CẢM TẾT

--------------------------------------------------------------------------------------------------

Tiểu dẫn

Những nét đan thanh là tên ấn phẩm tiếp theo (thứ hai) của ‘Ngân Sơn tùng thư’, in tại nhà in Đắc Lập ở Huế, ra mắt đầu năm 1934. Phần thơ ở tập này in trên 20 bài thơ mới của Th. C. (Thái Can); tiếp đó là tiểu luận ‘Văn chiêu hồn’ của cụ Nguyễn Du của Hoài Thanh, và phiên âm toàn bài Văn chiêu hồn của Nguyễn Du; phần cuối là một số bài tản văn: Xuân năm nay (Hoài Thanh), Thư cho bạn (Ng.), Cảm tết (Lưu Trọng Lư), Giao thừa (I: Hoài Thanh, II: Lưu Trọng Lư), Chiêm Thành (đoản thiên tiểu thuyết, Lưu Trọng Lư).

Dưới đây chọn in 2 tác phẩm văn xuôi của Lưu Trọng Lư  trong Những nét đan thanh.

N.B.S.

 

     Tôi còn nhớ mãi cái hôm ấy – ngày tôi mới lên bảy – cái hôm mà người ta hạ cây nêu ở ngõ nhà tôi. Hạ một cây tre có cái tàu chuối, nhưng đã làm cho tôi đứt từng đoạn ruột. Đứng nhìn mấy người nhà tôi thọc xuổng xuống đất đợ cây nêu lên, gióng nó xuống, lại chặt nó ra từng khúc, thì tôi tưởng như họ đã làm một điều gì thương tâm, tàn nhẫn vô cùng. Hạ một cây tre có cái tàu chuối, nhưng trước mắt tôi như thấy đổ nát cả một thế giới, xáo động cả một trời đất…

     Giọt mưa dầm, tiếng pháo nổ, làn khói bay, hương thủy tiên, mùi bánh chưng… cùng với những sự vui say đầm ấm, sự mơ ước nồng nàn, cả bao nhiêu cái khả dĩ làm cho cảnh Tết đẹp đẽ, khả ái đều như tan tác mất rồi.

     Lòng tôi ngao ngán chán nản quá chừng, tôi tưởng tôi không còn có lúc yêu đời được nữa, không còn có lúc đánh miếng bánh chưng với cá kho mà miệng tôi lấy làm thích thú hay là nghe tràng pháo chuột nổ tì tạch mà lòng tôi biết nhảy nhót. Tôi thấy cái Tết nó khả ố vô cùng, hèn nhát vô cùng, hèn nhát vì đang tâm đánh lừa một đứa bé ngây thơ. Tôi nghiến răng nguyện với tôi rằng chẳng để cho ai gạt một lần thứ hai nữa…

     Nhưng ngày tháng lại đi… Lòng căm tức, buồn chán của tôi cũng theo đi… Tôi lại bắt đầu yêu những cái ánh nắng mặt trời buổi mai rọi ở trên đồng lúa xanh, yêu những tiếng hót dịu dàng của con chúc mào ở trên ngọn tre.

Rồi một hôm kia, tôi đương mơ màng mường tượng, mắt tôi thoạt thấy một người đàn bà mặc toàn đồ trắng, tay nắm một chòm thủy tiên. Người có cái đẹp của tiên nga, lại trẻ trung tươi tắn… Thấy tôi, người mỉm miệng cười rồi đưa cái tay rất mềm mại ngoắc tôi: “Đến đây! Em đến đây với chị! Chị cho quà cho bánh… Em yêu quý của chị! Em hãy đến đây”. Giọng nói ngọt ngào mặn mà biết bao! Thế là tôi đến! Tôi ngậm miếng mứt gừng, tôi uống hớp rượu cúc, tôi xềnh xoàng, tôi vui say… Nhưng khi tôi quay lại thì người bạn tiên nga của tôi đã thoăn thoắt rẽ lánh đường nào! Tôi lại chán đời, tôi lại ngao ngán! Tôi lại chửi rủa hắn! Nhưng mà năm năm hắn lại cứ đến rảo trước mắt tôi, xui giục trêu ghẹo tôi… Mỗi ngày tôi thấy tôi già mà hắn vẫn cứ trẻ trung đẹp đẽ luôn, vẫn có cái bí thuật gì để mê hoặc tôi. Khôn lớn đến như ngày nay, tôi còn vẫn bị nó đánh lừa… Mỗi lần tôi thấy hắn đến, tâm tôi lại phe phẩy như sắp gặp một người tình nhân yêu quý. Nhưng hỡi tâm ơi, người tình nhân của mày chỉ là một con Điêu Thuyền ranh mãnh, sâu hiểm, hắn đã bỏ bùa cho mày rồi đó!

 Mặc kệ! Miễn là ta gắn bó, ta mê mết, ta nồng nàn say, ta đằm thắm yêu, yêu say cho đến chán nản, đến mỏi mệt, đến … thất vọng.

 

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Cảm Tết // Những nét đan thanh. Ngân Sơn tùng thư, Huế, 1934, tr. 59-61.