SƯU TẦM BIÊN SOẠN ĐÂU PHẢI NGON XƠI

 

Vương Trí Nhàn vốn được bạn đọc của văn chương biết đến như một nhà phê bình. Sau cuốn Bước đầu đến với văn học (Nxb. Tác phẩm mới, H., 1986) anh cho in Những kiếp hoa dại (Nxb. Hội nhà văn, H., 1993), tập chân dung và phiếm luận, gây được tiếng vang, được tái bản ngay năm sau lần in đầu. Nhưng Vương Trí Nhàn còn làm việc trong nghề văn với tư cách một dịch giả, một người biên khảo. Cuốn Sổ tay truyện ngắn (Nxb. Tác phẩm mới, H., 1980) có lẽ là cuốn sách đầu tay của anh, cho thấy tác giả này sớm hiểu rằng ngòi bút mình phải hoạt động song song, tuy cùng trên một hướng chuyên ngành: vừa viết phê bình, nói cảm nghĩ, quan sát về văn học đương thời, vừa làm tài liệu cho nó và về nó. Những ai làm phê bình không theo một kiểu cách hời hợt, chợt đến chợt đi, tất sẽ thấy hợp lý cái việc lúc này xuất hiện như người phê bình, lúc khác xuất hiện như một người biên khảo.

 

Nghề biên khảo ở nước ta, dù chỉ tính từ khi chịu ảnh hưởng của phương pháp Âu Tây, tức là từ những năm đầu thế kỷ này, phải nói, chưa hề thành một nghề thâm hậu, nhưng những gì đã được giới này làm ra kể cũng đã đóng một vai trò lớn, có thể tạm gọi là vai trò "bè trầm" trong đời sống văn học. Sau đôi mùa thịnh đạt, với sự xuất hiện những học giả đáng trọng, với những công trình đáng nể, đến cuối những năm 1980, sự thể như đã đến đường cùng. Trên cái chợ sách vừa được thả nổi lúc ấy, sách biên khảo phê bình cùng số phận bị gạt ra rìa, trong khi các loại sách "tươi sống" hả hê tràn lấn. Đến những năm 1990, thị trường sách trở lại phần nào sự cân bằng vốn có − không phải cái cân bằng nhân tạo thời bao cấp − và sách biên khảo lần hồi sống lại, nó xem ra ngày càng có thêm bạn đọc.

 

Nhà phê bình của chúng ta hiểu rất rõ thời vụ. Hoạt động biên khảo của anh nhịp với rồi lấn lướt hoạt động phê bình. Năm 1995 anh cho ra cuốn Hàn Mặc Tử - hôm qua và hôm nay. Năm 1996 này, anh lại cho ra cuốn Khảo về tiểu thuyết. Cuốn trước ngót 600 trang, cuốn sau hơn 400 trang. Người nghiên cứu, sinh viên ngữ văn thấy 2 cuốn đó, khó mà không muốn có. Vì, đó không phải là những cuốn luận của Vương Trí Nhàn, nhưng là một sưu tập tài liệu do Vương Trí Nhàn chọn lựa. Soạn giả, người trong nghề văn, − hơn hẳn những nhà nghiên cứu quan dạng − biết rõ giá trị của những tư liệu nhất định trên cùng một đề tài, biết rõ mức độ quý hiếm hay không của từng tư liệu, mức độ mới mẻ của từng ý kiến trong các tư liệu ấy. Soạn giả, một người đã ở trong tuổi "bất hoặc", − hơn hẳn những nghiên cứu viên không qua nổi tâm lý học trò, − biết rõ sự vô ích của những "run rẩy" trước một câu thơ mới, hay, tệ hơn nữa, một lời tán dương mùi mẫn về thơ mới, để có thể vượt lên, bình tĩnh nhìn tất cả (câu thơ mới, các lời bình về nó) từ góc độ ý nghĩa văn hóa.

 

Vào lúc mà sách biên khảo như đang có cơ "trúng mùa" như hiện giờ, thật không đáng lạ khi trong dư luận xuất hiện những lời gièm pha, xàm báng. Hình như có một ký giả nào đó viết bừa rằng nghề sưu tầm biên soạn thật "ngon ăn". Chẳng hiểu nhận xét ấy mọc ra từ thực tế nào? Từ cái lối nhặt nhạnh giai thoại, chỗ này kể một ông nhà văn nát rượu, chỗ kia kể một nhà thơ… lơ mơ, rồi lấy từ báo này, sửa sang qua quýt "thảy" sang báo khác? Hay là từ cái lối của vài cây bút tân thời dám đứng tên soạn giả các tuyển tập thơ văn thế kỷ trước mà ai tinh ý sẽ thấy công phu biên soạn tựu trung là dám đem nguyên xi một cuốn tuyển cũ do người khác soạn đi photocopy rồi đem in lại, điền tên mình vào vai soạn giả? Hay là từ cái lối của ai kia, hơn người ở cái quyền ông chủ xuất bản, cho ra cả xê-ri những cuốn "… thơ và đời", trong đó chẳng tốn công lục lọi đâu xa, chỉ đơn giản đoạt lấy những tư liệu vừa công bố trên sách báo cũ trong các thư viện? Quả thật người ta có thể làm được nhiều trò "đánh quả sưu tầm" trong điều kiện quản lý kém cỏi và đầy rẫy sơ hở về quyền tác giả hiện nay. Nếu thời nay ai nấy đều cố giữ im lặng, thì chỉ có những nhà tư liệu tinh tường thời sau mới thấy ai cóp tư liệu từ ai (căn cứ vào chỗ tư liệu công bố trên ấn phẩm nào trước).

 

Sưu tầm, biên khảo chỉ "ngon ăn" trong những đề tài sưu tầm, trong lối thao tác copy - đoạt quyền - xóa vết. Sưu tầm, biên khảo trong những đề tài nghiêm chỉnh lâu dài trong cung cách bới tìm tận gốc, trong thái độ trung thực − thì bao giờ cũng tốn công, mệt sức.

 

Hai cuốn biên soạn vừa ra mắt của Vương Trí Nhàn nhằm vào hai hướng đề tài mà những người nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỷ XX chú ý: phương diện tác gia và phương diện thể loại của sự phát triển văn học.

 

Ai làm chuyên sâu sẽ thấy ở ta hiện còn rất thiếu những hồ sơ tin cậy, đủ thông tin về những gì người ta đã viết về một tác gia. Hàn Mặc Tử có lẽ là tác gia may mắn hơn cả: chưa lúc nào lại không có ai nói và viết về ông. Các chi tiết đời ông được kể theo những hình dung khác nhau, có khi trái nhau. Các câu thơ ông viết, có thể lần đầu in sai đôi chữ, nhưng vì đã thành tiêu điểm cho nghiên cứu nên ít ai dám sửa nếu còn muốn trung thực. Một hồ sơ về tác gia Hàn Mặc Tử luôn hứa hẹn độ dày dặn và sự phong phú. Trước Vương Trí Nhàn, cuốn Thơ văn Hàn Mặc Tử (Nxb Giáo dục, H., 1993) do Phan Cự Đệ sưu tầm và biên soạn là công trình đầy đủ hơn cả. Bên cạnh phần tuyển tập mà soạn giả gắng gom được tạm gọi là đầy đủ tác phẩm các loại của nhà thơ, ở phần tư liệu, nhà nghiên cứu họ Phan đã biết rõ những cái hiếm hoi, khó tìm đối với giới nghiên cứu bây giờ là những gì. Vì thế, ông ưu tiên đưa vào tập sách khá dày trước hết những bài vở được đăng ở nước ngoài và ở miền Nam trước 1975.

 

Vương Trí Nhàn biết sức nặng của cuốn sách trên, đồng thời anh lại thấy còn khá nhiều tài liệu về Hàn Mặc Tử nằm  ngoài cuốn sách ấy. Hàn Mặc Tử, hôm qua và hôm nay do anh biên soạn không hề trùng lặp tư liệu với cuốn biên soạn của Phan Cự Đệ. Gần 600 trang sách do Vương Trí Nhàn sưu tầm gồm ba cuốn về Hàn Mặc Tử và một chùm bài báo lẻ, ba cuốn là: 1/ Hàn Mặc - thân thế và thi văn (1941) của Trần Thanh Mại; 2/ Đôi nét về Hàn Mặc Tử (1967) của Quách Tấn; 3/ Hàn Mặc Tử, anh tôi (1991) của Nguyễn Bá Tín. Chùm bài báo lẻ có tới 5 bài đăng ở Sài Gòn trước 1975 và 4 bài mới đăng trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất nhà thơ.

 

Nhìn vào sách báo gần đây, phải nhận rằng đơn vị tác gia được xem trọng hơn trước nhiều. Nhưng tiến trình văn học còn có nhiều đơn vị quan trọng khác. Thể loại chẳng hạn. Tuy cùng đề cập đến thể loại, nhưng việc thiếu phân định các bình diện tiếp cận đang là căn bệnh chung của đám ký giả tạt ngang văn học. Với cuốn Khảo về tiểu thuyết, Vương Trí Nhàn đã tỏ rõ biết tiết chế rất chặt đề tài của chuyên đề tư liệu. Đây là một sưu tập những ý kiến, những quan niệm về thể loại tiểu thuyết từ đầu thế kỷ XX đến trước 1945. Soạn giả hình dung được độ rộng và sự phồn tạp của tập hồ sơ 100 năm tiểu thuyết Việt Nam − tập hồ sơ trong mơ, bởi chưa ai thực hiện − và chỉ dám bước đầu làm một việc nhỏ. Độc giả được giao ước rằng: có một thực tế phát triển văn xuôi tiểu thuyết tiếng Việt (quốc ngữ) trên 100 năm nay, sự phát triển được thực hiện bằng hàng trăm (hay hàng ngàn?) cuốn tiểu thuyết cụ thể − phương diện này chưa phải là đối tượng trực tiếp của tập tư liệu. Đồng thời với sự phát triển trên là sự nảy sinh những ý kiến, những nhận thức về thể loại này của những người viết tiểu thuyết và những người đọc chuyên nghiệp, − tức là giới các nhà phê bình nghiên cứu. Soạn giả gọi đó là "những người làm nghề" và "những người hiểu nghề", bởi viết tiểu thuyết thực sự là một nghề. Ý nghĩa văn học sử của tập tư liệu là ít nhiều đã cho thấy cái ý thức về thể loại tiểu thuyết ở văn hóa người Việt xuất hiện và phát triển như thế nào. Tiến trình tiểu thuyết, như tác giả nêu ở phụ lục 2, được hạn định từ truyện Thầy Lazaro Phiền (1887) đến Sống mòn (1944). Tiến trình ý thức về tiểu thuyết mà tư liệu được soạn giả sưu tầm thành cuốn sách này − là từ lời tựa của Nguyễn Trọng Quản (đề 1886) đến bản tự tổng kết (1960) của Nhất Linh. Ba tư liệu dày dặn nhất được chọn là: 1/ Khảo về tiểu thuyết (1921) của Phạm Quỳnh; 2/ Khảo về tiểu thuyết (1955) của Vũ Bằng; 3/ Viết và đọc tiểu thuyết (1960) của Nhất Linh.

Bên quầy sách nọ, một giáo viên hỏi người viết bài này: cái cuốn Khảo về tiểu thuyết này có đưa ra lý thuyết gì mới không? và so với… L. Timofeev thì thế nào? Tôi trả lời: đây không phải là lý luận chay, không cốt khai trí thêm cho bạn về tiểu thuyết nói chung trong những chuẩn quốc tế của nó; đây là tập hợp ý kiến của tác gia Việt Nam từ hơn một thế kỷ nay nghĩ về tiểu thuyết; nó sẽ cho bạn thấy những nhận thức lúc trúng lúc trật của nhà văn và nhà lý luận nước ta về cái thể loại ngoại nhập này.

 

"Nhập ngoại?" − có thể có bạn đọc trẻ sẽ tròn xoe mắt hỏi lại. Xin nói: đúng thế, và phải thêm: chính cái thể Roman ngoại nhập này lại được dịch ngay từ đầu là tiểu thuyết. Và thế là trong đầu óc người Việt − nhà văn và nhà lý luận − qua các thời, hai ý niệm Roman (Âu Tây) và tiểu thuyết (từ Trung Hoa) cứ chập chờn nhập tách, tách nhập. Làn theo các ý kiến mà soạn giả Vương Trí Nhàn đã tập hợp trong cuốn sách, bạn sẽ thấy điều đó.

 

“Thể thao & Văn hóa”, s. 24 (15/6/1996)