CHÂN ÁI TÌNH

         Mưa phùn! Gió bấc thổi lạnh buốt tủy xương. Bao nhiêu sức hoạt động của loài người đều giam hãm lại bên ngọn lửa than, thế mà chiều hôm ấy, trên Văn Miếu quạnh hiu lại thấy thướt tha cáo bóng một người thanh niên buồn rầu, mệt nhọc, như cố tìm lại mà chẳng thấy một cái gì đã mất đi…

         Thường năm, cứ độ đông về thì dầu có sự trở ngại đến đâu, Vân
Bình cũng phải về Hà Nội một lần để viếng lại cái nơi Khổng miếu rất u tịch nầy. Không phải là chàng có lòng mộ đạo chi đâu; chàng chỉ là một kẻ tình nhân mê muội, về đây là để tìm lại những cái dấu vết của một cuộc ái ân buồn rầu vô vị.

         Từ ngày chàng chưa biết yêu là gì mà chàng đã phải lòng một cô gái đẹp ở Hà Thành. Cái ái tình của hai người chỉ là cái ái tình của Ngưu Lang với Chức Nữ, suốt năm xa nhau nhớ nhau đặng có một ngày gặp nhau. Nhưng đã hai lần rồi, chàng không thấy Chức Nữ của chàng đâu nữa. Vì thế mà chàng đau đớn ê chề, nhưng chàng vẫn không ngã lòng. Chàng vẫn tin một cách rất ngây ngô rằng trong thiên hạ không ai lại không muốn cho có kẻ yêu mình, mà chàng còn yêu người ta thì không vì lẽ gì người ta bỏ chàng được.

         Chàng ngồi trong một cái đình, trông ra cảnh hồ sen dưới trận mưa phùn, hồi tưởng lại những cái không còn nữa, và mơ ước những cái không bao giờ có được.

         Thoạt đàng xa tiến lại một người thanh niên, cũng trẻ trung hăng hái như chàng, trên vẻ mặt điểm một nụ cười. Người thanh niên ngồi gần bên chàng, lưng tựa vào vách, mắt lờ đờ vadfo cõi mộng.

         Vân Bình chưa quen biết người ấy mà tự nhiên đã nảy ra một mối cảm tình. Ấy là một thứ cảm tình đối với những kẻ có điều giống hệt với mình. Vì người thanh niên ấy đến chỗ nầy có lẽ cũng bởi một tấm lòng khao khát mơ mộng… Nghĩ vậy nên chẳng sượng sùng gì hết, Vân bình khêu chuyện:

         − Thưa ông, tôi chưa được cái hân hạnh biết ông, nhưng có lẽ đối với cảnh nầy, ông cũng có một thứ cảm giác buồn rầu tê tái như tôi vậy.

         − Thưa ông, không có đâu ông ạ! Không dấu ông, tới đây tôi nghe nhẹ nhàng sung sướng hơn ở đâu hết.

         Bình thẹn, toát cả mồ hôi. Người lạ mặt mỉm cười, vẫn cứ mỉm cười… Như muốn biện hộ cho cái “lý” của mình, Vân Bình bèn nhắc lại cho người ấy nghe một đoạn “tình sử” của mình… Nghe xong người ấy lại mỉm cười rôid dõng dạc nói:

         − Bây giờ tôi đã hiểu ông lắm rồi. Tôi không muốn trách ông sao lại bảo cảnh nầy là một cảnh đìu hiu quạnh quẽ, là cái cảnh chết… Tôi chỉ tiếc sao ông với tôi hình như cũng bởi một cái nguyên do xui khiến tới đây mà ông với tôi lại có chỗ khác nhau. Ông về đây là để tìm lại dấu vết của một thứ ái tình ngắn ngủi cay đắng mà vô vị. Còn tôi về đây lại mang theo một cái hình ảnh xinh xắn tươi cười mà linh động, cái hình ảnh của người mỹ nhân mà tôi đã thấy một lần. Phải, cách đây đã ba năm rồi, trong lúc đi thăm một người bạn ở Huế về, trên chuyến tàu tốc hành, tình cờ tôi được ngồi đối diện với một người thiếu nữ. Tôi nói ngay là một người đẹp, vì người ấy đã làm cho thiên hạ chú ý đến một cách đặc biệt, từ cậu sinh viên Âu phục bảnh bao cho đến bác Lý búi tóc củ hành. Người ấy đẹp ở vẻ mặt, ở tay chân, ở cách đứng đàng ngồi, đẹp nhứt là ở sự im lặng, ở những cái không biểu lộ ra ngoài… Suốt mấy giờ, cô không nói không cười, như muốn giữ chặt lấy cái đẹp của mình, đừng cho tràn trìa phơi bày ra vậy. Mắt tôi không ròi cô ra một phút. Trong óc tôi bỗng nảy ra mọt cái ý rất quái gở: tôi cầu sao cho trời đưa tới một sự tai biến ghê gớm làm cho chiếc tàu tôi đi hôm ấy sẽ trật đường rầy, sẽ nhào xuống ruộng. Mọi người từ anh xếp-tanh cho đến bác nhà quê đều bị chết chẹt hết mà chỉ còn sống sót một tôi với lại một nàng. Rồi chúng tôi cùng đưa nhau vào một chỗ núi sông cùng tịch mà cùng hưởng cái lạc thú thần tiên… Nhưng trời không chấp lời nguyện của tôi: tàu không trật đường rầy, người không bị chết chẹt, mà tôi đã phải từ biệt người tôi yêu. Tôi xuống ga M.L., người tôi yêu về Vinh, về Hà Nội, về đâu nữa tôi cũng không biết. Chắc ngài tưởng thế nào rồi tôi cũng vướng vào cái thứ ái tình ghê gớm kia: yêu đó, than đó, khóc đó, rồi phụ bạc đó, ghét bỏ đó!

         Không, thưa ngài không, người thiếu nữ ấy, không bao giờ tôi gặp lại, mà tôi cũng không muốn gặp lại nữa.  Không bao giờ tôi biết tên họ người ấy, xứ sở người ấy. Người ấy sẽ lên ngàn hay xuống bể, tôi cũng không quan tâm. Tôi chỉ biết người ấy đã lưu lại trong tâm trí tôi một cái hình ảnh xinh xắn, đẹp đẽ, làm cho tôi đời đời sống sung sướng. Không dám khoe với ngài, cái ái tình nằm trong mộng ấy cho tôi đủ mọi hạnh phúc. Tôi chưa hề có một tí thất vọng… Trong những lúc những bác Mộng Hà kêu trời oán phận, đau đớn về những cái thực sự buồn rầu ngắn ngủi, tôi lại được hưởng những cái lạc  thú êm đềm kín đáo là lại lâu bền… Cái hình ảnh người thiếu nữ kia thường năm tôi lại cái nơi vắng vẻ quạnh hiu nầy mà ngồi tưởng tượng lại một lần. Tôi vẫn thấy nó trẻ trung xinh đẹp, xán lạn và linh động vô cùng.

Mai 1933

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Chân ái tình // Phụ nữ thời đàm tập mới,  Hà Nội, s. 11 (26 Novembre 1933), tr. 21-22