từ Pháp về thăm cha, cụ Đạm đã lưu ý chị Tâm tìm lại ở chỗ bà mẹ. Kết quả của công việc này là nội dung một số trang thư mà cụ Đạm chép ra, có ghi chú, gửi dần dần cho bà Hằng. Tôi do được đọc một vài đoạn thư cũ ấy, thấy ở đây cả một đầu mối tài liệu hình như chưa mấy ai tìm ra, bèn vội đến cụ Đạm. Cụ cũng đang muốn làm hết những gì có thể làm. Chỉ hiềm tuổi già sức yếu, mỗi ngày cụ chỉ làm việc được khoảng một giờ. Tôi bèn xin công bố mấy đoạn thư mà cụ Đạm đã trích ra và ghi chú cẩn thận.

 

Chúng tôi cũng muốn biết đôi nét về cụ bà Đồng Thị Bích Khuê, người mà theo cụ Đạm kể, thì đã nói chuyện nhiều với nhà văn họ Vũ; cũng chính cụ bà là người đã lưu giữ các ý kiến nói miệng hoặc viết trong thư riêng từ cách nay gần 60 năm của nhà văn. Cụ Đạm cho biết thời ấy cụ chỉ biết là cụ bà có cộng tác với Phụ nữ tân văn, nay bảo con gái hỏi lại mẹ đã đăng những gì, ký bút danh nào để dễ bề tìm lại, thì chỉ nhận được câu trả lời: "Ấy là những áng văn chương không có ngày hôm sau", vậy thôi. Đối với văn mình thì nhà phẫu thuật phụ khoa (nghề của cụ, hiện cụ đã nghỉ hưu) khắt khe là vậy, mà đối với văn chương của người bạn cũ, cụ hết lòng quý trọng và giữ gìn.

 

Được giới thiệu những trang tư liệu này (dù buộc phải coi như là còn "tồn nghi") đến đồng nghiệp nghiên cứu và bạn đọc, tôi xin cảm tạ gia đình cụ Nguyễn Văn Đạm, cụ bà Đồng Thị Bích Khuê và bà Tâm, con của hai cụ. Hẳn các đồng nghiệp và bạn đọc cũng như tôi, đều mong gia đình các cụ tiếp tục khai thác các trang ghi chép để cho chúng ta thêm các phần tài liệu khác, ở mức độ có thể.(2)  

 Tháng Ba 1993

 

(1) Trong dịp khánh thành Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng (làng Nhân Chính, huyện Từ Liêm, Hà Nội) tháng 10-1995, ông Nguyễn Bá Đạm đã trao lại các kỷ vật này cho bà Vũ Mị Hằng để lưu giữ tại Nhà Lưu Niệm.

(2) Bài viết này,  một phần đã đăng tuần báo Văn nghệ (Hà Nội, số 19, ra ngày 8-5-1993), một phần đã đăng tạp chí Kiến thức ngày nay (TP. HCM, 1994). Một số nhà văn, nhà nghiên cứu đọc các bài báo trên có cho tôi biết là họ nghi ngờ một loạt chi tiết, ví dụ sự kiện Vũ Trọng Phụng từng đến Sài Gòn, từng thăm Phú Quốc, Hòn Cau, kể cả 3 đoạn thư của V.T.P. nêu trên do cụ Nguyễn Văn Đạm cung cấp. Về những điểm đó, chính tôi, người ghi lời kể và chép lại mấy đoạn thư nêu trên cũng không dám hoàn toàn tin hay không tin. Tuy nói là rút các sự việc từ sổ tay ghi chép cũ, nhưng cụ Đạm không cho ai xem các cuốn sổ đó.

Tuy nhiên, xúc tiếp với cụ Nguyễn Văn Đạm, tôi nhận thấy cụ vẫn minh mẫn tuy tuổi già sức yếu. Cụ có cho tôi xem bản thảo cuốn Từ điển tường giải tiếng Việt dày hơn ngàn trang cụ soạn từ khi nghỉ hưu; tập bản thảo đó đã được một số bạn làm xuất bản tiếp nhận, tìm người bổ sung và hiệu đính. Nhưng cho đến khi cụ mất (giữa năm 1996), vẫn chưa được xuất bản. Đến 1999, sách mới được in lần đầu, 2004 in lại lần thứ hai (Từ điển tường giải và liên tưởng tiếng Việt / Nguyễn Văn ĐạmNxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 958 tr. 25cm).  

Vậy, đối với những điều do cụ Nguyễn Văn Đạm cung cấp nêu trên, có lẽ cả người đọc lẫn các nhà nghiên cứu từ nay về sau chỉ nên xem như những “hồi ức” tưởng tượng, những tình tiết mang tính giai thoại xung quanh một nhà văn thôi chăng?