VỀ VIỆC HIỆU CHỈNH VĂN BẢN GIÔNG TỐ

 

Ở phần trên, khi nói về việc khảo dị văn bản tiểu thuyết Giông tố, tôi có nêu sự cân nhắc phải tìm một văn bản nào giữa bản A và bản B làm bản nền để từ đó thực hiện việc so sánh tìm ra những khác biệt trong văn bản của toàn bộ tác phẩm. Tôi đã chọn phối hợp hai bản ấy. Và điều đó đã giúp tôi làm xong phần khảo dị 30 chương và 1 đoạn kết Giông tố.

Thế nhưng cuốn sách này, một công trình văn bản học về một tác phẩm, sẽ chọn cách nào: nên in lần lượt đủ 4 văn bản đã dùng để khảo sát hay chỉ in một văn bản nào đó? Giông tố dài khoảng 340 trang 13x19cm, in đủ 4 văn bản đã tốn trên 1300 trang, công trình sẽ là một cuốn sách quá dày. Vả chăng, in đủ 4 văn bản cũng chỉ để làm rõ các dị biệt so với nhau, trong khi chỉ dùng một văn bản Giông tố cùng với một bản thống kê những dị bản cũng đủ cung cấp cho người đọc phương tiện để hình dung từng văn bản trong số 4 văn bản đã đưa ra khảo sát.

Trong khi đó, tìm ra và thống kê dị bản chưa phải là mục tiêu duy nhất của công tác văn bản học. Một việc cũng rất cần thiết là từ các khảo sát dị bản, người nghiên cứu cần đi tới việc xác lập một văn bản khả thủ, một văn bản được xem là gần nhất với điều có thể gọi là “văn bản của tác giả”, một văn bản có thể đáp ứng nhu cầu đọc thông thường, khi người đọc không có nhu cầu biết kỹ về tình trạng dị bản của tác phẩm.

Cách thức tôi chọn là chỉ in một văn bản Giông tố, nhưng không phải là một văn bản theo đúng bản A (Giông tốThị Mịch đăng báo năm 1936) hay bản B (Giông tố in sách 1937), mà là một bản hiệu chỉnh theo hai bản A và B, đồng thời có hiệu chỉnh một số trường hợp chữ dùng cụ thể, theo chuẩn viết chữ Việt hiện nay. 

Ở trên đã có nói rõ, bản A là bản đăng báo, chắc chắn có những sơ xuất, những thiếu sót mà tác giả Vũ Trọng Phụng muốn sửa khi đưa in thành sách lần đầu; song bản B, tức là bản in sách lần đầu ấy, lại cũng chịu những ràng buộc do phải lường đến sự cố tác phẩm đã từng bị ngừng khi đăng báo, bên cạnh đó là sức ép của luồng dư luận ít nhiều mang tính phe phái, công kích điều được gọi là “khiêu dâm” trong văn chương nhà văn họ Vũ. Do vậy văn bản hiệu chỉnh cần phối hợp hai bản A và B; ngoài ra cũng cần xử lý những hiện tượng văn tự không hợp chuẩn viết chữ Việt ngày nay.

Về việc phối hợp hai bản A và B, tôi tiến hành theo quy tắc: câu chữ nào bản B sửa mà xét ra là hợp lý (sửa văn, sửa chi tiết không hợp lý hoặc sửa sắc thái mô tả, v.v…) thì dùng bản B.

Ví dụ:

 

[6] Lại đến hôm thấy cái tin ông huyện cũ phải đi để cho ông khác về thấy thì cả một làng ai cũng tin một cách rất chắc chắn, [A]

→  Lại đến hôm thấy cái tin ông huyện cũ phải đi để cho ông khác về thay thì cả một làng ai cũng tin  chắc chắn, [B] (ch. VIII)

 

[17] Vả lại tôi có vì bên bị quyền thế quá mà đến mất chánh hội thì cũng không hại gì đến ai kia mà! [A]

→    Vả lại tôi có vì bên bị quyền thế quá mà đến mất chánh hội thì cũng không hại gì đến đứa nào kia mà! [B] (ch. VIII)

 

Tuy vậy, cũng không ít trường hợp bản B tỏ ra là bỏ sót (sauter), vô tình hoặc cố ý bỏ cả đoạn (ví dụ đoạn kể “tiền sự” viên quan mới về trị nhậm huyện Cúc Lâm để xử lại vụ kiện của làng Quỳnh Thôn đã dẫn bên trên), bản hiệu chỉnh sẽ khôi phục theo theo bản A. Trong sự cân nhắc này giữa từng đoạn lẻ của hai bản A và B, chắc hẳn bản hiệu chỉnh sẽ khó tránh khỏi dấu vết chủ quan của người hiệu chỉnh. Nhất là khi tính đến cả cái hay lẫn cái dở của việc tác giả sửa văn mình: khi cầm bút và đọc lại văn mình, nhà văn bao giờ cũng tỉnh táo hơn, có thể thay đổi những câu chữ quá đáng hoặc nông nổi, những sai sót vặt vãnh, song chính do trạng thái tỉnh táo ấy, nhà văn có thể lại tác động tiêu cực đến trang viết cũ vốn chảy trong một mạch văn, mạch tâm lý sáng tạo nhất quán mà mọi sửa đổi về sau thường thường chỉ khiến nó rời rạc hơn, nhạt mùi nhạt vị đi hơn mà thôi. Chẳng hạn ở đoạn đối thoại giữa Mịch và Long sau khi Mịch đã là vợ lẽ nghị Hách (chương XXII), những sửa chữa của tác giả trên từng lời của hai nhân vật ở bản B không thể sống động mạnh mẽ như ở bản A; gặp những trường hợp như thế, người hiệu chỉnh sẽ theo bản A.

Ngoài việc cân nhắc giữa hai văn bản A và B, bản hiệu chỉnh cũng phải xử lý những từ mà tác giả Vũ Trọng Phụng dùng chưa đúng chuẩn, chẳng hạn, bản A có chỗ viết “giường mối” (chương XV) trong khi từ cuối thế kỷ XIX, Đại Nam quốc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của đã ghi đúng từ này là “giềng mối”, hoặc bản A (chương XXIX) viết “xơ giộng”, bản B sửa “xơ rộng”, đều chỉ là hai phương ngữ miền Bắc, trong khi dạng chuẩn đã được ghi nhận của từ này là “xơ nhộng”.

Cũng có trường hợp từ ngữ bị in sai mà cả 4 bản được khảo sát ở đây đều bỏ qua. Trong Giông tố ít nhất tôi đã thấy một từ như thế:

Tôi đã đi thăm khắp các vùng quê, tôi đã thấy nạn khủng hoảng, những tai trời ách đất, hạn hán, hạn  sâu cắn hại mùa màng...

 

Câu này nằm trong diễn từ của nghị Hách tại buổi tiệc đãi khách sau khi y được gắn Bắc đẩu bội tinh (chương XXIX); có thể đoán mấy từ cuối cùng là “…hạn hán, nạn sâu cắn hại mùa màng…”; thế nhưng từ bản A sang bản B, rồi sang bản C, bản D,  đều là  “hạn hán, hạn sâu cắn hại mùa màng”! Đây là một ví dụ mà người làm việc lâu năm trong nghề in (nghề in với kiểu in chữ rời, còn gọi là in hoạt bản, tức là sắp các con chữ chì rời nhau thành từ thành câu thành bài thành sách) và nghề làm sách thỉnh thoảng sẽ gặp, khi những chỗ sai hiển nhiên lại cứ lọt qua mắt cả những người sửa in lẫn các chủ nhân nhà sách, lọt qua cả mắt tác giả nữa, nếu tác giả cũng tham gia đọc sửa sách của mình! Cái sai do sơ sót ngẫu nhiên luôn luôn hiện diện trong nghề làm sách.

Trường hợp vừa dẫn, tôi nghĩ cần sửa, tất nhiên cũng cần phải ghi chú về hành vi ít nhiều là “tự tiện” này của người hiệu chỉnh văn bản (đụng tới văn bản của tác giả, là điều bất đắc dĩ, nhưng phải thông báo rõ, không được thực hiện trong im lặng).  

Ngoài ra, việc sửa từ ngữ cho đúng quy tắc chính tả hiện tại là công việc đương nhiên người hiệu chỉnh phải làm. Có trường hợp từ bản A sang bản B, tác giả Vũ Trọng Phụng đã sửa khá lớn các từ có dạng “giời” thành “trời”, dạng “giăng” thành “trăng”, song không phải ông đều sửa ở tất cả mọi chỗ; như vậy vẫn cần giữ lại dạng cũ ở những chỗ tác giả giữ lại, có lẽ để gây cảm giác thật trong ngôn ngữ người kể chuyện hoặc ngôn ngữ nhân vật.

Nhân nói về việc sửa từ ngữ trong tác phẩm này theo quy tắc viết chữ Việt hiện nay, xin nhắc lại quy tắc khảo dị mà tôi đã nêu ở phần trên, đó là chỉ xem thật sự là dị bản những khác biệt có ý nghĩa đối với một văn bản văn học. Sự khảo dị tôi tiến hành trên văn bản Giông tố không giúp tái hiện lại, chẳng hạn, tình trạng viết sai chính tả chữ Việt, vốn khá phổ biến trong sách báo trước 1945. Nhắc lại điều này để lưu ý những ai có ý định kiểm tra và phê bình kết quả công việc của tôi ở công trình này chắc chắn cần phải làm việc với các bản gốc của 4 bản mà tôi đã khảo sát.

Tình trạng dị bản thật sự của tác phẩm Giông tố sau 4 lần in đầu tiên, từ 1936 đến 1956, được bộc lộ, không phải ở bài thuyết minh dẫu sao cũng là sơ lược này, mà ở phần thống kê các đoạn có dị biệt đặt ở cuối mỗi chương truyện, sau phần văn bản chính.

Việc viết hoa hay không hoa các danh từ chung về chức vụ, danh vị, v.v…vốn ít có sự thống nhất trong các cộng đồng người Việt. Họ tên riêng đích thực của một người, tất phải viết hoa, song các danh từ chung, trỏ các loại chức vụ như chánh hội, lý trưởng, trương tuần, tuần phủ, tổng đốc, công sứ…; các thứ tên học vị, hàm cấp, kể cả hư hàm như tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hàn lâm, v.v…, nhiều người cũng thường hay viết hoa. Song sự bất nhất thường lộ rõ khi người ta hầu như viết hoa để bày tỏ sự đề cao (ví dụ viết ông Nghè, ông Tiến sĩ, quan Tổng đốc…) đồng thời viết chữ thường để cho thấy sự ít xem trọng (ví dụ viết chữ thường đối với lý trưởng, trương tuần, nhiêu, xã…). Tôi nghĩ chữ Việt thường không yêu cầu viết hoa các danh từ chung, và tôi xem đấy như quy tắc cho văn bản hiệu chỉnh này, do vậy sẽ phải viết: tú Anh (chứ không phải Tú Anh), thị Mịch (chứ không phải Thị Mịch), nghị Hách (chứ không phải Nghị Hách), v.v…

Cũng thuộc chuyện viết hoa hay viết chữ thường, trong hai lần in đầu của Giông tố, có vẻ như tác giả Vũ Trọng Phụng chủ định áp dụng một cách viết chữ thường cho các cụm danh từ vốn có vẻ giống với những danh từ chung, ví dụ ông viết “cái thể môn kiểu nhật-bản”, “gà nhật-bản”, “lính ả-rập”, “cái buồng thổ-nhĩ-kỳ”, v.v… cách viết này có chỗ tỏ ra hữu lý, ví dụ khi đặt cạnh những “cơm tây”, “táo tàu”, chuối xiêm”… đã phổ cập. Song nhìn chung đây rõ ràng là cách viết đặc trưng cho các ngôn ngữ với từ vựng đa âm tiết, với sự hiển thị các yếu tố hình thái ngữ pháp (trong đó các từ có nghĩa “Nhật Bản”, “Ả Rập”, “Thổ Nhĩ Kỳ” được chuyển thành dạng tính từ sở hữu chẳng hạn, để làm định ngữ cho các danh từ “thể môn”, “gà”, “lính”, “buồng”), không phù hợp với cách viết các cụm danh ngữ với các từ đơn tiết như trong tiếng Việt. Vì vậy, các trường hợp này, tôi áp dụng quy tắc viết chữ Việt hiện hành: “cái thể môn kiểu Nhật Bản”, “gà Nhật Bản”, “lính Ả Rập”, “cái buồng Thổ Nhĩ Kỳ”.  

Bên cạnh việc khảo dị, cũng cần tính đến việc làm các chú thích cho văn bản tác phẩm.

Trước hết là những chi tiết có vẻ là sơ suất của tác giả Giông tố, ví dụ liên quan đến thời tiết, thời vụ (chuyện có bèo tấm để vớt vào dịp rằm tháng chạp? ngô có bắp khoai có củ vào khoảng rằm tháng giêng? tên hai vụ chiêm và mùa, …) hoặc lầm lẫn về sự việc, về thời gian (chuyện “năm cái giấy bạc một đồng” khi nhắc lại bị sai lệch thành “cái giấy bạc năm đồng”, chuyện cai Hách và khoá Hiền xa nhau từ 1911, gặp lại nhau năm 1932 theo thời gian cốt truyện, lại được tính là sau 26 năm, tức là gặp lại nhau vào năm 1936, là thời gian tác phẩm được viết ra…). Loại chú thích này, có người sẽ cho là “bới lông tìm vết”, vạch ra chỗ chưa hoàn thiện của tác phẩm; song để hiểu hành vi sáng tạo, để hiểu tính độc lập và đơn lập của thế giới hư cấu trong tác phẩm thì cần hiểu cả những điểm như vậy.

Những quan tâm tiếp theo là do gián cách thời gian. Thiết nghĩ đã qua 70 năm kể từ khi tiểu thuyết Giông tố ra đời, những ngôn từ  mô tả các sự việc ở một thời hiện tại mà xa xưa, đã trở nên không dễ hiểu đối với những thế hệ người đọc mới. Vì vậy việc làm chú thích là cần thiết.

 Nhưng phải chú thích những gì? Tôi nghĩ đến những tên gọi, những cách nói đã không còn thông dụng. Theo hướng này, có cả một khối lượng lớn chú thích cần phải làm, từ những khái niệm như đường thuộc địa, quan lộ, đến các chức quan như công sứ, tuần phủ, tổng đốc… ; rồi những chỗ nói xen từ tiếng Pháp hoặc tiếng Hoa, rồi những cách viết câu hoặc mệnh đề tiếng Việt không thông dụng đối với ngày nay…

Trong công trình này, tôi chưa dám coi phần chú thích như một mối quan tâm chính cần giải quyết thấu triệt, vì đó là việc khó, phần nào vượt ra ngoài khả năng giải quyết của mình. Bạn đọc sẽ thấy có chương có một vài chú thích nhưng cũng có chương không thấy có chú thích nào. Đó hoặc là do tôi cảm thấy ngôn ngữ chương đó chưa xa lắm với sự lĩnh hội của công chúng ngày nay, hoặc do có những chỗ khó rất cần chú thích để giúp độc giả, song người biên soạn là tôi còn chưa đủ khả năng đáp ứng nên đã bỏ qua.

   

                                                

***

 

Cuối cùng, về toàn bộ công việc thực hiện trong cuốn sách này, mặc dù đã nỗ lực hết sức mình, tôi nghĩ ở đây hẳn vẫn còn những thiếu sót, những sơ suất nào đó. Rất mong bạn đọc và đồng nghiệp góp ý cho, để cuốn sách này được hoàn chỉnh hơn, nếu có dịp in lại những lần sau.

 

                                                                            Hà Nội, 15.7.2007

                                                                       LẠI NGUYÊN ÂN

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2007