NÊN CHĂNG XEM TRUYỆN NÔM HOA TIÊN

NHƯ MỘT DỊCH PHẨM VĂN HỌC?

 

Trong một bài viết đăng trên một tuần báo ở Hà Nội trung tuần tháng 1101993, nói về Nguyễn Huy Tự và tác phẩm Hoa tiên, (1) tôi đã nêu vắn tắt một băn khoăn nhỏ mà nhân hội thảo kỷ niệm 250 năm sinh tác giả Nguyễn Huy Tự (1743-1790), xin phép được nêu lại. Đó là vấn đề xác định loại thể trứ tác: nên coi bản nôm Truyện Hoa tiên như một phóng tác hay như một bản dịch văn học?

 

Xin được nói ngay là tôi chỉ  muốn nhắc lại một câu hỏi mà trên thực tế đã được đặt ra, thậm chí đã sơ bộ có lời giải. Về phần mình, tôi biết là không đủ sức giải đáp tận gốc.

 

Về nguyên tác chữ Hán Hoa tiên ký của văn học Trung Hoa, cho đến nay chúng ta mới chỉ có được những thông tin do kết quả khảo sát của một số nhà nghiên cứu người Việt. Nguồn tư liệu từ các nhà nghiên cứu người Trung Quốc về Hoa tiên ký thì, theo chỗ tôi biết, cho đến trước dịp kỷ niệm này, chúng ta dường như chưa nắm được gì. Người Việt ta có không ít những nhà Trung Quốc học giỏi giang của mình, song le những quan hệ vốn lâu đời, nhiều duyên mà cũng nhiều nợ, giữa hai nền văn học này, dù sao vẫn chưa thành loại đề tài thu hút giới nghiên cứu. Ngoài trường hợp xung quanh nguồn gốc Truyện Kiều mà giới nghiên cứu hai nước đã cung cấp được những thông tin sáng tỏ, còn lại, chúng ta còn để trắng khá nhiều trang hồ sơ. Truyện Hoa tiên chỉ là một trong hàng chục trường hợp thuộc loại sau ấy.

 

Hầu hết các nhà biên khảo người Việt, khi chủ trương việc ấn hành truyện Hoa tiên, dù bản chữ Nôm hay bản chữ quốc ngữ, dù bản nhuận sắc của Nguyễn Thiện hay bản chính của Nguyễn Huy Tự, đều xác nhận quan hệ giữa tác phẩm tiếng Việt này với Hoa tiên ký của văn học Trung Quốc. Theo học giả Đào Duy Anh (với hai bài viết công bố từ 1943 trên tạp chí Tri tân ở Hà Nội, các số 86, 87, 91, 92, 93) thì Hoa tiên ký ra đời sau Tây Sương ký của Vương Thực Phủ đời Nguyên. Trong văn bản tác phẩm còn có một chi tiết về quan chế khiến Đào Duy Anh tin rằng Hoa tiên ký xuất hiện thời Minh sơ (thế kỷ XIV). Thể tài của nó được goi là "ca bản" (có thể hiểu như văn bản soạn cho một loại kịch hát). Về tác giả thì không rõ tên họ, đành theo thông tin của một nhà bình chú tên hiệu là Tĩnh Tịnh Trai người đời Thanh (có lẽ sinh sau và cũng mất sau Kim Thánh Thán), theo đó hai người viết Hoa tiên ký là "một ông giải nguyên và một ông thám hoa". Sự miêu tả của Đào Duy Anh về bản sao của bản Nôm truyện Hoa tiên lưu ở quê họ Nguyễn Huy (năm 1943) cho ta tin rằng Nguyễn Huy Tự đã sử dụng chính văn bản Hoa tiên ký (ấn bản ở Trung Quốc) do Tĩnh Tịnh Trai san nhuận, tức là một văn bản được khắc in và lưu hành vào đời Thanh. Toàn bộ các bản chữ Hán, theo cụ Vệ Thạch, được chia làm 59 hồi, mỗi hồi có một đề mục bằng một câu bốn chữ, tức là số hồi và đề mục các hồi là trùng khít với bản nôm Truyện Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự mà đến những năm 1960-70, Đào Duy Anh công bố (trong các bản in: truyện Hoa tiên do Lại Ngọc Cang khảo thích, giới thiệu, Hà Nội, 1961, Truyện Hoa tiên do Đào Duy Anh khảo đính, chú thích giới thiệu, Hà Nội, 1978).

 

Những nghiên cứu so sánh mà Đào Duy Anh nêu ra trong hai bài báo nói trên (Hoa tiên truyện, đăng 3 kỳ Tri tân tháng 3-1943), Nguồn gốc Hoa tiên ký, đăng 3 kỳ, Tri tân tháng 4-1943), cho đến nay vẫn là những căn cứ có giá trị hơn cả cho việc xác định tính chất của công việc trứ thuật của Nguyễn Huy Tự ở Truyện Hoa tiên. Tiếc rằng, bằng vào hai bài báo ấy, chúng ta chỉ có được cả thảy 7 đoạn đối chiếu so sánh, dài ngắn khác nhau, giữa tác phẩm Trung Quốc và tác phẩm Việt Nam.

 

Để bớt dài dòng, tôi xin chọn trích lại ở đây một đoạn đối chiếu. Hồi Văn gia thăng nhiệm (hồi thứ 31).

 

NGUYÊN TÁC HOA TIÊN KÝ

(Đào Duy Anh dịch xuôi ra tiếng Việt)

 

Giống giống tương tư khó kể hết

Chợt nghe tin báo cha thăng nhiệm

Tả quân Đô đốc quản nhân dân

Lựa chọn ngày lành sẽ lên đường

Đem theo gia quyến đến kinh đô

 

Giao Tiên nghe xong thêm phiền não

Bây giờ hết mong gặp lại chàng!

Chân trời đường cách trở núi sông

Huống chi chàng Lương lại đã lấy (nàng) họ Lưu

Bên trời đành trộn (có lẽ là "trọn", in sai) kiếp cô miên.

Hoài bão trăm năm cùng ai tỏ?

Sửa soạn áo quần theo mệnh cha

Ngày tốt khai thuyền để khởi hành

Đầy mắt núi sông luống bận lòng

Một giòng nước chảy gợi sầu người

Liếc mắt tâm thần xem cảnh sắc

Đa sầu đa muộn ở trong thuyền

Đường đi trải qua nhiều gian hiểm

Đã đến hoàng đô lên bộ đi.

(Hẳn trong nguyên tác chữ Hán phải theo vần luật để có thể ngâm hát, phần dịch xuôi này không chuyển tải được).

TRUYỆN HOA TIÊN

 

 

(955) Phập phừng chưa nguội bếp sầu

Dện đâu chợt mảng tin đâu trước mành

Dương gia chuyển nhiệm thăng kinh

Đề huề chuyển dọn thuỷ trình trẩy ra

 

 

Nỗi mình thêm rộn nỗi nhà

Khi xa xa biết là xa mấy trùng.

 

 

 

 

 

 

 

Hành trang vội quảng thao xong

Con thuyền chen chúc đua dong cánh lèo

Giang thiên tám bức sầu treo

Thành mai trận khói non chiều phiến mây

(965) Mạch phiền tuôn dội kể ngày

(966) Phượng thành sáng mở nào hay đã gần.

(Đây là lấy theo bài báo trên Tri tân, sau này in thành sách, cụ Đào Duy Anh có phiên âm lại).

 

Cả 7 đoạn đối chiếu mà Đào Duy Anh nêu trong hai báo đều cho thấy có sự tương ứng về kết cấu ngôn từ ở cấp độ câu văn giữa nguyên tác và bản diễn nôm. Trạng thái này chính là diện mạo của dịch thuật theo ý nghĩa hiện đại, dù hiểu là "dịch sát" hay "dịch phóng".

 

Điều này chính Đào Duy Anh đã nêu lên, ông viết: "Đem so sánh các đoạn văn trích ấy với nhau, ta có thể nhận thấy rằng Nguyễn Huy Tự theo đúng sự tình của nguyên văn. Song nguyên văn tuy là bài ca mà tự thuật (tức là "trần thuật" hoặc "tự sự" − LNA) kỹ càng, nhiều chỗ tả rõ như tiểu thuyết. Nguyễn Huy Tự thì chỉ theo đại khái mà lược bớt những tình tiết vụn vặt rườm rà. Có khi cả một đoạn tình tiết thiết thực (tức là "tả thực", "tỉ mỉ" − LNA) mà tác giả (đây là nói Nguyễn Huy Tự − LNA chú) đề thị bằng một câu…". "Ta xem thế thì thấy Nguyễn Huy Tự trong khi dịch nguyên văn đã dụng ý không thêm thắt chút gì (duy ở hồi cuối cùng… nguyên văn thì nói cha mẹ Lương Sinh khi được tin mừng đều lên kinh đô thăm con, và Ngọc Khanh sau khi kết hôn tự về nhà thăm cha mẹ, ông đã đổi lại Lương Sinh cùng các vợ về nhà thăm cha mẹ và cho đi rước họ Lưu, cùng mở tiệc đoàn viên ở Ngô giang), mà chỉ dọn bớt lại về sự thực cũng như về tư tưởng, cảm tình, để cho sự tình thành gọn gàng nhẹ nhõm, nhưng cũng có khi lại hóa sơ sài" (Tri tân, 1943, tr.338-339).

 

Việc đi xa ra ngoài nguyên tác Hoa tiên ký đã ít nhiều diễn ra ở ngòi bút Nguyễn Thiện khi ông nhuận sắc bản nôm của Nguyễn Huy Tự. Chẳng những các ý được nối dài ra, thêm những ý tứ mới, những đoạn câu mới, mà còn đảo lại trình tự một số hồi (hồi 45, “Lương sinh nghị kế”  vốn ở sau hồi 44 "Ngọc Khanh thủ tiết" và trước hồi 46 "Lưu phủ bức hôn", được Nguyễn Thiện đưa xuống giữa hồi 49 "Văn báo tầm th "  và hồi 50 "Tiễn truyền cơ mật"), lại thêm vào hai hồi "Quy dinh hồi tưởng" và "Diêu sinh khuyến thú".Tóm lại là đến Nguyễn Thiện mới có việc cải biên cốt truyện ít nhiều. Nhưng mức độ thêm thắt của Nguyễn Thiện đã đến mức hoàn toàn biến thành một tác phẩm phóng tác hay chưa, tưởng cũng nên dè dặt.

 

Ai nấy đều biết, ở môi trường văn hóa đương thời, dù bản nôm Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự hay Nguyễn Thiện, giống như một loạt các trường hợp (các bản nôm Chinh phụ ngâm, Đoạn trường tân thanh, Nhị độ mai, Phan Trần, v.v…) đều được gọi chung là "diễn nôm", "diễn ca", "quốc âm tân truyện" − những thuật ngữ phỏng chừng, trỏ một phạm vi rộng gồm những mức độ xử lý khác nhau đối với một nguyên tác chữ Hán mà ở trình độ hiểu biết ngày nay, ta buộc phải xác định xem đó là "dịch thuật" hay "phóng tác".

Đấy là một phương diện cần làm rõ trong nghiên cứu.

Về một phương diện khác, dù là phóng tác hay dịch thuật, những sáng tác nôm có gốc gác là tác phẩm nước ngoài đều thuộc phạm vi nghiên cứu ở bình diện quan hệ giữa các nền văn học, và rộng hơn, quan hệ giữa các nền văn hóa. Phóng tác hay dịch thuật đều là những dạng thức biểu thị sự ảnh hưởng giữa các nền văn học. Phải đạt đến một mức phát triển nào đấy của ngôn ngữ dân tộc mới có thể có dịch thuật văn học. Và dịch thuật, trong sự hình thành của mình, cũng không nhất thành bất biến. Để có thể phát triển theo xu hướng dịch sát nguyên tác (trong khi phải đảm bảo tính nghệ thuật của dịch phẩm ở môi trường ngôn ngữ dân tộc mình), phải dựa trên khả năng tiếp nhận của ngôn ngữ mình, văn hóa mình đối với văn hóa và ngôn ngữ bên ngoài, hơn nữa, phải dựa trên một ý thức về điều mà ngày nay ta gọi là "quyền tác giả" của nguyên tác, − đây là nói các quyền tinh thần, theo đó văn bản tác phẩm nước ngoài phải được xem như là khách quan, không thể bị cắt bỏ hay cải biên theo thị hiếu dịch giả hoặc thị hiếu của công chúng nước mình, không bị "lấy ngoài phục vụ trong" một cách thực dụng. Nhân nhắc lại thời diễn nôm Hoa tiên, nghĩ đến dịch văn học ngày nay, ta thấy những bước tiến xa, đồng thời cũng thấy nhiều dấu vết của thời đó vẫn còn lại trong dịch thuật ngày nay.

Dẫu ngày nay nên xem Truyện Hoa tiên như một dịch phẩm văn học thì điều đó cũng không hề hạ thấp công việc của người xưa. Tuy nhiên đến đây tôi nghĩ sang một việc khác. Đối với một nền văn hóa, một nền văn học mà trong các giao tiếp có tính quốc tế thường thiên về nhận hơn là cho như văn hóa, văn học của người Việt, dịch thuật vốn là cả một động lực mạnh mẽ. Chính ngành dịch thuật của ta mà chiều dày đã có không chỉ một vài thế kỷ, đang cần được giới nghiên cứu gạt sang một bên những định kiến về đẳng cấp cao thấp giữa các loại công việc trong văn hóa để phác hoạ cho nó một lịch sử.

Tháng Giêng 1994

(1) Qua Bích câu nhớ tác giả Hoa tiên // Tuần báo Thể thao và Văn hóa số 46, ngày 13/11/1993.