VỀ VIỆC KHẢO DỊ GIÔNG TỐ

                                 

Tiếp đây sẽ nói về việc khảo dị một tác phẩm cụ thể của văn học Việt Nam viết bằng chữ Quốc ngữ.

Tác phẩm tôi sẽ khảo sát là Giông tố của Vũ Trọng Phụng, một tác phẩm mà cho đến nay đã được thừa nhận rộng rãi như một tác phẩm lớn của văn học tiếng Việt thế kỷ XX.[1]

Xin lưu ý rằng, sau 30 năm liền (1957-86) các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng không được tái bản và lưu hành tại miền Bắc Việt Nam, từ 1987, − thời điểm ra mắt bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, − các tác phẩm của nhà văn đã được trả lại quyền tồn tại bình thường trước công chúng độc giả, phần lớn các tác phẩm đều được in lại nhiều lần. Riêng tiểu thuyết Giông tố đã được in đi in lại hàng chục lần; tác phẩm này đã trở thành đề tài nghiên cứu cho hàng chục (nếu không phải hàng trăm) luận án cử nhân và trên cử nhân; song chưa có nhà nghiên cứu nào quan tâm đến chính văn bản của tác phẩm; chưa có nhà nghiên cứu nào thực sự bắt tay vào làm sáng tỏ những câu hỏi như: Hiện có còn bản thảo viết tay của tác giả không? Tác phẩm được in nhân bản bao nhiêu lần? vào những năm tháng nào? ở đâu? Văn bản tác phẩm là duy nhất giống hệt nhau trong tất cả các lần in hay đã có những thay đổi, khác biệt qua mỗi lần in? Và nếu có thì tình trạng khác biệt ra sao? v.v… và v.v.…

Về tiểu thuyết Giông tố, việc khảo sát nó về mặt văn bản mà tôi tiến hành ở đây, hầu như là nỗ lực đầu tiên.

Ở phương diện văn bản, cần nói ngay rằng, ngày nay hầu như đã không còn khả năng tìm thấy bản thảo viết tay tác phẩm Giông tố. Sự khẳng định này của tôi là căn cứ từ sự tiếp xúc với thân nhân nhà văn họ Vũ cũng như tiếp xúc với các học giả đã bắt tay tìm hiểu di sản của ông từ giữa những năm 1950 như Văn Tâm, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung,… Các bút tích của Vũ Trọng Phụng, cho đến nay, trong tay một vài người sưu tầm hoặc trong tay thân nhân nhà văn, số còn lại là rất ít (một cuốn sổ tay nhỏ, một trang cuối tiểu thuyết Vỡ đê, vài dòng đề tặng trên một thẻ nhà báo, chữ ký được khắc in trên tạp chí Chuyện đời ở Hải Phòng… tất cả có lẽ chỉ có thế!), và không còn chữ nào dòng nào của tiểu thuyết Giông tố.

Đối với dư luận văn học ở các nước phát triển, một tình trạng như thế với một tác phẩm ra đời giữa những năm 1930 là điều khó giải thích, song đối với đời sống ở Việt Nam thì đấy lại là chuyện rất đỗi bình thường; chưa bao giờ, thậm chí khi đã bước sang thế kỷ XXI, người xứ ta nói chung lại trọng thị những trang chữ viết tay cũ kỹ, dù nó thuộc ngòi bút những người nổi tiếng! Ở xứ ta các tên tuổi lớn của quá khứ dễ được vinh danh bằng huân huy chương, bằng các hội thảo kỷ niệm long trọng, nhưng chỉ thế thôi; ngoài ra ít khi người ta tính đến việc lưu giữ các kỷ vật, bút tích… Không khó để nhớ lại những chuyện buồn, khi một học giả danh tiếng nằm xuống đã hàng chục năm mà tủ sách của người quá cố vẫn chưa được kiểm kê, chưa được thân nhân và đồng nghiệp xác định xem còn những công trình tác phẩm nào chưa công bố, còn những bản thảo, ghi chép ra sao…; trong khi đó, sách quý trong tủ sách cũ của  người quá cố thì bị các cháu nhỏ xé ra phất diều thả chơi, không ai ngăn cản…

Phải nhận rằng đối với con người xứ ta suốt thế kỷ trước, thậm chí đến tận ngày nay, chuyện mưu sinh trước mắt luôn chế ngự mọi lo toan thường nhật; nếu có một người trong gia đình làm nghề viết văn viết báo thì đó cũng chỉ được xem là nghề kiếm sống, những giấy tờ bản thảo cùng với tủ sách thường là những đồ vật làm chật chội thêm nơi ở vốn dĩ chật hẹp của một gia đình giữa chốn đô thị, nên rất dễ bị loại bỏ bớt ngay khi đang sống chứ đừng nói sau khi đã chết. Đây là chưa kể những biến động bên ngoài có thể ảnh hưởng đến tận bên trong đời sống các gia đình, khiến cho những giấy tờ của người đã chết có  khi lại gây hại cho người còn sống!

Nói gọn lại, giữ gìn các bản thảo của nhà văn quá cố, đối với người Việt, vẫn còn là chuyện gì đó quá xa vời, quá phù phiếm, vì nó có vẻ như là việc quá sang trọng, nó như là một mảng nhỏ lạ lẫm thuộc một lối sống khác mà người ta hầu như chưa biết tới, chưa với tới được.

Tất nhiên cho đến hiện nay, ở lĩnh vực này đã có dấu hiệu phôi thai một thị trường, sự chuyển nhượng quyền sở hữu các bản thảo, bút tích, kỷ vật của danh nhân đã có thể đem lại đôi chút tiền bạc; song việc có thể xuất hiện một thị trường đầy đủ ở lĩnh vực này hay không, vai trò thị trường ở lĩnh vực này sẽ tích cực nhiều hơn hay tiêu cực nhiều hơn, − đó cũng vẫn còn là điều bất định ở phía trước. Hiện cũng đã thấy có những người sáng tác chú ý giữ gìn các bản thảo tác phẩm của mình, chủ động chuyển một phần cho lưu trữ nhà nước, một phần cho con cháu hoặc học trò…  nhưng điều nghịch lý lại ở chỗ, mọi quan tâm ở giới sưu tầm thường đổ dồn vào những tác giả tác phẩm từng có nhiều tiếng vang, còn lại, những tác phẩm bị xem là không có giá trị bao lăm thì ít ai quan tâm đến bản thảo của chúng.

 Trở lại với việc khẳng định không còn cơ may nào tìm thấy lại bản thảo Vũ Trọng Phụng viết Giông tố, tôi cho rằng, việc khảo sát văn bản tác phẩm này từ nay trở đi chỉ có thể tiến hành trên các bản in.

 Giông tố của Vũ Trọng Phụng lần đầu xuất hiện dưới dạng truyện dài đăng nhiều kỳ trên tuần san Hà Nội báo từ số 1 (1 Janvier 1936); sau 11 kỳ, đến số 12 (25 Mars 1936) toà soạn thông báo chấm dứt đăng tải tác phẩm này, khi đó mới hết chương 10:

“Vì một lẽ riêng, truyện Giông tố của Vũ Trọng Phụng, từ số này phải vĩnh biệt với các bạn độc giả thân yêu.  Đăng một truyện xã hội, hiểu theo nghĩa chặt chẽ của nó, chúng tôi biết ngay từ lúc đầu là một việc khó khăn…Quả vậy, chúng tôi đã đoán không sai. Giông tố nửa chừng phải dứt đoạn…”

Hai tháng sau, tác phẩm này của Vũ Trọng Phụng lại được Hà Nội báo lặng lẽ đăng tiếp, từ số 18 (6 Mai 1936) với nhan đề mới Thị Mịch, tuy vẫn là các phần tiếp theo của Giông tố; lần này tác phẩm được đăng liên tục đến hết ở Hà Nội báo số 39 (30 Septembre 1936).

Đầu năm 1937, tác phẩm này lần đầu tiên được in thành sách riêng ở Nhà xuất bản Văn Thanh (94 phố Cầu Gỗ, Hà Nội). Dưới tên tác phẩm Giông tố là tên gọi thể loại “xã hội tiểu thuyết” (bản đăng báo chỉ gọi là “truyện giài”); sách dày 340 trang khổ 13x19 cm.

Cuối năm 1951, tức là sau khi tác giả Vũ Trọng Phụng mất 12 năm, Giông tố được in lần thứ hai (tái bản) tại nhà xuất bản Mai Lĩnh ở Hà Nội; tên thể loại được ghi gọn là “tiểu thuyết”; sách dày 382 trang 13x19cm (in làm hai tập, đánh số trang liên tục, phát hành gần như đồng thời). Một điều đáng lưu ý là trong Lời nhà xuất bản in ở trang 1, giám đốc Nxb Mai Lĩnh Đỗ Trí Thông (Đỗ Xuân Mai) thông báo: “Nhà xuất bản Mai Lĩnh chúng tôi được hân hạnh tác giả trao cho bản quyền tất cả văn phẩm quý giá đó” (ý nói các tác phẩm phóng sự và tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng) và sẽ lần lượt in lại (lời hứa “sẽ in lại” này, về sau sẽ chỉ được thực hiện một cách khá hạn chế).[2]

Cuối năm 1956, ở Hà Nội, Giông tố được tái bản tại nhà xuất bản Văn Nghệ; đây là lần đầu tiên tác phẩm của nhà văn họ Vũ đi vào quỹ đạo một nhà xuất bản quốc doanh; trên đầu sách có bài tựa của nhà văn Nguyên Hồng nhan đề Vũ Trọng Phụng và những tác phẩm của anh (tr. 9-17); sách dày 378 trang 13x19cm; về văn bản thì Lời nhà xuất bản ở đầu sách nói rõ: “Rất tiếc, tìm bản in Giông tố trước cách mạng không thấy. Chúng tôi phải đem [sử dụng?] bản in của Nhà xuất bản Mai Lĩnh in lại ở Hà Nội trong thời tạm chiếm. Bản này bị kiểm duyệt của đế quốc bỏ nhiều chỗ. Những chỗ bị bỏ, chúng tôi cứ để nguyên dấu chấm lửng dài. Để lần in sau được đầy đủ, chúng tôi mong bạn nào có quyển Giông tố in trước cách mạng, cho chúng tôi biết” (tr. 7).

Ở Sài Gòn thời kỳ 1954-75, có lẽ chỉ có một lần, vào năm 1958, nhà xuất bản Mai Lĩnh in lại Giông tố; văn bản có lẽ không khác so với bản mà họ đã in ở Hà Nội năm 1951 kể trên.

Chính bản Giông tố ấy của nhà Mai Lĩnh đã được đưa in vào Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (ba tập, Hà Nội: Nxb Văn học, 1987; trong đó Giông tố in ở tập I: tr. 165-503); về văn bản, nhóm biên soạn (Nguyễn Đăng Mạnh và Trần Hữu Tá) có ghi chú : “Tuyển tập này in lại theo bản của Nhà xuất bản Mai Lĩnh, Sài Gòn, 1958, nhưng có bổ sung vài đoạn ở chương XXX theo Hà Nội báo số 38 (23-9-1936)” (Tuyển tập VTP, sđd., t. I, tr.166).

Từ 1987 đến nay, Giông tố được in lại khá nhiều lần, dưới dạng sách lẻ hoặc nằm cạnh các tác phẩm khác trong các bộ sách tuyển (một số bộ được gọi là Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, một số bộ được gọi là Toàn tập Vũ Trọng Phụng), nhưng về văn bản thì hầu như tất cả đều sử dụng bản của Nxb Mai Lĩnh.

Văn bản Giông tố do Nxb Mai Lĩnh in các năm 1951 ở Hà Nội, 1958 ở Sài Gòn, và được hầu hết các bản Giông tố vài chục năm gần đây sử dụng, chắc chắn chưa phải là văn bản đầy đủ và đáng tin cậy nhất của tác phẩm này. Ta chỉ cần nhắc lại ghi chú đã dẫn bên trên của nhà xuất bản Văn Nghệ 1956 rằng “bản này bị kiểm duyệt đế quốc bỏ nhiều chỗ”. Cũng từ đoạn ghi chú của nhà xuất bản Văn Nghệ 1956, người ta còn hiểu rằng cả bản Giông tố đăng Hà Nội báo 1936 lẫn bản Giông tố in thành sách lần đầu của nhà xuất bản Văn Thanh ở Hà Nội 1937 đều đã là sách hiếm từ cuối những năm 1950 ở miền Bắc, cả trong hệ thống thư viện lẫn trong các nguồn mua bán sách cũ.

Muốn khảo sát văn bản Giông tố, cần có hai bản in đầu tiên, là bản đăng Hà Nội báo 1936 và bản in thành sách của Nxb Văn Thanh 1937.

Nhưng tìm được hai bản đó không phải là việc đơn giản.

Các sưu tập Hà Nội báo rất hiếm. Nhiều năm nay ở Hà Nội người ta chỉ biết có bộ sưu tập báo này tại Thư viện quốc gia. Ngoài ra nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung cho biết có một bộ sưu tập nữa, có thể không đầy đủ, ở thư viện riêng của nhà thơ Phạm Huy Thông (1916-88); Hà Nội báo vốn đăng khá nhiều sáng tác thơ của Huy Thông nên ông đã lưu ý tìm lại để làm tuyển tập của mình, nhưng sau cái chết đột ngột (23/6/1988) của tác giả Tiếng địch sông Ô, sách vở tài liệu trong thư viện  của ông nay thuộc sở hữu của ai, do ai quản lý, trong đó có thể tìm lại Hà Nội báo hay không,… là điều rất khó tìm biết. Bộ sưu tập Hà Nội báo của Thư viện quốc gia thì các nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung cho biết đã từng đọc Giông tố đăng trên đó; nhưng sưu tập này đã mất vào khoảng giữa những năm 1960; may là ở Thư viện này còn giữ được bản chụp vi phim (microfilm) sưu tập này, thực hiện hồi những năm 1960; đây là một cuốn phim âm bản, có thể đọc được, nhưng  các thư viện ở Hà Nội không có thiết bị in phóng ảnh (photocopy) từ vi phim (hoặc có nhưng máy móc thường trục trặc), còn đọc và chép tay thì rất tốn công sức và thời gian. Năm 2002, Peter Zinoman (nhà Việt học, giảng dạy tại khoa sử Đại học Berkeley, California, Mỹ, người đã dịch Số đỏ của Vũ Trọng Phụng ra tiếng Anh, in 2002 ở Mỹ) mua của Thư viện quốc gia Hà Nội một bản in tráng cuốn vi phim này cho thư viện Đại học Berkeley, California, và đến 2004 đã gửi cho tôi bản chụp (photocopy) cuốn vi phim nói trên; bản Giông tố in lần đầu trên Hà Nội báo, như vậy tạm coi là đã nắm được.

Bản sách Giông tố in 1937 bởi Nxb Văn Thanh, như đã dẫn trên, được Nxb Văn Nghệ rao tìm từ 1956 nhưng không thấy hồi âm nào. Người ta hiểu rằng, trong không khí đời sống từ 1957 ở miền Bắc, nếu ai có sách Giông tố và các sách khác của Vũ Trọng Phụng, hẳn cũng dấu kín. Theo thông tin từ các ô phiếu tra cứu (fiches de bibliothèques) thì trong kho sách Thư viện quốc gia ở Hà Nội vẫn có một bản sách Giông tố in 1937 của Nxb Văn Thanh, có lẽ là sách lưu chiểu, mang ký hiệu P.13713, song chưa có độc giả nào, từ những năm 1970, có dịp được thấy tận mắt bản sách này, tuy ký hiệu này đã được ghi rõ vào sách Lược truyện các tác gia Việt Nam [3]. Những năm 1990-2000, tìm trong các địa chỉ mua bán sách cũ tại Hà Nội, những người thạo tin không thấy nguồn nào có bản sách này.  

Rất gần đây, khi biết có Câu lạc bộ sách Xưa và Nay ở thành phố HCM được thành lập và hoạt động, tôi đã nhờ bạn Hoàng Minh trong CLB này thông tin tìm giúp một trong hai cuốn sách hiện đã rất hiếm nhưng rất cần là tập thơ Gái quê của Hàn Mặc Tử in năm 1936 có lời đề tựa của Phạm Văn Ký, và tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng in 1937 bởi Nxb Văn Thanh. Một thời gian sau, bạn Minh thông báo đã tìm được  một trong hai cuốn: một bản sách Giông tố in 1937 bởi Nxb Văn Thanh đang thuộc tủ sách riêng của linh mục Nguyễn Hữu Triết, thành viên CLB sách Xưa và Nay, Tp. HCM.[4] Với bản chụp các trang cuốn sách này mà bạn Minh thực hiện, với sự đồng ý của linh mục Triết, và gửi cho tôi, có thể tạm coi là đã nắm được Giông tố bản in thành sách lần đầu.

Trên kia đã nói hai bản in Giông tố lần đầu này là quan trọng đối với việc khảo sát văn bản tác phẩm, khi mà khả năng tìm được bản thảo viết tay tác phẩm này của tác giả đã là điều không tưởng; lại cũng phải nhớ rằng hai bản in báo và in sách này là hai lần duy nhất Giông tố trình diện công chúng (1936, 1937) với sự tham dự của chính tác giả. Những sửa chữa, thay đổi ở hai bản in ấy chắc chắn là do ngòi bút ông hoặc ít ra cũng có sự đồng ý của ông (trừ những lỗi in ngẫu nhiên thông thường vẫn có ở mọi lần in). Kể từ bản in Giông tố của Nxb Mai Lĩnh 1951, những dị bản nảy sinh hoàn toàn nằm ngoài ý chí tác giả quá cố, cần được xem xét như những dị bản hoặc ngẫu nhiên hoặc có chủ  ý của những thành phần tham gia quá trình xuất bản (về lý thuyết cần giả định rằng mỗi lần in là một lần làm phát sinh dị bản, do các tác động hữu thức như biên tập, kiểm duyệt, hoặc do những sai sót kỹ thuật ở các khâu đánh máy, sắp chữ, kể cả những sai sót ngẫu nhiên bất khả kháng, ví dụ với loại in chữ rời, còn gọi là in hoạt bản, có thể có hiện tượng rơi chữ khỏi khuôn in khi máy in đang vận hành, các chữ bị rơi lại có thể nhảy lẫn vào vị trí khác cũng tình cờ bị rơi chữ, v.v…).

                                

                                                ***

 

Trong các bản sách Giông tố đã xuất bản từ trước tới nay, tôi chọn và đặt tên để tiến hành so sánh khảo sát 4 bản in sau:

1/ Bản A: Bản in trên Hà Nội báo, ban đầu mang tên Giông tố, truyện giài của Vũ Trọng Phụng, từ số 1 (1 Janvier 1936) đến số 11 (18 Mars 1936), về sau mang tên Thị Mịch, xã hội tiểu thuyết của  Vũ Trọng Phụng, từ số 18 (6 Mai 1936) đến số 39 (30 Septembre 1936).

2/ Bản B: Bản in thành sách riêng lần đầu: Giông tố, xã hội tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng // Tủ sách “Tinh thần mới”// Nxb Văn Thanh, 94 Cầu Gỗ, Hà Nội, MCMXXXVII [=1937], 340  trang 13x19 cm; in 3000 cuốn tại nhà in Tân Dân, 93 Hàng Bông Hà Nội, xong ngày 20 Avril 1937.

3/ Bản C: Bản in: tái bản lần thứ hai: Giông tố, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Nxb Mai Lĩnh, Hà Nội, 1951, in 3000 cuốn khổ sách 13x19cm, tại nhà in Lê Cường, 75 Hàng Bồ, Hà Nội, xong ngày 25-12-1951; tập 1: tr. 1-182; tập 2: tr.183-382.

4/ Bản D: Bản in: Giông tố, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Nxb Văn Nghệ, Hà Nội, 1956; 378 trang, khổ sách 13x19cm; in 9100 cuốn tại xưởng in Tiến Bộ; bìa của Sỹ Ngọc và Vũ Lập, số XB: 205/TT, số in: 2710; ngoài số giấy thường in thêm 550 cuốn giấy tốt; nộp lưu chiểu tháng 12/1956.

Như đã nói trên, từ 1987 đến nay Giông tố được in lại hàng chục lần, nhưng hầu như đều sử dụng văn bản từ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, 1987, tức là, về thực chất, sử dụng văn bản Giông tố mà Nhà xuất bản Mai Lĩnh in vào các năm 1951 ở Hà Nội và 1958 ở Sài Gòn. Xem lướt một số bản in, có thể thấy những người làm sách đôi khi đã can thiệp vào văn bản quá mức có thể, ví dụ tự tiện đặt thêm các từ “chương” vào trước chữ số I, II, III, IV,…là điều mà tác giả không hề làm; văn bản đôi khi được phó thác vào tay những nhân viên đánh máy tắc trách, không được sửa in cẩn thận nên các sai biệt phát sinh thêm không ít. Tuy vậy, nếu chú tâm vào các bản in Giông tố từ 1987 đến nay thì may lắm chỉ vạch ra được tình trạng làm ẩu, tuỳ tiện trên một tác phẩm mà những người tham gia in ấn vốn chỉ có thể dựa vào các văn bản trôi nổi, không thể có cơ sở văn bản đáng tin cậy. Trong khi đó, với việc truy tìm những văn bản in sớm nhất của tác phẩm này, nhất là các bản in trong sinh thời tác giả, công việc văn bản học tôi đặt ra nghiêng hẳn về việc xác lập tình trạng văn bản gần nguồn nhất (khi bản viết tay Giông tố không còn khả năng tìm lại thì hai bản in sớm nhất, in trong khi tác giả còn sống, in với sự tham gia ít hoặc nhiều của chính tác giả, − là những căn cứ đáng tin cậy hơn cả), nhân đây hiệu chỉnh để có được một văn bản gần nguồn nhất, đáng tin cậy nhất, có thể dùng làm căn cứ cho nghiên cứu tác phẩm này ở những phương diện khác nhau, có thể dùng cho các loại sách giáo khoa có nói đến trích dẫn đến tác phẩm này, có thể dùng để đưa vào các tuyển tập, tổng tập, có thể dùng như văn bản chính thức cho việc chuyển thể tác phẩm này sang các loại hình nghệ thuật khác (sân khấu, điện ảnh…), cho việc dịch thuật tác phẩm này sang các ngôn ngữ khác…

Tôi chọn 4 bản in Giông tố đã kể trên là với ý nghĩa như vậy.

Muốn thực hiện việc nghiên cứu dị bản, phải chọn trong số các bản đã in lấy một bản làm nền rồi “xếp chồng” 4 văn bản lên nhau, tức là từ đó sẽ làm bộc lộ tình trạng dị biệt giữa bản ấy với các bản khác, và nói chung, giữa các bản ấy với nhau. Đối với trường hợp Giông tố, tôi cân nhắc giữa bản A và bản B: nên dùng bản A hay bản B làm bản nền?

Dùng bản B làm nền có lý ở chỗ đó là bản in thành sách lần đầu, cũng là bản in trong sinh thời tác giả. Ta có lý để cho rằng bản công bố trên Hà Nội báo dù sao cũng mới chỉ là đưa tác phẩm ra mắt công chúng; bản in thành sách ngay sau đấy mới là dịp tốt để tác giả tu chỉnh tác phẩm, vì vậy tác phẩm in thành sách này nếu được xem như dạng văn bản chính mà tác giả đưa ra, cũng là điều hữu lý.

Song, ta nên chú ý đến một vài khía cạnh khiến ta buộc phải nghĩ rằng từ bản đăng báo sang bản in sách, nhà văn không chỉ có dịp để hoàn thiện tác phẩm hoàn toàn theo ý mình; trên thực tế, đó còn là dịp mà Vũ Trọng Phụng phải ứng xử với một tình thế có phần căng thẳng. Ý tôi là ta nên lưu ý đến không khí dư luận xung quanh sáng tác của nhà văn họ Vũ trong hai năm 1936-37.

 Có thể nói, chính trong thời gian nhà văn này công bố những tác phẩm nặng cân nhất trong đời văn ngắn ngủi và rực rỡ của mình (trong năm 1936 ông cho đăng Giông tố, Cơn thầy cơm cô, Số đỏ trên Hà Nội báo, Vỡ đê trên Tương lai, Làm đĩ trên Sông Hương), Vũ Trọng Phụng cũng phải lên tiếng quyết liệt nhất để tự vệ trước những luồng dư luận công kích sáng tác của ông, nhất là công kích điều gọi là tính chất “khiêu dâm” ở văn chương ông.

Ngày 8/8/1936 trên báo Sông Hương của Phan Khôi ở Huế, Vũ Trọng Phụng đăng Lời giao hẹn với độc giả trước khi đọc truyện, mở đầu cho việc đăng đều kỳ tiểu thuyết Làm đĩ trên tờ báo này ở đất thần kinh (Huế khi đó đang là kinh đô triều Nguyễn), trong “lời giao hẹn” đó, Vũ Trọng Phụng chủ yếu đón trước luồng dư luận sẽ nảy sinh, xem tác phẩm sẽ đăng ở đây của ông như “một thiên tiểu thuyết phụng sự cái dâm”.

Trên Hà Nội báo ngày 23/9/1936, khi Giông tố  dưới tên gọi Thị Mịch sắp đăng đến kỳ chót, ông phải lên tiếng đáp lại nhà phê bình Thái Phỉ về quan niệm “văn chương dâm uế”.

Tháng 3/1937, trên báo Tương lai ông đáp lại một độc giả về phóng sự Lục xì.

 Cũng tháng 3/1937, trên Hà Nội báo, ông lên tiếng đáp trả Nhất Chi Mai và báo Ngày nay của Tự Lực văn đoàn về chuyện văn ông “dâm hay không dâm”.

Ở những bài này, nhất là bài trả lời Nhất Chi Mai, ta thấy ông khá bất bình vì tác giả ấy “công kích một chi tiết trong cả cuốn truyện dài, hay là một hai chữ trong 300 trang tiểu thuyết (…) mà không kể đến luận lý của toàn truyện”, và tự xác định: “Tôi không cãi vội, chờ đến lúc văn phẩm của tôi in xong đã, để chờ được cãi lại…” (Để đáp lời báo Ngày nay: Dâm hay là không dâm?// Tương lai, 25/3/1937).

Tâm thế “chờ in thành sách”, cụ thể là chờ in ra các cuốn Giông tố, Cơm thầy cơm cô Lục xì, có thể ít nhiều cũng tác động đến xử sự của nhà văn trên những trang sách đang sắp chữ, chưa định hình vào khuôn in đến nỗi không thể chỉnh sửa được dù chỉ một vài từ. Người viết những dòng này đã từng nêu ra trường hợp: chi tiết Mịch “nằm nghiêng” để “cho Long ái tình” ở bản đăng Hà Nội báo, chi tiết mà Nhất Chi Mai nhắc đến để tố cáo tính chất khiêu dâm, đã được sửa ra sao khi in thành sách.[5]

Như thế, việc xử lý trên bản in Giông tố thành sách lần đầu, đối với tác giả, không chỉ là việc nhằm hoàn thiện tác phẩm, mà ít nhiều còn là cơ hội để đối phó với dư luận; nghĩa là tác giả có thể phải bỏ đi hoặc chỉnh sửa những câu chữ, ý tứ nhất định, không phải để tác phẩm trở nên đạt hơn hay hơn theo ý mình, mà là để tỏ với dư luận trên một vài dấu hiệu nào đấy. Đi vào các phần cụ thể của văn bản Giông tố, ta sẽ thấy rõ hơn điều này.

Do vậy, người khảo dị tạm coi hai bản A và B có giá trị như nhau; bản A là bản in trước sẽ được dùng làm nền. Các dị bản của B so với A cần được giải thích hoặc theo mục tiêu hoàn thiện văn bản tác phẩm hoặc theo mục tiêu đối phó với dư luận, nhất là bộ phận dư luận đương thời đang muốn tố giác và tẩy chay “lối văn khiêu dâm” của nhà văn họ Vũ.

Bản C và bản D tuy không có ưu thế gần nguồn, nhưng lại đại diện cho loại văn bản Giông tố được nhân bản và phổ biến nhiều lần nhất; những khác biệt ngẫu nhiên hoặc có chủ ý ở hai bản này so với hai bản A và B sẽ chứng tỏ việc đặt vấn đề khảo dị tác phẩm này là có cơ sở; trong trường hợp những dị bản ấy quá ít hoặc không đáng kể thì việc khảo sát này vẫn đưa lại một thông tin nên biết.

 Xin lưu ý “lời nhà xuất bản” Văn Nghệ 1956 (bản D) cho rằng bản in Giông tố của Nxb Mai Lĩnh 1951(bản C) “đã bị kiểm duyệt đế quốc bỏ nhiều chỗ”. Kiểm tra kỹ, ta thấy ở cuốn Giông tố do Nxb Mai Lĩnh in 1951, trang ghi các chi tiết xuất bản phẩm (thuật ngữ trong nghề xuất bản gọi là trang xi-nhê: page signet) ở cả hai tập Giông tố bản C (tr. 184 ở tập đầu, tr. 382 ở tập sau) đều ghi rõ:

Giông tố của Vũ Trọng Phụng do nhà xuất bản Mai Lĩnh tái bản lần thứ hai 3000 cuốn tại nhà in Lê Cường, 75 Hàng Bồ, Hà Nội, xong ngày 24 tháng 1 năm 1952. Kiểm duyệt số 1864 KD/BV ngày 21-12-1951”.

Tức là bản Mai Lĩnh in 1951 ở Hà Nội đã bị cơ quan kiểm duyệt ở vùng “quốc gia” (thời kỳ 1947-1954, chứ không phải “đế quốc” như lối nói có mùi “quy chụp” của Nxb Văn Nghệ dăm năm sau đó) buộc phải bỏ không in một số đoạn; đó là những đoạn nào, các khảo dị và so sánh cụ thể giữa các bản C và D với các bản A và B sẽ phải làm rõ.  

Một điểm sau cùng cần nói trước khi thực hiện khảo sát, là phải giới thuyết: những trường hợp thế nào sẽ được xem là dị bản? Có vẻ như đối với tác phẩm thể hiện bằng chữ viết thì mọi dấu hiệu khác biệt văn tự đều cần được xem là dị bản. Điều dường như khỏi cần bàn cãi này, hoá ra lại là điều phải cân nhắc. Là vì từ thời Giông tố ra mắt đến nay, tuy chuẩn chữ Quốc ngữ thay đổi không nhiều, nhưng các thói quen sử dụng nó lại không hoàn toàn đứng yên; ấy là chưa kể sự chi phối của phương ngữ. Ta sẽ phải cân nhắc, chẳng hạn, có nên xem là dị bản:

− bản in này là “rẫy rụa”, bản kia sửa là “dãy dụa”; bản này viết “giời”, bản kia viết “trời”; bản này viết “giăng”, bản kia viết “trăng”,…

− bản này để gạch nối (-) cho những từ được coi là từ kép, bản kia bỏ hết các dấu ấy;

− bản này là “ét-săng”, bản kia là “ét xăng”;

− bản này là “chơ chẽn”, bản kia là “trơ trẽn”, v.v…

 Tôi nghĩ những trường hợp vừa kể trên chỉ có ý nghĩa “dị bản” đối với thực tiễn biên tập xuất bản vốn hoạt động theo quy tắc: khi in bản mới từ văn bản cũ, bao giờ cũng phải sửa ngôn ngữ theo quy tắc viết chính tả hiện hành; ngoài điều đó ra, loại trường hợp dẫn trên lại khá ít ý nghĩa cho việc khảo sát tính dị bản thực sự của một văn bản văn học, và việc đưa chúng vào thống kê khảo sát sẽ làm phức tạp công việc một cách không cần thiết. Trong khi khảo dị Giông tố, tôi sẽ bỏ qua những loại dị biệt như vậy.  

 

                                                ***

 

Tôi đã tiến hành thử khảo dị chương đầu tiên của Giông tố. Gọi “chương” là từ dùng của người nghiên cứu, chứ thật ra tác giả Vũ Trọng Phụng đánh số các đoạn truyện chỉ bằng chữ số I, II, III…(Một vài nhà xuất bản hoặc nhà in gần đây đặt thêm từ “chương” cạnh chữ số I, II, III trên bản in Giông tố, là đã đi quá cái thẩm quyền của người tham dự vào việc truyền bản một tác phẩm ngôn từ). Kết quả khảo dị chương này, tôi đã viết trong một bài nghiên cứu ngắn mang tính thông báo,[6] đồng thời qua đây thấy rõ người làm văn bản học thật sự có việc để làm trên tài liệu đã chọn.

                                                

                                                      *

 

Như đã nói trên, công trình văn bản học luôn gắn với văn bản tác phẩm. Kết quả khảo dị các chương đoạn tiểu thuyết Giông tố, tôi sẽ trình bày đầy đủ thành một phần riêng, sau văn bản mỗi “chương” truyện; đó chính là báo cáo khoa học mà người khảo dị văn bản trình ra trước đồng nghiệp; đó cũng là thông tin về tình hình dị bản của tiểu thuyết Giông tố mà người làm khảo dị cung cấp cho những bạn đọc có quan tâm đến văn chương, đến di sản của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Cách làm của tôi là khoanh lại và kê ra những mệnh đề, câu hoặc đoạn câu có chênh lệch từ ngữ giữa các bản A, B, C, D.

 Ở đây nảy sinh một khó khăn tuy thông thường nhưng đáng kể: việc đánh dấu các vị trí có dị bản ở tác phẩm văn xuôi lôi thôi hơn nhiều so với tác phẩm thơ!

Ta đã biết các tác phẩm thơ, ví dụ Truyện Kiều, thường được nhà nghiên cứu đánh dấu theo số thứ tự câu thơ, hoặc đúng hơn, dòng thơ, và cũng chỉ cần cách 5 dòng ghi một lần, theo trật tự 5, 10, 15, v.v…; với cách đánh số này, chỉ cần nhắc đến một cặp 2 dòng thơ ngẫu nhiên, chẳng hạn “Vội vàng lá rụng hoa rơi / Chàng về thư viện nàng rời lầu trang” là ai nấy đều biết đó là 2 dòng thơ số 361-362; và khi mọi dòng thơ trong toàn tác phẩm đều đã có mã số xác định thì mọi việc đã trở nên thuận tiện cho người làm khảo dị thông tin với công chúng.  

Với tác phẩm văn xuôi, như Giông tố, chia ra để đánh số từng câu ở tất cả các phần rời nhau mà ta tạm gọi là “chương”, tức là đánh số đơn vị câu cho toàn tác phẩm, là điều có thể làm được, tuy nhiêu khê hơn, vì các câu vốn dài ngắn khác nhau, chữ dùng để đánh số phải hiển thị đầy đủ, rõ ràng ở đầu mỗi câu. Đây chính là cách thức kinh điển mà giới làm văn hoá ấn loát các nước các thời trước chúng ta đã làm, chẳng hạn, với Kinh Thánh của Ki-tô giáo, hoặc Luận ngữ của Nho giáo; cách này ấn định toạ độ cho từng câu trong mỗi văn bản, do vậy sẽ cho phép người ta nêu vị trí câu dẫn một cách chính xác, gọn ghẽ, dễ hiểu; ví dụ một câu: “Khi mặt trời mọc lên khỏi đất thì Lot vào đến thành Xoa”[7] sẽ được đánh dấu là: (Sáng thế ký, 19:23); cách này rất thuận tiện cho việc đối chiếu các bản bằng các văn tự khác nhau (chẳng hạn, tìm ở bản chữ Việt khác, muộn hơn, câu ấy là: “Ông Lót vào thành Sô-a lúc mặt trời vừa lên”[8]; tìm ở bản chữ Pháp theo dấu La Genèse, 19:23, ta sẽ thấy câu tương đương: “Au moment que le soleil se levait sur la terre et que Lot entrait à Çoar” [9]). Tương tự như vậy, một câu: “Tử viết: Trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ” sẽ được đánh dấu là: “Luận ngữ: Tử Hãn: 27” hoặc “Luận ngữ: IX: 27”.[10] Các bản dịch khác nhau có thể theo đó đối chiếu dễ dàng.

Cách đánh số này có thể được coi là hệ tọa độ áp dụng cho các kiệt tác, vì nó cấp mã số cho từng câu, bằng cách đó tạo cơ sở cho việc chỉ dẫn không cần gắn tác phẩm với một ấn bản nào cụ thể. Cách này cũng có thể vận dụng cho Giông tố, tuy sẽ phải giải quyết thêm một điều dễ nảy sinh tranh cãi là ranh giới các câu tiếng Việt (ví dụ sau dấu chấm than (!) phải viết hoa, vậy có thể coi mọi dấu chấm than là ranh giới của câu không? v.v…), song điều tôi cân nhắc lại là: dù sao cách đánh số nói trên cũng là một khuôn khổ dành cho văn bản những trứ tác có tầm ảnh hưởng lớn hơn, có tầm ứng dụng xa rộng hơn. Tiểu thuyết Giông tố chưa ở mức cần dùng một sự đo đếm kỹ lưỡng đến như thế!

Rút lại, tôi chọn cách khoanh ra những mệnh đề, câu hoặc đoạn câu có chênh lệch từ ngữ, tức là có dị biệt so với nhau, rồi tô đậm những từ khác biệt ấy. Đây là cách thống kê những ngữ cảnh cụ thể có chứa đựng dị bản. Chữ số dùng để ghi ở đây là số thứ tự, nhưng không phải số thứ tự các dị bản (từ đó có thể tính ra số dị bản có trong mỗi chương truyện) mà chỉ là thứ tự các ngữ cảnh có chứa dị biệt; trong mỗi ngữ cảnh được thống kê, ít nhất có một dị bản. Cuối phần chính văn của mỗi chương truyện sẽ là phần thống kê các ngữ cảnh đó, mỗi ngữ cảnh cho thấy các dị biệt ở các bản A, B, C, D so với nhau.

Tôi đã tiến hành khảo dị văn bản Giông tố trong khoảng trên 6 tháng; công việc này phải làm trực tiếp trên máy tính, tuy các thao tác tựu trung chỉ là đánh chữ và sửa chữ, tìm ra các dị biệt giữa các bản in và tìm cách thể hiện chúng cho người đọc biết. Với mỗi “chương” truyện tôi đều làm đi làm lại ít nhất 3 lần, gắng không bỏ sót dị biệt nào. Thao tác của tôi theo các bước chính sau:

1- đầu tiên đánh máy và sửa hoàn toàn theo bản A;

2- tiếp theo, đối chiếu bản B với bản A, khoanh lại những ngữ cảnh có dị biệt câu chữ, copy đưa xuống cuối chương, đánh số thứ tự các đoạn có dị bản trong từng chương, tô đậm các chữ dị biệt giữa hai bản so với nhau;

3- tiếp theo, đối chiếu bản C với bản A và B, khoanh lại những ngữ cảnh có dị biệt câu chữ, copy đưa xuống cuối chương, bổ sung vào thứ tự các đoạn có dị bản đã tìm được giữa B và A;

4- tiếp theo, đối chiếu bản D với các bản nói trên, phát hiện thêm những dị biệt, bổ sung vào bản khảo dị đã hình thành. 

Kết quả công việc khảo dị cụ thể được thống kê như một tường trình chi tiết ở cuối mỗi “chương” truyện; đó là báo cáo cụ thể mà người khảo dị văn bản cung cấp cho bạn đọc và bạn nghiên cứu.

Ở đây, xin nêu một số nhận xét vắn tắt về tình trạng dị bản của văn bản tiểu thuyết Giông tố, qua việc so sánh 4 văn bản in xuất hiện sớm nhất.


 

[1] Một minh chứng rõ nhất là bộ Tổng tập văn học Việt Nam đã dành 898/1158 trang 16x24,5cm của tập 29B (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997) cho tác gia Vũ Trọng Phụng, trong đó các tác phẩm Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê (tiểu thuyết), Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Một huyện ăn tết (phóng sự) được in toàn văn, bên cạnh một vài tác phẩm khác  (phóng sự Cạm bẫy người, tiểu thuyết Trúng số độc đắc) được in trích.

[2] Danh mục tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mà Nxb. Mai Lĩnh thông báo (ở bìa 2 sách  Giông tố kể trên) là đã và sẽ tái bản gồm: 1/Lấy nhau vì tình; 2/Cạm bẫy người; 3/ Giông tố; 4/ Số đỏ; 5/Nhà đỏ (tức Lục-sì); 6/ Cơm thầy cơm cô; 7/ Vỡ đê; 8/Dứt tình; 9/Kỹ nghệ lấy Tây; 10/ Làm đĩ; 11/Người tù được tha; 12/ Trúng số độc đắc; 13/Quý phái; 14/Cái ghen đàn ông; 15/Không một tiếng vang; 16/Giết mẹ; 17/Phá giới . Tôi (LNA) đã hỏi chuyện ông Nghiêm Xuân Sơn, con rể nhà văn, thì được biết chỉ có chừng 4-5 cuốn ở đầu danh mục này được Nxb. Mai Lĩnh tái bản ngoài Bắc và trong Nam cả thảy vài ba lần (trong khoảng những năm 1954-75).

[3] Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Phú, Tạ Phong Châu (1972), Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập II, Hà Nội, 1972: Nxb KHXH, tr.231.

[4] Xem: Lại Nguyên Ân (2006): Tìm thấy lại bản in Giông tố (1937) / Tuổi trẻ cuối tuần, Tp. HCM, s. 45 (12/11/2006).

[5] Xem: Lại Nguyên Ân (2003): Về công tác tư liệu và văn bản trong xuất bản và nghiên cứu di sản của ngòi bút Vũ Trọng Phụng, trong sách: Bản sắc hiện đại trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Hà Nội: Nxb Văn học, 2003, tr. 151-165.

[6] Lại Nguyên Ân (2007), Khảo sát tình trạng dị bản một chương tiểu thuyết Giông tố // Nghiên cứu văn học, Hà Nội, số 2 (420), tháng 2/2007, tr.110-122.

[7] Kinh Thánh, Cựu ước và Tân ước, Sài Gòn, 1972: Thánh Kinh hội tại Việt Nam xb., tr. 19.

[8] Kinh Thánh, Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn dịch, Hà Nội, 1985: Toà Tổng giám mục Hà Nội xb., tr.32.

[9] La Sainte Bibble, traduite en français sous la direction de l’école biblique de Jérusalem. Paris: Les Édition du CERF, 1956, p.26.

[10] Luận ngữ, Dịch giả Đoàn Trung Còn, Sài Gòn, 1950: Trí đức tòng thơ, tr. 146.

 

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2007