BẠN TÔI CƯỚI VỢ

 

Tặng Nguyễn Đình Khôi

 

Tôi vừa ở phố về, đi hết hai vòng xe một hào mà chỉ để mua một manh giấy 5 đồng xu.

Bấy giờ là vào khoảng 10 giờ. Giời lấm tấm mưa. Lâu lâu gió đưa vào ngực vài làn hơi rất giá. Cổng nhà đã đóng. Nhưng tôi không muốn gọi thằng nhỏ, vì gọi nó trong cái giờ này không phải là việc dễ. Với lại, gọi thì chó sủa vang, cứ một việc làm chó nhận lại mặt chủ cũng hao hơi rát cổ. Tôi bèn nhẩy qua tường lẻn vào thềm nhà một cách im lìm. Tôi đi lại cái bấm điện và mở điện lên. Nhưng quái, điện không đỏ nữa. Sờ soạng mãi tôi cũng không còn thấy cái chìa khóa mà tôi, mỗi khi đi vắng, thường treo ở một nhánh đào chĩa vào thềm. Tôi vội vàng chạy lên gác thượng. Nguyên nhà chúng tôi ở có bốn buồng lớn: anh Tràng, anh Xuân, mỗi anh trấn một buồng ở trên gác. Còn ở tầng dưới thì là một buồng của tôi và một buồng nữa, chúng tôi thường gọi một cách văn hoa là buồng “công đồng”, nơi chúng tôi bàn cãi những vấn đề to lớn, nhưng nhiều hơn hết là những chuyện phiếm.

Khi tôi chạy lên gác, chính tiếng giầy của tôi gõ ở trên thang gỗ lại làm cho tôi ghê rởn.

Tôi gõ buồng anh Xuân trước, không có tiếng đáp. Tôi đi qua buồng tắm, và gõ buồng anh Tràng, vẫn không tiếng đáp. Tôi gõ mạnh hơn một tý nữa. Vẫn im lặng. Không kiêng nể gì nữa, tôi lấy mũi giầy đá ình ịch vào cửa. Thất vọng, tôi lại trở ra buồng anh Xuân. Gõ buồng anh này, tôi lại càng thêm hồi hộp. Không hiểu sao, tôi có cái ý nghĩ rất cuồng dại, hay là anh Xuân đã khóa cửa lại để tự tử? Ừ mà sự tự tử, đối với anh Xuân không phải là một điều bất thành. Anh ấy nhu mì hiền lành lắm, hay đùa như một cô giá 15 – 16 tuổi nhưng hay khóc như một đứa trẻ con; khó chịu quá, không hiểu nước mắt đâu mà nhiều thế! Một bận tôi thấy anh ấy khóc cô đào Sylvia Sydney. Một bận, ở trong một tiệm khiêu vũ, giữa một cuộc vui nồng nàn, tự nhiên nước mắt chảy ra dàn dụa. Tôi hỏi anh vì sao mà khóc. Anh không đáp, nhưng tôi biết rằng có cái gì làm cho anh ấy sực nhớ lại một người tình nhân xa xôi ở trong dĩ vãng, một người tình nhân mà anh yêu tha thiết, nhưng người ta thì có lẽ không biết mặt mũi anh ra thế nào.

 

Ông Anatole France [a] bảo “Những người lớn không khóc bao giờ”. Nhưng anh Xuân chả phải là một người lớn đó sao?

 

Ấy, với một người nhiều tình cảm thế, tự tử không phải là một điều họ không thể nghĩ tới. Trước còn ngờ ngợ, sau thì tôi tin chắc chắn lắm: anh Xuân đã uống thuốc độc ở trong buồng. Anh chết vì ai? Chết vì Sơn, vì Nguyệt, vì Nga, vì những cái bóng mộng anh đuổi mà không bao giờ anh bắt được, hay là anh chết vì... anh, vì cuộc đời cay đắng của anh? Dầu sao tôi cũng muốn hy vọng rằng những lời ước đoán của tôi là sai cả, vì mất anh Xuân đi, chẳng phải tôi sẽ mất đến một phần ba của cuộc đời tôi? Tôi ghé tai vào lỗ khóa và lóng nghe tiếng anh ngáy. Nhưng than ôi! Cái xác chết có ngáy bao giờ đâu. Thôi rồi! Bạn tôi không còn ở cõi trần nữa. Còn anh Tràng? Có lẽ anh này đã đi trình cẩm. Tôi biết tính anh này lắm: hắn bạ một tí gì cũng thích trình cẩm lắm! Tôi đã bắt đầu thấy ghê rởn. Trước kia, tôi có nghe anh Tràng nói chuyện một bận anh dậy đi giải, có gặp ở trong buồng tắm một người đầy tớ gái ngồi xũ tóc và hai tay chao ở trong một chậu nước. Anh Tràng hỏi thì con ma ấy biến ngay. Anh Tràng lại nói thêm rằng: người đầy tớ ấy chính là người đầy tớ của một bà chủ trước, bị hành hạ quá đến phải thắt cổ tự tử ở một gốc khế sau vườn. Cái câu chuyện ấy tôi cho rằng anh Tràng của tôi bịa ra để quấy phá những giấc ngủ êm đềm của anh Xuân mà thôi, chứ làm gì có ma? Tôi sống ở trên đời đã 25 – 26 năm rồi, nếu như quả có ma thực, thì tôi đã phải thấy ít nhất là một lần.

 

Không ngờ, sự bịa đặt ấy, hôm nay trở nên ghê rởn như một sự thực. Tôi chạy xuống thang gác, cứ nhẩy hai bậc một, không dám ngoảnh nhìn lại, vì tưởng như có người hay ma đuổi ở đằng sau. Tôi đến gác của tôi thì hơi bình tĩnh. Nhưng tôi cũng quên rằng, điện không có nữa, tôi lại ở hiên bấm một lần nữa. Tôi sực nhớ ra rằng compteur [b] ở trong buồng anh Xuân, anh này trước khi chết, đã quên mở ra… Tôi lại chạy xuống cave.[c] Tôi gọi thằng An, thằng Lục, nhưng không có đứa nào đáp lại lời tôi cả. Mà kỳ quá! Con chó Kyto, tôi tưởng rằng nghe tiếng động, nó sủa lên cho tôi bớt sợ, nhưng nó cũng mất tăm mất tích đâu rồi. Tôi chạy vào cave trong là chỗ thằng An nằm ngủ. Tôi thấy lù lù một cái chăn khổ cuốn tròn lại. Tôi yên chí là thằng An, tôi lấy mũi giầy đá nó một cái vào chân. Nhưng than ôi! Nó chỉ trả lời tôi bằng một tiếng sủa: nó đã biến thành con Kyto.

Tôi buồn cười quá mà không sao cười được.

Tôi chạy một mạch ra đường. Tôi định đi lại nhà báo [d] tìm anh Nhược, nói cho anh hay và luôn thể có điện thoại loan báo sự khủng khiếp ở nhà phố Doudart Lagrée [e] cho những bạn quen và các nhà báo biết. Tôi gọi xe, nhưng đầu đường cuối phố không thấy có một bóng xe nào. Tôi đành ba chân bốn cẳng cuốc bộ vậy. Khi đi đến đầu phố Huế, không hiểu giời đất xui khiến thế nào tôi lại nhìn vào một hiệu cao lâu của người khách. Tôi đứng lại, ngây người trước một sự thực mà tôi không ngờ đến: những bạn quen của tôi quây quần ở một cái bàn dài, xung quanh một cái hỏa thực. [f]

 

Tôi chưa kịp tỏ sự vui mừng của tôi khi thấy một người đã chết nay sống lại, thì người ấy, anh Xuân, đã thoáng thấy bóng tôi phía trước, anh chạy ra bắt tay tôi, kéo vào. Tôi có cái cảm giác như đi trong một giấc mộng, tôi nhìn mọi người ngơ ngác. Cả bọn như học trò ở trong một lớp khi có quan thanh tra đến khám, đều đứng dậy một lúc để chào tôi. Họ kính trọng gì tôi đâu! Họ đùa tôi đấy. Rồi cả bọn như cùng có hẹn trước với nhau, cùng cười lên một lúc.

 

Tôi hoàn toàn tỉnh mộng.

 

Tôi thấy những người xung quanh tôi hiền lành và rất vô tội, và rất sung sướng.

Cô Lệ Chi không nghĩ đến người tình nhân 12 chân của mình ở trong chốn núi rừng thăm thẳm nữa.

Anh Phong không nghĩ đến những cái trò chơi ngộ nghĩnh của những con gà trống và gà mái.

Anh Xuân không nghĩ đến cái người tình nhân không bao giờ có.

Anh Thái, nhà thi sĩ của hoa và mộng, không nghĩ đến sự hôn gót chân một người đàn bà.

Anh Vũ, một nhà thi sĩ khác, không nghĩ đến những chuyện “thân tàn ma dại”. [g]

Và cuối bàn, hai thằng nhỏ Lục và An cũng không nghĩ đến sự hục hặc hàng năm của mình.

Họ chỉ chú ý đến một điều. Họ chú cả tâm lực vào một vật: cái hỏa thực ở trước mắt.

Nhưng dẫu sao tôi cũng chửa rũ hết những sự bực tức của tôi.

Tôi đưa mắt hỏi anh Tràng:

– Thế nào! Giá không gặp các anh đây, thì có lẽ cuộc vui của các anh đã không có tôi. Các anh tệ lắm!

– Nhưng biết tìm anh ở đâu?

– Thì ít ra anh cũng phải để lại cho tôi một mảnh giấy để tôi biết chỗ mà tìm các anh.

– Nhưng để miếng giấy ấy ở đâu cho anh thấy. Anh không biết nhà ta hôm nay không có điện à?

– Không có điện?

Anh Tràng, với sự thản nhiên bình nhật hỏi lại tôi:

– Anh lấy làm lạ? Anh không biết rằng, nhà máy đèn đã lại cắt điện từ hồi chiều rồi à?

– Không biết.

– Thế anh có nhớ rằng hôm nay là ngày cuối tháng rồi không?

– Cuối tháng? Tôi nhớ chừng như hôm nay mới 15 tây.

– Anh ngây ngô lắm, những người làm báo bao giờ cũng “cuối tháng” sớm hơn thiên hạ ít nhất là hai tuần.

 

Tôi không thích cái lối pha trò khó chịu ấy, tôi toan bước ra, thì anh Khôi kéo tôi ngồi xuống bên anh. Đoạn anh đứng dậy, chống tay lên bàn, bằng một cái giọng nghiêm trang nhất đời, nói như là diễn thuyết trước mặt công chúng:

– Nãy giờ tôi chưa nói đến cái mục đích của bữa cá nhúng hôm nay là tôi có ý đợi anh Lư.

Tôi ngắt lời:

– Cám ơn anh lắm lắm.

Nhưng thực ra trong thâm tâm, tôi bất bình lắm!

Anh Khôi lại nói tiếp:

– Bây giờ thì trước mặt các bạn bè đông đủ, tôi xin tin cho anh em biết một cái tin mừng.

Anh ngừng lại một phút rất lâu mới lại tiếp:

– Các anh ạ! Tôi sắp cưới vợ.

Cả bọn đều đứng dậy, tung hô:

– Khá lắm! Hay lắm! Nhà giáo vạn vạn tuế!

Anh Khôi càng nức lòng, lại nói nữa, lần này có vẻ hùng hồn hơn. Anh nói hơi nhiều quá, tôi không nhớ hết, tôi chỉ nhớ mang máng rằng là những lời anh nói là những lời rất nghiêm trang đứng đắn thích hợp với một người sắp lấy vợ. Hình như tôi đã nghe anh Phong rỉ vào tai anh Nhược bấy giờ ngồi cạnh anh ấy, cái câu nói đã “truyền tụng”:

– Khổ lắm. Hiểu rồi. Nói mãi.

Nhưng may thay, trong lúc ấy, anh Tràng đã đứng dậy ngắt khéo lời anh Khôi và để cám ơn anh. Anh nói rất có duyên, và khôi hài rất ý nhị:

– Chúng tôi không bảo rằng, anh cưới vợ thì chúng tôi sẽ mất đi một người bạn. Và chúng tôi cũng không bắt chước anh chàng Nicolas nọ ở trong một truyện của Kalzac mà tôi không nhớ tên, mỗi khi thấy một người bạn cưới vợ thì hắn lại quỳ xuống đọc kinh, cầu cho linh hồn bạn hắn được thảnh thơi nơi nước Thiên đường. Vì hắn tin rằng lấy vợ là chết. Không, Nicolas là một kẻ điên cuồng. Chúng tôi không bao giờ tin như thế! Chúng tôi không mất gì hết trong việc anh Khôi đi lấy vợ. Trái lại anh đã được thêm một người: vợ anh; cái sự cưới vợ đối với anh lại càng thêm có ý nghĩa lý; anh là một nhà giáo. Nghĩa lý hơn nữa, người vợ của anh lại là một người xứng với sự ao ước của anh. Còn như bọn nhà báo chúng tôi, dầu hôm nay được hân hạnh ăn cá nhúng của anh, chúng tôi cũng chưa muốn theo gương anh; có lẽ chúng tôi sẽ côi cút trọn đời.

 

Mọi người đều cười rộ lên. Anh Vũ có vẻ hậm hực, đập bàn và nói rất to:

– Canh nguội rồi, “làm trí khôn” mãi.

 

Cô Lệ Chi biết rằng họ Vũ muốn nói kháy cô, đưa ra nhạo mấy chữ ấy, mà chính cô dịch cái thành ngữ “faire de l’esprite”; cô ngồi ngây người ra, hai má ửng hồng dễ thương quá.

 

Anh Phong là người tin số tử vi, đọc được những cái ý tưởng trong trí người khác, anh đứng dậy nói to cái điều ai nấy nghĩ thầm trong bụng:

– Thế là đủ rồi! Bây giờ ta chén đi thôi!

                                                                                                      

Quả vậy, nhà phóng sự được mọi người đặc biệt hoan nghênh. Và bữa tiệc hôm ấy là bữa tiệc rất vui vẻ, rất đầy đủ, và có ý nghĩa lắm.

Tôi cũng sung sướng và hoan hỉ như mọi người, nhưng có một điều hơi khó chịu một chút, là tôi cứ nhớ đến cái truyện ngắn, mà tôi viết đã 5 – 6 tháng nay, vào vụ nghỉ hè.

 

Một đêm thu…

Sau một cuộc dạo phố về, chuông đã gõ hai giờ khuya, mà chúng tôi vẫn còn thao thức, cùng bâng khuâng về một tâm sự. Bây giờ lạnh lùng quá!

Bạn tôi nói với tôi:

– Tôi thề với anh không lấy vợ, không lấy ai nữa anh ạ!

Tôi đáp:

– Giá tôi cũng nghĩ như anh.

Chúng tôi hiểu nhau lắm, cầm tay nhau trong những phút dài.

 

Bây giờ đây tôi mới biết rằng: lời thề ấy cũng chỉ là lời thề của cô gái góa của nhà ngụ ngôn La Fontaine.

Đời đẹp quá, khiến ta không thể sống lạnh lẽo một mình.

Một đàn ô-tô lộng lẫy. Một tràng pháo dài. Những cô phù dâu xinh đẹp. Đời chỉ có thế, đời phải có thế. Đời ý nhị bởi thế?

 

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Bạn tôi cưới vợ, truyện phiếm // Hà nội báo, Hà Nội, s. 53 (6 Janvier 1937), tr. 16 – 18.


 

[a] Anatole France (1844 - 1924) nhà văn Pháp, giải thưởng Nobel văn học 1921.

[b] compteur (chữ Pháp): đồng hồ đo điện, công-tơ điện.

[c] cave (chữ Pháp): tầng hầm của tòa nhà.

[d] nhà báo: ở chỗ này ý nói tòa soạn một tờ báo nào đó, rất có thể chính là Hà nội báo.

[e] Doudart Lagrée: tên phố, có lẽ là trên phố ấy có căn nhà kể trong truyện.

[f] hỏa thực: từ Hán-Việt này được Đào Duy Anh (Hán-Việt từ điển) giảng là “ăn nóng”; trong truyện, từ này trỏ món “cá nhúng” mà nhà giáo Khôi đãi các bạn văn trong tờ Hà nội báo; có thể dự đoán nó tương tự món lẩu ở thời hiện nay; như vậy “hỏa thực” trỏ cái bếp lò có nồi nấu thức ăn đặt trên bàn ăn trước mặt các thực khách.

[g] Ở đoạn này nhắc đến một cách hài hước những nhà văn thường cộng tác với Hà nội báo: Nguyễn Vỹ với câu thơ 12 chân (cô Lệ Chi), Vũ Trọng Phụng với đề tài quan hệ tính dục (anh Phong), Thái Can với thơ tình yêu (anh Thái), Vũ Đình Liên với đề tài “thân tàn ma dại” (anh Vũ), v.v… Nhân vật anh Tràng là Lê Tràng Kiều, chủ bút Hà nội báo; anh Nhược là Nguyễn Nhược Pháp, anh Xuân là Nguyễn Xuân Huy, v.v…