BẠN TÔI

Tôi có một ông bạn già ở núi… Thế gian có lẽ không còn ai đếm xỉa đến ông nữa. Nhưng mà tôi biết ông lắm. Tôi không muốn loài người lại thiệt mất đi một người quý hóa, hiếm hoi như vậy, một người có thể bổ khuyết được sự thực, sửa chữa được số mệnh. Thường năm đến độ tháng ba trong lúc người ta đi viếng người chết, tôi lại tới thăm ông bạn tôi một lần.

Khi tôi đi đến được cái túp lều cỏ của ông thì sức tôi không còn nữa, vì tôi đã rẽ nhiều lau lách và lội qua nhiều khe suối. Đáp lại cái nụ cười sốt sắng của ông bạn, tôi chỉ thở hổn hển. Ông dắt tôi vào nhà, kéo ghế đặt tôi ngồi xuống… Ông vẫn cứ nhìn tôi mà cười. Cái nụ cười xinh xắn, tự nhiên …làm cho tôi ngạc nhiên lắm, vì tôi đã thấy những nỗi chua cay, những nỗi thất vọng của ông bạn trong gia đình và trong tình ái…

Tôi không tin rằng trên đời này lại có một sự thay đổi, gọn gàng, hoàn thiện, mau chóng như thế được: từ cái đau đớn đến cái vui sướng, tôi tưởng phải có một cái vực vừa rộng vừa sâu…

Tôi hỏi:

− Thế nào? Ông bạn tôi vẫn cứ vui luôn?

Ông tươi cười đáp:

− Làm sao có sự không vui được? Sự đời vẫn có điều đáng buồn thật, nhưng mà người ta đã có một thế giới khác để bổ vào; cái thế giới này chỉ hiện ra dưới con mắt của trí tưởng tượng…

Tôi làm bộ ngơ ngác… Ông bạn tôi cười gặt một cái rồi lại nói tiếp:

− Tôi nói thế chắc bác không tin. Tôi sẽ kể cho bác nghe một chuyện rất tầm thường mà rất lý thú… Những chuyện như thế bây giờ chắc không còn có nữa, nhưng mà lúc tóc bác còn để trái đào thì hẳn là nhiều lắm… Bác sẽ thấy người ta càng lớn lên thì càng dại dần và trẻ con lại hưởng được nhiều sung sướng hơn những ông đầu bạc…

Ông bạn tôi đằng hắng một tiếng rồi lại tiếp luôn:

− Chuyện tôi sắp kể bác nghe đây, xảy ra khi tôi còn năm bảy tuổi. Từ lọt lòng mẹ ra, tôi vẫn ở nhà quê: mùa đông nằm nghe tiếng ễnh ương hát, mùa hè chạy ra đồng xem những con diều giấy liệng. Tôi chưa biết thành phố là gì. Tôi thường nghe hai bà hàng xóm nhà tôi mắng chửi lẫn nhau, ẩu đả lẫn nhau thì cái trí non nớt của tôi nó không chịu tin rằng cái giống người hay gây gổ kia lại có thể xúm xít với nhau, đông đúc trù mật được… Dầu sao khi tôi được thầy tôi cho phép cùng theo lên Đồng Hới để thăm anh tôi ăn học ở đấy, thì tôi mừng quýnh mừng quýu. Mấy ngày trước khi đi, tôi chỉ ngồi mà tưởng tượng Đồng Hới… Tôi chắc không ai có một cuộc du lịch đẹp đẽ như thế, vì Đồng Hới trong trí tưởng tượng của tôi nó đẹp vô cùng… Có lẽ thầy tôi muốn tránh đi cho tôi một mối thất vọng, nên khi đến Đồng Hới vừa bước xuống ô-tô thì đặt tôi vào xe kéo, rồi khi xe đến nhà trọ thì lại bồng tôi vào nhà ngay. Thành ra ngoài cái bộ mặt tươi cười của anh tôi, tôi không biết gì khác nữa!

Tôi ở nơi nhà trọ đã hai ngày, làm bạn cùng một cái ghế ba chưn và một cây cam héo giữa sân…

Ngày thứ ba là ngày lễ hội Chánh chung. Anh tôi hứa cho tôi đi xem hội. Tôi đã có bụng mừng. Nhưng cái hy vọng ấy tôi chỉ nuôi được trong chốc lát mà thôi, vì chỉ khi anh tôi mở va-li lấy cái áo địa rất đẹp mặc vào cho tôi, thì thầy tôi ngăn lại mà rằng:

− Thằng Cọt không đi được! Người ta đông như kiến, chật như nêm đóng, con liệu có dắt nó được thì hãy mới cho nó đi?

Anh tôi không nói gì. Tôi khóc. Tôi núm lấy chéo áo anh tôi. Thầy tôi thét, tôi cũng không rời ra, vì tôi biết rằng rời ra là hỏng mất việc…

Thầy tôi nạt. Tôi vẫn khóc như dông như tố. Sự phản đối của tôi không phải là không có hiệu quả. Thầy tôi xốc áo kéo chà tôi vào buồng, khóa chặt cửa lại rồi đi ra. Thế là yên việc. Còn tôi, tôi kêu, tôi gào. Tôi xé áo. Tôi xé quần. Tôi giậm chân. Tôi đập đầu. Nhưng mà bốn bức vách cũng không lên tiếng với tôi! Giường chiếu cũng không thấy cảm thương tôi. Tôi gọi cây cam ở ngoài sân, nó cũng không “ơi”!... Cuối cùng tôi ngồi phịch xuống đất, lặng lặng im im, mắt đăm đăm nhìn cái vạt áo rách, lấm… Đấy, lúc bấy giờ trí tưởng tượng của tôi đã bắt đầu làm việc… Tôi thấy tôi đương ngồi, bỗng có người đánh xe đến đón tôi đi xem hội. Tôi không biết là hội gì mà tôi chỉ thấy người là người. Khi tôi đến là thiên hạ đều quay lại nhìn tôi và cười với tôi. Tôi thấy một ông vua cao mà to, mang cái áo sáng giời những con rồng vàng. Tôi có thấy cô Tấm (trong truyện Tấm Cám) mỏng manh, õng ẹo, đi một đôi giày thêu đủ trăm màu chỉ. Người ta bồng tôi vào để trên một cái bàn tròn, có đủ thức bánh ngọt. Tôi coi sướng mắt. Tôi ăn ngon miệng. Tôi lại bọc một bọc to tướng về nhà để phát cho thầy tôi và anh tôi. Tôi nghĩ không còn cách trả thù nào chua chát bằng!...

Đến đây thì thầy tôi đẩy cửa vào, hỏi tôi, tôi không thèm đáp, tôi chỉ cười. Cái tiếng cười tự đắc, tiếng cười ngạo đời, tiếng cười của người chưa từng bị thất vọng…

Chuyện tôi vừa kể cho bác nghe đó nó lạt lẽo vô duyên lắm nhỉ? Nhưng mà đứa bé trong chuyện nó khôn hơn nhiều nhà bác sĩ. Nó đã biết dùng sự tưởng tượng, sự ao ước, sự mơ mộng để bổ khuyết cho cái thực sự chán nản, buồn rầu, thiếu thốn… Ngày nay cái vóc dạc tôi có to lớn lên nhưng mà trí tôi vẫn đơn giản như hồi nhỏ xíu! Tôi đã tìm lại được cái sự vui sướng của trẻ con…

Ông bạn tôi cười ngặt một cái. Cái tiếng cười làm ông trẻ lại bằng một đứa trẻ bảy tuổi… Rồi ông bạn tôi đưa tay chỉ cái ghế bằng gộc tre mà nói:

− Cả cái hạnh phúc của tôi ngày nay là ở trên cái ghế kia, bác ạ! Chiều chiều tôi nhấc nó ra dưới gốc cây, ngồi nhìn đám mây bay, và tưởng tượng và mơ mộng… Tôi không sống lại cái quá khứ của tôi. Tôi cũng không muốn sống cái hiện tại. Tôi đi trước sự thực. Tôi đón trước sự đời. Tôi sống về tương lai. Tôi cũng đã bắt đầu sống về cuộc lai sinh.

Cái chuyện tôi kể bác nghe đó, bác về kể lại cho người ta nghe. Người ta sẽ hiểu sao lại có người không muốn làm nghị viên, không muốn làm thượng thư… Người ấy chỉ cày ruộng và mơ mộng… Người ta xem hắn như một đứa trẻ nít, nhưng mà hẳn bằng lòng vì hắn vui sướng...

                                                                             Juillet 1932

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Bạn tôi // Phụ nữ thời đàm tập mới, Hà Nội, s. 17 (7 Janvier 1934), tr. 21-22.