CHẠY LOẠN

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tiểu dẫn. Tiểu thuyết Chạy loạn trước khi in thành sách riêng, có đăng Tiểu thuyết thứ bảy với nhan đề Giặc Tàu Ô. Chúng tôi chỉ mới được thấy một vài kỳ đăng, chưa tìm được toàn bộ văn bản đăng tuần báo này. Sách in Chạy loạn không ghi rõ năm xuất bản, nhưng có thể dự đoán là trong năm 1939, do mấy quảng cáo cuối sách, theo đó nhà sách Librairie Central của giám đốc Tô Văn Đức ở 110 Rue du Pont en bois, Hanoi (phố Cầu Gỗ, Hà Nội) vừa in xong tập thơ Tiếng thu cũng của tác giả Lưu Trọng Lư, - tập thơ này, như ta biết, được in năm 1939.

N.B.S.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

 

 

 

Ở dải núi Đông Sơn, cách tỉnh thành Thanh Hóa độ năm cây số, có một hang gọi là hang Bà Tầm, hang nhỏ, không bao giờ được hân hạnh in dấu chân một người du khách. Nhưng nó là một hình ảnh rất ghê rởn trong đầu óc những người dân quê khắp vùng đó. Có lúc, cách đây đã ba mươi năm, về tiết tháng mười, vào những hôm trời mưa lấm tấm và đầy khí lạnh, người làng Đông Xá trông lên dải núi Đông Sơn thấy có những đốm lửa, đỏ rực một góc trời. Những khi lặng gió, người ta có thể nghe được những tiếng ca hát sang sảng, tiếng cười nói ầm ỹ. Người ta cho đó là những bữa tiệc của Bà Tầm, đãi những khách quen biết. Những buổi dạ hội ấy kéo dài đến lúc gà gáy sáng.

 Nhưng Bà Tầm là ai? Người thì bảo xưa kia bà là một vị công chúa. Công chúa ở đời vua nào người ta cũng không rõ, và cái cớ vì sao công chúa lại vào núi này, người ta cũng không hay. Người khác lại bảo là vợ một ông quan lớn ra nhậm chức ở Ái Châu. Tầm là tên người chồng. Nhưng rồi sao lại lạc đến núi này, người ta cũng chẳng biết gì hơn nữa.

Dân làng Dương Xá chỉ nhận đó là một sự thiêng liêng và không bao giờ nghĩ đến việc dò tìm tông tích. Họ lập ở cạnh hang một cái miếu thờ và năm năm lên lễ bái. Nhưng không bao giờ họ muốn biết rằng: vị thần mà họ phụng thờ đó trước kia là ai, có xứng hay không với sự phụng thờ của họ. Họ chỉ cầu sự yên ổn mà thôi. Theo như họ nói thì Bà Tầm chẳng bao giờ hiện lên yêu sách, quấy nhiễu họ. Hình như bà công chúa ấy chỉ triền miên ngày tháng trong những cuộc ca vũ, không hề thiết đến những việc khác nữa và luôn luôn có những yến tiệc ở trong động.

Cố nhiên không có người dân nào tò mò dám trèo lên trên núi để chứng kiến những cuộc vui của quỷ thần.

Theo như lời những người già cả nói lại, thì xưa kia có một người tên là Nỉnh, to gan, dám lúc đêm hôm một mình nhằm chỗ đuốc đỏ mà đi tới. Lúc đầu thì hướng dẫn bởi ánh sáng, nhưng rồi khi tiến đến gần thì bị bao trùm bởi một màn tối đen quá mực, và cũng không còn nghe tiếng ca hát, đàn địch gì nữa. Một sự im lặng lạnh lùng và mênh mông, một sự im lặng của chốn âm phần. Nhưng khi người ấy lần mò đường cũ mà trở về, và khi đã xa khỏi động thì lại nghe tiếng ca hát, đàn địch, và những bó đuốc lại sáng rực như cũ. Ông Nỉnh, người thóc mách can đảm ấy, ba hôm sau mang bệnh mà chết. Lần đầu tiên, người ta thấy Bà Tầm quấy nhiễu nhân dân. Nhưng khi không có một kẻ tò mò nào nữa thì lại thấy yên ổn.

Nhưng ở dãy núi Đông Sơn ấy, cách động Bà Tầm độ vài cây số, một hôm có một đoàn phu phen đem cuốc xẻng tới đào phá những tảng đá và luôn luôn có tiếng cốt mìn nổ. Người ta vừa tìm được ở đấy một cái mỏ phốt phát. Những máy móc và phu phen đưa lại một sự huyên náo táo tợn và theo người kỹ sư tây, giám đốc chuyên môn sở mỏ ấy, thì từ khi khởi công ở mỏ đến nay, ông ta không nghe có tiếng ca hát, đàn địch bao giờ mà cũng không bao giờ trông thấy những bó đuốc đỏ rực trời.

Nhưng những người khác ở trong mỏ thì nói trái lại với lời ông giám đốc. Họ bảo rằng lúc khởi sự khai phá mới được một tháng, thì một hôm các phu đá có tìm thấy ở ngoài cửa một cái động khác, cách động Bà Tầm không xa, một thanh gươm rất lớn đã rỉ nát và khi nâng lên khỏi đất, gươm rời ra từng mảnh nhỏ. Bên cạnh thanh gươm ấy, người ta tìm thấy không biết bao nhiêu là mảnh bát cổ, theo những người khảo cổ sành thì những thứ ấy đã có hơn hai nghìn năm.

Phu phen đi sâu vào động, thì họ lại thấy giữa những vỏ ốc một bộ xương người khổng lồ mới trông qua ai cũng biết không phải người đời nay. Cái đầu to bằng cái ghế nhỏ, đường kính đến 20 phân, và xương chân, xương tay, xương sống đều to và dài gấp đôi người thường. Trường Bác Cổ Hà Nội được tin bèn chiếm lấy bộ xương quý báu ấy, và theo sự khảo cứu của nhà trường, người có bộ xương to tát như thế phải là người Tiền Hán hay là trước nữa.

Từ khi bộ xương mang đi nơi khác rồi thì, vẫn theo lời người làng Dương Xá, ở động Bà Tầm mới thực không có những cuộc dạ hội như xưa. Người làng Dương Xá lập ngay cạnh hang mới ấy một cái đền thờ nữa cũng tương tự như đền thờ Bà Tầm. Cả những phu mỏ cũng thường ngày đến lễ bái và cầu xin cái vị thần vô danh phù hộ cho mình. Những người quê mùa mộc mạc đó vẫn tin rằng: vị thần vô danh ấy với Bà Tầm có một mối quan hệ mật thiết gì. Có lẽ là anh em ruột thịt chăng? Hay là một cặp vợ chồng? Họ vẫn tin vợ chồng là đúng hơn, vì có cái sự thông cảm ấy giữa hai động, thì tất nhiên đó phải do một sức mạnh về tình ái gây ra.

Họ không nghi ngờ gì nữa, khi họ cho rằng vị thần vô danh ấy chính là chồng người đàn bà quanh năm chỉ đắm say trong những cuộc ca vũ. Và không ngần ngại đặt cho cái đền mới ấy là đền "Ông Tầm".

Đến nay mỏ phốt phát ở núi Đông Sơn đã cạn rồi, thay cho sự huyên náo của máy móc, của phu phen, người ta lại thấy một sự yên lặng mênh mông và lạnh lùng của âm phần.

Nhưng cũng không bao giờ lại còn tiếng đàn địch và ca vũ.

Một hôm, một ông chức dịch của làng Dương Xá đưa tay trỏ vào núi xanh và nói với tôi: "Nhưng ông ạ! Cái người đàn bà đó, từ khi chồng bị cướp đi xa, trong chốn sâu lặng ấy, không bao giờ vui vẻ như xưa nữa. Thật là người vợ xứng đáng".

Tôi tưởng chuyện đến đây là hết… Và sự bí mật trong hai động ấy cũng không còn ai khám phá ra được. Cho đến một hôm, tôi đi qua một làng Giàng, tình cờ mà tôi nghe được miệng một ông cụ già cái chuyện "chạy loạn" và bọn giặc Tàu Ô mà tôi kính cẩn chép lại sau đây. Tôi không dám chắc hẳn nhưng cũng mong rằng: truyện này sẽ giải quyết sự cảm thông giữa hai động ở trên núi Đông Sơn.

Cứ theo sự điều tra của Trường Bác Cổ thì người có bộ xương khổng lồ ấy phải là người ở đời Tiền Hán; vậy thì không thể nào phù hợp với người chủ động truyện này là một người ở đời gần đây. Nhưng viên tướng giặc Tàu Ô kia là một sự thực, một người đã sống, sống với bao sự điên cuồng, với bao điều đau đớn. Cái hình thù to lớn kia mà người ta không tin được, biết đâu chỉ là một cái đặc lệ mà trời đã đãi riêng cho kẻ anh hùng!

Và nếu như cái bộ xương kia mà người ta đã tìm được, không phải là bộ xương của viên tướng giặc Tàu Ô nữa, thì chuyện mà tôi thuật lại đây, không vì thế kém vẻ ly kỳ, kém phần lý thú.

"Giặc Tàu Ô", chỉ ba chữ ấy cũng đủ gợi cho lòng ta những cái hình ảnh ghê gớm, rùng rợn đã làm kinh hoàng cả một thời đại vừa qua và những cái khổ nhục của dân chạy loạn.

 

PHẦN THỨ NHẤT

Hôm ấy dân khắp trong làng Giàng, khác với mọi ngày, đều đóng cửa sớm. Họ ăn uống vội vã và không dám nói lớn, cười to. Không một người nào dám ra ngõ… mà nếu có cần cấp đến đâu nữa họ cũng đành để đến ngày mai. Trời tối lại làm tăng sự kinh khủng của họ. Thỉnh thoảng chỉ nghe vài tiếng chó "tru". Đã lâu lắm, làng Giàng mới lại qua một sự sợ hãi như thế. Vào năm Bính Tý ấy, theo lời ông lão Mạch thuật lại, không bao giờ người ta thấy nóng bức như thế. Qua đến tháng mười rồi mà mùa rét vẫn chưa chịu tới. Một hôm, lối phần đêm, ông Đồ Di đương chong một ngọn đèn dầu phụng để đọc sách thì bỗng ngoài đường nghe có tiếng chân người đi san sát và tiếp đó có tiếng nói xì xào. Ông lặng nghe, đoán biết là có một đoàn người lạ đi qua ngõ mình. Đoàn người ấy dừng lại trước nhà và họ thì thầm những gì, không nghe rõ.

Ông Đồ là người có tiếng bạo dạn, lại hay ngạo mạn ma quỷ, thế mà lúc bấy giờ ông cũng thấy sởn cả tóc gáy. Ông cố bình tĩnh mở bài "Chính khí ca" và ngâm to. Tức thì ở bên ngoài có một tiếng, át cả những tiếng xì xào khác: "Thôi bay ạ, thằng cha ấy không thể chơi với nó được! Bay theo tao lên nhà tên Cửu Vê và nhà Tú Uyên".

Rồi cái đoàn người ấy lại kéo nhau đi.

Đoàn người ấy đi đã lâu mà ông Đồ Di vẫn còn nghe có tiếng chân dội lại trong tâm hồn mình. Ông Đồ vẫn cứ ngồi đọc sách cho đến sáng. Đến sáng thì được tin Cửu Vê và Tú Uyên đã chết rồi.

Chuyện ấy lan truyền ra khắp làng, ai nghe cũng lạnh mình. Từ đó nhà nào nhà ấy chưa tối đã đóng kín cửa. Cái năm Bính Tý cướp mất của làng Giàng ngót năm chục tên đinh để hiến cho quan Ôn. Sự khủng khiếp ấy đến nay mới lại có… nhưng lần này không phải quan Ôn đi hành hạt, mà chính là một bọn giặc Ô.

Lúc trời chập choạng tối, một bọn trai làng đương ngồi bên một cái giếng và nói chuyện tào lao với nhau, thì cái Mãi ở núi về, từ trên mình trâu nhảy xuống, hớt hơ, hớt hải nói với họ:

Các anh ạ, một bọn giặc Ô vừa về núi ta.

Cả bọn cùng đứng dậy một loạt, xúm lại xung quanh nó mà hỏi dồn:

Giặc Ô! Sao mày biết là giặc Ô.

Ấy tôi cũng đoán chừng thế thôi, vì trông họ không giống lính ta một chút nào, coi bộ họ hung hăng quá.

Thế họ đi về ngả nào?

Đi vào núi Cả.

Một ông lão, đầu bạc như bông, ở đằng xa đi tới, đánh cái gậy vào thành giếng. Cả bọn lặng thinh quay lại. Ông lão cười ha hả bảo:

Các anh trông trời ráng vàng ở phía núi này, ngày mai, ngày kia, trời sẽ nắng chang chang, thôi tha hồ mà cấy.

Cả bọn trai làng đứng im phăng phắc, không hỏi lại một câu gì. Những lúc khác họ đã vui vẻ hỏi chuyện ông lão. Anh Neo, một anh trai làng to lớn như cây vông, tiến lại gần ông lão, ghé vào tai nói nhỏ:

Cố ạ! Giặc Ô về núi ta.

Giặc Ô?

Vâng, giặc Ô!

Ông lão thủng thẳng đặt cái gậy xuống đất và ngồi xệt xuống có chiều lo nghĩ.

Giặc Ô! Ấy rồi làng ta sẽ tính sao đây? Thế các anh đã báo cho ông Lý biết chưa?

Bẩm chưa.

Thế thì anh nào nhanh chân đến trình ông Lý biết.

Rồi lão thản nhiên nói tiếp:

Trình thì trình vậy thôi, chứ ông Lý có cách gì làm cho bọn giặc Ô sợ được. Vả bây giờ trời đã tối rồi, ta cũng không thể nhóm làng được nữa. Tốt hơn là ai về nhà nấy, bảo nhỏ nhau kiểm điểm lại các đồ vật vãnh, và đừng ra khỏi ngõ. Việc gì mai sẽ hay.

Rồi như không có chuyện chi xẩy ra, lão đứng dậy ra về. Nhà lão ở trong xóm hạ, cạnh cây bàng và có cái ngõ bằng bông bụt kết thành mái tam quan.

Từ giếng đi về đến nhà, lão lại càng ra dáng suy nghĩ. Một bầy cháu chạy ra túm lấy chéo áo lão và hỏi chuyện, nhưng lão không nói câu gì. Lão đi lại gần cái chuồng bò, lấy dùi nêm chặt lại, cài then chốt, cầm lấy cái cuốc xỉa mà đứa con lớn của lão vừa đặt xuống bên hè rồi đi thẳng vào nhà.

Cả nhà đương ngồi quanh trên một cái nong lớn, thấy cử chỉ khác thường của ông lão, họ nhìn nhau ngơ ngác, không ai hiểu ra sao.

Người con lớn hỏi:

Cái cuốc xỉa, con để ở đầu hè mai đi làm sớm, thế ông mang vào trong nhà làm gì?

Ông cụ không đáp, đi ra chuồng lợn dạo quanh vườn một lượt, rồi cặm cụi bưng mấy cái vò để ở thềm vào trong nhà.

Một bà cụ lên giọng mắng yêu ông lão:

− Bây giờ mà ông không ra ăn cơm còn để chúng nó chờ tới bao giờ nữa? Ông này đến dớ dẩn, mấy cái vò ở đấy, mắc gì ông lại nhắc nó vào?

Ông lão như không lưu ý tới lời nói của vợ, quay lại phía mấy đứa con:

− Chúng mày có thấy cái "đùi ắng" của tao ở đâu không?

− Bẩm không.

− Ấy mới chết!

− Thưa thầy làm sao ạ?

Ông lão không đáp, đi vào trong nhà bếp lấy ra một cái đọc... rồi vót một sợi roi mây, lão cột lại cái cán sắp gãy.

Người con thứ hai hỏi:

Mai thầy lại đi săn nai hẳn?

Nai với vượn gì! Không lo rồi thì ông cho chết cả nút!

Lão đi thẳng lại gần nong, cầm lấy bát cơm, ăn vội, ăn vàng:

Chúng mày ăn chóng đi, xong tao biểu...

Mọi người quây quần bên mâm cơm, không ai nói gì. Một bầu không khí sợ hãi bao trùm cả gia đình lão Hy – vì chính lão là lão Hy, khi đã gần xong bữa cơm mới chịu nói với các con:

Tôi bảo các anh câu này, các anh nghe cho! Đêm hôm các anh có nghe chó sủa, các anh cũng đừng chạy ra mà khốn. Liệu hồn! Giặc Ô đã đến núi ta rồi đấy. Nay mai là các chú ấy về làng ta để phá phách. Đêm nay thì phải đóng cửa sớm. Các chú ấy có ra ngay, mà nếu có xông vào nhà thì ta hãy dùng đến gậy, đến đọc, bằng không mặc các chú đi ra ngoài đường, đừng có lên tiếng.

Quay lại phía vợ, lão Hy bảo nhỏ:

Còn mụ, còn được bao nhiêu quan tiền kẽm, thì liệu ra vườn mà chôn đi ngay. Cái quân giặc Ô có thứ gì mà chúng nó chừa cho. Rồi nhà cửa, chúng nó cũng đốt hết!

Mụ lão nhìn cái Sơn, đứa con gái út, ứa hai hàng nước mắt nói mếu máo:

Trong lúc lộn xộn này thì còn ai dám khiêng cái của tội này đi nữa. Bên ông Xã Mậu chắc lại xin hoãn.

Vì sao bà Hy lại ghét đứa con gái út thế? Ấy chỉ vì cái Sơn là một đứa con gái không giống những đứa con gái thùy mị khác ở trong xóm. Sơn ngỗ nghịch, tai ngược lắm. Con gái, dầu con gái đã sắp có chồng mà chỉ thích múa gậy, trèo cây, thích đỏng đảnh đỏng đa, chơi đùa với bọn con trai. Nhưng Sơn được cái mặt mũi rất sạch sẽ, có người cho là đẹp nhất làng nữa. Mặc dầu người ta không có duyên mà cũng có thể đẹp được chứ sao! Một thứ đẹp lộng lẫy bộc lộ, làm cho người khác say đắm từ phút đầu. Thực ra biết bao trai trong làng và hàng xứ say đắm sắc đẹp của Sơn, nhưng ai cũng để ý mà không một ai dám đi dạm hỏi chỉ vì họ cho rằng: Sơn không thể là một người vợ giỏi giang được. Trong bọn ấy có anh Na, con bác Xã Mậu, là quyết tâm lấy Sơn, nhưng bác Xã cũng dần dà mãi mới chịu dạm hỏi cho con. Bác Xã muốn đợi Sơn lớn thêm một vài tuổi nữa để cho mình dễ yêu sách.

Ông lão Hy quay lại ngắm nghía nhan sắc của người con gái, nhưng lại có cảm tưởng khác hẳn với vợ lão, tự nghĩ:

Bọn giặc Ô này mà về núi, chưa xuống làng ngay, là chắc các chú tính việc lâu dài đây, vì tàu bè các chú hẳn đã tan tành cả rồi. Thôi thì tha hồ họ đốt phá! Mà bọn đàn bà con gái liệu hồn đấy! Đối với quân khách đói ấy, có cái của nào là của hôi, của thừa nữa!

Bỗng lão thét to cái ý nghĩ thầm kín ở trong đầu lão:

Con Sơn! Từ rầy tao cấm mày ra khỏi cửa.

 Sơn đặt bát cơm xuống nong một cái thật mạnh:

Thầy cấm thế thì rồi mai đàn trâu đến chết đói.

Lão quay về phía đứa con thứ hai:

− Từ rầy thằng Phỉ đập trâu vào rừng chăn thay nó.

Sơn có vẻ không bằng lòng:

− Con đố anh Phỉ nghe nói thế mà còn dám đập trâu vào rừng đấy! Ấy rồi cứ cho trâu ra ăn cỏ cháy ngoài bãi thì chẳng mấy lúc mà trâu ốm.

Ngoảnh lại phía Phỉ, Sơn nói tiếp:

− Em nghe cái Mãi nói trong bọn có một thằng to lớn lắm. Cái đầu hắn to bằng cái này (Sơn chỉ cái ghế), mà hắn cao hơn chú Hành (người có tiếng cao nhất trong làng) đến những ba bốn cái đầu như thế!

Cả nhà nghe tái cả mặt, hoảng hốt hỏi Sơn:

− Ấy thế mà từ chiều đến nay mày không nói chi hết.

Sơn cười:

− Nói mà làm gì? Để anh Phỉ hồn anh ấy lên ngọn cây à?

Sơn lại cười khanh khách, lão Hy trừng mắt nhìn người con gái:

− Thế mà mày còn cười. Liệu hồn mày đấy!

Sơn không nói gì nữa, cầm lấy bát cơm và lia lịa, đũa đánh vào bát một cách vui vẻ.

Nhưng tất cả nhà, người nào người nấy, từ lớn đến bé, không còn ai thiết gì đến cơm nước nữa. Người thì lo thu xếp những đồ vặt vãnh, người thì lo đóng cửa cài then, người lo chong đèn đốt đuốc, và khi mọi người đã vào nhà hết cả, thì Sơn, một mình còn ra ao rửa những bát đĩa bẩn. Ở trong nhà người ta vẫn nghe tiếng Sơn vui vẻ hát như hôm qua.

Hôm sau vẫn không thấy gì thay đổi: sáng sớm Sơn vẫn đập trâu vào rừng. Vẫn với cái giọng trong trẻo hôm qua, Sơn hát như một con chim con. Đi ra đến cái giếng đầu xóm, Sơn nghe thằng Mõ nó rao:

− Trình làng thượng hạ, giáp đông giáp đoài, hôm nay đúng ngọ, cơm nước xong, trai tráng phải ra tề tựu cả đình làng để nghe lệnh cụ Tiên chỉ và thầy Lý! Ai vắng mặt sẽ bị vạ... Trình làng thượng hạ... Ơ, ơ, cốc , cốc...

Từ trên mình trâu, Sơn hỏi với:

− Này Mõ!

Mõ quay lại:

− Cô Sơn! Tôi cấm cô không được xấc láo! Tôi là mõ của làng, của cụ Chánh, của thầy Lý, chứ không phải mõ của cô!

Sơn cười khanh khách:

− Cố nhiên tôi làm gì có mõ!

− Tôi theo lệnh thầy Lý, nghĩa là lệnh làng mà đi rao. Cô không được chế nhạo tôi!

− Ô hay! Tôi chế nhạo gì Mõ?

− Cô đừng nói láo! Cô không được gọi tôi là ... Mõ trống không như thế! Nói cho cô biết!

− Mõ thì bao giờ lại chẳng trống không, nhưng chiều chú, từ rày tôi gọi chú là chú Mõ, bằng lòng chưa?

Mõ cười híp mắt lại:

Em Sơn! Xuống trâu anh bảo nhỏ cái này hay lắm!

Sơn không ngần ngại chi hết, nhảy xuống trâu nhanh nhẹn như một kẻ võ sĩ, đi lại gần thằng Mõ.

Mõ ghé miệng vào tai Sơn:

Tôi nói nhỏ với cô Sơn cái này! Từ sớm đến giờ tôi chưa tin cho ai hết. Tử tế lắm mới bảo ban cho đấy! Cô Sơn có biết việc gì sắp xảy đến cho làng ta, một việc quan trọng lắm! Hôm nay nhóm làng cũng vì việc ấy...

Việc gì thế?

Cụ Chánh bảo làng ta đã mấy trăm năm mới lại có việc như thế.

Chú làm như cụ Chánh đã sống mấy trăm năm rồi, việc gì cũng biết.

Nhà cụ Chánh bốn đời làm Chánh rồi, việc chi cho qua khỏi cụ!

Nhưng việc gì? Chú Mõ nói ngay đi.

Việc quân Tàu Ô về rừng ta!

Sơn vỗ vai vào hai vai Mõ:

Thế thì năm nay ta lại loạn rừng chứ gì? Mình không dám đi củi nữa chứ? Vậy ta chịu khó thổi rơm cũng không sao, phải không chú Mõ?

Mõ lại ghé tai Sơn bảo rất nhỏ:

Liệu chừng đấy! Sơn nên về bảo cho cụ Trùm biết, có đồng tiền trữ bạc nào thì kiếm chỗ mà chôn cất đi, ấy là tử tế lắm tôi mới bảo trước, chứ xóm trên xóm dưới chưa một ai biết đấy nhé!

Cảm ơn chú Mõ, nhưng cũng may, đẻ tôi đã đào chôn từ tối hôm qua rồi.

Mõ giương mắt nhìn Sơn một cách ngạc nhiên:

Thế ai bảo cụ Trùm biết?

Chú Mõ ơi là chú Mõ ơi! Nếu ai nấy cũng đợi chú đi trình đi báo cho biết thì chết đã tan xương rồi; chú phải biết, làng đặt ra chú là cho có lệ đấy mà thôi. Này Mõ!

Đã lại láo...

Ừ thì chú Mõ! Chú có biết giặc Tàu Ô là giặc gì không?

Hung dữ như quan Ôn.

Thế chú có sợ không?

Sợ thì cũng có sợ. Nhưng đêm hôm, tôi có thể đi một mình được, vì bao giờ Mõ này cũng có lệnh thày Lý, cụ Chánh ở trong tay.

Thày Lý, cụ Chánh! A ha! Chú làm như giặc Tàu Ô chúng sợ cả thày Lý, cụ Chánh nhà chú lắm!

A! Cô không được xấc láo với thày Lý...

Lý trong làng phải không chú Mõ?

Rồi Sơn lại cười ha hả. Ba chữ "Lý trong làng" mà Sơn đã nói động đến đó, khi nói lái lại, thì nó có một ý nghĩa rất hỗ láo.

Cô Sơn! Liệu cái mồm, ngoa vừa vừa chứ! Không, tôi trình làng, thì vạ đến cụ Trùm đấy.

Sơn vừa vén váy, vừa nói thẳng vào mặt thằng Mõ:

Chà! Bạ một tý gì cũng ngả vạ. Thày Lý có giỏi thì vào rừng mà bắt vạ bọn Tàu Ô kia. Không lo thì rồi cũng đến, chúng nó cùm tay từ đến tới bé, từ cụ Chánh đến thẳng Mõ.

Nói xong, nàng nguýt dài thằng Mõ một cái và vội vàng nhảy lên mình trâu, vào rừng.

 

***

     

Đã gần nửa tháng, dân làng ngày nào cũng nhóm ở đình để bàn việc phòng thủ. Mấy ông phó rèn ở trong làng đều đưa búa ra ngồi ở trước cửa đình để làm việc không nghỉ. Họ lo rèn những cái đọc cho làng, phải rèn đâu đến vài ba trăm cái. Vì bao nhiêu đinh tráng trong làng Giàng đều bị bắt ra làm dân tuần hết. Đêm nào ba trăm dân có khí giới ấy cũng chia nhau từng bọn đi khắp xóm để canh gác.

Đã lâu, chợ búa không nhóm họp nữa. Đã lâu, rừng làng vắng tiếng đốn gỗ, vắng tiếng hát trong trẻo của những cô gái cắt cỏ. Đã lâu, làng Giàng sống trong bầu không khí buồn tẻ, kinh hãi, vắng những cuộc đình đám, những cuộc hát xướng. Sự làm ăn buôn bán cũng đình trệ lại cả.

Người ta chờ đợi một tai nạn không bao giờ tới. Đã có người bắt đầu vào núi đốn củi hay ăn mít nai. Những trẻ con cũng đã vui vẻ đập trâu vào rừng. Ở rừng cũng như ở làng, người ta không thấy có một sự gì xảy ra cả, không thấy dấu vết của một tai nạn. Ông Lý, trong một hôm nhóm làng tại đình, xin làng đòi cái Mãi ra nọc đánh một chục roi về tội bép xép; còn phạt ông Trưởng Mên sáu quan tiền vạ về cái tội sinh ra đứa con bép xép. Ba trăm tuần đinh lại cho giải tán. Làng Giàng lại vui vẻ làm ăn. Mấy bác phó rèn lại trở lại đập những lưỡi cuốc lưỡi cày để dùng vào việc ruộng.

Nhưng bỗng một hôm, một việc xảy ra làm cho những người làng, từ già đến trẻ, đều sởn tóc gáy: cô Minh, con gái cụ Chánh, bỗng nhiên biến đi đâu mất. Người ta đổ ra đi tìm khắp nơi, khắp xứ, lùng hết làng xóm đến núi rừng, cũng không thấy cô Minh ở đâu cả. Cô Minh, con cụ Chánh, ai lại không biết, một thiếu nữ mới lớn lên, đẹp như một cô tiên, lại sinh vào cửa quyền quý, giàu có, thôi thì biết bao kẻ dòm ngó, thèm muốn. Đã biết bao anh Nho ở làng trên xóm dưới, tới ngấp nghé cửa cụ Chánh mà cụ Chánh vẫn làm cao, ra mặt kén rể. Ấy rồi, ai có ngờ ngày nay lại có sự oái oăm đến thế.

Cái tin cô Minh biến đi, chưa làm cho dân làng hết kinh khủng rồi thì đến tin con gái ông bà Kiên cũng bị mất tích. Vài hôm sau nữa, thì đến lượt con gái ông Hương Truyền, con gái ông Lý Điền, con gái ông Cửu Kháng, con gái ông Đồ Bật. Rồi lần lượt đến mười cô con gái tốt lành làng Giàng đều bị những bàn tay vô hình bắt cóc đi đâu mất. Mà tai ác, toàn những cô gái đẹp, lại là con nhà tử tế cả.

Những "khổ chủ" tất nhiên là khóc than không ngớt, nhưng những trai làng, mỗi lần một cô gái đẹp mất đi, như có một mũi kim chích thẳng vào quả tim; họ mất đi một cái hy vọng, tan đi một sự ước muốn. Cái "đội dân tuần" lại bị gọi ra như trước.

Như thôi thúc bởi một lòng công phẫn, những trai tráng đổ vào rừng lùng hết ngòi, hết ruộng, nhưng ngày hôm nay vẫn như ngày hôm qua, vẫn không tìm ra một manh mối nào. Trong lúc ấy, nhưng cô con gái tốt lành, xinh đẹp của làng vẫn vô cớ biến đi như ma. Một nỗi đau thương cho những nhà có con gái mới lớn.

Có một điều ai cũng nghiệm thấy là chưa có một thiếu phụ nào bị bắt cóc cả. Cho nên vin vào cái cớ ấy, những người có con gái lớn hay chưa lớn, người ta cũng lo gả chồng đi. Ở làng Giàng hiện ra một cảnh tượng xưa nay chưa từng thấy. Những người đàn ông có tiếng xấu xí hay những người có tỳ tích, có sứt mẻ chút ít xưa nay thường bị các cô gái chê bai, khinh bỉ, bỗng nhiên nay cũng có vợ mà vợ toàn là những con nhà tử tế, con ông Hương, ông Lý cả.

Thật là những cảnh thương tâm đến buồn cười. Không bao giờ người ta lại thấy những cô gái đi lấy chồng sớm thế. Từ trước, họa hoằn người ta cũng thấy những bà vợ mười bốn mười lăm tuổi nhưng bây giờ thì những cô con gái mười hai, mười ba tuổi mà lấy chồng, ấy là một sự thường. Nhưng có một cô gái hai mươi tuổi rồi mà nhất định còn buồng không, sự nhất định ấy, một phần là tại không ai lấy. Ở vào lúc này, cái lúc lộn xộn, rộn ràng này mà còn kẻ chê bai, yêu sách, làm khó làm dễ, thì thật là một điều lạ lùng. Người con gái ấy chính là Sơn, vì có thể nào là người khác được? Ở đoạn đầu cuốn sách truyện này, ta đã biết Sơn là một cô gái đẹp, nhưng mà phải cái tính nghịch ngợm, tai ác, đáo để. Cũng vì thế mà người ta sợ, không dám rước nàng về. Ông Xã Mậu đã biết bao lần xin hoãn lễ nghênh hôn, mà không biết ông ấy còn hoãn đến bao giờ? Sơn không hề lấy thế làm điều. Sự chồng con, đối với nàng, không phải là một sự cần thiết, vì nàng là người con gái không biết có mùa đông, nghĩa là không bao giờ thấy lạnh.

Một hôm, về tháng đông, trời giá cũng như những ngày khác, Sơn nằm một mình trên cái chõng tre đặt ở ngoài hè. Bấy giờ đã vào khoảng hai phần đêm, nàng đang thiêm thiếp trong một giấc ngủ ngon, bỗng có một người vào ôm choàng nàng dậy, xốc nàng lên lưng và cõng như người ta cõng người say rượu. Khi người ta vực Sơn ra khỏi ngõ thì nàng vẫn còn mơ mơ màng màng. Nàng thấy mình bỗng nhiên ở trên lưng một người đàn ông thì nàng thấy buồn cười quá. Nàng toan nhếch miệng ra, mới biết rằng miệng đầy giẻ. Lúc người ta vực nàng lên ngựa thì nàng cảm thấy một sự chắc chắn rằng: nàng đã bị bắt cóc. Trong giây lát, nàng biết ngay được cái nguyên do bí mật đã làm cho nàng và tất cả mọi người làng Giàng phải bối rối, – cái nguyên do bí mật của sự biến mất những người con gái đẹp.

Lúc đầu Sơn hơi lo ngại cho số phận của mình nhưng dần dần nàng bị cám dỗ bởi lòng hiếu kỳ muốn biết những điều bí mật. Nàng lại còn thấy thinh thích nữa. Sơn cho rằng nàng  được một dịp tốt để mở cái màn bí mật cho những người khác cùng xem. Nàng cố hết sức bình tĩnh, trong tư tưởng và cử chỉ của nàng, không có một dấu hiệu gì tỏ ra nàng bối rối lo sợ. Nhất là khi con ngựa của người vô danh kia lướt qua đồng lúa, rồi từ núi này băng qua núi khác, thì nàng như say sưa về sự nhanh chóng, ghì chặt lấy người lạ lùng như một kẻ thân mật. Có lúc nàng đụng mạnh vào những cành lá, những hạt sương lạnh rơi đẫm vào hai vai, nàng thấy có một cảm giác ghê rợn, nhưng mà chỉ thoáng qua trong giây lát mà thôi...

Gà rừng đã bắt đầu gáy. Vì lúc bấy giờ, Sơn đã ở trên một đỉnh núi cao, cho nên nàng được thấy mặt trời dậy sớm. Nhưng vì mây núi vẫn chưa tan hết, nàng chỉ nhận thấy cảnh vật một cách lờ mờ: người lạ mặt gò cương lại trước một cái động lớn, một thằng bé con chạy ra dắt ngựa đi chỗ khác, còn người kia thì dẫn nàng vào động, rồi đi thẳng vào cái buồng con kín mít, bốn vách đều bằng gỗ. Người kia rút giẻ ở trong miệng Sơn ra, rồi nhìn nàng chòng chọc một cách ngạc nhiên lắm, vì có lẽ không bao giờ ở chốn ấy, chàng được thấy một nét mặt bình tĩnh đến thế. Nhưng chàng vẫn lập nghiêm không nói một câu gì. Sơn cũng nhìn chàng với một vẻ ngạo mạn cương quyết. Hồi lâu, nàng mới mỉm cười và nói với hắn:

Này chú! Thế chú định nuôi tôi ở trong cái buồng này hẳn? Nhớ cho ăn nhé!

Người kia nghe câu nói ngộ nghĩnh, muốn bật ra cười, nhưng cố nín để Sơn không dám lần khân. Hắn quay lưng nguây nguẩy đi. Một tấm cửa ván khổng lồ ở trên trần rơi xuống thành một tiếng ập mạnh làm cho nàng lần đầu tiên thấy ghê sợ và cảm giác ngay rằng mình là tù nhân bị giam hãm một cách chặt chẽ, khó lòng mà trốn thoát.

Sơn nằm từ sớm đến gần trưa, mới nghe có tiếng chân người đi tới. Và khi nhận được tiếng những chìa khóa kêu rỏng rẻng thì nàng đã mừng thầm, tưởng được có người sắp đến mở cửa buồng cho mình. Nhưng không, người ta chỉ đưa qua cái lỗ tò vò một nắm cơm hẩm đen và một ít mắm khô. Người ta cũng không cần dặn dò thêm một câu gì, vội vàng đi ngay, hình như qua một cái buồng khác và có lẽ còn nhiều buồng khác nữa. Chùm chìa khóa vẫn kêu rỏng rẻng chỉ để đánh lừa người ta mà thôi, vì Sơn lắng tai nghe, không có một cánh cửa nào khác mở ra cả.

Sơn đi lại cầm lấy nắm cơm, rồi lên giường ung dung ngồi ăn. Tuy rằng sinh trưởng ở một nơi chẳng giàu có gì, nàng vẫn cảm thấy ở trong bữa cơm ấy, có một mùi vị gì tanh hôi, không thể nào nuốt đi được. Lần đầu tiên, trong đời nàng, Sơn đành bỏ một bữa cơm và vui lòng nhịn ăn. Nàng mang nắm cơm để lại chỗ cũ, và ngồi chờ người ta đi qua, vì nàng tin rằng thế nào người ta cũng trở lại lấy.

Nàng tưởng sau khi người ta thấy cái âu cơm không hề bị động chạm đến, thì ít ra người ta cũng sẽ hỏi qua nàng một tiếng. Nhưng không, người ta nhìn cái âu cơm vẫn đầy mà không nói gì, và thay vào đấy một bát nước... Sơn cầm lấy uống một hơi như cả sự căm giận. Nàng cảm thấy ngay rằng mình đã sa lạc vào một chỗ toàn những người độc ác, nguy hiểm vô cùng, và xa lắm rồi, xa những sự âu yếm của gia đình.

Sơn thấy lo ngại và muốn ốm. Nhưng nàng không phải là thuộc về cái hạng người bao giờ cũng tỏ sự hèn kém của mình để cầu xin một sự thương xót. Nàng cố tập trung hết cả nghị lực của mình để dự bị đối phó với một tai nạn ghê gớm mà nàng đã biết là đã tới bên lưng. Một con mối vô ý bò qua trước mặt nàng. Con vật nhỏ hình như đương rình một cái gì, có thể là một con muỗi. Con mối ở trên tấm ván mà tưởng như ẩn ở một chỗ kẹt kín, thân mình như thu ngắn lại, từ cái đầu đến cái đuôi không hề cử động mảy may, trừ đôi mắt là thóc mách, tìm tòi.

Trong cái cảnh tù hãm, buồn thiu buồn chảy, nàng coi con muỗi như một hiện tượng lớn lao. Trong một phút, Sơn đã quên hết những việc khác, quên hết những lo sợ tầy đình đã chiếm cứ tâm trí nàng. Nàng ngồi nhổm dậy, cúi gần để nhìn con vật kỹ càng, nhưng khi nàng nhìn thấy con vật chỉ cứ nhìn ngó, ngấp nghé mãi mà không có một cử chỉ gì khác thì không còn kiên tâm được nữa, nàng đưa hai ngón tay "chắt" cái mồi một cách tàn bạo, độc ác như là xử trí với một trẻ thù địch vậy.

Bỗng từ một cái kẽ vách nào lọt qua một tiếng cười ròn rã. Sơn ngơ ngác nhìn quanh nhìn quẩn, cái đầu và cái đuôi của con mối vô tội rơi khỏi tay nàng mà nàng không biết. Qua những cái kẹt rất nhỏ ở bốn bức vách, nàng ghé mắt nhìn, nhưng nàng không hề thấy có một bóng người, và cũng không nhận thấy có một dấu tích gì khả dĩ có thể đoán được rằng nàng đương ở trong một cảnh tù hãm của người ta,  chứ không phải ở trong một cái hang thú vậy. Nhưng sao lại có tiếng cười ròn rã kia? Cái tiếng cười hoan lạc ấy phải bắn lên từ một chốn họp bàn, một chốn tiệc tùng, một nơi vui vẻ. Sau tiếng cười, cái lặng lẽ ở trong hang lại càng thêm nặng nề và lạnh lẽo.

Sơn lại giường, nhắm mắt ngủ đi, vì sự ao ước của nàng từ khi vào hang, ấy là được có những phút nàng không phải lưu tâm về một điều gì hết. Nhưng cái giấc ngủ của Sơn cũng vẫn bị ám bởi những hình ảnh rùng rợn, kinh khủng của cái cảnh tù. Sự sợ hãi đã đưa lại trong giấc chiêm bao của Sơn những rắn, rết, hổ, beo và tất cả những thứ ghê sợ khác mà người ta có thể tưởng tượng ra được.

Lúc Sơn tỉnh dậy thì đã có một âu cơm để sẵn ở cái lỗ tò vò. Nàng tưởng sẽ nôn ọe như lúc sáng, nhưng không, nàng nhìn âu cơm với mấy con mắm, một cách thèm thuồng. Nàng bốc lên ăn, thì vẫn những con mắm khi sáng, mà nàng lại thấy có một mùi vị khác. Nàng không thấy ngon, nhưng ăn cũng được. Cái âu cơm chiều, khi trả lại, thì đã hết sạch. Nàng cũng tưởng rằng, người ta thấy cái âu cơm không còn đầy nữa, thì sẽ mỉm cười hay sẽ nói một câu gì để mỉa nàng. Nhưng không, cái con người bí mật im lặng cất âu cơm để thay vào đấy một tách nước, và nhất định không một nói câu gì. Hôm sau vẫn như hôm đầu, vẫn không thấy một sự gì thay đổi, nếu có thay đổi, ấy là con tỳ của nàng. Hôm sau, nàng chẳng những không còn thấy ở trong những con mắm không thay đổi ấy, mùi vị tanh hôi, mà còn cho đó là một vị ăn ngon nữa.

Nếu sự ăn tăng lên thì sự buồn chán cũng tăng lên. Hôm thứ nhất, Sơn sợ rằng: lo nghĩ nhiều quá; hôm thứ hai, thì Sơn thấy không còn có điều gì để suy nghĩ nữa. Một cái tảng đá, một cái kẹt cửa, một con mối, một tiếng cánh bay, đều là những cái đầu đề mà Sơn đã suy nghĩ chán rồi. Nàng muốn chờ một cái gì mới, một cái gì lạ, nhưng không có một cái gì khác xảy đến. Hình như quả đất không luân chuyển nữa và không làm nẩy ra một điều gì.

Ngày thứ ba, Sơn nằm ngâm lại những câu ca hát mà bình sinh nàng đã hát, và nghe những người khác hát. Nhưng có lúc nàng cũng không còn gì để mà hát nữa, nàng tự buộc phải im lặng mà nàng không thể chịu được, nàng muốn nói lên, bất cứ một điều gì, nhưng tiếc rằng nàng không phải là người điên.

Buồn quá, Sơn lấy một que củi nhỏ, nàng gõ đũa vào vách. Bỗng có tiếng trả lời, không biết tự đâu mà đến, làm cho nàng ngạc nhiên vô cùng. Nàng ghé tai vào vách thì nghe rõ mồn một có tiếng người hỏi dồn:

Ai đấy? Ai đấy?

Nàng đáp:

Sơn đây!

Nhưng Sơn không còn nghe người ấy hỏi gì nữa. Bỗng cánh cửa mở toang ra: người đàn ông hôm nọ tiến vào. Không hề nói gì hết, hắn lấy vải bưng mắt nàng lại, rồi vực nàng lên lưng và cõng đi. Sơn không biết đi qua những đâu, nhưng nàng biết là lâu lắm và toàn là đi vào những lối quanh co, khuất khúc. Sơn không hề nói một câu để phản đối, vì nàng biết là vô hiệu. Khi Sơn mở mắt ra thì nàng thấy mình đang ở trong một cái buồng hoa lệ. Nàng thấy một bọn độ bốn năm người con gái rất xấu xí, đứa thì răng vẩu, đứa thì trán gồ, đứa thì đi cà khiễng, đứa thì gù lưng. Chúng đều ăn mặc theo lối con sen ở nhà qúy phái. Chúng xúm lại bên Sơn như để vui vẻ hỏi chuyện; nhưng không, chúng bưng thau, lấy khăn và mời nàng rửa mặt.

Sơn thấy khó chịu một cách lạ, vì từ xưa không bao giờ nàng phải bị có kẻ hầu hạ một cách cung kính như thế. Cái bầy thị nữ ấy vẫn không tha cho nàng. Chúng lại mời nàng lên ngồi trên một bệ cao, trước một cái giường lớn, rồi thì đứa gỡ tóc, đứa vận xiêm, đứa tô son điểm phấn, đứa thì chít khăn cho nàng. Cuối cùng, Sơn thốt ra một câu khó chịu:

Các chị khéo trêu em. Em cũng như các chị, một mồ mấy ma!

Rồi Sơn vùng vằng không muốn để cho ai sửa soạn hộ mình nữa.

Các chị tha cho em! Em có tội tình gì mà phải làm cái mặt nạ này?

Một cô thị nữa vui vẻ đáp:

Ồ thế còn chúng em thì có tội gì mà phải ngày ngày tô son điểm phấn cho các cô? Chẳng qua chúng ta không nên hỏi nhau là hơn. Vì chúng ta cũng không ai biết gì hơn ai.

Rồi cả bọn lại xúm nhau "bâu" xung quanh Sơn. Chúng vừa làm việc vừa hát như ở ngoài đồng áng vậy. Nàng dần dần cũng thấy dễ chịu và lúc nàng nhìn vào gương, thấy mình dưới phấn, trong một cái áo thêu hoa hòe, lộng lẫy như một bà hoàng hậu thì nàng quên sự lo sợ. Và trong giây lát, Sơn tưởng mình là một kẻ sung sướng, một cô dâu mới, sắp về nhà chồng.

Nàng tủm tỉm cười với cái bóng mình trong gương. Sơn không ngờ, một cô gái quê, nhờ phép mầu nhiệm của son phấn, mà nàng trở nên một người khác hẳn trước. Nhưng nghĩ đến cái số phận bí mật đương đợi mình, có lẽ chỉ trong mấy phút nữa mà thôi, thì Sơn hơi sợ hãi. Cái sợ hãi ấy rồi dần dần cũng nhường chỗ cho cái nguyên tính của nàng là sự tinh nghịch của cô gái quê hóm hỉnh. Rồi khi nghe những cô gái vui vẻ hát những câu hát quen ở nơi đồng áng, Sơn vui vẻ hát theo.

Nàng cố gợi chuyện:

Này các cô, tôi có nghe nói ông chủ ở động này, người hiền từ như một ông bụt, có thật vậy không, các cô?

Một thiếu nữ đáp:

Thưa bà …

Ấy chết, chỗ chị em với nhau … thưa với bẩm gì, các chị làm em ngượng quá. Mấy hôm trước đây em còn là một cô gái quê nghèo khổ, ngày hai buổi ra đồng chặt rạ …

Thưa bà, cái ấy chúng em không biết. Chúng em chỉ tuân lệnh trên.

Thưa các chị, thế từ hôm vào đây, các chị đã có lần nào được thấy chủ nhân động này chưa?

Trời ơi ! Ai mà biết được.

Thế các chị, người ở làng nào vào đây?

Thưa bà, đừng hỏi thế, lụy chúng em và lụy đến cả bà. Ở đây, chúng em không có quyền nói gì hết.

Nhưng em tưởng người ta cũng để cho các chị cái quyền khen ngợi, ca tụng những nết hay, tính tốt của ông chủ chứ?

Chúng em nào biết gì hơn bà. Chúng em chỉ nghe phong thanh rằng, chủ nhân đối với những người như bà …

Những người như bà? Thì ra ở đây có lắm người như em?

Điều ấy chúng em không rõ. Chúng em chỉ biết rằng, đối với những người như bà, thì chủ nhân tử tế vô cùng. Các bà muốn gì là được nấy.

Một con thị nữ khác bép xép hơn, cướp lời:

Nhưng thưa bà, chỉ trừ một điều …

Nó chưa nói tiếp, thì cả bọn đã kêu "xuỵt xuỵt", vì có tiếng chân người đi vào.

Vẫn chú khách vạm vỡ hồi nãy, cái chú khách yên lặng, bây giờ mới nói, bằng một thứ tiếng An Nam thông thạo:

Thưa bà điểm trang đã xong chưa?

Sơn đáp:

Thưa chú, đã xong rồi ạ ! Bây giờ còn đến việc gì nữa, chú cho biết.

Thưa bà, bà để yên cho tôi bưng mắt lại như lúc nãy …

Sơn cười một cách chua chát:

Nhưng chú có thể để cho tôi thư một lát nữa được không? Chú cho tôi nhìn vào gương ngắm thêm chút nữa cái bóng của mình. Tôi đẹp lắm phải không chú?

Vâng, bà đẹp lắm !

Cái tiếng đáp của người bí mật ấy, buồn thảm như một tiếng chim trong đêm lạnh.

Thôi tôi ngắm đủ rồi! Xin chú bịt mắt đi cho. Tôi cũng chẳng muốn thấy một điều gì khác nữa.

Người bí mật đương loáy hoáy đưa một miếng nhung đen buộc ngang mắt Sơn, thì nàng cười rũ rượi lên, khiến cho hắn phải ngừng tay và hỏi:

Thưa bà, bà làm sao thế?

Sơn dõng dạc bảo:

Bọn các người xoàng lắm! Sợ cả một cô gái quê như tôi. Tôi đây bình sinh không đủ sức giết chết một con muỗi.

Ngỡ là gì!

Ô hay! Thế chú muốn tôi nói gì kia!

Tốt hơn là bà chẳng nói gì hết. Ở đây, người ta chỉ lặng yên chờ số mệnh.

A, ra thế !

Rồi Sơn lại để yên cho hắn bịt mắt. Bịt xong, nàng lại tưởng bị hắn vực lên lưng, cõng như người ăn trộm cõng một con lợn. Nhưng không, người ta đặt nàng lên một cái kiệu do mấy người con gái xấu xí lúc nãy khiêng đi. Kiệu êm ái đi theo những nhịp đàn nhịp trống.

Và trên kiệu, Sơn vẫn nhắm mắt yên lặng, đợi cái số phận bí mật của nàng.

Kiệu của Sơn đi một lúc thì người ta hạ nàng xuống, và người ta mở mắt nàng trước một cảnh huy hoàng, rực rỡ. Nàng tưởng lạc tới một căn phòng của một tiểu thư quý phái. Nàng thấy những bức hoành cẩn một cách công phu. Nhiều những bức tranh sơn thủy và năm bẩy cái lồng son, có những thứ con chim, lông trắng như bông, mỏ đỏ như huyết, hót những tiếng hót rất nhí nhỏm.

Trên trần treo một cái đèn kích có hàng chục ngọn nến. Nến đốt lên, chiếu vào những tấm gương, và bao phủ cái gian phòng nhỏ một màu ánh sáng huyền ảo. Những con thị nữ xấu xí lui dần, sau khi đặt nàng ngồi trên một cái trường kỷ. Một câu hỏi len vào trong trí Sơn: "Làm sao, trong cái động này, những người hầu hạ lại toàn là những người xấu xí hay tàn tật?" Sơn có cảm giác mơ hồ rằng có lẽ những người gái đẹp người ta đã dùng vào những việc khác, những việc nghiêm trọng hơn, và nguy hiểm hơn! Mà Sơn chính ở trong cái trường hợp ấy.

Đương ngồi nghĩ lẩn thẩn bỗng nàng chợt thấy ở đầu ghế một chùm chìa khóa. Sơn cho đó là những chìa khóa mở bốn cái cửa ở buồng nàng thông vào những cái buồng khác, hay là những hầm khác. Quả Sơn đoán không sai. Với những chìa khóa ấy, nàng mở được hết những cánh cửa trước mặt. Cánh cửa thứ nhất đưa nàng đến một cái phòng ăn. Trên một cái bàn phủ khăn thêu, đặt sẵn những món ăn và những thứ hoa quả mà Sơn chưa hề trông thấy bao giờ. Nàng đoán rằng những món ăn ấy có lẽ là những món ăn cao quý mà nàng hằng nghe nói như yến sào, hầu xì, vây cá… và những hoa quả ấy là những sản vật quý báu của những xứ lạnh băng, như nho, như lê, như đào. Có điều này lạ là bàn chỉ đặt có hai cái ghế mà thôi.

Sơn mỉm cười nghĩ bụng: "Trong hai chỗ ngồi ấy, chắc một chỗ để dành riêng cho mình đây". Cô gái quê đã hưởng trước được những cái khoái lạc thần tiên. Nhưng chớ vội! Hãy đi qua buồng khác.

Cánh cửa thứ hai đưa Sơn đến một cái phòng xinh đẹp, sáng rực rỡ, một cái buồng đầy gối nệm, màn rủ trắng tinh. Và ở những song sa riềm buông đỏ. Sơn sung sướng tự nghĩ: "Chốc nữa mình sẽ đặt lưng trên những thú êm dịu đó". Nhưng đừng vội! Hãy đi qua buồng khác.

Cánh cửa thứ ba đưa Sơn đến một cái hang thăm thẳm, đây đó cháy liu hiu năm bẩy ngọn nến. Nàng định thần nhìn kỹ: dưới mỗi ngọn nến, trên cái ghế đẩu, đặt một cái… đầu lâu, một cái đầu đàn bà…

Sơn bạo dạn bước lại gần. Điều này mới lạ: không có một mùi gì hôi thối bay ra cả. Nàng lấy nến dọi vào cái mặt thứ nhất, bỗng nàng như rụng tay chân, và mắt nàng rơm rớm như muốn trào lệ. Cái mặt ấy, chính là cái mặt mà hàng ngày, lúc ở chợ, lúc về làng nàng trông thấy luôn. Cô Minh, con gái cụ Chánh, đương ở trên đống tiền, đống bạc mà bỗng nhiên vào hang này làm ma không đầu. Sự ngạc nhiên của nàng dần dần cũng bớt mà sự đau đớn của nàng cũng tăng, vì, ảo não thay, chua chát thay, những cái đầu lâu đương dọi soi dưới cái bóng nến sầu thảm ấy, chính là những đầu lâu của những người bà con, làng nước của nàng. Này con gái ông Bá Kiên! Này con gái ông Lý Điều! Này con gái ông Cưủ Khánh! Này con gái ông Đồ Bát. Và cuối cùng là con gái ông Trùm Hân.

Sơn nhìn đi nhìn lại cái đầu lâu của con bé mà không sao nín cười được. Nàng nhớ lại một cuộc đánh lộn xưa kia giữa con bé và nàng, vì tranh nhau một quả bàng chín. Cuộc đánh lộn xong, con bé phải mất đi mấy cái răng… Nàng nhớ lại câu chuyện cũ ấy, rồi như quên hết sự buồn thảm, nàng bật ra cười. Tiếng cười ấy, trong cái lặng lẽ của chốn hang sâu này, nàng lại nghe ghê rởn quá. Nàng chạy ù ra khỏi hang và đóng vội ngay cửa lại.

Cánh cửa thứ tư, Sơn vừa mỏ cửa ra, thì đụng phải một người. Một người cao lớn khác thường, nàng  đứng cạnh hắn mới đến ngang nách. Đầu của hắn to như một cái vồ. Đôi mắt của hắn sâu hoắm ghê như mắt diều hâu. Và nụ cười của hắn trông ghê sợ như nụ cười của một xác chết. Tiếng nói của hắn như là tiếng thanh la vỡ. Nàng có cảm giác chính người đó là chủ nhân cái hang này.

Nhưng có điều này là lạ: chủ nhân mặc và nói tiếng khách. Hắn cầm lấy tay Sơn, rồi dẫn nàng đi thẳng vào buồng ăn hồi nãy. Hắn bảo nàng ngồi xuống đối diện với hắn rồi hắn nhìn nàng trân tráo… Nàng thấy trong đôi mắt hắn một sự ham muốn nồng nàn và trong nụ cười của hắn một vẻ thỏa mãn. Sơn từ khi được nom thấy những cái đầu lâu, thì nàng biết trước rằng cái số phận nàng đương chờ đón nàng, nhưng nàng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh để tìm cách đối phó với cảnh ngộ. Và nàng cũng không dời cái nguyên tính của nàng là một cô gái quê tinh nghịch. Thấy chủ nhân nhìn mình một cách có chiều suồng sã, thì nàng cũng cười hỏi lại:

Ô hay! Sao ông lại cười? Tôi có điều gì hớ hênh chăng?

Hắn vẫn híp mắt lại và không nói gì. Hồi lâu hắn mới nói với nàng thứ tiếng An Nam trọ trẹ:

Hảy lớ! Ăn ti, uống rượu ti!

Sơn hóm hỉnh đáp:

Mời "ôông" xơi ti!

Rồi không đợi mời mọc mãi, không làm khách một chút nào, nàng gắp những món cao lương mỹ vị ăn một cách ngon lành như một người sành ăn, lâu ngày gặp được món quý. Chủ nhân có lẽ không bao giờ lại thấy một cô bé, vào đến chốn này trong cái giờ này, mà còn vui vẻ được như thế.

Hắn ngạc nhiên vô cùng.

Sơn lâu lâu lại rót đầy chén rượu, rồi đưa đến tận môi chủ nhân. Có lúc nàng phải dùng đến những lời hay những điệu bộ suồng sã làm cho chủ nhân như ngây như dại, không còn có thể biết người con gái đang ăn với mình là người thế nào. Nàng vẫn nhí nhảnh, vẫn liến thoắng:

Này ông, để tôi gọt đào cho ông ăn nhé!

Trong lúc ấy một người hầu đi vào, Sơn liền sai:

Chú đi vào lấy cho tôi mượn một con dao con để tôi gọt đào cho ông xơi.

Một lát sau, người hầu đưa lại một con dao con. Sơn cầm lấy gọt lia lịa những quả đào. Vừa gọt, nàng vừa hát nghêu ngao.

Mời ông xơi rượu nữa đi.

Bỗng chủ nhân cầm lấy tay Sơn và cười rú lên. Cười một giây dài, khiến cho nàng nhìn hắn có vẻ sợ hãi. Hắn vẫn không ngừng cười.

Ông buông tôi ra.

- Hảy lớ! Ti tây với ngộ…

Rồi hắn kéo Sơn đi qua cái buồng ngủ. Nàng biết ngay rằng sắp bị cướp mất trinh tiết, nhưng vẫn như từ trước, Sơn không để cho người ngồi với mình thấy một chút lo sợ của mình. Nàng muốn khơi chuyện, nhưng câu chuyện thường bị cắt ngủn đi bởi người đối thoại: vì lẽ cái người khách khổng lồ ấy không nói được tiếng An Nam một cách rành rọt. Vả lại hắn chỉ muốn đi mau đến việc thiết thực hơn.

Thấy hắn ngắm mình một cách trân trân thì Sơn lấy làm khó chịu. Nhưng nàng nói một câu đùa:

Làm như yêu em lắm! Ông có yêu em không nào? Yêu em đi!...

Rồi Sơn ngồi vào lòng người khổng lồ. Nàng không ngờ nàng bạo dạn được như thế.

Này ông! Ông đi ngủ đi. Em coi bộ ông say rồi đấy!

Hắn vẫn không để ý đến lời nói của nàng, nắm chặt lấy tay nàng cười ha hả, cười như một con đười ươi cầm tay một kẻ lạc đường mà cười và đợi đến khi mặt trời lặn thì "hạ thủ". Nhưng bỗng trong mí mắt hắn tuôn ra vài giọt lệ. Và hắn vẫn nhìn nàng một cách trân trân, nhìn một cách thảm đạm.

Này ông, làm sao thế? Hình như ông có điều gì muốn nói lắm?

Ngộ trông em rất đáng yêu!... Em làm cho ngộ nhớ đến…

Nhưng mà hắn không nói gì nữa, kéo ngay Sơn lên giường. Như một con mãnh thú, hắn ghì chặt lấy nàng, tâm trí hỗn loạn lên bởi một thứ cuồng dục. Trong khi ấy hắn vẫn cười, và kêu lên bằng một cái giọng khoái trá… Nhưng tiếng cười ngừng hẳn, từ trên mình Sơn, hắn từ từ lăn xuống giường, giẫy giụa trong vũng máu.

Một mũi dao đã xiên thủng ngực và đi vào đến tim hắn. Chính lưỡi dao ấy, trước mấy phút, đã gọt những quả lê và những quả đào cho hắn ăn.

Sơn khẽ buông cái màn trắng tinh xuống che ủ mấy làn gối đã hoen ố máu. Rồi nàng thủng thẳng đi ra cửa sổ, tỳ vào song cửa, nhìn những làn trăng bạc lấp lánh trên những đầu ngọn thông.

Từ nhỏ, Sơn không bao giờ thấy bóng trăng dọi vào trong tâm hồn nàng một cái mầu sắc lạnh lùng đến thế. Cái chết của người có cái dục vọng ghê gớm, cái chết ấy có lẽ đã làm cho nàng, trong giây lát, biến hẳn ra một người khác. Nhưng chỉ trong giây lát mà thôi, nàng vẫn là một cô gái quê ngây thơ, nhí nhảnh, tinh nghịch. Cái chết thảm độc ấy, thật ra, chỉ là kết quả của sự đùa nghịch của nàng. Sơn vẫn như bao giờ, có cái lòng thích sự mạo hiểm, và trong một việc nghiêm trọng, nàng cũng thấy được dịp để thi hành những thủ đoạn tinh quái.

Sơn không có ý hối hận về sự hành động của mình, nhất là khi ngẩng lên trông thấy thanh gươm treo trên vách. Nàng tự khen mình đã thấy rõ sự quyết liệt của cảnh ngộ.

Nàng không khôn khéo không bạo dạn, không tinh quái, và nếu hắn không chết thì ngày mai, cái đầu lâu của nàng đã bị ướp thủy ngân, rồi đưa đặt ở một nơi hang hầm lạnh lẽo, chỉ có cái ánh thảm đạm của vài ngọn nến.

Nghĩ vậy, rồi Sơn thủng thẳng bước ra. Vừa đẩy cửa thì gặp ngay một người đang đứng, tay cầm một cây nến và một cái mâm đồng lớn.

Nàng ngạc nhiên hỏi:

Người đợi gì?

Thưa bà, tôi đợi một cái đầu lâu!

Người ấy ăn mặc theo kiểu một người lính hầu và nói một cách nghiêm trang, cái câu trả lời của hắn.

Một lát sau, người lính hầu lại nói the thé:

Cứ mỗi khi có một người đàn bà vào chốn này, thì ít ra tôi cũng phải đợi từ canh này qua canh khác, đứng mỏi chân, đến khi chủ tướng bưng đưa cho tôi một cái đầu lâu.

Thế thì vào đây là người, mà ra đây là ma, phải vậy không chú?

Chết! Bà nói khẽ...

Chú sợ ai nghe tiếng?

Người lính hầu chỉ tay vào buồng mà không nói.

Sơn không nín cười được, và nói:

Thôi, chú cứ đứng mà đợi. Ta đi đây.

Chết! Tôi đợi ai bây giờ?

Nàng vẫn cười:

Đợi một cái đầu lâu. Hay chú không muốn đợi nữa thì tôi sẽ làm cho chú vui lòng.

Người lính hầu đứng im lặng, nhìn Sơn một cách ngơ ngác, không hiểu mình đang nói chuyện với người hay ma. Nàng vẫn mủm mỉm cười, thủng thẳng bước vào buồng; một lát sau nàng xách ra một cái đầu lâu, đặt lên cái mâm đồng cho người lính hầu, và dõng dạc nói:

Ta biếu chú cái đầu lâu của chủ tướng. Lần này là lần chót, chú phải mỏi chân đứng canh. Từ đây những người đàn bà, bước vào chốn này là người, mà lúc ra vẫn... là người.

Người lính hầu vất cái đầu lâu ở trên mâm xuống đất:

Bà đã trừ được một tai nạn. Nhưng mà...

Chú nói hết đi!

Nhưng mà, nếu một giọt máu kia để lọt ra ngoài, và ngày mai người ta biết được cái tin khủng khiếp này, thì trong quân đội sẽ...

Chú cứ nói!

Trong quân đội sẽ vào đến đây đòi bà phải trả chủ tướng lại cho họ. Nếu không, ấy là bà phải tự cắt đầu mình để đền họ. Hiện trong hang này có mấy chục lính Ô, vẫn rất trung thành với chủ tướng, vẫn trung thành với những sự ham muốn điên rồ của chủ tướng. Giá có một người hiểu biết chủ tướng chỉ là một người điên, thì thưa bà, người ấy chính là người lính này, người lính đã hơn hai mươi năm hầu bên trướng người anh hùng. Phải, chủ tướng tôi là một bậc anh hùng, nhưng ngày nay chỉ là một người điên, điên vì một người đàn bà. Những cái đầu lâu mà có lẽ bà đã trông thấy đó, chính là những sự phục thù của chủ tướng tôi. Chủ tướng tôi đã đổ lên đầu những người đàn bà khác, sự căm hờn đối với một người đàn bà. Mà chút nữa bà cũng chỉ là một con ma không đầu mà thôi, cũng chỉ vì một ý tưởng điên rồ ấy. Phải, chủ tướng tôi chỉ là một người điên mà thôi, một người điên sáng suốt, một người điên hùng dũng, một người điên ghê gớm, một người điên chỉ có một sự ham muốn: sắc đẹp; người ấy cũng chỉ có một cái thù: sắc đẹp. Nhưng thưa bà... để lúc khác tôi sẽ thưa bà rõ, bây giờ thì bà hãy giúp tôi rửa sách dấu vết của một cuộc chém giết, rồi đi khỏi buồng này. Mà cần phải đi khỏi buồng này ngay.

Sơn nghe hắn nói thì đứng ngây người ra và như không hiểu gì hết, không thể hiểu gì hết trong cái truyện có vẻ ly kỳ này.

Nàng không muốn tin rằng mình đã giết một người điên vì như thế cái trò chơi của mình thực ra nàng vẫn cho là một trò chơi cái trò chơi của mình đã mất đi một phần lý thú. Sơn vẫn không hỏi gì thêm cái người lính Tàu tí hon nói tiếng An Nam một cách thông thạo. Nàng chỉ giúp hắn khiêng cái thây ma và cái đầu của chủ tướng hắn ra khỏi cái buồng kia, đến một cái chỗ sâu thăm thẳm, vắng tanh vắng ngắt ở cuối hang, nơi có những đầu lâu đàn bà. Hai người cùng lăn đầu lâu và cái xác xuống một cái lỗ cống rồi đậy nắp lại. Cái xác ấy có lẽ nằm bên cạnh những cái xác không đầu khác là những nạn nhân của một sự điên cuồng ghê gớm...

Khi vất xong cái đầu lâu chủ tướng, hắn quay lại nói với Sơn:

Thưa bà, lần đầu tiên ở đây tôi tiêu hủy một cái đầu lâu. Và từ đây tôi hẳn khỏi phải lo việc giữ gìn những cái đầu lâu khác nữa.

Ta hãy đừng nói chuyện ấy vội. Thế chú tên là gì?

Thưa bà...

Tôi xin chú đừng gọi như thế nữa. Bây giờ "ông" không còn nữa thì làm gì có bà, phải không chú? Vả chú há không biết tôi chỉ là một cô gái quê mùa, hôm qua đây tôi còn đi cắt cỏ. Thế tôi hỏi chú nhé: ai bảo chú gọi tôi bằng bà?

Ấy là lệ quen ở trong hang này như thế; tất cả những người đàn bà, bất kỳ vào hàng người nào, đã là một người đàn bà đẹp và được bắt về đây thì đều gọi là "bà" hết.

Nhưng chú ạ! Cái danh hiệu ấy mua đắt quá, phải trả bằng một cái đầu người. Nhưng thôi, tên chú là gì nhỉ?

Mao Seng.

Này chú Mao Seng, bây giờ thì chú giúp tôi ra khỏi hang này chứ?

Bây giờ à? Không thể nào được. Bà...

Đừng gọi thế nữa. Gọi tôi là cô Sơn.

Vâng, thì cô Sơn, cô Sơn bây giờ mà đi ra thì sẽ bị bắt ngay, vì đêm hôm nay, hang bị canh gác một cách chặt chẽ lắm.

Thế phải đợi đến ngày mai?

Ngày mai cô cũng không ra khỏi đây được.

Vì sao?

Cũng chỉ vì hang ban ngày lại bị canh gác hơn ban đêm nữa.

Thế bao giờ tôi mới ra được?

Chẳng bao giờ nữa...

Thế tôi sẽ sống ở đây và sẽ chết ở đây?

Không, cô muốn chết ở đâu cũng được, hoặc ở ngay cửa hang, hoặc cách hang độ nửa hay một dặm, nếu như cô muốn trốn.

Thế nghĩa là làm sao?

- Nghĩa là ví dụ cô muốn trốn thoát ra khỏi hang thì một là cô sẽ bị bắt ở cửa hang, hai là không chừng cách đây một dặm hay nửa dặm, vì cô không thể nào thoát khỏi trùng vây. Mà cô phải biết, một khi cô đã bị bắt, tức là người ta chỉ xách cái đầu cô về đây thôi, còn cái mình cô thì người ta vứt lại ở một bên bụi cây, gửi cho hổ báo. Ở đây đã có lệnh như thế.

Nhưng chủ tướng đã không còn nữa thì ai còn tuân lệnh?

Ô hay! Cô này đến dớ dẩn! Nếu quân lính ở ngoài mà biết chủ tướng chúng đã bị giết chết rồi, thì cô sẽ bị giết ngay tại đây, trong lúc bây giờ.

Sơn cười:

Thế tôi bị giam cầm ở đây mãi mãi.

Đã hẳn.

Nhưng liệu có giữ được tiếng tăm?

Cô hãy tin ở tôi. Tôi có cách làm cho người khác không thể nghi ngờ chúng ta vào đâu được. Cái buồng mà chủ tướng tôi thường ngày vào ra, không một ai dám bén chân tới, trừ tôi. Có người suốt tháng không được thấy chủ tướng, vì từ khi bỏ bể mà lên đóng ở núi này, không hề một bước ra khỏi hang, chỉ ăn xong lại nằm, và... như cô đã trông thấy đó. Những lệnh từ chủ tướng tôi truyền ra... nhưng mà cô hãy giúp tôi khóa hết cửa lại, rồi đi về buồng của chủ tướng tôi. Ở đấy tha hồ ta nói chuyện.

Cái buồng của Mao Seng dẫn Sơn đến là một cái buồng rộng, rất trang hoàng, và rất kiên cố. Người ta không thể tin được ở giữa chốn rừng rú hoang vu lại có thể có một cảnh hoa lệ như thế! Tất cả những thứ vô giá của nước cổ Trung Hoa đều có ở đấy, từ một cái hoành đá cho đến cái chóe cổ. Nhưng bao nhiêu cái đó không phải làm cho Sơn choáng mắt khi bước vào cái buồng này.

Mao Seng bảo Sơn:

Từ hôm nay, buồng này sẽ hoàn toàn của cô.

Sơn mỉm cười đáp:

Tôi mượn chỗ này để mà trốn thì sang quá.

Khi nói, mắt Sơn vẫn không rời khỏi một bức tranh treo ở trên vách; bức tranh một người đàn bà Trung Hoa, ăn mặc theo lối thường dân, ngồi giặt lụa bên một cái suối. Có lẽ chỉ bức tranh ấy là làm cho nàng để ý nhất, khi bước vào buồng này. Nàng ngắm mãi cũng không thấy chán, hình như mỗi lúc, tranh lại tăng thêm một vẻ đẹp dị thường. Sơn khi đứng gần, khi đứng xa, khi ở một bên, khi ở chính giữa, như để thu cho hết những vẻ kiều mị của người trong tranh.

Nàng không ngờ mình là cô gái quê lại cảm bởi một người đàn bà đẹp. Điều này làm cho Sơn ngạc nhiên hơn, ấy là sự săn sóc quý hóa của chủ nhân đối với bức tranh. Khung tranh bằng một thứ gỗ trúc lại cẩn xà cừ vẽ những hình rất tỉ mỉ. Tranh lại phủ bằng một thứ lụa mỏng, bồi sát lẫn với giấy, khi có ánh mặt trời chiếu vào lụa, lấp lánh, trông rất huyền ảo. Lại điều này rất kỳ lạ, là: Người trong tranh chiếu vào một cái gương đặt đối diện, gương này lại chiếu vào một tấm gương khác, tấm gương khác lại chiếu vào một tấm gương khác nữa, khiến cho người ở trong buồng, có cảm tưởng như xung quanh bị bao phủ bởi những hình ảnh khả ái, mỹ lệ, và tự mình thấy huyền ảo như ở trong một cảnh mộng...

Dưới bức tranh, chủ nhân lại đặt một cái lư trầm, luôn luôn bốc khói lên nghi ngút. Cạnh lư trầm, là một cái mâm con, trên để một cái bát không, và một đôi đũa ngà. Lần đầu tiên, từ khi vào hang này, cô gái quê thấy mình nghiêm trang, thanh khiết, không dám nghĩ đến những trò cợt nhả, bông đùa. Sơn thấy sự săn sóc của chủ nhân là một điều thành kính mà nàng đã phạm tới cái thần xác của người. Nàng toan hối hận thì một cái tư tưởng khác len vào làm cho nàng phải bỡ ngỡ. Sơn muốn tin rằng sự săn sóc thành kính của chủ nhân đối với bức tranh chỉ là một cử động của người điên. Sơn chỉ biết rằng mình đã trừ được một người điên, trừ được một tai nạn cho những cô gái xinh đẹp. Sơn ném cái bát không, để ở trên bàn thờ xuống đất. Bát vỡ tan tành, rồi nàng đứng nhìn và cười một cách đắc ý.

Này chú Mao Seng! Nếu chú muốn tôi ở cái buồng này thì chú hãy cất bức tranh này đi.

Mao Seng không đáp, đôi mắt như muốn rơm rớm lệ.

Này chú Mao Seng, hình như tôi đánh vỡ cái bát làm cho chú không bằng lòng phải không?

Mao Seng vẫn không đáp.

Này chú Mao Seng! Chả phải chú đã nói với tôi rằng chủ nhân cái buồng này là một người điên! Có phải chú đã nói với tôi thế không?

Mao Seng cũng vẫn không đáp.

Chú Mao Seng! Chú nói đi chứ!

Thế cô bảo tôi nói gì nữa?

Tôi hỏi chú, có phải chú nói với tôi rằng, chủ nhân cái buồng này là một người điên?

Phải, chính tôi đã nói với cô như vậy: Chủ tướng tôi là một người điên. Nhưng...

Nhưng làm sao?

Nhưng cái bức tranh này, với những đồ thờ tự ở đây, cô không nên động tới.

Vì lẽ gì?

Vì lẽ rằng người trong tranh là một người đàn bà đáng cho mọi người thờ kính, không phải chỉ một mình chủ nhân của tôi. Cô có thể giết chết một mạng người mà không hối hận, nhưng khi cô đã ném vỡ cái bát thờ ấy một cách khinh bỉ là trọn đời cô sẽ ăn năn không hết.

Làm sao lại thế?

Dầu cô là người gì, thì người trong tranh kia cũng đáng cho cô thờ kính.

Đến vậy à?

Nhưng thôi, để hôm nào rảnh rang, tôi sẽ nói cho cô nghe, bây giờ thì còn bận rộn trăm việc, tâm trí không được yên.

Này chú Mao Seng! Sao chú nói tiếng An Nam thông thạo thế?

Úi chà! Đó cũng là một chuyện dông dài nữa, nhưng không quan hệ gì mấy. Thôi rước cô lên giường nằm nghỉ, chốc nữa tôi sẽ trở lại.

Thế bây giờ chú đi đâu?

Cô không nghe gà rừng đã gáy sáng đấy à?

Có, gà đã gáy nhưng sao?

Tôi cần phải đi ra lệnh cho quân lính.

Chú mà ra lệnh?

Suỵt! Nói nhỏ chứ! Vẫn biết tôi chẳng có quyền ra lệnh, nhưng mà muốn đừng có việc gì thay đổi, bây giờ cũng như xưa kia, tôi phải mang lệnh từ cái buồng này ra ngoài quân đội. Tôi phải làm như là chủ tướng hãy còn.

Chú không sợ bại lộ?

Sao? Lộ thế nào được. Bây giờ cũng như xưa kia, cái buồng này và những cái buồng gần đây, trừ tôi ra, còn ai dám bén mảng tới! Hình như tôi đã nói với cô như thế rồi kia mà!

Nhưng chú sẽ mang lệnh gì cho người ta?

Vẫn như sinh thời chủ tướng, tôi ra lệnh cho quân lính phải đề phòng hang hầm cho cẩn mật, và cho người đi lùng những làng xóm bắt những con gái đẹp.

Vẫn lại còn bắt con gái đẹp?

Tôi đã bảo vẫn như xưa không thay đổi gì.

Vẫn lại giết người?

Mao Seng cười đáp:

Cái ấy thì lại không, tôi sẽ có cách để thu giấu những cô gái xinh đẹp.

Sơn nghĩ đến sự xao xuyến của hàng xóm khi hay tin một cô gái bị bắt, và nàng không thể nín cười được khi nghĩ đến cuộc gặp gỡ lạ lùng, bất ngờ của nàng với người con gái làng sau này. Nàng cười to lên như có một điều khoái lắm.

Chú Mao Seng ạ! Tôi cho đó là một trò chơi ngộ nghĩnh và vô hại, phải không chú?

Ngộ nghĩnh thì có ngộ nghĩnh thật, nhưng vô hại thì chưa chắc đã vô hại.

Mình bắt họ rồi giấu họ vào một chỗ cho họ nhìn nhau mà cười, thì có cái gì mà hại, hỡi chú Mao Seng? Mình có hãm hiếp, có cưa đầu họ đâu?

Đã đành thế, nhưng mà thôi để khi khác sẽ nói chuyện. Trời đã sáng rồi, cô đi nghỉ.

***

Bấy giờ đêm đã về khuya...

Sơn vừa đốt trầm lên, thì Mao Seng đẩy cửa vào. Nàng mời Mao Seng ngồi xuống bên cạnh và bảo:

Hôm nay tôi muốn Mao Seng kể cho tôi nghe câu chuyện về bức tranh này. Nãy giờ tôi đốt trầm lên cũng chỉ đợi Mao Seng đến đấy thôi.

Mao Seng cài lại khuy áo cổ và đáp:

Nếu vậy ít nhất cũng đến sáng mới kể hết chuyện.

Thì cứ kể đi, tôi sẵn lòng thức một đêm với chú.

Mao Seng thở dài, rồi bắt đầu kể chuyện...

 

 

PHẦN THỨ HAI

Chủ tướng tôi tên là Mao Trạch Đông, vốn con một nhà vọng tộc ở đất Triết Giang. Giá chủ tướng tôi không làm gì, cũng đủ ăn và đủ sài một đời, và cũng được mọi người kính trọng. Nhưng trời sinh ra chủ tướng tôi không phải là dùng vào cái việc "ăn no lại nằm" ấy. Cô trông cái hình thù to lớn của chủ tướng tôi, cô cũng biết được rằng chủ tướng tôi không phải là một người có tâm hồn ẻo lả. Tuy rằng không tha thướt như những vương tôn, công tử thủa bấy giờ, chủ tướng tôi vẫn là một người học trò giỏi, một tay hay chữ. Nhưng cái làm cho Mao công tử rộn tiếng khắp tỉnh Triết Giang, ấy là cái khí phách ngang tàng của Mao. Năm mười tám tuổi, Mao đã một lần bị tống giam vì tội hỗn láo với một ông quan địa phương. Năm mười chín tuổi, Mao lại tái phạm vì giật cướp một cái công văn ở tay một thầy đội trạm. Năm hai mươi bốn tuổi, ở tù ra, một hôm Mao cưỡi ngựa đi qua Đông La Thôn, gặp một người con gái ngồi giặt lụa ở cạnh một dòng suối. Người con gái xinh đẹp làm sao! Mao đi lại gần nàng, đứng dựa vào gốc một cây nhãn, nhìn cái bóng nàng dưới nước và tủm tỉm cười. Mao không nói gì, mà người con gái như cũng không hề để ý đến Mao, mãi sau nghe tiếng chàng cười to thì nàng mới ngẩng đầu dậy và hỏi:

Ông này đến hay! Ông từ đâu tới đây là lại đứng cười. Chà! Tiếng cười ròn rã quá!

Mao vẫn cứ cười không đáp, khiến cho người con gái phải chột dạ và dọa chàng:

Nếu chàng đứng đó mà cười nữa, thì tôi kêu to lên, làng sẽ ra bắt và trói lại bây giờ. Chàng phải biết, tôi là con gái cưng của làng đấy.

Nhưng Mao vẫn không nói. Người con gái, cuối cùng không biết làm thế nào, phải đấu dịu và hỏi:

Thế chàng muốn gì?

Tôi muốn gì à? Tôi muốn nhiều lắm. Nhưng nói ra ích gì?

Chàng cứ nói đi, chàng muốn gì?

Tôi muốn được một người như cô về làm vợ.

Thiếu nữ không hề tỏ một vẻ ngạc nhiên và với một giọng rất thản nhiên, nàng cười đáp:

Thế thì chẳng khó gì. Nhưng yên để cho tôi hỏi điều này nhá?

Cô cứ hỏi đi.

Thế nhà chàng giàu hay là nghèo?

Nhà tôi giàu nhất tỉnh Triết Giang.

Thế thì không thể nào được! Chàng muốn lấy tôi làm vợ, chàng phải bán hết của cải nhà chàng.

Nói xong, người thiếu nữ nguây nguẩy bước đi. Còn Mao trở về xây một cái nhà lầu rất nguy nga tráng lệ, để ngày ngày tiếp những quý khách ở phương xa tới. Khách của Mao, trước còn lựa lọc ở trong hàng công tử phong lưu hay danh nhân thi bá hội lại vì một ý nghĩ cao thượng, hoặc để ngâm họa thi, phú, hoặc để luận bình thời thế. Nhưng dần dần, khách càng hỗn tạp. Về sau những người lui tới nhà Mao toàn là một bọn ngang tàng, phiêu bạt quanh năm, không nhà không cửa, không vợ không con. Bọn này ở lại nhà Mao tháng này qua tháng khác, luôn luôn được Mao chiều chuộng. Bọn họ sẵn tiền sẵn của, thôi tha hồ phá phách.

Được hơn một năm, cơ nghiệp của Mao hết sạch!

Một hôm, với hai bàn tay trắng, chàng trở lại Đông La Thôn, hỏi thăm người con gái năm qua thì người con gái đã đi lấy chồng, và điều này mới làm cho Mao khó chịu, là người ấy lại lấy một kẻ đại phú ở Hạ Môn. Mao cho rằng mình đã bị đánh lừa một cách cay độc. Lúc ra về, Mao bèn họp những kẻ giang hồ hảo hán xưa kia lui tới nhà mình, và đóng một chiếc thuyền lớn rồi kéo buồm ra Hạ Môn. Hạ Môn là một cù lao nhỏ ở trước mặt tỉnh Phúc Kiến. Mao cho người dò la, biết rằng người con gái ở Đông La Thôn đã lấy một người lái buôn tên là Hà Tích Cống. Cống đã gần năm mươi tuổi, có cả thảy tám vợ. Người con gái xinh đẹp ở Đông La Thôn làm hầu thứ bảy. Mao lấy làm ngạc nhiên vô cùng, không hiểu sao nàng lại có thể chê một người trẻ trung chưa vợ, giàu có, mà đi lấy một người có tuổi, lại cam cái kiếp ăn cơm nguội ở nhà ngoài. Mao cho rằng ở trong còn có duyên cớ làm sao?

Khi tàu cập bến Hạ Môn, Mao cho các bộ hạ lừa lúc đêm hôm, ùa vào cướp nhà Cống và cướp lấy người thiếu phụ bấy giờ có mang đã ba bốn tháng. Cướp được rồi, thì Mao lại cho tàu ra khơi, và lần này chàng không cập bến ở tỉnh nhà nữa. Từ khi gặp mặt Mao, người thiếu phụ nhất định không nói gì với Mao. Mao cũng không cưỡng ép. Một hôm, thuyền đương ở giữa vời lại gặp lúc trăng rằm, Mao cho mời người thiếu phụ đến uống rượu. Bữa tiệc chỉ có hai người, người ta chỉ nghe có tiếng đũa bát đánh vào nhau mà thôi, ngoài ra cũng không nghe một tiếng mời mọc. Mao tưởng rằng ánh trăng, gió biển sẽ giục cho nàng nói. Nhưng không, nàng vẫn không hé miệng.

Bất đắc dĩ, Mao phải hỏi:

Nếu cô nhất định không nói thì trong ba hôm nữa, tôi sẽ đốt thuyền này. Mọi người, tôi, và cô sẽ cháy ra tro cả.

Thế rồi hôm thứ nhất, nàng vẫn thản nhiên. Hôm thứ hai, nàng vẫn không nói. Hôm thứ ba, chờ khi mọi người đã an giấc, nàng tới gõ cửa buồng Mao. Mao đánh thức tôi (Mao Seng) dậy, đem nước trà cho hai người uống. Tôi thấy nàng ngồi đối diện với Mao, trông vẻ mặt đằm thắm, xinh đẹp lạ thường. Tôi pha nước liền tay không kịp cho nàng uống. Khi uống đã hả hê rồi, nàng mới nhích ghế lại gần Mao và nói:

Em biết chàng đã hơn một năm, nay mới được nói chuyện lần này là lần đầu tiên. Nhưng chàng hãy tin ở lời thiếp. Lòng thiếp không có một ngày nào dời khỏi chàng, một ngày ít nhất ra thiếp cũng nghĩ đến chàng hai lần, dẫu rằng bây giờ thiếp thật chưa biết tên chàng là gì, và chàng làm nghề gì? Chỉ biết một cách mơ hồ rằng, chàng là một công tử ở Triết Giang, "một công tử ở Triết Giang" làm cho ai nghe thấy cũng đủ rụng rời, có phải thế không chàng?

Không hiểu làm sao mà ai hiểu được điều ấy không hiểu làm sao mới gặp chàng có một lần, thiếp đã đem lòng quyến luyến ngay như thế? Thiếp còn nhớ mới hôm nào, thiếp thì ngồi giặt lụa ở suối mà chàng thì dừng ngựa đứng tựa vào gốc nhãn để nhìn thiếp. Một bức tranh thủy mặc xinh đẹp, và đáng yêu biết chừng nào! Chàng có nhớ lúc bấy giờ chàng nói những gì với thiếp không? Chàng đã nói những câu táo bạo, ngộ nghĩnh và thành thật, làm cho dưới mắt thiếp, chàng khác hẳn với bọn thiếu niên công tử khác mà thiếp đã được gặp. Thiếp yêu chàng từ phút ấy. Chàng có còn nhớ lúc bấy giờ thiếp lặng im đi trong một lúc lâu, chàng có biết trong lúc ấy thiếp đã nghĩ gì không? Tay thì vò lụa, nhưng trí thiếp thì phác họa ra một cuộc đời lý tưởng, một cuộc đời ngây thơ và trong sạch mà thiếp sẽ sống với chàng. Chàng tha lỗi cho thiếp. Thiếp bấy giờ mới độ mười tám tuổi, tấm lòng còn trắng ngần như một phiến tuyết, thiếp chỉ nghĩ đến những điều mơ hồ đẹp đẽ của ái tình. Thiếp tin rằng hạnh phúc chỉ ở đó mà thôi, không còn ở đâu nữa. Thiếp sợ nhất là sự giàu có, tiền bạc nó sẽ đến làm cho hạnh phúc và ái tình tan đi. Thiếp cho rằng chàng có rũ sạch hết cơ nghiệp, thì chàng mới trọn lòng yêu thiếp được. Vì chàng có thấy biết bao nhiêu người yêu sự phú quý hơn cả vợ... Sự gặp gỡ lúc đầu tiên ấy, sở dĩ thiếp cắt đứt đi chóng thế là một điều bắt buộc. Thiếp sợ rằng trong lúc nói chuyện với chàng mà có bọn trai làng bắt được thì nguy cho chàng lắm. Bọn trai làng xưa nay chúng vẫn ngấp nghé thiếp mà không được. Nhiều khi chúng hay ghen hão ghen huyền. Tự buộc phải xa chàng, nhưng thiếp vẫn đinh ninh rằng sau này sẽ còn gặp được chàng.

Ngày này qua ngày khác, thiếp ngồi dệt lụa ở khung cửi, lâu lâu nghe tiếng chó sủa, dừng thoi trông ra ngõ tưởng như có một người khách phương xa tới, nhưng không bao giờ thiếp lại thấy bóng người đứng dựa gốc nhãn. Thủa thiếp gặp chàng lần đầu là mùa thu, đến mùa hạ năm sau có một người lái buôn, quê ở Triết Giang, tới nhà thiếp để mua tơ lụa. Nhân trong câu chuyện thiếp hỏi người ấy có biết một công tử con nhà đại phú ở tỉnh Triết Giang không? Thì người ấy bảo chàng tên là Mao Trạch Đông hiện mở một nhà khách để tiếp những kẻ ăn chơi phóng đãng. Thiếp hối hận vô cùng, vì biết có thật thế không, chứ lúc bấy giờ chàng quá yêu thiếp, nghe lời thiếp mà đến nỗi rước người về phá tan sự nghiệp. Thiếp hối quá. Không những thiếp thương chàng mà thiếp còn lo rằng cái tương lai của thiếp không còn gì. Thiếp cảm thấy rằng thiếp không còn thể làm vợ chàng được nữa, làm vợ một người nghèo! Chàng tha thứ cho những sự trái ngược ở trong ý tưởng của thiếp. Chẳng qua ở trong cái phút gặp gỡ đầu tiên, trong cái phút mà tình yêu làm chủ đó, thiếp đã nói ra một câu dại dột, điên cuồng thế, chứ thiếp bao giờ lại chẳng cần tiền. Nhất là khi nghĩ đến mẹ thiếp, thì thiếp thấy rằng ái tình với thiếp là một vấn đề phụ, mà làm cho có một món tiền lớn, ấy là vấn đề chính vậy. Thiếp không phải là người ham lợi. Chàng hãy để cho thiếp kể cho chàng nghe cái nguyên do tại sao buộc thiếp phải lấy một người chồng đại phú. Cũng chỉ tại vì thiếp quá tin yêu mẹ thiếp. Mẹ thiếp xưa kia là một người hiền lành phúc hậu vô cùng. Lấy chồng từ khi hai mươi tuổi, sinh chỉ được có một mình thiếp. Nhưng khi thiếp lên năm tuổi, thì thầy thiếp bỏ nhà ra đi, vì cớ gì thiếp không rõ. Nhưng mẹ thiếp vẫn dốc lòng nuôi con. Cho đến một hôm nọ, sau khi thầy thiếp bỏ nhà đi đã bảy tám năm, một hôm mẹ thiếp vào rừng mót củi khô, chẳng giấu gì chàng, nhà thiếp vào hạng bần bạch, lúc về bị trúng phải trận mưa giông, mẹ thiếp ngã xuống ốm ngay, ốm liệt giường liệt chiếu, được mười lăm hôm thì chết. Không ngờ cái chết đến một cách dễ dàng như thế, có lẽ chỉ tại quá nghèo khổ, không đủ tiền chạy thầy chạy thuốc. Nhưng trong cái cảnh nghèo khổ ấy, mẹ thiếp vẫn trối lại một điều mà kẻ đại phú mới dám nghĩ đến. Một hôm, trước khi chết, hình như có thần linh giúp sức, mẹ thiếp cố ngồi dậy gỡ đầu, gọi thiếp lại và đưa cái lịch sử mẹ thiếp ra mà kể cho thiếp nghe. Ấy là lần đầu tiên, mà than ôi! cũng là lần cuối cùng, bà đưa những điều thân yêu kín nhiệm ở trong lòng mình, trong đời mình ra nói với thiếp. Nhờ vậy mới hay rằng mẹ thiếp xưa kia cũng là con một bậc đại phú. Ông ngoại thiếp cũng chỉ có một mình mẹ thiếp là con mà thôi, cho nên chiều chuộng, nâng niu mẹ thiếp vô cùng. Nguyên ở đất Phúc Kiến là nơi quê ngoại của thiếp cũng có nhiều người đại phú nữa, nhưng phần nhiều là giàu về ruộng đất hay thuyền bè; chỉ có nhà ông thiếp là sẵn tiền mặt mà thôi. Những tiền chum, bạc nén đã mấy đời chôn cất ở dưới đất không bao giờ dùng đến, thực ra cũng không có dịp nào dùng đến cả. Mãi đến đời ông thiếp, nhân thấy mẹ thiếp mới lớn lên lại trông có vẻ xinh thắm, đậm đàm, ông thiếp mới mua lại của người lái buôn ở Hạ Môn một chiếc vòng ngọc nạm hoàng chiếu. Chiếc ngọc ấy mẹ thiếp cũng không biết giá trị là bao nhiêu, chỉ biết rằng, ông thiếp đã mua với cái phần ba gia tài của mình. Chiếc ngọc ấy làm cho mẹ thiếp nức tiếng khắp tỉnh, thôi thì không biết bao nhiên thiếu niên ngấp nghé. Có người đi hàng mười lăm, mười sáu ngày đường đến để xem mặt mẹ thiếp. Không biết bản ý của ông thiếp mua chiếc ngọc ấy là cốt để kén rể không? Nhưng ngoài cửa đã xôn xao không biết bao là xe ngựa. Những người đã lui tới đó, có kẻ là chức trọng quyền cao, có kẻ là văn nhân tài tử. Trong số ấy có thầy thiếp, bấy giờ chỉ là một kẻ học trò đương buổi hàn vi chưa gặp vận tốt, mấy lần lao đao trường ốc. Nhưng có một điều may mắn hơn những người khác là được ông thiếp trọng đãi ngay từ phút đầu. Việc ấy làm cho ai nấy phải ngạc nhiên, mà kẻ đã biết cái nguyên cớ ấy thì không sao khỏi buồn cười. Ông thiếp là một người chẳng phải nhân từ quảng đại gì, có lúc đã mang tiếng là người ham danh chuộng lợi nữa, thế thì vì lẽ gì, những kẻ tới rộn rập ở nhà mình mà không chọn ngay lấy một kẻ đại khoa, hay một ông quan lớn, hay cùng đi nữa, một kẻ đại thương, mắc cớ gì lại đi chọn một anh học trò xác?

Ông thiếp có ngờ đâu như thế, mẹ thiếp có ngờ đâu như thế? Ấy cũng tại trong lúc ở ngoài, thiên hạ đồn ầm lên rằng nhà ông thiếp mua được ngọc quý, thì chiếc ngọc ấy ở trong tráp, bỗng nhiên không cánh mà bay. Ông thiếp khi hay tin như vậy, chết ngất trong giờ lâu mới tỉnh. Ông thiếp tra người này, tấn người nọ, cho dò la thám thính, những vẫn không biết nó đã lọt vào tay ai, ông thiếp tuy đứt ruột mà vẫn phải tươi cười vui vẻ, cốt che mắt thiên hạ. Vẫn không để lọt cho ai thấy rằng mình đã mất chiếc ngọc quý. Và trong lúc ấy, ông thiếp vẫn bình tĩnh, hàng ngày tiếp những người khách lạ, nhưng đã bắt đầu thay đổi trong sự lựa chọn người rể tương lai. Ông thiếp không phải là người không biết rằng, những người cao sang đến nhà ông thiếp, chỉ có mục đích chiếm cứ được cái vòng ngọc. Nay vòng ngọc không còn nữa, mà ông thiếp nhất định kén cho được rể ở trong hàng giầu sang thì rồi sau này không tránh khỏi một sự khó chịu cho con gái mình. Biết đâu người rể sẽ hất hủi vợ chỉ vì không có cái vòng ngọc nọ. Cho nên bất dĩ, ông thiếp phải chọn thầy thiếp, bấy giờ chỉ là một học trò kiết. Kể bấy giờ thì thầy thiếp chưa đỗ đạt gì, nhưng với cái tài học ấy, thầy thiếp còn mong một ngày kia sẽ giật được chút công danh. Mà mẹ thiếp khi thấy thầy thiếp lần đầu tiên, cũng lấy làm ưng ý ngay, cho rằng với một người tầm thường như thế, sau này chồng hoà vợ thuận, trong gia đình sẽ có hạnh phúc.

Nào hay ông thiếp cũng như mẹ thiếp đều nhầm. Thầy thiếp không phải là một người tầm thường, dễ tính như mẹ thiếp tưởng. Tuy rằng ở trong cảnh bần bạc, nhưng thầy thiếp vẫn nuôi cái chí lớn. Thầy thiếp định mở một ngôi hàng lớn ở Liêu Dương để buôn tơ kén. Không cần nói thì chắc chàng cũng biết rằng thầy thiếp bấy giờ mà đến nhà ông thiếp, than ôi! cũng chỉ vì cái vòng ngọc mà thôi. Nhưng tính thầy thiếp điềm đạm vô cùng. Sau khi mẹ thiếp đã về với thầy thiếp gần một năm mà thầy thiếp vẫn không hề hỏi đến cái vòng ngọc. Điều này mới nguy cho mẹ thiếp là thầy thiếp vẫn yên chí rằng, chiếc vọng ngọc đã theo về với mẹ thiếp...

Thưa chàng, khi người ta có một cái của quý báu ấy ở trong nhà thì ít nhất người ta cũng tưởng rằng mình là một kẻ giàu có thì cần gì phải làm ăn vất vả cho lắm. Vì vậy, thầy thiếp đã xao lãng sự học hành, mà cả việc mùa màng cũng không thiết đến, chỉ ngồi chờ một dịp tốt là bỏ vốn ra buôn. Mẹ thiếp đêm ngày lo ngay ngáy. Đã nhiều lần muốn nói cả sự thật cho chồng hay, nhưng lại sợ rằng thầy thiếp có thay lòng đổi dạ chăng? Trong lúc ấy thì ông thiếp chết vì một bệnh thời khí. Lúc lâm chung không kịp gọi mẹ thiếp giối giăng một điều gì. Một đứa cháu gọi ông thiếp bằng bác, thừa lúc ấy, chiếm ngay chút gia tài còn lại. Mẹ thiếp chỉ biết ôm con khóc một mình mà thôi. Thầy thiếp vẫn như từ trước, đinh ninh rằng mình còn là chủ nhân của chiếc ngọc mấy chục vạn. Một hôm, thầy thiếp lên Bắc Kinh kéo về một tay lái buôn lớn, chuyên buôn những đồ vô giá bán cho các bậc vua chúa. Thầy thiếp cho rằng là đến cái lúc nên lấy tiền buôn bán. Nhưng than ôi! Khi nghe mẹ thiếp cho hay cả sự thực, thầy thiếp chết điếng trong một hồi lâu. Mẹ thiếp lạ càng đau đớn hơn thầy thiếp nhiều. Cái hạnh phúc gia đình thế là từ đấy gần như muốn tan vỡ. Mẹ thiếp hết sức tảo tần, và hết sức chiều chuộng chồng để chuộc tội mình. Nói chuộc tội thì hơi quá đáng, vì không có chiếc vòng ngọc đâu phải là một tội. Huống hồ là việc mất ấy mẹ thiếp lẽ ra cũng không chịu trách nhiệm một tý nào. Thật là khi không mang sự oan nghiệp cho mình. Mẹ thiếp đã phải ăn năn một cái tội không phải tự mình gây ra.

Nếu không có việc gì xảy ra nữa, thì với cái nết na của mẹ thiếp, cũng có thể kéo lại hạnh phúc gia đình. Nhưng than ôi! Năm sinh ra thiếp thì có một người bạn thầy thiếp tên là Đỗ Quý Hoạt, một tay lại mục ở trong huyện đến thăm thầy thiếp và gieo cho thầy thiếp một sự nghi ngờ đối với vợ. Đỗ nhân kể một câu chuyện xa xôi, muốn cho thầy thiếp biết rằng, mẹ thiếp xưa kia mới mười bảy tuổi đã có yêu một người học trò. Và bấy giờ người ta đồn rằng: Mẹ thiếp đã chửa hoang và phao lên chùa để tu. Nhưng sự thực là mẹ thiếp lúc ấy đi qua một làng bên cạnh để sinh nở. Ông thiếp muốn cho thiên hạ quên chuyện cũ bèn bày ra chuyện chiếc vòng ngọc để cầu rể quý. Chuyện ấy mẹ thiếp không nói ra một cách tường tận, cho nên đến nay thiếp cũng không rõ thực hư. Những điều dèm pha ấy của người bạn tuy muộn màng nhưng cũng đã làm cho thầy thiếp tin rằng mẹ thiếp đã đánh lừa chồng một cách khốn nạn. Thầy thiếp đem lòng oán mẹ thiếp, và bỏ nhà đi chơi phiếm không còn thiết gì vợ con nữa. Lúc mới đi thầy thiếp có gửi thư về và nói là dạy học ở Thái Hồ. Hai mẹ con thiếp lên tìm thì người ta nói rằng thầy thiếp đã lên Nam Xương. Hai mẹ con thiếp lại lần hồi lên Nam Xương, thì nghe người ta nói thầy thiếp đã lên Thành Đô. Nhưng khi hai mẹ con thiếp lên Thành Đô thì người ta bảo là thầy thiếp có ở đây trong một năm, lấy một người vợ giầu và đã cùng đi sinh cơ lập nghiệp ở đâu mà không ai biết. Hai mẹ con thiếp đành trở về quê cũ, nuôi tằm hái dâu, lần hồi ngày tháng, cho đến lúc mẹ thiếp từ trần.

Với thời gian tưởng rằng mẹ thiếp đã quên bao chuyện cũ, vì ngày thường cũng không một lần nào mẹ thiếp nói đến chuyện chiếc ngọc với thiếp nữa, cho đến khi biết mình không còn sống được mới gọi thiếp lại, và trối cho thiếp. Mẹ thiếp không nói rõ, nhưng thiếp cũng biết chán rằng, cái hy vọng cuối cùng của mẹ thiếp là sau này làm sao sẽ có chiếc ngọc thạch để minh oan với chồng. Nhưng chiếc ngọc ấy thiếp làm cách gì tìm cho ra và thiếp lấy tiền đâu để mua cho được một chiếc ngọc khác. Cho nên thiếp chỉ coi đó như là một cái mộng bất thành, và cũng đành cam bất hiếu với vong hồn mẹ.

Từ khi mẹ thiếp chết, thiếp cũng không một lúc nào nghĩ đến câu chuyện cái vòng ngọc ấy. Thiếp coi như là mộng cũ đã vùi tan dưới bụi thời gian, không còn lúc giở dói ra làm gì nữa. Ngay đến cái hôm thiếp gặp chàng mà sở dĩ có câu nói ngông cuồng ấy là trong đầu thiếp không mảy may nghĩ đến chuyện xưa kia.

Cho đến một hôm, sau ngày gặp chàng độ một năm, thì có người chú họ thiếp, đến mách thiếp rằng: ở Hạ Môn có kẻ đại thương hiện giữ được chiếc ngọc nạm hoàng chiếu cẩn rồng vàng. Người ấy cũng có một ngôi hàng lớn ở Giang Tô.

Chú họ thiếp bèn dẫn thiếp tới đó và giới thiệu với người đại thương. Người ấy tả lại cái vòng ngọc thì quả nó đúng hệt với cái vòng ngọc của mẹ thiếp. Nhưng không biết thật thế hay giả dối, người ấy nói với thiếp rằng vòng ấy hiện ở trong tay một bà cô của mình. Bà cô đã già và không con, chỉ có một mình người đại thương kia là cháu. Một ngày kia bà cô mất thì của ấy tất nhiên là người cháu sẽ được hưởng, mà cái ngày ấy thì không còn xa nữa. Chỉ vào khoảng năm, bảy năm nữa là cùng. Thiếp cũng muốn cho là một điều vu vơ và nếu như có thật thì tiền bạc đâu mà mua cho nổi. Thiếp cũng nghĩ đến chàng, nhưng tin chắc rằng chàng đã quá nghe lời thiếp mà phá tan hết gia tài rồi. Thiếp đành thất vọng về nhà lo làm ăn, không bao giờ còn dám nghĩ đến câu chuyện xa xôi ấy nữa.

Bỗng một tháng sau, người chú họ trở lại nói với thiếp rằng chính người đã qua Hạ Môn và đã được trông thấy cái vòng ngọc. Quả là nó giống chiếc vòng ngọc của mẹ thiếp khi trước. Thiếp hỏi về lai lịch chiếc ngọc ấy thì chú thiếp bảo là người ta mua của một nhà đại phú ở Giang Tô với cái giá một vạn đồng. Thực ra người được giữ chiếc ngọc quý ấy cũng không biết gì hơn thế, hoặc giả là họ có ý giấu đi mà thiếp không hay.

Nghe chú họ thiếp ở Hạ Môn về kể cho thiếp như vậy mà thôi, chứ không dám tư tưởng rằng là có thể lấy lại được. Thiếp nói với chú thiếp:

Chú nói vậy chỉ thêm làm cho cháu đau lòng, làm cho cháu nhớ đến mẹ cháu, đến nỗi oan của mẹ cháu mà thôi.

Chú thiếp vui vẻ đáp lời thiếp:

Cháu nghĩ vậy không nên. Ở đời không nên tự thú cái sự bất lực của mình như vậy, có điều gì mình muốn mà không thành được? Khi mà chú bàn với cháu về việc chiếc ngọc, ấy là chú đã có cách lấy lại chiếc ngọc rồi. Chiếc ngọc ấy, chính tay cháu cướp lại mới được, cháu đừng thối chí và biết hy sinh mình một chút thì rồi cháu sẽ minh oan cho mẹ cháu.

Thế chú đã nghĩ cách gì giúp cháu?

Thực ra không phải chú mà chính người ta đã hiến cho cháu cái cách để lấy lại chiếc ngọc kia.

"Người ta" là ai, thưa chú?

Người ta chính là người đại thương ở đảo Hạ Môn. Người đại thương ấy đã hiến cho thiếp cách gì? Thật là giản dị, mà cũng thật là buồn cười. Người ấy muốn đưa thiếp về làm vợ bé của hắn và rồi dần dà hắn sẽ tìm phương lấy chiếc ngọc ấy lại cho thiếp. Thiếp biết ngay khi gặp hắn ở Giang Tô, thiếp vô tình đã cám dỗ hắn. Nhưng trời đất chứng minh cho lời thiếp, quả thiếp không phải là thứ đàn bà chỉ chực đưa chút nhan sắc để quyến rũ người. Nay được tin hắn ngỏ ý muốn lấy thiếp làm vợ, thiếp tự cho là một sự bất ngờ. Lấy thiếp làm vợ! Chàng ạ, đó chỉ là một cách mua khéo thiếp mà thôi. Hạnh phúc gia đình còn đâu nữa, ái tình còn đâu nữa, khi người ta có năm bảy vợ rồi? Thật ra ái tình bây giờ đối với thiếp không còn là một điều quan trọng. Thiếp chỉ tìm hạnh phúc ở chỗ khác mà thôi. Chẳng hạn ở chỗ thực hiện được cái mong ước cuối cùng của một người đã chết. Huống hồ người đã chết ấy lại kẻ sinh ra mình. Gỡ cho mẹ một mối hận! Thưa chàng, đó chẳng phải là một bổn phận tối cần kíp, tối thiêng liêng của con người hiếu. Thế rồi người ta chỉ giúp cho chú thiếp một món tiền nhỏ là người ta đã có thể cướp thiếp về nhà làm tôi mọi cho họ. Nói "tôi mọi" thì thật không đúng, vì chồng thiếp chiều chuộng thiếp vô cùng: thiếp muốn gì là được nấy. Người ta thấy thiếp ăn mặc như một thiên kim tiểu thư, quanh năm chỉ đi du ngoạn với chồng thiếp khắp những nơi danh lam, thắng tích.

Chồng thiếp xử trí thật là khôn khéo. Từ khi đưa thiếp về, trong ấm ngoài êm, không có một sự gì đáng tiếc xảy ra. Bà vợ cả, cũng như những người hầu khác của chồng thiếp, không hề tỏ ý ghen tuông với thiếp. Đến nỗi có lúc thiếp tin rằng thiếp đã tìm được hạnh phúc của mình ở chốn ấy. Chàng tha lỗi cho thiếp, những lúc ấy thiếp đã quên chàng một cách độc địa, quên đi như một giấc mộng xa trong dĩ vãng. Mà đối với chồng thiếp thì hình như một mối tình son sắt đã bắt đầu buộc thiếp lại với cái cảnh đời ở chốn cù lao ấy. Nhưng thực ra, đôi khi khác, thiếp thấy sự bao dung thái quá của những người vợ của chồng thiếp, thiếp tưởng như tất cả những người chung quanh thiếp đều hùa với nhau để đưa thiếp vào cạm bẫy. Chứ có lẽ cái vòng ngọc kia cũng chỉ là một sự bịa đặt mà thôi.

Trời đất ơi! Sự đời có thể như thế được không? Lấy chồng đã hơn một năm rồi mà không khi nào thiếp đã đả động đến chuyện chiếc ngọc. Không hiểu tại sao vậy? Có lẽ tại thiếp sợ rằng lại không có nữa. Lần này mà chiếc ngọc lại biến đi, thì thôi, hy vọng thiếp còn gì? Trên trần thế này, thiếp không còn giọt máu nào giống với những giọt máu mà thiếp mang ở trong người; không có thân thích mà cũng không có bầu bạn, chỉ có một người chồng chung mà có thể là một người chồng giả dối nếu không có cái hy vọng gỡ hận cho người đã khuất thì thiếp còn thiết nỗi gì? Than ôi! Thế mà cái hy vọng ấy cũng lại tàn như một đóa hoa cuối mùa. Thiếp đã hy sinh hết một đời người mà không được mảy may ích lợi cho một con kiến, một con muỗi. Chàng hãy nghe thiếp nói.

Một hôm, thiếp nhớ là đầu xuân, thiếp cùng chồng thiếp lên núi Ngân Dĩnh. Thiếp chợt thấy những bông mai trắng nở ở bên đường, thiếp bùi ngùi nhớ đến Đông La Thôn, đến những cô áo trắng quanh năm ngồi giặt lụa bên bờ suối. Thiếp gục vào vai chồng thiếp khóc nức nở, khóc ngon lành. Chồng thiếp hỏi thiếp khóc vì lẽ gì, thiếp không thể nói được. Vì thiếp thấy sự buồn nhớ của mình thật là dớ dẩn. Chàng có bao giờ thấy đời nào mà gái có chồng lại đi buồn nhớ như thế không? Ở đời nhiều sự thực, thật là khó nói và nói ra chưa chắc người ta đã tin. Chồng thiếp cảm động bảo thiếp:

Hay là trong nhà có chị em nào làm cho em mích lòng chăng?

Thiếp cố mỉm cười đáp:

Các chị ấy đối với em thật là chu đáo, em còn dám trách vào chỗ nào được.

Thế em buồn về nỗi gì? Hay là em...

Hay là gì, chàng thử đoán xem?

Hay là vì việc chiếc ngọc?

Em vừa vui sướng, vừa lo sợ hỏi lại:

Chính thế! Vì việc chiếc ngọc. Đã lâu em không có dịp hỏi chàng, nhưng...

Nhưng làm sao?

Chàng thử đoán xem.

Nhưng hẳn em đã biết đầu đuôi câu chuyện rồi chứ gì?

Không, nào em có biết gì đâu. Thế chiếc ngọc ấy bao giờ chàng mới lấy đưa cho em! Chả phải lúc mới lấy em, chàng có hứa với em rằng chàng sẽ có cách lấy chiếc ngọc ấy trước khi cô mất. Vậy để hôm nào chàng cho em thấy chiếc ngọc ấy nhá! Đã lâu em không dám nói ra, nay nhân chàng gợi ra, em mới dám xin chàng như vậy. Được nhìn lại chiếc vòng ngọc ấy, em cũng tưởng như được nhìn lại cái mặt của mẹ em. Thế đến hôm nào chàng mới đưa cho em xem?

Chồng thiếp không nói gì, kéo thiếp vào lòng chàng, rồi cứ ẵm thiếp trong hồi lâu vẫn không nói gì. Thiếp cảm thấy rằng, trời đất ơi! Chồng thiếp sẽ nói cho thiếp hay: cái chiếc ngọc ấy chỉ là sự bịa đặt mà thôi. Quả vậy, chồng thiếp đã thú với thiếp như thế; cái vòng ngọc ấy không bao giờ có tăm dấu ở trên đất cù lao Hạ Môn cả.

Người đời độc hiểm đến thế là cùng! Sao người ta chẳng cho thiếp biết sớm hơn thế, thì đâu đến nỗi có cái cảnh tượng đau đớn ngày nay. Chàng ạ! Thiếp đã có thai với chồng thiếp; thiếp đã mang ở trong mình những giọt máu của người đánh lừa thiếp. Nói rằng đánh lừa không phải quá đáng đâu, chàng ạ! Tuy rằng trong lúc chồng thiếp thú nhận không có chiếc ngọc, là lúc chồng thiếp quá yêu thiếp và hết sức thành thực với thiếp. Nhưng trước kia, khi bàn tính với chú thiếp để bày ra cái chuyện vòng ngọc này, chồng thiếp chả phải đã đánh lừa thiếp để cướp lấy thiếp, đưa thiếp về làm một bông hoa cho người ngắm?

Thế rồi sao nữa, chàng thử đoán xem? Thiếp tưởng rằng thiếp sẽ bỏ chồng thiếp mà đi, nhưng không bao giờ thiếp dám nghĩ đến một sự tàn ác như thế, là vì thiếp thấy mình đã buộc vào gia đình người ấy bởi một cái dây thiêng liêng không gì còn có thể cắt đứt được, cái dây ấy là đứa con sau này. Đứa con tuy rằng chung đúc bởi một sự bất chính mà vẫn là đứa con của thiếp, cháu ngoại của mẹ thiếp. Thiếp không hề thay đổi thái độ đối với chồng thiếp. Thiếp vẫn một lòng âu yếm chồng như xưa, và chồng thiếp lại càng chiều chuộng thiếp hơn nữa.

Một hôm, chồng thiếp bảo thiếp:

Em hãy vui lòng. Rồi đây cái ngôi hàng ở Tô Châu anh sẽ bán đi, cộng với chút ít tiền bạc hiện có, anh sẽ lên Bắc Kinh mua cho em chiếc ngọc khác.

Thiếp chỉ cười mà không nói. Thiếp chỉ ước rằng đừng ai nói đến chuyện chiếc ngọc nữa. Thiếp bảo chồng thiếp:

Anh có lòng tốt, em cảm tạ vô cùng. Nhưng xin anh tha cho em đừng nói đến chuyện đau đớn ấy nữa. Em bây giờ chỉ có một cái hy vọng là đứa con sau này của em mà thôi.

Chồng em rưng rưng muốn khóc, và xin em cố chấp nhận lời hứa của chàng. Thiếp vẫn thản nhiên mỉm cười và từ đấy, thiếp như một con chim bị thương sợ làn cây cong. Thiếp không bao giờ dám nghĩ đến cái vòng ngọc ấy nữa.

Cho đến hôm ấy, nhà chồng thiếp xảy ra việc tai hại do chàng gây ra. Như báo trước bởi thần minh, thiếp có cảm giác rằng hôm ấy không phải là một đám cướp, dầu là chung quanh thiếp nghe la rộn: "cướp! cướp!" Thiếp là một người trong nhà ấy, không hề chống cự một chút nào. Vì thế các bộ hạ của chàng mới bắt được thiếp một cách dễ dàng. Thật ra thiếp cũng hơi luyến cái cảnh Hạ Môn, nhưng khi biết được rằng chính là chàng đến bắt được thiếp thì thiếp thấy sung sướng lạ thường. Lúc bấy giờ không có một sự chiến đấu nào ở trong lòng thiếp, giữa chồng của thiếp và chàng: thiếp thấy thiếp ngả về chàng một cách dễ dàng, tự nhiên, hình như chàng mới là người chồng chính thức, người chồng xứng đáng, người chồng trẻ trung của thiếp. Người chồng chẳng bao giờ đánh lừa thiếp. Mà trái lại, người chồng ấy đã bị thiếp đánh lừa một cách khốn nạn, hèn nhát. Có phải thế không, chàng? Có phải vì chàng đã quá yêu thiếp, quá nghe lời thiếp, mà phá tan hết mọi cơ nghiệp? Chàng nói đi! Ngày nay thiếp sụp quỳ bên chân chàng và xin chàng tạ tội. Có lẽ cái tâm tình mà hôm nay thiếp dâng chàng đây không còn được lành đẹp như xưa. Nhưng thiếp tin cũng đủ để làm cho chàng phải nghĩ đến những điều khác nữa. Hôm nay chàng cho phép thiếp nói lại câu nói của thiếp lúc gặp gỡ lần đầu. Thiếp vẫn tin rằng: tiền bạc không làm cho người sung sướng, chỉ có tình yêu, tình yêu mà thôi.

Mao Trạch Đông cầm lấy tay nàng và nói bằng một giọng cảm động:

Anh sẽ cố gây lại cái cơ nghiệp cũ và giúp em thực hiện cái hy vọng của em. Chúng ta sẽ có tiền, và một ngày kia, chúng ta sẽ có chiếc ngọc; chúng ta sẽ tìm đến thầy em, đưa đến tay người để minh oan cho người đã khuất.

Khổ lắm! Lại câu chuyện vòng ngọc! Nhưng chàng thì còn lấy đâu ra tiền nữa.

Em hãy tin anh, anh đã có cách...

Cách ấy, cô Sơn ạ! Chính là sự cướp bóc mà Mao Trạch Đông đã dự định từ trước. Từ hôm đó, ngày nào Mao cũng thao luyện các thủy thủ và lập thành một bọn giặc bể, thề không trở về nhà nữa và sống bằng của cải thiên hạ. Mà bấy nhiêu công phu, bấy nhiêu tội ác là chỉ vì một người. Mao muốn làm cho người yêu, giúp người yêu trả tròn đạo hiếu. Trước Mao còn có ý giấu vợ, nhưng về sau không còn thể giấu được nữa. Một hôm, tàu đỗ ở bến Hải Nam nghe đồn ở gần bến có một nhà đại phú. Mao bèn cho người lẻn dò xét thám thính trước. Khi vẽ được bản đồ nhà ấy rồi, đợi đêm khuya, Mao tự chỉ huy bộ hạ và đổ xô vào nhà, cướp phá những đồ đạc và của cải. Mao tính ra đám cướp ấy lợi mấy nghìn, nhưng mà Mao đã phải mua đắt quá: Mao bị đánh ở cánh tay và gẫy một cái xương nhỏ, Mao tưởng rằng cánh tay của Mao điều trị riết sẽ khỏi trước mùa đông, nhưng không, những cơn gió lạnh đầu mùa đến, làm cho cái chỗ bị thương đau rức một cách lạ thường. Một kẻ can đảm như Mao mà không thể chịu nổi, đêm ngày kêu rên rất thảm thiết. Nhưng vợ chàng lại càng đau đớn hơn nhiều. Khi thấy vì mình mà chồng bị nạn thì nàng lấy làm hối hận, làm sao mình lại để cho chồng len vào con đường nguy hiểm này. Nàng luôn muốn ở bên cạnh chồng để săn sóc, để khuyên dỗ chồng. Mà Mao thì càng khó chịu. Nàng cũng không hiểu tại sao vậy. Nhiều lúc nàng thấy chồng gắt gỏng với mình một cách vô lý. Lúc đầu nàng cũng tưởng là vì chồng đau ốm mà sinh ra bực rọc, nhưng dần dần nàng khám phá ra được rằng hình như chồng bực rọc vì một cái cớ khác. Hình như vì cái việc có nghén của nàng. Thật vậy, Mao thấy cái bụng của vợ một ngày một to, thì mỗi ngày chàng thấy thêm chướng mắt, thêm khó chịu. Điều ấy ta cũng có thể đoán được vì sao. Nàng đã cảm giác một điều gì nghiêm trọng lắm, một tai nạn ghê gớm lắm sắp đến cho nàng, như nếu trước ngày ấy không có một cơn bão lớn không đến làm đắm chiếc tàu. Mùa đông đã gần tàn rồi, mà lạ quá, cái cánh tay của Mao vẫn không khỏi. Đó là một điều rất nguy, không phải nguy cho tính mạng Mao, mà lại nguy cho... cô Sơn ạ! Cô thử đoán xem ai là người phải chịu lây cái sự ghen tuông vô lý của Mao? Tôi nói ghen tuông, nhưng sự ấy còn nặng hơn sự ghen tuông vậy. Ấy là tiên triệu của một sự điên cuồng ghê gớm. Một hôm hình như Mao thấy chướng mắt về cái bụng to của vợ, gọi vợ đến bảo:

Này em ạ! Anh muốn tàu ta cập bến và về quê nhà. Anh muốn em...

Chàng cứ nói hết.

Anh muốn em lên bộ để sinh nở, và như thế...

Thôi chàng đừng nói hết nữa. Thiếp đã hiểu hết ý chàng.

Rồi nàng gục đầu khóc nức nở. Mao cảm động hối hận cầm tay nàng và nói:

Em tha lỗi cho anh. Ý anh chỉ muốn...

Không, lòng em đã quyết. Em lạy xin anh cho thuyền chở em vào bến. Em sẽ sinh nở xa anh...

Cái cớ chính đáng nhất, rõ ràng là chàng thấy rằng đứa con ở trong bụng vợ một ngày một xa chàng. Có lẽ nó đã bắt đầu thành hình, và giống một người khác, có những con mắt, cái mũi của một người khác. Giả dối, giả dối hết, nếu như nó có mang tên họ Mao, nó gọi Mao bằng bố. Những cái tư tưởng ấy lắm lúc làm cho chàng điên điên tiết, lồng lộn lên như một kẻ thất thường. Có lúc Mao đã hắt hủi vợ một cách khó chịu. Mao thấy mình vô lý và bất công, chàng hối hận vô cùng, chàng gọi vợ lại nâng niu, ôm ấp để tạ tội mình. Nhưng những lúc khác chàng lại quên ngay, chàng lại nổi dậy hành hạ vợ. Một hôm nàng nói với chồng:

Từ hôm cướp phá ở bến Hải Nam về, thiếp thấy chàng thay đổi nhiều lắm. Thiếp muốn từ rày chàng đừng nghĩ đến việc làm giầu nữa cho bận lòng và nguy hiểm đến thân.

Mao vui vẻ đáp:

Không, sao em chóng thay đổi ý kiến thế? Chúng ta phải giàu, phải có tiền. Chúng ta phải mua một cái vòng ngọc để tìm thầy và minh oan cho mẹ.

Nhưng than ôi! Những lời chân thành và dịu ngọt ấy sẽ quên đi luôn, và bị thay vào bởi những cơn ghen tuông dữ dội. Hai hôm sau thì nàng chuyển bụng rồi đẻ ngay ở trên tàu một đứa con giai. Mao khi nhận được tin thì như quên hết ghen tuông, một sự vui mừng hồn nhiên hiện ra trên nét mặt. Mao vui vẻ bảo tôi bấy giờ đương đứng ở cạnh chàng:

Chú ẵm nó lên đây cho tôi. Ẵm lên cho tôi.

Tôi vội vàng tới chỗ vợ Mao nằm và xin phép ẵm đứa con lên cho Mao. Tôi thấy người đàn bà ấy, khi được tin Mao muốn xin ẵm đứa con, lại sung sướng vô cùng. Trong lúc còn yếu mà vẫn cố gượng dạy và vui vẻ nói với tôi:

Chú thưa với chồng tôi, đặt cho con một cái tên.

Tôi mang đứa con lên cho Mao, Mao ngồi xổm dậy, ẵm nó vào lòng và nói nựng. Tôi thấy chàng cúi xuống hôn đứa con một cách nồng nàn. Những bỗng khi Mao ngửng dậy, trân trân nhìn đứa con như nhìn một vật kỳ quái. Tôi thấy hai tay chàng run lên, và tôi tưởng đứa con sắp phải dày vò một cách độc ác. Tôi tiến lại gần Mao và xin đứa con thì Mao đưa cho tôi một cách lạnh lùng. Chàng vẫn nhìn theo với đôi mắt ướt lệ. Tôi ngoảnh lại nói thêm với Mao:

Bà muốn nhờ ông đặt cho cậu một cái tên.

Mao thả lỏng một câu chán nản:

Chú cứ bảo là ta không muốn đặt tên cho nó, ta không có quyền đặt tên cho nó.

Chàng vẫn đáp với một cái giọng lạnh lùng ấy:

Ta không có quyền...

Nhưng khi tôi đã đi ra khỏi buồng chàng thì chàng gọi với lại và nói một cách vô hồn:

Thế chú bảo tôi đặt cho nó tên gì bây giờ?

Chàng vẫn nói như nói một mình:

Đặt tên cho nó là Hùng nhá? Hay là Dũng? Có lẽ lấy chữ Mịch khỏe hơn. Ta đặt cho nó cái tên ấy vậy.

Nghĩ một lát:

Nhưng mà mấy chữ ấy ta vẫn xem chưa được, lúc nào trí ta rảnh, ta sẽ tìm một chữ khác ổn hơn.

Tôi đã đi ra rồi mà vẫn nghe Mao nói một mình:

Để hôm nào trí ta rảnh, cánh tay ta lành... và vợ ta đã ra ngoài tháng, ta sẽ lựa cho nó một cái tên hay hơn thế.

Nhưng mà... hình như chàng bị tắc nghẽn đi bởi một ý nghĩ độc ác. Tôi biết rằng đứa con ấy sẽ làm cho Mao ghen thêm, điên thêm, nhưng khi tôi ẵm đứa con trả lại cho nàng tôi chỉ bịa ra lời của Mao để làm cho nàng vui mừng, vì tôi vẫn biết, người đàn bà trong lúc sinh nở, không nên để cho họ buồn rầu, có lúc uất lên mà chết.

Đến lúc ngoài tháng, một hôm trời nắng, vui vẻ Mao lại bảo tôi ẵm con ra cho chàng mà bấy giờ chàng đã đặt tên là Sóc, Sóc mới hơn một tháng mà trông nhớn lắm, luôn luôn trên môi điểm một nụ cười.

Mao đón lấy Sóc ở tay tôi, ngắm đi ngắm lại và hỏi tôi:

Trông nó kháu đấy chứ, chú nhỉ?

Tôi trả lời:

Cậu bé trông kháu lắm.

Nhưng câu đáp thành thật của tôi làm cho Mao không bằng lòng, có lẽ chàng muốn rằng ý tôi sẽ trái ngược lại thế. Nhưng chàng vẫn hỏi:

Thế chú trông Sóc có giống tôi không?

Cô Sơn, nếu cô ở địa vị tôi thì cô sẽ phải đáp thế nào cho Mao khỏi mất lòng? Bảo rằng giống thì sợ Mao cho mình là giả dối, mà nói rằng không giống thì có thể gợi lại cho chàng một cơn ghen dữ dội. Cô Sơn có biết tôi phải đáp thế nào không? Tôi vẫn mỉm cười, ung dung nhìn đứa bé và đáp:

Thưa ông, cậu bé có đôi mắt giống bà quá, cả cái mũi nữa... cái miệng cũng thế.

Mao cũng như người trong mộng, lắp lại câu nói của tôi:

Đôi mắt... cái mũi và cả cái miệng nữa, giống mẹ nó quá.

Có lẽ lúc bấy giờ Mao không còn ý thức nữa mới đồng ý với tôi một cách buồn cười thế. Chứ thực ra cậu bé kia, không giống mẹ một chút nào. Dầu sao tôi cũng đã chọn được câu trả lời khéo léo. Nhưng đó không phải là một phương thuốc.

Bỗng nhiên như một người bị ma ám, Mao cười rú lên, rồi hai tay bóp chặt lấy đứa bé. Tay bóp nó chừng nào, nước mắt chàng lại tuôn ra như suối. Tôi chạy lại toan gỡ đứa bé ra, thì Mao cho tôi một cái đá văng đi. Tôi kêu lên, cầu cứu những người khác. Trong lúc ấy Mao vẫn không tha cho đứa bé. Đứa bé khóc rú lên, rồi không khóc được nữa. Tôi cố đứng dậy, sấn vào để cứu đứa bé một lần nữa, nhưng cô nghĩ người tôi thế này, địch thế nào nổi con người hai lần to lớn hơn tôi.

Tôi lại bị Mao đá văng ra... và khi tôi chồm dậy và những người khác chạy tới, thì đứa con đã biến đâu rồi, mà Mao thì nằm thẳng lên trên gỗ, và bất tỉnh nhân sự, má còn ướt những lệ.

Vợ chàng cũng chạy tới, thấy chồng nằm ngay ra đó thì chỉ biết thương chồng mà không kịp hỏi con.

Đứa con ấy, cô Sơn ạ! Mao đã vứt xuống bể, nhưng đó chỉ là mới bắt đầu một chuyện thương tâm.

Vợ Mao từ khi mất con thì thương xót vô cùng, ngày đêm khóc lóc thảm thiết, không có một cái gì trên trần thế này có thể làm cho nàng khuây khỏa được. Ngay cả cái chiếc vòng ngọc, chiếc vòng mà nàng hằng ao ước, nếu có ai đưa đến cho nàng tận tay, cũng không làm cho nàng vui được.

Mao thì như muốn chuộc tội mình, luôn luôn tổ chức những đám cướp. Trong vòng mấy tháng trời, mà Mao đã giầu đến hàng vạn. Những thủy thủ tháng này qua tháng khác, liên miên trong những cuộc hoan lạc, luôn luôn đàn địch, ca hát. Thật ở dưới tàu, không bao giờ có sự vui vẻ như thế. Duy có mình vợ Mao, tuy ngoài mặt gượng nói gượng cười, chứ trong lòng thật đã nguội lạnh không ước gì, không muốn gì nữa.

Một hôm Mao bảo vợ:

Để hôm nào anh sẽ lên Bắc Kinh, mua cho em một chiếc vòng. Em cần biết, hiện nay chúng ta giầu lắm rồi. Không những một chiếc, mà chúng ta có thể mua mấy chiếc cũng được.

Vợ Mao lạnh lùng:

Xin cảm tạ chàng, cái lòng báo đáp cho mẹ của thiếp cũng nguội lạnh rồi.

Nhưng mà Mao vẫn không nghe, nhất định lên Bắc Kinh tìm mua chiếc ngọc cho vợ. Mao đi được mấy hôm, thì vợ Mao bắt đầu mang bệnh... Không hiểu là bệnh gì. Tôi nhớ một hôm biển đổi gió, nàng phát ra ho dữ quá. Tôi phải ở cạnh nàng suốt một đêm. Nàng vẫn nói chuyện vui vẻ như một người không việc gì, tôi tưởng chẳng quản ngại lắm, nào hay lúc sáng dậy, những khăn tay đều đầy những máu. Tôi đưa giặt đi, và cố không cho nàng biết. Tôi nói với nàng cho mời lương y, và cho người tìm Mao về. Nhưng nàng nhất định gạt đi, cho rằng chỉ trong năm hôm nữa, thì nàng sẽ khỏi. Nàng cả quyết quá, khiến tôi không thể trái ý nàng được. Mà quả vậy, năm hôm nữa thì nàng đã ngồi dậy được và lấy lược gỡ đầu. Nàng soi vào gương, gọi người hầu gái của nàng, và gọi tôi tới, cười bảo rằng:

Các người xem hôm nay tôi có đẹp không?

Mà nàng đẹp thật. Nhưng tôi có cảm giác rằng nàng sẽ chết. Tôi nói với nàng:

Thật chẳng bao giờ cô đẹp như thế. Nghe nói ở trên chợ An Thành có một tay danh họa, hay là để tôi lên mời người ấy xuống, họa cho cô một tấm tranh. Đẹp thế này mà không lưu lại, về sau già mà ngắm!

Nàng cười bảo tôi:

Ờ, chú nói phải đấy! Hôm nay mà ngồi cho người ta họa cũng thích.

Thế là nàng đã trúng kế tôi, vì dầu nàng có dáng mạnh khỏe, mà tôi vẫn có cái cảm giác rằng nàng sẽ chết, trước khi Mao về đến nơi. Cái tấm tranh ấy là sau này để khuây khỏa, yên ủi Mao vậy. Khi người ta họa xong, nàng cầm lấy bức tranh ngắm nghía mãi không thôi.

Người danh họa nói:

Nét bút của tôi đã để mất của bà vài phần diễm lệ.

Nàng mỉm cười tự đắc:

Tôi còn đẹp hơn thế nữa kia? Nhưng ông cho phép tôi xé bức tranh này, vì...

Thưa bà, vì làm sao?

Tôi vẫn trông nó già dặn, đường hoàng, nghiêm trang quá, hình như tôi đương ở trong cảnh giầu sang, tôi không muốn thế. Hay là ông vẽ lại cho tôi một bức tranh khác... Ông vẽ tôi ở trong một cảnh quê mùa, bình dị... Một người con gái ngây thơ, vui vẻ như chim chóc, mặc áo trắng, ngồi giặt lụa bên dòng suối.

Nhà danh họa cũng chiều lòng, vẽ lại một bức tranh theo ý muốn của nàng. Chính cái bức tranh mà, cô Sơn ạ! cô thấy trước mắt kia kìa.

Sơn ngắm đi ngắm lại bức tranh, chép miệng khen mãi:

Thật là mộc mạc! Thật là quê mùa, thật là trong sáng!

Mao Seng nói tiếp:

Chính ngày trước vợ Mao, khi cầm lấy tấm tranh cũng khen ngợi như cô Sơn thế. Thật không ngờ người có cái vui vẻ hiện trong tranh mà lại chết sớm. Phải, cô Sơn ạ! Sáng hôm sau thì nàng chết một cách lạnh lùng và thảm đạm. Tôi nhớ trước khi nàng tắt nghỉ, nàng gọi tôi đến và dặn: "Tôi muốn rằng người chôn cất ta trước ngày chồng ta về. Nếu chồng ta có hỏi rằng tại sao ta chết, thì người chỉ nên nói rằng, ta thương con ta mà đi theo. Nhưng lòng ta, kiếp này cũng như kiếp sau, vẫn biết có một người, người ấy là Mao. Ở dưới cửu tuyền ta sẽ giặt lụa đợi Mao bên dòng suối, trên một tảng đá rêu."

Đến đây tôi mới hiểu rõ cái thâm ý của nàng. Khi bảo người danh họa vẽ cho nàng bức tranh người giặt lụa mộc mạc ấy, chẳng phải là luôn luôn để nhắc lại cho người còn sống rằng nàng vẫn mong mỏi, chờ đợi chàng nơi một cảnh ở thời xưa. Tôi hỏi nàng:

Thế một ngày kia, Mao mang đến chiếc ngọc về thì cô tính sao?

Nàng cố gượng đáp:

Thì người cứ bảo rằng: ý cuối cùng của ta là muốn chàng bán lại chiếc ngọc mà chàng sẽ mang về. Vì ta không muốn cho cha ta hay cả cái thiên thảm sử của chiếc vòng ngọc.

Năm hôm sau thì Mao về với chiếc vòng ngọc. Nhưng người yêu đã chôn cất xong xuôi, Mao chỉ khóc mà không nói gì, rồi cho tàu lại ra khơi. Lần này Mao cố ý xa lánh nước Tàu, đi xa, đi thật xa, về phương Nam.

Cái chết của vợ chàng làm cho chàng thêm tàn bạo ở trong những sự cướp phá đã thành ngày một.

Mao thường hoành hành nhất là ở đảo Hải Nam. Trước kia thì Mao chỉ chú ý đến tiền bạc, sau này hình như Mao chỉ lo bắt cóc những con gái đẹp. Một hôm, trong làng Hoàn Môn, chàng bắt được một người con gái rất xinh đẹp, độ mười bẩy, mười tám tuổi. Khi bắt thì chàng không chú ý, lúc mang về tàu thì chàng mới nhận ra rằng: người con gái ấy hao hao giống Tầm, vợ chàng trước, vì thế người con gái ấy được biệt đãi ngay tự phút đầu. Luôn luôn người con gái ấy được chàng mời lên uống rượu. Có lúc, chàng nhìn người con gái ấy trong giờ lâu, và nước mắt tuôn ra như suối. Chàng hỏi lai lịch thì người ấy thưa rằng nàng tên là Vân họ Nguyễn, vốn là con một nhà khá giầu ở trong làng. Nàng có một cái lịch sử thương tâm. Năm mười lăm tuổi có một người học trò ở xa đến hỏi nàng làm vợ. Nàng thấy người ấy cũng hay hay, thế là nàng bằng lòng ngay. Mấy tháng sau, nàng cho người ta cưới, và mấy hôm sau nữa thì nàng về nhà chồng. Chồng nàng là một người lanh lợi, bặt thiệp, lại xinh trai nữa. Nhưng không hiểu sao, ngay hôm nàng về nhà chồng, mấy cô phù dâu đã nghe được ở miệng những cô gái tơ trong làng kể những chuyện không ngờ về chàng. Cứ tin những cô gái làng ấy, thì người chồng cô có một cái tật rất ác hại... mà khắp trong làng ai cũng biết. Vì thế gái làng không ai thèm lấy, chàng phải băng mình tới tìm vợ ở một tỉnh xa. Vân nghe người ta thuật chuyện lại, lạnh cả người, tưởng rằng mình bị đánh lừa rồi. Nhưng hôm động phòng, nàng mới biết rằng người ta đồn lầm, chồng nàng vẫn như những người đàn ông, vẫn không thiếu một cơ quan gì cả. Mà khốn nạn, không phải là một điều nàng tiện cải chính.

Có khi những dư luận của người ta, nó mạnh hơn sự thực là thế. Cái tiếng ác hại ấy nó lại một ngày một đồn rộng ra. Mỗi lần nàng đi ra thì những cô gái làng nói bóng nói gió hay đặt những câu vè để diễu nàng.

Cái tiếng xấu lại bay về đến quê nàng nữa. Nhiều chị em bạn cũ của nàng biên thư hỏi nàng. Nàng lấy làm đau đớn khó chịu quá, những mong rằng một ngày kia nàng sẽ cải chính bởi một sự thực mạnh mẽ, rõ ràng. Nhưng khi nàng có mang thì người ta lại đồn một cách khác giữ dội hơn, độc ác hơn: nàng đã lấy một người đầy tớ. Cái tin ấy, ai nấy cũng đều tin một cách dễ dàng lắm, vì ai nấy đều cũng đã yên trí rằng chồng nàng là một người có tật, không thể nào có con được nữa. Nàng lại càng buồn rầu đau đớn. Cha mẹ nàng lại càng buồn rầu hơn nữa.

Thế rồi một hôm, theo lời khuyên của chị em, nàng đưa chồng tới cửa công ly dị. Quan cũng chấp đơn, nhưng buộc nàng phải để đứa con lại cho chồng. Nàng đành cắn răng mà xa chồng và xa con vậy. Mấy hôm đầu, thì nàng thấy chua xót, ảo não quá, nhưng dần dần như một người vợ góa, nàng cũng quên những buồn cũ, và rồi một hôm, lại có người tới dạm nàng nữa.

Mao hỏi nàng:

Thế em vẫn không chừa? Vẫn lấy chồng như thường?

Nàng cười đáp:

Thưa ông, trời sinh ra kiếp con gái, đàn bà, không lấy chồng thì làm gì?

Mao cho là một cô gái ngộ nghĩnh, chân thật đáng thương mà chàng chưa bao giờ thấy. Chàng lại hỏi:

Thế em quên những cái buồn cũ một cách dễ dàng như thế được ư?

Thưa ông, chẳng dễ dàng lắm, nhưng mà cũng phải quên để mà sống.

"Quên để sống! Thế rồi đây ta cũng phải quên à?" Chàng chỉ dối mình: chàng không thể nào quên được nữa! Cái tình đầu tiên, cái tình to lớn, cái tình thảm khốc của chàng. Nhất là khi luôn luôn trước mắt có một người con gái, có bộ mặt giống người xưa, luôn luôn nhắc chàng phải nhớ đến hình bóng người xưa, thì làm sao chàng quên đi được nữa. Chàng chỉ tự an ủi bằng một câu:

Ta sẽ yêu lấy người này. Và mong rằng trên đôi mắt giống với đôi mắt của người đã khuất ấy, ta sẽ vớt vát lại chút tình âu yếm ngày xưa!

Nhưng than ôi! Chỉ là vọng tưởng! Chàng không thể yêu được nữa, dầu là người con gái trẻ trung, xinh đẹp, ngộ nghĩnh ấy. Mặc dầu chàng đã hết sức chiều chuộng, nâng niu người con gái ấy, chàng vẫn thấy là một thứ tình giả dối mà thôi.

Một hôm trời hửng nắng, chàng đi lên chợ, chàng bảo Vân cùng đi theo chàng. Đã lâu chàng không nghĩ đến sự sắm sửa, hôm ấy chàng mới lên chợ là lần đầu, từ khi vợ chàng chết. Những người thủy thủ ở trong tàu đã có bụng mừng, cho rằng từ nay chàng đã bắt tình với người con gái ấy, thì chàng đối với chúng sẽ có phần nhân nhượng, tử tế, bớt gắt gỏng, bớt đánh đập. Rồi những cuộc ca vũ, đàn địch lại đến rộn rịp trong tàu như xưa. Như xưa, những ngày vui vẻ... Chúng đoán rằng Mao dẫn cô gái ấy lên chợ là để sắm sửa cho nàng. Quả vậy, khi về, Vân đã có một cái rương nặng đầy những hàng hóa gấm vóc, gương lược, phấn son. Vân không sao giấu được sự vui vẻ nhí nhảnh của mình. Ai cũng tưởng là một cuộc đời trong sáng sẽ bắt đầu.

Cái hôm ấy, cái hôm mà Mao thiết tiệc để khao thưởng các thủy thủy, người ta thấy Vân ăn mặc lộng lẫy như một bà công chúa, mình đầy gấm vóc, mà có điều này người ta không thể ngờ được là, ở trên tay xinh xắn của nàng, Mao đã đeo cho nàng cái vòng ngọc xưa, cái vòng ngọc đã nặng những vết thương tâm. Cái vòng ngọc ấy làm cho Vân thấm đượm và trang nghiêm, oai nghi hơn lên nhiều. Trong tàu, từ lớn đến bé, ai cũng tưởng rằng: Khi trao chiếc ngọc ấy lại cho Vân, Mao đã trao lại cho nàng hết cả cái tình ái đượm nồng của người vợ cũ.

Nhân dịp ấy cả tàu đều no say, người ta hoan hô chủ tướng như hoan hô một vị thiên tử, và Vân cũng được người ta coi như một bà hoàng hậu. Hai người trong tiệc rượu, khi cười nói, khi đưa mắt, khi cầm tay, tưởng như là hai người tình nhân sung sướng vậy.

Có một bận, Mao suồng sã bảo Vân:

  Này, ta trông trước mắt ta như thấy hai người giống như một.

Đó là một câu thốt ra khi say, nhưng nó vẫn là kết quả của một ý nghĩ trong trí. Mao vẫn muốn lầm lẫn Vân với người cũ. Vân đáp:

Thôi, chàng say rồi, làm gì có hai người. Chỉ có một mình em mà thôi.

Chàng vẫn cãi:

Ta vẫn thấy hai người kia mà.

Trong lúc những người trong tàu đã ngủ hay lên bến chơi, mà Mao và người con gái ấy vẫn đùa nghịch với nhau giữa một cảnh vui vẻ đã tàn. Ngoảnh lại thấy những cốc rượu nghiêng ngửa, Mao bảo Vân:

Ta sẽ yêu em, yêu em một cách điên cuồng, yêu em mãi mãi.

Sao chàng bảo là điên cuồng?

Nghĩa là với một tấm tình mà ta không còn làm chủ được nữa.

Bấy giờ trăng lạnh giãi quanh tàu, hai người cùng ra đứng tựa lan can lặng nhìn ra bể. Hai người đường cười nói tung tăng, bỗng nhiên một mảnh sao băng rơi xuống nước. Không ai bảo ai, hai người cùng ngừng nói, lặng nhìn nhau một cách dễ sợ. Vân rùng mình rúc vào trong lòng Mao và bảo chàng:

Gió lạnh quá, chúng ta đi ngủ đi.

Hình như là trong câu nói đã ẩn giấu một cái gì nghiêm trọng và dữ dội.

Ừ, thì ta đi ngủ.

Hai người cùng vào buồng.

Rồi sáng hôm sau... Cô Sơn ạ, người ta được tin rằng người con gái ấy đã bị cưa đầu. Xác thì vứt xuống bể; còn cái đầu thì được bỏ vào trong một chậu thủy ngân.

Từ đó, cô Sơn ạ! Mới là bắt đầu một sự điên cuồng ghê gớm.

Mao mỗi buổi sáng, sau khi đã súc miệng, rửa mặt, khăn áo chỉnh tề, chàng đi lại trước bàn thờ có đặt cái đầu lâu người con gái. Chàng thắp nén hương, sụp quỳ xuống, rồi nhìn cái đầu lâu một cách thèm muốn, một cách thành kính, một cách hả hê sung sướng, nhưng khi chàng đứng dậy, thì trên má còn ràn rụa nước mắt.

Rồi những sự cướp phá của chàng từ đó lại càng thêm dữ dội. Trên ven bể, từ Lữ Thuận đến vịnh Bắc Kỳ, ở chỗ nào Mao cũng để lại dấu vết tàn phá của mình.

Người ta, ai nghe nói đến tên người tướng giặc Ô khổng lồ ấy mà không khỏi rùng mình. Tiền bạc và những đồ vật có lúc làm cho Mao chán, nhưng đến những cô gái đẹp đẽ, những cái sắc đẹp ấy không bao giờ còn có thể làm cho thỏa mãn được lòng dục vọng của Mao. Thực ra Mao không phải là người dâm dục bậy bạ, chàng chỉ có cái tội là có những cái thị hiếu điên cuồng: ngắm nhìn những sắc đẹp, để rồi... cái kết quả ra sao, cô đã biết đấy.

Trong vòng mấy tháng mà trên bàn thờ của Mao đã chất đầy những đầu lâu. Những bữa tiệc vui vầy, những sự sắm sửa xa hoa, những ngày đắm say âu yếm, rồi rốt cục để lại những cái đầu lâu ở trên bàn thờ.

Đó là những cái số mệnh không thay đổi của những người thiếu nữ xinh đẹp đã vào trong tay người tướng cướp bạo tàn. Cũng như đối với cái đầu lâu của Vân, đối với cái đầu lâu của những người con gái đến sau Vân, Mao cũng vẫn một lòng thờ kính. Vẫn một buổi sáng, Mao dậy thật sớm, thắp hương và quỳ ngắm. Có một điều này rất kỳ lạ, là, ở trên bàn thờ ấy, bên cạnh những đầu lâu, Mao có để một cuốn vở để trắng. Lúc quỳ ngắm xong, Mao đứng dậy, dựa vào bàn, lấy bút ghi vào vở những cái tư tưởng kỳ quái, điên cuồng.

Đến đây Mao Seng chạy lục ở trong một cái tráp con, lấy ra một quyển vở dày đưa cho Sơn và nói:

Cô hãy đọc đi xem! Cô sẽ thấy rằng những tư tưởng trong quyển vở này, tuy là điên cuồng kỳ quái, nhưng vẫn tỏ ra rằng Mao là một tay văn sĩ.

Tôi thì làm gì biết chữ. Thôi, chú hãy cất đi để hôm nào rảnh chú dịch cho tôi nghe. Bây giờ chú nói tiếp câu chuyện của Mao.

Cô Sơn ạ! Vào khoảng này chính là vào khoảng mà Mao chém giết được rất nhiều đàn bà, con gái. Trong số ấy có người con gái của một vị Tổng trấn ở Hải Nam. Vị Tổng trấn ở đảo Hải Nam đã cho vẽ chiếc tàu lớn của chúng tôi, sức giấy cho các vạn, các thuyền chài, hễ ở đâu thấy có tàu của chúng tôi thì phải trình báo cho ngài. Một mặt ngài còn cho đóng hai chiếc tàu lớn chuyên việc tróc nã Mao. Vì thế Mao phải lẩn lút ở các ven bờ hiu quạnh; thường thường thì tàu của chúng tôi hạ neo ở bên cạnh núi non hiểm trở.

Trong các người con gái bị bắt, người con gái của vị Tổng trấn đảo Hải Nam là sống lâu hơn cả. Là vì có nhiều nguyên do. Cái nguyên do thứ nhất là tại vị Tổng trấn tróc nã riết quá, Mao có ý giữ người con gái ấy lại đề phòng khi có tàu viên Tổng trấn theo kịp sẽ có cách đối phó. Còn cái nguyên do thứ hai là trong tàu, những cái đầu lâu để ở trên bàn thờ cũng bỗng nhiên biến đi đâu mất.

Mao từ buổi sáng ấy, khi vào bàn thờ không còn thấy những đầu lâu nữa thì chàng buồn rầu, đau đớn như đứt từng khúc ruột. Mao có lúc hàng hai ba ngày không ăn, xờ xạc, thảm đạm. Có đêm chàng không ngủ, đứng dựa lan can trông những ngôi sao băng ở dưới nước. Có lúc Mao cầm gươm, một mình lên núi vừa hò, vừa hét, chàng đưa gươm chém những cành cây hay tảng đá. Bấy giờ cả tàu vào lúc lo sợ cho tính thất thường của chủ tướng.

Một hôm, Mao cho gọi người con gái vị Tổng trấn lên, đuổi mọi người hầu hạ ra và đóng cửa lại. Bấy giờ chỉ có tôi là người can đảm nhất, dám đứng lại ngoài, nhìn vào kẹt cửa. Tôi thấy Mao ôm người thiếu nữ vào lòng. Rồi vừa nói chuyện, Mao vừa gọt những quả đào cho thiếu nữ ăn. Luôn luôn với một nụ cười ở trên môi, Mao kể cho thiếu nữ những chuyện đời xưa lý thú, những chuyện thần tiên... hết chuyện này đến chuyện khác, Mao kể không thấy mỏi miệng. Và thiếu nữ cũng vừa vuốt những làn râu mép của Mao, vừa ngồi nghe một cách chăm chỉ.

Thỉnh thoảng người thiếu nữ hỏi lại một vài câu ngây thơ, hay đặt vào trán Mao một cái hôn dịu dàng. Nhưng bỗng trong câu chuyện đương êm đềm, Mao ngừng lại và nhìn người thiếu nữ một cách dễ sợ. Như một con thú bị động, Mao vất người thiếu nữ xuống rồi lại vồ lên. Tôi thấy rõ ràng Mao nhét giẻ vào mồm thiếu nữ, lột cả quần áo của nàng rồi đứng ngắm, vừa ngắm vừa nhăn hàm răng trắng ra cười như một con quỷ dạ xoa. Mao vẫn đứng cười, hỏi mãi một câu:

Hỡi con kia! Có phải chính mày đã vất những cái đầu lâu yêu quý của tao xuống bể không? Hỡi con yêu tinh kia! Mày nói đi. Có phải chính mày đã lấy những cái đầu lâu của ta?

Có lẽ Mao quên rằng mình đã nhét dẻ vào miệng thiếu nữ, cho nên Mao vẫn tra thiếu nữ:

Hỡi con yêu kia! Có phải mày đã giấu những cái đầu lâu của ta không? Sao mày không trả lời, hỡi con yêu kia?

Rồi Mao lấy một cái roi mây lớn, chàng "trót" vào lưng người thiếu nữ. Có lúc Mao đứng nhìn một lúc lâu những chỗ lằn roi, cười một cách đắc ý.

Trận cười ngắt, Mao gục đầu vào bàn khóc nức nở. Khi ngẩng dậy thấy thiếu nữ má còn ướt đẫm nước mắt, thì chàng lại cởi trói ra cho thiếu nữ, và rút giẻ ở miệng ra cho nàng.

Bây giờ là cái lúc nàng nói được thì Mao lại không tra hỏi một câu nào nữa. Mao mặc quần áo cho nàng, bưng nước cho nàng uống, gọt đào cho nàng ăn, kể những chuyện đời xưa cho nàng nghe, hầu hạ nàng như một con nhài vậy. Có lúc Mao lại tô son điểm phấn cho nàng, lấy gấm vóc quấn vào mình nàng, và lấy cả chiếc ngọc ngày xưa đeo và tay nàng. Điểm trang cho nàng xong, người ta tưởng Mao sẽ đưa ra dự một bữa tiệc hay một cuộc ca vũ, nhưng không, Mao chỉ đặt nàng lên một cái bệ cao, rồi chàng đốt trầm lên, sụp quỳ xuống dưới chân bệ và để ngẩng dậy nhìn ngắm một cách thành kính.

Những trò chơi kỳ lạ ấy, lúc buồn thì Mao lại giở ra, không bao giờ chán.

Nhưng có điều này mới làm cho ta ngạc nhiên và bọn bộ hạ của Mao không thể vin vào cái tính bất thường của chủ tướng để phản nghịch lại, là sau những cơn điên cuồng ấy, Mao vẫn lại là một người rất sáng suốt, rất thông minh, rất đứng đắn. Vẫn như bao giờ, Mao thường tỏ ra một viên tướng giỏi; biết tài sức, công lao của bộ hạ, biết mánh lới và thủ đoạn để chỉ huy những trận cướp, dầu là khó khăn đến đâu.

Vì vậy, không có một sự nội biến nào đã xảy ra, các thuỷ thủ vẫn kính phục Mao như xưa. Cho đến một ngày nọ, khi tàu chúng tôi gần vào đến vịnh Nghệ An, thì chúng tôi bị chẹn ngang giữa hai chiếc tàu. Mao biết ngay là tàu của viên Tổng trấn Hải Nam theo bắt mình, Mao bèn bảo người con gái lên đầu tàu, và từ bên tàu này, Mao cho người bắc loa nói qua cho hai chiếc tàu kia biết rằng: Nếu như có một người nào bước qua tàu này, thì người con gái kia bị chặt thây lập tức. Phỏng như còn muốn cứu lấy người con gái ấy, thì phải để cho tàu Mao đi xa mấy dặm. Đến đầu chân núi Sóc, đến cửa Chào, thì Mao sẽ thả người con gái ra cho.

Viên Tổng trấn cũng bằng lòng, và quả Mao không sai lời hẹn. Cử chỉ anh hùng ấy, ai bảo là của một người điên? Ấy thế mà Mao vẫn là một người điên kỳ lạ. Đến cửa Chào thì Mao ra lệnh cho các thuỷ thủ lên bờ… Bao nhiêu những bảo vật, bao nhiêu đồ đạc, Mao đều cho khiêng theo và đến đóng ở cái động bí mật này.

Vì thế, cô Sơn ạ! Giữa cảnh rừng núi hoang vu này, cô lại được trông thấy một cảnh đế vương như thế. Đến đây, Mao vẫn không quên cái tật cũ, lại như trước, bắt cóc những cô gái chưa chồng. Lại cái cảnh tượng ghê gớm của ngày xưa. Những cái đầu lâu sắp từng hàng, và mỗi buổi sáng, Mao lại đốt trầm và quỳ ngắm một cách thành kính. Nhưng than ôi! Người điên kỳ lạ, người anh hùng nay đã bị giết chết bởi cô, một người con gái trong cái làng yên lặng ở nước Nam Việt hiền lành.

Nói đến đây, chú Mao Seng đi lại thắp một cây hương ở trên bàn thờ, trước bức tranh của người mệnh bạc, và cúi đầu vái ba cái.

Khi Mao Seng ngoảnh lại thì thấy Sơn gục đầu vào tường khóc thổn thức. Mao Seng rón chân bước ra khỏi buồng. Ở đằng xa, vài tiếng gà rừng bắt đầu gáy sáng.

Này chú Mao Seng, chú đi ra lệnh đi, rồi trưa vào đây uống rượu với tôi. 

Sơn ngẩng dạy chỉ thấy bức tranh của người đàn bà nhìn nàng một cách dễ sợ, thảm sầu…

Từ hôm Mao chết đến lúc bấy giờ đã được hai tháng rồi. Hai tháng với sự cộng tác của Mao Seng, Sơn đã cầm cương lĩnh cho động. Những quân lính ở ngoài vẫn tin rằng chủ tướng mình hãy còn sống, và như xưa, vẫn hết sức trung thành với chủ tướng. Cũng như xưa, người ta mang nộp cho chủ tướng những người con gái, và những người con gái ấy vẫn bị bỏ vào buồng giam, vẫn bị bịt mắt rồi đưa tới chỗ cho người ta tô son, điểm phấn. Cuối cùng, lần lượt vào những phòng ăn, phòng ngủ, nhưng không còn bị kết liễu một cách thảm khốc như trước nữa. Những cô gái tốt số ấy không phải qua một đêm ghê rởn bên một người đàn ông to lớn, và để đến khi gà gáy làm những con ma không đầu.

Bây giờ với cái chết của Mao, sự chém giết không còn có nữa. Mỗi người con gái bị bắt về, sẽ được qua một đêm êm ái bên một người con gái khác, tinh quái, chỉ thích hỏi những câu hỏi thóc mách, nhí nhỏm và hôm sau, lại được đưa vào buồng hoa lệ, và được đụng trán với những cô gái ngây thơ nhí nhảnh khác.

Hôm ấy, người ta bắt được một cô gái làng Giàng. Sau khi đã được điểm trang lộng lẫy, người con gái bị mang vào căn phòng nọ để chờ… chủ tướng.

Sơn giấu mình ở buồng bên cạnh, qua khe cửa nhìn xem người con gái. Nàng vui mừng khôn xiết, vì người con gái ấy sự tình cờ run rủi lại là cái Cẩm, con bà Đề, một người đàn bà goá chồng ở cạnh nhà nàng. Sơn trông rõ nét mặt lo sợ của Cẩm mà vừa buồn cười, vừa thương hại. Nàng tưởng chừng như Cẩm đương hồi hộp đếm từng giây từng phút cái thì giờ của mình còn lại trên cõi thế, và có lẽ Cẩm cảm thấy rằng cái chết đã đến gần trong gang tấc.

Qua khe cửa, Sơn gọi the thé "Cẩm! Cẩm!" Cẩm lại càng ngơ ngác, và sợ hãi, tưởng rằng tiếng gọi vừa qua là tiếng gọi của ma quỷ. Nàng không thể tin rằng ở đây có người có thể biết tên nàng.

Cẩm lại bấm mạnh ngón tay vào mình và hết sức trấn tĩnh, nhưng cái tiếng gọi ấy lại nổi dậy nhẹ như một hơi thở, mà có vẻ đi từ chốn xa xăm lại. Nàng toan kêu rú lên thì một tiếng cười từ trong khe cửa bắn ra, một tiếng cười hình như nàng nghe quen. Sơn khẽ mở cửa hiện ra, tiến lại gần Cẩm, nhưng mà Cẩm thì như một người yếu trước một tên cướp có khí giới: Cẩm đi thụt lùi cho đến tận vách. Cẩm sợ quá, mặt không còn một tý máu, đứng trước một người quen, mà Cẩm không thể, không dám nhìn lại, sợ mình có thể lầm. Sơn chạy lại và cầm lấy tay Cẩm và nói:

Sơn đây, chính Sơn đây mà !

Nhưng Cẩm vẫn duồn tay ra và van xin:

Sơn đừng hiện về nhát Cẩm như thế! Sơn tha cho Cẩm, và Sơn có thiêng phù hộ cho người làng người nước, giúp cho Cẩm thoát khỏi khỏi chốn này.

Sơn cười:

Chết! Cẩm mê rồi! Sơn đây kia mà! Sơn đã chết đâu! Cẩm định thần lại và nhìn kĩ vào mặt Sơn, vẫn là Sơn ngày xưa, tinh quái, nhí nhảnh.

Cẩm dụi mắt thở ra một cái rất mạnh và cầm lấy một cái vạt áo của Sơn, mân mê:

Sao bây giờ Sơn lại sang thế này! Sơn thay đổi nhiều quá?

Sơn cười:

Cẩm hãy trông vào mình mình, Cẩm cũng sang lắm, ở đây người ta đều như thế cả.

Nhưng nếu Sơn vẫn là người, Sơn bảo cho…

Con bé này dớ dẩn quá! Sơn không là người thì Sơn là gì?

Cẩm ghé vào tai Sơn hỏi:

Có phải vị chủ tướng ở động này là một kẻ hung tàn không?

Không hung tàn gì hết. Chỉ tinh quái một chút.

Có thật thế không?

Sao lại chả thật?

Thế bao giờ người ta đến đây, và người ta đến đây để hiếp… mình chứ gì?

Không, người ta đã đến rồi và hiện đương đứng nói chuyện với Cẩm đây.

Sơn nói gì thế, làm cho tôi sợ quá!

Vì "người ta" chính là Sơn đây!

Cẩm vui mừng và hoảng hốt:

Người ta là… Sơn? Là chủ tướng ở động này?

Ừ! Nhưng nói khẽ chứ!

Sao lại nói khẽ?

Vì ở đây không tiện nói to.

Sơn kéo Cẩm vào buồng Sơn, hỏi chuyện về làng xóm từ ngày vắng Sơn…

 

***

 

Sau Cẩm, Sơn lại ra lệnh cho quân lính bắt cóc toàn những con gái làng Giàng, đến nỗi một ngày kia, trong hang đụng trán nhau hơn ba chục cô, toàn là những cô bạn nối váy nhau từ thủa nhỏ, cắt cỏ với nhau một núi, tát nước với nhau một đồng. Trước còn là sự ngạc nhiên, sự ngơ ngác, sự bỡ ngỡ, nhưng dần dần là những câu chuyện cũ, câu chuyện làng xóm, câu chuyện đằm thắm và thân mật.

Bọn họ khi mới vào lẻ loi từng người một, thì sợ hãi vô cùng, nay được nhốt với nhau một chỗ thôi thì tha hồ nô đùa, phá phách. Luôn luôn họ tô son điểm phấn cho nhau, làm dáng làm tốt cho nhau, và để rồi ngồi nhìn ngắm nhau, hay là tập múa hát, hay là vui hơn chút nữa thì chúng lại bắt Sơn kể cho họ nghe những câu chuyện thương tâm về chiếc vòng ngọc. Những câu chuyện buồn thảm ấy hình như phải kể đi kể lại nhiều để làm cho người ta vui tai vậy. Rồi chiếc vòng ngọc ấy luân chuyển đi từ tay này qua tay khác, cho đến một buổi chiều kia, Sơn nghĩ đến sự thoát khỏi cái hang này.

Hôm ấy, sau khi bàn tính với những cô gái khác, Sơn ra lệnh mời tất cả những quân lính của mình, cho thôi hết việc canh gác, vào hang dự tiệc. Ấy là một sự chưa từng có từ khi bọn họ vào hang này. Ai cũng có bụng hỉ hả, tưởng rằng cái buổi hoan lạc ngày xưa lại bắt đầu trở lại. Hơn ba mươi tên lính, nghe được chủ tướng ban yến, bỏ hết sự canh gác đề phòng, ăn mặc chỉnh tề đi vào hang, tựu cả ở cái buồng khách trang hoàng, là nơi bình thường không có một tên nào dám bén chân đến.

Một bữa tiệc sang trọng đầy những thức hay và vị lạ. Và bao nhiêu thứ rượu ngon cất ở dưới tàu lên mà từ trước dành trong hang, nay đưa ra thết quân lính hết.

Các quân lính vừa ngồi xuống bàn, thì chú Mao Seng mang lệnh chủ tướng tới, cho quân lính hay rằng, chủ tướng khó ở, không thể dự tiệc được, và đã có lệnh mấy chục vũ nữ hầu rượu những quân lính. Quả vậy, một lát sau, dưới quyền chỉ huy của Mao Seng, ba chục vũ nữ ăn mặc như những vị tiên, từ chỗ bí mật hiện ra, lượn quanh bàn tiệc.

Những quân lính nhìn nhau hỉ hả. Và khi mỗi người lại một vũ nữ ngồi bên cạnh thì sung sướng quá, thôi, tha hồ nhí nhởn, suồng sã, đưa mắt, cầm tay. Những vũ nữ luôn luôn rót rượu không ngừng đưa chén đến tận môi khách; thành thử vì nể các vũ nữ, những quân lính, người không quen uống cũng phải uống, người uống ít nay uống nhiều. Những vũ nữ ngồi vào lòng khách tha hồ đổ rượu vào họng khách. Tuy rằng kẻ Việt người Ngô, không thông hiểu nhau, nhưng cái tình mặn nồng hình như biểu lộ trong những cử chỉ, trên đôi mắt, ở đầu môi. Rồi tiệc chưa tàn mà người nào người nấy đã có vẻ suồng sã, lả lơi và say khướt, đi không vững nữa. Thế rồi, mỗi cô dẫn mỗi người về buồng mình để ôm ấp, để tình tự. Nhưng rồi như những người bị thuốc mê, những quân Tàu Ô ấy ngủ thiếp đi lúc nào không biết, và lúc tỉnh rượu thì thấy hang vắng vẻ lạnh lùng như một chốn âm cung, ngơ ngác nhìn nhau, có vẻ tiếc nhớ những cô tiên mà chúng tưởng rằng đã đến với chúng trong một giấc mơ diễm ảo…

 

***

 

Sau một đêm lặn lội ở rừng sâu, dưới quyền chỉ huy của Mao Seng, hơn ba chục cô gái làng, với những bộ quần áo vũ nữ không kịp thay, đã về đến đầu làng. Tất cả làng, từ bé đến lớn, từ già đến trẻ, đều chạy ra đường ra ngõ để nhìn cái đoàn vũ nữ ấy, vừa đi vừa hát những câu hát đúm năm xưa. Nhưng người ta chỉ đứng xa nhìn những cô gái làng một cách ngơ ngác như nhìn một bầy tiên giáng thế mà không dám lại gần những cô gái ấy. Nhưng bọn họ đã bắt đầu giải tán, mỗi người tìm về nhà mình, cởi cái lốt tiên ra và kể lại những sự kỳ ngộ ở trong hang cho cha mẹ, anh em nghe.

Hai hôm sau, làng trở lại yên tĩnh bình thường. Nhà này, nhà kia dành nhau mời chú Mao Seng về ăn cơm và trọ ở nhà mình, và ở nhà nào người ta cũng đốt lửa lên quây quần bên chú và giục: "Này chú Mao Seng! Chú kể cho chúng tôi nghe chuyện chiếc vòng ngọc". Trong lúc ấy thì cụ Lý và thầy Chánh lên phủ Đông Sơn trình quan và xin quan một trăm tên lính để vây bắt những dư đảng Tàu Ô còn đóng ở trong hang.

Những bảo vật ở trong hang người ta sung công hết, còn những chú lính Tàu Ô, người ta cấp tiền cho về Tàu cả. Duy có chú Mao Seng là ở lại bên An Nam, lấy… Sơn làm vợ, và để gìn giữ chiếc vòng ngọc đã đầy những vết thương…

Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Chạy loạn, tiểu thuyết, Hà Nội, 1939: Éditions Librairie Central, Directeur Tô Văn Đức,  110 Rue du Pont en bois, Hanoi, 100 tr. 13x19cm.