CÔ GÁI TÂN THỜI

-------------------------------------------------------------------------------------

Tiểu dẫn: Truyện này khi đăng tuần báo Sông Hương ở Huế, có nhan đề Tiếng võng đưa và ký tên hai tác giả: Thúy Na, Tràng Kiều. Nhưng sau đó, khi in Phổ thông bán nguyệt san của Nxb. Tân dân ở Hà Nội với nhan đề Cô gái tân thời thì chỉ còn ký tên một tác giả Lưu Trọng Lư. Bản in lại dưới đây dựa vào cả 2 bản in nêu trên.

N.B.S.

----------------------------------------------------------------------------------------------

 

 

I

 

Một buổi trưa hè,

Trời nắng như đốt, Hiến chạy từ gốc cam này qua gốc cam khác để kiếm một bóng râm. Chàng gắt gỏng với mọi người, tàn nhẫn với mọi vật. Hơi nóng lại càng hắt vào mặt chàng như để khêu tức chàng thêm. Chàng lấy cuốn vở ra, quạt phe phẩy. Nhưng cuốn vở mỏng quá, không đưa lại cho chàng được một tí gió. Chàng vất cuốn vở xuống đất một cách thất vọng, và toan càu nhàu với thằng nhỏ mang lại cho chàng một cốc nước lã thì Lương đến.

Lương đưa lại cho chàng một ngọn gió mát. Chàng đứng dậy, mỉm cười, bắt tay bạn và vui vẻ bảo bạn:

− Đánh cờ chứ?

Rồi không đợi bạn trả lời, Hiến bảo thằng nhỏ:

− Mày nhắc ghế và mang bàn cờ ra đây cho tao!

Lương cười không nói gì, vì tính chàng thích chiều bạn. Đánh cờ với Hiến thì còn lý thú gì nữa? Hiến không phải là tay địch thủ của Lương. Giá Lương chấp Hiến một "mã" thì hai người có thể đánh ngang nhau, có ván thua mà cũng có ván được. Lòng tự ái bao giờ lại cho Hiến chịu để cho Lương chấp mình: Thà rằng thua! Nhưng mà Hiến đã thua nhiều quá! Nếu có một cái chán nản ngang với những cái chán nản nhất ở đời, ấy là cứ phải hầu cờ với một người thấp như vịt. Đến nỗi, mỗi khi Lương đến thăm bạn, Lương sợ nhất là phải hầu cờ Hiến. Nhưng Lương cứ phải đến thăm luôn, thăm là vì một cớ khác, một cớ kín nhiệm ở trong lòng.

Thằng nhỏ đã bầy bàn cờ ra trên một cái ghế dài, đặt dưới gốc mận. Hiến và Lương cùng ngồi lại và bắt đầu đánh. Lương ra quân khéo nhất, chẳng mấy chốc mà quân của mình tiến áp vào biên kia mặt trận, làm cho bên địch bí rì rì.

Con "mã" của Lương chỉ còn nhảy một nước nữa thôi thì nó sẽ chiếu tướng. Tướng của Hiến xuất rồi, nhưng mà còn sẽ bị con xe của Lương chạy qua chiếu nữa. Hiến chống tay vào tóc và gãi đầu và đã bắt đầu văng ra những tiếng không được nhã. Mặt hắn đỏ bừng. Mấy giọt mồ hôi chảy từ trán đến má, đến cằm và nhỏ xuống trên mặt "tướng" của mình.

Lương vô  tình giục:

− Anh đi nhanh lên để chúng ta còn vào chơi trong nhà chứ?

− Thong thả! Đánh cờ mà không cho nghĩ thì còn đánh thế chó nào được!

Lương ngồi im, muốn cười mà không cười được.

Bỗng Long, thằng cháu của Hiến ở đâu chạy lại, chắp tay sau lưng, và miệng nhá khau kháu một miếng kẹo sô-cô-la. Long nhìn chăm chăm vào bàn cờ một chặp, rồi cười to:

− Chú Hiến thua rồi. Tướng còn đi đằng nào được nữa?

Rồi nó lại cười. Nó nhìn thẳng vào mặt chú nó mà cười. Hiến ngẩng lên, quay lại, vẻ mặt hằm hằm:

− Láo!

Một cái tát mạnh vào má thằng bé làm cho nó đỏ mặt, đứng im, không khóc, cũng không dám nói gì nữa. Rồi lại chờ cho chú nó lại cúi mặt vào bàn, Long làm "cái chân mũi" và cười, quay lưng đi.

Hiến vẫn nghĩ. Những nét trán nhăn lại rồi lại căng ra, rồi lại nhăn lại. Những giọt mồ hôi nối tiếp nhau nhỏ xuống bàn. Bỗng chàng sung sướng, cười lên ha hả, cười một cái cười đắc ý. Thoát nạn! Hiến vừa nghĩ ra được một kế: lên sĩ.  Chàng vui mừng, đưa tay lên vuốt tóc, lấy khăn tay ra lau mồ hôi, châm đóm kéo một hơi thuốc lào. Không thèm nhìn vào bàn, chàng phun cái làn khói xanh xanh ở trong miệng ra, và ung dung ngồi nhìn làn khói tỏa, uốn khúc và lặng tan.

Lương vừa xách con “ngựa” lên để nhảy tượng thì một quả roi rơi xuống bàn một cái "bộp". Hiến vội vàng đưa tay ra chộp lấy, nhưng chộp mạnh quá, làm bàn cờ xô đẩy và quân cờ văng ra tung tóe. Cờ đang thắng hóa ra hòa!

Lương ngẩng mạnh nhìn lên. Trên ngọn một cây roi, Yến, người em gái nõn nà của Hiến, đương chuyền cành này qua cành kia để hái roi.

Lương đánh bạo:

− Cô Yến! Tôi xin cô một quả.

Yến nhìn xuống, mỉm cười và gật đầu:

− Để em kiếm đã.

Nàng gạt lá, tìm...

Lương chỉ một chòm roi chín:

− Bên tay phải cô đấy, kia kìa!

Nàng gật đầu và bước ra mấy bước nữa, nhưng vẫn vin chưa tới. Lương vẫn chỉ:

− Một tí nữa... Gần đến nơi rồi. Một tí, một tí nữa, một tí nữa thôi, một tí...

Nhưng cành cây khô dưới chân Yến gẫy một cái rắc. Cô bé lộn nhào mấy cái rồi rơi xuống ao một tiếng "bòm".

Nàng trồi lên mấy cái rồi chìm hẳn. Không kịp cởi áo, Lương nhảy xuống nước và hì hục một lát đã cặp nách được Yến và kéo lên bờ. Cả nhà đã chạy ra, hớt hơ hớt hải, người nào người nấy mặt xanh như tàu lá. Người ta bế nàng vào nhà, và làm phép cứu chữa.

Còn Lương thì đi thẳng vào phòng Hiến, lau rửa qua loa, và lấy quần áo của bạn ra thay. Lương người gầy bé, nên mặc áo bạn, xúng xính buồn cười quá. Chàng soi vào gương, thấy mình "lố'' lắm, nhưng mà biết làm thế nào được? Chàng toan trốn về nhà, nhưng chàng cũng đánh liều chạy vào thăm Yến xem nàng ra làm sao. Đi đến gần cửa buồng của nàng, chàng gặp Long, hỏi:

− Thế nào? Cô Yến đã tỉnh chưa cậu Long?

− Cảm ơn ông, cô tôi đã tỉnh rồi, nhưng cô cần phải nằm yên. Bà tôi không muốn có người nào lại gần, sợ có hơi người.

Chờ cho Long đi xa, Lương bước lại gần cửa buồng, và ghé mắt nhìn qua một cái khe cửa. Chàng thấy Yến đương nằm trên một cái giường Hồng Kông, bận bộ đồ ngủ trắng mới thay, hãy còn nguyên nếp. Mẹ nàng, bà phủ Bích ngồi cạnh, quạt phe phẩy trên mặt nàng. Nàng đưa mắt nhìn mẹ và những vật xung quanh, nhìn một cách lơ đãng và thẫn thờ như một người lần đầu tiên lạc vào một nước non lạ lùng. Có lẽ lúc bấy giờ nàng cũng có những cái cảm giác tương tự như thế: nàng còn mơ mơ màng màng giữa cõi thực và cõi mộng.

Hiến đi tới, thấy Lương đương lum khum, cúi nhìn, khẽ vỗ vào vai bạn. Lương quay lại, sửng sốt, như một kẻ gian bị người ta bắt được, vội vàng nói như một cái máy:

− Xin lỗi. Tôi xin lỗi anh!

− Ô hay! Anh này buồn cười quá. Anh có lỗi gì?

Hiến nhìn Lương cười chúm chím, làm cho chàng càng thêm bối rối và vẫn nói một cách vô ý thức:

− Anh tha lỗi cho. Bạn tha lỗi cho!

− Anh điên hay sao? Mẹ tôi muốn gặp anh để tỏ lời cảm ơn anh. Anh thật là người nhanh tay và nhanh trí lắm. Giá lúc bấy giờ không có anh thì một mình tôi rối trí nên chẳng làm gì được...

Nghe Hiến nói tới đây, Lương mới biết: những lời xin lỗi của mình vừa rồi là ngớ ngẩn. Thật ra có ngớ ngẩn và vô lý đâu! Chàng xin lỗi bạn là rất phải, vì chẳng phải chàng đã bị bạn bắt được đương nhìn trộm em gái mình? Lại chẳng phải vì chính chàng đã xin Yến quả roi và chỉ cho nàng mấy quả roi chín ở cành xa, làm cho nàng phải vươn ra, nên nàng đạp phải cành khô và đến nỗi...

Chàng cũng không hề nghĩ đến mình đã cứu một cái nhân mạng, làm một cái ơn, mình đã là một kẻ ân nhân của nhà bà phủ, chàng chỉ nghĩ tới và hưởng cái lạc thú bởi sự hồi tưởng, − cái lạc thú đã được ẵm ở trong tay một thớ thịt thanh khiết nồng nàn đầy dẫy tình ái, một thớ thịt nhẵn thín và trắng trẻo mà chàng hằng ước được mơn trớn với mấy ngón tay dịu dàng; rồi chàng nhìn Hiến mỉm cười, một nụ cười đầy hoan lạc:

− Tôi tự tiện lấy áo quần anh thay, anh tha lỗi cho.

− Được, anh cứ tự nhiên...

− Nhưng bây giờ anh cho tôi về qua nhà một tý nhá?

− Anh về một tý rồi lại trở lại nhá, đánh cờ nữa nhá. À, anh Lương, ván cờ hồi nãy, giá cô Yến không phá thì dám chắc là tôi được anh. Anh còn nhớ...

− Nhớ gì anh?

− Nhớ rằng tôi đã gác sĩ, và thế cờ tôi đã vững như chân thành. Ván ấy, thế nào tôi cũng được.

Lương vui vẻ chiều theo ý bạn:

− Vâng, tôi biết anh lên sĩ, chắc thế lắm. Thế nào tôi cũng thua.

Cân nói  ấy chỉ là một câu giả dối. Thực ra chàng có thiết gì đến được thua đâu. Lương chỉ thiết một điều, Lương chỉ nghĩ đến một điều. Điều ấy là cô Yến, em gái của Hiến, một cô gái tươi đẹp như một đoá tường vi, nhí nhảnh như một con chim vàng khuyên.

Mai Lương lại đến nhé?

− Vâng.

− Ra đến ngõ, Lương còn quay lại chào bạn một lần nữa, theo lối nhà binh.

Trưa hôm sau, Lương lại đến nhà Hiến để đánh cờ. Thực ra chàng chỉ cầu sao bạn đi vắng, hay là bị nhức đầu để mong tránh khỏi cái nạn khó chịu ấy.

Đến ngõ, Lương đi thẳng vào vườn. Chàng thấy, ở đằng xa, giữa hai cây cam, mắc một cái võng gai. Trên võng có người nằm, nhưng vì cây cối trong vườn um tùm quá, chàng không nhận ra là ai. Chàng chỉ thoáng thấy có một cái bóng trắng. Chàng đoán chừng là Hiến. Chàng đi lại gần, rón rén đi trên hai mũi chân. Dưới chân, những chiếc lá khô lao xao một cách êm thấm. Chàng vịn tay vào những cành cây để cho dễ đi hơn. Chàng định bất thình lình tới bịt mắt bạn chơi và sẽ đổi giọng nói để xem bạn có đoán trúng mình không. Bỗng, cách võng độ ba bốn bước, chàng đứng lại, chưng hửng. Chàng vừa thấy một mớ tóc để rơi xuống bên võng: một mớ tóc đàn bà. Chàng cuống quýt định lùi lại. Nhưng một phút sau, chàng bình tĩnh lại ngay. Chàng đứng lại bên một gốc đào và mỉm một nụ cười sung sướng. Chàng nhìn chăm chú đôi bàn chân nõn nà trắng tuyết, gác lên nhau. Chàng cố nhoi lên để xem cái khuôn mặt của người nằm trên võng, nhưng chàng không thấy gì hết, vì người ta nằm quay lưng lại phía chàng. Chàng đánh bạo đi ngang qua trước mặt... và định khi đi qua sẽ ngoảnh lại nhìn xem. Nhưng khốn nỗi, chàng chỉ cúi đầu, nín thở, tiến thẳng. Chàng sợ người ấy lại là... Mà cũng không hiểu sao chàng lại sợ như thế. Đi khỏi mấy bước, chàng mới ngoảnh lại nhìn. Chàng đoán không sai: người nằm đó chính là Yến.

Trên nét mặt thiếu nữ, trên đôi mày, trên đôi má, như phảng phất một giấc mộng nồng nàn. Đôi môi đỏ thắm để lộ một màu răng trắng ngà, như ngậm một nụ cười hoan lạc. Lương nhận thấy cái sắc mặt đẹp đương ngủ, dưới một vẻ trong sạch ngây thơ lạ, một vẻ thần tiên kín đáo. Nhưng nét mặt chàng bỗng sầu lại: chàng vừa nhận thấy một nốt ruồi ở trên má của Yến. Ngày chàng ở nhà quê, chàng đã được nghe một câu chuyện rất thương tâm: Chuyện cô Cẩm, một cô gái quê rất xinh đẹp, mộc mạc mà tự nhiên, không phấn son, không màu thành thị. Với cái nhan sắc ấy, lẽ ra nàng được sung sướng. Nhưng chỉ vì nàng có một nốt ruồi ở bên má mà phải long đong một đời. Bao nhiêu những người trai trẻ không ai thèm lấy, cũng có người muốn lấy nhưng bị bác mẹ can lại: Họ không bao giờ lại rước về nhà một cái tai nạn ghê gớm như thế. Cái nốt ruồi ấy theo họ là một cái điềm "sát phu". Một người tin như vậy, mười người, trăm người, cả làng đều tin như vậy cả. Thế rồi, cô gái đẹp, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, vẫn cô độc, vẫn lạnh lùng, vẫn không chồng. Đến năm nàng 32 tuổi thì mới có người tưởng tới. Người ấy là một ông cụ già, đã gần 60 tuổi, đã bốn lần goá vợ. Người ta tin rằng: cụ già ấy "cao số" sẽ "hạ" được cái số người kia, mới dám rước cái của ấy về. Một chuyện thương tâm, do sự ngu muội của những người xung quanh gây ra. Biết rằng cô Yến ở trong một cái gia đình khá giả, ở một cái xã hội có học, chắc là thoát khỏi cái nạn ghê gớm ấy, Lương cũng vẫn cứ buồn buồn, vì thực ra chàng chỉ muốn tìm một cái cớ gì để thương hại người mình yêu trộm mà thôi.

Bỗng chàng thấy cái nốt ruồi ở trên má nàng cử động. Rồi nó bay vù, vì nó là một con muỗi...

Chàng ngượng quá, chỉ biết mỉm một nụ cười.

Trong lúc ấy, người thiếu nữ cựa mình ngáp một cái, và mở bừng đôi mắt dậy. Nàng nhìn chòng chọc vào Lương, làm cho Lương càng thêm cuống quýt muốn chạy trốn... Nàng ngồi dậy cười bảo Lương:

− Anh tha lỗi cho em nhé. Anh đến chơi, em mê ngủ không hay gì cả.

Trái với ý nàng, câu nói của nàng đầy vẻ mỉa mai. Vì thực ra nàng có ngủ đâu, từ nãy nàng chỉ ngồi yên để dò xem Lương làm gì đó thôi, có khi nàng đã mở mắt ra để nhìn trộm Lương. Vô tình, giọng cười của nàng cũng có ý chế nhạo. Nàng cảm ngay rằng mình "ác" quá, và nàng thấy Lương đứng tần ngần, tay vê một chiếc lá thì nàng thương hại lắm. Muốn cho cái không khí giữa hai người bớt nặng nề, nàng đon đả bảo Lương:

− Hôm qua, lúc tỉnh rồi, em muốn gặp anh quá, để cảm ơn anh, nhưng cháu Long bảo anh đi về rồi.

Nàng tươi cười nói tiếp:

− Anh Lương, hôm nay anh còn muốn ăn roi nữa không? Anh ăn nữa nhá, để em trèo hái cho.

Nàng nói bằng một giọng nũng nịu, khiến cho Lương sung sướng quá. Lương lắc đầu và khẽ đáp:

− Khôông, Khôông... tôi không muốn Yến trèo nữa, nhỡ đạp phải cành khô nữa...

− Nhưng anh trông kia kìa. Roi hôm nay chín đều, trông thèm quá.

Quay về phía Lương, nàng tiếp:

− Ô hay! Anh bảo anh không thèm roi lại chảy nước miếng ra như thế kia!

Rồi sực nhớ đến chuyện Tấm Cám, nàng đứng dậy, ngả áo ra, ngẩng mặt lên ngây thơ bảo roi:

− Roi ơi! Roi có yêu tôi, thì rụng xuống bọc áo cho tôi, kẻo ở dưới này có kẻ mong roi mà chảy hết nước bọt...

Quay lại nàng bảo Lương:

− Em gọi roi mà roi nó không rụng anh ạ.

Lương nhìn bạn mà cười. Nàng cũng nhìn Lương mà cười rũ rượi.

Bỗng, tiếng cười ngừng lại như một cái máy hãm. Nàng đứng ngẩn người ra, nhìn một cách vô định ở một khoảng trắng xa, để lộ ra giữa những chòm lá xanh. Rồi không hiểu sao, nàng vụt chạy vào nhà, không nói qua với Lương một lời gì nữa.

Lương nhìn theo ngơ ngác.

Chàng đương đứng vò chiếc lá ở trong tay, thì có tiếng chào ở cuối vườn:

Ô! Lương đã đến mà tôi không hay chứ. Anh đã đến lâu hay mới đến, anh? Lương tha lỗi, nãy giờ tôi đương tắm dở.

Rồi cất giọng bảo thằng nhỏ:

Vĩnh ơi! Mày đưa bàn cờ ra đây cho tao nhá!

Lương thoái thác:

Anh để cho lúc khác, anh cho phép tôi về qua nhà một tý đã! Chiều tôi lại đến.

Ô hay! Anh đến làm gì đã về ngay?

Không, tôi định đến chú tôi chơi, chỉ muốn tạt vào thăm anh một lát.

Nhưng mà gượm đã, để tôi nói chuyện anh nghe. Sáng nay anh ạ, tôi đi qua phố Sinh Từ, có thấy một ông cụ bầy cờ thế ở đầu phố. Người ta xúm lại xem đông lắm. Tôi thấy cũng hay hay, xen vào đánh. Tôi mất toi một hào bạc mà chẳng gỡ được. Cái “thế” chỉ có thế này: người ta chỉ còn có một xe và một ông tướng trơn; còn mình thì một xe và hơn người ta một pháo nữa anh ạ. Thế mà đánh thế quái nào, mình cũng không thắng nổi. Nghĩ có ức không. Tôi thua đến ván thứ mười mới chịu thôi. Về nhà, tôi bầy cái “thế” ấy lại. Lục đục mãi hơn hai giờ đồng hồ, tôi mới thấy ra! Chao ơi, anh! Thì ra chả có quái gì đâu anh ạ! Mình chỉ… Để tôi bày lại anh xem…

Lương không chịu được nữa, bảo bạn:

Anh tha. Để lúc khác, trưa mai tôi sẽ đến mà!

Hiến cáu:

Ô hay! Tôi có làm gì anh, mà anh bảo "tha" cho anh. Anh không nghe chuyện thì thôi chớ... Tớ thách thằng nào trong hai giờ đồng hồ mà gỡ ra cái "thế" ấy.

Lương chỉ mỉm cười không nói gì, bắt tay bạn ra về.

 

***

 

Không biết lần này là lần thứ mấy, Lương lại đến chơi nhà Yến. Vừa đến ngõ, chàng nghe có tiếng hát nghêu ngao, tiếng hát du dương, trong trẻo, theo một điệu “nửa cải lương nửa đàn tây”: Tỉ, tí ti tí tỉ tì tì…

Tiếng hát lúc đầu hơi to, rồi nhỏ dần cho đến khi không còn nghe được nữa. Qua một giậu mồng tơi, Lương thấy Yến đương ngồi ở trên một tảng đá bên bờ ao, hai tay lia lịa sát xà-phòng vào đống quần áo. Nàng chỉ bận một cái áo cánh "phin" mỏng, để lộ ra hai cánh tay nõn như ngà. Bên nàng, năm ba con chim sẻ, con thì uống mấy giọt nước đọng lại trên tảng đá, con thì mổ mấy hạt gạo trắng sót lại ở trên đất, con thì nhảy ở trên một nhánh hồng bên cạnh và kêu ríu rít. Có lẽ mấy con chim đã thân mật với Yến lắm, cho nên có con đậu sát ở tận bên chân nàng mà không sợ. Nàng vẫn hát “tỉ ti” và làm việc vui vẻ như một cô gái bình dân. Nếu không biết, có lẽ người ta không ai dám ngờ rằng: chính nàng là con một ông phủ, và ông nàng đã làm đến Tuần phủ Quảng Yên.[a] Có lẽ người ta cũng không ngờ rằng nàng đã học đến năm thứ tư trường Đồng Khánh Hà Nội, và trong lúc về ở với mẹ ở ấp Thái Hà, cô nữ sinh trẻ tuổi ấy đã thường ngày làm bạn với những nhà văn sĩ đông tây và kim cổ.[b] Bây giờ về ở ấp, nàng đã là một cô gái quê hoàn toàn, chủ một cái thư phòng nho nhỏ của nhà nàng, tuy rằng nàng hay chơi các thứ âm nhạc mà nàng là một tài hoa bất ngờ, thì nàng không nhiễm một màu đài các, trưởng giả nào hết. Không những giặt áo quần ở bờ ao, người ta còn thấy nàng dậy sớm, cuốc đất ở vườn, và đi dọc theo từng luống rau để tìm sâu.

Bỗng đàn sẻ quanh nàng vụt bay lên... Một tiếng động ở trong giậu mồng tơi. Yến dừng tay và nhìn ra mặt ao. Nàng chợt thấy dưới nước cái bóng một người mặc tây, hình như đương đứng để rình nàng. Không kịp nhìn hai bên nàng vùng dậy chạy thẳng vào nhà. Có lẽ vì bình sinh tính nàng hay bẽn lẽn, nàng cho rằng để lộ hai cánh tay như vậy là đã làm một điều rất bạo, quá sức một người con gái nề nếp. Cái cử chỉ của Yến cũng làm cho Lương phải ngượng ngùng. Chàng không dám vào nhà nữa. Chàng đi thẳng ra một cánh đồng,[c] lơ láo cho qua một buổi chiều vô duyên.

Hôm sau chàng vẫn cứ đến.

Trưa hôm sau, chàng vừa rẽ vào phía vườn nhà Yến, thì nghe có tiếng đàn tranh ở trong nhà đưa ra. Chàng đi đi lại lại giữa hai gốc cam và mận, bâng khuâng. Tiếng đàn ở trong cửa sổ vọng ra, lưởng vưởng giữa những hàng cây xanh, có lúc nhanh nhảu, có lúc chậm rãi, có lúc trong trẻo như sương buổi sáng, có lúc bẽn lẽn như cô gái thời xưa…

Nắng buổi trưa hôm ấy gắt gao hơn mọi ngày. Những con ve kêu ran rỉ một chặp rồi lại im phăng phắc. Vài quả bàng chín muỗm, rụng trên cỏ, vài nhành cây khô quá không thể gượng được nữa, lắc rắc gãy, đánh vào nhau trước khi rơi xuống đất. Trong vườn, không một tiếng động gì khác nữa. Chỉ còn có tiếng đàn tranh vọng qua cửa sổ. Lương vẫn đi đi lại lại giữa gốc cam và gốc mận, ung dung trầm tĩnh.

Một ngọn gió mạnh ở đâu thổi lại, trút xuống một trận lá vàng. Vài giọt mưa rơi lách tách trên cây, lúc đầu còn chậm, một lát sau, đã mau, rồi ào ào đổ xuống… Lương đứng ở bên gốc đào, tay vịn trĩu một chòm lá, đôi mắt vẫn đăm đăm nhìn vào khoảng không, vì chàng mải lắng nghe một bản đàn không dứt, đến nỗi mưa đến mà không hay.

Bỗng có một con chó vện ở trong nhà chạy hộc ra. Nó chạy quanh vườn và sủa om. Tiếng đàn lần này mới để dứt. Một thiếu nữ óng ả trong một bộ áo lụa, tóc để lơi xuống hai bên vai, ngó ra từ khung cửa sổ. Đôi mắt nàng đưa rất nhanh như muốn tìm vật gì. Yến, chợt nhận ra Lương thì phá ra cười rũ rượi, và phốc một cái, nàng nhảy lên cửa sổ. Nàng đưa tay vẫy Lương lại… Thấy Yến vẫy, Lương sung sướng, chạy vội vàng tới, tưởng như là chạy theo một tiếng gọi thân yêu, một tiếng gọi thiêng liêng, tiếng gọi của ái tình. Gần cửa sổ, độ bốn năm bước nữa thì không hiểu sao, chàng ngừng bước lại, cúi mặt, có dáng ngượng ngùng.

Ồ! Anh Lương, anh đi nhanh lên một tí kẻo ướt hết bây giờ.

Lương ngẩng mặt lên thì Yến đã đâu rồi.

Một lát sau, Yến trở ra, đưa cho Lương một cái ô đàn bà, cái ô của mình, và bảo bạn:

Anh, che đỡ…

Lương ngoan ngoãn đưa tay cầm lấy ô, mỉm một nụ cười để cảm ơn bạn.

Thấy Lương mặc tây, lại cầm một cái ô đàn bà thì không sao nín cười được, nàng liến thoắng nói như một cô gái Sài Gòn:

Ngộ quá! Ngộ quá! Anh Lương ngộ quá!

Rồi cả hai cùng cười, tiếng cười muốn át cả tiếng những hạt mưa rơi xuống trên thềm gạch. Vui vẻ, nàng hỏi bạn:

Anh Lương, hôm nào anh cũng đi chơi nhằm buổi trưa thế, anh không sợ nắng à?

Thế cô không muốn tôi lên chứ gì.

Anh Lương! Anh nói dở lắm! Em chỉ muốn anh lên chơi buổi sáng thì hơn, buổi sáng trời tốt hơn...

Đã thành một thói quen rồi Yến ạ. Lương chỉ thích đi chơi buổi trưa mà thôi. Và buổi sáng, anh Hiến đi làm vắng...

Yến cúi đầu qua cửa sổ, ghé tai Lương, nói nhỏ:

Thì anh "đánh cờ" với em cũng được chứ sao?

Rồi cả hai cùng nhìn nhau mà cười.

Bỗng có tiếng động trong khe cửa, ở cánh cửa ngăn phòng nàng và mẹ nàng. Nàng giật mình quay lại, thì ra một con chuột con bị kẹp, nàng phá ra cười, và chạy lại vừa nâng cánh cửa vừa lẩm bẩm với con chuột:

Đáng kiếp! Hôm qua phá ông không cho ông ngủ.

Rồi chạy ra với Lương, nàng khẽ bảo bạn:

Một "ông tí con" làm cho mình hết hồn!

Cả hai lại nhìn nhau mà cười.

Anh Lương ạ! Anh có thích nghe văn chương của một cô gái quê không? Em đọc cho nghe.

Hân hạnh lắm! Nhưng mà cô bạn nhớ cho tôi rằng: tôi đang đứng ở dưới mưa đây nhé.

Anh đứng dưới mưa mà nghe đàn còn được nữa là nghe thơ. Vả đây là một cách để phạt anh, vì hôm qua....

Hôm qua làm sao?

Hôm qua anh đứng rình... nhưng mà em không nói nữa!

Nàng rút trong túi một mảnh giấy con và nói:

Đây là bài thơ "Bắt dơi", em làm trong đêm hôm qua, vì chuột không để em ngủ...

Một tiếng động nữa ở cửa. Nhưng nàng không quay lại và chỉ lẩm bẩm: "Lại chuột chứ gì"?

Rồi nàng toan cất giọng đọc cho bạn nghe mấy vần thơ nhí nhỏm của mình, nhưng mẹ nàng đã đến sau lưng và bảo to:

Con bé! Thế có lên têm trầu bỏ vào hộp cho mẹ, để mẹ đi lên nhà cậu Cử...?

 

 

II

 

Sáng hôm ấy Lương dậy thật sớm, ra đứng ngóng ở cửa, đón một hàng hoa thường đi qua phố chàng. Cô hàng hoa xinh xinh mỗi khi qua nhà Lương, qua song cửa nhìn thấy cái lọ hoa Nhật Bản của Lương để không ở trên bàn phòng khách thì cô ả mỉm một nụ cười tinh nghịch và có ý chế nhạo nữa.

Hôm nay bỗng nhiên lại được gọi tới thì cô ả quay lại nhìn một cách ngạc nhiên và không tin.

Ông mua hoa thật chứ?

Ô hay! Cô bảo tôi mua hoa "giả" làm gì?

Cô hàng cất cái giọng trong trẻo của buổi mai chưa một tiếng động, kể:

Thược dược, tường vi, ý lan, huệ, hồng?

Tôi xin cô một bó cúc trắng.

Sao lại không mua thược dược, thưa ông?

Tôi cũng không hiểu sao vậy, lòng tôi muốn thế.

Vì ông có một cô nhân tình là Cúc chứ gì?

Tưởng là mình vừa nói một câu có ý vị, cô hàng hoa nhìn thẳng vào mặt Lương và mỉm cười.

Lương làm mặt nghiêm, cầm lấy bó hoa rồi bước vào đóng he hé cửa lại, còn vẳng nghe tiếng cô hàng hoa nói: "Mai ông lại mua cúc trắng cho em nữa nhá". Lương cười khúc khích một mình không đáp.

Chàng cắm bó hoa vào lọ rồi cúi đầu xuống khẽ đặt một cái hôn lên trên đoá hoa. Má chàng ửng đỏ và nóng bừng lên như một người con gái dậy thì. Chàng đứng dậy lảo đảo muốn ngã. Lần đầu tiên chàng thấy say sưa một cái hương vị, một cái hương vị nồng nàn tình ái. Đoạn chàng nhìn chăm chăm vào mặt một cái đồng hồ để ở trên bàn, thè lưỡi và lẩm bẩm: "Chết chửa! Chín giờ rồi mà Yến không đến. Yến mà cũng biết nói dối nhỉ!".

Bỗng có tiếng ô-tô xình xịch đỗ ở trước ngõ, một thiếu nữ ở trên xe bước xuống, bận một cái áo màu da trời...

Lương giật mình, sực nhớ lại một bức thư của thầy chàng ở Nam Định gửi lên đã mấy hôm nay, tin cho chàng biết trước rằng: nội trong tuần lễ này có một thiếu nữ lên thăm chàng. Thiếu nữ ấy là con vị phú hộ thành Nam, vừa tốt nghiệp ở trường Y khoa bào chế Hà Nội.  Vinh, tên nàng, là một thiếu nữ tân tiến về hình thức cũng như về tinh thần. Nàng có những cái cử chỉ, cách ăn nói và giao thiệp của người phương Tây, dẫu là chưa đến Paris một lần nào. Với các bạn gái thì nàng nói tiếng An Nam, một thứ tiếng An Nam ngượng nghịu khó khăn; với các bạn trai thì nàng nói tiếng Pháp, một thứ tiếng Pháp trang trọng thông thạo.[a] Từ hôm ở Hà Nội về, nghe nói rằng nhà Lương muốn dạm nàng cho Lương, thì nàng muốn gặp cho được mặt vị hôn phu của nàng một lần, rồi sau mới có thể "định đoạt" được. Một hôm nàng đánh xe qua nhà trai tin trước rằng: nàng sẽ lên Hà Nội, và sẽ nói chuyện với Lương trong một giờ đồng hồ.

Dẫu là chưa thấy Vinh một lần nào, Lương cũng có thể đoán được rằng người thiếu nữ vừa bước xuống xe đó chính là Vinh. Chàng chạy ra cửa đón nàng vào. Sau khi tự giới thiệu mình với Lương, Vinh hỏi chuyện huyên thuyên, nói nói cười cười thân mật như một người bạn thân thiết. Trước còn nói những chuyện chính trị xa xôi, chuyện văn chương bóng bẩy, dần dần về sau hai người bàn đến những chuyện đua ngựa, chuyện ăn mặc cùng các cách nô đùa của bọn phụ nữ mới. Trong câu chuyện, nàng đã tỏ ra một người thông thạo, lịch thiệp. Bỗng tự nhiên nàng ngừng nói, đưa tay vân vê mấy đóa cúc rồi ngửng lên nhìn Lương. Trỏ đoá cúc, Lương bảo bạn: "Cúc ấy tôi mua tặng cô đấy. Nếu hôm nay cô không đến, thì chắc cúc héo đi mà không ai được hưởng cả". Bằng một cái giọng cảm động, Vinh nói với Lương: "Cảm ơn anh lắm!". Rồi nàng hái một cánh hoa đặt lên tóc và nhìn Lương mỉm cười. Lương ngượng nghịu thấy hổ thẹn với mình, bồ hôi đổ ra trán.

Anh làm sao thế anh Lương?

Không làm sao cả cô ạ!

Lương tuy đáp vậy, nhưng bộ tịch luống cuống, biểu hiện một sự suy nghĩ lan man ở trong tâm trí. Không những chàng thấy mình đã đánh lừa Vinh, mà đối với Yến trong một phút chàng đã sao nhãng một cách bất công. Bó cúc trắng chàng đón mua từ sớm là chỉ để riêng tặng cho Yến sắp đến thăm chàng.

Thấy cây đàn tranh treo ở vách, Vinh hỏi:

Anh cũng có chơi đàn tranh nữa à?

Lương lúng túng không đáp, vì chàng không muốn đáp rằng "có" mà cũng không muốn đáp "không": cái đàn tranh chỉ là một cái cớ để cho chàng gặp Yến.

Từ hôm trời mưa hai người nói chuyện ở cửa sổ, bị bà phủ bắt được thì không hiểu sao Lương không tới nhà Yến nữa. Mà chàng cũng không muốn xa Yến. Chàng muốn học đàn tranh với Yến, dẫu chàng là một tay tài tử không có một món âm nhạc nào mà chàng không sành. Chàng xin học với Yến một tuần lễ một giờ, học tại nhà mình. Yến nhận lời làm thầy học của Lương.

Không thấy Lương đáp. Vinh nói thêm:

Anh Lương ạ, em thì không hiểu sao, em không thích chơi âm nhạc ta, tranh cũng thế, mà nguyệt cũng thế. Nhà em chỉ có violon và piano mà thôi![b]

Vô tình câu nói của Vinh đã làm cho Lương mếch lòng. Lương cãi lại:

Thưa cô, âm nhạc ta cũng có cái hay của nó, cái thú vị mê hồn của nó, cô hãy tưởng tượng một chiếc thuyền con...

Vâng, em xin tưởng tượng một chiếc thuyền con. Vâng, một chiếc thuyền con, rồi thế nào nữa anh?

Lương cũng cười nói tiếp:

Một chiếc thuyền con bấp bênh trôi ở trên một dòng nước trong, phẳng như một tấm gương, trôi xa chốn thành thị huyên náo, như một đêm không có trăng, hay là trăng mờ mờ, một đêm rất nhiều sao, một đêm như thế mà gió hơi lạnh, sương phủ trắng. Thế rồi cô hãy tưởng tượng.

Vâng, tôi tưởng tượng đây mà!

Cô hãy tưởng tượng trên mạn thuyền, mấy ngón tay nhẹ nẩy trên một cây tranh, những âm điệu buông bắt, dịu dàng như ánh sáng, thấm thía như sương khuya, tỉ tê như những lời tình ái. Những lúc ấy, ta thấy ta không còn có một cái xác thịt nữa. Ta chỉ như một cái mộng, một cái bóng, bay ở giữa thanh không. Ta mất hẳn cái khái niệm về thời gian và không gian. Những lúc ấy, violon chẳng hạn, violon làm cho ta não nùng réo rắt mà thôi, chứ không thể làm cho ta nhẹ nhàng bay bổng...

Vẫn một giọng láu lỉnh tinh nghịch ấy, Vinh trêu Lương:

Anh nói hay quá, văn chương quá, nhưng em vẫn chưa tin...

Đoạn nàng đứng dậy với lấy cây đàn, trân trọng đưa cho Lương:

Em sẽ tin lời anh nói, nếu như anh chịu dạo qua cho em nghe một bản, và nếu như ngón đàn của anh có thể làm cho em bay bổng được...

Vinh nói có duyên quá khiến cho Lương quên cả những tư tưởng bất đồng giữa hai người, chàng đỡ lấy cây đàn và ngoan ngoãn như một đứa trẻ, chàng toan làm theo lời nàng bảo thì bỗng có tiếng gõ cửa: Yến.

Lúng túng, Lương đặt mạnh cây đàn xuống bàn, và giới thiệu:

Đây là cô Yến, vị giáo sư âm nhạc của tôi.

Và quay phía Yến:

Đây là cô Vinh, một người bạn ở thành Nam.

Rồi ba người cùng nhau trò chuyện huyên thuyên như để đuổi cái làn không khí nặng nề muốn bao phủ lấy gian phòng, vẫn là những câu chuyện vẩn vơ về văn chương, về âm nhạc. Bỗng không hẹn mà nên, ba người cùng lặng im trong một lúc, và mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, và không biết mình ngồi lặng im từ hồi nào.

Yến đứng dậy vừa cười vừa xin lỗi:

Cho phép em đi đằng này một tý. Buổi học hôm nay em khất lại một hôm khác.

Rồi Yến chào Vinh đi ra. Vinh cũng xin phép ra về. Lương từ từ đóng cửa lại, quay lại thấy bó cúc trắng, mỉm cười, một nụ cười chua chát.

 

***

 

Trên bãi bể Sầm Sơn một buổi chiều đầu thu.

Một mầu xanh ngắt không một gợn mây, làm cho bầu trời thêm rộng rãi, thêm bao la.

Chàng một mình ở trên phố đi xuống bãi. Gió ở ngoài khơi, từng làn nhè nhẹ thổi vào mà chàng, riu riu. Dải cát trước mặt chàng, trắng một màu trắng mát rợi. Chàng bước lặng bước dài khoan khoái.

Bỗng nghe có tiếng gọi: "Lương! Lương!" Rồi tiếp theo một tiếng cười giòn giã. Chàng ngoảnh lại: Vinh, gọn gàng, nhanh nhẹn trong một bộ áo tắm, đứng tréo chân và khoanh tay nhìn chàng.

Chiều nay bể lặng thế mà anh không tắm à?

Chàng đáp một cách lạnh lùng:

Tôi không muốn tắm.

Vinh vẫn vui vẻ:

Vậy em cũng không muốn tắm nữa. Hay là anh Lương ạ! Hay là chúng ta lên hòn Trống Mái chơi đi, sẵn có ô-tô của em đây. Anh Lương, anh bằng lòng chứ?

Như một cái máy, chàng gật đầu nhận lời. Rồi hai người dắt tay nhau lên chỗ xe đỗ, hai người cùng lặng lẽ bước lên xe. Tiếng cánh cửa xe đóng lại một cái "cạch" làm cho Lương giật mình nhìn chăm chăm vào Vinh với đôi mắt ngạc nhiên của người vừa tỉnh mộng. Tuy đã ngồi vào chỗ lái mà Vinh còn mời Lương:

Anh lái hộ cho em chứ?

Giọng nàng nói nhỏ nhẻ và mềm mỏng, như rót vào tai chàng những lời tình ái dịu dàng. Chàng cũng đáp lại bằng một cái giọng nũng nịu của một người con cưng nói với mẹ:

Vâng, để anh lái hộ nếu như em muốn anh đưa em xuống hố!

Rồi hai người cùng nhìn nhau mỉm cười.

Xe đã nổ máy. Khi đã đi qua dãy nhà tây sắp bò lên sườn đồi, Vinh quay lại nói với Lương:

Em cũng không biết núi Trống Mái ở đâu nhưng em chỉ nghe người ta nói rằng núi ấy ở phía này, ta cứ cho xe chạy về ngả này xem...

Đường lên gập ghềnh và quanh co, tiếng máy sình sịch làm át cả câu chuyện. Vì lạ đường nên qua được một quãng, đến một chỗ quành thì nàng cho xe chạy từ từ để dò đường. Nhưng khi xuống dốc thì không ngăn cản được, chiếc xe xồng xộc lăn xuống như muốn nuốt cả không gian vậy. Gió vun vút đánh từng hồi vào mặt nàng, làm hai mắt nàng say sưa, và cho nàng một cái thú vị mê hồn. Cả hai cùng đều choáng váng, lao đao vì nhanh chóng. Vô tình, Lương quàng một tay qua mình Vinh, và chàng khẽ nghiêng đầu vào vai bạn. Những làn tóc của Vinh gió lùa đi lùa lại trên mặt Lương, gợi cho chàng những cái cảm giác rộn rực. Không bao giờ Lương thấy nồng nàn và khoan khoái đến thế, một thứ khoan khoái về xác thịt, gần lẫn với thứ khoan khoái về tinh thần. Lương không biết mình sống thực hay là mộng. Lương nhìn thấy trên đôi môi của Vinh, đôi môi thắm, ướt, đầy vẻ hoan lạc và tình tha thiết, cả cái hình ảnh của một cuộc đời thần tiên đáng yêu, đáng mến, đáng sống. Như một người điên, chàng cất giọng hát một bài hát tây. Vinh cũng hát hòa theo. Gió thổi mạnh khiến hai người ngồi khít bên nhau, mà tiếng hát nghe như bị mang đi một quãng xa, rồi mới văng vẳng lại. Xuống khỏi dốc, xe đi chậm lại, trước mặt nàng lại hiện ra một đồi núi thấp nữa. Không muốn cắt đứt những cái cảm giác say sưa rộn rực ở trong trí mình, nàng bèn mở hết máy để cho xe chạy nhanh như trước. Nàng quên cả nguy hiểm, dầu trời đã hơi xâm xẩm tối. Trái lại, nàng cũng như Lương, thấy ở trong sự nguy hiểm một cái thú vị mê hồn. Đường càng lên càng gập ghềnh. Xe lướt lên trên những viên sỏi lớn, mỗi lần nghiêng mình làm cho hai người cùng va đầu vào nhau và cùng liếc mắt vào nhau mà cười ngặt nghẹo. Nhưng khi đến đỉnh núi và nàng sửa soạn xuống dốc, thì không ngờ đường đã hết và trước mặt nàng, dưới chân núi là hố sâu thăm thẳm. Nàng giật mình rú lên một tiếng. Nhưng hoảng hốt mà nàng cũng vững tay lái và hãm lại kịp. Hai người nhanh nhẹn nhảy ra khỏi xe. Rồi như những kẻ điên cuồng, hai người ôm chặt lấy nhau, nhắm tít mắt lại trong một phút dài không nói một tiếng. Hai người từ từ rời nhau ra, mở mắt to ra trước cảnh trời biển bao la và cùng quay lại nhìn nhau, nước mắt rơm rớm, nhưng vẫn nói với nhau bằng một giọng vui vẻ sung sướng:

Thiếu một gang nữa thì...

Thì sao em?

Thì chúng mình sẽ...

Đừng nói em, anh cấm em nói.

Lương đưa mắt nhìn bốn phía, rồi cười bảo Vinh:

Nhưng không biết đây có phải là hòn Trống Mái không nhỉ?

Nếu không phải lại càng hay! Em muốn hòn núi này trước kia không đội một tên nào hết.

Vì sao em?

Vì từ rày em muốn đặt cho nó một cái tên.

Tên gì vậy em?

Tên là Thuý Nha.

Thuý Nha là nghĩa gì?

Với người khác nó chẳng có nghĩa gì hết, đến đôi ta thì nó có nghĩa là: đến chỗ tột cùng.

Chỗ tột cùng của sự sống, và của ái tình phải không? Nghĩa là thiếu một tý nữa là hết sống và thiếu một tý nữa là...

Cấm anh nói hết. Anh nên nhớ cho rằng hòn núi Thuý Nha là của đôi ta vì nó mang cái tên của em và sau này con đầu của chúng ta hoặc trai hoặc gái sẽ lại mang cái tên của hòn núi ấy.

Nghe nói đến con, Lương chợt nghĩ đến cuộc hôn nhân của mình sắp tới. Thầy mẹ Lương đã định trong một tháng nữa là cưới Vinh cho chàng. Sự ấy hai bên sui gia đã ước thuận với nhau rồi, nhất là khi Lương lại là một viên y sĩ vừa tốt nghiệp mà Vinh lại là con một của một nhà phú hộ. Trước kia riêng phần Lương, Lương còn do dự, do dự có lẽ vì chút tình với Yến, hoặc vì sợ dư luận của các bạn chê bai mình lấy vợ giầu. Nhưng về sau dần dần chàng thấy đó là những cái cớ mỏng manh không đủ sức ràng buộc chàng nữa. Hình ảnh Yến dần dần mờ trong trí chàng và nhường chỗ cho một cái ý hay hay: lấy Vinh chàng sẽ là chủ một gia tài lớn mà chàng có quyền sử dụng, chàng sẽ không cần đến nhà nước bổ nữa, và như thế tránh biết bao nhiêu điều phiền lụy khó chịu.

Chàng sẽ mở một bệnh viện riêng, trong tay hàng mấy chục người giúp việc, có quyền săn sóc bệnh nhân của mình theo ý muốn, theo cách riêng của mình. Nhưng chỉ có thế, chàng cho rằng chưa đủ số nợ chàng phải trả cho xã hội, chàng sẽ mở một tờ báo bằng quốc văn, một tờ báo nghị luận để dẫn đạo quần chúng trong lúc quần chúng bâng khuâng bối rối trước trăm nghìn ngả đường. Chàng sẽ... chàng sẽ thực hiện biết bao nhiêu cái mộng cũ của mình. Lúc đầu Vinh không làm cho Lương vừa ý lắm, với những cái cử chỉ quá tân thời, quá đột ngột, quá bạo. Nhưng cái ấy không sao, miễn là Vinh vẫn đủ những điều kiện để cho chàng thực hiện những cái chí nguyện của mình. Thực ra dần dần Vinh cũng biết cám dỗ chàng và đã cám dỗ được chàng rồi vậy. Những khi nô đùa trên bãi bể chẳng hạn, thì bao giờ cái phong vị của phương tây cũng làm cho người ta mê say hơn là những cái phong vị của phương Đông. Ở trên bãi bể, những cái đùi xinh, những cái vẻ đẹp, hay là những cái cử chỉ bao dạn, những cái cách cười nói lả lơi dễ làm cho quả tim người ta phải hồi hộp ngây ngất. Lương, sau những phút đuổi bắt Vinh trên làn sóng, chàng đứng im lặng cùng hưởng với bạn cảnh bao la âm thầm của bể chiều hôm, tự thấy tâm hồn mình càng ngày càng dồi dào những tình ái, càng ngày càng say đắm trong hình ảnh của người đương sống bên mình.

 

 

III

 

Lương đương ngồi ở biệt thự M. M. hút thuốc lá và xem báo, dưới một dàn "hoa tim" thì có người đầy tớ mang lại cho chàng một phong thư. Phong thư mầu mỡ gà, nho nhỏ, xinh xinh, ở trên con tem có đóng dấu Thái Hà, một trạm nhỏ ở gần Hà Nội. Chàng mân mê chưa muốn bóc ra vội, và chăm chăm nhìn những nét ở trên phong bì, những nét chữ mềm mại, uyển chuyển, thật thà, chưa bao giờ thấy mà chàng tưởng như là những nét chữ quen quen. Vì thật ra người gửi bức thư đó chưa bao giờ viết cho chàng một chữ, mà cũng không bao giờ tỏ ra mình là biết chữ cả. Lần này có lẽ là lần đầu nàng biên một cái thư.

Lương mơ hồ trông theo làn khói thuốc và tưởng tượng ngón tay trắng nõn, búp măng khi đưa ra chấm khẽ vào lọ mực, dè dặt tránh cái tiếng chạm vào lọ sành và khi những ngón tay ấy uốn ẻo lả, vạch lên giấy những nét chữ mềm mại và đậm đà, Lương thấy có một nỗi cảm khoan khoái nhẹ nhàng làm mát rợi thần trí. Sự tưởng tượng của chàng lúc bấy giờ còn đưa chàng xa hơn nữa: chàng còn thấy một vị thanh niên hình như là chính chàng đưa ra một bàn tay khác, chấp lên bàn tay của chàng, vân vê những ngón tay xinh đẹp ấy và cuối cùng dịu dàng đưa lên trên môi hôn một cái hôn nồng nàn. Nhưng chàng ngoảnh lên thì thấy đôi mắt bồ câu, đôi mắt quen nhìn chàng một cách van lơn tha thiết, có chiều lả lơi nữa. Rồi từ cái hình ảnh này biến qua cái hình ảnh khác, chàng thấy hiển hiện ở trong óc mình, một thiếu nữ đang ngồi giặt áo ở trên một tảng đá, bên bờ suối... vừa giặt vừa hát như con chim hót, chợt thấy bóng chàng dưới ao thì ù té chạy vào nhà... Cái mẩu kịch ấy chàng không nhớ rõ là đã xảy ra ở trong giấc mộng đẹp vừa hôm qua đây hay là đã xảy ra ở trong một quãng đời thật hai ba năm về trước. Sự mường tượng lẫn lộn ấy đã làm cho chàng mê man, như người vô hồn, mất cả khái niệm về thời gian, nói mà tai không nghe, nhìn mà mắt không thấy, lao đao vất vưởng. Thế rồi chàng đọc bức thư của người bạn gái thân yêu ấy, qua một giấc mộng. Những hàng chữ nhẩy ở dưới mắt chàng và chỉ đưa chàng những ý tứ mập mờ. Nhưng chàng cũng hiểu được sơ lược đại ý trong thư chỉ có thế này:

Anh Lương,

Đã gần một năm rồi anh nhỉ, chúng ta không gặp nhau. Lần cuối cùng có phải chăng là lần em đến nhà anh để dạy đàn cho anh, và chính hôm ấy em được anh giới thiệu cô Vinh. Và từ hôm ấy em cũng không được biết rõ cô Vinh hơn nữa. Mà không học đàn với em nữa, anh cũng không cho em biết cái cớ tại sao cả. Anh Lương thế mà tệ quá. Một hôm em có trở lại nhà anh nhưng chỉ thấy ở ngoài cửa chính treo bảng "nhà cho thuê” và qua song cửa em thấy nhà bỏ không, ở trên vách còn để những khoang trắng, in dấu những khung ảnh đã cất đi. Em nhớ độ nào, anh Hiến em có tặng anh một cái ảnh "toàn gia" của nhà em, không biết anh còn giữ không? Mẹ em chết đã ba tháng nay, bình sinh ít chụp ảnh, và cũng không hề chụp riêng một cái nào. Tấm ảnh chụp chung cả nhà đó, mất hết, có lẽ chỉ còn một tấm nơi anh đó mà thôi, nếu anh còn giữ hộ...

Anh Lương, anh đi đâu mà biệt tăm biệt tích thế, giá hôm nay không có người bạn nói anh ra nghỉ mát Sầm Sơn, thì không có bao giờ em viết bức thư này cho anh. Khi nào anh trở lên Hà Nội mà chắc là anh lên luôn chứ anh nhớ ghé thăm em và để nghe em dạo đờn tranh. Anh nhớ lên nhằm mùa roi nhé: vì em chỉ dạo đờn về mùa roi thôi, thôi kính chào anh. YẾN.

 

Trong lúc Lương ngồi đọc bức thư thì Vinh ở trong nhà bước ra. Nàng thường hay đi chân không, cho nên khi nàng đến sau lưng, mà Lương vẫn không biết. Nàng định bịt mắt bạn chơi, nhưng khi nhận bức thư có dáng khả nghi, thì nàng chỉ đứng yên và qua vai Lương, nàng đọc trộm bức thư. Những lời lẽ trong thư làm cho dần dần hai mắt nàng đưa nhanh lên và đôi chân nàng hơi lảo đảo. Vô tình nàng chống tay xuống bàn. Lương rất tự nhiên đưa tay mình lên tay nàng và mân mê những ngón xinh... và đưa lên môi hôn một cái dịu dàng. Nhưng bỗng chàng giật mình, vẻ mặt sợ hãi, hơi thở mạnh lên, chàng vừa nhận thấy chiếc nhẫn ở trên tay nàng. Chiếc nhẫn mà hôm qua trước khi buông màn, chàng đã cởi hộ cho nàng và cất ở trên đầu giường. Chàng tỉnh mộng. Chàng không còn có thể ngờ rằng Yến vừa đứng ở bên chàng, và chàng vừa tặng cho nàng một cái hôn ở trên những ngón tay xinh. Không, chàng không còn có thể ngờ như thế được. Rồi chàng không dám ngẩng lên nhìn, vì chàng biết người đứng sau nàng đó không phải là một cái bóng đẹp, một cái mộng xa, một người tình nhân nữa, mà chỉ là Vinh, chỉ là một cái thực tế nặng nề: một người vợ, nhưng là một người vợ mà chàng yêu, yêu vì ái tình thì ít, yêu vì bổn phận thì nhiều.

Vinh, lúc đọc xong bức thư, thì sự ghen tuông, vẩn vơ đã làm cho nàng hơi luống cuống, nhưng nàng bình tĩnh lại ngay. Nàng mỉm cười một cách chua chát, rồi tự nghĩ: "Được! Người như ta không lẽ ghen với một người như thế. Ta phải tỏ ra rằng ta hơn người tình địch của ta mới được chứ, ta phải làm thế nào cho Lương vẫn hoàn toàn là cái sở hữu của ta".

Lương ngẩng lên nhìn vẫn thấy nàng cười một cách vừa chua chát vừa đắc ý.

Không tỏ một chút hờn giận nào, Vinh bảo Lương:

Ta đi lên rừng thông chơi đi, Lương đi.

Lương vẫn bối rối, không nói... Chàng lặng lẽ xé bức thư ra từng mảnh vụn, rồi đứng phắt dậy, chàng quay lại ôm chặt lấy Vinh vào lòng, đặt một cái hôn nồng nàn lên trên má người yêu. Chàng muốn nói "Em tha lỗi cho anh" nhưng miệng chàng ấp úng, nói không ra. Chàng thấy cái hình ảnh của Yến hiện ra trong giây lát rồi lại tan biến trong nháy mắt...

Bây giờ, chàng chỉ có một cái ý nghĩ thiết thực: lấy Vinh, chàng sẽ lấy cả một sự nghiệp cho tương lai, chàng sẽ mở một bệnh viện riêng, chàng sẽ lập một cơ quan ngôn luận, chàng sẽ... Không, chàng đã cả quyết lắm rồi. Chàng sẽ lấy Vinh.

 

***

 

Có lẽ việc ấy là việc quan trọng nhất trong đời nàng: từ khi lấy chồng đến nay, lần này là lần thứ nhất, Vinh xuống bếp. Nàng xuống bếp để làm cơm cho chồng nàng. Nàng vẫn ăn mặc và trang điểm như mỗi khi nàng ngồi phòng khách để tiếp khách.

Trên nét mặt nàng có vẻ rộn ràng và xung quanh nàng đầy những người cho nàng sai bảo. Một thằng bếp chính, hai thằng nhỏ, một u già, còn không đủ để cho nàng sai. Chúng chắc lấy làm lạ rằng: làm sao khi có nàng giúp vào, thì chúng thấy mình lại phải làm lên bội phần, mà công việc thì chỉ có thế, vẫn như ngày thường, cũng chừng ấy món ăn, cũng chừng ấy món phải xào, phải nấu, phải nướng, phải luộc... Quang cảnh nhà bếp ầm ỹ những tiếng nàng quát bảo. Sai đi lấy một cái thìa, một đôi đũa, nàng cũng có thể thấy ở trong những việc nhỏ nhặt ấy một cái cớ để mà mắng bọn tôi tớ. Nàng chỉ có sai bảo và rầy mắng mà thôi, nhưng xem chừng nàng đã mệt lả. Đứng ở bên lửa, bồ hôi nàng chảy ra như tưới, dầu đã có một thằng nhỏ đi theo nàng để quạt cho nàng không ngớt.

Bỗng có tiếng chồng dặng hắng ở ngoài ngõ. Như mọi lần thì nàng đã chạy ra đứng ở ngưỡng cửa để đón chồng, nhưng nay thì trái lại, nàng chỉ muốn chồng nàng bắt gặp nàng ở trong nhà bếp, giữa khi nàng làm việc. Nghe tiếng giầy cồm cộp đi xuống thì nàng vui sướng lạ, và khi nghe thấy chồng nàng gọi: "Vinh! Em đâu rồi" thì nàng đon đả đáp lại chồng: "Cậu ơi! xuống đây xem em làm bếp..."

Đời nàng không bao giờ nàng thấy ấm áp đến thế! Chồng nàng đã đến sau lưng, cách mấy bước, đứng ngẩn người và nhìn nàng đương xào thịt bò. Mùi thịt bò làm cho chàng ngây ngất.

Chính Lương cũng vậy, Lương cảm thấy trong giây lát, cả cái lạc thú đậm đà, êm ấm của cảnh gia đình, và sung sướng nghĩ đến chốc nữa đây, chàng sẽ ngon lành ăn những món ăn thơm tho mà chính vợ mình làm cho mình. Chàng quên hết cả cảnh đời đôi khi giả dối mà chàng hiện sống ở bên một người vợ giàu, người mà chàng muốn lợi dụng để gây cho mình một sự nghiệp lớn lao.

Tự đáy sâu cõi lòng, chàng thốt ra một câu:

Em Vinh! Anh yêu em quá!

Giọng chàng nói có chiều cảm động, Vinh quay lại nhìn chồng mỉm một nụ cười, rồi lại quay vào lò lửa, chăm chỉ làm việc. Nhưng Lương đã gọi nàng:

Thôi, em làm việc thế đủ cho anh vui sướng lắm rồi! Bây giờ em lên cho anh nói em nghe chuyện này... vui lắm cơ!

Thì chốc nữa anh nói cũng được!

Không, em lên ngay, anh muốn thế!

Nàng nũng nịu đáp một dây:

Không, không, khôông, khôông...

Làm mặt giận, Lương đi lên nhà trên. Vinh vứt đôi đũa xuống và chạy theo chồng. Lương đã ngồi sẵn ở ghế đi-văng để đợi nàng. Thấy nàng đã bước lên thì Lương giơ tay ra đón và bảo vợ:

Con bé yêu của mẹ! Lại đây với mẹ.

Rồi nàng chạy xộc lại như một đứa bé dễ bảo. Nàng nằm ngửa vào lòng chồng, và nói nũng:

Lương, mình nói gì thì nói đi!

Anh nói mình cái này này...

Chàng ghé vào tai vợ, nói thầm: “Em hiểu chưa?”

Nàng lắc đầu:

Em không hiểu gì hết!

Thế thì em đần quá con bò cái.

Chàng ghé vào má nàng, hôn một cái thật nhanh:

Đấy chuyện chỉ có thế!

Bỗng nàng cất giọng lên cười, cười một thôi dài, cười như một cái máy. Chàng cất giọng cười theo. Hai người vẫn nhìn nhau mà cười không thôi. Lương đưa một ngón tay di vào má vợ và nói:

Mới vào bếp một hôm, mà em tôi đã mang cái dấu hiệu đặc biệt của con nhà bếp.

Còn cậu, thì cậu có vào bếp lần nào đâu mà cậu cũng mang một cái vành đen ở trên môi!

Hai người lại nhìn nhau mà cười ngặt nghẹo, và cùng lấy khăn tay ra, lau hộ nhau.

Em ạ! Em ngồi lại cho tề chỉnh. Vòng tay lại và vểnh tai lên để đón cái tin mừng...

Chẳng ngần ngại gì hết, và cố nín cười, nàng làm y như lời chồng dặn, rồi chăm chăm nhìn thẳng vào mặt chồng và bảo:

Bây giờ thì anh nói đi.

Vâng thì để anh nói...

Dừng một lúc, nuốt nước rãi để lấy giọng, chàng nói tiếp, nói như là nói trước công chúng về một vấn đề quan trọng.

Thưa vợ tôi. Tôi rất lấy làm cảm động vô cùng khi đứng ở đây, tin cho mợ hay rằng: Chiểu theo nghị định ngày 15 tháng 7 năm 1924, Lê Huy Lương, y sĩ tại Hà Nội, chồng mợ, đã được quan Toàn quyền Đông Dương, cho phép…

Đổi giọng, Lương đố vợ:

Mợ đoán xem được cái gì nào?

Được bổ chứ gì?

Ai xin bổ mà bổ?

Được huy chương...

Huy chương để đi cầm ở Vạn Bảo à? Không, mợ không biết, mợ không thể biết được, mà mợ cũng không bao giờ ngờ tới...

Thì cậu nói đi xem nào!

Lương, lại bằng một cái giọng nghiêm trọng như trước, nói tiếp:

... Chồng mợ đã được quan Toàn quyền Đông Dương cho phép xuất, xuất gì mợ có biết không?

Vinh tát yêu chồng, mắng:

Cậu chỉ được cái hay nói nhảm!

Lương vẫn nghiêm trọng:

Chồng mợ đã được quan Toàn quyền Đông Dương cho phép xuất... xuất bản một tờ đại nhật báo bằng quốc văn lấy tên là "Hồng Việt". Ấy là một cái tin làm cho ông bố vợ mừng quýnh, vật một trâu ra mà khao hàng tổng, vì thưa mợ, cái danh giá của một người làm báo, nó thơm lây cả đến khắp những họ xa, họ gần, huống hồ là bố vợ. Còn đến như mợ, thì mợ sẽ giữ trang phụ nữ cho tôi. Mợ sẽ dạy cho thiên hạ cách nấu bún riêu, và mợ sẽ hô hào quyền phụ nữ đầu phiếu... Thưa mợ, bây giờ thì tôi chỉ xin mợ một điều. Cái điều quan trọng ấy mà không thực hiện được, thì tờ nghị định của quan Toàn quyền sẽ coi như là một mảnh giấy loại. Tôi chỉ xin mợ một điều là mợ vận động thế nào cho thầy vui lòng bỏ ra một vạn bạc để tậu một cái nhà in, ngày hai buổi nuôi nổi tờ "Hồng Việt". Khi chồng mợ đã là chủ tờ "Hồng Việt" rồi thì tôi sẽ di thiên hạ ở dưới gót chân. Một tiếng hô của ta là một cái lệnh...

Đến đây, Vinh đứng lên, rất cung kính, bảo chồng:

Còn gì nữa không? Đức lang quân của tôi ơi! Còn gì nữa không?

Còn, còn chứ!

Còn gì!

Lương đi lại gần vợ đưa đôi môi mình lên đôi môi vợ, và hôn một cái rõ thật dài. Đoạn chàng rứt ra và nói:

− Đấy, còn đấy!

Hai người lại nhìn nhau cười sung sướng. Đoạn, Vinh âu yếm bảo chồng:

Mình sẽ được như nguyện.

Thực chứ?

Sao lại không thực?

Anh biết cảm tạ em thế nào cho đáng?

Có một cách...

Cách gì?

Ngồi xuống đây cho em tát ba chiếc.

Ba chiếc tát đổi lấy một vạn bạc à? Thế thì không đắt gì cả?

 Bỗng có tiếng thằng bếp bưng mâm cơm lên, chồng làm ra bộ rất tự nhiên bảo vợ:

Để xem vợ tôi có phải là tay đầu bếp giỏi không nào?

Những món ăn này mà ngon thì những món ăn tinh thần sau này, em cho độc giả ăn, hẳn phải là ngon lắm, phải thế không cậu?

Vậy thì bữa cơm này phải là bữa cơm đầu của những nhà ngôn luận. Mợ cho đi mua rượu đi.

Vinh và Lương nhìn nhau say sưa, sung sướng.

 

***

 

Khách qua đường, độ ấy đi qua phố Carnot, gần đến vườn hoa Hàng Đậu, chắc hẳn thấy một ngôi nhà hai tầng rất lộng lẫy. Hôm thứ nhất, người ta kẻ lên vách hai chữ to tướng "Hồng Việt", rồi hôm sau nữa người ta lại thấy kẻ thêm một chữ nữa là chữ Đại... và người thợ sơn dừng bút lại trên chữ n... rồi cứ để nguyên như thế ngày này qua ngày khác.

"Hồng Việt đại n..." trở nên một câu đố với những khách qua lại. Kẻ thì bảo là một tiệm cao lâu, người thì bảo là một hiệu tạp hoá, những người thông minh hơn thì bảo đó là một trường tư thục. Mấy trận mưa làm những nét chữ đã hơi nhoà mực, nhưng vẫn không thấy người ta kẻ thêm gì nữa.

Kẻ hiếu kỳ muốn bước vào trong nhà cũng chả hiểu gì hơn. Những buồng rộng rãi không dính một tý đồ đạc, và tất cả người ở chỉ có một ông cụ hết nằm xó buồng lại ra ngồi ở một cái ghế ngoài cổng để ngóng những khách qua đường. Giờ này qua giờ khác, người ấy vẫn ngồi trong một bộ điệu co ro bần tiện, không buồn đuổi một con ruồi, cũng không buồn làm một cái cử động gì khác.

Có kẻ nào hỏi:

Ông canh giữ gì?

Thì người ấy đáp một cách giản dị:

Tôi cũng không biết tôi canh gì nữa?

Người ta hỏi thêm:

Thế nhà này người ta thuê định làm gì?

Người ấy lãnh đạm đáp:

Có lẽ người ta thuê làm nhà hộ sinh, nhưng tôi cũng không dám chắc. Và tôi cần gì phải biết. Miễn là cuối tháng người ta giả tiền đủ cho tôi.

Thế mỗi tháng lương cụ bao nhiêu?

Bẩy đồng bạc không hơn không kém một xu...

Những bẩy đồng bạc?

Sao lại những?

Tôi tưởng ở đây cụ có làm gì đâu?

Ông tưởng, ông tưởng... thế chứ, bây giờ tuy nhà còn để không nhưng công việc lại bận hơn là khi có người ở... Đây tôi hãy kể qua cho ông nghe: Buổi sáng quét nhà, buổi trưa quét nhà, buổi chiều lại quét nhà một lần nữa.

Sao mà quét lắm thế?

Chủ tôi muốn thế; vả cái nhà "để không" tự nó lại "bới rác" ra nhiều hơn là có đồ đạc, tôi không hiểu bụi đâu mà lắm thế! Không quét thì thôi, quét lại thì thấy bẩn. Huống hồ là ngoài sự quét nhà, chủ tôi còn bắt phải buổi sáng mở cửa ra để cho ánh sáng vào và buổi tối thì cài kín vào kẻo sợ những dân "đưa đám ma" chúng nó lăn vào mà ngủ. Kỳ quá ông ạ! Gần đây có một sở thầu đám ma cho nên lúc nào cũng có một bọn dân xe đám. Những lúc không có công việc, ngày thì chúng đứng vơ vẩn dọc đường, đêm đến là chúng đi tìm vỉa hè vỉa phố để nghỉ lưng; một cái nhà thuê để không, thật là một sự may mắn vô cùng cho chúng. Nhà nào vô ý để chúng ngủ một đêm là sáng hôm sau, tường và trần đầy những quết trầu. Đấy là tôi chưa nói một tụi ranh con khác, chực mình lơ đãng là chúng len vào vẽ lên tường những hình con voi, con ngựa, hay là viết những câu bẩn thỉu...

Người ta thuê cụ chỉ có thế?

Không, người ta thuê tôi để sau này dùng việc khác nữa chứ...

Những việc mà ông cụ không chịu nói ra đó, đã sắp đặt ở trong óc ông chủ rồi, khi ông chủ chịu thuê người đầy tớ già với một giá cao như thế. Chúng ta đã biết được cái "chức vụ" của người tớ già này thì sẽ khám phá được rõ ràng sự bí mật của cái nhà để không này vậy.

Một khi công việc đã đến, làm rộn rịp cái nhà vắng vẻ này, người tớ già ấy sẽ giữ một công việc rất quan trọng... Cái công việc ấy, chẳng hạn nếu ta đã biết, là cái công việc của một người có giọng nói rất nghiêm, có cái điệu bộ rất hung dữ, có đôi mắt rất tinh để xem xét trong ngoài mỗi khi một lũ trẻ kéo vào như một tổ ong, để lấy báo, thì ta sẽ đoán được cái nguyên do đã làm cho cái nhà này phải trống trải hơn hai tháng trời... Vì những sự lôi thôi của các nhà báo mà thôi, mà cũng chỉ các nhà báo mới xảy ra những sự lôi thôi như thế. Những sự lôi thôi như thế có khi kéo dài từ tháng này qua tháng khác rồi giết chết cái cơ quan ngôn luận của quốc dân một cách độc địa, giết ngay ở trong bào thai...

"Hồng Việt đại n ...!" Mấy chữ kẻ để dở như thế là biểu hiện một nỗi khổ tâm không nói ra được. Ở đây thì ta rất dễ hiểu vì người đẻ ra tờ báo là một người, mà người nuôi nói lại là một người khác.

Cái tờ "Hồng Việt đại nhật báo", số nó còn lao đao lắm! Lao đao, cũng chỉ vì ông bố vợ không hiểu, không thể hiểu nó là cái quái gì ở đời này, nhất là ông phải mua nó bằng một cái giá rất cao: một vạn bạc!

Đã bao lần, ông nói với con gái:

Báo với bổ gì? Báo hại người ta thì có! Cứ ở một tỉnh Hà Nội đã biết bao nhiêu tờ báo chưa kịp sống mà đã chết; có tờ báo chết vì chạm đến một cái đinh râu của một bác sĩ, có tờ báo lại chết vì lật tẩy một ông huyện đánh chết người.[a] Mà danh giá gì cho cam. Có bao giờ ai gọi nhà báo bằng "quan báo"? Thầy nói ví dụ mà nghe: một mai con về làng chẳng hạn: bà con làng xóm người ta biết gọi con bằng bà gì nào? Bà Báo à, hay là bà Nhật trình?

Vinh chỉ mỉm cười đáp một cách nhỏ nhẻ:

Thầy tưởng thế chứ làm báo sao lại không danh giá, danh giá lắm chứ. Ở các nước văn minh, quyền ngôn luận là quyền thứ tư...

Quyền thứ tư mà danh giá gì?

Chỉ ở sau quyền lập pháp, quyền hành chánh, quyền tư pháp mà thôi! Đằng kia là ở trong, mà mình là ngoài. Ở ngoài, rộng miệng tha hồ nói, tha hồ bắt bẻ, tha hồ đàn hạch. Đấy là con chửa kể đi xe lửa thì đi hạng nhì, vào những cuộc hội họp, tiệc tùng nào cũng có "các mời", ai mà không kiêng, không sợ?

Nhưng con không thấy trước mắt đó à? Ông Nguyễn Văn Ngoạn mà khuynh gia bại sản cũng vì báo với bung đó chứ gì? Bán hết ba toà nhà gạch mà không đủ nuôi nổi tờ báo.

Nhưng thưa thầy, cũng có hạng làm báo như thế này mà cũng có hạng làm báo như thế khác. Có kẻ làm báo như ông Ngoạn, mà cũng có kẻ làm báo như cụ Quỳnh chẳng hạn. Tự chân một tên bạch đinh mà nhảy ngay lên địa vị một ông Thượng đầu triều. Phi nhà báo thì ai nhảy cao đến thế mà không chóng mặt. Lại như ông Vĩnh, ông không làm quan mà danh vọng ông có kém gì thiên hạ đâu! Danh vọng ông theo ông đến xuống lỗ. Cái đám ma của ông, xưa nay ở Bắc Kỳ này, trừ cái đám ma của cụ Quận Hoàng Cao Khải ra, có ai bì kịp… Đám ma của cụ Quận, người ta đến để xem sự linh đình, nhưng đám ma của ông Vĩnh, người ta tới để tỏ lòng thương tiếc. [b] Thầy ạ, làm báo cũng có năm bảy đường. Thầy nghĩ lại cho.

Nghe con gái nói cũng hơi có lý, nhưng ông bố vợ vẫn chưa tin hẳn, nhất là khi nghe người nói ra, kẻ nói vào, ông lại càng do dự.

Rồi ngày tháng trôi mà ông không biết. Hai vợ chồng Lương cứ thuê nhà sẵn mà đợi cái ý định cuối cùng của ông bố. Mà Vinh sở dĩ bảo chồng thuê nhà để không như vậy, cũng là có ý làm liều một hai buộc ông bố phải chiều mình cho được.

Nhưng cái gì phải đến rồi sẽ đến. Một hôm, người thợ sơn bắc thang lên quả quyết kẻ nốt hàng chữ bỏ dở, và giải một câu đố cho khách qua đường.

Từ bây giờ trở đi là bắt đầu thời kỳ rộn rịp. Mỗi phòng giữ một công việc. Cái phòng có những tiếng "bàn giấy thấm" đập đôm đốp vào bàn, ấy là cái phòng của những người sửa bài và viết băng giấy. Cái phòng có tiếng máy chữ đập lách cách và có tiếng tê-lê-phôn, ấy là buồng ty quản lý. Ở trong sân bắn ra những tiếng xình xịch không ngớt, ấy là tiếng căm hờn của cái máy in...

Còn hai cái buồng trang hoàng lộng lẫy nhất ở trên gác, là cái buồng của ông chủ nhiệm và ông tòa soạn. Cái buồng có tiếng quạt máy chạy vù vù và có con chó Nhật Bản nằm ở cửa bên, ấy là cái buồng giám đốc. Cái buồng lặng im thin thít, lâu lâu có tiếng điếu cày kéo ọc ọc là cái buồng của các ông văn sĩ: cái linh hồn của tờ báo. Mỗi cái diêm đánh, mỗi lần có tiếng ọc ọc là biểu hiệu một sự cao hứng hay cụt hứng của các ông.

Tờ "Hồng Việt nhật báo" [c] ra đã gần một tháng rồi. Nhờ sự hoạt động của chủ nhiệm Lương, cho nên báo chạy khá lắm. Mỗi ngày báo in đến tám nghìn số, và những nhà buôn đã bắt đầu tín nhiệm và để quảng cáo vào tờ "Hồng Việt" mỗi ngày một nhiều. Cứ như thế này mà tiến mãi thì chẳng bao lâu tờ báo sẽ mở rộng phạm vi ra, sẽ bá chủ được dư luận, mà thanh thế của Lương mỗi ngày một thêm vững vàng.

Lương trù tính rằng nếu tháng sau mà các nhà đại lý trả sòng phẳng và số người đăng cáo bạch thêm lên, thì Lương sẽ hạ giá báo xuống một ít để cho tờ báo phổ cập khắp dân gian, từ một người thợ giặt cho đến một người cu li xe cũng có thể mua được.

Lương sẽ tự mình tổ chức một đoàn bé con lượm ở các dọc đường xó chợ hay các nhà tế bần, để huấn luyện thành một đội binh rất đắc lực trong việc phát hành tờ báo. Những đứa bé ấy sẽ ăn mặc theo một màu sắc làm đẹp thêm cho thành phố.

Lương sẽ thu dụng thêm một ít cán bút trẻ trung nữa, hoạt động, mẫn cán, mà mình có thể trả lương một cách xứng đáng, sẽ gây thành một bộ tham mưu vững vàng mà quốc dân nể vì và những đồng nghiệp phải kiêng sợ. Cái điều mà Lương chủ nhiệm khăng khăng lo nghĩ tới luôn là truyền bá vào trong dân gian những tư tưởng thiết thực, chính xác, nhân đạo của Âu Tây, và ngấm ngầm đổi cải hết những tập tục hủ bại, những thành kiến hẹp hòi đã giam hãm dân ta trong một cuộc đời nghèo nàn, ít ỏi, tăm tối và khổ nhục.

Sáng hôm ấy, Lương đến toà soạn với bộ mặt hơn hớn vì trong lòng có điều thoả thích, cái thoả thích đã được trông thấy một công cuộc của mình tiến hành một cách tốt đẹp. Con chó bông đi theo chàng như cũng vui lây. Con vật nhảy đi hai chân theo dịp còi miệng của chủ nó. Lương bước vào phòng mình đi lại gần cửa sổ nhìn xuống đường, nhìn cái đám người tầm thường chen lấn nhau để rảo bước tới những cái mục đích tầm thường bủn xỉn, thì chàng điểm một nụ cười kiêu ngạo vì chàng thấy cái sự nghiệp chàng nó vĩ đại ở tương lai. Chàng đi lại bàn giấy, giở những tờ nhật báo hôm qua ra đọc. Bỗng người loong-toong lên bảo:

Bẩm ông có người nhà quê muốn vào hầu chuyện ông.

Lên ngay, bảo người ta lên ngay.

Lương lẩm bẩm:

Lại một người đau khổ nữa đến với ta.

Vì chàng yên chí rằng người nhà quê ấy chỉ đến giãi bầy với mình một điều oan ức gì. Nhưng chàng ngạc nhiên biết bao, khi thấy người ấy đến để bảo cho chàng một "tin béo".

Người nhà quê vừa thở vừa nói:

− Bẩm quan lớn, nồi xúp-de nổ!

− Nổ ? Nổ ở đâu ?

− Bẩm, ở Văn Điển.[d]

Lương đưa tay bảo người nhà quê ngừng nói lại và cho gọi người thư ký toà soạn. Một lát sau đã thấy ở buồng bên cạnh, một người thư ký chạy tới, theo sau có hai người phóng viên trẻ tuổi.

Lương vui vẻ bảo ba người, bằng một giọng thân mật:

− Các ông ạ! Có cái tin béo quá. Chắc các bạn đồng nghiệp của ta ở Hàng Gai, Hàng Bông, Thợ Nhuộm, khó lòng mà có được: Nồi xúp-de Văn Điển nổ.

Rồi Lương quay lại phía người nhà quê:

− Thế nổ từ bao giờ ?

− Bẩm quan lớn, vừa nổ, có lẽ còn đương nổ.

− Thế tỉnh Hà Nội đã có ai biết chưa?

− Bẩm quan lớn, con cam đoan là chưa ai biết cả.

− Thế bác thấy nồi xúp-de ra thế nào?

− Bẩm quan lớn: Con không thấy, con chỉ nghe nó nổ, tiếng to hơn tiếng sét đánh ở sau hè nhà!

− Thế anh không thấy gì cả ?

− Bẩm có...

− Gì ?

− Xác chết...

− Bao nhiêu ?

− 8 cái xác chết. Trong số ấy có người vợ hầu ông chủ. Còn ông chủ bị thương nặng. Người con gái mặt bị sém hẳn một bên...

Người thư ký có vẻ nghi ngờ, hỏi thêm:

− Thế bác có biết đích thực không?

Người nhà quê không đáp, lần hầu bao đưa cho Lương cái thẻ thuế thân của mình và nói:

− Các ngài không tin thì xin các ngài biên lấy tên tuổi con đây này...

Lương xua tay và bảo:

− Không cần! Không cần!

Và dặn người thư ký:

− Ông cứ biên kỹ cho tôi và cứ thế cho lên trang nhất, cái đề cho latin noir, corps lớn [e] nhé, và cứ thế cho chạy ngay, cố ra trước 11 giờ nhé!

Đoạn Lương mở ví đưa cho người nhà quê 5 đồng và bảo:

− Công anh đây!

Rồi chàng vội vã đứng dậy đi ra. Sắp bước xuống thang gác, Lương còn dặn với lại người thư ký :

− Ông nhớ thêm sau tin ấy một câu như thế này nữa: "Độc giả đón số báo ngày mai, có bài tường thuật rõ ràng".

Lương vội vàng lên ô-tô đi ngay, có vẻ bí mật và hớn hở.

Mấy giờ sau đã thấy Lương trở về, nhưng lần này, ông chủ nhiệm tiu nghỉu như một con gà vừa thua trận. Hớt ha hớt hải, Lương chạy lên gác hỏi người thư ký:

− Thế nào ? Báo đã lên khuôn chưa ?

− Đã chạy xong hết cả rồi. Thế ngài không nghe trẻ con nó rao ầm lên à ?

− Rao thế nào ?

− Rao rằng báo  "Hồng Việt" có nồi xúp-de nổ.

− Chết rồi! Thật là giết chết tôi rồi! Làm gì có nồi xúp-de nổ! Tôi đã điều tra kỹ càng lắm rồi mà!

Hai người nhìn nhau trong một phút dài, im lặng. Bỗng Lương quắc mắt lên, và đập bàn nói:

− Cạnh tranh bỉ ổi, đê hèn, khốn nạn. Hẳn đây là một đồng nghiệp nào chơi xỏ ta chứ gì, vì họ thấy báo ta cướp mất mối lợi của họ...

Người thư ký điềm nhiên nói:

− Hẳn là thế.

Hai người lại đứng im lìm trong một mối căm giận không thể nói ra được.

 

***

 

Hôm sau, Lương tiếp được một bức thư của ông chủ nhà máy Văn Điển:

Thưa ông Chủ nhiệm,

Chúng tôi không biết ông định giễu gì chúng tôi, mà trên số báo "Hồng Việt" hôm qua tôi thấy có đăng cái tin lạ lùng ấy. Nồi xúp-de của sở rượu tôi nổ... người chết, và điều này thì tôi không thể nào dung thứ cho ông được, là ông bảo rằng con gái của tôi bị sém mặt. Chắc ông phải biết rằng: Con gái yêu quý tôi sắp làm lễ thành hôn với ông kỹ sư Đặng Huy Thái, cho nên ông định phá chăng? Tôi tin như thế, mà chắc là ai đọc đến cũng đều tin như thế. Bỗng nhiên, tờ báo của ông làm cho nhà tôi hôm qua tấp nập những người. Ông có biết họ đến để làm gì không? Đến để chia buồn với tôi đó ông ạ. Có phải thật tình, ông muốn hại chúng tôi không ?

Tôi viết bức thư này để xin ông cải chính lại cho ngay, ở trang ấy cột ấy. Nếu không cố nhiên là tôi sẽ đưa ra trước pháp luật.

Nay kính:

Lê Viết Lưu

Chủ ty V.Đ.

 

Lương đọc xong đưa cho viên thư ký. Viên thư ký lắc đầu lè lưỡi, và hỏi ông chủ nhiệm:

− Thế ngài định đối phó cách nào?

− Cách nào nữa? Chỉ có một cách, ấy là cải chính.

− Cải chính? Câu châm ngôn của ngài chẳng phải là "không cải chính bao giờ" hay sao?

− Nhưng... rồi trước pháp luật mình cũng phải cải chính kia mà. Đằng nào mình cũng phải cải chính. Ông nghĩ xem...

− Vẫn thế nào ấy. Thực nguy lắm ngài ạ. Báo mình vừa mới ra một tháng mà đã bị một vố như thế này, khó lòng cất đầu lên được...

Lương nghĩ một lát rồi nói:

− Được rồi ông ạ, ta cứ cải chính như thường. Nhưng số báo ngày mai ta làm ngay một số đặc biệt...

− Đặc biệt ?

− Phải, đặc biệt về chuyện Tàu − Nhật chiến tranh. Phải, ông phải dịch hết những bài nói về sự hùng dũng, sự cả quyết, lòng trung thành, nghĩa là ái quốc của đạo quân thứ 19..., dịch hết không sót một bài nào.

Nghĩ một lát, Lương nói tiếp bằng một giọng đắc ý:

− Như thế ông ạ, cái bài cải chính của ta sẽ bị lấp liếm đi và có lẽ không ai đọc tới nữa, trừ bà con họ hàng nhà Lê Viết Lưu...

Người thư ký gật đầu lia lịa, ra dáng phục trí nhanh nhẹn của ông chủ nhiệm báo mình lắm.

Cái việc ấy tưởng có thể bưng bít đi. Nào hay lại có một tờ tuần báo hài hước đương túng đầu đề, mượn ngay câu chuyện ấy để mua vui cho độc giả của mình. Vì chính câu chuyện ấy cũng đã là một câu chuyện khôi hài mà những nhà khôi hài có tài cũng khó lòng mà sáng kiến ra được. Họ thêu dệt lên, họ thêm nếm vào, họ viết bài, họ vẽ tranh và họ làm một trăm cách khác nữa để cho cái câu chuyện ấy lan rộng ra và trở nên bất hủ. Cái tên tờ báo cũng như cái tên ông chủ nhiệm, cũng đồng thời trở nên bất hủ. Ngay cái dòng chữ Pháp "Le plus grand quotidien d’informations ilulstrées"... để ở đầu tờ báo, họ cũng kiếm cách chua lại rằng: "Le plus grand journal de déformations inllustrées" [g]... Và cứ như thế tuần này qua tuần khác, tờ hài báo ấy phổ thông cái chuyện ấy ra khắp dân gian, và cứ như thế giới thiệu tờ "Hồng Việt" với quốc dân.

Sự chế nhạo của tờ hài báo ấy không những đã làm một cái quảng cáo không hay cho tờ "Hồng Việt" đối với độc giả, mà còn đưa lại sự rối loạn ở trong toà soạn của "Hồng Việt" nữa. Họ nghi ngờ cái tài trí của mình, và của những người khác. Người phóng viên không tin ở những tin mình đã nhặt được, ông chủ bút không tin ở người phóng viên và ông chủ nhiệm cũng không thể tin được ông chủ bút. Thành thử những tin đăng ở trên tờ "Hồng Việt" thường thường có kèm thêm những câu: "đây chỉ là tin đồn" hay là "đây không phải là tin chính thức". Những bài luận cũng phải chịu lây một cái ảnh hưởng rất xấu, nhất là những bài thế giới thời bình,[h] cũng trở nên hiếm có ở trên tờ "Hồng Việt". Điều ấy, không phải là vô cớ. Họ không dám mười phần tin ở  hãng ARIP nữa. Ngày trước Trung − Nhật mới hục hặc chút ít, họ đã vội nêu lên cái đề to tướng và họ đã dàn trước hai bên thế trận, tưởng như hai bên đã đánh nhau rồi và như thế là họ đã lấy thêm được độc giả, và rồi Trung − Nhật không dám đánh nhau cũng không sao. Nhưng bây giờ từ khi có nồi xup-de nổ, thì cả nhân viên toà soạn tờ "Hồng Việt" trở nên rụt rè không dám cho độc giả xem những cuộc chiến tranh, trước khi những cuộc chiến tranh ấy xảy ra...

 

Nhờ bấy nhiêu cái ấy, tờ Hồng Việt một ngày một sút.

Trong vòng một tháng mà từ 5000 độc giả, nó sút xuống 2000. Thật là một cái quán quân về nghề nhẩy giật lùi vậy. Khi đến giờ báo ra, người ta chỉ thấy lẻ tẻ vài đứa trẻ con. Không còn có quang cảnh của một tổ ong nữa. Hàng phố không còn ai phàn nàn về nỗi những tiếng rao rầm rĩ nữa. Mỗi kỳ, thơ từ ở nhà bưu điện lấy về, không còn đưa lại một tí vui vẻ nào cho ông chủ nhiệm. Ngày trước, ông chủ nhiệm bóc một cái thư với một sự cẩn trọng đáng làm gương, vì trong một cái thư nào cũng có thể có một cái mandat [i] của độc giả gửi về mua báo – mà sự ấy thường có luôn luôn – ngày nào ít nhất cũng có được năm, mười cái. Nhưng bây giờ thì những ngón tay của ông chủ nhiệm đã mất cái sự cẩn trọng lúc ban đầu. Trong những cái thư rất hiếm ấy, chỉ có thể là những bài thơ mới của những ông văn sĩ non, khóc tình nhân. Cái không khí ở trong nhà báo đã thay đổi rồi. Không bao giờ người ta còn nghe tiếng sáo miệng của ông chủ nhiệm nữa. Mà ít khi người ta thấy ông chủ báo với con chó theo sau. Bà chủ nhiệm trong cái trang phụ nữ mà bà giữ, cũng không buồn gào thét nữ quyền và giải phóng nữa. Mà ngay những nhà bỉnh bút khác cũng không mấy ai còn ưa làm việc, viết những bài đại luận tràng giang đại hải. Người ta chú ý nhất là sự nhắc nhở và dọa nạt những nhà đại lý báo ở các tỉnh. Vì mấy nhà đại lý ở các tỉnh phần nhiều đều có cái nhớ rất kém, cứ đến đầu tháng là họ quên hết cả.

 

Tóm lại, tòa báo Hồng Việt đã rơi vào một sự suy đốn rất ghê sợ... và thê thảm. Đi qua buồng quản lý, người ta nghe rất thưa tiếng gọi tê-lê-phôn; đi qua buồng giám đốc, người ta ít nghe thấy tiếng chuông điện và quạt máy; đi qua buồng tòa soạn, người ta cũng vắng nghe tiếng điếu thuốc lào kéo lóc xóc. Các nhà văn đã cụt mất hứng... mà những cái máy in cũng chỉ đập những tiếng thưa thớt, nghe ra não nuột và lạnh lùng. Đó là tiếng oán thán của tờ Hồng Việt từ ngày nồi xúp-de không nổ ở nhà máy Văn Điển. Nhưng một cái công trình sắp nổ.

 

***

 

Cái ngày mà tờ Hồng Việt định cái số mệnh của mình là một ngày về đầu mùa đông. Ngoài đường những cây cối đã trụi cả lá. Và gió không liu hiu thổi một cách thi vị nữa mà nó đập từng hồi mạnh và qua những khe cửa, nó rít lên như tiếng xương gẫy trong lúc đêm lặng. Mưa không nặng hột lắm, nhưng mà có vẻ lai rai, chỉ cốt làm cho hơi đất càng thêm giá. Một ngày trong những ngày ấy, tờ Hồng Việt định cái giờ chót của mình. Trong lúc ngoài trời, tạo vật đương diễn sự tàn phá, ở trong cái buồng giám đốc, Lương đương loay hoay với những con số, những con số ấy chốc nữa sẽ định đoạt cái số mệnh của tờ Hồng Việt. Những con số ấy, tôi xin trình bầy ra đây trước mặt độc giả. Trong các bạn có ai trước kia có mua năm tờ Hồng Việt, cũng nên vui lòng mà đừng phàn nàn người ta vô ích. Tờ Hồng Việt chết là vì một lẽ chính đáng, là vì lẽ ấy là một lẽ thuộc về tài chánh... mấy con số tuyên án tử hình tờ Hồng Việt như thế này:

 

Xuất

Tiền tậu nhà in: 6000$00

Tiền giấy mực và các thức khác về việc in trong tám tháng: 7000$00

Tiền tòa soạn trong tám tháng: 2400$00

Tiền thầy thợ (kể cả ty quản lý): 4200$00

Tiền mắc te-le-phon, sắp đồ đạc và phụ phí khác: 1000$00

Tiền tiêu vặt: 800$00

Tiền quảng cáo cho tờ báo lúc đầu: 1000$00

Tổng cộng: 22400$00

Nhập

Số tiền của bố vợ cho vay: 10000$00

Tiền độc giả mua năm: 1500$00

Tiền cáo bạch: 22000$00

Tiền các đại lý và trẻ con bán báo: 25000$00

Tổng cộng: 58500$00

Lẽ ra tờ Hồng Việt sau tám tháng, phải lãi được (trừ một vạn của bố vợ): 48500$00

                                     trừ 22400$00

                                     còn 26100$00

 

Nhưng than ôi! Số tiền đại lý và các nhà quảng cáo cùng các độc giả nợ lại tờ Hồng Việt đến gần ba vạn. Món nợ ấy thôi còn biết bao giờ cho họ trả hết, vì họ có bao giờ muốn trả. Mà không phải là vô lý: chỉ một cái cớ này cũng đủ cho họ viện ra để bênh vực cho mình: tờ Hồng Việt không chạy nữa. Phải, người ta cũng chỉ có một cái cớ ấy. Nhưng như thế là tờ Hồng Việt một buổi sáng kia thở hơi thở cuối cùng. Một buổi sáng kia, những cái máy in đi khỏi cái nhà ấy, và người thợ sơn trèo lên tường xoá mấy chữ Hồng Việt đại nhật báo và thế vào mấy chữ khác to hơn, đẹp hơn. Mấy chữ ấy là Hoa Hoa khiêu vũ.

 

Từ ông chủ báo, Lương đã trở nên một ông chủ khiêu vũ. Hai cái nghề ấy, bề ngoài hình như là không thể dung nhau được, nhưng thường thường khi người ta đã đạt tới nơi cái chí nguyện của mình, thì người ta sẽ gặp gì thì làm nấy, không cần phải suy tính, đắn đo nữa, vì người ta đã đắn đo, đã suy tính nhiều rồi mà chẳng ích gì cả, rốt cục chỉ đón lấy hai chữ thất vọng đau đớn.

Khi người ta không làm được một kẻ anh hùng cứu nước thì người ta về rừng đốt than vậy.

 

Lương không làm được một nhà ngôn luận để hướng đạo cho quần chúng như lời chàng thường ước nguyện, thì chàng mở một tiệm khiêu vũ để mà nuôi sống mình, nuôi vợ và để ăn chơi cho thỏa thích. Và cũng chỉ có những sự vui thích về vật chất mới có thể làm cho người ta quên được những cái đau đớn về tinh thần. Mà sự thất bại của tờ Hồng Việt đối với Lương là một cái đau đớn về tinh thần. Chàng mất tờ Hồng Việt cũng như mất đi một đứa con yêu quý vậy. Sự thất bại ấy nó càng chua chát khi nó lại gây nên bởi những người đồng nghiệp của mình. Chàng căm hờn quá đến nỗi không còn có những cái tư tưởng phục thù nữa. Chàng đành chịu bại trận, và ung dung bước ra ngoài vòng báo giới.

 

Mở một tiệm khiêu vũ, chàng đường hoàng dấn thân vào cái nghề ấy mà trước kia chàng và cả vợ chàng nữa hết sức công kích ở trên tờ Hồng Việt. Chàng cho mình là một kẻ bại trận. Có ai trách một kẻ bại trận sao lại làm những điều không chính đáng để nuôi cái thân tàn của mình.

 

Thế rồi, một ngày nọ, biết rằng không thể trông vào bố vợ được nữa, ông nguyên chủ nhiệm tờ Hồng Việt thu nhặt lại được một món tiền gần một nghìn bạc, sắm đồ đạc, thuê một ít nữ kỵ binh...[a] Nghiễm nhiên, Lương đã trở nên ông chủ tiệm khiêu vũ Hoa Hoa. Nghe tiếng rằng chủ tiệm là một vị thanh niên lịch thiệp và trong đám nữ kỵ binh có một người tên là Ngọc, người rất đẹp mà nhẩy lại rất xinh, nên khách chơi rủ nhau tới chật cả nhà... [b]

 

Những "ông nhà báo" và những ông bạn của các ông nhà báo đều lấy Hoa Hoa khiêu vũ làm nơi gặp gỡ nhau. Hầu hết những bạn xa, bạn gần của Lương, đều không thiếu mặt nào ở Hoa Hoa. Và thần tình lạ! Những người bạn mới của Lương trong quãng năm ba hôm đã trở nên là bạn thân với Lương rồi... Là vì nghe thấy Lương là người rộng rãi, hào phóng, ai chẳng muốn chơi thân với ông chủ. Thế rồi, trong sổ sách, bắt đầu mở ra những khoản mua chịu. Thế rồi, số rượu nước tiêu thụ được nhiều, và tiền thu vào càng ngày càng sút.

 

Trong lúc ấy, thì Lương, đã có những điều khác để lo nghĩ: những cô nữ kỵ binh. Những món lạ này, trước hết là phải kê trong cái thực đơn hằng ngày của ông chủ. Thực ra, trong những cô nữ kỵ binh ấy, Lương chỉ nghĩ đến một người mà thôi. Nhưng một người thôi, cũng đủ để cho chàng quên hết mọi sự.

Những chí nguyện bình sinh bây giờ đối với chàng chỉ còn là mây bay gió thổi. Và tất cả bây giờ chỉ thu lại có một điều. Nhưng khi điều ấy là ái tình, thì không phải là một điều đáng khinh thường vậy. Ngọc, người nữ kỵ binh xinh đẹp của "Hoa Hoa khiêu vũ", đã trở nên là sở hữu của ông chủ tiệm.

Người ta, mà cả Lương cũng vậy, không hiểu cuộc tình duyên ấy bắt đầu ra thế nào, và nó đã diễn đến lớp nào rồi. Lương chỉ biết rằng: Lương không còn thể hào phóng về nữ kỵ binh cũng như hào phóng về tiền bạc được nữa. Chàng đã bắt đầu nhốt Ngọc lại, nhốt cái ái tình của chàng lại. Đêm đêm người ta chỉ thấy bóng Ngọc thoảng qua một lát rồi bỗng biến đâu mất. Những khách quen của "Hoa Hoa khiêu vũ" hỏi nhau mà không thể trả lời được. Rồi một hôm, Ngọc biến hẳn. Có kẻ ngờ rằng nàng đi lấy chồng và người ta muốn tin như thế. Người ta hỏi những bạn đồng sự khác của Ngọc, nhưng các cô nữ kỵ binh chỉ cười láu lỉnh mà không đáp.

Trong bọn khách tới chơi chỉ có Sinh, một vị hoạ sĩ danh tiếng Hà Nội là săn sóc, hỏi han đến Ngọc một cách ân cần. Và điều ấy không phải là không có cớ. Ngọc đương làm cho Sinh bỏ dở một bức tranh khoả thân. Sinh cũng chỉ bâng khuâng về đôi vú của Ngọc mà không sao cầm bút vẽ nốt được. [c]

Hôm ấy, Sinh và một người bạn nữa tới "Hoa Hoa khiêu vũ". Không thấy Ngọc, hai người bèn đi lên trên gác cùng "trô"... cũng định "trô" [d] một lúc lấy sức để xuống nhẩy cho dẻo. Vừa bước lên khỏi thang gác thì nghe có tiếng nói thì thầm, không biết ở chỗ nào. Tiếng thì thầm ấy bỗng dứt hẳn. Và một ngọn đèn dầu con ở trong một buồng con ở cuối gác, đồng thời cũng tắt đi. Sinh đâm ngờ, rón rén đi lại phía buồng con ấy. Mùi a phiến còn phảng phất trong không khí. Sinh khẽ gõ ba cái ở buồng. Không tiếng đáp. Sinh gõ mạnh hơn. Vẫn không tiếng đáp. Sinh ẩy thình thịch. Vẫn im phăng phắc. Sinh thất vọng, kéo bạn vào một căn buồng khác, khêu đèn và bảo bồi mang thuốc ra hút. Chàng tự tiêm lấy và tiêm thật nhanh, chẳng mấy chốc chàng đã hút đến điếu thứ 16. Chàng đã thấy mơ mơ màng màng, chập chờn giữa cảnh mộng và cảnh thực. Bỗng ngọn đèn ở cái buồng hồi nãy lại khêu sáng lên và Sinh nghe thấy cả tiếng kéo ro... ro. Chàng bèn tháo giầy ra và đi chân không lại. Qua một cái khe cửa, Sinh thấy hai con vật ăn mặc một cách loã lồ đương nằm song song hai bên một cái bàn đèn. Sinh không sao nín được, cất giọng cười ồ lên. Người thiếu nữ ở trong buồng trong lúc bị động, lấy một cái khăn mặt lớn ở bên cạnh vắt phủ qua mình, và nhìn người đàn ông, ra dáng sợ hãi. Đèn lại thổi tắt... Sinh rón rén đi ra chỗ khác, vừa bưng miệng nín cười. Rồi chàng đi thẳng xuống nhà dưới, rồi ra phố thuê xe tới Hàng Cót.

Một lát sau, đã thấy Sinh trở về với Vinh, vợ ông chủ tiệm.

Vinh hỏi những người nữ kỵ binh, hỏi bồi xem chồng nàng đi đâu trong lúc nhà có người tự tử. Nhưng người ta chỉ trả lời một cách hồ đồ, người thì bảo là ông chủ đi chơi với viên chủ bút tờ báo Thăng Long, [e] người thì bảo là đến đánh tổ tôm ở nhà ông Tham Mỹ.

Theo Sinh, bà chủ tiệm bước lên gác, và đi thẳng lại cái buồng hồi nãy. Bà đấm cửa thình thịch và gọi ầm lên nhưng ở trong vẫn không có tiếng ai đáp cả. Bà nói với Sinh:

− Nếu như người ta quả có tự tử thật, thì... thì...

− Còn "nếu" gì nữa, người ta chết lạnh như nước đá rồi mà bà còn "nếu"!

− Ông bảo làm thế nào?

− Bà cứ phá cửa vào... Còn một mặt đi trình Cẩm và một mặt tìm ông chủ về.

− Theo ý tôi thì hãy khoan mở cửa đã, hãy trình Cẩm đã...

− Sao lại phải thế?

− Nhỡ người ta chết thật mà không có người của nhà nước làm chứng cho mình thì không khéo lại bị vu oan đấy.

− Cái ấy tuỳ ý bà! Nhưng theo ý tôi, đi trình Cẩm rồi, Cẩm đến rồi, mà khi mở cửa ra, người ta lại không chết cho, thì Cẩm nó kêu đấy.

− Thế ông chưa tin hẳn rằng người ta đã chết?

− Sao lại không tin? Người ta còn sống thì người ta đã mở cửa cho chúng ta vào. Nhưng phàm ở đời, việc gì cũng không nên cả quyết lắm.

Một thằng bồi, nãy giờ nghe câu chuyện của hai người, tái cả mặt đi, và đã bao lần muốn nói, nhưng mở miệng nói không ra. Cuối cùng nó chỉ ấp úng được một câu rằng:

− Bẩm bà! Ông con không hề đi với ông chủ bút Thăng Long đến...

− Thế hồi nãy sao mày lại bảo tao thế? Thế ông chủ đi đâu?

− Bẩm, ông con đi đâu, con không biết...

Miệng nó nói "không biết", nhưng ngón tay nó thậm thò thậm thụt, muốn trỏ một cái gì...

Bà chủ hỏi dồn:

− Thế mày biết ông nào, bà nào ở trong buồng này không?

− Bẩm con không biết.

− Cả nhà cũng không ai biết?

− Bẩm con cũng không biết.

Bỗng ở trong buồng, nghe có tiếng "ú ớ" của một người làm bộ vừa ngủ dậy.

Rồi tiếp theo, Lương thét to:

Thế thì thôi, mấy giờ khuya rồi mà không cho ông ngủ. Đứa nào to gan thật, dám đấm cửa thình thịch...

Mọi người đều im thin thít, chỉ có vợ Lương là nhỏ nhẹ đáp lại:

Cậu đấy à? Thế mà tôi tưởng...

Tưởng sao? Tưởng cái quái gì. Nhức đầu từ chiều đến bây giờ không cho người ta nằm nghỉ một lát...

Sao cậu không về nhà nghỉ có được không?

Về nhà để nghe mợ tính tới tính lui, tính quanh tính quẩn những cái không đâu vào đâu...

Trong bóng tối, Lương vừa nói, vừa sờ soạng tìm những áo quần để mặc vào. Đoạn, ung dung, Lương đi lại mở cửa ra, rồi làm bộ còn giận dữ, đẩy mạnh cánh cửa lại một cái rầm và gào:

Ô hay! Các người làm cái gì mà xúm lại thế? Các người định đến phá tiệm của tôi à? Có cần phải gọi đội xếp để tôi gọi hộ cho?

Mọi người đều giải tán, chỉ trừ còn vợ Lương, một mình ở lại. Vinh nắm tay chồng, nhẩy lên hôn chồng một cái "chụt" và nói bằng một giọng nũng nịu:

Lương làm em hết hồn, em về em sẽ có cách phạt Lương nặng lắm đấy. Passage à tabac.[g]

Thưa bà, bà sẽ phạt tôi về tội gì?

Tội ấy à? Tội làm một người vợ, một người đàn bà đương có chửa phải một mẻ sợ thất thần. Đàn bà chửa mà có những cái cảm giác mạnh, không tốt, Lương không bao giờ nghe người ta nói thế cả à?

Mình nói gì, anh chả hiểu gì cả?

Người ta về báo cho em rằng Lương định tự tử?

Ai?

Nhưng mà Lương đừng hỏi làm gì nữa. Em sợ Lương lại cự người ta. Đêm khuya rồi không nên làm nhộn lên nữa.

Lạ quá: Tôi có định tự tử hay không tự tử, thì cũng có một tôi biết mà thôi. Làm như là họ đọc được cả những tư tưởng của tôi.

Nghĩ một lát, Lương đổi giọng, lần này rất nghiêm trọng, dằn từng tiếng một:

À mà tôi định tự tử thì định làm sao? Tình cảnh đến thế này có tự tử cũng không phải là quá đáng.

  Thì ra cậu định tự tử thật à?

 Lương không đáp... mà Vinh cũng không hỏi gì thêm nữa. Hai người lặng nhìn nhau trong một giây lâu. Vinh khe khẽ đưa tay bá cổ chồng và nói nhỏ nhẻ:

Em có làm gì phật lòng mình không? Mình nói đi, mình cứ rầy mắng em, chứ ai lại thế?

Không, mình không có tội gì hết. Nhưng mình ạ!

Thôi, ta đi cao lâu ăn, chúng ta sẽ nói chuyện.

Rồi Vinh kéo tay chồng, nguây nguẩy đi. Vì đêm đã khuya, chỉ còn một chiếc xe lảng vảng ở đầu phố. Vinh gọi lại và cả hai người cùng bước lên và bảo người phu xe phủ kín áo tơi lại.

Hai người vẫn không nói gì. Vinh ghì lấy chồng và đặt những cái hôn yên lặng trên bàn tay, trên trán, trên má của chồng... Xe kéo đến Tự Hưng Lâu, hai người cùng đi thẳng lên gác ngồi ở một bàn vắng vẻ đàng cuối phòng.

Lương muốn ăn gì nào?

Tuỳ ý mợ...

Không, tuỳ ý Lương vì tôi mời Lương kia mà!

Lương quay lại phía người bồi bàn.

Ba hào nem chua và hai hào nem rán, cho thật nhiều rau vào...

Lương phải uống rượu nữa chứ!

Ừ thì uống rượu nữa.

Chàng gọi bồi lại kêu thêm:

Một chai rượu vang trắng nữa nhé!

Rồi vui vẻ về phía vợ, Lương nói:

Thế em cũng phải uống rượu nữa đấy! Uống cho thật say!

Ừ, thì uống, uống cho thực say. Uống để mừng anh. Nhưng anh nói tiếp đi, vì sao anh định tự tử?

Ồ! nói ra làm chi thêm buồn...

Rồi chàng ngồi thừ người ra không nói gì thêm nữa. Vinh cũng sợ không dám hỏi, lặng nhìn ở miếng kính. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Tiếng bát dĩa đánh vào bàn làm cho hai người cùng quay lại. Người hầu sáng đã mang thức ăn lên. Vinh gắp mấy miếng nem vào bát chồng và âu yếm:

Mình ăn đi! Em yêu.

Lương cảm động nói với vợ cái điều mà lẽ ra chàng chỉ nghĩ thầm trong bụng:

Em ạ! Anh dối em! Anh không bao giờ định tự tử. Nhưng anh đã làm một điều hèn nhát hơn sự tự tử, hèn nhát hơn nhiều, anh đã dối em, phụ em... một người chồng đáng khinh bỉ. Em tha thứ cho...

Trước đây mấy phút, Lương còn thấy rằng: Vinh thành thật tin mình là tự tử, một kế mà chính Lương không bao giờ nghĩ tới mà cũng không bao giờ định làm, Lương muốn lợi dụng lấy sự hiểu lầm của vợ, để mà bắt nạt... Vì đã hơn một tháng nay, Lương tính sổ sách và nhận thấy rằng: cái tiệm khiêu vũ của mình sắp tan, nếu không có sự cứu giúp nào ở ngoài đến kịp. Về sự cứu giúp ấy, Lương cũng chỉ lại trông ở ông bố vợ mà thôi. Nhưng biết làm thế nào được? Lương đã nghĩ đến trăm cách mà không tìm được một cách ổn thoả. Là vì lấy tiền ở tay ông bố vợ ấy ra, đối với Lương cũng khó như là đào vàng ở dưới mỏ lên vậy. Lương, với tờ "Hồng Việt nhật báo" đã hoàn toàn mất hết tín nhiệm của ông bố vợ. Lương đã toan thúc thủ trong cái bước cùng. Lương đâm ra chơi bời liều lĩnh, tưởng không còn có cách tự cứu được, thì sự tình cờ đưa lại cho Lương một cái cớ mà chàng nhận ngay là rất thần hiệu để doạ nạt vợ và bố vợ. Trong lúc chàng đương nằm với cô gái nhẩy của mình thì có người chơi ác về báo cho vợ chàng định tự tử. Nhưng nhờ nhanh trí khôn, chàng đã giải vây một cách anh hùng. Và chàng đã toan vin lấy cái sự hiểu lầm ấy để "tống xu" bố vợ. Vì, chàng đoán rằng: khi nghe tin chàng rể gặp bước cùng đến nỗi phải mượn chén thuốc độc để quyên sinh, thì dầu là sắt đá, ông bố vợ cũng phải động lòng mà bỏ ra cho chàng một ít ngân bạc nữa để cho chàng gây lại một sự nghiệp khác. Nhưng không ngờ, những lời dịu ngọt của vợ đã làm cho chàng cảm động. Chàng thấy rằng mình không còn đủ can đảm để mà đánh lừa vợ và trong một giây lát chàng thấy cả bao nhiêu cái hèn nhát của những ý định của mình.

Chàng nói tiếp, nói thật nhanh:

Không, em tha lỗi cho anh, em tha lỗi cho anh. Anh không bao giờ định tự tử hết. Em nhầm. Người ta đã đánh lừa em. Người nào báo cái tin ấy cho em thế? Người ấy khốn nạn lắm. Người ấy không biết gì về anh cả. Kẻ khốn nạn ấy đã làm cho em kinh hãi trong lúc em có mang. Kẻ khốn nạn ấy sẽ bị trừng phạt một cách xứng đáng. Ô hay! Nào anh có làm gì đâu! Anh chỉ đóng cửa buồng lại để nằm ngủ... với... Không, anh rức đầu quá, anh chỉ tìm chỗ yên tĩnh để nằm nghỉ.

Chàng bỗng ngừng lại, rồi gục đầu xuống bàn khóc như một đứa trẻ con.

Vinh nhích ghế lại bên chồng, đứng dậy, đỡ đầu chồng dậy và an ủi:

Anh Lương, không nên thế! Có điều gì, anh cứ nói với em! Anh nói đi! Có phải là buồn vì tiệm khiêu vũ của chúng ta phải không? Em không xem sổ sách, nhưng đoán chừng độ này không đứng vững được phải không anh? Người ta "quỵt" hết chứ gì? Những điều ấy tránh sao được, vì ai chả biết mình là một ông cựu chủ báo. Nhưng mà lo gì cái việc vặt ấy. Anh không nhớ rằng: thầy có những hàng chục cái nhà cho thuê ở tỉnh… Lúc nào rồi em cũng lấy được tiền, một chóng một chầy...

Lương lau nước mắt, ngẩng dậy, cầm tay vợ và dõng dạc nói:

Không, không. Tôi không muốn nghĩ đến điều ấy nữa. Không bao giờ nữa. "Hoa Hoa" sẽ chết. Rồi chúng ta không còn một đồng xu dính túi, chúng ta làm lại một cuộc đời khác. Nghèo nàn và giản dị, em bằng lòng chứ?

Đến đây, một bọn năm người Khách trú, chừng là ở một sòng bạc nào vừa ra, ầm ầm kéo lên gác. Họ khạc, họ nhổ, họ hút thuốc, họ cười, họ nói, họ cãi vã nhau, náo động cả một buồng gác.

Vinh đưa mắt bảo chồng:

Mình uống rượu đi!

Lương dõng dạc nói:

Anh, anh không bao giờ uống rượu nữa.

 

***

 

Từ hôm ăn ở Tự Hưng Lâu về thì hai vợ chồng Lương cứ nghĩ, bàn lại về cái tư tưởng đã thoáng qua trong bữa hôm ấy, cái tư tưởng làm lại cuộc đời.

Cuộc đời mà Lương và Vinh dự đoán là một cuộc đời cực kỳ giản dị, chất phác và tân tiến.

Một buổi sáng, hai vợ chồng đương uống cà phê, thì Lương bàn với Vinh:

Mình ạ! Bấy lâu nay, anh chỉ thấy rằng anh sống một cuộc đời nghèo nàn, dầu anh đã tiêu phí của nhà em đến hàng ngàn hàng vạn bạc. Một cuộc đời vô cùng nghèo nàn và giả dối nữa. Làm báo! Em nghĩ có bao giờ mình có thể sống một cách hoàn toàn ở trong cái nghề ấy, cái nghề khốn nạn ấy! Anh không nói xấu cái nghề đã bỏ anh! Thú thật, trước khi nhẩy vào nghề ấy, anh đã có trong đầu biết bao cái tư tưởng đẹp! Than ôi! Những cái tư tưởng ấy đẹp quá cho nên không bao giờ thực hiện được ở trong một cái nghề mà chẳng khác một nghề buôn!

Phải, một nghề buôn không hơn không kém! Phải làm cho tờ báo chạy, cho thật chạy, đó là sự lo ngại thứ nhất của những nhân viên trong toà báo, từ ông chủ bút đến người sắp chữ. Nếu nó không chạy, ấy là tờ báo chết. Ấy là cái lúc nên chia tay với những cái tư tưởng đẹp đẽ, những cái mộng hão huyền! Ta có tự chủ được ta đâu! Ta có sống cái đời của ta đâu. Ta chỉ là một cái bánh xe ở trong cái máy lớn. Cái máy ấy ngừng lại vì một bộ phận hỏng, ta cũng không còn có thể ích được gì nữa. Ta là một nhà buôn đã thất bại. Thế thôi! Nghĩ cho kỹ: nghề báo cũng chẳng khác gì nghề mở tiệm khiêu vũ.

Không mình ạ! Chúng ta làm một sự kiến tạo khác. Ta sẽ kiến tạo một cuộc đời tinh thần đầy đủ... À, em đã đọc bài "Si j’ étais riche"  chưa, em nhỉ?

Đọc rồi! Mà sao cơ mình?

Nếu anh là Jean Jacques thì anh sẽ nói rằng: "Si j’ étais pauvre".[a] Đây không phải là một giả thuyết nữa. Điều ấy đã là một sự hiển nhiên rồi: chúng ta sắp nghèo.

Vẫn biết thế; nhưng khi ta còn ở một cái nhà thế này, ngồi trong một cái buồng thế này, nhất là đương uống cà phê, thì ta hãy cho rằng ta hãy còn giầu. Huống hồ, em vẫn là con một ông bố giầu, và anh đây cũng là rể của một ông nhạc giầu. Không, ta hãy cứ tin là chúng ta còn giầu. Và ước rằng: một ngày kia ta sẽ... một ngày kia ta sẽ nghèo đi.

Nếu một ngày kia, ta sẽ nghèo đi thì cái điều thứ nhất mà anh sẽ làm trước hết là làm một túp lều tranh ở trên sườn đồi, một cái đồi thấp thấp, xinh xinh. Một cái lều nhỏ, nhưng làm theo kiểu tối tân. Bốn phía đều có hè, và rất nhiều cửa. Mặt trời sẽ vào cửa đông. Mặt trăng sẽ vào song cửa bắc. Mùa hạ đến ở hè tây. Mùa thu gõ cửa ở phương nam, và tất cả đồ đạc chỉ có vài cái giường gỗ, vài bộ bàn ghế và một cái bàn. Bàn ấy sẽ phải đóng đúng theo kiểu mẫu của anh. Bàn ấy rất có nhiều ngăn: một ngăn cho những nhà triết lý, một ngăn cho những nhà thi sĩ, một ngăn cho những nhà tiểu thuyết, một ngăn cho các nhà "thơ mới" của nước ta, (ngăn này chia ra rất nhiều ô, ô thứ nhất dành cho thi sĩ một chân, ô thứ hai cho thi sĩ hai chân v.v... và ô thứ mười hai cho thi sĩ 12 chân,[b] và một ô thứ 13 nữa cho những thi sĩ què, nghĩa là một chân dài, một chân ngắn) và một ngăn rất to dành cho cái ngông cuồng của Rousseau và Nietzsche,[c] vì bình sinh anh thích đặt cái ngông cuồng cả hai nhà văn này lên trên hết những sự rất hợp ý của người đời.

Đây, em xem đây: cái bàn ấy nó phải "vĩ đại" như một cái tủ sách lớn để chứa cả những cái kỳ lạ của vũ trụ. Cái bàn ấy, anh bắt buộc rằng bốn cái chân phải là bốn cái bánh xe. Hai vợ chồng mình, cứ mỗi buổi sáng, ta đẩy ra dưới một gốc nhãn, ở cạnh một cái suối nước trong. Ta kề vai nhau đọc những tư tưởng kỳ lạ của những bậc phi phàm. Đọc xong ta cùng nhau cười, cười sung sướng, cười nghiêng ngả. Rồi đến buổi trưa, ta lại đẩy vào trong một cái rừng kín, xa mặt trời. Và nếu trời lạnh, ta sẽ đẩy vào nhà, đóng cửa lại, đốt than lên, chúng ta cùng nhau ngồi viết. Anh ghi lại trên mặt giấy tiếng suối reo, tiếng lá rụng, tiếng gió rít, hay tiếng lao xao... Anh viết xong, anh đọc cho xem nghe. Em cười, em bá cổ anh và bằng một giọng dịu dàng, em nói: "Để em hôn một cái thật kêu, thưởng cho nhà văn sĩ của em". Thế rồi, những mẩu văn anh viết đó cần gì phải đăng trên báo, in thành sách, và cầu cạnh những sự chịu khó của nhà xuất bản để rút cục mua lấy những lời khen chê không đáng kể của quần chúng.

Nhưng thế rồi đến độ nào đây, em cũng sẽ đẻ ở nhà quê?

Ừ chí lý! Em sẽ đẻ ở nhà quê.

Trong tay một bà mụ lẩn thẩn, ngu ngốc, vô học?

Sao em dám nói càn thế được? Trước kia khoa y học thái Tây chưa truyền bá qua đây thì dễ thường những bà An Nam đẻ không ra, và con đẻ ra là chết cả hay sao? Em nên nhớ rằng: dân tộc ta đã có một hồi đẻ ra những đứa con rất cứng mạnh, rất cường tráng...

Em lấy làm lạ một người như anh! Ngày thường trong óc đầy những tư tưởng Âu hoá thế mà anh để cho những tư tưởng ấy rơi rụng như những lá khô ở trên cành...

Nàng cười rồi nói tiếp:

Sống thế nào thì sống, nhưng em chỉ yêu cầu anh một điều: đẻ theo cách Tây. Một người như em, đẻ theo cách An Nam là một sự mỉa mai. Người ta cười cho chết!

Ừ, đến lúc ấy sẽ hay, nhưng bây giờ sao em đã vội nói chuyện "đẻ con" trong lúc anh đương phác hoạ một cuộc đời rất thanh cao, rất trong sạch, rất lý thú…

Dễ thường, anh cho việc đẻ con là một việc dơ bẩn, không lý thú hẳn. Em đẻ cũng như anh viết văn, đều cùng là làm một việc tương tự như nhau cả. Chúng ta đều sáng tạo cả.

Vẫn biết thế! Nhưng em nói một cách sống sượng, anh không bằng lòng thế!

Vinh tát yêu chồng một cái và nói:

Thôi, anh nói hết đi, xem em có bằng lòng cả không? Em hỏi anh cái này nhé: chúng ta ngày thường làm cái gì mà sống?

Lương trả lời một cách rất nhanh:

Trồng hoa chứ gì nữa!

Vinh hỏi thêm:

Trồng rau nữa chứ?

Vâng, trồng rau nữa.

Vinh ngây thơ hỏi lại:

Thế anh sẽ trồng những hoa và rau gì?

Để anh kể em nghe nhé: này hoa hường, hoa huệ, hoa cúc, hoa móng rồng, hoa bạch nhật, hoa đơn,  hoa ngâu, cho thật nhiều hoa ngâu.

Thế còn hoa ý lan nữa?

Vâng hoa ý lan nữa.

Còn rau thì anh sẽ trồng gì?

− Rau laitue, rau chicorée, rau cresson, thật nhiều rau cresson.[d]

− Rồi mang bán cho Tây để lấy tiền?

− Đã đành thế!

− Vui nhỉ anh nhỉ? Anh sẽ tưới nước, em sẽ bắt sâu, còn thằng con sau này, nó sẽ giúp em bắt sâu nữa. Một cuộc đời thần tiên anh nhỉ!

−  Hơn thế nữa! Một cuộc đời của những tình nhân, mãi là tình nhân. Mãi mãi ta yêu nhau, mãi mãi ta cứ nghèo nàn, mãi mãi ta cứ trong sạch, mãi mãi ta cứ trồng rau, và con ta sau này cũng cứ mãi mãi trồng rau...

− Nhưng lâu lâu cũng phải lên tỉnh chứ?

− Mùa đông, nếu có dịp ta sẽ lên tỉnh một đôi lần; anh sẽ dẫn em đi xem chớp bóng.

− Mỗi năm ta sẽ thấy lại Danielle Darrieux một lần.

− Và... nghe Florelle hát nữa chứ.

− Và Garat nữa.

− Ừ  Garat.[e]

Đến đây nghe tiếng chó sủa. Hai người cùng ngừng nói. Một người đưa thơ mang vào một bức điện tín.  Hai người nhìn nhau lo sợ. Rụt rè, Vinh mở cái điện tín ra và đọc bằng một giọng run run: "Papa était désespéré". [g]

Vinh ngẩng lên nhìn chồng vẫn không nói gì, ái ngại và đau đớn. Lương nhìn vợ, nói:

− Nếu như có mệnh hệ nào, thì sao mình?

Vinh, nước mắt giàn giụa:

− Nếu thầy tôi chết thì tôi khổ lắm!

Lương lẩm bẩm một mình:

− Thật khó lòng mà tránh khỏi sự giàu sang. Cả một chương trình có lẽ phải bở dở...

Rồi chàng nói to:

− Không, chúng ta phải quả quyết làm mình ạ! Chúng ta sửa soạn về Nam đi. Xong việc thầy, thì ta sẽ lại lên ngay.

 

***

 

Từ khi ông bố vợ chết thì hai vợ chồng Lương ở luôn dưới Nam, ít khi lên Hà Nội. Dẫu muốn dẫu không, Lương cũng đã trở nên một vị phú ông. Lương đã trở nên là chủ nhân của mấy cái dãy phố cho thuê ở tỉnh và những đồng lúa cò bay thẳng cánh ở nhà quê. Cứ mỗi năm tiền thuê nhà và tiền hoa lợi cũng đến bạc vạn.

Với cái lợi tức ấy, Lương không cần nhúng tay làm một việc gì nữa, cứ ngồi không cũng hưởng được một cuộc đời quận chúa. Thực ra, lúc đầu Lương còn hơi ngượng với sự giàu sang mà cái chết của ông bố vợ đã đưa lại cho chàng. Nhưng dần dần chàng cũng thấy quen đi, và có cảm giác chắc chắn rằng: tiền bạc của cải mà chàng hiện có, không phải là của bố vợ để lại, mà chính là chàng đã làm ra với bao nhiêu khó nhọc.

Thế rồi, một buổi chiều chàng quên cả cái chương trình to tát mà chàng đã phác họa với vợ, quên đi như một giấc mộng xa... Chàng không thể nhớ được rằng: có lúc chàng đã có cái mộng tưởng sống một cuộc đời nghèo nàn. Vô lý!  Chàng không tin như thế, vì chàng thấy rằng sự giàu sang đã giũ sạch cho chàng những mối lo nghĩ hàng ngày. Và cái cuộc đời chàng, chàng thấy đẹp như một vầng trăng mới trồi lên ở đỉnh núi, khi chàng đã có trong tay một chiếc Ford V. 8. Chàng còn nhớ rõ cái ngày chàng tới hiệu Aviat để mua chiếc ô-tô mới này.

Chàng đi với vợ chàng. Hôm ấy chàng có cái cảm giác như một đôi vợ chồng mới cưới...  Không bao giờ chàng thấy vợ chàng trẻ và đẹp đến thế. Và tâm hồn chàng cũng như một đoá hoa mới nở.

Hai vợ chồng vừa bước vào thì đã có một thiếu nữ thay mặt ông chủ Pháp để tiếp đón chàng. Luôn luôn với một nụ cười trên môi, thiếu nữ dẫn hai vợ chồng Lương đi khắp gian hàng, và mỗi khi dừng lại trước một cái ô-tô thì nàng lại liến thoắng giải cho chàng nghe những điều cần phải giảng, nhất là đối với những người có tiền. Nhưng đã từng trải và lịch thiệp như hai vợ chồng Lương, hôm ấy cũng phải nhận rằng: những chiếc xe nằm song song với nhau, chiếc nào chiếc ấy cũng xinh xắn và mỹ miều như những cô thiếu nữ 15 - 16 tuổi. Và hai người chỉ thấy bâng khuâng về sự lựa chọn.

Vinh ghé vào tai Lương chỉ một chiếc xe hai chỗ ngồi và nũng nịu nói với chồng:

− Em thích chiếc deux places [a] ấy quá, xinh xinh quá, lại vừa vặn hai vợ chồng mình nữa!

− Ừ thì tuỳ ý em! Chúng ta sẽ lấy chiếc xe ấy, cho đời chúng ta sẽ trẻ lại, trẻ thêm nữa.

Sau khi trả tiền xong đâu đấy, thì hai vợ chồng cùng nhảy lên ô-tô. Vinh lái xe, còn Lương thì ngồi cạnh Vinh. Qua phố Borgniss Desbordes, Vinh cho xe đi thẳng lên phủ Toàn quyền và đi một vòng quanh Hồ Tây. Máy rất khoẻ, lại chạy rất êm, cho nên đi khỏi Cổ Ngư, thì Vinh thả hết tốc lực. Gió thổi vùn vụt hai bên tai làm cho Lương nhớ lại cái hôm ở Sầm Sơn, hai người thấy say sưa về sự nhanh chóng và tình yêu. Vinh ghé tai hỏi Lương:

− Thế còn cái chương trình của anh?

Rồi Vinh cười ngặt nghẹo để đùa chồng. Một lát sau Vinh lại nói:

− Nghèo nàn cũng là một điều đáng mong ước, nhưng giàu sang kể cũng chẳng hại gì, anh Lương nhỉ?

Lương vẫn im lặng không đáp, Vinh lại nói tiếp:

− Khi ta có trong tay một cái ô-tô hai chỗ ngồi, một cái ô-tô xinh đẹp và sang trọng như thế này, thì đời cũng đáng sống lắm, phải không anh Lương? Nếu chiều nào cũng giống như chiều này, thì ta cũng nên cầu trời phật cho vợ chồng ta thêm được nhiều buổi chiều như thế này nữa, và cuộc đời ta kéo dài đến nghìn năm, ta cũng không biết già.

− Nhưng mà đồng mạ xanh gió đưa lên thơm mát quá, em cho đỗ xe lại đây một lát.

Vinh hãm xe lại bên một gốc cây gạo và hai người cùng bước xuống. Lương rải một tờ nhật trình xuống cỏ rồi hai người cùng ngồi xuống. Ngả đầu vào vai chồng, Vinh nũng nịu:

− Anh hứa với em đi. Anh hứa rằng đừng bao giờ nghĩ đến mộng của anh nữa, cái mộng mà bây giờ đây, em chỉ thấy là điên cuồng mà thôi! Một túp lều tranh trơ trọi ở đầu non! Anh ạ! Đến buồn chết! Ừ thì lâu lâu ta về thăm cái cảnh nhà quê một tý, thế thì được, nhưng ở lại đây suốt cả một đời người thì em chịu thôi, nhất là khi ta có trong tay những hàng vạn mà có trăm nghìn cách để tiêu...

− Anh sẽ chiều em cả. Nhưng bây giờ thì ta sẽ lên Hà Nội chẳng hạn, ta sẽ làm gì? Làm gì với một số tiền to lớn ấy?

− Có tiền mà không biết làm gì à? Chẳng hạn ta sẽ mở báo.

− Lại mở báo?

− Vâng, mở báo. Ngày nào ta còn sống, ta còn có thể mở báo được, ta hãy cứ mở báo. Cái nghề ấy, có bao giờ ta vướng vào một lần rồi, mà có thể không trở lại nữa, nếu như ta còn có dịp. Em không hiểu sao cái nghề ấy nó như một cái bùa ngải gì mà nó cám dỗ ta một cách dễ dàng quá! Mấy ngày sau khi thầy em chết, cái điều mà em nghĩ đến thứ nhất là lại mở một tờ báo nữa.

− Lạ quá! Chính anh đây, sau việc thầy mấy hôm, anh cũng nghĩ như em thế, mà anh không dám nói ra.

Hai vợ chồng cười nghiêng ngả... Vinh ghé vào tai chồng nói nho nhỏ:

− Nói trộm vong linh thầy, chứ thầy mà nghe được chúng mình còn định mở báo thì thầy cũng đến tung ván, phá mồ mả lên đuổi đánh chúng mình đến chết! Lạ quá! Bình sinh ông cụ nghe nói đến chuyện báo, sợ như con chim sợ làn cây cong.

− Ông cụ sợ cũng phải. Nghề của chúng mình tính ra cũng chẳng lợi gì cho ông cả!

− Anh nhầm! Em tính ra tờ báo của chúng mình làm lợi cho ông đến hơn một vạn bạc.

Hai người cùng nhìn nhau, cười, tiếng cười giòn giã, sung sướng.

Một lát sau Lương lại hỏi:

− Cái tờ báo sau này, em tính còn lợi nữa chứ?

− Sao lại không lợi?

− Lợi như tờ báo trước chứ gì?

− Anh Lương! Anh không nên nói đùa thế được. Lần này, ta phải làm việc hết sức nghiêm trang, hết sức đứng đắn...

− Ừ, thì hết sức đứng đắn.

− Lần này, phải là một tờ báo phụ nữ, bênh vực quyền lợi phụ nữ.

− Nhưng sao phải là phụ nữ?

− Vì, anh không biết à? Phụ nữ có nhiều quyền lợi phải bênh vực hơn.

− Nhưng em có chắc sẽ "lợi" được hơn lần trước? Anh nói chữ lợi theo nghĩa thật của nó.

− Sao lại không chắc?

− Thế em không nghe cái chuyện ông bà Nguyễn Đức đó à? Vợ chồng ông ấy cũng ăn về miền phụ nữ đó ! Có lúc báo của ông bà ấy chạy đến hàng vạn. Thế mà rút cục, ông bà ấy cũng đến bán hết cả sự nghiệp và lên Đà Lạt trồng rau...

− Ừ thì trồng rau. Thì ta hãy tiêu cho hết sự nghiệp rồi về trồng rau cũng không muộn.

Lương giơ tay lên trời, vừa cười vừa nói:

− Thật, không ngờ cái nghề ấy nó lại cám dỗ em đến thế! Trước kia anh tưởng chỉ có một mình anh...

 

***

 

Sáng hôm ấy, Lương vừa ở nhà một người bạn về, thì Vinh đưa cho chồng bốn cái thư, trên những phong thư ấy đều thấy đề tên Lương với cái chức "chủ nhiệm" tờ "Việt Nam phụ nữ tạp chí". Lương chỉ nhìn qua một lần, và gọi vợ vui vẻ:

− Mình ạ! Tờ báo của mình mới rao một lần ở trên các báo hàng ngày mà nay đã có nhiều người gửi bài lai cảo thế này. Nhiều quá.

Chàng đi lại bên vợ, mở những bức thư ấy ra để hai người cùng đọc. Bức thư thứ nhất là bức thư của một vị cựu độc giả của tờ "Hồng Việt nhật báo" do Lương chủ trương độ nọ:

Kính ông chủ nhiệm,

"Tôi xin có lời trân trọng nhắc lại để ngài biết rằng: trước kia tờ "Hồng Việt" còn sống, tôi là một kẻ độc giả rất trung thành của báo ngài. Ở tỉnh Đông, tôi đã hết sức cổ động cho báo ngài. Không với một người bạn quen nào là tôi không giới thiệu tờ báo của ngài. Và giới thiệu toàn bằng những lời khen ngợi cả. Những người đó đã làm quen với báo ngài một lần rồi, thấy bẵng tên ngài một độ, thì ai cũng có bụng nhớ tiếc, nay được tin ngài lại cho xuất bản tờ "Phụ nữ Việt Nam" thì ai ai cũng đều hoan hỉ. Nhân gặp ngày xuân, anh em chúng tôi có họp lại xướng hoạ thơ với nhau, có cảm đề mấy bài để mừng tờ báo của ngài, nay xin chép lại để ngài đăng kịp vào số đầu:

 

Mừng Phụ nữ Việt Nam báo

I

“Phụ nữ tân văn” đã chết rồi,

"Việt Nam phụ nữ" lại ra đời.

Bà Trưng bà Triệu gương còn đó,

Chúc với người xưa, khỏi hổ ngươi.

 

                     II

“Nữ quyền giải phóng” ấy châm ngôn,

Dòng giống anh thư há chịu luồn!

Rót chén rượu mừng ông chủ nhiệm:

Đầu năm sinh báo, cuối sinh con...

 

Thưa ông chủ nhiệm, bài trên là của Lê Khả Tế và bài dưới là của tôi. Xin ngài làm ơn đăng ngay cho, và chúng tôi xin nói để cho ngài biết chúng tôi không hề có  ý muốn lấy tiền nhuận bút đâu. Chúng tôi chỉ xin ngài gửi cho vị hôn thê của tôi, và vị hôn thê của ông bạn tôi, hai người ấy, mỗi người một năm báo, và hai chúng tôi, hai năm nữa. Chúng tôi xin đính theo đây những địa chỉ rõ ràng để ngài gửi cho khỏi lạc."

Kính thư

LÊ VĂN SÂM

Cadastre Haiduong [a]

Lương bảo vợ:

Báo chưa ra mà ta đã có bốn vị độc giả mua năm rồi đó.

Chẳng mấy chốc mà ta sẽ có hàng nghìn người như thế!

Rồi hai vợ chồng lại mở đến phong thư thứ hai. Phong thư này là phong thư của một bạn gái:

 

Kính ông Chủ nhiệm,

Nghe tin ông sắp cho ra đời tờ "Phụ nữ Việt Nam", em xin thay mặt toàn thể phụ nữ ở tỉnh em để cảm ơn ông và để thưa cùng ông một đôi điều hơn thiệt.

Em thiết nghĩ trong lúc phụ nữ các nước rầm rầm rộ rộ đòi nữ quyền giải phóng mà chị em phụ nữ Việt Nam ta thì hình như chưa tỉnh cái giấc mộng nghìn năm. Cũng chỉ vì tại bọn mày râu quá đè ép, cho nên không ngóc đầu dậy được nữa. Vậy nay có được người hướng đạo sốt sắng như tiên sinh, chúng em chẳng quản tài hèn sức mọn, cũng xin ra giúp một tay trong công cuộc to lớn. Vì phụ nữ là một phần nửa quốc dân, chị em không tiến thì nước nhà thịnh làm sao được. Vậy điều thứ nhất mà quý báo nên làm ngay là đánh đổ những thành kiến hủ lậu và đưa ra trước dư luận những người cha và người chồng quen thói áp bức vợ con.

Tài hèn sức yếu, em cũng sẽ nguyện xin làm một tên lính quèn, chạy bên chân ngựa của tiên sinh.

Kính thư

NGUYỄN THỊ BÍCH LIÊN

Tourane

Tái bút: Trong cái công cuộc to lớn mà em chỉ xin giúp vào một phần nhỏ mọn đó, em dám đâu lấy công. Em chỉ xin ngài mỗi kỳ gởi cho em một số báo thôi, đặng em rõ tình hình cùng nội dung cái cơ quan độc nhất vô nhị của Phụ nữ Việt Nam. Nhưng ngài chớ gởi về thẳng nhà em. Chồng em khó tính lắm, thấy em mua báo, sẽ kiếm chuyện lôi thôi. Vậy xin gửi theo địa chỉ này: M. NGUYỄN CAO VÂN, 140 Rue du Marché Tourane [b]

 

Vinh hỏi chồng:

− Ai bảo người viết bức thư này là một người đàn bà ? Láo !

− Bích Liên mà không là đàn bà ?

− Theo ý em chính là M. Nguyễn Cao Vân này muốn xem quỵt báo của chúng ta, hắn bèn mạo tên đàn bà để cho dễ tán và dễ được ta tin.

Hai người lại mở bức thư khác, bức thư thứ ba là của ông văn sĩ.

 

Kính ông chủ nhiệm

Trong cái giờ nghiêm trọng này mà ngài cho ra tờ báo "Phụ nữ  Việt Nam" thiệt là một việc hợp thời vô cùng. Không lúc nào bằng lúc này phụ nữ Việt Nam phải có người bênh vực một cách đắc lực.

Thấy ngài có cái khuynh hướng về đám phụ nữ bình dân thì chúng tôi lại càng cực lực hoan nghênh.

Thưa ông chủ nhiệm, những bạn gái làm công bị các chủ xưởng và các cai ức hiếp và cưỡng dâm, những bạn gái buôn thúng bán mẹt, những bạn gái cầy sâu cuốc bẫm, những bạn gái lam lũ ấy của nước Việt Nam, trong cái lúc nội các Bình dân lên cầm quyền,[c] bọn họ phải kêu đòi cho được những quyền lợi của họ xưa nay bị người ta bóc lột.

Tôi, một người xưa nay rất lưu tâm đến bọn họ, và lại là người rất để ý đến phong trào thơ mới. Nhưng gần đây, tôi thấy các nhà "thơ mới" chỉ mượn những câu tình ái du dương để ru ngủ những đám phụ nữ phong lưu ở thành thị, hỏi ai là người chịu khó ca hát cái bộ dạng mộc mạc của cô cắt cỏ, cái gương mặt thẹn thùng của cô làm công, hay cái thân hình lem luốc của cô "gái mỏ". Nghĩ vậy cho nên hy sinh ngọn bút cho chủ nghĩa bình dân, một đời tôi chỉ làm thơ bình dân mà thôi.[d] Tôi chắc báo ngài có những bài thơ của tôi, sẽ được quần chúng lao khổ nhiệt liệt hoan nghênh. Bắt đầu tôi gửi hầu quý ông bốn câu thơ tả cô gái mỏ:

Cô gái mỏ

   Nước mắt cô em là nước mắt vô sản

   Mà mồ hôi cô em là sự giàu sang của quân tư bản [e]

Dưới mỏ sâu, thân hình em luốc lem,

Dưới mỏ sâu, em có biết đến ngày đêm,

Sao đôi mắt cô em buồn thảm hỡi?

Hay cô em không tiền mua áo cưới?

Cái bài thơ này, ở số đầu, ngài chỉ nên rao trước và đừng đăng vội, đợi đến số thứ hai hãy đăng cho có vẻ long trọng.

Biết rằng báo ngài đã có lòng tốt bênh vực quyền cho bình dân thì chắc hẳn cũng là một tờ báo chẳng giàu. [g] Vậy chỉ xin ngài gửi báo biếu cho những bạn gái mà tôi đã biên tên và địa chỉ sau đây.

NGUYỄN VĂN ĐỀ

Bái thư

 

Không buồn mó đến bức thư thứ tư, Lương buồn nản nói:

− Cái bức thư này cũng lại đưa thêm cho ta ít độc giả như thế nữa chứ gì? Nhưng không lẽ ta mở báo chỉ để gửi biếu cho những vị độc giả không bao giờ trả tiền cho nhà báo?

− Bao giờ lại chả thế? Chín mươi phần trăm người đọc báo chỉ vì cái thú thanh tao muốn tẩm bổ cho tinh thần, chứ có phải là vì muốn trả tiền cho nhà báo?

− À ra thế đấy! Bây giờ tôi mới hiểu.

− Cậu  hiểu thế nào?

− Cái nghề báo nó cám dỗ mợ đến thế, hơn cả tôi nữa thì thật là một điều không ngờ.

Lương nhìn Vinh khẽ lắc đầu, rồi hai vợ chồng lại nhìn nhau cười nghiêng ngả.

Bỗng có tiếng gõ cửa. Vinh đi ra mở, rú lên:

À Sanh, chị giáo Sanh,[h]  cơn gió nào đưa chị lại đây?

Cô giáo Sanh còn thở  hổn hển chưa kịp đáp thì đã bị Vinh lôi kéo vào phòng khách và bị ẩy xuống một cái ghế mây to và sâu. Sanh tuy đã đến gần tam tuần, nhưng cách trang điểm loè loẹt và tối tăm của người ấy làm cho người ta có thể coi như là một cô giáo chưa chồng hay có chồng đi nữa thì chồng cũng chết rồi. Nàng béo, có lẽ béo quá. Nàng mặc một cái áo kiểu mới, thật dài và đúng như lời hoạ sĩ riêng của nàng đã dặn, cái áo nàng may bằng thứ hàng có những đường sọc chạy dài. Nhưng, than ôi, cái áo ấy không làm cho nàng cao lên được tí nào. Nàng lấy đó là một sự ân hận nhất đời. Nhưng biết làm thế nào được. Nàng là một cô giáo, không lẽ nàng lại mở miệng trách cha mẹ nàng. Một hôm nàng đi xem chớp bóng ở phố Hàng Quạt, ở đấy có một cái gương lùn rất kỳ lạ, ngộ nghĩnh, nàng vô ý đi qua và nhìn vào thì nàng lại thấy nàng là một sự kinh khủng ghê gớm... Đến nỗi nàng không bao giờ nghĩ đến sự ân ái vợ chồng nữa. Dã hơn một lần, nàng thề với nàng rằng nàng sẽ không bao giờ lấy chồng nữa, và trọn đời ở vậy để dìu dắt đàn em bé. Mỗi lần vào dịp Tết nguyên đán, học trò đến mừng tuổi, thì nàng cho đó là một điều khó chịu vô cùng. Vì trong thâm tâm, nàng không bao giờ nghĩ như thế, và nàng lại thấy rằng học trò đến như vậy là để mỉa mai nàng một cách chua chát! Nhưng dần dà, nàng cũng khuây khỏa về cái nỗi trống trải của mình, nhất là từ khi ở bên Pháp, chiến tuyến Bình dân lên cầm quyền, và ở Đông Dương có “phong trào hội nghị",[i] nàng cho đó là một cái dịp tốt để cho nàng quên cái nỗi ế chồng, hay là, biết đâu là một dịp để kiếm một tấm chồng, vì theo nàng, chính trị là cái thang muôn bậc, muốn trèo tới bậc nào mà lại chẳng được? Hôm nay nàng đến Vinh, người bạn của nàng, cũng chỉ để rủ bạn đi dự cuộc "hội nghị phụ nữ" ở Hàng Quạt, nhưng nàng chưa vội nói đến, vì đã lâu nàng không hề tới thăm bạn, không lẽ lại đưa ngay ra một câu xa xôi nói trước.

Nàng xoa xong cái mặt bự phấn, mới bảo bạn:

Thế Vinh đã sắp có cháu chưa? Chậm quá đi mất!

Nàng vừa sực nghĩ rằng câu hỏi đó có thể làm cho Vinh liên tưởng đến cái tình cảnh nàng, nên chưa kịp để Vinh trả lời, nàng đã nói lảng qua một chuyện khác.

Độ này chị có đọc báo luôn đấy chứ!

Vâng, đọc luôn, nhất là trong lúc mình lại sắp ra một tờ báo...

Chị cũng ra báo?

Thế chị không thấy trên các báo hàng ngày mấy hôm nay có đăng cái quảng cáo tờ báo của em?

Không, em vô ý quá! Thế báo của chị tên là gì?

Hùng hồn, Vinh đáp:

Việt Nam Phụ nữ tạp chí!

Ồ, thế là chị đã cướp mất cả chí nguyện của em rồi, cướp cả tên báo nữa!

Vinh ngạc nhiên:

Thế chị cũng đã có ý nguyện làm báo và cũng lựa tên báo là “Phụ nữ Việt Nam”?

Vâng, không sai một chữ.

Ồ, thế thì lạ thật! Em cứ tưởng trong lúc này, ở nước Nam chỉ có em ra làm báo mà thôi?

Mà em cũng nghĩ như thế! Em cũng tưởng chỉ có em là mới có cái mộng lạ đời ấy. Nghề báo nó cám dỗ người ta quá chị nhỉ?

Thì em cũng vẫn thường nghĩ thế!

− Làm báo thì chắc chị cũng phải nghĩ đến cái phong trào hội nghị hiện nay ở nước ta, trong lúc nội các Bình dân sắp gửi qua đây một phái bộ điều tra. Thế chị có định thỉnh cầu gì cho phụ nữ không ? [k]

− Ấy, đó là một cuộc điều tra lớn sẽ có ở trong báo của em. Bắt đầu, em xin phỏng vấn bà chị trước đã.

Chị phỏng vấn tôi? Thật là chị giết tôi... Nhưng chị không đi hội nghị à? Hôm nay có hội nghị phụ nữ ở Hàng Quạt,[l] chị không nhớ?

Nhớ! Nhưng mấy giờ rồi chị nhỉ?

Hai giờ rưỡi rồi! Ba giờ thì khai hội. Chị sửa soạn nhanh lên. Em đợi.

Cô giáo Sanh, và Vinh vừa bước tới hội nghị, thì đã thấy chật ních những đàn bà và thiếu nữ. Cái nhà hội Khai trí, hôm ấy có vẻ ngơ ngác, không hiểu sao lại có vẻ kỳ lạ thế nầy: Không lẽ các bà, và các cô ấy với cái cách ăn mặc lộng lẫy, cách trang điểm hoa hòe thế này, đến để mà đánh tổ tôm như những ông hội viên của hội. Mà đánh tổ tôm gì lại đến nhiều thế này? Ấy là cái nghĩa thiêng liêng của cái hội nghị phụ nữ này, là ở trên sự hiểu biết của người ta. Vì là trên bốn nghìn năm lịch sử, mới có một lần như thế này. Có một lần, để rồi vạn kiếp sau không bao giờ có nữa. Tôi cần phải nói mau: phụ nữ Việt Nam hội nghị để thảo tập thỉnh cầu của phụ nữ. Tập thỉnh cầu phụ nữ ấy sẽ đệ trình lên Phái bộ điều tra mà Nghị viện Pháp sắp gửi qua Đông Dương. Cái ý nghĩa ấy tốt đẹp quá, cho nên đã nhóm họp lại được khắp hạng phụ nữ xưa nay ta tưởng không bao giờ có thể gần gụi nhau được. Vì chỉ đặt năm ba chị em lại một nơi, tôi tưởng cũng là một điều "bất thành": họ không bao giờ chịu dung cho nhau được. Huống chi hôm ấy, thấy gần bốn trăm người cùng tề tựu lại một chỗ với những nụ cười hớn hở. Họ cười vì lòng họ vui. Họ vui vì thấy cái tương lai của họ hiện ra như một buổi mai trong sáng của một ngày tốt đẹp. Đã đành rằng: ai nấy cũng cho cuộc hội họp hôm nay là một việc vô cùng long trọng, nhưng không hiểu sao họ cũng cho là hay hay và thú thú nữa. Bốn trăm phụ nữ Việt Nam làm việc nước. Làm việc nước, họ thấy thú vị hơn là nấu cơm, hơn đan áo len, hơn ngồi cửa hàng nhiều lắm. Họ giận sao xưa nay, họ không nghĩ tới một cái công việc thú vị như thế.

Giá không có nội các Chiến tuyến Bình dân ở Pháp lên cầm quyền, thì chắc họ vẫn còn quên phứt việc nước. Nhưng Chiến tuyến Bình dân là cái quái gì? Bốn trăm phụ nữ Việt Nam hôm ấy đến nhóm họp ở nhà hội Khai trí Tiến Đức, mỗi người đều cắm ở trong óc một câu hỏi như thế. Giữa lúc ấy, thì cô Đoàn Thị Minh, giáo học, như đọc được cả những ý nghĩ của chị em, đứng lên gỡ cho chị em một điều bâng khuâng:

Thưa chị em,

Trước khi ta thảo tập thỉnh cầu, tôi muốn xin phép chị em nói qua về Chiến tuyến Bình dân ở Pháp, vì không hiểu thế nào là Chiến tuyến Bình dân, thì ta cũng không nên thảo tập thỉnh cầu làm gì; ta phải biết rõ cái chính phủ mà ta ngả tay xin đây là chính phủ nào, có xứng với sự thỉnh cầu của ta không, và liệu có thể làm cho ta mãn nguyện không. Vậy thì Chiến tuyến Bình dân là gì? Thưa chị em, đó là một sức mạnh tạo thành bởi ba đảng lớn của nước Pháp là đảng Cấp tiến, đảng Xã hội và đảng Cộng sản, để đối phó với hữu đảng, và nạn phát xít. Sự hợp lực ấy đã làm cho ba đảng lớn ấy về tả, trong kỳ tổng tuyển cử vừa rồi, đã đắc thắng một cách rõ rệt; nhứt là đảng Cộng sản...".

Một tiếng ngắt ở cuối phòng: "Chị em cho phép em phản đối!".

Mọi người đều quay về phía người vừa nói ra câu ấy. Một thiếu nữ lối 17 - 18 tuổi, ăn mặc rất sang trọng, trông có vẻ ngồ ngộ, giơ tay lên, và mạnh bạo bước lên diễn đàn. Ấy là cô Phan Thị Châu, nữ trợ bút của tờ Thần báo:

Chị Minh, vừa rồi đã quên một điều quan trọng, đáng lẽ chị phải nói trước hết đã. Chị cố ý quên hay là chị không từng biết rằng đầu tiên có cái ý lập nên Chiến tuyến Bình dân chính là Doriot, trước kia là một ông nghị cộng sản rất có thanh thế, rất có tín nhiệm. "Một bực vĩ nhân ngày mai".

Đến đây có tiếng rì rầm khắp nhiều hàng ghế. Và một thiếu nữ khác, ăn mặc có vẻ lôi thôi, đứng lên ngắt đi.

         Doriot là một tay gian hùng. Doriot ngày nay là một tên phát-xít. Ta không nên nhắc đến tên kẻ khốn nạn ấy.

Cô Châu vẫn rán gân cổ lên cãi:

         Nói thế tức không hiểu Doriot một tý nào! Doriot không phải là một người phản đảng. Doriot không còn ở đảng cộng sản, nhưng không vì thế, Doriot ngày nay, cùng với quan năm De La Rocque, là những kẻ anh hùng bậc nhất của nước Pháp. Sao các chị em có vẻ không tin? De La Rocque,[m] không đáng cho các chị em phục à? Nhưng khi người ta đứng đầu một đảng có một triệu đảng viên thì tôi tưởng người ta cũng là một cái sức mạnh đáng sợ. Ở đây, tôi tưởng cần phải nói qua cho chị em hay về cái tiểu sử của De La Rocque, và điều tôi nói đây không phải là không bổ ích nhiều trong sự giáo dục bọn trẻ em. De La Rocque có nói rằng: "Có một cái khuyết điểm lớn là người ta quên không đào tạo cho nước Pháp, những ông lãnh tụ...", cái khuyết điểm ấy cũng là cái khuyết điểm lớn của nước ta. Vì vậy, tôi nhắc cái tiểu sử của De La Rocque tại đây, không phải là điều vô bổ, De La Rocque sinh năm 1879...

Nhiều tiếng phản đối nổi dậy, khắp các hàng ghế, và có tiếng nói:

         Ở đây, không phải là chỗ chị Châu đến khoe sự biết nhiều của chị ấy. Chúng ta đến đây, là vì một ý nghĩa thiêng liêng...

Có nhiều tiếng khác gào át lên:

Chị nào muốn nói thì lên diễn đàn mà nói. [n]

Có nhiều tiếng khác gào, át lên:

Chị này muốn nói thì lên diễn đàn mà nói.

Một người đàn bà trạc 40 tuổi, da mặt đã nhăn nhưng mà vẫn còn duyên chán. Nghe đâu người đàn bà này quê ở Huế, là vợ goá của  một ông y sĩ. Người ấy thủng thẳng bước từng bước rút rè... Nhiều người giục:

Nhanh lên chớ! Kiểu cách quá!

Nhưng người đàn bà ấy vẫn không nhanh hơn được một tý nào. Khi người ấy đã lên đến diễn đàn, cũng vẫn chưa chịu nói ngay cho, một hồi lâu thỏ thẻ như chim:

Thưa quý bà, thưa quý cô, em thiết tưởng, chị em chúng mình, đến đây không phải là để bàn cãi với nhau về những điều viển vông, xa xôi. Em thiết tưởng...

Em, em? Ở cái thời đại nam nữ binh quyền này, mà còn tự xưng bằng em nghe nó chướng lắm. Nhu nhược lắm! Một danh từ yếu ớt, biểu hiện sự một sự yếu ớt về tinh thần. Trước mặt đông đủ chị em khắp các giới, chúng tôi xin tuyên bố một lần chót: Bỏ chữ "em" trong cách xưng hô đi thôi!

Người đàn bà goá kia đỏ ửng mặt lên, và im lặng bước xuống, để chỗ cho một bà béo phì, nghe đâu lại là một cô đỡ, vợ một ông đốc-tờ tây. Người đàn bà, rất lễ phép nói:

Thưa các bà, các cô, cháu xin cực lực phản đối về việc các cô bảo nên bỏ chữ em. Theo ý cháu, thì mình cứ tự xưng là em cũng không hại gì. Đàn ông ở trên xe lửa vẫn nhường chỗ cho chúng ta, và khi xuống ga vẫn vui lòng xách hộ va-li cho chúng ta như thường. Cháu thiết tưởng...

Nhiều tiếng ngắt:

Cháu gì! Đã ngần ấy tuổi mà còn cháu? Dở hơi lắm! Xuống.

Diễn giả toan đáp lại bằng một tràng tiếng Pháp, nhưng đã bị nhiều chị em núm áo kéo xuống.

Trong lúc lộn xộn ấy, thì một thiếu nữ bước lên. Mọi người đều vỗ tay ầm lên vì người ấy là cô giáo Sanh. Cô giáo Sanh cãi một cái giọng rất đục, nói với thính giả như là nói với học trò của mình:

Tôi xin nói để chị em biết rằng: cái mục đích của cuộc hội họp này là để thảo tập thỉnh cầu, đệ lên phái bộ điều tra. Nhưng ba giờ đồng hồ đã qua, chúng ta đã làm được cái gì không? Chúng ta đã quên mất cái mục đích của cuộc nhóm họp hôm nay.

Khắp phòng đều nổi dậy những tiếng:

Ừ nhỉ! Chúng ta đã quên mất.

Cô giáo Sanh hùng hồn nói tiếp:

Nhưng khi chúng ta sực nhớ lại, thì hết giờ rồi. Vậy xin chị em giải tán, và mong rằng cuộc hội họp này là cuộc hội họp cuối cùng!

Mọi người đi ra khỏi phòng đều có vẻ hoan hỉ. Bốn trăm phụ nữ Việt Nam đã làm tròn việc nước. [o] Duy chỉ có một mình cô Vinh, lúc ra về, vẫn luôn luôn tự hỏi: "Không biết là có cần xuất bản tờ Việt Nam Phụ nữ tạp chí nữa không?"

 

***

 

Trong cái nhà của mình, đường Quán Thánh, Lương có xếp đặt một cái phòng riêng rất lộng lẫy ở về phía tây bắc để làm chỗ viết lách của Vinh. Vì trong ít lâu nay, vợ chàng đã thành một nữ sĩ có tên tuổi lớn. Tờ "Việt Nam phụ nữ tạp chí" được quốc dân hết sức hoan nghênh, và hàng ngày thường tiếp được rất nhiều thư từ ở các tỉnh gửi về, khen ngợi và khuyến miễn, nhất là khuyến miễn.

Trong cái căn buồng ấy, Lương chỉ bài trí một cách giản dị nhưng mà sang trọng, rất hợp với cái sở thích của người phong lưu đời nay. Một cái bàn giấy, cái bàn mà bà Lương ngồi nhả ngọc phun châu. Một cái tủ sách, mà sách đóng rất đẹp với những cái gáy có chữ mạ vàng, hình như cốt chỉ phơi bày sự loè loẹt bề ngoài mà thôi... Một cái róc-kinh-xe, hình như là chỗ chồng nằm hút thuốc lá để nhìn vợ viết. Một lọ hoa thuỷ tinh đặt ở trên cái xen-lét, cứ mỗi buổi sáng thì hoa lại thay đổi một lần. Và cuối phòng một cái đàn piano; những khi mệt nhọc, Vinh lại đấy để nẩy lên những điệu du dương và tắm linh hồn trong một sự mới mẻ và khoan khoái.

Ấy là chưa kể những bức tranh ký tên những nhà danh hoạ treo rải rác ở trên vách mà Lương đã mua với một giá rất cao! Giá rất cao, vì mỗi bức tranh, theo ý Lương, có thể là một nguồn cảm hứng cho nhà văn, mỗi khi nhà văn đương túng đề. Nhưng gợi cảm, và gợi văn cho Vinh, ấy là cái thế giới bên ngoài cửa sổ. Mỗi khi thấy cái dây tư tưởng ở trong óc bị đứt quãng, Vinh lại ngóng qua cửa sổ để nhìn những hình sắc biến đổi, hoặc tương phản, hoặc giao kết với nhau trong một chòm lá, trên một đoá hoa. Có khi chỉ đưa mắt dõi theo một con bướm trắng từ cây này qua cây khác, Vinh cũng thấy quên hẳn được sự mệt nhọc về tâm trí, và như lấy thêm được một sức mạnh mới, một nguồn cảm mới, ngọn bút của nữ sĩ lại hung hăng chạy trên giấy, như không muốn bao giờ ngừng nữa.

Cái căn phòng ấy, Lương đặt tên cho nó là "Lạc Điệp". Lạc Điệp chính là tên dịch một cái đề sách của một cuốn tiểu thuyết Ba Tư. Trong cuốn tiểu thuyết thần thoại ấy, vai chính là một nàng công chúa thích làm thơ đến nỗi những lúc mùa thu đến, nàng thường ra ngồi ở dưới gốc ngô, và mải trầm ngâm những điệu vần tuyệt diệu, lá rụng đầy người mà không hề biết. Lấy cái tên đẹp đẽ ấy, Lương cũng chỉ muốn cầu cho vợ có một sự đắm say đầy thi vị như thế. Vì không biết từ hôm nào, Lương bắt đầu có cái ý nghĩ lạ lùng ấy: Lương cho rằng một người đàn bà biết làm thơ làm văn, có những cái sở thích cao quý, là một người đàn bà thượng đẳng, gần như là một bà tiên. Và hình như Lương lấy thế làm một sự vui sướng của mình.

Ấy thế rồi, mỗi buổi sáng, người vợ nữ sĩ của Lương lại ra ngồi ở Lạc Điệp cũng có khi để ngâm vịnh, nhưng thường thường là chỉ để viết nên những bài đại luận về những vấn đề phụ nữ.

Như lệ thường, hôm ấy, Vinh cũng lại ra ngồi ở Lạc Điệp, lần này là để viết một bài hô hào lớn về sự phụ nữ thể dục. Nàng biết đó là một vấn đề rất sáo hủ, nhưng có cái sáo hủ phải nhắc lại mà không biết chán vì nó là một sự cần kíp luôn luôn. Bao giờ mà phụ nữ Việt Nam còn là những con vật ốm yếu thì vấn đề thể dục là một vấn đề mà người ta phải bàn tán và hô hào mãi mãi.[a]

Vinh đương bị lôi cuốn hỏi một cái hứng thú "vĩ đại", thì nghe có tiếng con khóc, cái đứa con trai rất ngộ nghĩnh mà Vinh vừa sinh ra được mấy tháng nay. Nàng cố lảng đi để mà viết, nhưng không thể được, ngọn bút của nàng đã bắt đầu ngập ngừng ở trên giấy... và tiếng khóc của đứa trẻ lại có phần giục giã hơn. Nàng đặt  bút xuống có vẻ tức giận và toan đi vào, nhưng lại thôi. Nàng nói lẩm bẩm một mình: "Phận sự của ta không phải ở đó!" Rồi lại cặm cụi viết. Lần này, những chữ to lớn, hùng hồn không còn đến ở dưới ngọn bút của nàng nữa. Chỉ là những câu khô khan, những ý nhạt nhẽo, không xứng đáng với một bài hô hào lớn. Nàng toan gạch đi để viết lại thì một thằng nhỏ đến bên lưng.

Bẩm bà, chợ hôm nay không có chim ngói, con tìm mãi không thấy.

Vinh trợn mắt lên:

Mày không biết tao đương làm gì đây à! Cút!

Thực ra, thằng nhỏ cũng không biết bà chủ nó làm gì đâu, nhưng nó cũng đành lẳng lặng bước ra.

Vinh lại loay hoay viết, và viết được một câu thì lại đọc to lên, như để xao lãng với những cảnh xung quanh. Nhưng thằng bé vẫn lại khóc. Vinh không thể cầm lòng được. Nàng thấy nóng ruột quá, vất mạnh quản bút xuống bàn và chạy lại đứng ở cửa sổ, nhìn ra ngoài... Ánh nắng chập chờn trên những tàu lá chuối xanh, những đoá cúc rung rinh trong một bầu không khí yên lặng, nàng không còn nhận thấy gì nữa. Trong thâm tâm nàng đương bày ra hai thế trận: một bên nàng gọi là việc xã hội, một bên nàng gọi là việc gia đình. Thực ra nàng chỉ bị giằng co bởi hai sức mạnh trái nhau: cuộc đời hão huyền, và cuộc đời thực tại. Tiếng khóc của đứa con nàng đã kéo nàng ra khỏi một giấc mộng mà trở về với cái phận sự thiết thực của một người mẹ và của một người vợ... Nàng bĩu môi, nhún vai mấy cái, và tự nói một mình bằng một cái giọng rất đau thương: "Thế là hết! Cái cuộc đời tinh thần mà ta thường ao ước! Thôi vĩnh biệt! Vĩnh biệt với những cái mà người ta gọi là đẹp đẽ, là trong sạch, là cao thượng. Chốc nữa ta sẽ bước khỏi Lạc Điệp, mà bước xuống nhà bếp, và ở luôn đấy, trọn đời ở đấy! Không, ta đã nghĩ kỹ rồi: người đàn bà trời sinh ra, chỉ để nuôi con, và xào  nấu những món ăn cho chồng!"

Tiếng đứa trẻ vẫn khóc.

Nhưng nàng vẫn cố bưng tai lại không nghe. Một lần chót, nàng cố nhẫn tâm... Nàng đi lại bên piano, rồi một lát sau những ngón tay nhẹ nhàng, nhanh nhẹn chạy trên những bậc đàn. Nàng dạo bài "Le mal est sans espoir", [b]vì bài đó là một bài mà nàng cho là buồn não nhất. Rồi trong khi nàng đánh, những giọt nước mà thi nhau tuôn trên hai gò má của nàng. Nàng khóc cái cuộc đời mà nàng cho là cao thượng, cái cuộc đời ấy mà nàng đã cả quyết từ biệt để xuống nhà bếp... Cuối cùng nàng không thể cầm giữ được, nàng gục xuống piano, khóc nức nở như một đứa trẻ con. Bỗng hùng dũng như một viên tướng, nàng vội lau nước mắt, và đứng dậy, nói bằng một cái giọng cương quyết:

Ta đã là một bà mẹ rồi! Ta không nên mơ mộng nữa. Từ bây giờ, đời ta là đời của con ta...

Rồi nàng vui vẻ bước ra, và vừa mỉm cười, vừa nói một mình: Ngày mai ta sẽ viết bài "Từ biệt những độc giả yêu quý của ta".

 

***

 

Lương đương ngồi đọc sách thì bỗng nghe có tiếng vợ gọi, bèn vội vàng chạy vào buồng ngủ. Khi Lương sắp bước vào cửa buồng thì Vinh giơ tay làm hiệu bảo chàng đi nhẹ nhẹ. Rồi nàng lại cầm tay chồng, và cùng chồng bước rón rén lại gần cái nôi của thằng Bá, đứa con đầu của cặp vợ chồng trẻ ấy. Bá mới được sáu tháng nhưng trông kháu lắm. Bây giờ nó đương nằm ngủ ở trong nôi, trong một cái màn tuyn phủ kín. Vinh giơ một ngón tay lên trán và nói khẽ với chồng bằng một giọng sung sướng:

Mình không trông thấy gì à?

Không mình ạ!

Thế mình không thấy em cười mà vẫn ngủ đó à?

Ừ nhỉ!

Lương toan cười to lên, nhưng bị vợ bưng mồm lại:

Mình cười khẽ để cho em ngủ chứ!

Em cười như một vị tiên đồng, nhỉ mình nhỉ?

Rồi Lương khoác tay qua cổ vợ, và sẽ đặt một cái hôn nhẹ trên trán vợ, trên những làn tóc phủ xuống, và nói:

Anh thưởng cho mình đó!

Vì...

Vì mình là một thi sĩ đã...

Em không thích anh gọi em thế. Em đã nói, em đã thề với em rằng: Em đã đoạn tuyệt với nghề báo, với nghề văn. Bây giờ em chỉ biết có con mà thôi.

Lương cười bảo vợ:

Thế mình nhầm rồi! Ý anh muốn nói em là thi sĩ vì em đã đẻ cho anh, cho chúng ta một bài thơ, rất trong trẻo, rất ngộ nghĩnh. Bài thơ ấy, em ạ, là thằng Bá.

Vinh cười sung sướng:

Ấy thế mà em cứ sợ rằng: anh sắp bắt em trở về cái nghề báo. Em lo quá!

Thế em nhất định rồi chứ?

Nhất định làm sao ạ?

Không trở về với nghề báo?

Điều ấy đã cố nhiên. Trước kia em làm báo là vì em chưa có con, hay là có con mà em cũng chưa biết cái thú vị nuôi con. Bốn tháng nay, em gần thằng Bá, em cho nó bú, em ru nó, em ẵm nó, em đùa với nó, em "tắc tặc" với nó, bây giờ thì em thấy rằng trong những việc hình như tỷ mỉ, nhỏ nhặt ấy đầy cả một tình yêu thiêng liêng và dịu dàng, êm mát như hương sắc trong vườn xuân.

Thế kỳ Hội nghị phụ nữ mà chị giáo Sanh sắp đứng lên chiêu tập đây, mình không đến à?

Mình bảo tôi đến để làm gì?

Đến để biên tên vào sổ những diễn giả...

− Em sẽ nói ?

− Sao lại không ?

− Tôi sẽ đến để gào thét về nữ quyền, về giải phóng, về một trăm sự hão huyền khác trong lúc con tôi khóc! Cái ấy, thưa ông, hẳn là một điều tôi không làm được.

Rồi hai vợ chồng cùng nhìn nhau sung sướng.

Lương nói:

Không ngờ, cái nghề báo đã làm cho chúng ta chán ghét nó đến thế!

Bỗng con vú em đi vào:

Bẩm cậu, có khách ạ!

Đàn ông hay đàn bà?

Bẩm đàn ông ạ.

Lương vội vã bước ra. Một người đàn ông đương đợi chàng ở phòng khách. Người đàn ông ăn mặc tây, kính trắng, và có vẻ nho nhã. Thấy Lương, thì chàng đứng dậy hỏi:

Ông có phải là chủ nhiệm tờ báo “Phụ nữ  Việt Nam tạp chí”?

Bẩm vâng, nhưng tờ báo ấy sắp đình bản ạ!

Người khách ngạc nhiên:

Tờ báo của ngài đang được quốc dân hoan nghênh nhiệt liệt.

Vâng, có thế thật.

Vậy thì vì lẽ gì lại đình bản?

Vì một... lẽ riêng. Thế ngài định hỏi tôi có việc gì quan trọng không ạ?

Quan trọng lắm, tôi muốn giúp ngài mấy bài thơ mới, và một ít truyện ngắn. Nhưng nay tờ báo của ngài không còn nữa, vậy ngài cho phép tôi qua bên tờ “Hà Thành báo”, để thương lượng...

Rồi người khách bắt tay Lương và lạnh lùng bước ra...

Lương đứng ở ngưỡng cửa, đưa mắt nhìn theo cho đến khi người khách của mình khuất bóng. Chàng đứng lại, tần ngần...

Người khách vừa đi, làm cho chàng sực nhớ đến một người bạn thân. Chàng lẩm bẩm nói một mình: "Sao mà chàng kia giống anh Hiến thế?” Rồi chàng thẫn thờ, nghĩ đến Hiến, một người bạn cũ của chàng, người bạn thích đánh cờ trên hết mọi sự ở đời. Sự liên tưởng ấy đưa chàng về với một cái dĩ vãng đã xa. Chàng nhớ đến Yến, những cuộc đánh cờ, những buổi cãi cọ giữa Hiến và chàng. Quả roi rụng, cái nhành cây gẫy. Một thiếu nữ chết đuối ở ao. Cái nốt ruồi. Giọng cười giòn giã như tiếng suối. Và trong một cái vườn hè về buổi trưa, giữa hai gốc nhãn, tiếng võng đưa... Bồ hôi toát lạnh ở trên trán, chàng buồn rầu nói một mình: Kể khi ta cũng giỏi quên thật. Đã mấy năm trời không có một lần nào ta còn nhớ đến Yến. Quả không có một lần nào! Nhưng bây giờ thì nàng cũng đã lấy chồng rồi. Có lẽ nàng đã có con rồi nữa. Con nàng có lẽ lớn hơn thằng Bá! Cuộc đời phải như thế chứ! Cái thời mơ mộng chỉ được một lần mà thôi. Chồng nàng hẳn là một ông Phán, may hơn nữa thì là một ông Tham, ông Đốc. Nàng sẽ giữ chùm chìa khoá, nàng săn sóc cửa nhà, và chồng con. Nàng không còn sống cái đời của nàng nữa. Cũng như ta, nàng chỉ nghĩ đến những ngày êm đềm, trong trẻo, đắm say ở trong vườn roi. Nàng chỉ nghĩ đến trong giây lát rồi để quên đi lập tức. Vì nàng còn yêu chồng nàng và con nàng. Cũng như ta...

Bỗng Vinh đã đến ở bên chồng, ẵm trong tay đứa con và nói nựng. Lương quay lại, có dáng không vui. Chàng hãy còn thẫn thờ, đắm đuối sống lại những ngày xa xăm tươi trẻ.

Vinh nhìn con rồi lại nhìn chồng, vui vẻ:

Mình trông này. Bá nó giống mình quá, giống như là cha con vậy.

Câu nói khôi hài rất ý nhị của Vinh như đánh tan được làn mây buồn còn phảng phất ở trong trí chồng.

Lương cúi xuống khẽ hôn con, rồi đắm đuối... hôn vợ. Chàng sung sướng quá, không thể nói được nữa.

Nguồn:

- Thúy Na, Tràng Kiều: Tiếng võng đưa, truyện dài // Sông Hương, Huế, s. 1 (01 Aout 1936); s. 2 (08 Aout 1936); s. 3 (15 Aout 1936); s. 4 (22 Aout 1936); s. 5 (29 Aout 1936); s. 7 (12 Septembre 1936); s. 8 (19 Septembre 1936); s. 9 (26 Septembre 1936); s. 10 (2 Octobre 1936); s. 12 (17 Octobre 1936); s. 13 (25 Octobre 1936); s. 14 (31 Octobre 1936); s. 15 (7 Novembre 1936); s. 16 (14 Novembre 1936); s. 17 (21 Novembre 1936); s. 18 (28 Novembre 1936); s. 20 (12 Décembre 1936); s. 22 (02 Janvier 1937); s. 23 (9 Janvier 1936); s. 25 (23 Janvier 1936).

- Lưu Trọng Lư: Cô gái tân thời, tiểu thuyết // Phổ thông bán nguyệt san, tạp chí văn học ra đầu tháng và giữa tháng, Nxb. Tân dân, Hà Nội, s. 54 (01 Mars 1940), tr. 3 - 116.

 

 

 


 

[a] Bản đăng Sông Hương là “Tuần phủ Tuyên Quang”.

[b] Đoạn “cô nữ sinh trẻ tuổi ấy đã thường ngày làm bạn với những nhà văn sĩ đông tây và kim cổ”, ở bản đăng Sông Hương là: “cô nữ sinh trẻ tuổi ấy đã viết ra mấy thiên truyện ngắn nhí nhỏm, ngây thơ, đăng ở một tờ tuần báo văn chương Hà Nội dưới cái biệt hiệu: Mộng Lan”.

[c] Đoạn: “Chàng đi thẳng ra một cánh đồng”, ở bản đăng Sông Hương là: “Chàng đi thẳng vào “lăng” họ Hoàng”.

[a] Câu 36 từ “Với các bạn gái … với các bạn trai…” này chỉ có trong bản đăng Sông Hương.

[b] Câu “Nhà em chỉ có violon và piano mà thôi!”, ở bản đăng Sông Hương là: “Nhà em chỉ có violon và harmonium mà thôi!”

[a] Chỗ này bản in Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ gần 30 từ: “có tờ báo chết vì chạm đến một cái đinh râu của một bác sĩ, có tờ báo lại chết vì lật tẩy một ông huyện đánh chết người”;  ở đây chúng tôi khôi phục theo bản đăng Sông Hương. –  N.B.S.

[b] Chỗ này bản in Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ trên 120 từ: từ “Có kẻ làm báo như ông Ngoạn…” đến “… người ta tới để tỏ lòng thương tiếc”. Ở đây khôi phục theo bản đăng Sông Hương  N.S.T.

[c] Ở bản đăng Sông Hương, chỗ này tên tờ báo (hư cấu) được gọi là “Hồng Việt đại nhật báo”.

[d] Ở bản in Phổ thông bán nguyệt san, tên riêng Văn Điển này được viết tắt thành V.Đ.; ở đây lấy lại dạng tên “Văn Điển” như khi đăng Sông Hương. – N.B.S.

[e] Đây là lời dặn dùng kiểu và cỡ chữ in: chữ đậm, cỡ lớn.

[g] "Le plus grand quotidien d’informations ilulstrées": tờ nhật báo lớn, thông tin có hình ảnh minh họa ; "Le plus grand journal déformations ilulstrées": tờ nhật báo lớn minh họa méo mó.

[h] “thế giới thời bình” ở đây nên được hiểu là “bình luận thời sự thế giới”, một thể tài báo chí.

[i] mandat: thư chuyển tiền.

[a] “nữ kỵ binh” ở đây trỏ các gái nhảy (cavalière: cô bạn nhảy; cavalier: người cưỡi ngựa, kỵ binh, bạn nhảy nam)

[b] Đoạn 1500 từ, từ “Nhờ bấy nhiêu cái ấy, tờ Hồng Việt một ngày một sút » ở bản đăng Sông Hương đã bị bỏ đi và thay bằng một đoạn ngắn chừng 500 từ: «Thế là... tờ "Hồng Việt" cứ chết dần chết mòn, và rồi một hôm nó chết hẳn... Vì, người thợ sơn xưa kia đã khắc mấy chữ tên nó ở trên vách, bây giờ đã bôi những chữ tên ấy đi. Và để thay vào ấy những chữ khác... "Hoa Hoa khiêu vũ" đó là hình lốt mới của tờ Hồng Việt...  Hai chữ tên ấy có một lịch sử rất ý nghĩa. Thuở bấy giờ, là lúc bắt đầu, người Nhật đánh Thượng Hải, thành phố của những nữ kỵ binh... Những nữ kỵ binh, bắt buộc phải "nam tiến", các "nàng" một phần lớn dời xuống Hương Cảng, và cũng có một ít "lạc" tới Đông Dương, Hải Phòng rồi Hà Nội, nhất là Hà Nội. Cũng vì cái địa vị của mình là một ông chủ một tờ báo thông tin, Lương cũng đã nhiều dịp làm quen với một nhân viên trong toà lãnh sự Trung Quốc ở Hà Nội... Nhờ đó, mà Lương được biết trước cái tin  "Nam tiến của nữ kỵ binh Thượng Hải". Một hôm, Lương có cái ý là hứng lấy cái cuộc nam tiến ấy. Lẽ tự nhiên là Lương có ý mở một tiệm  "khiêu vũ", để thu lấy mối lợi trực tiếp. Vợ chàng cũng không hề phản đối. Vì với sự đổ sụp của tờ Hồng Việt, cũng tiêu tan hết lòng sốt sắng vô tư đối với nhân sự, cũng khép lại cái thời kỳ hy sinh cho xã hội. Bây giờ chỉ biết có một điều : ấy là lợi. Lợi, bằng đủ cách, và chấp cả sự đàm tiếu của thiên hạ. Tiệm kiêu vũ ấy lấy tên là "Hoa Hoa khiêu vũ", có nghĩa rằng : là những đoá hoa của nước Trung Hoa... Cái tên ngộ ấy, lúc đầu là một cái quảng cáo rất mạnh cho tiệm khiêu vũ và lấy được rất đông khách, trong đám Hoa kiều, hay những người cảm tình với nước Tàu. Bây giờ chỉ biết có một điều : ấy là lợi. Lợi, bằng đủ cách, và chấp cả sự đàm tiếu của thiên hạ. Tiệm kiêu vũ ấy lấy tên là "Hoa Hoa khiêu vũ", có nghĩa rằng : là những đoá hoa của nước Trung Hoa... Cái tên ngộ ấy, lúc đầu là một cái quảng cáo rất mạnh cho tiệm khiêu vũ và lấy được rất đông khách, trong đám Hoa kiều, hay những người cảm tình với nước Tàu. Nhưng phải nhận rằng: đông nhất là những ông bạn xa hay gần, mới hay cũ của tờ Hồng Việt, của ông chủ nhiệm Hồng Việt. Mà khi nói "bạn của nhà báo" tức là nói bạn của mọi người. Vì thế, trong những ông khách hàng của Hoa Hoa khiêu vũ, một phần lớn là những ông bạn hờ bạn hão của Hồng Việt. Cố nhiên, khi người ta là bạn của ông chủ, thì người ta cũng có lợi chút xíu gì. Nhưng mỗi người một chút, thế cũng đủ giết tiệm khiêu vũ. Chỉ trong vòng 3 tháng, số "bon" chịu đã thành gần nữa vốn của tiệm». Ở đây khôi phục theo bản đăng Sông Hương. –  N.B.S.

 

[c] Câu «Sinh cũng chỉ bâng khuâng về đôi vú của Ngọc mà không sao cầm bút vẽ nốt được», ở bản đăng Sông Hương, đã bị xóa khỏi bản in Phổ thông bán nguyệt san. –  N.B.S.

[d] “trô”: tiếng lóng trỏ việc hút thuốc phiện.

[e] Đoạn câu «người thì bảo là ông chủ đi chơi với viên chủ bút tờ báo Thăng Long» ở bản đăng Sông Hương, đã bị xóa khỏi bản in Phổ thông bán nguyệt san. –  N.B.S.

[g] Passage à tabac (thành ngữ tiếng Pháp): đánh đòn.

[a] Si j’ étais riche: Nếu tôi giàu; Si j’ étais pauvre: Nếu tôi nghèo. Jean Jacques : ý nói Jean Jacques Rousseau (1712-78), triết gia Khai sáng Pháp.

[b] Nguyễn Vỹ (1910-71) nhà thơ mới, chủ trương trường thơ Bạch Nga và câu thơ 12 chân (un vers de douze pieds, tức là câu thơ gồm 12 cụm âm tiết), thường bị dư luận đương thời chế diễu.

[c] Friedrich Wilhelm Nietzsche (1884-1900) triết gia Đức.

[d] laitue: rau diếp; chicorée: rau diếp xoăn; cresson: rau cải xoong.

[e] Danielle Darrieux (s. 1917) nữ ca sĩ, nữ diễn viên Pháp; Florelle (1898-1974) nữ ca sĩ, diễn viên điện ảnh Pháp; Garat: chưa rõ.

[g] Papa était désespéré : Bố đang ở tình trạng tuyệt vọng.

[a] deux places: (xe) hai chỗ ngồi.

[a] Cadastre Haiduong: Địa chính Hải Dương.

[b] Rue du Marché Tourane: Phố chợ Đà Nẵng.

[c] Đoạn câu “trong cái lúc nội các Bình dân lên cầm quyền” ở bản đăng Sông Hương, đã bị xóa khỏi bản in trên Phổ thông bán nguyệt san; ở đây khôi phục theo bản đăng Sông Hương.– N.B.S.

[d] Chỗ này bản in Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ trên 20 từ: Nghĩ vậy cho nên hy sinh ngọn bút cho chủ nghĩa bình dân, một đời tôi chỉ làm thơ bình dân mà thôi »; ở đây khôi phục theo bản đăng Sông Hương. –  N.B.S.

[e] Chỗ này bản in Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ 2 câu thơ đầu; ở đây khôi phục theo bản đăng Sông Hương. –  N.B.S.

[g] Chỗ này bản in Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ trên 20 từ: “Biết rằng báo ngài đã có lòng tốt bênh vực quyền cho bình dân thì chắc hẳn cũng là một tờ báo chẳng giàu”; ở đây khôi phục theo bản đăng Sông Hương. –  N.B.S.

[h] Ở bản đăng Sông Hương, tên cô giáo này là Oanh – N.B.S.

[i] Ở bản in Phổ thông bán nguyệt san, đoạn “Nhưng dần dà, nàng cũng khuây khỏa về cái nỗi trống trải của mình, nhất là từ khi ở bên Pháp, chiến tuyến Bình dân lên cầm quyền, và ở Đông Dương có phong trào hội nghị", bị bỏ đi và thay bằng đoạn ngắn: “Nhưng từ khi ở nước ta có phong trào hội nghị”. Ở đây khôi phục theo bản đăng Sông Hương. – N.B.S.

[k] Chỗ này bản in Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ trên 50 từ: “Làm báo thì chắc chị cũng phải nghĩ đến cái phong trào hội nghị hiện nay ở nước ta, trong lúc nội các Bình dân sắp gửi qua đây một phái bộ điều tra. Thế chị có định thỉnh cầu gì cho phụ nữ không?”; ở đây khôi phục theo bản đăng Sông Hương. –  N.B.S.

[l] Bản đăng Sông Hương nói cuộc hội nghị này ở Hàng Quạt, bản in Phổ thông bán nguyệt san lại gắn nó với phố Hàng Trống, vì nơi họp là nhà hội Khai trí tiến đức. – N.B.S.

[m] Jacques Doriot (1898-1945) chính khách, nhà báo Pháp, 1915 vào đảng xã hội Pháp, 1920 đồng sáng lập đảng CS Pháp, 1924-33 tham gia ban lãnh đạo đảng CS Pháp và Quốc tế CS, 1934 bị khai trừ ĐCS, trong thế chiến 2 cộng tác với phát-xít, tháng 2/1945 chạy sang Đức, bị trúng bom chết ; François de La Rocque (1885-1946) quân nhân, chính khách Pháp.

[n] Chỗ này bản in Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ liền 4 trang, từ «Cái nhà hội khai trí hôm ấy…» đến «Chị nào muốn nói thì lên diễn đàn mà nói», tổng cộng bỏ trên 1000 từ. Ở đây khôi phục theo bản đăng Sông Hương. –  N.B.S.

[o] Bản in Phổ thông bán nguyệt san xóa bỏ câu «Bốn trăm phụ nữ việt Nam đã làm tròn việc nước» ; ở đây khôi phục theo bản đăng Sông Hương. – N.B.S.

[a] Bản in Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt xóa bỏ câu «Bao giờ mà phụ nữ Việt Nam còn là những con vật ốm yếu thì vấn đề thể dục là một vấn đề mà người ta phải bàn tán và hô hào mãi mãi.» Ở đây khôi phục theo bản đăng Sông Hương. – N.B.S. 

[b] "Le mal est sans espoir" (Thật tai họa là không còn hy vọng gì) : ý muốn nhắc tới bài Sonnet rất nổi tiếng của nhà thơ Pháp Felix Arvert (1806-50): Lòng ta chôn một khối tình / Tình trong giây phút mà thành thiên thu / Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu / Mà người gieo thảm cơ hầu không hay (trích khổ thơ đầu, lời dịch Khái Hưng).