CÁI ĐỜI NGƯỜI XẨM

Về phía nam sông Gianh, người ta còn thấy có dấu tích một cái thành cũ của Chiêm Thành đã đổ ngã, gạch đá đã nhường chỗ cho cây cổ thụ, thân to xề, lá xanh um. Theo như lời của một ông lão ở miền gần đó thuật lại thì một đêm kia có việc lão phải đi ngang qua đó, lão thấy ngồi trên cành cao những cái bóng trắng tinh, cái thì đánh đàn, cái thì đưa võng, cái thì ca hát. Tiếng ca líu lo không thể nhận ra được, nhưng mà giọng điệu thì nghe âm thầm não nuột, hoà với nhịp đàn và tiếng đưa võng, hợp thành một khúc nhạc não nùng ghê gớm. Lão lại thêm thắt rằng: đó là tiếng ta thán của ma Chiêm Thành…

Chuyện ấy từ ông lão kia truyền ra, dân quê ở khắp vùng ấy đều tin là thật, cho rằng đó là nơi linh thiêng ghê gớm, họ không dám đi qua nữa. Rồi dần dần nơi ấy thành một cái lòi rậm làm nơi trú ngụ của heo rừng…

Cách đây vài mươi năm, có hai vợ chồng một người xẩm đi đến chỗ đó, rẽ cây cối mà vào, như muốn tìm cái nơi có thú dữ ấy để mà tránh một sự tai quái gì. Hai vợ chồng dần dà ngày tháng đã cất nổi một nếp nhà, mái lợp bằng lá, phên đan bằng nứa, trông cũng gọn gàng sạch sẽ. Chung quanh lại có một khoảnh vườn rộng, trồng đủ thức rau quả và bông hoa. Một vạt lớn dành riêng cho những bụi huỳnh tinh. Trên một cây đào tiên khít ở hè nhà có treo thòng lõng một cái võng bện bằng rễ chìu. Đằng xa, một ngọn suối chảy trên gành đá, tiếng rỉ rách nghe đều đặn như tiếng tích tắc của đồng hồ. Nhưng trong cái cảnh ấy, trừ chủ nhân ra không còn ai lui tới nữa. Thật là quạnh quẽ đìu hiu…

Không ngờ một hôm kia thấy viếng tới một người khách lạ. Có lẽ là một nhà săn bắn, vì trên lưng có đeo súng và túi dết. Người khách lạ thấy có nhà cửa thì tự nhiên tiến vào, duy có chủ nhân thì ra bộ cuống quýt, bối rối, như sắp có điều không lành vì đó là một sự phi thường vậy.

Nghe tiếng đi lại gần thì người xẩm cất giọng hỏi trước:

− Ai đấy? Vào đây có việc gì?

− Tôi là một kẻ săn ở phương xa lại.

− Vậy xin mời ngài vào nhà.

Người khách lạ bước qua thềm. Chủ nhân cúi mình thi lễ một cách cung kính. Chủ nhân người chưa già, trạc độ bốn mươi tuổi. Không đội khăn, không mặc áo, chỉ mang một cái quần đùi nhuộm nâu. Trông thô bỉ nhưng mà không đến nỗi lố lăng lắm. Chủ, khách chia tay ngồi trên hai cái ghế đẩu làm bằng gốc tre.

Nhà anh xẩm bài trí một cách sơ sài mà nhã quan lắm. Một bộ bàn ghế, một bộ ván, lại một bộ ván nữa. Bên bàn đặt hai cái bát bằng gỗ, hai cái bình cũng bằng gỗ, có cắm một vài thứ hoa thơm. Trên vách treo một cái đàn bầu và một cái ống sáo. Khi đã ngồi yên, người khách lạ hỏi:

− Không dám, thế người ở đây làm nghề gì? Hoặc giả người là một nhà ẩn dật?

− Thưa không, ngài ạ! Tôi không bao giờ muốn sống cái đời thu giấu hết. Đời tôi dầu không được các ngài biết tới, nhưng đã có con chồn, con sóc… biết tới…

− Hằng ngày người làm những việc gì?

− Tôi trồng huỳnh tinh, rau quả và bông hoa…

− Người cũng trồng hoa?

− Phải, tôi yêu hoa lắm, những thứ hoa có mùi thơm, có dáng điệu mảnh mai, có sắc tươi thắm…

− Thú thật tôi không hiểu người ra sao cả!

− Thì tôi chỉ là thằng mù, mà có cặp mắt của sự… tưởng tượng. Tôi hái hoa về cắm lên đó, là để có cái gì mà tưởng tượng. Cái đoá hoa của tôi là một thứ đẹp hoàn toàn, không bao giờ tàn, không bao giờ phai.

− Thế người ở đây với ai?

− Chỉ có một mình…

− Không giao thiệp với ai hết?

− Vâng, không.

− Người ăn chợ búa nào?

− Hễ cứ mười ngày, tôi về phiên chợ Ba Đồn một lần. Bán được bao nhiêu huỳnh tinh và rau quả thì tôi mua tương muối và dầu lạc. Lâu lâu dành dụm được kha khá, thì tôi mua một manh áo che thân. Một người khác ở đây thì chắc phải chịu thiếu thốn; nhưng tôi thì không, đã hơn mười năm nay tôi không ham muốn và ao ước một điều gì. Ngày ngày, khi công việc đã xong xuôi, tôi ra ngồi dưới gốc cây đào tiên, nghe tiếng hoạt động của muôn vật. Tôi biết rằng tạo vật huyền bí và đẹp đẽ vô cùng… Sống gần tạo vật tức là vui say trong trường mỹ thuật, có cái thú thanh dật của nhà thi nhân, nhà họa sĩ, cái thú không bao giờ chán, ngài ạ!

− Người nói người chỉ ăn bột huỳnh tinh và rau quả?

− Phải, theo cái cách ăn thanh đạm ấy, thì càng ngày tôi càng thấy nhẹ nhàng, nhẹ nhàng phần xác cả phần hồn. Tôi tưởng như một ngày kia tôi sẽ bay được.

− Thế ra người không bao giờ ăn cá thịt?

− Đã lâu lắm tôi không hề nếm đến, giá bây giờ ai đưa đến bắt tôi ăn, chắc không thể nào ăn được. Cá thịt! Ngài nghĩ coi, biết bao là gan phổi máu me! Một miếng ăn mà biết bao là giọng rền rĩ, tiếng khóc than! Một miếng ăn mà giết biết bao là tình cảm đẹp đẽ của giống sinh vật: tình mẹ con, tình vợ chồng, tình bè bạn. Mà có lẽ lại làm tất cả cái phần thiêng liêng sáng suốt của trời đất. Vì ai bảo các ngài rằng trong các giống sinh vật khác, trời lại không phú cho một phần sáng láng thiêng liêng? Không, tôi không thể tin rằng trong vũ trụ chỉ có loài người là khôn thiêng. Con chồn đen ở trong lòi tôi đây, hay là con cọp gấm ở trong ngàn xanh kia, chúng nó cũng có thể tự phụ là khôn thiêng bậc nhất, vì từ khi chúng thấy bóng mặt trời, cho đến khi chúng không còn thấy nữa, chúng có hề gặp một nhà thiện xạ chỉ cung vào mình chúng đâu?

Người khách lạ ngồi một chặp ra dáng nghĩ ngợi. Bỗng ngẩng lên thấy cây đàn bầu treo trên vách bèn hỏi:

− Người cũng là nhà âm nhạc?

− Phải, cây đàn kia là dấu tích của cuộc đời dĩ vãng của tôi, đã bốn, năm năm nay tôi ít khi dùng đến nó nữa. Bây giờ tôi đã thiếu mất đi một giọng sáo ngài ạ! Tiếng đàn, giọng sáo, ngài tưởng có cái này mà không có cái kia được ư?

Đến đây tự hai cái tròng bạc không còn có con ngươi bỗng tràn ra hai hàng lệ thắm, như tự một cái nguồn không bao giờ cạn. Người xẩm nghẹn ngào không nói được nữa.

Người khách lạ hỏi:

− Hẳn người ngày trước cũng có một bậc tri âm cùng người xướng hoạ?

− Phải, tôi đã mất đi một người vợ. Quả lòng và cây đàn của tôi đã mất đi một tiếng họa. Từ ngày vợ tôi mất đi, có lúc lòng tôi nghe trơ trọi lạnh lùng, tưởng như vũ trụ chỉ còn lại có một mình tôi…

− Người bạn của người hẳn cũng có ở với người tại chốn này?

− Ở với tôi đã hơn năm năm. Không có vợ tôi, dễ thường tôi cũng không có cái lòi này, cái nhà này, cái vườn này. Vợ tôi tức là cái dĩ vãng của tôi, là cả cái cuộc đời của tôi vậy.

− Tôi là kẻ ở phương xa lại. Tôi đến đây là do sự ngẫu nhiên. Tôi đến gần gũi người trong giây lát rồi để nghìn thu xa cách người. Tôi chắc người chẳng hẹp gì mà không kể lại cho tôi nghe cái cuộc đời dĩ vãng của người, kể cho tôi là một kẻ không bao giờ gặp lại người nữa.

− Cái cuộc đời dĩ vãng của tôi, thưa ngài, nó chỉ làm rộn tai ngài: tôi là một kẻ bất hạnh ở trên đời, nhưng là kẻ bất hạnh may mắn… Vả bình sinh nếu ngài có cái tình hiếu kỳ, thì chuyện tôi sắp kể cho ngài nghe đây, cũng làm cho ngài vui thích được chút ít. Cuộc đời của tôi được cái lý thú là chẳng giống với trăm nghìn cuộc đời khác.

Thưa ngài, tôi lọt lòng mẹ ra đã chịu điều thua sút thiên hạ rồi, tôi không thấy mặt trời và không có cha mẹ. Tôi vứt ra giữa cõi đời cũng như chiếc bèo vất ra giữa đại hải. Cái số phận của tôi là cái số phận của nó. Tôi không hiểu quả đất thiếu chi người mà trời còn sinh thêm một thằng mù này nữa làm gì? Thiếu tôi đi, quả đất có vì thế mà không vận động được ư? Người ta thì trăm nghề nghìn nghiệp mà tôi thì trước mắt chỉ còn có hai cách để mà nuôi sống lấy mình: là học đan phên và học đàn bầu. Lẽ tất nhiên là tôi theo cái nghề sau, vì trong tâm hồn tôi cũng đã sẵn có một khúc đàn ai oán.

Tôi thụ nghiệp nơi một thầy xẩm già. Tôi chỉ học ba tháng là thành nghề. Không dám nói khoe, tôi được cặp tai thính nhạy và rành rọt lắm. Có lắm bản đàn tôi chỉ nghe qua một lượt là tôi đánh lại được. Sau khi nhờ tiền bòn mót của người ta, tôi sắm được một cây đàn rồi thì ra tự lập lấy thân. Nơi nào có hội hè là tôi tìm đến. Nhưng mà, ngài nghĩ coi, giữa những tiếng ồn ào lộn xộn, tiếng đàn “tri âm” của tôi, còn ai biết tới? Giá những lúc bấy giờ tôi gẩy những tiếng “bật bùng” tôi cũng có xu bề bộn. Xét cái tiền họ cho tôi đó là vì thương tôi là kẻ tàn tật, chứ không không phải chuộng tôi là một nhà nghệ sĩ… Tiền ấy nuôi tôi sống, nhưng mà có danh giá gì cho tôi? Trái lại tôi lấy thế làm tủi nhục lắm, vì ở đời còn gì tủi nhục hơn là không ai hiểu biết tới mình, có tài mà không chỗ dùng hay là bị dùng sai… Cho nên những lúc canh tàn khắc vợi, tôi ngồi ở dưới gốc cây đa là nơi tôi thường về trú ngụ, tôi đưa đàn ra gẩy. Tay gẩy tai nghe, tự mình thưởng thức lấy mình. Đó âu cũng là một cách tự an ủi của nhà nghệ thuật mà trên đường đời thường vắng bặt bóng tăm người tri kỷ.

Một đêm kia hình như trời sáng trăng thì phải, vì tôi nghe có tiếng rung động của ánh sánh. Tôi lại lấy đàn ra gẩy. Tiếng tơ lẹ làng thánh thót như vượt muôn nghìn dặm xanh, đến réo rắt bên những bà tiên nữ lòng sáng suốt và tai rành rọt. Tôi mơ màng tưởng tượng như ngoài cõi trần gian có người tri kỷ thường nghe đến đàn tôi… và hiểu đến lòng tôi vậy.

Bỗng tôi nghe có giọng sáo, như ai cố ý thổi lên để hòa nhịp với khúc đàn của tôi. Tiếng lên rồi xuống, chậm rồi mau, lẹ làng thong thả mà như dằng dặc không dứt. Tiếng tiêu bắt đầu đồng vọng ở đằng xa, tự cái nhà tranh kia bên vệ đường. Rồi dần dần lại gần, càng gần càng rõ ràng, càng du dương… Rồi bỗng nhiên dứt hẳn. Tôi biết là người thổi sáo đã đứng gần bên tôi. Tôi khẽ hỏi: “Ai đó, có việc gì?” Không nghe có tiếng đáp, tôi lại hỏi. Vẫn làm thinh. Tôi đứng dậy thì nghe tiếng thụt lùi lại một bước. Rồi nghe cất tiếng thỏ thẻ nói: “Thưa ông, em biết thế này là đường đột lắm. Nhưng em tin rằng thế nào ông cũng có cái lòng khoan dung của nhà nghệ thuật, vì nhà nghệ thuật, hơn ai hết, phải chịu khó mà hiểu thấu những nỗi sâu kín trong lòng người ta… Dầu sự thật thà của em có ngô ngây sống sượng, em cũng xin thưa thật với ông một điều. Em đến đây là để dâng ông cái… ái tình hèn mọn và thành kính của em đối với một cung đàn, một sự đẹp đẽ, một sự thiêng liêng, một sự mầu nhiệm… Em yêu kính ông vì ông là một người nửa tiên và nửa tục, làm môi giới cho hai cõi bồng lai và phàm trần. Lại vì ông làm trong trẻo khí trời, lẹ làng hơi đất và sáng suốt lòng người. Xin ông rủ lòng thương tới em là một người đàn bà yếu ớt, mỏng mảnh… chỉ biết tỏ lòng thành kính để cầu lấy một chút hạnh phúc ở đời”…

Lời nói ấy làm cho tôi cảm động vô cùng, nhưng tôi cũng gượng cười mà đáp: “Tôi là một thằng xẩm, một thằng mù, một sự xấu xa, một sự hèn hạ. Nàng hãy nhìn cái cặp con mắt bịt bạc đây này. Nàng lầm, nàng chớ yêu tôi, nàng sẽ thất vọng”. Tôi chưa dứt lời, nàng đã vội đáp lại: “Không, thưa ông, em không lầm. Em đây không đến nỗi là hạng người quá phàm tục, chỉ quyến luyến vì những cái đẹp bề ngoài, ngắn ngủi, phơi bày một cách trần truồng lố lăng. Em là người chuộng đẹp thật, nhưng phải là cái đẹp lâu bền, kín đáo, hồn nhiên, thường bàng bạc ở trên ngọn cây mặt nước hay du dương ở trong nhịp đàn giọng hát, chỉ có tai mắt thần tiên mới nhận thấy được”.

Rồi nàng lặng im. Tôi cũng lặng im.

Thế là chúng tôi yêu nhau…

Sáng ngày mai thì nàng quảy bầu gánh theo tôi. Chúng tôi phải đi xa, phải tránh xa, vì dẫu thuộc về hạng nào trong xã hội, nàng cũng không có phép yêu một anh xẩm. Anh xẩm còn thiếu cái gì để làm một con người như người khác, huống hồ là để làm chồng một cô gái đương mơn mởn xuân…

Vợ tôi không những thổi sáo hay mà ca hát lại càng hay. Mỗi khi tôi đánh đàn thì vợ tôi cất tiếng ca. Giọng ca ăn nhịp với tiếng đàn lắm. Tôi hỏi nàng học tự hồi nào, học với ai, thì nàng nói rằng tự học lấy và bắt đầu từ lúc nhỏ. Nàng lại nói thêm rằng: “Một hôm kia em đang ngồi học may với mẹ em, bỗng có một con cu kỳ bay đến đậu ngay ở cây cam sau vườn. Nó gật lên gật xuống, gù từng tiếng một, nhẹ nhàng thong thả. Lòng em nghe lạnh lùng, cái mũi kim chạy ở trên tay rơi hồi nào không hay! Em đương gần mẹ em vui cái lạc thú sum vầy mà em lại thích buồn, cái thứ buồn hão huyền vô cớ. Rồi từ đó, khi thơ thẩn một mình, máy miệng em lại cất tiếng ca. Điệu ca hệt như con cu kỳ, lên cao xuống thấp rồi lại lên cao. Không nhớ lúc bấy giờ em ca những gì, nhưng mỗi tiếng bổng chìm đối với em đều có một cái ý nghĩa riêng, rõ ràng cao xa. Cũng một cái đó người khác cho là vô nghĩa, nhưng em thì cho là thâm trầm lắm. Có lẽ vì em thường nghe tiếng chim kêu, nên mới nhận thấy được những ý nghĩa giấu ở trong mỗi thứ thanh âm. Em biết là hiểu được vì những thanh âm ấy làm cho em xúc động hơn là thiên ngôn vạn ngữ của loài người. Những bài sau này của em cũng không khác gì mấy. Ngay từ lúc nhỏ em đã biết dùng ống sáo để bổ vào giọng ca. Em ca thế nào, em lại thổi vào sáo như thế ấy”.

Nói tới đây người xẩm thở dài, cúi đầu xuống như để cho ra những nỗi tiếc thương đương nén lại trong lòng… Không đợi hỏi hắn lại nói tiếp:

− Thưa ngài, sau ngày phối hiệp, cái sinh kế của chúng tôi lại càng dễ dàng. Đi đến bất kỳ hội hè nào, chúng tôi mở hàng ra cũng được người ta hoan nghinh. Người ta chú ý đến vợ tôi, vì vợ tôi là một người đẹp. Điều ấy lúc bấy giờ tôi vẫn còn nghi ngờ, mãi đến khi xảy ra cái chuyện nhỏ mà tôi sắp kể cho ngài nghe đây, tôi mới dám tin là chắc. 

Một hôm ở làng Nột Gia có một đám khao ở nhà một ông Chánh tổng vừa được bổ thụ. Hai vợ chồng tôi lần tới, được thiên hạ coi đông lắm. Từ sáng đến chiều mà cái quảy con của chúng tôi đầy cả xu và tiền. Chúng tôi lại được mời vào dự tiệc, nhưng tiệc chỉ có trơ trụi hai người: tôi và vợ tôi. Chúng tôi lại còn được người ta mời lại nghỉ chân. Chúng tôi nhận lời ngay vì từ bao giờ chúng tôi chưa hề được ai biệt đãi như vậy. Tôi ngủ ngoài rạp, vợ tôi ngủ ở nhà ngang. Đám khao tan, khách khứa lần lượt lui chân, nhà ông Chánh đã trở vào một quang cảnh im lìm lặng phắc. Bỗng… từ phía trong nhà nghe có giọng ca đưa lại… Mà rõ ràng là giọng vợ tôi, đích là vợ tôi. Tôi muốn vào xem thử, nhưng nhà thì lạ, mình lại mù, sờ soạng ắt có điều bất tiện. Nghĩ vậy nên tôi chịu nằm lỳ, nhưng mà vẫn thao thức không ngủ được. Rồi tiếng ca dứt hẳn. Tôi nghe có tiếng thì thầm, tiếng êm ả, tiếng gây gổ, tiếng mắng mỏ, rồi tiếng chân chạy sạt sạt. Tôi ngẩng đầu dậy đã có vợ tôi đứng bên tôi thở hổn hển. Tôi hỏi, vợ tôi không nói, kéo tay lôi tôi dậy, vớ lấy cây đàn rồi giục tôi chạy. Ngài nghĩ có tội nghiệp không? Tôi có ngờ đâu có cái lúc như vậy! Tôi tưởng trời đã không cho tôi được thấy như người ta, thì lẽ ra bớt đi cho tôi cái tội ấy mới phải, thế mà giữa đêm hôm lại phải đâm đầu chạy, ngã sấp ngã ngửa, thế mà sau chân lại có người la: “Trộm! Trộm!...” Nhưng mà cũng may, không có ai theo kịp.

Khi đã ra giữa quãng đồng vắng, chúng tôi mới ngồi xuống nghỉ. Vợ tôi thuật lại cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện. Tôi hay vợ tôi bị cưỡng hiếp thì bất bình lắm. Nhưng từ đó tôi mới tin, vợ tôi là một bậc giai nhân, mà mới hay cái nhan sắc phô bày ra một cách lỗ làng quá có khi lại rước tội vào mình. Nghỉ chân một lát rồi chúng tôi lại đi, cứ nhằm phía rừng xanh mà tiến. Khi mặt trời đã mọc, thì chúng tôi đến cái lòi rậm này.

Thưa ngài, vào sinh cơ lập nghiệp ở đây là do một sự tình cờ. Một sự tình cờ mà lại rất ám hợp với cái lòng ước nguyện bình sinh của chúng tôi, là muốn sự yên ôn, sự yên ổn hoàn toàn để vui với nghệ thuật. Tìm những cái đẹp của trời đất mà bổ thêm cái đẹp của đời người. Cái mục đích cao xa ấy, nếu còn lặn lội mãi giữa cõi trần tục, thì chắc không ngày nào đạt được. Lúc chúng tôi vào ở thì cái lòi này coi bộ còn hoang rậm hơn bây giờ nhiều, không có một con đường con có dấu vết người qua lại. Chúng tôi hết sức khai phát mới có được khoảnh vườn này và cái nhà này. Không dám nói khoe với ngài, cái công ấy chỉ là cái công đơn độc của một thằng mù và một người đàn bà yếu ớt. Các việc khó khăn như đan phên, lợp nhà, đóng bàn chẳng hạn thì tự tôi làm lấy, còn vợ tôi thì vào lòi để tìm thức ăn, – lúc đầu tìm những thức rau quả, mãi về sau mới tìm được món huỳnh tinh về làm món ăn chính.

Nhưng ngài chớ tưởng chúng tôi lên nơi cùng tịch này là để lo có một việc nuôi sống lấy cái xác thịt của mình thôi đâu. Người ta không phải ai ai cũng chỉ có cái ước muốn thấp hèn của con vật là được ở yên và được sống một cuộc đời vật chất đầy đủ. Người ta còn có sự ước vọng cao xa hơn nữa, − có thế mới đáng là người ngài ạ, − là được sống một cuộc đời tinh thần đẹp đẽ, cuộc đời của những nhà thi nhân, nhà âm nhạc và nhà hoạ sĩ…

− Nhưng thôi người hãy kể hết cho tôi nghe. Tôi nóng lòng muốn biết cái cuộc đời kỳ lạ của người trong cái lòi rậm này mà có lẽ có beo có cọp ở.

− Beo cọp à! Không bao giờ có, mà dầu có nữa chắc chúng cũng không nỡ hại chúng tôi là người không bao giờ vô cớ giết một con kiến hay là một con bọ. Những đêm trăng, hai vợ chồng chúng tôi thường ra ngồi dưới gốc cây đào tiên mà ngài trông thấy đó.

− Tự người trồng ra?

− Không, trước khi chúng tôi chưa vào đây đã có nó rồi. Trong lúc khai phát chúng tôi không muốn phạm đến nó, là vì nó đẹp quá. Vả cũng muốn lưu lại trong cái vườn sau này của chúng tôi một thứ cây quý hoá do tạo vật trồng hộ. Những đêm trăng chúng tôi thường ra đó, tôi đánh đàn, vợ tôi thổi sáo. Chúng tôi vui với nhau và vui với tạo vật. Chúng tôi đưa cuộc đời riêng của chúng tôi mà hoà nhịp với cuộc đời chung của vũ trụ. Giọng đàn tiếng sáo như làm thông tin cho hai thế giới: lòng người và vũ trụ, và giữ được người ta cùng vạn vật, trong cái trật tự thiên nhiên, trong sự hoà rập mãi mãi. Thưa ngài, cứ vậy mà ở đời, đừng sai chạy, đừng nhi nhích đi thì chết cũng như sống, chúng tôi vẫn không lạc con đường quang minh mà trời đã vạch sẵn cho mọi sinh vật.

− Người khéo lo xa! Chết, tôi tưởng là một sự huỷ hoại, một sự tiêu tàn hoàn toàn!

− Lời nói kỳ quái vậy thay! Chết vẫn là còn, còn sống mãi! Tôi đã từng cảm thấy như vậy. Cái hòn đá kia dưới mắt ngài bây giờ nó là một thứ khoáng vật không động đậy, không tri giác, nhưng ở kiếp trước một ngày nọ, trong cõi thời gian vô cùng tận mà vũ trụ đã trải qua, hòn đá kia có lẽ đã từng biết đau đớn, biết hò hét, biết gọi cha kêu mẹ. Mà bây giờ ai bảo nó là một tử vật rồi? Nó còn sống, vì nó còn thay đổi, ngày mai nó đã không còn giống hôm nay… Rồi một ngày kia trong cõi thời gian vô cùng tận mà vũ trụ sẽ trải qua, không chừng hòn đá ấy sẽ có một cái linh hồn và sống cái cuộc đời của chúng ta bây giờ.

Lại cây đào tiên kia, tôi hiểu nó lắm. Tôi đã từng ngồi đối với nó trong cảnh im lặng. Tôi đã từng sống cái nội cảnh của nó. Tôi đã từng nghe tiếng rền rĩ khóc than của nó. Ngài lại không thể tin cây kia, một thủa nọ đã từng làm một người thiếu phụ, điêu ngoa, ác nghiệt, đày xắt một đứa bé mà không hối hận, giày xéo một con giun mà không rùng mình. Lại thằng xẩm, thằng xẩm đương ngồi nói với ngài đây, thằng xẩm thường hay rủ lòng thương đến một cây cỏ héo, kiếp trước có lẽ nó là một hạt sương trong…

Cái chết, thưa ngài chỉ là một cái biến thái như trăm nghìn cái biến thái khác. Ai bảo cái trứng kia đã chết? Một ngày kia nó sẽ nảy ra con tằm bò trên nong dâu. Ai bảo con tằm chết? Một ngày kia nó sẽ thành con bướm đậu trên cành cây. Ai bảo con bướm chết? Một ngày kia nó sẽ nảy lớp trứng đậu trên tờ giấy bản. Đó là một sự luân hồi diễn ra dưới mắt ta. Nhưng mà trong trời đất còn biết bao nhiêu sự luân hồi không diễn ra dưới mắt ta. Thưa ngài, bình sinh tôi cảm thấy như vậy đó, nhưng mà ngài tưởng khi vợ tôi chết, tôi không rơi được một giọt nước mắt ư?

− Thế vợ người chết về bệnh gì?

− Nào tôi có biết! Tôi chỉ nhớ lúc đầu hôm còn ra ngồi dưới gốc cây đào tiên cùng tôi hòa nhạc, nửa đêm mở cửa đi ra ngoài vô rồi đau độ hai giờ thì chết, không trăng trối được nửa lời. Mãi khi biết rằng không qua được, thì nắm lấy tay tôi một cách âu yếm. Tôi rờ thấy nước mắt trào ra và nghe có tiếng cười gượng giữa hai cái môi không hé ra được nữa. Cái tiếng cười ấy, ngài nghĩ, có đủ mà yên ủi tôi không? Tôi ôm choàng lấy cái tử thi mà khóc nức nở. Tôi cố làm cho cái tử thi kia nóng lại, mà ngài ôi! thân tôi còn nghe lạnh hơn cái xác ma nhiều! Lúc bấy giờ thật tôi không tin người yêu tôi chết, chết trước tôi được, vì cuộc đời của chúng tôi giống hệt nhau; một cảnh ngộ, một hoài bão, một tâm hồn… sống đã giống nhau thì chết có lẽ nào lại khác nhau. Vợ tôi chết hôm nay, tôi sẽ chết vào ngày nào? Vợ tôi chết trong ngày xuân xanh mà tôi có lẽ sẽ chết già chết rụi ư? Cái tư tưởng ấy xui tôi làm xằng. Ngài ôi! Tôi muốn quyên sinh để theo gót vợ tôi. Tôi muốn châm lửa đốt cả cái lòi này, giữa ngọn lửa ghê gớm sẽ thiêu hết: tôi, vợ tôi, cây đào tiên, đàn, sáo, nhà cửa. Tôi kêu, tôi gào, tôi đập đầu vào vách. Tôi dậm chân, tôi chạy ra vườn, chạy miết vào lòi rậm. Tôi vấp, tôi ngã, tôi ôm lấy cây, tôi muốn trèo lên cao. Nhưng mà bấy giờ thân tôi nặng như bồ lúa. Tôi ngồi phịch xuống đất, ráng hết gân cổ mà kêu. Tôi kêu một tiếng, rừng rú nhại lại một tiếng, tôi kêu hai tiếng, rừng rú nhại lại hai tiếng. Ôi! Tạo vật độc ác thay! Sắt đá thay! Tạo vật có lẽ muốn giúp tôi làm điều xằng bậy. Không còn có sức kêu gào được nữa, tôi ngồi im định tĩnh được tâm thần. Tôi cảm thấy ngay được lẽ cao siêu, huyền bí, tôi biết rằng cái chết chỉ là một giai đoạn phải trải qua trong cái cuộc sống đời đời kiếp kiếp. Cho nên tôi không muốn làm “khó dễ” với cái lẽ chung của trời đất. Hãy nên hát một bài, đàn một khúc để vui cùng sự lưu hành không dứt của vạn vật. Tôi bèn trở vào nhà, lấy cây đàn bầu, ngồi bên cái tử thi, lặng thinh tôi dạo mấy khúc. Cách một hôm sau, tôi đào huyệt cạnh cây đào tiên mà chôn xác vợ tôi. Tôi vừa lau nước mắt, vừa gẩy một khúc đàn tống biệt.

Năm sau, một hôm có bóng trăng soi, tôi mang đàn ra bên mộ nàng ngồi gẩy. Cỏ đã xanh rì, và trùng dế đã vào ở. Thoạt tôi thấy – tôi mà thấy lần này là lần đầu tiên, phải, tôi thấy ở đầu xa đi lại, một người thiếu phụ áo trắng, quần trắng, tóc xoã, đi nhẹ nhàng mà nhanh nhẹn lắm. Rõ ràng là vợ tôi, đương thổi một cây phượng cầu tiêu. Thấy tôi, vợ tôi lấy tiêu ra và mỉm miệng cười. Rồi… như theo một làn gió, vợ tôi lại nhẹ nhàng nhanh nhẹn đi. Tiếng đi nhịp nhàng với giọng đàn, tiếng sáo…

Hỡi người khách lạ! Hỡi người khách lạ! Chỉ biết tôi có một ngày, xin hãy vì tôi nghiêng tai nghe khúc đàn tôi tiễn đưa ngài về nơi gió bụi. Xin ngài chớ có thuật lại cho các bà con quen biết ngài nghe cái chuyện một thằng xẩm, một thằng mù, mà lại thấy được. Họ sẽ cho là một chuyện quái gở không buồn để vào tai…

Viết tại Ngân Sơn năm 1931

Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Cái đời người xẩm // Phụ nữ thời đàm tập mới, Hà Nội, s. 12 (3 Décembre 1933), tr. 21-23; s. 13 (10 Décembre 1933), tr. 22-25.