CON CHIM SỔ LỒNG

 

Thủa ấy, thằng Cạc còn ở phố Hàng Đồng. Nó ở với cha nó. Nó không biết có mẹ nó, hằng ngày chỉ thấy có một bà mà nó gọi bằng dì. Nó không biết có anh em, hằng ngày chỉ thấy có một cậu bé suýt soát tuổi nó mà nó gọi là cậu Tân. Cha nó và dì nó làm nghề cầm đồ, bóp nặn người ta mà lấy lãi. Nhưng ở đời, không cứ làm ăn ác nghiệt mới chóng giàu. Cha nó bị nhiều mẻ "quỵt", chết đứt xương, nên cửa hàng thấy một ngày một sa sút. Rồi có lúc, nó không còn thấy một ai đến cầm đồ nữa…

Gặp cơn “xúi quẩy", dì nó lại càng thêm đổ quạu với nó. Dì nó coi nó như một thằng ăn báo. Nhưng thật ra, nó có tốn cho ai một chút xíu gì đâu: ăn thì ăn cơm thừa, mặc thì mặc áo thải. Nó có cướp là cướp phần con Vện, con Vàng, chứ nó có cướp phần ai. Thế mà động một tí, dì nó lại mắng: "Đồ vạ! Đồ báo!".

Dì nó xử ác với nó, thì cậu Tân cũng lại xử ác với nó, vì cái tuổi cậu là cái tuổi chỉ biết thấy mẹ làm gì thì cũng bắt chước làm vậy.

Một năm qua… một năm khác lại qua. Cái cảnh nhà đã thay đổi hẳn.

Ngày trước người ta đến cầm đồ nơi cha thằng Cạc, bây giờ đến phiên ổng lại cầm đồ nơi khác. Có khi cầm không được, ông phải vác cả mâm, cả nồi, trở lộn về… Nhưng cũng may, có lúc ông đành xa đại đi về không… Chính những lúc đi về không đó mà thằng Cạc mới được vui chút đỉnh. Vui sướng đây không phải là được ai cho miếng bánh mà ăn, hay là cho cái áo đẹp mà bận… Vui sướng nghĩa là khỏi bị cha nó la mắng, dì nó tát tai, đánh.

Thằng Cạc bây giờ đã tám tuổi. Tám tuổi mà đã chịu đủ mùi chua cay bùi đắng. Thật cái sự khổ thống ở đời, nó không hạn bao nhiêu tuổi. Bao nhiêu tuổi lại chẳng đau đớn được?

Tám tuổi, mà thằng Cạc đã thành một đứa đầy tớ vững vàng, chắc chắn. Thấy nó sai bảo được, thì người ta sai bảo suốt ngày. Nhưng hễ càng ích cho người chừng nào, thì lại càng khổ cho mình chừng nấy… Làm sai một tí, đã phải quở, phải đánh.

Nó biết cậu Tân cũng một vóc dạc như nó, nhưng nó thấy cậu Tân được sung sướng mà nó không hề có ghen tuông. Vì khi ra đời, nó đã thấy cậu hơn nó rồi. Nó tưởng như "cậu nó" khi còn ở trong trứng đã được phần hơn. Nó thua cậu nó mà nó còn hơn con Vện, con Vàng. Điều đó an ủi nó nhiều lắm. Nhưng mà lớn lên chừng nào, thì nó càng hay suy nghĩ. Ngày trước, mỗi lần nghe dì nó ban cho ba chữ "Đít mẹ mày" thì nó chỉ coi đó là một câu mắng câu chửi thường; nhưng dần dần để ý đến, nó biết rằng nó cũng có một bà mẹ như cậu Tân.

Nó có hỏi cha nó, mẹ nó đâu, thì cha nó bảo nó không có mẹ. Nhưng nó không tin. Nó không phải nhà luận lý học, nhưng trong khi biện lý, nó cũng đặt được một câu tam đoạn luận:

Cậu Tân có một bà mẹ.

Nó cũng người như cậu Tân

Nó cũng có một bà mẹ.

Cái lý của nó chỉ có thế thôi nhưng mà cứng lắm, trời bẻ cũng không nổi.

Một hôm nó đang quét ở ngõ, có một thằng bé con đi ngang qua, miệng rao: "Hà thành Ngọ báo, Nông công thương báo, Phụ nữ thời đàm, chuyện cô Khim chim xừ Thám!". Nó lấy làm thích lắm. Rồi từ đó, chừng độ năm, sáu giờ chiều, thì nó lại ra quét ở ngõ… Mà chiều nào nó cũng gặp thằng bé kia… Nó thấy thằng kia vừa chạy vừa la, thì coi bộ nó thèm thuồng lắm.

Bữa nọ, nó đánh bạo kêu: Báo! Báo!

Thằng bé con vui cười chạy lại. Cạc khẽ cất cái giọng dịu dàng hỏi:

Mày bán báo gì đó?

Phụ nữ, Nông công, Hà thành.

Thế ra mày không có báo tây à! Cha tao chỉ xem báo tây thôi… À mày buôn vậy, ngày lãi được bao nhiêu?

Ba hào có, hai hào có. Một chục một tờ.

Một chục một tờ là sao mày?

Là mày bán mười tờ, người ta cho mày một tờ.

Nhưng buôn vậy mày có cần vốn không?

Sao lại không? Lúc đầu tao bỏ ra những năm hào. Năm hào tiền "quỹ" kẻo người ta sợ mình quỵt. Nhưng sao mày hỏi căn vặn đến thế? Hay là mày muốn cướp nghề chúng tao? Nghề chúng tao khó lắm, không phải ai cũng có thể làm được… Chỗ anh em, mày chỉ cho tao năm hào bạc, tao hứa truyền cả sự khôn khéo của nhà nghề lại cho mày.

"Phụ nữ thời đàm, Nông công thương báo, Hà thành Ngọ báo, mỗi số 3 xu!" Tiếng rao của thằng bé đã vắng bặt ở đường xa mà thằng Cạc vẫn chống cằm lên cán chổi, suy nghĩ…

Năm hào bạc! Con số bạc, nó tưởng chừng như to, to lắm, vì trong đời nó, nó chưa hề thấy cái gì là năm hết. Áo quần nó bận hàng ngày cũng chỉ có vài bộ, cơm cháo nó ăn hằng ngày cũng chỉ có vài lưng bát. Nên lắm lúc, nó cũng muốn yên cái phận cho rồi, nhưng mà cái hình ảnh thằng bé kia lại hiện ra trong trí, như trêu như ghẹo, như thúc như giục nó phải cố mà vượt lồng cho được.

Khổ một nỗi là năm hào bạc, thằng Cạc biết đào đâu cho ra? Hết phương cùng kế, rồi nó cũng định làm như cha nó nghĩa là đi cầm đồ. Nó không cho đó là một sự xấu xa vì nó thấy cha nó cũng làm như vậy. Sinh trưởng ở một nơi chuyên nghiệp cầm đồ, nên công việc cầm đồ nó cũng thiệp liệp. Chờ khi cha nó và dì nó đi vắng mà cậu Tân thì ngủ, nó xách lén một cái mâm lên tiệm Vĩnh Bảo. Nó đưa cho chú khách, chú vứt lại cho nó năm hào. Thằng Cạc mừng đã hết nói. Năm hào bạc đã đưa nó vào một cuộc đời mới. Nó thề với nó rằng trong tay đã có năm hào bạc, thì nó chẳng bao giờ trở lại với mụ dì nó nữa. Thế rồi nó không trở về nhà nó, nó hỏi thăm đến mấy nhà báo đặng tìm cái thằng bé con hôm trước. Nó theo con đường Hàng Ngang, Hàng Đào, rồi quay về phía tay phải, nó đi theo mé hồ Hoàn Kiếm. Đi đặng một đoạn nó thấy một sắp bé con như nó đương lao nhao lít nhít, đứa thì xếp, đứa thì cột, xếp cột những tờ báo. Nó biết đích đấy là nhà báo, nhà Hà thành Ngọ báo. Nó nhảy vào trong bọn tìm cho ra cái thằng hôm trước. Nó đương ngơ ngẩn nhìn thì một tiếng vỗ mạnh vào vai nó, rồi liền đó nó nghe một thứ tiếng rè rè nói: "Mày tìm tao phải không? "Cái ấy" mày đã có chưa? Tao đã hỏi giùm cho mày rồi đó". Thằng Cạc mừng quá liền móc túi đưa ngay cho nó năm hào bạc, vừa đi theo nó vừa hỏi:

Mày tên gì nói cho tao biết mà gọi?

Mày cứ gọi tao là thằng Tín.

Thằng Tín giao lại cho thằng Cạc một nửa xấp báo rồi hai đứa cùng chạy, vừa chạy vừa la: "Phụ nữ thời đàm, Hà thành Ngọ báo mỗi số 3 xu!". Thế là thằng Cạc đã nghiễm nhiên thành một thằng bán báo rồi đấy. Nó không còn là đầy tớ của dì nó của "cậu nó" nữa. Nó sẽ là người của Hàng Bông, Hàng Trống, của Hà Nội, của trời, của đất, của gió, của bụi. Nó ăn dọc đường, ngủ ngoài thềm nhà báo. Mấy hôm đầu thằng Cạc chạy suốt ngày, đi khắp phố mà nó chỉ bán được ba mươi tờ. Nó lấy làm lạ lắm. Nó tưởng như trong cái nghề bán báo này còn có cái bí quyết gì mà thằng Tín không chịu truyền cho nó. Nó kêu thằng Tín, nó hỏi: "Bữa trước mày có hứa bảo những sự khôn khéo của nhà nghề cho tao thì mày bảo đi chớ". Thằng Tín cười sặc sụa một chặp lâu mới chịu nói: "Cả cái sự khôn khéo nhà nghề là phải luyện lấy cặp giò  cho thật tốt. Trong nghề của chúng ta thằng nào chạy nhanh hơn hết là thằng ấy chúa." Thằng Cạc phải chịu lời nói thằng Tín là có lý nhưng mà bấy lâu nay bị nhốt ở trong lồng đã cuồng cả chân cả cẳng. Nó ráng chạy hết sức mà không sao bì thằng Tín được. Hôm đầu nó lãi được ba tờ, ngày này đi, ngày khác đi, mà con số ba vẫn không thay đổi. Ba tờ báo nghĩ có nhiều nhặn chi, một tờ có ba xu, ba tờ có chín đồng xu, thì sao mà liệu cho xong ba cái nhu yếu của người đời là: ăn, mặc, và ở. Ba điều nhu yếu đó, nó đã giảm đi được hai cái rồi, nó chỉ còn phải đối phó với sự ăn mà thôi. Trên cái cân hàng ngày một bên là cái miệng một đứa bé mười tuổi, một bên là chín đồng xu thì tưởng cũng không đến nỗi chênh lệch được. Nhưng mà ngày của ông trời thì ngày nào cũng giống như ngày nào, chứ ngày của thằng Cạc thì lại khác. Có ngày nó làm việc được, nhưng có ngày nó muốn làm việc cũng không có việc mà làm. Một tuần lễ ít ra nó cũng phải ngồi không một ngày, ngày chúa nhật. Nó còn phải ngồi không trong những ngày lễ nữa. Nhà báo nghỉ, mấy cái máy in nghỉ, nó cũng như mấy cái in, cũng nghỉ. "Nghỉ", nghĩa là cặp chân nó thôi chạy, nhưng nghỉ cũng còn thủ nghĩa rằng: cái miệng nó thôi nhai. Có khi nó phải nhịn đói suốt ngày. Trong lúc bụng xép ve thì bộ óc lại hay suy nghĩ, nghĩ vẩn nghĩ vơ. Có lắm lúc nó muốn chán cái kiếp chim sổ mà trở lại cái kiếp chim lồng. Nhưng mà không được. Nó đã thề nguyện với nó rồi: nó không bao giờ đạp chân trở lại nhà dì nó nữa.

Nhờ cái cảnh ngộ khắt khe mà nó cũng có một cái quan niệm về cuộc đời. Có, mà không tự biết hay là có mà không nói ra được. Nếu nó là nhà triết học, thì nó đã nói: "Sống ở đời không phải là tìm sự vui thích, ở đời là chỉ để lo tránh những điều khổ não". Nó tin rằng: những điều khổ não mà không tránh khỏi là không hợp lẽ sống; mình mà còn để cho thân mình chịu cực, chịu khổ, chịu đói, chịu rét, là không đáng sống ở đời. Nó nghĩ vậy nên đang chỗ bi quan nhảy ngay vào chỗ lạc quan. Nó không muốn nằm chịu đói. Nó phải làm đặng cho một người khác thì nói rằng: no, mà nó thì nói rằng: khỏi đói. Nhưng mà làm gì? Như trên kia đã nói, có ngày thằng Cạc muốn làm hết nói, mà người ta không cho nó làm. Vậy thì nó biết làm thứ gì được?

Những chữ "làm" bây giờ nó cho thêm một nghĩa mới. Làm nghĩa là kiếm một cách gì để mà trừ con ma đói, cái gì cũng được. Vào cửa hàng lấy chừng một tấm vải mà đi ra, đó cũng là "làm" vậy. Nó biết "làm" vậy cũng là "làm" nhưng nó cũng biết rằng: "làm" vậy là khó hơn sự "làm" nữa…

Một bên là hai bàn tay yếu đuối, cái bụng xép ve của một đứa bé mười tuổi, còn một bên là cái dùi ba-toong của thầy đội xếp, là cả cái toà án xã hội. Nó cũng thấy được vậy, cho nên nó cũng biết tự lượng. Rồi thành ra do dự… nó lượn khắp nhà hàng, nó dạo khắp đường phố mà đói vẫn cứ đói thêm.

Nó đi từ Hàng Đào ra Hàng Ngang, qua Hàng Đường, rồi tự nhiên nó quay lên Hàng Mã, rồi trở qua Hàng Đồng.

Nó biết nó đã gần lao tù cũ của nó… Cái lao tù ấy bây giờ nó không sợ bằng cái lao tù của thầy đội xếp, vì cái lao tù ấy, nó đã quen chịu từ trước.

"Một con chim sổ lồng mà nay còn đưa mình về hiến với chủ, thì không chừng chủ nó sẽ yêu đương hơn". Thằng Cạc nó nghĩ bụng vậy, cho nên tự nhiên nó bước vào cái nhà của dì nó, quên cả thằng Tín, quên cả lời thề nguyện của nó.

Qua khỏi ngõ, thằng Cạc còn trở lộn lùi… Nó nhìn trời nhìn đất, nhìn quanh nhìn quất. Ấy là nó từ giã cuộc đời bông lông vơ vẩn mà trở lại cái cuộc đời có khuôn phép, có trật tự.

Nó đưa tay vào túi áo rút ra một đồng xu, cái đồng xu còn lại của nó. Nó ngẩng mặt lên trời vứt mạnh ra đằng xa. Trước khi trở lại cái nơi này hình như nó không còn muốn giữ lại một cái dấu tích gì về cuộc đời gió bụi…

Thế là con chim sổ đã trở lại lồng. Những con đường Hàng Bông, Hàng Trống, từ nay đã vắng bặt cái tiếng bay nhảy, ca hát của nó…

 

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Con chim sổ lồng // Người sơn nhân. Ngân Sơn tùng thư, Huế, 15/9/1933, tr. 25-36.