CHIÊM THÀNH

Chế Bồng Nga đại bại. Quân Nam Việt đã sắp tràn đến... Xã tắc Chiêm Thành phải rời dần vào phía Nam. Thật là một sự xáo trộn lớn!

Khắp trong xóm Cảo Đa, từ già đến trẻ, từ nghèo đến giàu, từ dân tráng đến chức sắc đều lao xao, hoảng hốt, rối rít cả lên.

Bao nhiêu của cải tản mác họ đều lượm nhặt lại hết. Chú dân nghèo không muốn bỏ sót đi một cái liềm cái hái. Lão trọc phú cũng không bỏ mất đi một cái khế ruộng, dầu là điền thổ của lão, lão biết là không thể mang theo được...

Kẻ thì khuân, người thì chuyển, lại có kẻ khác chất lên xe, trông lúi búi leng beng như một bầy kiến trước cơn bão...

Rồi thì tiếng mõ giục liên thanh. Các xe bò bắt đầu xoay bánh... Dắt già, bồng trẻ, người lẫn với heo, gà, xô đạp nhau, chen lấn nhau, rất lôi thôi, thê thảm. Mấy bà cụ già xắng xít cả lên, mấy đứa trẻ nít không hiểu gì cũng khóc bù lu bù loa. Mấy người trai tơ thì không nói không rằng, im lìm làm việc. Vẻ điềm tĩnh của bọn họ không đủ che lấp những nỗi đau đớn ở trong lòng. Họ là người làm việc, họ chỉ muốn âm thầm mà chịu điều đau đớn.

Trong đám ấy có anh Chế Văn Tô, người lực lưỡng dũng mãnh và có khí tiết siêu thường. Anh không bao giờ phí một lời nói vô ích. Anh là người đau đớn hơn hết, nhưng mà bình tĩnh hơn hết. Dọc đường anh chỉ nói vài câu nô đùa để an ủi mọi người.

Đoàn chạy giặc đi đã được một hôm. Mấy bà cụ già đã thấy khuây khỏa dần, những đứa trẻ nít cũng lại reo hò một cách ngây thơ. Mà ai ai hình như cũng chẳng còn thấy đau đớn nữa vì thật là một dịp hiếm có cho những mối hiềm khích hằng ngày, những mối ganh tị nhỏ nhen đều tiêu tán trong một mối đau khổ chung.

Người ta thấy đông đúc vui vẻ vô cùng.

Bây giờ đã đi đến một đồi núi, người ta định dừng lại đấy nghỉ chân; các người đàn bà như không còn sức theo được nữa. Rải mền chiếu ra, ai nấy ngã lăn ra ngủ. Sau một đêm, lấy sức khỏe, Chế Văn Tô lại hăng hái làm việc. Trời chưa tảng sáng mà chàng đã dậy, một mình vào rừng sâu múc nước ở một dòng suối. Chàng sẽ rầu rầu gục xuống một tảng đá, vì chàng vừa nghe có tiếng con nhạn kêu, kêu từng tiếng một lũng lẵng mà thâm trầm! Hai tay ôm lấy mặt, chàng ngồi khóc. Lòng chàng bâng khuâng và bồi hồi, chàng nhớ đến những đồng ruộng xanh, những con cò trắng, những ngày vui vẻ và thái bình. Chàng nghe có tiếng kêu thảm thiết của chốn quê hương. Rồi như bị một mãnh lực phi thường sai khiến, chàng đứng phắt dậy, trong lúc mọi người còn yên giấc thì Chế Văn Tô đã tung mình trên con đường trở về xóm Cảo Đa. Chàng muốn nhìn lại một lần cuối cùng những cảnh vật thân yêu, những cái kỷ niệm nồng nàn của thuở ngây thơ. Đấy là sự say mê của một kẻ si tình phí một ngày đường để nhìn một nụ cười yêu dấu, hoài hủy trí lực một cách vô lý nhưng mà thật là đáng thương đáng kính.

Trời xâm xẩm tối thì chàng đã đến gốc cây đa ở đầu xóm lá, nơi bắt đầu cuộc ái ân của chàng. Chàng còn nhớ rõ cái ngày mà chàng đập trâu về làng, chàng thấy một người thiếu nữ ra gánh nước, người thô thô nhưng nét mặt đều đặn dễ thương. Trời đã mờ mờ tối. Chàng cột con trâu lại nơi cây đa rồi lần lần lại đầu giếng, mượn cái gàu của cô bé, chàng rửa cặp giò. Rồi lân la câu chuyện, miếng trầu đưa qua, điếu thuốc giả lại, một buổi chiều đã nên tình tri kỷ. Cái tình thơ ngây mà trong sạch làm sao! Hồi tưởng đến quãng đời đó, chàng tưởng như mình còn đương ở trong cuộc thái bình yên tĩnh, quay lại tưởng như mình còn có con trâu cột ở cây đa, nhưng chao ôi! Trước mặt chàng bày ra một cái quang cảnh rất đìu hiu lạnh lẽo. Một con quạ đen ở trong bụi tung ra, kêu mấy tiếng oác oác. Chàng thấy từ bờ giếng đến gốc đa như lộ ra một vẻ thương tâm lạnh lùng. Thoạt nghe có tiếng xôn xao ầm ỹ dần dần càng rõ ràng. Một đội binh ở đường xa đi lại cờ bay phấp phới, tiếng loa dậy trời. Chàng bèn lui lại ẩn vào rừng, leo lên cây cao ngồi nhìn. Chàng nhận thấy những bác lính nón dấu áo nẹp, giáo mác chỉnh tề. Họ đi vào làng đốt phá lung tung, ngọn lửa cháy rực một góc trời. Cái đoàn sâu keo ấy lại từ đồng ruộng này sang đồng ruộng khác, mỗi phen đi qua, để lại một đống tai hại. Bây giờ Chế Văn Tô lại mò ra. Cảnh mới thương tâm! Nhà cửa vườn tược: Một đống tro tàn nguội lạnh.

Không còn ngắm cái cảnh đau lòng ấy được nữa, chàng toan trở lại vào rừng để ngồi chờ bóng mặt trời, thì vừa lọt tai chàng, một tiếng rền rĩ, như tiếng một người suyễn, chàng đứng lại lắng nghe. Chàng đưa vạt áo lên lau mấy giọt mồ hôi ở trên trán rồi lặng im, chàng cố phân biệt cái tiếng rên thần bí. Chàng nhận thấy một tiếng thở dài rõ ràng ở cái bờ ao bên kia đưa lại. Nhắm theo tiếng thở, chàng nhẹ nhàng bước tới. Chàng thấy một cái xác đen nằm ở trong một vũng máu. Chàng sờ tay vào thì thấy thịt da đã lạnh tanh.

Chàng ghé tai vào thì nghe lọt ở chân răng một câu cuối cùng:

"Em là gái Chiêm Thành!"

Chiêm Thành! Chiêm Thành! Chế Văn Tô cũng lắp lại vài tiếng rồi cũng nằm đơ ra như cái xác chết! Ngẩng trông lên mấy vì sao xa xôi mờ mịt thì chàng thấy có cái cảm giác đìu hiu quạnh quẽ và ghê sợ vô cùng, tưởng như dưới gầm trời này chỉ có một mình chàng là dòng dõi Chiêm Thành và một mình chàng trơ trọi, còn chống chỏi với những cơn bão táp cuối cùng.

Một người thiếu nữ chết, nhưng đó chả phải là sự tuyệt diệt cả những cái hay cái đẹp của một dân tộc.

Một người thiếu nữ chết nhưng dồn dập tới trong lòng chàng biết bao là nỗi đau đớn: thương tổ quốc, thương nòi giống, thương những người bất hạnh, thương những kẻ lạc loài...

Rồi mê mẩn tâm thần, chàng thấy mình như đi vào một cái cung điện trang hoàng lộng lẫy. Ở trên một cái giường cao, một bậc đại phu Nam Việt đương nhí nhởn với một thiếu nữ Chiêm Thành... Người thiếu nữ đã có cái nhan sắc mỹ miều lại có cái giọng hát trong như tiếng hạc... Nàng vừa dâng trà cho đại phu vừa ngâm một khúc ca Chiêm Thành, tiếng thánh thót mà não nùng!

Lúc bấy giờ có một viên võ tướng vừa được lệnh đưa quân vào Thuận Hóa, trước khi lên đường, lại yết kiến đại phu. Viên võ tướng vừa đến cửa, nghe có tiếng ca, thì đê mê sửng sốt, đứng lại ngoài không muốn vào nữa.

Nhác nghe tiếng ca dừng hẳn, võ tướng nhìn vào, thì thấy người thiếu nữ sụp quỳ trước mặt đại phu mà khóc rưng rức... không nói một lời, nhưng có ý kêu cầu một điều tha thiết; mà đại phu thì dửng dưng như không, hí  hởn tươi cười chỉ muốn trêu hoa ghẹo nguyệt... Viên võ tướng nhảy ùm vào, rút gươm, chém đại phu một nhát, ẵm lấy thiếu nữ, chạy về trại rồi thúc quân đi... Bây giờ thì chàng thấy đứng giữa một đám người đông đúc, đen kịt, voi ngựa nghênh ngang, cờ xí lung tung... Chiêng dồn, trống giục, mác rĩ gươm rền, xung lên giữa giời một tiếng ghê gớm, hỗn độn. Chàng thấy cả một người đàn bà dồi từ tay này qua tay khác, người này ẵm một tý, người kia  hôn một cái... Rồi cả cái đám người tàn nhẫn độc ác kia biến đâu mất, mà còn trơ trọi lại giữa quãng đồng không mông quạnh một mình chàng với một cái mạng người hấp hối, ở miệng hộc ra một vũng máu... Một người thiếu nữ xanh lét, răng giô, mồm há, cặp mắt rợn lên hai cái tròng trắng, hai mái tóc rối như tơ vò, áo quần hoen máu... Cái hình ảnh gớm guốc ấy lại biến đi mất. Bây giờ chàng thấy mình lững thững trên một con đường con, ở chốn nước non lạ lùng, có những cây dương liễu xanh mướt, có những cái tháp mạnh mẽ nguy nga, đứng sồ sộ giữa lừng không. Gió chiều ở dưới bậc sông đưa lên vùn vụt... Cành, lá, sột soạt, la đà... Bóng trăng vằng vặc... Bỗng ở trên cành cây vít xuống, một thiếu nữ, một vị tiên nga, bận toàn màu xanh nhạt, tay cầm một nhánh dương liễu, vừa đu mình vừa hát một khúc hát Chiêm Thành... Người thiếu nữ lanh lẹ nhảy xuống đất, rồi nhẹ nhàng chạy đến gần chàng, tươi cười, hí hởn. Nàng lấy cành dương liễu khẽ đánh vào vai chàng một cái, rồi nũng nịu:

"Em là cô gái Chiêm Thành, một cô gái ngây thơ, trong sạch... Em nhẹ nhàng thích thảng... Em ngao du chỗ này qua chỗ khác. Em sung sướng vô ngần! Em chạy ra đồng, bắt bươm bướm, em vào vườn hái hoa. Em đu ở trên cành cây, em hát nghêu ngao... Này anh! Hôm nọ em cũng đu đưa ở trên cành... Cành gãy, em té xuống đất... Em trầy ở khuỷu chân, nhưng chỉ trầy ra một chút xíu thôi anh ạ! Em lấy lá thuốc dấu, em gịt vào, rồi thấy khỏi ngay... Lại một bữa khác, em đương giặt áo ở bên sông, em ngồi ở trên một tảng đá.  Thoạt nghe có con chim chúc mào nó hót ở trên cây, em ngoảnh cổ lên nhìn, mải nhìn thế nào, tảng đá nghiêng, em rớt tùm xuống nước... Em ướt như con chuột lột, rồi em chạy phơi dưới bóng mặt trời. Em chạy theo bướm, theo hoa... Ô kìa! Sao trên nét mặt anh có vẻ sầm tối thế?"

Tôi là một kẻ đau đời...

Nàng chỉ cười nhỉ nhởn...

Thôi để em lấy cành dương liễu em phủi bụi ở trên vai áo anh, rồi ta cùng chạy anh nhé!

Không, tôi là kẻ đau đời, một kẻ bơ vơ, một đứa lạc loài, một người dân mất nước, Chiêm Thành! Ôi Chiêm Thành tổ quốc!

Em xin tặng cành dương liễu này rồi để em xin hái một cành khác, anh nhé!

Ôi! Chiêm Thành!

Kìa anh! Mặt trời đã hé ở đằng đông kia kìa... Kìa anh xem cái đàn bướm trắng kia phe phẩy bay liệng ở trên cồn cỏ... Anh hãy xem những cành lá xanh mướt, rung rinh dưới bóng mặt trời... Chạy đi, chúng ta cùng chạy nào...

Vụt một cái, nàng biến mất.

Chàng kêu lên một tiếng và thấy mình đương nằm bên một cái xác ma, cái vũng máu đào lóng lánh dưới ánh mặt trời. Chàng nhìn chòng chọc lấy người thiếu nữ, hai dòng lệ tuôn ra không ngớt... Vì chàng nhận thấy ở trong con người ấy, một trời đất đã tan tành... Chàng đứng phắt dậy chất củi lên, dựng cái xác ma dậy và nhen lửa lên thiêu... Rồi chàng đi vào núi, lững thững, nặng nề.

 

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Chiêm Thành // Những nét đan thanh. Ngân Sơn tùng thư, Huế, 1934, tr. 64-71.