CÔ BÉ HÁI DÂU

Kỳ nghỉ hè năm nọ, anh Vân Bình có về chơi ở quê tôi. Anh vui tính lắm, chỉ làm một người khách có ba hôm mà anh đã như người nhà tôi, đã gây nên những mối cảm tình khắn khít nhứt ở trên đời.

Lúc anh từ giã chúng tôi, phần riêng tôi thật là ngậm ngùi vô hạn. Tôi tiễn chân ra đến bến Ngang, vì muốn lên ga xe lửa phải đi ngang qua một khúc sông ngắn. Anh bước xuống thuyền. Thuyền từ từ đi. Tôi muốn con thuyền đi mau vào trong rặng cây, cướp mất anh Vân Bình của tôi. Nhưng mà con thuyền như bò như lượn, dùng dằng trước mắt tôi, làm cho cái cảnh biệt ly càng thêm dài dặc, càng thêm não nùng, càng thêm khó chịu. Mặt nước im lìm như tấm gương. Chúng tôi lặng nhìn nhau, như truyền cho nhau một lần cuối, những vẻ thần bí thiêng liêng cho đến lúc không nhận thấy nhau nữa tôi mới quay gót trở về.

Bóng ác đã tà. Tôi đi thơ thẩn theo bến sông, trước mắt là một bãi dâu xanh xa tít chưa đổi. Tôi đếm từng bước một như đếm các vần thơ. Vì trong tâm hồn tôi lúc bấy giờ cũng đã sẵn có một bài thơ ly biệt não nùng và tôi đương bâng khuâng vì những niêm luật khắc khổ. Thì bỗng nhiên ở trong vạt dâu đưa ra một giọng hát:

Chiều chiều ra bãi hái dâu

Lá vàng vàng úa, lá dầu dầu xanh

Duyên kia có phụ chi tình?

Con tằm nhả kén cho mình quay tơ.

Tiếng của một người con gái ẩn ở sau rặng dâu, tiếng nghe như nhẹ nhàng, như bay bổng, như mơ mộng.

Tôi tưởng tôi đương cùng vua Lê Thánh Tôn dạo chơi ở sườn núi, thoạt nghe tiếng tiên nữ mơ màng ngâm câu:

Tới đây mến cảnh mến người

Tuy vui đạo bụt, chưa nguôi lòng trần!

 

Tôi lại tưởng như người núp sau bụi dâu, có cái vẻ mặt tươi cười hớn hở như tượng cô bé hái nho của một nhà điêu khắc Pháp tả sự vui thú điền viên.

Tôi dừng bước bên vệ đường. Theo giọng hát, tôi nhìn bóng người thiếu nữ. Tôi chưa kịp nhận ra mà tiếng hát đã vội dứt. Tôi muốn rẽ dâu mà vào, nhưng đi được vài bước thì tự nhiên tôi không thể tiến lên được nữa.

Ruộng dâu đối với tôi có cái vẻ một rừng cây ở trong đại ngàn, đương còn rậm rạp, đương còn bí mật, đương còn y nguyên. Tôi đứng ngây người ra như có cảm thấy một sự ghê sợ lạ lùng. Nhưng người thiếu nữ đã cùng với mặt trời mà mất hút rồi. Tôi đã thấy ở đằng xa một cái bóng đen lù lù: người thiếu nữ với cái giỏ dâu, nủng nỉnh ở trên một con đường con đi về xóm Bích Khang… Tôi ở lại một mình với quãng đồng vắng vẻ, lạnh lẽo, đen mờ… Tâm hồn tôi tiu nghỉu, buồn rầu nặng nề. Chân tôi mệt nhọc, không buồn nhấc đi nữa.

Dầu tôi chưa nhận thấy mặt cô bé, mà tôi đã giữ được một cái hình ảnh rất xinh tươi, rất linh động. Mà cái cuộc đời của tôi tự nay cũng thấy thay đổi hẳn vì tôi đã bắt đầu … yêu.

Xưa nay tính tôi cộc cằn nghiêm khắc khó chịu, mà bỗng nhiên trở nên dịu dàng, êm ái, nhã nhặn. Tôi sẵn lòng khoan dung cho những cái tội lỗi ghê gớm mà pháp luật thường không dung được. Tôi lại thương đến, thương một cách mặn nồng những vật vô tri vô giác như ngọn cỏ lá cây… vũ trụ dưới mắt tôi thật là vô cùng khả ái…

Trong phòng học, tôi có treo ở vách một bức tranh tố nữ, xưa nay bị tôi xem thường, ngày nay đối với tôi hữu tình nhiều lắm. Một hôm tôi ngồi đối diện với tố nữ. Thoạt nhiên tôi thấy người trong tranh cử động. Hai con mắt đưa nhìn tôi một cách âu yếm. Cặp môi nhíu lại điểm một nụ cười xinh tươi.

Trong mình tôi thấy nhẹ thoắt. Tôi đứng phắt dậy, tiến lại gần, toan đưa tay ra ẵm vào lòng… thì giật mình một cái, tôi thấy con người kia không thịt không da, không có cả bề ngang nữa.

Nếu các ngài không chịu nhận là tôi đã yêu một người nữ rồi, thì tôi xin hỏi: sao tôi lại có được thứ cảm giác kỳ dị ấy?

Một hôm sau, tự nhiên tôi tìm đến xóm Bích Khang. Nếu tôi không phải là một con bướm theo hoa, thì tự nhiên tôi lại đến Bích Khang làm gì?... Đêm hôm ấy là một đêm trăng. Cả vũ trụ trắng xóa một thứ ánh sáng dịu dàng. Tôi đi một con đường con, theo những rặng cây tre mà lần bước, thảnh thư nhẹ nhàng như đạp trên làn mây khói. Đi qua một nếp nhà tranh lẹt đẹt, vườn tược sơ sài, tự nhiên tôi dừng bước lại, bồi hồi bâng khuâng…

Vì qua hàng dâm bụt, tôi vừa nghe có tiếng hát một người thiếu nữ, tiếng như quen lắm.

Duyên kia có phụ chi tình?

Con tằm nhả kén cho mình quay tơ.

 

Rõ ràng là câu hát cũ tôi nghe đã một lần rồi, mà tôi ngâm lại đã biết bao nhiêu lần rồi. Tôi dòm vào thì thấy một người thiếu nữ, ngồi bên một cái xa tơ đương lia lịa quay…

Trước mắt tôi thấy diễn ra một cuộc đời êm đềm thanh thú. Tôi tưởng tượng thấy một cô bé xinh xắn tươi cười, mỗi buổi chiều đi vào ruộng dâu, hái những lá dâu xanh. Đêm đến, theo một điệu bộ nhịp nhàng, nhanh nhẹn, cô bé thái nhỏ những lá dâu rắc vào những cái nong tằm. Rồi con tằm nó ăn lên. Nó mạnh, nó lớn, nó ăn nhiều. Cô bé lại phải nhọc công gấp bội. Nhưng mà cô bé vẫn tươi cười. Trên con đường từ bãi dâu vào xóm Bích Khang, nủng nỉu như cái giỏ dâu ở trên lưng, cô bé vẫn hát cái câu hát mà ngày trước mẹ cô đã dạy cho cô.

Rồi một ngày kia, con tằm nó không chịu ăn nữa. Nó bủa kén, nó phun tơ, là lúc nó đáp đền cái công ơn cô bé… Cho được có hôm nay, ngồi yên một chỗ dưới bóng trăng trong, cô bé quay những sợi tơ vàng, và mơ tưởng những chuyện xa xôi…

Nhưng tôi sao lại đến trong cái cuộc đời của cô bé làm gì? Cái cuộc đời cũng êm ái nhẹ nhàng như tiếng quay tơ.

Nương theo hàng dâm bụt tôi bước vào. Cô bé chào tôi bằng một nụ cười. Ô hay! Sao cô bé lại cười? Lại trong tiếng cười như có một vẻ thân mật riêng. Hoặc giả ngay hôm gặp gỡ ở bãi sông, qua những rặng dâu, cô bé đã thấy tôi rồi.

Cái bộ ngượng nghịu bẽn lẽn của cô bé làm cho tôi càng thêm chắc chắn lắm… Cô cúi đầu không dám nhìn tôi nữa. Tôi thì tôi đứng ngắm cô bé một cách tự nhiên. Dầu tôi mới thấy cô lần đầu, mà như đã quen nhau lắm rồi, vì từ khi ở bãi dâu về, cái hình ảnh của cô bé – cái hình ảnh mà tự tôi đã tưởng tượng ra, – thường theo luôn luôn bên mình tôi, và chủ trương cả tâm hồn tôi, cả cuộc đời tôi. Đến nay tôi thấy cô bé mà không hề vẻ cái lạ lùng… Cái cô bé trong trí tưởng tượng của tôi với cái cô bé thật trước mặt tôi cũng là một, rõ ràng là một.

Cái mặt cô bé của tôi cũng dịu dàng ngây ngô, như cái giọng hát đã làm cho tôi say sưa. Dưới bóng trăng xanh, cái đẹp mờ mờ lại càng khả ái, cũng như tiếng hát bí mật ở trong rặng dâu xanh càng thêm khêu gợi…

Tôi đương muốn ngắm cô bé, thì một ông cụ già ở trong lều tranh bước ra, giải chiếu mời tôi ngồi. Đó là một cái phong tục ở xóm Bích Khang, những đêm hôm có trăng trong gió mát thì các cô thiếu nữ thường hay ngồi dưới gốc cây mà quay tơ. Những người khách chơi – có khi là ở phương xa đến – thường được tiếp đãi một cách nhã nhặn. Hai bên trai gái được tự do xướng họa với nhau, hoặc tự tình với nhau, chỉ khi nào có sự lả lơi sỗ sàng quá, thì các cụ mới can thiệp vào.

Ông cụ kia hẳn là ông già cô bé, chỉ ra chào khách qua loa, rồi đi vào ngay, mặc chúng tôi với mảnh trăng trong…

Tôi hồi trước, vì bao giờ người con trai cũng mở đầu câu chuyện:

–  Lứa nầy cô em được bao nhiêu nong?

–  Thưa ông, được chín nong.

–  Thế cô định bán ở đâu? Bán cho ai?

–  Ai mua thì em bán.

–  Thế cô có bằng lòng bán cho tôi không?

–  Ông bằng lòng mua thì em cũng bằng lòng bán.

–  Không giấu chi cô, đến tháng chạp nầy tôi cưới vợ. Tôi muốn may một cái áo thao, một cái quần lụa, để cho hôm động phòng tôi có nhớ đến cái cô bé hái dâu…

Cái câu nói ấy vừa dứt thì tôi lấy làm hối hận vô cùng… Với cái người có tiếng hát thần bí ở trong ruộng dâu, tôi nỡ nào đưa những cái khách sáo vô vị ra mà đãi người ta cho đành!

Không, không, tôi không thể đưa những câu trêu ghẹo xỏ xiên của bọn tục tử mà đãi một người thiếu nữ kiều diễm như thế được. Rồi tôi không nói thêm gì nữa. Tôi đứng trước cô bé như đứng trước cái tượng một nữ thần, im lìm lặng phắt. Mà trong thế gian còn có gì đáng cho người ta kính phục bằng là cái hình ảnh một người đàn bà, có cái đẹp của bậc tiên nga mà lại biết lấy sự làm việc để làm tôn thêm cái vẻ đạp của mình, như người mỹ nhân quay tơ chẳng hạn? Trí tôi đương man mác nghĩ thì thoạt nghe có tiếng nàng hát, xé bầu im lặng…

Cái tình chi?

Cái tình chi cũng ngộ?

Khiến cho đây đó quen nhau

Trong vườn dâu, em sầu, em tủi,

Giỏ dâu đầy, lủi thủi một mình em!

 

Tôi lạnh lùng không đáp được. Nàng nhìn tôi một cách âu yếm, mà tôi lại càng thêm bối rối. Không hiểu sao tôi đần độn đến thế. Tôi là tác giả biết bao nhiêu bài thi đăng ở trên các báo!!!

Tôi tiến đến gần nàng, tôi bắt lấy tay nàng rồi tôi lại buông ra.

Ô hay! Sao tôi lại có cái cử chỉ nhố nhăng ấy? Tôi  hỏi chuyện. Nàng không đáp, rồi tự nhiên chúng tôi cùng ngửng đầu lên nhìn ông trăng. Sao chúng tôi lại đồng lòng với nhau đến thế? Đến đây bỗng nghe tiếng tằng hắng ở trong nhà, hẳn là tiếng của ông cụ, như kêu chúng tôi về với cõi thực tại.

Nàng lại quay tơ. Tôi về chỗ cũ. Rồi không hiểu sao tức thì tôi đứng dậy ra về, không kịp chào người ta một tiếng.

 

***

 

Cách một năm sau, một buổi chiều ở Hà Nội, tôi đương vẩn vơ từ con đường sông Tô Lịch lên  Bách thú. Qua cửa Bắc, tôi thấy một người đàn bà gầy gò mà lại có nghén, tay xách một chồng bát đọi và như có ý đợi ai…

Thấy tôi thì người thiếu phụ vội ngoảnh mặt đi cho nên tôi lại càng để ý lắm. Đi qua người ấy độ vài bước, tôi quay cổ nhìn lại, thì ra người ấy là… cái hình ảnh đẹp đẽ thường theo dõi tôi trong những bước đường đời. Rõ ràng là như thế! Tôi muốn cho tôi là lầm mà có thể nào lầm được. Cái sự thật sờ sờ trước mắt tôi, có thể nào lại giấu đi được…

Nàng thấy tôi thì coi bộ bẽn lẽn, nhưng mà không phải là cái bẽn lẽn đáng yêu như ngày trước.

Tôi hỏi:

–  Thế cô ra đây bao giờ? Ra với ai?

–  Ra với nhà tôi đã một năm nay.

Không đợi hỏi, nàng khai ra hết.

– Nhà tôi đăng lính ở cơ thứ tám về đội binh thuộc địa… Nhà tôi cũng là người ở xóm Bích Khang. Thầy tôi có mắc nhà tôi món nợ, cho nên nhà tôi khi đến dạm tôi, thì thầy tôi bằng lòng mà nhận lời ngay. Tôi cũng không thể làm cách gì khác được vì tôi không hề có những cái mộng tưởng xa xôi hão huyền, có hại cho cái cuộc đời thực tế của tôi. Phải, tôi không dám có những cái mộng tưởng xa xôi…

– Thế cô không biết tôi đã yêu cô, có lúc tôi đã đem hết những cái cao quý ở trong mình tôi mà yêu cô, yêu một cách chân thật?

Nói đến đây như có cái chi làm cho tôi giật mình… Ủa sao tôi lại đi nỡ nói, nói với một người đàn bà đã có chồng lại sắp có con, một câu nói độc địa như thế, một câu nói ấy, há không thể hại đến cả cái hạnh phúc của một gia đình?

Rồi tôi lấy làm ân hận vô cùng, nhưng đối với người đàn bà trước mặt tôi, cái lòng yêu đã đổi hẳn ra lòng thương. Mà ai biết đó là sự đau đớn của tôi? Tôi thương hại cho cái cô bé hái dâu ngày nọ, xinh xắn, thanh thú, tươi cười, ngày nay đương vất hết những vẻ kiều diễm của mình vào trong một cuộc đời tầm thường, nặng nề vô vị…

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Cô bé hái dâu // Phụ nữ thời đàm tập mới,  Hà Nội, s. 9 (12 Novembre 1933), tr. 21-24