GIÓ CÂY TRÚT LÁ

CHUYỆN MỘT CÔ LÁI ĐÒ TRÊN SÔNG HƯƠNG

 

 

… Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương

Lối mòn cỏ lợt màu sương

Lòng quê đi một bước đường một đau

NGUYỄN DU

 

 

 

PHẦN THỨ NHẤT

 

Ở Kinh đô, từ cái quá khứ xa xăm còn lưu lại được một cái dấu vết của đời thanh tao  nhàn rỗi, cái đời êm đềm của tao nhân mặc khách, là những lúc trăng thanh gió mát, thường hay mượn thuyền rong chơi trên dòng sông Hương.

Cái phong thú ấy đã trở nên một cách hoàn toàn cái phong thú của những thanh niên còn khờ khạo, không từng biết uống rượu ngâm thơ hay thưởng thức một cung đàn một nhịp hát.

Theo lệ thường, chiều hôm ấy, một buổi chiều thu trong trẻo, Hải một mình ra đứng ở bến Phu Văn Lâu để ngóng thuyền đi qua, chàng mặc một bộ đồ trắng, đi đầu trần, và tay cầm một vài tờ báo. Hôm nay trông Hải trẻ lại, và ngây thơ tươi thắm như một cô thiếu nữ mười lăm, mười sáu tuổi. Trong lúc đợi thuyền, Hải đi bách bộ trên bãi cỏ, đưa mũi giầy đá vào những bụi cỏ, những con châu chấu bị động, hốt hoảng nhẩy bay ra tung tóe. Hải đuổi theo bắt những con vật xinh xắn ấy. Rồi mỏi chân, chàng ngồi xuống một tảng đá nhìn ra sông, mơ mộng... Bao nhiêu vẻ ngây thơ xinh tươi đều đắm đuối vào trong sự trầm tư. Chàng đã trở lại với cái nguyên tính của chàng, của một người đứng tuổi − chàng năm ấy đã hai mươi ba tuổi, − một người đạo mạo, lo lắng, trước mắt chỉ trông thấy những nghĩa vụ to lớn đối với gia đình, đối với quốc gia, đối với xã hội.

Bấy giờ, trời đã chiều hẳn... Những đò buôn qua lại trên mặt sông đã thưa thưa dần, vì chợ Đông Ba đã tan từ lúc sớm. Trong năm ba chiếc thuyền lưởn vưởn theo ven bờ, chàng rất chú ý đến một chiếc đò con con gọn gàng, đi ngược lên nguồn. Một bà cụ già giữ lái, một thiếu nữ đứng ở đằng mũi, đứng gỡ tóc, quay ra phía sông.

− Bà cho tôi ngược với!

− Thầy đi mô?

− Tôi lên Long Thọ.

− Xin thầy hai hào.

− Được. bà cho ghé thuyền lại.

Người thiếu nữ ngừng tay ngoảnh nhìn lại trong nháy mắt rồi lại trở về phía sông, cây lược sừng lại sột soạt chạy trong mớ tóc mây dài quá áo.

Hải bước vào. Chiếc đò chòng chành trong giây lát rồi lại bình tĩnh rạch nước đi.

Mặt trời đã gần lặn hết, ở sau dãy núi chập chùng xa xa lấp ló trong mấy nhịp cầu sắt thênh thang của Bạch Hổ. Một vài ánh vàng tàn còn lảng vảng hấp hối trong những chòm mù u xanh biếc ở ven bờ sông.

Hải ngồi ở mạn thuyền, cởi giầy ra và khẽ chao chân trên mặt nước. Những bức hoàng thành đồ sộ lung lay dưới nước một cách dễ sợ. Một vài ngôi sao đã bắt đầu lấp lánh dưới đáy sông thăm thẳm. Bỗng Hải giật mình khẽ rút chân lên, ngồi thừ ra. Hải cũng vừa nhận thấy bóng một người đẹp rung rinh in trên nền trời xanh ngắt trông càng sâu thẳm khi chiếu xuống dòng sông. Người thiếu nữ đẹp một cách huyền ảo mơ màng, đẹp như một tiên nữ còn sáng lạn ở trong trí tưởng tượng của thi nhân.

Bỗng một ngọn gió lạnh ở dưới sông đưa lên vùn vụt, những tà áo của thiếu nữ bay phơn phớt xóa nhòa hẳn cái bóng nàng ở dưới nước. Hải vô tình buông ra một tiếng thở dài. Bây giờ thiếu nữ đã bao thành mấy vành tóc ở trên đầu, cúi mình đỡ lấy cán chèo và đẩy mấy mái. Mình nàng tha thướt uốn theo điệu chèo, trông mềm mại uyển chuyển như một vũ nữ. Con thuyền đều đặn, nhịp nhàng rẽ nước đi, êm ái như trong một giấc mộng. Lặng lẽ, một đôi én bị động bay từ bờ này qua bờ kia sông. Thiếu nữ cất cái giọng rất trong trẻo, rất thâm trầm hò một câu đò đưa:

 

Nước xanh xanh bên thành con yến trắng

Thẳng cánh bay tới cõi xa xăm,

Anh đi mô không bóng không tăm

Năm canh em đợi ruột tằm héo hon.

 

Bác ơi! Chở khách lên đến Long Thọ rồi đò trở về hay là lên ăn ở chợ Tuần?

Không đáp lời thiếu nữ, bà cụ hỏi Hải:

− Thầy đi lên Long Thọ rồi thầy còn trở về nữa chớ?

− Dạ tôi còn trở về để sáng đi làm...

− Lỗi phép thầy, thầy làm ở mô?

− Tôi làm thầy thuốc ở bệnh viện Huế.

− Vậy "quan" làm ơn cho tôi một chút việc, nhờ "quan" chỉ giúp cho: cháu nó đã năm tháng nay mắc bệnh thổ huyết, uống bao nhiêu thầy bao nhiêu thuốc cũng không  khỏi. Cả ông lang Vinh ở dưới Hương Cần cũng đã cắt cho nó mấy thang, uống vào cũng không thấy đỡ. Bình thường thì nó cũng ăn được ngủ được, nhưng độ năm, bảy hôm thì nó lại khạc ra một ít máu. Con bé yếu lắm, đến tiết lạnh này, sợ nó  không chịu nổi.

− Thuốc tây đã hay ho gì hơn thuốc nam, nhưng có điều chắc chắn, không  khỏi thì thôi chứ không sợ nguy đến tính mạng. Thế thường thường cô có ho không?

Thiếu nữ dừng tay... quay lại, thay bà cụ đáp lời Hải:

− Cảm ơn ông, thường thường em chỉ ho ít thôi, chỉ trừ khi nào trở trời.

Hải bẽn lẽn không hỏi thêm gì nữa, cúi xuống nhìn những ngấn nước xoay tròn dưới lát chèo. Hải như bị người thiếu nữ trước mắt lấy hết cả tâm hồn: trong cái đời rất êm đềm vô sự của Hải chưa bao giờ có những phút say sưa đến thế, đứng trước mặt một cô gái mộc mạc, chất phác mà lại đẹp nữa, trong một cảnh trời lờ mờ thấp thoáng như thực như ảo.

Mặt trời đã khuất hẳn. Con đò đã qua khỏi cầu Bạch Hổ. Một chiếc tầu hỏa từ phía An Hòa bò tới, phun khói lên trên những bức thành đồ sộ, ở xa trông như khói đạn ở trong thành bắn ra. Mấy tiếng còi làm tan cả bầu không khí yên lặng của thành phố Huế.

− Tàu Vinh về sớm quá bác nhỉ?

Thiếu nữ vừa nói vừa quay lại nhìn chiếc tàu ầm ỹ chạy qua cầu.

Bà cụ thúng thắng ho mấy tiếng rồi mới đáp:

− Sớm gì nữa cháu? Hễ mặt trời lặn độ "giập bã trầu" thì tàu về. Tàu nhà nước thường đi có chừng có mực như thế cháu nờ!

Câu nói ngây ngô của bà cụ làm cho Hải mỉm cười, và như đưa lại sự trong trẻo trong lòng chàng.

− Thường mỗi khi, cô ho ra huyết, cô có thấy mũi  không?

Ngợ ngàng vì câu hỏi đột ngột, thiếu nữ chưa kịp đáp, thì bà cụ đã đỡ lời:

− Cảm ơn quan. Chỉ thấy lởn vởn chút ít thôi.

− Cô đau bệnh phổi đấy. Coi chừng cô đừng đi ra gió lắm. Nên kịp chữa đi, lâu ngày khó... Đò của cụ thường đậu ở bến nào?

− Bẩm ở bến Vị Giạ.

− Thế thì cũng hơi bất tiện... Nhà tôi ở Thành ngoại... tới Vị Giạ hơi xa.

− Nếu quả quan có lòng giúp cháu, thì tôi sẽ dẫn cháu đến tận nhà xin thuốc. Đâu dám phiền đến quan, quan tử tế quá, già biết làm sao đền đáp công ơn quan.

− Hay là thế này thì tiện hơn cả: ngày ngày độ 6 - 7 giờ chiều nào tôi cũng ra sông, không đi thuyền này thì tôi cũng đi thuyền khác...

− Được vậy, thì tiện cả hai bề. Thế bao giờ quan sẽ làm phúc cho cháu?

− Bắt đầu ngày mai. Bệnh này chữa sớm được ngày nào hay ngày nấy...

Thiếu nữ xen vào:

− Bác ơi! Thân cháu cháu biết, thuốc với men làm gì vô ích khéo để phiền cho... ông.

Bà cụ mắng yêu cháu:

− Cháu chỉ được cái nói tầm bậy thôi. Lần nào bác nhủ cháu uống thuốc, cháu cũng giở cái giọng ấy ra.

Rồi nhìn Hải bà cụ đáp tiếp:

− Cháu nó còn khờ dại lắm, xin quan tha lỗi cho. Cứ y như lời quan dạy, độ sáu giờ sẽ có đò chúng tôi ở bến Phu Văn Lâu.

Hải gật đầu một cách gượng gạo. Câu nói của người thiếu nữ làm cho Hải suy nghĩ. Biết đâu nàng chẳng là con nhà quý phái sống trong cảnh giầu sang êm ấm, rồi gặp bước éo le, một buổi chiều sa chân lỡ bước trên con đường luân lạc! Biết đâu, nàng chẳng có một cái quá khứ bí mật, và đau khổ! Nhưng cái vẻ quý phái, cái đau khổ của nàng chẳng hại gì đến cái sắc đẹp ngây thơ mộc mạc của nàng! Nàng đã là một cô lái đò trọn vẹn... một chiếc yến trắng lanh lẹ, sống trong  bầu trời trong trẻo của sông Hương. Bà cụ thấy Hải ngồi im lặng thì e ngại, bèn giả cách mắng thiếu nữ cho vừa lòng Hải.

− Cháu Lan! Từ rầy, cháu không  được dại dột thế nữa, nghe không? Từ hôm nay, quan đây đã là ân nhân của hai bác cháu mình rồi.

Lan gật đầu, và mỉm cười sẽ đáp:

− Cháu xin nghe lời bác. Cháu sẽ uống thuốc và chỉ trong vài tuần nữa phổi cháu sẽ khỏi hẳn.

Câu nói quả quyết lạ lùng của Lan làm cho Hải không sao nín cười được. Chàng thấy mình bước vào trong cái đời thân mật ở trong khoang thuyền nhỏ. Chàng đánh bạo hỏi bà cụ cái điều nãy giờ chàng bâng khuâng ở trong lòng.

− Thưa bà, cô Lan đây là gái đầu của bà hẳn?

− Bẩm quan, già không có con, nhưng có cháu nó cũng như có con.

− Thì ra, cô Lan là cháu gọi bà bằng... bác.

Bà cụ còn lúng túng chửa biết đáp ra sao, thì Lan nói xen vào làm đứt ngang câu chuyện.

− Đã gần đến Long Thọ rồi bác nờ.

− Thôi để bác chèo một mình cũng được, cháu vào nghỉ đi, kẻo mai lại mệt.

− Đến bến, rồi cháu lại nghỉ cũng được.

− Không, cháu chớ trái lời bác.

Lan ngoan ngoãn gác chèo lên, bước vào khoang. Bấy giờ đã quá canh một. Sao trên trời và dưới nước mọc càng đặc sịt buông ra những tia sáng lờ mờ lấp lánh làm cho cảnh ban đêm càng thêm huyền ảo.

− Bẩm quan đã đến nơi rồi đấy. Đậu ở bến Cát hay bến Chợ?

− Bến nào cũng được, vì sáng sớm tôi mới lên bờ đi xe kéo về Sở.

Bà cụ rút sào, cắm thuyền lại, rồi đi ra khoang ngoài, ngủ với Lan.

Ngồi chán, Hải cũng vào nghỉ, vừa đặt lưng xuống thì bên kia sông chùa Thiên Mụ đã động chuông.

Tiếng chuông đồng thánh thót từng tiếng một rơi ra giữa khoảng trời đất ngừng trệ, làm rền rĩ, rung chuyển mặt nước, khí trời, cỏ cây.

Hải tưởng thấy có một bà tiên mặc toàn mầu trắng, miệng thổi cây phương tiêu, bay từ ngôi chùa ra, uốn mình trên không mấy vòng rồi từ từ tung lên mấy dặm xanh... Tiếng tiêu dìu dặt xa dần. Trước khi biến hình vào cõi xa mờ, Tiên nữ đã reo cái buồn mênh mông réo rắt trên khắp nước non cây cỏ.

Người khách hôm ấy thấy xác mình nhẹ bỗng, thanh khiết, kết toàn bằng những vần và điệu. Vô tình Hải ngâm bài thơ cổ.

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

 

Lần đầu tiên, Hải vẩn vơ mơ màng, như thương ai, yêu ai, nhớ ai…

 

 

***  

 

Sau khi điểm tâm một cốc cà phê, Hải gọi thằng bếp Tý lên bảo:

− Tý, hôm nay có ai đến hỏi tao, thì mày cứ nói là tao có việc phải đi chơi xa…

Rồi chàng đứng dậy, khoác cái áo chùng đen vào mình, với lấy cái mũ dạ. Chàng ra đi. Chàng cũng không biết chàng sẽ đi đâu: Ý chàng là chỉ muốn tránh Lan hôm nay đến cho chàng chích thuốc. Chàng cho đó là một cách trả thù xứng đáng với cái lòng khinh bỉ của Lan đối với chàng. Từ hôm qua đến nay, Hải cảm thấy rõ ràng chàng bị Lan khinh.

 Nếu không thì sao đương ngồi chơi với ta ở mạn thuyền, giữa câu chuyện đương nồng nàn, nàng lại bỏ ta đi nghỉ? Thế là nghĩa gì? Một người đẹp như nàng chẳng nên có cái cử chỉ bất nhã ấy.

Chàng cho rằng: sỡ dĩ bị nàng khinh là vì chàng đã gắn bó đến nàng một cách đặc biệt.

Từ khi xuất thân ra làm y sĩ đến nay, Hải chưa thấy mình sốt sắng, hết lòng với bệnh nhân như thế.

Đã hơn một tháng nay, dưới thuyền Lan không mấy hôm là vắng mặt Hải. Tiền thuốc men, tốn kém cho Hải rất nhiều, nhưng Hải vẫn giấu Lan, và như lấy điều ấy làm sung sướng. Thật ra Hải không còn xem Lan như một người bệnh thường.

Mỗi khi đặt vào ngực Lan để chẩn mạch, hay là nắm tay Lan để châm kim, thì Hải thấy có những cái cảm giác lạ lạ hay hay, không còn giữ được vẻ tự nhiên nữa.

Gần Lan nhiều khi Hải quên mình là một nhà y sĩ đến để điều trị cho nàng, chàng coi mình như một kẻ tội nhân đến để xin nàng… tha thứ cho. Là vì đối với Lan, Hải đã có cái tư tưởng mà chàng cho là “bất chính”. Có lúc Hải đã thấy trong tâm hồn mình bắt đầu phưởng phất một thứ tình là lạ mà chính chàng cũng không hiểu nó ra thế nào và tự đâu mà có. Chàng không hiểu mình, và chàng cũng không thể hiểu được người.

Dưới mắt Hải, Lan vẫn là một người bí mật. Có lúc, bên Hải, nàng chuyện trò như ngô rang, tươi vui, trong trẻo như một đóa hoa nhởn nhơ dưới trời buổi sáng. Có khi nàng ngồi im lìm ủ rũ, và màu nhiệm như một vị Nữ thần.

Chàng không bao giờ đả động đến cái quá khứ nàng, vì chàng muốn coi nàng như một vị Nữ thần ở trên một tinh cầu xa lạ rơi xuống và chưa từng có một cái dĩ vãng ở dưới trần gian. Sao nàng lại có cái cử chỉ kỳ quặc như thế: giữa những phút nồng nàn bên chàng, nàng bỗng nhiên bỏ vào đi nghỉ?... Suốt một đêm qua, sau khi ở thuyền về, Hải chỉ luẩn quẩn với một ý nghĩ không đâu ấy, mà sáng nay chàng không muốn tiếp Lan như mọi ngày chủ nhật khác.

Giá có ai hôm ấy gặp Hải ở dọc đường, trông cái cách ăn mặc lôi thôi của chàng cũng phải tưởng chàng vừa ở sòng bạc bước ra; kể chàng còn thấy mình khổ não hơn người thua bạc.

Cảnh vật hôm nay đối với chàng sao có vẻ buồn tẻ lạnh lùng thế!

Dải hoàng thành lờ mờ sau một lớp mù xanh đẫm, trong như một khối sầu hoạt động từ ngàn xưa lù lù tiến tới. Những thân cây mù u mạnh mẽ, oai nghi như sôi nổi ở trong lòng uất ức. Cả cái buồn rầu man mác ở giữa trời Huế, cả cái sầu muộn của quá khứ như bao phủ lấy chàng.

Khỏi trường Quốc Tử Giám chàng quặt về tay phải, đi thẳng tới cửa Ngọ Môn. Trông cái bia có hai chữ “Hạ mã”, Hải bĩu môi một cách khinh bỉ. Hai chữ “Hạ mã” nhắc lại cho chàng một cái ý nghĩ tàn bạo hôm qua đã len vào trong trí chàng: Chàng không muốn quen Lan hơn nữa. Hải trông vào bia khinh khỉnh nói: “Thì sao ta lại chẳng nên dừng bước lại đây!”. Nhưng chân chàng vẫn cứ bước tới…

Bỗng sau lưng, một tiếng cười, một tiếng cười trong trẻo làm trong sáng cả cảnh vật… Rồi ngoảnh lại, Lan chạy tới, tay nắm một quyển sách, miệng nhí nhảnh cười…

− Anh Hải! Anh giận em đó à?

Hải ngoảnh mặt đi không đáp.

− Mồm anh ngậm thị…

Rồi nàng phá ra cười. Hải nóng mặt quay lại.

− Tôi không trẻ con với cô.

− Không, anh người lớn, người lớn lắm! Nhưng... nè! Em hỏi, tại răng hôm nay anh không ở nhà chích thuốc cho em? Một người lớn không bao giờ sai hẹn, có phải rứa không anh Hải?

Rồi như muốn Hải đừng nghĩ gì đến chuyện ấy, Lan vừa phe phẩy quyển sách ở tay, vừa tiếp luôn:

− Anh cho mượn quyển sách này nha! Trong một hôm, em xin trả và xin sẽ là trẻ con vì em sẽ trả đúng hẹn.

− Cô chửi tôi vừa vừa chớ!

Chẳng đáp lời Hải, nàng tiến lại bên cái bia, ngồi lết xuống cỏ, giở sách ra đọc. Nàng gục đầu vào sách chăm chú ngồi đọc, bình tĩnh tự nhiên như không hề xẩy ra việc gì.

Trong lúc ấy, Hải vòng tay đứng ngắm nghía nàng với một cái vui sướng trong trẻo. Cái cử chỉ kỳ lạ và ngộ nghĩnh của Lan đã đuổi sạch khỏi óc chàng những tư tưởng nặng nề. Càng nhìn nàng, Hải càng tìm thấy được thêm một cái thú vị mới. Sự nàng đọc được cả chữ Pháp không làm cho Hải ngạc nhiên nữa… Chàng cho Lan là một bà tiên mầu nhiệm có đủ mọi quyền phép, khi ẩn thì mầu nhiệm bí mật, khi hiện thì sáng lạn rực rỡ. Chàng sẽ rón rén bước lại gần nàng, đưa tay sẽ gấp quyển sách và lẩm bẩm đọc ở trên bìa sách.

− Romeo et Jullette … Ồ! Cô cũng thích đọc Romeo et Jullette thế hả?

Lan đáp rất  mau:

− Em thích lắm, thích lắm.

− Giá tôi biết cô… đọc được chữ Pháp, và ham tiểu thuyết thế, thì tôi đã cho mượn lắm bộ tiểu thuyết rất có lý thú.

− Thế thì em lại không đọc nữa.

− Vì...

− Vì… quanh năm em không hề nghĩ đến sách vở. Tình cờ em gặp một quyển tiểu thuyết em vồ lấy em đọc, em đọc hối đọc hả, đọc cho mau hết, thế rồi thôi… quanh năm em không màng tới nữa.

− Thế thì cũng lạ thật.

− Nhưng anh cho phép em đọc nốt chớ.

Nàng lại cúi cái đầu vào sách.

Hải lẩm bẩm:

− Vì đời Lan chả phải là một cuốn tiểu thuyết dài.

Lan nghe lọt, ngẩng lên mắng yêu Hải:

− Rầm!

Rồi như sợ cái không khí bao phủ hai người thêm nặng nề, nàng đứng dậy bảo Hải:

− Ta đi về đi thôi. À! Hôm nay, mời anh xuống đò xơi với em một bữa cơm mắm.

Hải sực nhớ đến câu chuyện hôm qua. Chàng thấy rằng mình đã bị khinh và bị khinh, có lẽ vì đã gắn bó đến nàng một cách đặc biệt.

Dõng dạc, chàng đáp:

− Không, không thể được. Hôm nay tôi có người bạn ở Tourane ra chơi chuyến tầu 10 giờ. Thôi chào cô, tôi xin lên ga rước bạn tôi.

Rồi, như một viên tướng gác hết những lời bịn rịn của vợ con khi sắp ra trận, chàng quả quyết gọi xe đi, bỏ nàng với những tư tưởng buồn nản.

Cái cớ lên đón bạn chỉ là một cái cớ chàng thác ra để đánh lừa nàng chứ kỳ thực chàng bước lên xe thẳng về nhà.

Về đến nhà, chàng thấy ở trên bàn giấy của mình một mảnh giấy viết bằng bút chì, viết bằng những nét rất luyện:

 

“Anh Hải, em đến để cho anh chích thuốc. Sao anh đi vắng?

Anh giận em đó à? Em là một người đau khổ, chỉ một cớ ấy cũng đủ anh tha thứ cho, phải không anh? Từ rầy, đò em bắt buộc phải đỗ ở bến Vị Giạ. Serie thuốc ấy, em không muốn chích hết. Cảm ơn anh đã cứu sống phần xác em, nhưng linh hồn em, anh tha cho nó… Một lần nữa cảm ơn nhà y sĩ”.

LAN

T.B. Em mượn anh quyển sách Romeo et Juliette.

 

Hải đọc xong mấy dòng chữ, cảm động lắm… Chàng có lẽ chưa bao giờ qua được những giây phút như thế. Ôi những giây phút êm đềm, những giây phút say sưa mà mình thấy lòng rung động, hòa nhịp với lòng người trong những sự khổ não trong trẻo, nhưng giây phút ấy cho ta những cái lạc thú của Thần Minh! Lần đầu tiên trở lại thương người và sự “thương người” ấy làm cho chàng trở nên một người rộng rãi, khoan hồng…

Dưới mắt Hải bây giờ Lan chỉ là một người đau khổ đáng thương.

Chàng vì cái chức vụ của mình, vì thói quen mà đã giết mất bao nhiêu tình cảm. Tiếng khóc rên của một người bệnh, lời trối trăng của một kẻ sắp từ trần đối với lòng chàng không còn một ý nghĩa gì nữa. Là luôn luôn ở bên những sự đau khổ của loài người, nhà y sĩ không còn có cái cảm giác của một người thường. Trước sự thống khổ lỗ làng và man mác, lòng từ tâm rồi cũng đến dầy rạn. Nhưng sao hôm nay, chàng chợt thấy cái đau khổ của loài người rõ rệt hơn và thống thiết hơn. Lòng chàng thấy rạt rào những nỗi xót xa. Lan đã làm cho cái đời tình cảm của Hải sống lại… và mãnh liệt hơn xưa.

Cái cách trả thù của mình lúc sớm, bây giờ chàng cho là độc ác và hèn nhát vô cùng… Chàng lấy bút giấy ra trả lời cho Lan, chàng định dùng hết những lời dịu dàng tiếng êm ngọt ở trong văn chương Việt Nam để chuộc lại những cái cử chỉ tàn nhẫn của chàng đối với Lan.

 

***

 

Bức thư ấy gửi đi, có lẽ không đủ để mà chuộc lại chút cảm tình của Lan đối với Hải. Đã gần hai tuần rồi, Lan đã không hề đến cho Hải tiêm thuốc nữa. Mà cứ mỗi buổi chiều Hải ra bến Phu Văn Lâu cũng không còn tìm thấy bóng dáng nàng đâu nữa.

Thế rồi, một đêm, khi đồng hồ trên vách đã đổ 12 tiếng, Hải khoác áo, cầm “can” đi ra sông. Không lựa chọn gì hết, chàng thấy một chiếc đò con đi qua, chàng gọi lại và cũng không hỏi giá, chàng bước vào, và bảo chị lái bơi về phía Thiên Mụ.

Trăng lưỡi liềm đã gần lặn. Những tia sao lạnh lùng buông xuống sông, từ dưới nước những làn gió đưa lên từng hơi giá…

Con sông trắng và huyền ảo như giải lụa của vị pháp sư giăng ra để làm cầu từ địa phủ này qua địa phủ khác.

Bỗng có tiếng ca, từ một con thuyền đưa ra, con thuyền ấy cũng bơi về một ngả với thuyền của Hải. Hải nằm kề đầu vào mạn thuyền, ngẩng đầu nhìn lên giời đầy sao, và lắng nghe lời ca:

Ba sanh là nợ chi đây

Nghĩ càng hay, buộc vòng ân ái

Tình tự vui say. Sắt cầm

Hòa hợp xum vầy, hợp sum vầy

Lúc chia tay thêm lận bận đêm ngày

Bơ phờ chăn gối

Mối ly sầu, phăng càng thêm rối

Ủ mặt chau mày, gớm ghê thay

Bể sầu khôn đắp cho đầy,

Gương nga vằng vặc hiên tây

Ngùi trông bóng, thiết tha canh chầy

  

Một phương trời, trông mây

Mây bạc, tình khôn bạc. Nỗi niềm tây,

Ngàn dặm có hay, đặng cùng đây

Trúc mai xum vầy

(Điệu Nam Bình)

 

Tiếng ca trong trẻo như suối hạ, lời ca não nùng như tình yêu, Hải nhìn xem ra quanh mình, tưởng vũ trụ như một cái bọt xà phòng, động mạnh có thể tan trong nháy mắt. Hải cũng thấy mình mơ hồ như một giấc mộng. Lòng buồn rời rợi.

Điệu Nam bình như mang tâm hồn chàng tới một chốn tha hương, lạc vào một nước non xa lạ.

Chàng bất giác nghĩ tới cái nàng công chúa Việt Nam khi xưa bị đầy đến nước Hời… Xưa kia Huyền Trân công chúa bị ép gả cho vua Hời, có lẽ ở trong cái khung cảnh nầy đây, một buổi chiều tà, nhớ đến quê hương mà thốt ra những nhịp điệu ai oán.

Có lẽ nàng công chúa ấy là người đầu tiên mang đến sự buồn não cho non nước này… Có lẽ nàng là người đầu tiên tìm ra cái điệu Nam bình này trong lúc trăng mờ le lói trên dòng sông Hương và sương đôi bên bờ đưa lạnh. Có lẽ nàng là cái nguyên do của bao nhiêu cái ủy mị của hậu lai. Nàng công chúa ấy là sự đau đớn của muôn đời.

 Bỗng có tiếng cười khanh khách làm cho Hải tỉnh mộng. Hải ngồi chồm dậy, nhìn chăm chú vào chiếc thuyền con, bấy giờ đã bơi gần thuyền Hải.

Bên bàn đèn a phiện, một người đàn ông đương nằm dài, và trong lòng người ấy, một thiếu nữ ngồi cúi đầu tiêm thuốc. Người đàn ông khẽ cầm lấy tay thiếu nữ đưa lên môi và yên lặng đặt một cái hôn.

Hải quay đầu không nhìn nữa, và bằng một cái giọng the thé bảo chị lái đò:

− Chị quay đò về Phu Văn.

Đò của người kia đi đã xa, Hải văng vẳng còn nghe tiếng cười cười nói nói. Mồ hôi trên mình chàng rỉ lạnh. Và tâm hồn nao nao. Chàng gục đầu xuống thuyền, khóc như một đứa trẻ con. Vẫn có tiếng cười nói đuổi theo, nghe ghê rợn quá!

Chàng không ngờ người thiếu nữ vừa ca đó lại là Lan. Sự tình cờ mỉa mai đến thế là cùng! Chàng không thấy mình bấy giờ có những cái cảm giác rõ rệt. Có lẽ không phải lòng ghen. Mà có lẽ cũng không phải là tình thương hại. Chàng khóc, chỉ vì chàng không thể đừng được. Rồi dần dần cơn bão táp ở trong tâm hồn chàng yên lặng lại. Chàng mới nhận thấy rằng Lan chỉ là một gái giang hồ. Một gái giang hồ như trăm nghìn gái giang hồ khác. Nàng ca để vui lòng khách. Nàng đùa cợt để xứng đáng tiền khách. Và chiều khách có lẽ nàng hút a phiện nữa… nàng đã hút nhiều. Rồi một ngày kia nàng sẽ nghiện. Cái hình ảnh của người đàn bà nghiện làm cho chàng ghê rợn quá. Chàng xao xuyến lên như một người điên. Một sự kinh khủng ghê gớm.

Chàng lại gục đầu xuống, khóc như một đứa trẻ con.

 

***

 

Một buổi sáng chủ nhật, Hải đương ngồi uống cà phê thì bỗng có tiếng chó sủa. Hải ngoảnh trông ra: Lan lộng lẫy như một tiên nữ, theo rặng cây xương rồng, bước vào. Đương ở ngoài sân, Lan đã cất giọng vừa cười vừa nói với Hải:

− Anh cho em uống với! Đã lâu lắm em không được uống cà phê.

Câu nói ấy, tuy Lan thốt ra với cái giọng vui vẻ nhưng không thể giấu được những nỗi đau đớn và nhớ tiếc ở trong lòng… nhớ tiếc một đời phong lưu đài các đã tàn.

Hải gượng vui, tiếp Lan:

− Hôm nay, hoa nhài nở nhiều quá, còn mong khách, thì vừa được cô tới.

− Cảm ơn anh và … hoa.

− Chúng tôi nên cảm ơn em thì có! Vì hoa nở mà không có khách quý, thì cũng phí mất hoa.

− Anh nói văn chương quá! Tốt nhất là anh anh pha cho em một cốc cà phê nữa và gọi ngay em vào uống.

− Ấy chết! Em không nhắc thì tôi cũng đã quên mất. Tôi hư ăn quá!

− Hư uống chứ!

Hai người cùng nhìn nhau cười ngặt nghẽo. Lan đi lại ngồi bên cạnh Hải, sau khi uống mấy hớp cà phê, Lan vui vẻ nói với Hải:

− Hôm nay, em đến để rủ anh đi xem lăng đây! Anh đi chứ?

Nghĩ một lát Hải ngần ngại đáp:

− Nếu như em muốn…

− Kỳ chưa! Nếu em không muốn thì em đến rủ anh làm gì? Anh đi vào thay quần áo đi! Hôm nay, biết rằng sẽ đi bên cạnh anh, em phải bỏ cái lốt của cô lái đò quê kệch, mà ăn bận như một thiếu nữ tân thời để giữ danh giá cho anh. Anh xem em có “tân thời” không anh?

Hải đứng ngắm nghía và tấm tắc khen ngợi:

− Em đẹp lắm! Em đẹp lắm!

− Em chỉ hỏi anh, em có “tân thời” không?

− Em “tân thời” như là… một cô gái “tân thời”. Nhưng anh không muốn em dùng hai chữ “tân thời”…

− Vì… vì…?

− Anh không muốn thế.

− Anh chuyên chế quá! Thôi anh đi vào sửa soạn đi.

Ngoan ngoãn như một em bé, Hải đi vào buồng bên cạnh để thay quần áo. Trong lúc ấy, Lan uống nốt cốc cà phê, và tự mình đi lau chùi và sắp cất một cách có ngăn nắp, đâu vào đấy. Thấy tủ kính bám đầy những bụi, Lan đứng dậy lục lộn ra một hồi bao nhiêu tách chén, bình hộp. Nàng đã hạ xuống ở một cái ghế bên cạnh, và nàng đương loay hoay quét những ngăn tủ, thì Hải ở trong buồng bước ra. Chàng vòng tay trước ngực, đứng nhìn Lan một cách cảm động quá. Chàng muốn chạy lại ôm choàng lấy nàng, và thưởng cho nàng mấy cái hôn. Nhưng chàng chợt thấy rằng, giữa hai người còn có một sự cách biệt đáng sợ. Sự cách biệt ấy chàng không muốn nghĩ tới. Chàng chỉ nói với Lan bằng một giọng rất khẽ, đầy êm dịu, đầy yêu đương:

− Em Lan! Để rồi khi nào em đã là vợ anh, em sẽ làm hộ anh những việc nhà đó!

Nàng quay lại đứng yên, chưng hửng không nói được một câu. Rồi nàng để cho Hải cất đi, như một đứa trẻ con. Không hiểu sao, nàng thấy mình như một cô bé vừa phạm phải một cái lỗi nhỏ và bị người bắt được. Hai người yên lặng đi bên nhau, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ.

− Chúng ta sẽ đi xe hay đi đò, em?

− Sao lại đi xe? Đò em đã chờ sẵn ở bến Phu Văn Lâu.

− Thế a?

− Nhưng rồi chúng ta sẽ ăn sáng ở đâu?

− À quên! Anh để em đi mua thức ăn. Chúng mình sẽ ăn cơm ở đồi núi. Anh cứ đi thẳng xuống bến đợi em, em ra chợ một lát.

Rồi nàng gọi xe đi ngay… Hải rẽ qua trường Quốc Tử, đi về phía Dạ Đồ và ra bến. Chàng bước vào đò không có một người nào cả. Thấy có một cuốn sách giắt ở trên mui thuyền, chàng vươn tay ra lấy xuống, thì ra là cuốn Romeo et Julette. Cuốn sách đã bị vò nát, và nhiều chỗ đã bị bôi các thứ dơ bẩn vào. Chàng giở ra đọc như là đọc một cuốn sách mới với một cái thú vị chưa từng có. Rồi mê man, chàng bước vào cái đời tình ái khe khắt của đôi thiếu niên. Có lúc chàng thấy như Romeo cũng yêu, cũng nhớ, cũng leo qua tường để đến với tình nhân, để từ biệt với tình nhân, để nói những câu tha thiết nhất của cõi lòng, của tình yêu. Và chàng cũng thấy tình nhân yêu quý của mình khẽ mở cửa sổ ra để đến đón mình… Chàng có cảm giác như đêm đã khuya, khuya lắm, và đã gần sáng, vì gà đã bắt đầu gáy. Giờ ly biệt não nùng đã sắp đến. Bỗng đò nghiêng lại một cách lại một cách dễ sợ và làm chàng giật mình: Lan đặt một cái rổ đầy thức ăn xuống khoang thuyền và nói như một bà nội trợ giỏi giang.

− Chà! Chợ hôm nay đắt, đắt quá!

Hải cúi xuống rổ nhìn và nói:

− Để coi, mình mua những thức gì nào!

Chữ “mình” khêu gợi hai người đến ý nghĩa vợ chồng.

Nhưng Lan cũng như Hải, không muốn nghĩ tới điều đó, Lan lơ đãng kể:

− Sáu trứng gà, năm xu tôm chua, một hào thịt quay, một hào thịt bò, gạo, dưa, muối, mắm, tiêu, hành. Thế mà đến gần năm hào! Chợ hôm nay đắt quá! À em cũng có mua quýt cho anh nữa.

Nàng với lấy đưa cho Hải một quả:

− Quýt Hương Cần đó, anh thử ăn quả xem có ngọt không?

Hải bóc ra ăn nhăn mặt lại và kêu:

− Chua quá!

Và chàng vất quả quýt vào rổ. Lan lấy làm ngạc nhiên lắm. Sợ mình mua lầm chăng, nàng bèn loay hoay tìm một quả khác, vội vàng bốc ra và ăn một múi:

− Chính là quýt Hương Cần đây mà! Anh ăn một múi xem!

Lần này, Hải không nhăn mặt như trước nữa, ăn một cách thích thú.

- Ủa! Sao lại có sự kỳ lạ như thế này được? Quýt chua, dưới những ngón tay em bóc, lại trở nên ngọt?

Rồi chàng nhìn Lan mà cười. Đoán rằng hồi nãy mình bị đánh lừa, Lan lượm lại quả quýt hồi nãy Hải vất ra. Nàng lấy ăn mấy múi, thì quả nhiên quýt vẫn ngọt như thường. Nàng nũng nịu:

− Anh dối em!

Hải cũng giật lấy quả quýt ấy và ăn thêm một múi nữa. Chàng vẫn nhăn mặt lại và kêu:

− Chính em dối anh! Quýt vẫn chua như thường.

Rồi chàng làm bộ vứt mấy múi còn lại xuống sông một cách tức giận. Lan nhìn thẳng vào đôi mắt Hải, không dám cười mà cũng không dám nói một câu gì. Nàng vẫn đứng im lặng, một cách dễ sợ. Hồi lâu nàng mới nói the thé:

− Không có lý! Không có lý nào như thế.

Hải cố làm ra bộ nghiêm trọng hỏi lại:

− Em nói sao?

Nàng không dám nói cái ý nghĩ của mình ra.

− Thôi ta cho đò ngược đi anh hè.

Hải gật đầu! Nàng bước lên mui hí hoáy một mình kéo buồm lên. Nàng lanh lẹ như một người thực thụ trong nghề, trong một lát cánh buồm đã giăng ra và ăn đầy gió. Đoạn nàng đưa giây lèo cho Hải và bảo:

− Anh giữ lèo cho em một tý.

Rồi nàng đi lại nhổ sào. Ở đằng lái, nàng nói với Hải:

− Anh nà! Sẵn có gió nồm, thôi thì chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ mình đến nơi.

− Đến đâu em?

− Đến lăng Tự Đức chớ đâu nữa?

− Thế rồi mình lên lăng Tự Đức rồi đi đâu nữa?

Mải hỏi chuyện, Hải lơ đãng để lơi giây lèo: buồm đổi cánh làm cho đò chòng chành mấy cái và muốn ụp. Nước đã tạt nhảy vào bằng độ vài chậu thau. Lan hốt hoảng chạy lại giữ chặt lấy giây lèo và trong một lát đã lấy lại sự thăng bằng cho con đò. Đò lại cứ chính ở giữa dòng mà lướt, Lan trông lại thấy Hải đương ngồi vắt một vạt áo đã bị ướt, thì nàng có vẻ thương hại. Nàng khẽ nghiêng đầu xuống, và đặt một cái hôn nhẹ ở trên gáy Hải. Hải cảm động quá, quay lại nhìn tròng trọc vào mắt bạn, và toan đưa tay ôm choàng lấy bạn, thì bị Lan giơ tay ngăn lại và kêu lên:

− Chết cả bây giờ đây này! Anh mà ôm lấy em thì em thả lỏng lèo ra mặc cho đò úp… Anh có muốn chết trong bụng cá không? Anh muốn không?

− Anh muốn lắm.

Rồi Hải nắm chặt lấy một tay Lan, Lan phải đấu dịu:

− Thôi anh tha cho em!

Ra giữa dòng, bây giờ cánh buồm căng gió lại càng lướt mạnh, nhìn những hàng cây chạy ven bờ, và lắng nghe tiếng sóng lao xao ở hai bên lưng thuyền, Hải kê đầu vào vai bạn, và lả lơi nói:

− Giá ta cứ chạy như thế này mãi mãi.

Nàng cũng cười nói tiếp:

− Giá ta cứ mãi mãi thế này!

Rồi những làn gió liu riu thổi ở bên tai nàng, như giục nàng cất giọng ca!

………………………..

Mải giang hồ, mải bước giang hồ

Son tô đã nhạt màu tô

Trăng tà xế bóng

Đến anh, lầu cao cửa đóng!

Cửa đóng muôn tầm? Khóa bạc ai cầm?

Trong khóm hoa đào, rơi rác mảnh trăng thâu!

 

Hải buồn rầu bảo bạn:

− Anh không muốn em hát nữa. Anh xin em.

Nhưng Lan vẫn không nghe, vẫn hát tiếp:

 

Mảnh trăng thâu

Triền miên sầu!

Từ hôm đó!

Đời bụi gió

Mải giang hồ

Son tô đã nhạt màu tô

Trăng tà, xế bóng

Đến anh lầu cao cửa đóng

Cửa kín muôn tầm?

Khoá  bạc ai cầm?

Rơi rác hoa đào

Mảnh trăng thâu

Gió khuya anh ơi! Lạnh!

Lòng em, gió ơi! Sầu!

Anh ơi! Lầu anh cao!

 

Đợi cho Lan ca xong, Hải mới hỏi:

− Bài ca nào thế? Có phải là điệu Nam bình không em?

− Sao anh lại hỏi thế? Điệu Nam bình gì lại như thế? Em chỉ bịa ra để hát cho anh vui.

− Hát cho… buồn thì có!

− Ừ thì cho buồn!

Hai người lại nghĩ thẫn thờ.

Hải nghĩ đến cái cảnh đau đớn hôm qua. Buồn rầu, chàng nói với Lan một câu đột ngột:

− Em hứa với anh, chẳng khi nào nghiện cả, em na!

Lan cười, hỏi lại:

− Em mà nghiện? Anh lo em sẽ nghiện. Anh nói chuyện gì thế?

Hải vẫn nói một cách lơ đãng như nói với một mình:

− Nghiện. Người đàn bà nghiện, thôi còn gì nữa em! Thế là hết một đời. Một đời trụy lạc...

Chàng cầm chặt lấy tay Lan và lay nàng, và nói như một người điên:

− Sao đến thế được em? Em thiếu tiền, em? Em nói đi! Em hứa đi! Em sẽ cắt đứt với cảnh giang hồ nó làm dơ bẩn cả cuộc đời trong sạch của em. Em sẽ ở với anh! Em săn sóc cửa nhà cho anh. Em trông nom miếng ăn miếng uống cho anh.  Sao em không thể là vợ của anh? Trăm năm, thuộc về tay anh? Em hứa đi, em nói đi! Giời ơi! Biết bao giờ tôi quên cái cảnh tượng đau đớn hôm qua! Hôm qua giời ơi!

Lan thản nhiên đáp:

− Anh không nên lấy làm lạ! Em làm nghề này, cũng như anh làm nghề thầy thuốc. Một cách để nuôi sống, cách gì chẳng được, anh?

Nàng cười, không nói hết.

Hải van xin:

− Em đừng cười như thế nữa!

Lan tát yêu Hải:

− Sao lại thế. Để em cười chứ! Ồ anh nầy lạ quá! Sao người anh run lên thế? Anh ghen? Anh ghen với một gái giang hồ? Đời em thế! Nghề em thế!

− Nhưng sao em không kể cho anh nghe cái nguyên do đưa em vào cái cuộc đời trụy lạc này....

− Thưa anh, chính em là cái nguyên do của cái cuộc đời của em. Em đến đây là vì em muốn. Chỉ thế thôi. Nhưng sao anh lại hỏi luẩn quẩn thế ni?

Rồi như muốn đánh tan cái không khí nặng nề giữa hai người. Lan nói với Hải:

− Đây đã gần đến bến lăng rồi! Ta cắm đò lại đây để ăn cơm sáng chứ!

Và nũng nịu:

− Lan đói lắm rồi, Hải có đói không?

− Anh chưa đói, nhưng tùy em!

− Thế đủ tỏ rằng chúng mình không thể làm vợ chồng được! Có lẽ không kịp đợi anh đi làm việc về vợ anh đã lấy cơm ăn trước!

Câu nói của Lan, Hải cho là "dễ thương" lắm, Hải không nỡ làm cho nàng buồn nữa. Tâm hồn chàng trở nên trong sáng như một buổi mai. Chàng muốn quên hết, quên hết cả.

− Ghé đò anh hỉ? Ghé đò lại bên kia bờ. Dưới chân núi thôi, tha hồ lượm củi rèo để thổi cơm!

− Em giao cho em cái phần việc đi lượm củi rèo anh hỉ?

− Ừ! Hay lắm! Anh sẽ làm phụ bếp cho em.

Lan giao giây lèo cho Hải, chạy lên mui đò cuốn buồm lại, và lại đằng lái, cầm lấy chèo cạy đò vào bậc.

Hải nhảy lên bờ trước, và đứng sẵn để chờ Lan giao cho những nồi trách và các thức ăn. Trong lúc Hải đi lượm củi khô, và kiếm ba viên đá để kê làm bếp, thì Lan mang rá xuống nước vo gạo.

Chẳng mấy chốc mà nồi cơm đã reo ở trên bếp. Nhìn ngọn lửa thấy ngùn ngụt, Hải có cái cảm giác sung sướng lạ dường. Trong một phút, Hải đã tưởng Lan là vợ của mình, một người vợ giỏi giang, nết na, thùy mị, sống một cuộc đời yên lặng, khuôn phép, trong lễ giáo, trong tập tục. Chàng đã quên rằng Lan chỉ là một gái giang hồ. Không biết rằng Hải đương nhìn nàng một cách âu yếm, Lan vẫn cặm cụi làm việc. Luộc rau xong, nàng lại xào thịt, và trong lúc trách thịt còn ở trên bếp thì nàng lại xuống sông để rửa bát. Khi nàng quay lên thấy Hải đương chọc thìa vào trách, gắp một miếng thịt để nếm thử, thì nàng cười rú lên:

− Chồng tôi! Giời ôi! Chồng tôi ăn chùng. ([1])

Rồi nàng chạy lại bá lấy cổ Hải. Và hôn chàng một cái ở trên đầu tóc. Bỗng hai người rời nhau ra, trong một phút dài, nhìn nhau yên lặng. Lan đi lại bẻ mấy chùm thông tươi, trải xuống cỏ làm chiếu, rồi lần lượt gắp đồ ăn, xới cơm ra, và dọn lên chiếu. Nàng mời Hải, bằng một cái giọng đầy yêu đương:

− Mình lại ăn cơm với em đi!

Hải đi lại ngồi cạnh nàng, và vẫn nhìn nàng một cách âu yếm.

− Chết em! Em quên mang đũa theo rồi, không lẽ ăn bốc!

Rồi nhanh nhẹn, nàng đứng dậy chạy vào một bụi gần đấy, và một lát sau, nàng trở ra với một cành hóp mà nàng đương trảy hết lá, và bẻ ra thành bốn đoạn. Nàng đưa cho Hải hai chiếc tho le với nhau và nói:

− Đũa Hải đây, và đũa em đây, chúng ta ăn đi thôi!

Hai người cùng ngồi lại ăn. Hải cảm động nói:

− Bữa cơm đầu tiên của ta.

Lúc ăn xong mấy miếng lại nói tiếp:

− Em làm cơm ngon quá!

− Anh đừng nịnh em.

− Không, anh nói thực. Em sẽ là một người nội trợ giỏi.

− Em không bao giờ nghĩ tới.

− Em phải nghĩ tới.

− Không.

− Em sẽ là vợ anh!

− Anh lấy một người vợ giang hồ? Thế anh không sợ người ta dị nghị?

− Dị nghị? Đã yêu nhau mà còn sợ dị nghị? Vả chúng ta chỉ yêu nhau thì có điều gì đáng cho họ dị nghị?

− Nhưng em về với anh, thì em sẽ biết làm gì?

− Nấu cơm anh ăn, săn sóc cửa nhà cho anh.

− Chỉ có thế?

− Còn nhiều nữa chứ!

− Nhưng anh liệu có tha thứ cho em được không?

− Em thì có tội gì?

− Tội nhiều lắm! Anh không thể tha thứ được cho cái dĩ vãng đầy tội lỗi của em.

− Được, anh sẽ tha thứ hết!

− Không, anh không thể tha thứ hết được.

− Em yên lòng! Tuy anh không biết gì về em, nhưng anh hứa với em sẽ không bao giờ hỏi em về một điều gì nữa.

− Nhưng anh không thể cấm em đừng nghĩ tới được. Em cũng không thể tự cấm em được. Quên thế nào được, anh!

− Em phải quên, để chúng ta làm lại cuộc đời...

− Cuộc đời cũng làm lại được, anh?

− Sao lại không?

− Được thế em sẽ nhận lời làm vợ anh. Và bắt đầu anh nên đặt lại cái tên của em trước đã. Anh lựa cho em một cái tên đi, không cần đẹp lắm phải không anh?

− Sao lại thế?

− Tên Lan chỉ là tên bác em đặt cho em từ khi em bước vào cái nghề này. Nhưng trước kia còn ở với má em, từ nhỏ lên đến 20 tuổi, người ta vẫn gọi em là Vân! Cái tên đẹp lắm đó, thế mà em có sướng gì đâu. Cái tên ấy đã làm lụy em...

− Thế trước kia, em ở đâu? Mẹ em làm gì?

- Ồ! Nói đó lại quên đó! Thế mà anh hứa với em rằng: chẳng bao giờ anh sẽ hỏi đến cái dĩ vãng của em nữa.

Nghĩ một lát, nàng buồn rầu nói tiếp:

− Anh Hải ơi! Thôi anh "tha" cho em! Anh không thể là chồng em được. Một người chồng phải hiểu biết hoàn toàn về vợ. Nhưng chồng em thì không thể như thế được!

− Anh lấy danh dự thầy mẹ anh mà thề với em rằng: chẳng hỏi em về cái cuộc đời của em từ đây về trước nữa.

− Em cũng muốn tin anh. Anh đặt tên cho em đi.

Chẳng ngần ngại gì hết, Hải nói:

− Từ rầy, anh sẽ gọi em là cô... Hải, em chẳng có tên gì khác nữa!

− Phải đó! Em chẳng nên có tên gì khác nữa.

Hải đặt bát cơm xuống, và nằm vào lòng Lan, Lan khẽ đỡ mấy sợi tóc mai phủ xuống trên trán Hải và âu yếm nói:

− Anh ngồi dậy, ăn nốt đi chứ!

− Không, anh không muốn ăn nữa. Tình em làm cho anh no.

Những ánh nắng xanh trải ở trên đám cỏ và như reo thành một khúc nhạc nhí nhảnh.

Lan nhìn quanh quẩn và nói với Hải:

− Em say nắng mất rồi!

− Cứ mỗi lần có nắng sớm thế này, thì anh lại nhớ đến mẹ anh. Thủa bấy giờ, anh mới lên mười, nhưng anh còn nhớ rõ cái dáng điệu cùng cái nét mặt của mẹ anh. Mẹ anh hiền lành lắm, thùy mị lắm. Bà có một cái hàm răng đen bóng và luôn luôn cười với anh. Bà có một cái áo cổ y đỏ bà không bao giờ mặc cả, trừ một lần, là khi cưới vợ cho anh cả của anh. Thế rồi thôi, quanh năm bà cứ để yên trong rương. Nhưng cứ mỗi bận có nắng sớm, thì bà lại lấy ra phơi ở dậu... Anh còn thấy rõ như mới hôm qua cái dáng điệu của bà từ trong nhà đi ra sân, lấy vạt áo che lên đầu, bà đứng hồi lâu bên dậu mồng tơi để giăng ra cho thẳng cái áo cổ y của bà. Anh làm sao quên được cái màu đỏ ấy!

− Thế mẹ mất đã mấy năm rồi anh?

− Đã mười mấy năm!

− Thế lúc sinh thời, mẹ có hay đánh anh không?

− Không bao giờ, đến nỗi có một bận anh làm ngã một cái ghế vào chân mẹ, thế mà mẹ thấy anh sợ hãi, thì mẹ ôm anh vào lòng và hôn anh. Đến bây giờ, mà mẹ thấy anh được một người vợ như em, thì mẹ sung sướng biết dường nào!

− Nếu như mẹ còn sống, anh có chắc mẹ sẽ để cho anh lấy em không?

− Sao em lại nói thế! Em không thương mẹ đến, có cái gì mà mẹ không chiều anh!

− Chiều anh để lấy một gái giang hồ?

Hải rơm rớm muốn khóc:

− Sao em lại còn có những cái ý tưởng tàn nhẫn thế?

− Thế mẹ sẽ chiều anh?

− Mẹ sẽ sung sướng vô cùng nữa. Được một người dâu hiền lành như em, thôi mẹ còn cần gì hơn nữa?

− Nhưng mẹ không còn nữa, biết bao giờ mẹ sẽ thấy một cảnh đầy hạnh phúc như thế này! Anh Hải, anh có tin ở hạnh phúc không?

− Anh chỉ tin ở hạnh phúc gia đình mà thôi!

Ngẫm nghĩ một lát chàng lại hỏi:

− Thế bao giờ em mới về ở với anh?

− Năm ngày nữa!

− Sao lại năm ngày?

− Còn phải xuống Vị Giạ bàn qua với bác em. À mà cả anh nữa cũng nên xuống thăm bác và cảm ơn bác một tý...[a]

− Em không nhắc thì anh cũng đã quên mất. Thế sao bác độ này lại không ở đò mà lại lên ở nhà em?

Mải nghĩ ngợi, Lan không nghe Hải nói gì, nàng thẫn thờ hỏi Hải:

− Thế anh không cần phải tin cho thầy biết à?

− Sao lại không?

− Thế có chắc thầy sẽ bằng lòng không?

− Bằng lòng hay không, thì chẳng quan ngại gì lắm...

Nghỉ một lát, Hải nói tiếp:

− Anh tin rằng, chẳng có sự ngăn trở nào đáng lo cả... Vả anh lấy vợ cho anh chứ có phải lấy vợ cho thầy anh đâu?

− Đã đành thế, nhưng mà...

Hai người nhìn nhau có vẻ lo lắng, Lan đứng phắt dậy, kéo tay Hải dậy.

− Mà cần gì anh! Ta yêu nhau thế này cũng được chứ. Cần gì phải lấy nhau.

− Không thể như thế được mãi. Em phải là vợ chính thức của anh. Em sẽ về ở với anh, săn sóc cửa nhà cho anh. Mỗi tháng anh làm được bao nhiêu tiền, anh sẽ giao cho em giữ cả. Vả anh muốn em phải đoạn tuyệt hẳn với cái cuộc đời giang hồ. Em không nhớ em còn có bệnh hay sao! Anh nói để em biết: bệnh em chưa khỏi hẳn đâu. Phổi em yếu lắm. Rồi cứ thức khuya, và sống một cách thất thường như thế này mãi, thì đời em còn gì?

− Ai biểu anh thế! Em lành rồi. Hôm kia giời lạnh biết mấy đó, em mặc có một manh áo đơn thế này mà có hề gì đâu!

− Anh làm thầy thuốc, anh không biết hơn em hay sao? Em cứ không nghe lời anh dặn, rồi em sẽ biết. Bệnh em chưa khỏi hẳn đâu!

− Bệnh em chưa khỏi, thế sao anh đã bắt em lấy chồng! Chẳng sợ ho lao mà chết!

Nàng nói một cách nũng nịu và có duyên quá, khiến Hải chỉ biết kéo nàng vào lòng, và cúi hôn nàng một cái trên trán qua những làn tóc buông rũ xuống.

− Nhưng mà ta còn đi nữa chứ!

Rồi nhanh nhẹn, nàng đưa bát đĩa xuống sông rửa, và cất vào đò. Trong lúc ấy, Hải giúp nàng cắm sào lại cho thật chắc chắn. Hai người song song đi trên một con đường mòn, hai bên có hai rặng thông xanh. Tiếng thông rạt rào như tiếng sóng biển. Nàng say sưa nghiêng đầu vào vai Hải, và Hải thì đưa một tay khoác qua lưng nàng, hai người thầm gieo những bước êm thấm trên lá thông khô đã trụi nhánh và êm như một tấm thảm. Hai người vẫn không nói, và lặng theo đuổi mỗi người một ý nghĩ. Bỗng Lan ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt Hải một cách ngơ ngác, và hai mắt đưa lanh lên, và có vẻ sợ hãi. Nàng nói như một người trong mộng:

− Trâm! Trâm sẽ trọn đời yêu em chứ?

Tiếng nói của nàng nhẹ như một hơi thở, nhưng Hải cũng nghe được, và hỏi lại:

− Trâm nào em?

Nàng giương đôi mắt to ra mà nhìn Hải, và nói như một cái máy:

− Anh tha lỗi cho em!

− Lỗi gì em?

− Thưa anh, em gọi lầm tên anh.

Hải lấy tay lau hộ mấy giọt mồ hôi lạnh rỉ trên trán nàng và nói:

− Em làm sao rứa?

− Thưa anh, em mải nghĩ lẩn thẩn tưởng như em đương đi với em gái em. Trâm là tên người em gái của em.

Nàng đã dối Hải. Trâm chính là tên một người yêu mà với ai trước kia, nàng tưởng cùng sống một cuộc đời trăm năm đằm thắm; và không người ấy là cái nguyên nhân của bao nhiêu sự tội lỗi hiện tại của nàng. Nhờ tiếng thông rạt rào đưa nhịp, tâm hồn nàng đã đi vào một cõi dĩ vãng xa mờ, và trong giây lát sống lại cùng người cũ những ngày niên hoa đầy tình ái trong sạch và mới mẻ của thủa ban đầu. Nàng đi bên Hải mà nàng tưởng như là mình đang đi bên Trâm ở trên bãi bể. Phải, trên bãi bể Quy Nhơn, có một lần, nàng đã cùng với Trâm khoác tay nhau đi trên bãi cát huyền ảo và nàng còn nhớ rằng, trong lúc quá tin cậy ở Ái tình, nàng đã có nói nhiều câu suồng sã, lơi lả. Rồi mải đắm say vào giấc mơ dĩ vãng, nàng quên cả cảnh thực tế, và nàng đã lầm tưởng một cách độc ác, − nàng tưởng Hải là người yêu cũ, và gọi lại mấy tiếng cái tên đã chôn sâu trong ký ức...

Hải lại hỏi khe khẽ:

− Thế Trâm là em gái của em?

− Dạ, em gái của em!

− Hiện bây giờ em ở đâu?

- Thưa anh, có lẽ đương ở với mẹ. Em nói có lẽ, vì đã lâu em không biết tin nhà ra sao cả! Nhưng anh còn hỏi tới làm gì nữa!

Nàng cảm động quá đến nỗi không vững được nữa. Ngồi xuống, nàng bưng mặt khóc rưng rức.

− Anh! Anh đừng nghĩ đến việc vợ chồng nữa. Em xin anh! Em không thể, em không xứng làm vợ anh được!

− Sao em chóng thay đổi thế?

− Dạ không, em có muốn thay đổi gì đâu! Em không muốn dối anh nữa! Không, em không làm sao quên được cái dĩ vãng của em! Quên làm sao được! Một việc đã qua là một cái dấu tích không chùi rửa được, một vết thương không hàn gắn được.

− Em nói thêm cho anh biết rõ hơn nữa.

− Không, em không thể nói chi được nữa. Em không thể là vợ anh được! Anh tha cho linh hồn em! Anh xử với em như là chưa bao giờ chúng ta quen nhau! Anh hôn em đi! Anh ẵm em đi! Chốc nữa xuống đò em sẽ dạo cho anh nghe một bản đàn, ca cho anh bài ca, rồi để cho anh quên trong giây lát những sự náo nhiệt của trần gian, và chốc nữa, khi đêm đến, em sẽ dâng cái xác thịt của em cho anh! Anh muốn làm gì thì làm, tùy lương tâm! Em bị dày vò đến đâu em cũng vui lòng. Vì ngày mai em sẽ tô thêm một lớp phấn son khác để đánh lừa thiên hạ! Sau một đêm ân ái em chỉ xin anh trả cái thân lại cho kiếp giang hồ. Không, em không có quyền sống một cuộc đời khác nữa. Em không xứng đáng làm vợ một người nào, huống chi là vợ anh! Không, bệnh em sẽ khỏi. Em tin như thế! Anh không thể lấy cái lý gì là một ông thầy thuốc mà giữ mãi lấy linh hồn em. Anh không có quyền nhớ tiếc!

Nàng còn nói nhiều, còn muốn nhiều nữa, nhưng tiếng khóc nức nở làm át lời nàng đi cả. Hải nắm chặt lấy hai tay nàng, ngơ ngẩn trong một hồi lâu như một người ở một tinh cầu vừa rơi xuống: chàng chỉ hiểu một cách mập mờ, nhưng chàng cũng có thể lượng được nỗi đau đớn của Lan lúc bấy giờ.

Chàng hỏi the thé như dỗ dành:

− Em không nghĩ tới nữa! Anh cũng không muốn biết gì hơn nữa! Ừ thì em muốn thế, anh cũng tùy em. Nhưng em đứng dậy đi! Em đi xem với anh chớ?

Nàng nói rất nhỏ:

− Không, em không muốn đi xem lăng nữa!

Hải đỡ nàng dậy, và lấy khăn lau khô nước mắt cho nàng. Nàng mở to đôi mắt ra, nhìn Hải trong một phút dài. Nàng lắc đầu, và gượng vui, bảo Hải:

− Thôi, Hải cho em về đi thôi! Ta cùng xuống đò.

Hai người vẫn không nói gì, lẳng lặng theo con đường cũ đi ra bến. Nhưng hai người cùng ngoảnh lại trông nhau một cách dễ sợ. Lan run run hỏi bạn:

− Đò ta trôi đi mô rồi?

− Anh cũng không biết đò trôi từ hồi nào rồi.

Hai người tưởng như đương sống một chuyện Liêu Trai kỳ dị, và tự nhiên có cái cảm giác như lạc vào một cù lao cô quạnh cách biệt hẳn với thế gian. Vừa sung sướng, vừa sợ hãi nàng hỏi bạn:

− Mình ơi! Thế hồi nãy mình cầm sào vào có chặt không?

− Anh cắm chặt lắm mà.

− Em thì em e mình cắm không chặt. Em sơ ý quá: Anh thì có biết cắm sào bao giờ mà em lại đi mượn anh! Biết làm sao được bây giờ?

Bỗng chợt thấy một ý nghĩ hay hay, Hải cười khanh khách và nói với Lan:

− Thế là ý trời muốn rằng, em cắt đứt với cái cuộc đời bềnh bồng của em trên mặt nước! Ý trời muốn em sống một cuộc đời khác: Em sẽ là vợ anh!

Nàng cũng cười một cách chua chát:

− Trời có bao giờ chiều ý em, thế thì em cũng không bao giờ chiều ý trời cả.

Rồi nàng vén quần lội xuống nước trông ra xa xem đò có còn tạt vào gần đâu đấy không? Hải đứng ngắm hai búp chân nõn nà và thanh nhỏ của Lan, chàng thương hại vô cùng. Chàng thấy cả một dĩ vãng đầy giầu sang quý phái bị trụy lạc một cách thảm hại. Rồi chàng hỏi một câu tựa hồ như vơ vẩn:

− Lan, xưa kia em học đến lớp nào thì em thôi?

− Em học đến năm thứ ba trường Đồng Khánh.

− Đến thế lựng? Thế rồi vì sao em thôi?

Nàng nhìn Hải cười?

− Em cũng không biết nữa!

Bỗng một chiếc thuyền đi qua, Hải và Lan cùng cất giọng gọi: "Cho chúng tôi xuôi với", chiếc thuyền yên lặng ghé lại bến và đưa hai người lên.

 

***

 

Vừa làm cơm xong thì Lan ra đứng dưới một gốc đào gần ngõ, để ngóng chồng đi làm về. Nàng đứng đan chiếc áo len cho chồng. Nàng đan đã ba hôm rồi, chiếc áo chỉ còn mấy đường viền nữa thì xong. Hôm ấy, trời cũng hơi ren rét, mặt trời hé hé sau một làn mây trắng làm cho cảnh vật hửng vui. Từ khi bỏ cái cuộc đời giang hồ để sống tạm với Hải, hôm nay nàng thấy tâm hồn mình quang đãng ra và rũ sạch hết cả cái dĩ vãng nặng những sầu thương và đau khổ. Không bao giờ nàng thấy lòng mình phơi phới và trong trẻo được như thế. Nhất là khi nàng nghĩ đến chốc nữa đây, chồng nàng về. Nàng sẽ đưa cái áo rét vừa đan xong, và mặc vào cho chồng. Nàng đã hưởng trước cái lạc thú khi nhìn chồng mặc cái áo mà chính mình vừa đan xong. Nàng vui sướng quá rồi như một đứa trẻ con, nàng nhẩy lên bắt một cành đào là xuống ở trên đầu nàng, và toan đu mình thì có tiếng chó sủa làm nàng giật mình tỉnh mộng.

Một chiếc xe đỗ ngay ra ở ngõ... Nàng tưởng chồng, vội vã chạy ra... Nhưng người ở trên xe vừa bước xuống là một ông cụ trạc 60 tuổi và có lẽ là một ông quan, vì trên ngực có đeo một cái bài ngà, với một nhóm chữ nho nàng đã học được khi ở trường. Nàng chỉ đọc được hai chữ "Hàn lâm" mà thôi, còn hai chữ dưới thì nàng đành chịu. Nàng đi lại gần, và hỏi một cách lễ phép:

− Bẩm quan lớn, quan hỏi thăm ai?

− Tôi hỏi nhà ông Hải, ông đốc Hải.

Nàng cung kính nói:

− Bẩm xin rước quan vào nhà xơi nước, anh tôi một tý nữa cũng sắp về tới nơi.

Ông cụ cũng rất cung kính trả lời:

− Dám hỏi cô là gì của ông đốc Hải!

− Bẩm, cháu là... em gái ông ấy!

Ông cụ vừa gật đầu vừa rảo bước vào nhà! Lan mỉm cười tự nói một mình: " Đến kỳ! Mình cũng dối ông cụ ấy làm gì! Ta cứ nói là vợ anh Hải thì đã sao! Ta chẳng là vợ anh ấy dầu chỉ là tạm bợ mà thôi?..."

Ông cụ ngồi xuống ghế salon lấy ra một điếu thuốc rất nhỏ, như kiểu các người sang trọng ở Kinh thường hay hút. Lan rót ra một tách nước đưa đến tận tay ông cụ và mời khách một cách cung kính. Ông cụ nhìn Lan từ đầu đến gót chân. Nàng hỏi chuyện cho khỏi ngượng:

− Thế bẩm quan lớn hỏi anh cháu có việc gì?

Ông cụ đưa một móng tay rất dài ra gạt tàn ở điếu thuốc và ung dung đáp:

− Tôi là ông thân sinh ra anh Đốc.

Lan tái hẳn mặt lại, đáp một cách lơ lửng:

− Bẩm, quan lớn tha lỗi cho!

− Không, cô không cần phải xin lỗi. Vả đối với tôi cô có lỗi gì.

− Bẩm thầy, bẩm quan lớn, trăm tội đều ở con cả. Anh Đốc con thật chẳng có tội gì hết...

− Thì ra chính cô đã quyến rũ nó...

Lan nhìn ông cụ với đôi mắt ngạc nhiên, và hình như xúc động quá. Nàng không thể nói thêm một chữ gì nữa. Ông cụ, có vẻ hối hận vì lời nói quá nặng của mình vừa rồi, bèn đổi ra giọng dịu ngọt và nói lảng qua chuyện khác:

− Thế cái nhà này, anh Đốc thuê bao nhiêu mà trông cũng có vẻ khả quan đấy chứ?

− Bẩm, anh con thuê một tháng 15p.00. Nhà thì không lấy gì làm đẹp lắm, nhưng đằng sau có một khu vườn rộng, đất tốt lắm. Anh con định mua ít giống rau về để trồng, lâu nay bỏ hoang, vô ích quá!

− Tôi thấy hình như cũng có trồng cau nữa?

− Bẩm có đến bốn hàng cau lựng. Một hàng độ 7 - 8 cây. Nhưng mùa này cau sụt giá lắm, anh con nói cũng không bán được mấy.

− Thế cô chỉ mới tới ở với anh Đốc?

− Bẩm quan, con ở đã non hai tháng nay.

− Thế nhà thuê mấy người đầy tớ?

- Bẩm trước kia anh con thuê đến ba người, nhưng từ khi con về ở đây, thì con bàn với anh con đã cho thải đi một người rồi. Vì việc vặt trong nhà đã có con giúp hộ chút đỉnh.

Nàng cũng không hiểu sao tự nhiên mình lại rẻ rúng mình đến thế. Có lẽ nàng chỉ muốn làm cho ông cụ thương hại tới mình, mà nàng đã coi như một người đầy tớ của Hải, và đến đây cũng chỉ vì thế.

Ông cụ cũng hơi động lòng:

− Thế trước kia cô ở đâu, làm nghề gì?

− Bẩm, trước kia thầy con cũng làm quan... đã làm hai năm. Huấn đạo ở Quảng Trạch, và được cải bổ đi Tri huyện Hướng Khê chưa được vài tháng thì mất...

− Thế quý danh của quan là gì...

− Bẩm, thầy con, tên là... Đinh Thiên Trạch.

− Ồ thế thì tôi cũng có biết ngài. Ngài chính là bạn đồng liêu với tôi. Ngài cũng đậu cử nhân khoa Mão...

Nghĩ một lát ông cụ nói tiếp:

− Thế sao, tôi nghe thiên hạ đồn lên rằng − xin lỗi cô − cô là một kỹ nữ trên sông Hương?

− Bẩm điều ấy quả có thế!

− Tôi thì không dám trách cô, nhưng mà tôi giận thằng Đốc nhà tôi quá! Tuồng như là nó không muốn đếm sỉa gì đến tôi nữa. Lẽ ra anh ấy cũng nên nói qua với tôi một tiếng, chừng nào tôi ngăn cản, thì anh ấy tự xử liệu lấy một mình cũng không muộn mà. Chẳng giấu gì cô, nhà tôi là một nhà có giáo dục, nay thấy anh ấy "văn minh" quá, bà con làng nước chào xáo thật đã nhiều, người ta đồn thế ni thế khác, tôi không muốn tin cũng không thể được. Tôi thì không sợ thiên hạ cười tôi không biết dạy con mà tôi chỉ lo cho cái hạnh phúc của anh Đốc mà thôi! Lúc mẹ anh ấy chết cũng chỉ có một điều ân hận là chẳng biết mặt mũi con dâu sau này của mình ra làm sao.

− Bẩm anh con cũng có thường nói chuyện như thế.

Thấy Lan đứng khép nép thì ông cụ mời một cách niềm nở:

− Cô cứ tự nhiên ngồi xuống ghế nói chuyện. Đứng mãi như thế, chẳng  mỏi.

− Bẩm quan lớn, để mặc con.

Ông cụ không muốn động đến chuyện ấy nữa, sợ không nén được sự tức giận của mình thì có thể hỏng việc. Vì cái phương pháp của cụ định dùng để sữa chữa lại đứa con đã đi sai đường là một phương pháp rất hòa bình. Ông hứa luôn luôn giữ một thái độ điềm đạm và vui vẻ, nếu như cần phải vui vẻ. Ông cụ lại nói lảng sang chuyện khác:

− Thế thì anh Đốc thường mấy giờ về đến nhà?

− Bẩm, thường độ năm giờ bốn mươi thì anh con về đến nhà. Không hiểu sao hôm nay lại về chậm thế...

Bỗng có tiếng chuông xe động ở ngoài ngõ. Nàng vui vẻ kêu lên tưởng như ở một mình:

− Ồ. Anh Hải đã về đó. Anh Hải đã về.

Nàng vui sướng như một đứa trẻ con vừa thấy mẹ đi chợ về. Nàng quên cả người khách nghiêm nghị đương ngồi ở nhà. Nàng đi bên cạnh Hải và nói chuyện liến thoắng. Bỗng Hải tái cả mặt đi, vì vừa trong thấy quan Phủ Lê. Nhưng chàng vẫn hỏi một câu vơ vẩn như một cái máy:

− Ai đợi anh, thế em?

− Thầy... anh.

Lan nhìn thẳng vào đôi mắt Hải và ra dáng lo sợ lắm. Nàng bảo Hải:

− Thôi anh đi vào hầu chuyện thầy một lát, để em xuống bếp hối chúng nó bưng cơm lên. À anh nì! Có nên mua thêm thức ăn nữa chứ!

− Mình mua thêm một ít thịt quay và ít dưa nữa thôi. Tính thầy anh chỉ thích có thế.

Hải thủng thẳng bước lên thềm. Quan Phủ Lê với một giọng rất âu yếm, hỏi con:

− Con đã về đó à! Hôm nay sao con về chậm thế?

− Bẩm thầy, con ra khỏi sở thì con gặp anh Vân. Thầy còn nhớ anh Vân chứ! Anh Vân trước là bạn học với con ở Bưởi, anh học được hai năm tú tài thì anh bỏ ra làm báo. Anh thích làm báo lắm! Hiện nay anh ấy là chủ nhiệm tờ Tao Đàn ở Hà Nội... Anh có về nhà mình chơi mấy hôm, chắc thầy quên rồi!

− Thế à! Thầy mau quên quá. Nhưng nếu có anh ấy ở đây, thì chắc thầy nhớ. Thế con dẫn anh ấy đi ăn tiệm?

− Bẩm không! Con đưa anh tới vài bạn đồng sự, để nhờ người ta mua báo giúp.

Hai cha con ngồi im lặng một lúc lâu như hết cả chuyện nói.

Hải sợ hãi cái không khí giữa hai người càng phủ nặng. Hải kiếm chuyện để hỏi quan Phủ:

− Thế dì và mấy em con vẫn mạnh cả chứ?

− Chúng nó ăn chơi cả.

− Mùa cau vừa rồi, nhà mình có bán khá không?

− Cũng tiềm tiệm thôi.

− Ồ, con nghe nói chú Điệt chết rồi phải không?

− Ừ chú ấy chết rồi.

− Đau gì mà chết?

− Chú ấy đi "lấy đất" cho một ông Bá ở trên làng Khương Thượng, mắc phải đền "Áo đỏ" và về ốm chết.

Rồi sợ câu chuyện ấy làm phật ý con, quan Phủ nói tiếp:

− Thầy thì thầy không tin như thế! Chết là tại thiếu thầy thiếu thuốc. Thầy có khuyên chú ấy vào nhà thương tỉnh, nhưng chú ấy nhất định không nghe. Cũng phúc cho chú, trước khi chú nhắm mắt cũng đã thấy con dâu trưởng, nhà đã cưới chạy tang cho anh Phán Nhân.

Hải đương sợ quan Phủ từ cảnh dâu con người, ngài sẽ liên tưởng đến cảnh dâu con mình, thì mâm cơm ở dưới nhà bếp đã bưng lên.

Lan đi lại dàn xếp những đĩa ăn, và những món ăn quý, nàng có ý sắp về phía quan Phủ. Nàng cũng cố nói một câu khách sáo để tỏ ra mình cũng là một tay nội trợ giỏi giang:

− Thiệt không có hôm mô chợ búa tệ như hôm ni. Anh Đốc con thích ăn thứ tôm he lắm, con lùng khắp cả chợ mà không mô thấy. Hôm ni bất cập quá, xin thầy thời tạm với nhà con.

Chỉ thấy có hai bát cơm, thì quan Phủ ngạc nhiên hỏi:

− Sao con chỉ lấy có hai cái bát?

− Bẩm xin phép thầy để cho con ăn sau cũng được.

− Không, chúng ta cùng ăn cả một lúc cho vui.

Quan Phủ sở dĩ dùng hai chữ "chúng ta" là để tránh chữ "cô". Vì quan Phủ cũng thấy lúng  túng không biết gọi thế nào cho tiện. Gọi cô thì ra xa lạ quá, mà gọi con thì tức là mình đã nhận nàng là con dâu của mình rồi.

Lan không muốn từ chối nữa. Vì nàng không muốn tự rẻ rúng mình nhiều quá, ba người cùng ngồi lại ăn. Không hẹn mà nên, quan Phủ và Hải cùng một ý tưởng: tránh những chuyện có thể làm cho cái không khí bao phủ giữa ba người thêm nặng nề. Câu chuyện vui vẻ như một câu chuyện giữa toàn những bạn trẻ với nhau. Từ chuyện mùa màng cho đến chuyện hồi bé. Bữa cơm tuy dài nhưng ba người vẫn đàm đạo với nhau không ngớt.

Ăn cơm xong, Hải dẫn quan Phủ đi xem  chớp bóng. Lan vì không muốn làm cho quan Phủ phải ngượng nghịu vì nàng, trước mắt thiên hạ. Nàng tìm cách từ chối.

 

***

 

Quan Phủ ở lại nhà Hải đã hai hôm rồi nhưng ngài vẫn không hề đả động gì đến việc vợ con của Hải cả. Cái thái độ ấy làm cho Lan và cả Hải nữa, ngạc nhiên lắm. Hải và Lan cùng có một ý tưởng như nhau, nhưng không người nào dám đưa điều ấy ra hỏi trước.

Lan chỉ nói được một câu:

− Tính thầy vui vẻ quá anh nhỉ?

Hải cũng chỉ đáp một cách giản dị:

− Tính thầy anh vẫn thế.

Nhưng cả hai người có vẻ lo sợ lắm.

Đêm thứ ba, khi đồng hồ trên vách đã đổ hai tiếng, thì Lan nằm ở trong buồng nghe thấy có tiếng ho sù sụ.

Quan Phủ thức dậy khêu ngọn đèn con lên, và kéo một điếu thuốc lào. Ngài kéo xong một điếu lại kéo thêm một điếu nữa rồi mới chịu cất giọng vừa oai nghiêm, vừa âu yếm hỏi Hải:

− Anh Đốc còn thức đó không?

Hải không đáp. Quan Phủ hỏi tiếp:

− Anh Đốc còn thức không? Tôi có câu chuyện này muốn nói với anh.

Hải ú ớ một lát rồi mới dậy, lau mắt hỏi lại:

− Bẩm thầy hỏi con?

− Ừ, tôi muốn nói với anh một câu chuyện đặng mai sớm tôi có về sớm. À chuyến tầu sớm mấy giờ anh nhỉ?

− Bẩm 7 giờ rưỡi... Thế sao thầy đã vội về thế?

− Về kẻo sắp nhỏ chúng nó trông.

Hai người lại im lặng. Hải biết rằng quan Phủ đã sắp đi đến câu chuyện mà mấy hôm nay ngài có ý tránh mãi. Hải cố đứng dậy đi lại ngồi bên ghế, cho được bình tĩnh và tỉnh táo hơn để liệu cách đối phó.

− Hôm nay giời có ý hơi lành lạnh anh Đốc hỉ?

− Dạ, trời sắp đổi thời tiết.

− Anh mặc chiếc áo dạ vào. Anh không có áo dạ à?

− Bẩm có nhưng con không thấy rét lắm.

Thấy cái giọng âu yếm của quan Phủ, thì Hải càng thêm lo sợ.

Rồi những phút im lặng như muốn kéo dài ra mãi. Quan Phủ cất giọng rất bình tĩnh, rất êm thấm nói với Hải:

− Tôi vào đây cũng chỉ để nói với anh một việc. Việc gì chắc anh cũng đã biết. Tôi đến đây cũng chỉ nhắc lại cho anh những lời mẹ anh trối lại khi sắp chết. Lời của một người đã chết rồi chắc được anh kính trọng hơn... Cái ao ước và lo lắng suốt đời của mẹ anh là cưới cho anh một người vợ hiền. Anh có biết lúc anh học ở Hà Nội, mẹ anh và tôi đây đã chọn cho anh mấy đám rồi mà không được. Mà toàn là những nơi môn đăng hộ đối cả. Trong vùng ta thì còn ai xứng đáng hơn con ông Tham Vinh? Một đời làm quan, thế mà lúc về hưu vẫn giữ được cái cốt cách thanh bần. Trong lúc mọi người rầm rập theo mới, ông Tham vẫn giữ cho mình, cho con cái mình cái nền nếp trang trọng của ngày xưa; ngoài cái luân lý Khổng Mạnh ra, ông Tham không bao giờ đưa một cái gì khác để dạy con nữa. Ấy con cứ xem cái cách ngôn ngữ, cử chỉ của cậu Bình và cô Liên cũng biết được cái giáo dục mà các cô cậu hấp thụ ở trong nhà, nó nghiêm khắc và chu đáo đến dường nào. Một người như cô Liên, mặn mà đằm thắm có duyên thế, mẹ anh mấy lần đi "coi mặt" về cũng trầm trồ khen ngợi. Thế mà chỉ vì một việc nhỏ mọn, mà mẹ anh nhất định không hỏi Liên cho anh đó. Anh có biết vì cớ gì không?

− Bẩm con không nghe me nói gì cả.

− Bởi vì lúc ấy, anh còn nhỏ, mẹ anh chưa muốn nói với anh. Cô Liên có một cái tật là đi chân chữ bát. Chỉ có thế mà mẹ anh thôi không đi “trầu nhỏ" nữa. Con gái mà đi chân chữ bát, theo mẹ anh là người nặng nề lười biếng, chỉ thích ngồi lê đôi mách. Tôi thì tôi không tin như thế, lúc bấy giờ tôi cũng rầy mắng mẹ anh mãi, nhưng mà tôi sở dĩ thuật việc này lại cho anh là để cho anh hiểu rằng: mẹ anh đã từng khổ nhọc với anh nhiều, để chọn cho anh một người vợ. Trong sự kén chọn, mẹ anh đã cẩn trọng biết bao nhiêu, giá ngày nay mà mẹ anh sống lại, thấy anh kén chọn một cách cẩu thả như thế nầy, thì mẹ anh cũng đến buồn. Còn tôi không trách anh chút nào về việc anh đã khất qua cái quyền của tôi...

− Bẩm, xin thầy nghĩ lại...

− Không, tôi đã nghĩ đi nghĩ lại một trăm lần rồi, tôi chỉ thấy rằng anh ngày nay tự thân lập lấy thân, có đồng tiền nuôi miệng rồi thì anh cũng không cần nghĩ đến tôi nữa. Anh cưới vợ, mà anh không thèm nói với tôi một tiếng...

− Bẩm lạy thầy, con sợ thầy quá, con không dám nói.

− Tôi có phải là beo cọp đâu!

− Bẩm con biết tính thầy nghiêm khắc, thế nào thầy cũng không dung được một người như vợ con bây giờ...

− Vợ anh làm sao?

− Bẩm, vợ con... Trước kia cũng là con nhà tử tế...

− Tôi biết rồi...

− Cũng chỉ vì con sợ thầy không cho phép chúng con lấy nhau, thì khổ cho chúng con lắm... Vợ con ngày nay đã là một người đã từng đau khổ nhiều lắm, con đã hứa rằng: sẽ không bao giờ làm cho vợ con đau khổ thêm nữa...

− Nhưng anh quên một điều, một điều quan trọng, anh không nghĩ đến chút ít hạnh phúc của người đã sinh ra anh. Anh không nghĩ đến sự yên ổn của những ngày già yếu của tôi. Nay còn sống, tôi biết cắt nghĩa thế nào cho những cô dì và chú bác của anh, mỗi khi họ giục tôi cưới vợ cho anh. Nếu anh Thông Ba không tin về cho tôi hay thì có lẽ không bao giờ tôi biết anh đã có vợ. Rồi một mai kia tôi chết, tôi sẽ cắt nghĩa thế nào cho ông bà tổ tiên nhất là cho mẹ anh biết vì cớ gì trong lúc tôi còn sống trơ trơ mà để cho anh đi lấy một đứa... giang hồ.

− Bẩm thầy không nên nói thế!

− Tôi biết dùng hai chữ ấy có lẽ hơi "nặng" quá. Nhưng biết ai hiểu cho mình? Vợ anh đối với bà con, đối với người ngoài, đối với mọi người chỉ là một gái...

Quan Phủ không thể nói hết. Và Hải cũng không nói gì thêm nữa. Những phút im lặng kéo dài một cách ghê sợ...

Lan, nãy giờ ở trong kia buồng, vẫn nằm lắng nghe không để sót một tiếng nói, một cái im lặng, một tiếng thở dài nào. Nàng nén sự hồi hộp, cảm động để lắng nghe. Khi nghe hai người ngừng nói, và hình như có tiếng khóc nức nở, thì nàng rón rén ngồi dậy, và đi chân không lại bên một cánh cửa ngăn chia hai buồng. Qua cái lỗ khóa, nàng thấy quan Phủ đương gục đầu vào một cái bàn và Hải đứng vòng tay trước ngực tựa đầu vào tường và thẫn thờ như không nhìn một cái gì cả.

Trên vách, cái bức tranh "Cô gái Huế" của họa sĩ Mai Trang có đôi mắt âm thầm hơn mọi ngày và như muốn long lanh đôi giọt lệ.

Nàng bước về giường. Nàng khẽ châm diêm và đốt nến lên. Rồi nàng mở rương của mình lục soạn và lấy ra cái bộ áo thâm mà trước kia nàng thường bận khi đưa đò với bác nàng và khoác vào mình. Trời hơi lành lạnh, nàng định khoác thêm cái áo peluche mà Hải vừa sắm cho nàng để bận trong những ngày lạnh sắp tới. Nhưng không hiểu sao nàng cầm lên ngắm nghía một lúc rồi nàng lại bỏ xuống. Nàng xếp lại một cách thẳng thắn và trân trọng bỏ vào rương. Đoạn nàng lấy cái bút chì, kê vào mặt rương viết lên ở sau lưng bìa quyển tiếu thuyết " Les Roquevillard" [c] của Bordeaux mà mấy hôm nay nàng đương đọc giở.

 

Anh Hải,

Em mới chợt nhớ ra rằng: anh tưởng em là người vợ trăm năm của anh hẳn. Ô hay! Ai bảo anh như thế? Nhà anh là một nhà nề nếp, anh không có quyền dung ở trong nhà anh một gái giang hồ. Anh không còn nhớ em là một gái giang hồ à? Đã một lần, anh gặp em đương trong đêm khuya ca những điệu não nùng để vui lòng khách, chính trong đêm ấy, em đã hiến chút trinh thừa cho khách. Không nhớ à? Em là gái giang hồ. Không lẽ em lại lấy một người chồng như anh? Mà em không thể sống với anh như thế này mãi, như thế này mãi...

Đã lâu, em quên hết những thói tập của con nhà đài các. Em không còn biết nấu nướng gì nữa. Em muốn khâu đường kim cũng ngợ ngàng. Em không còn có thứ tự, sự kỷ luật, sự nề nếp. Em đã là một gái phong lãng. Em không thể làm một người nội trợ. Em chỉ có thể đến đây để đưa lại cho anh sự khuây khỏa trong chốc lát. Đến bây giờ em không thể dối anh được nữa: Tình nghĩa đôi ta chỉ có thế, vì chỉ được đến thế. Em không thể tự buộc em phải yêu anh hơn thế nữa. Vả anh không nhớ rằng em đã yêu anh Trâm rồi à? Trâm: cái hình ảnh ấy, bao giờ phai nhạt được? Trâm: cái tình đầu ấy, có bao giờ quên được? Anh ghen à? Về lý anh ghen với một cái bóng, một cái hình ảnh? Chết chưa! Em cũng không biết cái cớ gì nó xui em trốn đây nữa. Em vừa được nhìn xem một cảnh gia đình lạnh lùng đến ảo não. Em muốn tin rằng em đến với anh chỉ là phá cái hạnh phúc của anh, của thầy anh nữa mà thôi. Ồ sao thầy anh gục đầu xuống một lúc lâu mà không nói thêm một câu gì nữa. Ông cụ khóc phải không anh? Khóc vì sinh phải đứa con vô phúc, một đứa con lấy phải một gái giang hồ. Anh là một đứa con bất hiếu. Thầy anh nuôi anh ăn học, có phải là để một ngày kia anh lấy một gái giang hồ? Ồ em điên mất rồi anh hử? Hình như trên dưới em nói bất nhất với nhau. Ai bảo anh, ai bảo anh rằng em đã là vợ anh? Em chỉ đến với anh để xin anh một chút ấm cúng trong những ngày giá lạnh, rồi em lại đi...

Anh tha lỗi, và anh xin thầy anh tha lỗi cho em, vì em đã đến phá cái hạnh phúc của gia đình anh. Em sẽ đi, em sẽ đi trong đêm nay, khi cái thơ này đã chấm cái dấu phẩy cuối cùng. Em sẽ đi để cho thầy anh và anh cười nói vui vẻ như ngày trước. Ô, kìa! Sao thầy anh chẳng nói gì nữa! Mà anh cũng không nói gì nữa! Cả cái bức tranh "Cô gái Huế" cũng bị buồn lây. Anh nhìn lại bức tranh, có phải bức tranh rưng rưng muốn khóc không anh? Em đi đây, chào anh! Mùa đông năm sau em sẽ trở lại, để quấy anh một lần nữa.

LAN

T.B.: Áo quần và những đồ nữ trang anh sắm cho em, em xin gửi lại cho anh. Em chỉ mang theo những đồ của em sắm cho em, với những tiền bạc của những ông khách mà đêm khuya em đã hiến cái thân tàn cho họ. Thấy ren rét em định mang theo cái áo peluche nhưng mà không biết nghĩ thế nào, em lại bỏ lại... Em không muốn cái áo ấy nó cũng sẽ nhơ bẩn bởi cái cuộc đời nhơ bẩn của em.

Viết xong, nàng cúi đầu đặt một cái hôn lên trên mấy dòng chữ cuối cùng, rồi thổi tắt cây nến và quả quyết đứng dậy. Nàng đi lại phía sau và rón rén mở cánh cửa ra, và nhảy ra khỏi phòng. Cánh cửa đóng lại đánh "ập" một cái làm cho nàng hơi ghê rợn và cái tiếng như cứ theo đuổi nàng mãi, khi nàng phóng qua những vùng cải để lách mình dưới rặng cau. Những ngọn cỏ đánh vào chân nàng những hạt sương lành lạnh, nàng rùng mình nghĩ đến cuộc đời vô định đương đợi mình trở lại, ở trên bến sông.

Bỗng nàng nghe có tiếng rao kéo dài như một tiếng thở dài, tiếng một thiếu nữ:

− Ai ăn chè sen, đậu ván!

Tiếng rao vọng lên ở cuối phố và âm thầm chết ở trên một vòm cây xoan.

Nàng nói lẩm bẩm một mình: Ồ! Đêm còn sớm thế à? Rồi nàng bước nhanh hơn nữa, kẻo sợ đêm càng về khuya.

 

***

 

Từ hôm Lan trốn đến nay, không biết là lần thứ mấy, Hải trở lại bến Vị Giạ để tìm Lan, và tưởng như chàng mới trở lại lần thứ nhất, vì mỗi người mà chàng gặp mỗi lần mỗi khác. Chàng vừa đi đến bến thì trời đã chiều. Mùa đông năm ấy hình như còn sớm quá, cho nên vẫn còn rơi rác lại những cái trong trẻo của những ngày thu. Giữa những ngày giá lạnh, vẫn còn chen vào những buổi chiều êm ái, mà trên trời người ta thấy những đám mây bạc bay rất nhanh.

Đứng ngơ ngác trên bến, Hải chợt thấy một ông cụ già trong khoang một chiếc thuyền câu nhỏ vừa bước ra đằng lái. Lão vừa vén áo lên gãi vừa ngửng mặt nhìn lên giời, nhìn khắp bốn phía như để tìm một cái triệu chứng gì. Hải tưởng như đã gặp ông cụ ấy một lần nào rồi và hình như đã có hỏi thăm lão về tin tức bác Hai Vận nên không muốn đả động gì đến chuyện ấy vội. Trong lúc ông cụ vẫn nhìn giời và như không chú ý đến Hải, thì Hải đột nhiên hỏi với cái giọng rất vui vẻ:

− Trời nầy, chắc tối đến mới thực là rét cụ hỉ?

Quay lại nhìn Hải, ông cụ niềm nở đáp:

− Dạ, trời này tối thì phải rét lắm.

Rồi lão cười như một đứa trẻ con, nói tiếp:

− Nhưng rét thì các thầy đã có chăn bông, chỉ khổ cho bọn chúng tôi, đã nghèo lại già.

Và sợ rằng Hải có thể hiểu lầm cái câu lão nói đó là một câu than oán lão lại nói:

− Nhưng trời này là trời tốt cho con nhà chài lưới chúng tôi lắm. Thế nào sáng mai chúng tôi cũng có cá ngứa để bán và các thầy cũng có cá ngứa để mà ăn.

Lão lại cười một cách ngây thơ.

Hải cho là cái lúc nên hỏi đến chuyện Lan.

− Cháu muốn hỏi cụ thế cụ ở đây lâu, có biết đò bác Hai Vận không?

Hải nói hơi khẽ; ông cụ chỉ nghe tiếng được tiếng mất, khiến ông lão phải hỏi lại:

− Thầy làm ơn nói to to một chút, tay chân còn nhờ giời còn cứng cáp, nhưng lão, phải cái lỗ tai hơi ù ù.

Nhưng Hải cũng không nhắc lại vì chính cái câu hỏi ấy chàng hỏi ở bến này đã nhiều lần rồi; chàng sợ nói to người ta càng thêm lưu ý. Chàng bèn hỏi trẹ qua một chuyện khác:

− Cháu muốn hỏi cụ cái đò cụ có còn cá bán không? Hôm nay cháu thèm ăn cá quá!

− Thế thì may cho thầy quá, đò lão được hai con cá thu, chưa bán cho ai hết. Thầy muồn "thời" xin mời thầy xuống thuyền lão bảo cháu luộc ngay.

− Thế thì may mắn cho cháu quá.

Ông cụ già vừa cười khà khà vừa nhổ sào cho thuyền vào tận bến để đưa Hải lên.

Ông cụ trải chiếu mời khách ngồi ở khoang ngoài, và bảo người con gái lúi húi ở trong "khoang bếp" tối tăm:

− Con luộc ngay hai con cá thu, luộc ngay cho tươi để quý khách uống rượu.

Rồi quay lại phía Hải:

− Thầy uống được rượu chứ?

− Dạ, cũng uống được chút ít

− Phải, ăn đồ tanh mà không uống được rượu thì mất ngon nhiều lắm.

Lão trỏ một cái chai rượu để ở cạnh cái rương:

− Đò lão vừa mua được một chai rượu nị ang. Chùng lén mãi mới mang về đò được.

− Quý hóa quá!

Nghĩ một lát lão lại hỏi:

− Lão cũng vô ý quá, lão quên hỏi thầy làm việc ở sở mô?

− Cháu làm việc ở sở nhà thương.

− Thầy làm "thầy thông nhà thương” thì phải?

− Cháu về ngạch y sĩ Đông Dương.

− Y sĩ Đông Dương? Lão chưa từng nghe có ai nói có cái chức như rứa. Y sĩ Đông Dương nghĩa là răng thầy hỉ?

− Ta thường kêu là "Đốc nhà thương".

− À té ra thầy là đốc nhà thương? Xin quan tha lỗi.

− Cụ khéo vẽ chuyện!

− Xin lỗi quan! chứ các ngài bây giờ  đều ăn mặc Tây, nên khó phân biệt lắm. Chứ ăn mặc An Nam đeo bài ngà vào thì quan ra quan thầy ra thầy.

Rồi lão quay giục người con gái:

− Con làm mau lên một chút, chẳng mấy khi có quan Đốc nhà thương đến đò.

− Dạ đã gần chín rồi! Cha làm ơn soạn mâm bát ra cho con.

− Được, để lão giúp cho.

Thiếu nữ vẫn ở trong khoang thuyền nói ra:

− Chà! Nếu chúng ta quen được quan Đốc sớm hơn mấy ngày thì không chừng đã cứu được mạng chị Tư cha hỉ! Tội  nghiệp.

− Thôi nhắc chi đến chuyện đó nữa con! Con người ấy mà chết giời không cho lão chết thay! Tội nghiệp con người phúc đức có một.

Rồi vừa múc cá ở trong nồi ra mâm, lão vẫn nói như nói một mình:

− Ừ, nếu mà hôm ấy ta đã quen quan Đốc thì thế nào ta cũng nhờ quan xuống phúc cho cô ta. Ấy tuy là gái giang hồ mặc, nhưng mà cũng có ba bẩy hạng giang hồ...

Hải giật mình, mặt tái hẳn, giọng hơi run run:

− Cô ta là gái giang hồ?

− Dạ, giang hồ nhưng nghe đâu cô ta là con nhà tử tế, con quan đấy! Chắc quan cũng biết cô ta chứ?

− Thế cô ta tên là gì?

− Cô Tư.

− Cô Tư?

− Cô Tư Lan.

− Lan?

− Dạ, Lan...

− Lan là cháu bác Hai Vận.

− Thế bây giờ cô ta làm sao?

− Cô ta chết đã ba hôm nay.

− Chết rồi?

− Dạ, chết rồi. Tội nghiệp quá! Nhưng mời quan xơi cá đi cho nóng...

− Cụ hãy kể hết đi cho tôi nghe với.

− Ta vừa uống rượu vừa nói chuyện.

Như một người điên, Hải cầm lấy cốc rượu, và nốc một hơi! Lão chài cười khà khà.

− Thế mà  lão cứ tưởng các ngài thanh niên bây giờ ít uống rượu. Khá thực, uống nữa đi. Và "thời" cá đi kẻo nguội.

− Xin cụ kể cho! Thế rồi cô ta chết…

− Lão đã thưa với quan rằng: Người ta chết đã ba hôm.

− Nhưng vì bệnh gì?

− Bệnh phổi! Bệnh thổ huyết. Nhà nghèo đã gặp tiết trời  đã hơi lạnh, chống làm sao nổi! Ừ! mà cô ta có cái chứng lạ: không chịu uống thuốc bao giờ. Nếu có gặp quan nữa, chưa chắc cô ta đã chịu để cho quan chữa.

− Thế cô ta chết ở bến này?

− Không, đã lâu cô có ở bến chúng tôi nữa mô! Khi bệnh nặng lắm, bác Hai Vận đi cầu ở đền Ngài, mới tạt chơi. Chúng tôi mới hay đò bác đỗ ở tận bến Tuần. Lão và con bé cháu có lên thăm, nhưng cô ta đã yếu lắm không nói chuyện được nữa. Hỏi gì cũng chỉ lắc đầu! À mà quan "thời" nữa đi, cạn hết cốc rượu đi chứ? À, cốc rượu này là cốc thứ mấy hỉ?

− Cốc thứ ba!

− Tửu lượng của các quan bây giờ chẳng nhường các cụ. Quan cạn đi.

Như một cái máy, Hải lại đưa cốc lên môi, nốc một hơi, rồi ngả lưng xuống thuyền không nói một tiếng.

− Chết quan tôi đã say rồi đó!

− Lão đưa ta về nhà đi thôi.

− Quan hãy ngủ lại với lão. Về trúng gió nguy lắm!

Hải nằm im lặng không nói gì nữa. Một hồi lâu, chàng mới cất giọng cười như một con quỷ sứ và hát lảm nhảm. Rồi chàng ngủ đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau Hải mới tỉnh rượu. Chàng nhớ lại chuyện hôm qua như một giấc mộng. Chàng hỏi ông cụ:

− Hôm qua cháu cười nhiều lắm phải không cụ?

Rồi chàng bật khóc như một đứa trẻ con. Đoạn, chàng lấy ra trả cho ông cụ một đồng bạc, và lên bến.

Ngay sáng hôm ấy, chàng đi thẳng lên bến Tuần để tìm bác Hai Vận.

Hải đến chợ Tuần do một đứa trẻ dẫn đường, Hải đi thẳng xuống bến để tìm bác Hai Vận. Thoạt trông, Hải nhận thấy ngay là đò bác Hai đương cắm ở dưới gốc một cây sung lớn. Hải móc túi lấy cho đứa trẻ năm đồng xu rồi bước lên trên một tấm ván gỗ bắc làm cầu để vào thuyền.

Hải ngỡ là bà Hai đương ở trong khoang thuyền, nhưng khi Hải bước vào không thấy một bóng người nào hết. Một sự lạnh lùng ảo não! Hải đi ra đằng lái, gọi to bà Hai, vì chàng đề rằng bà Hai đi lên bờ kiếm củi khô. Nhưng chàng chỉ nghe có tiếng dội lại của dãy đồi xa. Tiếng dội làm cho chàng ghê rợn quá, tưởng mình như đương lạc bước vào một thế giới nào kỳ lạ, mà mình không còn chủ được cái trí khôn của mình và ngờ hết thẩy cả những điều hiểu biết của mình.

Rồi chàng đứng im bặt, và cúi nhìn xuống nước. Bỗng chàng đưa tay bưng kín mặt lại, và chạy vào khoang. Chàng vừa thoáng thấy ở dưới nước cái gương mặt của Lan, cái gương mặt ấy mà chàng thấy lần đầu tiên, cũng trên chiếc thuyền này.

Chàng nằm như một người mê man, hình như trong một lúc lâu, chàng không biết mình nghĩ gì nữa. Chốc chốc chàng mở mắt ra thấy những bóng râm của cây sung rủ xuống và phất phơ trên thuyền, chàng tưởng như thấy những cái mộng xưa cũng phưởng phất trước mắt.

Bà Hai bước vào thuyền đặt rổ xuống khoang một cái thật mạnh, làm cho Hải trở về với thực tại. Chàng ngồi nhỏm dậy đăm đăm nhìn bà Hai. Bà Hai chưa kịp nói gì, mà nước mắt đã chảy ra ràn rụa. Rồi giữa những tiếc nức nở bà Hai Vận kể lể:

− Lan ôi là Lan ôi! Cháu đi mô mà để thương nhớ cho những người còn ở lại. Một ngày cháu nhắc tên ông Hải đến hai ba lần, nay người ta đến đó, con thì đâu? Lan ôi là Lan ôi! Trời ôi là trời ôi!

Hải đi lại gần khẽ đỡ bà Hai dậy toan nói gì, nhưng cảm động quá chàng nói không ra.

Bà Hai lại gục đầu xuống kể lể:

− Ông Hải ơi! Nếu ông biết nó lưu luyến và đau khổ vì ông đến bực nào, thì chắc ông cũng không phải chờ đến bây giờ mới đến thăm, khi nó không còn nữa. Ông ơi, cháu  Lan nó chết vì ông, sao ông không đến mà chữa cho nó. Nó lại thổ huyết.

− Thì nào tôi có biết! Bác không tin lên cho tôi hay, thì tôi biết đò Lan đậu ở bến nào? Khổ quá, bác giết Lan...

− Nhưng ông hiểu cho, đã mấy lần tôi nói với Lan để lên tìm ông Hải, thì Lan cũng từ chối, mà nói rằng: thà chết thì thôi chứ không muốn cho ông Hải điều trị nữa. Ông Hải ơi, ông đã làm gì cháu tôi mà đến nỗi nó kinh sợ ông đến rứa! Ông nói đi! Sao ông đứng im thế? Ông khóc mà làm gì nữa. Muộn lắm rồi! Từ hôm ở nhà ông nó trốn về thì sáng hôm sau bệnh cũ trở lại ngay. Nó ho nhiều quá! Và ngay hôm ấy, nó đã khạc ra huyết. Khốn nỗi tôi có biết vì sao! Vì sao nó lại trốn đi? Hồi 3 - 4 giờ sáng nó mới về đến thuyền tôi. Ông Hải, có phải ông đã đuổi nó? Ông không nhớ nó đã sẵn có bệnh trong mình à? Tội nghiệp! Đêm khuya gió lạnh như thế, làm sao tránh khỏi bệnh được? Sao ông nhẫn tâm thế ông Hải? Ông nói đi...

− Bác Hai! Cháu còn biết nói gì nữa?

− Sao ông lại đuổi nó?

− Nào cháu có đuổi. Nhưng mà trăm tội đều như ở cháu cả.

− Ấy rồi, mỗi ngày bệnh mỗi thêm. Không hiểu sao từ hôm đầu, nó bắt bác phải rời thuyền khỏi bến Vị Giạ. Mà nó cũng không muốn cho bác lên đi tìm ông nữa! Bác trốn nó đi mời ông thầy Bích ở dưới Hương Cần. Thầy đến chẩn mạch cho nó uống. Nó vẫn uống như thường, bác tưởng rằng nó sẽ đỡ, nhưng bệnh vẫn cầm chừng. Ngày thứ tư, nó không chịu uống thuốc, vì nó nói rằng uống thuốc vào thì nó nóng ruột quá! Bác không hiểu sao lại như rứa, nhưng bác cũng chiều nó, mà không cắt thuốc thầy Bích nữa. Bảo đổi thầy, nó cũng lắc đầu. Nó cả quyết với bác rằng: ba hôm nữa nó sẽ khỏi. Quả vậy, ba hôm sau, nó đã ngồi dậy được tỉnh táo lắm. Bớt ho nhiều và trong đờm cũng chỉ còn lởn vởn chút ít máu tươi mà thôi. Bác nói với nó để lên chợ bác mua cho nó vài con cá giếc để về nấu cháo cho nó ăn. Nó bác đi và đòi cho được bồ câu mới ra ràng. Bác cũng chiều nó, lên chợ tìm hết hàng quán mới mua được một cặp bồ câu. Khi bác trở về, thì thấy nó đương kê vào cái rương, nó ngồi viết...

Suốt ngày hôm ấy nó ăn cháo bồ câu vào, lại càng thấy khỏe.

Hôm sau, hôm sau nữa và cứ thế trong hơn một tuần, có khi nó khỏe, có khi nó yếu, có khi tỉnh táo, có khi mê man, nhưng ngày nào nó cũng để ra 5 - 30 phút để viết... Ngày hôm nó chết, là ngày nó vẫn chép nhiều vì chính hôm ấy nó không ho qua một tiếng. Chỉ chiều đến một cơn suyễn lên tận ngực rồi nó ho lịm đi. Nó không trối lại một câu nào hết. Nhưng có lẽ...

Bác Hai Vận mở rương, lấy ra một tệp giấy, đưa cho Hải và nói:

− Nhưng có lẽ cái tâm sự của cháu tôi đều ở trong nầy. Đã mấy lần tôi muốn cậy cậu Tịch đọc giùm tôi nghe nhưng mà cứ ngần ngại mãi sợ rằng nghe thêm lại càng đau khổ. Thôi thì bây giờ ông Hải, ông đọc cho tôi nghe xem nó nói gì. Tôi không sợ nữa. Chắc là tập giấy này nó nhờ tôi sau nầy gửi lại cho bà Phủ mà nó không kịp nói.

Hải run run nhận lấy tập giấy và đọc lên như một cái máy, hình như chỉ cốt đọc cho người khác nghe, cái tập nhật ký thực ra chỉ viết lại cho chàng.

 

Ngày mồng 10

Từ hôm bỏ nhà anh mà đi, đã bốn năm hôm nay, em không hề nghĩ việc chép lại một dòng chữ để lưu lại một cái bút tích của mình. Là vì em còn muốn sống, còn thấy mình sống được nữa, để trả thù đời. Trong những lúc thổ ra nhiều huyết, em vẫn tin em còn sống được, nhưng hôm nay tự nhiên trong mình thấy khỏe, em lại có cái cảm giác lạ lùng là em sắp chết. Cuộc đời đã đánh ngã em rồi. Em không thể gượng dậy được nữa. Chẳng qua là Giời Phật muốn ban cho em một cái ân huệ cuối cùng, ban cho em một ngày trong sáng cuối cùng trong cái đời tối tăm và đau khổ của em. Hôm nay, em thấy trời trong sáng ra như một cô gái đẹp vừa trang điểm xong. Em cũng bắt chước giời ra ngồi gỡ mái tóc. Mới có mấy hôm, mà tóc em rối quá! Gỡ không ra! Người ta thường cấm những người ốm không được chải đầu, cũng may bác em đi chợ vắng.

 

 

Ngày 11

Hôm nay, ho nhiều vì có lẽ là tại ngực em phủ không được kín. Biết thế em đem theo cái áo peluche của anh sắm cho em độ nọ. Bác Hai nghèo quá, không có đủ một cái chăn kép cho tử tế. Em lạnh lắm! Giá có được một vật gì của anh để ủ cho em thì chắc em sẽ ấm cúng ngay, và không ho nữa. Hôm nay em cần có anh ở bên em. Nhưng em sợ quá! Em sợ anh sẽ chữa cho em khỏi... Giá anh không làm y sĩ thì em đã bảo bác Hai đến mời anh đến rồi.

 

 

Ngày 12

Hôm nay gió thổi từng hồi, vùn vụt ở ngoài mái thuyền. Lá sung vàng bay vào đò em nhiều quá! Em gượng ngồi dậy, để chép, em muốn chép rõ thật nhiều. Hôm nay em thấy tiếng Việt Nam không đủ cho em dùng. Thiếu nhiều lắm! Cần phải có một cuộc phục hưng lớn cho quốc văn. Ô hay! Có lẽ em điên mất! Một con đĩ như em cũng có quyền nghĩ đến quốc văn à? Nghĩ đến những vấn đề to tát thế kia à? Em điên chưa anh? Anh nói đi! Sao anh cứ đứng thừ người ra thế? Anh làm thầy thuốc đã mấy năm rồi nhỉ? À ba năm, thế trong ba năm anh Hải có thấy người nào có cái chứng bệnh như em không? Anh tưởng em đau bệnh thổ huyết chứ gì? Nếu anh cứ tưởng như thế mà cho em thuốc thì anh cũng đến giết em. Nhưng ai cần đến anh để giết em!

 

 

Ngày 13

Sao anh tàn nhẫn thế! Em thấy như anh còn muốn hỏi em về cái dĩ vãng của em? Cái dĩ vãng ấy anh cho là đầy những điều bí mật, nhưng thực ra nó chỉ gồm ở trong một cái tên "Trâm". Đã mấy lần em nhắc đến tên người ấy! Hôm nay, em muốn đưa chuyện ấy kể cho anh nghe. Ừ, để em kể cho anh nghe nhá! Trâm cũng như anh, một người em yêu, nhưng nhiều may mắn hơn anh là 3 - 4 năm trước anh. Trâm hơn anh cái này nữa, Trâm là một người khốn nạn! Ừ để em kể hết cho anh nghe!

Nhưng sao ho nhiều thế này! Có lẽ chết mất, xin lỗi anh em phải vứt bút xuống bây giờ.

 

Ngày 14

À, té ra đến hôm nay em cũng chưa chết! Nhưng em không muốn nói tiếp về chuyện anh Trâm. Không, không, một nghìn lần không! Em chả nhắc đến tên người ấy nữa. Anh Hải! Em yêu anh. Em vẫn yêu anh. Mãi mãi em yêu anh!

 

Ngày 15

Hôm nay, giời nắng ửng trông dễ thương quá. Da giời lại xanh ngắt. Đẹp quá nhỉ? Em bảo bác Hai đem nước cho em tắm, em tắm xong, thấy như vừa tắm ở suối tiên lên. Toàn thân thấy mát rời rợi và tinh thần khoan khoái. Có lẽ em còn sống nữa, mà có lẽ em sống lâu nữa. Không chừng em sẽ chết sau anh. Đàn chim gì, nó ăn sung chín, xả bẩn xuống đầy thuyền em. Chim gì thế anh Hải! Anh đuổi hộ cho em với.

 

Hải ngừng đọc, bà Hai nước mắt dàn dụa nói với Hải:

− Hết?

− Bẩm hết rồi?

− Chính là cái ngày 15 ấy, là ngày Lan chết...

− Thế mà ngày ấy Lan tưởng Lan sẽ không bao giờ chết được!

Rồi qua những giọt lệ mờ, Hải nhìn ra ngoài giời. Giời nắng ửng và vẫn vắng ngắt, giời vui vẻ như hôm Lan từ biệt cõi trần.

 

 

 

PHẦN THỨ HAI

 

Trên bãi bể Quy Nhơn. Một buổi hoàng hôn... Những khách ra hứng gió đã về hết. Một mình Hải còn rốn ở lại, ngồi ở trên bãi cát và trông ra những dãy núi xanh ở xa, đương bắt đầu nhuộm một màu thẫm. Vì đêm đã sắp xuống. Bỗng có tiếng chân người đi lại ở phía đằng sau lưng. Hải giật mình quay lại và sửng sốt. Một thiếu nữ trong chùa Quốc Khánh đi ra, có cái dáng điệu và nét mặt giống Lan như đúc. Hay là Lan...

Giữa một cảnh như thực như ảo, một bên là giời nước bao la, một bên là một ngôi chùa tịch liêu, Hải có cái cảm giác ghê sợ. Chàng tưởng như, − không chàng tin rằng, − người thiếu nữ sắp đi lại phía chàng ấy là Lan. Chàng thấy rằng sự hiển hiện của Lan là một điều rất dĩ nhiên. Trong trí chàng, không bao giờ chàng cho rằng Lan đã chết hẳn rồi, không phải vì chàng tin rõ sự bất diệt của linh hồn, mà ngày thường chàng không hề nghĩ tới. Sự hiển hiện ấy đột ngột quá, khiến chàng không kịp đưa lý trí ra mà suy xét. Rồi chàng đứng dậy, quay về phía nàng, sửa soạn điểm một nụ cười để chào nàng. Nhưng người thiếu nữ vẫn vô tình đi ngang qua chàng, không hề đáp lại một cách niềm nở sự chào đón của Hải.

 

Nàng rảo bước rất nhanh, có lẽ nàng cũng không thấy Hải nữa. Hải tự thấy bỡ ngỡ và ngượng ngùng, mồ hôi lạnh rỉ ra đầy trán. Chàng muốn gọi cho thật to: "Lan! Em Lan!", nhưng chàng sợ rằng một tiếng động mạnh sẽ làm cho Lan biến mất. Im lặng, chàng đuổi theo cái bóng. Trên bãi cát trắng một cách huyền ảo, chàng thấy cái bóng trước mặt mình, nhẹ nhàng bước như đạp ở trên mây trên khói.

Đi hết cát thì nàng rẽ qua đường Nhà thương và quặt về phố Khải Định rồi sẽ dừng trước một căn phố rộng. Nàng gõ cửa, có tiếng một bà cụ già ở trong màn trắng nói ra:

− Con đã về đó. Sao về chậm thế con?

− Thưa má, con mải niệm Phật quên cả tối, những người xung quanh con về lúc nào không hay đến.

Một người đầy tớ già chạy ra mở cửa cho nàng. Vài cậu bé trạc 7 - 8 tuổi, đương học ở một cái bàn con thấy nàng thì chạy lại níu lấy chéo áo nàng, và với cái quả nàng đương bưng ở trên tay. Nàng xoa đầu mấy đứa em nhỏ của nàng, đặt cái quả xuống bàn và nói với chúng nó bằng một cái giọng đầy êm dịu, đầy yêu thương:

− Bích và Hà lại học đi, đứa nào học thuộc bài trước chị sẽ thưởng cho oản và chuối. Rồi quay lại phía sau bà cụ:

− Má ngồi dậy làm gì cho mệt! Má nằm xuống đi. Từ chiều đến giờ, má còn sốt nữa không?

− Má ăn bát cháo hành rồi, bây giờ thấy khỏe khoắn lắm, con nà! Thôi con đi ăn cơm đi!

− Dạ, má để mặc con.

− Con nghe lời má, đi ăn cơm đi cho má vui lòng.

Nhưng nàng vẫn chưa vâng theo lời mẹ nàng, nàng đi lại bên giường và nghe mẹ nàng ho mấy tiếng, thì nàng vội vàng lấy cái ống nhổ đưa tận miệng mẹ nàng, đoạn nàng đưa tay sờ lên trán bà cụ và nói:

− Má nằm xuống nghỉ đi! Trán má còn hơi hâm hẩm.

Ngoan ngoãn như một em bé, bà cụ đặt lưng xuống nệm.

Trong lúc ấy, ngoài đường Hải cũng thôi ngắm cái cảnh gia đình tuy bề ngoài có vẻ đau khổ, nhưng thực ra là một cảnh đầy âu yếm, đầy lạc thú. Hải bây giờ như sực tỉnh giấc mộng. Chàng không còn thể tin được người thiếu nữ ấy là Lan.

 

Chàng bước lên một cái xe kéo và mỉm cười. Chàng vừa chợt nhận thấy mình ngây ngô quá. Ai đời lại đi tin một sự kỳ quái như thế bao giờ? Cái ý nghĩ ấy càng chua cay khi chàng nhớ lại cái tập nhật ký não nùng của Lan. Rồi buồn rầu chàng nói một mình "Ta ngờ oan cho Lan! Lan còn sống thế nào được nữa. Mà có bao giờ Lan còn muốn sống nữa, giá bây giờ ta mở cái săng của Lan, ta chỉ thấy một cái thân hình đen sẫm, và có lẽ đã tan nát và sẽ xông lên mùi hôi ghê gớm. Bao giờ ta lại trông ở cái xác − cái xác thối tha và tan nát ấy − một sự phục sinh nữa. Khi sự phục sinh ấy là một người con gái thanh tân diễm lệ như chàng vừa trông thấy. Nhưng chàng cũng không thể tự cắt nghĩa cho mình xem tại sao lại có sự giống nhau lạ thường ấy được: Lan với người thiếu nữ vừa đi lễ chùa về đó, từ dáng diệu cho đến nét mặt đều giống nhau như cùng đúc ở một khuôn mà ra vậy.

 

Nãy giờ, chàng quên không chỉ phố của mình cho người cu li xe kéo về, cho nên người cu li tưởng rằng người khách của mình muốn ra biển hứng gió, hắn ung dung bước từng bước một ở dưới con đường thông. Mà Hải như một người vô hồn, bước lên xe cũng không biết sẽ đi đâu. Đến khi xe qua tòa sứ, gặp một người bạn quen, Hải mới sực nhớ ra rằng: mình còn về nhà, vì chưa ăn cơm tối.

 

Ba hôm sau, Hải trở lại phố Khải Định.

Chàng biết rằng người thiếu nữ ở phố ấy không có liên can gì với người tình cũ của mình, nhưng chàng vẫn như đưa dẫn bởi một tiếng gọi thiêng liêng, chàng đã có cái cảm giác trước rằng: thiếu nữ ấy đối với chàng sau này không thể là một sự hững hờ. Hoặc giả sự giống nhau ở ngoài hình thể chỉ là biểu hiện một sự giống nhau về tâm tình. Không hiểu sao nhà y sĩ lại có cái ý lạ lùng ấy, chàng muốn tìm ở trong người thiếu nữ ấy, những cái dấu vết của người tình cũ. Rồi như sợ có người ngoài đọc được cái ý nghĩ kỳ quặc của mình, chàng phá ra cười để chế giễu mình vậy. Bỗng, ở cạnh nhà người thiếu nữ hôm trước, chàng thấy có cái bảng con "Maison à louer" [b] cái bảng ấy nhắc lại cho chàng một sự thực, từ hôm chàng đổi vào Quy Nhơn, chàng chưa thuê được một cái nhà riêng cho tử tế, đến nay vẫn ở trọ nơi nhà một người bạn làm Tham tán Tòa sứ. Chàng ngắm qua cái bề ngoài của gian nhà, và gật đầu một cách đắc ý lắm. Đoạn chàng đi lại gõ cửa. Chàng gõ một hồi lâu vẫn không thấy ai ra mở cửa cả.

Hải còn đương cúi mặt qua cửa kính, nhìn vào trong nhà thì có tiếng người đi lại sau lưng mình, và có tiếng nói:

− Thầy muốn thuê nhà hẳn?

Hải quay lại, nhìn người thiếu nữ bận toàn lụa trắng, đứng nghiêm trang trước mặt mình. Hải nhìn một cách ngạc nhiên và sửng sốt, vì người thiếu nữ ấy chính lại là người có cái nét mặt và dáng điệu của Lan... Hải vẫn đứng thừ ra không đáp.

− Nếu thầy định thuê nhà, để em chạy về lấy chìa khóa qua mở cửa cho thầy  xem.

− Thế cô là chủ nhà này?

− Dạ, má em.

− Thì cũng thế.

Hải mỉm cười. Thiếu nữ cũng che miệng cười. Tự nhiên thấy mình vồn vã, Hải hỏi một câu đột nhiên:

− Cô em tên là gì?

− Em tên là Vân. Nhưng thầy hỏi làm gì?

Hải làm bộ như sực nhớ ra một điều gì:

− Hình như tôi có gặp cô một lần rồi, không biết ở đâu?

− Em thì không bao giờ gặp thầy cả.

− Có!

− Bẩm ở đâu?

− Ở trên bãi bể... Mới hôm qua mà cô đã chóng quên, lúc cô ở chùa ra về.

− Có lẽ có, nhưng lúc bấy giờ em ra chậm quá, phải về mau, không để ý đến thầy... Nhưng thầy có nhất định thuê gian nhà này không à?

Hải đăm đăm mải nhìn đôi má ửng hồng của người thiếu nữ không nghe câu hỏi của nàng. Hải vẫn bâng khuâng với một ý nghĩ không đâu: "Giá xưa kia Lan không có nốt ruồi ở trên má thì ít ra nàng cũng được sung sướng như cô bé này". Chàng không hiểu sao mình lại dị đoan đến thế, mỉm cười tự nói một mình như không có ai ở bên cạnh: "Vô lý! Không có lẽ Lan lại khổ chỉ vì một nốt ruồi! Đã bao lần Lan nói với ta rằng chính Trâm là nguyên nhân của bao sự gian khổ của nàng ở đời này. Và ngay ta đây đối với Lan, có bao giờ là hết tội được!".

Rồi chàng vòng tay trước ngực, răng cắn lấy môi trên và đứng nhìn một làn gió nhẹ chạy ở trên những lá đào non. Chàng hỏi to như một người tỉnh mộng:

− Thưa cô, đào này có phải là đào Vĩnh Linh không? Lá nhỏ thế này, thì chỉ đào Vĩnh Linh mới có.

− Bẩm ông đào này chính là đào Vĩnh Linh thực. Ngày trước ông con ở Vĩnh Linh có mang giống về được một ít.

Hải quay lại nhìn. Thì ra người vừa nói đó, chính là một người đầy tớ già đương cầm rỏng rảnh ở trên tay một xâu chìa khóa. Người thiếu nữ hồi nãy đã biến đâu mất. Thực ra nàng thấy cái cử chỉ lơ đãng và có vẻ kỳ dị của người khách lạ, chờ trong lúc mải quên trong sự ngẫm nghĩ sâu xa mà không để ý đến nàng, nàng bèn trốn về nhà và gọi người nhà để tiếp khách hộ cho mình.

Khách vẫn nhìn một cách trơ tráo.

− Bẩm ông có cần xem không, để con mở cửa.

Như một cái máy chàng đáp:

− Không cần.

− Thế ông nhất định thuê?

− Nhất định.

− Thế mời ông qua bên nhà, nói với bà con một tiếng, và đặt tiền nhân thể.

− Thế cô hồi nãy là ai đấy?

− Bẩm cô con.

− Cô có đi học không?

− Đỗ bằng gì rồi đó. Nhưng cô tôi không thèm ra làm cô giáo.

Hải cười một cách đắc ý:

− Không xin ra làm cô giáo cũng là phải. Làm cô giáo dễ đâu! Làm cô giáo phải học nhiều phép lịch sự hơn thế. Một cô giáo có bao giờ lại tiếp khách, rồi để khách đứng trơ một mình không thèm nói với khách một tiếng trước khi đi!

Nói xong, Hải nhận ngay thấy sự ngớ ngẩn của mình: ai đời lại đi nói với một con vú già với một cái giọng chua chát và sâu xa thế. Vả lựa một câu trào phúng ý nhị như thế để làm gì, nếu không phải là để trách người mà lúc mới gặp gỡ, chàng đã có một mối thiện cảm. Thiện cảm cũng chỉ vì thấy nàng giống Lan mà thôi...

− Ông nhất định thuê chứ?

Chàng đáp lại hơi gắt:

− Không định thuê, thì tôi vào làm gì? Vú cứ dẫn tôi qua nói chuyện với bà chủ.

Rồi ngoay ngoảy đi theo người vú già. Hải vừa qua ngưỡng cửa, bà chủ đã vén cái màn trắng lên, ho mấy tiếng sù sụ và cất giọng hỏi khách, cái giọng có vẻ đãi đưa, đài các:

− Cháu đã dẫn thầy xem qua căn phố, thầy có bằng lòng không à?

− Bẩm bà, căn phố ấy, giá có gia đình cũng hơi chật một chút, nhưng một thân mình như cháu thì vừa lắm. Cháu đã có xem qua, lấy làm bằng lòng lắm ạ.

Hải nói dối. Vì đó là một điều không quan trọng. Điều quan trọng có lẽ là được gần một người giống Lan.

Bà cụ có vẻ ái ngại hỏi:

− Thế thầy không đem cô nhà theo?

− Bẩm bà, cháu chưa hề nghĩ đến việc vợ con!

Bà cụ có vẻ không bằng lòng, bà không còn muốn có người hàng phố dị nghị được. Nhưng bà bỗng đổi ý nghĩ ngay: người ta đã dị nghị và chào xáo về bà, về con bà, về nhà bà nhiều lắm rồi, bà có khéo gìn giữ nữa cũng vô ích. Người ta chưa có vợ, mà nhà mình có con gái lớn mặc dầu, nhưng người ta đến thuê nhà là một việc đàng hoàng, cũng như mình có nhà cho thuê là một việc rất chính đáng, ai mà muốn dị nghị điều gì người ấy là kẻ lắm điều  nhiều chuyện. Rồi bà cả quyết:

− Thế bao giờ thầy mới dọn lại?

− Bẩm ngày kia.

− Thầy hãy để thư thả cho một tuần để tôi cho người quét vôi lại.

− Bẩm, thế cũng được...

− Thế thầy đặt tiền trước cho?

− Phải đặt bao nhiêu à?

− 5 đồng.

− Ấy chết, cháu cũng quên hỏi bà xem bà cho thuê căn phố ấy một tháng bao nhiêu?

− Thế mà tôi tưởng cháu đã nói với thầy rồi đó. Trước kia những 18 đồng một tháng. Bây giờ tôi chỉ lấy 15 đồng mà thôi.

− Dạ, thế con sẽ y như giá đấy, và xin đặt trước 5 đồng.

Hải vừa lấy ví da rút số bạc đưa cho bà cụ. Cái tính dễ dãi và rộng rãi của khách khiến cho bà cụ phải hỏi đến câu hỏi mà nãy giờ bà chưa có dịp đụng chạm đến:

− Thế thầy làm ở sở mô?

− Bẩm, cháu làm y sĩ ở bệnh viện tỉnh này.

Hải đáp xong, ngồi thừ ra có vẻ sửng sốt. Lần này là lần đầu Hải thấy ở trong hai chữ "chức vị" của mình một điều kinh hãi lạ thường. Lần này là lần đầu Hải thấy mình là một sự kinh khủng cho mình và cho những người khác.

Bà cụ vẫn nói tiếp:

− Thế ra, quan đây là quan Đốc nhà thương ở tỉnh này! Cho phép tôi hỏi nhờ quan một chút việc: đã năm tháng nay, tôi cứ ho liên miên như thế nầy, khi ho khan, khi ho huyết. Tôi uống đã khắp thầy khắp thuốc, kêu ca khắp đền khắp phủ mà không sao khỏi. Nay con bé nhà tôi nó cứ nằng nặc đòi cho tôi uống thuốc tây, vậy tôi xin hỏi quan: thuốc tây có thể chữa bệnh này khỏi được không ạ?

Hải rùng mình nghĩ đến Lan... Chẳng phải cách đây gần một năm, Hải cũng ở trước một cái tình thế như thế. Rồi cũng một cái tình thế mở cho chàng một cuộc tình duyên dang dở, một cuộc đời đau thương. Chàng chỉ đáp một cách lạnh lùng:

− Tùy ý bà, cháu thì không dám cả quyết rằng thuốc tây sẽ chữa khỏi...

Chàng những muốn đáp: "Bà không nên chữa thuốc tây, thuốc tây chẳng hơn gì thuốc nam cả", nhưng chàng không có quyền nói xấu cái nghề mình. Đó cũng là một cái thói quen của các ông lang ta, cũng như các ông y sĩ. Đến đây, Hải nghe có tiếng guốc đuổi nhau cồm cộp. Bà cụ cố cất cao giọng để gọi cô con gái của mình.

− Vân ơi, em con đã về!

Vân, người thiếu nữ vừa ở dưới bếp chạy lên, thì một đàn ba đứa trẻ con ở ngoài đường chạy ùa vào. Hai cô và một cậu bé vội vàng đưa cặp sách và mũ cho chị rồi xúm nhau lại để dành nhau xem một tập ảnh. Bà cụ cất cái giọng rất oai nghiêm của một bà huyện già, và trừng mắt các cậu bé:

− Bích, Nhung, Nguyệt, thế ra các con quên chào hỏi? Chà! Con cái nhà này lễ phép quá!

Bích, Nhung, Nguyệt ngoan ngoãn đưa tập ảnh cho chị, rồi vòng tay trước ngực, rồi cùng chào một lúc cũng như mọi khi ở lớp học, cùng tập đọc một lúc với các bạn những câu mà ông giáo viết ở trên bảng:

− Chào má! Chào chị! Và chào thầy ạ!

Bà cụ ra dáng hả lòng lắm, nhưng cũng còn kiếm được một câu để mắng các cô và cậu để tỏ rằng nhà mình là một nhà có giáo dục nghiêm khắc:

− Lần sau, các con về thấy khách lạ, thì phải chào khách trước đã, rồi đến chào má, chào chị sau nghe không?

− Dạ!

Thấy Nhung là cậu bé ít tuổi nhất nghe mẹ nói thì mỉm cười một cách ngây thơ, Vân bèn chạy lại ẵm Nhung lên và đặt vào đầu tóc em, một cái hôn nhẹ nhàng đầy âu yếm.

        

***

 

Từ khi dọn nhà đến nay, không có mấy hôm là Hải không qua nhà Vân, mỗi chiều đi làm về Hải lại qua một lát để hỏi thăm bệnh trạng  của bà huyện.

Lần nào, thấy Hải bước vào, thì dầu bận việc gì đi nữa, Vân cũng bỏ dở, để chạy ra tiếp Hải. Tay thì lia lịa pha chè, còn miệng thì đáp lại như một cái máy, cái câu hỏi đã thành lệ của Hải:

− Cảm ơn ông, má em vẫn cứ thế! Vẫn uống thuốc nam...

Thấy Hải không nói gì, nàng lại tiếp:

− Thế ông nên nghĩ có nên đổi thuốc không ạ? Hay là để uống thuốc tây xem sao...

Hải lạnh lùng đáp:

− Cái đó tùy cô... nên nghĩ kỹ lại xem.

Đoạn chàng đi lại mở màn thăm bà huyện một tý rồi thủng thẳng bước ra để hôm sau trở lại. Mà ngày nào câu chuyện giữa hai người vẫn tương tự như thế. Nhưng cách xưng hô, nụ cười, vẻ nhìn của hai người đã thay đổi hẳn. Có lúc hai người đứng bỡ ngỡ trong một phút dài, không nhìn nhau, hay là nhìn nhau một cách lặng lẽ. Giữa những mẩu chuyện luôn luôn đã thấy cách ra những quãng im lặng. Những cái im lặng ấy gửi đưa một cái ý niệm thâm trầm mà bao nhiêu ngôn ngữ không thể diễn tả ra hết được. Hai người đã bước vào một cuộc đời thân mật mà có lẽ họ không hay biết.

 

Một hôm, vào khoảng 10 giờ khuya Hải đương ngồi đọc sách thì có tiếng gõ cửa, Bích, cậu em ngoan ngoãn của Vân chạy lại đưa cho Hải một mảnh giấy nhỏ.

"Anh Hải, phiền anh một tý, anh qua nhà cho em hỏi chuyện. Má em chiều nay có vẻ mệt lắm. Vân”.

Hải đọc xong, thơ thẩn nhìn vào một miếng cửa kính, có lẽ chàng cũng không biết lúc bấy giờ chàng nghĩ những gì. Đến khi quay lại thấy cậu Bích, thì chàng có vẻ sửng sốt, hỏi bằng một cái giọng nghiêm trang, như hỏi một người lớn:

− 10 giờ khuya rồi mà cậu chưa đi ngủ à?

Bích cười đáp:

− Chị Vân chưa đi ngủ, Bích ngủ một mình sợ lắm.

− Thế còn cô Nhung và cô gì nhỉ?

− Chị... Nguyệt... Nhung và Nguyệt ngủ riêng, chỉ có Bích được ngủ với chị Vân mà thôi.

− Thế chị Vân, thường mấy giờ thì đi ngủ?

− Từ hôm má đau, hôm nào chị Vân cũng thức khuya...

Thấy mình hỏi những câu tỉ mỉ và tọc mạch, Hải có vẻ ngượng với mình.

− Cậu về trước đi, thưa với chị, tôi sẽ sang ngay...

Bích chạy về, Hải vội vàng thay áo quần. Khi Hải bước vào ngưỡng cửa thì đã thấy Vân chạy ra và làm dấu bảo Hải đi nhè nhẹ, và nói khe khẽ vào tai Hải:

− Má vừa chợp mắt anh ạ! Yên cho má ngủ...

Nàng nói như nói với một người anh ruột. Thấy sự thân mật thái quá của Vân, Hải nhìn nàng có vẻ ngạc nhiên, nàng thì tưởng như câu nói mà mình vừa thốt ra vừa rồi là một câu tự nhiên. Và vẫn với một cái giọng thân mật ấy nàng nói tiếp:

− Anh Hải ạ. Má ngủ được em mừng quá. Hôm qua thật là khổ vô cùng. Em vừa nhắm mắt thì đã nghe má ho. Em lại phải lục đục ngồi dậy, chạy ra đưa ống nhổ cho má! Tội nghiệp!

− Thế hôm nay, bà đã đỡ hơn?

Sau một phút lâu, nàng mới ngập ngừng đáp:

− Bẩm anh, má em không đỡ chút nào. Có phần mệt hơn hôm qua! Có lẽ mệt quá nên dễ ngủ, anh nhỉ?

Thấy Hải ngồi xuống ở một cái ghế salon thì Vân vội nói:

− Em muốn đi vào trong phòng sách của em, chúng ta sẽ nói chuyện, ở đây má em thức dậy...

Hải đứng dậy đi theo Vân, qua một cái sân con mới đến một cái buồng nhỏ nhỏ xinh xinh, bài trí một cách rất giản dị và thanh nhã...

Hải ngồi xuống một cái bục con, đối diện với Vân ngồi ở trên divan.

Vân nói ngay vào cái mục đích nàng mời Hải đến trong cái giờ này:

− Nhà em không có anh giai lớn, chỉ có em Bích nhưng nó còn dại chưa biết gì! Em không muốn giấu anh, bệnh má em đã đến hồi nguy kịch có lẽ không qua được, má em chết mất, nếu như...

Nàng cảm động quá, nước mắt chảy ra dàn dụa, không sao nói thêm được, chỉ đưa khăn ngồi chấm lau những hạt lệ trên má.

Hải cố kiếm lời an ủi:

− Cô hay nghĩ lẩn thẩn quá! Bệnh bà tôi xem chưa làm sao cả!

− Nhưng sao anh không chữa giùm cho má em với! Anh cứ ngần ngại mãi. Anh nhẫn tâm lắm! Em thấy hình như anh không muốn chữa...

− Cô không hiểu tôi chút nào hết!

− Không, chỉ có anh, chỉ có thuốc tây mới cứu má em khỏi được.

Hải cười một cách chua chát:

− Ấy là cô tưởng thế chứ thuốc tây làm gì công hiệu đến thế.

Hải trả lời một cách lạnh lùng như thế, là vì chàng sực nhớ đến Lan, cô lái đò. Mỗi khi Lan đã hiện lại ở trong tâm trí chàng, thì những cảnh xung quanh chàng tự nhiên như nhạt hết cả màu mè. Chàng vẫn lạnh lùng nói tiếp:

− Cô không biết đấy, chứ ngày tôi còn ở Huế, tôi đã giết chết một người, một thiếu nữ mà mặt mũi dáng điệu giống cô như đúc, và cũng mắc phải, chính thế, người ấy cũng mắc phải cái chứng bệnh như bà cụ. Phải, nàng cũng họ ra huyết, và nàng chết mọt cách thảm khốc.

Rồi như một người trong mộng, Hải nói tiếp:

− Chết! Tôi xin lỗi cô, nếu tôi không thể giúp được cô thì đáng lẽ tôi không nên đưa chuyện ấy ra nói với cô mới phải! Cô tha lỗi cho. Bà cụ chưa đến thế nào mà ngại. Để đến ngày mai tôi sẽ giúp cô mời ông đốc-tờ Collin, cô biết ông đốc Collin chứ?

− Bẩm không.

− Ông là đốc-tờ giám đốc bệnh viện này. Tôi chỉ làm việc dưới quyền ông ấy. Để tôi nói xem, ông ấy có tiện tới đây để săc sóc cho bà!

− Cảm ơn anh lắm lắm!

− Thế ra nhà cô không có ai là trai, và cũng không có bà con ở đây? Được có một người đàn ông ở gần gụi đây thì tiện lắm.

− Bẩm lâu lâu có anh Đản đến với em!

− Ông Đản là anh họ của cô?

− Bẩm không! Ông Đản … chỉ là một người ngoài.

− Thế à? Được như thế thì cũng đỡ lo.

− Nhưng em không muốn ông ấy đến đây nữa.

− Sao vậy?

− Sau này, em sẽ mang một cái ơn lớn đối với người ta, anh ạ! Em đã nghĩ kỹ rồi, em không muốn người ta đến nhà em nữa!

Nghỉ một lát nàng lại nói tiếp như một người tức giận:

− Nhưng không lẽ em lại đuổi người ta đi! Người ta đã có tội gì với mình chưa? Ấy mới khó xử! Có điều này thì không thể dung thứ được anh ạ! Má em chưa chết mà người ta đã rục rịch nghĩ đến việc cưới chạy tang!

Nàng mỉm cười một cách chua chát rồi tiếp luôn:

− Họ làm như mình đã lớn tuổi lắm rồi, không cưới gấp thì không còn đợi được nữa! Chạy tang! Hay là họ có ý cầu cho má em chết vội đi, để họ được một dịp tốt khoe giầu có: chắc là đám cưới họ sẽ làm linh đình lắm. Họ là con ông Hội Trạch, anh có biết ông Hội Trạch không nhỉ?

− Chỉ có nghe tiếng thôi! Nhưng dầu thế nào cô cũng là người cạn nghĩ quá! Người ta có giầu có đến bạc muôn, người ta cũng không dám phô trương, vì là đám cưới chạy tang kia mà.

Rồi làm ra mặt lãnh đạm, Hải nói thêm:

− Nhưng đó là việc của nhà cô, tự cô liệu định lấy thì hơn, còn tôi, mai tôi sẽ giúp cô mời ông đốc-tờ Collin! Ông ấy chữa chắc chắn lắm.

− Cám ơn anh lắm lắm! Trăm việc gì cũng nhờ anh. Anh xử với em hơn một người anh ruột.

Hải không hề lưu ý đến câu nói đậm đà và thân ái của Vân, chàng lạnh lùng nhìn những bức tranh treo rải rác ở trên vách. Bỗng chàng đổi hẳn sắc mặt đi, và từ một bức tranh nọ, chàng đưa mắt về phía Vân, có ý muốn hỏi một điều gì mà chàng không muốn nói. Vân cũng nhìn chàng ngơ ngác:

− Anh làm sao thế anh Hải?

 Câu hỏi ấy, với cái giọng nói ấy, Hải có cái cảm giác là như đã nghe nhiều lần rồi, ở đâu trong một cái dĩ vãng xa xôi.

Nàng vẫn hỏi lại:

− Anh làm sao thế?

Hải chỉ tấm hình và nói:

− Tôi muốn biết người trong tấm hình kia là ai, người thiếu nữ ấy hình như tôi đã gặp một lần.

− Người trong tấm hình hình ấy à? Chị Lan của em đấy!

− Chị Lan?

− Làm sao anh?

− Hình như tôi, tôi có được gặp cô Lan một lần, không biết ở đâu?

− Ở Huế?

− Dạ, hình như ở Huế?

− Phải, chị em ở Huế! Nhưng đã lâu em không được tin chị em. Một bận em ra Huế, nghe chị Sáu Xuân nói rằng chị em đi tu, nhưng mà em tìm khắp chùa khắp am cũng không thấy đâu cả! Thế lúc anh gặp chị em, anh có thấy chị em được mạnh khỏe không?

Cảm động quá nhưng Hải cố giữ hết sức bình tĩnh để đáp một câu trái với sự thực, với ý nghĩ của mình:

− Dạ, tôi nhớ chừng như độ ấy, cô Lan trông người khỏe khoắn. Gặp tôi ở trên một đồi núi bên chân Ngự Bình nhưng chúng tôi không quen nhau nên không thể nói chuyện với nhau lâu.

Vân sung sướng quá, quên rằng mẹ đương ngủ, chạy ra nhà ngoài và nói to:

− Má à! Anh Hải nói có gặp chị Lan và thấy chị mạnh khỏe lắm.

Bà huyện cố gượng ngồi dậy:

− Cám ơn Trời Phật! Chứ có đâu như lời thiên hạ đồn bậy.

 

 

 

***

 

 

 

Nhờ ông đốc-tờ Collin tới tận nhà săn sóc, ba tuần sau bà huyện đã lành mạnh như thường. Nhưng bà huyện và cô Vân không nghĩ tới sự đền đáp công ơn ông Collin mà chỉ muốn coi Hải là kẻ ân nhân độc nhất của mình.

Vì thế, sau khi bà huyện đã lành mạnh rồi, thì Hải thưa qua lại bên nhà Vân, cũng chỉ tại muốn tránh những lời cám ơn quá đáng mà mình không dám nhận. Vả có một điều này nữa không những làm cho Hải không muốn tới nhà Vân mà còn làm cho Hải muốn dọn nhà đi ở chỗ khác. Hải sợ cái tấm hình của Lan và lo rằng một ngày kia, khi càng bước sâu vào cái đời thân mật của nhà Vân, − mà làm sao tránh được điều ấy? − thì chắc chàng sẽ không còn giữ kín được cái điều bí mật về Lan. Mà thuật lại cả cuộc đời giang hồ của Lan và cái chết thảm đạm của nàng, thì tức là sẽ phá tan cái chút ít hạnh phúc còn lại ở trong gia đình Vân. Làm một điều như vậy, chẳng là quá sức một người, huống hồ là một người như Hải.

 

Lắm lúc chàng dám cho rằng sự lãnh đạm của mình đối với Vân là rất chính đáng, vì sự lãnh đạm ấy sẽ làm cho hai người xa nhau trong cõi tinh thần. Vâng, phải xa nhau mới được. Cái tấm hình của người xưa còn treo ở trên vách đó ngày nào, thì biết đâu Hải khi trông thấy lại chẳng buột mồm và vô tình lại đưa ra kể cho Vân nghe cái đoạn cuối cùng của cuộc đời rất sầu thảm ấy, như là kể cho một người dưng mà tấm hình không quan thiết đến. Nhiều lần Hải tự nghĩ: Giá ta bảo Vân cất cái tấm hình ấy đi thì ta có thể ở lại bên Vân đến trọn đời.

Nhưng không bao giờ Hải dám bảo Vân như thế cả.

Chàng chỉ nghĩ cách tự kiềm chế mình để ít đến nhà Vân, và không đến lại càng hay, và càng hay hơn nữa là dọn nhà đi nơi khác.

Nhưng chàng có tự kiềm chế được không? Người ta chỉ thấy rằng một buổi chiều thứ bảy kia, Hải đã ngừng xe lại ở cổng nhà Vân trước khi về nhà mình.

Bấy giờ đã vào khoảng 5 giờ, Hải ở bệnh viện về. Vân đương đứng dưới một gốc cây đào, một tay vin nhành cây và một tay nhẹ nâng tà áo, còn hai mắt mải nhìn cái dậu trúc rung rinh. Bỗng nàng thoáng thấy một cái bóng xe đi qua, nàng quay lại nhìn và gọi to:

− Anh Hải!

Rồi nàng đứng im, Hải cũng xuốn xe đứng lại, tần ngần. Cái dáng điệu của Vân làm cho Hải lại nhớ đến Lan. Cũng một buổi chiều vàng như thế ở Huế, Hải đi làm về cũng thấy Lan đứng dưới một gốc cây đào như thế, và để đợi chàng cũng như thế. Hôm nay, lần đầu tiên, sau gần một năm quạnh quẽ, lạnh lùng, Hải thấy lòng trở lại ấm áp như những ngày Lan đến làm vợ chàng, ở bên cạnh chàng, săn sóc chàng, lấy một tấm tình đầy đủ chân thật để che ủ tấm lòng trống trải của người niên thiếu. Hải tưởng như Vân cũng đứng để đợi mình, và trong lòng Vân cũng đầy những cảm tình đẹp đẽ nồng nàn như của một người vợ đợi chồng.

 

Mặt trời chiều rọi lại một màu vàng lóe, lấp lánh trên đôi má Vân. Hải nhìn Vân với một sự ước muốn rất nồng nàn: chàng muốn cắn lên trên má ửng vàng của Vân một cái thật đau và để lại đấy những dấu răng của mình. Không hiểu sao chàng lại có cái tư tưởng kỳ quặc như thế. Chàng run rẩy cả người, hai mắt chàng đưa rất mạnh. Chàng thấy cái dậu trúc ở giữa Vân và chàng rung rinh một cách dễ sợ.

− Anh ghé vào nhà một tý đã anh Hải!

− Dạ, cô để cho hôm khác, chiều nay có một ông bạn tới chơi, có lẽ họ đương chờ tôi ở nhà.

Hải nói dối. Giá Vân không mời thì Hải đã vào chơi với Vân rồi, vì không bao giờ chàng thấy Vân khả ái như hôm nay. Nhưng Hải sở dĩ trả lời như thế là vì Vân vô tình đã làm cho chàng nhớ lại những lời mà mình đã tự hứa. Chàng muốn quên hết những lời hứa ấy mà bây giờ đây chàng cho là rất vô lý. Chàng tưởng rằng chàng phải đưa ra kể lại hết những điều không may đã xảy ra cho Lan, cô lái đò… Vẫn biết rằng điều ấy sẽ làm cho Vân và bà huyện mất vui nhưng rồi chàng sẽ xin lấy Vân để chuộc tội mình. Chàng sẽ kiếm cách để an ủi hai cái linh hồn yếu ớt ấy. Trong cái gia đình thân ái kia, chàng sẽ ngồi ở cái chỗ của Lan ngày xưa, và đối với bà huyện, chàng sẽ là một người con, mà đối với các em, chàng sẽ là người anh cả, và đối với Vân, chàng sẽ là một người … chồng, một người chồng ngoan ngoãn. Như thế có được không? Chàng tự hỏi như thế  rồi lại tự trả lời: “Sao lại không? Ta có quyền lấy Vân lắm chứ, ta là người đã yêu Lan. Ta sẽ còn yêu Lan, bởi người em của nàng, bởi Vân, bởi cái địa vị mà nàng đã để lại cho ta ở trong cái gia đình của nàng. Ta thấy ở Vân cả cái hình ảnh của người xưa, từ dáng đi cho đến nói cười, có lúc ta mường tượng như Lan còn sống ở bên ta, xung quanh ta, sống bởi người em của nàng! Ơ hay, sao ta lại không có quyền yêu Vân để với vát lại một chút tình yêu đã mất”.

 

Bỗng cái dây tư tưởng ấy ở trong trí chàng ngắt hẳn, và chàng thấy mình đứng ở trên thềm nhà mình, bên cạnh cái lồng sáo ngà. Con sáo thấy chủ thì nó nói: “Chào khách, chào khách”. Hải mỉm cười nói với chim: “Sao lại khách, ta là chủ kia mà!” Nhưng con chim vẫn hót “Chào khách, chào khách”. Hải hơi giận, lấy tay đập một cái mạnh vào lồng và nói: “Sao lại chào khách? Ta có phải là khách của mày đâu?”

− Nhưng nó chào em chứ có phải là chào anh đâu! Ê ê anh lầm!

Hải ngoảnh lại, thì ra Vân đã đến bên lưng mình. Nàng vẫn cười ngặt nghẽo và nói:

− Anh có con sáo quý hóa quá! Để rồi hôm nào anh đi vắng, em ăn trộm cho mà coi!

Hải cũng cười:

− Trong đời anh mới thấy một người ăn trộm kỳ lạ như thế!

Nghĩ một lát rồi chàng nói tiếp:

− Em đừng lo! Anh không gọi cảnh sát đâu. Anh sẽ rất hân hạnh được một người như em tới ăn trộm. Thế bao giờ em sẽ tới ăn trộm?

Vân cười phá lên:

− Ồ thế em nói cho anh biết để rồi hôm ấy, anh sẽ dấu kín cái con sáo ngà đi chứ gì! Em không dại gì mà nói…

Bỗng nàng đứng im như một pho tượng, hai mắt cúi nhìn xuống đất và tay mân mê tà áo… Nàng cầu xin một điều gì mà không thể nói ra được. [b]

(còn nữa)

 

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Gió cây trút lá, chuyện một cô lái đò trên sông Hương // Hà nội báo, Hà Nội, s. 41 (14 Octobre 1936), tr. 33 – 38; s. 42 (21 Octobre 1936), tr. 9 – 12; s. 43 (28 Octobre 1936), tr. 13 – 15; s. 44 (4 Novembre 1936), tr. 6 – 9; s. 45 (11 Novembre 1936), tr. 11 – 14;  s. 46 (18 Novembre 1936), tr. 7 – 10, 14; s. 47 (25 Novembre 1936), tr. 18 – 21; s. 48 (2 Décembre 1936), tr. 19 – 22; s. 49 (9 Décembre 1936), tr. 17 – 20; s. 50 (16 Décembre 1936), tr. 14 – 16; s. 51 (23 Décembre 1936), tr. 6 – 9; s. 52 (30 Décembre 1936), tr. 7 – 10; s. 54 (13 Janvier 1937), tr. 16 – 17.

 


 

([1]) Tiếng Huế: ăn vụng. (nguyên chú)

[a] Ở kỳ đăng tiếp đoạn này, tác giả cho in lời đề tặng: “Tặng T…, người mà trong lúc tôi viết chuyện đau khổ này, khi nào tôi cũng nghĩ tới. – Lưu Trọng Lư” (Gió cây trút lá // Hà nội báo, s. 45, 11 Novembre 1936, tr. 11) 

[c] Roquevillard (1906) tiểu thuyết của nhà văn Pháp Henry Bordeaux (1870 - 1963)

[b] Maison à louer (chữ Pháp): nhà cho thuê.

[b] Truyện Gió cây trút lá ở kỳ đăng này (Hà nội báo s. 54) vẫn ghi chú là “còn nữa”, song ở số 55 không thấy đăng truyện này nữa; s. 55 (20 Janvier 1937) là số cuối cùng của Hà nội báo. Trên một số quảng cáo ở Hà nội báo có vài lần thông tin: Nhà xuất bản Đông Phương sẽ in một số tác phẩm của Lưu Trọng Lư, trong đó có Gió cây trút lá. Song chúng tôi chưa tìm thấy cuốn sách nào in truyện dài này của Lưu Trọng Lư; đành coi đây là tác phẩm bị bỏ dở của tác giả. (L.N.Â.)