MỘT ĐỐI TƯỢNG ĐANG ĐƯỢC LÀM RÕ DIỆN MẠO

 

Nhà xuất bản Văn học vừa cho ra mắt bộ sách Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam (1900-1945) gồm 5 tập (khoảng 2500 trang in 13 x 19cm) do nhóm soạn giả Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Thị Kiều Anh, Phạm Hồng Toàn tập hợp biên soạn. Tiếp theo một vài soạn giả trước, đây lại là một cố gắng nữa làm rõ diện mạo phê bình văn học một thời, vốn là bộ phận dễ bị lãng quên, tuy thiếu nó sẽ khó hình dung tiến trình văn học.

 

***

 

Giới nghiên cứu hiện vẫn chưa tìm được một xác định chung về thời điểm văn học Việt Nam chuyển từ phạm trù trung cận đại sang phạm trù hiện đại (là 1945? hay 1920-1930? hay 1900? thậm chí 1865?). Nhưng có một dấu hiệu này, hẳn có ích cho sự phân kỳ văn học sử. Ấy là: Văn học Việt Nam thời hiện đại gắn với những thiết chế mới, trước kia không hề có.

 

Hai thiết chế đáng kể nhất là báo chíxuất bản. Văn học Việt Nam hiện đại tồn tại trên báo và sách. Báo chí định kỳ và sách in hàng loạt tạo ra loại thị trường riêng, loại môi trường sống mới cho văn học, khiến một số lượng công chúng đông đảo hơn xưa có cơ hội thường xuyên tiếp xúc với văn học. Phản xạ tiếp nhận văn học ở công chúng (tức là dư luận về văn học) cũng dần dà trở thành đối tượng phản ánh của báo chí. Một sinh hoạt văn học kiểu mới xuất hiện. Đến lượt các công việc về dư luận văn học (tạo ra, kích thích, điều chỉnh các luồng ý kiến) cũng được chuyên môn hóa, làm xuất hiện phê bình văn học với một loại "chuyên gia" trước kia ít có hoặc không có: nhà phê bình.

 

Trong hệ thống thể loại của văn học Việt Nam hiện đại đã không còn chỉ gồm các thể sáng tác (gọi thế này chỉ là ước lệ) như các loại thơ, các loại văn xuôi thể truyện (mà trung tâm là tiểu thuyết) và thể ký, các loại kịch bản văn học, các thể dịch thuật; mà còn bao gồm phê bình văn học như một bộ phận hữu cơ. Phê bình là một trong những thể loại chính của văn học hiện đại, là phần "lõi" của đời sống (sinh hoạt) văn học, là một khâu của tiến trình văn học.

 

Vai trò của phê bình trong văn học hiện đại là hiển nhiên. Ấy vậy nhưng, mỗi khi ngoảnh lại một đoạn đường văn học đã qua, ở Việt Nam người ta rất hay quên phê bình, quên đặt ghế cho nó, chỉ quen xem nó như một loại dịch vụ.

Hãy nhớ lại quy mô các cuộc làm tuyển tập, hợp tuyển ở miền Bắc trong dăm chục năm trở lại đây. Hồi 1956, chỉ thấy hai cuốn tuyển, cho văn và thơ. Hồi 1960 cũng vậy: chỉ có tuyển thơ với tuyển văn. Các lần làm tuyển về sau ở hai nhà xuất bản "Văn học" và "Tác phẩm mới" (Hội Nhà văn) các năm 1976, 1980, 1985… đều khuôn trong văn và thơ. Thậm chí vài bộ phận văn học như "văn học cho thiếu nhi", "văn học các dân tộc thiểu số" đã thành đề tài cho những cuốn tuyển độc lập, nhưng phê bình vẫn cứ ở ngoài vòng làm tuyển.

 

Mòn mỏi mãi đến 1993, lần đầu tiên (dù chỉ tính từ 1945), phê bình mới thành đề tài làm tuyển. Đó là trong bộ tuyển Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám (gồm 4 quyển: thơ, truyện, tiểu luận phê bình, văn học dịch), ra trong dịp 45 năm thành lập Nhà xuất bản Văn học. 48 tác giả phê bình được trích tuyển, mỗi người một bài. Chỉ thế cũng đã là hiện tượng mới rồi.

 

Phải nhận rằng, ở những năm 1990 này, việc làm sách tuyển, và làm sách dày trang nói chung, đang có một cơ hội thuận lợi. Ngay những tư nhân hoặc nhóm tham gia kinh doanh sách (người ta quen gọi là "đầu nậu") cũng ưng "đăng cai" các bộ sách tư liệu dày trang. Các "Hội đồng biên soạn" có đẳng cấp ngôi thứ chính quy thì hoạt động đã tỏ ra vừa kém hiệu quả vừa tốn tiền. Trong khi đó các cá nhân hoặc nhóm sưu khảo thạo việc lại tỏ ra được việc và nhanh tay hơn hẳn. Sách nghiên cứu, tư liệu, biên khảo, phê bình đang trở lại cái vị trí vốn có và đáng có của nó, có lẽ cũng do cái nhịp trở lại bình thường của sinh hoạt văn hóa.

 

Lật xem bộ Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam 1900-1945 vừa ra mắt, người thông thuộc hẳn nghĩ ngay đến bộ 13 năm tranh luận văn học 1932-1945 do nhà nghiên cứu quá cố Thanh Lãng soạn (3 tập, khoảng 1600 trang in 13 x 19cm, Nxb. Văn học, 1995). Rất gần nhau về phạm vi bao quát, về thể tài, nhưng cách tổ chức, cấu tạo sách thì khác hẳn nhau. Thanh Lãng như chỉ đặt mục đích thu lượm tư liệu về dư luận văn học, đã chọn cách tập hợp các bài vở từ mỗi từ báo hợp thành một chương. Ông kịp quét một vệt qua 5 tờ báo thời ấy (Tiểu thuyết thứ bảy, Hà Nội báo, Ích hữu, Phụ nữ tân văn, Ngày nay) đã thu được trên 300 bài báo của khoảng 80 tác giả. Bài vở được sưu tầm theo dấu hiệu chúng có can dự các tranh luận, thảo luận, nhưng chung quy đều thuộc phạm vi phê bình.

 

Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam 1900-1945 của nhóm Nguyễn Ngọc Thiện, như tên gọi bộ sách, lấy phê bình nghiên cứu là đối tượng làm tuyển tập. Thành phần chính của nó cố nhiên là tác giả và tác phẩm. Bộ sách đã chọn được 90 tác giả với khoảng 200 tác phẩm phê bình nghiên cứu lý luận xuất hiện trong 45 năm đầu thế kỷ XX, mở đầu là một tác phẩm của Đông Kinh Nghĩa thục (1907), kết thúc là một tác phẩm của Hội văn hóa cứ quốc hồi tiền khởi nghĩa (tháng 6-1945). Trong khoảng giữa của hai cột mốc ấy là hàng loạt nhà nghiên cứu, phê bình đã góp sức tạo dựng một ý thức văn học mới, một mặt bằng kiến thức mới, đồng thời ôn lại di sản với con mắt dần dần mới. Với hoạt động của những cây bút: Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Bùi Kỷ, Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Trương Tửu, Đào Duy Anh, Vũ Ngọc Phan, Dương Quảng Hàm, Đinh Gia Trinh v.v…, phê bình và nghiên cứu văn học thời kỳ 1900-45 tỏ ra tương xứng với những thành tựu văn học đương thời về thơ ca và văn xuôi, tiểu thuyết.

 

Nếu dừng lại lâu hơn ở cuốn Tuyển tập phê bình vừa ra mắt, hẳn có thể thấy không ít khiếm khuyết (còn để sót không ít tác giả tác phẩm quan trọng; bài khái quát về phê bình nghiên cứu 45 năm đầu thế kỷ XX chưa cho thấy thực chất và sự phong phú của các hướng nghiên cứu phê bình thời gian ấy). Nhưng có thể nghĩ rằng cuốn tuyển này sẽ gọi ra những cuốn tuyển khác, ngày một đầy đặn hơn.

 

Khi phê bình văn học (theo nghĩa rộng, bao hàm cả lý luận, nghiên cứu) đã thành đối tượng làm tuyển tập, hẳn nó cũng sẽ là đối tượng viết sử. Hướng viết văn học sử theo mạch sự phát triển các thể loại hẳn cũng là một hướng có hứa hẹn.

 

Thể thao và văn hóa, số 100 (13/12/1997).