KHÍ CHẤT NGƯỜI MIỀN TRUNG VÀ NHÀ THƠ HÀN MẶC TỬ

 

 

Khi nói đến một tài năng thơ xuất chúng, cũng như một tài năng nghệ thuật hay khoa học, ta sẽ khó tránh khỏi sai lầm nếu không xác định tính đơn nhất, độc đáo, xuất chúng của cá nhân, bộc lộ cả ở khí chất, năng lực, cả  ở con đường sáng tạo và kết quả sáng tạo của họ.

 

Đây có lẽ cũng là điểm phân biệt những tài năng trong hoạt động văn hóa với những tài năng trong các lĩnh vực hoạt động xã hội tất yếu khác, ví dụ lĩnh vực hoạt động xã hội-chính trị: người ta thường viện đến quyết định luận xã hội-lịch sử để bảo rằng vào một thời điểm nhất định cần xuất hiện một thiên tài quân sự hay chính trị thì một thiên tài như thế tất yếu sẽ xuất hiện, nếu không là tên tuổi này thì sẽ là một tên tuổi khác; chúng ta không có lý lẽ gì hơn để bác bỏ cái quyết định luận ấy cùng hệ quả của nó. Và đấy là đặc điểm của quá trình xã hội-lịch sử.

 

Còn đối với quá trình phát triển văn hóa? Nó có điểm chúng với quá trình xã hội lịch sử chung nhưng hẳn còn có thêm những "điều kiện" gì đó nữa. Ít nhất là cần có những tài năng xuất chúng, mà những tài năng này thì không nhất thiết phải tất yếu nảy nở đúng mùa: người ta chẳng đã bảo rằng khối gì mùa hoa không có ong làm mật, để phôi pha đi biết mấy phấn hương đó sao? Và tôi muốn tin rằng trong những lời lẽ ấy không phải chỉ có hình tượng biểu cảm mà còn có những lý lẽ xác đáng nào đó nữa kia.

 

Tóm lại là không thể không đặt lên hàng đầu vai trò của cá nhân sáng tạo xuất chúng trong quá trình văn hóa. Thế nhưng điều tôi muốn nói ở đây lại là một nhân tố phụ, ít quan trọng. Tôi muốn nói đến một cái gì tựa như là "tố chất vùng", là chất người ở một vùng lãnh thổ cũng có thể bổ sung vào và làm thêm đường nét cụ thể trên diện mạo một nhân cách sáng tạo. Và vì bàn về Hàn Mặc Tử, nên cần nói đến cái tạm gọi là "khí chất người miền Trung".

 

Tôi chưa đặt chân đến miền Trung (nói rõ hơn là miền nam Trung Bộ), đến xứ Quảng, tôi không có điều kiện để tiếp cận như một nhà dân tộc học, một nhà địa lý học, một nhà y sinh học di truyền, cho nên, cái tôi gọi là "khí chất" thật ra cũng chỉ là những nhân tố địa lý xã hội do quan sát thông thường mà thấy. Ấy là chưa nói rằng tôi sẽ đề cập một cách ít nhiều ngẫu hứng hơn là một cách khoa học. Thế có nghĩa là, ai không chia sẻ sự suy nghĩ của tôi, người ấy có thể dễ dàng phản bác và tôi thậm chí cũng sẽ không nghĩ đến chuyện tự vệ hay 'bảo lưu" nào hết.

 

Người Việt miền Trung đương nhiên cũng là người Việt, cùng huyết thống với cư dân ở đồng bằng sông Hồng, cùng ký ức văn hóa-lịch sử với cộng đồng người Việt nói chung. Có điều, cái làm nên những khác biệt (những cái sẽ là đặc điểm) là ở tính chất ít nhiều riêng biệt của những nhóm người thiên di dần về phía Nam, là ở những gì ít nhiều riêng biệt sẽ được tạo nên và tích luỹ dần dần trong họ, do cuộc sống lịch sử, thế hệ nọ tiếp thế hệ kia, ở một vùng đất mới, − cái khắc nghiệt mới mẻ của thiên nhiên, những va chạm và xúc tiếp mới mẻ với các chủng tộc bản địa, ấy là chưa nói đến sự bảo lưu ở họ những đặc tính văn hóa từ nơi xuất phát − nó rơi rụng không ít nhưng lại cũng bảo lưu lâu, thậm chí lâu hơn nơi xuất phát, những đặc tính ấy. Đấy là những điều suy luận.

 

Điều dễ đập vào mắt ta là những cảm nhận thực tế. Bằng thực tế, ta có cảm tưởng người Việt miền Trung khắc nghiệt, riết róng, quyết liệt, táo bạo, cực đoan hơn hẳn ví dụ so với người đồng bằng sông Hồng. Nông dân hay thị dân Bắc Kỳ không thể đọ được với họ về mức độ thái quá: cả mức độ chịu đựng cơ cực lẫn mức độ hưởng thụ; thế nhưng giữa đám "anh hai" Nam Kỳ tiêu sài xả láng dường như mức độ tham vọng cũng khó tìm những "điển hình" bán trời không văn tự hơn so với miền Trung! Cái đáng lưu ý là ở họ có một mức độ quyết liệt, gay gắt đến mức khó chấp nhận trong các trạng thái.

 

Nếu có thể đọc ra những tố chất chung của tâm hồn người Việt qua những môn nghệ thuật cổ truyền như chèotuồng, thì luôn thể, cũng có thể đọc ra cái "tố chất vùng" của người Việt ở đó. Một nhà viết kịch lão thành bảo tôi: trong cả 200 tích chèo cổ, khó có thể tìm ra những vai để có thể gọi là vai anh hùng (trong khi lúc nào cũng sẵn những vai hề nổi bật); nhưng trong bất cứ tích tuồng nào ít ra cũng có một vài vai anh hùng nghĩa hiệp. Đào kép của chèo thường diễn trò với dải lụa, chiếc quạt, quá lắm là chiếc roi của vị gia trưởng, nhưng không thể hình dung các vai tuồng nếu thiếu gươm đao, côn kiếm. Các tích chèo thường chỉ là chuyện hương thôn, ít khi có một sân rồng, ít khi xuất hiện vua chúa, tướng sĩ, trong khi các tích tuồng đầy rẫy những quân binh, dũng tướng, đầy rẫy những chuyện thoán đoạt, phản loạn, những mưu mô và xung đột kịch liệt. Ở chèo truyền thống không thể thấy những cuộc chính biến, những đảo lộn cách mạng, trong khi tuồng truyền thống bao giờ cũng là diễn trường của các cuộc tranh đoạt quân sự chính trị. Kịch hát, với chèo là những thanh âm nhẹ nhàng, đằm thắm, trong trẻo, là ngữ âm của vùng ngoài khoang miệng người ca; kịch hát với tuồng lại là những thanh âm ở âm vực cao, là tiếng thét tiếng gào quyết liệt, đòi hỏi huy động âm thanh của vùng cuống họng người hát. Không thể tìm thấy trong chèo cái nổ vỡ bức bách, cái sôi máu quyết liệt như trong tuồng. Phải chăng có thể đọc ra ở tuồng (truyền thống) cả một loạt đặc điểm của khí chất người Việt miền Trung? Tôi ngờ là như vậy.

 

Có lẽ không cần tranh cãi gì về một điều: cùng dùng chung một tiếng Việt, nhưng mỗi vùng lại đem vào tiếng Việt một sắc thái riêng, không chỉ về ngữ âm, mà cả từ vựng, ngữ pháp. Nếu tiếng Việt ở cái nôi đồng bằng sông Hồng có thể được coi là thứ tiếng Việt sáng, thì tiếng Việt miền Trung có sắc thái tốiđục, hoang dã. Không phải tốiđục ở đây là nhược điểm, ngược lại nó sẽ phát huy lợi thế của nó trong sự khai thác của các nhà thơ. Với những người sinh trưởng ở đồng bằng sông Hồng, ta dễ nhận ra cái sáng, cái , cái mềm mại, cái khuôn phép trong ngôn ngữ thơ ví dụ ngay của Nguyễn Bính hay Trần Huyền Trân. Bản ngữ vùng sẽ hầu như không bao giờ cho phép họ dùng chữ có màu sắc miền Trung như Hàn Mặc Tử:

 

− Hỏi chơ mấy tuổi? Đáp mười lăm

    Nép mặt trong hoa nói thĩ thầm

− Hoa với tôi đều cảm động

− Anh lại đây tôi thối chữ thơ.

− Và khối lòng tôi cứ tợ si

− Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa

(Xuân Diệu cũng có lúc dùng chữ bưa này, và chính ở Xuân Diệu cũng còn lại khá nhiều tố chất miền Trung. Đọc bài ông giới thiệu ca dao miền nam Trung Bộ ta sẽ được thuyết phục về điểm này).

Hoặc cách dùng các từ láy khá lạ này đối với bản ngữ miền Bắc:

Rao rao gió thổi phương xa lại

Lay bay lời hát ơ buồn lạ

 

Trong tiếng Việt của người miền Trung (và cả Nam Bộ nữa) có khá nhiều những yếu tố còn đang nằm giữa kiểu từ như là những âm thanh biểu cảm (tiếng kêu, tiếng thở…) và kiểu từ với nét nghĩa rõ rệt, ổn định hiện tượng này sẽ là hiếm nếu ta tìm trong tiếng Việt miền Bắc. (Nguyễn Quân gọi là yếu tố tiền ngôn ngữ, tôi tạm dựa theo chữ của anh để gọi là "tiền từ vựng"). Những đơn vị từ như thế bao giờ cũng giàu khả năng biểu cảm, mặc dù có vẻ hơi tối trong khả năng biểu nghĩa.

 

Từ những hình dung hãy còn sơ sài như trên về những nét khá riêng biệt trong khí chất và ngôn ngữ người miền Trung, tôi muốn nêu lên những đại diện cho khí chất ấy, ngôn ngữ ấy trong thơ, với những Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, v.v… và cả những cây bút về sau này (Thu Bồn? Thanh Thảo?). Ở đây, hẳn ta sẽ nghĩ tới những "trường thơ Bình Định", "trường thơ Điên", "trường thơ Loạn" như là những xu hướng trường phái nhất thời từng liên quan đến Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, tôi không đi vào khía cạnh trường phái này vốn là một khía cạnh văn học sử của phong trào "thơ mới". Tôi chỉ muốn nói đến khía cạnh những đặc điểm khí chất con người một vùng đất, những đặc điểm riêng trong cách dùng tiếng Việt ở vùng đó như là những nhân tố đã in dấu trong cách tri giác và cách biểu đạt sự tri giác ấy qua thơ ca của một vài trong số các nhà thơ sinh trưởng ở vùng đất này. Qua thơ họ ta dễ nhận cái chủ thể sôi máu, quyết liệt, cực đoan, táo tợn, liều lĩnh cái chủ thể luôn dành cho mình một khoảng tự do rộng lớn vốn là cần thiết cho sáng tạo thơ ca, nghệ thuật.

 

Một điểm khác nữa, từ những đặc điểm "ngôn ngữ vùng đất", là: sắc thái tối đục (so với ngôn ngữ miền Bắc) có một vẻ đẹp riêng, nó dường như bộc lộ nhiều thuận lợi cho việc chuyển tải những cảm quan điên dại, siêu thực của con người trong những dò tìm về những cõi hư huyền, vô hình vô ảnh, trong những diễn tả về những thế giới âm u, dù là những ảo ảnh về một "nước non Hời" đã chìm vào dĩ vãng hay là những ảo giác thoáng hiện trong cõi vô thức của nhà thơ đang cảm nhận từng giây phút hiện hữu của chính mình.

 

Tôi đã nói từ đầu là những ý niệm của tôi về "khí chất vùng", "ngôn ngữ vùng" là những nhân tố hàng hai hàng ba chứ không phải hàng đầu trong việc tạo nên những nhân cách sáng tạo như Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, nếu như quả là Hàn đã có công đưa thơ tiếng Việt, nghệ thuật ngôn từ người Việt đi vào những vùng đất mới của sự khai thác cái đẹp và có thể lại là cái vùng khá đặc trưng cho những tìm tòi của nhiều nghệ sĩ lớn ở thế kỷ XX này thì các nhân tố khí chất và ngôn ngữ dẫu sao cũng có vai trò của nó, dù là vai trò bổ trợ.

15.11.1990

 

● Tham luận tại Hội thảo kỷ niệm 50 năm mất Hàn Mặc Tử, do Trường Viết Nguyễn du tổ chức, Hà Nội, 1990

Tạp chí Văn học, s. 1/1991.