CÁI CHẾT HIẾU DANH

Đã mấy tháng rồi, bỗng dưng ngừng kinh nguyệt, cô đã thèm đồ chua, cô lại hay buồn ngủ… Thấy trong mình có sự khác thường thì cô lo lắm, nhưng cô không hề ngỏ chuyện đó cho ai hay, đến mẹ cô cũng vậy. Kề vai người yêu của cô trên con đường Cổ Ngư một bận, hai bận, bạn cô cũng cứ bác đi: “Em độ này mệt rồi sinh ra như vậy, chứ có gì đâu mà em ngại!” Nhưng cô không tin, cô đã xem quyển “Sản dục chỉ nam” của ông đốc-tờ Luyện, cô đã hiểu thế nào là có chửa.

Ngày tháng đi, mối lo buồn của cô càng thêm chất chứa. Trong lúc cô ngay ngáy lo sợ như vậy thì cô được bạn cô cho hay rằng, bạn cô đã đổi xuống Hải Phòng. Đã hai lần cô viết thơ thăm bạn, nhưng thơ đi thì có thơ về thì không. Ngày tháng đã cho cô hay như vậy, ngày tháng lại còn đưa lại cho cô một điều chắc chắn rõ ràng hơn nữa: là cô đã gần có một đứa con ở trong bụng.

Hai điều ấy làm cho cô hôm nay phải dùng đến cách quyết liệt: cô muốn nhào đầu xuống Hồ Tây mà tử tự. Cô cho đó là một cách hay để tránh những tiếng vào ra của bạn bè, của hàng phố, để mà trả thù một cách chua chát cái người tình lang bạc bẽo. Thế là cô định chết. Cô tỏ ý quyết tâm lắm. Cô lấy bút mực ra viết một bức thư tuyệt mệnh, gửi lại cho các nhà báo. Miệng lẩm bẩm đọc, tay quệch quạc viết:

“Cùng các bạn gái đi sau. Em ngày nay đã bỏ cõi đời mà đi, em bỏ hết, bỏ nhà bỏ cửa, bỏ bạn bè anh em, bỏ hết cả những cái yêu quý ở trên đời. Em chết theo ái tình, em chết theo về ái tình. Trước khi gieo mình trên mặt nước Hồ Tây, em xin gửi lại mấy lời này nhắn nhủ những chị em còn khao khát ái tình, còn muốn bước vào ái tình hay là còn lặn lội giữa ái tình, mai đây hãy lên Hồ Tây mà chứng giám cho cái tử thi của người mệnh bạc, cái tử thi thối tha dơ dáy bây giờ làm cái mồi ngon cho những con cá, trước kia là cái mồi tươi tốt thơm tho của ái tình…”.

Cô muốn viết, viết nhiều nữa, viết cho thật cảm động, kéo hết ruột tằm, rút cả khúc nôi, nhưng cô không phải là nhà nữ sĩ. Cô tự trách bình sinh không học làm văn, không tập viết báo để đến cái giờ sau chót này viết cho sướng, viết cho đã nư. Cuối cùng cô phải ký tên đi mà hạ bút.

Sau mấy chữ tên to tướng: “Trần Thị Thụy Lan”, cô lại đèo thêm cái địa chỉ nữa: “13 Hàng L…”. Rõ ràng đến thế mà cô Thụy Lan còn sợ thiên hạ không nhận ra được đích danh người bạc mệnh. Cô niêm lại, ngoài bì cô để cho nhà H.N. nhật báo. Cô nhét vào túi áo rồi cô đi lại mở rương ra, cô lấy một bộ áo rất đẹp rất choáng. Cô vừa bận vào mình vừa lẩm bẩm nói: “Người ta chết còn có người khâm niệm chứ mình chết đây thì tự mình lại khâm niệm lấy mình!” Cô cho vậy là đáng buồn đáng tủi cho nên cô khóc ngon khóc ngọt, nước mắt chảy ra như suối, cái khăn hồng lau mà không kịp. Ngọn đèn con, cái gương hồng, cái hộp thêu, cái chồng báo nhìn cô một cách buồn rầu âu yếm… nhưng mà cô cũng phải đành lòng ra đi.

Ra đi thì sự đã liều

Mưa mai chẳng quản, nắng chiều cũng cam!

Cô bước ra thấy mẹ cô đương ngồi trên bộ ngựa, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Cô khẽ nói:

− Chào mẹ, con đi.

− Con đi đâu?

− Con đi...

− Con đi đâu bây giờ?

− Con xin phép mẹ, con ra nhà chị Hạnh, chị ấy có hẹn con đi xem kịch, con đã nhận lời.

− Kịch gì con?

− “Tình là giây oan”.

− Hay không con?

− Có lẽ là hay lắm mẹ ạ!

− Vậy con cho em Tâm con đi với.

− Kịch dài lắm con sợ về khuya.

Người mẹ gật đầu. Cô bước ra. Cô bước mau kẻo sợ con mèo, con chó, kiểng hường, khóm cúc bịn rịn.

Ra khỏi ngõ, một anh xe hỏi:

− Thưa cô đi đâu?

Cũng như mọi lần, cô ngó quanh ngó quẩn, sợ người nghe trộm, cô thủng thẳng đáp:

− Tôi lên Cổ Ngư, hồ Trúc Bạch.

Cây cam ở ngõ nhà cô hình như dòm cô mà nói: “Cô Thụy Lan ơi! Mọi hôm tôi thấy cô lên Cổ Ngư thì tôi coi bộ cô tươi cười vui vẻ mà sao lần này coi bộ cô âu sầu ủ dột quá”. Cô cũng nhìn cây cam mà lẩm bẩm: “Cam ơi! Là vì khác với mọi lần tao đi, lần này tao chẳng bao giờ trở lại nữa!”.

Cô bước chân lên xe, xe đã chạy xa mà cây cam còn như muốn với qua cái cửa tam quan kêu cô mà cứu cô lại. Cô ngồi trên cái xe cao su mà tưởng như nằm trong cái xe đám ma vì nó cũng đưa cô tới cái nhà cuối cùng nơi nghìn thu yên giấc… Rồi cô cũng như nghe những tiếng than khóc ríu rít của kẻ thân sơ, những tiếng kêu thê lương thảm đạm.

Qua nhà bưu điện, xe dừng lại. Cô bước tới trước cái thùng thơ. Cô sờ túi lấy phong thơ khẽ vất vào thùng. Thế là yên, cái thơ ấy đi, cái thơ ấy vào tay nhà báo là… cô chết. Cô phải chết. Cô đứng lắng tai nghe cái phong thơ nó nhẹ nhàng rơi xuống đáy thùng, cô tưởng như rồi cái tiếng cô nhảy xuống Hồ Tây nó cũng êm như vậy.

Xe lại đi. Cô lại nghe những tiếng than khóc ríu rít, những tiếng kêu thảm đạm thê lương.

− Thưa cô đã đến con đường Cổ Ngư rồi”. Anh lái xe nói.

− Vậy à, anh trả lại cho tôi 0$90 đi, tôi sẽ giao cho anh 1$00.

Cô Thụy Lan sực nghĩ: Ta còn mang tiền xuống âm ty làm gì nữa chứ? – rồi vứt luôn cho anh xe cả một đồng bạc.

Con đường Cổ Ngư giờ đã vắng tẻo vắng teo, cô chỉ còn nghe tiếng gió mạnh từ hai mặt hồ Trúc Bạch và Hồ Tây đưa lại. Cô ngồi phịch xuống đám cỏ xanh lặng lặng im im như ông thầy tu ngồi nhập định. Bên cái chết, cô gắng sống một lần chót cái cuộc đời vô vị xấu xa. Hồ Trúc Bạch với cái mặt nước im lìm như tấm gương mời mọc cô một cách thiết tha: “Cô Thụy Lan ơi! Cô xuống đây với chúng tôi, cô sẽ gặp được một người bạn quý, cô Tuyết Hồng”. Cái mặt Hồ Tây thì lại như hớt đi mà nói: “Cô Thụy Lan ơi! Cô nhảy xuống đây, tôi rộng mà sâu, tôi sẽ giấu cái tử thi yêu quý của cô cho không ai biết tới”. Cô Thụy Lan bĩu môi chẳng bằng lòng, sẽ khinh khỉnh nói: “Tôi chết đi không phải là như cỏ cây thối mục đi không cần ai biết tới”.

Chùa Trấn Võ nói: “ Có tôi biết tới!”.

Đền Quán Thánh: “ Có tôi biết tới nữa!”.

Con chim manh manh thóc thách ở trên cành cây sầu đông: “ Có tôi biết tới nữa”.

Cô Thụy Lan thủng thẳng nói: Các anh biết cũng thừa, tôi đây vì loài người mà chết, cái chết của tôi phải có loài người nhìn thấy.

Rồi chốc ngồi chốc đứng, chốc cắn lưỡi, chốc chau mày… Cái trận chiến tranh ghê gớm ở trong tâm trí cô biểu lộ ra ngoài một cách rõ rệt… Nhưng bấy giờ cuộc chiến tranh ấy có lẽ đã kết liễu rồi vì trên khuôn mặt của cô đã thấy một nụ cười xinh tươi.

Thoắt thấy đằng xa một bóng xe thấp thoáng, cô gọi to:

− Xe! Xe! Anh có phải anh xe hồi nãy mang tôi tới đây không?

− Thưa cô phải.

− Bác hãy bảo cho tôi đây có phải là con đường Cổ Ngư không?

− Vâng, chính đây là đường Cổ Ngư, bên này là hồ Trúc Bạch, bên này là Hồ Tây, đây là đền Quán Thánh, chùa Trấn Võ, kia là phủ ông Bảy, là vườn Bách thú,… Mà cô đợi ai đây?

− Tôi đợi…

− Cô chỉ nhà cho tôi, tôi kiếm hộ.

− Không! Không!

− Hay là cô lên xe tôi kéo đi…

− Không! Không!

− Thì cô đợi ai vậy?

− Tôi đợi…

− Ai?

− Cái chết.

Anh xe cười khanh khách, tay trỏ cái hồ Trúc Bạch mà nói: “Cái chết, thưa cô, bao giờ cũng có tại đây”. Anh lại nói tiếp: “Thôi khuya rồi, “người ta” không đến nữa đâu, cô lên xe tôi kéo về, đừng đợi ai mà nhọc!”.

Cô bước lên xe, xe chạy ra, con chim manh manh ở trên cành cây sầu đông như còn tỷ ty nói:

− Líp líp lơ, con ma quay tơ…

Cô trên đỏ mặt mà không dám quay ngó lại.

− Anh xe ơi! Tôi muốn ghé lại nhà cụ Lang Sinh ở phố Hàng Bún.

− Khuya rồi, tôi sợ người ta đã ngủ mất.

− Vậy à!

− Cô đau gì?

− Đau… không, tôi có một người bạn đau.

− Đau gì?

− Người bạn tôi muốn phá thai.

− Sao vậy?

− Để bịt miệng thế gian.

− Thai đã mấy tháng?

− Thèm ăn đồ chua đã gần ba tháng.

− Thôi cô… à bạn cô đừng vào nhà mấy ông lang ta, mấy ông miệng hở hay nói lắm, tốt hơn là mai vào hiệu bào chế tây, − nhưng thưa cô đã đến nhà rồi đấy, cô cho tôi tiền xe đi ạ.

Cô Thụy Lan rờ vào túi, kéo túi ra, lộn túi lại, miệng lẩm bẩm:

− Tôi nhớ còn 0$90 mà.

− Cô cho mau lên, tôi còn đi rước khách ở Quảng Lạc ra.

− Ừ! Khẽ chứ! Nói khẽ chứ!

− Không biết!

− Khẽ chứ! Thôi tôi xin gởi lại cho anh đôi giày nầy, anh đi, đi mau đi!

Thụy Lan thoăn thoắt bước vào nhà…

Mẹ cô đã yên giấc, nhưng trong phòng nàng cái gì hình như cũng còn thức mà đợi cô. Cô bước vào, mọi vật từ tấm gương cho đến ngọn đèn con đều bĩu môi cười mỉa mai cô một cách chua chát. Duy chỉ có cái chồng báo, chồng H.N. nhật báo ở trên bàn thì lại hớn hở vui cười:

− Ngày mai chúng em sẽ trân trọng đăng cái tin chị vào trang nhất.

− Nhưng chị chưa chết mà!

− Chưa chết lại càng thêm lý thú, câu chuyện càng thêm ly kỳ…

                                                                                      1930

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Cái chết hiếu danh // Phụ nữ thời đàm tập mới, Hà Nội, s. 20 (28 Janvier 1934), tr. 21-23.