CÔ NGUYỆT

 

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tiểu dẫn. Tác phẩm này ban đầu được gọi là truyện dài Tàn tạ, đăng Hà nội báo từ số 27 (8 Juillet 1936) đến số 40 (7 Octobre 1936), ký Công Tôn Nữ Quỳnh Diêu ở ngay cạnh tên tác phẩm, chỉ 2 số cuối cùng mới ký Lưu Trọng Lư ở cuối trang in. Năm 1939, tác phẩm này được in trên Phổ thông bán nguyệt san của nhà xuất bản Tân dân với nhan đề Cô Nguyệt, tiểu thuyết của Lưu Trọng Lư. Bản in dưới đây dựa theo bản in trên Phổ thông bán nguyệt san, cũng có đối chiếu với bản đăng Hà nội báo.

N.B.S.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

I

 

Trường Đồng Khánh (Huế) tan học đã lâu rồi mà Nguyệt còn thơ thẩn trên đường Jules Ferry. Mọi lần thì nàng đã bước lên xe kéo, về thẳng nhà. Hôm nay, nàng cố ý chờ các bạn về hết rồi, để đi bộ một mình.

Đến Thừa phủ, thì nàng quặt ra bến. Nàng gọi thuyền đi ngang qua sông. Chị lái đò thấy nàng đi một mình thì ngần ngại không muốn chở.

− Cô về trễ quá! Xin cô đợi một lát nữa, có khách thêm sẽ về qua một thể.

− Tôi sẽ trả cho chị gấp ba tiền ... Chị không phải "thiệt" đâu.

Chị lái ngoan ngoãn đẩy thuyền ra.

Vừa bị khép trọn mấy giờ đồng hồ ở trong bốn bức vách, bây giờ được thả mình ra giữa lòng sông phóng tầm con mắt ra đến nơi chân trời rộng rãi, Nguyệt có cái cảm giác như một con chim vừa thoát ra khỏi cái lồng chật hẹp...

Mặt trời đã sắp lặn ở dẫy núi chập chồng xa xa, còn gieo xuống dòng sông một dải lụa mà những sợi tơ vàng lăn tăn óng ánh như những sợi kim tuyến. Gió chiều ở dưới nước thổi lên vùn vụt, những tà áo đánh vào nhau phơn phớt, dội vào trí nàng như những tiếng vỗ cánh của một con chim con. Những làn mây lững thững bay trên trời và trôi dưới nước, dễ làm cho nàng có cái cảm tưởng rằng: trên mình nàng đang ngấm ngầm mọc lên hai cánh, và chốc nữa đây nàng sẽ vỗ cánh bay xa, bay cao, bay lên khoảng trong sáng, khoảng khoát, vô tận...

Nàng mới mười tám tuổi, con một ông Huyện, sinh trong một cảnh nhà dư giả. Từ nhỏ nàng chỉ lo nô đùa, và lớn lên nàng cắp sách tới trường học những điều viển vông xa xôi trong sách vở. Nàng trọ ở nhà dượng là quan Tham tri bộ Lại. Độ vài tháng, thày mẹ nàng lên chơi một bận, cho nàng một vài chục bạc để "tiêu riêng". Chưa hề lạc bước ra ngoài vòng đầm ấm, lộng lẫy, nàng đã biết gì đâu! ... Nàng đã biết gì đâu! Cuộc đời trước mắt là một cảnh xuân sán lạn, đầy những mầu xanh tươi dồi dào của những cây vừa thay cành đổi lá! Nàng đã biết gì đâu! Cuộc đời sâu hiểm đối với nàng còn giữ chặt những điều bí mật...

Nàng lấy ở trong túi một phong thư màu xanh, nàng giở ra đọc. Nàng càng đọc, cặp má nàng càng ửng hồng. Những lời dịu dàng, mơn trớn ở trong thư làm cho nàng sung sướng, một thứ sung sướng bẽn lẽn...

Nàng muốn đưa tay ôm ghì lấy cái vũ trụ khả ái và văng mình ra giữa khoảng không bao la...

− Mời cô lên, thuyền đã đến bến!

Nàng soi mình xuống nước, vuốt lại mấy sợi tóc mai... Nàng sẽ mỉm cười khi thấy bóng nàng dưới nước là một thiếu nữ xinh xắn...

Nàng nhảy lên bờ toan bước đi, thì chị lái đò vừa cười vừa nhắc nàng:

− Cô quên chưa trả tiền cho em.

− Chết chửa! ...

Rồi hơi có vẻ thẹn thuồng, nàng giao cho chị lái ba đồng xu.

Đằng xa, Thanh đứng dựa gốc một gốc cây dương liễu đợi tình nhân. Thấy nàng, Thanh chạy lại tươi cười hỏi bạn:

− Hôm nay Nguyệt khỏi bị phạt chứ?

− Anh muốn cho em hay bị phạt lắm hay sao! Cũng may hôm nay về món Algèbre [a] em được cái trứng (1).

 − Thế càng ngon cơm.

Rồi hai người nhìn nhau cười ngặt nghẽo...

− Sao mấy hôm nay không thấy anh lại chơi, anh Thanh?

− Bận ... vả…

− Vả thế nào?

− Vả anh không muốn tới đằng ấy nữa...

− Sao vậy?

− Khó chịu lắm! Quan đặc, quan từ thằng lính lệ đến cụ Tham...

− Anh nói xấu chú anh đấy nha! Em về em mách cho coi.

− Mách thì mách sợ gì! ... Chuyện đến tai chú tôi, bất quá tôi được nghe thêm một bài học về Khổng giáo. Bọn mình dốt chữ nho, cũng may thỉnh thoảng có những dịp như thế mới nghe được những lời thâm thúy của Thánh hiền...

Rồi Thanh nhìn chòng chọc vào mặt bạn:

− Anh không hiểu sao người như em mà lại có thể cúi tai cài óc, − anh lỡ lời, em tha lỗi cho! − chịu ở chung một cái không khí ấy được. Mình có tiền thì trọ ở đâu chả được. Ở đâu thì cũng phải trả tiền cả thế chứ!

Nguyệt cúi đầu đáp:

− Thầy mẹ em đã gửi gắm cho cô, dượng em, chỗ bà con, không lẽ đi trọ chỗ khác!

− Thực là dây nhợ chằng chịt nhau! Bà con chả bà con thì chớ! khổ lắm! Ở đó, anh sợ em nhiễm lấy cái tính quan thì khổ. Ở đời này mình nên sống với cái đời mình, và để cho người khác sống cái đời của họ. Mình, ngồi vách mảy ở trên sập cao, bắt thằng lính đứng khép nép dưới đất mang cái điếu bình cho mình kéo, phà hơi lên mặt nó. Trông chướng mắt lắm! không chịu được!

− Kể thì cũng khó chịu thật, nhưng em chỉ ở đây ba bốn tháng nữa thôi... Rồi đến kì thi tốt nghiệp, đỗ hay trượt, nhà cũng không cho em học nữa... Còn anh thì đã định sao chưa?

− Thày me anh đã nhờ chú Tham vận động cho anh bổ gấp... Nhưng vận động! Anh không muốn… Nhà nước có dư chỗ, ai ra trước, thì được trước. Anh không muốn nhờ những cách ám muội để tranh đoạt những quyền mà mình chưa đến lượt hưởng. Vận động! ... hèn!

Mấy tiếng ấy dội vào trong tâm trí Nguyệt như những lời hoan hô của quân lính ra mặt trận. Hai người bây giờ đã đi quá cửa Dạ đồ. Tiếng "leng keng" của một cái xe cao su nhà đi qua, một thằng lính lệ chân vấn xà cạp đỏ, kéo một ông quan bận áo rộng xanh, trên ngực lủng lẳng một cái bài ngà...

Cái xe đi qua như nối ý tưởng vào cho Thanh, Thanh dõng dạc nói tiếp:

− Ví dầu nhà nước không cho bổ nữa, thì anh sẽ vào Sài Gòn kiếm việc. Ta đi xa, đi cho thật xa cái xứ này..., cái xứ đi đâu một bước là không phải chạm phải quan lớn thì quan bé, cái xứ bài ngà, kim khánh, mũ cánh chuồn, áo thụng xanh, xà cạp đỏ.

− Sao hôm nay anh trở chứng thế! Anh Thanh? Em muốn anh nói với em những lời dịu ngọt hơn.

Một cái xe song mã đằng xa đi tới. Chỉ thoảng qua, trông hai con ngựa, Thanh biết ngay là xe của chú mình: cụ Tham Lại, bèn bảo Nguyệt:

− Thôi chào em, anh có chút việc rẽ ra đằng này một tý. Ngày kia anh sẽ tới chơi.

Thanh đi về phía Ngọ môn, không hề quay đầu nhìn lại...

Chiếc xe ngừng lại trước mặt Nguyệt. Nguyệt cúi đầu chào. Cụ Tham đon đả hỏi:

− Thế nào? Trời tối thế này cháu chưa về?

− Trời mát, cháu muốn đi bộ chơi một tý cho khỏe.

− Thôi cháu lên xe cùng về một thể ...

Ngài đưa tay giúp Nguyệt lên xe, và bảo nàng ngồi bên cạnh.

− Dượng đợi cháu mãi để về ăn cơm, không thấy cháu về, dượng bèn bảo đánh xe ra bờ sông chơi một lát hứng gió.

− Thế cô cháu cũng chưa " thời cơm"?

− Bà ấy có lẽ đã ăn rồi... đúng giờ lắm!.. Không biết đợi ai bao giờ đâu!

Rồi ngài đưa mắt nhìn Nguyệt một cách "hữu tình" và nói với Nguyệt bằng một cái giọng tựa như lơi lả:

− Dượng thì dượng muốn cháu về ăn một thể cho vui. Người ăn trước, kẻ ăn sau, dượng không muốn thế!

Nguyệt nhìn dượng, mỉm cười ... Ngây thơ nàng đã biết gì đâu...

− Tháng vừa rồi, dượng có tiếp được thư thày cháu không?

− Có, đến hai ba cái.

− Thày cháu có nói gì đến dượng không?

− Thư nào cũng chỉ nhờ dượng săn sóc đến sự học, sức khoẻ, và nhất là đến hạnh kiểm của cháu.

Ngẫm nghĩ một lát, "ngài" lại gật đầu nói tiếp:

− Mà nhất là về hạnh kiểm của cháu ... Dượng không muốn từ rày cháu chơi với thằng Thanh. Đành rằng nó là cháu dượng đấy, nhưng tính thằng ấy đãng lắm. Giá nó chịu nghe thì dượng vận động cho được bổ mau rồi đấy. Tốn bao năm ăn học, tiền của đổ ra như nước ... Hoài.

Nàng dõng dạc cãi lại:

− Mà anh ấy đã làm răng đâu! Anh ấy cũng biết thờ cha, kính mẹ, cũng biết vào gửi ra thưa, cũng là một con người khuôn phép, nề nếp, biết kính trọng gia giáo đấy chứ!

− Chà! Thằng ấy mà biết gì. Ba năm học ở trương Sư phạm Cao đẳng, tưởng nó sẽ tu luyện tính nết để sau này ra làm mô phạm cho đời. Không ngờ chỉ nhiễm lấy cái tính rởm của bạn bè. Cháu không nên chơi với nó. Thầy mẹ cháu muốn vậy, dượng muốn vậy.

Rồi ngài dịch lại gần Nguyệt; bằng một cái giọng yêu đương, ngài rỉ tai vào Nguyệt:

− Cô chớ nên chơi thân với nó. Cô nên nghe lời tôi. Cô phải nghĩ đến tương lai...

Nguyệt ngửng đầu dậy, nhìn trao tráo vào mắt cụ Tham. Nàng tỉnh ngộ. Nàng vừa nhận rằng, trong giọng nói của cụ Tham có điều bất chính. Nàng đã toan đáp vào mặt cụ Tham rằng: "Ngài nên nhớ, tôi là cháu ngài, đối với ngài tôi không phải là một người dưng. Đừng gọi tôi bằng cô, như thế chướng lắm..."

Toan nói, nàng lại thôi. Nàng lẳng lặng cúi mặt xuống, buồn rầu nghẹn ngào, muốn khóc lên.

Từ đấy về nhà nàng không nói  một tiếng và không dám nhìn dượng nữa. Máu uất bốc lên làm cho nàng rụng rời... Nàng nằm lỳ trong buồng nàng, nước mắt đầm đìa. Nàng không ngờ, thật nàng không ngờ dượng nàng lại có lòng lang chạ đến thế!

Nàng nhớ lại những khi ăn cơm hoặc khi ngồi nói chuyện, nàng thường bắt được cụ nhìn trộm mình. Nhưng nàng cũng tưởng là cái nhìn "thật thà" của một ông dượng đối với cháu. Không ngờ! Thật không ngờ!

Dầu ta có muốn cho rằng luân lý là những sợi dây nhiều khi ràng buộc người ta một cách quá chặt chẽ, vô lý, cũng không thế có như thế này được. Hắn đã ngoài năm mươi tuổi, đầu đã muốn bạc, nhứt là hắn đã lấy cô ta. Không, ta không thể dung cái cử chỉ đê tiện của hắn được. Đồ muông thú!

Nghĩ đến đây, nàng nghe có chân người bước vào. Nàng gạt lệ, sửa tóc ngồi dậy. Bà Tham niềm nở hỏi nàng:

− Sao cháu không ra ăn cơm?

− Bẩm cô, hôm nay cháu thấy chóng mặt như muốn cảm.

− Vậy cô sẽ bảo bếp nấu cháo hành cho cháu ăn.

Bà toan bước ra thì nàng gọi lại, muốn đưa hết câu chuyện kể lại cho cô nàng nghe, nhưng nàng thấy ngượng nghịu, bẽn lẽn không sao nói được. Mà nhất là tính nàng xưa nay hiền lành, nàng không muốn có sự rắc rối xảy ra trong cái gia đình đương hòa thuận kia.

− Cháu bảo sao?

− Bẩm cô đừng phiền. Cháu không muốn ăn cháo.

Bà Tham nhìn cháu một cách lo sợ:

− Cô xem cháu hôm nay như có chuyện gì khác thường.

− Bẩm không.

Một lần nữa, toan nói nàng lại ngập ngừng. Nàng thương cô lắm. Nàng không có cái can đảm gieo điều phiền muộn cho cô.

Bà Tham đã đi ra rồi. Nàng đốt nến lên biên thơ cho thày me nàng. Vắn tắt nàng chỉ viết có mấy chữ, đại ý nàng muốn xin phép thày me nàng đi qua một nhà chị em bạn. Vì ở nhà dượng nàng khách khứa và tiệc tùng luôn, không tiện cho sự học. Nàng chỉ nói có thế thôi. Là vì nàng nghĩ rằng: thày me nàng xưa nay tin nhiệm cụ Tham lắm, đột ngột mà nàng thuật ra câu chuyện như thế, chắc khó lòng cho thày me nàng tin mà không khéo lại bị mắng...

Cái thơ nàng viết cho Thanh thì cặn kẽ hơn.

 

Anh Thanh,

Cuộc đời nó chua chát, nó sâu hiểm thật, thỉnh thoảng nó lại buông ra một điều khó chịu để trêu mình chơi. Xung quanh mình toàn là một lũ khốn nạn, đê hèn, chỉ hòng phá hoại cái hạnh phúc của ta, của đôi ta... Thay cho những lời ân ái, dịu ngọt, hôm nay ở chỗ này em thuật lại cho anh một chuyện xấu xa, đê tiện... Chà! Biết nắn ngọn bút thế nào đây, cho khỏi phạm đến cái tình bà con thiêng liêng. Câu nói của anh khi chiều, bây giờ em mới hiểu ra một cách sâu xa. "Bà con chả bà con thì chớ! Khổ lắm". Em có nên viết ra đây cái tên tốt đẹp của người mà em gọi bằng dượng, còn anh gọi bằng chú và những tên lính khép nép, nói một cách kính cẩn: "Cụ Tham Lại". Chiều hôm nay, sau khi chúng ta chia tay rồi, thì em bước lên xe dượng Tham.

Phải, chuyện xảy ra ngay trên cái xe song mã lộng lẫy, trang hoàng. Em vừa phải kêu vì những lời lý thuyết khô khan của anh thì lên xe bây giờ em nghe những lời êm ái như một cung đàn lọt vào tai. Em không nói chơi đâu...

Thật đấy cụ Tham ngồi dịch lại bên em và gọi bằng em ngọt xớt. Vô tình cụ đã thực hành lời nói của anh: "Bà con chả bà con thì đừng", lời em nói đây có vẻ bí hiểm, anh cố mà hiểu. Anh hẳn tưởng rằng em sẽ cho cụ Tham một bài học đích đáng. Không, em nghẹn ngào không nói ra được một tiếng. Từ đấy em ngồi im như bụt, nén cái uất ức trong lòng... Về nhà em không ăn cơm. Em nằm nghĩ đến cái chuyện buồn cười mà nước mắt từ đâu tuôn ra như xối. Em lại cười em rằng: "Sao lại quá nghiêm khắc như thế". Người ta tỏ tình yêu mà mình không yêu lại người ta thì thôi, sự ấy rất thường có chi mà uất ức giận dữ? Đã đành rằng trước pháp luật mà trước cả luân lý nữa một người dượng yêu một người cháu là sự không ai ngăn cấm, nhưng anh Thanh ạ, vẫn thế nào ấy. Một người đã có vợ rồi, và nhất là có bộ râu xồm xoàm rồi, mà con đem lòng quyến rũ một người con gái ngây thơ, khờ khạo vào vòng thê thiếp của họ, thì em cho là một điều xấu xa, khốn nạn, dầy dụa. Mà họ có biết cho đâu, chỉ khổ cho mình phải mắc cỡ thẹn thùng. Mấy giờ đồng hồ em không ra khỏi phòng, em không nhìn ai hết: tưởng như em vừa phạm phải một lỗi gì. Ngày mai cắp sách đến trường chắc em còn phải mắc cỡ với chị em bạn nữa đấy, dẫu rằng câu chuyện chưa lọt ra đến ngoài... trừ anh...

Chào anh

NGUYỆT

 

Viết đến đây thì nàng nghe có tiếng giầy đi ngang qua. Quan Tham dừng lại niềm nở hỏi Nguyệt.

− Bây giờ cháu chưa ngủ? Khuya rồi! Dượng xem cháu độ này gầy lắm. Không nên học lắm... Con gái thi với cử mà làm gì?...

Nàng đứng dậy lễ phép thưa:

− Bẩm ngày mai hạch về món hóa học, cháu phải học ôn lại.

− Học thì vặn điện mà học, chứ học nến hư mắt đi cháu!

− Dạ...

Ngài lại đi ra ngay.

Nàng mỉm cười một cách chua chát. Nàng vừa nhận thấy trong giọng nói và cử chỉ của cụ Tham có vẻ dớ dẩn buồn cười.

Vào thăm cháu chỉ nói mấy câu rồi đi ra, kể thì "thật thà" lắm đấy.

Trước khi tắt nến đi ngủ, nàng còn viết thêm vào thư Thanh, mấy hàng chữ sau này nữa:

"Anh Thanh, dượng em vừa vào thăm em đấy. Ngài ân cần hỏi đến sức khỏe em, và sự học của em. Trên đời này khó kiếm được một người dượng tốt đến thế!"

II

Cách một tuần sau Nguyệt đang ngồi thêu trong phòng học thì bà Tham đi vào, nét mặt rầu rầu. Bà ngồi lại cạnh nàng và buồn bã nói với nàng:

− Một cái nạn lớn vừa xảy đến cho thày cháu. Theo như thơ thày gửi cho dượng thì hiện nay thày cháu bị dân kiện về khoản hối lộ. "Tỉnh" đã phái ra một viên kinh lịch để tạm thay cho thày cháu, hiện thày cháu đã bị đòi về tỉnh "hậu cứu". Còn mẹ cháu, các em cháu, cùng gia nhân thì đã dọn về quê hết.

Nghe đến đây, nàng tái cả mặt, rưng rưng nước mắt.

− Chắc là có kẻ vu oan, chứ tính thày cháu, cháu biết, từ khi xuất chính đến nay không lấy của ai một đồng xu nhỏ.

− Vẫn biết thế, nhưng gỡ cho rồi việc cũng không phải dễ. Vả lại cái "tay" bẩy thày cháu, nghe đâu là một tay "cung cò" lợi hại ở trong huyện hạt. Về việc ấy, cô có hỏi dượng, dượng nói rằng: Nếu không chịu mất tiền, và không khéo vận động ra thì phải "mắc".

Nhớ lại lời Thanh nói, Nguyệt dõng dạc đáp:

− Nhưng sao thì sao chứ "vận động" chắc là thày cháu không muốn. Cháu cũng không muốn thày cháu dùng đến những cách ám muội, những cách bất chính để gỡ tội.

− Sao cháu hay nói dở thế... Thế nào là ám muội, thế nào là bất chính? Mình bị mắc oan, tình ngay mà lý gian! Quan trên đâu có hiểu cho mình, nếu mình không biết...

− Đã đành rằng thế, nhưng!... Nói như cô thì ra pháp luật cũng không bảo đảm được sự công minh ư?

− Pháp luật đâu có biết những việc ngoắt nghéo ở trong lòng người ta... Pháp luật chỉ dựa vào những cái chứng cớ rõ ràng để phân xử. Cháu còn khờ dại đã biết đâu những chuyện ấy, cô đây theo chân dượng cháu đã ngót 25 năm, khi ở tỉnh, lúc về bộ, cô đã từng nghe thấy lắm điều rắc rối... Những vụ kiện lớn bao giờ cũng xử trong bóng tối, ở tư thất, ở hậu đường.

− Nhà cháu thì nghèo, lấy gì mà chạy chữa!

− Nghèo thì nghèo cũng phải "gắng". Danh giá để mô? Nhưng cháu cũng đừng lo nghĩ lắm. Việc ấy nghe dượng nói cũng đã tư về bộ. Có anh có em, có phe có cánh thì may ra cũng trôi việc. Cháu cứ yên tâm, chiều này cô sẽ về thăm mẹ cháu ở làng, và nhân thể để hỏi đầu đuôi câu chuyện... thơ từ nói không hết. Dượng giục cô đi chuyến tàu hai giờ. Trong lúc vắng cô, cháu thay cô săn sóc cửa nhà cho tiêm tất.

− Dạ con sẽ xin phép nghỉ học ít hôm.

− Việc gì phải bỏ học. Cô chỉ muốn lúc nào rảnh thì cháu giúp cô, ngó tới công việc của bọn lính tráng một tý, đừng cho chúng nó để bừa bãi...

 

 

***

 

Trong lúc vắng bà Tham, Nguyệt thấy khó chịu vô cùng, nhất là khi ăn cơm, vì Nguyệt phải ngồi một mình đối diện với cụ Tham.

Nàng bẽn lẽn ngỡ ngàng, bữa nào nàng cũng muốn ăn hối ăn hả để đứng dậy trước. Mà cụ Tham thì muốn kề cà nói chuyện, toàn những chuyện vu vơ, dớ dẩn. Nàng phải ngồi lại cho đến hết bữa cơm, vì phép lịch sự thì ít, mà vì nể thì nhiều, nhứt là Nguyệt vừa tiếp thơ mẹ ở quê gửi ra, khuyên nàng chớ nên vô cớ đi ở nhà người khác, trong lúc nhà còn nhờ cậy dượng nhiều việc. Những việc gì Nguyệt cũng thừa biết.

 "Vận động" bao giờ cũng ám muội, nhưng sẽ nhờ nó mà thày ta tránh được khỏi tội và cả nhà được yên vui.

Nghĩ vậy nên đối với cái cử chỉ nhố nhăng của cụ Tham, nàng muốn bịt mắt bỏ qua...

Cho đến chiều hôm nay, cụ Tham mời nàng ra vườn hoa uống nước trà và thưởng trăng, nàng cũng phải nhận lời ngay. Nàng đã hứa với nàng sẽ ngồi im như ông phỗng, thế mà nàng phải cười cười nói nói như một người sung sướng. Ngồi chơi đến khuya, cụ Tham bỗng ra lịnh cho lính hầu đi nghỉ... Nguyệt thấy lo sợ, toan đứng dậy xin phép vào, thì cụ Tham giữ nàng lại:

− Cháu hãy gượm, dượng còn có câu "chuyện riêng" muốn nói với cháu.

Nàng dõng dạc hỏi lại:

− Bẩm dượng, câu "chuyện riêng" ấy, xin dượng cho cháu biết.

Cụ Tham điểm một hớp nước trà, lấy giọng ngọt ngào êm thấm nói với nàng:

− Cháu chắc đã biết tin thày cháu rồi đấy?

− Bẩm, cháu đã có nghe cô cháu nói chuyện.

− Cháu hãy tưởng tượng một viên tri huyện nhậm chức một huyện lớn như thày cháu, bỗng không trong hai mươi bốn giờ đồng hồ bị triệt hồi. Cháu nên biết rằng: cái "khoản" này "tháo" cho ra cũng hết nhà. Từ hôm ấy đến nay dượng đã tiếp được ba cái thơ của thày cháu. Đã đành rằng việc của thày cháu, dượng cũng coi như việc dượng... nhưng ở trong cái thời đại "kim tiền vạn năng" này, biết làm thế nào? Mà nhà mình cũng chả phải giầu có chi?

Nguyệt lầm tưởng rằng: câu chuyện riêng của cụ Tham là những lời trêu hoa ghẹo nguyệt bất chính, nào hay là một việc có quan hệ đến nhà mình, thì nàng dịu nét mặt, đưa mắt nhìn dượng một cách đầy chân thật để tỏ lòng cảm tạ.

− Thế dượng có cách gì cứu được thày cháu không?

− Ngoài cách mất tiền ra thì có lẽ cũng chả có cách gì nữa.

Nàng cúi mặt thở dài, cụ Tham ung dung nói tiếp:

− Còn một cách nữa, nhưng kể cũng hơi khó. Dượng làm ở bộ Lại, giấy má thế nào rồi cũng qua tay dượng. Dượng sẽ kêu giùm với cụ Thượng cho. Nhưng đằng nào rồi cũng mất tiền, mà nhà thầy cháu thì cũng không có dư, mà dượng thì cũng không giàu. Mấy cái nhà của dượng cho thuê ở phố Gia Long đó, nếu cần thì bán quách đi mà liệu việc… cũng được.

Ngài vuốt râu, đưa mắt nhìn Nguyệt, rồi lại tiếp:

− Về việc thầy cháu, việc … cháu, dượng cũng coi như việc của dượng, nếu được cháu vui lòng chịu…

− Bẩm dượng dạy sao?

Cụ dượng Tham liền nói nói trớ rằng:

− Dượng nói rằng: nhà cửa dượng thì nhiều, mà dượng thì không có con trai nối dõi. Đem một người ngoài về thì cô cháu không bằng lòng, mà thật lòng dượng cũng không muốn thế…

Nàng rất hiểu ý cụ Tham. Nàng mỉm cười, một nụ cười vừa ngạo mạn vừa chua chát:

− Thì có một cách tiện hơn hết, vừa vui lòng cô, vừa vui lòng dượng, là dừng đưa ai về hết.

Đến đây nàng đột ngột đứng dậy xin phép cụ Tham đi vào nghỉ.

Nàng giẫm chân, nghiến răng tự nói một mình:

− Đã biết mà! Câu chuyện rồi cũng phải đến chỗ ấy... Quân khốn nạn! Giá ta không thương tình thầy ta, thì ta đã cho hắn một bài học nên thân.

Nàng đưa sách ra học, nàng cố học để quên những chuyện vừa xảy ra...

 


 

III

 

Nguyệt đi học về, vừa vào đến sân, thì nghe tiếng mẹ ở trong nhà nói ra:

− Chà! Con Nguyệt độ này gầy dữ! Làm sao thế con?

Nguyệt thấy mẹ đương ngồi nói chuyện với cô, thì mừng quá, vội vàng chạy lại hỏi han:

− Việc thầy con ra sao? Các em con vẫn mạnh chứ?

− Việc thầy con thì đã biết đâu mà nói. Còn mấy em con thì vẫn chơi cả. Thằng Thiện đi kiết mấy hôm, nay đã bớt.

Nàng quay lại nũng nịu nói với cô:

− Vắng cô, công việc trong ngoài con coi tiêm tất, chỉ chú Vinh, chú ấy khó sai biểu quá, cháu định về mách cô đó!

Bà Tham đưa mắt nhìn bà Huyện rồi nói:

− Con Nguyệt nó cũng đi học như mấy đứa khác, nhưng nó không hư. Con Huệ con ông Tham Hinh, không biết thổi nồi cơm chi chín nữa đó chị!

Rồi hai bà nhìn nhau cười, như yên lặng trao đổi cho nhau những ý kiến bí mật.

Bà Huyện bảo con:

− Nguyệt, con vào cất sách đi, rồi ra đây mẹ bảo.

Nguyệt đi vào.

Bà Tham ghé tai bà Huyện nói nhỏ:

− Chị cứ thế mà dỗ cháu. Tôi chắc thế nào nó cũng phải xiêu.

− Đã đành rằng thế, nhưng mình cũng chớ ép nó lắm, phải để cho nó tự do một chút thì hơn, vì sợ có điều không hay về sau. Chị phải biết nó là gái có học, sợ nó hay nghĩ lẩn thẩn.

Trong lúc ấy thì cụ Tham ở bộ về, thấy bà Huyện thì ngài vồn vã hỏi chuyện.

− Thế nào? Hai bà có ghé thăm anh tôi chứ? Anh tôi có lo nghĩ lắm không?

Bà Huyện đáp:

− Tính quan tôi hay lo lắm. Chỉ mấy hôm mà trông người bơ phờ...

− Tội nghiệp!

− Dượng đã có bẩm qua với cụ Thượng cho rồi chớ?

− Có...

− Ngài có dạy thế nào không?

− Hơi khó! Cái ấy còn chờ quan Sứ tỉnh và  tòa Khâm. Cụ Lại ngài cũng chưa tỏ ý gì. Phần riêng tôi, hôm qua có viết một cái thư riêng cho quan Tuần Quảng Bình.

− Theo ý dượng thì việc có thể "xuôi" được không?

− Cũng không thể biết trước được...

Một người khách vào làm đứt ngang câu chuyện.

IV

Ăn cơm xong, Nguyệt vừa lấy sách vở ra học thì mẹ nàng bước vào. Bà Huyện nhắc ghế ngồi bên con, nhìn con thở dài.

− Tình cảnh đến thế này, mẹ chẳng muốn con học với hành mà làm chi nữa. Con học đến thế cũng đã nhiều rồi. Con gái mà cần gì bằng nọ với bằng kia, con? Mẹ muốn con về với mẹ độ ít lâu, mẹ dạy cho con vá may, nấu nướng, học làm một người nội trợ. Con đã đến tuổi rồi, con cũng phải kiếm tấm chồng để mai sau nương cậy. Mẹ nghe dượng cô con thường ngợi khen tính nết của con thì mẹ cũng có bụng mừng. Mẹ có câu chuyện muốn bàn với con... không biết con có biết nghĩ đến tình thầy mẹ mà nghe cho không!

− Xin mẹ cứ nói: con không nghe lời thày mẹ thì nghe ai.

− Mẹ cũng biết thế, nên mới nói chuyện này với con. Con hẳn cũng biết đấy. Nhà ta đang gặp bước nguy nan. Thật là tai bay vạ gió bất kỳ... Mấy mươi đời ông bà ta làm điều phúc đức, mà đến đời thầy con cũng không làm điều gì ác, không hiểu sao lại có quả báo này. Trông bộ thầy con mấy bữa nay bơ phờ xờ xạc thật là ảo não.

Nguyệt rơm rớm nước mắt hỏi mẹ:

− Thế quan trên có xét cho thầy con không?

− Họ chỉ biết có tiền! Oan hay không oan họ có cần chi hỏi tới. Nhà ta thì nghèo, ít vây cánh. Trước sau cũng chỉ nhờ cậy có một mình dượng con, dượng con cũng hết lòng hết dạ với nhà ta đấy, nhưng nói cho thật, đối với ta, dượng con cũng như một người ngoài mà thôi... Người ta có giúp mình được việc, thì mình rồi cũng phải tính sao chứ, mà mình có tính sao người ta mới giúp cho mình chứ. Tử tế đến đâu người ta cũng không dại gì giúp không cho mình... Thật mẹ cũng không biết lòng con thế nào mà nói...

− Xin mẹ cứ nói.

− Hôm qua cô con có ngỏ ý với mẹ rằng: ước sau này cô cháu sẽ về chung một nhà, trước có cô, sau có cháu cho vui.

− Bẩm mẹ dạy sao con không hiểu.

− Thì để mẹ nói nốt... Dượng con số muộn màng, quan to của lắm mà chỉ hiếm một chút con trai để sau này nối dõi cơ nghiệp; cô con đã nghĩ kỹ: không lẽ cơ nghiệp ấy, tự dưng để cho một người ngoài vào hưởng, mà thầy mẹ cũng nghĩ thế. Giá ép con đi lấy lẽ thì thày mẹ không phải với con nhiều, nhưng đằng này cô cháu đấy chứ ai mà sợ. Vả con có nhận lời thì việc thầy con mới mau xong, con chắc cũng thừa hiểu vì sao. Mẹ không  muốn ép con. Mẹ chỉ biết rằng gả con vào chỗ ấy thì mẹ cũng vững lòng khỏi sợ cho cái tương lai của con.

Nàng gục đầu vào lòng mẹ khóc:

− Còn ái tình của con, thày mẹ sao không nghĩ tới.

− Con nói gì mẹ không hiểu. Sẽ có cưới hỏi đàng hoàng, có giá thú phân minh, rồi sau này con sinh con đẻ cái, sao con lại bảo là không ái tình?

− Thưa mẹ, có thể có bấy nhiêu cái mà không thể có ái tình được.

Nàng bấm môi, cả quyết nói:

− Không không, không thể được. Con không thể yêu một người như thế được, một người đã có vợ rồi, một người đã có tuổi, một người khệnh khạng, một ông quan.

− Ô hay! Con tôi nói gì thế? Nguyệt! Con không nghĩ đến tình cảnh thầy con sao? Thày con đương lâm nạn, nhà gặp bước nguy vong... Con không nghĩ đến mẹ, đến em con!

Nguyệt vẫn nức nở khóc. Bà Huyện lại đưa giọng êm ái ra "dụ" nàng:

− Sao con đành đoạn thế! Con hãy nghĩ đến cái cảnh nhà ta, sau khi thầy con bị lột chức! Con không biết mấy mươi năm thầy con làm quan có tậu được tấc đất tấc vườn nào đâu! Cả nhà chỉ trông vào lương tháng thầy con mà sống. Không, con nên nghĩ xa hơn một tý, và con nên đặt chữ "hiếu" lên trên hết mọi sự... Thúy Kiều ngày xưa gặp cơn gia biến, bán thân nghìn vàng để chuộc cha, đối với Kim lang chỉ tuôn được một giọt nước mắt... Đằng này con không phải bán mình, con đi lấy chồng kia mà. Chồng con là một vị trọng thần tại triều, có chức tước, có tiền bạc, con còn đòi chi hơn nữa? Lấy cụ Tham, con sẽ trọn được chữ hiếu, vẹn được chữ tình. Xưa nay dễ ai làm được cả hai điều như thế?

− Nhưng mẹ quên một điều là mẹ gả con đi làm lẽ.

− Sao con lại nghĩ lẩn thẩn như thế? Nói thế chả hóa ra con lại đi phụ lòng tốt của cô con! Phận con cháu, con vào hầu hạ cô con không xứng sao? Cô con không may, số phận muộn màng, nếu sau này con được sớm con sớm cái, thì con của con chẳng phải là con của cô con sao? Rồi cái cơ nghiệp to tát ấy chả về mình thì về ai?... Con đã lớn, con lại có đi học, con không nên để mẹ nói nhiều.

Gạt dòng lệ, gượng làm vui Nguyệt bảo mẹ:

− Thôi mẹ đi nghỉ đi kẻo nhọc! Khuya lắm rồi. Mẹ cho con hạn hai hôm nữa sẽ trả lời mẹ.

Bà Huyện vui vẻ, vuốt ve con gái:

− Thầy mẹ đã tốn của cho con ăn học, con nên xử cho ra người có học.

Nguyệt mỉm cười nhìn mẹ. Vì chính sự học của nàng đã cho nàng hay rằng: những lời mẹ nàng vừa nói đó là không có nghĩa lý gì.

Nghe lời mẹ, nàng sẽ xử ra một người vô học, nhưng mẹ nàng muốn thế, nàng cũng phải chiều lòng.

Bà Huyện chưa bước chân ra khỏi phòng thì Nguyệt đã gục đầu vào sách khóc nức nở. Nàng trách mình sao không trả lời ngay cho mẹ.

Nàng không hiểu sao nàng lại hẹn hai hôm làm gì. Hai hôm nữa rồi thì nàng có khỏi nghiến răng, bẫm bụng mà trả lời rằng: "Dạ con xin nghe lời mẹ, vào hầu hạ cô, dượng con..."

V

 

Việc quan Huyện người ta thu xếp đã yên. Ngài chẳng có tội gì hết, chỉ bị quan công sứ tỉnh ấy quở trách xoàng thôi, và bị đổi về bộ, làm tạm phái bộ Hình. Với một ông quan khác thì như thế là thiệt hại nhiều lắm, nhưng đối với quan Huyện Trần thì cũng không sao: tính ngài thật thà, nhút nhát, chậm chạp, "ra ngoài" không lợi cho ngài được bằng "về trong". Làm một viên tri huyện, tri phủ mà quá ư thật thà thì lương bổng chỉ vừa đủ đãi khách...

Ngài thuê một gian nhà ở trong thành cho vợ con và gia nhân ở. Cô Nguyệt cũng về ở với thày mẹ cô. Cô thôi học đã hai tháng nay. Những điều viển vông trong những khoa nàng học không có can hệ gì đến cái đời của nàng sắp bước vào... Nàng phải đi học những cái khác, thiết thực hơn, có ích hơn, chẳng hạn như cách học chiều chuộng chồng, hầu hạ bà vợ cả, cách tiếp đãi các bậc quan lớn, các bà mạng phụ... Ngoài các món ấy, nàng còn phải học cách làm bánh ngọt, tỉa vẽ đồ ăn cho khéo... công việc ấy, ở trong những nhà quan sang, là công việc quan trọng, vì các bà các cô ăn không ngồi rồi chỉ kiếm cách để "đàn hạch" nhau trong các món vặt ấy.

Trong thời kỳ tập sự, người ta không muốn nàng đi ra ngoài nửa bước, nhứt là người ta không muốn nàng giao thiệp với những chị em bạn nàng ngày trước. Vì người ta sợ rằng nghe những lời bàn tán của các cô gái mới, nàng đâm ra nghĩ lẩn thẩn... Biết rằng: hễ ngày cưới đến là nàng sẽ bước vào một cảnh khổ não không mong gì tháo ra được nữa, mà nàng vẫn ao ước cái ngày ấy sẽ đến gấp, đến ngay... Thường tình người ta vẫn thế, khi biết rằng chết thì mạnh bạo ưng cái chết đến lập tức. Nhưng không, người ta còn bắt nàng phải sống dây dưa trong những ngày chờ đợi, lo lắng, sợ hãi…

Lắm lúc nàng nóng lòng xin mẹ cho người ta cưới gấp, thì mẹ nàng mỉm cười nhìn con, vẻ sung sướng lộ tràn trên mặt:

− Chính cụ Tham cũng muốn xin cưới gấp, nhưng mẹ sợ thiên hạ người ta cười, con mẹ ế ẩm đến nỗi phải "cho" người ta một cách dễ dàng như thế! Mẹ có khất cụ Tham lại một hạn ba tháng nữa.

− Làm gì mẹ phải khất như khất nợ thế? Mẹ gả quách cho người ta có được không.

Nguyệt nhìn mẹ cười ngặt nghẽo. Nàng vừa thấy thân mình như món nợ có thể trị giá bằng bạc thật... Nàng đau đớn vô cùng. Rồi nàng lại cho rằng: nghĩ thế là đã gần như phạm đến chữ "hiếu" thiêng liêng... Mà từ rầy trở đi, nàng chỉ sống theo ý muốn của cha me nàng, đúng như câu tục ngữ "đặt đâu thì ngồi đấy". Nàng không kháng cự một lời, vì kháng cự là bất hiếu. Theo cái luân lý xưa nay con tức là cái di thể của cha mẹ, thân mình hoàn toàn thuộc về quyền sở hữu của cha mẹ. Nhờ sự kèm cặp của cha mẹ bấy nay, cô học sinh ngây thơ bây giờ mới "ngã người" trước cái chân lý: "mình không bao giờ có quyền xử liệu cái thân mình theo ý muốn". Cái luân lý ấy đã cai trị một xã hội trong mấy ngàn năm, cái luân lý ấy không thể lầm được... Người cha là người tự tay ông bà trao cho trách nhiệm bảo vệ cái luân lý ấy, thì những mệnh lệnh gì tự người cha truyền ra, là phải "tuyệt đối".

Nàng chỉ còn một cái quyền, cái quyền phản đối, im lặng ở trong lòng, cái quyền nén giận, nuốt hờn... Lần lần vì bị những cái "quyền"  khác ở ngoài vào xâm chiếm, cái quyền độc nhất còn lại của nàng đó rồi cũng phải tự nó tiêu diệt.

Khổ não cho nàng nhất là nàng không còn được phép nghĩ đến Thanh nữa. Cái thư cuối cùng nàng gửi cho Thanh, vắn tắt có mấy hàng chữ thế này:

 

Anh Thanh! Làm con phải đặt chữ hiếu lên trên mọi sự. Mẹ em dạy vậy, và em cũng cho rằng bổn phận em là phải tuân theo... Cái ái tình, em đã trót gây ra với anh, là vì thủa ấy, em còn ngây thơ, chưa biết gì, còn tin cậy một cách ngây ngô rằng: "Mình muốn yêu ai thì yêu". Bây giờ em khôn lớn lên, em mới hay rằng: không thể như thế được. Anh đừng hỏi "tại sao ta không thể yêu nhau được nữa?". Đừng nói thế; người ta sẽ cười anh là ngớ ngẩn... ngoài việc cưới hỏi ra, cái ái tình nào cũng là cái ái tình bá láp. Anh đã hiểu chưa?

Những thư từ em đã trót dại viết cho anh, xin anh hủy đi cho. Rồi mặc anh muốn khinh em, mắng em, hay là rủa em thế nào cũng được.

Vì từ đây em không có tý trách nhiệm ở đời, trách nhiệm ở cả những người khác, chẳng hạn ở như những người có công sinh em ra ở đời và đương cầm cái sinh mệnh em ở trong tay...

Chào anh

NGUYỆT

TÁI BÚT: Em sắp lấy chồng đây... Xin miễn cho giấy "báo tin". Vì chồng em, chẳng ai khác, là chú ruột anh. Anh muốn mừng cho em một thứ gì, một bó hoa hay một bài thơ, một câu đối, vật gì cũng được, vì đối với em bây giờ, những vật anh tặng cũng chả có một cái ý nghĩa gì, trừ cái ý nghĩa thù tạc của một người đối với một người.

 

 

Hai lần nàng đọc lại, nàng vẫn không nhận thấy cái giọng chua chát đau khổ trái với ý nàng đã lộ ra trong mấy hàng chữ. Nàng lại khen nàng đã có lòng quả quyết cứng cỏi, dám viết ra một bức thư từ tuyệt rất vô lý như thế, nhất là bức thư ấy lại viết cho người mà nàng đã rơi không biết bao nhiêu nước mắt.

Nàng tưởng như thế là cái ái tình nàng đã xếp yên được, và Thanh sẽ giận nàng và quên nàng. Không bịn rịn, nàng sẽ vui vẻ đi trên con đường mà nàng gọi một cách buồn bã "con đường hy sinh". Nàng tưởng như đã gần có cái lạc thú của một đấng tử vì đạo, hy sinh hết cái hạnh phúc của mình cho một cái lý tưởng cao xa... mà cái lý tưởng của nàng là đạo hiếu. Nàng cố quên mọi sự để gây cho mình một cái lòng tín ngưỡng thành thực, nhưng sự thực thì nàng chỉ còn là một con chiên giả dối mà thôi. Đạo hiếu đối với nàng chỉ là một con đường đi về chỗ tối tăm, cùng cực. Nàng thường sánh mình với một kẻ tử vì đạo, nhưng đó chẳng qua chỉ muốn an ủi mình đó thôi, chứ nàng cũng hiểu chán rằng: Nàng với kẻ tử đạo còn khác nhau xa, như một trời một vực. Kẻ tử đạo còn có cái mộng lên thiên đường, dầu đó là một cái mộng mà thôi; đến như nàng thì than ôi! chỉ còn có... cái hy vọng, cái hy vọng xuống ba mươi sáu tầng địa ngục.

Không có ái tình, người ta còn có thể tìm cái vui ở chỗ khác, mất ái tình người ta không còn thấy vui ở chỗ nào hết nữa.

Nàng chỉ ước một điều là: về ngay nhà chồng. Nhưng nào người ta đã cho nàng được như nguyện! Thì một sự tình cờ đã giúp nàng: Cụ Tham Lại, có lệnh trên, bổ đi Tổng đốc Thanh... Cái đám cưới mà người ta dự định sẽ cử hành một cách long trọng để làm cho "nở mặt" bên nhà gái, bây giờ, trong lúc gấp bức, người ta chỉ xin làm một cách đơn sơ... Quan Huyện, bà Huyện, và cả những người dưng cũng ra chiều thất vọng... Duy có Nguyệt thì nhí nhởn nói nói cười cười, làm ra bộ một  người sung sướng...

Đáng lẽ đám cưới, người ta sẽ cử hành giữa ban ngày, phô trương trước mắt mọi người, nhưng bây giờ người ta dã định làm một cách đơn sơ giản dị, thì đám cưới lại phải cử hành trong lúc đêm vắng.

Ăn cơm xong, Nguyệt ra đứng thơ thẩn ở dưới gốc lệ chi ngoài vườn. Nàng tựa vào gốc cây trông ra chốn chân trời rộng rãi, hai con mắt mơ màng say đắm. Nàng lấy bao thuốc lá Job mà nàng mới mua hồi chiều ra hút, hút hết điếu này đến điếu khác mà không hề thấy say. Từ khi nàng mới tập cái thói rởm ấy thì Thanh đã cấm ngay không cho nàng được hút nữa… Nhưng hôm nay, hình như muốn trái lại lời dặn của người cũ, nàng muốn lại hút cho thật hả, cho bõ những lúc thèm thuồng… Nàng hẹn với nàng rằng, từ bây giờ cho đến khi người ta tới rước nàng, nàng phải hút cho hết bao thuốc. Rồi nàng mỉm cười với cái ý rất ngộ nghĩnh của mình…

Bỗng nàng ngẩng lên trời. Qua những cành cây thưa, nàng thấy một bầy vạc bay từ phía nam sang bắc, hăng hái như một đội binh hùng dũng đi làm những cuộc chinh phục to lớn ở chốn phương trời xa lạ… Nàng tưởng tượng đến cái cuộc đời to lớn ở những nơi nước non rộng rãi, bất giác nàng nghĩ đến chiếc xe hơi hòm chật hẹp chốc nữa sẽ đến cướp nàng đi… Nghĩ đến cái chiếc xe hơi hòm, nàng bật nực cười… Là vì có lẽ bởi sự sắp cưới hầu non mà cụ Tham Lại đã quả quyết lấy cái xe hòm thay cho cái xe song mã. Xe song mã nó có cái vẻ đài các cổ kính, khệnh khạng, cụ Tham không muốn cho cô hầu non của mình tưởng lầm rằng mình cũng có bao nhiêu cái đặc tính ấy cuả chiếc xe song mã. Cụ quả quyết tậu cái xe hòm là chỉ để tỏ ra cho ai đó biết rằng cụ vẫn còn trẻ trung, vẫn còn hoạt bát, vẫn còn có những cái thích muốn suồng sã của tuổi trẻ.

Bỗng nàng nghe có tiếng mẹ gọi:

− Cô Nguyệt đâu không vào mà sửa soạn…

Im lặng, nàng bước vào. Trong nhà, những ngọn đèn điện sáng trưng tỏa ra một cái ánh sáng rực rỡ vui vẻ lạ nhường… Những bà con và năm ba người khách quen của nhà nàng đã đến đông đủ, hút thuốc nhai trầu, cười cười nói nói, vô tình đã chế nhạo nàng một cách chua chát…

Thế rồi vài chiếc xe hòm đến cướp nàng đi. Đám cưới cử hành một cách giản dị, êm đềm. Không có những người hiếu kỳ chực sẵn ở góc đường đầu phố để dòm cô dâu. Không có những tiếng reo hò của của trẻ con. Không có tiếng pháo nổ. Đám cưới của người vợ lẽ lạnh lẽo buồn tênh!

Nguyệt ngồi bên cạnh bà Tham, hai mắt mơ màng trông ra ngoài… Những hàng cây mù u nhìn nàng một cách điềm đạm. Nàng thấy lạnh lùng tưởng mình đang dự một đám ma không kèn không trống, im lặng đi, đám ma hấp tấp vội vàng trong lúc đêm khuya của một khách giang hồ không bà con thân thích, bỏ mình chốn nước non xa lạ.

Nhưng không, đây là đám cưới của nàng… Nàng quay lại nhìn bà Tham… Bỗng nàng tái mét mặt: nàng tưởng như trông thấy những nét dịu dàng phúc hậu trên mặt bà đã biến thành những nét nghiêm khắc, tàn nhẫn, tưởng như bà cô của nàng đã biến thành người vợ cả hung ác…

Bà Tham nhìn nàng, cười âu yếm:

− Cô hai làm sao thế?

− Bẩm không…

Hai tiếng “cô hai” làm cho nàng thẹn thuồng đỏ mặt. Nàng mỉm cười nghĩ đến những cô gái sau này sẽ nối chân nàng vào làm lẽ cụ Tham, những cô sẽ đổi cái hiệu “cô ba”, “cô tư”, “cô năm”, “cô sau”, “cô bảy”, “cô tám”, v.v… Cái ấy có thể tin được lắm, vì ta chảng thấy có cụ lớn già đến 70 tuổi còn cưới vợ thứ mười, người vợ mới mười tám tuổi… Nàng rùng mình.

− Cô hai làm sao thế?

− Thưa cô đừng gọi thế, cháu ngượng quá!

Câu nói của Nguyệt làm cho bà Tham hơi thẹn.

Một chiếc xe đã đỗ ngay trước một cái nhà lầu nguy nga ở trên sông Phú Cam, cái sở nhà riêng mà cụ Tham mới tậu để sau này khi hưu trí sẽ về ở. Cụ Tham bận cái áo gấm ngũ thể đứng đợi ở thềm nhà… Tôi xin giới thiệu với các bạn đọc: ông rể đấy. Nhưng không phải là các ông rể khép nép rụt rè mà các bạn thường hay thấy trong những đám cưới khác. Mọi người đi ngang qua ông rể ấy đều phải cúi đầu sát sạt, cũng như mọi lần tới trước mặt ngài để hầu thưa một vụ kiện… Họ quên đi rằng đây là một đám cưới.

Mọi người đều đi vào phòng khách, còn Nguyệt thì có người dẫn đi ngả sau mà lên lầu. Nàng vào một cái phòng ngủ trang hoàng đầy những câu đối và hoành phi. Giá nàng đọc được chữ nho thì trong lúc ngồi buồn thiu như lúc bấy giờ, nàng ngâm lên có lẽ cũng thú vị… Trên cái ban thờ treo ở vách, bên những hoa quả bánh trái, hai ngọn nến đương lim dim cháy…

Nàng nghĩ đến lễ tơ hồng… Buồn tủi, nàng muốn bật ra khóc. Nàng cho rằng: trong lúc người ta đã châm chước những lễ nghi phiền phức lỗi thời mà người ta còn muốn giữ cái lễ khả ố này lại, là người ta muốn chế nhạo nàng một cách chua chát. Vì ông tơ bà nguyệt đối với nàng là những vị ác thần đã se lầm se lỡ…

Hai cái gối xếp màu đỏ thêu những con rồng vàng chễm chệ trên cái giường Hồng Kông như đương thì thầm với nhau về những trò ngộ nghĩnh mà chúng sắp nhìn thấy mình!  Nàng gượng cười lẩm bẩm: Gối cao thế này thì kê thế chó nào được? Trông một vật tầm thường như thế, nàng đã nhận ngay được sự bất đồng giữa hai tuổi già và trẻ...

Bỗng nàng nghe có tiếng đẩy cửa... Cụ Tham ung dung đi vào, theo sau hai chú lính, một chú mang cái điếu bình và một chú cầm cái quạt.

Nguyệt thấy hai tên lính còn lẽo đẽo theo hầu bên lưng thì nàng có cái cảm giác như đương ở trong cảnh giam cầm.

− Thưa dượng...

Cụ Tham nghe hai tiếng "thưa dượng" thì nhìn nàng một cách đầy ngạc nhiên...

Nàng ngập ngừng không thể nói được nữa.

− Cô Hai cứ nói đi.

− Bẩm... Cụ lớn, xin phép cụ lớn cho hai chú lính lệ đi ra.

− Tưởng là gì, có thế cô Hai cứ bảo ngay chúng nó.

Rồi vuốt râu cười mủm mỉm, cụ Tham bảo cô Nguyệt:

− Thôi khuya rồi! Cô Hai đi nghỉ kẻo mệt.

− Thế cụ không làm lễ tơ hồng?

Cụ Tham cười ngặt nghẽo:

− Tôi cũng muốn lắm chớ, nhưng vì cô, tôi châm chước đó vậy.

Rồi ngọn đèn điện tắt, hai cây nến ở trên bàn thờ cũng theo nhau lụi...

Nàng nằm yên, không dám thở mạnh, quay mặt ra phía ngoài. Bỗng một cái bàn tay xương đưa ngang qua lưng, và nắm tay nàng mân mê... rồi một cái hôn khô khan rít ở trên má nàng, những chòm râu rễ tre xát vào thịt nàng, gây nên những cảm giác rùng rợn... Nàng muốn rú lên, nhưng miệng không há được. Mồ hôi đầm đìa chảy ở trên mình nàng.

− Cô Hai, cô cởi áo ra nằm kẻo bức.

− Dạ...

Nàng đứng dậy vội vàng cởi chiếc áo ngoài ra, vắt lên trên cái ghế tô-nê, rồi mạnh bạo lại lên giường, dâng cái xu xác mình cho cụ lớn. Nàng nằm cứng đờ ra như một khúc gỗ, nàng không biết nàng có những cảm giác gì nữa.

Chiếc đồng hồ trên vách đã đánh bốn tiếng. Nàng giật mình tỉnh dậy. Nàng rón rén đi lại gần cửa sổ, mở hé cánh song. Mặt trăng, về khuya chênh chếch ở trên dãy đồi xa xa, lặng buông ra một cái ánh sáng lờ mờ, lạnh lẽo... Qua cánh song, nàng thấy cảnh vật như khoác một màu huyền ảo êm đềm. Những chòm cây xa dưới bóng trăng mờ phất phơ lay động như những linh hồn lửng thửng giữa lưng chừng, mình khoác một tấm màn trắng.

Nàng giơ hai tay, vươn mình một cái để hút vào buồng phổi những cái thanh khiết, nhẹ nhàng tản mác ở giữa không trung... Một luồng gió nhẹ đưa lên... Nàng thấy khoan khoái lạ.

Nàng nghĩ đến Thanh... Đã mấy tháng nay, nàng không thấy tin tức gì của Thanh hết... Người thì nói Thanh đã vào Sài Gòn làm báo, người thì bảo Thanh đã xuất dương... Nhưng có một điều chắc chắn là Thanh không còn ở Huế nữa... Và trong lúc đi xa, Thanh không còn muốn lưu một cái kỷ niệm gì ở lại xứ này... Cả cái tấm hình rất ngộ mà Thanh chụp khi 18 tuổi, cái tấm hình mà Thanh đã cho phép nhà nhiếp ảnh bầy ra ở cửa kính, nay Thanh cũng bảo người ta cất đi... Thanh hẳn không có ý giấu mọi người, Thanh chỉ muốn cô nữ sinh ấy đừng đi qua con đường ấy nữa... Thanh không muốn thế nữa. Thanh không muốn trong bước giang hồ còn có kẻ nhắc đến tên mình càng thêm bịn rịn.

Tay tỳ vào cửa sổ, Nguyệt tưởng tượng Thanh đương đi trên con đường gió bụi mịt mù, bước từng bước chắc chắn mạnh bạo.

Nhưng..., nàng vừa nghe tiếng nói mơ... Nàng quay lại.

Người chồng nàng, người chồng già của nàng, đương điềm nhiên ngủ.

Dưới bóng trăng lọt vào. Nàng nhận thấy rõ cái mặt hốc hác, cái má cọp, cái bộ râu xồm xoàm. Nàng sực nhớ đến cái hôn lúc đầu hôm, và nhớ đến nhiều chuyện khác nữa... Nàng cảm thấy một cách rõ ràng rằng: cái đời ngây thơ, trong sạch của nàng đã chết, chết, chết một cách hoàn toàn...

Nàng muốn òa  ra khóc.

 

VI

Trong dinh quan Tổng đốc Thanh một buổi chiều... trên gác thượng, bên cánh cửa sổ, Nguyệt đương ngồi thêu những mặt gối... Trên tấm lụa trắng, dưới những ngón tay xinh xinh, mũi kim đều đặn chạy, kéo theo sau sợi chỉ óng ánh vàng...

Chốc lát, nàng ngẩng mặt lên, uốn mình một cái và thở dài...

Nàng lẳng lặng đưa mắt nhìn ra xa. Mấy hòn núi Mật rời rạc ở chân trời, trông như những người khách giang hồ, trong buổi chiều hoàng hôn lạc bước ở một nơi hoang vu, nặng mang một khối u hận, chân chẳng buồn lê đi nữa. Nàng thấy có một cái cảm giác lạnh lùng, quạnh quẽ. Lấy chồng đã hai tháng nay, nàng coi mình như một người bộ hành chán nản, hững hờ đi trên một con đường vắng vẻ, gió thổi lạnh lùng, từ trên vòm trời thăm thăm buông tới đôi tia sáng lờ mờ, cảnh vật đôi bên như thực như ảo. Nàng không thể biết rằng đã hai tháng nay vẫn sống hay đã hết sống rồi. Cụ Tham đổi ra Thanh. Người ta bảo nàng đi theo hầu. Nàng đi theo... Rồi ra tới đây, người ta đặt nàng lên trên gác thượng. Người ta đưa những tấm gối cho nàng thêu, hàng ngày nàng chăm chỉ ngồi thêu… Nàng không biết vậy có phải là cái cuộc đời lộng lẫy cao thượng mà nàng thường ước ao không, hay là một chuỗi ngày vô thú vị, vô chủ định, đưa qua một cái buồn lạnh lẽo, tê tái thấm thía đến tận tâm hồn. Nàng đặt tấm lụa xuống bàn, tự nghĩ: giá mỗi khi ta đương thêu như thế này, có được người nào rón rén đến sau lưng ta, bưng mắt ta và hôn ta một cái dịu dàng và nồng nàn ở trên trán ta để thưởng cho những đường thêu xinh xắn ở trên mặt gối… Bỗng nàng rùng mình. Nàng vừa sực nhớ đến những cái hôn khô khan đã rít vào má nàng, những cái hình ảnh rùng rợn hôm động phòng đã không thể rời nàng được nữa. Nàng sợ cảnh hoàng hôn, sợ nhất là đêm tối, cái đêm tối đem đến cho nàng những cảm giác ghê gớm…

Ngày thầy nàng còn làm lại mục ở phủ Bồng Sơn, người ta có kể cho nàng nghe một chuyện “ma lai” mà bây giờ mỗi lần nàng sực nhớ lại, bồ hôi từng giọt đổ ra trên trán và trên hai vai, như có những con kiến bò… Ở phủ Bồng, người ta nói rằng, có một thứ ma lai đêm đến thường hiện thành những người thật, lẻn vào nằm với đàn bà con gái đến tang tảng sáng, trước khi biến thì nó thường để ở bên người bạn một đêm của mình hoặc là một cái đầu lâu, hoặc là một cánh tay. Cái chuyện dị đoan ấy ấn mạnh vào trong tâm linh nàng đến nỗi cứ tưởng như là một chuyện thật. Mỗi khi trong đêm tối, sau một giấc mộng ghê sợ tỉnh dậy, nàng thấy chân mình đụng phải một cái chân khác xương xương hay là cái má nàng đụng phải mấy sợi râu rắn như rễ tre thì nàng giật mình một cái, bồ hôi toát ra như suối, nàng có cái cảm giác như đương nằm bên một con ma lai.

Ái tình đối với nàng là một cái hình ảnh ghê gớm nhìn nàng với đôi mắt tròn xoe…

− Bẩm cô, cụ cho mời cô xuống hỏi chuyện.

Nàng the thé hỏi chú lệ:

− Cụ đòi tôi có chuyện gì thế hử? Cụ ông hay cụ bà?

− Bẩm cô, cụ bà.

Nàng theo chân chú lệ đi xuống, có vẻ lo sợ như một kẻ tội nhân mỗi khi bị quan đòi ra để quan tra hỏi. Cụ bà đương ngồi nhai trầu bỏm bẻm trên một bộ ngựa láng bóng, vẻ mặt nặng nề, đương trầm ngâm như một pho tượng. Sau lưng bà, một chú lệ vận áo nẹp, cầm một cái quạt lông to… Lâu lâu chú phất một cái đều đặn như một cái máy. Thấy Nguyệt, cụ bà làm ra bộ vui vẻ, nhổ bã trầu vào ống nhổ con. Bà nhếch miệng nói:

− Cô Hai ngồi xuống đây cho tôi nói chuyện.

− Dạ.

Rụt rè, Nguyệt ngồi xuống ở mép ngựa… Đã lâu Nguyệt cảm thấy cái tình “cô cháu” đã chết hẳn giữa bà Tham và nàng. Đối với cô, nàng cũng không còn có những cái bộ điệu suồng sã nữa. Cô cháu càng ngày càng thấy xa cách nhau. Nàng cũng không hiểu vì sao lại có thế. Đôi khi nàng lại nhận thấy rằng cái tình của cụ bà đối với mình hình như gượng gạo giả dối…

− Hôm nay, tôi tin cho cô hay rằng: nhờ “ông bà” phù trợ, cụ lớn ra nhậm chức ở đây mới có bốn tháng mà đã tậu được một cái “đồng điền” hơn bốn chục mẫu, vườn tược lại sum suê, bốn mùa đủ hoa quả; cái “đồng điền” ở tận Nga My cách đây chừng 15 cây số, hình như ở gần Sầm Sơn lắm… Nguyên một người lãnh hành nhờ cụ “chạy” được cái hàn lâm bèn trả ơn cụ cái đồng điền ấy. Trước kia, tôi định cho chú Hoạt lên đấy canh giữ, nhưng tin đâu được bụng dạ quân ấy! Tôi muốn nhờ cô Hai đi với chú ấy lên trên ở mấy tháng để coi sóc công việc, cô Hai bằng lòng đi đấy chứ?

− Dạ…

− Nghe nói mùa nhãn và cam sành năm nay sai lắm, coi chừng có đứa hái trộm, bán chung, hoài của. tôi muốn cô Hai đi cho kịp hôm nay.

− Bẩm hôm nay?

− Phải, hôm nay. Ăn uống xong, độ sáu giờ cô bảo chú tài cho đánh xe đưa cô lên trên ấy. Cô nhớ mang theo cái ăn thức dùng cho đủ. Độ một tháng, tôi cho người lên thế, cô về đây một lượt.

Nguyệt thường ước được sống một cuộc đời rộng rãi tự do, giữa những đồng ruộng mênh mông, bên núi sông to lớn, lẽ ra cái ý định của cụ bà sẽ làm àng vui thích. Nhưng không, nàng chỉ trả lời bằng một cái giọng gượng gạo:

− Dạ, con xin phép cụ đi sửa soạn, rồi con sẽ đi ngay.

Là vì nàng vừa nhận thấy trong lời nói của cụ bà một vẻ mờ ám, gian hiểm. Nàng hiểu lắm. Nàng hiểu tại sao người ta lại muốn đầy nàng đi một chốn xa xôi cùng tịch như vậy. Nàng muốn bật ra khóc. Nhưng khóc thì chẳng hóa ra hèn nhát quá đi mất, người ta sẽ cười nàng còn đương lưu luyến cái đời chật hẹp vô vị ở chốn thâm cung. Nàng sẽ xấu hổ vô cùng. Nàng muốn cho thiên hạ biết rằng nàng không thiết gì những cảnh giàu sang êm ấm, nhàn rỗi mà nhạt phèo.

Nhưng than ôi, nàng không ngờ được rằng, cái lòng ghen, cái lòng ghen ở trong lòng một người đàn bà, nó ghê gớm đến thế! Mà cô nàng lại càng không ngờ hơn nữa, không ngờ có lúc vì cái lòng ghen hão huyền mag bà đầy đọa một đứa cháu thơ vô tội. Thật bà không ngờ được rằng, thấy cái ái tình của chồng san sẻ cho người cháu yêu quý của bà mà bà đem lòng ghen tuông rẻ rúng…

VII

Cơm chiều xong. Nguyệt ra đứng dựa gốc cây mít ở sân. Thẫn thờ, nàng lấy thuốc ra hút, thứ thuốc "rê" mà một người dân ở trong đồn điền vừa biếu nàng. Nàng hút như một kẻ điên cuồng, không biết say, không biết chán. Lần này là lần thứ hai, nàng lại muốn trái lời dặn của Thanh.

Bỗng nàng giật mình. Sau lưng nàng vừa nghe có một tiếng cười quen quen, một tiếng cười trong sáng đầy tình tứ. Nàng quay lại: cảnh vật vẫn đìu hiu. Rặng tre xanh, dưới lớp sương chiều kèo kẹt, lặng soi trên làn ao tù im lặng, và như ngặt nghẽo cười với bóng mình nhí nhởn... Nàng sực nhớ đến Thanh, đến cha mẹ. Nàng sực nhìn lại cái tình cảnh hiện tại của mình.

Một tháng ở đồn điền đã đổi hẳn cái hình dung nàng, cái tâm hồn nàng. Nàng ăn vận gần như một cô gái quê, mấy bộ đồ trắng của nàng, nàng nhuộm đà đi hết. Không còn giầy dép như xưa, nàng chỉ lê một đôi guốc gỗ thô kệch nặng nề. Có khi muốn cho nhẹ nhàng hơn, nàng đi chân không. Nàng đã bắt đầu tập những công việc nặng nề, nặng nề đối với một "tiểu thư" như nàng. Ngoài những giờ coi ngó trai bạn, nàng tự mình vun tưới những ngành hoa, xới đất trồng rau. Thân xác nàng đã hơi mập mỡ, to nở. Tâm hồn nàng đã có nhiễm vẻ mộc mạc bình dị. Từ ngoài đến trong, nàng đã thấy mình biến đổi theo hình ảnh một cô gái quê.

Công việc đồng điền cho nàng những cái thú vị say sưa, trong sạch... những tư tưởng chán nản nặng nề như đã hầu tan trong cái làn không khí trong sáng bên bờ tre xanh. Nhưng mỗi khi trời chiều, nàng lặng nhìn những làn khói biếc uốn éo trên những mái tranh màu ảm đạm, thì nàng thấy có cái cảm giác như một kẻ bị đi đày giữa một non nước lạ lùng. Những khi tâm hồn man mác mà thoạt nghe tiếng hát xa xa, mờ mờ trong cảnh hoàng hôn những câu hát ru con, tả cái cảnh ảo não những cô gái xa mẹ theo chồng, thì nàng thấy có một cái buồn tê tái não nuột thấm vào đến tâm hồn, bất giác, hai giọt lệ chạy quanh trong khóe mắt. Nhất là cái sự xa vắng chồng lại càng làm cho nàng thấy cái cảnh quạnh hiu càng thêm hiu quạnh... Lạ quá! Trước kia nàng thấy gần gụi chồng là một điều khó chịu. Bây giờ thì nàng muốn vin vào cái lẽ buồn cười ấy để oán trách thân phận mình. Nàng thấy cái cảnh ly hương của nàng vì thế, càng thêm muôn phần não nuột.

Từ hôm nàng ra đồn điền đến nay đã một tháng mà nàng không thấy có bóng "cụ lớn" ra thăm nàng lấy một lần, mà nàng cũng không hề thấy có người nào ra thay cho nàng đặng nàng về tỉnh chơi ít hôm. Điều ấy dễ hiểu lắm. Thủa bé nàng ham đọc những truyện Tàu. Trong hết truyện nào nàng cũng thấy có một cảnh tương tự như nhau: đấng quân vương còn khờ khạo, trong triều có một tên gian thần lộng quyền nắm hết bao nhiêu quyền chính ở trong tay... rồi bao nhiêu việc gớm ghiếc tàn ác, đều do một tay họ gây nên mà bậc thiếu quân không hay biết gì hết... rồi bao nhiêu đấng trung thần bị họ đày ra những nơi biên thùy hiểm trở, nước độc ma thiêng... Nàng thấy mình tựa hồ cũng như cùng chung phận với bậc trung thần đó. Cũng như những bậc ấy, nàng thấy thân thế mình bị thao túng trong tay một người nham hiểm, mà người ấy, trời đất ôi, có lẽ nào lại là người cô yêu dấu của nàng. Dầu sau cái sự so sánh ngộ nghĩnh ấy không khỏi làm cho nàng buồn cười. Là vì chồng nàng, người chồng già của nàng không phải là một vị minh quân mà bổn phận nàng phải cúc cung tận tụy.

Nàng thấy cả câu chuyện hóa ra buồn cười, ngộ nghĩnh.

Mải nghĩ ngợi nàng quên cả tối.

Trong một túp lều con gần trại nàng, một thiếu phụ gánh đôi thùng nước từ giếng bước vô nhà... Rồi cái rèm bỗng sập xuống. Tự một cái kẹt rọi ra một ánh sáng lờ mờ... Cảnh ban đêm đã đến ở trong đồn điền. Uể oải nàng bước vào nhà... Nàng phải đi nghỉ sớm, vì nghe như lời những người trong trại nói với nàng thì độ này, ở vùng này lại có trộm cướp tung hoành. Nàng vừa để chân lên thềm thì nghe có tiếng chó sủa. Chú Hoạt dẫn đến một người thiếu niên lạ mặt,  ăn mặc theo lối bình dân...

Chú Hoạt trỏ người thiếu niên nói với Nguyệt:

− Bẩm cô đây là một người nữa tới xin làm trong đồn điền.

− Chú tới muộn quá rồi, người làm ở trong này, chúng tôi đã có đủ.

Thấy người thiếu niên có vẻ nho nhã như một người học trò thì nàng lại nói tiếp:

− ... Và chúng tôi đây chỉ cần những người sức vóc vạm vỡ để làm những việc nặng nề...

Chú Hoạt đỡ lời người thiếu niên:

− Thưa cô, người ta có thể cuốc đất được, người ta có thể bừa được cầy được, gánh nổi một gánh lúa mười hai...

− Nhưng người ta nói khác mà người ta làm khác...

Nàng ngảnh lại hỏi thiếu niên:

− Thế chú làm một ngày bao nhiêu tiền công...

− Bẩm tùy ý cô...

− Thế tôi giả cho chú một ngày độ "ba rưỡi" chú có bằng lòng không?

− Cô cho bao nhiêu con nhờ bấy nhiêu, con không dám nài, ... Nhưng thường thường chỉ ở từng mùa.

− Một mùa chú lấy bao nhiêu?

− Bẩm một mùa, con xin bốn đồng và một cặp áo quần vải quyến...

− Thì chú lấy vậy cũng được... Nhưng chú có thẻ không?

Người thiếu niên lần trong hầu bao  lấy ra một miếng giấy xanh, giơ cho Nguyệt. Nàng lẩm bẩm đọc.

− Nguyễn Xuân Sinh, quán làng Vân Hương, tổng Xuân Lãm, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, làm thợ nề, 36 tuổi.

Nàng quay lại người thiếu niên với đối mắt ngạc nhiên.

− Chú mà đã 36 tuổi?

− Dạ, 36 tuổi.

Nàng nhìn người thiếu niên từ đầu đến chân, rồi lại nói:

− Chú mà đã 36 tuổi? Không thể tin được! Làm thợ nề, sao chú lại không xin làm phu đồn điền? Làm thợ nề chả phải được công cao hơn hay sao?

− Bẩm, bẩm... vì con...

Thấy người thiếu niên trả lời một cách ấp úng, thì Nguyệt vất cái "thân bài" lại cho người, và quay lại dặn chú Hoạt:

− Chú cho người ta nghỉ một hôm, mai sẽ liệu...

VIII

 

Nghe tiếng động ở ngoài sân, Nguyệt thức giấc dậy... Đồng hồ ở trên vách đã đổ 12 tiếng...

Nàng ngẩng đầu dậy, dòm qua song cửa, nàng thấy một cái bóng đen lủi thủi đi ra ngoài. Nàng nhẩy xuống đất, khẽ đẩy tấm rèm, rón rén bước ra sân. Nàng núp mình sau một cây mít và nhìn ra ngõ. Nàng nhận thấy, người thiếu niên hồi chiều đương nói chuyện với một một người đàn ông vạm vỡ.

− Thế nào?

− Thế khi chú vào dinh quan Tổng đốc để do thám, ai bảo chú, tối hôm nay thì cụ ấy sẽ lên trại...

− Một chú lệ...

− Láo! Chú hỏi người ta sao, mà người ta lại bảo thế?

− Tôi ngỏ ý đến tối sẽ xin vào hầu cụ lớn về khoản ấy, thì người ta bảo rằng đến tối cụ lớn lên trại... Rõ ràng như thế, tôi không thể lầm được...

− Có lẽ chúng ta bị đánh lừa!

− Người ta biết mình làm cóc gì mà đánh lừa! Theo ý tôi, thì có lẽ tại...

− Tại ai?

− Tại cụ... bà, chớ chẳng tại ai hết. Theo lời bọn hầu hạ trong dinh, thì con mẹ ấy nó có cái máu ghen tuông ghê gớm lắm! Đố nó chịu thả chồng ra một phút...

− Cô hầu non nghe nói lại là cháu ruột bà mà!

− Cháu ruột thì bà không ghen sao? Đã mấy lần lão xin lên trại mà đều bị ngăn cản cả.

− Con mẹ ấy mà gớm thế nhỉ!

− Thôi kệ quách nó! Bây giờ chúng mình tính sao đây?

− Về chứ gì nữa?

− Theo ý tôi, thì không nên về; về thì làm cho người trong trại họ thêm nghi ngờ... Lần sau mình không dám bước tới vùng này nữa. Hay là anh cứ ở lại trại xem sao... Mai kia thế nào lão cũng có mò về đây...

− Nhưng "cô ấy" bắt tôi làm "cu ly" thì chết bu tôi... Thủa nay, tôi không quen việc, cày sâu cuốc bẫm, chịu sao nổi...

− Năm, ba hôm thì đã làm sao? Anh xin làm những việc nhè nhẹ, chắc người ta cũng cho mà! Làm ít thì ăn ít...

− Thôi được! Chú cứ về đi... tối nào độ tám, chín giờ, thế nào chú cũng phải tới đây...

− Được! Anh cứ yên tâm...

Hai người lặng lẽ chia tay. Khi người thiếu niên đã trở vào nhà ngang, thì Nguyệt cũng đi vào nghỉ, bình tĩnh điềm nhiên không tỏ ra một vẻ lo nghĩ. Sáng hôm sau, Nguyệt gọi người thiếu niên lạ mặt lên, mỉm cười, sẻ hỏi chàng:

− Tôi thấy chú ốm yếu cũng thương hại. Tôi không muốn chú cầy cuốc nhọc nhằn... Vậy cho chú thế chân chú Hoạt giúp tôi làm những việc lặt vặt trong nhà mỗi buổi sáng, chú phải quét nhà lau bàn, rũ màn...

Rồi quay lại chú Hoạt, nàng dặn:

− Còn chú thì ra đồng, coi ngó trai bạn ăn làm. Hôm nay tôi hơi "giở mình".

Chú Hoạt vừa bước ra, thì nàng đưa tay trỏ cái ghế ngựa mời người thiếu niên cùng ngồi. Thấy chàng ngần ngại thì nàng lấy giọng cương quyết bình tĩnh bảo chàng:

− Xin thầy cứ tự nhiên, tôi mới dám nói chuyện. Ngay khi mới gặp thầy, tôi đã không muốn đãi thầy như mọi người trong đồn điền, mời thầy hãy ngồi xuống...

Ngoan ngoan như một đứa trẻ em, người thiếu niên rụt rè ngồi xuống ở mép ngựa, hai con mắt lờ đờ lo sợ như một kẻ tội nhân vừa bị tố cáo...

− Xin thày cứ tự nhiên. Ngay khi mới gặp thầy tôi đã biết rằng thầy là một người vừa lỡ bước giang hồ, chưa từng quen chịu những cảnh sương gió lạnh lùng. Bình nhật sống trong cảnh êm đềm đầy đủ, thầy có lẽ chưa quen với những công việc nặng nề, lam lũ... Giá được thầy cho biết, vì duyên cớ gì mà thầy lại lạc bước vào cảnh đồn điền này, thì hay lắm.

Chàng ngập ngừng đáp:

− Dạ, bẩm con trước làm thợ nề.

− Không, tôi không thể tin được rằng chính thầy cũng làm cùng nghề với Phạm Xuân Sinh!

− Không, Phạm Xuân Sinh chính là tôi.

− Không, Phạm Xuân Sinh chính là Phạm Xuân Sinh, thầy chỉ có cái thẻ của Phạm Xuân Sinh mà thôi.

Thiếu niên, mặt tái mét, nhìn nàng với đôi mắt tha thiết cầu khẩn.

− Không, thầy đừng ngại, sự thật thế nào, xin thầy cứ nói. Hoặc giả trong đời thầy có gặp một điều gì bất như ý, chán nản, thầy sống một cuộc đời trôi dạt phiêu linh... Quả có thế thì cần gì phải giấu giếm làm gì? Vì trong bọn thiếu niên ta, chỉ trừ có người ngu ngốc đần độn lắm, ai lại không gặp phải một đôi sự bất bình... Thầy hãy xem cái tình cảnh tôi đấy mà xem! Là thân một người đàn bà yếu ớt, sống giữa một cái đồn điền mênh mông tịch mịch, sớm nghe những tiếng chim hót líu lo, chiều nhìn những làn khói biếc tỏa trên mái tranh, tôi có khác gì một kẻ bị đày vô phước, buộc phải sống những ngày lạnh lùng, vô vị, tê tái... Tôi là hầu thiếp một vị thượng quan, nhưng biết đâu lại không có một đôi sự khổ tâm nhục nhã gì mà khi mình không chịu đựng được một cuộc đời nhỏ nhen, tầm thường?

Ngẩng nhìn lên thấy cái vẻ hiền dịu, và nghe cái giọng nói rất thành thực của Nguyệt, thì người thiếu niên hơi hơi vững dạ. Nhưng chàng vẫn lặng cúi mặt bẽn lẽn như một cô bé soi gương lần đầu, bị mẹ bắt được...

− Sao thầy còn ngần ngại nữa?

Nghĩ một lát nàng lại tiếp:

− Hình như trước kia, thầy có học ở Huế thì phải?

− Không, tôi không bao giờ học ở Huế.

− Thế thầy học đâu hỉ?

− Bẩm ở Vinh...

Nàng mỉm cười bảo thiếu niên:

− Giữa bọn tuổi trẻ chúng mình, giá vứt được hết cái lễ phép tồi ấy đi, thì tiện lắm... Thế thầy người ở tỉnh nào hỉ?...

− Tôi chính ở vùng nầy...

− Thế a? Thế mà tôi ngỡ thày người phủ Diễn... giọng thầy, giống như giọng nói người phủ Diễn quá... Thầy người Nga Sơn hẳn?

− Vâng...

− Thày ở tỉnh này, chắc thầy cũng thường nghe trong dân gian họ bàn tán về cái chính sự của quan thủ hiến mới ra thế nào, chứ? Chắc người ta phàn nàn lắm hỉ?

− Người ta phàn nàn cũng có, mà người ta tán dương cũng có.

− Ở vùng này, thì tôi chỉ thấy người ta phàn nàn mà thôi... Ở trên Nga Sơn, tôi có nghe đồn rằng, về một khoản gì đấy, bị xử ức, có người căm tức cụ Thượng lắm... Về khoản gì thế thầy hỉ? Lại việc ruộng đất gì hẳn?

− Tôi không được rõ lắm.

− Thế mà tôi nghe đồn rằng: đã hai hôm nay, có hai người trai tráng đêm hôm thường lượn vượn quanh đồn điền nhà tôi, để chực có cụ Thượng về thì họ sẽ...

− Bẩm cô bảo sao?

− Tôi nghe người nhà bảo rằng hai hôm nay, có hai người trai tráng đêm hôm thường lượn vượn quanh đồn điền nhà tôi...

Nàng nói bằng một cái giọng chắc chắn, cả quyết, khiến người thiếu niên nghe mà rụng rời, tái cả mặt. Nàng... vừa mỉm cười vừa dịu dàng nói tiếp:

− Ồ! Sao tôi xem bộ thầy có dáng lo ngại khác thường thế?...

− Bẩm, điều ấy quả con không được biết.

Chàng đăm đăm nhìn Nguyệt với đôi mắt tha thiết, cầu khẩn, để lộ ra cái tâm sự bí ẩn của mình.

− Thầy cứ nói cho tôi hay. Tôi thề với thầy rằng tôi không hèn nhát đến nỗi đi tố cáo việc của thầy ra... Thầy tin ở tôi, biết đâu thầy không cùng tôi lại là người cũng chịu chung một số phận? Ồ! Sao thầy còn ngập ngừng nữa, thầy trông cái cảnh đồ lưu của tôi mà không đủ tin ở lời tôi nói?

Người thiếu niên cúi mặt, cảm động. Nguyệt cũng không muốn nói thêm một lời nữa. Nàng đổi ý: khẽ lắc đầu, nàng nói với thiếu niên, bằng một cái giọng the thé:

− Không, thầy không cần phải nói nữa, tôi cũng hiểu chán rồi, chỉ trông cái việc thầy toan làm tôi cũng đã lượng được cái việc sẽ xảy đến cho thầy nó quan trọng, nó... khắt khe đến thế nào! Không, thầy đừng nói nữa... Tôi hiểu rồi... thầy định phục thù? Tôi e táo bạo quá, tôi ngại việc sẽ không thành, vì tôi là người đứng giữa, tôi đã thấy rõ manh mối cả rồi.

Người thiếu niên vẫn cúi đầu yên lặng... Nàng vẫn nói tiếp:

− Tôi không thể cho thầy làm việc ấy... Tôi không thể đứng nhìn thầy ám sát... Tôi sẽ tri hô lên, tôi sẽ gọi người tóm thầy lại, tôi sẽ giải thầy lên quan... Tôi sẽ xin quan trị tội cho thật nặng, dẫu tôi biết đích rằng: thầy chỉ là một người đáng thương, một người chịu điều oan khuất... Tôi không phải là quan tòa để xử những vụ hối lộ, những vụ xách nhiễu của quan trường, tôi chỉ biết là tỳ thiếp của... chồng tôi. Thầy làm gì thì làm, nhưng tôi có bổn phận của tôi...

Bỗng nàng ngừng nói, vì nàng chợt thấy trên má người thiếu niên, những giọt lệ chạy quanh...

− Thưa cô, giá cô ở cái tình cảnh của tôi thì cô cũng đến phải làm như tôi... Tôi là người có học, trước khi cả quyết làm việc này, tôi cũng đã đắn đo suy nghĩ... Không, tôi khổ quá, tôi đã đau đớn nhiều, tôi không thể ngậm oan được nữa. Giời ơi! Giá không có những sự ép uổng kia, thì nay, nàng đã là vợ của tôi rồi... Chúng tôi đã cùng êm đềm hưởng cái lạc thú ái ân.

− Thầy bảo sao?

− Không có sự ép uổng của quan Tổng đốc thì...

Chàng ngừng lại, vì nghe có tiếng xe ô-tô đỗ trước sân. Nàng ngẩng ra, thấy một chú lệ đương bưng một cái điếu bình... Cụ lớn ở trong xe vừa bước ra. Nàng cất giọng dặn người thiếu niên "Chú lau bàn hộ tôi một tý", rồi chạy ra đón cụ lớn, miệng đon đả.

− Cụ lớn đã lên! Hèn chi sáng nay em nghe chim khách mách ở bụi tre.

Cụ Thượng nhìn nàng mỉm cười, rồi đi vào nhà... Cụ vách mảy lên tràng kỷ, kéo một điếu thuốc lào, vuốt làn râu mép một cái, giọng khệnh khạng bảo cho "cô Hai" biết cái lý do làm cho "cụ lớn" bấy lâu không thể lên đồn điền được.

− "Cô Hai" hẳn trông tôi lên lắm. Tôi cũng biết thế, nhưng thật là "cực chẳng đã". Đã mấy lần tôi định lên, nhưng lần nào cũng có việc quan đến làm trở ngại...

− Thế à? Thế mà em lại đồ là vì một cớ khác...

"Cô Hai" vừa nói vừa nhìn cụ Thượng mà mỉm cười.

− Thế cớ gì vậy, "cô Hai" nói nghe thử...

− Em tưởng là vì cụ bà không cho đi...

− Bậy nà!

Cụ Thượng nắm lấy tay cô, nhếch miệng cười tình:

− Bậy nà! Tôi muốn lên với mình lúc nào thì lên, ai vào đấy mà cấm tôi đặng? Tôi lên chuyến này là cốt để đưa mình đi Sầm Sơn lấy gió ít lúc.

Nghe nói đến "Sầm Sơn", cái "trẻ trung" như bồng bột lại trong lòng nàng, quên mình đang ở một cái tình cảnh nặng nề khó chịu. Nàng nhảy nhót sung sướng như ngày xưa được mặc cái áo mới và theo mẹ đi xem hội.

Nàng hỏi lại bằng một cái giọng nũng nịu ngây thơ:

− Thế bao giờ mình cho em đi?

− Chiều hôm nay,...

− Thế à? Sung sướng quá mình hè!

Cụ Thượng khẽ tát nàng một cái ở má.

Nàng giật lùi:

− Yêu... lắm nào!

Nàng lại hỏi:

− Nhưng mình đi thế, ngộ cụ bà biết thì sao?

Cụ Thượng ngẫm nghĩ một lát đáp:

− Biết thì sao? Đách cần! Làm gì được nhau chứ?

Nàng cũng nghĩ thầm trong bụng như thế...

− Mình có tắm bể không mình?

− Khỉ! Thể diện quốc gia, ai lại làm thế?

− Thế mình có cho em tắm không?

− Tùy ý mình, nhưng tôi thì tôi không ưng thế... Muốn tắm thì bảo gánh nước về tắm, có phải kín đáo không. Ai đời lại phơi đùi phơi vế ra trước mắt thiên hạ thế,... dị... quá!

− Nhưng các cô các bà người ta vẫn tắm đấy thì sao? Không, em sẽ tắm, mình phải cho em tắm!

Cụ Thượng gật đầu và mỉm cười. Nhưng một tư tưởng không vui đã len vào trong trí. Nàng vừa cảm thấy những lời nói nũng nịu ngây ngô, có vẻ đáng buồn cười quá. Không, cái tuổi ngây thơ của nàng đã qua rồi, nàng chỉ dối mình mà thôi...

− Hay là ta đừng đi Sầm Sơn nữa.

− "Cô Hai" bảo sao?

− Em thưa cụ lớn cho phép em nghỉ nhà...

− Làm sao thế...?

− Em hơi... giở mình.

Cụ Thượng cười ha hả:

− Thế mà mình cũng đã từng đi học chữ Tây đấy! Giở mình ra Sầm Sơn sẽ khỏi ngay... Thế mình định đi chứ?

− Dạ, em sẽ đi...

Nhưng nàng vẫn không vui. Lẩn thẩn, nàng nghĩ đến những chuyện đâu đâu... Nàng nghĩ đến người thiếu niên nọ. Nàng nghĩ đến người thiếu nữ vô phước kia sắp vào chịu chung cái số phận lạnh lùng của mình.

− Cô Hai làm sao thế?

− Bẩm không. Em muốn khi ra Sầm Sơn mang theo vài chú lính để sai.

− Cái ấy đã hẳn.

− Hôm qua có một người vào xin việc làm. Mặt mũi sạch sẽ nhanh nhẩu, hay là ta cho hắn đi theo?

− Tốt lắm...

IX

 

Bấy giờ trời đã về chiều. Bao nhiêu nam nữ thiếu niên đã kéo ra bãi bể.

Trong một cái buồng ở khách sạn P.S. Nguyệt đương thỏ thẻ bảo chồng:

− Đã đến đây, em xin cụ lớn hãy bỏ hết những cái thói khệnh khạng quan cách...

− Nhưng mình đường đường là một vị thủ hiến, không lẽ mình lại hạ mình đùa với... thế thì còn gì là trật tự tôn ty nữa?

− Em chỉ xin cụ lớn hẵng quên mình đi trong chốc lát, để được tự do thích thảng mà hút gió bể, mà đùa với sóng, mà bắt dạ tràng...

− Chết tôi! Mình bắt tôi, bắt một vị quan lớn đùa vui với sóng. Coi thế nào được! Chịu thôi!...

− Tuy ý cụ lớn, em bắt thế nào được. Nhưng em muốn cụ cởi bớt cái áo gấm đi, đặng có dễ dàng hơn một chút.

− Thôi mình đừng nói bông lơn nữa. Ra bể đi! Kẻo trời tối mất.

Rồi ung dung cụ lớn bước ra bãi, song song đi bên cô Nguyệt. Thấy có chú lính ôm cái điếu bình cũng lẽo đẽo theo sau, thì Nguyệt vẫy tay cho hắn trở lại. Nhưng cụ Thượng biết ý, gọi hắn trở lại và "truyền":

− Mi không phải hầu bên chân ta làm gì. Cho phép mi đi chơi quanh quẩn đâu đấy. Khi nào ra gọi phải cho có...

Cái lời "truyền" ấy làm cho Nguyệt nở lòng thêm một chút, nhưng nàng vẫn có cảm giác như một con thú bị xích và bị dắt đi chơi. Hai lá phổi của nàng như đang có  một vật gì đè nén lên, và không thể phồng lên để hút vào những luồng không khí trong sạch của bể rộng giời cao. Những cô thiếu nữ trẻ trung, xinh xắn, gọn gàng trong bộ áo tắm nằm ườn trên bãi cát, phơi ra dưới ánh chiều vàng, những cái bộ đùi trắng trẻo.

Một bọn khác, táo bạo hơn, họ nhẩy ào ra trước ngọn sóng và cười nói ầm ỹ, như muốn đưa những tiếng kêu gào của tuổi trẻ ra mà át những tiếng gầm gừ của những đợt sóng thần. Trong lúc ấy, Nguyệt vẫn im lặng đi bên cụ Thượng, im lặng như người đương ở trong giấc chiêm bao.

Một tiếng gọi "Nguyệt" làm cho nàng giật mình, một tiếng nghe quen quen mà nàng không nhớ là của ai nữa. Nàng ngoảnh lại nhìn, trong những đám thiếu niên và thiếu nữ đương phô bộ mặt tươi tắn hớn hở ra nhìn nàng, nàng vẫn không nhận thấy ai quen cả. Nàng lại lẳng bước đi, mỉm cười. Vì nàng tưởng rằng, cái tiếng gọi vừa rồi là một tiếng gọi xa xăm ở trong giấc mộng.

Bỗng một tiếng khúc khích tự ở một gốc cây thông bắn ra... Nàng định thần, nhìn kỹ.

Mai, một người bạn cũ của nàng, lanh lẹ trong chiếc áo may-ô chạy ra bắt tay nàng và chúm chím cười.

− Ba năm rồi mới được thấy Nguyệt? Sao mà chóng già thế?

Rồi nghêu ngao, Mai ngâm lại một câu thơ cổ: "Có chồng chưa, được mấy con?"

The thé Nguyệt đáp:

− Chồng rồi nhưng chưa con.

− Chồng đâu không cắp theo?

Nguyệt còn bối rối chưa biết đáp thế nào, thì Mai đã đưa mắt hỏi dồn:

− Ai đấy? Ai đi với Nguyệt đấy? Papa hẳn?

Nguyệt cố gượng cười, rỉ vào tai bạn:

− Đức ông... đấy.

− Đức ông chồng?

− Ừ!

Nguyệt quay lại bảo chồng:

− Cụ lớn đi, đi trước... Có người bạn cũ lâu năm mới gặp, cho phép em chuyện một lát.

− Được. Mình cứ ở đây chơi! Tôi về qua khách sạn nghỉ lưng một chút.

Cụ Thượng đi rồi. Nguyệt quay lại phía bạn hỏi:

− Thế còn Mai từ hôm thôi học đến nay Mai làm những gì?

− Ồ! Mai vẫn là Mai ngày trước, vẫn là con Mai hay tinh nghịch, hay nô đùa, vẫn nhí nhảnh, vẫn trẻ con, vẫn... không chồng...! À để hỏi nốt Nguyệt. Đức phu quân của Nguyệt làm nghề gì mà trong bệ vệ, oai nghiêm thế?

− Làm "quan lớn" hiện là... Tổng đốc Thanh đấy.

− Thế à! Mình độn quá, trông cái sắc gấm ngũ thể mà mình không biết. Nguyệt tha lỗi cho nhé.

− Nhưng lỗi gì mới được chứ?

Mai cười ngặt nghẽo hỏi bạn:

− Lỗi của Mai à? Lỗi của một người dân không biết mặt quan phụ mẫu. Mai cũng ở tỉnh Thanh... Mai ở Quảng Hóa. Khi nào thông thả, Nguyệt xin phép phu quân lên Mai chơi nhé! Tha hồ mà nhá ngô rang, ôn chuyện cũ.

− Được, nhưng không dám hứa, vì hiện nay Nguyệt đương đày lên đồn điền.

− Thế thì chán nhỉ? Sao lại không ở tỉnh?

− Ở tỉnh đã có... cụ bà.

− Thế à? Còn có cụ bà nữa kia. Thế thì chán nhỉ! Nguyệt để cho Mai hỏi nhỏ một câu nhá: có chồng có chi thú không, Nguyệt? Nguyệt đã qua chỗ đó, nói nghe thử. Có chồng, vẫn cười ngặt nghẽo như thế này được chứ?

Nguyệt nửa thật nửa bỡn:

− Điều ấy  thì cố nhiên không thể được.

− Ai cấm mình?

− Mai không nghe trẻ con nó hát "có chồng ma bưng miệng".

− Thế thì Mai nhất định không lấy chồng nữa. Nhất định, nhất định lắm rồi!

Rồi Mai lại cất tiếng cười một dây, tiếng cười trong sáng như át cả tiếng sóng gầm, tiếng thông reo. Mai chỉ những làn sóng nhảy vào bờ, bảo Nguyệt.

− Người chồng mà suốt mùa hè Mai thường ôm ấp đấy!

Rồi chẳng kịp chào bạn, Mai nhảy ra nước, đè lên những đợt sóng, ngoảnh đầu lại đưa tay vẫy Nguyệt. Nhưng buồn rầu, Nguyệt sụp ngồi xuống bãi cát, hai giọt lệ long lanh trong khóe mắt. Nàng lặng nhìn bạn, lẩm bẩm: "Một người sung sướng!".

Rồi Nguyệt thấy hạo hực, như muốn cắt đứt bao nhiêu cái tầm thường, vô vị hằng ngày nó đã buộc chặt mình vào một cuộc đời nhạt nhẽo, nhỏ nhen, đã giết mình, giết vẻ ngây thơ, giết bao nhiêu cái vui thích hồn nhiên, giết tuổi trẻ. Nàng cảm thấy một cách rõ rệt: đạo hiếu là một cái đạo giả dối, luân lý thánh hiền bày ra là hẹp hòi, là ác nghiệt.

Những tiếng sóng gầm, tiếng thông reo như lại càng thúc giục nàng, ra mà sống cuộc đời to lớn hơn, mạnh mẽ hơn, cũng như văng mình ra nước để bắt những con sóng cao.

Nàng ngẩng đầu dậy. Trăng đã rải bóng xanh khắp chung quanh nàng. Cành thông thì thào, gió dưới biển vụt lên từng làn mạnh. Cái bãi cát một mầu trắng mát, lấp lánh phập phồng như một dải lụa dài, vừa mới phiếu.[a] Định thần, nàng cố bình tĩnh lắng tai nghe. Một giọng nói thì thầm lẫn trong tiếng thông reo. Cách ba quãng thông, nàng vừa nhận thấy một đôi thiếu niên đương kề vai nhau nhìn bể. Nàng sẽ cúi đầu bẽn lẽn. Là vì nàng vừa nhận thấy người thiếu niên êm thấm đặt một cái hôn dịu dàng lên má thiếu nữ.

Nàng thở dài nghĩ đến Thanh...

X

 

Trong một cảnh đầy thi vị, một cảnh êm ái rất khêu gợi, bên tiếng thông thì thào, bên những làn sóng nhí nhởn, chập chờn một cách lơi lả, bên bóng trăng xanh, bên mầu cát trắng, nàng cảm thấy rõ rệt, cảm thấy cái đời tình cảm của mình thiếu thốn một cách lạ thường. Nàng thấy thiếu một vật gì đáng quý báu, như cái sinh mệnh mình. Nàng thấy thiếu "ái tình". Nàng thấy thiếu Thanh. Giá trong lúc ấy nàng có Thanh bên mình thì nàng ấm áp biết bao, vũ trụ thêm khả ái biết dường nào. Nhưng thiếu Thanh, nàng thấy thiếu hết cả.

− Thưa cô! Cụ lớn cho lệnh con ra mời cô về.

Nàng quay lại thấy người "thanh niên" bí mật đương tạm đóng vai một chú lính hầu, thì nàng làm bộ đứng dậy vòng tay cung kính thưa:

− Bẩm thầy! Thầy có biết "cụ lớn đòi con có việc chi?"

Rồi Nguyết nhìn người thiếu niên, chúm chím cười.

Bỗng một cái giọng nửa đùa nửa thật, nàng nói tiếp:

− Dầu là việc quan cũng vậy, trăng trong biển tốt thế này, không lẽ không chơi cho hả! Phải thế không thầy? Phải theo chúng tôi ra Sầm Sơn như thế này, chắc thầy khó chịu lắm nhỉ?

Người thiếu niên mỉm cười đáp:

− Tình cờ mà lại được đi hứng gió, không thích thì còn gì nữa.

− Nhưng đi hứng gió cũng có "ba bảy đường".

− Thưa cô, theo tôi thì chỉ có một đường, miễn sao hít được gió Sầm Sơn vào phổi là được rồi.

Ngẫm nghĩ một lát, Nguyệt lại gượng cười hỏi:

− Thế nào? Cái địa vị ấy thầy định không nghĩ tới nữa chứ?

− Thưa cô, việc gì ạ?

− Tôi không thể tin, trong một phút, trí thầy có thể sao lãng việc ấy được.

− Thưa cô tôi không dám, tôi không có quyền nghĩ tới nữa.

− Không, thầy có quyền... Nhưng tôi, tôi mới không có quyền đứng yên nhìn thầy làm việc ấy được. Thầy đừng trách tôi, giá ở cái địa vị tôi, thầy cũng buộc phải xử như tôi. Việc đã xảy ra đến thế nào, xin thầy kể lại cho tôi biết.

Thấy người thiếu niên do dự thì nàng lại nói:

− Trước kia, tôi không muốn biết tới là vì tôi nghĩ: biết thì lại thêm khổ... Nhưng bây giờ thì trí tôi đương lẩn quẩn trong sự hoài nghi có lẽ khổ não hơn là khi biết tới.

Nói tới đây, nàng cúi đầu hơi bẽn lẽn. Là vì nàng vừa thốt ra một câu giả dối. Thực ra từ khi ra Sầm Sơn, nàng đã quên hẳn câu chuyện ấy. Nàng không ngờ nàng quên một cách dễ dàng cái "câu chuyện" nó quan hệ đến địa vị, đến tương lai, địa vị tương lai của một người vợ hầu. Nghĩ đến mấy chữ ấy, nàng thấy như mình mỉa mai mình một cách chua chát. Nghe tiếng thở dài, nàng quay lại.

− Thế nào! Thầy cứ nói cho tôi hay, cố nhiên là tôi không để thầy làm việc ấy, nhưng tôi không nỡ tố cáo thầy, nếu quả thầy không còn nghĩ tới "việc ấy" nữa.

− Cô muốn biết việc xảy đến... cho tôi, cho nàng. Thưa cô, việc ấy nó cũng tương tự những việc đã xảy đến cho mọi người trong xã hội ta, đến cho những cô thiếu nữ xinh đẹp, thùy mỵ, và nhất là yếu hèn quá, không thể chống lại với những cái chế độ nặng nề đã đè nèn lên trên đầu mình, không thể trái ý cha mẹ, chỉ biết hy sinh mà không kịp nghĩ đến kết quả của sự hy sinh... Nhưng tôi không muốn quy tội cho một người thiếu nữ yếu hèn... Tên chánh phạm trong vụ này chính là một người đàn ông, một ông quan lớn đã lợi dụng cái uy quyền trong tay mình để… Thật là khó nói! Đây thật không phải là vụ than tàn, vụ hối lộ, nhưng mà tàn khốc hơn nhiều. Trong việc hối lộ ta chỉ mất tiền thôi, ở đây ta mất... tình, cái tình thiêng liêng, người ta chia sẻ, hơn nữa người ta cướp bóc. Người ta cướp... Ái tình. Người ta đê hèn hơn một con vật.

− Thày đừng nặng lời quá.

− Tôi biết rằng những lời tôi vừa thốt ra, có lẽ làm cho cô phải đau lòng. Nhưng tôi còn khổ não hơn cô. Số là cách đây hơn một tháng, bên ông bà Vinh, nhạc phụ của tôi, có xảy ra một chuyện rủi ro: Không biết kẻ hèn nhát nào vì mối thù riêng nhét sau hè nhà ông một bó truyền đơn, người ta vu cho người nhà quê khờ khạo ấy, cái tội tuyên truyền chủ nghĩa Mã Khắc Tư. Rồi sau khi khám xét có tang chứng hẳn hoi thì người ta giải ông nhạc tôi lên quan. Tôi không thể biết được những lời xử đoán ở trong buồng quan Tổng đốc thế nào, nhưng một buổi sáng ông nhạc tôi được tha về. Ông vui mừng, ông sung sướng, như được "nhà nước" thưởng cho ông cái hàm "cửu phẩm bá hộ". Ông sắp được làm nhạc phụ một bậc đại thần... Vị hôn thê của tôi sẽ là người hầu thứ ba của người. Chúng tôi hay tin ấy rụng rời... Nàng là người có học. Nàng yêu tôi lắm. Nàng chỉ có một cái lỗi: yếu hèn, yếu hèn quá. Cái lỗi nhỏ ấy đã làm hỏng cả một cuộc hạnh phúc mới nhóm lên. Nhưng không, tôi không muốn quy tội cho một người đàn bà yếu hèn. Tội cả ở cái lòng tham muốn vô độ của một người... Người ấy chính là...

− Tôi van thầy đừng nói hết. Tôi đau lòng lắm. Ta không nên trách ai làm gì nữa. Thầy nghĩ xa hơn một tý, nghĩ đến những cô gái vô tội sau này sẽ theo chân tôi, và theo chân người yêu của thầy mà đi vào con đường xấu xa này. Ta không nên quy tội cho một người, ta nên quy tội cho một cái chế độ đã cho phép một ông quan được lấy bao nhiêu nàng hầu thì lấy. Người ta lấy không phải vì lòng ham muốn, vì nhục dục. Một ông quan lấy hầu là một cái "thói", người ta được nhiều nàng hầu bao nhiêu, thì người ta càng tỏ cho thiên hạ rằng: người ta là sang trọng, người ta là quyền quý.

− Tôi thì tôi không nghĩ như cô. Tôi không thể lấy một cái lý mong manh như thế để an ủi mình.

Nhưng... vụt một cái, một chiếc tát nặng nề ấn mạnh vào má thiếu niên, và tiếp theo một tràng nhiếc mắng tàn tệ.

− Tao bảo mày thế à? Khốn nạn! Ông bỏ tù ngay bây giờ. Nếu cô không chịu vào thì mày cũng phải về tin cho tao biết chứ?

Cụ Thượng đưa mắt nhìn người thiếu niên qua Nguyệt, hầm hầm không nói một tiếng.

Cái nhìn như có ngụ ý ghen tuông.

Từ hôm ở bể về độ ba tháng, thì một ngày nọ có chú lệ ở Thanh ra triệu nàng về, vì cụ ông ốm nặng... Nàng không hiểu người ta đòi nàng về để nhờ nàng săn sóc thuốc thang, hay là để hỏi tội nàng. Mà tội gì? Câu hỏi ấy làm cho nàng bâng khuâng mãi, rồi nàng sống những giờ lo sợ của một tội nhân không đoán được tội mình là gì? Nàng đinh ninh rằng: Sẽ có một trận rầy mắng tàn tệ đổ lên đầu nàng. Nhưng không, khi thấy nàng bước vào thềm nhà, cụ bà đã cất cái giọng nói với nàng: "Nhanh chân lên một tý cô Hai! Cụ ông chờ cô từng giây từng phút! Hôm qua nằm mê, cụ nhắc đến tên cô hai ba lần."

Câu nói ấy, Nguyệt thấy đầy vẻ chua chát. Một lời từ miệng người cô yêu dấu của nàng nói ra, là như một mũi tên đi thẳng vào lòng nàng. Nàng thấy cuộc đời gian hiểm quá. Nàng chưa kịp nói gì, thì cụ bà đã nói tiếp:

− Cô Hai nờ! Già đã 5 - 60 tuổi rồi, xuống lỗ ngày nào không hay, thế mà cũng nay nằng nặc đòi đi tắm bể! mai lại nằng nặc đòi đi tắm bể! Đấy! Tắm bể đấy, giương mắt ra mà trông, đau liệt giường liệt chiếu...! Chà tắm bể, khỏe lắm mà!

Nghỉ một lát, bà lại nói thêm, giọng nói chậm rãi như đay nghiến:

− Chà văn minh! Người ta văn minh, mình cũng bắt chước văn minh. Nhưng cô Hai nờ! Văn minh như thế không coi được mô! Chướng mắt lắm... Mình đường đường là một viên chúa tỉnh, thể diện quốc gia... Sao được? Không biết nghe con đĩ nào quyến rũ thế không biết! Mà ai cũng thế! Khi đã vào hầu hạ nhà này rồi thì những cái thói rởm ấy cũng nên bỏ đi chứ!

Nàng giận quá, không nói được nữa, gục đầu vào cánh cửa khóc nức nở. Nàng vừa khóc vừa nói với cô nàng, bằng một giọng rất tội nghiệp, như để xin lòng thương tới của cô nàng.

− Thưa cô, thật là oan cho cháu!

Bỗng nàng chợt thấy trong cách xưng hô ấy một sự hèn hạ vô cùng... Nàng không cầu lòng thương của ai hết, vì lòng thương là một điều khó chịu vô cùng... Nàng lau nước mắt đứng thẳng dậy, và toan nói: Thưa bà! Sự ghen tuông vô lý đã làm mờ mắt bà và khiến bà ăn nói một cách bất chính.

Nhưng nàng vẫn đứng thừ người ra, không nói gì hết. Nước mắt nàng lại rơi lã chã trên má. Nàng nhìn cô nàng qua những giọt lệ, trong một giây lâu rồi gục đầu vào cánh cửa, vẫn không nói gì hết.

Bà Thượng bấm môi lại, nhìn thẳng vào mặt Nguyệt, và nói:

− Cô Hai! Cô còn đợi gì nữa mà không vào thăm cụ lớn, người ta chờ cô từng giây từng phút...

Nguyệt cố nén nỗi uất ức. Cô nàng vẫn một cái giọng chua chát ấy:

− Cô Hai, thuật lại cho tôi nghe, cái hôm cụ Thượng lên trên đồn điền và ở Sầm Sơn ăn uống những gì, mà về thì... phát bệnh ngay... rồi ly bỳ đến nay... không cơm, không cháo. Tôi đã kêu ca đến khắp phủ, mà thuốc tây, thuốc ta gì tôi cũng tìm đủ rồi đó. Bây giờ cô liệu sao thì liệu... Cô có cách gì cứu được thì cứu cho người ta... Bệnh ấy cố nhiên không phải là do tôi làm ra..., không lẽ bắt tôi chạy chữa mãi! Không phải vì tôi mà người ta lên đồn điền; cũng không phải chính tôi dẫn người ta đi tắm bể...

− Thế cô định đổ lỗi cho... cháu?

− Cô Hai! Đã bao lần tôi xin cô đừng gọi thế... mà! chướng lắm.

− Thế cụ nhất định đổ lỗi cho tôi à?

− Cô Hai! Cô làm gì mà to tiếng thế? Bọn lính tráng chúng nó cười cho đấy... Đây không đổ lỗi cho con mô hết, con mô mà già mồm thì đây vả gãy răng, xin nói cho biết trước mà coi chừng.

Nguyệt cố nén giận bước vào buồng cụ Thượng. Đau có hai tuần lễ nay mà cụ Thượng đã gầy như một con mắm, và sắc mặt xanh như tầu lá. Hai cái má móp lại, và hai mắt hõm sâu vào, người ta trông tưởng chừng như một cái xác chết ở dưới mồ mới quật lên. Nguyệt thấy ở trong đó cả cái hình ảnh ghê gớm của cái chết. Nàng bất giấc lạnh buốt cả mình mẩy, trên hai vai như có kiến bò. Nàng quên cả thương hại... Nàng chỉ ghê sợ... Cụ Thượng đưa tay cho nàng, mà nàng không hay thấy... Cụ khe khẽ bỏ tay xuống và quay mặt đi, nàng khe khẽ hỏi:

− Thế cụ lớn có nhận ra tôi là ai đây không?

Cụ Thượng gật đầu, và một tiếng nhẹ như hơi thở:

− Cô Hai về bao giờ?

− Bẩm vừa về.

− Có lẽ tôi không sống được... tôi sẽ viết cái chúc thư lại cho cô cái đồn điền ấy để cô di dưỡng cho đến già.

Trong thâm tâm câu nói ấy đã làm cho nàng bất bình vô cùng. Nàng chỉ mỉm cười đáp:

− Xin cụ lớn cứ nằm nghỉ cho yên. Cụ chưa chết đâu mà đã vội lo.

Rồi nàng bước nhanh lên gác thượng, chỗ nàng thường ngồi thêu ngày trước. Đứng ở cửa sổ, nàng trông ra hòn núi Mật. Hòn núi vẫn như ngày trước, vẫn đứng cách biệt ra, quạnh quẽ lạnh lùng. Sương chiều dần dần xuống nặng, làm cho hòn núi nhuộm một màu lam thẫm. Nàng thấy buồn rười rượi. Không định khóc mà nước mắt âm thầm chẩy trên đôi gò má.

Bỗng có tiếng chân nhè nhẹ bước lên thang gác. Nàng vội vàng đưa tay áo lau mắt, và quay lại, Liên, người đầy tớ gái của nàng mà cha mẹ nàng cắt theo hầu khi bước chân về nhà chồng. Liên lại gần Nguyệt hỏi nho nhỏ:

− Em đương mải làm bếp. Nghe tiếng cô về mà không dám lên hỏi thăm, sợ cụ bà gắt. Em trốn lên thăm cô một lát.

− Cảm ơn em! Em trông chị độ này ra sao?

− Nước da của cô không còn đỏ thắm như trước. Ở trên đồn điền nước có độc lắm không cô?

− Không độc. Nhưng...

Hai người nhìn nhau trong một phút dài. Con Liên bằng một cái giọng đi tự đáy lòng, nói với Nguyệt:

− Cô có biết vì sao cụ Thượng đau không?

− Chị không biết đến.

− Thế mà cụ bà cứ một hai ngờ cho cô, vì cô mà cụ Thượng mang bệnh đấy.

− Em nói gì, chị không hiểu.

− Chính vì thế em mới trốn lên đây thưa cô cho cô biết. Cô có biết chú Hân chứ?

− Biết, nhưng làm sao?

− Chú ấy thường đi theo hầu cụ Thượng. Chú ấy nói với em nhiều chuyện lắm. Nhờ chú ấy mà em biết rằng cô hiện đương mang tiếng oan... Cô có biết mấy độ gần đây, cụ Thượng thường đánh xe đi luôn, một tuần có khi đến hai ba bận, thế cô có biết cụ đi đâu không?

− Biết thế nào được em!

− Thế mà mỗi khi cụ bà có hỏi gặn, thì lần nào cụ ông cũng nói phắt rằng lên thăm cô và đưa cô đi tắm biển đấy, vì cụ Thượng biết rằng nói lên cô thì chắc cụ bà cũng bớt ghen hơn là khi nói đi với người khác. Thực ra cụ Thượng chỉ đi với một người khác. Ai? Em biết.

− Người nào em?

− Chú Hân chú ấy nói với em rằng là người con gái của một ông Bá, người đâu ở trên làng Kiều Lam. Cô ấy nghe nói xinh đáo để, mới có 18 tuổi.

− Mười tám tuổi?

− Dạ, mới mười tám tuổi... mà nghe nói thêu thùa bánh trái khéo lắm... Có một ông giáo hỏi không gả. Người ta hám gì mà người ta lăn vào mà lấy cho được, cô hở?

− Em nói vậy, chứ cô đây thì hám gì mà khi không cũng lăn vào cho được! Người ta chẳng qua là duyên số cả em nờ!

− Cô ạ! Chú ấy biết hết cả, nhưng mà chú ấy không dám hở môi đó thôi, là vì cụ Thượng đã có lót tiền cho chú.

Nghe câu nói ngây thơ của Liên, Nguyệt không sao nín cười được, vui vẻ hỏi lại nó:

− Thế chú ấy có lót tiền lại cho em không?

− Em thì sợ gì mà chú ấy phải lót!

− Lót để cho em khỏi nói lại với một người khác.

Con Liên cũng cười và nói:

− Cũng vì em không ăn lót, nên em mới thuật lại với cô đấy chứ!

− Thế em có biết cụ Thượng tại làm sao mà đau?

− Em biết. Chỉ tại lên nhà cụ Bá ăn nhiều hoa quả quá, lại đi về khuya gặp gió lạnh cho nên cảm. Trước còn cảm nhẹ, sau không biết, ăn cơm vào, rồi thì nó phát thương hàn nhập lý, làm hoảng hốt cả dinh... Hôm qua đã ngất đi mấy lần rồi, sau nhờ đốc-tờ đến làm thuốc mới tỉnh lại.

− Thôi cám ơn em! Chị hiểu lắm rồi. Em xuống làm bếp đi, kẻo lại bị mắng.

− Không, chị chửa hiểu gì đâu. Cụ Thượng định rằng trong tháng này thì cụ sẽ nói với cụ bà thế nào cũng lên hỏi cho cụ, không may bị bệnh. Nhưng mà lành mạnh rồi, thì cụ cũng nghĩ đến việc cưới cô ấy.

Nguyệt mỉm cười ung dung đáp:

− Thì việc gì đến chị đâu em? Em tưởng rằng cái ngôi thứ của chị trọng vọng lắm sao mà sợ người ta giành đi? Chị thì muốn người ta sẽ hạ chị xuống nữa, và gọi chị là "cô ba"... Rồi mai kia, có người khác đến nữa, người thứ tư, năm, chị cũng xin vui lòng hạ mình xuống nữa, cho đến khi mô người ta gọi chị là "cô sáu" hay "cô bảy" thì chị mới hả lòng...

Nghĩ một lát nàng lại chua chát nói tiếp:

− Chị cầu trời khấn phật sao cho cụ Thượng chóng lành mạnh, đặng cho ý nguyện của chị chóng thành.

Nhưng bỗng nhiên, Nguyệt thấy câu nói của mình độc ác tàn nhẫn vô cùng, gần như là một lời rủa. Là vì nàng vừa chợt nghĩ đến đứa con chưa thành hình trong bụng nàng; nàng nghĩ đứa con đó là máu mủ của cụ Thượng, lúc ra đời nó sẽ mang tên họ của người sắp chết, và đối với người sắp chết, đối với vong linh người ấy, sau này nó có nghĩa vụ thiêng liêng. Nàng cho rằng nàng không có quyền được nguyền rủa người đã san máu mủ lại cho đứa con yêu quý của nàng. Nhưng nàng cũng không thể lấy đó, làm một cái lý để an ủi mình. Nhứt là khi nàng nghĩ rằng, cái hôm thụ thai là cái hôm nàng ra hứng gió ở trên bãi Sầm Sơn, hôm ấy mà lúc ban chiều nàng vừa chịu một điều hổ thẹn với người bạn cũ là cô Mai. Mà hổ thẹn cũng chỉ vì trót lấy một người chồng già.

 

Nàng không muốn, nếu không phải là ân hận, nàng không muốn rằng cái duyên lầm duyên lỡ ấy lại sinh cho nàng một đứa con. Cái đứa con ấy sẽ buộc nàng vào một cuộc đời tầm thường vô vị và vô lý, mà nàng sẽ phải sống cho đến ngày cuối cùng. Nhưng than ôi, biết làm thế nào được? Biết làm thế nào được? Nàng có thai đã gần ba tháng rồi! Không phải là một chuyện đùa nữa. Đã ba tháng nay, nàng thấy ở trong mình một sự thay đổi khác thường. Nàng đã thấy thèm ăn chua, nàng đã thấy hay buồn nôn... và những cái triệu chứng khác mà nàng đã đọc thấy ở những cuốn sách sản dục chỉ nam... Cái câu nói hồi nãy của cụ Thượng muốn làm chúc thư để chia cho cái đồn điền, hồi nãy làm cho nàng bất bình, mà bấy giờ thì nàng cho là tối cần, là rất có lý.

XI

Bệnh cụ Thượng, nhờ giời ngày một bớt; trong lúc ấy thì cái bụng của Nguyệt một ngày một to. Từ hôm ở đồn điền về tỉnh đến nay đã gần 4 tháng rồi. Thật là 4 tháng nặng nề như một khối sầu não. Một quãng đời bằng phẳng như con đường ở hạ bản, hai bên toàn là cảnh bùn lầy nước đọng. Không một mẩu chuyện nào đáng nói, đáng ghi nhớ lại... Cũng ở trong một khung cảnh ấy, Nguyệt ngồi thêu những tấm áo gối, hay là khâu lại những tấm ren, mạng lại những câu đối vóc bị mọt gặm rách từng lỗ nhỏ.

Sớm lại chiều buồn rười rượi, nàng làm những công việc tỷ mỷ, nhạt phèo, vô vị. Vì thói quen, nàng đã trở nên như một cái xa, tháng ngày âm thầm se những sợi tơ dài, vẫn theo một điệu nhịp không lay chuyển ấy và vẫn những tiếng xè xè đều đặn ấy. Vì thói quen, nàng đã trở nên một cái máy. Nhưng hôm nay, nàng có cái cảm giác như vừa tỉnh một giấc mơ... Nàng thấy trong óc nàng, đứng dậy và chen lấn nhau những cái hình ảnh có khi kỳ quái, có khi buồn não. Những cái hình ảnh ấy hiện ra một cách lộn xộn, làm cho trí nàng rối như một mớ bòng bong. Nàng không có một cái tư tưởng gì nhất định. Nàng không có một thứ cảm tình gì rõ rệt. Nàng nghĩ đến một trăm điều mà không lưu ý đến một điều gì hết.

Bỗng cây kim gãy ở dưới ngón tay nàng. Nàng vứt mảnh lụa trong tay xuống chiếu và thở dài... Nàng vừa chợt nhận thấy sự nhạt phèo của những công việc hằng ngày của mình. Lần đầu tiên, nàng tự hỏi một cách gao gắt: "Ta thêu những cái ấy để làm gì, mà sớm lại chiều, ta cũng không được một phút ngừng tay?"

Rồi nàng chỉ mỉm cười tự đáp: "Là vì ta không còn có công việc gì khác nữa. Người ta cưới mình về cũng chỉ để làm những công việc ấy mà thôi". Nghĩ một lát, nàng lại nói thêm "Để... đẻ con cho người ta nữa chứ". Rồi nàng cất giọng cười ngặt nghẽo vì tưởng như nghe có một người khác cười theo.

Tiếng cười ghê rởn của nàng làm cho bà Thượng đương ngồi nhai trầu và quấn thuốc lá ở nhà dưới vội vàng chạy lên; và một lát sau cụ Thượng đương làm việc ở công đường cũng theo lên, tiếng giầy của hai người lộp cộp ở thang gác làm cho nàng hoảng hốt.

Nàng rối rít cầm lấy mảnh lụa và hí hoáy tìm cái kim. Nhưng than ôi! Kim không còn chạy dưới những ngón tay xinh của nàng nữa.

Bà Thượng chống một tay ở hàng, và một tay trỏ vào mặt Nguyệt mà nói:

− Con đĩ ngựa kia! Mày quả có điên thì tao cho vào nhà thương điên, chứ ở nhà này, mày làm cái trò gì thế? Con kia? Ai cho phép mày nghiêng ngửa thế?

− Bẩm cô... Bẩm bà...

− Thì làm sao khi không lại cười rống lên thế?

Cụ Thượng xen vào hỏi Nguyệt:

− Hay là trong người cô có làm sao thì cô nói, để tìm thầy chạy thuốc...

Bà Thượng đã vội cướp lời:

− Nó điên rồi đó ông nờ! Ông mời đốc-tờ xuống cho nó, mau lên!

Rồi đổi giọng, bà nói tiếp:

− Điên, điên, điên. Điên mà bán giời không khế đấy! Ông cứ cho nó đi tắm bể về là hết điên ngay!

Cụ Thượng hơi chột lòng:

− Lạ quá! Hễ động một tý là cứ cho người ta đi tẳm bể! Tắm bể cả bốn mùa được đó chứ!

Bà Thượng thét to:

− À ông muốn bênh nó à? Tôi cho ông bênh, ông cứ việc mà bênh...

Nói xong, bà Thượng quay lưng đi, và chạy xuống thang gác. Cụ Thượng cũng xuống theo.

Tiếng giầy của cụ thủng thỉnh nện từng tiếng rời rạc ở trên các bực thang như còn dội lại trong trí nàng một nhịp điệu vô cùng buồn não.

Nàng gục đầu xuống bàn khóc nức nở.

Bỗng trong cơn ủy mị, nàng ngẩng đầu dậy. Cuộc đời bỗng mở ra dưới mắt nàng như một buổi mai trong sáng. Nàng lau khô nước mắt, và đứng dậy đi lại cái rương của nàng, và mở lấy mấy cuộn len... Rồi im lặng, nàng lấy kim ra đan. Nàng định đan một cái mũ, một đôi giầy và một cái áo rét cho đứa con sau này của nàng. Đứa con ấy − nàng đã tính kỹ rồi − đứa con ấy sẽ đến vào một ngày mùa đông... Nàng đã đặt tên cho nó là Hùng, cái tên hơi đực một chút vì yên chí rằng nàng sẽ đẻ con giai... Và đó cũng là điều ước nguyện của nàng. Nàng không muốn có con gái, cũng chỉ vì nàng sợ rằng: con nàng sẽ giống nàng, và biết đâu, lại sống lại cái đời của nàng, chịu cái số phận của nàng, cái số phận ấy, than ôi! là cái số phận của một số đông thiếu nữ Việt Nam mà chút tình duyên đã bị ông tơ se lầm se lỡ...

Mải nghĩ lẩn thẩn, nàng đã thêu xong một cái mũ rồi mà không biết. Nàng đội thử vào cái đầu gối của nàng rồi nàng ngắm nghía, và mỉm cười một cách sung sướng, như trước đây một giờ đồng hồ, không hề xảy ra một việc gì cho nàng hết... Như một người mơ, nàng cúi xuống hôn một cái thật nhẹ vào mũ của đứa bé, rồi lẩm bẩm một hồi những gì như nói nũng với con vậy. Lần đầu tiên, nàng thấy mình đã là một bà mẹ, và nàng đã hướng trước cái lạc thú say sưa của tình mẹ con.

XII

 

Nguyệt đi lại mở cửa sổ ra. Một ngày quang đãng rọi vào buồng nàng hớn hở vui vẻ. Hương y lan như lẩn vào trong ánh nắng và bay đầy vườn. Một con ong lạc đàn cũng theo bay vào buồng, và cọ cánh mấy lần vào cửa kính...

Mùa đông đến đã gần một tháng, nhưng quang cảnh vẫn là quang cảnh mùa thu... Nguyệt thấy tâm hồn mình trong sáng lại như một ngày mùa xuân của đời mình. Rồi nàng nghĩ đến Thanh. Nàng thấy Thanh hiện ra trước mặt mình, với một bộ mặt hớn hở như một đóa hoa ở trên cành. Chàng đi lại cầm lấy tay nàng, và nói huyên thiên. Chàng nói nhiều quá, nàng không thể nhớ hết. Hình như chàng cắt nghĩa một mối khổ tâm. Hình như chàng giảng giải về một lý thuyết. Hình như chàng phơi bày một cái chương trình. Hình như chàng diễn thuyết với quần chúng. Sao chàng nói nhiều thế! Nguyệt nắm lấy tay Thanh và bảo: "Anh còn yêu em chứ?" Thanh dõng dạc đáp: "Còn chứ! Anh vẫn yêu em, mãi mãi yêu em!" Rồi Thanh toan quay đi, Nguyệt cản lại: “Hãy gượm, đi đâu mà vội thế?” Thanh vùng vằng đáp: “Để anh đi trước! Anh chờ em dưới một gốc sim già, dưới một gốc sim già em nhé!” Rồi Thanh biến mất. Nàng đứng lại, nhìn mà không thấy gì, tâm hồn lảo đảo. Hai chân nàng như bước trên một đống bông. Đống bông như càng ngày càng lún thêm… và nàng không biết mê hay tỉnh nữa.

Bỗng có tiếng pháo nổ, liên tiếp nhau nổ.

Có người cu li làm việc ở ngoài vườn nói to với các bạn của hắn:

− Cụ Thượng cưới vợ hầu chúng mày ạ!

Một thằng khác nói thêm:

− Gần 70 tuổi rồi mà còn đú đởn!

Một thằng khác xen vào và ngâm to:

Càng già càng giẻo càng giai!

Một thằng khác nói tiếp:

− Nhưng chỉ tội mấy cô gái tơ.

Một thằng khác nữa trả lời:

− Đáng đời! Ai bảo hám danh hám lợi?

Một thằng khác nữa ra giọng đàn anh:

− Nhưng mà các chú nói nho nhỏ, lính người ta nghe được thì khốn. Mùa đông này làm gì mà không cưới vợ?

Nghe đến đấy, Nguyệt mỉm cười. Nàng không hề tỏ một chút lo lắng, ghen tuông hay đau đớn. Nàng vẫn mỉm cười và quay lại phía đứa con của nàng. Nàng đặt một cái hôn nhẹ lên trên trán đứa con đương ngủ, tưởng như là ở trên khuôn mặt ấy hiện ra cả cái hình ảnh của người lưu lạc phương trời. Trong một phút, nàng tưởng lầm rằng đứa con ấy là của Thanh vậy.

Nhưng thực ra đứa con ấy chỉ là máu mủ của cụ Thượng. Nó giống cụ Thượng như đúc và nó đã mang tên họ của cụ Thượng. Nó đã buộc chặt nàng với lại cái cuộc đời tầm thường vô vị mà nàng phải sống cho đến ngày cuối cùng.

● Nguồn:

- Công Tôn Nữ Quỳnh Diêu: Tàn tạ, truyện dài // Hà nội báo, Hà Nội, s. 27 (8/7/1936), tr. 9 - 13; s. 28 (15/7/1936), tr. 13 – 15; s. 29 (22/7/1936), tr.  12 - 15; s. 30 (29/7/1936), tr. 10 – 12; s. 31 (5//8/1936), tr. 8 – 10; s. 32 (12/8/1936), tr. 18 – 20; s. 33 (19/8/1936), tr. 10 – 12; s. 34 (26/8/1936), tr. 9 – 11; s. 35 (2/9/1936), tr. 17 – 19; s. 36 (9/9/1936), tr. 11 – 13; s. 38 (23/9/1936), tr. 30 – 32; s. 39 (30/9/1936), tr. 36 – 38; s. 40 (7/10/1936), tr. 31 – 33.

- Lưu Trọng Lư: Cô Nguyệt, tiểu thuyết // Phổ thông bán nguyệt san, tạp chí văn chương ra đầu tháng và giữa tháng, Hà Nội, s. 37 (16 Juin 1939), tr. 3 – 88.


 

[a] Algèbre : môn đại số.

(1) Tiếng học trò chỉ con zéro. (nguyên chú)

[a] phiếu: làm trắng, luyện cho trắng; phiếu lụa: dầm phơi, làm cho lụa trắng (H.T. Paulus Cuả, Đại Nam quấc âm tự vị).