QUA BÍCH CÂU NHỚ TÁC GIẢ HOA TIÊN

 

Một lần đang đạp xe dọc đường Cát Linh (Hà Nội), anh bạn tôi trỏ con ngòi hẹp ngầu bùn mà bảo: Thật không dễ hình dung cái ngòi nước bẩn kia có thời đã mang tên "ngòi nước biếc" (Bích Câu), nơi chứng kiến cuộc kỳ ngộ tưởng tượng giữa một thư sinh với một tiên nữ. Mà cuộc tình hư cấu Tú Uyên-Giáng Kiều trong Bích Câu kỳ ngộ, chẳng qua chỉ là hình bóng những cuộc tình có thật đương thời. Chẳng hạn cuộc nhân duyên giữa tiểu thư trưởng nữ quan Tham tụng Nguyễn Khản, nhà ở xóm Bích Câu này đây, với Nguyễn Huy Tự, tác giả truyện nôm Hoa tiên!

 

Nguyễn Huy Tự (1745-1790) mà nay vừa chẵn 250 năm sinh, quả là đã có mối lương duyên với − không chỉ một mà là hai − thiếu nữ khuê các nhà ở phường Bích câu. Cái thời mà chàng trai 17 tuổi vừa đậu thi hương từ quê Trường Lưu ra ở hẳn Thăng Long với cha là quan Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1798), cái thời mà chàng trai châu Hoan mới bước lên đường quan chức ngày ngày vào giảng sách ở phủ Thế tử (Trịnh Sâm), tiến từ chức Thị nội tuỳ giảng lên chức Hồng lô tự thừa, cái thời mà vị quan chức trẻ đầy triển vọng ấy năng lui tới ngôi biệt thự ở xóm Bích Câu, để hoàn tất cuộc hôn nhân giữa hai giòng họ Nguyễn gốc ở Trường Lưu và ở Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), − chính cái thời ấy, khoảng từ 1759 đến 1768, người ta có thể ngờ là thời để Nguyễn Huy Tự viết Hoa tiên.

 

Là vì dường như không có thời gian thích hợp nào nữa trong phần đời sau đó của ông.

Năm 1768, ông rời Thăng Long đi nhậm chức Tri phủ Quốc Oai, hai năm sau được thăng lên Hiến sát phó sứ Sơn Nam. Cơ nghiệp nhà Lê-Trịnh càng suy lại càng cần những kẻ sĩ mà sự tận tụy mẫn cán với vua với chúa cũng đồng thời là sự khẳng định bản thân. Năm 1774, từ ngạch quan văn Nguyễn Huy Tự đổi sang ngạch quan võ, lo việc quân sự suốt một vùng Sơn Hưng Tuyên lên tới vùng giáp biên, nhằm đối phó với các cuộc nổi dậy, các đám giặc giã, mãi tới 1782 ông mới đổi lại về ngạch văn, làm đến chức Đốc đồng Sơn Tây (1783). Ít lâu sau, ông về quê chịu tang mẹ vợ thì ngoài Thăng Long xảy ra loạn kiêu binh. Cha ông, khi ấy đã về hưu được dăm năm, mở lớp dạy học trò tại nhà, lại mở nhà "lục dã" để du vịnh; Nguyễn Huy Tự nhân đấy cũng lưu lại quê hầu hạ cha già, không ra làm quan nữa.

 

Thời gian cuối đời, − dù thời gian ngắn Nguyễn Huy Tự được triệu vào Phú Xuân làm việc ở Bộ Binh (1788-1790) cho nhà Tây Sơn hay thời gian dài hơn ông dành cho việc dạy học, đọc sách, − lại cũng không chắc là thời gian ông viết Hoa tiên. Một số ghi chép lưu trong nội tộc còn cho biết quãng cuối đời này (từ 1786 đến 1790), ông ham đọc Luận ngữ, thường nói: "Lời thánh hiền thực là thiên địa hóa công, sách khác không bì được", lại thường răn con cái chớ nên đọc tiểu thuyết ngoại thư, có lần bảo con trai là Vinh rằng: "Xưa ta từng đọc lầm, loại sách ấy có thể di hoạn tính tình, mày cùng con cháu thì chớ nên, chớ nên…"

 

Trong số những cuốn sách mà Nguyễn Huy Tự về sau cho là mình đã "đọc lầm" ấy, hẳn là có Đệ bát tài tử Hoa tiên ký do người cha đi sứ nhà Thanh đem về, hoặc từ một nguồn nào đó, vào thời hai cha con làm quan tại Thăng Long (trước 1768). Ấy là một ca bản của tác giả Trung Hoa mà nội dung là một chuyện phong tình, vào hàng thứ tám (đệ bát) trong các tác phẩm văn chương tài tử xuất sắc.(1)

 

Câu chuyện Hoa tiên "khởi bằng gió trăng kết bằng gió trăng, mà ở giữa tịnh không có gì thoát ra ngoài hai chữ gió trăng" − cuốn ngoại thư ấy hẳn đã có sức hút lớn đối với ông cống trẻ tuổi thường ngày ra vào cung vua phủ chúa, lại cũng thường lui tới nhà bố vợ ở xóm Bích Câu. Tư thất Toản quận công, Lại bộ thượng thư Nguyễn Khản, bố vợ Nguyễn Huy Tự, người ta bảo chẳng kém gì phủ chúa, lại nổi tiếng là nơi đàn hát, ca xướng. Văn Nôm thời ấy đã thịnh lắm; giới quan lại quyền quý ở chốn công môn thì dùng văn từ chữ Hán nhưng trong giao tiếp du hí nơi các tư thất lại chuộng thơ Nôm. Thưởng thức ngón đàn, giọng ca phải có thơ Nôm − thơ bằng tiếng Việt − mới thú. Nguyễn Khản là tay rất sành Nôm. Các con ông kể cả con gái như các bà Nguyễn Thị Bành, Nguyễn Thị Đài (chính thất và kế thất Nguyễn Huy Tự) đều hay Nôm, biết làm thơ Nôm… Chẳng biết trong mối duyên đầu của chính mình, người trai trong cuộc có tự cảm thấy những nét của lứa đôi tài tử giai nhân tả trong sách? Chẳng biết cuốn ngoại thư kia gợi nên những gì tương đồng trong những khát vọng của chàng trai quê núi Hồng sông Lam giữa kinh kỳ đất lịch người thanh? Chỉ biết là rồi ông quan nho học Nguyễn Huy Tự đã bắt tay diễn Nôm tác phẩm chữ Hán kia ra ngót hai ngàn câu lục bát tiếng Việt, diễn Nôm chính cuốn ngoại thư, − loại sách mà cuối đời ông thấy hối hận vì đã trót đụng đến!

 

Hoa tiên đúng là chuyện phong tình, chuyện tài tử giai nhân, các nam thanh nữ tú con nhà thế gia vọng tộc tự động tìm gặp nhau rồi gắn bó với nhau, bất chấp quyền phép của các bậc cha mẹ. Nhưng xem ra, mọi chuyện rồi đâu cũng vào đấy, các bậc bề trên rồi cũng gật đầu chấp thuận, rồi các cậu tưởng là đãng tử kia cũng đến lúc đảm đương được việc nước, lập được công trạng hẳn hoi, và cuối cùng thì các lời ngợi ca những khuôn vàng thước ngọc về "trung hiếu tiết nghĩa" cũng đã được tấu lên, dẫu trong giọng khẳng định vẫn có vẻ gì như hời hợt, hững hờ…

 

Nguyễn Huy Tự được coi như một tác gia văn học chính là với Hoa tiên. Dẫu nguồn tư liệu trong tộc họ có nói ông trứ thuật rất nhiều, nhưng ngoài một số cuốn sách mà ông sao lục giúp cha (như tập thơ đi sứ, các sách Sơ học chỉ nam, Lai Thạch khoa danh ký…), thực sự thuộc về ngòi bút Nguyễn Huy Tự chỉ có Hoa tiên. Lại cũng phải nói thêm, bản diễn Nôm Hoa tiên được truyền tụng rộng rãi, từ khoảng đầu thế kỷ XIX lại là những bản đã qua nhuận sắc của nhiều người mà trước hết và quan trọng nhất là của Nguyễn Thiện (1783-1818). Đấy cũng không phải là trường hợp hiếm hoi trong nền trứ thuật từ đầu thế kỷ này trở về trước. Vả chăng, đối với Hoa tiên, những công việc về nghiên cứu xác định các bản Nôm qua các lần nhuận sắc cũng đã được hoàn tất, do công sức của nhiều nhà biên khảo, đặc biệt là Đào Duy Anh, người đã phát hiện và xác định bản diễn nôm Hoa tiên đầu tiên của Nguyễn Huy Tự.

Có một điểm liên quan không chỉ đến Hoa tiên mà còn đến một loạt truyện Nôm khác vốn gắn với những tác phẩm nguyên bản của Trung Quốc, đó là tính chất của văn bản tiếng Việt: nó là dịch phẩm hay tác phẩm phóng tác? Những tên gọi "diễn Nôm", "diễn ca", "diễn nghĩa", "diễn âm", xưa kia vốn trỏ một phạm vi rộng gồm rất nhiều mức độ: từ các bản diễn Nôm bám sát nguyên tác chữ Hán từng câu từng chữ như bài Tỳ bà hành (thật sự là bản dịch) đến những bản diễn ca mà người soạn phải tái tạo lại trên cơ sở sườn truyện của nguyên tác (như Truyện Kiều). Các nhà nghiên cứu viết về Hoa tiên lâu nay thường gọi các bản diễn nôm (tiếng Việt) là "tác phẩm có tính cách phóng tác". Người viết bài này, nhân đọc lại những phần đối chiếu giữa Hoa tiên (của các soạn giả người Việt, bắt đầu từ Nguyễn Huy Tự) mà cụ Đào Duy Anh cho đăng trên tạp chí Tri tân hồi 1943, lại có cảm tưởng rằng ở trường hợp này đáng lẽ phải coi như một tác phẩm dịch mới xác đáng. Sự tương đồng về kết cấu ngôn từ giữa các đoạn của nguyên tác và của bản diễn Nôm, như nhà nghiên cứu dẫn ra làm lệ chứng, tỏ rõ như thế. Nhưng toàn bộ tác phẩm thì thế nào? Hẳn đây là điều còn cần thêm những nỗ lực của các nhà nghiên cứu so sánh văn bản.

Nhưng dù Hoa tiên là dịch phẩm văn học hay là phóng tác thì vị trí của nó trong truyện nôm Việt Nam, trong lịch sử văn học cũng không thay đổi.

Tháng 10-1993

 

(1) Sách tài tử là tên một danh mục mà người ta cho rằng nhà phê bình Kim Thánh Thán (1627-1662) đã đề xuất, gồm 6 tác phẩm ("Lục tài tử") của Trung Hoa qua các thời đại (tính đến ông): 1/ Nam Hoa Kinh của Trang Chu, thời Xuân Thu; 2/ Ly Tao của Khuyết Nguyên, thời Chiến Quốc; 3/ Sử ký của Tư Mã Thiên thời Hán; 4/ Đỗ Thi tức là thơ của Đỗ Phủ thời Đường; 5/ Thuỷ Hử của Thi Nại Am, thời Tống; 6/ Tây Sương ký của Vương Thực Phủ, thời Nguyên.

Về sau, nối theo Thánh Thán, một nhà bình luận hiệu là Mao Thanh Sơn (?) xếp Tỳ bà ký của Cao Minh, thời Nguyên, là "đệ thất tài tử". Một nhà bình luận khác, hiệu là Tĩnh Tịnh Trai (?) xếp Hoa tiên ký, ca bản thời Minh, là "đệ bát tài tử".

Cách liệt hạng này đương nhiên chỉ tạo như một lối thể hiện đề cao trong bình văn, lại cũng nằm trong mục đích quảng cáo sách của các nhà tàng bản thời Minh, Thanh.