NỬA THẾ KỶ MỘT CÔNG TRÌNH VĂN HỌC SỬ

 

Giữa dòng đời sống tất bật hôm nay, có lẽ ít người nhớ đến một tên sách, một tên người để dừng lại ít phút cho một cử chỉ tưởng niệm. Tôi muốn nói đến công trình Việt Nam văn học sử yếu, được hoàn thành cách nay trọn 50 năm, của một nhà sư phạm kiêm học giả cũng đã mất cách nay trọn 45 năm: cụ Dương Quảng Hàm (1898-1946).

 

Cách nay nửa thế kỷ, nhận thế tình trạng "không có quyển sách nào chép về văn học lịch sử nước ta", vị giáo sư trường Bưởi (lúc ấy là Collège du protectorat − trường trung học bảo hộ) đã bắt tay làm cái việc mà chính ông cho là "quá bạo" là bao quát toàn bộ tiến trình văn học sử Việt Nam, gói trong khuôn khổ loại sách dùng cho cấp trung học. Sau công trình của ông, ở Hà Nội thời trước 1945, thậm chí trước 1954, cũng xuất hiện không ít những bản in các tập bài giảng về văn học Việt Nam, nhưng có lẽ không có cuốn sách nào trong số đó lại đứng vững được như cuốn sách của Dương Quảng Hàm. Hơn thế, nếu kể đến các thời sau nữa, thì những bộ văn học sử mang tính giáo trình đại học như bộ của nhóm Lê Quý Đôn (Hà Nội, 1957) hoặc các bộ sách của các trường đại học được biên soạn sau này, đều mang đậm nhiều dấu ấn Việt Nam văn học sử yếu, thậm chí còn để mất đi nhiều ưu điểm trong cách làm việc của người đi trước.

 

Viết văn học sử tức là làm một thứ sử gia về văn học, soạn giả Dương Quảng Hàm đã khá thanh thản để không bình giảng, luận thuyết mà chỉ cố gắng miêu tả thật cô đọng, đưa thật nhiều dữ kiện và tài liệu. Quyển sách của ông giống như một quyển sách chỉ dẫn, một thứ từ điển chuyên ngành. Sự đánh giá của soạn giả thường chỉ ở chỗ các sự kiện văn học có tầm mức hệ trọng ra sao về mặt văn hóa, chứ chưa bị nhiễm những định kiến hệ tư tưởng. Và cũng không cần viết thành lời: sự đánh giá đã lộ ra qua việc có ghi nhận và mô tả sự kiện nào đó hay không.

 

Công trình Việt Nam văn học sử yếu dường như được tạo nên nhờ một hệ quan điểm tiếp cận rất rộng của soạn giả. Chỉ từ góc độ văn hóa học, soạn giả mới dành riêng những chương về ảnh hưởng của giao lưu văn hóa (văn hóa Trung Hoa, văn hóa Pháp) đối với tiến trình văn học Việt Nam. Chỉ từ góc độ xã hội học văn hóa, soạn giả mới dành riêng những chương về chế độ khoa cử và nền học thời phong kiến, về sự truyền bá các học thuyết Nho, Phật, Lão, Cơ-đốc. Đồng thời, chỉ từ góc độ nghệ thuật học để nhìn văn học, soạn giả mới chú ý mô tả các loại văn tự đã được sử dụng trong tiến trình văn học dân tộc (chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ la-tinh), hoặc mô tả rất tỉ mỉ thi pháp các thể loại thơ văn, các thể loại tác phẩm văn học.

 

Được biên soạn gần như cùng thời với các cao trào "thơ mới" và văn xuôi Tự Lực văn đoàn, học giả Dương Quảng Hàm vẫn đủ khách quan để ghi nhận, thậm chí phán đoán. Chỉ cần nêu một điểm này: khi đề cập đến các tác giả "thơ mới", ông chỉ dừng lại ở ba người theo thứ tự này: Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Xuân Diệu. Chưa đầy đủ, nhưng cái "cảm giác về trọng lượng" thì quả là tinh tường.

 

"Nền văn học một nước không những chỉ có thi văn, kịch bản, tiểu thuyết, mà gồm cả triết học và lịch sử nữa". Quan niệm này, mà soạn giả nêu ở cuối sách, có thể gây tranh luận trong giới nghiên cứu văn học hiện nay. Nhưng từ cách nhìn trên thế giới, đây là một quan niệm có căn cứ, ít nhất là để đừng gây ra cái tâm thế biệt lập hiện đang có ở những người làm văn học. Không nên và cũng không thể tách rời sáng tác văn chương với toàn bộ các hoạt động sáng tác nghệ thuật khác và toàn bộ các hoạt động trứ tác tư tưởng học thuật khác.

 

Nhớ đến một học giả mà công phu để lại còn giúp ích cho những người đi sau, nhớ đến một công trình biên khảo đã từ lâu vắng mặt trên các danh mục xuất bản, như một sự đứt đoạn của dòng chảy lịch sử, điều tôi muốn thấy là sách Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm sẽ được một cơ quan nào đấy đảm nhận tái bản. (1) Đây thực sự là sách, như cách gọi của người xưa.

 

“Thể thao & Văn hóa”, s. 49 (7/12/1991)

(1) Người viết bài này, sau đó đã thực hiện việc biên tập cho việc tái bản bộ sách này của Dương Quảng Hàm tại Nxb Hội Nhà văn: Việt Nam văn học sử yếu in lại 1996, 2002; Việt Nam thi văn hợp tuyển, in lại 1997.