CÔ NHUNG

 

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tiểu dẫn. Cô Nhung, truyện dài, đăng lần đầu trên Hà nội báo từ số 8 (26 Fevrier 1936) đến số 19 (13 Mai 1936); sau đó 5 năm lại in trên Phổ thông bán nguyệt san (tạp chí văn học của Nxb. Tân dân) số 81 (16 Avril 1941), lúc này được gọi là ‘tiểu thuyết’, cùng kỳ này còn có Cô bé hái dâu. Bản in trên Phổ thông bán nguyệt san có khá nhiều trang bị kiểm duyệt cắt bỏ. Văn bản hiệu chính dưới đây sử dụng cả 2 bản in dẫn trên, có lưu ý khôi phục những đoạn bị cắt bỏ.

N.B.S.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

 

 

 

 

SYLVIA SIDNEY

Hôm ấy là ngày 23 Tết. Nhung định đi xem một buổi chớp bóng "tất niên". Nhung không thể dằn lòng được: rạp Philharmonique chiếu lần đầu tiên Madame Butterfly, một cuốn phim có giá trị mà các báo ở đây đã tán dương và cổ động từ mấy tháng trước. Mấy hôm nay, hình ảnh cô đào Sylvia tung ra đầy giời. Nhung như bao giờ cũng bị ám ảnh bởi cô đào phương Tây, mê cô như mê tha thiết một tình nhân vậy…

Hôm ấy là ngày ông Táo về giời. Cả nhà đều nghĩ đến việc tiễn ông Táo. Nhung chỉ nghĩ đến Sylvia Sydney. Cơm trưa xong, Nhung xin phép me đi phố, mua một cuộn len… Bà Phán Vịnh nhìn con cười ranh mãnh:

− Con đi mua len ở nhà chớp bóng đấy phải không?

Nhung cúi mặt, cười mủm mỉm, rồi nũng nịu cầu khẩn:

− Hôm nay, Sydney đóng vai chính me ạ! Hay lắm me ạ!

Sydney là ai con?

Sydney một cô đào danh tiếng ngang hàng với cô Marlène và Greta đấy me ạ!

Bà Phán Vịnh, xoa đầu con cười khanh khách:

Me thì me biết những cô ấy là ai? Thế mấy giờ thì ngươi ta bắt đầu chớp?

− Hôm nay thứ năm, người ta chớp sớm cho học trò. Bắt đầu từ hai giờ me ạ!

Bà Phán rút cái ví đưa cho con một đồng bạc, Nhung cầm lấy sung sướng cảm động, nhìn mẹ không ngớt…

− Chớp bóng tan, con về ngay để tiễn ông Táo con nhé!

− Vâng, con sẽ về trước năm giờ me ạ!

Nhung nhét vội đồng bạc vào túi áo, rồi chào mẹ đi. Nhung nhảy nhót như một con sơn ca. Những tà áo đánh vào nhau, nghe phần phật làm cho lòng nàng thêm nhí nhỏm…

Cô bé làm ra bộ vội vàng, nhưng giờ còn sớm chán ! Nhung đi đến đầu Hàng Gai, bỗng có một cái bàn tay vỗ mạnh lên vai.

− Mày đi đâu đấy?

− Bút-téc-fờ…

Hạnh mỉm một cái, rồi đáp luôn một dây:

− Tớ xem hôm qua với papa rồi, xoàng lắm. Xoàng hết chỗ nói! Đừng đi! Để tiền mua cho tớ một miếng chocolat.

Rồi luôn mồm, Hạnh gọi to:

− Kẹo! Kẹo!

Bác hàng kẹo ton ton chạy lại. Nhung không nói gì, đưa tay chào Hạnh, chào theo phép nhà binh một cái rồi ngoay ngoảy bước đi.

Nhung không tin lời Hạnh, nhưng không hiểu vì đâu, cũng đâm ra nghĩ vẩn vơ… và hơi ái ngại…

Rồi, Nhung lại phấn chấn ngay và quên mình đương đi ở phố, kéo mạnh đôi giầy và nói to: "Không thể thế được…Hạnh dối ta! Sylvia không bao giờ làm cho mọi người, cho ta thất vọng!"

Một tiếng cười khanh khách làm cho Nhung giật mình quay lại, và đứng im… Một chú "oẳn", to như ông hộ pháp, và đen như cột nhà cháy, ngồi ở trước một cửa hàng nọ, hai tay chống trên một cái gậy, mắt lim dim, gật lia lịa cái đầu nặng trĩu một vành khăn… Chú "oẳn" vẫn cười giòn giã như tiếng thác đổ, và miệng tuôn hàng tràng chữ đứt nối líu lo. Nhung tưởng như chú "oẳn" giễu mình, thẹn đỏ mặt… Nhưng không, chú "oẳn" chỉ cười về một điều đắc ý mà chú vừa thoảng nghĩ qua trong trí.

Nhung lại đi… Khi Nhung đến rạp Philharmonique thì thấy rạp vắng tanh. Nhung tắc lưỡi, giận mình đi sớm quá. Nhung cắm đầu vào những tấm affiches xem lại một lần nữa những cái hình ảnh của cô đào Sylvia mà cô đã xem chán... Bỗng Nhung vừa nhận thấy tiếng gì như tiếng "bom" nổ… Nhung hỏi người bán vé thì người ta bảo: Rạp đã bắt đầu chớp… và còn đương chớp về "Thời sự", có lẽ tiếng bom nổ ấy là tiếng "bom" nổ ở Đông Phi. Nhung lấy một cái vé loge năm hào, vì hôm ấy chớp riêng cho học sinh, người ta lấy rẻ.

Nhung hối hả chạy vào…

Người ta đã tắt hết cả đèn… Rạp đen như mực. Một người classeur dẫn Nhung lên gác thượng và chỉ cho Nhung một cái ghế. Bên cạnh vài ba người nữa mà Nhung không nhận ra mặt.

Khắp cả rạp bỗng vỗ tay rầm: người ta chào cô đào danh tiếng. Nhung còn choáng mắt chưa thấy gì, cũng vỗ tay theo... Người ta bắt đầu chiếu Madame Butterfly.

Nhung đã bắt đầu quên mình, quên cảnh xung quanh mình, và thấy phiêu lưu dưới cảnh trời trong sáng nhí nhỏm của nước Nhật Bản. Nhung thấy mình qua những núi sông xinh xắn, đến thăm những cô đào hát. Những cô đào hát tưng bừng phe phẩy như những cánh bướm liệng trong rừng xuân, và luôn luôn ngậm một nụ cười tươi như hoa, đã cho nước Nhật Bản một cái khí vị của chốn muôn tiên… Những khách phương xa, những khách ở những góc trời Âu túi bụi, cập bến Đông Kinh có cái cảm giác như ghé một chốn Bồng Lai có những ngày đẹp và êm như mộng…[a]

Nhung thấy say sưa trong một thế giới mới mẻ, say sưa như uống một cốc rượu nồng. Có khi nghe tiếng những con chim yến, những con chim xinh đẹp của Nhật Bản về làm tổ ở trên cây kêu chiu chít, Nhung thấy lòng mình cũng muốn nhảy nhót. Có khi Nhung sung sướng đưa tay vỗ lia lịa vào bắp đùi người bên cạnh, mà Nhung tưởng là đùi của mình… Cái người bí mật ngồi bên cạnh thấy Nhung vỗ cũng không nói gì, hình như lấy thế làm thích ý.

Nhưng cảnh trời trong sáng của Nhật Bản ngày một âm u lại. Vì sự đau khổ và buồn thảm đã len vào trong trí của bà Butterfly, một cô đào xinh đẹp của Nhật Bản bén duyên cùng một võ quan Mỹ… Cảnh êm đềm chưa được bao lâu, tiếp đến lúc chia phôi, viên võ quan trở về quê hương hẹn khi nào chim én về làm tổ ba lần thì chàng sẽ trở lại đất Phù Tang.

Bà Butterfly ôm con chờ đợi. Nhưng én đã về làm tổ ba lần rồi, ba năm đã qua rồi mà chẳng thấy người phương xa lại. Nàng đâm ngờ. Sau hỏi ra mới biết én ở bên xứ chàng ba năm mới làm tổ một lần. Nàng còn phải đợi nữa, đợi nhiều nữa…

Tới mười năm qua… Quả người phương xa về, nhưng lần này đi với một thiếu phụ nước Mỹ, một thiếu phụ mới, đẹp mà chàng đã cưới trong lúc về nghỉ ở Mỹ. Chàng đến thăm người cũ như một khách qua đường…, rồi chàng lại đi, và lần này biệt tích.

Còn nàng? Nàng thì yên lặng đau khổ, vẫn tươi cười như những bông hoa nở ở đất Nhật Bản. Rồi một hôm, nàng lấy một thanh gươm để kết liễu một cách êm đềm đời mình, bên cạnh đứa con thơ và một bà cụ già.

Khi cô đào trinh tiết của Nhật Bản đưa mũi gươm, thì Nhung tái cả mặt, ngửa mình ra đằng sau, run sợ và vô tình nắm chặt lấy tay người bí mật bên cạnh.[b]  

Cuốn phim hết. Những đèn máy lại bật sáng. Nhung cúi đầu để lau dòng lệ chạy quanh trên gò má... Và khi ngẩng lên, thấy một người bí mật bên cạnh đương nhìn chòng chọc lấy Nhung, muốn nói mà không lựa được lời. Người ấy là một trang thiếu niên trẻ đẹp, bận một bộ nỉ xám và thắt một cái cravate đỏ... Nhung nhớ lại sự vô ý vừa rồi, thẹn quá, đỏ mặt.

Nhung bèn lủi vào chỗ đông người để giấu sự trơ trẽn của mình.

Khi mọi người đã tản mác, Nhung còn lởn vởn một mình quanh hồ Gươm với một ý nghĩ không đâu... Vừa đá mũi giầy vào những bụi cỏ, Nhung hát nhỏ nhỏ ở trong miệng bài "Đầu Xuân" phỏng theo điệu "Pourquoi". Nhưng một chiếc lá vàng lặng rơi xuống vệ đường, làm cho Nhung giật mình đứng lại... Rồi Nhung lại đi, theo con đường phía sau nhà Đốc lý. Đi đến cái vườn Trẻ con của thành phố, những bức tranh ngồ ngộ, với những mầu xanh đỏ rực rỡ kẻ ở trên tường và cái hồ nước trong vẫy vùng những trẻ con nhanh nhảu, trắng nõn, xinh như những cô tiên con, Nhung cảm thấy tâm hồn trong sáng ra như một buổi sáng mùa hè. Trên môi Nhung nở một nụ cười. Nhung lon ton chạy tuột vào cửa, vui sướng như con ong tìm được nhị mới, nhưng bị thầy đội xếp gác cửa níu áo lại ?...

− Xin cô cho xem vé ?

− Tôi không có vé gì cả.

− Vậy cô phải mua cái vé một hào.

Nhung sờ vào túi, lộn ngược túi ra, cũng không thấy gì hết, đứng trân trân ra nhìn thầy đội xếp.

Thì ra cái túi áo của cô nữ sinh ngây thơ ngơ ngẩn đã thủng một lỗ khá to đủ lọt ra ngoài những đồng hào của mình...

Nhung lại ngượng ngùng nhìn thầy đội xếp.

− Tôi ngỡ người ta cho vào không.

Thầy đội xếp cười ha hả...

− Cô không nên ngỡ thế, cô ạ!

Nhung vừa giận vừa thẹn, cút thẳng. Có lẽ lần này Nhung mới nghĩ đến lời mẹ dặn về cho kịp tiễn ông Táo.

 

 

LỌ …

Ngày mai thầy trò và bạn hữu sẽ tạm chia tay nhau trong một ít lâu để về nghỉ tết. Hôm nay là ngày thảnh thơi nhất trong một năm. Hôm nay là ngày mà những cô nữ sinh có quyền nhãng quên những con tính khúc mắc, những bài cách trí khô khan…, là ngày mà người ta thấy được một nụ hoa nở ở trên môi những cô gái, những cô bé được tự do cười khúc khích, và vẽ voi và vẽ chó ở trên những miếng giấy thừa mà ngày thường các các cô phải vẽ những con số.

Hôm nay là ngày… long trọng nhất, vì người ta nghĩ đến sự đọc đít-cua. Nhung và Liễu đương ngồi chăm chú đánh triangles  với nhau, thì từ bàn trước do tay Vinh ném lại một mảnh giấy. Nhung cầm lấy, hỏi:

     − Gì thế hở mày ?

Circulaire mày ạ.

Nhung và Liễu dành nhau mở ra thấy có bức thư như thế này:

« Cùng các bạn,

Em thiết nghĩ rằng : quanh năm chị em ta mải lo học, không có khi nào nghĩ đến sự đền đáp công ơn kẻ đã vì ta lao tâm khổ tứ, dạy ta những điều hay lẽ phải. Em nghĩ trong dịp cuối năm cuối năm này, chị em ta nên tỏ một chút tình với cô giáo ta, theo thiển ý của em thì chị em ta nên làm một cái discours cho long trọng, và mỗi người góp một ít tiền để mua hoa…

Về cái discours thì em đã nghĩ sẵn một bài, đính theo đây, để các chị em xem lại… Em muốn cắt chị Hạnh là người tốt giọng thay chị em ta đọc discours. Nếu chị ấy từ chối, em xin giữ trách nhiệm ấy. Còn về số tiền mua hoa, thì mỗi người bỏ ra năm xu là đủ lắm. Ai bằng lòng thì xin ký tên vào đây . PHẠM THỊ TÔM»

Đến đây Liễu và Nhung nhìn nhau cười khúc khích như biểu đồng tình với nhau về một ý nghĩ ở trong trí mà chưa muốn ngỏ cho nhau. Rồi hai cô bé lại lâm râm đọc đến bài discours:

« Hôm nay là ngày thầy trò chúng ta tạm biệt nhau, thưa cô, lòng chúng con ngậm ngùi cảm động biết chừng nào… Cảnh trời mùa đông cũng như vì chúng ta mà âm u lại… Cho hay cái tình quyến luyến giữa thầy trò chúng ta đã động đến giời cao… Nhân dịp này chúng con xin tặng cô một bó hoa này, công ơn của cô thì như nước chảy trên nguồn mà lòng chúng con chỉ có thế… »

Đọc đến đoạn này, Nhung không thể chịu được nữa, cầm bút phê ngay một câu vào mép tờ giấy : «Lố lắm» ; Liễu cũng nối bút bạn, phê thêm một câu nữa : «Cho về hưu đi thôi». Hai cô bé không đủ can đảm đọc hết cái bài luận trường thiên đại hải của Phạm Thị Tôm. Hai cô lật qua bên kia trang, thấy ở mép giấy còn có mấy câu phê bằng bút chì…, một câu ký tên Hạnh: « Nữ sĩ Tôm, văn chương lai rai như một bà cụ », một câu khác ký tên Nguyệt: « Nịnh giỏi, hót hay, xách giày, nhiều nốt », một câu khác ký tên Tân: « Bất thành cú »… và còn nhiều câu khác nữa, viết tháu quá, Liễu và Nhung không thể nhận ra được. Nhung vò mấy mảnh giấy lại một cách khinh bỉ, vứt qua cho bàn sau, rồi quay lại với Liễu, bằng một giọng bực tức: «Liễu ! Revenons à nos … triangles». Nhưng Liễu đã bắt đầu chán, bảo Nhung:

− Chết chửa, sắp tan học rồi đấy ! tờ «Lọ»  của chúng mình phải phát hành trước 5 giờ chứ ! Phải làm việc đi chứ !

− Ừ nhỉ ?

Nhung bắt tay Liễu một cái rồi lại cầm bút viết luôn một thôi. Nhung giữ mục «Thời sự» và hài đàm. Liễu giữ mục xã thuyết… Nửa giờ sau hai cô bé đã viết xong và tờ «Lọ» đã phát hành được. «Lọ» dày 2 trang, truyền từ tay này qua tay khác, với những đầu đề rất kêu. Độc giả hôm ấy được đọc những bài rất có giá trị và rất có lý thú. Tôi xin trích lại đây ít bài quan trọng và đặc sắc nhất để độc giả cùng xem.

Bài thời sự bằng thơ mới có tranh vẽ

Rằng năm Bảo Đại thứ mười

Có cô họ Phạm là người vẩn vơ (rất vẩn vơ)

Tên là Thị Mẹt hiệu là…

Tôm tươi, mắt toét mũi thò lò xanh

Bao giờ cũng tưởng như mình :

Đẹp, xinh, giòn, khéo, thông minh nhất trường

Biết đâu lại lọ nhất trường,

Biết đâu lọ nhất là nường Tôm tươi.

                                                    MICKEY

Bài xã thuyết

Các bạn chắc nóng lòng muốn biết ý kiến chúng tôi đối với cái vấn đề « Discours » mà cô Tôm đã đem ra bàn. Các bạn há không biết cái chuyện cô Nguyễn Thị Kiêm vì sính đọc đít-cua mà bị báo Phong Hóa  đưa ra nhạo bằng hai chữ rất tai hại : « mò-cua ». Từ chữ « đít-cua » đến chữ « mò-cua » chỉ có nửa bước. Và từ chỗ « mò-cua » đến chữ « mò tôm » thì không có bước nào hết. Tác giả bài diễn văn là cô Phạm Thị Tôm, thì thật là dễ cho người ta đưa ra mà nhạo. Theo ý tôi thì bài « đít-cua » ấy không nên có vì nhiều lẽ nữa. Chẳng hạn vì bài « đít-cua » của chị Tôm, lời văn du dương bi ai, lâm ly thống thiết quá mà cô giáo của chúng ta lại là một cô giáo chưa có chồng, vì thế là người rất hay cảm động… Cảm động tất là phải chảy nước mắt. Mà chảy nước mắt, người ngoài trông tất là buồn cười. Một cô giáo làm trò cười như thế thì trông sao tiện ?

Còn như số tiền 5 xu góp lại để mua hoa, chúng tôi nghĩ có lẽ nhiều quá. Trong lớp ta cả thảy là 40 người. Cứ mỗi người góp 3 xu cũng là quá đủ. Chị em trong lớp nghĩ sao ?

NG. THỊ NHUNG

 

Thời sự trong lớp

Cô Phạm Thị Tôm năm nay thiếu 6 tháng thì đầy hai chục tuổi. Kể về niên kỷ thì là bậc lão thành nhất trong lớp. Cô lấy tư cách là bậc đàn chị có bàn nên làm « đit-cua » và góp mỗi người 5 xu để mừng cô giáo trong cuối năm. Nghĩ cho kỹ cũng là một việc đáng làm lắm, nhưng theo như một vài kẻ đồn, thì việc ấy như có điều u ẩn. Đại để người ta cho rằng: cô Phạm Thị Tôm là người học trò rất dốt tính, thường bị cô giáo ghét, cho nên muốn chuộc lòng cô giáo, bèn nghĩ ra sự làm « đít-cua » này, có thật vậy không, bản báo còn điều tra.

  

  Tờ báo « Lọ » ra hôm ấy có ảnh hưởng rất xấu: học trò không nghĩ gì đến sự « đít-cua » nữa. Mà cũng không ai buồn góp tiền để mua hoa nữa.

     Tan học, Yến, Hạnh, Ngà, Bảng và Nhung rủ nhau cùng quanh ra bờ hồ chuyện trò thả cửa với nhau một lúc rồi hẵng tạm biệt nhau. Đi đến gần hội Khai trí tiến đức, Nhung thấy câu chuyện càng ngày càng vô vị bèn bảo với các bạn:

     − Chúng mày ạ! Đi thế này mãi thì chán quá! Tớ thấy chán lắm rồi. Hay là chúng mình rẽ ra Hàng Trống mua ít kẹo đi, chúng mày đi!

     Bỗng một tiếng « bộp » rơi trên nón Nhung. Nhung lấy nón xuống nhìn thấy có một thứ gì trăng trắng. Và ngẩng lên cây, thấy những cành trơ trụi đen sít những chim. Cả bọn nhìn Nhung cười ngặt nghẽo làm cho Nhung bẽn lẽn cúi mặt. Rồi cả bọn lại nhìn lên cây, ngạc nhiên khi thấy những cây ở xung quanh hồ không thấy chim đậu, mà chỉ có một cây kia là có chim mà thôi, và chim ỉa trắng cả cây. Hạnh bảo là những con « quạ », Bảng thì bảo là những con « cốc », Nhung lém lỉnh bảo là « những con vịt giời về chầu … Ngài ». Cả bọn hỏi :

     − Ngài nào mày ?

Hạnh ranh mãnh đáp hộ Nhung :

     − Về hầu ngài … Nhung và ỉa lên nón ngài một thể !

     Cả bọn lại cười rũ rượi, kéo nhau đi. [d]

 

 

***

 

  GIẤC MỘNG ĐỎ

 

Nghe tin Liễu ốm, từ hàng Hòm, Nhung lên Quán Thánh để thăm bạn. Liễu với Nhung yêu nhau như một cặp bồ câu. Liễu mới có 15 tuổi, kém Nhung mấy tháng nhưng trông người đẫy đà hơn... và trông bộ tinh nghịch hơn. Liễu ở với cha mẹ, một cái nhà tây sang trọng gần "Sở gạch", được cha mẹ nuông chiều, nưng như nưng trứng trên tay. Nhà Liễu và nhà Nhung lại là chỗ quen biết nhau lâu. Sáng sớm bà Tham Cảnh mẹ Liễu đi lễ đền Hàng Trống có tạt vào thăm bà Phán Vịnh, nghe lỏm được câu chuyện của hai bà, Nhung mới rõ Liễu ốm, và bà Tham Cảnh lên đền cốt kêu cầu cho Liễu. Dầu hôm ấy là ngày 30 Tết, trong nhà rộn rịp cỗ bàn, Nhung cũng cố lên thăm bạn mới yên tâm...

Mới thấy Nhung bước vào ngưỡng cửa, ông Tham Cảnh đương ngồi ở tràng kỷ đã lên giọng hơi buồn buồn:

− Nhung, lên chơi với em... Em nó ốm đương nằm trên gác thượng!

Nhung vội vàng lên trên gác.

Nhung gõ buồng Liễu, thì nghe có tiếng cười khúc khích, hồi lâu mới nghe có tiếng đáp lại: "Vào", tiếng dõng dạc như tiếng hô của nhà binh. Nhung đẩy cửa không thấy ai hết, nhìn quanh quẩn ngơ ngác.

Một tiếng cười khúc khích ở sau lưng Nhung, Liễu co ro ẩn sau một cánh cửa.

Nhung vòng chặt hai tay trước ngực, đứng nhìn chòng chọc Liễu, vừa gật đầu lia lịa, vừa cười mủm mỉm... Rồi Nhung nói luôn:

Bệnh tưởng! Hài kịch một hồi!

Liễu đưa tay bưng mồm Nhung lại và "Suỵt suỵt"…

Liễu khẽ khép cánh cửa lại, cẩn thận quay mấy vòng chìa khóa rồi kéo tay Nhung lên giường, liến thoắng:

− Nghe tiếng giầy lên gác là Liễu đoán được Nhung ngay. Có "thánh" không?

− "Thánh" nhưng làm sao lại thế hử mày! Maman đi lên đền Hàng Trống để lễ bái cho Liễu đấy, có ghé lại nhà Nhung…

− Thế à?

Liễu đặt một ngón tay lên môi, và niệm:

Nam mô a di đà Phật! Các cụ lẩn thẩn thật!

Rồi ngả đầu vào vai Nhung, cười mủm mỉm, cười say sưa…

Nhung cố lấy giọng nghiêm trang hỏi bạn:

Thế sao lại có cái trò bệnh tưởng này?

Maman không cho Liễu đi xem "Le Grand Jeu", Liễu tức, Liễu cứ kêu là chóng mặt rức đầu. Tớ đố ông lang nào biết tớ chóng mặt hay không chóng mặt, rức đầu hay không rức đầu!

Nhung quên phứt đi, bật ra cười rũ rượi, làm cho Liễu phải bưng mồm một lần nữa...

− Cởi áo đi! Nằm xuống đây chuyện gẫu một lúc.

Chiếc nệm lò xo nhún nhảy ở dưới lưng khiến cho Nhung tưởng như đương bập bềnh ở trên những làm mây bạc. Liếc qua trên đầu giường thấy có một quyển sách đương bỏ dở, Nhung với tay cầm lấy. Liễu nhanh tay cướp lại và liến thoắng:

− Cấm, đồ quốc cấm!

− Cộng sản?

− Ừ, cộng sản!

Nhung không thể dằn lòng hiếu kỳ được. Nhung muốn đọc cho được, xem người ta nói gì trong quyển sách ấy, muốn biết cái chủ nghĩa cộng sản ra thế nào mà nó đã cám dỗ người ta và đã giết hại nhiều người thế.

− Lạy mày cho tớ xem qua một tý!

− Thì đấy!

Liễu vất quyển sách xuống giường rồi quay lưng đi, hai tay bưng kín lất mặt và nói với Nhung bằng một giọng hổn hển :

− Quyển sách ấy không phải của Liễu đâu, Nhung ạ ! Liễu thấy nó đã lâu ở trong tay anh Đông. Lạ quá, hễ mỗi lần anh ấy giở ra xem, thấy Liễu đến, anh lại dấu dưới một chồng sách. Ức quá ! Hôm nay anh ấy đi vắng, Liễu mới lục xem, thì ra…

Nhung vẫn chăm chú đọc, không để ý đến lời bạn. Đọc vừa hết trang nhất, Nhung đập mạnh xuống bàn, có vẻ tức giận:

− Mày ạ ! Tớ chả thấy cộng sản ở chỗ nào hết! Cộng sản là cái quái gì, mày?

Thấy cái cử chỉ rất ngơ ngẩn của bạn, Liễu đùa thêm:

− Mày giở qua một lượt, không cần phải đọc mày cũng có thể hiểu cộng sản là "quái" gì vậy ?

Rồi Liễu quay lưng đi cười khúc khích. Bỗng Nhung rú lên một tiếng, Nhung vừa thoáng thấy một cái hình khỏa thân lõa lồ của một kỹ nữ phương Tây. Hai má Nhung ửng đỏ lên, Nhung vẫn thủng thỉnh giở quyển sách xem những tấm hình ở bên trong. Một chặp Nhung ngả mình xuống giường và im lặng trong một lúc lâu. [a] Hai cô bạn, mỗi người theo một ý nghĩ kín đáo ở trong trí.

Nhung không hiểu vì đâu vẩn vơ nghĩ tới một cái mộng đã đến trong giấc ngủ mình một đêm kia, lúc mặt trời đã rọi qua song cửa. Nhung thấy mình đương ngồi chéo chân ở trên một bến sông, mặt nước và cảnh trời như bao phủ bởi một tấm thảm đỏ hoe. Trên những cây nhãn, cành lá tha thướt dưới nước như những xiêm áo của tiên nữ bỏ rơi, Nhung nghe có tiếng chiu chít của những con én, những tiếng chíu chít quen quen. Bỗng có một ông cụ già, kìm cương nhảy phắt xuống ngựa ung dung đi lại gần Nhung hỏi:

− Cô cũng qua sông?

− Vâng, cháu cũng qua sông, nhưng đợi người lái đò mãi không thấy ra, gào rát cả cuống họng.

− Không cần! Chúng ta cứ cho thuyền đi thôi!

Rồi người ấy cho ngựa vào, và đẩy thuyền ra. Lão cầm chèo, bơi lái một cách thông thạo. Thuyền ra đến giữa dòng sông, thì mặt trời đã tắt hẳn sau núi. Bao nhiêu màu đỏ đã rải rác ra đều thu lại cả. Cảnh hoàng hôn đã đến, mà thuyền còn chơi vơi chưa qua được bên kia bến… Nhung bèn hỏi:

− Có lẽ vì nước chảy mau quá, thuyền không tiến được cụ nhỉ?

− Không, tại ngược gió, cô ạ!

Tiếng nói trong trẻo làm cho Nhung ngạc nhiên. Nhung quay lại không còn thấy ông cụ già và con ngựa đâu nữa, mà chỉ thấy trước mặt một thiếu niên bận âu phục. Cái cravate đỏ mà thiếu niên mang ở trên ngực khiến cho Nhung ngờ ngợ, hình như đã có gặp người thiếu niên ấy một lần rồi. Người thiếu niên nhìn Nhung một cách lơi lả và bảo:

− Khó lòng mà cập bến trước khi đêm tối đến, cô ạ!

Rồi thiếu niên thả lỏng mái chèo… Theo dòng nước con thuyền trôi một quãng xa, và khi đến dưới chân một đồi núi thì thuyền mắc kéo lại.

Thiếu niên vin hái một cành hoa đơn trắng, nhích lại gần bên Nhung:

− Không có một con chim nhìn thấy chúng ta, cô cho phép tôi tặng cô một đóa hoa này.

Không nói gì, Nhung nhận lấy hoa. Rồi hai người cùng nhìn nhau, nửa thẹn thùng nửa lả lơi...

Một cành khô rơi xuống mạn thuyền thành một tiếng gọi giữa cảnh im phăng phắc của sông núi, Nhung giật mình tỉnh dậy.

Cái giấc mộng ấy là những mảnh đời rơi rác mà Nhung đã sống trong "chớp bóng" hòa lẫn với một chút thực tại. Cái giấc mộng ấy là giấc mộng vô tình nó thường thầm lén đến bên gối những cô bé đã đến cái "thì" bước vào một thế giới cảm giác mới lạ, cái giấc mộng nồng nàn và hiền lành làm cho thiếu nữ lúc tỉnh dậy sực nhớ đến thường phải thẹn thùng.

Nhung rất lấy làm lạ rằng: người thanh niên đeo cái cravate đỏ mà Nhung đã vô ý vô tứ nắm lấy tay ở rạp Philharmonique, người đó bình thường Nhung không hề nghĩ tới nữa, sao lại đến trong giấc mộng của mình, và tô cho cái giấc mộng một màu đỏ hoe.

− Nhung! Chúng mình đi ra Hồ Tây chơi một lát đi.

Nhung nhìn Liễu, vừa ngờ ngợ vừa thẹn thẹn. Vẫn thấy tập Paris Magazine còn nằm ở đầu giường, Nhung bảo Liễu bằng một giọng hơi buồn:

− Liễu hứa với Nhung từ rầy đừng « hiếu kỳ » như thế nữa, hứa đi, có thứ sách anh Đông đọc được mà chúng mình không nên đọc. Phải thế không, Liễu nhỉ ?

− Ừ, có thực thế, Nhung ạ !

Hai cô bé lạnh lùng nhìn nhau. Bỗng có tiếng gõ cửa, Liễu ra bộ ho lên mấy tiếng, chùm kín chăn lại rồi giục Nhung ra mở cửa hộ.

Bà Tham Cảnh vừa bước vào, chạy lại xoa đầu con và âu yếm:

− Bây giờ thế nào con? Me đã lễ bái, kêu cầu cho con rồi đấy!

Rồi quay lại phía Nhung:

Thế cô vẫn ở trên này với em? Về đi kẻ bà Phán mong!

MẤY TRANG NHẬT KÝ

Ông Phán Vịnh làm tại tòa sứ Thanh Hóa mới về nghỉ Tết sáng hôm nay. Sau khi đã liếc mắt nhìn qua một lượt, những bức hoàng phi, những câu đối những chậu cây, ông Phán đi vào buồng con gái yêu. Ông không muốn biết sự học hành của con bởi những lời thuật lại mập mờ của bà Phán: tự ông, ông kiểm soát lấy cho chắc chắn.

Hí hoáy một lúc lâu giữa những chồng sách đầy bụi, ông Phán Vịnh lại trở ra với một tập vở con con, nhem nhuốc, nhàu nhò,[a] và với một vẻ mặt giận dữ. Hất cặp mục kỉnh lên cái trán đã lơ phơ mấy sợi tóc râm bạc, ông Phán đi đi lại lại, chân kéo xà lết đôi giày tàng, sắp thải về dịp cuối năm. Ông lạnh lùng ngồi xuống cái tràng kỷ. Ông đặt tập vở xuống bàn và hạ cặp mục kỉnh, xếp gọng lại, đặt lên trên tập vở. Ông sẽ vươn lấy cái xe trúc dài của một cái bình gỗ bịt bạc, và kéo một hơi dài… Rồi ông ngả ra đằng sau, tay chống vào một cái gối xếp cao và méo miệng ông phun ra một làn khói, lơ lửng trong gian nhà, như một đám mây thả lưng trời vậy. Hai con mắt ông lờ đờ gửi trên miếng cửa kính…

Bỗng bà Phán bước vào.

Con bà ngoan thật! Học hành giỏi lắm.

Ông nói gì, tôi không hiểu gì hết.

Ông Phán hất hàm một cái, không trả lời.

Ngồi điềm tĩnh một lúc lâu, ông mới chịu nói:

Bà không hiểu, phải, bà làm gì hiểu được những việc ấy. Tôi xin nói cho bà biết rằng: sau Tết, tôi nhất định không cho con Nhung đi học nữa. Bà đi lại đây xem con bà quanh năm học hành ra thế nào?

Rồi, ông Phán thượng cặp mục kỉnh, lần lượt giở cuốn vở con mà ông đã lượm được ở trong buồng học của con gái, và đọc cho bà Phán nghe những hàng chữ ngòng ngoèo, ở trên những trang vở…

Đó là những cái cảm tưởng lộn xộn hằng ngày đến trong trí cô bé, mà cô ghi lại bằng những nét vẽ thô sơ, hay bằng những câu văn non nớt.

Ông Phán, thủng thẳng đọc.

… Bà Phán ngồi lặng yên chăm chỉ nghe, như một cô nữ sinh ngoan ngoãn.

“Ngày 3-8-19...

Hôm nay, Yến đến chơi… Yến ngồi bên cạnh tôi trong khoảng một giờ đồng hồ. Hình như hắn muốn nói gì lại không nói nữa, ngồi im từ phút thứ nhất đến phút thứ 60. Rồi khi nó về, để lại một đống… giấy… vụn, cho hay cái bệnh  xé  giấy vụn là cái bệnh chung của những cô bé… có điều căm tức ở trong bụng….

Ngày 10-8-19...

Hôm nay, ở trong một cái chĩnh gạo, bỗng nhiên có tiếng kêu "ngoeo ngoeo" the thé. Tôi chạy vào, thấy một con mèo mẹ, nằm lừ đừ giữa một bầy 5-6 con mèo con đang ngó ngoáy. Nhà tôi không có mèo. Con mèo kia là con mèo của bà hàng xóm, đến mượn cái chĩnh gạo nhà tôi để đẻ nhờ. Tôi mang cái tin ấy cho me tôi, me tôi có vẻ buồn rầu nghĩ ngợi...

 

Đến đây, bà Phán ngắt lời chồng cười nhí nhởn:

Cái ấy, quả có thực đấy ông Phán ạ!

Nhưng ông Phán vẫn nghiêm trọng đọc tiếp:

 

"Mèo đẻ hoang là một điềm không tốt. Người lớn họ thường tin như vậy.

Ngày 8-9-19…

Chiều hôm nay, trong lúc cô giáo đương chăm chú giảng bài "Histoire de France" Liễu và tôi cùng chăm chú đánh triangles. Cô giáo gọi Liễu, bảo nhắc lại một câu mà cô giáo vừa giảng xong. Liễu vòng tay ngẫm nghĩ một lúc lâu có lẽ cũng quá lâu, tôi níu chéo áo giật mạnh một cái, để giục nó nói đi. Nó lấy chân đạp vào chân tôi. Tôi lại kéo chéo áo nó. Nó lại đứng thừ người ra, không chịu nói. Tôi lại giục nó nói đi, nhưng tôi cũng chả biết nên bảo nó nói gì. Bỗng ở bàn trước, Loan viết lên một trang giấy trắng mấy chữ to tướng cốt để cho Liễu đọc được. Thoáng qua, Liễu nhận thấy ngay, rồi làm ra bộ "ta thông minh lắm", Liễu trả lời cô giáo một cách tự đắc:

Le cheval de Louis quatorze est boiteux.

Con ngựa của vua Louis quatorze đi cà khiễng.

Cả lớp cười ồ lên một cái, lung lay cả bàn ghế. Cô giáo gọi Liễu lên bắt đứng vòng tay lại, và mặt cúi vào bảng đen. Tôi cảm thấy ngay rằng đến phiên tôi phải "bị gọi". Quả không sai, tôi cũng phải làm trò câm trong mấy phút rồi cũng được gọi lên bảng. Cả lớp cười vang nhưng cô giáo vẫn nghiêm trang vẫn bình tĩnh như thường, cô đưa cho mỗi đứa một viên phấn, và ra "lệnh":

− Bây giờ thì hai cô đánh triangles cho chúng tôi xem mấy!

Chúng tôi đỏ mặt tía tai, nhìn nhau dở khóc dở cười... bất đắc dĩ phải đứng vạch những cái hình "tam giác" lên trên bảng đen.

Chuyện này cũng hay, tôi chép lại đây sau này cho chồng tôi xem mà cười.

 

Bà Phán dằn không được, bật ra cười ngặt nghẽo. Ông Phán hạ cặp mục kỉnh xuống và hất hàm nói :

− Như thế mà bà cười được à ?

− Thế ông bảo tôi biết làm thế nào được ?

Ông Phán nguýt vợ một cái và quay mặt đi, ra dáng tức giận lắm. Một lát sau, ông lại trở lại với cái quyển vở con, hăm hở như một quan tòa trước một bản cáo trạng nghiêm trọng. Ông lần lượt diễn ra trước mặt bà Phán, những cái tranh vẽ của các cô đào chớp bóng.

Mỗi bộ điệu, mỗi nụ cười của mỗi cô đào đều được hình dung ra một cách đầy đủ, nét vẽ tuy non nớt, nhưng mà thật thà. Những ngôi sao từ Shirley cho đến Marlène, đều có hình bóng, đều sống một cách đầy đủ, hoàn toàn ở trong cuốn sách nhỏ của cô nữ sinh trẻ tuổi. Mỗi cô đào, giở đến, lại được ông Phán xen vào một lời bàn chua chát, cay độc, ông bàn khéo đến nỗi những cô đào ấy mà khắp thế giới, từ cô Nhung cho đến ông Hitler, đều cúc cung thờ phụng, thế mà dưới mắt bà Phán, trở nên một bọn gái tầm thường, trụy lạc, một bọn xướng ca vô loài.

Bà Phán ngồi nghe ông cắt nghĩa, tỉnh người ra... Ông Phán được thế lại hùng hồn nói luôn.

− Đấy! Tôi mà phải xa nhà ít lâu, là cái gì rồi cũng đến hỏng cả. Không những con Nhung, cả những cái bức liễn kia bà cũng để mốc meo...

Giữa những tranh vẽ, lại còn xen có lắm đoạn nhật ký nữa... Ông Phán lại thượng cặp mục kỉnh lên, nheo đôi mày lại, rán cổ đọc cho vợ nghe cái "văn chương" của con gái:

 

Ngày 29-12-19…

Sáng hôm nay khi ánh trời đã nhởn nhơ trên những miếng kính, thì tôi tỉnh dậy. Mở mắt ra, thấy có một con bướm vàng bay liệng ở trong phòng, đôi cánh nhịp nhàng mềm mại, êm ái khiến cho tôi tưởng như mình đương chập chờn trong giấc mộng. Tôi bấm vào tay tôi, thì quả thấy biết đau. Thế nghĩa là tôi đã tỉnh rồi. Lúc ấy con bướm lại đậu ngay ở đầu giường tôi. Tôi ngồi chồm dậy, rón rén đưa tay lên bắt. Con bướm thoát được để lại một chút ít phấn vàng ở trên đầu ngón tay. Tôi bôi một tí vàng lên hai má ửng hồng của tôi. Tôi nhìn vào gương. Tôi thấy tôi đẹp và oai như một bà công chúa trẻ tuổi... Tôi nhí nhảnh chạy ra khoe với mẹ tôi. Mẹ tôi quay cán quạt đánh vào đầu tôi một cái, và mắng yêu tôi: "Gái đã sắp có chồng rồi mà còn đú đởn". Từ khi lọt lòng mẹ, tôi chưa lúc nào được sung sướng đến như thế !.

 

Bà Phán Vịnh ngồi yên, ra dáng cảm động. Ông Phán Vịnh khẽ đặt cuốn sách, lắc đầu và nói một cái giọng buồn buồn:

− Bà ạ! Con bé nhà ta ngông lắm rồi! Hư lắm rồi! Hay là ta gả quách cho cậu ấm Long!

Trong lúc ấy, thì Nhung, Liễu, Loan, Yến dẫn vào một ông nhà quê, ý chừng là một đại kỳ mục. Ông cụ say mướt, để cho mấy cô bé dẫn đi như một đứa bé ngoan ngoãn.

 

 

 

CÔ NHUNG ĐI XE HOA

 

Ngày hôm ấy là một ngày xuân tốt đẹp… Một ngày nắng mới sau những ngày mưa phùn lai rai và liên tiếp nhau từ tháng nọ đến tháng kia. Ngày ấy lại là ngày mà Hà Nội đương co ro trong một cảnh giá rét, bỗng đứng dậy và hoạt động lên, Hà Nội rực rỡ thêm, và trẻ trung lại, và phe phẩy như một cô thiếu nữ được khoác lần đầu cái áo mới. Hà Nội hôm ấy hoàn toàn là Hà Nội của tuổi trẻ, của anh em học sinh, của người mái tóc trên đầu còn xanh, tâm hồn vẫn trong sáng như một chiều hè, mạch máu nóng đầy dẫy dưới da thịt.

Thanh niên học sinh cử hành cái ngày vui hằng năm của mình. Cả thành phố Hà Nội đều có dự vào cái cuộc vui của tuổi trẻ. Quanh hồ Hoàn Kiếm, người ta đã chen nhau, đứng đợi những cái xe hoa diễu qua trước mặt.

Đúng giờ đã hẹn, những cái xe hoa từ nhà hội Khai Trí Tiến Đức khởi hành. Cả những nhà buôn, những nhà báo cũng chung cuộc vui với bạn trẻ. Xe hoa thì thật là đủ kiểu, và đủ lối. Người ta thấy những cái xe nặng nề và thô kệch kéo bởi mấy con bò vàng, ở trên xe đứng hai hàng thanh niên mập mạp, phốp pháp, mình nhuộm đen, và đầy những khiên, giáo mác. Trên mặt của những người ấy đầy dẫy sát khí và trong hai con mắt đen nháy của họ ẩn một lòng khao khát máu me không thỏa mãn. Người ta lại thấy những hoa sắc, và những thiếu nữ lộng lẫy, ăn mặc như những cô tiên, người thì đánh đàn người thì nhẩy múa. Lại đến những cái xe ngựa quý phái ở trong một cặp vợ chồng son, ngồi điềm tĩnh không muốn nói cũng không muốn cười, cũng không muốn đuổi ruồi. Họ yên lặng hút thuốc lá. Lại đến những kiểu xe rực rỡ và nhí nhỏm, đầy những thiếu nữ ăn mặc theo kiểu Nhật Bản, phấp phới như những cánh bướm nhẹ nhàng. Người ta reo hò, người ta ca hát, người ta nhảy múa, người ta nô đùa. Người ta tung lên không những chiếc bóng xanh đỏ. Người ta tung lên cây những dây Serpentin. Người ta tung vào người những confetti. Người ta tung vào những cô tiên, cả cát bụi nữa. Người ta nô đùa, và người ta đã quá nô đùa.

Nhung đứng trên một cái xe Nhật Bản, phấp phới trong một bộ áo rộng nhí nhỏm dưới một cái ô xinh xinh bằng giấy. Cô bé đứng nhìn cảnh sắc xung quanh mình, tưng bừng như một con bướm được lạc vào một cái vườn trăm hoa. Nhung đã kéo theo dưới chân cả một đám thanh niên trẻ như măng, xôn xao như sóng, nồng nàn như rượu. Người ta ném vào Nhung những hoa giấy và hoa thật, và cả những lá cây nữa… làm cho Nhung thấy túi bụi, và hai mắt Nhung hoa lên không còn thấy gì nữa. Rồi một lúc lâu, người ta thấy Nhung  ngất đi! Và gục vào vai một người bạn gái, Nhung cũng không thể gượng được. Nhung phải ngồi xuống. Nhung bị "máu xâm". Người ta chở Nhung vào nhà thương. Nhung nằm ủ rũ ở trong bệnh viện Phủ Doãn. Nhưng ngoài kia Hà Nội vẫn reo họ vẫn nô đùa, cho đến khi mặt giời lặn.

 

***

 

Nhung nằm ở phòng Pasteur. Lúc tỉnh dậy, Nhung không thấy ai bên cạnh mình hết.

Những cuộc vui lúc ban chiều, như một giấc mộng đã qua, chỉ lưu lại trong trí cô bé một sự mường tượng mơ hồ… Nhung thấy buồn, buồn lắm… Cái phòng bệnh rộng, và quá yên lặng, làm cho cái buồn của nàng thêm nặng nề và man mác. Nhất là sự trơ trọi của nàng, dễ khiến cho nàng có cái cảm giác bị lẻ loi, bị ruồng rẫy. Nàng không hiểu sao nàng lại đến chốn này, và cũng không biết nàng mắc bệnh gì. Sự thật, thì nàng thấy khỏe khoắn và tỉnh táo như một người thường.

Bỗng nàng nghe có tiếng những cốc chạm vào nhau, và tiếng chân chạy san sát: người cu li bận áo blouse xanh, đi từng phòng phát sữa. Nàng cảm thấy ngay cả cái sự não nùng của nơi bệnh viện.

Người cu li vừa đặt cốc sữa xuống cái bàn con cạnh nàng, thì đã vội vã bước đi. Nàng gọi lại:

Bác làm sữa làm gì. Bác cho tôi ăn cơm thì hơn!

Người cu li đáp lại một cách xấc lấc:

Cái ấy thì tôi biết đâu!

Thế bác có thấy hồi nãy người nhà tôi có ai vào đây không?

Người cu li vẫn xấc láo:

Cái ấy thì tôi biết đâu.

Rồi ngoay ngoảy, nó bước ra.

Trong lúc ấy, thì có một người nữ khán hộ bước vào. Người khán hộ xoa trên đầu Nhung, vừa cười vừa nói:

Chỉ có thế mà làm cho mấy người bạn cô hết vía. Họ vừa về ăn cơm rồi đấy, chốc nữa chắc họ sẽ lại. Thế bây giờ cô đã tỉnh hẳn rồi chứ?

Cám ơn cô! Đã tỉnh lắm rồi. Thế em có thể ra ngay được chưa?

Không được! Mai sớm cô hẵng về cũng được.

Người nhà của em có vào, cô làm ơn chỉ cho họ vào đây.

Vâng, được… Mời cô xơi sữa đi.

Người khán hộ chào Nhung, rồi bước qua phòng khác.

Ăn xong cốc sữa, Nhung đứng dậy, đi bách bộ cho đỡ buồn. Chợt thấy cái bộ áo Nhật Bản mình đương mặc, Nhung không sao nín cười được. Bây giờ nàng thấy "lố" quá.

Bỗng xa xa Nhung nghe có tiếng hát tây, giọng đều đều lanh lảnh, nhịp nhàng với tiếng giầy gõ.

Một bài hát nghe quen quen, nhưng nàng không nhớ là bài gì.

Nàng nhảy lên cái cửa sổ ngồi yên lắng tai nghe: tiếng hát một ngày một gần. Trong cái tĩnh mịch của nhà thương, trong buổi hoàng hôn, tiếng hát vui mà nghe ra não nùng quá!

Một người thiếu niên nhanh nhẹn bước tới tay cầm một đóa hoa tàn, và mình khoác một cái áo "bờ-lu" trắng. Có lẽ là một sinh viên trường thuốc, hôm ấy nhằm phiên gác ở phòng "Pasteur". Chợt thấy Nhung ngồi ở song cửa thì người thiếu niên tưng hửng đứng lại. Điệu hát cũng bị ngừng hẳn. Người thiếu niên nhìn chòng chọc lấy Nhung, thấy cái áo Nhật Bản rộng thênh và cái đầu tóc của Nhung còn đầy cả confetti thì thiếu niên bỗng phì cười. Và chẳng ngượng ngùng gì hết, thiếu niên bước lại gần Nhung, đưa một cành hoa cho nàng, và cười chúm chím:

Tôi xin tặng người tiên của nước Nhật Bản cành hoa héo này, cái dấu vết của một ngày vui đã tàn.

Câu nói rất đường đột, nhưng nói ra bằng một cách rất có duyên, khiến cho Nhung thấy mơn trớn lạ thường. Nàng đỡ lấy nhành hoa, và vui vẻ đáp bằng một cái giọng thân mật:

Cám ơn anh lắm! Thế giờ này có lẽ ở quanh hồ, chỉ thấy toàn những hoa héo như thế này cả anh nhỉ?

Rồi cả hai người cùng nhìn nhau cười, cười ngặt nghẽo, cười say sưa.

Thấy cái vẻ dễ dàng của Nhung, thiếu niên mời Nhung đi tản bộ một vòng quanh nhà thương. Nhung nhận lời ngay, nhảy xuống đất, và đi song song bên người bạn mới. Cả hai chuyện trò cười nói, vui vẻ như hai con chim non mới bay chuyền.

Bỗng Nhung tự nhiên ngừng bước, nàng đứng yên, cúi mặt, tay mân mê những cánh bông héo.

Cô làm sao thế?

Em xin phép ông trở lại.

Rồi nàng ngoay ngoảy bước đi như một người giận dữ. Nàng vừa nghĩ đến một… điều mà từ trước nàng chưa hề nghĩ tới. Nàng thấy bẽn lẽn lạ lùng. Hai má nàng ửng đỏ. Về đến phòng bệnh, nàng lại càng ngồi đứng không yên. Nàng không thể không nghĩ đến điều ấy được; điều ấy nàng thấy hay hay… nhưng mà gần  như là bất chính.

Sẵn có cây bút chì ở trên bàn, Nhung ghi ngay vào nhật ký, cái cảm giác mới mẻ của mình. Nàng cẩn thận ghi bằng thứ chữ riêng của một bọn nữ sinh. Nếu mấy hàng chữ này có lọt ra ngoài cũng không ai đọc được, trừ có Liễu, Yến, Loan, Ngà…

     Ngày 22 Mars 1935

Ipn obz dp ohvpk uboh upk npu epb ipb…igp…Upk xvk tvoph oiv npu dpo dikn xp cboi cbz mbo ebv sb hkvb dboi uspk npk mb…Upk dvpk opk, op evb xpk ohvpk ub oiv xpk npu ohvpk boi svpu… Upk rvgo upk mb npu uikgv ov nvpk tbv vupk. Lgk vpk tvd oip mbk uik upk lipoh đbn evpoh evpoh oiko ohvpk ek cgo dbog upk ovb. Upk ugbz upk dp npu dbk dbn hkbd mb mb, ibz ibz xb ugv ugv. Upk nbu db xg uv ogkgo. Cp ekgv upk usp ogo xvoi xg. Hkpoh opk upk ipk svo. Upk eb zgv.

Mấy hàng chữ bí mật ấy, theo vần a, b, c, cứ bỏ chữ trên, lấy chữ dưới, nguyên văn như thế này:

  Ngày 22-3-1935

 "Hôm nay có người tặng tôi một đóa hoa héo. Tôi vui sướng như một con chim vỗ cánh bay lần đầu ra giữa cảnh trời mới lạ. Tôi cười nói nô đùa với người ta như một người anh ruột. Tôi quên tôi là một thiếu nữ 16 tuổi. Khi tôi sực nhớ lại, thì tôi không dám đường đường nhìn người đi bên cạnh tôi nữa. Tôi thấy có một cái cảm giác là lạ, hay hay và thu thú. Tôi mất cả vẻ tự nhiên. Bộ điệu tôi trở nên vụng về.

Giọng nói tôi hơi run. Tôi đã yêu".

 

 

EM VƯỢNG

 

Một tháng qua, lại một tháng qua, lại một tháng nữa qua.

Rồi một chiều hè, trong những chiều hè khác, những con chim cũng biếng hót. Ở trong cái nhà kia đằng phố QuáThánh một cái nhà có vườn xum xuê hoa lá. Bốn người sinh viên trẻ tuổi đương quây quần với nhau, để bàn phiếm những lời bàn phiếm về thời sự đăng trong các báo hàng ngày. Trong lúc các cậu thanh niên đương cãi lộn nhau như một buổi họp làng thì Tuấn vỗ vào vai Đông, và xuỵt xuỵt! Các cậu đều im lặng hết. Với một ngón tay bí mật, Tuấn trỏ một cái xe nhà vừa đỗ ở trước ngõ… Các cậu truyền miệng với nhau bằng một cái giọng nhỏ thé: "Nhung! Nhung! Chúng mày ạ!" Rồi chẳng đợi ai bảo, Tuấn, Linh, Kỷ ều chạy vào buồng để ẩn! Đó là cái luật chung ở trong cái "Nhà sinh viên" mỗi khi có tình nhân của một người bạn đến… Đông, người sinh viên ở lại chính là Đông.

Đông rối rít cả lên, sửa lại cái khuy áo, sắp lại chồng vở trên bàn, vất một đống giấy vụn vào giỏ, lại có ý để giở một quyển Anatomie ở trên đầu giường. Trong lúc ấy, thì Nhung đi vào, với một vẻ mặt buồn não. Nhung cứ đứng yên ở ngoài ngưỡng cửa. Đông cảm thấy ngay có sự không vui xảy đến, vội vàng hỏi bạn:

Nhung làm sao thế?

Nhung vẫn không nói gì, lấy cây bút chì ở trong túi biên vào một mảnh giấy con, mấy nét hấp tấp đưa cho Đông.

"Kính viếng linh hồn trong sạch của em Vượng yêu qúy của chị! Nhung"

Đọc xong, Đông nhìn Nhung thương hại:

Vượng chết?

Nhung buồn rầu:

Em Vượng chết rồi! Hồi 10 giờ sáng!

Hai người lại nhìn nhau, bốn mắt như lặng truyền cho nhau một mối cảm đau chung…

Đông kẻ nhanh lên cho em, kẻ bằng chữ to, trên một mảnh giấy băng dài… thật dài. Đông nhé! Không cần đẹp lắm… Một giờ sau, Nhung sẽ trở lại lấy. Thôi! Nhung đi đây!

Đông vẫn đứng nhìn theo cho đến khi Nhung lên xe đi khuất ra đường cái. Khi quay lại, thì Đông đã thấy Tuấn, Linh, Kỷ ở trong buồng bò ra, cả ba cùng đi lại bên Đông và hỏi chuyện huyên thuyên. Linh vừa vỗ vai Đông, vừa nói bằng cái giọng cợt nhả:

− Chúng mày hôn nhau sao mà tao chả nghe thấy nói chuyện gì cả!

Rồi cả bọn cùng nhau nhìn Đông cười ồ! Đông cáu, ẩy mạnh Linh một cái, gắt:

Tôi không thích chơi cái kiểu ấy! Tôi xin các anh để yên cho tôi làm việc.

Linh, Kỷ, Tuấn, đều lặng im phăng phắc, nháy nhau ra vườn và cùng thì thào! Linh  nói:

Thằng khỉ gió ấy chắc lại bị con Nhung "tẩy" chứ gì? Ta phải vào cự nó một mẻ mới được!

Linh vùng vằng bước vào thì bị Kỷ giữ lấy tay:

Để yên cho nó…làm việc, mày!

Làm việc con tườu gì, lại viết thơ cho gái chứ làm việc cái cóc gì?

Không, anh Linh của tôi lầm! Đông không viết thơ cho gái. Đông đương ngồi kẻ mấy hàng chữ to tướng chăm chỉ như một anh thợ mã…

Vừa thấy bọn Kỷ bước vào, Đông gắt om:

Tôi lạy các anh để yên cho tôi làm việc…

Tay kẻ, mà trí Đông cứ nghĩ đến chuyện đâu đâu. Em Vượng là ai? Thực ra Đông có bao giờ biết mặt mũi Vượng ra làm sao, chỉ biết rằng Vượng là em của Nhung, một đứa em gái mà Nhung rất yêu dấu. Đông thoảng nhớ ra rằng: một hôm Đông thấy Nhung đi ngang qua nhà mình có dắt một cô bé tóc để xổ dài, cợp lược, trông kháu lắm. Hôm ấy, Nhung đi đâu có vẻ vội vàng hấp tấp, nên Đông không kịp hỏi. Nhưng cô bé trông khau kháu ấy, có phải là em Vượng của Nhung không? Mãi về sau, đã mấy lần Đông định hỏi, rồi mỗi khi gặp Nhung, lại nói những chuyện đâu đâu, quên hỏi về việc cô bé ấy. Mặc dầu chưa biết Vượng là ai, nhưng Đông khi được tin Vượng chết, nhất là khi ngồi kẻ mấy hàng chữ não nuột ấy, thì Đông thấy đau xót lạ nhường!

Vượng chết! Một cái linh hồn ngây thơ cô quạnh rơi vào cái vực lạnh lùng, tối tăm. Đông cảm thấy sự cô quạnh của cái linh hồn kia, qua một cái linh hồn thân yêu. Tất cả cái lẽ đau xót của Đông, là cái đau xót của Nhung.

 Bên chữ tên của Nhung, Đông muốn kẻ thêm vào đấy chữ tên mình.

Nhưng chợt nghe có tiếng gõ cửa, Đông quay lại thì chính là Liễu.

Liễu đon đả hỏi:

Thế cái ấy đã xong chưa anh Đông? Chị Nhung sai tôi lại lấy cái băng giấy để kết vào vòng hoa.

Xong rồi! Nhưng chị Nhung đâu?

Nhung ấy à? Nhung chỉ sai tôi đến. Thôi đưa cái ấy ngay cho tôi!

Bao giờ thì đưa đám?

6 giờ hôm nay. Nhưng anh đi làm gì?

Liễu tiếp lấy cái băng giấy rồi nguây nguẩy đi. Không hiểu có cái mãnh lực gì sai khiến, Đông cũng theo Liễu ra ngõ.

Bỗng Đông trông ra đằng xa, nhận thấy có một cái bóng trắng đứng ở dưới gốc cây sấu. Quả là Nhung! Nhung đương cúi mặt và tay mân mê cái vạt áo. Cạnh đấy có một cái xe chở một cái vòng hoa. Đông cảm thấy buồn não vô cùng. Không đợi Liễu và Nhung bước lên, Đông quay gót trở vào, hai chân như loạng choạng bước không vững.

 

***     

 

− Năm rưỡi rồi anh còn đi đâu nữa, anh Đông.

Đông không nói gì, vẫn cứ bình tĩnh đứng trước tủ gương, thắt lại cái cravate. Tuấn gắt:

6 giờ mà không thấy mặt anh, thì chúng tôi ăn trước đấy! Đó là lệ chúng ta đặt ra, và anh đã có  ký tên vào!

Đông vẫn không nói gì, rút ở túi áo ra một tờ giấy "Cáo phó", giao cho Tuấn. Tuấn, Kỷ, Linh xúm lại đọc:

Chúng tôi có lời cáo phó cho ngài biết rằng: Người con gái rốt của chúng tôi lên 10 tuổi là cô Lê Thị Vượng mất hồi 10 giờ sáng tại nhà thương Phủ Doãn. Chiều hôm nay 6 giờ thì chúng tôi làm lễ an táng cho cháu tại nghĩa địa An Lạc.

                                                                           Nay kính

Ông và bà Lê Trọng Vịnh

Tuấn hỏi:

Vịnh là ai thế mày?

Ông thân cô Nhung đấy!

Linh xen vào:

Tớ có lời chia buồn cùng vợ chồng mày!

Đông trừng mặt nhìn Linh mắng:

Nhảm!

Tuấn có vẻ háu ăn đi lại ở vách đọc to một khoản đã ấn định trong điều lệ do bốn cậu sinh viên đã đặt ra để răn giữ nhau:

“Khoản thứ 9

Trong những giờ ăn cơm mà nếu có người nào vắng mặt là có quyền coi như người ấy là không ăn. Trừ khi có việc quan trọng lắm, bất đắc dĩ phải vắng mặt, thì phải để dành cơm cho người ấy”.

Đọc xong Tuấn quay lại hỏi ba người bạn:

Thế đi đưa đám một người em gái lên 10 tuổi của một người tình nhân (Chưa phải là vợ, các anh nhớ cho) có phải là việc quan trọng lắm không? Và ta có nên để dành cơm không?

Hỏi rồi Tuấn lại tự đáp ngay:

Theo ngu ý thì việc ấy chưa phải là việc quan trọng lắm! Vậy không để dành cơm.

Đông cáu:

Ngu ý của anh thật quả là ngu ý.

Nói xong, Đông nguây nguẩy bước đi. Tuấn, Linh, Kỷ nhìn nhau cười rũ rượi.

Ra đến ngõ, thấy có cái xe không ở cạnh đường, Đông mặc cả đến nhà thương Phủ Doãn. Đông bước lên xe đi đến đầu phố Henri d’Orléans, rồi không hiểu sao, Đông bảo người cu li xe dừng lại, trả tiền cho nó, không đi nữa.

Đông quành ra vườn hoa Hàng Đậu, và ngồi xuống một cái ghế đá ở đấy, bên một người nhà quê. Người nhà quê dựa đầu vào lưng ghế và ngáy khò khò, khiến cho Đông khó chịu phải đứng dậy đi qua chỗ khác.

Đông không muốn đi theo đám ma nữa là vì thấy mình chưa phải là người nhà chính thức của Nhung. Đi giữa một đám người lạ, Đông thường nghe Nhung nói chuyện đến hai người chị của mình, một người lấy chồng ở Tuyên Quang, một người lấy chồng ở Vinh. Trong dịp này, chắc hai người chị ấy cũng có về! Họ sẽ nhìn Đông một cách tọc mạch và sẽ làm Đông trơ trẽn. Đông nhất định không đi nữa. Bỗng đằng xa phố Maréchal Joffre tiến tới một đám ma. Hai con ngựa phủ đen im lặng bước từng bước một, tiếng chân sắt gõ đều lên đường nhựa thành một nhịp não nùng… Đông giật mình… Nhưng không, đó chỉ là một đám ma của người tây… Một đám ma im lặng, không kèn, không trống, không một tiếng khóc.

Đông ở vườn hoa Hàng Đậu về nhà lối 9 giờ. Đến ngõ, Đông gặp thằng Minh vừa bước ra. Minh là thằng nhỏ trong khau kháu mà Nhung thường sai mang thơ xuống cho Đông. Chưa kịp hỏi, Minh đã hớn hở bảo Đông:

Cậu có thơ ở nhà!

Thế mày giao cho ai?

Con gửi cậu gì có cái sẹo nho nhỏ ở trên trán.

Đông cười rồi để cho thằng bé đi. Cái cậu có cái sẹo nho nhỏ ở trán, chính là Tuấn. Đông vội vàng chạy vào! Trời bức như đốt thế này mà cửa lớn cửa bé đều cài kín. Nhìn qua cái khe cửa, Đông thấy Linh, Kỷ và Tuấn đương chúi đầu vào đọc trên một mảnh giấy con. Rồi cả ba cùng ngẩng lên cười, cười như một cái máy hát.

Đông gõ cửa. Bỗng tiếng cười ngừng lại như hãm, Linh cặm cụi viết. Kỷ cúi mặt vào một quyển sách. Tuấn bỏ cái mảnh giấy vào phong bì, lấy cồn dán lại, rồi chạy ra mở cửa.

Đông nhìn thẳng vào mặt Tuấn hỏi:

Trời bức thế này, các anh họa có muốn chảy nước, nên mới đóng cửa lại?

Tuấn vẫn thản nhiên cười đáp:

Bọn thằng Nguyên mới đến đấy, mày ạ! Chúng phá như giặc! Chúng tao định đóng cửa ngồi học, nhất định không tiếp thằng chó nào nữa hết. À mày có cái thư, Đông ạ!

Đông giật lấy phong thư, nguýt Tuấn một cái, rồi đi thẳng vào buồng mình.

Tuấn đi lại, vỗ vào vai Đông, và ngọt ngào:

Đừng giận chúng tớ! Nói chơi vậy, chứ ai nỡ truất phần cơm mày đâu! Kia cơm còn chờ mày ở trên bàn đấy, đi lại mà chén đi!

Đông van lơn:

Tôi xin anh, để yên cho tôi nghỉ một lát. Tôi nhọc lắm.

Nhưng mâm cơm kia có tội gì mà anh không ăn?

Mà bức thư này, thì lại có tội gì, mà bị bọn các anh đọc trộm ra?

Tuấn nhìn Đông không nói gì, trỏ Kỷ và Linh đương chăm chú ngồi học… rồi cười sặc sụa. Đông cũng gượng cười theo, cho Tuấn khỏi ngượng.

Đợi Tuấn đi rồi, Đông mới xé thư ra đọc:

 

"Anh Đông!

Thế là yên! Bây giờ đây, khi Nhung cầm bút viết mấy hàng chữ này cho Đông, cái cánh tay mà em Vượng thường đưa ra cho Nhung dẫn đi trong những vườn hoa vắng, cái cánh tay ấy không còn đủ sức cất nổi để làm một cái cử chỉ đáng yêu nữa. Có lẽ cái cánh tay ấy đã bắt đầu nát, rồi mai kia sẽ thối rục.

Chiều hôm nay, Nhung đi bộ nhiều quá, chân lên đinh, rức ghê lắm. Về Nhung chỉ ăn cháo, không ăn qua một tí cơm nào! Nhung đi lên gác, thấy cái màn trắng, tự nhiên Nhung giật mình! Cái màn trắng rủ xuống, lay động theo một làn gió lùa qua khe cửa, làm cho Nhung ghê sởn quá! Nhung phải đi xuống ngồi với chị Vân, chị Vân hỏi Nhung: "Đông đi đưa đám ở đâu?" Nhung trả lời là Đông đi bên chú Huyện. Có phải thế không Đông? Mắt Nhung bấy giờ mờ lệ, trông không rõ. Đã mấy lần Nhung thấy Đông đi bên chú Huyện của Nhung. Về sau, lúc hạ huyệt, thì Nhung không còn gặp thấy Đông đâu nữa. Lúc bấy giờ Đông về rồi có phải không Đông?

Thôi chào Đông!"

 

Đông lặng lẽ đặt một cái hôn lên trên bức thư rồi gấp lại. Đông còn lẩm bẩm: "Nhung của tôi nhầm rồi! Làm gì ra có Đông ở đám ma? Khéo dối mình và dối người!" Rồi chợt nghĩ đến tình cảnh của Nhung, Đông cũng hơi hơi buồn, một cái buồn nhẹ nhàng, thanh thú. Vô tình, Đông vui miệng bật ra hát tây, hát như một người sung sướng, giọng hát ấy đã làm cho Nhung nơm nớp trong một buổi chiều lãnh lẽo kia ở Bệnh viện.

 

 

ĐI CHƠI CHÙA LÁNG

Trong lúc Tuấn, Kỷ, Linh đương mê man với giấc ngủ sáng chủ nhật – giấc ngủ sáng chủ nhật là một giấc ngủ "thần tiên" của người học sinh thì Đông đã phải lục đục dậy, sửa soạn để tiếp Nhung. Hôm ấy, Nhung hẹn đến rủ Đông đi chơi về miền nhà quê. Mặc quần áo xong, Đông ngồi dựa ở song cửa để đợi Nhung. Đông mải nhìn ở trên cây hoàng lan, một con chim vành khuyên bụng vàng như nghệ, rúc dưới lá, và kêu chi chít. Những ánh nắng mặt trời qua những cành lá rọi xuống áo Đông, những bóng bạc lấp lánh nhảy múa, khiến cho Đông có cái cảm giác như chập chờn trong cái mộng một chiều hè.

Một tiếng "nói mớ" ở trong buồng đưa ra làm cho Đông tỉnh mộng! Đông quay lại. Nhung đã đến từ lúc nào, đứng dựa lưng vào một cái bàn, hai tay khoanh trước ngực.

Đông nhìn bạn, mỉm cười:

Thế ta còn đợi gì nữa?

Nhung nũng nĩu:

Nhưng…

Nhưng làm sao?

Nhưng… Nhung không muốn anh đeo cái cravate đỏ!

Làm sao lại thế, Nhung?

Màu đỏ. Nhung ghê rởn lắm!

Thực ra cái cravate đỏ của Đông làm cho Nhung nhớ đến một chuyện đâu đâu, đến một giấc mộng vu vơ. Nhung thấy hiện ra trong trí một người thiếu niên nhí nhỏm, trẻ đẹp, hình như đã có sống qua một quãng đời thân mật với nàng. Hình như có lúc Nhung đã…

Nhung sợ màu đỏ lắm?

Không, nhưng…

Hai má Nhung ưng ửng lên, trông mặt mắc cỡ như người vừa phạm một cái lỗi nhỏ. Nhung tự nhiên nhìn Đông có vẻ thương hại, tưởng như Đông đã phải phiền lụy vì một người tình địch. Thực ra người tình địch ấy chỉ là một sự thoảng qua trong trí, hoặc trong mộng.

− Thôi ta đi đi! Đông ạ!

− Vâng, thì đi!

Rồi Nhung và Đông kéo nhau đi. Ra đến ngõ bỗng hai người dừng lại có vẻ ngạc nhiên và sợ hãi: Trong cái nhà yên lặng chỉ có mấy cậu sinh viên ngủ như chết bỗng nổi dậy một trận cười như thác trên ngàn, trận cười xen lẫn những câu nói đùa thô tục. Nhận ra tiếng cười của bọn Kỷ, Tuấn, Linh, Đông lẩm bẩm:

− Đồ quỷ sứ!

Nhung nhìn Đông, sợ hãi:

− Cái gì thế Đông?

− Bọn ấy, có lẽ họ đã thức dậy, và nằm yên lắng nghe câu chuyện của chúng mình hồi nãy, đợi chúng mình đi khỏi bây giờ họ mới cười với nhau.

− Ngỡ là chuyện gì !

Hai người lại yên tâm rảo bước đi ra bờ hồ chờ chuyến tàu điện Hà Đông.

Tàu đến Ngã Tư Sở, thì Nhung và Đông xuống. Họ quặt về phía tay phải theo con đường chùa Láng. Họ phải đi qua một xóm cô đầu. Những thiếu nữ, đầy rẫy xác thịt, và nhợt nhạt phấn son, ngồi ở vỉa hè, gỡ những mái tóc bơ phờ rủ xuống hai bên vai.

Thấy Đông và Nhung song song đi qua, một cô bảo nhỏ nhưng cũng cốt cho khách quan đường nghe thấy, bảo nhỏ hai cô bạn ngồi ở bên cạnh:

− Anh ấy! Có xuống hát nhà này mấy bận rồi đấy! Chúng mày còn nhớ không?

− Sao lại chả nhớ! Anh ấy một bận đi với anh Hải, anh Vân; một bận đi với anh Tập anh Phước. Anh ấy nhảy khá ra phết!

Nói xong ba cô cùng nhìn nhau lè lưỡi. Đông và Nhung cúi đầu bước nhanh, không dám hó hé. Qua khỏi phố ấy, Nhung mới nhìn vào mặt Đông và nói một cách oai nghiêm như một quan tòa:

− Nhung có lời khen ngợi Đông đấy!

Biết rằng bị bọn cô đầu xỏ, nhưng cũng không biết tự bênh vực thế nào, Đông chỉ nhìn Nhung trân trân với cặp mắt van lơn.

Nhung lắc đầu vừa có vẻ nũng nịu, vừa có cả trách mắng bạn:

− Nhưng Đông ạ! Nhung không muốn có một người bạn đi chơi cô đầu! Vẫn biết họ cũng là một hạng đáng thương, nhưng gần họ vẫn làm sao ấy!

Đông ấp úng, giơ tay thề, và tự bào chữa được một câu.

− Đông xin đưa danh dự của Đông ra mà thề với Nhung rằng là Đông không bao giờ quen những con cô đầu ấy…

Nhưng Nhung vẫn lắc đầu, vẫn ra dáng không tin. Đông lải nhải cắt nghĩa:

− Những hạng ấy, Nhung tưởng một người như Đông có thể gần được hay sao, Nhung tưởng…

Nhung ngắt lời:

− Làm sao anh lại khinh cô đầu được thế! Cô đầu chẳng cũng là người như anh như tôi hay sao?

Đông không biết cắt nghĩa thế nào, chỉ đứng nhìn Nhung mà đỏ mặt, khiến Nhung phá ra cười.

Đông cũng cười rồi dắt tay bạn đi.

Mặt trời đã lên cao. Những cây sấu bên đường rung rinh mầu xanh ở dưới ánh nắng lấp lánh. Và hai vạt ruộng mạ như một làn sóng, lướt thẳng một hơi, tới chân trời xa tắp. Nhung thấy nhẹ nhàng dễ thở, có cái cảm giác như được sống những phút bao la rộng rãi. Nhung đứng lại nhìn Đông trên đôi mày nồng nàn một vẻ hân hoan.

− Cứ đi chơi như thế này mãi thì em sung sướng quá! Chủ nhật sau anh lại dẫn em đi nữa, những miền nhà quê, thật nhà quê hơn nữa anh nhá!

− Nhưng chúng mình đi mãi, sợ bọn ấy nói.

− Bọn nào anh?

− Bọn Tuấn, Linh, Kỷ ấy.

− Thì lần sau, ta lại mời bọn họ cùng đi nữa cho vui chứ sao?

Hai người lại vui vẻ bước đi. Thấy một cái quán ở đằng xa, Nhung reo hò lên như một người điên, rồi bỏ bạn, chạy tới trước. Một lát sau, khi Đông đã gần theo kịp, Nhung ở trong quán chạy ra, chỉ một cái gói ở tay, ngây thơ bảo bạn:

− Bữa cơm trưa của chúng mình đây.

Đông toan bóc ra, Nhung hất tay đi:

Bí mật! Bí mật! Anh đoán xem gì?

Bánh tây giò?

Giời ơi! Ở đây làm gì có bánh tây! Anh ngớ ngẩn lắm!

Xôi lạc?

Không.

À đích rồi! Bánh dầy?

Nhung vẫn lắc đầu và cười như một đứa trẻ con.

Trời vừa gần đúng ngọ, thì hai người đến chùa Láng. Ngay ở cổng chùa một sư nữ đã có tuổi điềm tĩnh xếp vành tròn, ngồi tụng kinh trước một cái bệ thờ xây ở ngoài trời. Bên sư nữ để ngổn ngang, một cái nón thượng, một cái bị và một cái gậy. Nhung nhí nhảnh chào.

Nam mô a di đà Phật.

Nhưng người sư nữ có lẽ không nghe thấy, vẫn điềm tĩnh đăm đăm ngồi đọc. Nhung rón rén bước lại gần, đứng ngắm mãi cái nét mặt đầy khổ não của sư nữ. Nhung cũng như bị buồn lây, đứng tần ngần trong một lúc lâu, không biết nói gì. Nhung khẽ rút trong túi áo một đồng hào ván, nhẹ nhàng đặt cạnh người sư nữ, rồi yên lặng đi. Cái cử chỉ câm ấy có ý nghĩa thâm trầm hơn nghìn vạn lời nói hay của thánh nhân.

Lúc đã đi xa người sư nữ rồi, Nhung mới thỏ thẻ hỏi Đông:

Người ta ngồi như thế cả ngày, anh Đông?

Từ sáng đến chiều, dầu nắng, dầu mưa, có khi ngày này qua ngày khác.

Tội nghiệp! Vì sao vậy, anh Đông?

Đó là một cách trừng phạt của nhà chùa.

− Ô hay! Nhà chùa là chỗ từ bi quảng đại, sao lại còn trừng phạt, anh Đông?

− Phép nhà chùa nghiêm lắm!

− Nhưng sao người ấy lại bị phạt?

− Thường thường là vì phạm những điều răn giới của Phật tổ chẳng hạn như ăn mặn, say mê sắc dục.

− Em cấm anh nói xấu những người ấy.

− Nhưng sự thực là như thế đấy!

− Những người ấy họ khổ não nhiều lắm.

− Điều ấy, họ không có quyền oán trách vì đi tu chính là để đi tìm điều khổ não.

− Vẫn biết thế, nhưng...

Hai người đã gần đến chùa, Đông và Nhung tự nhiên cùng dừng bước.

Ở trong chùa có tiếng nói ầm ĩ. Tiếng người này chưa dứt, thì tiếng cười khác lại nổi dậy, có tiếng ngà ngà của người say, có tiếng khàn khàn của người già cả, có tiếng hách dịch của hào lý, có tiếng rề rề của người lắm điều. Họ chen nhau, họ giành nhau mà nói, mà bàn, mà bẻ, mà cãi. Họ họp làng.

Đông và Nhung bước vào, có vẻ bỡ ngỡ, ngại ngùng ở ngoài ngưỡng cửa. Một bô lão, nhác thấy, bèn đứng dậy, mời Nhung và Đông:

− Ông bà cứ tự tiện vào vãn cảnh chùa. Làng chúng tôi hôm nay, nấu nước hoa.

Trên một cái phản dài, hai hàng bô lão và hào lý đương ngồi uống rượu. Dưới chân phản, một bọn trai làng đang ngồi xúm nhau, ngắt những hoa bưởi. Gần họ, đặt một cái nồi to, lửa lên ngun ngút. Hơi nước bốc lên qua một cái ống tre dài, rồi đọng thành giọt rỏ xuống một cái bát. Cái bát ấy chốc nữa sẽ dâng lên thờ Phật.

Nhung và Đông đi xem hết bàn thờ này, qua bàn thờ khác. Nhất là Nhung thì không bỏ sót một cái gì, thấy mỗi tượng Phật kỳ dị, hay mỗi cái tranh vẽ lạ lùng là Nhung cũng phải bắt Đông phải cắt nghĩa tỉ mỉ cho mình nghe, làm cho Đông phải lúng túng vì thật ra Đông cũng có biết gì hơn Nhung đâu. Thấy cái hiếu kỳ ngộ nghĩnh của thiếu nữ, các bô lão nhìn nhau cười khúc khích. Hết chùa chính, Nhung và Đông đi vào nhà tổ. Chính ở chỗ này, thường là chỗ các sư nữ ở, nhưng hôm ấy không thấy bóng một người nào vào ra. Nhung cũng thử chào khống... Một tiếng "mô Phật" ở trong cái buồng con đáp lại ra, tiếng yếu ớt như tiếng nói sau cùng của một người chết… Nhung nghe ghê rởn cả người, nhìn vào cái buồng con tối đen sau một tấm sáo xanh, không nhận ra người đó là ai. Nhưng có lẽ là sư cụ. Sau khi xin phép sư cụ, Nhung và Đông bước vào nhà tổ.

Chùa vắng teo. Không một bóng người, không một tiếng động. Thảng hoặc chỉ nghe tiếng ảo não của vài con dơi cọ cánh vào tường. Vài nén hương sắp tàn. Lạnh lùng! Trong bóng tối, Nhung cầm tay Đông, yên lặng và thành kính ngắm một bức tượng từ bi. Đông trong một phút dài đứng nhìn say sưa cái nét mặt của bạn. Không bao giờ Đông thấy Nhung đáng yêu, đáng kính, trong sạch, ngây thơ và từ bi đến thế.

− Nhung.

Một tiếng gọi dịu dàng như ngón tay tiên khiến Nhung ngoảnh lại, nhìn bạn mỉm cười. Đông giữ chặt lấy hai tay Nhung, và kéo nàng vào lòng. Bốn mắt nhìn nhau, ngây ngất. Đông sẽ đặt một cái hôn dịu dàng lên trên đôi môi thắm của bạn, đôi môi vừa hé xong một nụ cười. Cái hôn nồng nàn và thần tiên tan mau như một cái mộng. Nhung giật mình. Nàng nhìn cái nét mặt từ bi đương nhìn xuống nàng.

− Anh Đông đi ra đi!

Rồi nàng lặng bước ra trước. Đông bước theo sau cũng không nói qua một tiếng. Ra đến sân chùa, Đông mới dám bảo bạn…

− Ờ đói lắm rồi! Nhung cho ăn đi thôi!

Nhung nhìn Đông, gượng điểm một nụ cười lạnh lùng.

Vâng ta cùng ăn…

Hai người cùng đứng lại bên cái nhà bát giác. Trong lúc Đông lấy mấy tờ báo rải xuống sân làm chiếu, thì Nhung mở cái gói đồ ăn. Cái gói bí mật có gì đâu! Chỉ là mấy cái bánh giò, ít miếng chả, vài quả chuối! Hai người cùng ngồi lại ăn… Nhung cầm cái bánh giò khới từng tí một như một con thỏ. Đông thấy bạn không vui, cũng không thấy ăn có thú vị gì! Mỗi người lạnh lùng theo mỗi ý nghĩ. Bỗng từ đâu, chạy đến một bọn năm sáu đứa trẻ con, bẩn thỉu, rách rưới, nhưng trông có vẻ nhanh nhảu, có đứa trông cũng kháu lắm.

Nàng lấy những mẩu bánh giò còn lại, đưa phát cho mấy đứa trẻ ấy, và hỏi chúng những câu bâng quơ. Nhung thấy trong lòng tự nhiên vui vẻ lại… Nàng vừa nhận thấy sự buồn giận của mình vừa rồi là vô lý lắm… Thấy bạn vui đùa như cũ, thì Đông càng sung sướng, mới dám hỏi bạn cái điều mà nãy giờ chàng chỉ nghĩ thầm trong bụng :

− Nhung, vì sao hồi nãy Nhung có vẻ không vui ?

− Vì…

Nàng nhìn Đông, mỉm cười và cúi mặt. Vì thực ra nàng có biết đâu cái hôn nồng nàn của một người tình nhân lại làm cho nàng có những cái tư tưởng không vui…

Đó chẳng qua chỉ là cái rùng rởn thứ nhất của một thiếu nữ mới đến thì, còn ngây thơ, còn trong sạch, lần đầu tiên yêu, lần đầu tiên có những cái cảm giác mãnh liệt, đường đột khi chạm phải tình, chạm phải… xác thịt. Nhưng cái cảm giác ấy, quên đi, nó sẽ dịu dần…

− Nhung vẫn yêu Đông chứ ?

Nhung lả lơi dựa đầu vào vai bạn và nũng nịu :

− Không, không, Nhung không yêu nữa ! [b]

Rồi hai người như say chệnh choạng đi ra. Khỏi cổng chùa, Nhung thấy một cái xe sắt đi lững thững ở trên đường cái, bảo Đông:

− Cái xe sắt "ngộ" quá.

Chữ "ngộ" làm cho Đông phải phá ra cười!

− Ai dạy cho Nhung chữ "ngộ" đấy ?

− Cô Nguyệt, người Sài Gòn học cùng lớp với em. Con bé bạ cái gì cũng kêu ngộ ngộ !

− A "ngộ" nhỉ !

− Em muốn đi xe sắt một quãng, chơi, anh Đông ạ ?

− Nhưng chỉ có một cái thôi, biết làm thế nào ?

− Chúng ta ngồi chung một cái cũng được chứ ?

   Nói rồi Nhung gọi xe lại, và giơ tay kéo Đông cùng bước lên.

   Cái xe sắt bắt đầu chạy. xe gập ghềnh trên con đường sỏi làm cho người ngồi ở trên bị xóc lên xóc xuống, nhún nhẩy. Tiếng bánh xe kêu lách cách, nghe như một cái âm nhạc vui vẻ lạ nhường, Nhung và Đông cùng cất giọng hát như những người điên. Một đàn trẻ chăn trâu, dứng xếp hàng bên đường chờ xe đi qua, chúng cùng kêu :

− Líp líp lơ… Con ma quay tơ.[c]

 

 

TẬP THƯ Ở HUẾ       

Sông Hương … 20 Juin…

Đông,

Nhung đã đến Huế từ hôm qua! Ngay lúc mới ở trên tàu bước xuống, Nhung đã cảm thấy một cái khí vị khác thường đặc biệt của Huế. Cái khí vị ấy nó phảng phất ở trên chòm soan đỏ, nó lưởng vưởng ở trên mặt nước im lặng, ở trong một nhịp cầu thênh thênh, hay là nó buông rủ bên những cành liễu tha thướt… Chết! Nhung lại làm thơ mất rồi! Nhung đã hứa với Đông không bao giờ làm thơ nữa kia mà! Anh Đông ạ, hôm kia lúc ở ga về chắc Đông buồn lắm nhỉ! Đừng buồn, bọn Tuấn, Linh, Kỷ chúng cười cho đấy! Nhung lúc khỏi ga Hà Nội, cũng có nao nao chút ít, nhưng rồi thấy khuây khuây dần. Có lẽ Nhung nói chuyện nhiều quá. Với bất kỳ người nào, Nhung cũng hỏi chuyện, mà toàn là những chuyện đâu đâu cả! Hết nói chuyện thì Nhung lại nhô đầu ra xem sông núi. Những cảnh quá tầm thường, quá bằng phẳng không giữ được Nhung lâu. Nói chuyện vẫn thú hơn nhiều! Nhung nói chuyện nhiều quá đến nỗi me phải phát cáu. Một lần, me mắng Nhung trước mọi người: "Con bé lém lỉnh". Nhung thẹn đỏ cả mặt, ngồi im thin thít. Hai thằng nào ra dáng học trò Lycée nhìn nhau cười khúc khích!

Lại chuyện vẩn vơ mất rồi!

Thầy ở Thanh đổi vào đây đã hơn một tháng. Thầy có thuê sẵn một cái nhà gạch ở An Cựu để cho cả gia quyến ở. Nhà có vườn rộng trông thích quá. Để rồi trong lúc nghỉ hè này, Nhung tập trồng rau để bán… cho vui, Đông ạ! Rau ở trong này đắt có tiếng. Một bắp "xu" ở trong này bán một hào!

Hôn Đông một cái thật kêu.

                                                                 Nhung

***       

 

Sông Hương 28 Juin …

Đông,

Chiều nào em cũng lên núi chơi. Từ An Cựu đi lên Ngự Bình chỉ độ hơn cây số mà thôi. Núi Ngự vì người ta ca tụng nói nhiều quá, đến nỗi nhìn nó Nhung không thấy có cái cảm giác gì nữa, hoặc giả cũng có mà tuyền là những cái cảm giác của người. Núi Ngự chỉ là một đồi thông. Những cây thông xanh mướt, và đậm đà, những cây thông nhìn xa và nhìn mãi, như những vật linh động có linh tính, có bộ điệu thấy sắp từng hàng và đi tới. Một cuốn tiểu thuyết, một đám cỏ xanh, một bóng thông. Đông ạ! Đấy là một cái thú vị… rất mát mẻ ở giữa những ngày hè bực bội!

Độ này, Nhung có thì giờ rỗi, mới đọc qua những tiểu thuyết bằng quốc văn. Đọc những tiểu thuyết ấy, em lại càng thích mến quốc văn vô cùng. Từ Theuriet, Daudet, Mistral, về Khái Hưng, Nhung có cái cảm giác như đi du lịch ở một phương xa nay trở về quê hương, sống lại những cái cảm giác mới mẻ, trong trẻo của thuở ban đầu. Nhung vừa đọc xong cuốn "Nửa chừng xuân" hay lắm! Nhưng Mai trong truyện, sao mà cương quyết thế, có lắm lúc nhất là ở đoạn cuối thì Mai lại là người lý sự lải nhải như một ông thầy cãi. Nhung rất ghét đàn bà hay lý sự.

Chào Đông và hôn Đông

Nhung

Tái bút! Độ này Đông còn hút thuốc lào nữa thôi? Ai bảo anh hút thuốc lào để phòng bệnh lao? Anh là một sinh viên trường Thuốc, sao anh còn tin nhảm thế được? Người ta chỉ có quyền hút thuốc lào khi người ta là thi sĩ. Nhưng đã bao lần chúng ta thề với nhau rằng: Chẳng lúc nào chúng ta còn làm thơ nữa? Vậy một là hút thuốc lào, hai là anh yêu em, anh Đông, anh nên lựa lấy một điều, anh chỉ có thể lựa lấy một điều mà thôi.

Nhung

***       

Sông Hương 10  Juillet…

Đông,

Hôm nay, ngủ dậy sớm, Nhung đi lại mở đôi cánh song. Từ ngoài vườn thoảng bay vào một mùi hương trong nhẹ. Tý hương tàn của mấy đóa lài nở trong đêm vừa qua! Nhung thấy lòng rạo rực nhớ ai, nhớ đến một... người. Liễu! Con bé ấy, làm sao mà Nhung thấy nhớ nó não nùng thế ! Từ hôm vào Huế đến nay Nhung gửi cho nó cả thảy là hai cái thư, không thấy nó trả lời! Con bé ấy bây giờ làm gì rồi, còn đi học nữa thôi? Ước gì có con bé đây, trong lúc hiu quạnh này, ta ôm nó vào lòng, trút vào nó những cái hôn nồng nàn, một cái ở cổ, một cái ở tay. Chết! Nói đùa vậy, anh Đông của tôi đừng có ghen chứ!

Em của anh, hoàn toàn của anh.

Nhung

***        

Sông Hương 21 Juillet...

Đông,

Con Liễu đi lấy chồng rồi anh Đông? Tội nghiệp! Đi lấy chồng là nghĩa thế nào, anh Đông?... Đi về nhà chồng, cái nhà… cuối cùng của cái tuổi ngây thơ, thế à…lấy chồng là thế à? Phải không anh? Vô lý! Rất vô lý! Nhung không tin có thế! Đi lấy chồng tức chỉ là vào một cuộc đời khác, một thế giới khác, mà người ta thấy vui sướng ở trong sự thực chứ không phải là ở trong cõi mộng, có phải thế không anh? Chính là thế đấy! Anh, đợi đến bao giờ nữa, chúng ta mới ở chung một gian nhà, sớm ta đùa nhau, chiều ta giận nhau, và tối đến gối tay nhau cùng khóc chuyện đời… rồi lại đùa, lại giận để mà yêu nhau…

Nhung

***

 

Sông Hương ngày 28 Juillet…

Đông,

Không có cái đất nào mà đẻ ra nhiều quan như cái đất này! Quan bé, quan lớn, quan già, quan non. Trong khi Nhung ngồi biên thơ này cho Đông, ở nhà ngoài cũng đương họp lại một đống … quan, để đánh tổ tôm. Thầy tính thích giao du, mới vào đây có mấy tháng mà đã quen hết những ông quan lớn quan bé ở trong bộ. Nhung nghe lỏm họ nói chuyện với nhau mà đâm ghét, họ nói bằng một cái giọng ẻo lả như đàn bà, khệnh khạn như ông lang, mà chuyện họ tuyền là những chuyện "quan Thị này vừa được cụ Thượng Lại khen, quan Tham nọ vừa được đi Tuần phủ"… Có rộng lắm thì câu chuyện sẽ lan đến những việc thi cử ăn học của con cháu họ.[d] Trong đám quan thường tới nhà Nhung có một lão không biết tên hắn là gì, nhưng thầy me thường gọi hắn là quan Hường. Quan Hường đã già nhưng mà coi bộ còn hoạt bát lắm. Mỗi lần thấy Nhung đi ra pha nước, thì hắn lại nhìn chòng chọc từ đầu đến gót chân, rồi hắn khen lấy khen để, cho rằng Nhung nết na, đằm thắm. Rồi trong những lúc ấy, hắn lại đưa chuyện thằng cháu của hắn ra khoe: nào là đỗ hai ban tú tài, vừa được cụ Thượng Lại bổ cho "cái thừa phái" hạng hai, lương 50p, một tháng lại được "hàn lâm cung phụng" ngay! Nhung ghét cay ghét độc cái lão Hường này lắm.

Chào Đông và hôn Đông một nghìn cái.

Nhung

***

Sông Hương ngày 3 Septembre…

Đông,

Hôm nay, thằng cha Hường ấy dẫn tới một thiếu niên và giới thiệu với thầy me đấy là cậu Tú Hà. Cậu Tú chính là người cháu của hắn mà hắn thường đưa ra khoe. Người cậu Tú trông cũng không đến nỗi thế nào. Trắng trẻo, xinh xắn, và có vẻ thật thà. Cậu Tú ăn mặc ta, đầu đội một cái khăn rất mỏng vành như người Huế thường đội. Ở trên cổ cậu Tú tròng một cái dây xanh xanh đỏ đỏ, và trên ngực lủng lẳng một cái bài ngà. Một ông quan non kiểu Huế. Cậu Tú Hà là con quan Tham Lễ hiện còn tại Triều. Không biết đến nhà em có ý nghĩa gì không? Chàng ngồi từ đầu đến cuối câu chuyện, không nói một tiếng, rụt rè e lệ như một cô dâu. Mỗi khi ngẩng lên gặp mặt Nhung thì lại bẽn lẽn cúi mặt xuống! Lúc họ ra về, thì me gọi Nhung ra, và hỏi ý kiến Nhung đối với người ấy ra sao?

Nhung cười đáp:

− Cậu Tú xinh lắm! Đáng yêu lắm!

Me vỗ vào vai Nhung, nói nũng:

− Con tôi ngoan lắm !

Rồi thầy me cùng nhìn nhau cười! Thế là nghĩa gì, Đông nhỉ? Không biết người ta sắp diễn tuồng gì, và bắt Nhung đóng vai gì đây?

Chào Đông

Nhung

***   

Sông Hương ngày 10 Septembre

Đông,

Thầy me trước kia định cho Nhung vào trường Đồng Khánh, Huế, không hiểu sao bây giờ lại thôi, nhất định bắt Nhung ở nhà. Me dạy cho Nhung làm bánh, tỉa mứt. Nhung hỏi me học bánh mứt để làm gì? Me cười đáp:

− Để làm cho chồng con xơi.

Nhung nghĩ đến Đông sung sướng… Me lại nói tiếp:

− Con phải tập làm vợ ngay từ bây giờ, nếu vụng về quê kịch, con không sợ chồng con đánh à?

− Anh Đông, anh hứa với Nhung, chẳng bao giờ đánh Nhung nhé! Bánh me dạy em làm theo kiểu Huế, ngon và đẹp quá! Nhung sẽ làm một người nội trợ hoàn toàn, một người vợ hoàn toàn.

Nhung

***     

Sông Hương ngày 15 Septembre …

Đông,

Me lại còn dạy cho Nhung cách tiếp đón một vị thượng quan, cách xưng hô với một bà mạng phụ.

Me ngẩn ngơ quá, làm như là rồi đây Nhung sẽ ngày ngày phải tiếp xúc với cái xã hội đặc quý phái ấy. Nhung buột mồm, bảo me:

− Anh Đông… chỉ là con một người lê dân… Nhà anh ấy làm gì có sự thù tạc lôi thôi?

Me ngạc nhiên hỏi lại…

Anh Đông nào con?

- Chết! Đông tha lỗi cho me, me lẩn thẩn chóng quên quá. Nhung phải nói mãi me mới nhớ ra.

Rồi không hiểu sao, me buồn rầu bảo Nhung:

Nhưng con của me có phải vợ của anh Đông đâu?

− Thế chồng của con là ai?

Me xoa đầu Nhung và tha thiết:

Chồng con sẽ là… một người khác, một người xứng đáng, một người có danh vọng, nhưng mà me không muốn nói vội!

Rồi me nhìn Nhung, cười, sung sướng…

Anh Đông! Anh yên tâm, có lẽ me nói đùa đấy!

Người vợ chưa cưới của anh

Nhung

***       

20 Septembre …

Đông,

Người thiếu niên hôm trước Nhung nói chuyện đó, hôm nay đã là một ông Huyện rồi, một ông Huyện 25 tuổi! Anh Đông, anh có ghê không! Ở đây có người ra làm quan như đi buôn. Người nào khéo luồn khéo lọt, sẽ chóng "nhẩy"… Buổi tối anh còn là một anh thừa phái khổ, nhưng anh biết vào cửa sau một nhà cụ lớn, anh biết dâng một cái gì quý, anh biết gãi đầu và gãi tai, và anh không sợ lấm đầu, thì sáng hôm sau, anh có thể là một ông tri huyện rồi đó. Cái áo dài thâm không "làm" ông thầy sãi, nhưng tiền bạc và sự luồn lọt có thể "làm" ông huyện…[e]

Chết chửa! Không có chuyện gì nói đâm ra nói nhảm, người ta Tri huyện hay không Tri huyện thì việc gì đến mình? Độ này Nhung bép xép lắm, phải không Đông?

Chào Đông

Nhung

 

24 Novembre…

Đông,

Hôm qua, có một bà khách tới thăm nhà Nhung. Hình như là một bà khách quan trọng, xem ở cách tiếp đãi của me thì biết ngay. Bà coi bộ đã ngoài năm mươi tuổi mà vẫn ỏn ẻn ỏn a như một cô gái. Bà không còn trẻ nữa, nhưng bà tưởng mình còn trẻ lắm… Ở cổ bà còn đeo một cái kiềng, và hai cổ tay nặng trĩu những vòng xuyến. Những ngón tay của bà dài và nhỏ và nhọn hoắt. Bà ngậm một điếu thuốc lá chỉ to bằng hai cái que tăm. Bà ít nói lắm, nhưng mỗi khi bà nói, thì bà khệnh khạng, bà ngân nga, bà kéo dài cái giọng nói yếu như một hơi thở… Bà khách ấy là một người "các mệ" vợ ông Tham lễ, và là mẹ cậu Tú Hà hiện nay là quan huyện Nông Cống.

Me gọi Nhung têm trầu cho bà xơi. Quái lạ, cái bà ấy nhìn chăm chăm lấy Nhung như một cái quái vật… Nhung tự nhiên thấy ngượng nghịu. Me nói chữa với bà Tham:

Bẩm bà lớn con bé nó ít ra ngoài nên thấy có khách lạ là nó hay ngượng.

Bà Tham cười đáp:

Bà khéo lo, đầu lạ rồi sau quen! Cậu Huyện nhà tôi cũng vậy, lúc cậu mới đậu Tú tài, cậu cũng không hề đi đâu. "Quan nhà tôi" dặn cậu lên cho quan Tham hộ xem mặt, cậu cũng ngượng không dám đi. Chẳng giấu bà ngay lúc mới đỗ ra, cũng có ba bốn đám gọi gả mà cậu không bằng lòng. Âu là duyên trời, bà lớn nhỉ. Trời không xe thì thôi, ai xe mà được. Trời xe, thì Bắc Nam cũng hóa ra gần, bà lớn nhỉ?

Rồi hai bà cùng nhìn nhau cười đắc chí...

Bà Tham về, me gọi em, hỏi:

Coi dáng mẹ cậu Huyện cũng là người phúc hậu đó con nhỉ?

Nhung cười đáp:

Phúc hậu thì có vẻ phúc hậu thật, nhưng cái giọng nói "các mệ" ấy, không ai chịu nổi.

Rồi cũng chịu nổi? Phải thế không con?

Nhung gắt:

Thế là nghĩa gì, me?

Me không nói gì, đi ra, có dáng buồn… Đông ạ! Từ hôm vào đây, không hiểu sao me có cái tính cẩn thận lạ, ăn nói ra làm sao ấy!

Chào Đông và hôn Đông một nghìn cái.

Nhung

***      

28 Novembre…

Đông,

Chiều hôm nay, Nhung lấy máy ảnh ra chụp mấy khóm cúc trắng vừa nở. Nhung đương đứng ở vườn thì nghe có tiếng chó sủa, sủa một cách thường lắm, chắc là có khách lạ. À quan Huyện Nông Cống!

Tinh nghịch đến như Nhung của Đông là cùng. Nhung bèn ẩn lại sau một gốc lê, không cần ngắm kỹ, Nhung bấm ngay. Chụp xong, Nhung cười rũ rượi, khiến cho quan Huyện ngơ ngác nhìn trước nhìn sau, nhìn quanh nhìn quất như một chú Mán.

Ảnh quan Huyện Nông Cống đã rửa rồi, Nhung gửi theo đây. Người mặc áo gấm, đeo bài ngà, mặt hớn hở, tay "đánh xa đại", nói theo tiếng Kinh, chính là quan Huyện đấy. Nhưng quan Huyện có bao giờ đi một mình; một tên lính đằng trước để giữ chó, một tên lính đằng sau để giữ chó. Kể thì làm quan cũng hay hay, Đông nhỉ? [g]

Nhung

***

Đông,

Đêm hôm qua, Nhung nằm mơ thấy bị cọp đuổi. Sáng nay dậy sớm, ngồi gỡ tóc ở bên song. Ánh nắng ửng hồng như đôi má thiếu nữ, nhởn nhơ trên những tàu lá xanh đọng sương. Một cô áo tím đi ngang qua ngõ. Rồi một cô áo tím nữa. Lại một cô áo tím nữa. Những cô học sinh gọi nhau tới trường. Khoác bộ áo tím, cái đời ngây thơ đi như những cái bóng, những cái bóng không bao giờ còn thể bắt được nữa!

Giá có quyền phép gì được sống lại một lần, hai lần cho đến trăm lần những ngày trong sáng ấy, Nhung cũng còn thấy vui hơn là kéo dài một cái hiện tại nặng nề, chờ mãi một cái vị lai mờ ám…

Người ta đẻ ra là thần tiên, thần tiên từ một tuổi cho đến mười lăm, mười sáu tuổi cho đến… lúc đi lấy chồng, rồi từ đấy giở đi, người ta là …một con vật lam lũ, hơn những con vật khác [h] được cái biết lo biết nghĩ, biết buồn biết chán, biết đau biết khổ… Có phải thế không Đông? Chết chửa! Làm sao hôm nay Nhung lại có những tư tưởng u ám thế này! Ánh nắng nhởn nhơ ngoài vườn um tùm những cành lá xanh tươi. Nhưng tuyền là cảnh giả dối! Trong lòng người ta, bao giờ cũng phảng phất một đám mây buồn.

Nhung của Đông

***    

Sông Hương 10 Février…

Đông,

Đông làm gì mà rộn lên thế? Đừng vội đổ lỗi cho nhà bưu điện, đừng đổ tội cho ai hết. Thư Đông, Nhung vẫn tiếp luôn…Tuần nào cũng tiếp được, có khi hai, ba cái một lúc..

Ba tháng nay, Nhung không muốn viết thư cho Đông, là vì Nhung không buồn viết đó thôi. Chẳng có tai nạn gì xảy ra cả… Không, ở ngoài vườn mấy khóm lan đã nẩy chồi, đã tàn, và sắp nảy chồi nữa… Cái bức thư này cũng không đưa lại cho Đông một sự gì mới lạ. À quên có một sự mới lạ chứ! Nhung làm thơ… Làm sao Đông không bằng lòng cho Nhung làm thơ? Vô lý! Ai có thể ngăn nước mắt khi nó muốn tuôn ra? Thơ Nhung hay ghê, nhưng nhút nhát ghê, đến nỗi bây giờ không còn câu nào dám chạy ra dưới ngọn bút nữa.

Chết! Thật là thơ với với thẩn!

Nhung

Tái bút: Từ rày nhà đổi chỗ ở, chưa biết đổi về đâu, Đông đừng gửi thư nữa.

 

***   

Sông Hương 20 Février…[i]

Anh Đông,

Hai họ ra về, me đi vào, ghé bên tai Nhung dặn: "Con phải nên như thế, như thế, con nhé!" Rồi me đi ra, em cũng không nhớ là me dặn gì nữa. Em ngồi một mình, trong cái màn trắng, cái màn trắng xanh lung linh như một cái mộng. Em sờ lên trán thấy mồ hôi rỉ lạnh… Cái màn trắng vẫn lung linh và phơ phất… Chết, cậu Huyện đã đi vào! Cậu nhìn em cười, vẫn cười, một nụ cười nhiễm đầy vẻ ngạo mạn! Vô lý! Em nói vu cho chồng em! Mà em đã có chồng rồi ư? Chồng em tiến lại gần em, nắm lấy tay em, vẫn cười… Em cũng cười… Sao em lại cười, em cũng chả biết. Chồng em nắm chặt tay em, kéo em vào lòng…

Em thấy mình như một khúc gỗ chẳng có cái cảm giác gì nữa!

Chồng em cởi khuy áo em ra mà bảo em nằm xuống. Như một cái máy, em giật tay chồng em, và van xin: "Cậu hãy cho phép em biên xong một bức thư,… đã ". Tội nghiệp! Chồng em không nói gì, lại lấy giấy bút ra cho em nữa. Em ngồi ở bàn biên cái thư này cho anh đây, dưới ánh sáng liu hiu của mấy ngọn bạch lạp… cái ánh sáng cũng liu hiu như cuộc đời của em từ đây trở đi. Chết! Em viết mãi, viết mãi làm như cái gì anh cũng đã hiểu cả rồi. Anh Đông! Anh cũng không ngờ, cái bức thư đột ngột này sẽ đến tay anh lại từ cái nhà này mà ra. Cái nhà này, là nhà nào đây anh có biết không? Hình như chỗ em ngồi đây là hậu thất của một công đường, anh Đông ạ. Đến đây, anh hãy dừng lại mấy phút, lấy cái ảnh mà em gửi cho anh độ nọ ra ngắm: chồng em đấy. Vô lý. Cái tấm ảnh của người ấy lại ở trong tay anh, hiện ở trong tay anh. Chết! Em đã quá nô đùa, nô đùa một cách nguy hiểm. Anh tha lỗi cho cái trò chơi ấy, vì nói chỉ là một trò chơi vô tội mà thôi.

Làm sao lại thế này này! Những lời này đến tai anh có lẽ như một tiếng sét, nhưng anh đừng ngạc nhiên. Một người con gái ở trong một cái hoàn cảnh "quan", dần dần nhiễm cái vẻ "quan", rồi rút cục say mê "quan". Anh Đông, anh hãy tin như thế, vì anh không còn tin thế khác được nữa. Anh cố mà tin như thế, cho được yên lòng… Rồi để mặc em…

Không có anh, em vẫn sống, vẫn sống như thường. Nói chuyện gì mãi, quên nói cho anh biết rằng: thầy me em đã vượt hơn 200 cây số từ Huế đưa em ra gửi ở đây, rồi mai kia thầy me em lại trở về, yên chí rằng: đứa con gái yêu qúy của mình đến nơi này sống một cuộc đời yên vui, bình tĩnh sung sướng: cái cuộc đời của một bà Huyện…

Mai kia đây, trong lúc chồng em ngồi ở công đường xử kiện những người có cái giọng nói líu lo, mai kia đây em sẽ cảm thấy cả cái vẻ lạnh lùng của non nước, mai kia đây em sẽ cảm thấy cái khí vị chua chát của cuộc đời bị đày. "Bị đày", mai kia đây mỗi buổi chiều, em sẽ ra đằng sau đứng nhìn trong cái làng mạc kia, những ngọn khói lam chiều, uốn mình trên những mái gianh vàng xám cùng lẩn với mầu đất.

Hôm nay, vì là hôm thứ nhất, cánh song kia còn đóng chặt sợ gió lạnh lọt vào… nhưng mai kia đây, em sẽ mở tung cánh cửa ấy ra. Em sẽ thấy những rừng cây nối nhau, dài dưới bóng giăng vàng, như cái sầu dằng dặc từ thế kỷ này qua thế kỷ khác.

Chết! Nói chuyện với anh mãi, không biết bây giờ đã mấy giờ. Khuya lắm rồi anh nhỉ! Em ngoảnh trông, chồng em vẫn ngồi chờ em, ngáp vặt. Buồn cười quá! Em muốn cười lên một cái thật to, cười như hôm qua đây cười với cái tuổi ngây thơ.

Liễu, Hạnh, Nga, Yến! Chúng mày đi đâu cả rồi!

Chúng mày tệ lắm, không tiễn cho Nhung được một bó cúc trắng, cho thật trắng!

Anh Đông! Xin phép anh đấy, người ta đương nóng ruột chờ em kia mà! Hãy để em trả xác thịt của em cho người ta, còn cái linh hồn của em, anh phải ôm ấp lấy nó, giữ chặt lấy nó.

Nhung

***

Trong công đường huyện Tuyên Hóa một buổi trưa mùa hè, quan Huyện đương ngồi tiếp chuyện ở salon một vị thiếu niên bận âu phục. Hai người nét mặt xem còn có vẻ trẻ trung cả, nhưng quan Huyện khăn đen áo dài lượt thượt nên thoạt trông không được linh hoạt, nhanh nhẹn như người ngồi trước mặt. Hai người uống nước trà, hút thuốc lá và nói chuyện. Trước còn là những chuyện khách sáo đâu đâu, sau là những chuyện vui, ngộ thuộc về quãng đời học sinh, vì ai ai, cũng có một quãng đời học sinh tương tự nhau, có những kỷ niệm giống nhau… Dần dần câu chuyện trở nên thân mật, trở nên hoạt bát… Khói thuốc lá tỏa lên, um lên, làm mờ ám cả gian nhà. Hai người cười nói và hoa tay như say… Bỗng có tiếng còi ô tô ầm ỹ ngoài cổng… Quan Huyện cười khà khà và nói với khách:

Nhà tôi về đấy. Quan lớn vào nghỉ một lát rồi ta cùng đi bắn. Chiều quan lớn còn phải đi khám nữa thôi?

Bẩm, có thể gọi là tạm xong… Đi khám nữa cũng được mà không cũng được.

Thế thì tiện quá! Tiện lắm… Chiều tạnh đi bắn chơi, nhà tôi tính lại ưa đi bắn lắm.

Bẩm, bà lớn có bắn được không ạ!

Bắn chim thì được, tạm được thôi, mười con chim thì cũng chỉ được nửa con.

Rồi hai người cùng nhìn nhau cười.

Cái xe hòm để đỗ trước công đường. Bà Huyện vội vàng ở trên xe bước xuống. Quan Huyện đã vội vàng cất giọng đon đả hỏi vợ:

Hôm nay chắc người ta tới xin xăm nhiều lắm, mình?

Bà Huyện, đứng tần ngần như người mất trí trong một lát lâu, hình như không biết chồng vừa nói gì, bèn hỏi lại:

Mình bảo sao?

Tôi hỏi hôm nay người ta đi xin xăm có nhiều không.

Bà cụ thay lời đáp:

Cũng không được đông lắm.

Quan Huyện quay về phía người khách, và giới thiệu:

Đây là mẹ tôi, và đây nhà tôi…

Và quay về phía mẹ và vợ:

Đây là quan đốc Đông, ở bệnh viện tỉnh ta. Ngài bổ ra đã được hai tháng nay. Trong huyện ta vài làng có lên "đậu mùa". Tòa phái ngài ra để săn sóc, phòng giữ cho dân… Ồ! Mình có dáng mệt lắm thì phải. Mình vào nghỉ đi. Lát nữa, chúng ta đi bắn. Cả quan đốc cũng đi nữa… Mình nhờ bảo lính sắm sửa rượu, thức ăn và đủ đồ dùng để chốc nữa mang theo… Mình nhá!

Vâng!

Một tiếng "vâng" lạnh lùng! Rồi người thiếu phụ thui thủi bước vào nhà trong. Người thiếu phụ, có vẻ trang nghiêm, đứng đắn, và vẻ mặt nặng nề, hơi sầu muộn, người thiếu phụ vừa bước đi đó chính là… Nhung. Phải, Nhung, người nữ sinh ngây thơ, nhí nhảnh, như một con manh manh. Con manh manh hôm qua đây, nó còn nhảy trên cành cây hoàng lan, nó rúc ở trong lá kiếm sâu và kêu chiu chít, kêu chiu chít. Không, Nhung vẫn còn đó. Nàng vừa bước đi… Nhưng sao nàng bước chậm chạp và nặng nề thế nhỉ?

Tuổi ngây thơ ở nàng đã chết hẳn, chết tự ngày…

Quan đốc! Ngài cũng nên đi nghỉ trưa một tý! Trông dáng ngài lờ đờ buồn ngủ lắm rồi!

Quan Huyện vừa nói vừa hạ cái khăn ở trên đầu xuống, và cười một cách vui vẻ.

Bẩm quan lớn cứ để tự nhiên cho. Chỉ tại hôm nay quan lớn cho tôi hút nhiều thuốc lá quá. Đầu tôi hơi choáng váng, thế thôi.

Khách nói rồi, ngả đầu ra đằng sau lưng ghế, và thẫn thờ…

 

***

 

Nhung đương đứng ở vườn, lặng nhìn mấy lá trúc đào phập phồng như những hơi thở đều đều… Lần đầu tiên, Nhung cảm thấy cây trúc đào xinh đẹp của mình có một cái linh hồn. Lần đầu tiên, Nhung muốn nói với cây trúc đào một câu chuyện tâm tình đằm thắm… Nhung muốn trao gửi cho cây trúc đào một cái cảm giác mãnh liệt vừa đến làm xao xuyến lòng nàng, cái lòng nàng cũng bằng phẳng, cũng nguội lạnh như cái cuộc đời của nàng, từ ngày hôm ấy. Đông, Đông đến thế thực à? Đông còn đến làm gì nữa? Gì nữa? Giá trước kia, nàng lấy Đông, thì hôm nay có lẽ nàng cũng theo chồng tới đây, cũng ở nơi công đường này, nhưng ở một cái địa vị khác, địa vị một người khách… Có đâu như thế này này: mỗi buổi chiều, mỗi buổi hoàng hôn mờ mờ sương, làn khói chiều tỏa lên ở xóm nhà lá xa… Buồn não. Lạnh lùng. Đi đầy! Có đâu như thế này!

Bẩm bà, quan con cho mời bà lên để ra Đạm Thủy bắn.

Chú bẩm quan rằng: tôi hơi rức đầu, không thể đi được.

Chú lính đi được mấy bước thì nàng đã gọi lại. Nàng toan nhận lời, nhưng nghĩ thế nào, nàng lại thôi.

Phải, chú cứ bẩm quan như thế. Tôi hơi rức đầu, không đi được.

Mình rức đầu làm sao, mình?

Một giọng nói êm ái đầy yêu đương. Quan Huyện đến bên Nhung cười nhí nhởn:

Sao tôi hỏi, mình không trả lời, mình? Mình rức đầu, ra hút cái gió đồng nội, mình sẽ bớt ngay. Mình đi không?

Đi thì đi… nhưng mà…

Quan Huyện lấy một cành song ngâu đánh vào má vợ, và đùa:

Ô-tô đã sẵn sàng đợi mình ở ngoài ngõ. Nàng tiên yêu dấu của tôi ơi! Nàng đi cho.

Nhung cố mỉm một nụ cười gượng gạo và mắng yêu chồng:

Ai đời một ông Huyện lại đú đởn thế? Không sợ người ta cười cho à?

Rồi hai người vui vẻ bước ra. Nhung cố bình tĩnh, cố vui vẻ như để giấu mọi người xung quanh những ý nghĩ buồn rầu vừa đến rộn tâm trí mình. Quan Huyện, Nhung và Đông cùng bước đi lên ô-tô. Quan Huyện ngồi giữa, Đông và Nhung ngồi ở hai bên. Xe mở máy. Ba người bắt đầu nói chuyện, chuyện trời, chuyện đất. Đông kể cho hai người nghe một cuộc đi săn heo rừng mà chàng đã bịa ra. Chàng vừa nói vừa gào, vừa hoa tay hoa chân làm như cuộc săn bắn ấy chàng có đi thực. Quan Huyện cũng kể cho Đông nghe một cuộc đi săn bò tót, một cuộc đi săn đầy nguy hiểm, và đầy thú vị. Còn Nhung không lẽ chỉ có ngồi hưởng cũng bịa ra một cuộc đi săn nai… "bố láo" của ông Phán thân sinh ra nàng. Câu chuyện của ba người còn êm đềm, thong thả, dần dần đậm đà, và ầm ỹ, tiếng cười nói át cả tiếng máy ô-tô.

Đông và Nhung từ khi bước lên xe, hai người cùng cảm thấy một sự cần tha thiết, nói cho thật nhiều để đuổi cái không khí nặng nề trùm phủ lấy mình, nói cho thật nhiều để quên đừng nghĩ tới sự tình cờ chua chát đã bắt hai cái tâm hồn ấy tưởng nghìn năm cách biệt nhau, lại còn phải đụng chạm nhau một lần nữa, và biết đâu còn nhiều lần nữa ? Biết đâu, số phận còn bắt hai người phải sống cạnh nhau, âm thầm yêu, âm thầm đau khổ, để chịu hết bao sự mỉa mai của một cuộc tình duyên trắc trở.

Đương nói, bỗng Nhung tự nhiên dừng lại. Nàng vừa thấy cái ái tình của mình bị đè nén một cách vô lý !

Vô lý ! Vô lý lắm ! Ta với Đông chỉ ngồi cách nhau có một người mà xa nhau đến thế ư ? Chỉ vì một người ấy mà cuộc tình duyên của đôi ta phải lặng lẽ, khuất phục đến thế ư ? Giá như không có người ấy…

Bỗng nàng tái hẳn mặt. Đôi mắt nàng long lanh. Tay chân nàng bủn rủn… Nàng vừa thoảng nghĩ đến một sự tàn ác: Nàng muốn đầu độc người chồng của nàng.

Rồi nàng nhìn chồng, sợ hãi như một vị quan tòa nghiêm khắc. Nàng hối hận quá. Hai con ngươi của nàng đưa đi đưa lại nhanh như chớp. Nàng cúi mặt, im lặng… Bỗng nàng nổi dậy, nói nói cười cười như một cái máy. Nàng vẫn nói huyên thuyên, tiếng của nàng át cả tiếng máy sình sịch.

Bỗng xe ngừng, Đạm Thủy. Vài chòm nhà lá yên lặng. Đồng mạ xanh dưới ngọn gió chiều lung linh và lướt như một làn sóng dài. Một con sông bằng phẳng lặng in một vòm trời xanh sâu thăm thẳm, một con sông quanh co với những bờ liên tiếp với rừng cây.

Theo quan huyện, Đông và Nhung đi vào trong xóm. Đợi người tài xế đi thuê đò, ba người ghé vào một túp lều tranh nhỏ gần đường cái. Một bà cụ già ra tiếp và pha mấy bát chè xanh đãi khách. Chè đắng và nồng, Đông uống không quen, nhắm mắt lại "ực" mấy cái. Nhung nhìn Đông cười ngặt nghẽo, không ngờ Nhung còn có một tiếng cười trong sạch, hồn nhiên và vô tội được như thế. Bỗng ở đằng xa nương theo một dậu tre, một con ngựa bạch phi lại. Trên ngựa, một người to lớn, đội một cái nón dấu. Quan huyện đứng dậy, dặt một cái tay lên trán và quay mặt lại nhòm.[j]       

Người to lớn đội nón dấu, ở trên mình ngựa vừa nhảy xuống ấy là thầy Đội lệ ở huyện. Thầy Đội lệ cất nón và vái dài một cái trước mặt ba người, đoạn thưa:

Bẩm quan lớn, lúc quan lớn vừa đi ra thì người ta về trình một vụ "ẩu đả" quan trọng lắm. Theo như tên Phó lý làng Cử Nậm thì hiện bây giờ hai người bị trọng thương, một người đã chết. Chết đã hai hôm mà vẫn chưa chôn, còn chờ quan đến khám.

Đông nghe qua câu chuyện lè lưỡi và nói với quan Huyện:

Trong lúc tiết trời rất độc này, một con người chết mà cứ để ngày này qua ngày khác, rất tiện cho thần dịch tả đến.

Quan Huyện nhìn Nhung có ý hỏi: Hay là để tôi đi ngay với thầy Đội, còn mình thì…

Đông không đợi Hà nói hết, đã tiếp luôn:

Vâng, quan lớn và bà lớn bảo tài xế đánh xe qua chỗ ấy, còn để mặc tôi. Nếu được, thầy Đội cho tôi mượn con ngựa.

Thầy Đội lệ ngắt lời:

Bẩm như thế thật không tiện. Đường từ đây qua làng Cử Nậm chỉ độ sáu cây số thôi. Nhưng đường núi đi ô-tô không tiện. Ngựa xin để cho quan tôi đi, còn ô-tô thì chờ đây đón bà tôi và quan Đốc về huyện.

Có lẽ nghĩ như thầy Đội thì tiện lắm. Ngựa để cho tôi đi? Nhưng mà…

Thầy Đội hỏi lại:

Quan lớn dạy sao?

Nhưng mà tôi đi một mình thì không tiện. Phải có thầy đi với tôi nữa mà đi hai người thì lấy ngựa ở đâu? Hay là như thế này thì tiện hơn hết cả. Tôi… không đi nữa. Thầy Đội, thầy đi thay cho tôi, mai sớm tôi đi cũng không chậm. Thầy đến thầy cứ bảo dân làng rằng: Hãy kiên tâm chờ tôi.

Nhưng còn người chết?

Đành vậy, nhưng chẳng mấy khi có quan Đốc cùng đi chơi, mà lại bỏ mất cuộc vui sao tiện.

Thầy Đội lệ gật đầu lia lịa:

Quan lớn dạy như thế chí phải, chí phải.

Rồi thầy Đội xin phép quan Huyện nhảy lên mình ngựa và phóng vào trong làn cây xa.

Thầy Đội đi được một lát thì một đoàn dân quê, khăn đen áo dài bưng đến mấy chai rượu dâu. Họ gãi đầu gãi tai một lúc lâu, lẩm bẩm thưa những gì không nghe rõ. Nhưng quan Huyện ngài cũng đoán được rằng: đó là một bọn dân làng, nghe quan Huyện tới chơi lại gặp lúc mùa rượu, nên đưa một ít lại biếu mình.

Đông thấy rượu tươi và mầu đỏ như phẩm bèn cầm lên nhìn và có vẻ ngạc nhiên.

Không đợi Đông hỏi, quan Huyện cắt nghĩa:

Thứ rượu dâu này cũng chỉ làng này làm được mà thôi. Mỗi năm cứ đến mùa, cả dân làng đều vào rừng hái những hạt dâu chín đỏ đem về nhà ướp lẫn với đường, đậy kín lại. Trong ba hôm, thì dâu có hơi men và thành rượu, một thứ rượu ngọt, dễ uống mà lại say một cách êm thấm, dịu dàng vô cùng, giống như thứ "vin de messe" mà các cố đạo thường uống.

Ô! Quý hóa đến thế à?

Trong lúc ấy, thì người tài xế bước vào, mời ba người xuống bến sông.

Một chiếc thuyền con không mui, sạch sẽ, gọn gàng đã cắm sẵn, chờ ở đấy.

Ba người bước xuống. Chiếc thuyền dưới mái chèo của một thiếu phụ, đều đặn và dịu dàng, lững lờ đi giáp bên bờ dưới bóng im tha thướt của những rặng tre vàng… Tiếng tre kẽo kẹt cọ vào nhau như tiếng nghiến răng của một người nhà quê trong một giấc mơ dữ dội… Trời đã chiều mà vẫn nắng gắt. Không có một tiếng đập cánh. Không có một tiếng kêu chiu chít. Chim còn ẩn sâu ở trong lá.

Quan Huyện không có một dịp để "nẩy cò", ngồi buồn đến ngáp vặt, bèn bảo Đông:

Hay là chúng ta lấy thức ăn ra, sẵn có rượu vang và rượu dâu ta cùng "chén" đi…?

Đông chưa nói gì, Nhung đã vội vàng tỏ ý của mình:

Ồ! Khá đấy! Mình bàn cái ấy nghe được lắm…

Rồi nàng nhìn chồng, cười như một cái máy, cười rũ rượi. Tiếng cười của nàng trong bóng nắng gắt gao, bên tiếng kêu kẽo kẹt của rặng tre, làm cho mọi người nghe ghê rởn lạ thường, và cùng nhìn nàng một cách ngạc nhiên. Rồi nàng bỗng ngừng bặt và cúi đầu, và ngượng nghịu… Nàng muốn trốn đâu thật xa, chạy vào trong những đường lối quanh co của một rừng cây u rậm…

Cái cử chỉ hơi nhố nhăng vừa rồi của Nhung là cử chỉ của một người vừa tỉnh mộng: Nàng vừa sống lại ở trong tâm trí, cái quãng đời dĩ vãng rỡ ràng nhưng bây giờ trở nên âm u vì… Nàng buồn. Nàng buồn lắm. Nàng không thể không nghĩ đến những cuộc đi chơi về miền nhà quê, khoác tay Đông, người bây giờ ngồi trước mặt nàng đó, im không nói một tiếng. Ôi! những giờ cuồng dại bây giờ chỉ để lại cho nàng những kỷ niệm não nùng!

Nàng quay lại. Người tài xế đã dọn ra ở trên tấm vải trắng, những thức ăn mà chính tay nàng đã làm ra…

Nàng cố bình tĩnh bảo chồng:

Mình lấy rượu dâu ra uống trước đã chứ!

Hà nhìn vợ, cười sung sướng, rồi lấy chai rượu dâu rót đầy ba chén, mời Đông và vợ…

Hà tính thường hay uống rượu, nay được thứ rượu dâu, lại càng mềm môi, và khoái trí lắm.

Hà, mình uống nữa đi!

Nhung nói bằng một cái giọng có chiều lơi lả và nâng niu… Hà sung sướng uống mãi. Mỗi khi ngừng, lại bị Nhung thôi thúc:

Hà, mình cạn chén này nữa, và cạn hộ chén của em nữa!

Như một kẻ vô hồn, Hà làm theo ý nghĩ của một người đàn bà…

Thành thử hai chai rượu dâu của dân làng cho, Đông và Nhung chỉ uống chút ít thôi, còn bao nhiêu Hà uống tất cả.

Hai con mắt đỏ bừng, Hà cất cái giọng ngà ngà, bảo chị lái đò:

Chị lái đến gốc cây sung kia kìa, thì chị cột đò lại. Trời nắng gắt thế này mà đò chị không mui, ai chịu nổi?

Chị lái đò và anh tài xế cùng nhìn nhau, bưng mồm cười khúc khích: Quan Huyện đã say. Ngài kê đầu vào mạn thuyền, và duỗi thẳng hai chân ra…

Rượu dân êm dịu, và bóng sung im mát… Quan Huyện đã ngủ quên đi từ lúc nào.

Người tài xế, và chị lái đò rủ nhau lên rừng ăn sim.

Nhung lắng nghe tiếng ngáy đều đều của chồng khẽ bảo Đông:

Hà ngủ rồi, chúng mình còn ngồi đây làm gì. Đi lên rừng chơi, đi anh Đông đi!

Rồi nhẹ nhàng, hai người cùng bước lên bờ… Đông đưa tay nắm chặt lấy tay Nhung để giúp nàng đi, vì phải qua nhiều tảng đá gồ ghề, mới đến rừng thông.

Bây giờ đường đã bằng phẳng, dễ đi hơn.

Nhung sung sướng hát lên:

"Ngày vui, ngày vui xa…

Mộng chửa…"

Nàng ngừng hát vì chợt thấy hai quả sim chín đỏ giấu mình dưới một chiếc lá. Nàng chạy lại, vội vàng ngắt lấy, và mân mê ở trong tay.

Nàng bảo Đông:

Anh Đông, anh há mồm ra, nhanh lên em cho cái này!

Đông há mồm ra. Nhung vất vào hai quả sim rồi đứng yên, khoanh tay, cười sung sướng. Đông cũng nhìn bạn, chúm chím cười…

Hai người rẽ những bụi sim lại đi. Một cây "vàng tâm" ngả xuống một cái nhánh ở ngang đường… Nhung nắm chặt lấy nhánh cây, đu mạnh mấy cái, rồi vắt mình lên cây. Ngồi ở trên nhánh cây, Nhung cúi xuống đưa tay kéo Đông cùng lên. Hai người ngồi cạnh nhau vai kề vai, cùng lặng nhìn những lùm cây xa… Đông nắm chặt lấy tay Nhung và nhìn chòng chọc đôi mắt nàng. Chàng nói bằng một cái giọng vô cùng thê lương.

Nhung, em Nhung, em có thể nói cho anh biết tại sao em…

Nhung không cho nói hết và đưa một ngón tay, ngang mắt… làm dấu bảo im:

Im! Im! Anh không nghe thấy tiếng gì à? Tiếng gì róc rách… Ồ tiếng suối reo. Vui lạ!

Rồi nàng nhảy xuống đất. Nàng lướt qua những bụi sim. Nàng vừa chạy vừa reo hò như một người điên. Đông cũng chạy theo…

Hai người đến một bờ suối thì dừng lại, cùng ngồi xuống tảng đá, và khua chân xuống nước. Nước bắn lên tung tóe…

Rồi mặt nước lại im lặng.

Hai người lại lặng im…

Một chiếc lá vàng rơi xuống bay là là và vướng vào mái tóc Nhung nhẹ nhàng như một con bướm đậu. Đông đưa tay dịu dàng gỡ chiếc lá ra. Nhung nhìn bạn mỉm một nụ cười cám ơn.

Em Nhung, sao em còn giấu anh làm gì nữa? Không, anh đến đây là vì một sự tình cờ… Chốc nữa, anh sẽ đi… Em tin anh. Anh không nỡ… không, một nghìn lần không, anh không nỡ đến phá cái hạnh phúc của em, nếu như ai, em cũng có hạnh phúc… Anh chỉ muốn biết vì lẽ gì, em lại bước vào cảnh này, anh muốn biết thế thôi. Rồi anh lại về sống cái cuộc đời của anh, và không nghĩ gì đến em nữa. Nhung, em nói đi!

Đông còn nói, nói nhiều nữa. Nhưng Nhung vẫn lơ đãng nhìn xuống nước. Bỗng nàng chợt thấy dưới nước, bóng một con chim liệng qua, và đậu ở một ngọn cây hoàng tâm gần đấy. Nàng đứng dậy, giật lấy cây súng ở trên vai Đông. Nàng vừa nạp đạn, vừa nhí nhảnh khoe:

Em bắn giỏi lắm cơ! Kìa con chim con đương kêu chiu chít và nhảy chuyền từ cành này qua cành kia! Anh trông, em bắn trúng không nào?

Đông chửa kịp nói gì, thì Nhung đã bấm cò…

Con chim nhào cổ, vướng vào một cành cây khô. Cành cây gẫy lắc rắc, con chim cùng rơi xuống vũng nước, một tiếng "bộp". Đông chua chát bảo bạn:

Một con chim chết!

Tiếng nói lạnh lùng như một tiếng dội trong rừng khuya.

Chàng nghĩ đến sự tan tành im lặng của cả một thế giới, cả một cuộc đời ngây thơ…

Chàng đáp lại:

Một con chim chết!

Nhung đưa đôi mắt đẫm lệ nhìn bạn và kêu xin:

Anh Đông, anh tha… tội cho em. Anh đừng nói gì thêm nữa, mỗi lời anh nói sẽ là một lời mỉa em.

Nàng ngả vào lòng bạn, và tha thiết:

Em xin anh một cái ơn tối hậu, em xin anh một cái…hôn tối hậu.

Đông đặt lên má Nhung, một cái hôn lạnh lùng!

Ngày đã tàn. Bóng hồng còn lảng vảng và hấp hối trên những chòm cây xa…Nàng lẩm bẩm:

Chết!

Rồi lặng im nhìn ra xa, phía cây sung, chỗ thuyền đậu… Bỗng nàng quay lại phía Đông một cách đột ngột và nhắm mắt lại nói, nói rất nhanh:

Anh Đông, thôi xin anh để cho em về với… cái cuộc đời tầm thường, cái cuộc đời của em…

 

 

Nguồn:

- Lưu Trọng Lư: Cô Nhung, truyện dài // Hà nội báo, Hà Nội, s. 8 (26/2/1936) đến s. 19 (13/5/1936)

- Lưu Trọng Lư: Cô Nhung, tiểu thuyết // Phổ thông bán nguyệt san, tạp chí văn học ra đầu tháng và giữa tháng, năm thứ năm, Nxb. Tân dân, Hà Nội, s. 81 (16 Avril 1941), tr. 5 – 81.

 


 

[a] Đoạn văn trên 100 từ, kể từ câu “Nhung đã bắt đầu quên mình….” đến đây, ở bản in Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ (có lẽ vì nói đến Nhật Bản). Ở đây tôi khôi phục theo bản đăng Hà nội báo (s. 8, ngày 26 Février 1936, tr. 21). – N.B.S.

[b] Đoạn văn trên 1000 từ, kể từ “Có khi Nhung sung sướng đưa tay vỗ lia lịa…” đến đây, ở bản in Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ (có lẽ vì nói đến Nhật Bản). Ở đây lấy lại theo bản đăng Hà nội báo (s. 8, ngày 26 Février 1936, tr. 21-22). - N.B.S.

[d] Cả đoạn khoảng 1.500 từ ở chương thứ II này, không có ở bản in Phổ thông bán nguyệt san; ở đây tôi khôi phục theo bản đăng Hà nội báo (s. 9, ngày 4 Mars 1936, tr. 19-21, 31) – L.N.Â.

[a] Bản đăng Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ gần 300 từ ở đoạn này; ở đây tôi khôi phục theo bản đăng Hà nội báo (s. 10, ngày 11 Mars 1936, tr. 24) – L.N.Â.

[a] Nguyên văn là giàu giò, ở đây sửa lại theo dạng chuẩn là nhàu nhò  (N.B.S.)

[b] Đoạn này bản in Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ khoảng 150 từ; ở đây tôi khôi phục lại theo bản đăng Hà nội báo (s. 15, ngày 15 Avril 1936), tr. 20. – L.N.Â.

[c] Đoạn này bản in Phổ thông bán nguyệt san  bỏ đi (không ghi “bị kiểm duyệt bỏ”) gần 200 từ vốn có ở bản đăng Hà nội báo. Ở đây tôi khôi phục lại theo bản đăng Hà nội báo (s. 15, ngày 15 Avril 1936), tr. 20. – L.N.Â.

 

[d] Ở đoạn này bản đăng Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ một đoạn khoảng 140 từ (từ “Không có cái đất nào mà đẻ ra nhiều quan như cái đất này” đến đây); ở đây tôi khôi phục theo bản đăng Hà nội báo (s. 16, ngày 22 Avril 1936, tr. 13). –  N.B.S.

[e] Đoạn gần 100 từ, từ “Ở đây có người ra làm quan như đi buôn” đến đây, ở bản in Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ. Ở đây tôi khôi phục theo bản đăng Hà nội báo (s. 17, ngày 29 Avril 1936, tr. 9). –  N.B.S.

[g] Đoạn trên 30 từ này, ở bản in Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ. Ở đây tôi khôi phục theo bản đăng Hà nội báo (s. 17, ngày 29 Avril 1936, tr. 10). – N.B.S.

[h] 10 từ “một con vật lam lũ, hơn những con vật khác” ở bản in Phổ thông bán nguyệt san bị kiểm duyệt bỏ. Ở đây tôi khôi phục theo bản đăng Hà nội báo (s. 17, ngày 29 Avril 1936, tr. 10). –  N.B.S.

[i] Theo logic trong truyện, bức thư này được viết nơi quan huyện chồng Nhung mới đến nhậm chức (ngay trong chương này có chỗ nói: cha mẹ Nhung “vượt hơn 200 cây số từ Huể ra đây” đưa Nhung đi với chồng đến nơi trị nhậm, rồi ngày mai cha mẹ Nhung sẽ về lại Huế); vậy thư này không thể viết từ Sông Hương (Huế) được! Tuy vậy, cả 2 bản in hiện có, bức thư này đều ghi là viết từ “Sông Hương”! Đây thuộc loại lầm lẫn thông thường của người sáng tác (N.B.S.)  

[j] Đoạn khoảng 120 từ (từ “Theo quan huyện, Đông và Nhung đi vào trong xóm…” đến đây) không có ở bản in Phổ thông bán nguyệt san. Ở đây khôi phục theo bản đăng Hà nội báo (s. 18, ngày 6 Mai 1936, tr. 22-23). – N.B.S.