So sánh hai bản C và D với hai bản A và B

 

Như chúng ta đã thấy ở trên, bản D tức là bản của Nhà xuất bản Văn Nghệ ở Hà Nội năm 1956, ngay đầu sách đã nói rõ sự bất đắc dĩ phải in lại theo bản C, tức là bản của Nhà xuất bản Mai Lĩnh in năm 1951 ở Hà Nội, dù biết chắc rằng bản này đã bị kiểm duyệt trong vùng “quốc gia” bỏ đi khá nhiều. Do vậy, ngoài các lỗi in ngẫu nhiên nảy sinh, có thể đoán chắc rằng bản D theo rất sát bản C. Hai bản này cũng đại diện cho loại văn bản Giông tố được in đi in lại nhiều nhất từ 1987 đến nay, cho nên việc chỉ ra những chênh lệch, thiếu hụt ở hai bản này so với hai bản A và B, − là điều có ý nghĩa thực tiễn đáng kể. Hai bản A và B bao gồm hầu như tất cả những gì còn lại đáng tin cậy (hoặc buộc phải coi là thế) về văn bản do tác giả viết ra, đưa đăng báo, in sách và có dự phần vào việc sửa chữa để định hình tác phẩm ở mỗi lần in. Trong khi đó hai bản C và D, mà chủ yếu là bản C, lại đại diện cho dạng văn bản Giông tố trên thực tế đã đến với các thế hệ công chúng (giả định là lớp công chúng đọc tác phẩm này từ hồi những năm 1951 đến nay), thậm chí dạng văn bản này đã bước đầu đi vào các bộ tuyển tập, tổng tập; vì vậy những thiếu hụt của dạng văn bản này (so với nguồn văn bản đáng tin cậy hơn) càng cần được nhận diện trong tất cả các chi tiết tỉ mỉ.

Bản C thường bỏ những gì so với bản A và B?

Sau khi so sánh tỉ mỉ, tôi thấy có hai loại trường hợp câu chữ hoặc nội dung bị bản C (và D theo C) cắt bỏ của B và A. Thứ nhất, các câu đoạn có hơi hướng tính dục, từ mô tả đến tên gọi; rõ nhất là các đoạn dài ở chương I (cảnh nghị Hách cưỡng bức Mịch), chương X (cảnh nghị Hách nô rỡn với thị Tín trong phòng làm việc), đoạn dài trên 1200 từ ở chương XVI (câu chuyện trong tiệm hút về “cái dâm của loài người”, chuyện anh thợ nấu kẹo đánh vợ sau khi vợ bị tên lính Arab hiếp, hồi Pháp đánh Hà Nội lần thứ hai), một đoạn ở chương XXVI (cảnh Long và Tuyết làm tình trong khách sạn ga)…; ngoài ra là các câu chữ, ví dụ trong từ kép “hiếp dâm” người ta sẽ bỏ từ “dâm” hoặc bỏ cả hai.Thứ hai, những từ ngữ về chính trị có thể gắn với ý niệm “cộng sản”; do kiểu xử lý này nên nhiều đoạn ở chương XXX, trong câu chuyện giữa  Hải Vân và tú Anh, đã bị cắt bỏ; đoạn nêu tên Nguyễn Ái Quốc ở bản B đã nói đến ở trên, do gắn với một tên tuổi là lãnh tụ ở vùng kháng chiến lúc này (năm 1951, lúc cơ quan kiểm duyệt ở Hà Nội cấp phép tái bản Giông tố cho Nxb. Mai Lĩnh), đương nhiên đã bị kiểm duyệt ở vùng “quốc gia” gạch bỏ.

Quy cách gạch bỏ của sở kiểm duyệt vùng “quốc gia” đối với bản in Giông tố năm 1951, theo tôi, là như thế; nó thể hiện sự bảo thủ về đạo đức cộng thêm một vài kiêng cữ chính trị. Trên văn bản, nó tạo ra những khoảng giấy bỏ trống với các dấu chấm lửng kéo dài; nhiều thế hệ đọc Giông tố đã trải nghiệm cảm giác khó chịu vì những khoảng trống, có khi chẳng đáng bao nhiêu song cứ tựa hồ như những bức tường, những vết đen ngăn cách các dòng chữ, gây cảm giác tác phẩm bị mất mát mỗi chỗ một chút, bị phá hoại mỗi chi tiết một ít. Ngày nay bằng cách giúp đối chiếu với hai bản A và B, trong tri giác người đọc sẽ khôi phục được những gì bị mất mát, bị phá hoại về câu chữ, ý tứ; có khi ta tìm lại được một ý toàn vẹn xưa vẫn buông lửng trong cảm nhận của ta, có khi một vài từ khôi phục làm liền lại một ý ta đã dự đoán được, nay nhân đây ta chỉ thêm nụ cười về nét gì đấy như nhận ra vẻ thiển cận, cố chấp vô ích trong cố gắng cấm đoán của những công chức mẫn cán một thời đã xa.   

Trong khi khảo dị đối chiếu hai bản C và D với hai bản A và B, có một loại lỗi in nối theo nhau mà nếu không có dịp so sánh, ta sẽ không thể hiểu ra cả một chặng đường của những câu chữ bị hiểu sai, sửa sai rồi lại dẫn đến cái sai khác. Tiêu biểu là loại trường hợp nêu sau đây.

Đoạn này ở gần cuối chương II, cả nhà ông đồ cùng các nhân chứng và lý dịch Quỳnh Thôn dẫn nhau lên huyện trình báo tai nạn, tức là đi đưa đơn khởi kiện vụ con gái làng bị kẻ lạ mặt cưỡng hiếp. Đây là mô tả của người kể chuyện về dáng nét của hai trong số nhiều của cả đoàn người:

  Trước những cặp mắt toét tò mò của bọn giai làng, trước những cái mồm cười rất khả ố, cô Mịch cứ cúi gằm mặt xuống đất, vịn vào tay mẹ mà đi. Còn bà đồ thì có bộ mặt đăm đăm chiêu chiêu của một tín đồ đạo Gia-tô đi vào cái hàng sẽ giẫm lên trên thập ác hoặc sẽ bị chết chém, ở thời đức vua Minh Mệnh vậy.  [A]

  Trước những cặp mắt toét mà còn tò mò của bọn giai làng, trước những cái mồm cười rất khả ố, cô Mịch cứ cúi gằm mặt xuống đất, vịn vào tay mẹ mà đi. Còn bà đồ thì có bộ đăm đăm chiêu chiêu của một tín đồ đạo Gia-tô đi vào cái hàng sẽ giẫm lên cây thập tự hoặc sẽ bị chết chém, ở thời vua Minh Mệnh vậy.  [B]

   Trước những cặp mắt toét mà còn tò mò của bọn giai làng, trước những cái mồm cười rất khả ố, cô Mịch cúi gằm mặt xuống đất, vịn vào tay mẹ mà đi. Còn bà đồ thì coi bộ đăm đăm chiêu chiêu của một tín đồ đạo Gia-tô đi vào cái hàng sẽ giẫn lên cây thập tự hoặc sẽ bị chết chém ở thời vua Minh Mệnh vậy.[C]

  Trước những cặp mắt toét mà còn tò mò của bọn giai làng, trước những cái mồm cười rất khả ố, cô Mịch cúi gằm mặt xuống đất, vịn vào tay mẹ mà đi. Còn bà đồ thì coi bộ đăm đăm chiêu chiêu của một tín đồ đạo Gia-tô đi vào cái hàng sẽ dẫn lên cây thập tự hoặc sẽ bị chết chém ở thời vua Minh Mệnh vậy.[D]

Ta hãy chỉ chú ý đến câu tả hình dáng bà đồ. Bản A không có gì để tỏ ra sơ sót. Bản B thay “thập ác” bằng “thập tự”, là lựa chọn sắc thái thông thường, nhưng bỏ sót một chữ “mặt” khiến cho từ “bộ mặt” không còn nguyên; hình dung “có bộ đăm đăm chiêu chiêu” trở nên đáng nghi ngờ ở sự thiếu nhất quán giữa cấu trúc và ngữ nghĩa (Tôi nghĩ đây là hậu quả sai sót ngẫu nhiên của bàn tay thợ sắp chữ, nhưng sai sót này lại thoát khỏi tầm mắt tác giả, nếu ông quả có tham gia đọc bản in thử sách của mình). Bản C, đúng hơn, những người tham gia định hình bản C đã nghi ngờ sự đúng đắn của ngữ đoạn “có bộ đăm đăm chiêu chiêu”, và quyết định sửa thành “coi bộ đăm đăm chiêu chiêu” − một sửa chữa khiến chiều hướng sai lại càng sai rõ dần lên; − thêm nữa, hẳn do không hiểu sự kiện đàn áp giáo dân thời Minh Mệnh, họ (những người tham gia định hình bản C) đã sửa “giẫm lên cây thập tự” thành “giẫn lên cây thập tự”. Bản D, dù bất đắc dĩ theo bản C, vẫn sửa “giẫn” thành “dẫn”, hoàn tất một sai lầm về văn bản và góp phần phá hỏng một điển tích chứa trong văn bản xuất phát của tác giả.

Chắc chắn đây là một sai sót và một sự sửa chữa đã dẫn đến sai lầm về văn bản, vì “bộ mặt đăm đăm chiêu chiêu” chính xác và ổn định hơn hẳn dạng sai sót vô tình “có bộ đăm đăm chiêu chiêu” hoặc dạng sửa kiểu chữa cháy không xong “coi bộ đăm đăm chiêu chiêu”; còn “giẫm lên trên thập ác”(A) hoặc “giẫm lên cây thập tự”(B) đều chính xác, trong khi “giẫn” (hay “dẫn”) lên cây thập tự” là làm hỏng điển tích mà tác giả ngầm đưa vào đây. Điển tích ấy mô tả tình thế của con người đương thời sự kiện cấm đạo Ki-tô; lựa chọn mà vua quan nhà Nguyễn đưa ra cho giáo dân bị bắt là: hoặc phải bước qua, giẫm lên cây thập tự (biểu hiện ý quyết bỏ đạo) để được tha bổng, hoặc không chịu thể hiện hành vi đó, tức là không chịu bỏ đạo, thì sẽ bị đưa đi hành quyết, tức là bị chết chém. Sửa “giẫm” thành “giẫn” (= dẫn) tức là làm mờ tính quyết liệt sống chết của sự lựa chọn, “giẫn (= dẫn) lên cây thập tự” có thể hiểu là sẽ bị đóng đinh lên thập giá, tức cũng là một dạng hành quyết (người Việt chưa hề biết đến kiểu hành hình này) có gì đáng để lựa chọn so với bị chết chém? Mấy từ “giẫm lên trên thập ác” hoặc “giẫm lên cây thập tự” mà hai văn bản A và B diễn đạt, thật ra có nguồn từ một thành ngữ chữ Hán, hẳn thông dụng trong ngôn ngữ cai trị của quan lại nhà Nguyễn, nhất là những người được giao công việc “sát tả” tức là thanh trừng giáo dân, hồi đầu thế kỷ XIX do triều đình chủ trương, thành ngữ ấy là “khoá quá thập tự”, nghĩa nôm chính là giẫm lên, bước qua thập tự.[1] Trong mấy lời mô tả nét mặt bà đồ, mẹ cô Mịch, một sự kiện bi thảm thời Minh Mệnh (1820-40) được nhà văn Vũ Trọng Phụng nhắc lại, cô đọng như một điển tích.   

Loại sai sót làm phát sinh dị bản như trường hợp vừa dẫn, theo tôi dự đoán, sẽ là trường hợp rất dễ nảy sinh đối với hầu hết các tác phẩm văn học chữ quốc ngữ của ta, vốn ở trong tình trạng chung là hầu hết các tác phẩm được truyền bá sau khi ra đời, đều chưa hề một lần được khảo sát về văn bản. Cách nay chừng chục năm có lần tôi đã dẫn một câu kể về một phụ nữ trong truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải, đưa vào một vài cuốn văn tuyển vẫn có dạng sai:“khi ra Hòn Gay, Cẩm Phả lấy chồng, khi ngược Lào Cai buôn gà vịt”,[2] hoá ra hai từ “lấy chồng” vốn nguyên của tác giả là “lấy muồng”, muồng là một trong số các mặt hàng được người ta mua buôn gồng ngược gánh xuôi một thời, nó chứ không phải chuyện “lấy chồng” được người kể chuyện đặt ngang hàng với chuyện “buôn gà vịt”.  

Nhắc lại kiểu dị bản này để đặc biệt lưu ý các soạn giả tham gia chọn tác phẩm cho các bộ tuyển, cho các cuốn sách giáo khoa. Thực tế “tam sao thất bản” có lẽ là mối đe dọa thường xuyên đối với một nền xuất bản chưa có cơ sở văn bản học chắc chắn, và nền xuất bản của Việt Nam chưa vượt được ra ngoài  tình trạng đó.   


 

18 Xem, chẳng hạn, trong sách: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1928 / Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn/ Đà Năng, 2003, bài Ba cái sử liệu tìm thấy trong sách đạo, mục 3: Nguyễn Đình Tân trả ơn cố đạo, tr. 70 -75.

[2] Xen trong sách: 33 truyện ngắn chọn lọc 1945 -1975, Hà Nội: Nxb. Tác Phẩm Mới, 1976, tr.199.

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2007