HỔ VỚI MỌI

 

 

 

Trước khi vào truyện

Đây là truyện mà tôi đã chép lại theo như lời cụ Bùi Huy Tín [a] đã kể cho tôi trong những ngày cuối thu năm nay...

Cụ Bùi là một trong những nhà doanh nghiệp hiếm hoi mà nước nhà đã sản xuất trong hồi gần đây. Được gần cụ, tôi có dịp nhận thấy trong người ông già ấy một tinh thần chiến đấu và mạo hiểm rất đáng quý và tưởng có thể rút ở trong cái đời rất hoạt động ấy những ý nghĩa rất bổ ích cho sự tiến thủ của thanh niên.

Cụ đã có lần nói với tôi:

"Các thanh niên bây giờ hiền lành quá, và chỉ biết thật thà tin ở các điều nói trong sách vở. Cái học trong sách vở cũng là một điều cần nhưng thật chưa đủ. Phải mạnh bạo, phải bình tĩnh nhìn thẳng vào sự thực, những sự thực hằng ngày từ việc nhỏ đến việc lớn. Nhất là không nên bỏ qua cơ hội. Người ta không ai tạo được thời vận. Những người có chí bao giờ cũng biết nắm chặt lấy cơ hội".

Câu nói đã nhiều lần tôi nghĩ tới. Hôm nay tôi sung sướng đưa ra hỏi lại các bạn thanh niên và hứa với các bạn là truyện này sẽ mở đầu cho những truyện còn ý nghĩa hơn, còn lý thú hơn mà tôi đã được nghe từ miệng ông già đáng kính ấy kể lại cho.

LƯU TRỌNG LƯ

 

Độ ấy vào khoảng năm 1906. Nhà nước khởi sự làm con đường sắt Sài Gòn - Nha Trang. Tôi có thầu được một lô ăn về địa hạt tỉnh Phan Rang, và bấy giờ tôi phải khởi công một quãng rất gay go trong lô tôi vì đó là một quãng đường núi. Cố nhiên là chúng tôi bắt buộc phải giao tiếp với dân Mọi. Chúng tôi đóng trại ngay ở xóm Bờ Lơi.

Tôi còn nhớ hôm vào bươn (1) Bờ Lơi, tôi chỉ mang theo dăm bảy người cai và vài chục cu li phần nhiều là người Bắc. Nói là "bươn" kỳ thực Bờ Lơi chỉ lơ thơ năm ba cái nhà sàn. Những người Mọi xóm Bờ Lơi trước hết cho chúng tôi hay rằng: năm ấy là năm loạn rừng, cọp beo đêm nào cũng ra "rõng" quanh nhà chúng. Không phải là không tin lời của Mọi, nhưng chí đã quyết rồi, chúng tôi phải đóng ngay "căng"[a] tại Bờ Lơi. Chiều hôm ấy tôi ra lệnh cho các phu phen phải lập tức dựng một cái "mộc thành". Chúng chặt tre đốn cây và rào thành một khoảng đất khá rộng. Những nạp rào ấy cao ba thước nghĩa là cọp mà cả beo nữa cũng không thể nhảy qua được. Chúng tôi có thể ngủ tạm ở trong "mộc thành", và cũng có thể gọi được là yên tâm.

Tôi chỉ dặn qua cu li phải cắt phiên thay nhau mà canh vì ngựa toàn cột ở ngoài mộc thành.

Rồi cơm xong, tôi đánh một giấc ngủ ngon: cả ngày đi nhiều, có hơi nhọc. Vào khoảng đầu canh hai, thì bỗng nhiên tôi thức dậy. Ngửa trông lên trời thấy sao đặc sịt và buông xuống những ánh sao tê lạnh: tôi thấy ngay rằng không phải là một đêm hiền lành êm ái giữa thành thị hay nơi đồng nội. Bỗng từ một góc rừng, một tiếng "khééé"  kéo dài ra mà lại có vẻ buông thõng... Tiếp, một tiếng "khééé" khác, từ một góc rừng khác... Rồi từ bốn phía, nổi dậy những tiếng "khééé" mỗi lúc một gần, mỗi lúc một nhiều... Tôi có cái cảm giác lạ lùng là bị bao vây bởi những quân thù và vòng vây dần dần rút hẹp lại xung quanh.

Bất giác tôi nhớ đến hai câu thơ cổ:

Hán binh dĩ lược địa

Tứ diện Sở ca thanh [b]

Trong một phút ông ạ! Tôi có cái kiêu căng của anh hùng giữa muôn trùng vậy, và xung quanh chỉ nghe có tiếng ca hát reo hò của quân địch. Những tiếng kêu ấy đã nhắc tôi rằng: ông đã bước đến cái giang sơn của ác thú, là nơi thức hay ngủ, ông luôn luôn phải có một cây súng bên mình, một cây súng nạp đạn sẵn.

Bỗng có tiếng ngựa ré lên. Tôi đứng phắt dậy, và nhìn ra phía rừng tranh. Thật lời những chú Mọi không ngoa: một cảnh tượng làm tôi dựng tóc gáy: một đàn 5 - 7 con cọp, lớn có, bé có, đuổi bắt nhau, đùa nô nhau xung quanh mộc thành. Dưới ánh sao, tôi nhận thấy rõ từng cử động của những con cọp. Chỉ một phút sau là tôi quen với sự ghê sợ. Và tôi đã bắt đầu lấy cái sự đàn cọp đùa nhởn làm cái thú riêng của mình. Cái thú kiêu hãnh mà những người nằm ở cạnh vợ đẹp con khôn không có quyền màng tới. Ông hãy nghĩ tới để mà giật mình! Trong những giờ êm đềm nhất mà chúng ta đương triền miên trong những giấc mộng ẻo lả trên những gối chăn êm ái, thì giữa lòng rừng sâu ở hang này, ở lối nọ, dưới một gốc cây, bên một bờ suối, những con thú đương săn tìm nhau, đương đuổi bắt nhau, đương cắn xé nhau, đương chồm cấu nhau, để tranh dành một tấc sống, để giữ một hơi nóng. Vì ngày mai khi mặt trời đã mọc là lúc nanh vuốt sẽ mất hết vẻ uy linh, là lúc cuộc chiến đấu sẽ phải ngừng lại. Ông xem! Cái tấn kịch diễn ra giữa cõi nhân sinh thấm gì với những tấn kịch máu ở trong ngàn sâu, giữa những ác thú.

Thật là não nùng, thật là bi đát khi mặt trời đã lặn. Trong các "chiến sĩ" ghê sợ nhất ở vùng sâu ta phải kể những con cọp. Nhờ được ở lâu trong miền này, tôi lại thêm kinh nghiệm về nghề săn cọp. Tôi có thể nói là tôi đã am hiểu những tính nết cọp như những đường chỉ trên bàn tay tôi. Đóng căng ở Bờ Lơi, tôi lại còn am hiểu được một giống khác, một thứ "dân" khác của rừng rú, ấy là những chú Mọi, nhiều khi không kém ghê sợ, không kém nguy hiểm.

Trước hết, chúng tôi hãy xin nói về những con hổ. Từ khi có người cầm súng đi săn, những truyện như thế này không thiếu. Nhưng có một thứ truyện nói mãi mà không chán, ấy là truyện săn bắn, và càng không chán hơn nữa là chuyện săn hổ. Vì truyện hổ cũng chẳng khác gì những truyện anh hùng hiệp sĩ đời xưa. Trước hết, hẳn ông cũng muốn biết qua, tính nết của vị hiệp sĩ ở chốn sơn lâm.

Ở chốn sơn lâm, giữ ngôi hoàng đế phải là sư tử. Mà hổ chỉ có thể là một viên hổ tướng mà thôi. Hùng dũng lẫm liệt hơn sư tử, nhưng hổ không thể có cái phong thái ung dung trang nghiêm và cái độ lượng của sư tử. Hổ chỉ là một viên tướng, sức mạnh có dư, khí dũng có thừa. Trước hết hổ là một con thú đẹp, ai không chịu là đẹp cái bộ lốt vằn văn, những bước đi lẹ làng đĩnh đạc, những dáng điệu nhịp nhàng và nhất là những tiếng gầm hét vang dội cả một góc rừng?

Ai không phải kinh dị khi trông mỗi bước nhảy của nó dài đến 9 hay 10 thước tây? Nó lại có một sức mạnh phi thường: tôi đã từng thấy nó lôi cả một con trâu lớn đi hàng mấy trăm thước. Bị bắn trật, nó vẫn không chịu nhả mồi, một cái mồi mà hơn 10 người mới khệ nệ mang nổi, thế mà nó cắp như mèo cắp chuột. Nó có một sự kiên tâm và can đảm lạ thường. Một con hổ con bị giết hay bị bắt là con hổ mẹ dùng hết cách để trả thù, và để tìm cho kỳ được, không một sự nguy hiểm nào làm cho nó phải lùi...

Người ta thường nói: "Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận" nhưng theo sự kinh nghiệm của tôi, thì cọp ở vùng này, thiệt chẳng kém mà lại hung dữ quá chừng. Một người tài xế xe camion [c] kể cho tôi một chuyện này. Có một lần anh ta chở một chuyến bộ hành ở gần miền núi này. Đến dưới một chân núi nọ, anh ta thấy hai con cọp con nằm lăn và nhởn nhau ở giữa đường cái. Anh ta hãm xe lại, và sau khi nhìn trước nhìn sau không thấy gì, anh ta vực đôi cọp nhỏ lên xe. Rồi anh thả hết tốc lực. Bỗng, anh nghe rõ tiếng gầm gừ và tiếng chân đánh mạnh vào đường. Hành khách phải một mẻ sợ thất kinh, van anh tài vứt hai con hổ xuống đường, nhưng anh tài vẫn không chịu. Con cọp cái, một con cọp to gần bằng một con bò choai vẫn đuổi kịp cái xe camion và có lúc người ta thấy nó đã nhảy chườm lên được và suýt bắt được những giỏ trầu cột ở đằng sau xe... Nhưng tội nghiệp đường núi thì đã hết. Mà con mãnh thú không còn sức nữa, trông nó đuối quá và bị xe bỏ một quãng khá dài. Anh tài xế thấy sự nguy không còn nữa, và một ý nghĩ từ bi đã khiến anh ta trả hai đứa con lại cho mẹ nó, anh ta ngừng xe lại và nhẹ nhàng đặt hai con cọp tí hon xuống đường... và chờ cho con cọp mẹ đã đuổi gần tới anh ta mới lại mở máy.

Và người ta còn thấy con cọp mẹ kéo hai con vào lòng: lòng thương con ở cõi nhân gian, tưởng cũng chỉ đến thế, âu yếm đến thế, nhưng thật khó được một bà mẹ hy sinh đến thế: một lòng yêu thương không chịu hàng phục trước một sự nguy nan nào!

Nghĩ đến sự hung dữ của các "ngài" thì ta phải kinh khiếp: thường thường thì cọp ăn người là một điều bất đắc dĩ, hoặc vì không kiếm ra mồi ngon hơn, hoặc vì phải chống lại, giữ thân. Thực ra, sự xơi người, đối với một đôi "ngài" là một thói quen ác hại, có lẽ những ngài ấy đã thấy ở trong thịt người một cái vị khác khác, thơm tho không đâu có; ở vùng này có người thiện xạ nói với tôi rằng: Ở đây, người ấy đã bắn được gần 20 ông xơi thịt người như thế. Và ở đâu có một ông vừa xơi xong một người, người ta cắm ngay đấy một cái cờ để cho người đi qua đề phòng.

Hổ ở bất kỳ chỗ nào trong rừng tranh, ở cả những hòn núi trọc (chỉ có vài chòm cây thôi), dưới khe vực sâu, trên đỉnh núi cao. Hổ ưa nhất là nơi có nhiều nước suối. Nó săn cả đêm lẫn ngày. Nó bắt các giống thú và mò cả các tổ chim nữa. Ăn xong, nó đi giải khát bên một dòng suối mát và nếu mà rừng êm ả, nó đi lững thững tìm một nơi thật rợp đánh một giấc ngủ. Chỗ nó nằm dễ nhận lắm, đất rắn và nhẵn đi, vài túm lông lơ thơ còn sót lại. Cũng như lợn lòi, nó rất sợ cháy rừng, và nó lại tinh khôn hơn báo, nó ít khi bị trúng kế của kẻ đi săn.

Khi nó bị bắn hụt gần một chòi canh là chẳng bao giờ thấy bóng dáng nó trở lại nữa, thức suốt mấy đêm canh mồi nó bỏ dở là phí công.

Người ta nói không bao giờ cọp phá vách, phá phên để vào nhà là lầm: ở đây, nó đạp cả phên để vào ràn bắt lợn, nghé là sự thường, cả việc vào nhà bắt người cũng là việc từng thấy. Có một lần, người ta mách có một con cọp gấm vào nhà bắt người, một người kỹ sư Pháp và tôi xách súng đi... đến nửa đường thì chúng tôi gặp một chú Mọi mang đầu và lốt nó định tới lấy thưởng. Thì ra anh chàng này nhờ hơi men, gan dạ nấp đầy gần thây chết chờ con vật ra là cho một mũi lao tẩm độc.

Về cách nó ăn người, bắt mồi, người ta bàn tán rất nhiều. Có người quả quyết rằng: trước hết, nó dùng chân trước tát vào mặt cho đầu nghẹo về phía sau và xương sống long ra. Tôi thì tôi đoán như thế này: nó chồm vào ôm lấy người bằng hai chân trước, và cắn giữa lưng hay gáy cho gẫy xương sống ra, cho nên xem người bị nạn bao giờ cũng thấy đằng sau những vết nanh rất sâu. Vả cứ cái sức nặng 200 cân gieo vào người, thì xương gì lại chẳng tan, chẳng "nhừ"?

Còn cái cách nó bắt những mồi khác, thì cũng lạ. Ở vùng nọ, người ta bảo có con hổ vừa bắt một con ghé. Tôi đến xem và tìm được ra lối có vết hổ: ngay chỗ bắt đầu rừng rậm, tôi thấy cả cái đuôi cắn bỏ lại. Có lẽ hổ thấy đuôi nghé vướng cây nên cắt đi. Một bận khác, tôi buộc con mồi vào một cái giây thép, giây này quấn ghét vào một cái cọc đóng chặt xuống đất. Đêm ấy sáng trăng tôi rình mãi đã chán, chợt khi đám mây đen che lấp mặt trăng, chỉ trong nháy mắt cả mồi lẫn dây lẫn cọc biến mất làm tôi không kịp dở súng. Sáng hôm sau, tôi sạo sục đi tìm thì thấy cách đấy một trăm thước cái chân sau con nghé còn y nguyên với giây thép và cả cái cọc. Còn xác con vật, thì chỉ cách đó độ nửa cây số, cạnh một bờ suối. Thì ra con hổ đã tinh khôn quá đỗi: vì thấy cái dây và cái cọc làm vướng, nó bèn cắt ngay cái bắp đùi có đeo cái giây và cọc. Cái kế ấy, kể những người không phải ai cũng có thể nghĩ ra được, trừ những người thông minh.

Khi mới tới vùng này, thấy cọp ra nhiều quá, tôi có nhờ một người Pháp mua ở Paris cho tôi mấy cái bẫy sư tử. Bẫy làm tinh xảo lắm, nhưng suốt mấy tháng trời không dính được một con cọp nào; những con cọp chỉ đến lượn vườn bên ngoài rồi đi thôi. Mà trước kia ông ạ! Khi chưa có bẫy thì đêm nào chúng cũng ung dung bước vào chuồng hay ràn để "cắp" vài con lợn mang đi. Cứ với bẫy này dùng để mắc báo, thì dễ lắm. Săn cọp thì không có cách gì hiệu nghiệm hơn là dùng đến súng, và là thứ súng trận. Có súng tốt mà lại được ngồi trên mình một thớt voi nữa, thì mình là một ông hoàng Ấn Độ. Vì dùng voi mà đi săn cọp thì là chắc chắn lắm: Vì voi thấy cọp thì không đâm đầu vào bụi như ngựa. Ấy là tôi nói thứ voi có tập luyện rồi, voi nhà kia, chứ voi rừng thì vẫn sợ, và thua cọp là thường. Một coi voi có huấn luyện, mỗi khi gặp cọp là nó chẳng từ chối sự chiến đấu. Voi rừng thường bị cọp nhảy lên trên mình và để tha hồ cho cọp bấu và cắn, còn mình thì cứ chạy khắp rừng, gầm thét vỡ cả rừng cho đến khi đau mệt phải nằm quỵ. Còn voi nhà thì mỗi khi cọp nhảy lên mình nó, mặc dầu nó chịu không dùng được đôi ngà nhọn, nó đã có cách khác: nó gục đầu xuống, hạ địch thủ xuống đất, đè bẹp lên, lấy lưng nghiền, và lấy chân chà cho kỳ "bấn" mới chịu thôi. Ở Hổ Quyền, tại Huế, voi mà được cọp là cũng làm theo cách ấy.

Nhưng ở xứ ta chưa thấy ai săn cọp mà ngồi trên mình voi. Thường thường chỉ rình sau một tảng đá hay leo trên một cây cổ thụ.

Đã là nói những người đi săn có tiền. Chứ dân núi thì chỉ đào những cái hầm thật sâu và lấy lá đậy lại. May ra các "ngài" khi ăn no đi tản bộ mới ngơ ngác bước lên trên, và ngã sập xuống để rồi người dân lấy "đọc" từ trên bờ lao xuống. Có cách này, hình như người ta hay dùng hơn cả.

Tôi nghe ở Khánh Hòa có mấy làng chung nhau đóng một cái lưới. Thứ lưới này dài lắm vì có khi phải bọc cả một khu rừng. Ở đâu người ta dò có bóng cọp là người ta đóng cọc căng lưới vây xung quanh, rồi người ta hội họp quanh lưới, kẻ đòn người mác canh suốt ngày suốt đêm. Khi ở một chỗ nào, hổ thúc vào lưới định chui ra thì họ lại lấy đòn xóc xua vào. Lưới dần dần thu hẹp lại đến khi vây được con hổ trong một khu thật chật. Mỗi khi nghe có tiếng người reo lên chỗ nào là y như hổ chạy về phía ấy và chực thoát. Mỗi khi hổ đâm vào lưới, thì ở chỗ ấy, lưới bùng ra như một cái túi: có lúc hổ cũng cắn được vài mắt lưới mà không kịp rúc ra được vì người ta đã nom thấy mất rồi.

Thật là một cảnh tượng lạ lùng: giữa rừng đen thẫm, một vòng đuốc lập lòe soi một đám người lô nhô tay sào tay gậy đương vờn nhau với một con thú dữ. Cùng số với con hổ, những con lợn lòi bị giam lại trong lưới, và cùng sục sạo muốn ra, cuối cùng đều bị hổ xử hết cả. Và hổ bị giam như thế cho đến khi vòng lưới đã thu lại thật hẹp và người dân từ ngoài quăng dây vào để trói sống con hổ.

Hổ, ông ạ, không hiểu sao thích lợn lòi đến thế. Mà giống lợn này lại rất sợ cọp. Đương "an cư lạc nghiệp" ở một rừng nào, bỗng thoáng thấy bóng một con cọp, là chúng kéo nhau từng đàn lũ lượt qua một khu rừng khác. Đó là nói lợn lòi chứ "lợn một", những con lợn 8 đòn, thì hẳn nòi là tay địch thủ xứng đáng của hổ. Ít khi hai bên đấu nhau, mà khi đấu nhau thì thật là khủng khiếp vô cùng. Mà phần nhiều cọp đều thất trận. Mỗi khi cọp gặp "lợn độc" là cọp không chịu rời lợn. Nhưng không dám hạ thủ ngay, cứ đi như thế cho đến lúc cọp tưởng lợn đã mệt lử rồi. Mà thật ra khi ấy, cọp cũng không dư sức cho lắm. Cuộc đấu chỉ bắt đầu hăng là khi lợn đã bị thương... Lúc lợn đã bị lòi ruột, và chân sau đã đạp lên trên ruột, mới là lúc lợn không biết trời đất gì nữa... Lợn ta hăng cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng khi lợn đã đến chết thì hắn cũng đã ít ra làm cho cọp một vài vết tử thương. Thực ra chỉ một vết nhẹ cũng đã làm cho cọp không chịu được và bỏ trận. Người ta nói cọp không có gan chịu đau và thịt cọp lại rất độc, nó rất dễ bị thối và nhiều khi cọp chỉ chết về một dấu nanh.

Ngoài lợn độc, một địch thủ đáng kể nữa của cọp là gấu. Nhất là những con "gấu lợn", người ở đây vẫn gọi là "cụ lợn", cuộc đấu bao giờ cũng gay go, nhưng thường thường thì "bất phân thắng phụ". Hai địch thủ thường "hàng nhau" và bỏ trận. Có cái này, ta tưởng cũng phải nhận cọp cũng có chút khí tượng trượng phu. Mặc dầu điều ấy ta chỉ nên tặng riêng sư tử mới là phải. Vì ai cũng biết rằng: sư tử, khi no bụng, không bao giờ lại còn săn mồi nữa, lúc bấy giờ sư tử hiền lành như một ông Phật Di Đà. Còn cọp thì trái lại, lúc nào có thể giết được, vẫn cứ giết, có thể ăn được vẫn cứ ăn, không bao giờ bỏ qua một cái mồi ngon như con nai chẳng hạn. Chỉ có một trường hợp mà ta phải kính trọng vì hổ tướng, ấy là không bao giờ cọp nhận đấu với một con gấu đương say mật và túy lúy nằm ở gốc cây. Giá lúc bấy một giờ con chó sói con cũng hạ xong một con gấu, chứ nói gì đến cọp.

Nhân nói đến chó sói, ông à, tôi lại nhớ ra rằng có người miền núi nói cho tôi biết rằng: cọp nhiều khi lại rất sợ chó sói vô cùng. Một hôm, có một đàn chó sói đuổi một ông cọp chạy xơ xác, chạy đã mệt mà chó vẫn không tha. Cùng đường, cọp phải nhảy lên một gốc cây. Đàn chó vẫn không tha, vây quanh gốc cây, định không cho cọp xuống. May quá có một bọn đi củi đi ngang qua, chúng mới đuổi đàn chó sói và cứu nguy cho hổ. Từ đấy, lâu lâu hổ để tạ ơn, bắt khi con nai, khi con lợn, để ngay trên con đường bọn tiều phu thường đi ra. Kể cọp nhiều khi cũng dễ thương như thế đây. Nhưng thường thường thấy người mà ta chưa kịp thấy nó là nó vồ tới ngay. Ai nói rằng cọp bao giờ cũng tránh ta là lầm, ngay cả khi ta đã nhìn thấy cọp. Tôi chỉ nhận một điều này, cọp là môt giống tinh khôn; mỗi khi gặp nó mà ta giữ được bình tĩnh, thì nhiều khi ta cũng có thể tự giải nguy được. Đây xin kể ông nghe một chuyện để chứng thực điều tôi vừa nói ấy.

Từ Bờ Lai tôi hay đi về Tà Lách là nơi tôi có rất nhiều công việc và một cái nhà tạm mới cất. Từ Bờ Lai đến Tà Lách chỉ độ 7 cây số, nhưng là đường núi. Mỗi ngày tôi phải qua con đường núi ấy để tới Bờ Lai. Con đường gồ ghề, khi lên khi xuống, lại ở nhiều quãng bị sũng vì xe bò, những xe bò chở đá và cát. Tôi đã phải dùng xe ngựa, mà phải là một thứ xe ngựa riêng. Nghĩa là đóng theo một kiểu riêng, kiểu người Mỹ: cái xe độc mã của tôi có cái đặc tính là chế biến được những chỗ kỳ khu hay sồi sũng. Tôi vẫn lấy đấy làm đắc ý vì trong cái xe cũng có một phần sáng kiến của mình. Hôm ấy, cũng như lệ thường, trời đã sắp chiều, thì tôi ở sở ra về. Trên xe, tôi chỉ mang theo một thằng bé để sai vặt, và cũng là để giữ ngựa luôn thể. Xe vừa đi được vài cây số, chính lúc xe đương lăn ở trên một khúc đường núi gồ ghề nhất, thì bỗng con ngựa vấp phải một vật gì, rồi nó tự nhiên lảo đảo và xe cũng muốn trúc. Cũng may con vật gượng được, nhưng bấy giờ nó đã lê cái xe lại bên vệ đường. Cái bánh xe mắc vào một cái thân cây và thân cây giữ chặt lấy xe. Ngựa đứng hẳn lại, và may quá, xe cũng giữ được thăng bằng, tôi cũng vừa trấn tĩnh và toan bước xuống xe thì bỗng cách mấy thước tây, một cảnh tượng hãi hùng làm tôi tay chân cứng lại. Thằng nhỏ tôi vô tình vẫn bước xuống xe. Tôi, tôi biết là tôi đương qua những giây phút nghiêm trọng nhất trong đời tôi mà tôi cần đưa hết cả can đảm, bình tĩnh, sáng suốt bình sinh để mà tính toán, để mà định liệu. Tôi nói những chữ tính toán, định liệu, trong trường hợp này e ông không tin. Vì trong giây phút này, trước mặt tôi, về phía tay phải tôi độ năm thước tây, một con mãnh hổ đương sừng sững đứng lại nhìn tôi. Nhưng tôi tưởng cần nói cho ông biết rằng: đời tôi đã luyện được cái tính... là hễ gặp bước nguy vong đến đâu tôi cũng cố giữ được vẻ bình tĩnh, và hết sức sáng suốt để suy tính, để lo toan và để quyết định. Thật là trước cơn nguy biến, tôi đã đủ bình tĩnh để đo từng cử chỉ nhỏ, để tính từng giây phút qua. Tôi đã giải phẫu được cái tâm lý của con vật. Vẫn biết rằng, con vật kia chỉ biết có bản năng mà thôi. Nhưng cái bản năng ấy cũng không phải biểu lộ một cách lộn xộn, mà theo một trật tự hợp lý. Cũng vì nghĩ thế mà tôi đủ thoát được cơn nguy. Tôi có thể nói là tôi thoát được cơn nguy là nhờ tôi đã tính được cái tâm lý của con vật để định được cái cử chỉ của mình. Tôi biết rằng, trong giây phút này mà tôi làm một điều gì mà không suy chắc, là tôi cũng có thể mất tính mạng. Và trước hết tôi phải khen tôi "tốt nết" quá. Vì đã giữ mình trong sự tỉnh táo. Bấy giờ tôi thấy cơn nguy đến, thì tự nhiên trong trí tôi nghĩ đến cái súng trận. Nhưng một ý nghĩ làm tôi ngừng hẳn lại: Tôi nhận thấy con cọp không phải đương chồm hai chân mà đặt chân trước chân sau trong một cái thái độ hiền lành. Ông ạ! Nếu nó để hai chân lên ngang nhau, là nó sắp chồm, sắp nhảy tới... Và cái điều ta phải làm ngay là rút lịa khẩu súng và bắn lịa vào nó. Đằng này, nó đương chân trước sau tức là nó muốn đi thẳng, và "đi" chứ không phải "nhảy". Nhưng thực ra, con mãnh thú đã đứng hẳn lại và cứ giữ mình trong một bộ điệu hiền lành như thế. Trong lúc ấy, cặp mắt của tôi không dời đôi mắt nó. Tôi có thể nói cái ông chúa sơn lâm đã bị tôi "thôi miên". Từ đây, không phải là cơn nguy đã hết mà là mới bắt đầu. Không bao giờ tôi thấy tôi to lớn tôi vĩ đại như thể đương đầu với một địch thủ ít ra ngang sức. Cái giây phút kiêu căng mà người ta đưa hết tài lực để làm chủ được tình thế, để đàn áp sự nguy nan, để "thắng" kẻ địch. Tôi biết rằng, trong một phút bất ngờ, cơn yên sẽ đổi thành cơn nguy. Con mãnh thú chỉ đưa một cái chân lên, là một cái như cắt, nó đã cưỡi lên đầu tôi. Tôi biết rằng, cái chết vẫn ở trước mắt. Vì thế, đôi mắt tôi vẫn không chịu rời đôi mắt nó. Trong lúc ấy, trí óc tôi bị căng thẳng, và tôi như bị chia sẻ bởi những ý nghĩ. Tôi nghĩ rằng, rút cây súng trường trong lúc này là nguy hiểm vì nếu không kịp con vật sẽ nghi ngờ và sẽ "hạ thủ" tôi trước khi tôi "hạ thủ" nó.

Tôi chỉ nên nghĩ đến cây súng lục. Nhưng cây súng lục để ở trong một cái hòm mà rút khỏi hòm trong lúc vội vàng không phải việc dễ.

Tôi đã bảo các ngài là tôi lượng được cơn nguy. Tôi cho rằng, cái súng lục mới là khí giới tôi nên dùng trong lúc này, dùng đến mà không bị con vật nghi kỵ; nhưng với cái khí giới ấy tôi liệu có hạ được con vật không? Tôi tính rằng, một khi con vật đã đổi thái độ và nhảy chồm lại, thì tôi sẽ bắn ngay một phát súng thứ nhất. Hãy cho là bấy giờ nó đã ở trên xe tôi. Và tôi thì cũng đã ở đằng sau xe rồi. Tôi tưởng nó sẽ đuổi quanh tôi và nhờ cái xe che đỡ tôi đã bắn xong đủ sáu phát. Tôi hãy ví dụ là tôi đã hạ xong nó. Nhưng giá như nó không chết, ấy tôi là tôi đã chết. Mà cái chết của tôi cũng chẳng khó khăn gì: chỉ một phát súng bắn sai.

Thần trí tôi lúc bấy giờ nơm nớp, chỉ sợ trong một phút bất thần, con vật có thể làm nguy to. Vì vậy, đôi mắt của tôi không dám một phút rời khỏi đôi mắt nó: tất cả sức mạnh của tôi là ở đó, mà tất cả khí giới để tự vệ của tôi cũng chỉ ở đôi mắt. Tôi thắng hay bại là ở cái nhìn, ở đôi mắt.

Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ đến cái súng lục... Vì ít ra, tôi cũng phải làm một cái gì chứ! Không lẽ cứ đứng mà gằm với con mãnh thú như thế này, cho đến lúc mặt trời lặn, cho đến khi đêm tới. Đêm tới, ấy là cái thắng chắc chắn của con vật, ấy là cái chết chắc chắn của tôi. Đêm tới, ấy là cái nhìn thôi miên của tôi và đôi mắt sáng quắc của tôi mất hết hiệu lực. Tôi biết rằng, tôi phải làm ngay một cái gì. Tôi lại đưa hết cả nhãn lực tập trung vào một cái nhìn: lần thứ nhất, tôi thấy đôi mắt con mãnh thú trở nên hiền lành dịu dàng và sưa sứa như cặp mắt của một thiếu nữ. Bỗng tôi thấy những làn cỏ tranh xung quanh con vật rung rinh lên một cách dễ sợ. Mặc dầu con vật vẫn đứng im trong một dáng điệu tội nghiệp, dễ thương, tôi vẫn có cái cảm giác rằng, một cái gì khác thường sắp xảy đến.

Trời! Cái giây phút thật là lâm ly: tôi tưởng giữa tôi và con hổ dễ thương ấy, sắp xảy đến một điều gì ghê gớm, thảm thiết, mà như thế chỉ vì sự sống. Cái làn cỏ tranh rung rinh lên một cách dễ sợ, báo hiệu một cái gì khác thường sắp đến. Còn tôi, bấy giờ cái súng lục cũng đã ở trong tay tôi, và tôi đã ở giữa cái giây phút quyết liệt. Một cái mảy may cử động của con vật là buộc tôi phải hành động... Bỗng trong lúc ấy, thì thằng nhỏ của tôi từ trong bụi bước ra, tay cầm một bó cây dành dành. Tội nghiệp thằng bé vẫn không hay biết gì. Nó đi vào khoảng giữa tôi và con cọp. Nó vẫn cứ dần dần tiến lại dần. Tôi bất đắc dĩ phải thét lên, mặc dầu, mắt tôi vẫn không rời mắt cọp:

Mày không trông thấy cái đầu bố mày kia kìa!

Nó ngẩng lên: mặt nó không còn một hạt máu. Tôi biết cái lời nói của tôi thất sách. Thằng bé kêu rú lên, và vừa kêu vừa phất cái bó cây, vừa vái lia lịa:

− Cắn cỏ lạy ngài! Cắn cỏ lạy ngài.

Nó vừa kêu, vừa vái, vừa đi thụt lùi. Mắt vẫn nhìn chừng con cọp, tôi hét với thằng bé:

− Mày kêu nữa, ông bắn tức thì.

Làn cỏ tranh vẫn rung rinh một cách dễ sợ. Nhưng chưa có cái gì báo trước rằng con vật sắp hành động. Tôi càng yên dạ, và bảo thằng bé:

− Cứ kêu lên nữa đi, ông bắn tức thì. Mày có khôn hồn, thì đi về phía sau xe.

Thằng bé im hẳn, và từ đây ngoan ngoãn làm theo lệnh của tôi, như một đứa không còn đầu óc nữa. Tôi thủng thẳng ra lệnh:

− Mày đi về phía sau xe.

− Mày nắm chặt lấy bánh xe.

− Mày kéo lùi về đằng sau. Kéo mạnh vào. Được rồi! Bây giờ mày ẩy mạnh xe đi.

Con mãnh thú vẫn đứng im. Tôi lại càng yên dạ. Tôi lại đưa hết oai hùng để ra lệnh cho thằng bé:

− Ẩy mạnh xe, ẩy mạnh nữa, mạnh nữa.

Trong lúc ấy, mắt tôi vẫn không rời mắt con mãnh thú. Bỗng khi bánh xe đương chuyển và tiến, và tôi đưa hết gân cốt để đối phó với cái nguy... thì tôi nhận thấy rằng: con mãnh thú vẫn nhìn theo mắt tôi, hiền lành nhìn theo cái bánh xe quay. Và cho đến khi xe đã chuyển được mấy vòng, thì nó rón rén để một chân lên trước, và nhanh như cắt, nó lia mình vào trong một cái bụi rậm. Tôi quay lại phía thằng bé thở dài một cái thật mạnh, và nói bằng một giọng dịu dàng nhỏ nhẻ:

− Thế là thoát! Mau đi con! Con nhảy ngay lên xe.

Nhưng tội nghiệp, giữa con mãnh thú và tôi, có lẽ con mãnh thú đã được thoát trước hết. Tôi trở bàn tay để rơi khẩu súng, thấy cái súng nhỏ có dính ướt một tý: có lẽ đó là mồ hôi tay của tôi. Tôi buồn cười nhận thấy rằng: súng tôi không nạp đạn. Té ra tôi đã chống giữ viên mãnh tướng kia với súng không đạn. Nhưng thực ra, đôi mắt tôi, vâng, đôi mắt đã cứu nguy tôi.

Từ đấy, tôi tin rằng: Với một cái lòng ngay, với một cái nhìn thẳng, tôi đã bao lần chiến thắng trên cuộc nhân sinh.

Tôi tiếc rằng những tiếng cuốc xẻng, tiếng người ngựa, xe cộ và một trăm thứ tiếng ồn ào khác làm cho những con cọp phải lánh xa dần.

Sự thực là thế, mà những dân Mọi ở đây thì lại tin một cách khác. Chúng tin rằng, tôi đã có phép thiêng thuật lạ để đuổi những con cọp. Nguyên hôm dựng mộc thành, trước mặt các chú Mọi, tôi chọn một miếng đất rồi lấy cái địa bàn ra để đặt phương hướng. Chúng thấy tôi đặt cái địa bàn xuống đất lại cắm lên đấy một cái nêu có chỉ đông tây nam bắc, thì chúng có vẻ kinh ngạc và phục lắm. Chúng cho rằng tôi đã "yêu" cái đất của chúng, và chúng tôi còn linh thiêng hơn "ông bà" đến nỗi những cọp beo không dám lảng vảng tới gần nữa.

Ông ạ! Cái ngày tôi chinh phục được dân Mọi là cái ngày sung sướng kiêu căng nhất trong đời một người chỉ ưa chiến đấu. Tôi lại nhận thấy rằng: khắp trong những giống ở núi thì giống Mọi khó mua chuộc, khó chinh phục hơn. Tuy rằng lốt người mà vì thói quen, vì hoàn cảnh, chúng chỉ sống theo những "bản năng" ghê gớm, những "bản năng" ấy khi thức dậy và bị hướng dẫn sai thì cũng có thể nguy hiểm như những bản năng của một con ác thú: cái bản năng ấy là lòng khát máu. Máu, vâng, đó là cái màu sắc không thay đổi của những tấn kịch bất tuyệt đã diễn ra chốn rừng sâu... Ta không nên bị đánh lừa bởi những cái bộ mặt hiền lành ấy, vì một khi cái bản năng của chúng bị đánh thức, là lúc ta phải coi chừng; những mũi tên tẩm độc, và thứ thuốc độc ấy ta phải nhận là "nhạy" vô cùng; và ở trên quả đất không mấy khi ta tìm thấy những người bắn "tin" như chúng. Khi ta chưa chinh phục được chúng, thì một nụ cười, một câu chuyện nhỏ với chúng ta cũng phải coi là những cái bẫy mà chúng đã giăng ra... Nhưng khi chúng ta đã chinh phục được chúng rồi, thì mọi sự đều trở nên một cách dễ dàng quá đỗi và ta vui sướng mà nhận thấy rằng, trong người chúng cũng có một trái tim, một tấm lòng. Mà trời ơi! Khi những tâm hồn ấy đã tin yêu thì sao quý hóa đến thế; ta sẽ thấy ngay rằng cuộc đời là một cái gì rất dễ chịu, rất dễ thương. Nhưng như trên tôi đã nói, chinh phục được chúng, làm cho chúng tin yêu, không phải là việc dễ... Phải kể tôi là người được gặp nhiều điều may mắn trong sự chinh phục người và chinh phục loài thú. Có lẽ một phần lớn cũng là nhờ ở sự bình tĩnh sự can đảm trong bất kỳ một trường hợp nguy nan nào.

 

 

***

 

 

Lúc đầu vào cắm "căng" ở chỗ Bờ Lai này, chúng tôi chỉ thấy một vài người Mọi thôi. Cố nhiên là chúng tôi không thể nào nghĩ đến nhân công Mọi. Chúng tôi phải về mộ phu ở Bình Định và chúng tôi mộ được gần 500 người... Về việc ăn, chúng tôi không lo ngại lắm: mỗi tuần ba lần chúng tôi đã có những xe bò chở gạo và đồ ăn từ tỉnh thành Phan Rang lên. Cái vấn đề làm chúng tôi suy nghĩ hơn cả, ấy là vấn đề nước uống, vì theo sự tin tưởng của phu phen thì cái khí ẩm chướng ở chốn rừng xanh, không phải là nguyên nhân của tất cả sự đau ốm của họ mà chính là nước uống. Vì thế mỗi khi đau ốm thì họ hay nói "chổng nước" hay "cái nước". Hai mối lo thứ nhất của người chủ thầu là làm sao cho dân phu có nước uống, cho có nước lành. Tôi không thể trù mang nước từ những tỉnh thành lên được. Chỉ có một cách là đào giếng ngay ở trên này, lọc đi, đun sôi cho họ uống. Phương pháp ấy giản dị mà người ta thường dùng. Nhưng một sự rủi ro xảy ra làm cho chúng tôi khốn đốn vô cùng. Những giếng, những dòng tự nhiên cạn khô, không tìm đâu được một giọt. Mà ông nghĩ, khi hàng 500 người, không có nước cho họ uống nữa, có thể đó là một mối loạn to và còn nói chi đến công việc làm ăn nữa. Huống hồ là đã hơn một hôm rồi họ đã phải nhịn khát. Nếu nghĩ đến sự cần cấp mà cho xe chở nước từ chỗ khác lại thì cũng mất đến một ngày trời. Trong lúc chưa tìm được một phương sách an thỏa, tôi cố tìm cho ra nguyên nhân vì đâu những lạch giếng đến khô cạn cả? Mà trời hạn hán chi cam! Đã nửa tháng trời không có một trận mưa mà cũng không có một cơn nắng. Tôi bèn bắt một con ngựa, bảo một người cai Bắc vác súng theo tôi. Chúng tôi đi được một cây số thì bỗng nhận thấy có một sự khác lạ là ở giữa một thung lũng rất bằng phẳng, khoảng khoát lại có những đống xương rất cao mà không biết bao nhiêu nữa. Tôi xuống ngựa nhìn kỹ những đống xương thì toàn là xương nai, xương lợn. Tôi nói với người cai Bắc:

Bác có biết tại sao đây ta lại thấy có những đống xương khô như thế này, mà lại là xương nai xương lợn...

Người cai Bắc chưa kịp đáp, thì tôi cười đắc ý nói với hắn ta:

Bác phải tìm cho ra quanh đây thế nào cũng phải có một dòng suối...

Tôi thấy ngay có một vẻ mừng đột hiện trên mặt người cai. Vì, ở nhà, hàng trăm người đương đợi kết quả công việc chúng tôi.

Tôi cắt nghĩa cho người cai:

Thế nào gần đây cũng có một cái khe hay một cái suối. Những đống xương ấy là xương nai hay lợn; những con cọp tới đây uống nước đã vồ xé những nai lợn, và để lại những đống xương, xương, lâu ngày đã rụi sạch đi như thế.

Quả đúng với lời ước đoán của tôi, cách đó 20 thước có một dòng suối. Nhưng dòng suối cũng đã khô sạch không có một giọt nước; chúng tôi lần theo lạch suối mà đi. Chúng tôi hay rằng: Suối này từ trên một động núi cao chảy xuống. Mà sau động núi kia, chúng tôi biết là nơi có nhiều xóm Mọi. Tôi nghĩ: hoặc giả dân Mọi ở trên núi đã biết ngăn không cho nước xuống chăng? Càng đi chúng tôi càng nhận thấy lời ước đoán ấy lại càng có lý. Nhưng chúng tôi vẫn băn khoăn không sao hiểu được cái lý do gì xui tụi Mọi lại làm cái việc khờ dại ấy. Cuối cùng, tôi cho rằng chúng làm như thế là muốn làm khốn chúng tôi, muốn trả thù chúng tôi chơi; biết đâu chúng cho rằng việc chúng tôi đưa phu phen tới mà đào phá cuốc vỡ như thế là đã phạm đến cái núi non đất cát thiêng liêng của "ông bà" chúng. Nghĩ như vậy, tôi lại càng muốn đến xóm làng của chúng để giảng giải cho chúng. Nhưng người cai Bắc của tôi đã có vẻ lo sợ. Hắn đưa những chuyện hung dữ của bọn Mọi kể cho tôi nghe và khuyên tôi nên trở lại, dự bị đầy đủ hơn, nhất là mang thêm người. Nhưng trí tôi đã quyết rồi, tôi chỉ quay nói với người cai Bắc, lời nói của tôi oai nghiêm như một cái lệnh giữa chốn ba quân:

Tôi chỉ dặn anh một việc: theo tôi, theo khít bên tôi, và không phải nói một tiếng. Chỉ khi nào cần đến thì anh đã có khẩu súng trận đó, khẩu súng bao giờ cũng nạp đạn. Anh biết dùng nó rồi đấy chứ!

Đoạn tôi nhảy xuống ngựa, giật lấy khẩu súng trận, và trước mặt người cai, biểu diễn một lần nữa với khẩu súng, ôn lại cho người này từ cách mang cho đến cách bắn súng. Tôi có ngờ đâu sự đề phòng và dự bị ấy lại càng làm cho người cai càng thêm lo sợ, tưởng như mình sắp đi tới trước một cơn nguy. Thật ra trong lòng tôi lúc bấy giờ bình thản lạ thường. Tôi cứ nương theo lạch suối trèo lên đỉnh núi và khi đi được 3 giờ đồng hồ thì chúng tôi đã bắt đầu thấy lơ thơ một ít nhà cửa, toàn là những nhà sàn. Người cai của tôi nơi yên dạ và tôi lại có bụng mừng và tin chắc cái thuyết mình là đúng lắm, nhất là khi tôi nhận thấy những đám ruộng xanh tốt ở trong thung lũng thì cái trực giác tự nhiên đã bảo tôi rằng: ở trên này có lẽ người ta đã cần nhiều nước.

Một thằng Mọi con thấy chúng tôi thì chạy vội về trong xóm. Và một phút sau, đàn bà trẻ con, trai tráng, ông già bà lão đều mỗi người chạy ra đứng trước ngõ nhà mình và nhìn cả về phía chúng tôi. Lại tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, vài làn mây trắng bay thấp trên đầu núi. Tất cả những cái ấy làm cho tôi có cái cảm giác kỳ thú là lạc tới một xứ sở lạ lùng nào tả ở trong Đào nguyên ký. Nhưng tôi đã thấy một vẻ lo ngại rõ rệt hiện lên trên mặt người cai Bắc của tôi. Cũng may đã có một vài người Mọi già chạy ra đón chúng tôi. Họ đưa chúng tôi vào một cái đình và xổ mã la. Từng hồi, từng hồi dồn dập... Dầu tôi là người thế nào, đến phút này, tôi cũng thấy mình hơi nao núng. Một lúc, người ta đã đến đông chặt. Chúng là bọn Mọi gần hai trăm người, lớn có bé có, già có trẻ có. Chúng đến với những cái mã tấu, với những cái "đọc", với những cái cung, và những bao đầy tên, có lẽ tẩm độc. Nhưng tôi thấy chúng đứng sắp hàng rất có trật tự... Điều này quả làm cho tôi yên dạ, mặc dầu lúc bấy giờ trong trí tôi đã diễn lại những cảnh tượng khủng khiếp mà tôi đã được thấy ở trong cinéma khi những người Tây trắng lạc tới xứ Mọi ăn người. Đáng ngờ hơn hết là chúng vẫn xì xồ nhau trong một bầu im lặng ghê sợ và không động gì đến tôi cả. Từ nãy tôi vẫn ngồi riêng ra một chỗ nơi cao sang nhất và có lẽ là chỗ kính trọng nhất. Tôi ngoảnh lại người cai Bắc của tôi mà không sao nín cười được: hắn ta cứng đờ trong một bộ điệu thảm thương, hắn cầm ngang khẩu súng, như sẵn sàng để chống cự, để đối phó. Nhưng tôi nghĩ bụng: Nếu có việc chi xảy ra, thì cái thứ người này sẽ bỏ tôi mà chạy trốn trước. Nghĩ đến đây, tôi thấy cần phải mạnh lên. Tôi ngoắt gọi một ông già nhất đám, và cất cái giọng rất dõng dạc:

Này ông già! Có ai hiểu tiếng An Nam không, thì lại đây cho ta dạy.

Tức thì, có hai ông lão khác tiến ra, rụt rè và lễ phép:

Bẩm quan, chúng con đã xuống tỉnh.

Ừ được. Đứng đấy cho ta dạy.

Rồi thì tôi đưa tay ngoắt những người Mọi khác, bảo chúng lại gần cho tôi "hiểu thị". Tôi thấy chúng ngoan ngoãn và lễ phép quá khiến cho tôi vẫn thản nhiên và nói rất to.

Các ngươi có biết ở bên kia chân núi, là có quan đến để làm đường không?

Dạ.

Làm đường sắt để cho các người đi đây đi đó. Các người có biết đến 500 con người ta đương hằng ngày làm việc đào khe vỡ núi để đắp cho các người không?

Dạ có biết!

Có biết thì sao các người dám ngăn nước lại không cho nước xuống. Như thế 500 người ấy lấy gì mà ăn lấy gì mà rửa. Các người có biết như thế là các người đã phạm một cái tội rất nặng không?

Dạ có biết!

Có biết sao vẫn cứ làm?

Dạ bẩm chúng con ở trên này cũng thiếu nước...

Một ông lão chỉ ra đám ruộng và nói tiếp:

Dạ bẩm chúng con không cần nước, mà bẩm quan, cây lúa nó cần nước.

Nhưng cần gì thì cần cũng phải để xuống một ít cho người ta ăn chứ. Lúa cần sao bằng người ta cần. Thế các người đã hiểu chưa.

Dạ có hiểu rồi.

Hiểu rồi thì các người có bằng lòng cho nước xuống không, chỉ xuống ít ít cũng được.

Họ xì xồ với nhau một lúc mới đáp lời tôi.

Dạ, chúng tôi sẽ cho nước xuống. Dạ quan về thì nước cũng sẽ xuống với quan.

Chắc chứ?

Dạ! Chắc...

Chúng mỉm cười... Và khi tôi toan đứng dậy thì chúng đã giữ tôi lại, vừa gãi tai vừa báo tôi:

Bẩm quan, chả mấy khi quan lên. Vi thiềng gọi là, chỉ có rứa.

Tôi ngoảnh lại thì trên một chiếc chiếu cạp điều bày ra một hũ rượu cần và họ mời tôi ngồi lại. Tôi không ngần ngại và vui vẻ nhận lời. Chúng cùng ngồi lại. Chỉ có tôi uống cần, còn họ uống bằng bát, những cái bát thật cổ không biết từ đời nào. Chúng mời nhau uống thật cảm động. Chúng chắp hai tay, đưa lên ngang trán, rồi cúi đầu xuống và lại tròe hai tay ra… Cứ uống xong một hớp, thì lại mời nhau bằng cách ấy để rồi “núc” thêm hớp khác.

Thật là một bữa rượu vui nhất trong đời tôi. Khi uống xong thì mặt trời đã lặn... Bất giác tôi thấy rùng mình thảng thốt: Vì đến phút này tôi vẫn chưa hoàn toàn tin ở chúng. Vào những chốn này, chỉ những phút mà mình đã ra khỏi sào huyệt của họ, mình mới có quyền nói là đã "thoát" và có quyền yên ổn. Chứ còn ở đây, nhất là trong lúc này mà đêm sẽ đến một cách bất ngờ. Vì ở miền núi, chỉ mặt trời tụt một cái xuống sau đỉnh núi, ấy là đêm đến một cách hoàn toàn. Mà đêm đã đến, ấy là ta không thể nào day trở kịp. Ông ạ! Mãi đến sau này, tôi mới biết rằng: tôi đã ngờ họ một cách không đáng. Không những hôm ấy không có một sự gì không tốt xảy ra. Mà lời hứa của họ cũng được họ trân trọng một cách lạ thường.

Ông ạ! Quả vậy, đúng như lời họ đã nói: "Quan xuống là nước cũng xuống".

Kể thì nước hôm ấy còn xuống mau hơn tôi nữa. Vì con ngựa tôi hôm ấy, phải sờ soạng trong đêm núi, mãi đầu canh hai mới về nhà được. Khi tôi bước vào thềm, thì phu phen đã reo hò và hoan hô tôi. Kể đó cũng nên coi là một cuộc chiến thắng của đời tôi...

 

***

 

Mấy hôm sau, xóm Mọi cử mấy tay đàn anh xuống thăm tôi. Hôm ấy, sẵn có rượu tây vừa dưới tỉnh chở lên, tôi khui một chai rượu Pernod ra đã những ông khách đen của tôi. Tôi có những gì ở trong nhà tôi là “món ăn của văn minh" tôi đưa ra đãi những ông khách Mọi rợ cả.

Những ông khách lúc ra về, say mềm đến quên cả phép lịch sự. Nhưng tôi biết các ông sẽ bằng lòng lắm, khi các ông đã tỉnh rượu. Các ông chắc đã nói tốt chúng tôi nhiều lắm. Vì thế, mấy hôm sau, tôi thấy tiến tới sở tôi một đoàn hơn 50 dân Mọi tới xin việc.

Trước kia sở dĩ tôi chưa dùng nhân công Mọi, có lẽ tại người ta đã nói nhiều về sự lười biếng, sự bướng bỉnh của chúng. Nhưng từ khi tôi đã biết chúng rồi, thì tôi thấy chúng cũng là... người. Tôi không thể do dự được, và ngay hôm ấy, tôi nhận chúng vào làm việc. Tôi lại giao chúng cho một người cai Bắc mà tôi rất tin cậy. Ngay hôm thứ nhất tôi nhận thấy rằng, cái sự cần mẫn của chúng cũng chẳng kém người phu ta. Nếu như chúng kém về sự thông minh, thì chúng lại hơn về sức khỏe. Thật là những con vật tốt khỏe quá, không hề biết tới sự đau ốm bệnh tật. Thường ngày thì người cai Bắc đốc suất chúng, và phần việc chúng là làm ở những chỗ xa hơn hết, nhất là những chỗ có tiếng là nước độc. 50 người dân Mọi đầu tiên ấy chỉ trong mấy tuần lễ mà tăng lên đến hơn 500 người. Những chú Mọi từ những hòn núi không tên không tuổi nào cũng lần về. Ấy cũng nhờ cái tiếng tốt của chúng tôi bay từ động núi này qua động núi khác, đã làm xao động bao nhiêu vòm trời... Mọi. Trong các sàn hẻo lánh, ở chỗ cùng tận của núi non, những cái đầu bạc dưới ngọn lửa thông, đã nhắc đến tên tôi một cách cung kính như nhắc đến tên của linh thần.

Tên tôi đã được đứng ngang hàng với những tên của các vị thần đã thi ân giáng phúc cho họ. Nhất là cái phép "yểm đất” của tôi làm cho tôi thiêng hơn cả... "ông bà". Như thế, ông nghĩ, chỉ vì tôi đã đãi họ một bữa cơm "văn minh", và nhất là đặt một cái địa bàn xuống đất để lấy phương hướng. Thật ra cái uy linh của tôi còn hơn thế. Nghĩa là tôi đã phải dùng đến điều "ác" để mà thị oai.

Nghĩ đến chuyện ấy, bao giờ trong lòng tôi cũng có chỗ không được yên. Nhưng ở đời giá ta "lành" quá, đôi khi không biết nên "tàn nhẫn" một chút thì cũng có thể để hỏng cả việc lớn.

Chuyện chỉ có thế này:

Ở một xóm Mọi nọ mà con đường phải đi ngang qua, có đôi nhà bị con đường phải ăn "lém" đến. Tôi sai vài người phu Bình Định tới phá nhổ một ít hàng rào của họ. Không hiểu sao hai người ấy về bị phình bụng ra rồi ôm la rất thảm thiết. Trong đám dân phu tôi một tin truyền đi rất nhạy: hai người phu ấy đã bị Mọi chài, và tiếp theo cái tin ấy, một luồng sợ hãi, có người đã bàn bỏ việc và không dám tới làm ở những xóm Mọi ấy. Tôi thấy ngay là tình thế có thể trở nên rất nguy, giá cái tin ấy cứ lan rộng ra, và không chừng dân phu sẽ bỏ sở hết. Rồi không kịp nghĩ chín, tôi phóc lên ngựa và tức tốc tiến tới cái xóm Mọi ấy... Đến nơi, tôi nghe có tiếng xập xõa, tiếng chiêng tiếng trống inh ỏi. Tôi cầm roi, xông vào ngay. Một ông thầy... Mọi, và hai đệ tử đương nhảy, và la thét... Tôi bèn kéo ra, quất cho mấy roi. Tôi vừa quất vừa báo hai người cu li theo tôi:

Chúng mày vào trói cánh chúng lại và điệu cổ chúng về sở cho tao.

Hai người cu li bấy giờ thấy sự oai hùng của tôi cũng quên cả sợ chúng. Chúng nhảy vào thi hành lệnh tôi ngay. Thật là một cảnh tượng ngơ ngác và thảm thương: Một đàn Mọi rất đông, trai trẻ có, già nua có, đàn bà có, đàn ông có, thế mà chỉ nhìn chúng tôi, nhìn một cách thảm thương và ngơ ngác. Ngơ ngác và thảm thương hơn nữa là cái ông thầy cúng, từ khi bị đánh đến khi bị giải đi cũng không kêu một tiếng. Và chúng tôi đi khỏi xóm Mọi mà vẫn không nghe có một tiếng kêu nào nữa. Thú thật, quật ngựa đi một mạch, tôi không dám quay lại nhìn cái đám người Mọi im lặng đương đứng nhìn theo tôi, có lẽ còn nhìn cho đến khi chúng tôi khuất sau một con đường núi. Hôm ấy, tôi không hiểu sao tôi lại có thể tàn nhẫn đến thế. Tôi phục sự can đảm của tôi thì ít mà sợ sự tàn nhẫn của tôi thì nhiều. Sau này đôi khi nghĩ đến những người Mọi ấy với những con mắt im lặng chỉ biết chịu theo, tôi không khỏi giận tôi.

Thưa cụ, thế rồi có việc gì xẩy ra không?

Việc gì đâu! Thằng Mọi ấy bị bắt lại được được tôi thả ra. Và hai cái bụng to rồi lại xẹp với mấy liều thuốc xin ở nhà thương. Vâng, chỉ có thế. Nhưng giá tôi không làm như tôi đã làm tàn nhẫn thì việc lớn có lẽ đã hỏng rồi. Dân phu đã tin rằng: Mọi đã có phép chài ghê gớm lắm đấy.

Sau cái việc này, dân Mọi lại càng tới xin việc tôi một ngày một đông. Trước khi họ cảm vì ân, bây giờ lại sợ về uy. Thôi, ngày nào tôi lên sở là tôi thấy trên mặt những người phu Mọi một vẻ hân hoan chân thực làm tôi cảm động quá. Tôi rất bằng lòng về họ nhưng hơi phiền về họ một chút này là họ không thể nhớ, không chịu nhớ, không thèm nhớ cho. Chỉ có một việc tôi giao với họ là 5 ngày thì về lĩnh gạo một lần. Thế mà chúng cũng không nhớ cho. Thành thử, bọn thì về sớm một ngày, bọn thì về chậm một ngày, làm cho sổ sách, và công việc thu phát của tôi lệch lạc đi cả. Nhưng có kẻ nói với tôi rằng: như thế không phải chúng kém trí nhớ mà tại chúng quen sống ở chỗ sơn cùng thủy tận, chúng đã không cần đến ngày giờ, đến năm tháng. Chúng đã mất hẳn cái khái niệm về thời gian. Sau, tôi phải bày cho chúng một cách là mỗi ngày cột vào tay một cái vòng chỉ và khi nào trông lên tay thấy đủ năm vòng ấy là đã đến ngày phát gạo.

Cái hôm mà khắp trong nhà tôi cho đến các phu phen đền xì xào với nhau: "hôm nay Mọi về", ấy là cái ngày vui nhất trong quãng đời của tôi ở chốn rừng rú. Được nhìn chúng ăn, chúng ngủ, chúng nói chuyện, như những cái tâm hồn chất phác thật thà ấy biểu lộ, bấy giờ tôi cho là một cái thú hiếm hoi mà những người khác ru rú ở trong xó nhà không thể biết được. "Chúng" dần dần đối với tôi đã thành ra một cái gì mà đời tôi lúc bấy giờ không thể thiếu được. Tôi có nên thú rằng: cũng như những người nhà tôi, tôi cũng hồi hộp, nóng nảy đợi cái ngày "Mọi về". Có lúc "5 ngày của Mọi" đối với tôi dài như một mùa đông ở dưới hạ bản; có lúc rảnh rang, tôi chỉ ngồi đếm ngày mà đợi Mọi về. Nhưng thường thường, công việc bề bộn của một ông chủ lấy hết cả thì giờ, cả tâm hồn của tôi, rồi tuy đại trí nhớ mà đã nhiều khi tôi không nhớ cái ngày Mọi về và như thế tôi đã bỏ mất một cái thú: cái thú chờ mong. Cho nên, có lúc tôi đã hẹn với tôi, cũng như chúng, mỗi ngày xa Mọi, tôi cột một cái vòng chỉ. Đôi khi giữa cái bề bộn giấy má của công việc, tôi nhìn lên khuỷu tay thấy đủ 5 vòng chỉ, thì bất giác từ trong tâm hồn, tôi thấy tạt ngang qua một ngọn gió hiền hòa vui vẻ. Thú thật tôi sung sướng như một đứa trẻ con được thấy mẹ đi chợ về. Vâng, những tâm hồn ấy quả là một điều mà đời tôi bấy giờ không thể thiếu được. Chỉ nhìn họ sống, đó cũng đủ làm một cái thích trong trẻo, hiền lành vô tội. Đó cũng là một cái phần thưởng cho những kẻ đã mệt nhọc trong những cuộc chiến đấu nặng nề.

Rồi sau này mất những tâm hồn ấy, tôi tưởng như đã mất những cái quý báu nhất trong đời tôi. Rồi cái buổi chiều tôi từ giã bọn họ, là một buổi chiều buồn âm u thấm tận đến tâm hồn. Vâng, sao lại không buồn, không cảm động cho được, khi ta biết rằng: những chú Mọi mà tôi vừa từ giã, những con vật ấy cũng giấu ở trong ức mình một trái tim, cũng với bấy nhiêu tiếng đập như trong tấm lòng của cái nhân loại thanh cao. Tôi còn nhớ rõ cái hôm tôi họp tất cả bọn họ lại và cho họ hay rằng: công việc đã hoàn toàn và tôi sắp từ biệt họ. Cái nét u buồn đột hiện lên trên những bộ mặt ngây ngô ấy, há lại chẳng nói với ta một điều gì còn cảm động, còn quý hóa hơn là những vàng ngọc châu báu mà ta đã thấy trong thế gian hay trong sách vở.

Tôi còn nhớ cái hôm tôi ngỏ ý muốn cho chúng tất cả những nhà cửa, những đồ vặt vãnh còn lại. Chúng không nhận lĩnh. Tôi nói với họ năm sau tôi sẽ trở lại để trả đường cho nhà nước. Họ vui sướng vô cùng. Năm sau tôi trở lại đúng ngày tháng đã hứa chúng đã đông đủ tề tựu ở chỗ cũ. Có điều này rất cảm động là trong một năm trời vắng tôi, chúng đã thay nhau mà canh gác chỗ nhà cũ của tôi: không mất mát hư hỏng một chút nào.

Lần nay, thì cố nhiên là chúng không thể từ chối. Nhưng làm sao mà chia với nhau, cho cân, cho đều? Nếu để mặc chúng, tôi sợ xẩy ra án mạng. Tôi phải ở lại mất ba ngày để chia cho chúng: Mọi người đều hoan hỉ.

Nhưng đến ngày thứ tư, khi tôi ra về để chẳng bao giờ trở lại nữa, thì một cảnh tượng không ngờ làm cho tôi cảm động vô cùng. Hai bên đường, hàng nghìn dân Mọi nằm sát rạt để đợi tôi đi qua. Tôi tưởng những giây phút tôi đi qua họ là những giây phút dài như những thế kỷ: một cân lượng phi thường đè lên ngực tôi. Cân lượng của lòng thương, lòng nhân ái. Lần đầu tôi không thấy gì cách biệt tôi với những thân hình nằm sát rạt ấy cả. Ông nghĩ! Cái buổi chiều vĩnh biệt ấy sao mà tôi không ngậm ngùi cho được. Nhưng trong cái ngậm ngùi ấy, ông ạ, tôi nhận thấy có một vẻ kiêu căng sung sướng khác thường... mà người khác không có được.

BÙI HUY TÍN kể

LƯU TRỌNG LƯ thuật

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Hổ và Mọi, truyện // “Phổ thông tuổi trẻ”, Nxb. Tân dân, Hà Nội, 16 Juin 1944, tr. 4 – 49.


 

[a] Bùi Huy Tín (1875 -?) nhà doanh nghiệp, nhà hoạt động xã hội, là chủ nhân một số tờ báo như Thực nghiệp dân báo, Tràng an báo, La Gazette de Hue, v.v…

(1) Một xóm, một bản. (nguyên chú)

[a] “căng” : camp (chữ Pháp): trại.

[b] Đã có người dịch: “Hán binh lấy hết đất / Khúc Sở vang bốn bề…” 

[c] camion (chữ Pháp): xe tải.