NAM CAO VÀ CUỘC CANH TÂN VĂN HỌC ĐẦU THẾ KỶ XX

 

Nam Cao bắt đầu cầm bút từ khoảng 1936, tức là 10 năm sau khi xuất hiện Tố Tâm, được xem như cuốn tiểu thuyết kiểu mới đầu tiên, chừng 3 đến 4 năm sau khi xuất hiện văn đoàn Tự Lực và mùa màng văn học của họ.

 

Nhưng khi ấy mới chỉ có người viết văn trẻ Trần Hữu Tri. Để người viết ấy trở thành Nam Cao, phải lấy mốc ở năm 1941, ra mắt truyện Chí Phèo. Từ đây mà tính, thì đã chừng trên 15 năm sau Tố Tâm, gần 10 năm sau khi xuất hiện mùa tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, khoảng 7 năm sau khi xuất hiện tập truyện Kép Tư Bền (1935), 6 năm sau khi xuất hiện Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê (cùng năm 1936), 3 năm sau lúc xuất hiện các tiểu thuyết Tắt đènBước đường cùng (cùng năm 1939)… Không cần minh chứng dài dòng cũng có thể nói rằng không thể có được nhà Nam Cao của loạt sáng tác từ Chí Phèo (1941) đến Sống mòn (1944) nếu không có kinh nghiệm của quá trình văn học mà những tác phẩm nêu trên tạm coi là những mốc đánh dấu.

 

Hiển nhiên Nam Cao đã có thể thừa hưởng rất nhiều điều từ tất cả những gì mà các tác giả văn xuôi Tự Lực văn đoàn từng tạo ra. Chính họ đã hiện thực hóa cái phương án văn học mà khi đã thành "đại trà" rồi thì nom có vẻ rất đơn giản, rất dễ làm: ấy là lấy mô hình tiểu thuyết Âu Tây để tạo ra những tác phẩm với người và cảnh, cốt truyện và nhân vật xứ mình, kể bằng tiếng nói hàng ngày của người nước mình, và sau đó ghi tất cả bằng chữ quốc ngữ la-tinh − thứ văn tự "ngoại nhập" mà đến lúc này đã được thừa nhận và trở nên thông dụng trong xã hội người Việt. Mô hình này tạo nên những tác phẩm mà nếu đem so sánh với các tác phẩm tự sự truyền thống (ví dụ: cổ tích, truyện Nôm, truyện chương hồi…) thì nó hơi ít chất Việt, tuy không quá xa lạ. Chính các tác giả văn xuôi có xu hướng bình dân (mà lâu nay thường được gọi là "hiện thực phê phán") trong khi thừa hưởng cái phát minh giản dị này, đã tiếp tục Việt hóa, dân tộc hóa cái mô hình mà ban đầu phần nhiều mang tính chất ngoại nhập này. Họ tiếp tục phát triển thể loại trên một số phương diện. Một là thể nghiệm nó thông qua việc tăng cường tiếp cận xã hội học, chú trọng xây dựng các bức tranh phong tục; chuyển việc mô tả từ các giới trung lưu (là phạm vi có ưu thế ở Tự Lực văn đoàn) sang các giới bình dân và hạ lưu, ở thành thị và nông thôn. Hai là tăng cường thể nghiệm mô hình này về mặt ngôn ngữ, dần dần chú ý đến việc miêu tả ngôn ngữ, miêu tả lời ăn tiếng nói của các hạng người trong xã hội hiện thực (chứ không còn giản dị chỉ là dùng cái chuẩn ngôn ngữ văn hóa trung lưu trung bình để phát ngôn thay cho nhiều hạng người khác nhau).

Xét theo tập hợp các nhóm nhà văn thì Nam Cao thuộc trong số các nhà văn bình dân, nhưng xét theo cốt cách sáng tác thì ông vừa có chỗ gần với các nhà văn nói trên, lại vừa có chỗ gần với các nhà văn Tự Lực văn đoàn, nhất là Thạch Lam.

 

Nhưng Nam Cao không chỉ là người chịu ơn vì đã được thừa hưởng rất nhiều điều của cái phong trào hiện đại hóa văn học dân tộc, cái phong trào đã diễn ra một cách rất hào hứng và chuyển biến hết sức nhanh chóng, cả thảy chỉ trong vòng vài  chục năm. Là người tham dự tiến trình ấy, có thể là ở chặng cuối, Nam Cao thực sự đã góp phần phát triển và hoàn thiện nó, góp phần khép lại một giai đoạn quan trọng nhất của nền văn học mới Việt Nam, một giai đoạn quan trọng của việc xây dựng lại nền văn xuôi tự sự mới trong những điều kiện và tiền đề văn hóa và xã hội mới.

 

Từ những tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn thời đầu đến các tiểu thuyết, truyện ngắn và phóng sự của các nhà văn bình dân − còn được gọi là các nhà "tả chân xã hội" − hơi hướng "ngoại nhập" đã hầu như mất hẳn. Tuy nhiên, có một nét đáng chú ý khác. Ở cả loạt văn xuôi nông thôn của Ngô Tất Tố, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, truyện và phóng sự về đô thị của Vũ Trọng Phụng, ta có thể thấy mối quan tâm mang tính xã hội học đã lấn át những mối quan tâm khác, nhất là quan tâm tới các phương diện đời sống tinh thần của con người. Về phương diện này, thậm chí các nhà tả chân còn có chỗ tự bộc lộ như một bước lùi nếu so với một tác giả Tự Lực văn đoàn như Thạch Lam. Chỗ Nam Cao gần Thạch Lam không phải chỗ nhà văn này có lúc cũng miêu tả các tầng lớp nghèo khổ, mà chủ yếu ở chỗ Nam Cao − không phải ở toàn bộ nhưng là ở phần lớn tác phẩm − cũng chú ý đến phương diện đời sống tinh thần con người như Thạch Lam.

 

Đóng góp của Nam Cao vào việc xây dựng nền văn xuôi mới cũng bộc lộ khá rõ ở phương diện thể tài. Truyện ngắn Nam Cao là một thành tựu nổi bật, nhưng ngay ở thể tài truyện dài, thì với Sống mòn, Nam Cao cũng đóng góp một kiểu truyện dài riêng, không theo kết cấu truyện dài của hầu hết các tác giả khác, cả Tự Lực văn đoàn lẫn các nhà tả chân.

 

Đóng góp vào việc xây dựng và phát triển văn xuôi mới của Nam Cao bộc lộ đặc biệt rõ trong ngôn từ văn xuôi. Chúng ta biết, ở hầu hết các tác phẩm của họ, các tác giả Tự Lực văn đoàn thường không hoặc ít chú ý đến việc miêu tả ngôn ngữ. Chỉ có một ngôn ngữ duy nhất − ngôn ngữ tác giả. Tác giả như một chủ thể đưa ra một ngôn ngữ chuẩn mực, trong sáng, và dùng ngôn ngữ ấy cho mọi loại đối tượng. Văn phong trong tác phẩm của họ sạch sẽ, trong sáng, tỏ rõ một ý thức xây dựng chuẩn mực, nhưng nó cũng dễ thành đơn điệu, một khi nó đã thành phổ biến.

 

Khá đông các nhà "tả chân" cũng theo cách đó của các tác giả Tự Lực văn đoàn, nếu xét về thành phần ngôn ngữ tác giả. Chỗ mới của họ là do xu thế "điều tra xã hội học" đưa lại: thành phần ngôn ngữ nhân vật, nhất là nhân vật thuộc các tầng lớp dưới đáy, đem lại cho ngôn ngữ tác phẩm những phong vị mới, một chất lượng mới. Ở Nam Cao, thành phần ngôn ngữ nhân vật không có những phương ngữ hay biệt ngữ thật nổi bật nếu so với một số phóng sự của các nhà tả chân khác, nhưng nó cũng không bị "thôn tính" bởi ngôn ngữ tác giả như ở các nhà Tự Lực văn đoàn. Mặt khác, do quan tâm truyền đạt những dao động, biến thiên của tâm lý, tâm trạng, nên Nam Cao tạo nên được một ngôn ngữ ít nhiều phức điệu, tổ chức được những mạng lưới phức tạp gồm cả ngôn ngữ bên ngoài và ngôn ngữ bên trong, cả ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ nhân vật, thậm chí cả những sự đan xen và nhoè lẫn vào nhau của hai thành phần ngôn ngữ ấy. Nam Cao là một trong số không nhiều tác giả cùng thời có những tác phẩm mà ngôn ngữ dường như không cũ đi so với thời gian, tức là có những tác phẩm đạt đến mức cổ điển của văn xuôi tiếng Việt.

 

Trên đây là mấy nét phác hoạ để nói điều tôi muốn nói, về quan hệ của Nam Cao với cái có thể gọi là cuộc canh tân văn học đầu thế kỷ. Có thể là cho đến tận lúc cuối đời, Nam Cao cũng không nghĩ đấy là một cuộc thay đổi lớn lao trong văn hóa, văn học xứ mình. Và ngay cái việc bản thân ông có những đóng góp thực sự đáng kể, có lẽ ông cũng không ý thức được hết.(1)  Các tác giả xuất hiện sau như ông thậm chí còn chưa được dư luận đương thời tập trung chú ý. Những thể nghiệm đáng kể của ông dường như là tự phát, ít thấy dấu hiệu về một "chủ thuyết". Nhưng hiển nhiên là ông đã sống và sáng tác trong môi trường văn học ấy, trong cái "khí hậu" mà Tự Lực văn đoàn và các nhà tả chân trước ông tạo ra, và ông đã thừa hưởng những phát kiến giản dị mà chỉ trước đó ba bốn chục năm người ta còn chưa tìm thấy. Đến thời ông trưởng thành thì những điều đó là hiển nhiên và phổ biến đến mức những người vào nghề không được chuẩn bị kỹ lưỡng gì cũng có thể mặc nhiên thừa hưởng, vận dụng. Một ngôn ngữ văn học viết bằng quốc ngữ la-tinh đã sẵn. Một thị trường báo chí và ấn loát đã hình thành. Lại đã có một khối lượng, một "kho tàng" những sáng tác văn xuôi kiểu mới, với một loạt kinh nghiệm và thể nghiệm tuy chưa tích lũy được nhiều nhưng lại chưa hề nguội, − nó vừa là tiền đề, vừa là những khuôn mẫu chưa hề rắn lại, kích thích người sáng tác mới vào nghề vừa noi theo, vừa phát triển, trên cơ sở thành tựu và thể nghiệm của người đi trước.

 

Nếu có thể chỉ kể được Số đỏChí Phèo vào hàng kiệt tác để lại thì ở văn xuôi nghệ thuật 1930-45 bộc lộ một nghịch lý: chính những người đi sau, tức là những nhà văn bình dân như Vũ Trọng Phụng và Nam Cao, với một học vấn khiêm nhường so với các tác giả chủ trì nhóm Tự Lực, với một mục tiêu cầm bút hẳn là ít tham vọng hơn so với họ, − chính các nhà văn bình dân này lại ghi được thành tựu cao hơn. Nghịch lý này thật ra chỉ minh chứng cho tính liên tục của một tiến trình không ngắt quãng.

 

Ở trên tôi tạm dùng các từ phát triểnhoàn thiện để làm rõ ý mình về sự đóng góp của Nam Cao vào một tiến trình nghệ thuật khởi lên từ đầu những năm 1930 trong văn học nước nhà. Bây giờ xin nói thêm là nên hiểu những từ ấy một cách khá ước lệ và hạn chế. Bởi cả cái phong trào mà tôi gọi là cuộc "canh tân văn học" lẫn phần đóng góp vào đó của Nam Cao, đều còn dở dang, đều đang kéo dài đến tận những năm 1980 này.

 

Văn đoàn Tự Lực, sau khi đề xuất mô hình, cũng chỉ gây được tác động mạnh mẽ và rộng rãi trong khoảng mười năm. Nỗ lực tìm tòi nghệ thuật, cuối những năm 1930 sang đầu những năm 1940, đã thuộc về các nhà "tả chân". Những tác giả này, kể cả Nam Cao, càng mạnh mẽ và nhạy cảm về khuynh hướng xã hội bao nhiều thì dường như càng ít nhạy cảm bấy nhiêu về xu hướng thẩm mỹ. Nói cho công bằng thì chính nhận xét này cũng áp dụng được cho các tác giả Tự Lực văn đoàn; với họ, khuynh hướng xã hội cũng là cái trước hết. Phong trào văn học do họ khởi xướng cũng là nhằm mục tiêu xã hội theo lập trường của họ: xây dựng một lối sống hiện đại văn minh, nói cụ thể là lối sống đô thị Âu hóa. Với cả các tác giả Tự Lực văn đoàn lẫn "tả chân", và các tác giả thuộc vài nhóm phái khác đương thời, văn học nước ta vẫn chưa thực sự có một chủ nghĩa duy mỹ, một định hướng "vị nghệ thuật". Đây có thể là một thiệt thòi cho quá trình văn học, bởi tình hình đó sẽ không cho phép xuất hiện giữa đám văn nghệ sĩ những người đặc biệt quan tâm đến số phận riêng của nghệ thuật, rà lại và đẩy tới đến triệt để sự khám phá đã được đề xuất.

 

Sang giữa những năm 1940, khi xã hội bước vào những khủng hoảng, biến động và phân cực mạnh mẽ thì họ − những nhà văn của tất cả các nhóm phái ấy − đều đứng hẳn về bên này hay bên kia trong sự lựa chọn chính trị, không thấy có ai "một mình ở lại" với nghệ thuật, với văn hóa.

 

Một điểm khác: cái mô hình văn học do Tự Lực văn đoàn đề xuất và các nhà "tả chân" tiếp tục − chỉ trù định một thứ văn học phổ thông, phổ cập, một dạng văn học đại chúng; ngoài ra, không trù định khả năng cho một thứ văn học "bác học" giành riêng cho một lớp người sành sỏi, với thị hiếu cao. Nói cho công bằng thì chính nhận xét này cũng lại khá đặc trưng cho phong trào thơ mới đương thời. Về đại thể nó cũng là một phong trào thơ ca mang nhiều hơi hướng đại chúng, phổ cập, trừ một ít trường hợp bị đẩy thành ngoại lệ. Chỉ cần nhớ vài phản xạ đối với thơ Hà Mặc Tử. Sáng tác của nhà thơ này bị chối bỏ bởi chính Xuân Diệu − người được coi là đứng ở hàng đầu của thơ mới; sáng tác của Hàn cũng không được hưởng sự khoan dung đúng mực của chính Hoài Thanh, người cổ vũ và tổng kết phong trào này.

 

Vậy là với văn xuôi từ Tự Lực văn đoàn và với phong trào thơ mới, quá trình văn học dân tộc không phải chỉ được mà không mất: ít nhất, cái xu hướng bác học, nâng cao cũng bắt đầu mai một, trong khi văn học đang trở nên phổ cập, đại chúng hơn, dẫu cái "chuẩn" của sự phổ cập lúc này hãy còn khá cao so với trình độ học vấn của phần đông dân cư  đương thời.

 

Dẫu có phải do các nguyên nhân nêu trên hay không thì cuộc "canh tân văn học" dấy lên từ những năm 1930 vẫn cứ là dở dang. Nó chưa được đẩy đến dù chỉ hơi hơi triệt để về các phương diện đề tài, cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ, v.v… Do tính chất dở dang này mà nó vừa "mở" lại vừa "khép". Nó "mở ngỏ" cho các tác giả sau này bổ sung bằng những thể nghiệm nho nhỏ, về những đề tài, những loại nhân vật hoặc những vùng ngôn ngữ mà những người khởi xướng còn chưa động đến. Nhưng những thể nghiệm cỡ nhỏ này chỉ có thể là góp phần làm giàu thêm cho cái mô hình đã từng được đề xuất. Nhìn trên đại thể, văn xuôi và thơ cho đến tận những năm 1980 vẫn chưa ra khỏi cái khung chung của mô hình tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn và thơ mới. Đối với những người cầm bút có tham vọng khám phá nghệ thuật thì việc "bước qua kinh nghiệm tiền chiến" để đạt đến một cái gì khác hơn hẳn, mới hơn hẳn − vẫn là việc hết sức day dứt, cay cú và cực kỳ khó khăn.

28/10/1991

 

● Thâm luận tại Hội thảo khoa học về Nam Cao nhân kỷ niệm 40 năm ngày nhà văn hy sinh, do Viện Văn học tổ chức, Hà Nội, 29/11/1991.

“Tạp chí Văn học”, Hà Nội, s. 1/1992.

(1) Qua một vài tư liệu mới công bố gần đây, ví dụ nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, hoặc đôi đoạn hồi ức của Tô Hoài, người ta thấy rằng trong một vài xúc tiếp thân mật với bạn văn, Nam Cao có lúc cao hứng, tự đánh giá tài năng mình rất cao; ông từng bảo: "Chúng mình bây giờ có tiến, và gần như độc tôn, đã thay thế cho Tự Lực văn đoàn rồi" (Xem Nguyễn Huy Tưởng toàn tập, tập V, Hà Nội, 1996, tr. 460).