CHUYỆN CÔ NHỤY

 

 

Nhụy là một cô gái nghèo ở thôn Mộc xã Cao. Mẹ Nhụy chết chồng từ năm ba mươi tuổi và ở vậy nuôi con. Nhà chỉ có một cái guồng sa và một khung cửi. Hai mẹ con chỉ sống bằng mấy thước vải thô trên khung cửi. Từ nhỏ Nhụy đã rất xinh... Càng lớn càng xinh. Nước da bồ quân, đôi mắt sắc như lá liễu. Trên má bên phải có một nốt ruồi... Càng lớn lên nốt ruồi càng tròn, càng hung sẫm. Những trưa nắng, đi gánh nước về, người nóng, hai má ửng hồng... Hai gót chân nàng, quanh năm chỉ đạp những sợi vải hồ cơm, nên nhà nghèo mà gót chân đỏ như son. Mẹ nàng xưa kia là người hát hay, nhất là khi hát "chuyện dài" thì trai làng, gái làng bỏ cả công việc mà tới nghe cho được. Từ nhỏ, Nhụy đã được mẹ dạy cho hát và kể cho nghe truyện bà Phó, truyện Hoàng Trừu, cả truyện Thúy Kiều...

Hàng xóm láng giềng có nhà anh Luyện. Luyện mất mẹ, chỉ có bố. Nhà có năm sào ruộng, một con bò. Nhà rất quý con bò. Những đêm hè, Luyện thức giấc cầm quạt ra quạt muỗi cho bò ngủ.

Luyện hơn Nhụy hai tuổi. Một đôi bạn láng giềng, và cũng là một đôi bạn thân nhau từ hồi nhỏ. Cũng như những đứa trẻ khác, khi chơi với nhau cũng có lúc giận nhau, dỗi nhau. Nhưng cơn dỗi qua, lại càng thân nhau. Có hôm vào những ngày đông tháng giá, mẹ Nhụy ốm, Nhụy phải thổi cơm thay mẹ. Trời mưa củi ướt, lửa nhen lên lại tắt ngay. Nhụy bị mẹ mắng. Nhà không có diêm, Nhụy phải ra phía vườn gọi Luyện để xin chút lửa. Luyện biết ý vùi cho Nhụy hòn than đặt trên một cái vung mẻ. Nhụy rất cảm động khi thấy Luyện đưa cái mẻ vung cho mình lại kèm theo mấy đóm tre khô để giúp mình dễ nhen lửa. Nhà Nhụy có một cây khế ngọt, không dám ăn, chỉ để đến mùa mang bán, lấy tiền mua thêm gạo. Nhưng những khi thấy Luyện đứng quanh quẩn bên vườn mình, thì Nhụy nhanh như cắt trèo lên cây hái vội mấy quả khế... Luyện ngả vạt áo, Nhụy từ trên cây quăng xuống một quả, hai quả... Tiếng khế rơi vào vạt áo một cách êm thấm. Nếu không may mẹ bắt được là y như hôm ấy Nhụy bị đòn. Những lúc thấy Nhụy vì mình bị đòn như thế, Luyện rất thương bạn.

Thế rồi cây khế đã qua bao mùa trổ bông, đơm trái... Hai đứa trẻ lớn dần... Nhụy cũng đã đến mười lăm tuổi, Luyện cũng đến mười bảy tuổi rồi. Trông Luyện đứng đắn như một người lớn. Tính Luyện ít nói mà lại hết sức chăm làm. Những lúc thấy hàng giậu của nhà Nhụy sút một đường nẹp, thế là Luyện lại chẻ tre tước lạt chẳng ai nhờ cũng tới buộc giùm. Tuổi Luyện chưa bao nhiêu mà đường lạt nào Luyện buộc cũng chắc nịch. Có hôm biết nhà Nhụy bị thủng dột mấy chỗ thế là Luyện từ sáng sớm chẻ lạt đánh tranh một mình lên mái vừa dỡ vừa trói. Trưa mẹ Nhụy giữ lại ăn cơm, Luyện nhất định ra về. Cảnh nhà góa bụa, được có người con trai hàng xóm đi lại giúp đỡ, thật ra mẹ Nhụy cũng có lòng thương và Nhụy cũng có lòng mến. Bà cũng không giữ gìn gì nữa. Những ngày vào rừng đốn củi, bà cũng để cho hai trẻ đi với nhau. Thế rồi đã thành một điều quen thuộc là mỗi buổi sáng nghe tiếng còi của Luyện là Nhụy cùng theo vào rừng.

Làng có bao nhiêu phường củi. Nhưng Nhụy cho rằng trong làng chẳng ai có tiếng còi giòn giã, "xốc vác" như tiếng còi của Luyện. Nhụy thường nói: Nghe tiếng còi trong lòng thấy tỉnh táo cả người muốn nhảy xuống giường vớ lấy cây rạ, cầm lấy đòn xóc mà đi ngay. Thật vậy, biết bao lần trời chưa thấy mặt đường, gà chưa gáy lại, thế mà khi nghe tiếng còi của Luyện, Nhụy đã vội vã theo chân. Có khi trong sương lạnh chỉ có hai người đi với nhau. Câu chuyện của hai người là câu chuyện hội hè đình đám, chuyện hát chèo đêm qua, chuyện giá vải phiên chợ trước, chuyện nhuộm răng, hóng mát, chuyện cưới cheo thiên hạ. Cũng chưa bao giờ nói đến chuyện mình. Cho đến một chiều nọ ở trong rừng... Mặt trời đã lặn. Tiếng còi của phường bạn đã rúc xa rồi. Mà ủa! Luyện còn nghe thấy tiếng hát. Luyện buông cây rạ và lần theo tiếng hát. Tiếng hát như từ trong dạ Luyện mà cất lên, càng nghe càng thắm thiết. Đến nơi thì Nhụy cũng vừa quay lại. Luyện hỏi:

− Phường bạn về cả rồi mà Nhụy chưa về à?

Nhụy sửng sốt nhìn trời:

− Chết! Trời chiều rồi mà em không biết!

− Mải hát mà! Thôi ở ráng thêm một lúc nữa cũng chả sao!

Thế rồi Luyện lượm những cành khô nhen lên và rủ Nhụy ngồi cùng sưởi. Sao hôm đã mọc... Rừng chiều thở ra một hơi lạnh, đụng vào đâu buốt tới đó. Luyện đưa tay nắm tay Nhụy và xoa xuýt:

− Tay của Nhụy giá quá!

Ngọn lửa bốc cháy. Ánh lửa hắt vào đôi má của Nhụy, làm cho đôi má ửng hồng lên. Luyện thấy xôn xao cả người định lại gần Nhụy, toan nói một câu. Bỗng từ trong bụi có tiếng bồ chao nhảy sột soạt trên những cành lá. Luyện ngượng ngùng không nói nữa, lại ngẩng lên nhìn trời sao dày đặc.

Luyện nhớ một hôm, chừng vào tuổi lên năm, lên bảy. Trời hè, hai đứa trẻ trần truồng như nhộng, nằm khoanh tròn trên một cái nống, mắt nhìn những ngôi sao, Luyện đố Nhụy: "Chúng mình đếm sao nhá! Xem đứa nào đếm dài hơi nhất". Cũng như những trò chơi của các trẻ khác bây giờ, Luyện đếm: "Trên trời đặc sao, độ sao, đố ai đếm được ba mươi sao tròn... Một sao, hai sao, ba sao, bốn sao..." Luyện chỉ đếm được hai nhăm sao là hết hơi, rồi Luyện lại giục Nhụy: "Nhụy đếm đi thử nào!" Lại "Trên trời đặc sao, độ sao, đố ai đếm được..." Nhụy đếm được hai mươi nhăm sao, ba mươi nhăm sao, rồi đếm luôn bốn mươi nhăm sao mới hết hơi.

Nghĩ đến câu chuyện cũ đó, Luyện vừa buồn cười vừa tấm tắc khen thầm Nhụy: "Cô gái hơi dài, không trách ngày nay cô ấy hát hay thế!"

Luyện đột nhiên hỏi Nhụy:

− Nhụy còn nhớ lúc nhỏ hai đứa mình hay nằm trong nống thi nhau đếm sao, xem hơi đứa nào dài không?

Nhụy mỉm cười đáp:

− Em chả nhớ!

− Có hôm Nhụy qua nhà tôi đếm sao, rồi ngủ quên đi trên nống, bác phải qua ẵm Nhụy về, Nhụy quên rồi sao?

Nghe nhắc đến câu chuyện cũ, Nhụy cúi đầu bẽn lẽn không nhìn sao nữa. Luyện vẫn theo đuổi ý nghĩ của mình.

− Mới đó mà bây giờ đã thế này rồi!

Thực ra, chẳng bao giờ Luyện dám nhìn thẳng vào đôi mắt của Nhụy... Còn Nhụy mỗi lần giữa hai người như có cái không khí e thẹn sượng sùng thì y như Nhụy tìm lại cách đánh tháo:

− Thôi về đi anh, phường bạn về lâu rồi! Họ nói cho đấy!

Rồi cũng như mọi lần, Luyện lại sắp củi cho Nhụy, rồi bó lại cho Nhụy. Nhụy sung sướng ưa nhìn Luyện những khi chàng bó củi giúp mình. Nhụy nhớ rõ có những chiều trong rừng ra sớm, trai làng đều hạ gánh nghỉ chân một lúc ở gốc cây đa trước đình. Trai làng có hàng chục người, củi có hàng chục gánh. Những chẳng có bó củi nào sánh được với bó củi của Luyện, tươm tất, đẹp nhất làng... Cây củi nào cũng thẳng thắn. Bó củi như cái cột đình làng, lại thắt chặt lưng ong, dây buộc ba ngoai, gái làng ai nhìn cũng khen. Mỗi lần nhìn bó củi của Luyện, Nhụy lại càng thương cái nết con người. Nhụy thường nói: "Người làm răng lẻ săng (1) làm vậy". Chiều hôm nay nhìn Luyện bó, ghì chân, thắt cái dây chìu, xốc vào đòn xóc, lại nâng lên nhún thử mấy cái, rồi sang vai cho mình, Nhụy thấy cảm động vô cùng. Mỗi lần như thế, Luyện lại hỏi: "Có nặng không o?". Thật ra Nhụy cũng thấy hơi nặng một chút đấy, nhưng Nhụy cũng làm bộ "xóc xáo" đáp "Nhẹ lắm, nhẹ như không!" Rồi đưa mắt nhìn Luyện một cách tình tứ.

Nhưng Nhụy trong lòng vẫn lo là những lúc đi về trễ với Luyện như thế này, thì trai làng chúng biết, chúng làm vè cho đấy.

Hai người đi về phía giếng đầu xóm. Bỗng nghe có tiếng cười nói vang vang ở chỗ giếng xóm, Nhụy lo sợ bảo Luyện:

− Chúng nó ngồi cả đấy!

Thế là cả hai đều tránh đường giếng, không ai bảo ai, lẳng lặng băng qua đường tắt về nhà...

 

***

 

Từ cái hôm ở rừng về, Luyện định ngỏ ý với Nhụy, nhưng rồi không tiện, thì đến nay Luyện vẫn mong có dịp để nói rõ lòng mình cho Nhụy hiểu thấu... Biết rằng độ này Nhụy hay đến kéo vải ở nhà cụ Soạn, một hôm Luyện tìm tới.

Trời đã khuya... Trăng đã chênh bóng... Đi ngang qua nhà không còn nghe tiếng ho của cụ Soạn như mọi lần, Luyện bước vào. Các chị đã kề đầu vào càng sa ngủ hết. Duy chỉ còn một mình Nhụy còn quay sa. Cũng như tục lệ, Luyện lấy khăn giấu cả đầu lẫn mặt. Luyện đi lại núm lấy guồng sa của Nhụy, không cho Nhụy quay, rồi đổi giọng khác đi, Luyện hỏi chuyện, những câu chuyện vu vơ theo thường lệ:

− Từ đầu hôm đến giờ, o đã kéo được mấy con cúi rồi?

Nhụy đáp:

− Chỉ được mấy con "suốt" ở trong mủng đấy anh trông! Thôi xin anh thả sa ra cho em kéo nốt kẻo thầy mẹ la rầy, phường bạn cười trách.

− Cười trách thì cười trách, rầy la thì rầy la... Anh băng ngàn, lội suối đến đây gặp em thì cho anh hát một vài câu...

Nói những câu thường lệ đó, hôm nay Luyện cũng thấy thắm thiết trong lòng. Rồi Luyện cất tiếng hát để ướm thử lòng Nhụy:

Mai ngày chợ phiên Bến Đá

Gặp ông già bà cả em hỏi hộ một lời

Trên trời có ông sao Hôm, sao Mai

Bởi cớ chi...

Chẳng nằm chung một chiếu chẳng ngồi một mâm?

 

Giọng hát của Luyện bỗng nghẹn ngào. Đêm lặng chỉ còn nghe tiếng guồng sa quay đều đều... Không phải là vì chậm trí mà Nhụy không đáp ngay. Mẹ Nhụy là tay lặp chuyện[a] nổi tiếng. Chính Nhụy cũng được mẹ truyền dạy cho. Nhưng từ khi Luyện từ ngoài ngõ bước vào, mặc dầu chàng lấy khăn úp mặt, trông cái dáng đi Nhụy cũng nhận ra được Luyện rồi. Nghe cái câu: "Chẳng nằm một chiếu... Chẳng ngồi một mâm...", trong lòng tự nhiên cũng thấy ngùi ngùi, mà không sao nghĩ ra được câu đối lại...

Chặp lâu, Nhụy mới nghĩ ra được câu hát đáp lại:

Việc gì phải hỏi đâu đâu?

Duyên trời cá nước

... Trước sau cũng thành

Mai anh về...

... Anh thưa lại đấng thân sinh

Trên đà chấp thuận...

... Thì dưới "tụi" mình cũng theo.

Cứ về thưa lại với đấng thân sinh... trên đà bằng lòng thì dưới việc gì lại không thuận. Lòng Nhụy qua câu hát sáng tỏ như ban ngày. Luyện như mở cờ trong bụng, những muốn cởi cái khăn giấu mặt đi, để được mặt nhìn tận mặt, tay cầm tận tay. Chàng say sưa hát tiếp:

Thương nhau như ngọn gió đồng...

Mát từ nơi đứng, mát trong dạ người...

Nghe câu hát mặn mà, Nhụy cũng thấy lòng thắm thiết... Nhưng khi hoa tươi nở trên cành cũng sợ những ngày héo rụng. Nhụy đáp:

Sợ thương như áo phủ ngoài

Rét lòng thì giữ, nóng trời lại buông.

Nghe xong câu hát, Luyện xôn xao cả người, càng say giọng hát, lại càng thương cái nết con người. Còn Nhụy tình thương càng thắm thiết, thì lòng càng e, càng ngại...

 

***

 

Một hôm không đi rừng, Luyện ra đồng giữ ngô...

Độ này ngô đã nảy hột, quạ thường hay tới moi ăn. Luyện nằm trong một cái chòi, miệng thì kể chuyện bà Phó, còn tay thì nắm dây thùng.

Bỗng có tiếng người hát rồi tiếng chân người đi. Đích là tiếng hát của Nhụy. Tiếng hát mỗi lúc một gần rồi tắt hẳn. Có tiếng người cọ sột soạt vào những lá ngô. Luyện hồi hộp chờ. Nhụy đã rẽ hàng ngô và tới với Luyện. Ngồi vào chòi một lúc, Nhụy hỏi:

− Tại sao độ rày anh không đến nhà em nữa? Nghe độ rày anh hay xuống phường chị Cam. Chị Cam hát hay nhất làng kia mà! Cả ông cụ cũng thường lui tới thầy mẹ chị Cam nữa kia!

Thật ra cũng có người chào xáo về chuyện chị Cam. Nhưng Luyện cũng chẳng bao giờ nghe thầy mình nói đến. Chàng tự nghĩ: Âu là Nhụy muốn nhắc khéo mình cái câu chuyện "về thưa lại với đấng thân sinh" đã nhắn gửi trong câu hát ngày nọ. Câu nói của Nhụy càng làm cho Luyện thêm lúng túng. Luyện chưa tiện về thưa lại với bố vì biết tính ông bố rất nghiêm nghị. Trong nhà chỉ có hai bố con thôi, có khi trong bữa cơm hai bố con không nói với nhau một tiếng. Luyện nghĩ bụng chỉ đợi dì Tân ở bên làng ngoại về nói hộ với bố mình một câu là ổn chuyện.

Sự lúng túng và im lặng của Luyện càng làm cho Nhụy suy nghĩ. Nhụy ngước mắt nhìn Luyện, rồi cúi xuống có vẻ lo buồn. Nhụy nói:

− Hay là anh cũng lại như thiên hạ lo nghĩ đến?...

− Đến gì thì em nói đi!

− Người xấu số như em, chắc bà con họ hàng bên anh chả ai người ta nhận em đâu...

Nhụy nghĩ đến cái nốt ruồi "thương phu trích lệ" [b] của mình... mà có lần Nhụy đã thoáng nghe người ta xì xào đến... Cả mẹ Nhụy hình như cũng có phần lo sợ về số phận của con.

Nhụy gục đầu, nước mắt bỗng giàn giụa. Luyện hoảng sợ kéo tay nàng và nói:

− Sao em lại nghĩ vẩn nghĩ vơ thế? Nào thầy anh có nói gì đâu. Bà con họ hàng bên anh có hề ai nói gì đâu. Anh chỉ đợi dì Tân, là anh bàn với thầy thôi...

Nhụy chỉ lắc đầu nói giữa những tiếng nức nở:

− Mà chính anh cũng sợ nữa đấy!

Nhụy nhớ rõ một hôm ở trong rừng, có lần chị ngẩng lên bắt chợp được anh đương nhìn chòng chọc vào má mình... Có phải Luyện cũng ái ngại về cái nốt rồi của mình không?

Thật ra Luyện chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Trước sau Luyện chỉ thấy yêu Nhụy mà thôi. Dầu có nghĩ tới, Luyện cũng không bao giờ sợ. Hồi mười hai tuổi Luyện nhớ có hôm đi chợ phiên với bố, có ông thầy tướng đã đoán cho anh một câu: "Cửa nhà ông cũng tốt phước đấy, chứ số anh này sinh vào nhà người khác, cũng là "khắc" anh "khắc" em đấy!" Luyện tự nghĩ: "Cứ bắt chết được tay này cũng phải trầy trật lắm đấy!" Rồi Luyện cười bảo Nhụy:

− Số anh mà không trị nổi số em sao? Đừng có vơ vẩn!...

Nhụy nhìn thẳng vào đôi mắt của Luyện. Thật ra trong lòng Nhụy không sao yên được... Chẳng bao giờ Nhụy có thể tin được rằng: bố Luyện và cả dì Tân của Luyện, bà con Luyện, khi không, người ta lại rước mình về...

Có tiếng chân người đi, rồi tiếp có một hòn đất ném vào, rơi gần chỗ hai người... Luyện vội đứng lên đuổi "quà quạ" và tay giật lia lịa cái dây bù nhìn. Tức thì những con bù nhìn khắp ruộng đều chuyển động và tiếng thùng thiếc kêu loảng xoảng khắp nơi... Nhụy có vẻ lo ngại, nép mình vào lòng Luyện, bỗng một hòn, rồi hai hòn đất lại ném vào. Nhụy nói:

− Chắc lại bọn trai làng chứ ai vào đây nữa!

Luyện như không nén được sự tức giận vừa lay mạnh cái dây vừa chửi:

− "Quà quạ"! Tiên sư bầy quạ! Không ăn được chúng mày phá à?

Hình như Nhụy cũng không bằng lòng vì câu chửi quá lộ liễu của Luyện, Nhụy nói:

− Thôi tránh voi chẳng xấu mặt nào!

Và nàng kéo áo Luyện ngồi xuống.

Ruộng ngô như mặt nước hồ xao xuyến lên một chút, trở lại phẳng lặng... Phút im lặng kéo dài, Nhụy vẫn tựa vào lòng Luyện, như con chim con lo sợ trước một tiếng động mạnh. Nhụy buồn rầu nói với Luyện:

− Không ai để cho mình yêu đâu anh ạ! Anh cũng phải giữ gìn lấy thân... Thôi để em về, kẻo mẹ trông.

Chữ "mẹ" nói một cách trống không như thế, làm cho hai người như càng thấy gần nhau hơn...

Rồi Luyện cũng đành buông Nhụy ra, nhìn theo... Nhụy đã lách qua hàng cây ngô, chỉ còn nghe thấy tiếng những lá ngô kêu sột soạt khi đụng đến thân Nhụy đi như có mắt lưới bủa vây lấy mình...

 

***

 

Nhụy tuy là con nhà nghèo... Nhưng cũng được cái chăm công chăm việc nên ai cũng mến. Bọn giàu sang lại càng chú ý. Trong làng có ông chánh Giáo tuổi ngoài năm mươi, phú có, quý có. Nhà có trên năm mươi mẫu ruộng, tôi tớ có đến năm, bảy người. Làm cai tổng được năm năm xin bổ thọ, đút lót quan trên chạy được cái hàm tùng bát, nay ăn tiên chỉ trong làng... Đi ra ngựa hồng nón chóp, về nhà bà cả cô hai, vợ đẹp con khôn. Kể về đường phong lưu cả một tổng Cao này không ai sánh kịp.

Nhà Nhụy ở gần đường, cho nên khi lên huyện, xuống huyện, cụ chánh cũng thường ghé vào nhà bác Tá. Mỗi lần ghé thăm, Nhụy bưng bát nước chè lên mời ông chánh, y như ông chánh lại tấm tắc hết lời: "Con bé sau cũng giống bác đấy! Cũng cái nết tham công tham việc! Sau này bác cũng kiếm được người rể tốt mà nhờ cậy!"

Không những ông chánh mà cả bà chánh mỗi lần đi qua nhà thấy cái gánh củi nào cũng nặng oặt cả đòn xóc, và cái tiếng khung cửi như suốt đêm không ngủ, bà cũng thường mơ ước: "Giá trong nhà mình mà lấy được một người chăm công chăm việc như thế thì cũng đỡ cho mình lắm đấy".

Thật ra người ta không phải ai ai cũng như bà chánh chú ý tới Nhụy chỉ vì một cái nết hay làm. Trai làng thì chỉ nghĩ đến cái nhan sắc của Nhụy, cái tiếng hát của Nhụy... Phường của Nhụy kéo sa ở đâu thì trai làng cũng rủ nhau tới hát. Hôm sau đi rừng đi củi người ta vẫn bàn tán mãi về giọng hát đầy phong tình của Nhụy.

Người làng thường nói: "Tiếng hát hay như cái hoa tươi, ai cũng muốn ngừng lại nhìn một chút". Ngay người như ông chánh, có hôm đi qua đường nghe tiếng Nhụy hát ở ngoài sân, cũng đứng lại nghe cho hết câu hát mới thôi...

Nhưng ngay từ ngày người ta biết Nhụy đã tình ý với Luyện, và nhất là từ sau buổi anh chị gặp nhau ở ruộng ngô... xung quanh cũng đã có những tiếng xì xào... Cả trẻ con gặp Nhụy đâu chúng bắt chước giọng Luyện đuổi quạ hôm ở ruộng ngô "Quà quạ", và cười chế nhạo chị. Bọn trai làng, có đứa xấu bụng ghen với Luyện, tìm cách phá phách đạp đổ... gây chuyện...

Mỗi lần cùng chị em mang sa ra sân để kéo, Nhụy vẫn hồi hộp lo ngại...

Có một hôm phường của Nhụy kéo ở ngay nhà Nhụy. Nhụy đang ngồi hát đối đáp với Luyện, bỗng nhiên có người vào, vẫn lúp mặt, hắn gạt Luyện ra một bên rồi ngồi sát cái sa Nhụy. Luyện cố nén tức ngồi lại một bên xem hắn giở trò gì... Hắn níu sa Nhụy. Nhụy nói rất dịu dàng:

− Xin thả sa ra cho em kéo, kẻo khuya rồi mẹ em la rầy...

Hắn đáp luôn mấy câu tục. Luyện như không nén được sự tức giận, núm lấy tay hắn:

− Chỗ này không phải chỗ anh suồng sã! Muốn văng tục thì đi ra chỗ khác.

Bỗng hắn vội giật tay ra chạy... Nhụy sợ xảy ra việc gì, bảo Luyện ngủ lại sáng về. Luyện không nghe. Quả khi bước ra khỏi nhà Nhụy thì Luyện bị một bọn lúp mặt phang cho một dùi trúng vào đầu, chảy ra gần một bát máu. Hôm sau người ta đồn trong đám đó có người nhà chánh Giáo.

Thế rồi một hôm Nhụy đi ra bờ sông đập vải. Bỗng có tiếng hát từ trên lưng một con trâu ăn cỏ ở bãi... Một bài vè... Đích thị là một bài vè nói về chị:

Lẳng lặng mà nghe...

Cái vè con Nhụy...

"Con Nhụy! Con Nhụy làm sao?" Mới nghe qua Nhụy toát mồ hôi, cái dùi vải trên tay như muốn rơi mất... Nhưng tiếng vè vẫn son sả kể tiếp:

Lẳng lặng mà nghe...

Cái vè con Nhụy...

Lông mày lá liễu

Đôi má hồng đào

Mắt sắc như dao

Nhìn đâu chết đấy

Bên má tay phải

Lại có nốt ruồi

Đỏ đỏ hung hung

Hôm trước lấy chồng

Hôm sau ở góa

Thưa rằng trong xã

Chuyện trước còn đây

Đẹp nhất xóm Đoài

Có cô Hai Vấn

Cổ cao ba ngấn

Mình thắt lưng ong

Hai mốt lấy chồng

Ba mươi chồng chết

Trọn đời thủ tiết

Nào phải thương chồng

Chỉ vì cái chấm hung hung

Đậu trên gò má...

Thưa làng, thưa xã

Việc trước rành rành

Việc sau cũng rứa...

 

Nhụy nghe bài vè, từng câu từng chữ như nuốt vào cổ từng giọt đắng cay. Tay chân bủn rủn, lòng thấy chết điếng cả người. Nhụy muốn gọi đứa nói vè, cái con lão xã Nhuế đang ngồi trên mình trâu kia mà mắng cho nó một trận. Nhưng Nhụy nghĩ lại: Tại sao lại mắng nó? Đứa nào ở trong làng đã làm ra bài vè này? Không phải là hôm nay Nhụy mới nghe người ta nói đến cái nốt ruồi "thương phu trích lệ" của mình. Từ lúc nhỏ, một hôm Nhụy đã nghe bác Tiếu người hàng xóm láng giềng nói với mẹ Nhụy: "Có ách thì cứ rước thầy về mà giải đi cho con. Việc gì mà ngồi lo!" Nhưng thực ra, mẹ Nhụy cũng không bao giờ nghĩ đến việc làm lễ giải ách. "Việc này cũng phải cúng bốn "tuần" đấy!" Nghe ông thầy nói như vậy, mẹ Nhuỵ chỉ ngồi thở dài… Tiền không có mà ăn, có đâu mà ba tuần với bốn tuần? Bọn nhà giàu cũng không làm nổi nữa là kẻ đói chúng mình!...

Chuyện ấy rồi cũng trôi qua… Cũng như bao chuyện khác ở trong cửa nhà đói, Nhụy càng lớn lên thì người ta lại càng chú ý đến cái nết cái sắc của Nhụy, và lại càng chú ý đến cái nốt ruồi của Nhụy hơn… Nhưng có một điều không ngờ lại có kẻ nham hiểm đến nỗi đặt đặt vè về mình. Chắc cũng tại có kẻ thấy Nhụy đi lại với nhà anh Luyện. Thế thường không ăn được người ta cũng đạp đổ! Miệng người lòng thế biết đâu mà lường… Nhụy tự nghĩ: "Thế cũng tốt đấy! Lòng mình đã có chốn có nơi như vậy càng yên tâm, chỉ sợ một điều là anh Luyện không thực bụng với mình thôi!"

Nhưng thực ra, từ khi có cái vè, thì cái vè như không cánh mà bay khắp làng… Đến nỗi trẻ con cũng thuộc. Có lúc thấy người đi qua chúng cũng lẩm bẩm kể: "Cái vẻ cái ve… Lẳng lặng mà nghe… cái vè con Nhụy…" Rồi như làn sóng xao lên một cái, đi đâu người ta cũng chào xáo về chuyện nốt ruồi của Nhụy.

Từ buổi ấy đến nay, Nhụy đi ra đường tưởng chừng không ai chào, không ai hỏi… Có kẻ nhìn vào mình, Nhụy như thấy lạnh cả thân mình. Mà về trong nhà lại càng hiu quạnh. Hai mẹ con như hai cái bóng, vào ra cui cút. Mẹ Nhụy suốt ngày chỉ ngồi trên khung cửi, bên trong chỉ nghe tiếng quay sa đều của Nhụy, bên ngoài thì nghe tiếng thoi đưa… và tiếng con ác gỗ khô nước kêu ọt ẹt. Một cái buồn não thấm tận ruột gan.

Đoán biết tất cả nỗi đau xót của mẹ, một hôm Nhụy ngừng sa, đánh bạo hỏi mẹ:

− Nhà cô Hai Vấn, bây giờ không còn ai nữa mẹ?

Từ trong phòng, tiếng bác Tá đáp:

− Sao lại không? Có đứa con trai, thằng Vinh đấy…

− Sao con không thấy?

− Nó đi làm cu li đất đỏ… mãi ở trong Sài Gòn…

− Sao anh ấy không về?

− Cũng không hiểu sống hay chết.

− Thế anh ấy không gửi thư về ạ?

− Ba năm nay, cũng chẳng có một lá thư.

− Thế bây giờ bác ấy ở một mình thôi à?

Không có tiếng đáp.

Trong im lặng, có tiếng thở dài.

Tiếng thoi cũng như ngừng lại một lúc rồi mới lại tiếp tục đưa, lần này tiếng thoi dồn dập hẳn lên, như có ý đuổi xua những ý nghĩ đau buồn. Nhụy hối hận vì mình vô tình đã gợi lại một câu chuyện không vui.

Chiều hôm ấy, giữa bữa cơm, bác Tá mới ăn được một bát, bỗng buông đũa vào nằm… Một lúc lâu nghe tiếng khóc nức nở…

Hai hôm sau mẹ nàng thọ bệnh.

Ngày đẻ xong nàng, rồi chồng chết, bà mắc chứng ho sản hậu… Chứng bệnh nuôi trên mười mấy năm trời… cũng không thể nào chữa được.

Vì thực ra nghề canh cửi cũng chỉ đủ nuôi hai miệng ăn, với lại chỉ để lo những ngày "ngày ông bữa bà"… chứ không còn dư đâu mà chữa bệnh. Từ khi bà nằm xuống, cái khung cửi cũng không chạy đều như ngày thường nữa… Một mình nàng, vừa xe cúi vừa kéo sợi, vừa hồ, vừa đập… lại thay mẹ dệt cửi nữa, cho nên mỗi lần đến chợ phiên nàng chẳng bao giờ còn thấy vui vui như ngày xưa… Trước đây còn có mẹ ngồi cửi thì mỗi tháng cũng đem ra chợ bán được vài chục thước… Cũng chẳng phải dư dật gì, nhưng ít ra cái hôm đi chợ về, trong thúng mẹ cũng có mua một vài khoanh bún. Một tháng ít ra cũng được một bữa gọi là… Đến nay từ ngày mẹ nằm xuống, thì cũng chưa bữa nào mua nổi cho mẹ một vài con cá diếc, để nấu cho mẹ một thìa cháo, còn nói gì đến thuốc Bắc, dè xẻn lắm thì mới mua cho mẹ được vài nắm thuốc Nam. Nhưng uống vào cũng chẳng đỡ chút nào.

Thế rồi mùa thu qua… Những ngày giá lạnh đến…

Manh chiếu rách không che nổi mảnh thân gầy. Một hôm mẹ nàng gọi nàng đến bên giường và nói:

− Làm thân con gái mười hai bến nước, bến đục bến trong, dạt đâu nhờ đấy… Thân mẹ bây giờ cũng như ngọn đèn tàn trước gió, tắt lúc nào không biết. Mẹ có về với ông bà, con ở lại cũng như cây lau cây sậy giữa đồng. Những ngày mưa sa gió táp, con phải tìm nơi nương tựa…

Thực ra cách đây không lâu, bà cũng đã rõ cái mối tình chớm nở giữa Luyện và Nhụy.

Nhụy biết mẹ cũng không sống được bao ngày nữa, lời nói của mẹ trong lúc này làm cho Nhụy đau ruột quá. Nhụy tìm gặp Luyện, bàn với Luyện, nếu quả Luyện thực bụng yêu mình thì nhà Luyện cứ đưa bỏ ít miếng trầu cưới chạy tang thôi, cũng ổn chuyện.

 

***

 

Thấy tình cảnh Nhụy như thế, cũng không đợi dì Tân nữa, Luyện đưa chuyện lấy Nhụy ra bàn với bố…

Ăn cơm xong ông Mởi còn đương xỉa răng ở trên chõng, Luyện chạy bưng bát chè xanh lên đặt bên bố. Anh toan nói, thì ông Mởi đã hỏi:

− Nghe nói nhà bác Tá từ hôm qua lại ho dữ lắm! Không biết có qua khỏi mùa rét này không?

Luyện đáp:

− Khó lòng mà qua được đêm nay chứ nói chi đến mùa rét, thầy ạ.

− Cơ khổ! Một chén thuốc cũng chưa có… Mà thứ bệnh ấy thì nhà giàu cũng chịu,… nữa là con nhà nghèo!

Thấy cái giọng đầy tình thương của bố, Luyện tưởng thừa dịp này nên nói luôn với bố ý nguyện của mình…

Có ngờ đâu, khi nói xong, ông Mởi trả lời một cách thản nhiên:

− Con Nhụy thì thầy cũng thương đấy. Nhà mình cũng là ăn buổi hôm lo buổi sáng. Không phải là thầy chê ai nghèo đâu… Mẹ nó cũng là người phúc hậu. Trong làng trong xóm cũng không điều tiếng gì… nó cũng có cái nết của mẹ nó đấy! Nhà nghèo mà công này việc nọ, cái tay cái chân không rời… Được dâu con như thế, thầy nghĩ bụng cũng không có gì vui sướng hơn nữa… Khi qua lại, thấy nó, cũng có lúc thầy muốn nhắm nó cho con đấy. Nhưng con ạ! Nhà ta phúc mỏng lắm! Không phải là thầy muốn cưỡng lại duyên con… Mẹ con mất sớm, thầy cũng mong sớm có dâu con chứ! Nghĩ đi thì thế mà nghĩ lại không sao bỏ qua được…

Ông Mởi không nói hết, nhưng Luyện cũng đoán hết cả lòng ông rồi… Luyện thấy nghẹn ngào cay đắng tận cổ… Chắc ông cũng đã lại nghĩ đến cái nốt ruồi… Luyện cố bình tĩnh thưa lại với cha:

− Miệng người đời nói vậy thì cũng tin vậy thôi! Chứ chuyện trước mắt còn không tin được nữa là… Huống gì là chuyện viển vông ở đâu!

Ông Mởi chồm dậy, nhìn chòng chọc vào con:

− Không phải là chuyện viển vông mơ hồ đâu con ạ! Con không nên báng bổ thế, mà là việc trước mắt đấy con ạ! Việc nhãn tiền đấy con ạ! Con sinh sau đẻ muộn, con không biết đó thôi. Mà thầy cũng chẳng nói đâu xa… Trong làng ta, kể nhan sắc còn ai sánh được cô Hai Vấn xóm Đoài… Con nhà nghèo mà đẹp nhất làng đấy! Thủa bấy giờ bác Toán chồng cô Vấn đấy, bà con người ta khuyên can mãi, nhưng mà say nhau điếu thuốc miếng trầu, một lấy hai lấy cho được… rồi nông nỗi ra thế, con không thấy đấy à?... Bác ấy có "về" đi yên một bề… Nhưng cũng thương  cho người ở lại, giữa ba mươi tuổi xuân mà chẳng ai dòm ngó tới… Con hiểu bụng thầy… Không phải là thầy ghét bỏ gì nhà bác Tá ấy, đối với con Nhụy thầy cũng quý lắm… Thương thì thương chứ biết làm sao được bây giờ… Nhà ta mỏng phước lắm con ạ!

Luyện quay mặt đi, không muốn nghe lời bố nói nữa. Luyện vừa đứng lên vừa nói:

− Với những người như thế, thì chỉ còn một cách giam lỏng người ta giữa cái tuổi xuân thế à! Rồi để người ta chết mòn chết mỏi như thế à!

− Con nói hay chưa! Sao lại giam người ta! Sao lại chết mòn chết mỏi? Số người ta như thế thì sẽ gặp những người chức trọng quyền cao, năm thê bảy thiếp, người ta gánh dùm đi cho…

Luyện không sao nén được giận, nhưng cũng không biết thế nào mà nói với bố.

Ông Mởi lại nói tiếp:

− Không! Con không hiểu bụng thầy! Số thầy cũng hiếm hoi. Thầy chỉ có một mình con là trai… Thầy có nằm xuống, thì con cũng nối nghiệp tông đường…

Luyện đã không mủi lòng mà lời nói càng ngọt ngào của bố càng làm cho ngọn lửa trong tâm can càng cháy bốc thêm. Không đủ lý lẽ để nói với bố, Luyện lẩm bẩm:

− Có chết con cũng lấy! Trước sau cũng một lần chết thôi!

Ông Mởi, lời nói đương dịu ngọt, bỗng nghe mấy tiếng "Chết cũng cứ lấy" thì cũng không sao nén được cơn giận, ông đứng lên hỏi lại:

− Mày nói sao!  Mày nói lại tao nghe nào!

− Con cứ lấy!  Băm chết, con cũng cứ lấy!

Ông Mởi xấn tới:

− Té ra phân giải lời hơn lẽ thiệt cho mày, mày không nghe! Có phải nhà này hết phúc rồi mày mới rước của nợ ấy về sao? Tao tưởng mày là đứa con hiếu thảo đấy!...

Nói xong, ông ôm mặt khóc, vừa khóc vừa kể.

− Mẹ mày phanh thây xẻ thịt đẻ mày ra… Tao nuôi mày, mất ăn mất ngủ vì mày… Nuôi mày khôn lớn để mà cậy mà nhờ… Nay mày báo hiếu cha mày thế phải không? Miếng một miếng hai với bố mày! Mày có giỏi thì mày lấy đi!...

Luyện cũng không sao ngăn được nước mắt… Vừa giận cũng vừa thương bố…

Ông Mởi nói hả hơi rồi ngồi xuôi xuống. Còn Luyện thì cúi đầu vào một xó. Giữa lúc đó thì chú Thìn bước vào. Chú Thìn là chú họ độc nhất bên nhà Nhụy, nhưng cũng là xóm giềng với nhà ông Mởi. Những lúc nấu được nồi nước chè mới, ông Mởi cũng thường gọi qua uống nước nói chuyện.

Thấy ngồi im lặng mỗi người một góc, chú Thìn cố làm giọng giảng hoà:

− Hai ông con lại việc gì rồi!

Quay lại với Luyện, chú nói:

− Việc không hay không phải thì kiếm lời mà thưa lại với bố, chứ bố một tiếng, con một tiếng, người ta đi qua nghe được, người ta cười cho. Trong nhà chỉ có một bố một con, nào có phải đông đảo chi! Việc gì mà hai "ông con" to tiếng thế?

Vớ được chú Thìn vào đúng lúc, ông Mởi lau nước mắt, trỏ vào con, nói với chú Thìn:

− Với chú thì tôi cũng chẳng giấu giếm gì… Cứ nói ra mong chú giúp một ý. Chắc chú cũng biết rõ chuyện còn hơn tôi rồi! Nào phải tôi có ghét bỏ chi bên cháu Nhụy đâu. Chú cũng biết đấy, cứ là dâu con mà được đứa tốt nết như thế nghĩ còn đòi gì hơn nữa. Nhưng số trời như thế, mình làm sao cưỡng được chứ?

Chú Thìn cười xoà một cái:

− Tưởng là việc gì? Việc đó tôi cũng xin bàn một câu. Con Nhụy là cháu tôi đấy. Tôi là chú nó, sao lại không muốn cho nó nên duyên nên phận, tìm nơi xứng đáng mà cậy mà nhờ. Chị tôi thì một sống mười chết, không biết có qua khỏi không. Làm mẹ ai lại chẳng muốn có nơi phúc phần mà gửi gắm… Được nhà như nhà bác đây thì còn mong ước gì hơn nữa. Bên sân bên ngõ, hỏi trong xóm làng, còn ai hơn! Anh Luyện, tôi nói cũng không vị mặt anh đâu, chị tôi mà được một con rể như anh, tôi được cháu rể như anh, thôi còn phải nói gì nữa… Sao tôi lại không muốn tốt cho chị tôi, cho cháu tôi, nhưng có muốn cũng không được! Số trời đã như thế thì liệu có chống lại được không? Duyên số đã như vậy thì thôi, cũng đành vậy… Để yên cho cháu nó tìm nơi cây cao bóng cả nó nương nhờ… May ra xê vào nơi nào phải duyên phải số hơn… nó cũng sống cho ra con người…

Chú Thìn là người nhà của Nhụy mà nói với mình còn như lạy như van thế thì Luyện còn biết nói làm sao được nữa. Càng nghe, trong lòng như thấy càng uất lên. Luyện lặng lẽ bước ra, không nói một tiếng. Chú Thìn như còn trông theo anh và nói với ông Mởi:

− Thôi bác cũng nuốt giận làm lành! Cháu nó cũng còn trẻ người non dạ, biết sao hết được việc đời! Mình phải bảo ban chúng nó! Bác thương con Nhụy thế nào thì mẹ cháu và tôi đây cũng thương thằng Luyện như thế đấy! Nhưng mà thương thì lại càng phải để cho chúng nó buông nhau ra, như thế mới thật lòng thương của cha, của mẹ!

Luyện nghe đắng cả ruột gan…

Chiều hôm đó, Luyện qua nhà chú Hoạch nằm suốt một buổi…

Hoạch đi đồng về, thấy có người nằm trùm chiếu gọi mãi không "ừ", dậy không dậy, ăn không ăn. Đoán biết là Luyện có điều gì giận bố rồi đấy! Chú lại ngồi bên Luyện, chú nói:

− Lại có chuyện gì giận bố rồi đấy? Trai đứa mà sao hay dỗi hay hờn như đàn bà con nít?

Chú Hoạch không bà con họ hàng gì với Luyện cả. Kể tuổi tác cứ gọi là hơn Luyện một vế, nên Luyện cũng gọi bằng chú. Chú trên ba mươi tuổi, không có vợ, chỉ có một mẹ già. Có nhà bà con đi làm giáo học để lại cho chú ba sào ruộng với một con trâu. Con trâu chú nuôi thuê, ba sào ruộng làm rẽ. Cứ một sào mỗi mùa nộp năm thùng. Nhà nghèo tớt mùng tơi, nhưng được cái người to lớn, lúc nhỏ có học võ vẽ năm ba ngón. Được cái bạo ăn bạo nói. Bọn cường hào trong làng nó cũng gờm… Cứ việc phải mà nói, chẳng sợ ai! Thần, Phật có khi chú cũng đưa ra báng bổ.

Đối với chú, thật ra trai làng cũng có bụng yêu. Sân nhà thì hẹp, nhưng có khi đêm trăng, trai làng đến ngồi chật cả. Chú dậy cho vật, mà chú cũng nói chuyện đời phải trái cho mà nghe, dẫu là trong nhà không có lấy một tờ sách, trong bụng một chữ "Thánh" cũng không có. Những lúc có điều suy nghĩ, trai làng cũng thường hỏi ý kiến chú…

Gọi không thấy thưa, chú lật cái chiếu ra và nói:

− Có phải cái chuyện "thương phu trích lệ" chi đấy phải không? “Chích” đâu thì chú xoa cho, việc gì mà nằm đấy mà rên?... Giận cả chú à?

Chú cười khà khà, đoạn cầm tay kéo Luyện dậy.

Luyện kể lại cho chú nghe ý định kiên quyết của bố. Chú hình như không muốn động đến sự đau xót của Luyện, chú không đùa nữa, và ngồi lặng đi một lúc. Đoạn chú nói, giọng nói nghiêm trang hẳn lại:

− Kể thì cái ông cụ ấy đã tin như thế, có đòn xeo nào mà xeo nổi ông ấy! Chỉ có một cách.

Luyện hồi hộp hỏi lại:

− Cách gì?

Chú nói gọn lỏn:

− Cứ lấy!

− Nhưng ai cho mình lấy mà lấy?

− Ồ, Không cho thì cũng cứ lấy… Theo ý chú thì như vậy! Bác Tá có sống được thì không nói. Chẳng may mà bác Tá có "về" đi thì cũng phải tính cái việc lấy nhau… Chú đây nghĩ không thương thì thôi, chứ đã thương thì lên chín tầng trời, xuống mười tầng đất cũng cứ lấy…

− Nhưng tang cha, tang mẹ mà lấy thì ai người ta cho…

Chú nói:

"Tang chồng, tang vợ thì thôi; Tang cha, tang mẹ ta thời tang chung…" Hay là anh cũng sợ nốt? Ối dà! Cái nốt ruồi nó đậu chán rồi nó bay… Anh nhát thì nó ở, anh "bạo" thì nó bay, số mạng tại mình thôi anh ạ!

Câu nói của chú Hoạch cũng an ủi Luyện một phần. Nhưng mưu kế của chú bày cho, thật ra cũng không làm cho Luyện yên tâm được. Có lấy được cũng phải trầy trật với làng với xóm, với bố, với họ hàng bà con. Mình còn sống với người ta, dễ thường mà làm càn được sao?

Một ý nghĩ nảy ra: "Hay là…" Anh nghĩ đến sự sau khi tang mẹ xong cùng với Nhụy trốn thoát… Trốn biệt làng, đi làm thuê làm mướn mà nuôi nhau… đó là thượng sách.

Đợi lúc thuận lợi, Luyện sẽ bàn với Nhụy.

 

***

 

Luyện chưa kịp bàn mưu tính kế với người yêu, thì bà Tá đã nhắm mắt. Bà nhắm mắt vẫn không biết được số phận của con mình ra sao… Nhà không còn một đồng một chữ. Cũng may không đến nỗi đắp thân mẹ với mảnh chiếu rách. Số là thấy cảnh nhà đơn chiếc của Nhuỵ, có người đã động lòng "nhân" giúp Nhụy có cái cỗ quan cho mẹ. Người đó chính là lão chánh Giáo. Thấy mẹ Nhụy thập tử nhất sinh, lão lại năng vào ra chú Thìn, người chú họ nghèo xác nghèo xơ của Nhụy. Chánh Giáo nói với chú Thìn: "Cháu của chú, cũng như cháu của tôi… Thấy nó một thân một mình tôi cũng thương tình, thôi tôi giúp nó cái cỗ quan cho mẹ nó… Sau này nó làm ăn nên nổi thì nó giả lại cho tôi… Bằng không tôi coi như của làm phước…"

Chú Thìn thiếu một đường là sụp lạy ông chánh "hai lạy"… Chao ôi! Người đâu mà nhân đức thế! Chú thường nói với Nhụy: "Cháu xem đấy! Trong làng trong nước xưa nay, ông chánh có giúp cho ai bao giờ! Nhà ta có phúc mới được ông nghĩ tới!... Chú nhớ khi khi lấy thím mày, bên nhà thím mày cứ thế nọ thế kia… Giá không có ông chánh nói vào một câu… thì làm chi nên vợ, nên chồng… như thế này được!"

Thật bụng Nhụy cũng rất cảm động về tấm lòng nhân đức của ông chánh… chả thế mà Nhụy còn mượn cả việc ông chánh nói với Luyện: "Cũng may mà có ông chánh ngó tới".

Thật ra trong câu nói cũng có phần trách móc mỉa mai Luyện. Luyện đau xót vô cùng, chỉ có một việc là vạch gan xẻ bụng ra cho người yêu thấy…

Cũng không phải là Nhụy hiểu lầm Luyện đến thế. Nhụy cũng biết là Luyện một dạ thương mình. Luyện có nói với Nhụy: "Thôi, việc ma chay xong rồi, ta sẽ tính liệu…" Nhưng tính liệu cách nào? Nói vậy thì nàng cũng nghe vậy chứ Nhụy cũng biết chán rằng: Làm con hiếu thảo đâu dám cãi lời cha mẹ, và chính Nhụy cũng không buộc Luyện phải làm như thế.

Nhớ hôm liệm ma, bên nhà Luyện cũng tới giúp đỡ. Ông Mởi cũng đến. Chính ông cũng tự tay nện hòm cho mẹ Nhụy. Nhụy nghe tiếng ông nện như nát dần từng khúc ruột. Phần thương mẹ, phần giận cho duyên số của mình. Hôm đưa đám mẹ, Luyện cũng mời được nhạc Trữ và phường nhạc của anh tới. Cũng là nể lòng Luyện mà người ta tới giúp, cũng chẳng có lấy một đồng một chữ nào. Cái oản nải chuối cũng không… Chính Luyện cũng ghé lưng mà khiêng mẹ người yêu đi một đoạn. Giở cái "lúp" ra nhìn thấy Luyện, Nhuỵ càng thêm đau xót… Giá mà Luyện chẳng đến, thì có lẽ Nhụy càng bớt đau xót hơn. Khi nghe cái tiếng kèn bầu của nhạc Trữ lên bổng xuống trầm, Nhụy cảm thấy như tiếng kèn xoắn sâu trong gan trong ruột mình. Nhuỵ kể: "Mẹ ơi! Mẹ đi đâu… mẹ để con một thân một mình, khi trái gió trở trời, tối lửa tắt đèn con biết nương tựa vào ai…"

Thật ra trong tiếng kêu mẹ, như có tiếng kêu "anh ơi". Luyện gánh linh cữu của mẹ Nhụy chân bước theo nhịp đòn mà như dằn vặt từng khúc ruột.

Sau khi chôn mẹ, được cai cỗ quan của ông chánh, Nhụy cũng không đến nỗi tủi mặt. Nhưng cuộc đời của Nhụy từ nay quả thật là lạnh lẽo. Trong căn nhà vắng, ra vào chỉ một bóng một mình thui thủi. Ngồi quay sa một mình chỉ còn nghe tiếng sa kêu đều đều của mình mà thôi. Bên ngoài cái khung cửi lạnh tanh không một tiếng động. Hôm qua, tự nhiên Nhụy chiêm bao thấy mẹ về, mẹ mặc áo mới, giở rèm bước vào, rồi ngồi lên khung cửi. Nhụy thấy mẹ lấy tay khêu cái tim bấc trên đĩa dầu… Nhụy nghe rõ tiếng con "ác gỗ" kêu ót ét và tiếng thoi đưa giần giật. Nhụy thấy lòng vui hẳn lên gọi mẹ… Nhưng đến khi tỉnh giấc, nhìn ra ngoài trời đã sáng bạch. Nhụy nghe có tiếng con chim khách kêu trên cây khế ngọt, nhìn về khung cửi, nhìn lên con "ác gỗ" thấy nó gục đầu xuống buồn thiu thỉu… Thì ra cái dây giật nó đứt từ hồi nào, đã buông chùng xuống, đong đưa theo gọn gió nhẹ thổi qua…

Nhụy nghĩ đến mẹ, nhớ thương không cầm được nước mắt. Rồi Nhụy nghĩ đến Luyện. Từ sau đám tang mẹ đến nay, không hiểu sao trong lòng thấy không muốn gặp Luyện… Có khi thấy bóng Luyện thấp thoáng đằng xa, Nhụy đã vội tìm cách tránh đi. Luyện đi đường thẳng thì Nhụy đi đường ngang, Luyện đi đường Chợ thì Nhụy quặt đường Đình. Hai nhà chỉ cách nhau cái giậu mà ngó như cách núi ngăn sông. Những đường lạt Luyện buộc hồi trước đến nay đã xổ hết rồi. Cũng không có bàn tay nào buộc lại cho Nhụy nữa… Nào phải vì Luyện muốn thế! Có lúc thấy bóng Nhụy đi qua dưới cây khế, Luyện toan gọi Nhụy lại, để nói hết với Nhụy tất cả ý nguyện và tính toán của mình, nhưng thấy Nhụy cố tình lẩn tránh thì Luyện cũng thôi…

Thật ra có lẽ chỉ vì Nhụy chẳng muốn phiền lòng ông Mởi mà thôi, chứ lòng mình thật ra đâu phải thế!

Một hôm tỉnh dậy bỗng nghe tiếng còi của Luyện, Nhụy thấy xôn xao cả người. Cũng vẫn cái tiếng còi giòn giã, xốc vác đó. Nhụy muốn nhảy ngay xuống đất, vớ lấy cái đòn xóc mà đuổi theo Luyện, nhưng Nhụy vẫn ngần ngại… Thế rồi đợi cho tiếng còi rúc ra xa đi, Nhụy mới bước khỏi nhà. Đến rừng, chân Nhụy cũng muốn lần tới những nơi rừng cũ. Nhưng khi đến gần tiếng còi của Luyện thì Nhụy lại lảng đi nơi khác. Chiều về Nhụy cố ra sớm hơn mọi lần. Đi qua giếng Mây, bỗng Nhụy dừng bước. Đặt gánh củi xuống, Nhụy định rửa cái mặt một chút… Giếng Mây chỉ là cái giếng thiên tạo, miệng giếng bằng cái "bung", nước trong leo lẻo như gương. Thường thường cũng như các cô gái trong làng đi củi về sớm, Nhụy ngừng lại đây để uống nước, nhìn vào cái giếng xem bóng những vì sao chiếu xuống hay kín đáo soi mặt mình. Nhụy vừa nhìn xuống giếng toan "bụm" hai bàn tay lại để múc nước thì chợt thấy gương mặt của mình. Từ ngày mẹ mất đến nay, Nhụy chẳng bao giờ soi mình vào nước… như những ngày còn mười lăm, mười sáu tuổi… Nốt ruồi lại hiện ra một cách bất ngờ, vì thực ra đã từ lâu Nhụy cũng không muốn nghĩ tới. Nhụy cau mặt khó chịu vội bụm hai bàn tay lại cúi xuống chao mạnh mặt nước rồi chắt một ít nước, dội vào mặt. Bỗng có tiếng gánh củi đặt xuống cái sạt, và tiếng chân người đến sau lưng. Nhụy có cảm giác như là Luyện đến bên mình, Nhụy vẫn không quay lại. Bỗng có tiếng nói:

− Tôi có điều muốn nói với Nhụy…

Nhuỵ đáp, giọng nói có vẻ lạnh lùng:

− Thì anh cứ nói đi!

Nhụy ngẩng lên, vẫn không quay nhìn người yêu… Nhưng chân Nhụy vẫn bước theo chân Luyện. Hai người đi vào giữa những hàng cây thông… Nhụy giục:

− Thì anh cứ nói đi…

Luyện nói luôn:

− Tôi cũng đã nghĩ kỹ rồi. Em cũng biết ở đây hai bên họ hàng chả ai nhận mình lấy nhau đâu. Bên thầy tôi thì không đã đành, mà bên chú Thìn cũng vậy… Tôi nghĩ chỉ có một cách… Tôi biết trên nguồn người ta có sở làm "củi thước" cho xe lửa. Người ta làm khoán, làm được bao nhiêu mình vác xuống chân núi, có người đến đo. Hay là chúng ta trốn đến đó?...

Nhuỵ hỏi lại:

− Thế anh tưởng lên đó mà thoát được à?...

− Không, anh đã có thẻ sưu trong mình, chúng mình nhận nhau là vợ chồng, chúng mình trốn lên đấy ai biết đâu mà tìm…

Thật ra không phải Nhụy chỉ sợ người ta bắt về, mà ý Nhụy nghĩ rằng: Ở đâu thì cũng như ở đây thôi, cũng không sao tránh được số mạng. Càng thương Luyện, Nhụy lại càng muốn cho người yêu tránh khỏi tai hoạ. Nhụy lựa lời khuyên Luyện:

− Thôi anh đừng nghĩ đến việc trốn thoát nữa. Em không thể nào đi được đâu. Và anh cũng nên nghĩ đến cảnh nhà anh. Thầy anh cũng đã già, chỉ có một mình anh là con. Anh nỡ nào ra đi cho đành?...

− Không! Lòng anh đã quyết…

− Anh nên nghĩ lại, em không đi đâu! Thôi anh đừng nghĩ đến em nữa! Anh nên nghe theo lời thầy… Em nghĩ rằng… anh với chị Cam, có lẽ hợp số hợp duyên hơn em… Lòng em thật thà như vậy… Anh nghĩ cho…

− Không! Anh không lấy ai hết! Không lấy được em thì anh sẽ ở vậy suốt đời… Anh thề có…

− Anh đừng thề… Em về đây!

Nhụy chạy lại xóc gánh củi lên vai, dứt ra về…

Luyện còn trông theo… Chẳng biết phân sao cho ra manh mối, Luyện bỗng lấy cái tù và ra thổi một hồi, đảo điên cả trời đất…

Có lẽ hôm nay nghe tiếng còi của Luyện, Nhụy càng hiểu nỗi lòng điên đảo của người yêu…

 

***

 

Cuộc đời của Nhụy lại cứ thế mà trôi xuôi! Trời tạnh ráo thì vào rừng đốn củi, nhưng tiết đông tháng giá, một bữa đi thì năm bảy ngày nghỉ. Chỉ trông vào nghề canh cửi. Nhưng lưng vốn trên khung còn được vài chục thước vải, thì đã phải xé đi mươi thước để tang cho mẹ rồi. Một hôm Nhụy nảy ra một ý nghĩ: Một thân một mình vừa kéo sợi vừa dệt cửi, dệt thì không kéo được, kéo thì bỏ dệt. Ngày xưa còn mẹ thì Nhụy chỉ kéo mà thôi. Nhưng bây giờ người không còn nữa, cái khung cửi có lẽ phải bỏ không… Nhụy tự nghĩ, hay là ta cứ kéo sợi không để bán cho người ta… còn cái khung cửi thì bán đi bỏ thêm vốn…

Ý nghĩ ấy thực ra ông chánh đã đón trước rồi. Mỗi lần đi qua nhà Nhụy không nghe tiếng giần giật của khung cửi ông cũng chạnh lòng. Chả thế có lần ông đã bàn với chú Thìn: "Tội nghiệp! Từ ngày chị ấy qua đời, một thân một mình cháu nó làm ăn vất vả… Cai khung cửi cứ để không, thế cũng phí… Hay là bảo cháu nó khiêng vào nhà tôi mà để, lúc nào "sợi lên do" thì nó cứ vào nhà nó dệt, bỏ không thế này, phên rách gió tạt, mối nó ăn mất".

Kể thì căn nhà lạnh tanh như thế này thì mối nó không ăn, gỗ nó cũng mục mất. Chú Thìn nói: Gửi vào nhà cụ chánh thì chắc như vàng trong rương, chẳng sợ mất đâu hết, nhà ta có phước mới lại gặp cụ chánh đấy cháu ạ!

Chú Thìn cũng là người tốt bụng, quả lòng cũng chỉ vì thương cháu… Thật ra câu nói của chú Thìn đã làm cho Nhụy hơi ngại. Nàng nhớ đến cái cỗ quan ông chánh bỏ ra cho mẹ, vốn là người con hiếu thảo, sao nỡ quên ơn người! Nhụy tự nghĩ: Giá ông ấy không thương mà trừ khéo cái nợ cỗ quan thì mình cũng vui lòng! Cũng là đền đáp được công lao sinh thành…

Thế rồi Nhụy đành khiêng cái khung cửi vào nhà ông chánh. Hôm khiêng không phải là Nhụy không luyến tiếc. Cái khung cửi là do nước mắt mồ hôi của mẹ của bà để lại, khi lớn lên Nhụy đã được thấy cái khung cửi trong nhà rồi. Cái khung cửi đã sinh ra trước Nhụy lâu lắm. Có thể nó cũng đã thấm mồ hôi của bà nội Nhụy nữa đấy. Dứt nó ra, cũng như dứt từ trong khúc ruột. Cũng may hôm khiêng nó đi có nhà anh nhạc Trữ khiêng giúp một tay. Cái anh thợ kèn này sao mà vui tính quá, lúc nào cũng đùa được… Ấy thế mà anh tốt bụng lắm đấy. Nhụy nhớ rõ hôm đưa đám mẹ, không ngờ anh cũng rủ được đủ bộ nhạc, để tới tống vong linh mẹ… Sáng hôm ấy đang chờ một tay để nhờ khiêng hộ cái khung cửi thì nghe tiếng anh ở đồng về, vừa đi qua. Nghe tiếng anh, Nhụy gọi: "Có phải anh Trữ vào giúp một tay nào?" Anh vội vàng chạy vào, chân bước, miệng hỏi: "Khiêng cái khung cửi à? Khiêng đi đâu tôi khiêng dùm!" Nhụy đáp: "Khiêng vào nhà ông chánh Giáo kẻo sợ mối ăn mất!" Bỗng anh thợ kèn phì cười chêm một câu bông đùa: "Tưởng khiêng đi đâu chứ tôi biết khiêng vào nhà ông chánh, thì tôi chạy về nhà lấy cái kèn thổi cho nó một bài đưa linh…" Vì nhạc Trữ biết nó vào nhà ông chánh thì chẳng bao giờ nó trở về nữa đâu, nó "bước" rồi đấy!...

Quả tình hôm đó khiêng cái khung cửi đi chẳng khác nào khiêng một linh cữu.

 

***

 

Sự đời mỉa mai… Cái khung cửi vào nhà ông chánh trước rồi dần dà Nhụy cũng bước vào theo…

Ông chánh quả thật là đắc ý. Chỉ cái việc bỏ ra một cái cỗ quan giúp cho mẹ Nhụy, ấy thế mà rồi lãi to đấy, và cũng chẳng mất đi đâu… Đến cái khung cửi bây giờ cũng mang vào gửi cho mình đấy… Không gửi cho mình thì còn gửi cho ai nữa?

Cứ một lần như thế là y như thắt thêm một buộc, cột cái đời Nhụy vào cửa nhà mình… Cái khung cửi đi trước rồi thì Nhụy cũng bước theo sau thôi… Ông chánh xưa nay âm mưu gì lại chẳng thành được. Nhớ cái hôm nghe tin Nhụy có tình ý với Luyện, lão tức uất lên. Vừa lúc gặp lão khoá Niên đi qua, lão gọi vào nhà, mở chai rượu nếp, nướng con mực khô, hết chén này rót chén khác, đãi khoá Niên như là đãi khách quý, lão chỉ xa xôi gợi ý một chút, thế mà khoá Niên cảm hứng lên làm ngay tại chỗ một bài vè vè câu chuyện "thương phu trích lệ"… Lão nói: "Kể làm vè mà đến như tay chú thì cả hàng tổng này cũng không ai sánh kịp". Thế là mấy hôm sau vè đã truyền đi khắp làng, có ngờ đâu chỉ mấy chén rượu thôi, mà đẻ ra được một bản án ghê người…

Lão sung sướng nghĩ đến Luyện… Ông Mởi vốn là người đã sợ con mình vấp phải ách đó, thì cái vè kia như bồi thêm một nhát nữa, khiến cho ông càng không dám nghĩ đến cái việc sui gia với nhà bác Tá… Hỏi thử trong làng này còn ai dám nghĩ tới? Như con cá chặn ngược chặn xuôi, chỉ có một nước là phải rúc vào cái nò của lão chánh mà thôi… Thể nào mà Nhụy chẳng sa vào nhà lão?...

Biết bà chánh vốn là người tham công tiếc việc, cũng rất thèm muốn cái Nhụy, một hôm lão nửa đùa nửa thật nói với vợ: "Giá nhà mình được có một người như cái Nhụy hầu hạ đỡ đần cho bà công việc trong ngoài, thì cũng là hay đấy!" Bà chánh nguýt chồng một cái:

− Hay là để tôi mua nó về cho ông? Nói hầu hạ ông thì phải hơn?...

− Bà tính tôi năm, sáu mươi tuổi rồi, tôi còn thiết cái gì nữa… Cũng chỉ như là để trói chân nó lại thôi.

Bà chánh hỏi lại:

− Thế thì ông không sợ cái số nó à?

Ông chánh cười khà khà, xoăn xoăn cái râu mép nói

− Thằng này mà còn sợ à? Mình ơn vua có, lộc nước có… Thê có thiếp có… Số con bé đó mà vật được cái tướng tinh của tôi à? Nói vậy thôi, chứ bà có sợ thì ta cứ làm cho nó mấy tuần… thì ách nào mà chẳng giải được…

− Thế ông định lấy nó thật đấy à?

− Lấy cũng là lấy cho bà, chứ tôi thì cũng chẳng thiết gì!

Thực ra ông chánh cũng rất hiểu cái thâm tâm của người vợ cả: Bà lấy ông thủa mười lăm, mười bảy đến nay cũng trên ba mươi năm rồi… Đường tử tức cũng hiếm hoi… Cực chẳng đã, bà phải cưới cho ông người vợ lẽ. Bà này cũng được cái sồn con, lấy ông năm năm thì đã được ba đứa, một trai hai gái… Nhưng khi đẻ được đứa con trai thì nằng nặc đòi ra ở riêng… Bây giờ ông chánh cũng đã tạo cho bà này một cái "giang sơn"… Thực ra bà cả cũng ức về cái việc bà hai lên nước với mình… Chả phải có lần bà đã gào lên với thiên hạ: "Để tôi cưới cho ông chánh một một người hầu non nữa, xem nó còn được ngồi trên sập vàng mà lên nước với tôi nữa không?" Ông chánh biết thâm ý vợ xưa nay vẫn muốn có một người hầu ăn cánh với mình thì cũng là bẩy được cái bà hai đi, cho nên vẫn làm bộ chần chừ… Như không thiết gì lắm, ông nói:

− Nói vậy cũng để bụng thôi… Bây giờ mẹ nó mới nằm xuống, mình nói ra thiên hạ người ta lại chẳng chửi vào mặt cho ấy à? Thôi, thì cứ hẵng tạm cho nó về nhà mình trước đã. Sớm một ngày, được thêm một người làm việc cho mình, cũng là đỡ một ngày. Cứ vào nhà mình thì như cá bỏ chậu, muốn bắt khi nào chả được…

Ông chánh đã đánh trúng ý bà… Bà vốn là người xưa nay tham công tham việc… cho nên cũng tán thành ý ông chánh.

Hôm sau ông chánh cho gọi chú Thìn lên nói với chú:

− Chị ấy thì nằm xuống rồi, một thân một mình côi cút tội nghiệp nó quá! Hay là chú bàn với cháu nó xem! Ở đấy cũng công cũng việc, vào đây cũng công cũng việc, muốn đi củi thì đi, muốn dệt vải thì dệt, muốn chăn vịt thì chăn, muốn cào cây cỏ, đánh luống khoai thì cũng tuỳ ý. Làm ăn cũng có lúc trở trời trái gió, có người nấu cho bát cháo, bỏ cho củ gừng… Chẳng hơn bây giờ, côi cút một mình, sống không ai biết, chết cũng chẳng ai hay…

Chú Thìn xuýt xoa hai tay nói với ông chánh:

− Ông không thương tới thì thôi, chứ ông đã có lòng thương cháu, thì để tôi bảo cháu!

Thật ra trước đây, chú Thìn cũng đã từng nghĩ như thế. Lòng chú bao giờ cũng mong cho cháu được yên thân… Thế rồi một hôm chú nói với Nhụy:

− Cháu nghĩ lại mà xem… Khi tối lửa tắt đèn, có nơi nương nơi tựa, không hơn bây giờ, cái tay làm không đủ hàm nhai, bữa không bữa có thất thường!...

Biết cháu chắc còn đương mắc mớ cái mối nọ chưa gỡ ra, chú khéo đưa lời:

− Cháu xem đấy! Bên nhà bác Mởi không phải là không tưởng không thương tới cháu. Ông ấy quý cháu lắm! Nhưng mà số không ưa, phận không đẹp… thôi thì biết làm thế nào? Cháu cứ dứt anh ấy ra, cũng là thương anh ấy đấy!...

Nhụy vẫn lẳng lặng cúi đầu không đáp… Nhớ đến cái buổi gặp cuối cùng ở giếng Mây, thật ra nàng cũng đã dứt lòng từ hôm đó. Còn như đối với ông chánh thì tiếng ong tiếng ve không phải là Nhụy không biết… Nhưng vốn là người hiếu thảo, nghĩ đến cái quan ông chánh bỏ ra cho mẹ, Nhụy chỉ mong sao trả cho hết cái nợ của người… Chú Thìn cũng nghĩ như Nhụy:

− Tùy cháu xử sao cho được, mẹ cháu bạc phước đã "về" đi, thì cũng đừng để cho ai động đến mẹ cháu…

Nhụy không muốn cưỡng lại số mạng nữa, mặc cho nó xoay đến đâu thì xoay, Nhụy đáp:

− Thôi thì cũng đành vậy! Ông chánh thương thì được nhờ, không thương thì chịu vậy! "Kéo trâu mà trả nợ cày, cầm bằng đi ở mùa này không công!"

Nhuỵ tự nghĩ: Thôi thì cũng phó thác cho đời, miễn là có chỗ chỗ tạm nương náu. Nước mắt Nhuỵ bỗng giàn giụa… Chú Thìn cũng kiếm lời an ủi:

− Việc gì cháu phải phiền muộn? Cái số mình đã thế, thì tìm vào chỗ phúc đức mà dựa, tìm núp dưới cái tướng tinh của người ta, cũng như thuyền gặp bão mà nương vào chỗ lòi chỗ hác, may ra cũng qua được bước ngặt nghèo… Vả ông chánh ông đã bảo chú: "Hẵng cứ vào nhà mà ở, rồi thì liệu rước thầy về dâng cho nó ba "tuần"… Biết đâu nhờ phúc đức nhà người ta, nhờ tiền của nhà người ta, mà ách kia cũng sẽ giải được!

Lòng đương đen tối bỗng câu nói của chú Thìn như rọi sáng hẳn lên. Nhụy nghĩ đến Luyện! Nghĩ đến ngày mai… Biết đâu nhờ phúc đức nhà người ta, nhờ tiền của nhà người ta… mà ách giải được… Lòng Nhụy bỗng lại dạt dào sung sướng.

Cũng không cần gặp Luyện nữa, ngay bữa sau, Nhụy thu xếp vào nhà ông chánh…

 

***

 

Vâng, Nhụy đã là người nhà ông chánh rồi…

Vẫn quen cái nết của mẹ hay lam hay làm… Được cái bà chánh cũng hết dạ thương yêu, luôn luôn tìm công  bày việc cho làm… những lúc đêm khuya, còn gọi lên đấm bóp… Có người làng vào chơi, bà lại chỉ vào Nhụy khen: "Con bé sao mà giống mẹ nó!... Cả một đời không điều tiếng gì với ai…"

Câu khen cũng làm cho Nhụy nở bụng. Nhụy nhớ rõ cả một đời mẹ Nhụy chỉ biết ngồi trên khung cửi, cam phận đói nghèo, chẳng hề điều tiếng với ai…

Nhụy ở nhà bà chánh cứ công cứ việc mà làm… Khi ra bà cho điếu thuốc, khi vô bà cho miếng trầu, cái bước chân đi tưởng cũng săn dòn hơn. Bà chánh cũng lại hết sức trau chuốt cho…

Một hôm bà chánh đi mua về một cái yếm vải phin cổ hồng điều rồi gọi Nhụy lên bắt Nhụy ướm thử… Nhụy cũng thấy ngượng nghịu, nhưng bà thì cứ khen lấy khen để. Bà nói đùa:

− Để hôm nào chị em mình qua chợ phiên chụp chung một cái ảnh…

Bà vợ hai của ông chánh bên nhà vừa qua chơi, nghe câu nói đó của bà chánh, thấy xốn xang trong bụng… Quay lại bà vợ lẽ, bà nói:

− Cả dì hai nó nữa, ba chị em ta chụp chung một cái…

Bà vợ hai nguýt một cái, nhổ bãi nước bọt không đáp. Bà cả tức lộn ruột lên nhưng cũng đấu dịu ngay…

Câu nói của bà cả làm cho Nhụy thật lòng cũng chẳng hiểu ra sao, nhưng cũng thấy ngợ ngàng khó chịu… Lòng Nhụy bây giờ chỉ ước mơ… làm sao nhờ phúc ấm nhà người ta, một "tuần" rồi hai "tuần", ba "tuần"… nhờ thầy mà ách kia giải được… Còn mình thì thân xác giữ sao cho tuyết sạch giá trong… để chóng tai qua nạn khỏi.

Thế rồi một hôm ông chánh đang nằm ở ghế tràng kỷ, gọi Nhụy mang cho cái vỏ lửa để châm thuốc. Nhuỵ đến gần, ông nhìn chòng chọc vào đôi má ửng hồng của Nhụy, nhìn vào nốt ruồi rồi tủm tỉm cười. Thấy Nhụy cúi đầu e thẹn thì lão nói:

− Có ách thì giải ách, việc gì mà phải lo…

Thế là ba hôm sau người ra rước thầy phù thuỷ về giải ách cho Nhụy, mà rước cho được cái ông thầy cả mới nghe! Cả ngày hôm ấy Nhụy như thấy nóng ruột gặp chị Tân, người ở già của lão chánh, Nhụy hỏi:

− Có ách giải được ách không chị?

Chị Tân vốn thật thà, nên nói với Nhụy:

− Không giải được thì ông chánh đã chịu mất xôi mất gà mời thầy về giải cho chị đó sao?

Chị Tân còn nói tiếp:

− Trong nhà này con đòi, đứa ở, chả ai được ông chánh quý như quý chị!

Câu nói của chị Tân làm cho Nhụy nghe cũng hơi chột dạ. Nhụy nửa mừng nửa lo…

… Trời đã chiều, Nhụy chỉ ăn vội một bát cơm rồi vội lẻn ra phía chuồng lợn. Trời sắp tối, Nhụy vội lấy một chút thuốc rọi, "rọi" lại hàm răng cho đen láy… Đã lâu Nhuỵ mới rọi lại như thế, soi mặt vào cái gương nhỏ Nhụy cảm thấy ngượng ngùng e thẹn. Trên đầu, ngôi sao hôm như rực sáng hẳn lên hơn mọi ngày. Trong nhà đã nghe rộn tiếng trống tiếng chuông của ông thầy phù thuỷ. Nhụy thấy xôn xao cả lòng cả dạ, đầu mày cuối mặt như nóng ran. Bỗng có tiếng gọi từ trong nhà:

− Nhụy đâu ra mà lễ đi con!

Tiếng gọi ngọt ngào của bà chánh, khác nào tiếng gọi của mẹ yêu… Nhụy vội vã chạy vào. Người ta chỉ đâu Nhụy ngồi đấy. Trên thì hương đèn sáng rực, dưới thì Nhụy cứ gục đầu lễ. Tiếng chuông tiếng trống như làm cho Nhụy say sưa không biết mình đã lễ bao nhiêu lễ rồi… Mãi đến khi bà chánh đỡ mình đứng dậy Nhụy mới thôi… Đoạn người ta bảo Nhụy vào giường nằm, người ta đắp lên cho Nhụy một chiếc chiếu hoa. Nghe tiếng chiêng tiếng trống và tiếng tụng, Nhụy biết ông thầy đang chạy quanh giường mình… Nhụy nghe tiếng khăn ấn của ông thầy đập phành phạch và mỗi tiếng "huy, phà" thì người ta lại vứt vào chiếu từng nắm muối… Sáng hôm sau Nhụy dậy sớm, nhẹ nhàng cả người, mặt nở tươi như cái hoa ông bụt, tưởng chừng như cái nốt ruồi ở trên má đã bay đi mất rồi. Nhụy tự nghĩ: "Cái cuộc đời của mình có lẽ từ nay sẽ thay đổi!" Nhụy sung sướng nghĩ đến Luyện… Bỗng thấy bóng bà chánh đi lại, tươi cười nói với Nhụy:

− Cố chăm chỉ làm ăn, rồi mời thày cúng cho vài "tuần sao" nữa là tai qua nạn khỏi thôi…

Nhuỵ sực nhớ ra, thì ra còn những mấy "tuần" nữa cơ!

 

***

Thế rồi một hôm bà chánh gọi Nhụy đến đấm bóp cho bà như thường lệ… Bà nói chuyện với Nhụy về bà hai, nào là: Con người tốt mã như thế mà chẳng lo ăn lo làm… Việc đồng áng thì phó cho tôi tớ, ngồi trên giường mà chỉ tay năm ngón, nào là con thì đứa sấp đứa ngã, mẹ thì đi chợ lê la hết quán này sang quán nọ tối ngày mới về…

Thật ra những lời bà nói, Nhụy chỉ nghe một cách chểnh mảng. Nhụy nghĩ đến thân phận của mình. Nhụy nghĩ đến Luyện…

Luyện từ sau buổi gặp Nhuỵ ở giếng Mây, thì cách mấy hôm Luyện rủ mấy người nữa đi lên nguồn làm một chuyến đò mây về bán chợ phiên…

Có phải Luyện vì giận Nhụy mà đi nguồn không? Nhụy tự nghĩ: Mình cứ chịu thương chịu khó ở với người ta mà giải cho hết ách, thì rồi anh ấy cũng không nỡ giận nữa đâu!

Thế rồi, cả ngày công việc nặng nhọc, Nhụy ngủ thiếp đi mất. Giá lúc khác thì bà chánh đã gọi dậy nhét vào tay một miếng trầu để cho tỉnh mà đấm bóp cho bà. Nhưng lần này bà lén dậy, tắt đèn bước ra chỗ khác… Trong nháy mắt có bóng người tiến vào.

Nhụy thấy có bàn tay vừa đụng đến tay mình. Nhụy giật mình tỉnh dậy. Nhụy tri hô lên. Bà chánh bước vào. Ông chánh giữ lấy hai tay Nhụy, còn bà chánh thì lấy khăn nhét vào mồm. Bà nói:

− Nửa đêm không dưng lại đến buồng này! Gái đĩ già mồm. Mày có im không, bà hô lên cho tôi tớ nó tới nó cho một trận bây giờ?

Thật ra Nhụy cũng chẳng đủ can đảm để mà hô hoán lên nữa. Cuộc đời tai ngược đến thế, làm cho Nhụy sần sượng cả tim gan. Thằng chánh Giáo nó không nói không rằng mà chính nó là con hổ thật… Có phải nó định lấy Nhụy làm vợ lẽ… nhưng vì thấy Nhụy còn nặng tình với Luyện, nên bàn mưu với vợ muốn đặt Nhụy vào trước sự đã rồi, không lấy không được. Bây giờ nó đứng trong chỗ nửa tối nửa sáng hiện nguyên hình…

Thế mà bấy lâu Nhụy có biết đâu mình gửi thân nơi hang hổ! Thôi, có thân thì phải liệu…

Hôm sau Nhụy không dám rỉ tai với ai. Tôi tớ trong nhà, xóm làng cũng chẳng ai xì xào. Mọi sự trong nhà lão chánh lại lặng lẽ êm đềm. Bà chánh lại sửa lễ lên chùa. Trong nhà lâu lâu chiêng trống phù thuỷ lại nổi lên làm lễ "kỳ yên" như thường lệ… Mọi sự vẫn như xưa… Bà chánh vẫn gọi Nhụy lại khi cho miếng trầu, khi cho điếu thuốc… Miệng vẫn ngọt như đường, mà càng ngọt bao nhiêu… càng thấy ghê lạnh…

 

***

Một buổi sớm Nhuỵ đi ra phía đống rơm. Chị Tân đương ngồi nói chuyện với anh Tiền, hai người này vốn rất thân với Nhụy… Thấy Nhụy đi tới, hai người im hẳn… Nhụy thấy khổ tâm… Có thể là chuyện âm mưu của thằng chánh Giáo đã lộ ra ngoài rồi chăng?...

Thật ra từ hôm xảy ra chuyện thằng chánh Giáo toan hiếp mình, luôn luôn Nhụy thấy ngồi đứng không yên… Nghe tiếng còi của phường củi Nhụy thấy nóng cả gan ruột. Chị cầm đòn xóc chạy vào rừng, đốn hối đốn hả rồi vào ngồi một góc rừng khóc. Nhụy muốn gặp Luyện. Nhưng đi củi về đến gốc đa, thấy Luyện ngồi nghỉ chân ở đó thì Nhụy đi thẳng. Chị không thể nào mà mang hết chuyện ra mà nói với Luyện, mà để bụng thì như lửa cháy âm ỷ trong người… Chị tìm đến chú Thìn, gặp ông "thầy phù thuỷ" cũng ở trong nhà chú Thìn bước ra. Thấy Nhụy, ông thầy vồn vã nói:

− Tôi vừa nói với chú Thìn đấy! Nhà chị không tốt phúc thì không dễ mà sa vào cửa nhà cụ chánh được…

Rồi hắn nhìn trân trân vào mặt Nhụy mà nói:

− Cái tướng của o, độ này cứ phơn phởn trông thấy.

Nhuỵ thấy chua chát quá. Lòng chị đương nát như tương, mà cái lão phù thuỷ lại bô bô nói lên:

− Tôi đã nói không đến cửa Thánh thì thôi, chứ đã đến cửa ngài thì thế nào cũng tai qua nạn khỏi… Gắng ở với người ta, xin người ta sửa thêm cho vài "tuần" nữa, giải hẳn ách cho là tha hồ muốn lấy ai thì lấy!

 Lão đùa:

− Lấy được chồng tốt đừng quên cái công lao của thầy nhá!

Rõ sốt ruột! Nhụy chỉ muốn vung vào mặt lão phù thuỷ. Dù sao cái điều ông thầy nói vẫn làm cho Nhụy suy nghĩ…

Chú Thìn đương ngồi chẻ lạt đánh tranh, ngẩng lên thấy Nhụy bước vào, chú mừng quá, gọi tíu tít:

− Thím nó đâu? Cháu nó về đấy!

Thím Thìn đi ra đồng vắng rồi. Chú chỉ nhớ đến việc ông chánh đã sửa tuần giải ách cho cháu, lòng chú đầy sung sướng… Ngồi vót lạt chú vẫn không nhìn Nhụy, chú hả hê nói với Nhụy:

− Đấy! Cháu ngẫm lời chú nói với cháu có sai đâu! Cứ khéo ăn khéo ở thì ông chánh có tiếc gì với cháu đâu… Dầu còn mấy "tuần" nữa, rồi ông cũng "sửa" cho hết. Chú bảo với cháu là phước nhà ta to lắm! Thế nào cháu cũng tai qua nạn khỏi…

Không nghe có tiếng đáp của Nhụy, chú ngẩng lên. Thì ra Nhụy đương ngồi bệt xuống đất, lưng tựa vào phên và nước mắt giàn giụa. Chú hỏi hốt hoảng, tưởng chừng như một tai hoạ gì sắp xảy đến:

− Cái gì thế, hở cháu?

Nhuỵ vẫn không nói được với chú. Chú lại hỏi dồn:

− Cái gì thì cháu nói, việc gì mà cháu cứ khóc thế?

Cuối cùng, Nhụy đã phải nói với chú Thìn cả sự thật ở nhà lão chánh. Chú nghe xong ngẩn người ra một lúc, nhưng lại vui vẻ bình tĩnh khuyên cháu:

− Thì cũng là vận hạn con chưa hết đấy thôi! Vả được ông chánh để ý cũng là phúc đức cho nhà ta đấy cháu ạ!

Nhụy nghe nói uất cả người lên, chị lại ôm mặt khóc… Cũng không biết nói gì hơn… Nhụy lại trở về nhà lão chánh Giáo, cũng như rúc vào cái số phận mình, dần dần rồi sẽ tìm cách nói thẳng với Luyện…

 

***

 

 Một hôm trời rét tháng hai, như thường lệ Nhụy đi chăn vịt về. Hôm nay lão chánh ra tận chuồng đếm, nó cầm gậy rẽ từng con… Bỗng nó hô lên là thiếu mất một cặp vịt. Giọng nói của lão chánh ngọt ngào:

− Con chịu khó đi tìm cho ra, rồi về mau mà ăn cơm!

Tiếng nói của lão có vẻ dịu dàng, nhưng làm cho Nhụy kinh sợ vô cùng. Càng dịu dàng càng ngọt ngào càng như dao cắt.

Trời tối, gió rét, bụng đói, ruộng đầm mênh mông tìm đâu cho ra vịt. Nhụy băng hết đầm này qua đầm khác. Bóng tối đã kéo dày, chân đã mệt lả, Nhụy đã đến trước mả của mẹ mà không biết…

Mẹ nằm xuống đến nay… Cỏ đã mọc xanh rồi… Nhuỵ cúi gục xuống mộ, hai tay níu chặt hai bụi cỏ, Nhụy oà lên khóc:

− Sống khôn thác thiêng, mẹ về mà dẫn dắt con ra khỏi hang hùm nọc rắn…

Ngẩng lên, sao trên đầu đã dày đặc… Hai con vịt biết tìm đâu cho ra nội trong đêm nay… Rồi bụng đói mắt đã mờ đi… Nhụy không suy nghĩ gì nữa, chân dẫn tới đâu thời bước tới đó… Bỗng hiện ra cái miếu thờ ông thần Đất… Cứ núp vào đấy… núp vào đấy đã rồi muốn ra sao thì ra… Nhụy chạy một hơi tới miếu, ngồi vào một xó, dựa vào tường rêu…

… Vài cánh dơi bị động bay tung toé… Có con như chẳng biết Nhụy ngồi đấy bay sướt tận mặt!

Ngồi trong miếu được một lúc, Nhụy chợt thấy đằng xa có ánh đèn… Ánh đèn mỗi lúc một gần, hình như từ xa đã thấy được chỗ núp của Nhụy và như thế cứ nhắm mà đi tới. Nhụy chỉ muốn thu mình lại như một con muỗi con, cái miếu ông thần Đất sao thấy nhỏ quá! Nhụy toan vùng ra chạy! Biết đâu chẳng phải là đèn lão chánh Giáo đi tìm mình! Nó đến đây ở đây lại một mình mình với nó. Chị tự nghĩ: "Thôi chả chạy đâu hết…" Chị không co vào nữa, lưng dựa vào tường, quắp hai chân lại sẵn sàng chờ nó đến gần… Đèn đã đến gần, Nhụy nhìn được rõ dáng đi, trông rõ được tầm người… Hú vía!... Không phải là thằng chánh Giáo… Thì ra từ hồi chiều anh Luyện cũng đã nghe trong xóm nói chuyện lão chánh kêu mất vịt, bắt Nhụy phải đi tìm cho được. Vịt biết có mất không, thế mà trời lạnh, bụng đói, nó đày đoạ người ta… Luyện nghe uất cả ruột, ăn xong, anh ra đứng ở mâm đường, trời tối mà chẳng thấy Nhụy về qua! Luyện nóng ruột, một mình cầm cái gậy ra đi tìm Nhụy… Đi hết đầm, vào ruộng cũng không thấy Nhụy đâu cả. Cũng không hiểu trời xui đất khiến thế nào, lúc ra về không đi qua lối Đình mà Luyện lại tạt qua ngả miếu ông Đất.

Anh đã đến gần. Biết rõ là Luyện, Nhụy cảm động sung sướng quá, bất giác thở ra một cái thật mạnh. Nghe tiếng thở đoán chắc là Nhụy, Luyện rọi đèn về phía Nhụy và hỏi:

− Em đấy Nhuỵ?

Nhuỵ giọng trìu mến đáp:

− Vâng…

Cầm lấy bàn tay của Nhụy, bàn tay buốt như giá, Luyện nói với Nhụy:

− Thôi em ngồi đây một lát anh trở lại!

Luyện chạy về nhà ôm một ôm rơm đến. Luyện giải ra rồi kéo Nhụy ngồi. Đoạn Luyện đưa cho Nhụy mấy củ khoai:

− Ăn đi cho ấm bụng!

Nhụy hỏi:

− Khoai đâu mà sẵn thế!

− Khoai bới mai đi rừng sớm.

Trong giọng nói trao gửi nhau trong đêm vắng, sao như từ trong gan ruột mà ra…

− Anh ngồi xuống đây!

Luyện cởi áo, choàng thêm cho Nhụy rồi ngồi lại bên người yêu, Nhụy không do dự nữa, chị kể lại những việc đã xảy ra cho Luyện nghe. Luyện nghe xong, như có cái gì đè lên ngực…

Mây đen trên trời đã tan dần… Sao con vịt đã chếch đầu xuống sông Ngân… Hai người cùng nhìn sao, mỗi người theo một ý… Không biết Luyện nghĩ những gì, Nhụy chỉ nghe tiếng thở dài của người yêu bên mái tóc… Chặp lâu, Nhụy mới nghe Luyện nói:

− Thì cứ lên nguồn lên troóc mà làm ăn… Đi đâu cũng được, miễn là đi ra khỏi chốn này… Trời còn cho mạnh hai bàn chân, chắc trời không nỡ hại… Ngọn rau hạt muối có nhau…

Bát nước quá đầy, một cái đụng nhẹ là trào ra… Nhụy quá đau xót, nước mắt giàn giụa không sao ngăn được.

− Không, không được đâu anh ạ! Đi đâu cũng thế thôi… Cũng không sao thoát khỏi!...

Như hạt muối trong nước, Nhụy tan dần trong đau khổ, đầu ngả vào vai người yêu lúc nào không biết…

Một cơn gió lạnh từ ngoài đầm thổi vào… Trong hơi rơm ấm đêm khuya… hai người lặng lẽ nhìn lên trời sao…

Ngay đêm đó… Nhuỵ gửi thân cho Luyện…

 

***

 

Trở về nhà lão chánh, Nhụy vẫn chưa nghe người ta hỏi gì thêm về chuyện mất vịt. Chị Tân cho hay là người ta đã dò la biết được việc Nhụy với Luyện… Thôi cũng chỉ có một cách là bưng tai cúi đầu làm ăn…

Cứ một ngày hai gánh củi, gánh nào cũng nặng oặt cả đòn xóc. Con mẹ chánh không nói gì nhưng liếc nhìn như xét từng lẻ củi.

Tại sao người ta vẫn im không nói gì? Cái án của Nhụy hình như người ta muốn treo lơ lủng như thế. Chú Thìn cũng không thấy bén mảng đến. Việc "sửa" thêm một "tuần" giải ách nữa cũng không nghe người ta nhắc tới. Nhưng trong mình Nhụy thì bắt đầu có sự đổi khác. Nhụy đã thụ thai rồi chăng? Thật không ngờ đã sớm mang trong mình giọt máu của người yêu… Nỗi mừng không kéo lại được lòng lo ngại:

− … Dù sao anh ấy cũng là chồng mình!...

Rồi, nghĩ đến cái nốt ruồi, nghĩ đến cái số mạng của mình, rồi càng nghĩ lại càng thương ai!

Mấy đêm liền Nhụy trằn trọc không ngủ được… Nhụy chưa muốn nói với Luyện và trong nhà lão chánh vẫn chưa ai nói đến tận tai mình… Thế mà trong làng ngoài xóm người ta đã chào xáo lên rồi… Nhờ đến chuyện hai anh ả trong ruộng bắp ngày nọ, trai làng nghĩ là Nhụy đã có mang với Luyện. Có người nói: Không hắn thì ai nữa! Có kẻ ra vẻ hiểu biết hơn: Biết đâu tiếng thì mình chịu mà miếng thì người khác xơi!

Người khác đó, không ai dám nói tên ra, nhưng cũng đổ là lão chánh Giáo!

Hoạch cũng vừa dắt trâu đi ngang qua, nói xen vào:

− Ai không biết, chứ lệ làng thì trước hết ở đâu, bày vạ đấy!

Hoạch nói đúng, vì theo lệ làng: Xưng ai thì vạ nấy, nếu không xưng thì vạ cha mẹ, cha mẹ chết thì cứ ai nuôi người ấy phải chịu. Ít ra cũng mười lăm quan với năm nghìn viên gạch. Hoạch cười ha hả:

− Phen này cái đoạn đường từ mâm đường ông Bảng ra chợ… Thế nào thì trâu cũng được đi đường gạch…

Đoạn Hoạch vỗ vào lưng trâu nói:

− Phởn trâu nhá! Thằng ngồi trên lưng trâu cũng phởn đấy…

Rồi anh lại nói tiếp với trâu:

− Chuyến này tu mấy đời mới lại được đi đường gạch ông chánh đây trâu nhỉ?

Câu nói bướng bỉnh của Hoạch làm cho cả bọn trai làng sợ đến tai ông chánh bèn tản ngay mỗi người đi một ngả. Hoạch nhảy lên lưng trâu về. Hoạch xưa nay vẫn thế, trong làng có tiếng là bạo ăn bạo nói. Hôm nay nghĩ đến cái điều mà phen này làng ngả vạ được ông chánh thì thật là "hảo a"… "hảo a"… Hoạch vốn là tay hát tuồng, luôn mồm Hoạch làm một câu khách, một câu nam… đến đầu giếng xóm lên ngay bài "tẩu mã". Ngồi trên lưng trâu mà hát bài "tẩu mã" thì thú thật, tưởng chừng ngồi trên lưng ngựa Xích Thố. Hoạch vốn là người vui tính, thích hát tuồng, mỗi lần hát vang lên cả xóm là y như trong bụng có cái gì khoái lắm!...

Cái việc Luyện và Nhụy tình ý với nhau, không phải là Hoạch không biết, nhưng cái điều Hoạch không ngờ… là Nhụy có chửa với Luyện… Thực hư thế nào hẵng hay, bây giờ phải làm cho lão chánh một mẻ đã, mới nghe, ít ra lão cũng phải xuất tiền mua cho làng năm nghìn viên gạch lót đường, nộp cho làng mười lăm quan…

Hôm đó, sau khi cho trâu vào ràn, Hoạch tới tìm Luyện. Hoạch hỏi ngay:

− Đằng ấy biết chuyện chưa?

− Chuyện gì mới được chứ?

− Người ta chào xáo ầm lên! Nhụy nó có chửa với chánh Giáo rồi đấy!

Luyện cúi đầu không đáp… Thấy vẻ lúng túng của Luyện, Hoạch nói:

− Việc ra sao sau này hẵng tính. Bây giờ nó ở nhà lão chánh, nó có chửa thì để cho làng ngả vạ lão chánh cái đã. Bảo Nhụy nghiến răng không thú cho ai hết… Có muốn khai thì khai cho lão chánh!...

Nói xong Hoạch ngoảy lưng biến mất…

Luyện tự nghĩ: Sao lại khai cho lão chánh? Chung quy chỉ khổ con mình vợ mình mà thôi! Nếu bố vẫn không chịu, ta cứ ra làng tự thú đi. Vợ mình, mình nhận, con mình, mình nuôi… Bỗng dưng cả nhà xum họp, như thế mà lại hoá hay đấy…

Thực ra Luyện nghĩ không hết, việc đời nào phải đơn giản thế… Nào phải cứ một việc ra thú đi, nhận vợ về là yên chuyện…

 

***

 

Từ ngày biết tin Nhụy có chửa thì vợ chồng lão chánh có chịu ngồi yên đâu. Chúng lồng lộn lên… trước hết là lão chánh cũng đổ rằng thằng nào có cái thâm ý làm cho Nhụy chửa, để tiện bề vu cho nó… Nó tự nghĩ: Không chừng việc xảy ra, đến tai quan mà sạch hết nghiệp… Không phải là nó không lo! Cho nên việc thứ nhất là nhân ngay giỗ bố nó, − mới hôm tiên thường (1) thôi, − nó đã mời cả lý Quần, phó Vệ tới nhà, đánh một bữa gỏi sinh cầm… Sẵn có hũ rượu nếp, ba người mềm môi… đánh mãi… Trong bữa rượu hắn không bàn gì với hai tên kia về ý định của hắn cả. Mãi đến khi tan tiệc, hai người ra về, thì hắn làm như không có chủ tâm gì trước, hắn nói với hai người kia:

− Bác Quần tôi xem rượu ngấm lắm rồi, ra gió là ngã đấy! Thôi, đi đâu mà vội… Ở đây ta ngả bàn tổ, mỗi người làm ít điếu là tỉnh như sáo cả thôi!...

Chả mấy khi mà cụ chánh khẩn khoản đến thế, hai người ở lại. Mỗi người sau độ dăm cặp, hai ông khách quả thực đã tỉnh như sáo. Bây giờ lão chánh mới đưa chuyện Nhụy ra nói… Thì ra cái mũi tên lão định bắn cả vào nhà ông Mởi, bố anh Luyện. Lão nói:

− Tôi đoán có sai đâu. Thằng Luyện định làm nó có chửa, toan đổ hoạ cho người khác đấy… Chuyến này làm cho bố con nó sáng mắt ra!

Rồi lão hạ giọng xuống:

− Con bò của lão Mởi cũng thừa để mà nộp vạ cho làng đấy. Thêm cái sào ruộng "nhất đẳng điền" ở cánh Diều cũng đủ cho ta chén một bữa no say… Hai bác nghĩ thế nào?

Ba thằng cùng gật gật với nhau, tưởng chừng như con bò tơ của ông Mởi đã hạ ngay trước mắt, và lý Quần đang sai mấy thằng xâu cắt bộ lòng mang ngay về nhà cụ chánh…

Tiễn đưa hai tên chánh, phó lý ra ngõ, lão chánh Giáo còn ghé tai nói thêm:

− Muốn việc chu toàn, trước hết hãy bắt thằng Hoạch đi phu đường cái đã. Cái thằng ngang ngược nhất ấy nó phá ngang đấy!

 

***

 

Một mặt con mẹ chánh lại gọi Nhụy lên dỗ:

− Con trót dại với ai thì con cứ nói đi… Con chẳng có tội vạ gì sất! Sau ngày xét ra phải đôi phải lứa thì mẹ cũng cho…

Toàn là những lời đường mật. Nhụy biết rằng càng ngọt thì càng chết. Nhụy chỉ lắc đầu, cúi mặt khóc rưng rức… Không phải là cảm động vì những lời đường mật của con mẹ chánh, mà cứ mỗi lần gợi đến chuyện đó thì Nhụy như đứt từng khúc ruột…   

Bà chánh thấy Nhụy khóc, thì nhích lại gần, đưa tay xoa đầu Nhụy và nói, làm ra vẻ thương tình:

− Khôn ba năm, dại một giờ… Thôi con có khóc thì việc cũng đã nhỡ rồi… Bây giờ chỉ khuyên con một điều là con trót dại với ai thì con cứ thú ra! Có phải thằng Luyện nó cám dỗ con thì con cứ nói đi!

Nghe đến tên Luyện, Nhụy không sao nén được lòng cảm xúc, khóc nức nở…

Bà chánh hỏi dồn:

− Có phải thằng Luyện thì con cứ nói, mẹ sẽ giấu đi cho… Rồi sẽ tìm cách thu xếp cho con… Xong… rồi, mình thì bụng mang dạ chửa… Còn chúng nó thì… nghề đàn ông… chúng nó bạc bẽo lắm, con cũng biết đấy… Xong rồi… nó đi đường nó, mình không lẽ ôm con ngồi mà khóc… Mình phải nắm lấy đường chuôi chứ!... Nhà nó không phải là không có miếng đất cắm dùi… Cũng bò, cũng ruộng như người ta… Con cứ khai ra… thì làng nước cũng không để cho con phải ẵm con đi ăn xin thiên hạ.

Nhuỵ uất cả người… Chị khóc đâu phải chỉ vì sợ Luyện bỏ mình… Chị đáp một câu thon lỏn:

− Con có tội thì con chỉ biết tội của con thôi!

Rồi chị vùng đứng lên đi ra chỗ khác. Con mẹ chánh nhìn theo nghiến răng trèo trẹo…

Ngày hôm đó Nhụy đi tìm cho được Luyện, nói rõ ý định của mình.

Nhụy nói với Luyện:

− Chuyện đôi ta là chuyện lâu dài… Nhưng bây giờ thì em thấy chúng nó đã bàn nhau ráo riết là để bắt tội anh nhằm chia nhau con bò của nhà anh…

Luyện hỏi lại:

− Thế em định thú với nó à?

− Thú hay không thú thì nó cũng kiếm chuyện với anh, với thầy anh mà thôi… làm cho anh khuynh gia bại sản…

− Khuynh gia, bại sản thì nhà anh cũng chẳng có gì mà khuynh với bại! Anh chỉ muốn hỏi em có định thú với nó hay không?

Nhụy cười đáp:

− Thú hay không rồi anh sẽ biết! Bây giờ thì em chỉ muốn anh tạm lánh đi một nơi…

− Không, anh không tránh đâu hết… Có tránh thì cũng phải nhận được vợ được con rồi muốn tránh đâu thì tránh… Mất bò nhưng còn người…

Nhụy đáp:

− Mà người cũng chẳng được yên đâu!

"Vợ chồng xum họp",− thực ra điều đó Nhụy không bao giờ nghĩ tới. Nhụy gạt ngay:

− Anh không nên nói liều thế!

− Không, anh không nói liều đâu! Anh nói thực đấy!

− Ai để cho anh ra nhận em! Thủa khi mẹ còn sống, không tai không tiếng gì mà còn không ai nhận em là vợ anh, huống nữa là bây giờ… Nói thế chứ, em cũng chả trách thầy anh đâu…

Nhụy không nén được sự đau xót… Đoạn lau nước mắt, Nhụy nói với Luyện:

− Cũng không phải riêng thầy anh, cả bà con họ hàng anh không muốn nhận em về… mà chính bọn nhà chánh Giáo cũng không để cho anh mần việc đó. Anh cũng phải mất đi con bò, chúng mới chịu buông tha cho… Mà em có về được nhà anh rồi tiếng bấc tiếng chì… em cũng không sống nổi… Thôi thì tránh voi chẳng xấu mặt nào!

− Em lại cứ nói thế!

− Anh nên cân nhắc điều hơn, lẽ thiệt… Nghe em, anh hãy tạm tránh đi một nơi… Một năm, năm bảy tháng, ở nhà phó mặc em chống chọi với chúng nó. Chúng làm tình làm tội gì em chịu được hết… Miễn là mẹ tròn con vuông, nhà anh còn giữ được con bò, sào ruộng… Thầy tuổi già còn nơi nương tựa…, khi anh về còn chút căn cơ… Thôi, em xin anh hãy nghe em… tạm tránh đi một nơi… Làng vừa có phường "đi côi", già lắm cũng mới đi được độ một ngày đường… Anh chạy theo người ta… Mình không có vốn, xin quảy gánh mang đỡ cho người ta, có được đồng tiền thuê nào thì dành dụm gây vốn… Một năm, năm bảy tháng lần mò anh về… cũng không muộn…

Luyện càng nghe càng thấm thía mọi sự Nhụy nói ra đều như có lý có tình… Không muốn cưỡng lại nữa, Luyện tự nghĩ: Hãy cứ tránh đi một độ xem sao… May ra trời đất phù hộ gây được chút vốn trở về… Ngày tháng qua, bố mình có hối cải lại… Việc rủi hoá may…

Nghĩ đến bố, Luyện càng thêm uất… Con người sao mà sắt đá đến thế! Luyện nhớ lại cái hôm, mình biết được chuyện Nhụy thụ thai với mình, Luyện mang ra bàn với bố, mong bố nghĩ lại mà mang Nhụy về nhà, thì bố nổi giận lên mà mắng chửi Luyện một thôi một hồi tưởng không sao đứng lên được…

… Nào là… "Con đào lỗ mà chôn bố đi cho khuất mắt, chứ việc đã ra thế này, mà thiên hạ người ta biết được, thì ra đường cũng không dám nhìn ai sửa mặt”… Nào là… "Mày coi lời bố mày chẳng ra sao nữa hết… Dao đây này! Mày chém bố mày một nhát rồi muốn làm gì hẵng làm…" Rồi thì ông Mởi vứt dao xuống, ôm mặt khóc… Ông còn nói: "Thế là mấy đời nay, cha ông mày tu nhân tích đức, nay mày đi nghe con nào đứa nào rước hoạ vào nhà, làm tình làm tội cha mày, làm nhơ nhuốc ông bà tổ tiên… Còn mẹ mày ở dưới suối vàng chuyến này chắc cũng được mở mày mở mặt… Mày có muốn nhận con mày vợ mày thì cứ nhận về rồi mang đi lên nguồn, lên troóc mà ở… Dâu nớ không phải là dâu tao! Cháu nớ cũng không phải là cháu tao! Con này cũng không phải là con tao nữa đâu!... Đi đâu thì đi! Đi đâu cho khuất mắt! Tao sung sướng lắm rồi! Mày đừng có báo hiếu bố mày nữa!..." Luyện tự nghĩ: "Ừ! Đã muốn tôi đi, thì tôi đi cho mà xem!"

Thực ra Luyện cũng biết ra đi như thế này không thể nào mà yên tâm được. Còn Nhụy cũng không tin tưởng gì những lời mình nói.

Tối hôm đó, Luyện trốn đi ngay. Trong đêm tối Nhụy tiễn người yêu một đoạn đường, Nhụy cố vui hỏi Luyện:

− Đẻ con trai thì anh đặt cho nó tên gì?

− Đẻ xong bồng về xin ông nội nó một cái tên… Chừng nào ông nó không chịu thì làng ta có núi Hòn Cù là cao nhất, em lấy tên "Cù" mà đặt cho nó… Trông như hòn cù, lăn đâu cũng cứ sống!

Tuy nói thế, anh vẫn hy vọng rằng thầy anh không lẽ nhẫn tâm đành đoạn bỏ hạt máu rơi… Anh nói với Nhụy:

− Anh đi rồi, anh sẽ viết thư về cho thầy… Chắc thầy cũng phải nghĩ lại… Và chuyến này mà trời phật phù hộ cho anh "sức gối, mạnh chân" làm ăn nên nổi, gây được cái vốn cỏn con, thì khi về không đến nỗi bà con làng xóm ngoảnh mặt đi… Em ở nhà yên tâm…

Luyện nói trước khi ra đi… cũng muốn tạo cho người yêu một triển vọng mai sau… và chính lòng anh cũng tin như thế! Còn Nhụy cũng cố gạt nước mắt nói cho Luyện yên tâm:

− Thôi, anh đi "sức gối, mạnh chân", em ở nhà cầu trời cầu phật mẹ tròn con vuông, một năm, năm bảy tháng anh lại về…

Đến cây đa đầu xóm thì Nhụy quay lại… Thực ra từ giây phút này, lòng chị mới thật là thấm thía cái tình nghĩa vợ chồng và tất cả nỗi đau xót biệt ly… Đường lên Xiêm lên Lào nghìn truông vạn suối gập ghềnh… Ngày đi biết có ngày về…

… Nhìn lên trời lại một trời sao dầy dặc…

 

***

Tin Luyện trốn đi làm cho lão chánh uất lên. Nhưng lão nghĩ, con đi thì còn bố. Ý lão muốn nói: Nó cũng không mang theo được con bò với sào ruộng, làng có ngả vạ thì bố nó còn phải nộp thay cho nó, và cũng đủ cung đốn cho bọn lý hào nhà nó.

Việc thứ nhất là bắt thằng Hoạch đi phu! Việc thứ hai là đuổi Nhụy ra khỏi nhà mình! Việc thứ ba là cho "xâu" giải con Nhụy ra đình để thú tội! Việc thứ tư là bắt đền ông Mởi!... Việc đã dàn ra thế cứ tuần tự mà làm.

Trong làng, trên thì lão chánh, dưới thì xã Quần, phó Vệ. Thằng Hoạch đi rồi còn ai vào đó mà dám chống, và việc này mười thằng Hoạch cũng không chống nổi.

Còn Nhụy, hôm nó đuổi khỏi nhà, nó còn mắng cho một trận: Một giờ cũng không cho ở. Một phút cũng không cho, bẩn nhà rác mắt!

Thật ra nó không muốn rồi đây xâu vào áp giải cái đứa chửa hoang trong nhà nó ra đình. Hôm đuổi Nhụy đi, một đồng công nó cũng không trả, cái khung cửi nó cũng trừ, cái yếm trong mình nó cũng lột lại. Nó chỉ còn để cho một bộ áo trong người. "Kéo trâu mà trả nợ cày… Cầm bằng đi ở mùa này không công!"

Thôi đành lại mò cua bắt ốc, vào rừng đốn củi mà nuôi thân… Có ngờ đâu về nhà mình được mấy hôm thì làng Mộc xảy ra một chuyện tày đình. Số là trước làng có một hòn lèn. Đá lèn xưa nay vẫn làm bia. Mấy anh thợ đá chỉ kêu đá rắn, chứ đời này qua đời nọ, chẳng xảy ra việc gì. Thế mà giữa năm nay dân làng đang làm ăn yên ổn, thì lèn bỗng nứt ra một rãnh lớn như tấm ngựa, lại dè lúc có chị Quýnh đi cắt cỏ về, rơi đúng vào lúc chị đi qua… Chị có chửa đã bảy tháng, cả mẹ lẫn con chết không kịp thở. Thế là khi không xảy ra án mạng, giữa lúc dân làng đang làm ăn vô sự.

Chồng chị Quýnh "cơi trầu, be rượu" xin lý Quần mang xác vợ về chôn cất. Lý Quần bảo:

− Tưởng là chết rồi thì muốn chôn lúc nào là chôn được à?

Thế là một mặt người ta dựng mấy tấm tranh che cái xác chết, một mặt người ta trình quan. Chết vì lèn đổ ai biết đó vào đâu. Mời quan về, quan khám cho rồi mới nói chuyện chôn, chứ quan chưa về thì thây có để thối ra đấy cũng mặc.

Nghe hai tiếng "quan về" dân làng xanh cả mặt. Rước được quan về không phải là việc chơi… Cách một hôm sau viên huyện Đông mới về được. Quan về từ mười giờ sáng… vẫn chưa thấy quan ra khám… Chỉ mất một bữa cơm quan cũng hết mất buổi rồi. Buổi trưa quan ngủ kéo dài đến hơn ba giờ. Lúc dậy quan cho chánh Giáo với bá Tính, bá Hậu được phép vào hầu mấy chầu tổ tôm. Trong lúc đó thì bọn kỳ hào khác, nhóm họp bàn cách "vi thiềng" với quan. Ngoài việc đón rước cơm nước, mỗi người dân phải đóng một quan. Dân làng cũng chẳng hiểu sao, lèn đổ người chết, mình lại phải nộp vạ như thế? Chỉ biết quan về, có thế nào quan mới chịu đi cho. Dân làng "vi thiềng" xong, quan mới cho thầy Thông Nhất ra khám xác chết, gọi cho có khám… Mãi gần chiều tối, quan mới đủng đỉnh đi ra cửa đình, nhìn về phía hòn lèn cao của làng, nói với lão chánh Giáo:

− Ngọn lèn cao nghều nghệu trông cheo leo dễ sợ quá… Không trách xảy ra án mạng…

Ngài lại lên ngựa về. Thế là vụ án mạng đã kết luận. Cả làng thở ra một cái "phèo".

Quan đi hôm trước thì hôm sau trong làng không biết có kẻ nào ăn phải đũa của chánh Giáo truyền đi cái câu: Từ đời ông đến đời cha, có bao giờ lèn đổ, thế mà nay lèn đổ chết người, là vì trong làng có người chửa hoang, thần làng quở đấy!

Thế là một truyền cho mười, mười truyền cho trăm. Cả làng trăm miệng một lời đều đổ cho Nhụy.

− Chính vì con đĩ này quan mới về! Không dưng quan về làm gì!...

Gặp Nhụy đâu người ta nguýt, người ta háy, có kẻ ác mồm gặp Nhụy, dí tay vào mặt chửi:

− Này, này con đĩ hại làng hại nước, mày có biết không?

Anh Luyện đi Lào rồi, anh Hoạch cũng đi phu rồi, còn cái anh nhạc Trữ, thấy Nhụy cũng có vẻ như muốn tránh đi. Thì ra nguyên do là hôm rước quan về, quan sức phải đưa cả phường bát âm lên tận cửa phủ rước ngài. Cơm đùm cơm nắm chờ ngài từ sáng. Đến trưa trật, ngài mới ra đi. Ngài đi ngựa, còn phường bát âm thì phải vừa thổi vừa chạy theo cho kịp ngựa. Trời nắng như đốt, anh nhạc Trữ vừa chạy vừa thổi, nhá cả lưỡi kèn mà không sao kịp ngựa, đã bị mấy chú lệ quát cho, về nhà lại ngả một trận sốt nên thân, phải uống luôn của nhà ông lang Biểu mấy thang thuốc mới khỏi… Chẳng kêu ai được… Rút cục cũng chỉ là đổ vào đầu Nhụy…

Nhụy thì không dám nhìn ai hỏi ai, ghé vào nhà ai… Sập rèm ngồi khóc, khóc cho chán lại vào rừng đốn củi hay xuống bến mò cua. Cho đến ngày, xâu vào nhà giải chị ra đình cho làng hỏi. Khi Nhụy đến thì các quan viên đã ngồi đầy cả nhà nhóm… Lí Quần hỏi:

− Mày dại với ai thì nói! Đứa nào dỗ mày thì làng phạt đứa ấy! Đánh thằng chạy đi không ai đánh thằng quay lại. Mày ăn năn thú tội làng tha cho.

Nhụy chỉ nói:

− Tôi chót chửa, làng tha tôi được nhờ, làng bắt tôi chịu…

Ông kiểm Trút nói:

− Bắt thằng có tóc chứ ai bắt thằng trọc đầu! Mày cứ thú đi!

Ông chánh Giáo thì ngọt ngào hơn:

− Con dại với ai thì con nói, vạ nộp xong, làng cho về với nhau!

Người ta chỉ muốn đẩy đến cho Nhụy phải khai ra anh Luyện. Nhụy chỉ nói:

− Tôi có tội thì làng cứ bắt tôi, chứ tội ai tôi chẳng biết!

 Lão phó Vệ không nén được giận, quát lên:

− Thế mày nói không nằm với ai, thì tự dưng mày muốn chửa là cứ chửa, muốn đẻ là cứ đẻ à? Bà Đất cũng phải nằm với ông Trời thì mới đẻ ra cái loài người này chứ!

Cả làng cười. Thằng lý Quần quát:

− Nói thế mà bà con cười được à! Cứ nọc ra! Không thú cũng mượn phải thú!

Hắn quay nói với bọn xâu:

− Xâu đâu! Chập roi lại quật cho nó một phen! Xem cái con của mẹ Tá này, nó to gan đến chừng nào cho biết!

 Nhuỵ nói:

− Tôi có tội thì các ngài trị tội tôi, chứ quyền gì kêu tên tục mẹ tôi ra!

− Gọi tên tục là may! Làm mẹ mà không biết dạy con người ta còn quật xác lên mà đánh nữa!

Uất quá, không nén được, Nhụy nói:

− Thân tôi đó, mạng tôi đó, các ngài làm thịt được các ngài cứ làm, không được động đến người đã chết!

Thế rồi người ta lại đưa Nhụy ra quật một hồi nữa. Trong đám dân làng ra xem, có người nói:

− Bụng mang dạ chửa! Người ta có phải là khúc gỗ mà muốn quật mấy thì quật!

Tiếng Nhụy kêu rên:

− Tôi có tội thì ngài hành tội tôi, chứ con tôi có tội gì! Vợ các ngài cũng còn chửa  còn đẻ, các người không sợ tội trời à?

Nhụy vừa nói vừa khóc la thảm thiết. Dân làng có người bỏ ra về. Bọn kỳ hào cũng đành chịu không có cách gì khác, cuối cùng là bàn với nhau, chiếu theo lệ làng, gái chửa hoang, đuổi ra khỏi làng.

Thế là người ta không cho Nhụy được ở lẫn với những người "lương thiện"… Các cụ kỳ hào phải bảo vệ "thuần phong mỹ tục" cho làng chứ!...

Nhụy phải đuổi ra ở riêng một mình một túp lều ngoài đồng. Những ngày tạnh ráo, Nhụy vào rừng đốn củi về bán. Nhưng bụng mang dạ chửa, một ngày ăn ba ngày nhịn, khi tối lửa tắt đèn cũng chẳng biết cậy nhờ ai… Cũng có lúc người ta vứt vào cho quả cà, củ sắn, cũng có lúc chống rèm ra, thấy rổ khoai để sẵn. Nhưng thực ra cũng chẳng ai dám đường hoàng trông nom, qua lại!... Như có một bóng đen theo dõi quanh lều… Chị cũng không ngờ cuộc đời lại cay cực đến thế!

Thật ra, có một lần, chị đương nằm trong lều, nghe tiếng củi đặt xuống ngoài cửa, kêu một tiếng "sạt". Chị ngẩng nhìn ra, thì thấy có gánh củi vừa đặt xuống, người gánh vội quay lưng đi ngay, như sợ thiên hạ có ai nhìn thấy… Chị nhìn theo… Bóng ai như ông Mởi… Quả dáng đi của ông Mởi… Chị tự nghĩ: Thế ra ông cũng còn biết nghĩ đến cháu ông nữa à?… Chị mỉm cười một cách chua chát… Rồi chị lại nghĩ đến Luyện… Giá trong lúc này còn Luyện ở nhà thì không đến nỗi. Nếu Luyện phải bỏ làng mà đi cũng chỉ vì quá nghe lời mình mà thôi… Bây giờ ngồi nhớ lại từng nét mặt nụ cười của Luyện, từng dáng đi, từng bộ điệu của Luyện, chị nhớ từng cây củi anh chặt…

Người ta thường nói: Người làm răng, lẻ săng làm vậy… Cây củi nào Luyện chặt cũng thẳng thiu, vững chắc. Chị tưởng được người như thế mà nương gửi được một đời thì sung sướng biết mấy. Thủa con gái mười lăm mười bảy tuổi, chưa biết lo nghĩ gì, gặp được người yêu như thế, ắt phải được như nguyện, ngờ đâu hôm nay bị đời đầy đoạ nằm đây một mình như một người hủi, còn Luyện thì quê người phiêu bạt không biết bao giờ mới trở về được. Mà có trở về được không? Rồi Nhụy lại tự nghĩ đến cái số mạng của mình. Như con chim sau trận bão, Nhụy thấy gì cũng lo sợ. Chỉ còn một an ủi: Trời đất phù hộ mình đẻ một đứa con trai mặt mũi tính nết cho giống hệt chồng, cũng là trọn đạo với chồng đấy!

… Trong lều con những ngày đau khổ, thiếu thốn nối tiếp qua… Một hôm Nhụy vừa ở rừng về vừa đặt gánh củi xuống, thì bỗng trời nổi cơn giông. Chị bắt đầu chuyển bụng, quằn quại một mình hai tay ghì lấy cái thanh chõng, mà nước mắt đầm đìa. Chị không đủ can đảm để kêu lên nữa… vì kêu lên cũng chẳng có ai nghe thấu…

Không bao giờ Nhụy thấy quanh mình có sự trống lạnh đến thế! Chị nghĩ đến mẹ. Cần một chút tình mẹ! Giá mẹ còn sống thì hôm nay cũng đã ngồi cạnh mình, để chờ đứa con đầu của mình…

Ngoài trời tối như mực. Gió lại thổi rít từng cơn, như muốn bưng cả cái lều của mình đi. Nhụy cố đưa tàn lực ngồi dậy nhen củi lên, muốn ngọn lửa đỏ cứ bốc sáng lên, bốc sáng lên cho cả làng đều biết… Rồi chị lại nằm xuống mệt lả không biết gì là đau khổ nữa, tưởng chừng như ngoài trời đen tối kia, có những bóng đen đi lại, những tiếng chân người chạy sàn sạt. Chị mê dần, cho đến lúc nghe có tiếng khóc oe oe… Chị mở mắt, tim đập mạnh… Chị đưa tay sờ tay con, rồi đặt con vào giữa lòng mình ôm ghì lấy con vào người. Bao nhiêu đau xót một lúc trút đi đâu hết… "Thằng Cù, thằng Cù của bố!" Lửa hãy bốc sáng hơn lên nữa, cho mẹ được thấy mặt con!... Nhưng một tay giữ con vào ngực, một tay chị buông lạnh. Chị vừa nhận ra, không phải là đứa con trai mà hằng mong đợi. Một đứa con gái ra đời. Chị cúi lấy một vỏ lửa, soi hẳn vào mặt con… vào tận mặt con… Chị vừa nhận thấy trên mặt đứa con gái mũm mĩm của mình, ở dưới mắt tay phải một nốt ruồi… một nốt ruồi như mình… Mồ hôi toát khắp cả mình, chị vứt cái vỏ lửa xuống và thở ra một cái thật mạnh. Chị nghĩ đến số phận của mẹ trước đây… Nghĩ đến số phận tàn bạo đang day dứt mình… Số phận của những người đàn bà… Chị nghĩ đến ngày sau… Nghĩ đến ngày sau rồi con chị cũng như thế…

Chị mệt lả. Trong nhà không có một chút hồ, chút cháo cầm hơi… Chỉ còn một nồi nước "lá vằng",  chị hái và đun từ mấy hôm trước. Chị uống vào một hơi để lấy sức nhưng uống xong, mắt chị bỗng toé ra, một lúc chị không còn thấy gì nữa,  ngoài cảnh đói khát và sự lạnh lùng ghê gớm xung quanh… Sự lạnh lùng toát ra ngay từ trong số phận của mình! Tất cả như bóp chết chút tin tưởng cỏn con còn lại trong người. Sự sống như sợi tơ mành, một động nhẹ, tưởng có thể làm đứt được…

Chị đã ngồi dậy, nhìn sảng sốt vào mặt con, rồi giữ chặt nó vào lòng. Chị đặt hai chân mình xuống đất lạnh rồi ôm con, chị đứng lên sững sờ như một cái thây chết!...

Trời đã tạnh hẳn, sao đã mọc đầy mà vẫn có cảm giác mưa vẫn đổ xuống như trút, gió lạnh ùa vào cả hai chân… Chị đã băng ra khỏi lều rồi. Chị tưởng mình đương băng giữa mưa, giữa gió… Một tay níu váy, một tay giữ chặt lấy đứa con, chị chạy ra phía bờ sông, rồi cứ như thế chị băng ra… Nước lạnh đến đầu gối, rồi nước lạnh đến thắt lưng, đến bụng. Chị đã ra đến giữa vời… Đứa con trên ngực lại khóc ré lên thất thanh… Tiếng khóc như xoắn lấy gan ruột chị. Tiếng khóc gieo vào tâm hồn chị, dội lên như từng hồi sóng bể đập vào bờ. Chị tưởng nghe đập vào tâm hồn cả cái tiếng kêu thất thanh của sự sống… Chị không thể chết được, con mình không thể chết được… Chân chị không bước tới nữa, và đã quay lại lúc nào rồi…

 

***

 

Chị đã bước lên bờ, trở lại cái lều cô quạnh. Sự đói khát, cuộc đời lạnh lẽo cay đắng xung quanh cũng không thể xua đuổi được chị.

Những tiếng khóc của đứa bé… Sự sống kêu gào tâm hồn và bổn phận của một người mẹ… Bấy nhiêu điều làm cho chị như tỉnh lại… Chị đã bước vào lều, ngả thân xuống chõng…

Bếp lửa vẫn bập bùng cháy… Nồi nước "lá vằng" vẫn vất ở chân chõng. Trong giây phút, tâm hồn chị, cuộc đời chị đã qua một cơn bão táp ghê người thì mọi sự mọi vật ở đây vẫn lặng lẽ như thường, không có một chút gì thay đổi… Chị thấy cổ mình khô ráo hẳn. Chị cúi cầm lấy nồi "lá vằng", không rót ra bát, mà đưa lên tận miệng uống luôn một hơi…

Chị cần phải sống!

Phải sống để nuôi con một ngày không lớn… Nhưng sự sống thật là tàn nhẫn. Đã ba ngày rồi, Nhụy chỉ sống với mấy củ sắn, với mấy bát nước "lá vằng". Chân chị bủn rủn không bước lên được… Hai vú như teo lại, phải vắt từng giọt sữa cho con bú.

Ruộng đồng tươi đẹp, quả đất màu mỡ thế kia, sao mà không chắt được một giọt sống cho con! Tiếng con bé mỗi khi ngậm vào vú rồi lại buông ra ngay, khóc thất thanh làm cho chị tưởng như có những ngón tay xoáy vào trong núm ruột của mình… Chỉ còn một cách là lê gối và ngả tay, ngả bị ra mà lạy xin người đời một chút gì cầm hơi. Miễn là chị lê gối vào được tận đám nhà ở kia! Dẫu bọn nhà giầu kia sẽ suýt chó đuổi xua chị… Chị cũng sẽ lăn vào!

Bỗng chị nghĩ đến mẹ, đến vong linh mẹ… Nghĩ đến chồng… một ngày kia sẽ về… không thể thế được! Một ý nghĩ khác làm sáng rực lên cả đầu óc chị… Chị nghĩ đến một chuyện khi còn thơ ấu, một hôm chị cùng với Luyện đi ngang qua vườn nhà lão chánh Giáo. Hai người nhìn lên cây bưởi của nhà hắn, nặng trĩu những quả, những quả to những quả bầu… Hai người nhìn lên, thèm chảy nước bọt… Nhưng tường nhà nó cao, lại lởm chởm cả mẻ chai… Luyện vội tìm một cục đá rồi bảo Nhụy đỡ cho mình lấy đà trèo lên. Luyện đập những cái mẻ chai rồi đứng trên tường. Một "phóc" đã lên tận trên cành cao. Luyện hái vội mấy quả vứt xuống cho Nhụy… Bỗng trong nhà có tiếng chó sủa… Bọn người nhà chánh Giáo chạy ra vây kín dưới gốc cây và lấy sào khuơ. Nhưng Luyện nhanh như sóc đã trèo ra tận ngọn, cành cây oằn xuống, Luyện nhảy xuống đất. Nhưng "von" cao quá, Luyện ngã tức ngực, không thở được. Nhụy vội mở thắt lưng ra cho Luyện, rồi hai người ôm bưởi chạy vào rừng.

Cái hình ảnh cũng cảm thấy của Luyện như soi sáng trong tâm hồn chị? Phải chiến đấu để giữ từng hơi thở cho con. Hôm nay chị là con tôm con tép, nhưng ngày mai, ngày mai, chồng chị sẽ trở về, con chị sẽ lớn lên, nó sẽ thành người… Chị chỉ đợi trời tối là hành động!

Đến tối, chị với lấy con dao rựa, rồi đứng lên. Cách lều, độ vài khoảnh, có nương khoai của chánh Giáo, chị lê về đó. Chị cũng không ngờ mình xuống sức đến thế. Hai chân nặng trĩu, không biết chị đi bao lâu mới đến ruộng khoai. Đi một đoạn lại ngoảnh nhìn. Bốn bề đều vắng lặng. Xa xa chỉ nghe tiếng ễnh ương ở đầm. Chân chị đụng phải cái dường cỏ. Chị sụp xuống, lết đến một vồng khoai trước mặt.

Trận mưa hôm trước nước còn đọng thành vũng. Chị nhảy qua vũng nước rồi lại ngồi xuống lết. Xung quanh vẫn không thấy một bóng người. Chị yên tâm cúi xuống đưa dao rựa ra đào…

Dao đào, tay bốc, chị đã đụng những củ khoai tròn trĩnh, lại đưa hết tàn lực ra cào… Bỗng như nghe có tiếng chó sủa. Chị ngẩng lên, thấy có những bó đuốc sáng rực chạy khắp đồng. Chị nhắm mắt lại, không dám nhìn nữa… Nhưng tai chị vẫn nghe tiếng mõ, tiếng tù và, tiếng trống liên hồi. Chị tưởng như cả làng tay dao, tay thước, đã ra khỏi làng, rồi chị thấy có tiếng kêu "trộm, trộm", rồi chị nghe cả tiếng chân người thình thịch… Tiếng chó sủa một lúc một gần… Hình như người ta bao vây lấy chị rồi… Nhưng chị vẫn không hề kinh sợ… Cái dao của chị vẫn sùng sục bới, và được chùm khoai nào thì chị lại vất vào cái sọt. Không bao giờ chị thấy nhanh nhẹn và mạnh bạo đến thế. Xung quanh càng nghe tiếng ồn ào náo động thì chị càng mạnh dạn hơn. Sọt đã gần đầy, chị cầm dao đứng phắt dậy. Chị ghì lấy cái sọt khoai, chạy! Chị vấp phải đường ruộng, ngã, chị lại đứng dậy, chạy!

Đằng sau hình như nghe có tiếng chó sủa và tiếng người đuổi "Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!" Nhưng chị đã về đến lều rồi. Vất cái sọt và con dao xuống đất, chị nằm sóng sượt xuống chõng, nước bọt phèo ra quanh mồm, mắt hoa lên, không thấy gì nữa… Chị đã thiếp đi… đến lúc nghe tiếng con khóc mới tỉnh dậy…

Xung quanh vẫn lặng lẽ, không có một tiếng chân người, thì ra mê sảng chị đã tạo ra một cơn ác mộng. Sự việc không hề xảy ra, chị đã đào trộm một sọt khoai mà bọn tuần đinh và cả làng cũng không ai biết cả.

Nhờ những củ khoai sượng mủ béo bổ, chân chị như chắc lại… Chị đứng lên và bước tới cuộc sống. Trong châu thân như rộn lên một dòng máu mới. Đôi vú chị đã cương đầy… Chị đặt vú vào miệng con, con bé mút "chụp, chụp"… Chị có cảm tưởng như có một nguồn sống ào ào chảy trong thân mình… Chị ngẩng đầu và nhìn ra ngoài…

Trời trong xanh, từng làn mây nhỏ bay rất nhanh… cuộc đời của Nhụy đến đây tưởng như nhẹ hẳn đi… Chị cúi xuống hôn con chùn chụt… Sự sống trong giây lát đã làm cho chị quên cả những cảnh đe doạ đen tối của ngày mai…

 

***

 

Mấy hôm sau, người làng lại bàn tán chào xáo lên... về một việc. Không phải là cái việc Nhụy ăn trộm khoai nhà chánh Giáo. (Việc này hình như Thổ địa, Thành hoàng ở trong làng cũng không biết gì cả). Mà bàn tán chào xáo về cái việc nhà anh Hoạch đi phu trên Hóa đã về.

Một hôm đi qua nhà bác khóa Lân, có tiếng người xôn xao, anh bước vào. Bác khóa vốn là tay hay chữ, nhưng mà "sinh bất phùng thời", bác cũng bị bọn chánh Giáo liệt vào cái hạng "thày cung thày cò", thường hay phá ngang những công việc của chúng. Nhà bác mở rộng cửa, ai muốn vào, muốn ra cũng mặc, muốn nói gì cũng tùy... Bác làm như bịt tai mũ ni. Nhưng trong làng việc lớn việc nhỏ, việc gì bác cũng biết tất. Bác nằm dài trên võng lâu lâu lẩy một vài câu Kiều. Nhưng tai vẫn lắng nghe, lâu lâu lại chõ vào nói một vài câu rồi lại quay lưng đi, làm như không muốn nghĩ tới...

Anh Hoạch vừa đi phu về, chắc cũng có nhiều chuyện, nhưng thực ra anh chẳng nói chuyện gì cả, mà cứ rành một chuyện, chuyện chị Nhụy, như nói ra để cho hả cơn tức. Anh nói:

− Cứ bảo lèn đổ là vì Thần quở... Thần quở là vì trong làng có gái chửa hoang, đứa nào tung ra điều này? Tại sao không cắt lưỡi nó đi? Thử hỏi bà con năm ngoái có phải vì lèn đổ mà thuốc phiện đứa nào giấu ngoài đồng làng, cả làng đều phải vạ. Thằng khố rách áo ôm cũng phải lên huyện, xuống huyện? Có phải vì lèn đổ mà năm tê, khi không gái nhà Trùm chít, bị trâu vặc rồi chết cả mẹ lẫn con, cứ giữ thây chết đến ba ngày giữa đồng mới chôn? Có phải vì lèn đổ năm Tí, tiên chỉ, thứ chỉ tranh nhau chánh bái mà đến nỗi đánh nhau, con trâu tế sanh nằm thối ra đấy chờ quan, thằng dân cùng cũng không được một cái xương mà gặm?

Nghe tới đó bác khóa chồm dậy cười phá lên, chen vào một câu:

− Chú Hoạch, chú ấy nói có sách đấy bà con ạ!

Người làng hỏi nhao lên:

− Sách nào bác nói nghe thử?

− Một hôm có người nói với thầy Tuân Tử là dân làm lễ cầu mưa, mà trời mưa đấy! Thầy Tuân Tử nói: "Cầu đảo mà mưa cũng như không cầu đảo, trời cũng vẫn mưa vậy thôi". Bà con nghĩ xem: gái có chửa lèn đổ, không ai có chửa lèn cũng cứ đổ vậy thôi!

Mọi người đều cười. Bác khóa Lân lại nằm xuống võng. Anh Hoạch lại nói tiếp:

− Tôi thì chẳng sách vở gì, nhưng tôi nghĩ, làng ta tại sao năm nay cái nhà nhóm đổ mất nửa mái? Tại sao nhà văn miếu hai cánh hữu vu, tả vu cũng đều đổ sụp mất một mảng tường?... Nhà nội cung đến nay vẫn chưa tu sửa? Tôi thì tôi cho rằng chẳng phải thần thánh gì cả, mà chỉ tại khi làm hồ không kỹ, có thằng chấm mút. Tính tôi hay nói thẳng, bà con nghĩ có phải không?

Những trai làng nghe nói đều gật đầu... Có người nói:

− Phải! Phải! Nghĩ cho cùng chẳng phải thần thánh nào quở hết! Lèn đổ chỉ là lèn đổ thôi! Mà có chửa thì làng ngả vạ việc chi vơ cả thần, thánh vào đấy?

Uống xong một bát chè đại cho hả nư, anh Hoạch lại nói tiếp:

− Ừ, chửa thì vạ... Tại sao thằng nào nuôi nó, chứa nó làng lại không bắt vạ, mà cứ một mình nó mà hành mà hạ? Không cha, không mẹ, không bà con, họ hàng, thân gái một mình, thế mà đày ra ở một nơi như phung như hủi, tứ cố vô thân, sống không hay, chết cũng không biết! Bà con nghĩ có đang tâm không?

Anh ta ngừng lại. Mọi người đều lắng xuống có vẻ ngậm ngùi.

− Bà con nghĩ có phải không? Bọn chúng nó đang tay không trách... Nhưng bà con nghèo chúng mình xử nhau như thế mà đành tâm à?

Nghĩ một lúc rồi dõng dạc nói:

− Tôi sẽ đưa mẹ con nó về!

Có người nói:

− Thế anh không sợ vạ làng à?

Anh đáp:

− Nếu ai muốn vạ thì cứ vào nhà tôi mà bắt! Không ai nhận mẹ con nó thì tôi nhận đấy!

 

***

 

Anh nói là anh làm... Anh Hoạch bàn với mẹ là tạm rước Nhụy về nhà. Mẹ vốn là người giàu lòng thương người. Mẹ nói:

− Thôi, con người như con mình, để lăn để lóc... tội nghiệp!

Thực ra trong lúc Hoạch đi vắng, mẹ thấy tình cảnh của Nhụy cũng thương, khi mớ khoai đấu gạo, mẹ thường giúp đỡ...

Bà đi bàn với Nhụy... Nhụy nghe xong như nghe một chuyện đời xưa... Không ngờ ngày nay lại có người phúc đức hào hiệp như thế... Chị không biết nói thế nào, chỉ cúi đầu khóc... Bà kiếm lời an ủi:

− Mẹ con còn sống, chắc con không đến nỗi vất vả như thế này đâu!...

Nhụy tự nghĩ: Thôi, cũng là có chỗ nương tựa qua ngày... Cũng như hôm xuống đầm tìm vịt, bụng đói, trời lạnh, hẵng cứ vào miếu, ngồi ẩn núp một lúc sau bức tường kín...

Không ngờ hôm đón mẹ con Nhụy về nhà ông Hoạch, lòng chị vui được như thế! Anh Trữ kèn cũng đến. Có những người như chị Tâm, bác Tiến, anh Minh hôm nay cũng đến hỏi thăm mình. Bà mẹ Hoạch chỉ lấy chăn ủ cho cháu. Rồi bà ẵm cháu đi trước, còn anh Hoạch thì gánh một gánh đi sau. Thực ra có gì đâu, cũng toàn những đồ lỗ mỗ. Cục kê, cục thớt, cái mâm, cái vung có gì quén hết. Anh Trữ kèn thì vác cái chõng, chị Tâm cũng không có việc gì cũng vớ được cái chổi cùn chạy theo...

Mặt trời đã lên một cây sào... Trên cao, mây trắng bay vùn vụt như có ai quét đuổi đằng sau... Lúa đồng đã đỏ rực...

Trong lòng Nhụy như có ai quạt, vui mừng và hồi hộp... Những người việc bên đồng, thấy chị đi qua, cất tiếng chào hỏi niềm nở. Nhớ lại cái hôm "nở nhụy khai hoa", trời đất đen tối lại, mà bây giờ trời đất như vén màn lên sáng sủa, từ con chim, cây cỏ đến con người...

Về nhà Hoạch, hàng xóm chạy qua đầy nhà, ai cũng muốn chạy vào nhìn con bé...  Có người tấm tắc khen:

− Con bé sau này kháu lắm đấy!

Rồi thấy mọi người xúm nhìn chòng chọc vào con bé, Nhụy cũng đứng ngắm nhìn đứa bé. Thực ra, từ ngày nó ra đời đến nay, hôm nay Nhụy mới dám nhìn kỹ vào mặt con bé như thế... Chị sung sướng nhìn vào cái nét mày, cái sống mũi. Bỗng mắt chị thấy chập chờn... cái nốt ruồi bé tăm tăm như hạt vừng đen trên má con bé, bỗng thấy tròn xoe lại, rồi lớn dần, lớn dần mãi... quay tròn che cả mặt con bé... Chị thấy bàng hoàng cả người. Chị quay vội mặt đi...

Giữa lúc đó thì Hoạch bước vào, chạy lại ẵm con bé, nựng nó và nói:

− Bà con trông nó giống tôi không?

Mọi người đều vui vẻ đáp:

− Giống lắm! Giống như đúc!

Rồi cười rộ cả lên...

Giữa cái vui của mọi người, Nhụy vẫn đứng lại một bên lặng lẽ cúi đầu... Nhưng thực ra đấy chỉ là một làn mây đen nhẹ phủ còn sót lại, phủ lên trên đời chị mà thôi... Vì thực ra, Nhụy từ khi bước về nhà Hoạch, đã có một cảm tưởng như đã bước qua ngưỡng cửa của cuộc đời mới!...

Da dẻ Nhụy đã trở lại hồng hào. Những lúc đi làm thì Nhụy gửi con cho bà. Con khi sài khi đẹn thì được bà chăm sóc nuôi nấng cũng yên tâm...

Mẹ Hoạch năm nay đã trên sáu mươi tuổi chỉ có một mình Hoạch là con trai, bà thường nói: "Tôi chưa có dâu mà đã có cháu đấy bà con ạ!" Và từ đấy bà cũng không thôi thúc con lấy vợ nữa. Bà nói: "Hắn chưa ưng thì cũng không nên ép, khi nó ưng thì không ép nó cũng lấy". Bà cũng lại thường nói: "Cha nó ngày xưa cũng ba mươi tuổi mới lấy vợ đấy, trai ba mươi tuổi còn xuân..." Nói vậy là vì, tất cả lòng bà trút cho đứa cháu nhỏ, ai nói: "Cháu thật đó" bà cũng ừ! Bà đặt tên cho nó là cái Niêu, tên Niêu xấu đấy mà được việc. Có lần bà đặt nó vào lòng nói nựng với nó: "Sao mà giống cái thằng bố mày thế!" Việc Nhụy với Luyện bà cũng đã nghe Hoạch nói lại, nhưng có biết bà cũng để bụng thôi!

Nghe con bé về, lần này ông Mởi cũng muốn đến thăm con bé một tí. Thừa lúc trong nhà đi vắng cả, con bé đương nằm một mình ở nôi, ông Mởi tiến vào... Ông đương đứng ngắm trộm con bé... thì mẹ Hoạch cũng vừa ở dưới bếp đi lên, bắt chộp được... Ông Mởi bất giác thấy cuống quýt lên... Mẹ Hoạch biết ý nói đùa một câu!

− Cháu gì ông mà ông nhìn!

Bà chỉ nói đùa thôi, nhưng ông Mởi cũng chột dạ, không nói được một câu, ăn miếng trầu rồi ra đi. Còn Nhụy đôi lần có thấy bóng ông Mởi thấp thoáng đằng xa thì chị có ý tránh, vì có gặp chào mời cũng khó... Còn như đối với Luyện, lòng chị trước sau chẳng bao giờ một phút giây quên được cái hình ảnh của người yêu nơi xa kia...

Đi rừng về cùng người làng nghỉ chân ở gốc cây đa, chị ngắm từng bó củi của những người trai làng rồi chị tự bảo: "Cũng chẳng ai ăn đứt được bó củi của anh Luyện!" Cũng có lúc đêm trăng chị đi tát nước, chị muốn quên tất cả cuộc đời sóng gió vừa qua... Trong giây lát, chị muốn hò lên một câu... Hò xong, chị thấy giọng mình còn chan chứa phong tình. Thực ra cũng chỉ vì lúc hò chị đã nghĩ đến Luyện...

Chị đã qua nhiều cơn sóng gió, đã có con, đã làm mẹ. Nhưng Luyện là cả cuộc đời của mình. Không bao giờ trong lòng chị, hình ảnh người yêu lại thắm thiết đến thế. Có lần chị đang ngồi ẵm con ở thềm nhà, nói nựng với con: "Cha con về đấy kia kìa!" Lòng chị bỗng trần ngập hạnh phúc...

Nhớ lại hôm tiễn chân Luyện, thực sự là tâm trí chị đầy những ý nghĩ đen tối... Không bao giờ chị lại dám nghĩ rằng Luyện sẽ trở về... Vợ chồng sẽ xum họp. Nhưng bây giờ, chị là vợ của anh Luyện, mẹ của con Niêu. Con Niêu sẽ biết lật, biết bò, biết chững, biết đi... Nhất định bố nó sẽ trở về... Bố con, chồng vợ sẽ đoàn tụ... Không bao giờ chị lại có lòng tin tưởng sắt đá như thế!

Tình anh Hoạch đối với mẹ con chị, thật như trời cao bể cả.

Có lần chị đương ngồi khâu áo, bỗng nghe tiếng Hoạch bô bô ngoài đường. Hoạch đi chợ về, tay cầm cái mũ thóp mới mua, từ ngoài ngõ bước thẳng vào nôi con bé, Hoạch ẵm con bé ra, rồi lấy cái mũ thóp chắp từng miếng vải xanh, đỏ, tím, vàng đội vào đầu cho con bé... Nhụy ngẩng lên, thấy Hoạch đang cúi sửa cái mũ thóp cho ngay ngắn...

Nhớ hôm mới về nhà Hoạch, Hoạch chính tự tay mình, khiêng cái chõng tre, buộc lại cái vạc, nêm đóng lại cái chõng cho mẹ con nằm...

Nhụy tưởng như mình cũng có cái tổ ấm để mà nương thân. Trong xóm, trong làng cũng có đứa ác miệng, ác mồm đi qua nghe Hoạch nêm đóng chõng cho Nhụy thì cũng chào xáo với nhau... Nhưng được cái Hoạch trong bụng sáng như mặt trăng mặt trời, cũng không coi cái lũ chào xáo ấy vào đâu... Anh vẫn thản nhiên như không...

 

***

 

... Một buổi sáng chị đang ngồi nhìn ra ngoài, bỗng có con sả từ đâu bay đến, đậu vào một cành hóp, làm cành cây oặt xuống như một vòng cung, con chim sả với bộ lông vừa xanh vừa tím, màu lông sặc sỡ làm sáng lên cả một góc trời. Nắng ban mai chiếu qua rèm, ngả bóng cây xoan xuống sân. Nhụy ngẩng lên nhìn ra mơ màng tưởng chừng như thấy bóng Luyện từ ngoài ngõ bước vào... Chị thấy tươi sáng cả tâm hồn, vội vàng cầm lấy tao nôi hát ru con bé:

Hai tay cầm bốn tao nôi

Tao mô thẳng thì thôi...

Tao mô dùi thì sửa lại cho cân...

Một tao báo hiếu mẫu thân

Một tao gá nghĩa châu trần cùng ai?

 

Tiếng hát của chị đã lâu chẳng được trong trẻo như thế!

Bỗng có tiếng cười nói xôn xao ở ngoài đường. Một sắp đàn bà đi chợ về... Chị dừng hát lắng nghe... Thì ra người ta đương nói chuyện với nhau về một phường "đi côi" mới về: "Đoàn đi trên hai mươi người... Người nào người nấy bồ xách kệ nệ... Ông Giáp Xuyên mang cả vợ Lào về. Ông hương Cầu trúng to, phen này chắc xây mấy tòa nhà ngói. Cả anh mõ Khuyến mặt mày cũng hớn hở... Phen này về cưới vợ đấy..." Chị vẫn hồi hộp lắng nghe, vẫn không ai đả động đến tên chồng mình... Bỗng có tiếng người đàn bà đi trước quay lại hỏi: "Chuyến này thiên hạ vui vẻ, phấn chấn cả, riêng tội nghiệp cho nhà anh Luyện, về đâu đến nửa đường thì bị ngã nước, phường bạn chờ một ngày rồi phường bạn cũng phải về trước, anh phải ở lại một mình, không biết ra thế nào... Một người đàn bà khác tiếp vào: "Nghe nói khiêng đến bản thì chết rồi!" Tiếng nói của người đàn bà buông lạnh như không!...

Nhụy quay lại lay mạnh hai tao nôi rồi lại hát:

"... Ơ...! Ơ!... Một tao báo hiếu mẫu thân

Một tao gá nghĩa châu trần cùng ai?..."

 

Tiếng hát nghẹn ngào, nước mắt chị giàn giụa từ trên má đổ xuống chảy quanh vào miệng. Một mùi vị chan chát trên lưỡi làm cho chị tỉnh hẳn. Chị tự bảo: "Tin đồn thôi! Không! Luyện không chết đâu! Luyện sẽ về..." Nhưng rồi chị lại nghĩ... mà có lẽ anh chết thật rồi. Dầu sao với anh, chị đã có một đứa con! Anh cũng là chồng chị rồi... Cái số mệnh trong lời vè kia, cái nốt ruồi kia chả phải đã dẫn đến sự kết liễu của chồng mình... Mặt chị xây xẩm, chị ngã xuống thõng hai tay buông lạnh...

Mấy hôm sau, cái tin đồn đó như cái vè ngày nọ, không cánh mà bay khắp xóm khắp làng. Thằng chánh Giáo làm bộ cũng chép miệng nói với người làng: "Còn một cái váy mà số kiếp cũng chẳng buông tha. Việc nhãn tiền thấy mà ghê thật!" Ông Mởi nghe đồn, cũng đâm sợ, làm con gà lên đền cúng, cầu yên, rồi lấy giò đi bói... ông thầy giò cũng bảo "quả là quẻ này không yên..."

Thấy Nhụy mỗi ngày một gầy héo, mẹ Hoạch tìm cách an ủi Nhụy:

− Thì hẵng chờ đã , sao con vội tin thế? Biết đâu chồng con sẽ về...

− Chồng con sẽ không về nữa mẹ ạ! Anh ấy chết thật rồi!...

Thật ra nghe tin đồn đó, chị đã đánh bạo tìm đến bác Giáp Xuyên là người trong đám đi “côi” về để hỏi lại. Bác Giáp Xuyên tròn hai mắt lại, quả quyết với chị là anh Luyện chưa chết đâu...

Bác nói với chị:

− Thì chính tay tôi săn sóc anh ấy... Tôi khiêng anh ấy vào gửi trong bản rồi tôi mới ra về...

Chị hỏi lại:

− Thế anh ấy không nhắn gì về à?

− Không... à có... Anh ấy có nhắn với ông Mởi là hết ốm thì anh ấy sẽ về...

Chị vẫn không tin. Chị tự bảo: "Hay là bác ấy cũng lại giấu mình... Rồi chị hỏi hết người này đến người nọ, cuối cùng chị vẫn tin là "người ta giấu mình thôi... Luyện đã không còn nữa rồi..." Chị tin rằng: "Cái số mình như thế... tất nhiên sẽ như thế... Thế cũng là đường đời, cũng qua một bước rồi..." Thương cái tuổi xuân của mình thì ít, mà thương cái số phận của người thì nhiều: "Anh ấy mà không vướng vào mình thì người ta cũng như đám trai làng kia, chứ kém cỏi gì! Tội nghiệp, chỉ tại số mình xui nên thế... Không những giận mà chị còn thương ông Mởi.

Hết ngồi chỗ này khóc, chị lại qua chỗ khác khóc, nước mắt làm cho chị sững sờ... Hạt cơm bỏ vào miệng chị cũng không thấy mùi vị gì nữa...

 

***

 

Mỗi ngày Nhụy lại càng thêm thờ thẫn, nói trước quên sau. Có khi đang cầm cái dao rạ trong tay, lại chạy cuống cuồng đi tìm dao để bửa củi, hỏi hết người này đến người khác. Lại có một đêm chị đương nằm với con trên chõng, bỗng nửa đêm thức dậy, sờ con không thấy, kêu ầm lên: "Con tôi đâu rồi!" Rọi đèn lên thì con chị vẫn nằm trong chõng. Rồi gặp ai chị cũng kể chuyện anh Luyện. Luôn miệng chị nói lẩm bẩm: Chính vì tôi mà anh ấy chết đấy bà con ạ!

Bà mẹ Hoạch kiếm lời an ủi: "Nó chết đâu phải vì con, khi không con lại vận vào mình..." Chị cãi lại: "Không đâu mẹ ạ! Chính vì con mà anh ấy chết!"

Lời tin tưởng đó của chị như cái đinh đóng chắc vào lòng, không ai gỡ nổi. Có người nói: "Cơ sự này, đến cơn nắng tháng sáu, tháng bảy là nguy đấy!"

Người ta sợ chị điên mất. Thế rồi một hôm chị theo phường bạn vào rừng đi đốn củi, như thường lệ... Trời đã tối hẳn. Tiếng còi phường bạn đã xa lắm rồi... Nhưng một mình chị vẫn ngồi lại. Chị tưởng như có người vừa xốc hai bó củi của chị vào đòn xóc và nâng lên tận vai cho chị. Chị tưởng như còn nghe bên tai hơi thở nhẹ của người yêu... Luyện không bao giờ chết được...

Trong bụi lại những con chim bồ chao rúc trong lá sột soạt, sột soạt... Ngẩng lên vẫn cả một trời đầy sao. Chị như mê mẩn cả tâm thần. Chị tựa vào lưng cây, rồi như những ngày còn nhỏ chị thẫn thờ đếm: "Trên trời đặc sao, độ sao... Đố ai điếm được ba mươi sao tròn... Một sao, hai sao, ba sao..." Chị cứ đếm đi đếm lại như thế mãi... như một đứa trẻ... Tiếng đếm cũng nhỏ dần, và những ngôi sao từng chiếc một tắt dần trong con mắt của chị... Chị đã mê đi lúc nào không biết. Đến lúc tỉnh dậy, chị nghe như có tiếng con đòi bú. Chị vội vã nâng gánh củi lên vai... Gánh củi chao một cái như đôi thùng nước quá đầy, rồi hai chân đưa chị tới đâu thì chị bước tới đó. Đầu óc chị chập chờn như mất cả phương hướng. Chị tưởng rằng chị đi trên đường về làng thì trái lại, chị đã nhằm phía đại ngàn mà bước tới...

Dưới ánh sáng của các vì sao, chị đi, đi mãi cho đến lúc rụi cả hai chân, chị mới gục xuống...

Cả đêm người làng không thấy chị về đổ ra đi tìm. Đến sáng sớm người ta mới tìm thấy chị đương ngồi tựa vào một gốc cây. Áo quần chị thấm sương ướt lạnh như ở dưới sông mới vớt lên. Chị mở mắt nhìn mọi người mà không thấy gì cả...

Người ta vực chị về, cháo hồ gì chị cũng không ăn được... Có lúc mê, cũng có lúc tỉnh... Hỏi thì chị nói: "Trong lòng như lửa đốt!" Nhưng sờ tay thì tay lạnh buốt. Cơn lạnh từ ngoài cứ thấm dần vào trong. Chị đưa tay làm dấu bảo mẹ Hoạch ẵm con Niêu lại cho chị nhìn nó một lần cuối...

... Nhưng khi mẹ ẵm nó đến... thì chị đã ngoảnh mặt đi... Mẹ núm tóc chị giật ba cái: "Con đi thật rồi... con ơi!..." Cũng như cây nến trên bàn... Chị lụn dần... và tắt hẳn...

Như mẹ chị trước đây, chị lặng lẽ đi qua cuộc đời, giữa tuổi hai mươi... và để lại một em bé chưa đầy một tuổi...

 

***

 

Anh Hoạch cũng bỏ tiền ra chạy sắm cho Nhụy một cái hòm. Mẹ Hoạch xé mấy tấc vải trắng bịt lên đầu con bé Niêu. "Nó đã biết gì đâu, những cũng cứ bịt lên cho nó!" Mẹ Hoạch nghĩ thế. Thực ra cái khăn trắng bịt lên đầu con bé làm cho trong nhà, giữa đám tang như có vẻ ấm cúng. Xóm ngoài, xóm trong cũng có người tới thăm. Chú Thìn cũng có tới, cố chạy lăng nhăng tìm việc này việc nọ mà làm, như muốn tránh ngồi nói chuyện với một ai... Người ta đợi thái độ ông Mởi. Thực ra từ khi có tin con ông trên Lào đưa về, ông có vẻ suy nghĩ ông không tin rằng con ông có thể chết. Nhưng nhỡ nó chết thật thì sao? Tự nhiên có một cái gì như kéo tuổi già của ông lại với con bé Niêu... Ngày nào ông cũng đến với con bé, nâng nó trên tay, càng nhìn nó, càng thấy nó giống con ông quá...

Nhất là từ khi mẹ nó chết, ông như muốn giữ chặt lấy con bé. Chỉ mấy hôm mà trong người ông như thay đổi hẳn: suy nghĩ nhiều, phờ phạc đi, chẳng khác nào như cây lúa trước đồng sau cơn bão, bị bẻ gập.

Họ hàng bên nhà ông Mởi, thấy ông đến với nhà đám, thì cũng có nhiều người tới thăm. Nhạc Trữ cũng mới được cả phường nhạc tới... Tiếng kèn tiếng nhị cất lên, cả xóm như rộn hẳn lên. Người lớn trẻ con tới chật cả nhà. Thằng chánh Giáo cũng như con diều hâu trước cái xác chết, cũng liệng qua một vòng. Nó nghe có tiếng kèn tiếng nhị, nó lẩm bẩm: "Đám ma cái con ăn mày, mà cũng có cả kèn nhị nữa đấy!" rồi nó hỏi mấy đứa trẻ chơi ở ngoài đường: "Định mời cả phường bát âm, chắc?" Mấy đứa trẻ chả hiểu gì nhìn nó ngơ ngác, nó lại hỏi: "Có mời cả "phường tướng" phải không chúng mày, vui nhỉ!"

Ông Hoạch thấy nó đi qua chạy vội vào nhà, lấy ra một nắm muối, và một nắm tro nhắm con quạ đậu ở đầu nhà mà vất. "Huy! Phà! Đi đâu mà đậu, đừng tới xúi vía nhà tao". Chú Thìn cũng vừa bước vào, nói với anh Hoạch. "Chú nên tìm một cái vò, chờ khi đưa "cữu" ra khỏi nhà, thì xán vò ngay giữa nhà để xả vía". Hoạch đưa mắt lườm chú Thìn, một lúc lâu Hoạch mới nói được giữa uất ức: "Nhà này có dư vò đâu mà đập, làng này có cái đầu thằng nào to, chú tìm một cái, lúc đưa cữu ra, đập một cái chính giữa nhà, cho thỏa vong linh người chết". Hoạch nghẹn ngào không nói tiếp được nữa. Nước mắt chảy rào ra. Hoạch quay ra phía đường nói vọng: "Tao còn sống đây, tao thách đấy!"

Đám người xung quanh cũng chả để ý đến câu nói của Hoạch. Bà con xóm giềng đến đông, Hoạch thấy cái chết của Nhụy cũng không đến nỗi lạnh lùng. Người ta đã liệm xong cho Nhụy. Sắp đến lúc, nhập quan rồi đấy. Ông Mởi đưa con bé Niêu cho mẹ Hoạch, ông dặn cẩn thận: "Khi "nhập", bác bồng cháu xa ra nhỡ vướng phải bóng". Rồi tự tay ông cùng với Hoạch, sẽ đỡ Nhụy vào quan. Tiếng kèn, tiếng nhị não nuột quá. Xung quanh trừ chú Thìn ra, toàn những người dưng kẻ lạ. Không có một tiếng khóc, một tiếng than, tiếng kể. Nhưng thầm lặng ai cũng ứa nước mắt. Xác đã nhập rồi và người ta đã đậy nắp quan lại, nhưng tiếng vồ bắt đầu nện. Bỗng có tiếng người xôn xao... Từ ngoài đường có tiếng nói: "Anh Luyện đã về." Mọi người sửng sốt, chỉ nhìn nhau. Chú Hoạch đương cầm cái vồ nện vào hòm, vẫn không để ý đến tiếng nói ở ngoài vọng vào. Trong đám đông, có người bảo: "Chú Hoạch, chú ngừng lại một chút!" Chú Hoạch hỏi lại: "Cái gì thế!" Có người đáp: "Anh Luyện đã về!" Có tiếng người lại nói tiếp: "Khoan đã đóng, chú Hoạch. Để cho anh ấy mặt chị ấy một chút!" Chú Hoạch bỏ vồ xuống, đứng thẳng người hẳn lên, nhìn ra, đôi mắt cố trấn tĩnh. Ông Mởi có vẻ sảng sốt chưa hoàn hồn, Luyện đã bước vào. Không một tiếng nói. Không một tiếng động. Có tiếng khóc thút thít. Cây nhang cắm trên bát cơm vẫn cháy nghi ngút. Có người nói: "Giở nắp hòm ra, cho anh ấy nhìn mặt lần cuối". Chú Hoạch với một người nữa nhẹ nhàng giở cái nắp hòm ra. Dưới ánh nến, mặt Nhụy bỗng sáng hẳn lên, đôi mắt nhắm, tưởng như đang ngủ. Luyện tiến lại gần, cúi xô vào, và kêu lên: "Em ơi! Anh về đây, sao em lại…" Anh không kể được nữa. Nước mắt nghẹn ngào. Những người xung quanh cũng khóc theo. Luyện lại muốn xấn tới nhưng người ta giữ anh lại, người ta kéo anh ra ngoài. Có người nói: "Thôi đậy lại thôi" Cái nắp hòm lại nhẹ nhàng đậy lại. Người ta sửa  nắp lại cho khớp với hòm. Hoạch lại cầm lấy cái vồ, nện vào hòm. Tiếng vồ dồn dập đau tức, uất ức. Đậy xong người ta bưng bát cơm hương đặt lên hòm. Mẹ Hoạch bồng cháu Niêu lại cho Luyện. Luyện ẵm nó trên tay, những giọt nước mắt rơi xuống ròng ròng trên áo con bé… Luyện không muốn nhìn nó, chỉ muốn áp vào má nó… Có tiếng nói: "Thôi đốt nến lên. Lễ đi!" Người ta châm cây nến và cắm lên hòm. Tiếng nhị tiếng kèn bỗng nổi lên. Tiếng kèn như xoáy từ trong ruột gan. Luyện đã bịt lên đầu một thước khăn ngang, rồi đi lại trước linh cữu. Luyện không khóc được nữa, chỉ vái mấy cái rồi ngồi gục xuống bên chân hòm. Mọi người ra trước linh cữu, lần lượt vái. Ông Mởi bồng cháu Miêu, cũng đứng ra trước linh cữu. Ông vừa vái, vừa khấn: "Chồng con về đấy, con thì đi đâu!" Nước mắt ông giàn giụa. Mẹ Hoạch, anh Hoạch cũng khóc theo! Những người đứng xung quanh cũng không cầm được nước mắt. Giữa những tiếng khóc, tiếng kèn bầu lại cất lên. Tiếng kèn như rống lên rồi lại như ngân ra.

Tiếng kèn như từ cõi mù mịt trở về, lượn quanh linh cữu. Trong cái im lặng của đêm khuya, tiếng kèn vẫn còn khóc nức nở.

 

MƯỜI BẨY NĂM SAU…

Mùa xuân năm 1952, bấy giờ vào lúc Đảng đương phát động quần chúng giảm tô ở xã Cao, tôi được phái về làm cán bộ giảm tô ở thôn Mộc.

Tôi còn nhớ rõ những "đêm dài tố khổ", "rễ và chuỗi" của tôi ngồi chật gian nhà nhỏ hẹp… Mỗi người nhắc lại một mẩu chuyện đã qua. Ai nhớ gì nói vậy… Lúc đầu, người ta tranh nhau kể… Tiếng nói của các rễ chuỗi như muốn nhao nhao lên cả một lúc. Nhưng đêm về khuya, dưới ánh sáng ngọn đèn dầu leo lét, tiếng kể cứ nhỏ dần và thưa dần. Có lúc mọi người lắng xuống, nghẹn ngào. Người ta chỉ gạt nước mắt.

Ngồi lâu giữa những rễ chuỗi của tôi, tôi cũng như lắng đi trong cái khổ mênh mông dồn dập của một lớp người hôm qua…

Qua những mẩu chuyện tỉ mỉ sinh động và chan chứa tình thương của họ, tôi đã biết được cái đời đen tối của người con gái lao động hôm qua… Đêm "tố khổ" tàn, mỗi lần tôi đứng lên, đi ra đường, tưởng chừng như thấy bóng dáng của người con gái tội nghiệp đó, đứng thấp thoáng trước rèm, trước ngõ chờ tôi…

Kể đến nay, Nhụy chết đã mười bẩy năm rồi… mà người ta còn nhắc lại chuyện này như mới hôm qua…

Thằng chánh Giáo cũng đã chết rồi. Ngày cướp chính, nó bị bắt lên huyện, sau một thời gian thì nó chết.

Luyện còn sống, bây giờ là "rễ" của tôi đấy. Trong những đêm tố khổ, anh thường ngồi lắng đi trong một xó… Có lần anh nói với tôi:

− Mẹ nó chết được mấy hôm thì tôi về… Tôi về không còn kịp thấy mặt vợ tôi nữa! Số là tôi bị ốm nằm lại dọc đường… Tôi được người Lào, họ khiêng về trong bản, mươi hôm thì tôi khỏi… Tôi lại tìm đường mà về… Không biết đứa nào ác mồm ác miệng đưa cái tin tôi chết… Không phải là người nhà chúng nó thì còn ai vào đấy nữa.

Ông Mởi đã qua rồi… nhưng Trữ, Hoạch, bà mẹ Hoạch cũng còn sống cả… Nhạc Trữ ở trong tổ văn nghệ xã. Còn Hoạch, xã đội trưởng… Trong hội nghị, giọng anh vẫn còn nghe sang sảng… mẹ Hoạch thì đã già lắm rồi, Nhưng mỗi lần có hội nghị tố khổ, mẹ cũng chống gậy tới tham gia.

Thấy tôi hay băn khoăn hỏi tỉ mỉ về dáng đi vẻ mặt của Nhụy, mẹ Hoạch nói với tôi:

− Đồng chí đội, cứ trông cái Niêu thì rõ. Sao mà nó giống con mẹ nó thế! Giống từ giọng nói đến dáng đi…

Mẹ thường khoe với tôi:

− Niêu là tên tôi đặt cho nó đấy. Tên nghe xấu mà được cái nết ai cũng ưa, hay lảm hay làm như mẹ nó ngày xưa…

Tôi nói đùa với mẹ:

− Thế từ ngày cách mạng đến, cái nốt ruồi trên má nó cũng chưa bay đi à?

Mẹ nói:

− Sao lại bay đi? Bay đi đâu? Nó vẫn còn đậu ở đấy đồng chí ạ! Gái làng không ghen lên với nó ấy à? Cô nào lại chẳng muốn có một nốt ruồi như thế!

Đoạn mẹ nói tiếp:

− Nghe đâu xã liên hoan thắng lợi xong, là sẽ làm trong đám cưới cho nó đấy. Nó lấy anh bộ đội, cũng là người làng cả thôi. Thời buổi này, nó ưng ai lấy nấy, phải không đồng chí đội?

Quả vậy, đợt phát động giảm tô hoàn thành thắng lợi, sau khi tổ chức liên hoan toàn xã, mọi người trong thôn Mộc lại quay về tổ chức đám cưới cho Niêu. Niêu hiện nay là đoàn viên thanh niên lao động xã, và dân quân xã, lại là tổ viên tổ văn nghệ xã. Còn chồng sắp cưới là Minh, một cán bộ trung đội đã từng chiến đấu ở Trị Thiên.

Đám cưới của Minh cử hành tại trụ sở nông hội mới. Kể đông đủ nhất, so với những đám cưới khác trong năm. Đại diện chính quyền, nông hội, thanh niên xã đều về dự. Thanh niên đến chật cả trụ sở. Bác Hoạch, bác Thìn, nhạc Trữ… đều có mặt. Cụ Hoạch cũng chống gậy tới dự.

Không có pháo, thanh niên đốt một tràng pháo tay dài để mừng đám cưới. Chú rể, cô dâu bước vào. Bên cạnh cô dâu, đặc biệt có cô bạn đóng vai phù dâu. Chú rể mặc bộ đội. Cô dâu, quần lụa đen, áo ngắn hoa đào nhạt. Trên má phơn phớt hồng, vẫn chễm chệ nốt ruồi đen… Cô phù dâu cũng quần lụa đen, áo ngắn hoa đào nhạt. Trên má cũng chấm lên một nốt ruồi giả, to hơn, tròn hơn nốt ruồi thật của cô dâu thật, làm cho mọi người lưu ý, xì xào bàn tán có vẻ như người ta mỉa mai số phận đấy. Cô phù dâu vẫn nghiêm chỉnh đóng vai trò của mình.

Bỗng có tiếng nói:

− Cô dâu, chú rể cúi chào hai họ đi!

Cô dâu, chú rể ngoan ngoãn bước ra chào.

− Cô dâu đứng lên trên bục này, cho mọi người được trông thấy…

Cô dâu, chú rể, cô phù dâu ngoan ngoãn đứng lên bục. Lại có tiếng nói:

− Cô dâu hát mừng hai họ đi nào?

Cô dâu bẽn lẽn cúi đầu… Có tiếng nhiều người phụ hoạ theo:

− Vâng, hát đi! Cô dâu hát hay nhất làng đấy!

Mọi ngượi im lặng lắng tai… lại có tiếng nói:

− Mời chú rể với cô phù dâu xuống bục đi, để cho cô dâu hát.

Hai người lặng lẽ bước xuống bục… Cô dâu sửa lại áo, ho vài tiếng, chuẩn bị hát…

Tưởng chừng như cái bục đã biến thành sân khấu của xã… Có người nói:

− Mọi ngày, không ai bảo cũng hát như khướu, sao hôm nay lại làm nũng thế? Hay là tại chú rể đứng đấy! Đề nghị chú rể tránh đi cho được việc!

Mọi người cười nói vui vẻ… Từ trong đám đông, một thanh niên cầm cái nhị, nhảy vào:

− Tôi tình nguyện đàn cho cô dâu hát đây…

Rồi cây đàn nhị bắt đầu dạo… Người ta châu đầu vào, ánh sáng hắt lên trên mặt cô dâu làm cho đôi má càng ửng hồng… Cô dâu đã cất giọng… Mọi người nín thở, nhất là đám thanh niên như nuốt từng lời hát. Quả tình người ta đương xem một cuộc biểu diễn văn nghệ xã…

Tiếng hát vừa dứt… Mọi người như lắng đi một lúc, xuýt xoa, trầm trồ. Tôi quay nhìn bác Luyện, bác chẳng khác nào một khán giả bị hấp dẫn, bàng hoàng chưa tỉnh… Trong cái vui mới của đời bác, có phải bác vừa nghĩ đến quãng đời xưa?... Cũng tiếng hát ấy, cũng cái gương mặt ấy, cũng cái nốt ruồi ấy… Rồi bác bỗng quay mặt đi để giấu một giọt nước mắt… Thế rồi đám cưới vẫn tiếp tục trong cái không khí bừng bừng tươi trẻ…

………

Nhưng hỡi các bạn trẻ của tôi ơi!...

Các bạn, ngày nay mỗi buổi sáng đi tới phía mặt trời, và mặt trời cũng đi tới phía các bạn, mọi việc trên đời và trong tâm hồn của các bạn đều rực rỡ ánh sáng, các bạn cũng đừng quên rằng: Trước đây khi Đảng chưa đến với con người, con người cũng đã sống uất ức trong bóng tối. − Rồi cũng như khi họ sống, khi những tâm hồn ấy, những tâm hồn quý báu biết bao, đã nối tiếp mà tắt đi như những ngọn nến quá yếu ớt đã lụi dần…

Ngày hôm qua, những cuộc đời đã đi qua như thế đấy!

 

 

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Chuyện cô Nhụy, truyện vừa, Hà Nội: Nxb. Văn học, in tại nhà máy in Tiến Bộ, 175, đại lộ Nguyễn Thái Học, Hà Nội, in xong 16/5/1962; 86 tr. 13x19 cm.


 


(1) Tiếng Trung bộ: Lẻ củi. (nguyên chú)

[a] “tay lặp chuyện” hoặc “tay bẻ chuyện”: từ dùng để trỏ loại hình những nghệ nhân thông thuộc một vốn lớn ca dao, dân ca, tục ngữ, truyện nôm… và vận dụng thành thạo vào những hoạt động giao tiếp, diễn xướng khác nhau (N.B.S.)

[b] “thương phu trích lệ”: theo quan niệm về tướng số, người phụ nữ có nốt ruồi ở phía dưới khóe mắt sẽ là được gọi là nốt ruồi “thương phu trích lệ”, nghĩa là người có tướng sát chồng. (N.B.S.) 

(1) Ngày trước bữa kỵ.