CON ĐƯỜI ƯƠI

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tiểu dẫn: Tiểu thuyết Con đười ươi  in dưới đây là rút từ bản in Phổ thông bán nguyệt san, s. 14 bis (cũng được đặt là số 1 loại bìa màu), ra ngày 16 Janvier 1938; cùng đăng số này còn có tiểu thuyết Con voi già của vua Hàm Nghi. Hiện chưa rõ tiểu thuyết Con đười ươi có được đăng báo lần nào sớm hơn không. Bản in dưới đây, vì vậy, chỉ có thể dựa duy nhất vào bản in trên Phổ thông bán nguyệt san.

N.B.S.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

 

Một đêm đông, trời đã về khuya...

Trong một cái am nhỏ ở trên núi Tuyết Mã, Viên Thông hoà thượng đương ngồi xem kinh ở dưới ánh sáng lờ mờ của một cây bạch lạp. Hoà thượng đã già. Râu tóc bạc phơ. Trán đã nhăn, nhưng nước da vẫn hồng hào, đôi mắt vẫn lanh lợi, vẻ người vẫn quắc thước.

Ngoài trời tuyết xuống nhiều quá.

Hoà thượng vẫn đọc, cố đọc để quên lạnh. Ngọn đèn khi tỏ khi mờ, có vẻ màu nhiệm như những nghĩa lý ẩn hiện ở trong kinh Vệ Đà mà hoà thượng đương chăm chú ngồi đọc. Lâu lâu, hoà thượng gật đầu một cách đắc ý, và ngồi thừ, ra dáng đương suy nghĩ về một lời nói sâu xa của đức Thích Ca Mâu Ni.

Bỗng cánh cửa kêu một cái "kẹt". Một ngọn gió vụt ngang qua hòa thuợng nghe có tiếng cười, một tiếng cười ghê rởn tương tự như tiếng những cây tre khô cọ vào nhau trong một buổi trưa mùa hè.

Hoà thượng thấy đẩy cửa, tiến vào một người đàn bà xấu xa, gớm ghiếc, hai con mắt tròn xoe và hốc hác, nước da đen đen và hai hàm răng khít rịt và trắng phau. Hắn đi đứng dịu dàng êm ái như trong giấc mộng. Hắn nhìn ngọn nến và nhăn cái hàm răng trắng phau ra mà cười, một tiếng cười khét rẹt...

Hoà thượng vẫn ngồi điềm nhiên, hai tay bắt quyết và hai con mắt không rời quyển kinh...

Bỗng cây nến tắt.

Hoà thượng chắp hai tay, miệng lâm râm đọc thần chú.

Thì, một cái bàn tay dịu dàng đưa ngang qua mình hoà thượng, một cái bàn tay như mơn trớn ấp yêu. Ngọn nến lại đỏ sáng. Hoà thượng thấy mình ngồi bên một người đàn bà đẹp, thướt tha, yểu điệu. Một nụ cười xinh tươi như một nét liễu non. Đôi mắt diễm lệ đầy tình tứ. Nàmg vẫn nhìn hoà thượng mà mỉm cười.

Nhưng hoà thượng vẫn điềm nhiên tĩnh tọa. Hoà thượng sực nhớ lại ngày xưa, khi đức Thích Giả còn ngồi niệm kinh ở dưới gốc cây bồ đề, cũng thường có những quỷ sứ đến trêu ghẹo. Hoà thượng cho rằng hôm nay mình cũng ở chung một cái tình cảnh với Phật Tổ. Người giai nhân tuyệt trần bên mình, vẫn uốn giọng uốn lưỡi, nói những lời dịu ngọt, nỉ non như tiếng đàn đêm khuya...

Thấy hoà thượng hiền lành thì nàng lại càng làm đủ cách suồng sã để gợi lòng tà dâm của hoà thượng. Nhưng tiếc thay, nàng chỉ làm cho hoà thượng càng thêm tức giận mà thôi. Hoà thượng đọc một câu thần chú và bắt ấn "ngũ nhạc", tức thì người giai nhân kêu rú lên một tiếng và thấy mình bị giam cầm trong một cái cũi sắt chắc chắn không cựa quậy được nữa. Hoà thượng bảo hai chú tiểu khiêng cái cũi sắt ra ngoài vườn, rồi lại chong đèn, nhìn vào quyển kinh. Lần này xem bộ hoà thượng lại càng chăm chú hơn trước, như cố ý để chuộc lại những phút xao lãng mà mình để cho lòng căm giận át lấn...

Sáng hôm sau khi mặt trời đã mọc làm tan những tảng tuyết, hoà thượng theo lệ thường lại ra dưới gốc bồ đề ngồi thiền định.[a] Hoà thượng có lẽ đã quên những việc xảy ra hôm qua, ngồi im lặng, tay lần những chuỗi hạt và hai mắt đắm say trong một thế giới mơ màng huyền ảo...

Một chú tiểu  đến thưa:

− Bạch hoà thượng, người đàn bà hôm qua đã biến mất rồi.

− Biến mất rồi! Nam mô a di đà phật!

− Vâng, người ấy đã biến mất rồi. Con chỉ thấy một con đười ươi hung dữ nó nhìn chúng con mà cười.

− Thật thế à?

− Bạch hoà thượng, nó chỉ nhìn chúng con mà cười, cười rất chua chát mà lại nghe ghê rợn quá!

− Nam mô a di đà phật.

− Bạch hoà thượng, nó lại hục hặc đòi ăn... coi bộ nó đói lắm.

− Thế sao con không cho nó ăn?

− Bẩm, nó không chịu ăn rau, quả, hoa, lá... Nó chỉ đòi cho được thịt.

− Nam mô a di đà phật.

Hoà thượng niệm Phật xong, đứng dậy theo chú tiểu đi ra vườn. Con đười ươi thấy hoà thượng thì nó vươn mình dậy và cất giọng cười ngặt nghẽo. Nó vẫn cười không thôi như một cái dòng suối không dứt, róc rách chảy trên ghềnh đá. Nhưng... tự hai con mắt của nó trào ra hai hàng lệ không ngớt.

Nó nhìn nhà sư vừa cười ngặt nghẽo, vừa khóc rưng rức. Nó ngấc đầu, giơ tay ra như để xin một cái gì. Nhà sư vứt cho nó một quả chuối, nó lượm rồi đưa trả lại một cách cung kính và lắc đầu một cách thất vọng.

Hoà thượng hỏi chú tiểu:

− Nó muốn gì? Hay là ta cho nó một phẩm oản?

Chú tiểu chưa kịp trả lời thì nó đã lắc đầu lia lịa. Thấy nó hiểu được lời mình nói thì hoà thuợng ngạc nhiên hỏi dồn:

− Thế mày muốn gì? Muốn gì cứ nói.

Nó sụp quỳ, đưa tay trỏ con chó của nhà sư... Nhà sư không nói gì, thủng thẳng bước đi, thì nghe tiếng nó rú  thảm thiết.

Sư quay lại: trong một thái độ tội nghiệp, nó nhìn nhà sư, gật đầu ba cái. Nó lạy xin nhà sư một miếng thịt để nuôi cho nó sống thêm được một vài ngày nữa. Nó có biết đâu rằng, cái điều nó cầu xin đó là một điều tối kỵ trong nhà Phật. Hoà thượng không thể sát sinh được, dẫu là để cứu sống nó. Nhưng hoà thượng quên đi rằng: không kiếm cách nuôi sống nó, tự mình cũng phạm tội sát sinh. Hoà thượng vẫn cố dằn lòng từ tâm để trước sau trọn với những lời giới răn của Phật tổ. Hoà thượng để mặc cho nó kêu gào.

Hôm sau, nhà sư  trở lại. Con thú khốn nạn nằm bệt  xuống đất, nước bọt trào ra cả hai bên mép. Lần này nó chỉ nhìn nhà sư chòng chọc, và nước mắt chảy quanh. Trước cảnh vô cùng thương tâm ấy, nhà sư chỉ còn có hai cách: thả nó ra hay là sát sinh để nuôi nó sống. Thả nó ra, thật là một điều hoà thượng không sao làm được. Vì hoà thượng biết chính nó đã quấy nhiễu, tàn phá chùa chiền ở vùng đó một cách khốc hại. Khi hiện hình quỷ sứ, khi đội lốt giai nhân, hoặc để dọa nạt, hoặc để trêu ghẹo những kẻ đã phát nguyện theo Phật.

Duy chỉ  còn cách thứ hai là nuôi sống nó và vẫn phải giam nó lại. Rắc rối là tại con thú ấy chẳng chịu "ăn chay" như hoà thượng, nó đòi cho được thịt con chó của hoà thượng. Thật là khó tính. Cuối cùng hoà thượng định cắt thịt nơi vế mình để cho nó ăn. Hoà  thượng lấy dao toan hành hình mình, thì con thú  tự nhiên nó đứng sững dậy, lấy tay lau nước mắt, nhìn nhà sư thỏ thẻ nói, trong lúc nhà sư dừng dao, đứng tần ngần.

− Hoà thượng định nuôi sống tội ác hay sao? Thiếp đây là một con quái vật đã phá hại không biết bao nhiêu kẻ tu hành. Thiếp mắc tội oan bị đày vào cái nghiệp ghê ghớm ấy, trời còn chưa cho thiếp chết, là chỉ vì còn muốn thiếp trả cho xong cái nợ oái oăm của thiếp.

Dừng một lát, con thú lại tiếp:

− Bạch hoà thượng, thiếp đây có phải là con đười ươi đâu. Trước kia thiếp vẫn là loài người như ai. Thiếp là nàng công chúa độc nhất của Lý Huệ Vương. Tên thiếp là Lý Chiêu Vân. Thiếp được cha mẹ thiếp nâng niu như một hòn ngọc ở trên tay. Quanh năm thiếp chỉ vui vầy trong những cuộc hoan lạc thần tiên. Buổi sớm thiếp vùng vẫy nhởn nhơ tắm trong hồ bán nguyệt, hương sen bay lên ngào ngạt. Buổi trưa thiếp vào rừng cây bắn chim muông. Nghề cung tên thiếp tập luyện từ thuở bé nên được thông thạo lắm. Có lúc chim trong ngự uyển thiếp bắn sạch hết, thân phụ lại sức dân gian bắt chim thả vào cho thiếp. Buổi chiều thiếp ra vườn hoa, đánh đàn chờ trăng lên. Cây đàn của thiếp khắp trong nước Tây Thục không ai có. Mỗi khi thiếp dạo, thì trời đất như ngừng trệ, cây cỏ như lắng tai. Mây trên trời như đứng lại. Cây đàn ấy đã có lúc giúp cho thân phụ thiếp nhiều công trạng trong những cuộc chiến tranh với nước láng giềng... Nhưng, bạch hoà thượng, chính nó đã hại một đời thiếp. Để thiếp kể hết, hoà thượng sẽ hiểu tại sao vậy.

 Năm thiếp lên mười bảy tuổi thì mẹ thiếp chết. Thiếp lại càng được vua cha nâng niu hơn. Thiếp xin gì, là được nấy. Một đêm đông, thiếp nằm mộng thấy một vị lão tiên râu tóc bạc phơ hiện đến, tay cầm một cây đàn kì lạ bảo thiếp:

− Lão biếu cho công chúa cây Linh Phượng Cầm này. Nó sẽ là bạn trăm năm của công chúa. Vì theo như số trời đã định thì công chúa trọn đời không chồng nếu công chúa muốn cho vua cha giữ vững ngai vàng. Qua đến đầu thu năm nay sẽ có đại binh nước Tề đến, quân sĩ hùng cường, binh khí tinh nhuệ, trong năm ngày sẽ thôn tính cả nước Tây Thục. Vậy ta cho công chúa cây đàn này, đến khi có giặc tới, công chúa đưa đàn ra trước trận tiền ngồi gẩy. Tiếng đàn sẽ làm cho quân địch say sưa mơ màng, nhụt cả nhuệ khí, mềm như bún, uể oải không còn muốn tiến nữa, mà cũng không buồn chạy, mặc cho quân ta bắt sống... Nhược bằng, công chúa muốn có một tấm chồng để cùng nhau chia bùi xẻ ngọt, và đất nước công chúa bị xâm lấn, vua cha bị lưu lạc cùng đồ, thì công chúa trả đàn này lại cho ta.

Đến đây thì lão tiên biến mất. Thiếp ôm cây đàn mà khóc nức nở. Quả vậy, sáng hôm sau thiếp thấy treo ở trên vách một cây đàn, hình con phượng đang múa. Đấy là cây đàn mà lão tiên đã cho thiếp trong giấc mộng. Thiếp nhìn cây đàn mà hãi hùng. Thiếp đưa những điều mộng thấy mà thuật lại cho thân phụ thiếp nghe. Thân phụ thiếp nổi giận, toan đưa cây đàn ra mà chẻ đi, thì thiếp cản lại mà rằng:

− Xin cha hãy nghĩ kỹ, để mặc con định liệu. Trong lời dặn của lão tiên, không có điều gì cấm ngăn cha có cháu ngoại như lòng cha sở nguyện, để sau này thay cha mà giữ mệnh trời. "Không chồng" mà cha có người nối dõi, "không chồng" mà nước nhà được vững chãi, "không chồng" mà muôn dân được yên vui, thì sao lại chẳng muốn "không chồng". Vả bình sinh con lại rất thích nghề âm nhạc, cây đàn tiên quý báu kia chẳng phải là một người tri kỷ của con sao? Con đã quyết định xin cha chiều ý con..."

 Nghe lời thiếp, thân phụ thiếp cũng hơi yên lòng. Lại khi giao chiến với Tề, thấy cây Linh Phượng Cầm đã đưa lại cho mình nhiều cuộc thắng trận vẻ vang, thì thân phụ thiếp lại càng tin ở lời thần mộng, và cho rằng việc thiếp xử định là hợp với đạo trời. Nhưng thấy tuổi thiếp ngày một nhiều, thân phụ thiếp không khỏi áy náy về sự không người nối ngôi.

 Một hôm, thiếp bàn với thân phụ thiếp, mở ra cuộc kén phò mã.

Thân phụ thiếp nhìn thiếp, ngạc nhiên hỏi lại :

− Sao nay con lại đổi ý?

− Bẩm cha, không, con có đổi ý đâu, con vẫn định không lấy chồng đâu. Con chỉ muốn cha ra lệnh truyền yết ra trong dân gian như vậy... Thưa cha, muốn có cây xanh ta phải biết lựa giống tốt. Vậy cha cho con tự ý kén chọn lấy "người bạn một hôm" của con..., và xin cha giấu kín cái thâm ý của con, vì sợ lộ ra thì các bậc khôi ngô tuấn tú, công tử vương tôn không một ai dám tới dự tuyển nữa...

Nghe lời thiếp bàn, thân phụ thiếp gật đầu cho là đắc sách lắm.

Quả vậy, ngày kén phò mã thiên hạ tới tấp nập. Trong đám người đến dự tuyển có một chàng thiếu nên tướng mạo khôi ngô, khiến cho mọi người chú ý. Vai rộng, mình cao, hai con mắt linh hoạt, quắc thước nhìn khắp mọi người. Thiếp thoạt trông thấy người thiếu niên ấy thì ưng ý ngay, bèn thưa với thân phụ thiếp cho vời người ấy vào trong cung nội.

Trong lúc khắp trong nước người ta đều đồn đại lên rằng nhà vua đã kén được phò mã thì lòng thiếp nôn nao lo sợ vô vùng. Vì thiếp biết cái chí quả quyết ấy của thiếp khi thấy người thiếu niên xinh trai ấy đã bắt đầu lung lay. Sau khi ban yến, đãi "phò mã" rồi, thân phụ thiếp cho mời phò mã ra Tây Minh Viên, đặng cùng  thiếp thưởng trăng. Thấy chàng thì thiếp cúi mặt e lệ. Thiếp ngồi im như một cây đàn không dây. Thiếp không thốt ra được một lời, sợ rằng một lời thiếp thốt ra là như một cái mối buộc vào cho mình, không gỡ ra được. Thiếp cảm thấy rằng bên người thiếu niên, những lời thần mộng không còn oai lực gì nữa. Thật có ngờ đâu thiếp lại yếu hèn đến thế! Thiếp thấy thiếp không còn tự chủ được mình nữa. Trong tâm trí thiếp như có một sức mạnh ở ngoài vào xâm lấn và cắm cây cờ chiến thắng. Cái sức mạnh đó, bạch hoà thượng, ấy là "ái tình". Người khác yêu thì thấy mình phấn chấn và can đảm hơn lên. Thiếp yêu thì thấy mình mềm như sợi bún.

Người thiếu niên mà thiếp đã chọn đấy là con một vị lão thần, tên là Đào Kinh Nhiếp. Công tử đã từng vì vua, ra trừ giặc. Nhưng không có cuộc chiến thắng nào làm cho công tử  được vinh quang hơn là cuộc chiến thắng này: Công tử đã chiếm được lòng thiếp một cách dễ  dàng.

Trăng bấy giờ đã hơi mờ mờ. Những cây nguyệt dạ đã toả ra một thứ hương ngào ngạt. Đương cùng nhau say sưa trong một cảnh êm đềm tình tứ, bỗng như sực nhớ lại một điều gì kinh khủng, Đào lang dõng dạc hỏi thiếp:

− Ta nghe rằng công chúa có một cây đàn tiên, gẩy lên thì mây đứng yên, hoa cỏ đều lắng nghe, trời đất như ngừng trệ?

Đôi mắt của Đào công tử nhìn thiếp một cách oai nghiêm khác thường. Như có thần linh giúp sức, thiếp thấy lòng thiếp không hề nao núng, thiếp trả  lời một cách mạnh bạo rằng:

− Chính công tử bây giờ là cây đàn của thiếp. Thiếp không thể có ở bên mình vừa là công tử, vừa là cây Linh Phượng Cầm. Thiếp chỉ có quyền thờ một chồng mà thôi: Công tử hay là Linh Phượng Cầm.

Nghe xong , Đào Lang kéo thiếp vào lòng, nũng nịu bảo thiếp:

− Ta thì lại không muốn thế. Ta muốn thờ cả  hai: Chiêu Vân và Linh Phượng Cầm. Ta ước được thấy Linh Phượng Cầm nằm trong lòng công chúa như công chúa ở trong lòng ta vậy.

Câu nói vô tình của công tử đã làm cho thiếp  đứt từng đoạn ruột. Thiếp biết chắc rồi đây thiếp sẽ cùng Linh Phượng Cầm vĩnh quyết nghìn thu.

Thiếp sẽ trái lời thần mộng...

Thiếp sẽ lấy chồng...

 Thiếp sẽ làm cho xã tắc Tây Thục nghiêng ngửa.

Thiếp sẽ làm cho thân phụ thiếp phải lưu lạc.

Ôi! Có thể như thế được ư?

Và như thế, là vì một người.

Người ấy là Đào phò mã.

Than ôi! Thiếp có ngờ đâu như thế!

Thân phụ thiếp có ngờ đâu như thế?

Vị lão tiên ở trong giấc mộng có ngờ đâu như thế?

Ái tình! Khi thiếp chưa biết tới nó thì thiếp xem thường nó, khi biết nó rồi thì thiếp kinh hãi vô cùng. Trót vương vào nó, thiếp từ nay còn mong gì tháo ra được nữa.

Bây giờ đây ngồi bên người yêu, nằm trong lòng người yêu, nghiêng đầu vào vai người yêu, nhìn những cái nhìn tình tứ, nói cái giọng nũng nịu ngây thơ, say sưa với những cái thú vị êm đềm ấy thì còn  đâu kịp nghĩ tới xã tắc sơn hà, nghĩ đến ngai vàng, còn đâu kịp nghĩ đến thân phụ, nghĩ đến nghĩa vụ.

Thật là không kịp nghĩ tới nữa.

Bây giờ chỉ còn có một cách trả lời với thần mộng: thiếp lấy chồng.

Công tử cầm tay thiếp mân mê, hỏi thiếp bằng một giọng đầy tình tứ:

− Thế rồi sau này vật đổi sao dời, công chúa có  thể bỏ ta được không? Công chúa hãy đứng dậy sửa áo, cài khăn... Công chúa hãy thề với ta rằng: đời đời kiếp kiếp công chúa vẫn là  vợ yêu dấu của ta. Hỡi công chúa thân yêu của ta! Hãy đứng dậy mà trả lời ta rằng: muôn chung nghìn tứ công chúa cũng không dời bỏ ta?

Thiếp phải trả lời rằng "có", vì không thể  bảo rằng không. Nhưng thấy bộ do dự ngại ngùng của thiếp, thì chàng nhìn thiếp có vẻ lo sợ, và ngồi ngây người ra không thèm nói thêm một lời. Thiếp cũng ngồi yên. Ôi! Những cái giây phút yên lặng mà ái tình phải trải qua một sự ngờ vực khó chịu, cái giây phút ấy thiếp phải làm cho nó chóng qua. Thiếp dựa vào ngực Đào lang, thiếp thấy trống ngực chàng đánh hồi hộp và nhanh chóng lạ thường... Thiếp phải làm ra dáng bình tĩnh, vui vẻ thưa với chàng:

− Hàng vạn nghìn người dự tuyển, thiếp chọn có một mình chàng. Thiếp không tin chàng, thiếp không yêu chàng, còn tin, yêu ai?

Lại muốn cho chàng vững lòng tin ở thiếp, hôm ấy thiếp dẫn ngay chàng vào động phòng, và dâng cho chàng tấm lòng trinh bạch. Lẽ ra cuộc tình duyên của người "phò mã" đến đây là hết. Vì theo như lời phụ thân thiếp cùng thiếp trước kia đã dự định, thì người "phò mã" sau một đêm cùng thiếp chung chăn chung gối, khi đã gieo hạt giống tốt cho thiếp rồi, thì sẽ bị giam cầm vào một nơi biệt tịch, không ai lai vãng. Thiếp cũng không có quyền tơ tưởng tới nữa. Như thế đối với thiên hạ thiếp là người có chồng và sau này có con, con ấy sẽ thay thân phụ thiếp lên giữ mệnh trời, cũng là một điều rất chính đáng vậy. Mà riêng đối với thần mộng thiếp cũng không hề trái lời. Cây Linh Phượng Cầm vẫn giữ được vẻ thiêng liêng, mà ngai vàng sẽ được đời đời bền vững. Chao ôi! Dự định một đường, sự thật lại ra một nẻo...

Thiếp đã lấy chồng và nâng niu, chiều chuộng chồng thiếp vô cùng! Thiếp với Đào lang đã cùng nhau gắn bó, than ôi! Nghìn năm gắn bó.

Hai hôm sau, thấy thiếp không làm y như lời thiếp đã định, thì thân phụ thiếp hơi ngạc nhiên, cho đòi thiếp ra hỏi. Thiếp bối rối thẹn thùng, sụp quỳ xuống trước ngai vàng, đưa cho thân phụ thiếp một thanh kiếm và tâu rằng:

− Tâu cha, con đã lỡ dại, có hối cũng chậm lắm rồi. Một là cha cho con cùng Đào lang trăm năm kết tóc. Một là thanh kiếm đây, cha đưa con một phát vào cổ người con gái bất hiếu của cha. Hai đường ấy xin cha lựa một đường…

Người đâu hiền từ  đến thế! Vương phụ thiếp nghe thấy như vậy thì thiếp đứng dậy gạt thanh kiếm đi, ngọt ngào bảo thiếp rằng:

− Con hãy yên tâm. Cha đã chọn một trong hai con đường ấy rồi. Cha không sợ mất nuớc, cha chỉ sợ con không đạt được ý muốn của con. Con muốn lấy chồng. Vậy con cứ lấy chồng đi cho cha vui lòng. Đào lang sẽ chính thức là con rể của cha vậy.

Những lời phán ấy làm cho thiếp cảm động vô ngần. Cha không vui vầy trong cuộc sống hoà lạc êm đềm, như không nghĩ gì đến điều tai vạ sẽ xảy tới, phải xảy tới sau này cho nhà cho nước...

Giá như lời thần mộng toàn là lời hão huyền không đâu, thì đâu có những cuộc sinh ly tử biệt não nùng như thế này, đâu có cha con cách biệt, chồng vợ rẽ chia.

Tai ác thay! Những việc báo trước, lại là những việc lần lượt sẽ xẩy đến cho thiếp.., cho nhà, cho nước.

 

***

Một hôm, trời đã về khuya. Ngoài Tây Minh Viên, thiếp nghe thấy tiếng một con chim lạ, tiếng hót não nùng và ảm đạm. Thiếp thấy bồi hồi và ảo não vô cùng, không sao nhắm mắt được.

Tiếng hót càng về khuya, càng lạnh lùng. Thiếp cảm thấy như con chim kỳ lạ ấy là sứ giả một oan hồn vô chủ bị đày đọa ăn sương nuốt tuyết ở chốn ven trời vô định, nay nhờ con chim mang lại nỗi oan khuất của mình để phân trần cùng thiếp. Thốt nhiên, thiếp thấy lo sợ hãi hùng, tưởng như mình bình sinh đã làm điều gì oan khuất cho người vậy.

Thiếp gọi hai người thể nữ của thiếp cùng ra vườn. Con chim thấy bóng người thì rũ cánh bay xa. Thiếp chỉ thấy vạch ra giữa khoảng trời một con đường loang loáng trắng, trong bóng trăng mờ. Thiếp nhìn hai người thể nữ. Hai người thể nữ cũng nhìn thiếp mà không nói gì.

Sương đổ xuống nhiều quá. Hơi bay lạnh như giá. Thiếp thu mình trong cái áo ngủ, hai vai ớn lạnh. Hai nguời thể nữ phải dẫn thiếp về buồng. Khi đi ngang qua điện Thái Minh thiếp thấy có đèn chong... Thiếp ngừng lại, nhìn vào, thấy thân phụ thiếp đương tỳ tay vào án, ra dáng lo nghĩ. Thiếp đoán rằng: Ắt có điều gì khác thường xảy đến cho thân phụ thiếp… Thiếp bèn cho hai người thế nữ đi ngủ, còn thiếp thì đẩy cửa vào hầu người.

Thân phụ thiếp thấy thiếp thì ngạc nhiên và có vẻ không bằng lòng, nhưng cũng gượng làm vui. Ngài đon đả hỏi thiếp:

− Đêm khuya rồi, sao con chưa an giấc? Lại còn tới thăm cha có việc gì?

Thiếp đáp:

− Thưa cha, hôm nay con có nghe thấy có con chim lạ đến hót ở Tây Minh Viên. Con trằn trọc mãi không ngủ được. Con cùng thể nữ ra Tây Minh Viên, thì chim rũ cánh bay xa... Khi đi về, đi ngang qua đây, thấy cha còn thức, con ghé vào để vấn an. Hoặc giả có điều gì không lành xảy đến cho ta, cho vận nước chăng, xin cha hãy nói cho con rõ.

Thân phụ thiếp mỉm cười bảo thiếp:

− Con lầm! Con chim ấy chính là một con chim quen. Tên nó là Bạch Trước Ô, cứ mỗi năm đầu mùa thu, thì nó về Tây Minh Viên một lần. Nó về lối nửa đêm, cho nên trong cung không mấy ai biết... Mỗi năm nó chỉ về một lần. Mỗi lần nó hót hai mươi tiếng. Hót xong nó lại bay đi.

Nói xong, thân phụ thiếp nhìn thiếp nhếch miệng cười ...

Nhưng mấy ngọn nến lâm râm cháy ở trên án, trông có một vẻ long trọng khác thường. Cái ánh sáng lờ mờ lung lay một cách ghê sợ.

Không, thân phụ thiếp không thể giấu thiếp được. Sự không lành đã xảy đến cho nước cho nhà... Mọi vật trong điện Thái Minh đều như muốn mách bảo thiếp như vậy... Thiếp sụp quỳ xuống ở bên chân thân phụ thiếp kêu van:

− Không, xin cha đừng giấu con làm gì nữa. Thần linh đã báo cho con biết có sự cố bất tường... Vậy cha nói hết cho con rõ, đặng cha con cùng bàn tính với nhau, lo tìm phương đối phó với những sự xảy đến... Chậm một chút, ân hận nghìn năm.

Thân phụ thiếp lặng nhìn thiếp, và rơm rớm nước mắt. Chặp lâu ngài mới chịu nói với thiếp:

− Việc đến thế này, chắc có lẽ vận nước sắp nguy vong. Đã hai hôm nay, cha được có tin ở biên thuỳ báo về rằng: quân Tề hiện đã cử một đội binh mã qua đánh ta, buộc ta phải dâng con cho vua nước ấy. Ta thiết triều, chất vấn các đinh thần xem ai dám ra đương đầu với giặc, thì không một ai hó hé. Xét kỹ không phải là tại bầy tôi của cha thiếu lòng trung dũng, mà tại quân sĩ, binh khí của ta xưa nay bỏ không luyện tập, không còn đủ đối phó với địch nữa. Sở dĩ có cái tình cảnh nguy nan ngày nay, sở dĩ cha nhãng mặt võ bị, là tại quá tin ở... thần mộng, quá tin ở... Linh Phượng Cầm, quá tin ở... Không, con đừng khóc cho cha thêm bận lòng, cha không có ý trách con. Việc con lấy chồng, là việc rất chính đáng, hợp với nhân luân, hợp với thiên đạo. Không, cha không có ý trách con, con cũng không nên tự trách mình. Lỗi cả ở cha: cha không giữ trọn mệnh trời...

Nghe đến đây, thiếp rụng rời tay chân, gục vào lòng thân phụ thiếp, khóc nức nở. Thân phụ thiếp đỡ thiếp dậy mà rằng:

− Cây Linh Phượng Cầm, ta không thể còn tin ở nó được nữa. Vậy ta sẽ nghĩ kế khác. Con đừng khóc nữa cho cha thêm não lòng.

− Hay là...

− Hay là... thế nào? Con cứ nói đi!

− Hay là con sẽ...

Nhưng, như người bị cấm khẩu, thiếp không còn nói được gì nữa. Thiếp nhìn thân phụ thiếp, nước mắt tràn trề. Thân phụ thiếp lại càng giục:

− Có kế gì hay, con cứ nói cùng cha. Sao con lại ngập ngừng?

− Không, thưa cha con không thể nói điều ấy ra được, nhưng con có thể làm được. Cha để mặc con làm. Thần linh sẽ phù trợ cho con, vì việc con làm đây, sẽ cứu được muôn họ, mà chỉ riêng hại cho...

− Cho ai? Con cứ nói.

− Cho... không, con không thể nói tên người ấy ra được.

Thân phụ thiếp đứng vòng tay, tần ngần, không dám hỏi thiếp nữa. Thiếp lấy giọng điềm tĩnh, thưa với thân phụ thiếp:

− Xin cha yên tâm... Có cái tình cảnh ngày nay là tại con. Vậy  cha để cho con mọi quyền hành động.

− Thân liễu bồ như con mà làm gì?

Gượng cười, thiếp nói một câu nửa đùa nửa thật:

− Xin cha yên tâm. Con sẽ khóc cho giặc phải lùi.

Rồi thiếp từ biệt thân phụ thiếp. Những ngọn nến ở trong điện Thái Minh, hôm ấy, vừa theo nhìn thiếp, vừa lung lay một cách dễ sợ.

Bạch hoà thượng, cái việc mà thiếp định làm, chắc hoà thượng đã đoán được rồi. Thiếp muốn vãn cứu lại cái thần lực của cây Linh Phượng Cầm... Và như thế, thiếp phải, trời phật ôi ! Thiếp phải... thiếp biết nói thế nào đây?

Sau khi ở điện Thái Minh bước ra, thiếp bèn về phòng thiếp, rút cây đoản đao của thiếp, rồi lẻn mình qua buồng của Đào lang. Đào lang bấy giờ đương ngủ mê man. Mảnh trăng lọt qua song thưa, buông xuống trên mặt chàng một cái bóng mờ mờ xanh.

Thiếp toan đặt môi thiếp lên trên trán chàng, thì cái đao ở trên tay thiếp đã thọc mạnh vào tim chàng. Thiếp ẵm hôn Đào lang một lần cuối cùng, nhưng than ôi! Đào lang trong tay thiếp chỉ là một cái tử thi nóng hôi hổi rồi dần dần lạnh. Khi hồn lìa xác, có lẽ là khi Đào lang đương cùng thiếp ngao du trong một giấc chiêm bao đẹp.

Cuộc sum họp tuy chưa được bao lâu nhưng Đào lang đối với thiếp, − điều ấy thiếp biết lắm, − Đào lang đối với thiếp thật là hết bụng yêu thương.

Đào lang khi mới gặp thiếp đã có lòng ngờ vực thiếp, sao không ruồng bỏ thiếp ngay, còn giỡn thêm mấy ngày nữa để chịu cái hình phạt ghê gớm này của thiếp. Hình phạt, phải hình phạt. Chịu hình phạt này vì Đào lang đã lấy thiếp làm vợ. Than ôi! Đào lang chỉ có cái tội ấy thôi. Đào Lang có ngờ đâu lại đổi cái tính mệnh của mình để lấy một tấm ái tình vừa giả dối, vừa hèn nhát đến thế?

Sáng hôm sau, thiếp vào buồng Đào lang, để tri hô lên cho mọi người biết, thì thiếp thấy trên mắt Đào lang phun ra hai dòng máu tươi và miệng khạc ra một... hòn ngọc. Thiếp đưa hòn ngọc ra dưới ánh sáng mặt trời mà xem, thì thấy rõ ràng cái hình ảnh một người thiếu nữ ôm cây đàn... Cây đàn ấy là Linh Phượng Cầm và người thiếu phụ ấy chính là thiếp đây...

Đến đây, con đười ươi ngừng lại, đưa tay gạt lệ. Vị hoà thượng nghe câu chuyện cũng ngùi ngùi cảm động, nhưng vẫn nửa tin nửa ngờ:

− Nếu nàng quả là công chúa Chiêu Vân thì nàng hãy cho ta một cái chứng cớ...

Con đười ươi lẳng lặng cúi đầu khạc ra một hòn ngọc, giao cho hoà thượng.

− Bạch hoà thượng, đây là cái kiếp trước của thiếp đây.

Hoà thượng đưa lên bóng mặt trời xem quả thấy một người thiếu nữ đẹp tuyệt trần, đương ôm một con phượng... Thấy hòn ngọc lạ, hoà thượng cứ mân mê không muốn trả.

− Xin hoà thượng trả lại cho thiếp. Hoà thượng giữ nó lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Hoà thượng lại đưa lên xem, và tấm tắc khen ngợi:

− Tình đâu có tình son sắt thế này, lại người đâu có người đẹp đến thế này!

− Xin hoà thượng giao giả thiếp kẻo rồi lại ăn năn không kịp...

− Để ta giữ hộ. Ta không muốn một vật quý báu như thế lại để lù lờ trong thân xác một con vật đê hạ.

Nói xong, hoà thượng ngoay ngoảy quay lưng đi. Nhưng hòn ngọc ở trong tay đã biến đâu mất. Hoà thượng thấy đỗ ở trên cây tùng bên cạnh: một con phượng hoàng sắc màu rực rỡ, đứng một cách điềm tĩnh oai nghi.

Con đười ươi cười nghặt nghẽo bảo hoà thượng:

− Hoà thượng hãy thả thiếp ra, thiếp sẽ bắt hộ nó.

Hoà thượng bèn bảo người mở cũi ra. Con đười ươi nhảy lại, táp hụt một cái. Con chim phượng bỗng biến đâu mất, không kịp kêu lên được một tiếng. Con đười ươi đã thu lại hòn ngọc quý. Thấy vậy, hoà thượng đối với con thú lạ lùng ấy lại càng thêm kinh nể, bèn rước nó vào am, và cho nó cùng ngồi ngang hàng nói chuyện...

− Thế rồi sao nữa? Ngươi hãy nói tiếp cho ta đặng rõ.

Con đười ươi lấy lại giọng kể nốt:

− Thế rồi Đào lang chết, chôn cất xong đâu đó rồi, mà giặc vẫn chưa đến... Buồn cười chưa! Trước khi được tin quan ải báo về, thì thiếp lo sợ biết nhường nào, nay đợi không thấy giặc đến, thì thiếp cũng lo sợ biết nhường nào. Là vì thiếp nghĩ: Thiếp đã giết toi chồng thiếp, mà chẳng ích gì...

Ngày thứ sáu thì có tin cấp báo rằng: trong quân cơ của thân phụ thiếp nổi loạn. Bọn phiến loạn dưới quyền chỉ huy của Anh Vân, một người bạn thân của chồng thiếp, đã chiếm được nhiều dinh thự và sắp tràn vào cung nội...

Thiếp lấy cây Linh Phượng Cầm ra gảy. Nhưng than ôi! Tâm hồn của thiếp như bị rối loạn, tay thiếp như bị cóng quíu... Thiếp tưởng như hồn chồng thiếp hiện về nhìn thiếp với đôi mắt trao tráo. Ôi! Đôi mắt hung dữ ấy vẫn không rời thiếp. Thế rồi! Thiếp đành buông cây đàn phụ bạc ra và ngất đi...

Bỗng thấy một người thiếu niên lạ mặt vực thiếp lên mình ngựa, rồi đi cổng tây bắc thoát khỏi thành. Người thiếu niên dong ngựa chạy xa, trốn xa. Hắn qua đèo Nhạn Ải, qua rừng Vạn Tùng đến núi Thiên San thì hắn dừng ngựa...

Thiếp bấy giờ đã hơi tỉnh. Người thiếu niên lạ mặt thiếp biết, chính là vị công tử của một viên đại thần tại triều. Tên hắn là Đinh Thiết Mã. Thiết Mã là một tay ăn chơi khét tiếng trong kinh thành. Một mình hắn đã bẻ hết bao nhiêu cành thiên hương. Chính hắn là người dự tuyển trong cuộc kén phò mã của thân phụ thiếp. Hắn đặt thiếp ngồi xuống một bãi cỏ, rồi mắt đưa tình, hắn bảo thiếp:

– Thưa công chúa, bọn phản nghịch chính là bọn bè đảng của Đào lang... Trước khi Đào lang chưa chết, họ đã có âm mưu đánh đổ nhà Lý...

Thiếp mỉm cười không đáp. Hắn vẫn nói tiếp:

− Biết đâu Đào lang chẳng phải là người của đảng họ sai vào do thám ở trong cung nội. Công chúa biết trước mà đã giết hắn đi, thật là cao kiến.

Thiếp ngắt lời:

    – Ngươi đừng nói thế, ta đau lòng. Giá trước kia ta không chọn Đào lang mà chọn một người khác, chọn ngươi chẳng hạn, thì Đào lang làm gì được bén chân vào cung nội…

Thiếp lại nghiêm mặt nói tiếp:

– Ngươi có công cứu ta, ta xin cám ơn ngươi. Nhưng ta muốn ngươi đừng cứu ta mà cứu cha ta thì hơn. Vì là người tôi trung, ngươi há chẳng hà nên nghĩ đến đấng quân vương trước đã. Ta, một người không đáng kể nữa, một người đã giết chồng hại cha, làm nhơ nhuốc cả tông tộc, một người không đáng sống để ăn cơm trời với người, và đạp trên đất nước. Ta xin ngươi hãy kết liễu đời ta bằng một nhát gươm. Ta sẽ cảm lòng ngươi hơn là ngươi đã cứu ta.

Hắn nhìn thiếp cười, một cái cười lẳng lơ làm cho thiếp lộn cả gan ruột.

Hắn lấy giọng ngọt ngào, êm thấm dỗ thiếp:

– Xin công chúa đừng nghĩ vơ vẩn. Ta thoát thân ra đuợc chốn này, thật là một điều đáng mừng... Muốn đời khỏi dị nghị, ta sẽ cùng nhau biệt lập ra ở cùng một nơi cùng tịch. Ta cùng nhau yên vui. Buổi sáng ta cùng vào rừng săn bắn, buổi chiều ta cùng ngồi gốc cây chờ trăng lên. Chuyện đời, mặc!

Thiếp giận quá không nén lòng được, mắng vào mặt hắn:

− Đồ vô quân vô phụ! Cái lòng trung nghĩa của ngươi, bây giờ ta mới hiểu. Ngươi đưa ta tới đây ý định làm gì, ngươi nói nghe thử! Ngươi phải biết rằng: Ta đây ưng chết trên cái tử thi của cha ta hơn là được sống mà phải bên ngươi... Sao ngươi không nghĩ xa hơn một tí. Ta đây là người đã tạo tác ra biết bao tội ác, lẽ ra ngươi phải giết ta đi cho ta được yên lòng, ngươi lại còn hòng nuôi dấy cái tội ác lên nữa, giữ cái con ác phụ này lại để thoả mãn cái lòng tà dâm của ngươi...

Hắn mỉm cười, bảo thiếp:

– Nhưng bây giờ công chúa chưa chết, mà ta còn sống đây, thì ta hãy vui đùa cùng nhau, cùng nô giỡn với nhau cho bõ những đêm hôm len lỏi ở trên những đường lối hóc hẻm, rừng rú thâm u... Và ta cũng xin công chúa nghĩ xa hơn một tí: Ta nhọc công cứu đưa nàng vào tận đây, há ta đã làm công không hay sao?

Rồi hắn cầm lấy tay thiếp, mắt liếc tình. Thiếp bèn đưa chân, đạp một cái rất mạnh vào ngực nó, nó ngã lăn ra... Tức thì nó chồm dậy, nó nhảy vào toan hành hung, thì có tiếng người hét đằng sau lưng: Một thiếu niên xinh trai ung dung đi tới, trên mặt không tỏ ra một vẻ tức giận. Người ấy đưa cây liễu phướn cầm ở tay, phất qua mặt Thiết Mã một cái. Tự nhiên Thiết Mã lờ đờ đôi mắt, và cứng đơ tay chân, không cử động được. Người ấy bèn vực thiếp dậy, và dẫn thiếp đi, không nói một tiếng.

 

***

 

Cảnh rừng rú gai góc ở bên mình dần dần biến hẳn. Chúng tôi đi trên một con đường mát mẻ, sạch sẽ, chỉ rơi rắc năm, bảy chiếc lá đào. Qua một cái suối, tiếng róc rách nghe thảnh thót như một cung đàn, chúng tôi đến một cửa động. Vài con chim rất lạ, bị động, đập cánh bay từ cây này qua cây kia, và hót lên mấy tiếng trong trẻo như tiếng thủy tinh cọ vào nhau. Rặng liễu rủ xuống đường những cái bóng thướt tha và uyển chuyển như những vũ nữ uốn mình ở nguyệt điện.

Một hơi gió mát, từ đâu đưa lại, thoảng bên tai, mơn trớn làn tóc mai êm dịu như một bàn tay tiên. Thiếp ngoảnh mặt lại nhìn người thiếu niên xinh đẹp. Người vẫn điềm nhiên như không, hai mắt đắm say trong một cái tư tưởng mơ hồ…

Thiếp dừng bước lại, hỏi:

– Hỡi vị ân nhân của ta! Người dẫn ta vào chốn nào đây? Lòng ta đói lắm rồi! Người cho ta ăn mấy!

Thiếu niên, mỉm cười, đáp lời thiếp:

– Đây là Thiên Nhai Động, một động trong ba mươi sáu động của ta. Xin rước công chúa…

– Sao người biết ta là công chúa?

– Xin công chúa đừng hỏi ngớ ngẩn thế. Mời công chúa theo ta, vào Vọng Nguyệt Đài dùng rượu.

Chúng tôi lại im lặng đi… Người thiếu niên dẫn thiếp đến một cái đài cao ở trên đầu non… giữa một vườn hoa rộng…

Thiếu niên chỉ vào một cái hoa kỷ, mời thiếp ngồi, và chàng cũng ngồi lại đối diện với thiếp.

Thiếp nghe có tiếng quạt kéo, ngoảnh lại thấy một con chim to lớn, cổ dài, và hai chân thong thỏng.

Thiếp hỏi chàng:

 − Chim gì thế?

 – Đấy là "Lao điểu". Chim này chỉ ăn thịt chó và làm những việc nặng…

Thiếp quay lại đã thấy ba con phượng hoàng ở một hòn núi xa bay tới, con thứ nhất ngậm một cái bầu rượu, con thứ hai ngậm một cái li ngọc, con thứ ba cũng ngậm một cái ly ngọc nữa. Chúng liệng một vòng quanh Vọng Nguyệt Đài rồi bay vào đặt bầu, ly lên trên một cái bàn pha lê, rồi chúng đứng ra hai bên, nghiêm trang chững chạc.

– Phượng này, ngươi đã khéo tập luyện lắm?

– Phượng này hàng ngày chỉ ăn sương và ngậm tuyết. Chúng chuyên việc hầu rượu. Mỗi ngày chúng phải ra tận Bình Minh Sơn để lấy rượu. Ở Bình Minh Sơn có một thứ dâu vừa ngọt, vừa nồng, nấu ba ngày thành rượu này đây.

Chàng rót ra, mời thiếp:

– Thỉnh công chúa cạn chén. Rượu này, uống vào thay cơm. Càng uống, càng thấy mình tiêu tao, thanh thú, vừa mơ màng vừa tỉnh táo.

Thiếp lại thấy một bầy hoàng hạc, ở đâu bay tới, liệng mấy vòng quanh đài, rồi lại bay vào đỗ bên những con phượng hoàng.

– Thỉnh công chúa, cạn chén nữa.

Thiếp lại thấy, một bầy năm con chim nữa, cũng không biết từ hướng nào lại, năm con chim này, mình tha thướt, sắc lông xanh nhạt như màu da trời, mỏ dài, cẳng cao, và hai cánh phe phẩy một cách nhẹ nhàng, mỗi con ngậm một nhành hoa.

 – Thưa công chúa, đây là "Tùng Vũ" ngậm "Nguyệt dạ hương".

 – Thưa công chúa đây là "Liễu Vũ" ngậm "Thu thảo hương".

 – Thưa công chúa, đây là "Trắc Bá Vũ" ngậm "Bạch cúc."

 – Thưa công chúa, đây là "Trúc Vũ" ngậm "Hoàng lan".

 – Thưa công chúa đây là "Bình Vũ" ngậm "Bình Minh hương".

 Sau khi đã được giới thiệu qua loa một lượt năm con chim kỳ lạ ấy, lại sắp hàng bên những con hoàng hạc.

– Thỉnh công chúa cạn nốt chén rượu.

– Tôi xin đủ…

– Vậy xin mời công chúa ra bến Lệ Liễu…

Thiếu niên vẫy tay một cái. Tức thì, chim đều bay tản tác.

Chàng lại dẫn thiếp đi. Đến cầu "Liễu Ảnh" chàng trỏ tay phương xa, bảo thiếp:

– Xin công chúa ngẩng lên và trông ra núi… Bạch Hạc.

Thiếp trông ra. Như một người bị thu hồn, thiếp đứng ngây người, im lặng. Thiếp không muốn nói một lời gì trước cái cảnh vô cùng xinh đẹp… Một vừng trăng mờ mờ e lệ, ngại ngùng sau đỉnh núi, lặng soi cái bóng mình lung linh dưới nước. Trời nước lẫn một màu. Vài làn mây bạc trôi lạnh lùng… Những cây lệ liễu rung rinh trên bờ và dưới nước.

– Công chúa hãy tạm ngồi xuống hoa kỷ.

– Im, chàng đừng nói.

Thiếp sợ cái thế giới lung linh trước mặt bị động mạnh nó sẽ tan mất…

Bỗng, có tiếng ca hót rộn ràng.

Tiếng ở dưới khóm tùng nổi lên nghe thỏ thẻ như dòng nước ở nguồn mới tuôn ra, rỉ rách bên ghềnh đá: ấy là tiếng oanh vàng.

Tiếng ở trong những chòm lệ liễu đưa ra lạnh lùng, như tiếng hát của người chinh  phụ, ru đứa con thơ: ấy là tiếng hoàng hạc.

Tiếng ở bên những chòm vạn niên thanh đưa đến nghe sang sảng như cung đàn của người thiếu nữ sắp lấy chồng: ấy là những tiếng của những con bạch yến.

Và ở trên không, hơn trăm con phượng liệng múa theo một điệu nhịp nhàng.

Và không biết từ những đóa hoa vô danh, vô hình nào, bay ra một cái mùi hương ngào ngạt, nồng nàn.

Và chàng lặng nhìn thiếp, một cái nhìn âu yếm tình tứ…

Hai má thiếp ửng hồng, thiếp thấy tâm hồn thiếp say sưa một cách êm dịu lạ thường, cũng không hiểu mình say sưa vì thứ rượu dâu, vì mùi hương, vì giọng hót, hay là về một mối tình êm thấm. Thiếp thấy mình nhẹ nhẹ lâng lâng, không còn nhớ rằng trước đây mình là một người trốn giặc. Thiếp cũng không tưởng nghĩ đến thân phụ thiếp nữa. Có lẽ thứ rượu dâu mà thiếu niên cho thiếp uống đã làm cho thiếp thành một người khác.

Chàng vẫn lặng lẽ dẫn thiếp đi, như vị Pháp sư dẫn kẻ "đồng thiếp" của mình vậy.

Thiếp theo chàng vào một cái điện rộng, rồi lên lầu "Thu Mộng".

Thấy con "Lao điểu" đã buông sẵn màn hoa, thì chàng mời thiếp lên nghỉ…

– Chúc công chúa ngủ yên và mộng đẹp.

Không hiểu sao, thiếp nắm lấy tay chàng và dặn:

     – Từ nay chàng đừng gọi ta là công chúa nữa. Ta không còn là công chúa nữa. Ta chỉ là một người em bé ngoan ngoãn ở trong tay người. Kìa bóng trăng xanh lọt vào song cửa. Chàng bảo ta giờ này là giờ gì?

Chàng cười chúm chím rỉ vào tai thiếp:

– Người yêu dấu của ta ơi! Giờ này là giờ của đôi ta…

Rồi chàng ẵm thiếp vào lòng, không muốn buông ra nữa… Nhưng ngoài lan ỷ, hai con "Lao điểu" như hiểu ý cùng nhau cười khúc khích.

… Bạch hòa thượng, trời Phật tha thứ cho. Bấy giờ ngoài ái tình ra, quả thiếp không còn biết có gì nữa. Thiếp ở trong "Thiên Nhai Động" thì giờ qua mà không biết, thấm thoắt đã được gần một tháng…

Một hôm thiếp ngủ ở "Thu Mộng Lâu", bỗng giật mình thiếp tỉnh dậy, sờ lại không thấy có chàng. Ngoài vườn thiếp nghe có tiếng một con chim hót, tiếng nghe đều đều và lạnh lùng mà thiếp đã có nghe qua một lần rồi. Thiếp nhớ sực ra: Ấy là tiếng chim bạch trước… đã gáy ở Tây Minh Viên…gáy cái đêm mà thiếp giết chồng cũ của thiếp: Đào công tử. Một quãng đời cũ diễn lại rất nhanh chóng trong trí nhớ thiếp, một quãng đời đầy những sự hãi hùng kinh khủng và đầy những niềm ái ân đầm thấm.

Thiếp nghĩ đến Đào lang, thiếp nghĩ đến thân phụ thiếp không biết giờ này sống hay chết. Bất giác, hai giọt lệ chạy quanh trên gò má… Thiếp lê chân, ra đứng tựa lan can, trông trời… Lần này, không như lần trước, con bạch trước thấy bóng thiếp, thì rũ cánh bay đi. Nó vẫn hót bằng một điệu đều đều và đầy vẻ thê lương… Nó như đưa cái quãng đời dĩ vãng của thiếp mà phải vào cung đàn mới và dạo lại cho thiếp nghe vậy… Một cung đàn vô cùng thảm đạm trong một cảnh trời âm u không có trăng chỉ lờ mờ vài cái ánh sao xa mờ…

Bỗng thiếp nghe có chân rón rén đi lại gần: chồng thiếp ăn mặc một cách oai nghi: đầu đội mũ Tuyết Đỉnh mình khoác Long bào, chân đi hia, tay cầm liễu phướn…

Thiếp hỏi:

– Chàng sắp đi đâu, mà ăn mặc tề chỉnh thế?

– Ta tới chào công chúa để đi xa…

Chàng ngập ngừng, không nói tiếp nữa, trong khóe mắt như rơm rớm lệ. Chàng vẫn đứng lặng nhìn thiếp.

 – Con chim bạch trước này sao nay thu đã tàn, mà nó vẫn còn hót chàng nhỉ?

Chàng cười, đáp:

  – Ai bảo công chúa đấy là chim bạch trước. Tên nó là Băng điểu. Chỉ ở Thiên Nhai Động, và nó hát cả bốn mùa.

 – Thế mà thân phụ thiếp bảo nó tên là bạch trước và chỉ hót vào mùa thu.

Chàng cười không đáp.

Thiếp lại nói:

– Nó làm cho thiếp trằn trọc không ngủ lại được nữa. Nó nhắc lại cho thiếp một cái đêm, cái đêm…thảm đạm nó về gáy ở Tây Minh Viên, cái đêm…

 – Thưa công chúa, hôm ấy chính nó ở Thiên Nhai Động bay về…

 – Sao lại có thể thế được? Chàng bảo nó ở Thiên Nhai Động bay về? Tự Thiên Nhai Động bay về, con chim ấy, con chim đã mang cái tên bất thường cho thiếp, con chim ấy ở cái động của chàng bay về?

Ngẫm nghĩ một lát, thiếp lại nói tiếp:

– Sao lại có ngày nay được chàng nhỉ? Sao trời kia lại đang tâm xui cha con thiếp sinh ly?... Thiếp cùng Đào lang từ biệt? Hay là tự tay chàng, tạo tác ra như thế, để muốn cho thiếp cùng chàng sum vầy? Quả vậy, thì cũng đành vậy, nhưng chàng ôi! Chàng là người tiên, thì còn duyên chi mà đeo đẳng với người trần. Lại trong trần giới hoang mang, thiếu chi người xinh đẹp hơn thiếp, mà chàng chẳng tha cho thiếp? Chàng sắp đi xa… chàng để thiếp lại một mình ở đây, đầu non cửa động mênh mông, canh khuya mờ soi bóng trăng cô quạnh, chàng không sợ thiếp lạnh lùng?

Chàng cúi đầu, nuốt lệ. Hồi lâu, chàng mới nói:

– Công chúa ơi! Nào ta có muốn thế, chẳng qua duyên số bắt ta phải vậy. Thuật lại mấy lời này, lòng ta đau như dao cắt… Nhưng công chúa ơi! Không còn là cái lúc nên giấu giếm công chúa nữa, sự thật thế nào, ta sẽ thuật lại y nhiên, ta sẽ làm cho công chúa thêm căm hờn ta, nghìn năm còn nguyền rủa ta, nhưng thế nào, thì rồi ta với công chúa cũng không còn được cùng nhau ở lại động này, cùng nhau chung chăn gối… Hôm nay giờ này, ta phải trở về Tiên giới. Ta phải cách biệt công chúa nghìn năm, nghìn năm không còn mong thấy nhau nữa.

Xin công chúa lắng nghe hết đầu đuôi câu chuyện, sẽ hiểu vì sao: Ở động này, lại có bóng tăm công chúa, rồi lại vì sao, lại có sự phân li đau đớn này: kẻ lên tiên, người về tục? Nào ta có muốn thế, duyên nợ xui như thế…

Tại núi Thiên San, xưa kia, xưa lắm, có một cái hang đá rất sâu và rất đẹp, gọi là hang Bạch Sấu. Đường vào hang rất hóc hiểm lại rất nhiều rắn rết, cho nên người ta vẫn coi đây như một cái hang bí mật, không biết ở trong ấy có những gì.

Một hôm, không biết từ xứ nào, viếng tới một người thiếu nữ, người trẻ đẹp và ăn mặc nâu sồng. Người ta đồn đại lên rằng là một vị bồ tát giáng sinh để độ thế… Từ đấy thiện nam tín nữ khắp thập phương kéo đến lũ lượt, ngày nào cũng đông đúc như một ngày vía lớn. Đường vào hang, người ta xẻ phát quang đãng. Hang không còn có vẻ bí mật như xưa… Trong hang người ta thấy những hàng thạch nhũ rủ xuống thành những tượng Phật long lanh dưới những bóng đèn bạch lạp (vì hang bao giờ cũng ở trong đêm tối). Người ta lại thấy những cái bàn thờ vuông vắn, để đặt những đồ lễ vật của thập phương tới cúng. Nhiều người đã được gần ni cô, đều rất phục cái tính nết phúc hậu, cái lòng từ thiện của ni cô. Cái tin ấy đồn ra khắp nước ai cũng náo nức muốn thấy ni cô. Đức vua của nước Tây Thục thuở bấy giờ, còn đương độ thanh xuân, cho nên tính lại thích chơi bời, mê say thanh sắc. Nghe nói hang Bạch Sấu, có ni cô xinh đẹp tuyệt trần, thì vua định viếng tới xem cho biết. Có viên lão thần chuyên việc bốc phệ, quỳ xuống can vua:

  – Tâu bệ hạ! Việc ấy là một việc nhỏ mọn không đáng để ý. Thần sợ bệ hạ lên đấy, thì chẳng bõ công. Vả thần xem trong số bệ hạ năm nay, du ngoại, ắt có điều bất lợi.

   Vua nhất định không nghe, hội cả trăm quan văn võ, lên ngựa thẳng tới núi Thiên San…

   Được tin, ni cô ra cửa hang, nghênh giá. Vua thoạt thấy ni cô thì nhìn mãi không thôi, tưởng như là người tiên nữ giáng thế để khoe cái sắc đẹp lộng lẫy của mình, chứ không phải là vị bồ tát giáng sinh để truyền đạo vậy. Vào trai phòng bảo các vị cận thần đi ra chỗ khác, vua mới phán hỏi ni cô:

  – Cảnh này là cảnh Phật, nhưng sao trẫm như có cảm giác lạc vào một chốn Đào Nguyên.

   – Muôn tâu bệ hạ! Chốn này là chốn bần đạo ngày ngày ăn chay niệm Phật, có gì bệ hạ quá ngợi khen?

   Vua cười phán rằng:

   – Nếu chẳng phải là chốn Đào Nguyên, thì sao trước mặt trẫm lại có vị tiên nga đứng đó.

   Ni cô thẹn đỏ mặt, trốn vào trong buồng trong, rồi không ra nữa. Suốt ngày vua cùng quần thần dạo khắp trong hang, xem những tượng đá, tắm suối trong, ngắt hoa đẹp. Mải say non nước, quên cả tối, vua mới bàn cùng quần thần ở lại trong hang.

   Đêm ấy lại nhằm đêm có trăng, vua ra ngồi ở bờ suối, uống rượu và làm thơ. Bỗng từ đâu đưa lại mấy tiếng đàn khi gieo nặng, khi cao bay, thâm trầm, thánh thót. Vua bèn sai hai người thị vệ đi theo bờ suối tìm xem người nào đã dạo khúc đàn ấy. Nhưng khi hai người thị vệ tới gần thì tiếng tơ ngừng bặt, chỉ thấy một dãy lau cao xào xạc như còn truyền nhau những cái dư âm. Hai quan thị vệ trở về vừa tâu vua: "Ở phương ấy, quả không có ai dạo đàn", thì vẫn ở phương ấy nổi đậy một cung đàn khác, cũng một giọng thánh thót thâm trầm. Vua lấy làm ngạc nhiên, bèn tự mình thân hành đi xem hư, thực thế nào. Vua nương theo bờ suối mà đi, khỏi dãy lau, đến một tảng đá cẩm thạch, thì vua thấy một người thiếu nữ trần truồng tay ôm cây tì, và hai chân chao xuống nước. Thoảng nhìn qua, nhà vua cũng đã nhận ra được rằng người ấy chính là ni cô.

   Ni cô vừa thấy vua thì vội vàng nhảy xuống nước. Nàng ngấc đầu lên tâu:

   – Đêm khuya rồi bệ hạ chưa nghỉ còn ra đây làm chi? Lúc bất kỳ, bần đạo phải chịu điều bất nhã với bệ hạ. Những khi giăng trong gió mát, bần đạo thường hay ra suối tắm, và dạo một khúc đàn cho xu xác đặng tinh khiết, rồi nhiên hậu mới dám lên tụng kinh niệm Phật. Không ngờ, bệ hạ tình cờ lại lần bước ra đến chốn này, bắt gặp thiếp trong lúc lõa lồ, muôn tâu thánh thượng, xin thánh thượng lượng dung cho bần đạo…

   Nhà vua chúm chím cười và phán rằng:

   – Ni cô chớ ngại điều đó! Nhưng ni cô đừng giấu giếm trẫm nữa. Một kẻ chỉ biết sớm kinh tối kệ, chắc không có ngón đàn tuyệt diệu đến thế? Nghe đàn của ni cô, tâm hồn trẫm như chập chờn ở chốn bồng lai tiên cảnh.

   – Bệ hạ không tin, để lát nữa bần đạo ăn mặc chỉnh tề sẽ phân trần cho bệ hạ rõ… Dám xin bệ hạ lánh qua chỗ khác cho bần đạo lên bờ.

   – Ni cô chớ lên bờ nữa. Để trẫm xuống nước cho ni cô tiện nói chuyện.

   – Muôn tâu bệ hạ đừng làm thế!

   Nhưng nhà vua đã cởi áo nhảy xuống nước lội theo ni cô…

   Suối trong, nước mát, tình tứ say sưa, thôi hai người tha hồ mà kéo dài câu chuyện. Bỗng có tiếng người thì thào ở đằng xa đi tới: ấy là quần thần đi tìm nhà vua. Ni cô bèn kéo nhà vua lên bên kia bờ và lánh mình vào trong một cái kẹt đá. Bọn đình thần thấy đống áo quần của nhà vua, thì ai nấy đều cho rằng nhà vua đã tự vẫn. Họ xuống suối mò, suốt đêm thâu mà không thấy, đành yên trí rằng tử thi nhà vua đã trôi dạt đi nơi khác. Họ kéo về kinh đô, làm lễ siêu hồn cho nhà vua, và tôn người khác lên ngôi…

   Vị tân quân cấm không ai được lên lễ bái ở hang Bạch Sấu nữa. Hang trở lại vắng vẻ quạnh quẽ như xưa. Đường lối, cỏ rác lạ mọc đầy, rắn rết lại bò ra…

   Cặp uyên ương trong kẹt đá, những lúc đêm thanh gió mát, lại dẫn nhau ra bờ suối, hoặc dạo đàn, hoặc ngâm thơ sống trong cuộc yêu đương mơ mộng, kéo dài từ tháng này qua tháng khác, ni cô quên mình đã để chốn Phật đài lạnh lùng hương khói, và nhà vua cũng không nhớ rằng mình có lúc, đã làm chủ tể cả một nước phú cường là nước Tây Thục.

   Nhưng mùa thu qua với những ngày trong trẻo với làn gió mát, với bóng trăng thanh.

   Mùa đông đến với những ngày tiêu điều lạnh lẽo. Mưa trút xuống như xối. Một ngày, hai ngày, ba ngày, hai người tình nhân ở trong kẹt đá đã có bụng lo sợ, cầu Phật, nhưng Phật không còn thiêng, mưa vẫn không ngớt. Ngày thứ tư nước ở đâu đổ về, ào ào như trời long đất lở… rồi nước lên, vẫn lên mãi và lấp cửa hang.

   Nước xuống mang theo hai cái tử thi. Thưa công chúa, người ni cô ấy là công chúa, mà đức vua ấy chính là ta đây.

   Thiếp nghe rú lên một tiếng và chân tay bủn rủn nhưng chàng vẫn nói tiếp…

  – Công chúa chính là ni cô mà ta đây là đức vua. Lẽ ra ta không còn gặp lại nhau ở một kiếp này nữa. Nhưng trận lụt đã giết ta sớm quá. Duyên nợ đôi ta phải dang dở. Vì thế có cuộc tình duyên mới này để trả xong nợ cũ. Nay đã xong hạn ba tháng, ta sẽ phải vĩnh biệt nhau. Lần này, thiệt là lần cuối cùng. Ta không còn mong gì gặp thấy nhau nữa, cả đến trong giấc mộng. Ta sẽ về tiên cảnh, và luôn luôn ở đấy. Còn công chúa, nghiệp nặng chưa rồi, công chúa còn phải bị đày đọa. Công chúa còn phải bị đày đọa nhiều nữa, còn phải yêu nữa, yêu cho cốt rụi xương tàn, yêu cho… đến lúc không còn yêu được nữa. Và bị đày đọa như thế là vì công chúa là người đàn bà, công chúa là một người đẹp, công chúa là một người nhiều tình lắm cảm, công chúa là một người sinh ra để mà… yêu. Trời sinh ra công chúa để mà yêu, trời lại lấy yêu… để mà hành phạt công chúa, hành phạt đó là cái công lý của đấng chí nhân, chí công… Đó là "thiên lý".   Thưa công chúa, ta xin báo trước cho công chúa biết: Lần này công chúa sẽ hóa thành một con quái vật, suốt ngày vừa cười vừa khóc. Trời còn phú cho công chúa hai cái năng lực: cứ độ giờ này, thì công chúa có thể biến hình ra một con quỷ sứ, hoặc một người tuyệt thế giai nhân, để dọa người, hay là để lừa người và công chúa sẽ trở lại thành người như một người khác khi công chúa đã cám dỗ được một vị hoà thượng khác. Yêu một vị hoà thượng đó là cái nghiệp mới của công chúa vậy. Ta phải nghìn thu cách biệt công chúa, lòng ta xót xa biết chừng nào!

  Chàng nắm tay thiếp lệ rưng rưng:

  – Công chúa ôi! Bây giờ đây, nước mắt ta tuôn ra không ngớt, tay ta không muốn dời tay công chúa, nhưng về đến chốn ngàn năm quê quán của ta, ta không còn nhớ đến công chúa được nữa, ta không còn nhớ lúc ta đã bắt tay công chúa mà than những lời này… Giờ đã đến rồi chúng ta chia tay…

  Rồi chàng biến. Còn thiếp thì mê man không biết gì nữa… Xa xa nghe có gà gáy mau, thiếp giật mình tỉnh dậy…

  Bạch hòa thượng, thân thiếp đã biến thành con đười ươi, mình đầy lông lá. Mà cảnh trước mắt là một cảnh rừng rú âm u.

Nào đâu là đài Vọng Nguyệt? Nào đâu là gác Thu Mộng? Nào đâu là núi Vân Hạc? Nào đâu là bến Lệ Liễu? Nào đâu là những con linh phượng mời rượu, nào đâu là con lao điểu kéo quạt? Nào đâu đâu hết mà thiếp chỉ thấy quanh mình những con nai ngớ ngẩn chạy tìm mồi…

Hoà thượng ngắt lời:

− Thôi nàng đừng kể nữa… Ta đau lòng. Xin phép nàng, ta niệm Phật.

Rồi hoà thượng sụp quỳ trước Phật đài chắp tay, nguyện.

Con vật khốn nạn kia nhìn lên toà sen thấy ông Phật mỉm cười thì nó cũng cười… Nó cười, nhưng tự hai tròng con mắt của nó hai hàng lệ tuôn ra không ngớt như tự một cái nguồn vô tận.

Avril 1935

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Con đười ươi, tiểu thuyết // Phổ thông bán nguyệt san, , s. 14 bis (18/1/1938), tr. 3 – 43


 

[a] Trong nguyên bản là thuyền định, ở đây sửa lại theo dạng chuẩn là thiền định (N.S.T.)