ANH NEO

Trời đã chập choạng. Anh Neo ngẩng mặt lên nhìn ra cảnh xung quanh mình. Con ác là đã về núi hồi nào. Những bạn đồng nghiệp của ảnh cũng đã lần lượt đập bò về ràn. Đến bây giờ anh Neo mới hay trời tối. Anh hò con bò lại, tháo cày ra. Anh đưa tay vỗ vào lưng con bò ba cái để báo hiệu cho “người bạn nắng mưa” của ảnh biết rằng công việc hằng ngày đã mãn. Rồi ảnh đỡ cái cày lên vai; theo một con đường nhỏ, con bò đi trước ảnh đi theo sau… Đó không phải là dấu hiệu thua sút của giống người: ảnh đi theo sau là để mà coi ngó, vì “người bạn nắng mưa” của ảnh, dẫu công việc hằng ngày đã hết, cũng cần phải gìn giữ, kềm thúc, đánh đập. Bây giờ ảnh đã về tới nhà. Đưa roi ảnh lừa con vật vào ràn, đóng chặt lại. Rồi anh mới vào cái ràn của ảnh: cái nhà của ảnh cũng là một cái ràn khác, cái ràn có hai gian, ăn ở đấy, ngủ ở đấy, cười ở đấy, khóc ở đấy. Anh Neo đặt cày xuống thềm nhà nghe cái sạt. Một đứa con độ bốn tuổi chạy ra cầm lấy tay bố nó mà la “Ớ bọ đã về”. Bây giờ cái ngọn đèn con trong nhà đã liu hiu hầu tắt mới trỗi dậy rọi ra một cái ánh sáng hơi mạnh mẽ. Người vặn ngọn đèn lên đó là một người đàn bà có chửa, cái bụng đã to bằng cái trống.

Anh Neo nhìn vợ mà nói:

− Mạ thằng Cu! Chiều nầy có ai vào hỏi tôi không?

− Có ông Lý vào một lần, ông Phó vào một lần.

− Nói gì?

− Đòi dắt bò, đòi dỡ nhà.

− Thế mạ thằng Cu có lên ông Bá Ngô không?

− Có, tôi nằn nì mãi mà ông không chịu. Ông nói thời buổi khủng hoảng nhà giàu cũng khủng hoảng.

− Thế rồi thôi, mạ thằng Cu đi về?

− Chứ “bọ hắn” bảo tôi ở lại làm gì nữa chứ?

Chồng thở dài, vợ cũng thở dài. Giữa cảnh im lìm lặng phắc chỉ còn nghe tiếng thở dài và thở dài.

Chặp lâu thằng Cu mới mếu máo nói: “Mạ ơi! Mạ lấy cơm cho con ăn với”. Người mẹ đi vào buồng dưới, bưng lên một cái mâm gỗ. Mâm cơm của cái gia đình nghèo khổ kia đó. Một bát rau dền và một rá khoai vằm. Hết. Những cái vật hằng ngày nuôi sống người nghèo khổ chỉ có thế thôi. Trên một chiếc chiếu rách trải ở đất, ba “mạng” cùng ngồi lại ăn. Thằng Cu lại mếu máo:

− Chứ cơm đâu mạ?

Mạ nó không đáp. Anh Neo chặp lâu lại hỏi vợ:

− Chứ mười thúng lúa bán trên ông Hương Cả mạ thằng Cu đã lấy tiền chưa?

− Lấy rồi, nhưng tôi đã mua hết mười quan khoai vằm, năm tiền muối và năm tiền vừng.

− Thế còn được mấy?

− Còn được mười hai quan.

− Mười hai quan! Tiền sưu tiền ích, tiền nầy tiền nọ mà trước sau chỉ có 12 quan!

Anh Neo nghĩ đến đó thì anh dừng bát… khoai lại mà thở dài. Anh chỉ thở dài mà thôi vì anh cũng không còn có cách gì khác nữa. Không, anh đã nghĩ kỹ rồi, anh không còn có cách gì khác nữa. Bán nhà thì phải ra ngủ ở đình chợ, tức là phải vất thân vào cái kiếp hành khất. Bán cái mảnh ruộng đi thì mảnh ruộng kia là của tổ tiên lưu lại cho anh để lo ngày ông bữa bà, vì người chết, theo như anh nghĩ, cũng còn phải ăn uống như người sống. Bán bò đi thì ruộng kia phải bỏ hoang, mà ảnh cũng không còn có cách gì làm thuê làm mướn ruộng người ta được nữa. Nghĩ vậy rồi thì hai hàng nước mắt chảy ròng ròng xuống hai gò má đen xám, chắp nối theo nhau mà nhỏ xuống bát. Anh sẽ nuốt những hạt châu ấy cũng ngon lành như những “hạt ngọc nhà trời”. Anh Neo lại nhìn vợ mà hỏi:

− Thế ông Lý có hẹn với mạ thằng Cu bao giờ thì ông trở lại không?

− Ngày mai, ông nói ngày mai ông sẽ cho xeo tới bắt.

− Thế thì mạ thằng Cu tính sao?

− Tính sao được giờ!...

Nói chưa dứt câu, người vợ anh Neo đặt bát xuống, tay đè lấy bụng mà rên. Anh Neo hỏi:

− Mạ thằng Cu đau thế nào đó?

− Tôi hơi đau bụng… chuyển bụng, bố hắn đi qua bên thím Ba xin cho tôi ít ngọn ngải cứu.

− Hay là mạ thằng Cu đã đến ngày rồi?... Thử nhớ lại coi đã được mấy tháng?

− Chín tháng, phải, đã già chín tháng…

Anh Neo đứng dậy đi ra, trong chốc lát thì đã thấy anh trở về với một nắm ngải cứu. Anh vò ra trong một bát nước đưa lại cho vợ uống. Anh kề vào tai người bạn trăm năm của mình mà nói:

− Uống đi cho đỡ. Tình cảnh thế này thì phải lên ông Bá Ngô để bán đợ thằng Cu…

Người vợ anh nhìn thằng Cu mà đáp lại bằng hai hàng lệ. Anh Neo lại nói tiếp:

− Tôi đã nghĩ kỹ lắm rồi mạ thằng Cu ạ. Tiền sưu tiền ích nộp cho ông Lý, rồi lại tiền củi, tiền than, tiền cúng đồ bà cho mạ thằng Cu nữa… duy chỉ còn một cách ấy mà thôi.

Người vợ anh Neo giờ đã dứt hẳn tiếng rên, chỉ nhìn thằng Cu mà khóc nức nở. Thằng Cu bây giờ hẳn cũng không hiểu giọt lệ của mẹ nó là giọt lệ gì. Ngày mai đến họa chăng nó mới hiểu.

Anh Neo lại nói:

− Thôi, mạ thằng Cu cũng chớ nghĩ giọt máu nhà lọt vào tay người mà đau đớn. Nhờ trời nhờ phật chuyến nầy mạ hắn sinh con trai, thằng Cu nầy đi còn có thằng Cu khác đến.

− Nhưng biết đâu thằng Cu khác lại chịu chung số phận với thằng Cu nầy!

Đến đây anh Neo nhìn vợ mà chủm chỉm cười:

− Nầy tôi coi mạ thằng Cu bây giờ đã hết đau bụng rồi thì phải?

− Đã đỡ, đỡ nhiều. Có lẽ tôi chỉ đau bụng xoàng thôi… bố hắn ạ!

Cũng là tốt phước cho thằng Cu lắm, nhưng mà ngày mai, tiền sưu, tiền ích… ngày mai thằng Xeo nó vẫn cứ đến…

 

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Anh Neo // Phụ nữ thời đàm tập mới, Hà Nội, s. 15 (24 Décembre 1933), tr. 21-22.