CÔ BÉ HÁI DÂU

 

 

     

Hỡi người tình nhân trong khoảnh khắc! Sao ta lại lưu luyến những cái ta biết là ta không giữ được với một mối tình tha thiết hơn? Có lẽ nào như thế!

Hỡi cái tâm hồn vô định! Ngươi hãy vội vàng lên. Ngươi nên biết rằng cái hoa đẹp nhất cũng là cái hoa chóng tàn nhất. Ngươi nên vội nghiêng mình hưởng cho hết mùi hương của nó, "bất diệt" hoa ấy có mùi vị gì đâu!

André GIDE (Les Nouvelles Nourritures)

 

Ta đã để lọt tình yêu trong khoảnh khắc. Than ôi! Giá ta còn sống đến nghìn năm ta vẫn còn ân hận mến tiếc cái phút giây không bao giờ còn có ấy nữa.

(Lời Liên trong truyện)

 

 

 

 

 

 

Ngược sông Linh Giang (Quảng Bình), cách ga Ngân Sơn độ mươi cây số, ta sẽ thấy có một cái động ở trên mặt nước gọi là động Phong Nha. Theo như lời một vài nhà du lịch Pháp thì động Phong Nha có thể liệt vào những thắng cảnh đệ nhất ở Đông Dương.

Vào động, phải đi bằng thuyền… đi ba ngày đường vẫn chưa thấy hết. Càng vào sâu, ta càng thấy động tối đen và hẹp lại, có khi chỉ vừa cho một chiếc thuyền đi… Lắm tảng đá, nước chảy mòn… trông như những vị tiên ông ngồi uống rượu và đánh cờ… Ta soi đuốc vào chỗ nào cũng thấy nhan nhản giữa những sắc màu lóng lánh của thạch nhũ, những nét chữ đã nhòa, hoặc chữ Tàu, chữ Chàm, chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, chữ La-tinh. Cái dấu tích của những người ở phương xa, xứ lạ tới viếng…

Ở trong cảnh thần tiên ấy, Liên và Dương đã cùng nhau hưởng hết những cái lạc thú ở trong tâm hồn và cũng chính bên những vị tiên ông ngồi uống rượu, Liên đã ruồng rẫy Dương, kiếm cách trốn Dương: Lúc ban trưa, một mình Liên rẽ vào rừng rậm, ngồi bên một ghềnh suối, ôm mặt khóc…

Những con dơi ngày thường không ra khỏi động, chứng minh cho chuyện tôi kể đây. Và tôi cầu xin những vị tiên ông ở trong động tha thứ cho tôi là kẻ đã tọc mạch đưa một hai điều bí mật ở trong động các ngài ra phơi bày dưới mắt những kẻ phàm trần… Hỡi các vị tiên ông! Các ngài hãy uống rượu và ngâm thơ đi, tha thứ cho chuyện điên cuồng xảy ra dưới chân các ngài. Liên và Dương, và hầu hết cả bọn chúng tôi là một bọn điên cuồng say sưa mơ màng vì một cái bóng, một cái bọt, một cái không thể có ở trong đời của chúng tôi. "Nó" chỉ lấp lánh như những sắc màu sặc sỡ của thạch nhũ dưới bóng đuốc… Thế mà chúng ta đặt "nó" vào trong một chỗ tinh sạch nhất của tâm hồn và gọi nó bằng một cái tên rất xinh: Ái tình.

Hỡi các vị tiên ông! Các ngài uống rượu và ngâm thơ đi! Các ngài tha thứ cho những tiếng khóc nức nở ở dưới chân của các ngài, tiếng khóc của những tình nhân khờ khạo và ngây thơ, chưa biết say cái say của các ngài.

Mùa đông năm 1934

 

I

Huế, ngày 15-3-193…

Hạnh.

Hôm nay em Liên mang đến cho Hạnh một cái tin rất sầu thảm: Tuyết đã chết rồi. Người bạn của chúng ta đã chết rồi, chết đã một tuần nay. Trong trí em còn nhớ rành mạch một buổi chiều kia, Tuyết đến thăm Liên nhìn những đóa hường nở ở ngoài vườn, Tuyết còn rỉ vào tai Liên: "Đời hoa đầy những màu rực rỡ" nhưng mà hoa đã tàn và người khen hoa cũng đã khuất!... Hoặc giả đó cũng là cái số phận mỏng manh của những cái đẹp rực rỡ ở đời: Lòe ra trong giây lát để nghìn thu tắt hẳn.

Vui vẻ tươi cười đến như Tuyết, thì trong ba chúng ta, tưởng Tuyết sẽ là người hưởng được nhiều hạnh phúc hơn hết, Tuyết sẽ không bao giờ chết. Thế mà Tuyết lại chết giữa ngày xuân xanh. Hạnh ơi! Có cái lý nào như thế không?

Tuyết chết vì bệnh thổ huyết…Chẳng qua là Tuyết muốn mượn cái bệnh ác hại ấy để giấu cái bệnh thật của mình đó thôi…

Tuyết nghĩ cũng khôn khéo chu đáo thật. Nhưng Tuyết liệu có đủ sức mà im lặng cái khối hận riêng của mình qua cõi đời khác. Em tin chả có kẻ trần gian nào có cái can đảm ấy được.

Cái bệnh thật của Tuyết, Tuyết đã ngỏ hết cho Liên và dặn đừng để cho người ngoài biết.

Hạnh ơi! Tuyết chết vì tình, chết vì một người đàn ông… chết vì Mai. Mai hẳn Hạnh cũng biết đấy, con người dong dỏng, trắng trẻo mà kỳ nghỉ hè năm kia, mình gặp ở nhà Tuyết. Trước mặt chúng mình thì Mai hiền hậu, nhỏ nhoi thế đấy, thế mà không phải là hạng người tầm thường đâu, vì tầm thường thì đã không làm nổi cái việc Mai đã làm, Mai đã giết Tuyết!

Trước một hôm từ trần, Tuyết cho người gọi Liên đến. Liên đến Tuyết chỉ nhìn Liên mà không nói gì hết. Liên bắt tay Tuyết và khẽ hỏi Tuyết: "Tuyết mệt lắm?". Tuyết trả lời: "Tuyết không mệt, nhưng Tuyết khổ não lắm, đau đớn lắm; từ hôm qua đến nay Tuyết đã cảm thấy trước rằng: Tuyết đã gần chết rồi, sắp phải vĩnh biệt cuộc đời đẹp đẽ và các bạn thân yêu". Nghỉ một lát, Tuyết lại nói: "Độc địa chưa! Tuyết lại chết vì Mai, chết vì tình. Cái chết mới tầm thường làm sao! Yêu người rồi người phụ, rồi khóc rồi đau rồi chết! Ôi! Tầm thường quá!"

"Nhưng người ta cũng chết vì những sự tầm thường như thế cả! Liên muốn nghe nhích lại đây Tuyết nói cho mà nghe, chuyện dầu tầm thường nhưng tự một người gần chết nói ra kể cũng có thú lắm chớ, phải thế không Liên nhỉ?". Tuyết mỉm cười một cái rồi lại tiếp: "Một buổi chiều kia, Tuyết ở trường về một mình lẩn thẩn trên con đường Jules Ferry vì hôm ấy Tuyết có điều muốn ngẫm nghĩ. Đi khỏi vườn hoa Tuyết gặp Mai. Thấy Tuyết, Mai ngả mũ chào và mỉm cười với Tuyết. Tuyết cũng chào lại bằng một nụ cười. Cái nụ cười ấy là một nụ cười ngây thơ tỏ vẻ yêu đời, nhưng trong mắt Mai thì lại chứa chan nhiều tình ý. Một hôm sau trong một quyển sách của Nho, anh Tuyết, Tuyết thấy có một phong thư màu xanh. Tuyết mở ra đọc thấy toàn những lời êm dịu mơn trớn đối với Tuyết. Hai má đỏ ửng, bấy giờ Tuyết hơi bẽn lẽn vì là mối cảm xúc đầu tiên và khác thường, nhưng mà Tuyết thấy sung sướng vô ngần. Qua cánh cửa song, Tuyết trông thấy cái mặt ao rung rinh dưới ánh mặt trời như bảo Tuyết cuộc đời là đầy lạc thú. Giá chỉ có như thế rồi Tuyết chết đi thì cuộc đời của Tuyết có ý nghĩa biết bao, nhưng Tuyết còn muốn sống. Rồi một hôm, Tuyết biên thư cho Mai, vì Tuyết quá tin đời, quá yêu đời. Rồi thế nào nữa Liên thử đoán xem? Có gì lạ đâu, Mai đánh lừa Tuyết. Một chuyện rất tầm thường nhưng mà Tuyết thật chẳng ngờ. Kìa mẹ Tuyết đã vào thăm Tuyết đấy. Liên đứng dậy về đi, mai đến Tuyết lại nói hết cho Liên nghe".

Đến đây mẹ Tuyết đến, Liên đứng dậy xin về, mai sẽ đến nghe nốt câu chuyện tình của bạn. Nhưng trời đất ơi! Ngày mai! Liên đến thì Tuyết đã làm ma rồi.

Một cái hòm gỗ phết giấy đỏ chói trên có cắm mười hai ngọn nến, ở trong ấy đương nằm một người con gái cứng đờ không một tiếng thở, bó chặt ở trong những tấm vải trắng, trên mặt ấp một tờ giấy vàng. Hạnh hãy tưởng tượng đấy là người bạn của chúng ta, là Tuyết, là một người yêu đời, xinh xắn, vui vẻ, ngây thơ. Liên đến để nghe nốt câu chuyện tình của bạn. Đấy chuyện tình của bạn, 12 ngọn nến liu hiu còn kể lể cho Liên nghe đấy. Hạnh ơi! Liên nghẹn ngào không khóc được, mà ai đời lại khóc một điều tối vô nghĩa lý như thế được Hạnh nhỉ. Cách hai hôm sau thì đưa đám Tuyết. Liên không đi. Bóng xế thì Tuyết đi qua ngõ nhà Liên. Liên núp sau giậu bụt trông ra thấy một cái hòm đỏ choét lấp lánh ở dưới bóng mặt trời hè lững thững đi về phía núi. Hôm ấy, Liên cũng không khóc được, chỉ thấy ghê sợ… mà thôi.

 

Huế, ngày 15-4-193..

Hạnh ơi! Có lẽ một tuần nữa thì Liên phải rời Huế, là nơi Liên còn để lại lắm cái kỷ niệm rất êm đềm về cái tuổi thơ ngây chửa biết đời là gì, chỉ biết ăn chơi nô đùa và cắp sách tới trường học những điều viển vông về văn chương, về sử ký. Hình như cái cuộc đời ngây thơ vô tư vô lự vụt qua đi là chỉ để một ngày kia người biết suy nghĩ tìm lại mà thương tiếc và ngậm ngùi. Phải, Liên ngày nay đã đến ngày biết suy nghĩ và biết thương tiếc, ngậm ngùi; thương tiếc những điều đã qua và ngậm ngùi những điều sắp tới. Người ta khôn lớn lên thì được như thế đấy! Liên còn nhớ một buổi chiều tan học, ba chúng ta cùng qua đò sông Hương. Hạnh nhìn những dãy núi chập chồng xa xa, Liên nhìn đám mây bay lững thững lưng trời, còn Tuyết thì nhìn bóng mình cười dưới nước, bỗng kêu chúng ta mà rằng: "Hạnh và Liên này! Này trông Tuyết dưới nước đẹp và tươi vô ngần". Rồi Tuyết cười ồ lên chúng mình cũng cười theo… Tiếng cười của tuổi ngây thơ… Nhưng cái tuổi ngây thơ qua… Rồi một buổi chiều kia… Tuyết qua một cõi khác còn chúng mình bơ vơ ở lại cõi này mà khóc Tuyết. Nhưng chuyện bao năm cũ còn giở giói ra làm chi nữa?

Liên định trong một tuần nữa thì bán nhà và rời Huế. Nguyên do là tại khi thầy Liên mất đi, tiền thuốc men và ma chay tốn kém nhiều lắm, mẹ Liên phải đợ nơi người ta một món tiền là năm trăm đồng. Món nợ càng ngày càng lớn mà mẹ Liên thì càng ngày càng già lẫn, buôn bán sút kém hơn lúc trước nhiều; chỉ lo chạy tiền lãi cho người ta còn không đủ thay thì bao giờ mới trả cho rồi vốn. Mẹ Liên mới nghĩ bán sở nhà đi để trả nợ còn lại bao nhiêu thì đành làm tiền dưỡng lão cho bà và làm tiền hồi môn cho Liên. Hiện nay đã có người bằng lòng mua sở nhà lẫn vườn là hai nghìn đồng. Chỉ đợi người ta mang tiền lại thì bà sẽ dọn về quê ngoại ở Hoài Sơn. Ở đấy Liên còn một ông cậu tuy chỉ làm nghề nông nhưng cũng dư dật.

Vừa rồi cậu Liên có viết giấy giục mẹ con Liên về. Ở Hoài Sơn sẽ làm gì bây giờ chửa định, chỉ biết rằng từ nay về quê ngoại, cái thân phận mẹ goá con côi may ra được có người đùm bọc che chở, và được yên mà sống một cuộc đời êm đềm và giản dị với cái cảnh của mình.

 

Hoài Sơn, ngày 2-5-193...

Hạnh,

Mẹ và Liên đã về ở Hoài Sơn rồi. Hoài Sơn là một cái làng nhỏ mất hút trong dẫy núi Đăng Mang, ở ngay trên ngọn Linh Giang. Một làng nhỏ chỉ lúp xúp độ hai ba chục nóc nhà. Một cánh đồng sắn hình như mới vỡ, vì đất còn đỏ ối. Con sông ly lắt ồn ào, mạnh mẽ vừa mới ở nguồn ra. Những rừng cây um tùm, dân cư thô lậu, mỗi buổi sáng sương mù sa xuống, che lấp cả đường lối, nặng nề ướt át.

Cảnh ấy là một cảnh hùng vĩ, cọc cằn nhưng trong sạch, thô lậu nhưng mạnh mẽ.

 

9-6-193...        

Hạnh,

Đã một tháng nay, chúng tôi ra ở riêng.

Hạnh hãy tưởng tượng một nếp nhà tranh cao ráo, hiên rộng bốn bề đều có cửa vào ra. Bên trong bài trí một cách sơ sài: vài cái giường gỗ, năm ba chiếc bàn ghế mây; ở ngoài một khoảnh vườn nho nhỏ, đất mới còn đỏ ối, nhưng đã lãi rãi vài cây cao bóng tỏa um tùm; những cây hoang mọc đã tự bao giờ chẳng biết! Một cái suối con róc rách uốn quanh vườn nhà. Trước mặt ngọn đồi thấp thấp, nối với một cái rừng cây u rậm chạy tít đâu tận chân trời.

Hạnh lại tưởng tượng cái bóng một thiếu nữ mới buổi chiều, tha thướt từ nhà đến đỉnh đồi, vơ vẩn. Đừng tưởng cái phong cảnh Liên vừa tả không cùng hợp với tính tình một người đàn bà! Người đàn bà cũng có lúc mạnh bạo hăng hái, cũng có thể làm được những việc muôn nghìn người khác không dám làm, mà vẫn giữ được cái cốt cách thanh tao, trong sạch.

Mấy hôm nay vẫn ở chung với nhà cậu; còn lạ lùng bỡ ngỡ lắm. Chiều chiều ra tựa cây đa ở ngõ, trông những đàn chim bay về núi. Chim về hết rồi, thì mình cũng lủi thủi đi vào, một mình lại tưởng nhớ đến những ngày đã qua và những chuyện đã qua.

 

12-6-193..

Ngoài sự tằm tơ là cái nghề cũ của mẹ, thì bà cũng không làm gì nữa mà cũng không hề giao thiệp với ai, chỉ trừ một vài bà hàng xóm. Cuộc đời thật là an nhàn vô sự. Đôi khi nghe con chó sủa ở ngoài ngõ, con nhài chạy ra thì thấy tiến vào một chú trạm.

Bà có thư ở Hà Nội.

Mẹ hỏi:

Thư ai thế hử con?

Liên đáp:

Thư của Hạnh.

Rồi chú trạm đi. Cánh cửa khép lại. Con vàng lại nằm yên trong một xó, buồn thiu buồn chảy vì không còn có dịp để sủa nữa. Trong những ngày lặng lẽ ấy chỉ còn nghe có tiếng dao thái đều đặn trên những lá dâu xanh.

Lứa tằm của Liên hôm nay đã ăn lên. Ồ! Trông sướng mắt quá. Liên tuy là kẻ tập sự trong nghề tầm tang, nhưng  Liên đã giúp được cho mẹ Liên nhiều lắm kia Hạnh à: Liên đã biết hái dâu, thái dâu và rắc dâu lên trên những nong tằm. Hạnh lại mỉm cười, những việc như thế, Liên đố Hạnh làm được đấy. Ngoài việc tằm tơ ra, Liên còn chăm nom vun bón mấy cái bồn hoa và mấy hàng xà lách. Những bông hoa của Liên còn bé nhỏ lắm, nhiều nhất chỉ có cúc trắng và thược dược.

Hôm ở Huế về, Liên có mua được một nhánh nguyệt dạ hương, cây đã lên cao và đâm mầm nhiều lắm. Mấy hàng xà lách chắc vài tháng nữa đã ăn được. Rau riếp sao khó trồng thế, hôm nào quên tưới nước đã thấy chết ngay; nhưng "xu-lơ" của Liên thì tốt lắm. Chừng nào ăn được, Liên sẽ bó gửi cho Hạnh một ít nhé, gửi bằng cách "lĩnh hoá giao ngân". Một chiếc hoa, chỉ tính có hai hào thôi. Hạnh bằng lòng cái giá ấy rồi đấy chứ?

 

31-10-193..

Hạnh,

Nghĩ tạo hoá thật cũng khắt khe! Con người ta sống trong cuộc đời phù du, mà bắt phải chết đến hai lần. Lần chết thứ nhất là khi xác thịt người ta thối mục với cỏ cây, lần chết thứ hai là khi cái hình ảnh của người ta cũng sẽ xoá mờ trong tâm linh của những người còn lại. Liên nghĩ đến cái ngày ấy, mà rùng mình, cái ngày mà Tuyết sẽ chết hẳn trong lòng mỗi đứa chúng ta.

Với Tuyết, sẽ tiêu tan hết bao nhiêu cái đẹp đẽ, êm ái ở trên đời: tình bè bạn tuổi ngây thơ, và bao nhiêu những cái vô hình khác mà người ta tưởng là không thể chết được. Từ hôm về Hoài Sơn đến nay, Liên ít khi nghĩ đến Tuyết. Đó là cái triệu chứng đầu tiên, rằng Tuyết đã bắt đầu chết ở trong tâm linh Liên. Nhưng biết làm thế nào? Ngay chỗ Liên ngồi, trước mắt Liên nào thấy có một cái gì gọi là lưu cái dấu tích của người bạc mệnh. Liên đã xa cái cảnh sông Hương, rất xa cái ngày mà ba chúng ta thi nhau ném thia lia trên mặt nước, hay là cùng nhau dưới gốc đào bích nhà Liên, chúng ta đã vạch lên trên đất những bài thơ tứ tuyệt mà mỗi đứa làm một câu:

Hạnh còn nhớ bài thơ vịnh "Bông hường lúc chiều tàn" đấy chứ?

Mở đầu Tuyết đọc:

Khô héo chiều hôm một đoá hường,

Hạnh tiếp:

Từ bao, em đã lạt mùi hương?

Liên nối theo:

Đời em sao vội tàn mau thế?

Lại đến lượt Tuyết:

Em đã từng qua mấy độ sương.

Rồi ba chúng mình vạch bài thơ lên đất, cất giọng cùng ngâm lại một lượt nữa và đua nhau cười như nắc nẻ… Tự hào cho thơ chúng mình là "thơ tiên", và chúng mình là những vị nữ thần đồng.

Nào bấy giờ ta có biết đâu rằng trong mấy vần ngây thơ, đã thoáng thấy một vẻ buồn man mác về sự mong manh của tạo vật. Thuở ấy ta chỉ cười, cười cho hả hê, để hôm nay, lạnh lùng ta ngồi khóc.

Ngồi biên thư cho Hạnh, quên cài kín rèm lại, ngọn gió lọt vào lạnh quá! Mùa đông đến từ hồi nào không hay. Gió bấc thổi vùn vụt ngoài giời; không khéo cây nguyệt dạ hương của Liên lại đi đời mất; Liên e ngại lắm. Nhưng ngoài giời gió bấc vẫn thổi vùn vụt, không biết nó có sống đến ngày mai không, nhỉ Hạnh nhỉ? Lạnh quá, cho phép Liên đi nghỉ nhé, mai lại hầu chuyện bạn.

Liên

 

Hoài Sơn, 12-11-193..

Hạnh,

Đã lâu không tưởng nhớ đến Tuyết, hôm qua còn được gặp lại Tuyết trong một giấc mộng, trong một cảnh rực rỡ đẹp đẽ mà mọi người trần gian đều mong ước.

Một buổi mai kia, vai đeo một cái khăn gói, tay nắm một cây gậy song, Liên lủi thủi đi một mình trên những con đường nhỏ hẹp, hai bên tha thướt những bụi lau già. Liên cũng không biết Liên đi đâu, Liên chỉ thấy Liên đã rảo qua nhiều làng mạc, và hết làng mạc, Liên đi vào rừng núi; Liên trèo đồi này qua đồi nọ, lên dốc rồi lại xuống dốc, cứ thế cho đến khi mặt trời đã đứng bóng. Trong nửa ngày hình như Liên đã đi trên một ngàn dặm đường. Nghỉ chân trên một tảng đá bên một dòng suối, Liên lấy những nắm cơm ra ăn. Ăn xong lại đi. Đi thêm một quãng rừng nữa thì Liên đứng lại, ngẩn ngơ trước mặt một cái lầu cao vòi vọi, tráng lệ, nguy nga…

Liên rẽ lối bước vào. Một thiếu nữ xinh xắn vui tươi chạy ra đón Liên.

Tôi muốn vào yết kiến vị chủ nhân lần này.

Vâng, xin mời quý khách vào Tây Hiên.

Tây Hiên đây là phòng khách của chủ nhân, bài trí một cách đơn sơ mà trang nhã. Ngoài một bộ bàn ghế bằng tre lồ ô, lót bằng những đệm bông gòn, Liên không còn thấy đồ đạc gì có giá khác nữa. Quanh tường, chỉ có những hàng chậu sành xinh xinh trồng những đoá hoa rực rỡ, mỗi đoá tiêu biểu cho một vẻ đẹp và một mùi hương ở trên tiên giới.

Liên lại thấy những chòm lá xanh thẫm, rung rinh giữa những tia sáng mặt trời tủa qua hàng song thưa…

Thoạt bước vào, một tiên nữ mỏng mảnh, lanh lẹ, bận toàn mầu xanh nhạt, đưa tay mời Liên ngồi…

Liên biết nói thế nào? Người đứng trước mắt Liên là người bạn cũ của chúng mình, rõ ràng là… Tuyết. Phải, chính Tuyết.

Xin mời quý nương… dùng trà.

Liên vẫn đứng im nhìn Tuyết, thật là giấc chiêm bao, trong một giấc chiêm bao. Tuyết chạy lại nắm tay Liên rồi mỉm cười… Ôi cái nụ cười như chế nhạo, cả bao nhiêu vẻ thanh tao, mỹ lệ mà người đời thường ca tụng.

Tuyết vẫn không nói, trên tiên giới có lẽ không hay dùng đến giọng lưỡi.

Trong bầu không khí yên lặng bỗng nổi dậy một khúc nhạc… Liên nghe như có một làn sóng du dương dịu dàng êm ái thấm qua những lỗ chân lông, qua những lần da thịt, đến tận tâm hồn… Liên thấy những bông hoa chạy vòng xung quanh và như cuốn Liên lên giữa quãng không trung vô tế… Liên thấy Tuyết càng lâu, càng xa, dần dần rồi chỉ lờ mờ một cái bóng trắng…

Một tiếng gà giục ở bên sông. Liên giật mình như ở trên không rơi xuống, trông ra ngoài vườn, hoa của Liên đã nhởn nhơ trong một bầu ánh sáng ấm áp và vui vẻ.

Cái giấc mộng của Liên thật là ngộ, nhưng không biết nó có một cái ý nghĩa gì không? Người có đạo Thiên Chúa thường bảo rằng: "Cái gì đến ở trong đời ta đều do Thượng đế khiến nên cả". Nhưng Liên không tin rằng cái giấc chiêm bao của Liên hôm qua cũng có một ý nghĩa gì; mà sao lại cần phải có một ý nghĩa chứ, Hạnh nhỉ? Trong cõi thật, ta vắng Tuyết, trong giấc chiêm bao ta còn lại gặp Tuyết, giấc chiêm bao ấy chẳng phải đã cho ta nhiều hạnh phúc hơn trăm nghìn việc có ý nghĩa ở đời?

Tái bút: Ngọn gió hôm qua đã bẻ gẫy mất một nửa nhành nguyệt dạ hương của Liên rồi… Còn cỗi rễ, còn hi vọng sống đến thu sau, Liên đếm cả thảy còn được hai cái mụp nữa, mấy khóm cúc trắng của Liên được vô sự… mấy hàng xà lách cũng không việc gì…

Liên

 

Hoài Sơn, 13-3-193…

Hạnh,

Lứa tằm của Liên sau mười hôm bủa kén, tất cả đã hy sinh cái kiếp mình trong những nồi nước sôi, và đã hiến cho Liên cái thú êm đềm là ngồi kéo những sợi tơ…

Ngày ngày, Liên ngồi quay tơ… Ngày tháng, bên Liên, đi êm như giấc mộng… Ngoài vườn những sắc màu đã thay đổi nhiều lắm rồi… Cúc đã mấy lần nở, mấy lần tàn… cà cưỡng đã về rừng. Mấy con "bịp bịp" đã đến làm rộn cả tai…

Ngày ngày, Liên ngồi quay tơ… Ngày tháng bên Liên đi êm như giấc mộng… Chết chửa, mới độ nào mà ta xa cách Tuyết đã một năm rồi đó! Lúc chết, nghe nói Tuyết có mang theo tấm khăn lụa, có thêu cái hoa lý, do ba chữ tên của chúng mình kết lại… Cái hoa lý ấy, đến nay có lẽ đã nát bẩn rồi… và có lẽ đến nay, Tuyết cũng đã quên mất tên hai đứa chúng mình rồi. Sau này, Tuyết còn gặp lại chúng mình, e cũng không biết thế nào mà gọi… Chừng ấy, chúng mình sẽ nhìn nhau mà cười… "Quên" là cái luật chung của Tạo hoá, người sống kẻ chết ai cũng có thể quên được, và cũng cần phải quên để mà sống và để mà chết.

Liên

 

Hoài Sơn, 20-3-193…

Hạnh,

Hôm nay, Hạnh ạ! Liên đã nuôi thêm một lứa tằm nữa. Lứa tằm này chắc sẽ tốt lắm, vì tiết giời độ này điều hoà, không có những cơn gió sốc đến thình lình.

Từ sáng sớm, mẹ Liên ra chợ Ba Đồn để bán mấy nong tơ. Liên ngồi nhà một mình thái dâu cho tằm, tiếng dao đều đều cọ lên trên thớt gỗ, như đưa đẩy tâm hồn theo một nhịp điệu mơ hồ êm ái…

Bỗng có tiếng chó sủa, Liên ngẩng trông thì té ra con Vịnh. Con bé tươi như một nụ cười dưới ánh nắng. Nó quê mùa nhưng trông xinh đáo để Hạnh ạ. Nó, con một người hàng xóm, mẹ nó cũng chăn tằm như nhà Liên. Nó cười tủm tỉm hỏi:

Con Minh đâu chị?

Nó đi chợ. Em hỏi nó có việc gì?

Em định gọi nó cùng ra bãi hái dâu cho vui.

Thế đợi chị đi với!

Ai lại thế!

Rồi nó cười ngặt nghẽo và quay lưng đi!

Không hiểu sao con bé lại có cái tư tưởng kỳ quặc thế. Ý chừng nói cho rằng một cô nữ sinh "về vườn" như mình không thể làm được cái việc của nó chăng? Hay là nó cho rằng đi hái dâu như nó thì mất "thể diện" mình! Mình mà cũng có thể diện nữa à? Thể diện một cô nữ sinh! Giá mà Liên có sức khoẻ thì Liên cũng đi mò cua bắt ốc cho mà coi, chứ như cái việc đi hái dâu thì đến nỗi nào…

Liên

 

Hoài Sơn, 1-4-193…

Hạnh,

Liên tưởng như mùa đông đã đi qua, không còn để rơi lại một ngày rét mướt nào nữa. Liên đã có bụng mừng cho lứa tằm và những bồn hoa của mình từ nay hẳn chỉ còn biết nhởn nhơ với cái ánh nắng tưng bừng của những ngày cuối xuân đầu hạ.

Hôm nay, không ngờ còn có một cơn gió lành lạnh như chạy luồn trong cây. Ở một cây mít bên vườn nhà hàng xóm, gió rũ xuống những chiếc lá vàng. Những chiếc lá, là là bay qua tường rồi từ từ rơi xuống một góc sân, cuốn tròn, lướt vào thềm nhà.

Hạnh ạ! Không bao giờ Liên thấy lòng lạnh lùng và trống trải đến thế! Liên bật ra khóc. Nhưng thực ra Liên cũng không biết mình khóc gì, hay khóc ai. Hình như là tiếc nhớ quãng đời không còn có nữa. Giá lúc này Tuyết còn ở bên mình, để Liên ôm vào lòng và cắn nó một cái ở má cho thật đau! Còn Hạnh định bao giờ mới vào thăm Liên? Mẹ cứ nhắc đến tên Hạnh mãi. Mỗi lần có thư thì bà lại hỏi: "Hạnh bao giờ nó vào?" mà lần nào Liên cũng đáp: "Hạnh sắp vào"… nhưng thực ra chẳng có bao giờ… Cho đến gửi thư, Hạnh cũng làm biếng lắm. Ba tuần nay làm gì mà không đáp thư Liên? Hà Nội có cái không khí làm cho người ta dễ quên lắm mà. Thảo nào! Cô Hạnh của tôi chả vội quên người bạn cũ ở chốn quê mùa này.

Nhưng Hạnh đừng tưởng ở chốn này thiếu những chuyện kỳ ngộ để kể cho bạn nghe.

Sáng hôm nay cũng như mọi ngày, Liên ra bãi hái dâu. Liên đương đứng ở vườn dâu và tay lia lịa đương hái những lá dâu bỏ vào giỏ, thì nghe có tiếng ngựa hý bên sông. Chiếc đò ngang vừa chở qua một con ngựa trắng, và một thiếu niên mặc tây. Sau khi trả tiền đò, thiếu niên ngẩng lên thấy Liên, nhìn đăm đăm. Liên thấy cả cái vẻ dùng dằng của chàng không muốn lên ngựa vội. Nhưng chàng vẫn không nói gì. Chiếc đò ngang đã lại rời bến. Trong cái im lặng của bãi dâu chỉ nghe có tiếng rào rạo của con ngựa cắn những cỏ non. Liên muốn cười quá mà không sao cười được. Thiếu niên hình như chợt thấy sự lưu luyến buồn cười của mình, bèn vội vàng đi ngay không dám ngoảnh lại. Đi độ trăm thước không hiểu sao chàng quay ngựa trở lại, như bỏ quên một vật gì…

Chàng đến gần bên Liên rồi nhảy xuống và bằng một cái giọng trân trọng nói với Liên:

Dám phiền cô. Đường về nhà ông bá Ngưỡng ở xóm này đi ngả nào?

Nghe nói đến tên ông bá Ngưỡng, Liên suýt bật ra cười vì từ ngày về đây, Liên có hề nghe nói đến cái tên kỳ quặc ấy bao giờ. Liên vì phải nín cười nên chỉ lắc đầu và trả lời một câu cụt ngủn:

Không biết.

Câu nói ấy làm cho "chàng" ngượng mà không hiểu sao Liên cũng đỏ mặt.

Sau một lát im lặng, nặng nề, chàng lại hỏi một câu ngớ ngẩn hơn:

Cô làm ơn chỉ cho tôi một cảnh đẹp ở vùng này. Tôi về đây bản ý muốn lấy một vài tấm hình phong cảnh.

Thế ra ông là một nhà nhiếp ảnh?

Thấy Liên hỏi lại một cách rất niềm nở, một tia mừng như chạy trên mặt thiếu niên, chàng vội vàng đáp:

Dạ, không, tôi là một nhà viết tiểu thuyết…

Ông viết tiểu thuyết?

Tôi thích viết tiểu thuyết và thích cả chụp hình nữa.

Chàng lại đứng thần người ra, hai tay giơ lên bỏ xuống một cách ngượng nghịu. Có lẽ cái việc một số gái quê hiểu được những chữ "tiểu thuyết" và "nhiếp ảnh" làm cho chàng ngạc nhiên và sửng sốt lắm, Liên vẫn đứng hái những lá dâu như không để ý đến chàng.

Sau cùng chàng chào Liên một cách nhạt nhẽo, rồi lên ngựa, lần này đi thẳng.

Liên vẫn trông theo mỉm cười nói một mình: "Anh chàng rõ ngớ ngẩn quá!"

Chiều nay trong lúc đương ngồi ăn với mẹ bỗng Liên bỏ bát xuống, Liên nhìn ra bóng cây cam sành thướt tha ở thềm nhà, mẹ cười hỏi Liên: "Con nghĩ gì?" Liên quay lại nhìn mẹ sửng sốt, vì thực ra Liên có biết mình nghĩ đến gì đâu. Buồn cười quá!

Lần đầu tiên Liên thấy mình có những phút thơ thẩn đến hay.

Liên

 

Hoài Sơn…

Hạnh,

Hôm nay, Liên đương ngồi khâu áo ở song cửa thì nghe có tiếng lá tre kêu lao xao, và tiếp theo có tiếng cành cây khô gẫy lắc rắc và cuối cùng có tiếng "hí".

Liên ngẩng lên trông, thấy ở cuối  vườn một con ngựa trắng đương vín nhai những lá tre ở bờ giậu. Liên vội vàng bỏ kim chỉ chạy ra. Thôi rồi! Cái vùng xà lách của Liên đi đời rồi! Cây nguyệt dạ hương cũng bị gãy mấy nhánh. Mấy vồng cúc trắng cũng bị con vật khốn nạn nó giẫm chân lên. Liên giận quá, chạy vào nhà bếp vác ra một thanh củi to tướng. Liên định phang vào đầu nó. Nhưng, đảm khí của Liên đi đâu cả, Liên không dám lại gần, Liên chỉ đứng xa lấy thanh củi, hoa trước mặt nó. Nhưng nó vẫn thản nhiên như không mới tức chớ! Nó không chịu lui Liên mới gọi mẹ: "Mẹ ơi! Có con ngựa "phải gió" nào, lạc vào vườn nhà ta, con đuổi nó, nó nhất định không chịu đi, mẹ này!".

Bỗng có tiếng đàn ông đáp sau lưng Liên:

Con ngựa của tôi đứt cương lạc vào đây, xin lỗi cô.

Liên ngoảnh lại, sửng sốt vì người vừa nói đó chính là người thiếu niên hôm nọ Liên gặp ở bến sông. Liên nghiêng đầu, cười một nụ cười thản nhiên và khẽ đáp:

Thưa ông, ông không có lỗi gì cả.

Con ngựa "phải gió" ấy đã quấy phá cô nhiều lắm.

Thế thì thưa ông, lỗi ở tại con ngựa vậy.

Nhưng nó là của tôi.

Liên đứng vin một cành đào và với nụ cười tinh quái đáp:

Dạ, nó là của ông, nhưng trong hình luật không có khoản nào định rằng: chủ phải xin lỗi cho con ngựa của mình. Ông là một nhà tiểu thuyết, nếu ông gặp một trường hợp như thế, không lẽ ông cũng bắt nhân vật của ông phải xin lỗi cho ngựa như thế! Ông là nhà viết tiểu thuyết, có phải ông đã nói với tôi như thế không, ông nhỉ?

Vâng, tôi là nhà tiểu thuyết và nhà nhiếp ảnh nữa.

Liên phì cười và trong một phút quá suồng sã, Liên trêu người khách lạ như trêu người em gái của mình:

Thế thì ông làm ơn "nhiếp" cho tôi một cái ảnh đi. Đấy con ngựa của ông đương đạp phá mấy vòng xà lách của tôi đấy, ông làm ơn lấy cho tôi một tấm hình của nó, đặng sau này tôi có đi kiện ông, thì đã có chứng cớ chắc chắn rõ ràng ở trên tấm ảnh.

Nói xong, Liên cười ngặt nghẽo, nhưng với một cái giọng nghiêm trang nhất đời, chàng thiếu niên ấy bảo Liên:

Thưa cô, tiếc tôi không mang máy ảnh theo đây.

Thế thì ông làm ơn vẽ lấy vậy. Nhà ông ở đâu xa?

Xa lắm.

Chàng nói bằng một cái giọng thật thà, ngây thơ, ngớ ngẩn, dễ thương lắm!

Liên tưởng khi người ta là nhà tiểu thuyết, ít ra người ta cũng ranh mãnh hơn thế. Không ngờ, người ta thật thà như một đứa trẻ con. Có lẽ người ta không biết gì, vì người ta đã biết nhiều lắm.

Nói thế rồi thiếu niên và Liên cũng như sai khiến bởi một mệnh lệnh, chúng tôi đều đứng im trong một giây lâu. Trong lúc ấy thì mẹ Liên hiện ra với một nụ cười rất hiền hậu. Mẹ nhìn thiếu niên, và nói nửa đùa nửa thật:

Tôi bắt đền cậu đấy! Con bé nhà tôi học biết bao nhiêu sách mới trồng được mấy hàng xà lách quắn ấy, nay con ngựa quý báu của cậu đạp phá hết! Tôi bắt đền cậu đấy.

Thiếu niên có vẻ ngượng nghịu. Vẫn với một nụ cười hiền lành ấy, mẹ mời thiếu niên:

Cậu vào nhà xơi chè với chúng tôi đã.

Có lẽ cảm động về câu nói thân mật đột ngột của mẹ, chàng thiếu niên tuy mới quen chúng tôi lần đầu, nhưng không muốn thoái thác. Bấy giờ chàng mới nhớ tới con ngựa của mình, đi đến gần sửa lại dây cương cho nó, kéo nó ra buộc ở ngoài ngõ. Rồi chàng theo chúng tôi đi vào nhà.

Trong lúc mẹ hỏi chuyện chàng thì Liên chạy đi đun nước, pha chè để đãi khách.

Lần đầu tiên, Liên pha chè, rót lên những cái chén nho nhỏ xinh xinh, rồi tự mình đưa đến tận tay khách, nhất là khi khách lại là một thiếu niên có vẻ hay hay như người thiếu niên nọ, thì tự nhiên, trong lòng mình thấy như phe phẩy lạ nhường.

Đôi khi ngẩng lên bắt trộm được người ta nhìn trộm mình thì lại càng tự đắc và thích thú vô cùng. Người ta nói chuyện hay đáo để.

Liên lơ đãng quá, nhiều khi có vẻ lắng tai để ý lắm, thế mà chẳng nghe gì hết.

Uống xong một tuần chè, thì người ta cáo biệt đi lên núi.

Người ta đi khỏi rồi, mẹ nhìn Liên một cách tinh quái, và bảo Liên:

Anh chàng nói chuyện dễ thương quá! Trước kia, người ta nói cũng có học cao đẳng đấy con ạ!

Ô hay! Không hiểu sao mẹ lại nhìn Liên mà cười làm Liên thẹn đỏ cả mặt. Cho đỡ thẹn, Liên nói với mẹ:

Nhưng mà con tiếc hàng xà lách của con quá. Tai hại! Biết bao công phu con để vào đấy!

Mẹ xoa đầu Liên như xoa đầu một em bé, Liên thấy mình trẻ lại, tưởng mình như chưa thể đến cái tuổi 18 vậy.

Liên

 

Ngày…

Hạnh,

Liên đã biết tên cái chàng thiếu niên kia rồi cơ. Chàng tên là Lương Trọng Dương. Liên cũng biết cả nhà chàng nữa. Hôm trước chàng nói xa nhà Liên lắm nhưng thực ra nhà chàng không xa nhà Liên đâu. Chỉ lội qua một cái lạch con là đến ngõ, chàng ở nhà ông cậu, một nhà phú hộ trong làng. Người ta bảo ông này có những đồng ruộng cò bay thẳng cánh. Cũng như Liên, chàng mới về thăm quê ngoại lần này là lần đầu.

 

Hoài Sơn ngày…

Hạnh,

Hạnh à! Sáng sớm nào Dương cũng lên núi, và khi nào cũng đi qua ngõ nhà Liên, và thường rủ Liên cùng đi. Trừ những lúc bận việc quá, không bao giờ Liên từ chối. Chúng tôi đã thân nhau lắm. Chúng tôi đã cùng ngồi đu đưa với nhau trên một cành cây, cùng đuổi bắt một con châu chấu, và cùng đứng chụp với nhau một tấm hình. Liên gửi cho Hạnh xem 2 tấm hình mà Dương vừa chụp đấy nhá! Cái hình 9x12 là chụp khi chúng tôi cùng vén quần lội qua một cái suối. Còn cái tấm hình nhỏ xíu là chụp lúc Liên đương ngồi trên tảng đã ăn mấy quả sim chín. Ảnh chụp khá đẹp đấy Hạnh nhỉ?

Kỳ sau, Liên gửi cho Hạnh xem mấy tấm hình khác do tay Liên chụp và rửa lấy, Liên nó chụp ảnh khá đáo để.

Liên

 

Hoài Sơn, 21-6

Hạnh,

Sáng hôm nay Liên cuốc đất ở vườn, thì nghe có tiếng gọi ở ngoài ngõ: "Liên ơi! Đi chơi núi đi!" Liên ngẩng lên nhìn, té ra Dương ngồi ở trên mình ngựa. Hạnh chắc lấy làm ngạc nhiên về sự xưng hô ấy, nhưng thực ra Dương với Liên đã chơi với nhau thân mật lắm. Dương gọi Liên bằng "Liên" mà có khi gọi bằng em nữa. Còn Liên thì bao giờ cũng gọi Dương bằng anh Dương. Mỗi khi nghe Dương gọi đến tên mình, đương nhỡ việc gì, Liên cũng bỏ đấy, để chạy ra với Dương. Có lúc mẹ không bằng lòng, gọi Liên và bảo nhỏ Liên rằng: "Con gái đã lớn rồi, con phải nên e dè một chút". Liên hỏi lại sao phải e dè với anh Dương, thì mẹ không bảo gì hết. Mẹ chỉ xoa đầu Liên, rồi để mặc Liên đi với anh Dương. Từ hôm về Hoài Sơn, mẹ chiều Liên lắm. Sáng hôm nay, đương cuốc đất tay còn lấm bẩn, thế mà Liên cũng không vào nhà rửa, cứ thế Liên chạy ra với Dương. Rồi vẫn ngồi trên mình ngựa, Dương đưa tay xuống và giúp Liên trèo lên ngựa. Liên ngồi đằng sau Dương. Những trẻ con chăn trâu ở bên đường, mỗi khi thấy ngựa qua, thì chúng với một vẻ mặt chững chạc nghiêm trang, bồng cái roi trâu của chúng lên, và chào chúng tôi như kiểu nhà binh, nhưng khi chúng tôi đã đi qua rồi, thì cùng một lúc chúng cất giọng lên cười ngặt nghẽo để giễu chúng tôi. Những lúc như thế, Dương lại cho ngựa phi nước đại hình như để cho Liên không thể nghe được những tiếng "chào xáo" khó chịu của lũ chăn trâu. Ngựa phi nhanh, gió đánh ở bên tai vù vù, và làm phơ phất những sợi tóc ở trên trán khiến cho Liên có cái cảm giác say sưa thú vị lạ lùng. Mỗi khi Dương hỏi Liên có chóng mặt không thì Liên lại giục Dương cho ngựa phi nhanh hơn nữa. Rồi Dương vui thích vừa quất mạnh roi ngựa, vừa cười, tiếng cười như xa rung trong gió. Lúc trèo lên núi, ngựa vấp phải những tảng đá gồ ghề, nẩy mình một cái mạnh, làm cho Liên phải ôm chặt lấy Dương. Những lúc như thế, Dương quay lại hỏi với một giọng đầy êm dịu: "Liên có việc gì không", nhưng Liên vẫn bình tĩnh và vui vẻ đáp: "Anh đừng sợ! Liên đã từng cưỡi bò cơ đấy!". Đến đỉnh núi, cột ngựa lại một gốc cây, chúng tôi chạy nhảy khắp các bờ bụi, mô gò. Cuối cùng Liên ngồi xuống một tảng đá, đưa mũi giầy khẽ đụng vào một thứ cỏ rất kỳ lạ, cây cỏ kia đương xoè lá bỗng rụt rè khép lại như một cô gái đến thì trót nghe một câu nói lỡm. Thấy Liên có vẻ ngạc nhiên, thì Dương cắt nghĩa cho Liên biết rằng: cây cỏ đó người ta thường gọi là cây "hổ ngươi", Liên cứ tưởng là Dương nói đùa; Dương cắt nghĩa mãi, Liên mới chịu tin. Đã từng ở quê, Liên cũng không biết cái tên thứ cỏ lạ ấy, huống chi là Hạnh! Dương và Liên mải nói chuyện, thì bỗng từ đâu rơi xuống những quả mít nài xanh to bằng quả nắm. Liên sợ tái cả mặt nhích lại gần Dương và cầm chặt lấy tay Dương, Liên hỏi thì Dương chỉ lên trên cây mít nài ở gần đấy, và nói: "Chúng đùa mình đấy". Chúng, Hạnh ạ! Là một bầy khỉ gần 20 con. Chúng vẫn nhìn chòng chọc Dương và Liên, nhăn răng cười một cách ghê sợ. Dương đứng dậy, chạy tìm một cành khô, đe doạ chúng, tức thì cả bầy khỉ đều chạy nhảy tung tăng và kêu choen choét.

Đàn khỉ đi khỏi rồi, Dương thấy một cái cành cây đà xuống ngang đầu, liền vít tay và đưa mình lên. Khi đã ở trên cành cây, Dương mừng kêu rú lên như một đứa trẻ con: "Ở đây ta thấy cả bến sông em Liên ạ!" Rồi Dương đưa tay cùng kéo Liên lên.

Bến sông nào anh Dương?

Bến cát!

Bến cát là bến nào anh nhỉ?

Bến của ông Vạn Bảy.

Anh Dương biết nhiều thế à?

Lúc nhỏ anh đã từng ở đây, và có lúc anh đã đi săn lợn rừng với ông ta. Cậu anh có nhiều ruộng sắn ở vùng này đều giao cả cho ông Vạn Bảy coi giữ.

Tại sao người ta gọi ông là ông Vạn anh Dương?

"Vạn" vì lúc trước ông ta là chủ một "vạn" đò ở trên rào này. Cũng như ở trên đất thì người ta gọi là "làng", dưới nước gọi là "vạn". Kìa hình như ông ấy đương chống gậy đứng ở mũi thuyền để trông thiên văn đấy. Ông ấy là cái phong vũ biểu của "vạn" này. Ông xem thánh lắm.

Anh Dương! Anh dẫn em xuống thuyền ông ta để xin nước uống đi. Em khát lắm.

Và kéo thuốc lào nữa.

Bao giờ, vào đâu anh Dương cũng tỏ mình là một nhà văn sĩ. Em nghe người ta nói: nhà văn hay hút thuốc lào phải không anh?

Không, anh hút thuốc lào để phòng ngừa bệnh ho lao. Ô hay! Sao em lại cười?

Không em cười vì một lẽ khác. Em có một ông chú họ làm Tham tá ở Toà sứ Thanh Hoá, chú ấy thường nói với em rằng: chú ấy phải hút thuốc phiện để trừ ho lao.

Việc ấy cũng không phải là không thể có được. Ô hay sao em lại cười?

Không, em lại cười vì một lẽ khác nữa.

Lẽ gì nữa em!

Có người lại bảo như thế này nữa: nhà văn phải hút thuốc lào để bảo tồn quốc tuý.

Điều em nói chẳng mới mẻ gì cả.

Thế thì em không nói gì nữa. Anh dẫn em xuống bến cát đi.

Để tỏ ý phản kháng, từ đó, Liên nhất định không nói thêm một tiếng gì nữa. Dương im lặng dắt con ngựa đi trước. Sắp xuống chân núi Liên mới tự nghĩ: "Ô hay! Sao lại giận nhau một cách trẻ con như thế này". Thế rồi Liên lại bắt đầu nói lung thiên, nói những câu vô nghĩa hơn thế nữa. Dương quay lại, nhìn Liên một cách sung sướng, ý chừng như để cảm ơn Liên.

Rồi chúng tôi bước vào thuyền lão Vạn Bảy. Lão tiếp chúng tôi một cách niềm nở lắm. Sau khi lão nhận được rằng anh Dương là cháu ông bá, thì lão cầm lấy tay anh nói bằng một giọng run run:

Tội nghiệp quá! Giá mà cậu không nói thì lão cũng không biết. Mới ngày nào, chóng quá cậu nhỉ? Cậu còn nhớ những lúc lão ngồi đan giỏ dưới gốc bàng, cậu lân la đến nịnh lão để nhờ lão làm cho con diều giấy?

Lão thích ý, cười khà khà rồi lại tiếp:

Mợ đấy à? Cậu tệ quá không cho lão uống rượu với!

Anh Dương không bối rối chút nào, cười mủm mỉm:

Khi nào có việc mừng, tôi bao giờ lại quên ông Vạn đâu. Thế nào tôi cũng cho ông Vạn uống một bừa tuý luý để đền ơn ông Vạn ngày trước đã làm cho tôi những con diều giấy. Tôi còn nhớ ông Vạn có "tay diều" lắm. Ông làm cho tôi con nào, đưa ra đọ cũng hơn chúng cả.

Ông lão có vẻ tinh quái muốn trở lại với cái ý nghĩ hồi nãy: lão lại đưa mắt về phía Liên, và có ý hỏi anh Dương xem Liên là ai. Anh Dương với một giọng rất thản nhiên:

Ông Vạn không biết cô Liên đấy à! Cô là cháu ngoại cụ Cử Kiến. Mà có lẽ ông Vạn không biết thực: Cô mới về đấy có một năm.

Lão xin lỗi cô và cậu, già lẩm cẩm quá đi mất. Thế chắc cậu Dương với cô đấy trước cùng học một trường?

Anh Dương nhanh nhẩu đáp:

Dạ, trước kia chúng tôi cùng học một trường.

Liên không hiểu sao anh Dương anh ấy lại nhận vờ như thế để làm gì. Làm như chúng tôi đã có tình ý gì với nhau. Anh ấy thế mà ngớ ngẩn quá. Sau khi đã uống xong một bát nước chè "rành rành", thì chúng tôi từ biệt ông cụ. Thấy chúng tôi cùng ngồi chung một ngựa thì lão có vẻ ngạc nhiên lắm. Lão ngóng theo, cười khanh khách.

Thôi chào Hạnh! Cắn Hạnh một cái thật đau.

Liên

 

II

Hoài Sơn, ngày 20-8-193…

Hạnh,

Đã mấy tháng nay Liên không viết cho Hạnh một bức thư nào, chắc Hạnh giận Liên lắm. Mỗi lần Liên tiếp được thư Hạnh, mẹ lại giục Liên trả lời cho Hạnh, nhưng Liên chỉ dối mẹ mà thôi, đã hai tháng nay Liên quên bẵng Hạnh đi như một vật không dính líu gì đến mình nữa! Thật vậy! Hạnh là cái quái gì đối với Liên? Nếu không phải là một chiếc nhẫn đeo ở tay, thì cũng chỉ là một cái hoa giắt ở tóc. Hạnh chỉ đến để mà trang điểm cho cái cuộc đời của Liên mà thôi! Nhưng Hạnh ạ! Một khi cái cuộc đời của Liên không cần trang điểm nữa thì Hạnh trở nên vô vị ngay… Nếu là cái hoa thì cái hoa ấy đối với Liên đã mất hết hương sắc. Có nên thú thật với cô bạn của tôi rằng: Có lúc đời Liên đã bị Liên khinh rẻ như những cây cỏ hết khí lực không còn sinh nở được nữa. Có lúc Liên đã nhãng việc tầm tang. Có lúc Liên đã bỏ luống mấy hàng xà lách. Có lúc Liên đã thấy con sông, đồi núi cũng như tình bè bạn, tình mẹ con đã mất hết sự đậm đà và đằm thắm. Hôm nay, sở dĩ Liên lại viết thư này cho Hạnh cũng như con người phóng đãng giũ hết bụi giang hồ, nay muốn trở về kiếm một chỗ trong sạch êm ấm trong tình bè bạn, – cái tình ban đầu, để tạm đặt nghỉ cái đầu đã mệt mỏi nặng những đau thương. Hạnh ơi! Hạnh hãy ngồi yên, cho Liên kể lại những việc đã xẩy ra trong hai tháng nay. Liên buồn lắm, nhưng mà Liên không cần sự thương xót của bạn đâu! Sự thương xót của người khác lại càng khó chịu hơn nhiều! Từ khi về Hoài Sơn cũng như khi còn ở Huế, có một việc gì xẩy đến mà Liên không thuật lại cho Hạnh đâu! Nhất là từ khi quen anh Dương có cái cử chỉ nào có cái ngôn ngữ nào của anh mà Liên không biên tả trong thư cho Hạnh hay đâu! Cái tình của Liên đối với anh Dương trong sạch như tâm hồn một đứa trẻ vừa ở chốn tinh anh rơi xuống trần giới. Cái tình ấy không biết nó là tình ái hay tình bầu bạn, vì thực ra không bao giờ Liên nghĩ tới và đưa nó ra mà phân chất. Bây giờ đây, Liên hồi tưởng lại những lúc cùng anh Dương đuổi bắt châu chấu ở đồng cỏ, cùng chao chân ở dòng suối, hay là cùng ngồi với nhau trên một lưng ngựa,

………………………………………………..

(kiểm duyệt bỏ) ………………………..

……………………………………………….

Không bao giờ… có sự thay đổi ở trong cái thái độ của Liên đối với anh Dương. Liên vẫn gọi đến hai chữ tên anh với cái giọng ngây thơ và vô tội. Liên vẫn nhìn anh với một cái nhìn ngay thẳng và tự nhiên, cho đến một buổi sớm kia, xẩy ra cái việc đã quyết liệt chia rẽ chúng tôi ra hai con đường mà có lẽ không bao giờ gặp nhau nữa. Liên còn nhớ ngày ấy là một ngày đầu thu, Liên tới rủ anh Dương cùng đi xem động Phong Nha, một cái động mà người Pháp thường ca tụng cho là một cảnh đẹp nhất Đông Dương. Nhất là khi cái động ấy, ở xa Hoài Sơn chỉ độ 10 cây số, thì không có cái lý gì mà mình có thể hững hờ cho được. Không cần để Liên nói nhiều, anh Dương nhận lời ngay và khen Liên rằng Liên có một cái ý đẹp ở trong những cái ý đẹp của người đàn bà. Liên còn nhớ mãi cái câu mà anh Dương vừa nói vừa mỉm cười: "là tiên nàng phải trở về với động"… anh Dương nói có duyên quá khiến mình phải tưởng mình là tiên thật. Buồn cười quá, hôm ấy Liên cũng không về tin cho mẹ biết nữa. Anh Dương và Liên chạy sắm đèn đuốc, lên chợ mua một ít quà bánh, chúng tôi ra thuê một chiếc đò con ngược sông Linh, trẩy về phía động. Lúc đi lại gặp nước triều lên, cho nên đò đi chóng lắm. Anh Dương không biết anh học chèo từ thuở nào mà anh giữ lái một cách thông thạo lắm. Nhưng tội nghiệp! Chèo không quen, đưa đẩy được vài ba cây số thì đã mỏi, quỹ cả tay, nhưng bấy giờ gặp nước triều lên mạnh, anh Dương buông lỏng mái chèo mặc cho nước đưa thuyền. Anh lại ngồi cạnh Liên, và kể cho Liên nghe một cái tiểu thuyết mà anh vừa xếp đặt xong ở trong trí, và một tháng nữa anh sẽ viết ra để đăng vào một tờ tạp chí ở Hà Nội. Truyện ấy anh nhan đề là: "Tâm, cô láng giềng", chuyện thương tâm như một tấm lòng mong đợi của những người chinh phụ ngày xưa, nhưng nhắc lại đây làm gì, để thêm cho mình một mối thương tâm không phải của mình? Liên chỉ nhớ rằng khi anh Dương kể xong chuyện thì đò đã đến một khúc sông quanh co, trước một núi, sau một núi và quãng trên là mầu xanh bao la, một mầu xanh say đắm. Liên ngẩng nhìn lên giời như thấy chóng mặt. Bỗng anh Dương bảo: "Sắp đến động rồi đấy! Ta nên chao chân rửa cho sạch bụi trần!" Rồi anh Dương vén quần nhảy xuống nước và đưa tay giúp Liên cùng xuống.

Quãng sông ấy chỉ lút đầu gối, nhưng nước trong vắt và chảy rất nhanh làm xoáy tròn cả những hòn đã cuội. Liên đứng không vững phải ghì lấy vai anh Dương, nước chảy xiết cọ vào chân cho Liên một cái cảm giác thú vị lạ lùng. Liên cúi nhặt một hòn cuội, và cười sung sướng như một đứa trẻ con: hòn cuội nhẵn thín, lại giống như một quả tim nhỏ, cầm vào giữa lòng bàn tay thấy mát rời rợi. Liên thích quá bỏ vào túi áo, rồi lại lên thuyền, cùng Dương chúng tôi đi về phía động.

Chèo độ một trăm thước nữa, thì chúng tôi đã đến cửa động. Động chính là một hòn núi trổ ra một dòng nước. Bấy giờ vào khoảng 11 giờ trưa, nhưng chỉ đi khỏi cửa độ hai thước thì động đã tối om, và hẹp lại chỉ để lọt một chiếc đò lớn. Liên thì đốt đuốc lên và rọi đường, còn anh Dương thì giữ lái. Dưới bóng đuốc, những thạch nhũ phản chiếu ra đủ sắc mầu. Những thạch nhũ ấy rủ xuống hai bên khi thì lấy hình những ông tiên ngồi đánh cờ, khi thì lấy hình con hạc hay con voi phục, và có khi chỉ là những tảng phẳng lỳ, ở trên ấy những người phương xa xứ lạ tới khắc cái tên mình, hoặc là ghi cái cảm giác kỳ lạ của mình khi tới xem cái cảnh kỳ lạ ấy: cái cảm giác ấy là một bài thơ. Động càng vào sâu, càng hẹp lại nữa, rồi bỗng mở to ra: chúng tôi thấy đứng trước một cảnh vô cùng kỳ xảo, vô cùng diễm lệ. Ở đây không còn là cái động nữa: ta có cái cảm giác là lạc bước vào cái cung điện nguy nga lộng lẫy của các hàng vua chúa giầu sang nhất trong thiên hạ.

Ở đây ta thấy một sự xa hoa vô độ của hoá công, ta thấy một công trình mỹ thuật vô giá… Những thạch nhũ rủ xuống như những cột điện, và có hình những con rồng; những cái cột ấy lại chiếu xuống vùng nước khiến cho ta lúc bấy giờ, có cảm giác như là mình chỉ là một bóng rơi lạc vào trong một cái bọt xà phòng.

Liên ngồi ngây người trong một giây lâu lặng im không thốt ra một tiếng, mà tiếng ấy phải là tiếng gì bây giờ! Trước một cảnh đẹp và huyền ảo như thế, lúc bấy giờ Liên không thấy mình có cái cảm giác rõ rệt nữa; Liên chỉ biết rằng lúc bấy giờ, trên má Liên có hai giọt lệ từ từ rơi.

….………………………………………….

(kiểm duyệt bỏ nửa trang) ………..

……………………………………………..

Rồi từ đó cho đến khi ra khỏi động, Liên không nói một tiếng. Mà Dương cũng trọng sự yên lặng của Liên; Dương lặng đưa mái chèo và con thuyền lướt ở trên làn sóng lăn tăn, cũng không để rơi một tiếng vỗ nhẹ [……] [a] Liên vẫn không dám ngoảnh lại nhìn Dương. Khi con thuyền vừa cập một cái bến đá, thì nhanh nhẹn như một con thỏ, Liên nhảy lên bờ, rồi Liên chạy như một người điên, rúc qua những bụi bờ, chạy vào một rừng cây, và ngồi trên một tảng đá, Liên ôm mặt khóc nức nở như một đứa trẻ con.

Mấy phút sau, Liên nghe có tiếng những hòn cuội đánh vào nhau dưới gót giầy, và tiếng ấy dần dần càng nghe gần, rồi dứt hẳn. Trong sự yên lặng của một góc rừng, Liên chỉ còn nghe có tiếng lao xao của chân người nhẹ xéo lên trên những lá khô; Liên đoán chắc rằng là Dương đã theo kịp, Dương có lẽ đã đứng bên cạnh Liên rồi, nhưng Liên vẫn không ngẩng đầu dậy, Liên vẫn không có cái can đảm ngẩng đầu dậy để nhìn thẳng vào đôi con mắt của Dương. Đôi con mắt trong sáng  […..] [b]

Bỗng Liên nghe có tiếng Dương nói ở cạnh Liên:

Em ạ! Em tha lỗi cho anh  […][c]  Vì đâu, anh lại hiểu lầm em thế! Anh biết rồi: Em đối với anh chẳng có chút… cảm tình gì hết, chẳng có một chút… tình gì hết. Ô hay! Sao anh chẳng đối với em như một người anh giai đối với một người em gái! Khốn nạn quá! […..] [d]   Nhưng sao em lại khóc trong một cảnh đẹp ấy? Anh hiểu rồi: Em chỉ vì cảm vì một cảnh đẹp. Em tha lỗi cho anh! Anh đã hiểu lầm em.

Dương còn nói, nói nhiều nữa, toàn những lời dịu dàng êm ái, thành thực nhưng bấy giờ Liên chỉ nghe như toàn là những lời giả dối thốt ra với một cái giọng mỉa mai. Sao mà khả ố thế! Bấy giờ Liên muốn mắng vào mặt Dương, như mắng vào mặt một kẻ đã đánh lừa mình, đã hại mình, một kẻ khốn nạn! Liên lau nước mặt đứng dậy, nhìn: Dương vẫn đứng dưới một gốc cây, tay mân mê và xé một chiếc lá xanh ở trong tay. Cái điệu bộ tội nghiệp ấy không thể làm cho Liên rủ lòng thương được. Liên vẫn không nói gì, và nhìn Dương một cách lãnh đạm có ý muốn xua đuổi chàng, không hiểu sao, Liên có thể nhẫn tâm đến thế được. Mà người ta nào có tội tình gì cho cam!

Dương nói, nói mãi, rồi bỗng dứt hẳn. Chàng tiến lại gần Liên, đứng sát bên Liên và cố nín hơi thở. Trước cái sự im lặng ấy, bấy giờ Liên không thể nào còn lãnh đạm được nữa. Rồi đầu óc choáng váng, Liên hồ như đứng không vững nữa.

…..………………………………..

(kiểm duyệt bỏ) [e]…………………………………..

Liên xuống thuyền, đạp mạnh gót guốc xuống ván sạp và ngả người xuống mạn thuyền. Rồi từ đó Liên không nói một tiếng, cho đến khi về đến nhà. Liên chỉ chào bạn một cách hững hờ rồi đi thẳng về nhà mình, đi như trốn, không ngoảnh lại. Từ đó chàng cũng có trở lại nhà Liên nhiều lần, nhưng lần nào, Liên cũng tiếp chàng một cách lãnh đạm. Cho đến một hôm kia Liên đương cuốc đất ở cuối vườn, Liên thấy chàng dừng ngựa lại trước ngõ nhà Liên. Ý chừng Dương lại rủ Liên đi xem núi như mọi lần. Liên chỉ đợi chàng gọi, thì Liên sẽ chạy ra, nhưng Liên chỉ thấy Dương kéo vin một nhành ổi, trảy mấy lá xanh, rồi lại im lặng đi. Liên ngóng theo. Con ngựa chàng lững thững đi trên những bờ ruộng khấp khểnh, rồi khuất sau một rặng tre xanh. Than ôi! Có ngờ đâu lần gặp gỡ hôm ấy là lần cuối cùng, từ đấy xóm Hoài Sơn không còn thấy bóng con ngựa trắng với lại người thiếu niên âu phục kia nữa! Cái cuộc gặp gỡ im lặng ấy đã kết liễu một cuộc tình duyên, sao không gọi được là tình duyên? Cuộc tình duyên tuy gang tấc mà đầy đau khổ.

Hạnh ạ! Liên đã để lọt cả một cuộc tình duyên trong khoảnh khắc, giá Liên còn sống đến nghìn năm, cũng còn ân hận cái phút giây không bao giờ có ấy nữa, thì lời than tiếc này cũng chỉ coi như là những lời hão huyền vô bổ… Chàng đi đâu? Làm thế nào mà biết được. Chàng không còn để lại một cái dấu tích, ngay ở nhà cậu chàng cũng không ai biết. Bây giờ đây Liên có muốn viết ra trăm nghìn cái bức thư ăn năn, để tạ tội với chàng, Liên cũng không còn biết tung ra phương nào; con chim đau khổ ấy sau cơn bão táp không biết đã tạt vào chốn nào rồi!

Những khi đương ngồi quay tơ hay hái dâu, nghe tiếng chó sủa, Liên tưởng chừng như từ chốn vô định, chàng đã trở về gò cương ngựa ngay trước ngõ nhà Liên dưới gốc bàng, nhưng không, đấy chỉ là một người đàn bà đi chợ chiều về. Người đàn bà ấy đi qua, tiếng chân còn dội lại trong tâm hồn Liên, một điệu nhịp sao mà não nùng thế! Đó cũng là cái điệu nhịp lạnh lùng còn dội lại của một cuộc tình duyên vừa đi khuất.

Hạnh

 

 

III

Hoài Sơn, Mai 1937

Hạnh,

Cái bức thư mà Liên viết cho Hạnh đây là sau khi ăn cưới con Vinh ở Huế về. Con Vinh, con bé có cái bộ răng cuốc bàn ấy, thế mà nay nó cũng đã đi lấy chồng rồi đấy. Người ta thường bảo: gái có chồng như gông mang vào cổ? Nhưng có điều: cái gông ấy ai cũng thích mang cả. Hạnh có biết Liên đã mừng Vinh một cái gì không? Một vuông khăn trùm mầu tím Hạnh ạ! Chắc con Vinh nó chẳng hiểu gì cả; nhưng mặc! Cái vật ấy vẫn có một cái ý nghĩa sâu xa lắm đấy! Trước hết cái khăn trùm đầu ấy tỏ rằng: chồng nói là người Sài Gòn, rồi đây con Vinh nó cũng theo chồng về Sài Gòn, và cũng như các cô bà khác ở Sài Gòn, mùa nực cũng như mùa lạnh, nó cũng trùng một khăn xéo. Sau nữa cái mầu tím ấy luôn luôn nhắc lại cái cuộc đời của các cô áo tím, cái cuộc đời nữ sinh của chúng ta ở trường Đồng Khánh (Huế) cái cuộc đời tốt đẹp và trong sạch ấy chỉ có một lần mà thôi và tiếc thay nó đã qua rồi! Liên tới mừng Vinh vào lúc bên giai đến đón dâu. Nhưng vì nhà giai ở tỉnh xa, cho nên phải nghỉ lại một đêm ở nhà gái. Cái đêm ấy là một cái đêm mà thường thường hai họ đã dẹp lại những sự xích mích và bắt bẻ mà cùng vui với nhau Hạnh ạ! Con Vinh nó thấy Liên nó không vồn vã như trước nữa! Nó không la ó và huyên thuyên lên như trước nữa. Mới có một hôm mà nó đã thay đổi hẳn? Nó im lặng như một vị nữ thần và bao giờ cũng chỉ cười chút xíu thôi!

Giọng nói của nó trở nên the thé và không bao giờ nó dám nhìn thẳng vào mặt mình. Hôm nay, nó đã có vẻ cô dâu lắm rồi. Rồi đây [...] [a] nó sẽ không còn là bạn của chúng ta nữa đâu. Nó sẽ hoàn toàn của chồng nó. Không phải là Liên ghen với nó, nhưng mà sao Liên thấy sự thay đổi ấy ở trong cái đời một người con gái mà Liên không khỏi buồn.

Huống hồ đám cưới của nó lại là một sự rất không may cho Liên – nói là một sự may cũng được.

Trong cái tiệc vui của bạn, không ngờ mình gặp lại cái buồn cũ của mình.

Bấy giờ vào khoảng 10 giờ, nhưng trong nhà Vinh như mới bắt đầu rộn rịp, và rộn rịp nhất là tiếng hát máy: ở cái chốn đế đô cổ hủ này, người ta cũng nhiễm được cái phong tục của người Âu Mỹ, những trai gái con nhà tử tế cũng đã biết ôm nhau mà nhảy. Liên không hiểu là họ đương nhảy bài gì, nhưng trên vẻ mặt của mọi người, dưới cái ánh điện phủ xanh như nồng nàn một vẻ đắm say và hoan lạc.

Có lẽ cái thú vui ấy nó làm cho thiếu niên dễ say sưa hơn cả.

Chỉ buồn cho mình là ngơ ngác như một người Mán xuống Kinh, trông cái trò khiêu vũ ấy như một cái trò chơi kỳ lạ mà một ban "xiếc" đã đưa ra để loè mình vậy.

Tiếng máy hát im bặt. Đèn điện lại sáng trưng với một màu trắng bạch: ai lại về chỗ nấy. Liên bấy giờ ngồi nói chuyện với mấy bà cụ mà địa vị mình cũng ở chỗ đó – bỗng như theo một cái mệnh lệnh huyền bí, Liên ngẩng mặt lên nhìn về đám thiếu niên đương giải khát thì hai mắt của Liên tự nhiên đi tới một người trẻ tuổi mà hình hình như Liên đã gặp một lần rồi… Không, đã nhiều lần rồi!

Bồ hôi toát lạnh cả thân mình, và đầu tai Liên như thấy choáng váng. Liên cũng chỉ người thiếu niên và vờ hỏi người bà cụ ngồi cạnh: "Thưa cụ, cậu ấy có phải cậu Tham Lý con cụ Thượng Hình không cụ hỉ?". Bà cụ nhả miếng trầu, nheo mắt lại và trả lời Liên một cách quả quyết: "Chính cậu Tham Lý đấy! Năm nay cậu ấy cũng định lấy vợ". Nhưng Liên không thể nào lầm được; người thiếu niên ấy không thể là cậu Tham Lý được mà chính là người cách đây đã 5 năm, một buổi chiều, Liên gặp ở trên bến sông với một con ngựa trắng… Rồi từ đó bắt đầu một cuộc tình duyên và kết liễu như Hạnh đã biết. Nhưng sao anh Dương có thể gầy ốm và xanh xao thế được. Kể từ hồi bước ra từ động Phong Nha, không có một lời nói nào thêm nữa giữa chúng tôi, thế mà thời gian đã đi chóng quá: 5 năm đã đi qua. 5 năm đã làm anh Dương thành một con người khác; giá bây giờ anh có lại nhảy lên mình ngựa và cho ngựa phi như ngày trước, thì chắc bị gió lay mất. Bỗng tiếng máy hát lại nổi dậy. Liên thấy anh Dương với một nụ cười tươi vui cúi mình đưa tay mời một người thiếu nữ xinh đẹp rồi hai người cùng quay cuồng theo điệu nhịp của máy hát.

Cái vẻ mặt ốm yếu của hồi nãy như tiêu tán đâu hết trong cái điệu nhảy đắm say. Dương nói những gì mà nói nhiều lắm, và nụ cười luôn luôn ở môi để tiếp người thiếu nữ xinh đẹp. Rồi máy hát lại im bặt. Dương lại về chỗ cũ. Cái vẻ sầu muộn hàng ngày của Dương, lại trở về trên khuôn mặt. Cuộc vui gần như đã gần tàn. Mọi người đã có vẻ uể oải và nô đùa một cách lười biếng. Liên đi vào buồng riêng của Vinh mượn bút chì, Liên kề lên một mảnh giấy nhỏ, viết mấy dòng chữ nguệch ngoạc:

"Anh Dương. Chốc nữa em muốn gặp anh để nói chuyện. Em đợi ở vườn. Liên". Rồi Liên giao mảnh giấy cho con hầu của Vinh, đợi khi Dương ngồi một mình nhờ nó, giao hộ nó cho chàng. Liên lại đi ra chỗ cũ và vẫn không quên nhìn theo chàng, dò xét những ý nghĩ, những cảm tưởng hiện trên nét mặt chàng. Nhưng Liên thất vọng biết bao: Dương đọc mảnh giấy của Liên với một sự bình tĩnh lạ thường. Liên chỉ sợ: Dương đã quên Liên rồi. Nhưng Liên vẫn đi ra vườn, ngồi ở một cái ghế đá để đợi Dương. Dương không hề cho Liên phải đợi lâu: Một lát sau, Dương cũng ra vườn, và đi lại gần Liên không hề rụt rè và cảm động một tí nào. Liên đứng dậy, cung kính chào, hai chân như không chống vững. Nhưng Dương vẫn đon đả hỏi Liên, với cái giọng thân mật ngày trước:

– Thế nào! Em Liên của tôi định hỏi tôi có việc gì? Em Liên của tôi đã có chồng chưa? Ồ! Em Liên của tôi vẫn xinh tươi như ngày trước. Em Liên của tôi vẫn còn nuôi tằm chứ! Em Liên của tôi có ra ngoài bãi hái dâu như ngày trước nữa không?

Dương còn nói, nói nhiều nữa, hỏi dồn Liên và không đợi cho Liên trả lời kịp… Bỗng chàng đứng im bặt và nhìn Liên một cách sợ hãi. Liên hỏi lại:

– Còn anh?

– Anh ấy à! Anh đã khác hẳn. Anh không còn là một người đứng đắn như trước. Nhưng em hỏi để làm gì?

Liên đi lại cạnh Dương nắm lấy tay chàng, và đưa mắt giục chàng nói.

Với một giọng thản nhiên, chàng lại nói tiếp:

– Năm năm anh đã làm những gì à? Anh đã đánh bạc, anh đã hút thuốc phiện, anh đã bán hết gia tài của anh; năm năm anh chỉ sống trong những tiệm khiêu vũ, trong những nhà hát, 5 năm anh đã cưới vợ và anh đã có tới 4 đứa con. Những đứa con mà có lẽ hết đời anh, anh cũng không có một chút tình thương yêu.

Liên dựa vào ngực Dương, và nói những tiếng nức nở.

– Anh tha lỗi cho em. Em đã giết anh! Trong khoảnh khắc em đã để lọt tình yêu. Trọn đời em có ân hận cũng không hết. Anh tha lỗi cho em! Giá lúc bấy giờ, trong cái động tiên ấy, em không hề ruồng rẫy anh. Ô hay! Sao em lại có thể ruồng rẫy anh được nhỉ? Thật là vô lý quá! Có lẽ em điên cuồng! Nhưng anh Dương, bây giờ em muốn đưa hết cả cái cao qúy đẹp đẽ thân yêu nhất trong đời em để hy sinh cho anh, để thờ phụng anh, anh Dương! Em muốn trở về với anh!

Liên còn muốn nói nhiều nữa, nhưng khi ngoảnh lại, thì Dương đã đi vào trong bóng tối. Liên tựa vào lưng cây và khóc như một đứa trẻ con. Kể thì cái thái độ của Dương lúc bấy giờ độc ác thật, nhưng còn kém độc ác hơn sự ruồng rẫy của Liên khi ở trong động Phong Nha. Cái hình phạt, cái đau khổ của Liên ngày nay, Liên phải có can đảm mà chịu lấy.

Nhưng Hạnh ạ! Cái cuộc đời dang dở của Liên rồi đến phải kết liễu đến thế nào nữa! Có nên làm lại một cuộc đời khác hay chỉ cam phận như thế: thái dâu chăn tằm và nuốt cái hận nghìn thu ấy cho đến ngày cuối cùng ở trên cái cõi trần thế?

Bạn của Hạnh

Liên


 

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Cô bé hái dâu, tiểu thuyết // Phổ thông bán nguyệt san, tạp chí văn học ra đầu tháng và giữa tháng, Nxb. Tân dân, Hà Nội, s. 81 (16 Avril 1941), tr. 84-135.


 

[a] Chỗ này bản in chấm lửng khoảng 2 dòng, dự đoán có chừng 12-15 từ bị xóa bỏ (N.S.T.)

[b] Chỗ này bản in chấm lửng khoảng 2 dòng, dự đoán có chừng 12-15 từ bị xóa bỏ (N.S.T.)

[c] Chỗ này bản in chấm lửng khoảng 3 dòng, dự đoán có chừng 15-25 từ bị xóa bỏ (N.S.T.)

[d] Chỗ này bản in chấm lửng 1 dòng, dự đoán có chừng 7-10 từ bị xóa bỏ (N.S.T.)

[e] Đoạn này bị kiểm duyệt bỏ liền 4 dòng, dự đoán có chừng 30-40 từ bị xóa bỏ (N.S.T.)

[a] Chỗ này bản in chấm lửng liền 1 dòng, dự đoán có 7-10 từ bị xóa bỏ (N.S.T.)