CHIẾC ÁO RÉT

 

Một hôm ta đứng trên hồ Kiếm,

Bên ta rộn rịp biết bao người,

Mà ta chỉ thấy người hôm ấy,

In giữa không gian một nụ cười.

 

Giang tay ta đón nàng vào… dạ,

Giật mình ẵm phải cái… không gian.

Dưới nước: lâu đài tan tác vỡ;

Bên hồ trơ lại: giấc mơ… tàn.

 

Anh ạ! Nàng không còn đấy nữa:

Dưới nước sau cây chẳng thấy nàng.

Không biết tôi mê  hay đã tỉnh,

Cảnh trời hôm ấy mờ mờ sương.

 

Không, nàng với tôi chỉ thế thôi:

Theo đuổi tơ duyên bốn góc trời,

Lúc mộng nhìn nhau cười ngặt nghẽo;

Mộng tàn, trên gối lệ hoen rơi.

 

Đáng lẽ tôi không được biết tên nàng, không có quyền được biết tên nàng mới phải. Nhưng, không hiểu vì đâu, cái tên Bạch Nga xinh đẹp từ nay đã gắn chặt vào trong trí nhớ tôi, có lẽ không còn đời nào gỡ ra được nữa. Bạch Nga đã lưu lại trong lòng tôi, một cái bóng linh hoạt, tha thướt, mỹ miều… Đáng lẽ, tôi phải để cho cái bóng ấy thoát đi, ngay buổi tôi mới gặp; đáng lẽ tôi phải quên Bạch Nga, trốn Bạch Nga, trốn xa nàng ngay buổi tôi mới biết nàng. Nhưng khốn nỗi cõi lòng là một thế giới vô cùng màu nhiệm, một lời tự chốn đó ban ra là một cái mệnh lệnh huyền bí, ta có hiểu gì đâu, biết gì đâu! Thực có thế, tôi có biết vì đâu, tôi cứ phải đi cạnh nàng trong lúc nghĩa vụ bắt tôi phải lánh nàng. Than ôi! Nào tôi có biết vì đâu, tôi thường kiếm dịp để gần nàng, hiểu nàng, thân nàng, quen nàng hơn.

Tôi muốn quen nàng hơn, thì nay tôi đã bị phạt hay được hưởng một cách xứng đáng: Tôi đã “bị” hay đã “được” buồn lây bởi những cái buồn đang tàn phá thân thế nàng. Mỗi khi tôi thấy nàng tóc để buông xõa, đôi mắt in một nét mơ xa thẳm, thì lòng tôi cũng thấy nao nao buồn, nhưng là cái buồn trong trẻo, thú vị của một nhạc công, khi lựa được một điệu đàn mới để diễn nỗi bâng khuâng trong lòng… Không, tôi không muốn giấu cái cảm giác êm đềm, say sưa mỗi khi thấy tâm hồn mình  cùng một tâm hồn khác cùng nhuần thấm trong một nỗi đau thương. Nhưng mỗi lần tôi nghĩ đến mà không sao khỏi rùng mình nghĩ đến cái ngày ấy − cái ngày không thể tránh được − ngày mà tôi không còn có quyền được hưởng chung với nàng một mối buồn khổ, dầu là chỉ hưởng một cách yên lặng, thầm vụng như lúc bấy giờ… Giá tôi biết nàng sớm hơn một tý, có lẽ cái mối tình kín đáo giấu ở đáy lòng tôi, không ai có quyền được đưa nó ra hành tội… Nàng cả với những nỗi đau khổ của nàng, đến trong đời tôi chậm quá, khiến nên mỗi khi tôi thoáng nghĩ đến nàng, tôi đã tưởng như mình vừa làm một điều tội lỗi, tội lỗi đối với mình, đối với nàng, − nhất là đối với nàng. Không, tôi không có quyền nghĩ tới nàng nữa, vui cái vui của nàng và buồn cái buồn của nàng. Không, tôi không có quyền lưu lại trong lòng tôi, tấm hình ảnh của nàng. Không, tôi phải để yên cho nàng đi con đường của nàng, con đường mà Số mệnh đã gọi nàng đi.

         Giá trí tôi mà cứ sáng suốt mãi như thế, thì đã làm gì có câu chuyện tôi kể lại đây.

         Một hôm anh ạ! Tôi ở lầu cao, nom xuống đang thấy nàng đương ngồi bên song, đan một cái áo rét. Mấy ngón tay của nàng, trắng nõn và mềm mại lên xuống một cách nhịp nhàng, đều đặn, ấn vào trong tâm hồn tôi một thứ cảm giác nhẹ nhàng, êm ái… Tôi thấy lòng tôi được mơn trớn bởi một mối tình thoảng qua, xa xôi và vô cùng êm dịu… Cái phút sung sướng nhất mà tôi được hưởng từ khi quen nàng. Rồi từ đấy, hễ mỗi khi nàng đưa chỉ ra đan, thì ở trên lầu cao, tôi lại đứng lặng nhìn, say sưa, sung sướng. Những lúc ấy tôi thấy người thiếu nữ trước mắt tôi khoác một vẻ màu nhiệm thần tiên, khiến cho ta kính sợ hơn là yêu thương… Ngày này tiếp ngày khác, cái áo rét cũng đã gần đan xong… ai biết đó là điều đau đớn của tôi. Tôi ước nàng đan chậm hơn một tý nữa, đặng tôi còn được hưởng thêm những cái phút nhìn nàng ngồi đan, hai mắt ngây thơ, nặng in một nét buồn xa thẳm. Nhưng trái với ý muốn của tôi, chiếc áo rét lại chóng hoàn thành quá. Ngay hôm nàng chỉ còn viền mấy đường viền nữa, chính là ngày mà tôi bâng khuâng vô cùng, ngày mà trong trí tôi, len vào những tư tưởng nặng nề, ích kỷ: tôi muốn mùa đông sắp tới, tôi là người sẽ được mang vào mình cái công trình của nàng, cái chiếc áo sẽ gìn giữ, che chở cho trái tim tôi trong những ngày lạnh lùng… Nhưng thực ra  tôi biết chán rằng: đan cái áo ấy, nàng có bao giờ nghĩ đến tôi, như tôi nghĩ đến nàng. Tôi tưởng như có một kẻ − mà sao lại không? − một kẻ nhiều may mắn hơn tôi, chỉ đợi nàng đan xong sợi  chỉ cuối cùng, là sẽ tới mang về nhà làm vật sở hữu của mình… Ô hay! Việc ấy là một việc tôi hằng ước nguyện cho nàng, một việc dĩ nhiên, nhưng sao tôi lấy thế làm bâng khuâng, nghĩ ngợi? Ích kỷ đến nỗi tôi nảy ra cái tư tưởng buồn cười quá và hão huyền vô cùng: tôi cầu sao nàng trở nên thật nghèo, nghèo xơ xác đến nỗi vì sinh kế, nàng phải đưa cái tấm áo ấy ra bán… Rồi một buổi sớm, tôi sẽ len vào đám người vô danh, mua cho kỳ được chiếc áo ấy, đặng lưu lại một cái công trình mà nàng đã bỏ vào biết bao công phu và tình ái.

Nhưng không, tôi không thể đạt được lòng ước nguyện hão huyền của tôi, vì chiếc áo ấy nàng không bao giờ bán. Trân trọng, nàng gói lại để một ngày kia, nàng tặng lại người mà Trời đưa lại cho nàng, một người nhiều hạnh phúc hơn... và may mắn hơn, người mà tôi hằng cầu nguyện cho nàng, vì lòng thương nàng.

 

Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Chiếc áo rét // Tiểu thuyết thứ bảy, Hà Nội, s. 78 (23 Novembre 1935), tr. 12-14.