NHÀ VĂN NAM CAO (1917-1951)

Lời thuyết minh (“lời bình”) phim tư liệu truyền hình “Giới thiệu nhà văn Nam Cao”, kịch bản Hà Minh Đức, đạo diễn Xuân Vui, Thanh Hà, Ban văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam sản xuất, 1997

 

 

Một chiều cuối đông năm 1951, cách đây đã 46 năm, giữa cuộc kháng chiến chống Pháp, một đoàn cán bộ kháng chiến thâm nhập vùng địch, đi qua những cánh đồng chiêm ngập nước của huyện Gia Viễn, Ninh Bình, trên những con đò đồng. Không may, họ rơi vào ổ phục kích của lính Âu-Phi. Ba người bị bắt, bị tra tấn rồi bị xử bắn ngay lúc gần sáng ngày 30/11. Lần ấy, phía kháng chiến không chỉ mất 3 cán bộ, bởi vì trong 3 người thầm lặng hy sinh hôm ấy, có một người tên là Trần Hữu Tri, bút danh là Nam Cao. Chính là Nam Cao, một tên tuổi lớn của văn học Việt Nam thế kỷ XX.

 

Lúc hy sinh, Nam Cao mới bước sang tuổi 36, với 15 năm cầm bút. Nhưng ông đã kịp làm nên một văn nghiệp sáng giá, với một loạt truyện ngắn và tiểu thuyết xuát sắc trong đó có kiệt tác Chí Phèo.

 

Nều còn sống, năm nay Nam Cao bước vào tuổi "bát tuần", là ông lão 80. Nhưng với cuộc đời tục lụy này, ông mãi mãi không có tuổi già. Để hình dung về ông, xin cứ nhìn vào gương mặt mấy người con trai ông, vốn rất giống cha.

 

Quê ông ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang. Bút danh Nam Cao rút từ hai chữ Nam Xang, Cao Đà tên quê, cũng như bút danh Tô Hoài, bạn văn gần ông nhất, được rút từ những địa danh Hoài Đức, Tô Lịch, hai quê nội ngoại nhà văn ấy.

 

Thuở nhỏ, cậu bé Trần Hữu Tri học ở quê. 10 tuổi ra Nam Định học tiểu học, trung học. Nhưng vì thể chất yếu, phải về quê chữa bệnh. 18 tuổi cưới vợ. Hai tháng sau đi Nam Kỳ vào Sài Gòn tìm việc làm. Chính từ thành phố phương Nam ấy, chàng thư ký hiệu may bắt đầu cầm bút tập viết văn. Hơn 2 năm sau, trở ra Bắc tự học để thi đậu bằng Thành chung, từ đó kiếm sống bằng dạy học tư và viết văn.

 

Đất Bắc Kỳ hồi ấy chỉ có một trung tâm văn hóa là Hà Nội. Những thanh niên từ các vùng quê, từ các tỉnh lẻ thường tìm về đất Hà thành thử tài, thử chí, thử vận may. Với Trần Hữu Chi cũng vậy. Anh dạy học ở trường tư thục Công Thanh vùng chợ Bưởi, lúc ấy là ngoại thành, và giao dịch với các báo, các nhà xuất bản, với giới viết báo viết văn. Sáng tác của anh, thơ có, văn xuôi có, bắt đầu xuất hiện đều đều trên các tờ Tiểu thuyết thứ bảy, Ích hữu, Hà Nội tân văn… với những bút danh như là những cái tên ướm thử, ngập ngừng: Thúy Rư, Xuân Du, Nguyệt, v.v… Năm 1941, quyển sách đầu tay ký bút danh Nam Cao nhan đề  Đôi lứa xứng đôi ra mắt bạn đọc. Các nhà văn lớp tuổi đàn anh như Vũ Bằng, Lê Văn Trương dường như đã nhìn thấy ở cây bút mới này một văn tài thực sự.

 

Nhưng dư luận văn học lúc ấy đã  không còn thu hút công chúng như đầu mùa "thơ mới" lãng mạn hay giữa mùa tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, vì báo chí và công chúng còn bận rộn với những tin tức chấn động về cuộc đại chiến thế giới thứ hai diễn ra khốc liệt bên trời Âu và đang lan rộng sang Viễn Đông.

 

Dẫu không được dư luận cổ động, sau tập sách đầu tay với truyện Chí Phèo bất hủ, ngòi bút nhà văn Nam Cao tự tin, linh hoạt hẳn lên. Nghề dạy học thì xuống dốc: trường Công Thanh bị quân Nhật trưng dụng, Nam Cao phải sang dạy học ở Thái Bình, rồi có lúc phải về quê, nằm nhà. Công việc liên tục, rút lại, chỉ còn ngòi bút với trang giấy. Các năm từ 1941 đến 1944, Nam Cao viết được nhiều nhất. Một thống kê cho thấy, chỉ trên tuần san Tiểu thuyết thứ bảy, trong năm 1942, Nam Cao đăng 10 truyện, trong năm 1943, đăng 24 truyện, phần lớn là những truyện ngắn hay như: Cái mặt không chơi được, Những chuyện không muốn viết, Giăng sáng, Trẻ con không ăn được thịt chó, Mua nhà, Tư cách mõ, Bài học quét nhà, Từ ngày mẹ chết, Điếu văn, Quên điều độ, Một bữa no, Nước mắt, Đời thừa…

 

Ngoài ra, còn loạt truyện viết cho thiếu thi in trong loại sách Hoa Mai, truyện dài Truyện người hàng xóm đăng Trung Bắc chủ nhật, 4 cuốn tiểu thuyết bán đứt bản thảo nên mất hẳn: Cái bát, Một đời người, Cái miếu, Ngày lụt; tiểu thuyết Sống mòn viết xong không nơi  nào nhận in, đành để đấy… Thời gian 1941-44 là thời sáng tác sung mãn và có hiệu quả nhất trong đời viết của ông.

 

Cố nhiên, ngòi bút Nam Cao không đạt kỷ lục nào cả về số lượng, về độ dài hay độ dày. Cái mà ông đạt tới đỉnh cao là một chất lượng mới: chất lượng ngôn ngữ nghệ thuật, chất lượng tư duy văn học và tư duy xã hội.

 

Nam Cao thuộc vào số những nhà văn đã đọc được và nhận ra được cái thâm trầm ở Sê-khốp (A. Tchékhov), ở Đô-xtôi-ép-xki (F. Dostoievski). Ngòi bút kể chuyện đời không còn dừng lại ở sự mô tả những biểu hiện trái tai gai mắt bề ngoài. Sự bất hòa, sự kết án xã hội đương thời, ở Nam Cao đã đi vào nguyên tắc, nên có thể bộc lộ ra một cách ôn tồn, nhỏ nhẹ, đẩy cái quyết liệt ẩn sâu vào trong. Ở trang viết của mình, Nam Cao đã nhìn thấy và chỉ cho người đọc thấy cái xã hội trì đọng trong nô lệ và lạc hậu xứ mình, cái xã hội đẳng cấp, bất công và phi nhân ấy đã làm tha hóa, biến chất biến dạng con người ta như thế nào. Viết sau và đi tiếp dòng văn tả thực của những Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, chủ nghĩa hiện thực ở Nam Cao đã tỉnh táo đến mức không còn ảo tưởng, không còn sự ve vuốt nào hết. Phần lớn những nhân vật nông dân ở tác phẩm của  ông đều đã hoặc đang bị bần cùng hóa, lưu manh hóa, bị suy đồi về nhân tính, nhân cách. Phần lớn đám nhân vật tiểu trí thức ở sáng tác của ông đều đang bị dằng xé giữa sự mưu cầu miếng cơm manh áo và sự bảo vệ phẩm giá, đều đang day dứt vì thấy đời mình "sẽ mốc lên, sẽ rỉ đi, sẽ mòn ra", và mình "sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống".

 

 Tư tưởng nhân đạo trong văn chương Nam Cao không phải là kiểu một tình thương mênh mông vỗ về an ủi, mà là một đòi hỏi nghiêm khắc: ở mức thấp, đó là đòi hỏi con người hiểu biết chính mình và hoàn cảnh sống quanh mình, nhận cho ra tình trạng bị tha hóa, biến chất biến dạng, coi sự tự ý thức này là cơ sở cho việc hành động cải tạo hoàn cảnh sống; ở mức cao hơn, đó là đòi hỏi việc tạo điều kiện để phát triển "tận độ", hết mức, những năng lực vốn có ở mỗi con người, coi phát triển năng lực là tiền đề của hoàn thiện nhân cách.

 

Văn xuôi nghệ thuật tiếng Việt, với sáng tác của Nam Cao, đã có sự phát triển thực sự ở chiều sâu, ở khả năng phân tích các quá trình tâm lý phức tạp, biến động, mong manh của các hạng người. Ngôn ngữ kể chuyện của ông đạt đến sự già giặn, tinh tế, vừa cổ điển vừa hiện đại. Cái hay của văn Nam Cao, ta chỉ có thể thấy được và cảm được bằng cách đọc nó; cái hay ấy sẽ bị rơi rụng hầu hết khi các câu chuyện ông viết được đem dàn dựng lên sân khấu hay màn ảnh.

 

***

 

Từ 1943, Nam Cao tham gia phong trào Việt Minh, và là một trong số những thành viên đầu tiên của tổ chức Văn hóa cứu quốc.

 

Tháng Tám 1945, ông tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân, được cử làm chủ tịch xã đầu tên của chính quyền mới ở địa phương. Vài tháng sau, ông thôi việc chính quyền, ra Hà Nội, làm thư ký tòa soạn đầu tiên của tạp chí Tiên phong, cơ quan của Hội văn hóa cứu quốc. Đầu 1946, ông có chuyến đi ngắn vào cực Nam Trung Bộ với tư cách phóng viên mặt trận. Kháng chiến bùng nổ ở Hà Nội, ông về quê rồi tham gia làm báo ở tỉnh Hà Nam. Mùa thu 1947, theo lời mời của Xuân Thuỷ chủ nhiệm báo Cứu quốc, ông lên Việt Bắc, làm thư ký tòa soạn tờ báo này. Năm 1948, Nam Cao được kết nạp Đảng cộng sản. Cuối năm, ông đi công tác vùng đồng bằng. Năm 1950, ông chuyển sang Hội văn nghệ Việt Nam, làm việc trong tòa soạn tạp chí Văn nghệ. Tháng sáu, ông thuyết trình về vấn đề ruộng đất trong hội nghị học tập của văn nghệ sĩ, sau đó ông được cử làm uỷ viên tiểu ban văn nghệ của Trung ương Đảng. Giữa năm 1951, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng đi công tác khu III, dự hội nghị văn nghệ Liên khu III, sau đó vào khu IV. Khoảng tháng 10, Nam Cao trở ra khu III, tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp. Trên đường thâm nhập vùng địch hậu, ông bị địch phục kích và hy sinh.

 

Từ sau tháng Tám 1945, ngòi bút Nam Cao hoạt động như là ngòi bút một cán bộ làm báo làm văn. Ông viết tin, làm ca dao, soạn kịch ngắn tuyên truyền, viết sách dịch sách phổ thông về địa lý, lịch sử, thời sự. Ông coi đó là "những công việc nhũn nhặn, thầm lặng nhưng có ích", mặc dầu cũng có lúc ông "lo lắng lối viết như vậy có thể làm hỏng lối văn tiểu thuyết đã có ít nhiều người thích" trước đây của ông.

 

Phần sáng tác văn học của Nam Cao sau 1945, tuy khá ít, nhưng cũng có những tác phẩm đạt tới độ chín về nghệ thuật. Có thể kể chùm truyện ngắn: Mò sâm-banh, Cách mạng, Đôi mắt và một loạt bút ký, ghi chép, nhật ký như: Đường vô Nam, Chuyện biên giới, Ở rừng. Qua những sáng tác trên, nhất là qua nhật ký Ở rừng, người ta nhận thấy trong thế giới tinh thần nhà văn đang diễn ra một cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt để vượt qua cái mà Nam Cao gọi là "thằng nghệ sĩ cũ trong người tôi". Ông cảm thấy có tội vì đã vướng vào duyên nợ với kiểu nghệ sĩ tiểu tư sản từ trước. Ông muốn có một đôi mắt mới để nhìn đời nhìn người. Không bằng lòng với những trang viết đã có mà ông cảm thấy nó nhợt nhạt so với thực tế sống và chiến đấu của công nông, ông chủ trương "Sống đã rồi hãy viết".

 

Chuyến đi cuối cùng mà ông tham dự và hy sinh trên đường công tác, nằm trong chủ định của ông: lấy tài liệu cho sáng tác; ông muốn làm cho hơi thở cuộc sống thực có thể bộc lộ mạnh mẽ hơn nữa trên trang viết. Sự hy sinh của ông không chỉ là sự hy sinh của một cán bộ kháng chiến, mà còn là sự tử nạn vì nghề nghiệp của một người cầm bút.

 

***

 

Từ sau khi nhà văn hy sinh, ý nghĩa các sáng tác của ông, vị trí của Nam Cao trong văn học Việt Nam thế kỷ XX càng ngày càng rõ dần, lớn dần lên trước các giới sáng tác, nghiên cứu và phê bình văn học.

1956, tiểu thuyết Sống mòn được xuất bản lần đầu, 5 năm sau khi Nam Cao mất, gây sức thuyết phục lớn về văn tài tác giả. Ngay sau đó, các tập Truyện ngắn Nam Cao, Một đám cưới được sưu tầm xuất bản.

 

Năm 1961 xuất hiện cuốn chuyên luận đầu tiên, về thân thế và sự nghiệp văn học Nam Cao (do nhà nghiên cứu Hà Minh Đức viết).

 

Năm 1975, một Tuyển tập tác phẩm Nam Cao gồm 2 tập ra mắt bạn đọc.

 

Năm 1987, một Tuyển tập khác lại ra mắt; cùng trong năm ấy, tại Hà Nội, một hội thảo do trường viết văn Nguyễn Du và tuần báo Văn nghệ tổ chức, nhân kỷ niệm 70 năm sinh Nam Cao.

 

Năm 1991, tại Hà Nội, Viện văn học và Hội nhà văn Việt Nam phối hợp với Đại học sư phạm và tuần báo Văn nghệ tổ chức hội thảo khoa học về Nam Cao nhân kỷ niệm 40 năm ngày nhà văn hy sinh.

 

Những năm 1990 này, các tác phẩm của Nam Cao thường xuyên được in lại; các bài nghiên cứu về văn nghiệp Nam Cao thường xuyên xuất hiện trên sách báo nghiên cứu văn học. Đề tài về Nam Cao và tác phẩm của ông thường xuyên xuất hiện trong danh mục các luận án đại học và sau đại học.

 

Tác phẩm của Nam Cao được dịch in ở nước ngoài.

 

Càng ngày người ta càng thấy rõ một phần đáng kể trong di sản sáng tác của Nam Cao có khả năng trường tồn, nhập vào nguồn vốn cổ điển của văn học dân tộc, có khả năng tươi lại mới lại trong sự cảm thụ của các thế hệ độc giả ngày sau.

 

 

***

 

Chúng tôi trở lại làng Đại Hoàng một ngày xuân nắng ấm. Người ta bảo rằng làng đã khác xưa nhiều, tuy nó vẫn là làng cũ, − cái làng đã được tái tạo và trở nên bất hủ trong văn xuôi Nam Cao, cái làng của đám hương lý, kỳ mục tranh giành nhau chốn đình trung, của đám anh chị bất hảo tá túc ngoài rìa làng, bãi sông, thỉnh thoảng lại giở trò gây gổ ngoài cửa quán hay bãi chợ; cái làng của những lão Hạc giữ vườn giữ đất chờ đứa con đi phu đồn điền trong Nam trở về; cái làng của những dì Hảo chịu thương chịu khó, cắn răng nuốt tủi, sống lương thiện cho đến lúc chết; cái làng Vũ Đại trong văn chương ấy có thể sẽ thành nội dung cho những lời kể mở đầu bằng "ngày xửa ngày xưa"...

 

 Nghe nói, trên mảnh vườn cũ của gia đình nhà văn, người ta đang có ý định tạo nên một "vườn hiện thực". Có lẽ không phải để ghi nhớ cái làng với những con người của nó một thời đã xa, mà là một thứ bảo tàng văn học. Đúng vậy: để cho cái làng Vũ Đại hư cấu kia trở nên sống động hiển hiện đến thế trong mắt biết bao người đọc không từng đặt chân đến làng Đại Hoàng có thật, phải có văn tài, phải nhờ sáng tạo của nhà văn Nam Cao, cái làng Việt xưa với những con người khác nhau của nó mới trở thành đối tượng nghệ thuật cho sự thưởng thức của công chúng.

Tháng 6/1997