CẮM NEO

--------------------------------------------------------------------------------------------------

Tiểu dẫn.  Cuốn sách mang tên Sơn nhân của Lưu Trọng Lư, do Trung Lập xuất bản (tại Hà Nội?) năm 1940; 44 trang 13x19 cm, gồm 4 truyện ngắn: Cắm neo, Bạn tôi lấy vợ, Khỏi truông, Người sơn nhân. Truyện Bạn tôi lấy vợ  trong tập này là một đoạn rút từ tiểu thuyết Chiếc cáng xanh (nhưng ở tập này nó lại trùng tên với một truyện ngắn khác của chính Lưu Trọng Lư, đăng Hà Nội báo, 1937), Người sơn nhân từng in trong tập sách cùng tên như một ấn phẩm đầu tiên của “Ngân Sơn tùng thư”, 1933. Dưới đây là 2 truyện Cắm neo Khỏi truông là 2 tác phẩm mới trong cuốn này.

 N.B.S.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------   

                                                                                                 Tặng bạn văn

 

Cái đời chung chạ... với các bạn bè đã làm cho tôi thiệt thòi nhiều quá. Bây giờ mỗi khi nghĩ đến những ông bạn "quỷ sứ" ấy, tôi còn giật mình. Tôi có thể nói mà không thêm thắt lên một tí nào là trong khoảng một năm trời, ở với mấy ông bạn, tôi không có được một giấc ngủ nào ngon lành cả... Khi thì họ lấy mực vẽ vào tay tôi, khi thì họ đốt "muỗi Sài Gòn" ở chân tôi, khi thì họ xối nước vào  mình tôi rồi kêu nhà dột... Ấy cũng chỉ vì họ thấy tôi là một người quý trọng giấc ngủ hơn mọi sự. Mà thật thế, dầu tôi được thức ở cạnh một bà tiên, tôi cũng không thú vị khoái trá hơn ở trong giấc ngủ thấy mình ở cạnh một người đàn bà tục phàm, thô bỉ.

Tôi nhắm mắt, tôi mê đi, tôi không muốn biết gì nữa, tôi không thiết gì nữa, tôi muốn lịm đi trong một lúc, đó là cái quyền tối thiêng liêng của tôi. Người ta không thể nhân danh ông Thánh nào mà phá giấc ngủ của tôi. Tôi đưa ra bao lý lẽ để biện bác với những ông bạn quý ấy, họ đều cho tôi là phải, là có lý cả... Nhưng rồi đợi khi tôi ngủ mê thì họ vẫn đua nhau mà phá tôi. Tôi chỉ có một cách là đi ra "ở riêng".

Tôi thuê một căn nhà nhỏ ở đường Lamblot, và chỉ sau khi tôi dọn nhà độ nửa giờ đồng hồ người ta đưa lại cho tôi nửa tá thằng nhỏ từ 9 đến 14-15 tuổi. Trong bọn ấy phần nhiều đầu húi ngắn, quần đùi áo cánh, vẻ mặt sáng sủa, lý lắc, và đôi mắt linh hoạt đã biết nhìn quanh. Tôi cho bọn này đã quen với Hà Nội, đã nhiễm lấy cái phong vị "văn minh" của Hà Nội, và đã nhiều lần bị sa thải hoặc vì tội đi chợ ăn bớt, hoặc trốn nhà đi xe đạp, hoặc ra máy nước chòng ghẹo gái... Cho nên tôi chỉ để ý đến một thằng nhỏ xúng xính trong một bộ áo vải đã ngả màu, hai tay áo sơn một lớp mũi lẫn với các thứ bụi, tóc còn để chỏm và vàng khè, và giữa một khuôn mặt trơ đôi mắt ngay thẳng... Tôi nghĩ ra rằng thằng bé ấy trông còn "trinh tiết như hòn đất mới xới" và giữa sự ngạc nhiên của những đứa bé khác, tôi chọn ngay thằng bé còn "trinh tiết" ấy, và nói với mình: "Ta cố đánh trắng cái đầu thằng mọi con này". Bắt đầu tôi cho cắt cái chóp tóc của nó, và húi theo kiểu Nhật Bản, rồi lấy savon [a]  rửa cho sạch lớp bụi bám ở mặt nó. Tôi sắm cho nó ngay một bộ quần áo cộc và tôi không quên cho nó một đôi guốc cho có vẻ anh nhỏ một nhà sang trọng. Khi nó có một cái mặt mới và cái đôi cánh mới ấy, tôi xô nó ra trước một tấm gương to rồi để ngắm cái vẻ luống cuống của nó... Nó nhìn cái bóng nó mà nó thẹn thuồng một cách đáng yêu như một cô gái. Có lẽ nó không còn nhận lại nó nữa, tôi lấy làm đắc ý lắm, tự cho là tạo hóa có cái phép thần thông biến hóa một đứa trẻ quê mùa thành một đứa trẻ "văn minh". Nhưng tôi lầm; các bạn nên hiểu vì sao tôi lầm...

Ngày hôm thứ nhất, nó làm cho tôi tức tối và thất vọng vì nó: cũng như những ông bạn quỷ sứ của tôi, nó phá giấc ngủ của tôi. Buổi sáng, trời vừa tang tảng, thì nó đã dậy quét nhà, lê đôi guốc ở quanh giường tôi hết chỗ này đến chỗ kia, hoặc nện đôi guốc xuống nền gạch hoặc vấp vào chân bàn. Tôi cố không cáu với nó, và tự an ủi rằng nó còn khổ hơn tôi nhiều, vì là lần đầu nó mới làm quen với đôi guốc gỗ. Hôm sau, tôi chỉ xin nó cất cái đôi guốc ấy đi thôi; thế là tôi vừa cởi cho nó một cái khổ và cho tôi nữa.

Nhưng tai nạn không phải chỉ ở đôi guốc. Ba hôm sau, tôi ngửi thấy ở trong gian buồng tôi một cái mùi vị lạ, một mùi vị vô danh mà hữu thực nhưng mà cũng khó tả. Tôi nhìn vào những cạnh bàn, những chân giường, những góc tường đã thấy những vết mũi còn xanh.

Tôi ngẩng lên nhìn thằng nhỏ: Cái mặt và áo quần nó cũng đã quệt qua một thứ sơn ấy. Tôi tự hỏi: "Người nhà quê sao mà mũi nhiều thế" rồi tôi cố đưa những tư tưởng nhân đạo ra mà thuyết minh với tôi, và làm cho tôi phải tin rằng "Chúng nó là những đứa trẻ đáng thương và mình phải cứu lấy chúng nó khỏi vòng mê muội". Tôi nghĩ thầm "Chỉ một chút thường thức vệ sinh là trừ hết tai nạn". Rồi ngay hôm sau, tôi dạy cho nó một bài học rất dài về phép vệ sinh, nhưng một tai nạn khác đã đến.

Ngày thứ tư nó không còn thiết làm việc nữa. Có khi tôi gọi nó không buồn thưa và trí nó bắt đầu xao lãng: tôi sai bảo nó làm cái gì, nó không hiểu gì hết hoặc hiểu mà trong giây lát nó lại quên ngay. Ví dụ tôi sai nó đi mua một tờ báo, nó mang về cho tôi một gói thuốc lào. Và suốt ngày, nó chỉ ngồi co ro ở trước ngõ nhìn những xe cộ đi ngoài đường và để ruồi nhặng đậu lên cả đầu nó.

Tôi không hiểu tại sao vậy, và tôi lấy làm bâng khuâng khó nghĩ lắm, cho rằng có lẽ cái tai nạn này không còn phương cứu chữa nữa...

Ngày nào ngày nấy, tôi cũng phải cái tội nhìn bộ mặt buồn thiu buồn chẩy, cho đến một hôm, có một xe kéo đi qua, cờ phất trống rung làm náo động cả hàng phố.

Tôi thấy thằng nhỏ của tôi, nhìn những cái mặt hề bôi nhọ của các đào kép ở trên xe và lấy làm thích khoái. Một nụ cười làm tươi sáng cả bộ mặt đã sầm tối của nó.

Ngay hôm ấy tôi dẫn nó đi xem hát và tối hôm ấy người ta hát tích "Lã Bố hí Điêu Thuyền". Mỗi khi nó nhìn cái bộ mặt si tình của Lã Bố, là nó nhảy nhót reo hò. Và hôm ấy nó là vào hạng những người cười vỡ rạp... Tôi đoán rằng thế nào nó cũng không còn buồn thiu buồn chẩy nữa. Quả vậy, hôm sau, hôm sau nữa, nó vui vẻ như con chim con. Tôi cũng thấy lây cái vui sướng của nó. Hà Nội đã cảm hóa được nó rồi. Tôi yên chí rằng con chim con ở lại với tôi mãi mãi... Nó đòi gì, tôi cũng cố chiều nó. Tôi đã cho nó tập xe đạp, tôi đã cho nó đi xem chiếu bóng Hàng Buồm. Nó đã bắt đầu nói chuyện về Tarzan và con khỉ Kinh Kông.

Những cái khó chịu lúc ban đầu không còn có nữa: Nó đã biết đi guốc, nó đã biết... không quệt mũi vào tay áo, và bàn ghế. Nó còn biết nhiều về phép vệ sinh, và một chút ít lễ độ. Thế cũng đủ cho tôi mãn nguyện lắm rồi! Nhưng duyên nợ của tôi với nó có lẽ chỉ có thế hay chăng?

Một hôm một buổi trưa hè, nhớ một người bạn xa, tôi vặn máy hát lên. Cái đĩa hát mà tình cờ tôi đưa vặn lại là cái đĩa Nam bằng.

Ngoài vườn trời nắng quá, từng luồng ánh sáng đọng lại trên những chòm lá xanh... Và ở trong buồng tôi bay ra những điệu uể oải ẻo lả và não nuột vô cùng:

... "Kéo neo tàu chạy..."

Điệu hát cứ cái điệu ẻo lả ấy mà từ từ đi, nâng nhấc cái tâm hồn uể oải mệt nhọc của người ta khỏi đất xứ mình mà băng ra quãng biển trời xa lạ. Khi đĩa hát ngừng giữa sự yên lặng của ban trưa thì tôi nghe có tiếng sụt sùi ở sau một cánh cửa. Tôi chạy lại thì thấy thằng nhỏ của tôi đương ngồi thu mình trong một góc tường, và đưa vạt áo lên lau má.

Tôi hiểu rồi, không hỏi nó một điều gì nữa.

Điệu hát não nùng ấy đã làm nó nhớ những cánh đồng quê xanh mát với tiếng sáo diều mênh mông, làm cho nó nhớ tới những rừng sim u hiển, tiếng hát mơ màng của các cô cắt cỏ.

Nó nhớ đến quê hương, nhớ đến những ngày trong sáng hay âm u của dĩ vãng...

Và ngay tối hôm ấy, con chim ấy bỏ tôi...

Tôi vào buồng nó: Ở trên vách nó còn trả lại tôi cái bộ cánh mà tôi đã sắm cho nó, và trong một xó, cái đôi guốc ấy, cái đôi guốc đã làm cho mất hết biết bao công phu nó mới tập đi được.

Nó trở về "đồng quê" với cái bộ áo dài xúng xính của nó và rồi đợi thời gian lại để mọc ở trên đầu nó cái chỏm tóc vàng khè...

Còn tôi, mỗi khi nằm nhìn những màng nhện chăng đầy nhà, tôi lại nghĩ đến thằng nhỏ trung thành với xứ sở quê hương ấy.

Rồi sáng nay, không hiểu sao tôi lại nghĩ lẩn thẩn đến cái số kiếp của tôi.

Đã biết bao lần tôi dứt áo ra đi quyết từ biệt nghề cầm bút nhưng biết bao lần tôi vẫn trở lại với nghề... Cho đến nay thì tựa hồ tôi đã vui lòng nguyện sẽ đầy đọa thân thế mình, cho đến ngày cuối cùng, trong cái kiếp văn chương phụ bạc ấy.

"... Kéo neo tàu chạy..."

Đời tôi, đã biết bao lần kéo neo, đuổi bắt những mộng lòng ở chốn trời xa biển lạ...

Nhưng rồi để một ngày kia, trở về với những thất vọng nặng nề...

Bạn ơi! Hãy xếp buồm lại, và lần này để cho neo cắm chặt lấy bờ bến cũ.

 

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Cắm neo // Sơn nhân, Hà Nội, Trung Lập xb., 1940; in tại nhà in Văn Lâm; tr. 5-10.


 

[a] savon: xà phòng