CÔNG CHÚA LÃ MAI

 

----------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tiểu dẫn: Truyện dài này phóng tác theo một truyện cổ nào đó, khi đăng lần đầu trên Hà nội báo (từ s. 38, ngày 23. 9. 1936 đến s. 48, ngày 2. 12. 1936) với nhan đề Công chúa Lã Mai. Sau đó được in trong tập truyện có nhan đề Huyền Không động (gồm: Trà Hoa nữ; Người nữ tỳ của bà chúa Liễu; phụ thêm Lã Mai công chúa). Văn bản ở 2 lần in ít có sai biệt. Bản in ở đây đối chiếu cả 2 bản trên.

N.B.S.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

Hoàng tử Vân Kệ, một buổi chiều hè, gò cương ngựa ở núi Tuyết Mã.

Ngàn cây trong sương trông như một dải xiêm lam của người tiên nữ. Hoàng tử ngồi trên mình ngựa, lấy ngọn giáo chặt những cành lá rủ xuống bên đường để gọi dậy một tiếng dội ở trong cái cảnh u tịch. Vì cả cái đại khối như nín hơi dưới chân ngựa của hoàng tử. Chim không thấy vỗ cánh. Lá không thấy động. Những cành khô không muốn rơi. Một cảnh im lặng ghê sợ. Hoàng tử có cái cảm giác quất ngựa trong một giấc mơ, không biết mình đã lạc vào một non nước nào… Bỗng nghe có tiếng hát, Hoàng tử trông xuống chân núi, thấy dưới một gốc tùng xanh, một ông cụ già đương ngồi đan giỏ. Nghe tiếng chân ngựa, ông cụ già ngẩng đầu dậy, vừa cười vừa hỏi:

− Người là ai?

Hoàng tử vừa nhảy xuống ngựa chưa kịp đáp thì cụ già đã hỏi tiếp:

− Người có muốn nghe chuyện của ta không? Chuyện của ta là chuyện một ông Hoàng…

− Bẩm cụ, tôi muốn nghe lắm chứ, nhưng từ sáng đến giờ tôi chưa có một miếng gì để lót dạ. Cụ cho tôi ăn đã.

Ông cụ già giao cho hoàng tử một vắt cơm nắm và bảo:

− Ăn đi! Và vừa ăn vừa nghe chuyện ta… Đã ba hôm nay, ta đan xong mười cái giỏ nhưng không hề gặp một người qua!

− Trước hết cụ hãy cho tôi biết xứ này là xứ nào?

− Người cứ nghe chuyện ta rồi thì người ước gì ta sẽ giúp người. Người cứ nhích lại đây, bồng tai lên mà nghe.

Rồi uống xong một ngụm nước, ông già bắt đầu kể:

− Ta là Thái tử thân yêu của Hoàng đế Nga Thuỷ. Khi ta 20 tuổi, vua cha muốn lấy vợ cho ta. Người cho dẫn tới trước mặt ta không biết bao là người đẹp, nhưng ta chỉ nhìn qua một cách hững hờ mà thôi, không một người nào làm cho ta phải bâng khuâng. Thấy sự vô tình của ta thì cha ta tin rằng vì nhiều đoá hoa đẹp quá nên ta không biết chọn đoá nào chăng? Ta phải thú thật với cha ta rằng: ta không thích lấy vợ chút nào, chỉ muốn đi du lịch mà thôi. Một hôm ta xin phép cha ta về xem những đồng áng, những đồi núi xinh đẹp của dân quê. Thuyền ta vừa ghé bến Yên Tử, ta sắp bước lên một cái quán trọ, thì một ngọn gió ở dưới sông đưa lên, làm lật cái rèm thưa: ta chợt thấy ở cửa sổ, một người thiếu nữ đương gỡ tóc. Một cái sắc đẹp rỡ ràng, nhanh như chớp hiện ra trước mắt ta, rồi lại đậy kín lại ngay, ta đợi mãi mà không còn có một ngọn gió nào lật bức rèm thưa ấy ra nữa. Ta bèn quay thuyền trở về, ấp vào trong lòng cái hình ảnh của người thôn nữ.

Mấy tháng sau, ta xin vua cha cưới vợ. Vợ ta chính là người ta gặp ở bến thuyền. Cưới vợ xong, ta thay cha ta lên giữ mệnh trời. Vợ ta lấy hiệu là Yên Tử Phương Hoàng hậu. Ta yêu Yên Tử Phương vô cùng mà nàng cũng yêu ta lắm, một mối tình đậm đà tha thiết, và trong sạch… như hoa cỏ. Nếu cuộc đời cứ như thế mãi thì ta hẳn là người sung sướng nhất trong thiên hạ.

Nhưng một hôm, tiến đến trong triều là một vị pháp sư. Chẳng mấy lâu mà người ấy đã vào làm thân với các đại phu, và được các đại phu biệt đãi như một vị thượng khách. Trong những yến tiệc, trong những cuộc săn bắn, vị pháp sư ấy đều tỏ ra là người hào hoa, thiệp liệp, đáng yêu. Có kẻ nói người ấy với ta. Ta nghe thích lắm, những muốn gặp nhau ngay.

Quả vậy, khi gặp vị pháp sư ấy thì ta thấy rằng những lời đồn về vị pháp sư không ngoa chút nào hết. Trong thế gian này, ta không thấy ai ăn nói có duyên, và bặt thiệp bằng hắn. Cuộc nói chuyện với hắn làm cho ta thoả mãn lắm, và kéo ta ra khỏi một sự thành kiến và bất công: trước kia ta tưởng chỉ ở những quyền quý vương giả mới có những người bặt thiệp, biết đâu rằng ở chốn thảo dã cũng chẳng hiếm những người như thế.

Ta ngỏ ý muốn bổ dụng hắn và đặt hắn vào hàng những đại thần trong triều, hắn nhất quyết từ chối lấy lẽ rằng: Trời đã sinh hắn ra như vậy, hắn phải tri mệnh và yên phận, vả bình sinh hắn vẫn không thiết những công danh, lợi lộc của người đời. Thấy hắn cao thượng như thế, ta lại càng thêm kính trọng hắn. Dần dần ta coi hắn như một kẻ bạn thân trong những buổi triều yết, trong những cuộc vui chơi, không mấy khi là không có mặt hắn. Một hôm ta vào rừng săn, những kẻ theo hầu ta đi lạc xa, thành thử bên ta chỉ có một mình hắn. Hắn khơi chuyện với ta. Hắn nói về những cuộc du lịch của hắn ở Ấn Độ và kể cho ta rành mạch những điều hắn đã nghe thấy ở trong những cuộc du lịch ấy. Hắn bảo rằng hắn có quen thân một vị hoà thượng mà không có phép thần thông gì là không  biết. Vị hoà thượng ấy chết trong tay hắn, và trước khi chết có truyền lại cho hắn như thế này: "Con ơi! Trước khi về chầu Phật, thầy muốn dạy cho con một phép mầu nhiệm để rồi sau này mãi mãi con nhớ đến thầy, nhưng con phải hứa với thầy rằng, con không được truyền bá phép ấy ra cho một người khác". Rồi hắn đưa tay thề, vị hoà thượng liền dạy cho hắn. Lúc bấy giờ ta mới hỏi hắn:

− Thế phép ấy là phép gì? Có phải là phép làm ra vàng ra bạc không?

− Tâu bệ hạ! Không phải! Phép ấy quý hơn thế nhiều, phép ấy là phép làm sống lại một cái xác chết. Nhưng không phải là đưa lại cho cái xác ấy cái nguyên hồn của nó đã mất đâu; trời Phật mới có phép lạ ấy; thần chỉ có thể nhập cái hồn của thần chẳng hạn vào cái xác chết ấy, để rồi có dịp thần sẽ thí nghiệm cho bệ hạ xem.

Trong lúc ấy, tình cờ một con nai chạy qua trước mặt, ta giương nỏ, bắn ngay một phát làm cho con nai ngã lăn xuống. Ta nói với hắn:

− Đấy một cái xác chết đấy. Để ta xem đạo sĩ làm ra sao!

Hắn bình tĩnh đáp:

− Bệ hạ sẽ vừa lòng. Này bệ hạ xem đây này.

Hắn vừa nói xong thì đã thấy cái xác hắn rơi xuống như một khúc gỗ, đồng thời con nai trước mặt ta đứng nhỏm dậy một cách nhẹ nhõm. Ta ngạc nhiên và ghê rởn cả tóc gáy. Việc trước mặt rõ ràng như thế ta không còn nghi ngờ vào đâu được nữa, nhưng ta vẫn muốn không tin sự tinh sáng đôi mắt ta. Con nai nhẩy "cà nhởn" mấy vòng ở bên ta, rồi vật mình xuống đất. Cái xác của vị pháp sư lại cử động được như trước, và đứng dậy đi lại bên ta nhìn ta mà cười. Ta lấy làm phục cái phép mầu nhiệm ấy lắm, ta xin hắn truyền cho ta.

Hắn nói với ta:

− Tâu bệ hạ, thần không sao chiều bệ hạ được, vì vị hoà thượng đã có bảo thần không truyền lại cho ai cả, thầ phải giữ lời hứa ấy.

Ta bất đắc dĩ cũng phải thề với hắn:

− Có cao xanh chứng giám, ta cũng hứa với người rằng: khi người đã truyền cho ta, thì ta không truyền cho ai nữa, và không bao giờ mượn phép mầu nhiệm ấy làm điều xằng bậy…

Hắn nghĩ một lúc rồi đáp:

− Thần cũng xin chiều bệ hạ cho trọn đạo làm tôi!

Ngửng lên trời một lát, rồi cúi xuống nói tiếp:

− Tâu bệ hạ! Cả phép mầu nhiệm chỉ có thế này, bệ hạ chỉ cần nhớ hai chữ thôi, rồi khi muốn nhập hồn thì đọc nhẩm ở trong miệng.

Rồi hắn dạy cho ta hai chữ thần chú ấy. Ta háo hức thí nghiệm ngay, sẵn có cái xác con nai đương nằm ở dưới gốc thông, ta đọc "thần chú" và nhập ta vào xác nó.

Trong giây lát, ta biến thành con nai… Ta thấy hay hay… Nhưng chưa kịp vui, thì ta đã thấy như có một mũi tên xuyên qua lòng ta. Ta đau đớn và căm hờn vô cùng khi thấy hồn phách ta vừa nhập vào xác con nai thì vị pháp sư đã vội cho hồn phách của hắn nhập vào cái xác ta ngay. Rồi hắn trương nỏ ra, chỉ vào ta bắn mấy phát, nhưng ta tránh lại sau một gốc cây, và tìm đường chạy thoát…

 

Thế là đành cam phận sống lẫn với những thú vật khác ở trong rừng xanh, giá ta được giống chúng hẳn và khi mất xác người ta cũng mất nốt cả cái trí người nữa, thì ta sẽ sung sướng biết bao, và đâu đến nỗi như thế này: đã mang cái xác của con vật mà phải có những sự phiền não của con người.

Trong lúc ta than thân trách phận ở chốn rừng sâu tối tăm thì thằng pháp sư khốn nạn ấy chiếm giữ cái ngai vàng của nước Nga Thuỷ, cha ta có ngờ đâu như thế! Và đau đớn hơn nữa, hắn đã chiếm được Yên Tử Phương, người vợ yêu quý của ta có ngờ đâu như thế! Đã được ở ngai vàng, hắn lo rằng ở trong thế gian này còn có ta thì một ngày kia với phép mầu nhiệm ấy, ta sẽ tìm cách vào cung và trả thù hắn chăng. Ngay hôm ấy hắn bèn xuống chiếu khắp dân gian cho lệnh các thiện xạ vào rừng săn cho hết những con nai là những con vật mà hắn không thể nào dung được. Và muốn cho công việc chóng hiệu quả hắn hứa sẽ mua mỗi cái đầu nai là hai lạng bạc…

Lệnh ấy truyền ra, nhân dân cả nước Nga Thuỷ đều vào khắp rừng núi để lùng bắt những con vật vô tội ấy. Một hôm tình cờ, đương đi lẩn thẩn ta thấy ở dưới một gốc vàng tâm, một con chim vành khuyên vừa thở xong hơi thở cuối cùng. Ta bèn đọc ngay câu thần chú và hoá làm con chim ấy, rồi ta vỗ cánh bay thẳng về thăm cái vườn Minh Uyển, cái vườn xưa kia của ta, ngày nay là của người thù của ta.

Ta đậu ngay ở trên một cành cây ngô đồng.

Độ ấy về đầu xuân, phượng bắt đầu nở hoa.

Nhìn những hoa đỏ như những giọt máu, thì lòng ta thấy ảo não vô cùng. Ta muốn đập đầu vào cành cây mà chết. Cái cây ta đậu cũng chẳng xa lầu Yên Tử Phương là mấy. Nghĩ xa nghĩ gần, nghĩ đến thân phận mình, nghĩ đến sự phản trắc của người đời, ta cất giọng hót cho hả lòng, hót những câu phiền não…

Ta bay về Minh Uyển, trong khoảng sương mai còn đọng trên cành, mặt giời vừa bắt đầu mọc. Được thấy lại ánh sáng những con chim quen ở trong vườn hót vui vẻ.

Còn với ta thì ánh sáng không đuổi được cho ta những điều phiền muộn. Buồn rầu, ta ngoảnh trông về phía lầu của nàng, ta hót những tiếng ảo não; giọng ta buồn thảm lạnh lùng đến nỗi đã làm cho hoàng hậu phải ra đứng ngóng nhìn ở song cửa. Nhìn thấy nàng, giọng hót của ta lại càng thêm réo rắt, những muốn trong giọng hót, trao gửi những nỗi đau đớn của mình và mong nàng hiểu đến tâm sự… Nhưng than ôi! Nàng nghe ta không cảm động chút nào, nàng gọi những người tỳ nữ lại song cửa và vừa cười vừa nói: Úi chà! Các người nghe con chim nó hót hay quá! Từ khi ta vào cung tới nay, ta chưa bao giờ được nghe tiếng hót như thế!... Rồi cả bọn cùng cười theo nàng, một tiếng cười sung sướng. Từ đó ta cũng không muốn bay khỏi vườn. Mỗi buổi sáng ta đến hót bên lầu nàng, cùng ở một chỗ ấy mà Yên Tử Phương, không có sáng nào là không ra mở rèm châu lên, tựa song cửa mà nghe ta hót… Rồi một hôm điều này chắc có thần linh sai khiến, một hôm nàng nhất định bắt sống ta… Nàng nói với những tỳ nữ: "Hôm nay ta muốn nắm con chim ấy vào trong tay, ta yêu nó quá, ta say mê nó rồi… Các người gọi những kẻ thiện xạ vào đây cho ta! Nhanh lên! Để họ bắt con chim ấy cho ta ngay". Một lát sau, những thiện xạ đến. Họ giăng lưới ra, bao phủ lấy ta… Ta không muốn chống cự gì hết. Ta vui lòng cho họ bắt… Được ta rồi, nàng tỏ vẻ vui sướng vô cùng…

Nàng vuốt ve ta, và âu yếm nói với ta: "Ồ con chim con xinh đẹp của ta! Ta yêu mi như một người tình nhân của ta!" Nói xong nàng ngẩng lên nhìn quanh quất, như sợ chồng mình núp ở đâu đấy, nghe được câu nói đùa của mình. Rồi nàng hôn ta, còn ta thì dịu dàng đưa mỏ ngà vào đôi môi tươi thắm như hoa của nàng. Nàng lại vuốt lông ta nữa và nói thêm: "À con chim con láu đáo để! Hình như nó hiểu cả những điều ta nói!"

Nói xong nàng cười giòn giã. Đoạn nàng cẩn thận bỏ ta vào một cái lồng sơn son thiếp vàng mà nàng đã biểu một người thái giám mua sẵn ở ngoài chợ.

Ngày ngày lúc nàng dậy thì ta hót cho nàng nghe! Mỗi khi nàng lại bên lồng để nhìn ta hay để cho ta một thức gì, thì ta xù cánh và đưa mỏ ra để tỏ lòng cảm tạ. Nàng thấy ta không tập tành gì mà đã chóng khôn như thế thì nàng lấy làm ngạc nhiên vô cùng. Nàng lại quý trọng ta thêm. Có khi nàng quá tin ở ta, nàng bắt ta ra khỏi lồng và thả lỏng cho ta bay nhảy ở quanh giường nàng nằm. Có khi nàng ẵm ta vào lòng và ru ta như ru một đứa con yêu. Những lúc ấy giá ta cười được một tiếng, thì sẽ làm cho nàng ghê rởn biết bao! Nàng nâng niu ta quá, đến nỗi một hôm nàng thốt ra với những người tỳ nữ rằng: "Nếu bất hạnh mà một ngày kia con vành khuyên của ta chết đi, thì có lẽ ta khó mà nguôi lòng được, chồng ta cũng không yên ủi được ta…"

Nhưng sự âu yếm của nàng cũng không đủ làm ta quên hết những điều phản trắc của tên pháp sư. Mỗi khi hắn bước vào buồng Yên Tử Phương thì ta khó chịu làm sao! Lông lá ta xù ra, lòng ta đầy những giận dữ và ghen tuông. Ta bâng khuâng rối rít, bay nhảy như người điên. Rồi ta chỉ biết ngẩng mỏ lên giời để cầu đấng cao xanh trả thù hộ cho.

Yên Tử Phương Hoàng hậu có nuôi ở trong cung của mình một con chó bông mà hoàng hậu thương yêu lắm. Một hôm, hoàng hậu đi vắng, con chó cái ấy đẻ ra một đàn chó con, và vừa đẻ xong thì bỏ mạng. Cái chết của nó làm ta muốn thí nghiệm một lần thứ ba nữa cái phép màu nhiệm của ta. Ta cho là một cái ý nghĩ hay hay, không kịp nghĩ đến sự rồi đây sự thay hình đổi dạng sẽ đưa ta đến đâu. Âu đó cũng là giời đất run rủi vậy.

Đến lúc Yên Tử Phương trở về cung, nàng đi lại lồng để thăm ta. Khi nàng thấy rằng con vành khuyên đã chết thì chân tay nàng bủn rủn, tâm hồn nàng lảo đảo, và rú lên một tiếng. Những người tỳ nữ chạy đến, và sợ hãi hỏi nàng: "Tâu bà, bà làm sao thế? Có điều gì bất hạnh xẩy đến cho bà chăng?”

Hoàng hậu vừa ôm mặt khóc nức nở vừa nói: “Con vành khuyên của ta đã chết rồi! Con vành khuyên yêu quý của ta ơi! Sao mày đã vội bỏ tao mà đi sớm thế? Biết bao giờ ta còn lại được nghe tiếng hỏi êm dịu của mày, biết bao giờ ta còn thấy lại được mày? Than ôi! Biết bao giờ nữa!”

Nàng đau đớn vô cùng, những lời khuyên lơn của những thị nữ chỉ tổ làm cho nàng càng đau khổ thêm. Nàng quên ăn quên ngủ, có khi chỉ ra đứng tựa ở bên song mà nghĩ vơ vẩn trong giờ lâu. Nàng tưởng tượng như còn có con vành khuyên đậu ở trên cành ngô đồng gần đấy, và nàng đưa tay vẫy, nhưng khi có một tiếng động làm cho nàng tỉnh mộng, thì nàng lại bưng mặt khóc nức nở, khóc như một đứa trẻ con. Một hôm người tỳ nữ mang tin ấy cho vị pháp sư (đức vua giả) vị pháp sư vội vàng đến ngay.

Chàng khuyên giải hoàng hậu: “Hoàng hậu nên khuây khoả đi! Cái chết của một con vành khuyên mà làm cho Hoàng hậu buồn não đến thế ư? Nếu quả Hoàng hậu yêu những con vành khuyên thật thì khó gì mà chẳng làm cho Hoàng hậu vui lòng. Hoàng hậu hãy tin ở nơi ta”.

Những lời khuyên giải của chàng dịu ngọt êm thấm đến đâu cũng không thể làm cho Yên Tử Phương quên được sầu não.

Yên Tử Phương nói với vị pháp sư: “Không hiểu làm sao thiếp mến con chim ấy quá! Con chim con ấy hình như nó hiểu được những sự nâng niu vuốt ve của thiếp, mỗi khi thiếp đến với nó, nó chạy lại đón thiếp và nhảy lên tay thiếp… Hình như nó có cảm tình với thiếp. Nó nhìn thiếp một cách tình tứ và ái ngại. Hình như nó bực tức vì không nói được, không kiếm được lời để thốt nỗi lòng với thiếp. Thiếp chỉ nhìn đôi mắt của nó là thiếp hiểu cả. Chàng ơi! Nghĩ điều đó, thiếp đau lòng quá! Ôi con chim con! Bao giờ ta lại thấy lại được mày nữa!”.

Rồi nàng lại khóc nữa. Bấy giờ ta ngồi ở trong xó buồng, im lặng cho những con chó con bú; tha hồ ta nghe ngóng, nhìn xét, không ai để ý đến ta cả. Lạ quá! Bấy giờ ta có cái cảm giác rằng vị pháp sư ấy sẽ thực hiện cái phép màu nhiệm của mình để khuây khoả Hoàng hậu, quả không sai! Vị pháp sư vốn thương mến chiều chuộng Yên Tử Phương lắm, cho nên khi thấy nàng đau xót, khổ não như thế, thì hắn không thể cầm lòng được. Hắn không muốn nói một lời thừa nữa – nói nữa cũng chẳng ích gì. − Hắn bèn truyền cho những thị nữ đi ra chỗ khác, và trong phòng chỉ còn một mình hắn và Yên Tử Phương. Hắn nói với Yên Tử Phương:

− Hoàng hậu, vì cái chết của con vành khuyên mà phiền não! Vậy con vành khuyên ấy phải sống lại để làm cho Hoàng hậu vui lòng. Ngày mai nó sẽ sống lại. Ngày mai, lúc Hoàng hậu tỉnh dậy sẽ nghe nó hót ở cây ngô đồng và nó sẽ vào nhảy ở quanh giường Hoàng hậu.

Yên Tử Phương buồn rầu đáp:

− Chẳng qua bệ hạ thấy thiếp buồn, thì muốn tìm cách giải khuây thiếp đó thôi, chứ biết có cách gì được. Hay là bệ hạ định hôm nay sai thái giám ra chợ mua một con chim vành khuyên khác. Ngày mai nó đến hót ở bên song thiếp, ngày kia nó lại đến hót nữa, và mai mỉa như thế để làm quen với thiếp và làm cho thiếp quên hẳn con chim vành khuyên của thiếp. Không, bệ hạ đừng nên đánh lừa thiếp như thế. Lòng thiếp không thể nguôi được nữa!

− Hoàng hậu ạ! Không phải thế đâu. Chính con vành khuyên ấy, con vành khuyên nằm đấy, lạnh ngắt, cứng đờ ở trong cái lồng son, con vành khuyên đã chiếm được lòng yêu mến của Hoàng hậu, và đã làm cho Hoàng hậu vô cùng đau xót, chính con chim ấy sẽ lại hót cho Hoàng hậu nghe và tha hồ cho Hoàng hậu nâng niu chiều chuộng. Hoàng hậu ơi! Ta có phép màu nhiệm ấy, ta có thể làm sống lại được con chim vành khuyên ấy. Nếu Hoàng hậu còn không tin ta hay nóng lòng muốn được thấy con chim ấy hồi sinh lại ngay thì chốc ta sẽ làm ngay.

Yên Tử Phương vẫn không nói gì. Vị pháp sư sợ rằng nàng vẫn chưa tin hẳn rằng hắn có thể thực hiện được những lời hắn nói. Hắn bèn đi lại ở một cái ghế cao, và đọc hai chữ thần chú. Tức thì cái hồn của hắn rời bỏ cái xác hắn (thật ra là cái xác của ta) mà nhập vào cái xác của con vành khuyên. Con chim con lại bắt đầu hót như cũ. Yên Tử Phương nhìn nó say sưa và ngơ ngác. Nhưng nửa chừng nó bỗng ngừng hót là vì ta cũng vừa đọc hai chữ thần chú mà trước kia hắn dạy cho ta, và ta rời bỏ cái xác con chó cái để nhập vào cái xác của ta vậy. Đoạn ta đứng dậy, chạy lại gần cái lồng son, đưa tay vặn lấy cổ con chim con. Yên Tử Phương bảo ta:

− Bệ hạ sao nhẫn tâm thế? Sao bệ hạ nỡ dày vò nó thế? Nếu quả bệ hạ không muốn giết nó, thì sao lại làm cho nó sống lại làm gì nữa?

Ta không để ý gì lời nàng nói và ta cứ thét lên:

− À quân khốn nạn! Mày đã phản ta, mà đã bôi nhọ danh vọng ta, đã cướp tình ái ta, mày nên đủ can đảm mà chịu sự trừng phạt của ta. Giời đã giúp ta trừng phạt mày đến nơi đến chốn!

Nàng thấy con chim con sống lại nàng đã ngạc nhiên, nhưng còn ngạc nhiên hơn khi nàng nghe ta nói mấy câu như thế. Nàng không hiểu gì hết. Nàng nhìn ta cảm động và sợ hãi.

Bằng một cái giọng run run nàng nói với ta:

− Tâu bệ hạ! Bệ hạ làm sao thế? Thiếp không hiểu những lời bệ hạ vừa nói đó là có nghĩa gì?

Ta bèn kể lại cho nàng nghe hết đầu đuôi câu chuyện, không có một việc gì là ta bỏ sót. Ta nhận thấy rằng khi thì nàng tái hẳn cả mặt đi vì đau đớn, khi thì nàng đỏ bừng mặt lên vì hổ thẹn. Dầu là vô tình chăng nữa, nàng cũng đã phạm tội với ta. Hết đứng lại ngồi, nàng bâng khuâng rối rít như người vô hồn. Có khi nàng nhìn ta trong giây lâu mà không nói một tiếng. Có khi nàng cúi đôi mắt xuống nhìn đăm đăm một cái lá vàng ở ngoài vườn bay vào.

 

Còn về phần ta khi đã kể hết đầu đuôi cái câu chuyện lạ lùng ấy cho nàng nghe rồi thì ta hối hận vô cùng. Giá ta cứ nói là có kẻ kia truyền cho ta phép mầu nhiệm ấy và ta đã dùng sai cách đi mà có nông nỗi ấy, và đừng đả động gì đến sự phản trắc của tên pháp sư thì có lẽ ta không làm cho nàng phải đau lòng. Giời ôi! Giá nàng không hay câu chuyện ấy thì có lẽ nàng còn sống nữa, sống đến bây giờ! Nhưng than ôi! Người thiếu nữ ở bến Yên Tử đã chết một cách thảm khốc vì buồn não, vì hối hận.

Nàng hối hận vì đã giúp vào cái hạnh phúc của một kẻ thù, của một kẻ đã phản chồng, đã cướp mất danh vọng, chức quyền và ái tình của chồng mình. Ta không cách gì khuây khoả nàng được. Ta nói hết lời với nàng, ta hứa với nàng sẽ yêu nàng mãi mãi và thiết tha như bao giờ, nhưng nàng vẫn không sao quên được cái việc khốn nạn ấy. Rồi nàng thụ bệnh… không thuốc thang gì cứu được nàng hết. Một hôm nàng chết trong tay ta… Ta còn nhớ rõ là một buổi chiều về cuối hè, phượng bắt đầu tàn, những bông đỏ rơi rụng xuống đầy cả áo xanh. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, nàng cầm tay ta và dặn: "Chàng ơi! Thiếp đi đây! Thiếp đi trước rồi chàng theo thiếp sau. Thiếp sẽ đợi chàng ở trong một cái vườn (nàng đưa tay chỉ ra ngoài), một cái vườn như thế này, cũng có những cây phượng, những cây ngô đồng, những tảng đá mang tự động xa về cho đôi ta ngồi nói chuyện, có những hồ bán nguyệt cho ta cùng soi đôi gương mặt, có những cầu thệ thuỷ cho ta hứng gió chiều, sẽ có cả như thế, nhưng thiếp chỉ ước sao đừng có con chim vành khuyên, thì rồi sợ thiếp mất chàng đi mất! Ái tình như một cái bọt nó tan lúc nào không hay!”

Nói xong, thì nàng nhắm mắt. Ta thấy ở trên má nàng còn lóng lánh hai ngấn lệ.

Sau khi đã lo việc ma chay cho nàng rồi, ta mời người anh thúc bá của ta đến là ông Hoàng Hai và nói cho anh ta biết rằng ta muốn nhường ngôi báu lại cho người, và ta chẳng còn thiết gì nữa, chỉ muốn sống những ngày còn lại ở một nơi núi non cùng tịch.

Ông Hoàng Hai bình sinh vẫn mến ta lắm cho nên không chịu nhận lời, ta nhất định không nghe. Ta nói với người rằng:

− Anh nên vui lòng nhận như thế cho. Trời đã định như thế rồi. Ở ngôi vàng, anh sẽ sung sướng hơn ta nhiều và anh sẽ còn làm được nhiều việc cho dân nước. Còn ta tự xét không còn làm gì được nữa và trí ta chỉ bận nghĩ đến một người. Ta chỉ muốn tìm đến một nơi vắng vẻ để ta nhớ ta thương, ta khóc người ấy. Ta chỉ muốn sống như một người lê dân, vì mất Yên Tử Phương ta tự xét không còn có quyền ở ngôi báu để hưởng cảnh quyền quý giàu sang. Anh nên nghe ta.

Ông Hoàng Hai nhận lời. Thế là một buổi sáng ta quẩy bầu đi… Ta đi qua núi Bình Minh Sơn và Vạn Nga Sơn. Ta ở với dân núi Thuý Kỵ hai năm, nhưng dân ở đó biết ta là một vị hoàng tử, thì họ lại hỏi han, và tôn trọng, quý mến ta quá. Họ lại bao phủ ta những gấm vóc, họ dâng ta vàng bạc và nhiều bảo vật khác. Ta lại phải trốn qua đây, là dưới chân núi Tuyết Mã. Ngày ngày ta ngồi dưới một gốc cây tùng để đan giỏ. Mười ngày ta xuống chợ Suối Hoa một lần để bán những giỏ của ta. Và ta sống như thế đã 30 năm rồi…

 

***

 

Sau khi ở với ông cụ già kỳ dị ấy gần năm tháng, một hôm, hoàng tử Vân Kệ nói với lão:

− Cụ ạ! Con không còn có thể ở lại đây với cụ thêm một ngày nào nữa. Cụ tha lỗi cho vì con còn trẻ: con mới 23 tuổi. Máu giang hồ còn bồng bột ở dưới da thịt con. Con còn phải văng mình ra chốn vô định, con phải văng mình khắp nước Trung Hoa, cái thế giới đầy những cảnh đẹp, điều hay, người giỏi. Cũng như cụ ngày trước, du lịch là cái chí nguyện của con. Lấy vợ là một điều ràng buộc vô lý. Giữa một kiếp giang hồ vô định, bên đống tuyết, dưới đồi hoa… và một cảnh đời êm ấm, bên vợ đẹp, giữa vàng bạc, con đã so sánh và quyết định rồi.

Ông cụ già thản nhiên đáp:

− Người cứ làm theo chí nguyện của người. Ta vào đây theo chí nguyện của ta. Và ta đã sung sướng. Người nên làm vẻ vang cho cái lịch sử của những vua chúa thất bại.

Đoạn hoàng tử Vân Kệ chào lão già rồi lên ngựa đi. Chàng vượt qua núi Thiên Sơn trắng những tuyết. Chàng qua núi Linh Sơn vàng những hươu nai. Chàng đã tắm ở dòng nước Vân Tuyền. Chàng đã ngóng ở Vọng Nguyệt Sơn. Chàng đã gặp một sơn nữ hát ghẹo chàng bằng một giọng lẳng lơ. Chàng đã nói chuyện thời thế với một lão tiều phu. Chàng đã đánh cờ với một người đàn bà ở trên đồi Ly Hận. Chàng đã hoạ thơ với một vị tiên "giáng cơ" ở một bút đàn…

Rồi một buổi chiều hôm, chàng đến Bắc Kinh.

Chàng gò cương ngựa và bước vào một cái quán bên đường, một cái quán tranh đã xiêu vẹo.

Chàng vừa đặt mũ xuống bàn, thì có một bà cụ già chạy ra đon đả hỏi khách:

− Ồ quý hoá quá! Có phải khách chiếu cố đến lão không? Khách sẽ ăn đây, khách sẽ ngủ đây chứ? Đã lâu lão không có được một người khách nào như thế này. Khách uống rượu chứ? Nhà lão có một thứ "thanh liễu tửu" ngon lắm!

Hoàng tử Vân Kệ đáp:

− Thế thì tốt lắm. Bà lão cứ đưa rượu thịt ra đây, mau lên. Ta vừa chén vừa nói chuyện.

Bà lão nhìn người khách lạ từ đầu đến chân: cứ trông cái nét mặt cùng cử chỉ của khách thì bà cũng đoán được rằng không phải là hạng khách tầm thường; bà gật đầu một cách cung kính và hỏi lại:

− Nhà lão có một thứ sò huyết rất tươi. Nếu như khách có dùng thì để lão nướng đưa lên cho khách nhắm rượu.

− Thế thì còn cái gì hay hơn nữa, "thanh liễu tửu" với sò huyết là như trai anh hùng gặp gái thuyền quyên thôi, còn phải nói nữa… Lão hối làm nhanh lên.

Một lát đã thấy bà lão già mang lên một cái hoả lò, ở trên đặt một xâu sò, cứ hễ thấy con nào há miệng trước thì bà lão nặn vào một tí chanh, một tí tiêu muối, và đưa lên đĩa cho người khách quý. Lần lượt con này đến con khác, bà lão gắp lên cho khách nhắm rượu. Khi đã hơi ngà ngà say, thì khách bắt đầu hỏi chuyện, chuyện này qua chuyện khác, nói nói cười cười rất vui vẻ.

Hoàng tử Vân Kệ hỏi đến chuyện nhà vua:

− Cụ già hãy nói cho ta biết tình hình đức vua ra thế nào. Ngài có nhân từ không, và giá như ta đây muốn giúp ngài để trừ quân loạn tặc, ngài có vui lòng nhận không?

Bà lão đáp:

− Ngài là một ông vua rất nhân đạo. Ngài thương yêu kẻ làm tôi, và kẻ làm tôi cũng rất thương yêu ngài. Lão lấy làm ngạc nhiên sao khách lại không thường nghe nói đến ngài: cái đức vọng của ngài đã lan truyền khắp thiên hạ.

Thái tử Vân Kệ hỏi lại:

− Nhưng thật ra ngài chẳng sung sướng chút nào, có thể nói là rất đau khổ. Trước hết là vì ngài không có hoàng tử để nối ngôi, dầu ngài đã dầy công cầu trời khấn phật và làm nhiều việc cho thế gian. Nhưng cái buồn không con trai chưa phải là cái sầu não to nhất của ngài. Cái điều làm cho suốt đời không yên, luôn luôn lo nghĩ, ấy chính là công chúa Lã Mai, người công chúa độc nhất của ngài.

 Tại sao vậy? Làm sao bà công chúa ấy mà lại là sự phiền não của ngài, đau đớn cực nhọc của ngài?

− Để rồi lão sẽ kể cho khách nghe, kể tường tận. Cũng như con gái của lão làm tì nữ ở trong cung đã kể lại cho lão.

Nghỉ một lát, bà lão nói tiếp:

− Nàng công chúa Lã Mai, năm nay vừa đúng mười tám tuổi, nàng có một cái sắc đẹp tuyệt trần, đẹp đến nỗi những nhà hoạ sĩ – mà toàn là những danh hoạ trong thiên hạ − đều phải nhận rằng: Trước cái vẻ kiều diễm của nàng, ngọn bút của mình đành chịu bất lực.

Không một ngọn bút nào có thể diễn đạt hết được những cái nét say sưa của đôi mắt khi lặng ngắm một vật gì. Không một mùi nào có thể tả được vẻ nồng nàn của đôi môi tươi thắm như hoa buổi sáng. Còn màu tóc nàng? Mây trên giời cũng không thể nào sánh được. Nhà hoạ sĩ khó lòng mà chế được một màu thuốc tương đương. Còn đôi hàm răng của nàng? Không, trong thế gian, không có một sự đều đặn nào ví được. Cái mặt nàng cứ mỗi phút lại phảng phất một tình ý, và bao giờ cũng tha thiết, cũng nồng nàn như là sự hiển hiện của tình yêu vậy. Nhưng thật ra những bức tranh của các nhà danh hoạ vẽ ra, đã tràn khắp nhân gian và đã làm cho biết bao kẻ đắm say và ngơ ngẩn.

Đã biết bao người trong cõi vô hình đã yêu, đã mến, đã nhớ, đã thương cái người thiếu nữ ở trong tranh. Không những đẹp, công chúa Lã Mai còn là một người thông minh học đâu nhớ đấy. Kinh truyện gì, nàng cũng xem tới. Nàng lại rất thông về kinh dịch. Những kẻ bác sĩ trong nước cũng phải cúi mình trước cái tài học của nàng. Nhưng than ôi! Người thiếu nữ có bao nhiêu cái đức tính ấy, lại mắc phải cái nết rất xấu: Nàng kiêu hãnh quá, kiêu hãnh đến tàn ác.

Cách đây hai năm, vua nước Tây Tạng cùng tới hỏi nàng cho con, cậu hoàng tử này cũng say mê nàng vì một bức tranh. Vua Thái Tôn rất bằng lòng về sự thông gia ấy có quan hệ đến sự thân thiện của hai nước, ngài bèn bàn với công chúa. Nhưng than ôi! Nàng công chúa kiêu hãnh ấy, đẽ quen xem thường thiên hạ dưới mắt mình; nàng công chúa kiêu hãnh vì tài học, vì sắc đẹp từ khước sự cầu hôn của Thái tử Tây Tạng một cách khinh bỉ. Vua Thái Tôn tức giận vô cùng rồi ngài cương quyết định bắt nàng phải nghe theo. Nhưng nàng vẫn trước sau một bề, không chịu tuân theo mệnh của cha, nàng khóc lóc thảm thiết về sự cưỡng ép ấy. Nàng buồn não quá độ, rồi một hôm nàng thụ bệnh. Nhà vua cho mời danh y tới. Các danh y biết cái căn bệnh của nàng đều tâu với vua rằng:

− Bệnh của công chúa không có phương thuốc nào cứu chữa được và nếu cứ một bề ép công chúa lấy Thái tử Tây Tạng thì không khéo bệnh công chúa sẽ nguy lên…

Vua nghe nói như vậy, thì nhà vua, vốn thương yêu con gái lắm, cho nên khi nghe các danh y nói vậy, thì ngài liền đi tới thăm công chúa, và nói với nàng rằng: ngài sẽ chiều ý nàng và từ hôn. Công chúa tâu với vua cha:

− Thưa cha, không những thế con còn phải yêu cầu cha điều này nữa. Nếu cha từ chối ấy là cha để cho con chết. Cha muốn cho con sống, thì cha phải hứa với con rằng: cha đừng đả động gì đến việc chồng con của con nữa. Hay là xin cha xuống ngay một cái chiếu truyền cho thiên hạ biết rằng, cho các hoàng tử khắp các nước chư hầu biết rằng: Nếu có vị hoàng tử nào có can đảm muốn lấy con làm vợ thì phải thân hành đến đây, trước mặt những bậc bác sĩ, trả lời cho con ba câu mà con sẽ yết sau. Nếu họ trả lời đúng thì con vui lòng lấy họ và nếu như họ trả lời sai, thì, thì con sẽ vui lòng cắt đầu họ ở chốn pháp trường, trước công chúng.

Nghỉ một lát, công chúa nói thêm:

− Thưa cha, nhờ cái chiếu ấy các vị hoàng tử ở xa cụt hứng không dám đến đây, để xin lấy con nữa… Và đó là điều ước nguyện suốt đời của con, vì sao cha cũng biết đấy: con khinh người đời lắm, và không bao giờ con lại chịu lấy làm chồng, một người trong cái đám người tầm thường ấy.

Nhà vua hỏi lại:

− Giá như có một vị hoàng tử nào tới đây và trả lời đúng ba câu hỏi của con.

Nàng vội vàng đáp:

− Ấy là điều con không sợ chút nào hết. Con đây cũng biết ra những câu hỏi làm rối trí của những kẻ bác sĩ. Cha cứ yên lòng!

Nhà vua nghĩ thầm: Thôi ta cũng không nên ép công chúa làm gì vì ta biết chán rằng: nàng không thể lấy chồng được. Âu là ta cứ làm như nàng yêu cầu? Mà ta nghĩ cũng chả làm hại gì cho ai. Vì có vị hoàng tử nào điên khùng lại đến đây để trả lời ba câu hỏi, cho nàng cắt đầu. Ta không sợ. Huống hồ lại nhờ vậy, mà con ta sẽ lành mạnh như thường thì sao ta còn đợi gì nữa mà không làm?

Ba hôm sau tờ chiếu ấy truyền yết ra khắp thiên hạ, công chúa thấy vậy thì vui vẻ vô cùng và bệnh khỏi hẳn. Nhưng tờ chiếu ấy, không phải hợp như ý định của người thảo ra nó; tờ chiếu khốn nạn ấy chỉ tổ khiêu khích những vị hoàng tử trẻ tuổi và than ôi! gây ra biết bao nhiêu cái thảm trạng sau này. Những vị hoàng tử trên dưới hai mươi tuổi bao giờ họ lại chịu khuất phục dưới một sự kiêu ngạo như thế. Có bao giờ họ lại sợ sự nham hiểm của một người đàn bà. Có bao giờ họ lại sợ một người đẹp vì người ấy làm ác. Nhưng than ôi! Sự can đảm của họ đã giết chết họ. Không có một người nào có thể trả lời được những câu hỏi của Lã Mai công chúa. Rồi lần lượt những cái đầu của các vị thanh niên anh tuấn ấy lần lượt rơi ở chốn pháp trường.

Nhà vua thường ngày thấy cái thảm cảnh ấy, thì lấy làm xót xa đau khổ vô cùng. Có lúc ngài đã hối hận vì đã xuống cái tờ chiếu khốn nạn ấy, nhưng muốn huỷ xé đi thì thà rằng để cho công chúa chết đi còn hơn là giữ nàng sống với biết bao nhiêu sự tàn ác ấy. Ngài tìm hết cách đề phòng cho khỏi xẩy ra những việc đau đớn như thế nữa. Nhưng cái tuổi thiếu niên có bao giờ sợ chết. Cho nên họ vẫn chết như thường.

Nhà vua thương xót những kẻ bất hạnh ấy bao nhiêu, thì trái lại công chúa tàn nhẫn bấy nhiêu. Mỗi khi được thấy một người lên đoạn đầu đài thì nàng cười một cách đắc ý và bảo những người thị nữ hầu bên nàng rằng: "Dầu ta có sống hết đời ta cũng không giết hết những quân si mà ngốc".

Hoàng tử Vân Kệ nghe bà chủ quán kể hết câu chuyện thì nửa tin nửa  ngờ. Mà không hiểu vì đâu, hoàng tử thấy có sự vui thích lạ lùng.

Vân Kệ hỏi lại bà quán:

− Thế thì bà có biết những câu đáp của các vị hoàng tử ra làm sao không? Có lẽ là những vị ấy chửa phải là những người thông thái và nhanh trí.

Bà quán vội đáp:

− Không phải thế đâu ngài ạ! Chính vì những câu hỏi có vẻ mầu nhiệm và tối tăm lắm nên người ta không thể đáp được…

Câu chuyện đến đây thì trời đã tối đen. Trong lúc bà quán đương đốt lửa lên, và châm vào một ngọn nến thì ở ngoài thánh thót đưa vào một hồi chuông đồng. Cứ đánh ba tiếng thì chuông lại ngừng trong một quãng lâu, và như để cho cái tiếng đồng rung chuyển đến tiếng ngân nga cuối cùng.

Hoàng tử hỏi bà quán:

− Ta nghe nói rằng ở ngôi chùa Châu Long có một quả chuông đúc từ đời Tần Thuỷ Hoàng. Ngày xưa, hễ lúc nhà vua vào buồng, thì ngài bảo thị vệ gõ mấy hồi chuông ấy để ra lệnh cho ba nghìn cung nữ, người nào vào buồng người ấy mà an giấc. Không hiểu sao ta có cái cảm giác rằng mấy hồi chuông vừa đổ đấy là hồi chuông của chùa Châu Long, mà những nỗi uất hờn của những cung nữ còn như ngân nga ở trong tiếng đồng ấy. Bà quán à! Không biết có thật vậy không?

Không nghe có tiếng đáp, hoàng tử Vân Kệ quay lại thì thấy bà quán đương suỵ quỳ xuống và chắp tay nguyện Phật.

Hoàng tử hỏi lại câu chuyện hồi nẫy:

− Có phải chuông chùa Châu Long không bà quán?

Bà quán buồn giầu đáp:

− Thưa ngài không phải ạ! Hồi chuông đó là hồi chuông của nhà vua báo hiệu cho dân trong thành biết rằng: sắp có một người chết, chết vì không trả lời được ba câu hỏi bí mật của Lã Mai công chúa…

Nghĩ một lát, bà quán lại nói tiếp:

− Hẳn là cái đầu của một vị hoàng tử nào nữa sắp rơi ở pháp trường. Vì một sự điên cuồng của một công chúa mà biết bao nước sẽ không vua, cha sẽ mất con, anh sẽ mất em.

Hoàng tử nghe xong không hề tỏ vẻ sợ hãi một chút nào. Ngài sẽ dằn mạnh cánh tay xuống bàn và bảo bà quán:

− Bà lấy thêm đây cho ta một vò rượu nữa. Hôm nay ta uống thật say. Ta uống để mừng một nàng công chúa tàn nhẫn hơn những kẻ bạo chúa xưa nay…

Nghĩ một lát hoàng tử nói tiếp:

− Nàng công chúa ấy tàn nhẫn quá đến nỗi ta không còn ghét giận nàng được. Đối với nàng, ta bây giờ chỉ có kính phục vậy.

Rồi đứng dậy, nắm chặt hai tay lại, hoàng tử nói như thét:

− Ta phải lấy cho được người ấy, người mà kính phục như một vị thần!

Bà quán cười ngặt nghẽo và bảo hoàng tử:

− Ối giời ôi! Ông khách của tôi say mất rồi.

− Bà lão bảo ta say? Bà sẽ biết ta say hay là không say vậy.

Đoạn Thái tử Vân Kệ đứng phắt dậy và chạy ra phố. Thái tử nóng lòng muốn biết cái cuộc xử tử ghê gớm ấy ra sao, cuộc xử tử mà cái nguyên do rất là kỳ lạ. Đầu đường cuối phố, ở đâu Thái tử Vân Kệ cũng gặp những người ta, lũ năm lũ bảy kéo nhau tới chốn pháp trường ở trong thành để xem cuộc xử tử ấy. Thái tử cũng xen lẫn vào những đám người đi xem kia, và đi vào thành. Thái tử thấy ở giữa pháp trường một cái tháp gỗ rất cao, từ trên đến dưới đều bao phủ bằng những cành thông xanh. Trên những cành thông xanh ấy, cắm hằng hà sa số những cây bạch lạp sáng trưng đỏ rực rỡ cả một góc trời. Cách đấy độ mười bước, là đoạn đầu đài thì phủ toàn lụa trắng, và xung quanh phơ phất theo chiều gió, những lá cờ đỏ viền xanh.

Thái tử Vân Kệ đương nhìn một cách chăm chỉ những cái trước mắt, thì bỗng nổi lên một khúc nhạc âm ỷ, lộn xộn, tiếng gỗ xen lẫn với tiếng đồng, khúc nhạc hình như ở trên tháp cao vọng xuống. Trong lúc ấy thì có ba chục người thị vệ, mặc toàn đồ trắng, ở trong cung đi ra, yên lặng sắp hàng ở dưới những ngọn cờ. Cuối cùng thấy cái xe chở người bất hạnh ra. Ba tên lính đẩy xe thì đeo nẹp đỏ, và người bất hạnh thì bịt một vành khăn xanh ngang đầu. Cái ông hoàng xấu số ấy trông còn trẻ lắm: lối chừng 17 - 18 tuổi. Xe đến gần tháp thì ngừng lại. Một ông quan hình như là một vị đại thần, dẫn ông hoàng ấy lên đoạn đầu đài. Ông hoàng đến phút cuối cùng vẫn còn được che bốn chiếc lọng vàng và không tỏ một chút sợ hãi nào. Một hồi chiêng trống nổi dậy. Người đao phủ, áo trắng, nẹp xanh, khăn đỏ, ung dung cầm gươm bước lên đài. Chiêng trống lại ngừng. Ở trên đài cao giữa một cảnh ban đêm vô cùng im lặng, viên đại thần kia tuyên đọc cái bài chiếu của nhà vua… Rồi quay lại phía ông hoàng và nói:

− Tâu Thái tử! Nếu hôm nay mà Thái tử phải nhận cái hình phạt ghê gớm này, xin Thái tử biết cho rằng là tự Thái tử mua chuộc lấy. Lỗi ấy quyết nhiên không phải của đức Thái Tôn hay là của Lã Mai công chúa.

Vị hoàng tử thản nhiên đáp:

− Nào ta có phàn nàn gì đâu? Và ta vui lòng nhận sự hình phạt của công chúa. Mà ta cũng không hề có ý oán trách đức vua… 

Vị hoàng tử nói chửa dứt câu thì tên đao phủ đã đưa ngọn gươm qua cổ hoàng tử, đầu văng ra mấy thước và máu chảy ra lai láng. Chiêng trống lại nổi dậy inh ỏi.

Đoạn ba mươi người thị vệ hồi nãy xúm lại, nối lắp cái đầu vào cái mình của người vừa chết, và khâm liệm đúng như phép khâm liệm những hàng vua chúa. Khâm liệm xong, họ bỏ vào một cái quan tài bằng ngà rồi bợ tay mang ra an táng ở một khu vườn của đức vua, ở đấy đức vua đã xây đắp sẵn một cái lăng, trên lăng có khắc mấy chữ: "Chốn nghìn năm yên giấc của những ông hoàng đã yêu và đã chết vì công chúa Lã Mai".

Khi cuộc an táng đã xong đâu đấy rồi và mọi người ra về rồi, hoàng tử Vân Kệ còn đứng lại, tâm trí còn bâng khuâng mãi với những tư tưởng buồn não. Hoàng tử quay lại phía sau lưng mình, chợt thấy dưới một gốc tùng một người đàn ông đương gục đầu vào gốc cây mà khóc nức nở. Hoàng tử đoán rằng người này chắc có liên can gì với người bất hạnh, và muốn biết rõ thêm, hoàng tử đi lại gần và hỏi chuyện:

− Làm sao ông lại buồn rầu thế? Có lẽ ông cũng quen vị hoàng tử xấu số kia chăng? Thấy ông than khóc tôi não lòng quá. Ông có thể cho tôi biết rõ nỗi đau đớn của ông?

Người kia khóc rú lên, và vừa khóc, vừa nói bằng một giọng rất thảm đạm:

− Tôi mà không biết hoàng tử thì còn ai biết hơn tôi? Thưa ông, chính tôi đây là người giữ cái trách rèn tập cho hoàng tử.

Nghỉ một lát, người ấy lại nói tiếp:

− Trời ơi! Không biết khi vua cha hay được tin này, thì ngài sẽ đau xót đến dường nào, và người nào lại dám mang cái tin ấy về cho ngài!

− Thế người có thể cho ta biết vị hoàng tử của người lại đắm mê nàng công chúa ấy ra thế nào và tự bao giờ?

− Vâng để tôi xin nói cho ông rõ. Nguyên hoàng tử Lạc Viên, ở trong cung thật là sống một cuộc đời sung sướng cực kỳ xa xỉ. Trong trào ngoài quận ai ai cũng nhận rằng ngài là ông Hoàng được vua cha chiều chuộng hơn hết và thế nào cũng được lên thay cha giữ mệnh trời. Các đình thần đối với ngài cũng như đối với đức vua, đều hết dạ trung thành và dốc lòng thờ phụng. Ngày thường, Đông cung hoàng tử chỉ thích săn bắn và ban đêm, cho mời các công tử công tôn vào uống rượu, đánh cờ hay cùng nhau hoạ đàn. Có khi, ngài cho gọi vào những vũ nữ, chọn trong hàng có nhan sắc, để múa hát cho ngài xem. Không có một cuộc vui gì mà hoàng tử không nhúng vào, và cả tuổi xuân của ngài là chỉ triền miên trong những cuộc vui ấy. Trong lúc ấy thì có một danh hoạ tới trong cung, để vẽ lại những bức tranh đã cũ nát. Vị danh họa ấy tên là Thái Đào, người đã có tuổi, nhưng ngọn bút sắc sảo, và tâm hồn còn trong sạch như một ngày xuân. Một hôm nhà danh hoạ ấy tới thăm hoàng tử, hoàng tử nói với nhà danh hoạ rằng:

− Ta biết tiếng người đã lâu. Ta mời ngươi lại đây là muốn nhờ ngươi vẽ cho ta một bức tranh để treo trong cung của ta. Theo ý ngươi thì nên vẽ cái gì?

− Tâu hoàng tử, theo ý thần chỉ nên vẽ một người đàn bà…

− Ta không muốn thế, vì trong thế gian này, làm gì có người đẹp. Ngươi cứ vẽ cho ta một bụi trúc, hay là một con cóc, chứ đừng vẽ đàn bà.

− Tâu hoàng tử! Thần không thể vẽ gì khác một người đàn bà được.

− Tại sao vậy?

− Tâu hoàng tử: Vì có người đàn bà là đáng vẽ mà thôi…

− Thế ngươi định vẽ ai bây giờ?

− Thần chưa muốn nói tên người ấy ra trước khi hoàng tử chưa thấy dung nhan người ấy. Thần không dám tự phụ rằng là vẽ hết cả người đàn bà ấy, thần chỉ ghi lấy một cái dáng điệu của người ấy mà thôi, vì muốn lột hết cái tinh thần của người, phải ở gần bên người ấy, và không có một cử chỉ một dáng điệu nào bỏ qua. Một người đàn bà đẹp là một nghìn bức tranh hợp lại, vì họ là sự uyển chuyển và biến hoá vô cùng. Thần chỉ thoáng thấy người đàn bà ấy trong một buổi chiều hôm. Thần sẽ vẽ người ấy, trong cái dáng điệu mà thần đã nom thấy.

− Nếu thật có như vậy, thì người cứ vẽ cho ta. Phỏng như người đàn bà ấy mà không đẹp thì ngươi tính sao?

− Thần vẽ bức tranh này trong ba hôm thì xong. Chiều hôm thứ ba mời hoàng tử tới xem… Và nếu như không vừa mắt và đẹp lòng hoàng tử, thì sớm ngày thứ tư, hoàng tử cắt đầu thần cũng không muộn.   

Thế là hoàng tử dọn ở trong cung một phòng riêng cho nhà danh hoạ làm việc.

Nói đến đây thì người phụ đạo của hoàng tử Lạc Viên ngồi thừ ra có dáng suy nghĩ lắm. Một lát sau, người ấy đập hai bàn tay vào với nhau mà nói lớn:

− Ta hiểu cả rồi! Bây giờ ta mới hiểu cái ý nghĩa giấc mộng của vua cha… Ta nhớ rõ ràng sau khi người danh hoạ vào cung một đêm, vua cha có vời ta vào cung, và nói với ta rằng: Khanh ạ! Không hiểu sao hôm qua ta nằm chiêm bao thấy một cái điềm rất kỳ lạ. Ta thấy có một ông cụ già đầu tóc bạc phơ đến gõ gậy lê vào đầu giường ta và bảo rằng: “Trong cung nhà vua, có quỷ sứ lẻn vào để phá. Không đề phòng, thì ngôi báu của nhà vua, hết đời vua là hết". Ta vừa ngoảnh lạ, thì ông cụ già đã biến theo một ngọn gió. Khanh giải hộ cho ta cái điềm mộng ấy.

Nghe đức vua nói vậy, ta về nghĩ nát óc gần ba hôm, mà không hiểu con quỷ sứ ấy là ai. Vì chỉ có nhà danh hoạ Thái Đào là được vào cung mà thôi. Mà nhà danh hoạ ấy thì ai cũng biết, hiền lành như một ông phật, không bao giờ giết chết một con muỗi.

Nói đến đây người phụ đạo rú lên:

− Than ôi! Thế mà hắn đã giết chết Đông cung Thái tử. Ta có ngờ đâu như thế, mà ai dám ngờ như thế? Sau ba hôm, hắn đưa đến cho Đông cung Thái tử cái bức tranh mà hắn vừa vẽ xong. Cái bức tranh của một người đàn bà. Hoàng tử xem xong đứng ngây người ra trong một giây lâu, không nói, vì có lẽ không kiếm được lời để diễn tả hết những cái cảm xúc thanh thú của mình lúc đứng trước bức tranh. Hồi lâu, hoàng tử mới thốt ra được một câu:

− Ta tưởng rằng tự cổ chí kim có một nàng Tây Thi mà thôi. Không ngờ lại cớ người này nữa.

Nhà hoạ danh ung dung đáp:

− Tâu hoàng tử, nhưng khi hoàng tử đã được nom thấy một lần cái người đàn bà ấy thì ngài sẽ thấy trong lịch sử loài người chửa bao giờ có một nàng tên là Tây Thi vậy. Hoàng tử không nên tin ở cả cái tài nghệ của thần: trong mười phần tinh thần may ra thần chỉ lột được 5 - 3 phần mà thôi.

− Thật như thế à?

− Vâng, không có nét bút, cũng không có lời nói nào tả được cái sắc đẹp của nàng.

− Thế nàng là ai?

− Tên nàng là Lã Mai.

− Nàng làm gì?

− Nàng là một công chúa.

− … Công chúa?

− Vâng, công chúa nước Trung Hoa mà khắp thiên hạ đều nghe tiếng.

− Thế a?

− Nhưng mà hoàng tử không nên biết hơn nữa. Biết nàng hơn một tý nữa thì không chừng sẽ nguy đến tính mạng.

− Sao lại nguy đến tính mạng?

− Tâu hoàng tử vì nàng công chúa ấy không muốn lấy chồng, nhất định không lấy chồng…

− Ta không hiểu sao lại có thể nguy đến tính mạng cho ta, trong việc nàng nhất định không lấy chồng?

− Thế hoàng tử đã có bao giờ đọc tờ chiếu của vua Thái Tôn?

− Chưa, từ chiếu ấy nói những gì?

− Tờ chiếu ấy nói rằng người nào muốn lấy nàng thì phải đến tận nơi trả lời ba câu hỏi mà nàng sẽ ra cho. Trả lời được thì sẽ lấy nàng. Không trả lời được thì đầu mình sẽ rơi…

Hoàng tử cười một giọng cười tự đắc và không hỏi thêm điều gì nữa. Ngài đưa bức tranh lên ngang mắt và ngắm nghía, đoạn hỏi nhà hoạ sĩ:

− Ta không trông rõ nàng đang làm gì cả!

− Tâu hoàng tử, nàng đương giơ tay ra bắt một con bươm bướm nép ở trong lá vạn niên thanh.

 Hoàng tử bỏ bức tranh xuống rồi lại cầm lên ngắm, và nói lẩm bẩm như nói một mình:

− Ta chỉ sợ nàng không đẹp mà thôi, chứ những câu hỏi của một người đàn bà thì ta sợ gì?

Đoạn, ngài lấy vóc ngọc ra thưởng cho nhà hoạ sĩ, và giữ lấy bức tranh.

Hôm sau, ngài đến với ta và bảo rằng:

− Ta muốn tới Bắc Kinh để xin cưới Lã Mai công chúa.

− Thế ngài có chắc trả lời được ba câu hỏi?

− Lẽ ra thầy không nên hỏi ta như thế; mười năm đèn sách nhờ thầy rèn luyện, mà nay đến không trả lời nổi ba câu hỏi của một người đàn bà, thì ta tưởng thầy trò ta không đáng sống ở đời nữa…

Thế là hoàng tử và ta xin phép vua cha, thắng xe nhằm Bắc Kinh mà tiến…

Cái hôm từ biệt xứ sở, vua cha có ban yến cho hai chúng tôi và trong bữa yến, đức vua có nâng cốc rượu và nói với hoàng tử rằng:

− Với chén rượu này ta chúc cho hoàng tử lên đường được bình an và trả lời đúng ba câu hỏi của nàng Lã Mai.

Đức vua lại rót một chén rượu nữa nâng lên và lại bảo hoàng tử:

− Với chén rượu này, thì ta thưởng con dâu sau này của ta, hiện nay là một nàng công chúa đương làm đắm say nghìn người thiếu niên anh tuấn.

Nói xong đức vua cả cười, và cả những vị đại thần, những bà mạng phụ cũng cười theo và lần lượt rót rượu chúc mừng hoàng tử.

Giời đất ôi! Cái bữa yến vui vẻ ấy hay đâu chỉ là bữa yến sầu não để tiễn đưa hoàng tử về nơi tiên cảnh! Bây giờ đây thì ai còn có can đảm mang cái tin ấy về cho đức vua, cái ông vua ấy mà lòng yêu con không có cái gì ở trần gian này sánh kịp. Khi biết mình sắp ra chốn pháp trường, hoàng tử có gọi ta đưa cho ta bức tranh quý hoá này: “Thầy phải giữ lấy một cách trân trọng cái hình ảnh của cái nhan sắc dã man ấy. Lẽ ra, ta muốn nuốt vào trong bụng và mang theo ta xuống suối vàng, nhưng ta phải để cho cha ta thấy ta chết vì cái cớ gì, và khi cha ta thấy cái người giai nhân chắc sẽ vui lòng mà lượng thứ cho sự táo bạo của ta. Thầy nghe lời ta mang cái tranh ấy về cho cha ta!” Nhưng than ôi! Ta đây cũng đành trái lời hoàng tử mà thôi! Ta không còn can đảm để mang cái tin não nùng ấy về cho đức vua nữa. Ta muốn đi xa, đi cho thật xa, một mình ta khóc cái hình ảnh thân yêu của người học trò của ta.

Đến đây, người phụ đạo của hoàng tử Lạc Viên rút ra trong túi áo một cái bức tranh lụa cuộn tròn nói với hoàng tử Vân Kệ bằng một cái giọng vô cùng chua chát:

− Ta trông dáng người không phải là một vị hoàng tử. Chắc người không bao giờ có cái mộng muốn lấy Lã Mai công chúa. Vậy ta làm quà cho người, cái bức tranh vô giá ấy, người cứ giữ lấy, chắc chẳng có một sự nguy hiểm gì xảy đến cho người…

Hoàng tử Vân Kệ cung kính nhận lấy bức tranh và định tìm trở về quán trọ, nhưng ngài càng đi càng thấy lạc vào trong những lối hẻm, và đã đi ra khỏi kinh thành mà không biết. Ngài nóng lòng đợi trời chóng sáng để xem ngắm cái bức tranh mà người ta vừa tặng cho mình. Nhưng khi mặt trời đã mọc, thì ngài ngần ngại không muốn giăng bức tranh ra xem nữa. Ngài nói lẩm bẩm một mình: Ta sẽ làm thế nào đây? Ta có nghĩ đến những cái kết quả ghê gớm của bức tranh kia mà sợ không? Ta quên làm sao được những lời người phụ đạo của vị hoàng tử nọ! Ta không nên nhìn ngắm cái nhan sắc ấy. Nhưng ta phải cương quyết mới được. Nhưng đắn đo, ta suy xét kỹ càng, có chắc ta sẽ không bao giờ mắc vào cái nạn ghê gớm ấy? Chẳng qua cũng là số mệnh cả. Nếu ta phải yêu nàng công chúa thì điều ấy đã viết ở trong lá số của ta bằng những nét chữ không chùi cạo được. Và biết đâu những nét vẽ kia chỉ là những nét vẽ lừa dối. Ta phải ngắm xem kỹ càng mới thấy được những cái điều thiếu sót của nó. Và biết đâu ta sẽ không có cái cảm giác gì khi ta ngắm bức tranh. Đối với hoàng tử Lạc Viên nó là một sức thôi miên ghê gớm mà đối với ta chỉ là một vật vô tri vô giác không khêu gợi ta được…

Hoàng tử Vân Kệ tự hứa với mình rằng: Sẽ nhìn một cách hững hờ cái tranh của nàng công chúa tuyệt trần ấy. Rồi hoàng tử cả quyết mở tung ra ngắm, ngắm đi ngắm lại, khi để ra xa để nhìn một cách bao quát, khi đưa lại gần để nhìn kỹ từng bộ phận. Kết cục hoàng tử nhìn thấy cái gì cũng hoàn mỹ cả. Người ta không thể có đôi mắt trong hơn, cái nụ cười tươi hơn, đôi mày xanh hơn, cái mũi xinh hơn, những nét mặt đều đặn hơn.

Hoàng tử cố tìm mà không nhận thấy một nét vụng về hay sơ suất của nhà hoạ sĩ cũng như của hoá công. Thật là sự hoàn toàn vậy. Hoàng tử dần dần bỏ những ý nghĩ cương quyết của mình vừa rồi, mà để cho tâm hồn đắm say mà không biết. Hoàng tử như thấy bị cám dỗ một cách ghê gớm mà không còn ngăn ngừa được. Và ngài quên không biết mình đương sống hay là đương mộng.

Cái bức tranh ấy đã đưa lại cho hoàng tử Vân Kệ những cái cảm tưởng xưa kia của hoàng tử Lạc Viên. Cũng như ông hoàng nọ, hoàng tử Vân Kệ cũng rạo rực muốn dấn thân đến trước ái tình giữa bao sự nguy nan. Hoàng tử ao ước cái số phận của vị hoàng tử bất hạnh kia mà không thấy sợ hãi một tý nào. Thực ra, bao nhiêu sự nguy hiểm lúc bấy giờ đã tan trước mắt của  hoàng tử.

Vừa ngắm cái bức tranh, hoàng tử nói lẩm bẩm một mình: "Hỡi công chúa! Ta đã yêu nàng rồi, không có một sức mạnh gì trong trần gian này có thể ngăn đón ta được nữa. Không, đôi mắt của nàng sai khiến ta, như là tâm linh của ta. Đôi mắt của nàng đọc cho ta hai chữ "ái tình", ta quỳ xuống để mà cầu xin lấy. Than ôi! Giá ta lấy được nàng thì ta sẽ đặt nàng lên chỗ ta thờ cha ta, và ngày hai buổi ta đến quỳ dưới gót chân nàng đặng xin nàng một nụ cười, một cái đưa mắt, hay một lời nói êm dịu như tiếng suối đêm khuya… Không, ta không còn biết sợ gì nữa. Nếu ta chết, ta cũng chỉ có một điều ân hận: Vẫn là điều ta không được lấy nàng, nhưng có cái gì bảo rằng ta sẽ không lấy được nàng?"

Với cái ý cả quyết muốn lấy nàng công chúa Lã Mai, hoàng tử tìm đường về quán trọ, tìm mãi mới về được vì đêm qua đã đi lạc xa lắm. Hoàng tử kể lại cho bà chủ quán đầu đuôi cái tình sử não nùng của hoàng tử Lạc Viên, đưa cái bức tranh ấy cho bà quán xem, và nói:

− Bà xem thử cái bức vẽ này có đúng không; ta không thể biết được rằng: Con người trong tranh đẹp kém hay hơn cái con người thực.

Bà quán ngắm đi ngắm lại, ném bức tranh xuống bàn một cách không hài lòng và đáp lại người khách của mình:

− Già có nói ngoa đâu! Nàng công chúa đẹp hơn thế một nghìn lần… Khi ngài thấy được mặt công chúa một lần rồi thì chắc ngài sẽ nhận như già rằng: Bao nhiêu sự cố gắng của các nhà danh hoạ cũng đều là vô ích cả.

Hoàng tử tỏ vẻ vui mừng lại nói:

− Ta lại càng muốn tin như lời bà nói lắm. Giá thật nàng càng đẹp đến thế, thì ta lại càng thấy rằng thân ta cũng đáng phí đi vì một chút ái tình của nàng. Bà ạ! Ta thú với bà rằng: Ta đã yêu bức tranh như người thực đứng trước mắt ta. Số phận ta đã định rồi, cái số phận của ta là cái số phận của hoàng tử Lạc Viên.

Nghe người khách của mình nói đến câu này, thì bà quán bật ra khóc nức nở. Bà gượng khuyên ngăn hoàng tử:

− Nếu người cứ cả quyết lấy cho được công chúa thì không nghi ngại gì nữa, người sẽ chết. Chết một cách khốc hại, xa cha mẹ anh em, xa làng nước xứ sở.

− Bà đừng cố khuyên ta, vô ích, ta đã quyết định rồi.

Nghe cái giọng cương quyết của khách thì bà quán lại càng lo sợ, bà buồn rầu than thở:

− Nếu già không can gián được người, và để người phí mạng một cách vô ích ấy là lỗi của già hết! Không hiểu sao người đến trọ ở nhà già làm gì! Không hiểu sao già lại đưa chuyện công chúa tàn bạo ra nói với người làm gì! Già này khốn nạn lắm! Chính già này đã đưa người lên con đường ác nghiệt ấy. Người hãy giết già đi đã, rồi hãy đến với nàng công chúa.

Hoàng tử ngắt lời bà quán:

− Bà đừng nói thế, không phải bà làm cho ta khổ sở; − nói là sung sướng mới phải. Người đưa lại cho ta cái hạnh phúc đó chính là người cho ta bức tranh này. Thực ra cũng chả phải tại ai hết. Số phận đã định rằng: Ta phải yêu nàng, ta phải yêu cho đến kỳ cùng vậy. Ta chỉ theo số mệnh mà thôi. Ta không phải là một kẻ tầm thường, ta đã đọc hết thánh hiền; chắc là ý trời đã muốn rằng ta đến để trút đỡ cho vua Thái Tôn những sự phiền não do đứa con gái yêu quý gây ra, vì ai bảo bà rằng:ta không trả lời được những câu hỏi của nàng công chúa? Ta có tiếng thông minh từ khi lên sáu. Năm mười tuổi đã tập làm thơ làm phú.

Đoạn hoàng tử Vân Kệ cạo rương đưa hết 50 lạng vàng còn lại của mình giao cho bà Quán và bảo:

− Bây giờ ta đây đã quyết định vào cung trả lời ba câu hỏi của công chúa rồi thì số vàng này ta xin gửi lại cho bà để làm tiền dưỡng lão vì rằng: nếu ta giải được ba câu đố thì ta sẽ là phò mã và chắc là giữ mệnh trời, vàng ngọc thôi còn thiếu thức gì, mà nếu như ta không giải được thì đầu ta rơi, ta cũng không có thể mang số vàng ấy xuống suối vàng mà tiêu. Đằng nào ta cũng không nên giữ lại trong lưng 50 lạng vàng ấy. Xin già nhận lấy và tiêu giùm cho ta.

Bà quán cầm lấy 50 lạng vàng của hoàng tử và nói:

− Hoàng tử nghĩ lầm lắm, hoàng tử tưởng 50 lạng vàng này có thể làm cho tôi nguôi lòng về việc hoàng tử được chăng? Tôi chỉ xin nhận lấy để rồi phân phát một ít cho những kẻ nghèo khổ, và còn bao nhiêu tôi đưa cúng cho các chùa chiền để cho các sư vãi cầu nguyện cho hoàng tử vô sự. Hoàng tử rốn đợi ngày mai hãy vào cung cũng không muộn, hãy để cho già có thì giờ đi khắp các chùa chiền lễ bái kêu ca…

Hoàng tử hơi cảm động, cầm tay bà quán khẽ đáp:

− Tôi xin vui lòng chiều bà, đến ngày mai mới vào cung, nhưng ta nói trước để bà biết rằng: Ý ta định rồi, Thần Phật cũng không làm cho ta thay đổi được!

Suốt ngày hôm sau, hoàng tử không ra khỏi nhà một bước. Trong lúc ấy thì bà quán mang tiền gạo tới lễ bái khắp đền khắp phủ. Không có một ngôi chùa nào ở Bắc Kinh là bà không bén gót tới. Trong một ngày hôm ấy, có hàng trăm hàng ngàn ông sư bà vãi cầu Trời khấn Phật để cho hoàng tử tai qua nạn khỏi. Nhưng rút cục cũng không thay đổi được ý định của hoàng tử. Trái lại, ngày hôm sau, hoàng tử lại càng thấy nao nức muốn vào cung, lấy cho được công chúa. 

Ngày hôm sau giời vừa sáng, hoàng tử quả quyết dứt áo ra đi. Bà quán sụp quỳ xuống đất gục đầu vào đầu gối hoàng tử khóc than thảm thiết như là khóc than một đứa con yêu quý. Hoàng tử trang điểm một các lộng lẫy đường hoàng đi vào cung vua. Đi đến cửa Khánh môn, hoàng tử thấy 5 con voi bị trói và đi hai bên gần một nghìn binh mã, gươm mác chỉnh tề. Một vị vệ uý thấy hoàng tử ra dáng người lạ mặt, bắt lại và hỏi xem hoàng tử có việc gì vào cung. Hoàng tử trả lời:

− Ta là một hoàng tử ở một nước chư hầu, ta đến để trả lời ba câu hỏi của công chúa.

Viên vệ uý ấy nói:

− Hoàng tử có biết rằng hoàng tử đến đây để tìm cái chết không? Tôi chưa thấy một kẻ thông thái nào dám đến đây, và tự phụ trả lời được 3 câu hỏi của công chúa.

Hoàng tử thản nhiên đáp:

− Cảm ơn người đã khuyên ta. Nhưng khi đã để chân đến chốn này rồi ta không muốn trở lại nữa.

− Hoàng tử không muốn sống thì tôi không muốn khuyên ngăn hoàng tử làm gì nữa. Thôi ngài cứ đi.

Rồi viên vệ uý để cho hoàng tử thẳng vào cung điện. Lúc bấy giờ vua Thái Tôn đương nói chuyện với các vị đại thần, thấy người lạ mặt bước vào, và ăn mặc theo lối vương giả, thì ngài truyền cho thị vệ hỏi xem là ai. Hoàng tử Vân Kệ dõng dạc nói với thị vệ:

− Người vào tâu hộ với vua rằng: ta là một hoàng tử ở phương xa đến, đến chỉ để muốn làm phò mã của ngài.

Đức vua nghe câu nói quả quyết của hoàng tử thì sự lo sợ lộ ra nét mặt. Ngài truyền cho đình thần lui ra, và từ trên ngai vàng bước xuống. Ngài đi lại gần hoàng tử cầm lấy tay mà nói một câu cảm động:

−Thế hoàng tử đã đọc lời chiếu của ta chưa?

− Tâu hoàng thượng, con đã đọc cả rồi. Chính mắt con đây đã một lần chứng kiến cái kết quả ghê gớm của tờ chiếu ấy. Nhưng cái chết của Đông cung Lạc Viên, không hiểu sao, chỉ làm cho con đây lại càng nao nức muốn lấy cho được công chúa.

− Không, hoàng tử nên nghĩ lại, không có lý một hoàng tử tới đây và không trở về nữa, nay lại có một hoàng tử khác nữa cũng đến để cầu xin cái số phận của vị hoàng tử kia. Tuy mới nhất kiến, nhưng ta đã có một chút cảm tình đối với hoàng tử. Ta không muốn hoàng tử làm một việc điên cuồng như thế.

− Tâu hoàng thượng! Nghe hoàng thượng nói rằng, Hoàng thượng có chút cảm tình với con mà con lại càng thêm hớn hở. Biết đâu, trời cũng lo sợ về những sự tàn ác do công chúa gây nên, mà trời đã khiến cho con đây ra để mà đưa lại sự yên ổn cho hoàng thượng. Vì biết đâu con sẽ trả lời đúng 3 câu hỏi? Hoàng thượng có chắc rằng con sẽ chết không? Những kẻ khác không trả lời được ba câu hỏi của công chúa không phải là một cái cớ để cho con đây cũng phải chịu nốt.

Đức vua đáp lại bằng cái giọng thân mật và buồn não:

− Con ơi! Trước kia những vị hoàng tử tới đây cũng đều nói một giọng như con cả đó, nhưng rồi họ có khỏi chết đâu! Họ đã chết một cách thảm khốc. Thôi hoàng tử nên nghĩ lại. Ta yêu hoàng tử lắm, không nỡ bỏ hoàng tử. Ở đây không phải còn là cái lúc nên tự phụ. Tự phụ chẳng ích gì nhưng chết thì uổng lắm. Trả lời! Trời ôi! Hoàng tử trả lời làm sao được những câu hỏi ấy! Và nhất là khi trong phép định rằng: mỗi câu hỏi chỉ có quyền nghĩ ngợi trong mấy phút đồng hồ. Trong khoảng mấy phút đồng hồ, mà hoàng tử không trả lời đúng, thì tức là hôm sau hoàng tử đã lên đoạn đầu đài rồi. Thôi bây giờ ta khuyên hoàng tử nên trở về đi thôi. Tối hôm nay, hoàng tử vắt tay lên trán nghĩ cho thật lung, mai đến trả lời cho ta.

Nói đến đây đức vua từ biệt hoàng tử và đi về điện của mình. Hoàng tử cũng yên lặng trở về quán trọ. Bà quán mừng quá không nói được một câu gì. Nhưng, sau một đêm chẳng nghĩ ngợi gì, hoàng tử lại trở vào cung.

Đức vua phán hỏi:

− Hoàng tử định thôi rồi chứ?

Hoàng tử lắc đầu, và tâu:

− Không thể được, trời đã định cái số phận của con như vậy rồi.

Đức vua đập bàn một cách tức giận:

− Khổ cho ta! Không hiểu sao ta lại nặng cảm tình với hoàng tử hơn là với những người khác! Nếu hoàng tử mệnh hệ thế nào, thì ta sẽ đau lòng không còn thể nguôi được nữa. Ta xin hoàng tử, vì chút tình với ta, mà bỏ cái ý định ấy đi. Trong thiên hạ thiếu gì nàng công chúa cũng đẹp như thế, nhưng hiền lành hơn nhiều, sao hoàng tử lại không tìm đến? Hay là hoàng tử ở đây với ta, ta sẽ cung cấp cho hoàng tử đủ thứ khoái lạc có thể có ở nước ta. Ta sẽ coi hoàng tử như con ruột ta; và ta cho sứ đi lùng khắp dân gian những người gái đẹp để về hầu hạ hoàng tử.

Hoàng tử vẫn không nao núng, vẫn cương quyết trả lời:

− Hoàng thượng đừng cố can ngăn con nữa. Càng nguy hiểm, con lại càng thấy muốn lấy cho được công chúa.

Đức vua biết rằng hoàng tử cả quyết lắm rồi bèn giơ tay lên và nói:

− Xin Trời Phật chứng giám cho ta. Quả ta đã làm hết cách để cứu hoàng tử, nhưng hoàng tử vẫn không nghe, nay hoàng tử chết, ấy không phải là lỗi của ta vậy.

Rồi ngài quay lại nói với hoàng tử:

− Ta biết rằng hoàng tử sẽ chết, nhưng ta cũng muốn tiếp đón hoàng tử xứng với cái địa vị một hoàng tử. Vậy hoàng tử nhận lời cho.

 Rồi ngài truyền dẫn hoàng tử vào một cung điện rất nguy nga có hơn 100 thị vệ chầu trực.

Người ta lại còn đàn địch ca hát suốt đêm để mừng hoàng tử. Và không thiếu một cuộc vui nào ngay hôm ấy.

Đức vua vẫn còn ái ngại chưa muốn đành đoạn bỏ hẳn hoàng tử, ngài bèn sai một vị thuyết khách đến dụ hoàng tử. Nhưng trước sự quả quyết của hoàng tử, vị thuyết khách cũng đành bó tay. Vị thuyết khách đành thất vọng trở về tâu với vua:

− Thần có thể thuyết cho một ông vua cứng cổ nhất bỏ nước mình mà thần phục bệ hạ! Thần có thể thuyết cho một hòn đá vô tri tuôn ra đôi dòng lệ. Nhưng thần không thể cải đổi được cái ý định muốn lấy công chúa đương xôn xao ở trong óc vị hoàng tử ấy được.

Dầu quyết định đến đâu, hoàng tử Vân Kệ không khỏi qua một đêm lo sợ. Chàng cũng tin ở trí thông minh và chắc sẽ trả lời được ba câu hỏi. Nhưng đôi khi, tâm trí cũng bị lung lay: nghĩ đến sự tàn ác của số phận, chàng rùng mình. Nhất là mỗi khi nghĩ đến tổ quốc, đến cha mẹ, thì chàng không thể không buồn não được. Đến lúc trời đã sáng trưng, chàng vẫn còn bàng hoàng về những ý nghĩ ấy. Trong cái cảnh trời thanh tịnh của ban mai, chàng nghe có tiếng chuông và tiếng trống. Chàng đoán đấy là cái lệnh truyền cho khắp kinh thành biết rằng hôm nay có một kẻ táo bạo muốn trả lời câu hỏi của công chúa.

Chàng vẫn bâng khuâng tự hỏi: "Không biết ta có nên có cái tư tưởng ngông cuồng muốn lấy công chúa không hay là ta chạy tới tâu với đức vua rằng ta đã nhụt cả nhuệ khí rồi."

Một hồi chuông nữa lại thánh thót. Nhưng cái ý nghĩ sợ hãi tan như khói. Chàng cương quyết đứng dậy đội mũ, mang gươm vào, lẫm liệt như ông tướng trước khi ra trận. Chàng gõ gươm vào cái bàn đá và nói: “Bình sinh đánh trăm trận trăm thắng, không lẽ ngày nay ta lại chịu hàng phục một người đàn bà!”.

Đến đây có một bọn sáu ông thị vệ ăn mặc chỉnh tề, đi vào phòng chàng, khấn ba khấn trình rằng:

− Đức vua cho mời hoàng tử ra điện Thái Minh.

Hoàng tử bèn cùng sáu người ấy theo ra.

Bấy giờ, điện đã đầy những người, và phất phới những ngọn cờ trăm sắc. Chính giữa điện có hai cái ngai vàng đặt ở trên bệ cao. Mặt trời vừa mới mọc. Khi những ánh sáng đầu tiên rọi vào, và sau khi có tiếng hô của thị vệ, cái màn hoa ở cửa thông qua một điện khác, kéo cao lên. Tức thì đức vua bước ra, theo sau đó có Lã Mai công chúa. Nàng bận một cái áo gấm rất rộng và dài, có thêu vàng và bạc. Phải trèo năm tầng bệ mới đến ngai vàng. Nàng ngồi cạnh đức vua, lặng lẽ và nghiêm trang. Hai bên có hai người thị nữ rất đẹp, rất lộng lẫy đứng hầu, một người cầm quạt và một người bưng tráp có những đồ trang điểm.

Khi đức vua đã ban truyền cho các vị đại thần cùng các bậc khoa mục đại danh ngồi quây quần để chứng giám và bình phẩm những câu hỏi và những câu trả lời, thì một viên thị độc tuyên đọc một dải do hoàng tử Vân Kệ thảo ra, ở trong ngài thề rằng, sẽ chịu hết mà không phàn nàn chút nào cái kết quả ác nghiệt có thể xảy đến cho mình. Rồi đến một viên thị độc khác lại đọc bài chiếu chỉ của đức vua, và kèm thêm những lời phụ bình để cho những ý nghĩa quan trọng không còn có thể hiểu lầm được nữa.

Viên thị độc ấy kể lại những việc đã xảy ra từ khi có tờ chiếu chỉ ấy đã giết chết gần năm mươi ông hoàng trẻ tuổi rồi, và đức vua thường nhận được những tiếng than vãn ở phương xa đưa lại.

Hoàng tử Vân Kệ nghe xong chỉ mỉm cười. Nhưng đức vua, hình như vẫn không ngã lòng, muốn cứu vớt hoàng tử một lần cuối cùng: "Hoàng tử chắc bây giờ đã hiểu rằng muốn lấy cho được công chúa của ta không phải là chuyện dễ. Nếu như hoàng tử bây giờ mà nghĩ lại, xin thôi, ta cũng vui lòng để cho hoàng tử thôi cũng được".

Hoàng tử dõng dạc:

− Tâu hoàng thượng! Cái việc này nó đẹp quá, nó cao thượng quá, nó cám dỗ con không còn đủ sự hèn nhát để mà xin thôi.

Đức vua quay lại phái công chúa và quả quyết nói:

− Thôi bây giờ con ra cho hoàng tử mấy câu hỏi mà hẳn con đã sắp đặt từ trước.

Công chúa nghĩ một lát, rồi tâu với vua…

− Thưa cha, khi con thấy những vị hoàng tử anh tuấn mà chết một cách thảm hại như thế này, con cũng đau lòng lắm, nhưng biết làm thế nào, lỗi ấy không phải tại con mà chính họ: ai bảo họ muốn lấy con làm gì? Ngông cuồng! Họ tưởng lấy được con dễ lắm sao? Họ chinh phục cả thiên hạ mà không chinh phục được lòng con.

Rồi quay lại phía hoàng tử, Lã Mai công chúa mỉm cười nói:

− Dầu có xảy ra thế nào hoàng tử cũng nên vui lòng nhé! Em không hề bảo hoàng tử đến đây để trả lời những câu hỏi ấy mà có lẽ hoàng tử sẽ cho là ác nghiệt.

Hoàng tử ung dung đáp:

− Vâng, tôi đã hiểu cả rồi, xin công chúa ra câu hỏi đi cho thôi.

Công chúa vẫn mỉm cười, và nói một cách nhỏ nhẻ:

− Thưa hoàng tử, em muốn hỏi hoàng tử 3 câu này nhé:

1. Có một bà mẹ hung tàn

Đẻ ra trăm đứa lại ăn vào mồm?

2. Cây gì cành lá rầm rì

Bên thì lá trắng, bên thì lá đen?

3. Thế gian đều biết ông ta,

Với khắp thiên hạ ông là bạn thân.

Thế mà đời bạc muôn phần,

Trọn đời ông ở một thân một mình.

 

 

Một lát sau viên thị độc nhìn hoàng tử giục:

− Bà mẹ ấy là cái gì? Và cái cây ấy là gì? Còn ông ấy là bạn của mọi người, mà quanh năm không bạn ấy là ông nào? Xin hoàng tử trả lời đi cho. Đồng hồ đã nhỏ 10 giọt rồi? Hoàng tử nói đi! [a]

Hoàng tử ung dung đáp:

− Cái bà mẹ đẻ trăm con và lại nuốt cả vào mồm, tâu công chúa đó là cái bể.

Công chúa gật đầu mỉm cười và hỏi thêm:

− Thế còn cây gì một bên lá đen, một bên lá trắng?

− Tâu công chúa, đấy là "cây năm", lá trắng là ngày, lá đen là đêm.

Công chúa trả lời một cách thất vọng mặt  tái hẳn đi, và tiếng hơi run run.

− Còn câu hỏi thứ ba?

Đến đây, công chúa nghiêng đầu, để rơi xuống trán một làn tóc xanh như mây. Trên làn tóc ấy có cài một bông hoa bằng hoàng chiếu, bông hoa ấy lấp lánh làm cho khuôn mặt của nàng có một vẻ lộng lẫy và oai nghi khác thường. Nàng vẫn lặng lẽ nhìn thẳng vào mặt hoàng tử, với đôi mắt trong sáng và nhiệm màu có sức làm ngưng trệ cả những sự cử động xung quanh. Hoàng tử như bị thôi miên bởi một sức mạnh lạ thường, đứng thừ người ra, như một người mất thần, không nói được một câu. Cả đình thần cùng các nhà bác học đại danh đều nhìn chàng một cách ái ngại. Đức vua cũng tái hẳn mặt đi và yên trí rằng: Cái số phận của hoàng tử rồi cũng chẳng hơn gì những vị hoàng tử khác. Hoàng tử vẫn cười một cách kiêu ngạo và đắc ý. Nàng giục hoàng tử:

− Hoàng tử nghĩ lâu lắm rồi, xin hoàng tử trả lời cho em đi! Hoàng tử nên biết rằng cái tài học của người ta cũng có chừng hạn mà thôi. Hoàng tử trả lời làm sao được ba câu hỏi ấy.

Hoàng tử Vân Kệ nghe công chúa nói xong thì như tỉnh một giấc mộng, chàng hỏi công chúa:

− Tâu công chúa, tôi mải nhìn công chúa, cái nét mặt đắm say của công chúa khiến trong một lúc lâu tôi không nghĩ đến sự giải đáp nữa. Mà cái nhan sắc mê hồn của công chúa đã làm cho tôi quên cả câu hỏi vừa rồi là câu hỏi gì nữa, công chúa đã làm cho tôi quên hết, quên hết.

Công chúa cười ngặt nghẽo.

Nhà vua vội vàng nói xen vào:

− Thưa hoàng tử, cái ấy không sao! Nếu như thật tình, hoàng tử mải đắm say cái sắc đẹp ngây ngất của công chúa mà đến nỗi quên cả câu hỏi, thì ta cũng vui lòng coi như là hoàng tử chưa mất một phút nào nghĩ ngợi gì câu hỏi đó. Vậy thì, ta xuý xoá đi, để nhắc lại cái câu hỏi đó!

Rồi ngài quay nói với viên thị độc:

− Người đọc lại cho hoàng tử một lần nữa, cái câu hỏi thứ ba, và bắt đầu tính giờ đi.

Sau khi đã được viên thị độc nhắc lại một lần nữa, thì hoàng tử không còn nghĩ ngợi lâu, đáp:

− Cái ông ấy, tâu công chúa, chẳng ai khác là cái ông mặt trời. Nước nào là chẳng có ông ta. Ông là bạn của mọi người, thế mà quanh năm ở trên tầng cao không có ai là bạn của ông cả! Tứ cố vô thân.

Cả cử toạ đều đứng dậy.

− Đúng lắm rồi. Phải lắm rồi! Hoàng tử không cần phải cắt nghĩa nữa, ai cũng đều hiểu hết, và phục tài hoàng tử cả.

Rồi người ta rót rượu, người ta đốt pháo, người ta reo hò, để mừng khen hoàng tử. Trong lúc ấy, Lã Mai công chúa cúi đầu, ngồi một cách khép nép, e sợ và buồn rầu. Đức vua uống luôn ba cốc rượu, quay lại phía công chúa cười khà khà vừa bảo:

− Thôi bây giờ thì công chúa chỉ có nước hàng đi thôi! Tất cả những nhà bác học ở đây đều nhận rằng là hoàng tử đã giải đáp đúng cả. Công chúa hùng biện đến đâu cũng không thể cho rằng sai được. Thôi công chúa nhận lời đi thôi, để cha sửa soạn làm lễ cưới và truyền cái tin mừng ấy cho khắp thần dân cùng biết, cùng vui…

Công chúa với một cái giọng buồn rầu và có vẻ ương ngạnh cãi lại với đức vua:

− Thưa cha có phải như thế mà đã làm chồng con được rồi đâu! Con còn phải hỏi thêm nữa, ngày mai con sẽ hỏi thêm nữa.

− Ô hay! Con nói mới lạ cho chớ! Thế ra con bây giờ lại muốn ăn cả lời hứa. Cha đã có tội tình gì mà phải một đứa con như thế? Không, không thể được, một lời nói ra, bốn ngựa theo không kịp. Huống chi lời nói ấy đã ghi vào chiếu chỉ ấy. Tờ chiếu chỉ ấy lại đã truyền yết khắp dân gian. Những người tuổi tác và đức vọng đã đều có xem tới cả.

Công chúa khóc nức nở và nằng nặc đòi cho được phép vua cha ngày mai hỏi tiếp hoàng tử thêm mấy câu nữa, nhưng vua cha vẫn cương quyết gạt đi.

− Ta đã quá chiều công chúa mà ban ra tới chiếu ấy. Tờ chiếu ấy đã giết hại biết bao kẻ thiếu niên anh tuấn. Từ hôm ấy, không đêm nào là ta không ăn năn đau khổ. May thay, được vị hoàng tử này – có lẽ do trời đưa lại − để cứu ta cho khỏi những sự cắn rứt của lương tâm, và cứu được một cái nạn lớn cho những vị thiếu niên táo bạo và bất tài sẽ theo tiếng gọi lừa dối của ái tình mà nhảy vào chốn nguy hiểm này. Hoàng tử đã trả lời đúng ba câu hỏi của con, hoàng tử có quyền lấy con. Ta phải gả con cho hoàng tử.

Lã Mai công chúa từ nãy vẫn ngồi nghe không nói một tiếng. Nàng ngồi gục đầu xuống gối, và đắm vào một cơn sầu muộn khôn cùng. Thấy vậy, hoàng tử đi lại trước đức vua, khấu đầu mấy khấu mà tâu rằng:

− Công chúa từ khi thấy con trả lời được ba câu hỏi, thì công chúa tỏ vẻ sầu muộn và thất vọng vô cùng. Xem vậy, nếu cái đầu con phải rơi thì có lẽ đã làm cho công chúa hả lòng hơn. Tiếc thay con chưa chết! Nhưng sống mà phải nhìn công chúa từ chối và hất hủi thế này thì thà chết còn hơn. Con biết rằng: Công chúa ghét bạn thiếu niên chúng con đã đến cực điểm. Vậy ta cũng không nên vội lấy luật pháp ra mà bắt buộc công chúa, vô ích. Dám xin hoàng thượng cho phép con hỏi lại công chúa một câu, một câu thôi. Nếu công chúa không trả lời được, thì ta sẽ cầu cứu đến pháp luật, mà nếu như công chúa trả lời được, thì con xin vui lòng để cho công chúa tuỳ ý mình, muốn từ chối sự hôn nhân của con cũng không sao mà!

Nghe hoàng tử nói vậy thì đức vua ngạc nhiên vô cùng. Ngài nói với hoàng tử:

− Thế hoàng tử lại muốn ta phá cả điều lệ ấy đi, và từ rầy cứ bắt ta phải nhìn những cái cảnh thảm khốc khác nữa. Không, ta đã xem như là hoàng tử đã kết liễu hết những sự hung tàn do ta và con gái ta gây ra. Ta xin cảm ơn hoàng tử và xin hoàng tử để yên cho ta xử liệu.

− Không, tâu hoàng thượng, con không muốn lấy một người vợ nhận sự hôn nhân của con một cách gượng gạo…

− Vậy thì tuỳ ý hoàng tử. Nhưng ta xin hoàng tử một điều này: dầu công chúa trả lời được hay không trả lời được, câu trả lời của hoàng tử, ta cũng có quyền xé tờ chiếu chỉ khốn nạn ấy đi.

− Xin đội ơn hoàng thượng ngàn năm!

Rồi quay lại phía công chúa, hoàng tử Vân Kệ nói tiếp:

− Tâu công chúa, cứ theo tờ chiếu thì đúng phép ra công chúa đã thuộc quyền sở hữu của ta rồi. Nhưng nay ta muốn trả công chúa lại cho công chúa, nếu như công chúa đáp được câu hỏi rất thường của ta.

Công chúa hớn hở đáp:

− Vâng. Em xin bằng lòng như lời buộc của hoàng tử, và em xin lấy những cái rất thiêng liêng trong đời em mà thề với hoàng tử và trước mặt mọi người rằng: Em sẽ là vợ hoàng tử nếu em không trả lời được.

Mọi người đều hồi hộp ngóng đợi hoàng tử ra câu hỏi, và lần này, không có ai còn lo ngại rằng hoàng tử sẽ mất đầu vì nàng công chúa đẹp tuyệt trần. Hoàng tử ung dung hỏi công chúa:

− Ta xin hỏi công chúa một câu rất tầm thường rất giản dị, ta hỏi công chúa cái tên của vị hoàng tử đương nói với công chúa đây và trước đây mấy phút đã hết sức rộng rãi với công chúa đó, tên vị ấy là gì?

Mọi người đều nhìn công chúa một cách đắc ý, vì người nào lại có thể biết được cái tên vị hoàng tử ấy một ngày nọ ở phương xa đến, và chưa hề giao thiệp với ai! Công chúa biết rằng không thể trả lời được, bèn nói nũng nịu để kêu xin hoàng tử:

− Hôm nay, người em mệt quá, trí em bận rộn, thôi hoàng tử cho em khất lại đến ngày mai cũng không muộn. Ngày mai em sẽ nói một cách dễ dàng cái tên vị hoàng tử ấy cho xem.

Hoàng tử cười một cách chua chát và nói với công chúa:

− Ta có bao giờ nỡ nghiêm khắc với một người đàn bà, nhất là một người đàn bà đẹp.

Công chúa ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp:

− Ngay bây giờ thì em không thể giải được. Nhưng nếu hoàng tử để cho ngày mai thì thế nào em cũng nói được cái tên của vị hoàng tử ấy.

Vân Kệ mỉm cười, nói:

− Trước kia, tôi không bao giờ "khất" với công chúa, thì lẽ ra nay công chúa cũng không có quyền xin thêm một cái hạn định nữa mới phải, nhưng tôi cũng chiều ý công chúa, cho công chúa "khất" lại đến ngày mai, mong rằng công chúa nghĩ đến cái độ lượng rộng rãi của tôi mà sau này nếu công chúa không trả lời được câu đố của tôi thì công chúa chớ nên tìm cách làm khó dễ với tôi nữa.

Đức vua, nãy giờ ngồi im bây giờ cũng nói xen vào:

− Cố nhiên như vậy, lần này mà công chúa không giải được câu đố của hoàng tử, thì cố nhiên công chúa phải lấy hoàng tử. Cố nhiên là lần này, công chúa không thể lấy sự đau ốm hay cái sự chết để doạ nạt ta nữa. Trước mặt đông đủ mọi người ta cả quyết nói rằng: Nếu lần này mà công chúa không chịu y như lời hứa, thì thà rằng ta để cho công chúa chết còn hơn là để mất một vị phò mã xứng đáng như thế này! Ở trong thế gian này hồ dễ đã kiếm được một người như thế?

 Nói xong ngài đứng dậy và đình thần cũng giải tán. Mọi người đều tỏ vẻ hớn hở vì tin rằng công chúa, tài giỏi đến đâu cũng không thể trả lời cái câu hỏi ngoắt ngoéo đến thế. [b]

***

Công chúa buồn rầu trở về cung của mình, vẫn có hai người thị nữ đi theo hầu. Về đến phòng mình thì nàng vội vàng cởi áo và ngả lưng xuống giường, và vắt tay lên trán thở dài… Hai con mắt của nàng đã sưa sứa, bây giờ đã đầm đìa những lệ. Nàng rút cái hoa hoàng chiếu khỏi đầu, và để cho cái đầu tóc của mình rối bù lên một cách dễ sợ. Hai người thị nữ lại bên nàng thỏ thẻ khuyên dỗ nàng, nhưng nàng xua đi mà rằng:

− Thôi các em để yên cho ta nghỉ. Một mình ta khóc sự thất vọng của ta. Các em nghĩ ta biết còn có cách gì để trả lời câu hỏi của hoàng tử. Và ta sẽ ngượng ngùng biết bao khi phải đứng yên lặng trước mặt công chúng. Mà các vị bác sĩ đại thần ấy, họ đối với ta có cảm tình gì đâu. Hình như họ chỉ cầu chỉ muốn cho ta không trả lời được. Còn đối với hoàng tử, mỗi khi thấy hoàng tử giải đáp được một câu đố của ta, thì họ nhìn nhau cười một cách đắc ý, sung sướng.

Một người thị nữ nói với nàng:

− Tâu công chúa! Công chúa không nên khóc than vô ích. Hãy dùng thì giờ ấy để mà nghĩ ngợi, để mà kiếm một cách giải đáp. Công chúa là một người thông minh xuất chúng, không lẽ công chúa lại không giải đáp được. Câu giải đáp ấy kể cũng không khó đến như công chúa tưởng đâu!

− Không, không thể nào được! Chàng hỏi ta cái tên của vị hoàng tử đã phong trần lưu lạc nhiều và nay sắp được nhiều danh vọng nhiều hạnh phúc, thì ta làm sao mà biết được? Dầu vị hoàng tử ấy chính là chàng đấy. Trong kinh thành này ai biết được tên người khách xa lạ mới đến ấy?

Một người thị nữ khác lại nói với công chúa:

− Tâu công chúa, em cũng biết rằng trong trần gian này không có một người nào vừa lòng công chúa, nhưng theo ý em thì hoàng tử kể cũng là người xứng đáng hơn hết. Vả lại trông người cũng khôi ngô, đôi mắt của chàng những kẻ tầm thường không thể có.

− Ta cũng biết vậy; nếu trong thiên hạ có được một người đáng lọt mắt xanh ta hơn hết, người ấy chính là hoàng tử Vân Kệ. Ta không giấu em làm gì, chính ta đây nhiều khi cũng hồi hộp cho hoàng tử không giải đáp được những câu hỏi của ta. Nhưng khi chàng giải đáp trúng, thì không hiểu sao ta lại càng lo sợ hơn, và khi nghe công chúng tỏ ý hoan nghênh chàng thì ta lại càng thêm căm tức.

Nói đến đây, công chúa ụp mặt xuống giường khóc nức nở. Rồi như không nén được sự căm giận, nàng bứt tóc và xé áo xé quần như một người điên.

 

***

 

Trong lúc ấy thì hoàng tử theo chân hai người thị vệ đi về buồng mình ngủ. Độ canh hai canh ba thì nghe có tiếng động ở ngoài cửa. Và một lát sau thấy tiến lại gần giường mình một người thiếu nữ xinh đẹp bận toàn một mầu lam, và tóc vấn đầy những hoa. Mùi hương lan ra bay ra đầy buồng. Sau công chúa Lã Mai, hoàng tử không bao giờ thấy một người xinh đẹp đến thế. Ngẩng lên thấy người thiếu nữ đứng khép nép ở đầu giường thì hoàng tử tưởng chừng như mình còn đang ở trong một giấc mộng. Chàng lấy tay bấm vào thịt thì quả nhiên mình thấy đau mới biết rằng mình đã tỉnh. Trong lúc Vân Kệ chổm dậy, thiếu nữ sụp quỳ xuống và thỏ thẻ nói:

− Chắc là hoàng tử lấy làm ngạc nhiên lắm khi thấy một thiếu nữ nửa đêm lại lẻn đến buồng mình! Huống nữa là trong cung − điều ấy chắc hoàng tử cũng biết – có lệnh nghiêm cấm đêm hôm trai gái không được đi lại với nhau; nhưng tâu hoàng tử cái điều em muốn tâu với hoàng tử đây nó quan hệ quá khiến làm cho em quên cả sự nguy hiểm. Cũng may mà em khéo trốn tránh cho nên đến đây, không ai bắt gặp cả. Cả những thị vệ, những hoạn quan cũng không ai biết cả. Bây giờ em chỉ xin thành thật bầy tỏ cái cớ đưa em đến đây.

Tâu hoàng tử, em xin tâu hoàng tử biết ngay rằng: em đây cũng là một công chúa của một ông vua chư hầu. Sở dĩ em gặp phải cái nông nỗi này cũng chỉ vì tại cha em là một người ương ngạnh, có cái chí muốn nghênh ngang một bờ cõi, không chịu thần phục ai hết. Cách đây đã hai năm, cha em nhất định không chịu dâng cống cho đức Thái Tôn nữa. Cha em bèn lo sửa soạn lại mặt võ bị để dự bị chống lại với Thái Tôn vì thế nào Thái Tôn sớm chầy cũng sẽ mang binh qua trừng phạt. Quả vậy, mấy tháng sau, đức vua đã cho binh qua đánh. Trong lúc chống cự, cha em bị thương nặng và chết ngay ở trước trận; trước khi chết cha em có hối lại với viên tướng lúc bấy giờ có mặt ở cạnh cha em rằng: những vợ con và thân thích của mình, đều phải thả xuống sông cả, là cố ý muốn tránh cho nhà mình cái nhục nhã phải làm tôi tớ một hàng họ khác.

Viên tướng ấy y như lời cha em dặn, truyền cho lính, tống mẹ em, các anh, các chị và em xuống sông. Không hiểu sao – có lẽ vì thần linh xui khiến chăng − sau khi đã truyền lệnh rồi, viên tướng ấy vội vàng chạy tới bến sông và thuê người tìm vớt chúng tôi lên, và hứa sẽ trọng thưởng cho những người đã vớt được. Các thuyền chài, các lính tráng đều đổ xô theo dòng nước, và chẳng mấy chốc đã cứu được em lên, nhưng chỉ có một mình em mà thôi, viên tướng ấy cứu sống em lại, và săn sóc đến em như là một người con thật của mình. Viên tướng muốn dâng công, bèn đưa em về Kinh, và tiến dẫn em cho đức vua. Đức vua cho em làm người hầu cận thân nhất của Lã Mai công chúa. Em tuy biết rằng mình là ở phận tôi đòi và một ngày kia cần phải thoát ly, nhưng em không hề để lộ một ý tứ gì.

Tính công chúa khó chịu vô cùng, nhưng em khéo hầu hạ, khéo chiều chuộng, cho nên trong các hàng thị nữ, em được công chúa yêu thương và tin cậy hơn hết. Từ đó, những chuyện tâm sự, công chúa đều đưa ra bàn tính cùng em.

Nàng ngừng lại một phút rồi lại nói tiếp:

− Câu chuyện em vừa nhắc lại đó, có lẽ dài dòng quá, hình như không ăn nhập với cái cớ đưa em đến đây, trong đêm khuya. Em sở dĩ kể lại cái nguồn gốc của em, là cốt để cho hoàng tử dễ tin ở những lời em sẽ nói sau đây.

Hoàng tử ngắt lời:

− Xin cô nói ngay cho, đừng để tôi nóng lòng đợi…

− Tâu hoàng tử, một việc rất quan trọng một việc rất tàn bạo, rất không ngờ.

− Xin cô nương nói đi.

− Tâu hoàng tử, Lã Mai công chúa muốn giết… hoàng tử.

Hai người lặng im một lúc lâu, nhìn nhau một cách ghê sợ. Người thiếu nữ khe khẽ nói tiếp:

− Để em xin kể lại hoàng tử nghe tại sao công chúa lại có cái ý định tàn ác ấy. Sáng hôm nay khi ở "hội nghị" về, công chúa có một cái buồn nản ghê gớm. Có lúc nàng ngồi thừ ra một lúc lâu để nghĩ ngợi về cái câu hỏi của hoàng tử ra cho nàng, nhưng hình như nàng không nghĩ ra được. Nàng căm tức, nàng giận dữ như một con mãnh thú bị cùm nhốt. Cuối cùng nàng chỉ thở dài tuyệt vọng. Một người thị nữ khác nữa và em, đến bên nàng kiếm hết cách để khuyên dỗ nàng, nhưng vô hiệu. Chúng em đã hết sức tán dương nào là cái vẻ khôi ngô, nào là cái trí thông minh của hoàng tử, và hết sức khuyên nàng đừng hao tâm trí về một câu hỏi thừa, đừng buồn não một cách vô ích, và chịu lấy hoàng tử, là mọi việc đều dàn xếp một cách hoàn toàn. Nhưng nàng vẫn xua tay không cho chúng em nói nữa. Rồi cơn lửa giận ở trong người nàng lại bốc lên, nàng chửi rủa huyên thuyên. Nàng nói rằng: "Đối với vị hoàng tử đã giải đáp được ba câu đố ấy, ta lại ghét hơn là những vị hoàng tử khác kém thông minh hơn hắn! Và bây giờ đây ta không có cách gì để giải đáp cái câu hỏi ngoắt ngoéo của hắn, ta chỉ có một cách là ám sát hắn đi để tránh cho ta một sự ngượng ngùng  trước công chúng, và xa hẳn cái nạn ghê gớm ấy mà ta hằng lo sợ: cái nạn lấy chồng. Ồ trời kia xuống đây cũng không thể buộc ta lấy chồng được! Lấy chồng là một sự vô lý, một sự nhục nhã: Ta mà lấy chồng để đẻ con à! Tạo hoá cho ta một cái nhan sắc tuyệt vời như thế này không lẽ để dùng vào một việc ty tiện như thế ấy!" Một người thị nữ nữa và em hết sức phản đối cái ý định tàn ác ấy là giết hoàng tử, nhưng công chúa vẫn khăng khăng cho là thượng sách để tự cứu mình. Rồi nàng bèn gọi lại mấy người thái giám mà nàng rất tin cậy và truyền cho những người đợi sáng mai khi hoàng tử vào hội nghị để nghe câu trả lời của công chúa, lúc qua điện Thái Minh thì họ nhảy vào đâm giết hoàng tử.

Nghe xong hoàng tử rú lên:

− Có thật như thế không? Cái nàng công chúa dã man ấy đang định tâm giết một người chỉ có cái tội là giải đáp đúng ba câu hỏi của nàng. Có lẽ ta, dưới con mắt nàng, trở nên ghê tởm lắm chăng. Nàng muốn trừ ta đi không phải để khỏi lấy ta làm chồng, mà cốt để tránh một sự chướng mắt. Vì người như ta không xứng được quỳ dưới gối nàng để nói với nàng những lời tình tứ yêu đương?

Người thiếu nữ ung dung đáp:

− Không, hoàng tử không nên lấy đó làm một điều đáng phàn nàn. Trời Phật sẽ thu xếp một cách chu toàn. Trời Phật chưa nỡ bỏ hoàng tử, vì Trời Phật còn sai em đến trong lúc đêm khuya này để tin cho hoàng tử sự gian nguy sắp tới, và cùng hoàng tử để tìm cách trốn tránh. Em có quen với hai người thái giám. Hai người này xưa nay rất được em tin cẩn. Họ đã hứa với em rằng họ sẽ tìm cách để cho hoàng tử trốn ra khỏi chốn này, một cách kín đáo. Nhưng có điều này em biết trước rằng: Nhà vua thế nào rồi cũng biết em là chính phạm ở trong việc này, và thế nào em cũng không được yên. Vậy em định trốn với hoàng tử.

Nghĩ một lát, nàng lại nói tiếp:

− Ở cuối điện này, đã có mấy con ngựa chờ chúng ta sẵn… Xin hoàng tử đừng nghĩ ngợi làm gì nữa, ta đi ngay, trốn ngay. Ta trốn xa kinh thành. Ta về La Thôn. Em hiện có một người cậu ruột ở đấy, trước làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, về hưu trí đã mươi năm nay. Ta tới kể hết tình cảnh của chúng ta cho cậu em nghe. Ông sẽ vui lòng để cho ta yên ổn. Ở đấy ta sẽ trồng rau và yêu nhau. Em cam đoan với hoàng tử rằng: Ở đấy sẽ có bên mình một vị công chúa săn sóc chiều chuộng hoàng tử luôn. Nàng công chúa ấy cũng có một cái nhan sắc để cho kẻ khó tính nhất cũng phải vừa lòng, nàng có một nụ cười làm cho những kẻ buồn nản đến bao nhiêu cũng phải yêu đời… Hoàng tử đừng ngần ngại nữa, hoàng tử nên quả quyết đi thôi. Ta khởi sự đi từ bây giờ thì khi mặt trời mọc, ta đã xa chốn này được ít nhất là hai mươi dặm. Hai con ngựa mà em đã lựa để ngoài kia đều là hai con ngựa hay cả.

Hoàng tử nghĩ một lúc rồi đáp:

− Ta xin đội ơn cô nương đã có lòng tốt muốn cứu ta ra khỏi cơn nguy. Nhưng mà không lẽ ta lại đi trốn tránh thế này. Vua Thái Tôn sẽ coi ta ra thế nào nữa. Không chừng ngài lại coi ta như một kẻ khốn nạn đến để chỉ cốt quyến rũ cô nương mà thôi. Không, không thể như thế được. Dầu công chúa Lã Mai là một người dã man độc ác đến đâu lòng ta cũng không thể hiềm ghét công chúa. Thú thật với cô nương ta không thể hết thương yêu công chúa, thờ kính công chúa, và quả công chúa có muốn giết ta đi nữa, thì ta cũng vui lòng để yên cho nàng giết, không cần phải chống cự hay oán thán.

Thấy hoàng tử nhất định rằng muốn chết còn hơn là theo trốn với nàng, thì thiếu nữ làm bộ khóc lóc thảm thiết và nói:

− Em biết rằng: Hoàng tử coi cái tính mạng mình nhẹ như mảy lông, khinh cái sống, không sợ cái chết. Nhưng hoàng tử cũng nên nghĩ xa hơn thế một tý: Hoàng tử hãy nên ra tay tế độ cứu lấy một kẻ tù nhân đương chịu trăm điều thống khổ ở trong tay những kẻ đã giết dòng họ mình.

− Vâng, ta sẽ hèn nhát lắm, ta sẽ khốn nạn lắm, vì ta đã hững hờ với một việc đại nghĩa. Nhưng ta biết làm thế nào được? Mắt ta đã nhìn thấy mặt công chúa một lần rồi, và lòng ta, ngày nay, chỉ đầy những tình yêu đương công chúa. Ta có thể bỏ hết, ta có thể quên cả, nhưng ta không thể quên bỏ được công chúa. Được làm một kẻ hào kiệt mà chịu mất công chúa cũng không thể làm cho ta sung sướng hơn là được công chúa mà làm một kẻ tiểu nhân.

Thiếu nữ vội vàng đứng dậy và nói bằng một giọng giận dữ:

− Thôi em xin chúc hoàng tử ở lại đây với những ngày vui sướng: rưới máu ra mà tìm lấy một chút hạnh phúc. Em sẽ đi một mình. Em không giục hoàng tử đi nữa đâu, vì em biết đi với một kẻ tỳ nữ như thiếp, hoàng tử sẽ mất cả thể diện. Nhưng xin hoàng tử nhớ cho rằng: Người sắp từ biệt hoàng tử đây, trước kia cũng là một vị công chúa như trăm nghìn công chúa khác.

Nói xong thiếu nữ chào hoàng tử rồi đi ra.

 

***

 

Sau khi người thiếu nữ kỳ lạ ấy đi khỏi rồi thì hoàng tử Vân Kệ trằn trọc không sao ngủ được nữa. Và lúc trời vừa hửng sáng, thì hoàng tử đã nghe có tiếng trống tiếng chuông nổi dậy inh ỏi. Sáu người thị vệ tới đón hoàng tử tới nơi "Hội nghị". Khi đi qua điện Thái Minh, hoàng tử tưởng thế nào cũng có người đã chực sẵn ở đó để nhảy ra đâm giết mình. Hoàng tử không nghĩ đến sự đề phòng, vẫn ung dung, vẫn mạnh bạo đi qua chỗ đó, mạnh bạo và ung dung bước tới cái chết. Nhưng lạ quá! Hoàng tử lại đi thẳng tới điện Thái Hoà, và nghĩ rằng: "Có lẽ công chúa sẽ giết ta ở đây". Rồi nhìn ra mọi người đứng xung quanh, hoàng tử thấy như người nào cũng có thể là hung thủ của mình. Vẫn không có việc gì xẩy ra hết. Bước qua phòng hội nghị, hoàng tử đã thấy tề tựu lại đủ mặt đình thần như hôm trước, các vị bác học đại khoa cùng các vị Thượng thư. Hoàng tử đưa mắt nhìn những người xung quanh va tự nghĩ: "Không biết ý định của Lã Mai thế nào! Hay là công chúa muốn ta bị giết trước mắt nàng chăng? Hay là nàng đã đổi ý kiến rồi: Nàng không muốn giết ta nữa… Thế thì lại… càng hay!"

Trong lúc ấy thì đức Thái Tôn ngự đến và theo sau có công chúa. Hai người ngự lên bệ. Còn hoàng tử đi ra đứng trước bệ cách ba thước như hôm trước.

Một viên thị độc đứng ra nhắc lại lời giao kết của hoàng tử và công chúa. Hoàng tử thề lại một lần nữa rằng chàng vui lòng từ hôn nếu như công chúa giải được câu hỏi chàng. Đoạn chàng hỏi lại câu hỏi hôm qua:

− Vị hoàng tử lưu lạc phong trần đã nhiều, nay sắp được nhiều danh vọng nhiều hạnh phúc, xin công chúa cho biết vị hoàng tử ấy tên là gì?

Đức vua yên trí rằng thế nào công chúa cũng không tài nào trả lời được cái câu hỏi của hoàng tử, cho nên ngài nói với công chúa một cách đắc ý:

− Công chúa muốn nghĩ ngợi bao nhiêu thì nghĩ ngợi, mà dầu có nghĩ đến một năm, hay là một đời nữa cũng khó lòng mà giải đáp được, chi bằng liệu mà hàng phục đi là hơn cả, cho cha được vui lòng thấy ngay một hoàng tử xứng đáng vào làm rể của cha.

Công chúa mỉm cười một cách chua chát và đáp:

− Sao cha lại biết rằng con không thể đáp được. Cái câu đố có khó như cha tưởng đâu, hoàng tử có vẻ khinh cái tài trí của bọn phụ nữ chúng con lắm. Để con sẽ cải chính cho hoàng tử một điều ngộ nhận lớn như vậy.

Đoạn quay về phía hoàng tử, nàng nói tiếp:

− Tâu hoàng tử, vị hoàng tử đã phong trần lưu lạc nhiều và sắp được nhiều hạnh phúc và danh vọng chính là người đương đứng trước mặt em đây. Và người ấy tên là Vân Kệ, và đã từng lấy hiệu là Tần Thuỷ.

Thoạt nghe đến tên mình, thì hoàng tử tái hẳn cả mặt đi, chân tay bủn rủn, đứng không vững, và ngã xuống đất. Mọi người từ đức vua cho đến đại thần đều nhìn lo sợ và ngơ ngác không hiểu từ đâu lại có sự kỳ lạ ấy.

Một hồi lâu hoàng tử đã tỉnh lại. Chàng khúm núm đi lại bên công chúa và nói:

− Công chúa chớ tưởng rằng công chúa đã giải đáp được cái câu đố của tôi. Vì vị hoàng tử sắp được nhiều danh dự và hạnh phúc đó không phải là tôi nữa. Tôi bây giờ chỉ là một người trơ trẽn khốn khổ nhất trần gian.

Công chúa cười ngặt nghẽo không thèm đáp.

Im lặng một lúc lâu, công chúa đáp:

− Em cũng nhận rằng, chính lúc này thì vị hoàng tử ấy chẳng có danh vọng, chẳng có hạnh phúc, nhưng ít ra trong lúc vị hoàng tử ấy hỏi ta cái câu hỏi ngoắt ngoéo ấy, thì cũng phải lấy làm đắc ý và danh dự lắm. Thôi xin hoàng tử đừng viện những cái cớ trẻ con ấy để mà tự bênh vực cho mình, tốt nhất là công tử nên thành thật thú nhận rằng: mình không còn có quyền được lấy công chúa Lã Mai làm vợ nữa. Đáng lẽ em có quyền từ hôn, nhưng xin nói cho cả đình thần biết rằng: đối với hoàng tử nay em đã thay đổi thái độ. Vì chút tình lưu luyến của cha em đối với hoàng tử, vì cái tài học của hoàng tử, nay em muốn đính hôn với hoàng tử.

Công chúa vừa nói dứt câu, thì mọi người đều tỏ vẻ vui mừng và hoan hô công chúa. Đức vua đi lại bên nàng cầm lấy tay nàng và nói:

− Công chúa ạ! Thật công chúa đối với dân gian, sẽ rửa sạch cho mình một tiếng xấu: bấy lâu chả phải công chúa đã bị ngươi ta coi như một người hung tàn, có những tư tưởng độc ác? Một người như công chúa không lẽ phải mang cái tiếng không hay ấy mãi? May thay hôm nay công chúa đã đưa lại sự vui vẻ trong lòng mọi người! Công chúa ạ! Ta muốn hỏi công chúa một điều: Công chúa làm thế nào mà biết được cả tên cùng hiệu của hoàng tử?

Công chúa đáp:

− Không phải tình cờ mà con biết được đâu! Ấy là nhờ mưu mô. Con sai một người tì nữ của con đến hỏi dò, và hoàng tử bị đánh lừa đã khai cả cho người tỳ nữ của con.

Rồi nàng kể lại câu chuyện hôm qua cho mọi người cùng hay. Đoạn rằng nói thêm:

− Nhưng việc con nói đó không ai thể cho là bất chính, vì hôm nay con đã thay đổi ý kiến, con nhất định lấy hoàng tử.

Đến lượt hoàng tử đứng lên nói:

− Thật tôi không ngờ công chúa đối với tôi có nhiều thiện cảm thế. Thế mà trước kia tôi tin công chúa chỉ là một kẻ hung tàn. Xin công chúa vui lòng lượng cho.

Đức vua đứng lên nối lời hoàng tử:

− Thôi bây giờ ta xin mọi người giải tán. Tối nay ta sẽ cho gọi thông thiên giám đến để tìm ngày lành tháng tốt mà làm lễ đính hôn cho hoàng tử và công chúa.

Mọi người ra về, hớn hở.

 

***

 

Cách mấy tháng sau. Một đêm vắng vẻ ở điện Quỳnh Hoa. Bấy giờ lối canh hai qua canh ba… Hoàng tử và công chúa như giật mình bởi một tiếng gọi thiêng liêng, cùng tỉnh dậy trong một lúc. Mặt trăng đã  lên cao, lấp ló ở ngoài song cửa.

Hai người cùng hẹn nhau ra tựa lan ỷ, một con chim lạ véo von hót trên một cây phượng.

Hoàng tử hỏi:

− Con chim gì mình nhỉ?

− Con chim bạch truộc đấy, nó đến với mùa thu.

− Con chim gì lại có cái tên kỳ dị thế?

− Ồ chỉ những người may mắn lắm mới được nghe nó hót một lần. Vì suốt một năm nó chỉ hót một lần, người ta không biết ngày giờ nào mà đón nó.

Hoàng tử nắm chặt lấy tay vợ:

− Có thực vậy, vợ chồng ta là những người sung sướng và may mắn, nhất đời?

Công chúa khóc rưng rức không đáp.

− Em có điều ân hận?

− Em chỉ có một điều ân hận là trước kia không hiểu sao em có thể có cái ý tàn bạo là không muốn lấy chồng. Mà mấy tháng chung chăn gối với hoàng tử, nhất là trong đêm nay, trong giờ này thì em thấy cái cảnh vợ chồng là một cảnh đáng yêu đương, đáng ao ước hơn cả! Vợ chồng, − hoàng tử ạ! − còn cái lạc thú nào hơn?

Hoàng tử ung dung đáp:

− Vài lời giản dị của công chúa cũng đủ đánh đổ cái triết lý cao thâm của ông già ở dưới chân núi Tuyết Mã. Cái chuyện tình thảm khốc của ông cụ yếm thế ấy, − than ôi! − chỉ là một chuyện bịa. Ở khoảng trời đất lồng lộng này chỉ có một cái thiên đường, − cái thiên đường của những người yêu và kết nhau làm vợ chồng.

 

● Nguồn:

- Lưu Trọng Lư: Công chúa Lã Mai, truyện dài, phỏng theo truyện cổ, tranh vẽ của họa sĩ Nguyễn Trọng Hiền // Hà nội báo, Hà Nội, s. 38 (23 Septembre 1936), tr. 20 - 24; s. 39 (30 Septembre 1936), tr. 7 - 11; s. 40 (07 Octobre 1936), tr. 23 - 26; s. 41 (14 Octobre 1936), tr. 25 - 28; s. 42 (21 Octobre 1936), tr. 26 - 29; s. 43 (28 Octobre 1936), tr. 11 - 12; s. 44 (04 Novembre 1936), 24 - 26; s. 45 (11 Novembre 1936), tr. 17 - 20; s. 46 (18 Novembre 1936), tr. 11 - 14; s. 47 (25 Novembre 1936), tr. 30 - 32; s. 48 (02 Décembre 1936), tr. 11 – 12.

- Lưu Trọng Lư: Lã Mai công chúa, tranh vẽ Nguyệt Hồ // Huyền Không động, Nam Định: Nxb. Hội Ký, N. 24 Carreau Nam Định, 1935, tr. 77 – 179.

 


 

[a] Ở cuối kỳ Hà nội báo đăng đoạn này, tác giả đăng thêm lời nhắn gửi bạn đọc: “Độc giả nào mà gỉải được ba câu đố này thì tác giả sẽ gả Công Chúa cho”! (Hà nội báo, s. 44, ngày 4 Novembre 1936, tr. 26.

[b] Ở cuối kỳ đăng này, Hà nội báo đăng lời đáp độc giả: “Cùng ông Nguyễn Xuân Thạch ở Nghệ An. Trong những người đã giải những câu đố ấy chỉ có ông là giải trúng và gửi về trước hết. Ông bảo nếu trúng thì gửi Công Chúa vào cho ông ngay, nhưng có một điều là ông quên dặn phải gửi bằng cách nào. Và trước ông mấy trăm năm, hoàng tử Vân Kệ đã giải trúng cả, thế mà Công Chúa còn cãi cối cãi chầy để từ chối nữa là ông. Vậy ông nên bằng lòng vậy. – L.T.L.” (Hà nội báo, s. 46, ngày 18 Novembre 1936, tr. 14).