SỰ CÓ MẶT CỦA NGUYỄN BÍNH
Hầu như sau cái chết đột ngột của ông, gần suốt 20 năm nay chúng ta quên Nguyễn Bính, hoặc làm như có thể quên được ông.
Một trưa, một tối nào đó, ngang qua một lối xóm hay một khu nhà bên phố, ta bỗng nghe hát ru, có lẽ bà ru cháu. Điệu ru nhắc lời người chị dặn em thay mình trông nom mẹ già, chăm sóc vườn dâu, bởi chị đã lỡ bước sang ngang… Ta bỗng giật mình nhận ra: Nguyễn Bính vẫn đang có mặt. Ông đã khắc được lời của mình vào tận ký ức văn hóa của đồng bào mình. Cơ chế tự nguyện của ký ức ấy đã ghi nhận ông thì làm sao ta quên nổi ông, khi ta vẫn là người Việt nói tiếng Việt sống giữa những người Việt trên đất Việt này?
***
Trong rất nhiều giọng thơ thời Nguyễn Bính xuất hiện, thơ ông có ngay một giọng riêng, cái chất giọng mà khi ấy Hoài Thanh gọi là giọng "quê mùa" − một xác định về phẩm chất, và rõ ràng, với ý khen ngợi. Nhưng có phải cái giọng quê, lời quê, tình quê ấy ở Nguyễn Bính cứ nhạt dần theo năm tháng tha hương? Có thể có chuyện nhạt dần, nhưng do tha hương thì chưa chắc. Có lẽ, chính trong cảnh tha hương, Nguyễn Bính mới cất lên tiếng hát tình quê thiết tha làm mê đắm lòng người đến vậy. Giữa chốn thị thành, giữa nơi quê người, Nguyễn Bính đem lời quê ra kể chuyện quê. Ai mà chẳng có một quê, và người ta lắng nghe. Có phải vì điều được nhà thơ kể kia là thực và liệu có cần nó phải thực? Cũng chưa chắc! Đối với nhiều người, ý niệm về quê hương, về nhà quê ngày xưa phải là một ý niệm đẹp, thú vị, đáng nhớ. Thì đây, nhà thơ kể về làng quê có "hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy" dưới mưa xuân phơi phới, có "hội làng mở giữa mùa thu, giời cao gió cả giăng như ban ngày", có những cô gái chăn tằm dệt cửi, có những lứa đôi hẹn hò gặp gỡ giữa đám hội chèo… Một làng quê trong tranh lụa. Một nông thôn gia trưởng trong cảnh điền viên lý tưởng đáng mơ ước tự xa xưa. Những nét vẽ như thế được người ta tiếp nhận không phải vì nó giống thực mà vì nó giống như mơ ước − mơ ước của nhiều người qua suốt nhiều thời. Và đừng nghĩ rằng một mai khi nông thôn đã cơ giới hóa hết thì hình ảnh mơ ước kiểu cũ kia sẽ mau chóng mờ phai. Ít nhất nó cũng sẽ còn như là ký ức về mơ ước ở một thời sẽ qua.
*** Đâu phải ở thơ Nguyễn Bính thời đầu chỉ có tiếng hát tình quê hoài cổ mà không âm vang những tình cảm của đương thời! Trái lại, thơ ấy ngân lên rất rõ cái giọng chung của thơ cùng thời: ý thức về sự sống của cá nhân con người, về quyền được vui sống của nó. Nếu ta không cố tình đối lập giả tạo mà cố gắng tìm ra những liên hệ bề sâu giữa quá trình nảy sinh ý thức cá nhân và quá trình phát triển ý thức giải phóng dân tộc trong tiến trình văn hóa tư tưởng cận hiện đại Việt Nam thì ta sẽ thấy rõ hơn những thành tựu thơ ca và văn học ấy. Ta thường chỉ mới nói cái buồn ở thơ Nguyễn Bính mà lại quên mất những nét vui hồn nhiên khúc khích ở các nhân vật thôn quê trong thơ ấy, quên mất là tác giả rất hay làm thơ xuân, về cảnh xuân vui, xuân đẹp, xuân rạo rực nơi đáy lòng cô gái đương thì… Ta thường hay nói cái phần mau nước mắt của thơ ấy mà quên nói cái cười gằn kiểu Tú Xương thỉnh thoảng nổi lên trong thơ ấy… Nguyễn Bính cần phải được đọc lại kỹ càng hơn.
***
Người ta hay bảo nghề làm thơ là "thương vay khóc mướn". Nhưng nếu xóa đi phần định kiến trong thành ngữ này thì ta lại thấy một khía cạnh quan trọng trong tình cảm sáng tác của nhà thơ là khả năng đồng cảm với những người khác. Khả năng này rất dồi dào ở Nguyễn Bính. Ngay thời đầu, giữa "thời đại cái tôi", thơ Nguyễn Bính cũng ít khi nói vai "tôi" từ những chi tiết tiểu sử thật như đếm của chính mình. Những bài thơ trực tiếp bộc bạch tâm trạng riêng đủ để thấy ở ông một nhà thơ bi phẫn, nhưng đấy là một phần rất ít ỏi trong thơ ông. Phần nhiều hơn, thơ ông làm theo lối "thác lời", "làm lời" người khác, nói hộ chuyện người khác − một cô gái dệt cửi, một thiếu phụ hái dâu, một người chị "lỡ bước sang ngang", một cô lái đò, một bà mẹ tiễn con gái về nhà chồng… Ngay khi nói chuyện mình, nhiều lúc ông cũng đưa ra một cái "tôi" nửa mình nửa người khác, thiêu dệt "tôi" trong một cốt truyện khác xa tiểu sử bản thân. Ông rất tự nhiên tưởng người khác là mình, rất tài nhập vai người khác và nói rất đúng giọng của họ. Ông đã viết rất nhiều truyện thơ và ở mỗi bài thơ thật ngắn của ông thường đều có một câu chuyện. Về mặt này, ông như đã chuẩn bị sẵn cho mình cái khả năng hòa lẫn trong vô số những tác giả xưa sống giữa dân gian đã để lại vô số truyện thơ Nôm, vô số những bài thơ trữ tình kiệt tác mà nay ta đành xếp chung vào kho tàng ca dao có lẽ chỉ vì không tìm ra tên tác giả.
Xếp Nguyễn Bính vào hàng các nhà thơ kiểu này, có lẽ sẽ thuận lợi để hiểu nhiều điều trong hoạt động sáng tác của ông. Ví như tính chất quê mùa, xưa cũ ở lời thơ, ở tình cảm. Hoặc nữa, tính chất thiếu hàm súc, thiếu cô đọng. Ở ông, ngay từ đầu đã bao hàm hai khả năng: khả năng của một nhà thơ trữ tình và khả năng của một người làm diễn ca. Ông như đã chuẩn bị sẵn cho mình khả năng tiếp tục làm thơ khi không còn mấy thuận lợi để đứng ở tư thế trữ tình: lúc ấy, ông sẽ làm như các cô thợ dệt cửi, đưa thoi đều đặn mà dệt theo những mẫu đề phổ cập. Tay nghề ấy, cho đến cuối đời, ông vẫn dư sức.
***
Cũng như thơ của nhiều nhà thơ cùng lứa, thơ Nguyễn Bính đã trải qua cuộc chuyển đổi lớn, từ sau tháng Tám 1945. Có vẻ như thơ ông chuyển biến dễ dàng, không mấy vật vã. Do cái chất dân gian đôn hậu dễ dãi vốn có ở nhà thơ đất Bắc ấy chăng?
Ban đầu, giống như mọi sự cực đoan, thơ ông chối từ cái tôi riêng, chối từ cái cá nhân nói chung để phát ngôn tiếng thơ nhân danh cái "ta" chung: "ta-dân-tộc", hay đúng hơn, "ta-quê-hương". Nhưng rồi, khi chuyện riêng có thể nói chuyện chung, chuyện vợ chồng bắc nam xa cách có thể nói ý chí đấu tranh thống nhất, nhà thơ đã trở lại khai thác cái "tôi" riêng, trong chừng mực nó là sự cụ thể hóa cái chung. Dẫu duyên nhà thơ không còn đậm như ở thời ra mắt, ông vẫn có mặt, bằng thơ. Và ông vẫn có mặt vừa với tư cách là nhà thơ trữ tình luôn sống trong tâm trạng "ngày bắc đêm nam", nhà thơ của tình vợ chồng nhớ nhung khắc khoải, vừa với tư cách nhà thơ diễn ca, nhà thơ kể chuyện. Hiếm nhà thơ nào để lại nhiều truyện thơ dài và tích chèo mới như Nguyễn Bính, hiếm nhà thơ nào sống bằng diễn ca được như Nguyễn Bính. Bằng diễn ca, bằng truyện thơ, ông đã kể biết bao câu chuyện, bao số phận những con người của làng quê nổi chìm trong vận mệnh chung của đất nước, ông có dịp vẽ lại bao khung cảnh làng quê vẫn đẹp như tranh lụa tuy đã đơn sơ hơn hẳn những năm xưa. Bằng diễn ca và truyện thơ, trong thời gian cuối đời, ông có mặt trong văn học chủ yếu như một nhà thơ kiểu truyền thống, một nhà thơ gần như đã quên nói chuyện mình để chỉ kể chuyện người, một nhà thơ sắp hòa vào dân gian, tên tuổi mình có thể bị lãng quên nhưng lời mình đặt ra thì có thể sẽ được nhớ lâu.
***
Đã 50 năm kể từ lúc thơ ông ra mắt bạn đọc, đã 20 năm kể từ lúc thơ ông hầu như vắng hẳn, cả trên các ấn phẩm văn học lẫn trong sự quan tâm của báo chí, nghiên cứu phê bình. Nhưng cả bạn đọc rộng rãi lẫn giới văn học vẫn chưa quên Nguyễn Bính. Những ấn phẩm thơ Nguyễn Bính vừa xuất hiện trở lại với bạn đọc, bắt đầu từ xuân Bính Dần 1986 và được hưởng ứng nồng nhiệt, đã chứng tỏ điều đó. Từ đây có thể tính đến một giai đoạn bình tĩnh và sáng suốt hơn trong việc nhìn nhận và đánh giá di sản thơ ca của nhà thơ đã quá cố ấy. Dẫu chẳng ai tiên đoán được cho ai một chỗ đứng trong vĩnh cửu, những sự việc vừa đây vẫn giúp củng cố một điều tin: giữa chúng ta, Nguyễn Bính vẫn có mặt. 1986 ● Báo Văn nghệ, 1986
|