HUẾ MỘT BUỔI CHIỀU

 

 

 

Một buổi chiều về cuối thu, một ngọn gió nhẹ, lạnh đến đập trên cửa kính, và thổi lạc vào buồng tôi. Buồng tôi là một cái gác nhỏ, lạc giữa một xóm học sinh. Một cái gác thân mật, ấm cúng không như ngày xưa có hoa ăng-ti-gôn bò qua song cửa sổ, không như xưa có nệm gối trắng tinh, có những tấm màn hoa hòe, có những chao đèn mầu rực rỡ, nghĩa là không còn có bàn tay đàn bà, bàn tay của một người đàn bà. Ở đây chỉ có cái sơ sài, cái thanh đạm của một người học trò nghèo. Vâng chỉ có thế.

Nhưng, ở trong cái gác nhỏ ấy, tâm hồn tôi đã trở nên một nhịp cầu quá độ cho cảnh Tàn Sát bước qua một cảnh Hồi Xuân. Ở đây, một cái gì đã chết. Nhưng một cái gì khác đã lại sắp nẩy nở. Cái chết buồn thảm chừng nào thì cái sống vui tươi chừng nấy.

Những hoa úa đã rụng đến cánh cuối cùng, mà mầm sống cũng đã bắt đầu xao xuyến, rung chuyển, đã reo ở trong những cành lá. Lòng tôi đương bình thản đợi một mùi hương ngây ngất.

"Hãy mở tung cửa sổ, và nhìn đời trong đôi mắt sáng…"

Tôi đã mở cửa sổ. Và đời, hôm nay đẹp quá. Đáng yêu và đáng sống vô cùng! Tôi có thể đổi hết vàng bạc trong thế gian để mua lấy một khoảnh khắc, một chút yêu đương, một chút sống, một chút tươi vui ở bên ngoài cửa sổ.

Bên ngoài cửa sổ, bắt đầu một thế giới khác.

Ở kia, đương ngự trị đôi mắt với một nụ cười. Đôi mắt còn in những vết mộng hôm qua và nụ cười tin yêu, trong sạch, như một trang giấy trắng.

Người thiếu nữ ấy, hiện qua khung cửa sổ, mang lại cho tôi, trong cái gác trọ nghèo nàn này, cái khí vị thanh tân của một xứ xa xôi đầy nhạc, đầy thơ, đầy êm dịu mà nàng vừa từ biệt.

Tôi nghĩ đến Huế.

Và Huế. Trong một buổi chiều, khi những hoa xoan nở.

Những giọt máu ở trên một nền trời xanh thẳm, như giục ta uống hết bao nhiêu nồng đượm còn rớt lại trên đôi má thân yêu. Không bao giờ ta thấy yêu đời bằng lúc ấy. Ta hãy ngược dòng sông Hương, và cho thuyền đi về bến Vĩ Dã, cái tên khêu gợi như một cõi thiên đường.

Bến, lúc bấy giờ trong và lặng như một ngày xa xôi trong dĩ vãng. Vì từ cái cổng gạch đã phủ rêu xanh, bước xuống một thiếu nữ, bận toàn lụa, và cười, một nụ cười mờ nhạt sau lớp sương chiều. Trong giây lát, ta bỗng biến thành một anh lái đò, và nói bằng một giọng quê mùa mộc mạc:

–  Xin rước cô sang ngang. Đò chỉ còn một chuyến.

Nhưng mà nàng vẫn như không nghe thấy gì, quay lưng lại, và thong thả bước lên cổng gạch. Anh lái đò từ đó trở nên nhà thi sĩ.

Nhưng ta chép sách này là cái mộng của một đêm, để làm gì. Ta không biết để làm gì, nhưng ta không thể không chép được. Suốt hôm qua, ta đã khóc vì nàng, ta hẹn sáng nay sẽ phải gặp nàng và ta nguyện Trời Phật phù hộ cho ta đủ can đảm để nhìn thẳng vào đôi mắt nàng. Đôi mắt nàng là những hồ vô biên và "vô thể" (immatériels), mà tâm hồn ta là ngôi sao xa vời chỉ xin rọi xuống đáy hồ, một chút đáy hồ, một chút ánh sáng lạnh lùng như sương, tuyết. Nhưng khi ta gặp nàng, thì hai mắt ta như không thấy gì nữa, đôi môi ta mấp máy mà không thốt được một lời nào: ta muốn nói hết cả, thành thử ta không nói được gì hết.

Ta không biết làm sao ở trong trời đất lại có những hội ngộ lạ lùng đến thế? Làm sao, ta với nàng lại cùng đi một chuyến tàu? Làm sao, bên gian buồng của nàng, lại có một gian buồng để không? Làm sao, gian buồng của nàng, cũng như của ta, lại có một cửa sổ? Làm sao giữa hai cửa sổ lại có một sợi dây, và làm sao, sợi dây ấy đến nay lại muốn đứt (mà hình như nó đã đứt rồi…)? Làm sao? Trời đất ôi! Ai mà biết được làm sao!

Hôm nào, ta đi xem ở Majestic cái film ‘Roméo và Juliette’. Truyện ấy ta đọc đã mấy lần rồi, nhưng khi xem đến film, ta vẫn cảm động như một đứa trẻ con… Có lẽ vì ta có cảm tưởng tai ác rằng: Cái bao lơn của Roméo và Juliette (nơi đã diễn một cảnh sinh ly não nùng) lại là cái cửa sổ của ta. Rồi những việc xảy ra đến cho Roméo và Juliette sẽ xảy đến cho chúng tôi… Không, không bao giờ lại có như thế được.

–  Em ơi! Bây giờ hãy khép mau cánh cửa sổ lại.

Ta vui lòng buông tha cho một tâm hồn vô tội, dầu chưa được một lần nào, nắm ở trong tay ta, những ngón tay kiều diễm. Ta sẽ đi con đường của ta, nàng – con đường của nàng. Và trên con đường nàng đi, ta cũng không xin nàng rắc lại một cái lông ngỗng. Ta muốn mất tích nàng hẳn…

– Em ơi! Hãy cài kín lại, và mặc cho những vật phiêu lãng gào thét bên ngoài cửa sổ.

Ngày sau, khi đầu bạc răng long, có bao giờ nhớ đến người trước, nàng chỉ cất cái giọng khàn khàn, kể lại cho đoàn cháu thơ quây quần bên lò sưởi ấm: "Ngày xưa có một bọn giang hồ đến bên cửa sổ ta. Và cánh cửa sổ ta đóng ập lại trên những cái đầu sương gió".

Nhưng ta còn chép truyện này để làm gì nữa? Than ôi! Nào ta có biết! Không, nàng là tất cả mà ta là không gì hết. Ta chỉ là quản bút không ngừng, vì nàng là nguồn cảm hứng bất tận. Truyện này, và bao truyện nữa, mà ta đương viết hay sẽ viết, lẽ ra phải ký tên nàng mới phải.

Hà Nội, ngày 13 Novembre 1938

Cảnh chiều hôm ấy, không biết về cuối hạ hay đầu thu. Trời trong xanh và mây trắng xốp bay mau theo một chiều gió vội.

Phía Tây, trên dải núi xa, một ít ráng vàng… Người ta thấy như chiếu rọi vào tâm hồn, cả cái rạng rỡ của mùa hạ tàn, và cả cái trong trẻo của mùa thu tới.

Người ta chỉ muốn đi nhè nhẹ, nói in ít, thở dịu dàng. Đất ở dưới chân như biến thành cát mịn, và cỏ bên đường thành tuyết nhung.

Người ta không bao giờ có cảm tưởng… Huế như hôm nay. Chỉ thiếu một cái gì, một cái gì nữa, là người ta hoàn toàn sống trong thơ mộng.

Cái gì ấy là một người đàn bà, một thiếu nữ, một thiếu nữ của "Huế hôm nay".

Minh, Huy và Miến, đến ngõ nhà Thu, thì bỗng ngừng cười nói… Chúng nắn lại cravate, xốc hai vai áo lên, và đưa mắt nhìn nhau như có ý bảo: "Coi chừng! Cái phút nghiêm trọng đã sắp đến nơi rồi đó!" Huy nhìn vào Miến, như nhìn vào một cái gương soi để soi dáng mình, và có vẻ bằng lòng lắm… Chàng thấy cái hình dáng xinh đẹp của mình qua cái hình dáng tươi vui của bạn. Minh có vẻ cảm động hơn hai người, hai môi mấp máy và run lên: Trên nét mặt, một vẻ ngượng nghịu đáng yêu. Chàng ghé tai Huy và nói rất nhỏ: "Mi trông tao thế nào?" Huy cười một cách tinh nghịch: "Mi cừ lắm". Trong lúc ấy, Miến nắn lại caravate một lần nữa và tiến lên trước. Ba người cùng đi trên một cái ngõ tre, ngõ xuyên qua một cảnh vườn. Ba người cùng nhận thấy một lúc: dưới một gốc mít, Thúy đương đánh ping-pong với Thảo, một đứa bé độ 10 tuổi.

Miến vừa toan hỏi, thì thiếu nữ đã vùng chạy, và để lại một nụ cười xinh tươi giữa khoảng không gian. Miến tưng bừng một cách sung sướng, đi lại bên Thảo, và hỏi:

–  Anh Nga có nhà không em?

–  Thưa anh, anh em đi lên trên nhà cậu em.

–  Ồ! Nga tệ quá, hẹn chúng mình đến chơi, lại bỏ đi!

Miến có ý nói câu sau này cho thật to, để người ở trong nhà cũng nghe thấy.

Quả vậy, ở dười thềm nhà, bước ra một thiếu phụ, tuy đã vào khoảng 25 tuổi, nhưng trên nét mặt, trong bộ đi, vẫn còn thấy cái dấu vết của một thời xuân xanh rộn ràng, náo động. Thiếu phụ, bước xuống sân, nhìn về phía ba người và nói to:

– Mời ba anh vào chơi, em nó sẽ về chừ đó!

Huy muốn kiếm cớ để thoái về:

– Thôi chị để cho khi khác, Nga có về, chị làm ơn nói có bọn chúng tôi tới chơi, thế thôi…

Thiếu phụ, cười hỏi lại:

– Chỉ thế thôi?

Miến đáp lại một cách tinh nghịch hơn:

– Thưa chị, còn nữa… Chúng tôi muốn hỏi Nga một việc cần.

Minh nói thêm:

– Thưa chị, cần lắm, cần hung lắm…

Thiếu phụ, lại cười:

– Chuyện chỉ mà ghê gớm rứa? Thế thì ba anh vào nhà đợi Nga một lát…

Thiếu phụ quay lại phía Thảo và bảo:

– Em biểu thằng Vĩnh, đun nước pha trà mời mấy anh uống…

Huy đỡ lời:

– Thưa chị, chúng em không uống trà buổi chiều đâu.

– Thôi ăn bánh ngọt.

– Hay lắm, những thưa chị, ăn bánh thì phải uống trà…

– Mà uống trà thì đã làm răng…?

– Thưa chị, uống trà, tối không ngủ được, mà có ngủ được, thì lại chiêm bao rắc rối lắm thê!

Cả bọn cùng cười. Thiếu phụ muốn nói thêm một câu gì nữa, để tỏ rằng mình là đàn chị, vì từ nãy nàng thấy mình cũng là người cùng lứa với người ngang với em mình. Nàng hỏi chuyện ngay Miến, là người nàng thân hơn, vì năng đi lại nhà nàng hơn hết:

– Nghe nói trên nhà, thầy má định đến tháng chín ni đi nói vợ cho thằng Miến phải không? Nhớ cho chị uống rượu với nhá!

– Chết, bậy! Làm chi có! Hỏi vợ là hỏi vợ cho em, mà em chưa muốn có vợ,  thì vợ đâu mà cưới?

Cái câu đáp của Miến, thiếu phụ hình như không nghe thấy gì, nàng đương thừ người ra vì một ý nghĩ bâng quơ. Nàng không hiểu sao mình lại đặt mình quá cao ở trên cái bọn thiếu niên trẻ trung ấy và muốn đối đãi như đàn em. Vô tình, nàng đã chợt thấy mình già rồi. Một vẻ lo buồn thoáng qua trên mặt nàng: nàng tiếc rẻ một thời xuân xanh, phí lãng vào một cuộc đời vô vị, vô vị lắm…

Nàng không hiểu sao nàng đã đi lấy chồng. Và khi mới 23 tuổi, nàng đã trở nên một người quả phụ.

Nàng thấy rõ rệt lắm rằng: không bao giờ mình đã yêu cả, yêu với tất cả cái đắm say, cái tha thiết của tuổi trẻ. Mà cả tuổi trẻ, nàng cũng không bao giờ có nữa.

Năm ấy nàng vừa mới lên năm thứ hai trường Nữ học Đồng Khánh. Ngoài bài vở ở trường ra, thật nàng không dám nghĩ, dám mơ tưởng đến một việc gì khác.

Nàng chỉ nhớ rằng nàng có một lần nọ táo bạo hơn hết, nàng dám biên thư cho một người anh cô cậu hiện làm tham tá sở Công tác ở Sông Cầu, để xin anh đặt cho nàng một cái biệt hiệu. Đó không biết có phải là một cái mộng bất chính, tội lỗi không, nhưng từ đấy, nàng đã hơi sao lãng đôi chút về việc học hành.

Nàng đã nhiều lần tự hỏi: "Làm sao mình lại nghĩ đến anh Cận (tên người anh), và tại làm sao Cận lại lựa cho mình hai chữ: Lộng Ngọc. Rồi dần dần với hai chữ tên đẹp ấy, nàng cố xây lên một ít lâu đài mơ mộng, nhưng than ôi, chỉ là những công tác rụt dè và mỏng manh chưa hoàn thành đã đổ nát…

Người con gái bị bắt thôi học, và đi lấy chồng. Chồng là một người trai trẻ kể cũng có địa vị khả quan ở trong xã hội. Chàng làm y sĩ ở bệnh viện Huế. Nhưng bảo rằng nàng đã hăm hở bao quyến chàng thì thật là vô lý, mà trái lại, bảo rằng nàng đã ghét rẻ chàng thì lại vô lý hơn nữa. Thế rồi nàng không ngần ngại, nàng đã nghe theo lời cha mẹ mà lấy chàng, tưởng như thế sẽ tìm được hạnh phúc của mình và của những người thân yêu. Nhưng nàng lầm: Hạnh phúc dầu là một thứ hạnh phúc hiền lành dễ dãi, cũng không phải sẵn sàng như nàng tưởng…

Hạnh phúc không đến trong ly rượu tân hôn, và mãi sau này, cũng không bao giờ đến cả. Những ngày bên cạnh chồng, là những ngày quá bằng phẳng, quá lạnh lẽo, quá vô sự. Trong cái cuộc tẻ ngắt ấy nhiều khi nàng muốn dối mình, dối chồng, lục xáo ở trong tâm trí một cái gì có thể giúp mình thoát ly ra khỏi cảnh hiện tại: Nàng nghĩ đến Cận, người anh đã lựa chọn cho nàng hai chữ Lộng Ngọc. Nhưng cái mộng ấy, đến nay, đã yếu đuối quá, không còn thể mang nàng sa vào dĩ vãng, tìm lấy một cái lẽ để bâng khuâng, để thương tiếc, để sầu não.

Vì nàng cảm thấy một sự trống trải ghê gớm: Nàng thiếu yêu và thiếu đau khổ.

Trong lúc ấy, người chồng ngoan ngoãn của nàng, suốt ngày túi bụi với công việc, chắt mót từng đồng nhỏ, và lo làm giàu, tưởng rằng tiền bạc có thể đưa lại cho người ta mọi thứ hạnh phúc.

Thế rồi, lấy chồng được hơn một năm, thì chồng nàng đau thương hàn mà chết. Nàng lui lại về nhà mình, với một vẻ bình thản đáng phục. Không phải là nàng không đau xót, nhưng có lẽ đau xót cho nàng nhiều hơn là cho người vừa khuất. Người sương phụ ấy về với cha mẹ được hơn năm, thì mẹ nàng cũng lại thụ bệnh mà chết, trong lúc cha nàng làm quan ở xa.

Nàng cảm thấy cái trách nhiệm của mình ở trong gia đình như nặng nề thêm: nàng phải thay mẹ săn sóc cửa nhà và các em bé; nàng không còn kịp nghĩ đến những điều viển vông, xa vời khác.

Nhưng khi, luôn luôn được tiếp xúc với một bọn thiếu niên, với những cái hình ảnh trẻ trung, hình như nàng cảm thấy rằng nàng cũng cần, cũng còn cần phải… tràn ngập trái tim, với mộng, với yêu… với những điều khác nữa mà không thể nói ra được, nhất là với cái tuổi nàng…

Nàng muốn tin rằng mình còn trẻ, và trái tim còn đương hồi hộp về những điệu nhịp mới…

Nhưng hôm nay, không hiểu sao, nàng lại có một cái cảm tưởng trái ngược với những ngày thường: nàng thấy mình già, và chỉ muốn đãi những thiếu niên đến chơi đó, như là những người em mình, dẫu trong bọn đó, cũng có thể có người đồng, hay hơn tuổi nàng nữa… Nàng không giấu được nỗi lo buồn… Và đã trong một lúc lâu, nàng ngồi thừ ra không nói gì.

Trong lúc ấy, Thúy, người thiếu nữ trốn chạy hồi nãy, lại bước ra, lần này thì trên má cô thiếu nữ ấy điểm sơ một chút phấn hồng. Bao nhiêu mắt đều đổ dồn vào Thúy, nhưng nàng chỉ thoáng hiện ra một chút, rồi lại lẩn vào ngay; nàng tưởng rằng có can đảm ra tiếp bạn, nhưng không, những điểm phấn hồng ở trên má làm cho nàng ngượng nghịu, bẽn lẽn một cách đến hay.

Nàng đỏ hẳn mặt lên, và đôi mắt nàng long lên, như đầy ham muốn.

Miến đưa mũi giày dí vào mũi giày của Huy… Còn Minh thì cười một cách quá sỗ sàng. Sau  khi Thúy không còn ở đấy nữa, thì ba người cùng nhìn nhau một cách ý tứ, và như muốn bảo: "Ồ! Con bé làm đỏm quá! Mà đến dễ thương."

Họ không nói gì nữa, nhưng không ai là không nghĩ đến người thiếu nữ vừa biến. Lộng Ngọc lại càng cảm thấy một cách rõ rệt: cái lạnh lùng trống trải ở quanh mình. Chắc chắn là không ai nghĩ đến người thiếu phụ ấy. Nàng thấy đau khổ vô cùng, nhưng nàng vẫn không tin đó là lòng ghen tuông. Không lẽ nàng đi ghen với em gái mình, người mà mình có trách nhiệm phải gìn giữ, phải che chở.

Nàng nghĩ vậy, rồi nàng cố làm ra bộ vui vẻ, nói với ba thiếu niên:

– Thế là Nga, có lẽ, không về ngay. Thôi đã đợi thì đợi cho trót. Các anh chiều nay ở lại ăn cơm với các em, đến bữa thế nào Nga cũng phải về.

Lần này nàng thấy cái giọng "đàn chị" ấy không được tự nhiên. Chính nàng cũng lại trở nên ngượng nghịu và lúng túng… Nhưng ba người thiếu niên, vẫn đuổi theo cái hình ảnh mỹ miều của Thúy mà không ai lưu ý đến người sương phụ cả. Không phải là họ cố tàn nhẫn, họ chỉ thành thực, và quá lơ đãng…

Minh, Huy và Miến toan đứng dậy thì Nga bước vào ngõ. Lộng Ngọc reo to lên như một đứa trẻ:

– Nga xin lỗi mấy anh đi. Mấy anh đợi Nga đến hàng giờ…

Nga cười vồn vã lại bắt tay các bạn, và nói tức cả lưỡi để cắt nghĩa sự sai hẹn của mình. Lộng Ngọc, trước khi chui vào buồng, còn nói với một câu:

– Thôi chị vào, để cho các anh với Nga nói chuyện… Các anh ấy, có câu chuyện cần lắm, cần một cách ghê gớm lắm thê!

Rồi quay lại phía ba người:

– Thế mà các anh cứ lo không bắt được em tôi! Thôi các anh khai mạc đi thôi. Nhưng hội nghị bàn tròn hay là để bàn vuông để tôi bảo chúng nó lên kê nào?

 Ba người cùng cười và đáp một lúc:

– Thưa chị, bàn méo ạ!

Nga cùng cười theo. Một tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo như tiếng chim hót trong một buổi sáng mai. Nhưng cánh cửa qua buồng bên đã đóng lại, và kêu một tiếng "ập" mạnh: Ngọc đã biến rồi và trong gian phòng khách chỉ còn trơ lại  bốn người thiếu niên với một sự im lặng lạnh lùng. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, có lẽ là những ý nghĩ rụt dè mà người sương phụ ấy đã để lại trong tâm trí họ. Nga chúm chím cười, quay lại phía các bạn:

– Chuyện gì mà cần ghê gớm thế?

Miến với một giọng thản nhiên như không:

– Chỉ chuyện "dóc tổ" chứ có chuyện chi mô trời! Ấy vì có chị Ngọc, nên nói vậy cho có vẻ nghiêm trọng thôi.

– Đệ cũng đoán chắc như thế.

Minh nói thêm:

– Một tuần vắng mày là nhớ lắm, nhớ đến quay quắt.

Huy, Miến hiểu ngay là Minh muốn nói gì, nhìn nhau cười tủm tỉm.

Huy tinh quái hỏi lại:

– Làm chi mà nhớ nhung thế mày? Gớm một ngày của mày bằng mười thu của tao.

Miến tinh quái hơn:

– Mà mười thu của thằng Huy lại bằng trăm thế kỷ của tao.

Rồi ba người lại cười một cách sung sướng, hả hê, trước cái vẻ ngơ ngác của Nga. Nga, với cái tính thật thà của chàng, không thể nào hiểu được rằng: chính khi ba người bạn kia nói đến chuyện nhớ thương, là chỉ nghĩ đến Thuý, người em gái nhí nhảnh, xinh đẹp của chàng mà thôi. Ba người kia vẫn chưa hết sướng khoái với những ý nghĩ láu lỉnh của mình. Họ vẫn nhìn nhau cười một cách thông minh, ý tứ.

Sau tiếng cười, lại một hồi im lặng khó chịu, Nga đứng lên, và nói bô bô:

– Thôi hôm nay, các anh ở lại ăn cơm với chúng tôi cả cho vui.

– Được lắm! Nhưng ăn cơm rồi, rồi làm gì mới được chứ?

– Chuyện gẫu.

– Chuyện gẫu thì chán chết.

– Hay là… các anh thử chọn một trò chơi.

– Không phải là một trò chơi… nhưng cũng thú lắm. Hôm nay lại sẵn có trăng nữa.

– Thế các anh muốn chơi trăng chứ gì?

– Cố nhiên.

– Các anh bằng lòng cả chứ?

– Cố nhiên! Nhưng mà trăng suông thì chán chết… Phải có gì nữa chứ?

– Có gì nữa?

– Ví dụ, chúng ta sẽ mang theo một người đánh đàn giỏi.

– Trong chúng ta, không có ai đàn được cả à?

– Nếu có, thì chúng tôi đã không phải hỏi anh rồi.

– Nhưng kiếm ai được bây giờ?

– Anh thử nghĩ xem. Được là một thiếu nữ, thì tốt đẹp quá. Hay là ta mời cả…

Ba người cùng nghĩ đến Thuý, nhưng không ai dám nhắc đến tên nàng cả. Họ lại im lặng. Họ đợi Nga nói trước, mà Nga, thì hình như không nghĩ đến Thuý. Chàng chỉ nghĩ đến Ngọc.

 

***

 

Cơm xong, bốn người cùng ra ngồi ở nhà mát để chờ trăng. Và trăng đã lên trên đầu những ngọn tre cồn, đỏ như mặt một thiếu nữ cạn xong cốc rượu tối tân hôn. Ánh trăng dần dần từ chỗ nồng nàn ngả xuống màu êm dịu. Một cái êm dịu mát rượi như làn da mịn. Cái vườn cây, dưới ánh trăng, trở nên bao la… và những sắc đẹp của những bông hoa trở nên mơ màng và kín đáo. Mọi vật đã mất hết vẻ rõ ràng, bộc lộ, mà trùm khoác một màu u huyền đầy thi vị. Con sông Hương, từ nhà mát trông xuống, trắng xoá và óng ánh như một dải lụa.

Đã lâu, bốn người như ngơ ngẩn vì bóng trăng, không khơi được một câu chuyện lý thú. Những mẩu chuyện cụt ngủn và rời rạc, không ăn nhập vào đâu cả. Hình như người ta lắng đợi một cái gì, chẳng hạn một điệu hát, một tiếng đàn, hay một cái bóng trắng… Người ta mơ sao, trong lúc này, một thiếu nữ, từ buồng khuê lẻn ra, nương theo một ngõ trăng, đứng lại dưới một gốc đào, ngồi xuống một ghế đá. Và, trước sự bất ngờ của đêm, nảy ra mấy điệu đàn, – đàn cầm hay đàn nhị. Nhưng đó chỉ là một điều mơ ước đẹp mà thôi. Sự thật, là người ta đương bị bao trùm bởi một làn không khí nặng, khó chịu, dầu là ở dưới bóng nguyệt mơn man. Ngọc và Thuý, có lẽ đương đóng kín buồng lại, cửa hai lần khoá, và đương ung dung, bình tĩnh đọc nốt những trang sách bỏ dở, – hay là, hai người đàn bà ấy, sau bữa cơm ngon, đã đánh một giấc ngủ kỹ; mà sao  lại không có thể như thế được? Người đàn bà nhiều khi cũng vô tình như một đoá hoa, bay ra một mùi hương thơm, rồi có bao giờ cần biết tới những tâm hồn nào đã say ngát về cái mùi hương của mình?

Câu chuyện giữa bốn người thiếu niên đã uể oải và tẻ ngắt. Người ta đã bắt đầu nhận thấy rằng bóng trăng đẹp chỉ như để chế giễu lại mình. Và cuộc đời không phải đẹp như người ta tưởng.

Tuổi thanh niên không biết che đậy, không biết giả dối. Họ buồn, họ khó chịu một cách thành thực. Và họ cũng không muốn tự ép mình, và gượng gạo rốn lại trong một làn không khí nặng. Họ từ biệt nhau, – và không khỏi không buồn rầu. Tuy không nói ra, nhưng Huy, Miến và Minh trong thâm tâm cũng hơi bất bình. Mà bất bình chỉ vị cái đêm đẹp quá, lại thiếu mất một người đàn bà.

Lúc đứng dậy, hẳn họ đã nguyện với mình, sẽ không bao giờ trở lại cái "nhà mát" quá trống trải ấy nữa. Nhưng … đó là chuyện những chương sau…

 

 

***

 

 

Sau buổi hội họp ấy, một hôm, chỉ một hôm thôi, Huy là người đầu tiên trong ba người ấy, đã có cái ý muốn trở lại nhà Nga.

Sáng ấy, Huy dậy sớm hơn mọi ngày. Chàng đi về phía Vĩ Giạ; khi đến ngõ nhà Nga thì Huy hơi ngập ngừng và có vẻ ngượng nghịu với mình.

Chàng không muốn bước, và không đủ can đảm để bước vào, vì chàng cảm thấy mang máng rằng: Hình như chàng sắp làm một việc gì tội lỗi, một việc gì bất chính. Có lần chàng đã tự hỏi: Sao mình lại đến mà không rủ các bạn, nếu không phải có ý "ăn riêng", ừ sao mình lại đến một mình? – Xưa nay, mình làm gì lại không có Minh và Miến? Rồi chàng thấy khó chịu với mình vô cùng, nhưng cuối cùng chàng cũng tìm ra một cái lý gì, để lượng thứ cho mình.

Chàng mỉm cười, tự an ủi: … Đã đành vậy nhưng nhỡ mình đã yêu, thì sao? Huy không dối mình, khi chàng thầm nghĩ như thế. Cái cử chỉ vội vàng ấy chỉ có thể là một cử chỉ của một tình nhân.

Mới hôm qua hình như thấy cái vẻ lãnh đạm của những người đàn bà, cũng như Miến và Minh, Huy sẽ tự nguyện sẽ không bao giờ nghĩ đến nhà Nga nữa. Nhưng với người đương yêu, một đêm qua, là một đêm dài bằng cả một mùa đông. Sáng hôm sau, chàng đã tưởng như lâu lắm, chàng không được gặp lại người yêu.

"Hãy thương xót cho kẻ đã yêu

Hãy lượng dung cho kẻ đương yêu

Và hãy khích lệ cho kẻ sắp yêu…"

Không những thương xót, lượng dung, khích lệ, mà còn phải trọng nể. Trọng nể tình nhân, và trọng nể tình yêu. Ta chỉ nên đi theo sát cái gã si tình ấy, và chỉ để mà nhìn, mà quan sát, rồi để mà chép lại.

Huy, toan bước đi, và chàng tưởng mình sẽ bước nhanh hơn nữa, nhưng chân chàng như bị vướng và tâm hồn như vừa choáng váng như một cốc rượu nhẹ: Chàng say sưa vì một cái gì. Có thể là màu xanh thẳm của một vòm trời rộng, có thể là những giọt máu tươi ở trên cành phượng, có thể là màu tím vừa rực rỡ vừa êm dịu của hoa ti-gôn, có thể là ánh bình minh reo động ở trên mảnh kính ở cửa sổ nàng, có thể là những tiếng chim sẻ ríu rít ở trên nóc nhà, có thể là tất cả một buổi sớm mai với những âm điệu, với những mầu sắc, với những hương vị của một cảnh hồi xuân. Nhưng có một điều chắc chắn hơn hết và đã làm cho chàng sáng nay say sưa một cách thú vị, chính là chút tình vừa mới nở ở trong lòng chàng. Chàng đã yêu với tất cả cái trong trẻo của tuổi trẻ.

Lúc tâm hồn chàng đương bâng khuâng một cách dễ chịu, thì một điệu đàn tranh nổi dậy… Thoạt đầu, chàng tưởng như lạc vào một cảnh mộng, dần dần chàng mới trở lại với cõi thực tại. Chàng nhận thấy rằng: những điệu đàn ấy, từ cửa sổ nàng bay ra, lởn vởn ở trên những chòm hoa vườn và đến lịm tắt ở trên tâm hồn chàng.

Những âm điệu ấy, nhập vào tâm hồn chàng một cách lẹ làng quá, êm thấm quá, khiến cho chàng tưởng rằng mình không còn là một khu xác nặng nề…

Điệu đàn chìm nghỉm rồi lại cất bổng… khi buồn một cách nhè nhẹ, khi vui như reo… một điệu đàn "của những cảnh trời miền nam".

Đã một lúc lâu, chàng đứng tần ngần bên một gốc đào… Chàng không dám thở mạnh. Hai tay chàng mân mê một chiếc lá khô, và trí chàng chập chờn mà hình như không giữ định hẳn vào một cái gì. Nhưng có một điều chắc chắn là chàng tin rằng cái khúc đàn đương dạo đó, là từ những ngón tay yêu quý của một người thiếu nữ nẩy lên. Và thiếu nữ ấy chỉ có thể là Thuý mà thôi… Chàng đương khoan khoái với cái ý nghĩ ấy, với cái huyễn tượng ấy, thì bỗng có một tiếng cười bắn ra từ phía cửa sổ, làm cho chàng giật mình, và như rơi từ một cõi mộng bao la, huyền diệu. Chàng ngẩng lên nhìn, và nhìn thẳng và mặt thiếu nữ mà bấy giờ đã trở nên một đứa trẻ con tinh quái, chàng thấy lúng túng vô cùng, vì ngạc nhiên! Thiếu nữ ấy lại là Thuý. Trong lúc ấy, những điệu đàn vẫn nhẹ bay qua cửa sổ, lởn vởn trên những chòm hoa và đến tắt lịm ở trong tâm hồn chàng. "Không! Điệu đàn ấy chỉ có thể là của Ngọc". Ngọc, than ôi, mà một người mà Huy không bao giờ  nghĩ tới.

Thuý vẫn cười như nắc nẻ.

Đoạn, nàng ngừng lại, vẫn từ trong cửa sổ, bảo Huy:

– Chết nỗi! Anh Huy dễ thường không biết có trời mưa!

Huy có vẻ lúng túng, sờ lên đầu, lên áo, và nói như một người chưa tỉnh ngủ.

– Ồ! Trời mưa, trời mưa bao chừ thế này? Chết! Mải nghe… quên cả trời mưa.

Thì ra cũng không phải là trời mưa đâu. Đó chỉ là một trò chơi của cô gái tinh nghịch. Thuý, lúc vừa ngủ dậy, thì đã thấy Huy lấp ló ở trước ngõ. Từ đấy, nàng rình theo mãi. Khi chàng ta mải nghe đàn, thì nàng sai Thảo, đứa em bé của mình, chạy ra rung mấy cành đào ngay ở cạnh chàng. Những hạt sương đọng trên cây, rơi xuống đầu Huy mà chàng vẫn không biết gì cả, vì chàng đương đắm hồn trong một khúc nhạc huyền bí…

Nàng vẫn cười và chế nhạo:

– Anh vào nhà xơi nước đã, và luôn thể để sưởi áo đi cho khô rồi hãy về.

Huy cười theo. Chàng không thấy khó chịu, không thấy lúng túng nữa. Trái lại, chàng có cảm giác như được vỗ về, mơn man bởi những lời dịu ngọt.

Thủng thẳng, chàng bước vào nhà, và vào thẳng buồng khách. Trong lúc ấy có tiếng hỏi từ buồng bên cạnh: "Ai đó!", và điệu đàn cũng ngừng lại. Cánh cửa ngăn từ từ mở hé. Huy cảm động, đợi… Thuý, lòng chàng hồi hộp, và sung sướng. Nhưng than ôi! Người vừa bước ra, lại chính là Ngọc. Huy cúi đầu chào một cách cung kính. Ngọc hỏi bằng một giọng nghiêm trang:

– Ồ anh Huy! Anh đi mô mà sớm thế?

– Em lên thăm Nga.

Ngọc cười rũ rượi:

– Em nó còn ngủ như chết. Mời anh ngồi, để tôi bảo gọi nó dậy.

– Thôi, phiền quá!

– Nhưng anh hỏi có việc gì cần không à?

– Thưa chị, cần lắm, cần hung lắm.

Ngọc lại cười:

– Cần! Các anh thì bao giờ cũng có chuyện cần! Tôi chịu các anh! Năm giờ sáng đã đi chơi, mà đi chơi bao giờ cũng có việc cần cả. Làm như là ngày tháng của trời đất đã tiêu vung hết. Anh "thời" nước đi!

– Thôi chị để cho khi khác.

– Anh lại đi?

– Dạ, em xin lại đi.

– Lại một việc cần khác?

Huy cười đứng dậy, nhưng đôi mắt vẫn liếc qua một kẽ cửa như muốn tìm một cái gì… Có lẽ là đôi mắt của Thuý, một cái bóng chỉ hiện thoáng ra để trêu mình.

 

***

Hai hôm sau, Huy lại đến nhà Nga một lần nữa… Cũng vào buổi trời mới tưng hửng sáng. Nhưng lần này, cửa nhà còn cài kín: Giờ những cô thiếu nữ còn đương dệt mộng đẹp ở trên những tấm gối phin. Không còn có tiếng đàn trong trẻo. Không còn có tiếng cười giòn xinh, ở trước sân, chỉ có một con sen chăm chú quét những lá vàng rụng từ hôm qua. Phải, hôm qua, Huy nhớ lại hình như có ngọn gió lạnh đầu mùa đã đến, đến một cách vội vàng, hấp tấp. Hôm qua, cả tâm hồn chàng đã rung động đến sợi tơ cuối cùng. Chàng đã thấy mình yêu một người đàn bà.

Yêu một cách tha thiết, yêu một cách say đắm, yêu một cách cuồng dại.

Yêu Thuý, một người than ôi! Có lẽ không bao giờ để ý đặc biệt tới chàng.

Bấy giờ đã ba giờ sáng. Hình như lúc ấy, gió mới bắt đầu lên. Lá rụng rộn ràng ở trên mái lầu. Và trăng nhạt hẳn đi, như da mặt của một thiếu nữ vừa ốm khỏi. Người ta cảm thấy một cái buồn man mác, ủ rũ lạnh lùng của một người quả phụ.

Huy khoác vội cái áo dài vào người, và chạy đóng những cửa kính. Chàng lại kéo cổ áo lên và xoa hai tay và thít tha như là đương ở giữa mùa lạnh. Thực ra, trời không lạnh đến thế. Nhưng, Huy muốn có cái ảo tưởng trời còn lạnh hơn thế nhiều. Chàng ngạc nhiên vô cùng, và không hiểu tại sao, chàng lại hút được thuốc lào, chàng, xưa nay, không bao giờ có cái thói quen ấy. Chàng đã bắt đầu thấy ấm cúng. Nhưng chàng vẫn có cái huyễn tưởng là ở bên ngoài gió vẫn lên, và lá đổ nhiều lắm, và sáng mai, tất cả tạo vật sẽ bị thương nặng…

Một vài tiếng đập ở cửa kính. Chàng ngẩng lên nhìn: Vẫn không thấy gì cả…

"Chắc là mấy chú dơi, chạy rét lại đập đầu vào đấy chứ gì?"…

Rồi sự buồn thảm càng theo tới với cái ý nghĩ ấy. Chàng lại càng tưởng như gió dần dần rít mạnh lên, và có nhiều cây đã đổ lắc rắc và những chim đã bay tán loạn.

Có thể là một cơn bão sắp đến chăng?

Vâng, chàng đã tin như có bão thật. Chàng trông lên vách, đồng hồ đã chỉ hơn bốn giờ… Lại có những tiếng đập ở cửa kính. Chàng vội đứng dậy và mở tung cánh cửa như muốn cho những sinh vật lạc loài ở bên ngoài, bay vào trú ẩn ở trong nhà chàng, cho qua mấy giờ bão táp. Nhưng khi chàng mở cửa ra, thì tạo vật ở bên ngoài, lặng im phăng phắc như không bao giờ xảy đến một việc gì. Gió đã lẩn ở trong những cành cây, và trăng vẫn bình thản rải bóng ở trước thềm. Chàng mỉm cười và tự nói: "Làm gì có bão! Chết chưa! Ta vừa qua một cơn ác mộng!..."

Chàng tin rằng chàng đi mê loạn, nhưng không biết đâu rằng vì thương mình mà quá thương cho các sinh vật, chàng đã tạo ra một cơn gió lạnh ghê gớm có lẽ để thử lòng mình. Chàng đã qua những giờ rét mướt mà trọn đời chàng không còn thể quên được. Rồi từ phút ấy, chàng đã trở nên một thi sĩ. Khi đồng hồ đã gõ năm tiếng, thì chàng đã hết lạnh, hoàn toàn tỉnh khỏi cơn ác mộng. Nhưng trên tờ giấy trắng chàng đã có mấy vần thơ để ghi lại những cảm giác lạnh lùng của một người cô độc, muốn yêu, tha thiết yêu:

Ngày tháng em đan chiếc áo len

Hững hờ để lạnh với tình duyên…

Mùa đông đến tự hôm nào nhỉ?

Lá rụng, bay đầy trước mái hiên.

 

Gió thổi, hôm nay lá rụng nhiều

Cậy em đan hộ tấm tình yêu

Để về mang ủ lòng anh lạnh

Cho khoảng đêm trường, đỡ quạnh hiu

…….

Chàng đọc đi đọc lại mấy câu thơ, và thấy thích khoái vô cùng, tình yêu đã đưa lại cho chàng những sự bất ngờ: Một cơn gió lạnh và một tâm hồn thi sĩ.

… Rồi mặt trăng lặn tự hồi nào không biết, và mặt trời đã rọi những tia sáng đầu tiên qua cửa sổ chàng. Chàng nói một mình như nói với một người trong mộng:

– Bây giờ thì có lẽ nàng đã dậy ngồi gỡ tóc và chốc nữa thì nàng đã sẵn sàng để tiếp ta.

Thế rồi, chàng vội tắm rửa, mặc chỉnh tề vào, rồi đi về phía Vĩ Dạ. Khi chàng đến trước ngõ nhà Nga, thì chàng mới sực nhớ lại và tự hỏi không biết mình tìm đến nhà Nga có việc gì. Chàng đằng hắng và hỏi con sen:

– Tôi muốn hỏi…

– Thưa cậu, cậu Nga con đi vắng…

– Không, tôi muốn hỏi cô Thuý.

– Bẩm, cô con có nhà, nhưng đương ngủ…

– Thì đánh thức dậy…

Huy không ngờ mình lại có tư tưởng bạo dạn đến thế: Dám đánh thức một thiếu nữ, phá tan của người ta một giấc mộng buổi sáng.

Con sen vẫn ngần ngại, và hỏi lại:

– Ông hỏi việc gì cần không?

– Cần lắm! Cần hung lắm.

Nói xong, chàng mỉm cười để tự chế giễu: "Gớm! Đã lại việc cần. Bao giờ cũng việc cần cả!".

Chàng toan gọi con sen lại nhưng không còn kịp nữa: Nó đã vào buồng Thuý để đánh thức nàng dậy. Huy bấy giờ mới cảm thấy cái việc làm của mình là nghiêm trọng, không phải là một trò đùa nữa. Thuý sẽ dậy, và chàng sẽ nói gì với Thuý đây? Sẽ khiêu chiến ngay à? Đột ngột quá, và chàng sẽ nắm chặt trong tay sự thất bại. Mà dùng dằng với một câu chuyện vu vơ, thì đối phương sẽ coi chàng như một thằng hề bất tài, một thằng ngớ ngẩn, một thằng "ngáo"… Không bao giờ chàng thấy mình được sống những phút nghiêm trọng đến thế. Mỗi lần nghe thấy tiếng động ở bên trong, thì chàng lại nắn lại cravate, và xốc cổ áo lên, và trịnh trọng nghiêm nghị đợi… Nhưng một giờ đã qua mà Thuý vẫn chưa ra: Không có dấu hiệu gì tỏ ra rằng nàng đã dậy. Chàng chờ nóng cả ruột, bồ hôi đã thấm qua mấy lần áo, làm cho chàng không thể tưởng tượng được rằng: Trong đêm qua, những cơn gió lạnh đầu mùa đã tới.

Chàng ngẩng lên nhìn đồng hồ ở vách. Chàng "tắc lưỡi" và lẩm bẩm một mình:

– Chết! Trớn quá! 8 giờ hơn rồi mà còn ngủ.

Nhưng chàng nhận thấy ngay đó là một lời trách không đáng. Chàng muốn thấy ở trong cái thói quen ấy của Thuý, một vẻ phong lưu đài các đáng thèm và đáng mến, đáng ca tụng, rồi chàng ngâm to hai câu thơ cổ:

Nhà ai giấc ngủ êm đềm thế,

Nắng rọi bên song, chửa gỡ đầu?

Bỗng chàng lắng nghe rõ mồn một tiếng chân người đi về phía buồng khách. Chàng vừa mừng vừa cảm động. Trái tim chàng như đập mạnh và nhanh hơn. Một lần nữa, chàng nắn lại cravate, và sẵn sàng để đứng dậy và nghiêng đầu chào một cách cung kính. Chàng sẽ điểm một nụ cười vừa thiệp vừa tươi để đón nàng.

Cánh cửa he hé, rồi mở tung ra.

Không phải là Thuý.

Cũng không phải là Ngọc.

Té ra chỉ là con sen hồi nãy.

Huy vừa tức giận vừa sảng sốt. Chàng lại càng ngượng nghịu, vụng về, e thẹn hơn đứng trước người yêu. Chàng chưa kịp hỏi, thì con sen đã nói:

– Bẩm cậu, cô Thuý con hôm ni hơi giở mình không thể ra hầu chuyện được. Nếu có việc cần lắm, xin cậu để cho khi khác…

– Thế cô đau ra sao?

– Bẩm, cũng không ra mần răng cả. Nhức đầu, và mỏi tay, chỉ có thế thôi.

Nhưng Huy vẫn không muốn tin có thế. Chàng lại còn muốn tin rằng: Thuý còn ốm hơn thế nữa. Chẳng hạn, nàng mỏi mệt cả tâm trí, bủn rủn cả mình mẩy, chán nản, đau khổ. Mà có lẽ chỉ tại đêm qua, nàng qua một đêm hãi hùng: Những cơn gió lạnh cũng đưa đến cho nàng một cái trống trải ghê sợ, và một lòng khao khát ấm cúng. Và muốn tìm một cớ để an ủi mình, chàng cố tin rằng, đêm qua, có một lần, nàng nghĩ đến chàng. Đêm qua giữa nàng và chàng, hình như có một sự cảm thông, một mối thần giao. Làm sao, chàng nghĩ đến Thuý, mà Thuý lại không có thể nghĩ đến chàng được? Cái lý của chàng thật là khờ khạo, nhưng cần chi. Miễn sao nó có thể đưa lại cho chàng cái huyễn tượng là chàng đã được Thuý để ý, và nếu đó không phải là tình yêu thì cũng là một thứ tình mới mà xưa nay chàng chưa hề có.

Chàng đứng dậy, mỉm cười, nói với con sen:

– Mi vô thưa với cô rằng tao cảm ơn cô lắm.

Nói xong chàng mới chợt nhớ rằng mình đã nói một câu vô nghĩa, và mình như một kẻ vô hồn.

Cám ơn? Mà cám ơn cái gì mới được chứ! Cám ơn vì sự nàng giở mình, hay cám ơn vì sự nàng không tiếp mình? Hình như chàng đã bắt đầu thấy rằng nàng chỉ là một người lạnh lùng với tất cả cái nồng đắm ở đời. Nàng chỉ như một chiếc lá môn vô tình, không thèm lưu giữ ở trong lòng, một giọt nước, dẫu là một giọt nước trong. Khi bước ra khỏi ngõ nhà Nga, Huy lần đầu tiên đã có một tư tưởng ngờ vực: "Nếu như nàng chẳng bao giờ nghĩ đến ta? Mà sao lại chẳng như thế được! Biết đâu, nàng không muốn tiếp ta chỉ vì một lẽ giản dị là nàng không muốn tiếp ta". Chàng không dám nghĩ tới nữa, vì sợ rằng những con bướm kia là những huyễn tượng sẽ bay mất. Mà chàng chỉ là một người sống để săn đuổi những con bướm mà thôi.

Sáng hôm sau, Huy lại trở về con đường cũ. Lần này, chàng có ý muốn đi chậm hơn mọi ngày một chút nhưng vẫn như lần trước, chàng vẫn thấy cửa nhà Thuý vẫn cài kín mít. Vẫn con sen ấy, ở trong một góc sân, chăm chỉ đứng quét những lá mít khô. Vẫn lại những cành đào vừa trổ hoa, và đầy sương ấy. Vẫn lại một đám cỏ vàng ở trên lối đi từ ngõ vào sân. Vẫn lại… nhưng hình như đã có một điều gì mới khác: Trước cổng nhà, chàng nhận thấy có một bảng con trên viết mấy chữ: "Coi chừng! Nhà có chó dữ?" Trong thâm tâm, Huy lấy làm bất bình vô cùng. Chàng nhất định tin rằng đó là một cách giễu cợt chàng của người thiếu nữ tàn nhẫn ấy. Chàng nhớ ra: Xưa nay, nhà này làm gì có chó dữ, – mà ví dụ có chó dữ, thì xưa nay sao nàng không yết bảng lên, mà phải đến trong lúc này là lúc chàng hay lui tới nhà nàng, và đương yêu cầu nói chuyện với nàng?" Chàng giận quá và muốn đổ sự căm giận lên đầu con sen:

 – Chốc nữa, cô mi có dậy, nói với cô rằng tao có đến, nhưng mà tao sợ chó quá không dám vô.

Nói xong, chàng ngoay ngoảy bước đi. Chàng biết ngay mình quá giận hết khôn, và trở nên buồn cười, gàn dở một cách lạ. Nhưng biết làm thế nào được nữa. Chàng đã lại thả bướm bay tung hết. Và chàng đã tự nguyện sẽ không còn bao giờ trở về con đường cũ nữa.

Đã một độ lâu lắm, Huy không nghĩ gì đến Thuý nữa, tưởng như người không bao giờ đến trong cuộc đời mình. Chàng học, cắm đầu vào học, không hề sao nhãng. Không hề mơ mộng.

Chàng có một tư tưởng rất buồn cười là chàng cho Thuý đã phụ chàng. Rồi một hôm chàng cảm thấy cần gần gụi, phải thân thiết với những bạn cũ mà chàng đã xa đi, chỉ vì muốn theo đuổi một cái mục đích ích kỷ, theo đuổi một người đàn bà.

Chàng đã ruồng bỏ các bạn một cách bất công, và muốn chuộc tội mình, một hôm, Huy đến rủ Miến và Minh cùng đi chơi thuyền.

Bấy giờ đã vào khoảng cuối thu.

Trăng lạnh và mờ.

Từng làn sát khí bay san sát ở những chòm cây. Thuyền lướt nhẹ như một chiếc lá. Cảnh đêm vằng vặc quá, khiến người ta không nhận thấy những tiếng đều đều đã quen tai: Tiếng sóng vỗ, hay tiếng chèo đưa.

Im lặng, hoàn toàn im lặng. Lâu lâu chỉ nghe có tiếng những câu cười giọng nói của ba người thiếu niên, bàn chuyện "thời thế", văn chương hay tình ái.

Thuyền đi từ Đập Đá đi về phía Nam Phổ, khi qua Vĩ Dạ thì bấy giờ ba người cùng trong một lúc ngừng nói và cùng lắng tai.

Hình như có một tiếng hát xa, run ở trong gió.

Tiếng hát dần dần, nghe gần. Và người ta nhận thấy là những điệu hát tây, những điệu hát quen.

– Bài "Qu'avez vous fait de mon amour"  [a]  chúng mày nà!

Miến và Minh cũng gật đầu với Huy:

– Hình như thế! Mà lại giọng đàn bà.

– Im! Tao nghe như hai người hát. Khoan chèo đã chị lái!

– Hai người đàn bà?

– Ồ sao lại không là ba?

– Minh nà! Mày tham quá! Theo ta, có hai người đàn bà giữa sông, lại trong giờ này, tao cho đã là nhiều lắm.

– Đã lại ồn lên rồi! Khổ lắm! Cứ im đi để mà nghe người ta hát có phải thú hơn không?

Nhưng tiếng hát đã vắng bặt. Ba người cùng ngẩng đầu ra sông, nhìn: Trăng mờ quá, không ai nhận rõ một vật gì, chỉ thấy cây nước mờ ảo như một bức tranh lụa.

Ba người lại ngồi nhìn nhau. Như thế gần 15 phút, không ai nói gì cả. Minh lấy píp ra, ung dung nhét thuốc vào nồi, và châm diêm lên hút.

Sau mấy hơi thuốc, mắt chàng bỗng long lên, và như đầy ước muốn, đầy thèm khát. Rồi, vẫn ngậm cái píp trong miệng, Minh cất giọng hát.

Đợi Minh hát xong, Huy mới hạ một câu mà chàng nghiền ngẫm nãy giờ:

– Minh nà! Tao trông mày giang hồ quá!

Minh cười, cười rũ rượi, tiếng răng cọ vào píp nghe ghê hồn:

– Ồ thế xưa nay, mày không tin tao là một kẻ giang hồ? Huy, năm nay mày bao nhiêu tuổi?

– 23 tuổi.

– Mõ còn trắng lắm.

– Thế còn mày?

– Cũng 23 tuổi. Nhưng mà là 23 tuổi của tao. Mày có biết không? Nghĩa là khác mày lắm. Tao là "một người đã từng". Tao là một tài tử chớp bóng. Tài tử ở trên màn ảnh và cả trong cuộc đời nữa. Tao đã ở Hồng Kông, qua một đêm đầy ân ái đầy ghê sợ bên nàng Tú Chân. Tao đã lênh đênh ở trên mặt bể chiều 30 Tết, cái chiều mà cái phần tử phóng lãng nhất cũng phải trở nên khuôn phép. Tao đã đốt trầm, trong một ngày giá lạnh, để lắng đợi nghe một khúc nhạc của một danh kỹ đã trở về già. Tao đã đưa khăn lau nước mắt cho một chí sĩ hết duyên với non sông, đương đợi gửi nhóm xương tàn nơi một hoang đảo. Tao đã… Tao đã…

– … đã uống rất nhiều rượu, và nói như một người say.

Minh rút cái píp khỏi miệng và ngắt lời Miến:

– Còn ông bạn hiền của tôi! Ông đã làm những gì với cái tuổi 23 của ông?

Ngây thơ và vẫn tinh quái, Miến đáp:

– Tôi ấy à? Tôi chỉ ăn và ngủ, lại ngủ và ăn. Và khi nhàn rồi tôi yêu… yêu một người đàn bà để cho khỏi ghét một người đàn ông.

– Nghĩa là…

– Nghĩa là chẳng có nghĩa quái gì. Tôi yêu cũng như chẳng bao giờ yêu cả.

Ba người lại im lặng, theo đuổi mỗi người một ý nghĩ, mà có lẽ chỉ là một ý nghĩ mà thôi: Cô con gái thơ ngây ở bến Vĩ Dạ. Khi nào động đến "yêu" thì không hiểu sao, những thiếu niên ấy cũng lại nhớ đến người con gái huyền ảo như bóng ấy.

Minh đầu tiên lại phá sự im lặng:

– Ừ! Hôm nay, sao chúng mình lại bỏ sót thằng Nga?

– Ừ hỉ!

Người nào cũng có vẻ ngạc nhiên về cái việc "bỏ sót" ấy, nhưng thực ra ai nấy cũng hiểu vì cớ gì mình không muốn dính đến Nga, một người bạn đắc tội với các bạn chỉ vì có một người em gái hình như kiêu hãnh.

– Tôi vừa nghe nói Nga nhất định không trở ra Hà Nội nữa.

Miến hỏi lại Minh:

– Vì lẽ…?

– Vì lẽ nó không muốn học nữa… Nó muốn "đi băng". Không chừng nó lại bổ Thừa phái mà Thừa phái Bộ binh.

Huy mỉm cười:

– Thế anh định đi viếng nó cái gì đây?

– Cố nhiên là một vòng hoa tang.

Cả ba cùng cười, trong giọng cười đã có lẫn vào một vẻ thê lương.

Nhưng mà người ta cũng không hứng thú gì khi chỉ mới đến Nga. Mỗi người đều chờ xem ai là người thứ nhất sẽ khơi đến chuyện Thuý, và người ta cũng chờ có thế.

Minh nhìn thẳng vào đôi mắt Huy và hỏi:

– Từ hôm ấy, các anh có đến thăm Nga không?

Huy lúng túng, và đáp một cách ngập ngừng:

– Có, tôi có đến một lần, nhưng không vô.

Minh, láu lỉnh, nói lại:

– Sao lại không vô?

Minh lại cười, quay về phía Miến:

– Còn anh, anh có đến lần nào không?

Miến tinh quái hơn:

– Có, tôi cũng đến một lần, lần ấy, cũng gặp anh đi qua đó. Chúng ta dẫn nhau đi chơi, rồi cùng ra về…

Huy đắc ý, cười rú lên:

– Té ra, ba chúng ta ai cũng đến nhưng không có ai vô cả. Phước muôn đời!

Nghỉ một lát, Huy lại nói tiếp:

– Mà không vô là phải… Vô làm gì? Người đàn bà…

Miến ngắt lời:

– Anh lại toan nói xấu người đàn bà rồi!

Huy vẫn như không để ý đến lời Miến, nói tiếp:

– Người đàn bà không đáng cho ta phí vào đấy cả những cái gì gọi là thiêng liêng, cao quý, trong sạch, đẹp đẽ. Vì người đàn bà, trong nguyên tắc, đã là một sự đê hạ. Trời sinh người đàn bà ra, không phải là để đội lên đầu, đặt lên giường thờ, ngồi ở chỗ cao… Người đàn bà chỉ là…

Miến lại cười một cách láu lỉnh:

– Nhưng khi người đàn bà ấy lại là Thuý, khi người ấy có đôi mắt Thuý, có nụ cười, có hàm răng Thuý, có cái má núm đồng tiền một cách… Thuý.

– Nghĩa là…?

– Nghĩa là… đẹp, đẹp tuyệt trần, đẹp hơn Nhan Sắc, thì tôi tưởng người đàn bà ấy cũng đáng cho người ta đi lại đi qua trước ngõ ba mươi sáu lần mà không dám vào, hay không cần vào nữa.

Huy ngắt lời:

– Nhưng dầu thế nào, người ấy cũng không có quyền kiêu hãnh. Một người đàn bà kiêu hãnh, là một cái tai hại ghê gớm.

Minh từ nãy chỉ "nhá" cái píp ở trong miệng và không nói gì. Bỗng, chàng đập tay xuống khoang thuyền và nói như một kẻ căm hờn:

 – Thật chúng ta đã làm một việc vô lý khi yêu một người đàn bà. – Vì người đàn bà, dầu người ấy là tiên ở trên trời vừa rơi xuống cũng không đáng cho người ta làm một điều vô lý nào hết.

Ba người lại ngồi im lặng.

Một lát sau, Minh gõ píp vào lưng thuyền và nói:

– Ta không nên mất thì giờ vì một người đàn bà nào hết. Bọn ta còn nhiều việc khác để làm hơn là việc chạy theo sắc đẹp. Chẳng hạn, ta còn phải học nữa chứ? Anh Miến, tôi muốn sẽ lại trở ra Hà Nội. Anh Miến chỉ còn một năm nữa, thi toàn phần tú tài. Anh không thể viện cớ gì, dẫu là một cớ thiêng liêng nhất trong đời anh, để bỏ dở một sự nghiệp mà anh theo đuổi mấy lâu nay. Còn anh Huy với tôi cũng phải ra Hà Nội. Chúng ta lại như xưa, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, nhốt mình ở thư viện và lục lạo cho hết bao nhiêu kho tàng tri thức có thể có ở đấy… Làm việc gì thì làm, muốn ra sao thì ra, trước hết ta phải là người sành sỏi, một người đã hiểu biết. Ừ nhỉ! Ta dại gì không biết lợi dụng lấy những cái đã sẵn sàng? Ta sẽ đọc sách trong một năm, lúc bấy giờ hãy xét đời cũng không muộn. Sách vở trước đã, sắc đẹp sau. Các anh biểu đồng tình với tôi cả chứ?

Huy chỉ mỉm cười. Miến nhìn sang sông. Minh lại gõ cái píp vào thuyền và hỏi:

– Các anh nhất định rồi chứ?

Huy hỏi lại như một người chưa tỉnh mộng:

– Nhất định gì mới được chứ?

– Trở ra Hà Nội.

Giọng nói như một kẻ không hồn.

Một tiếng hát tây lại nổi dậy, tiếng trong và buồn như một ngày xuân:

Garde moi, mon amour, toujours!

De n’aimer à jamais, promets.

Ma vie est joyeuse…

N'est douce que par toi.

Je ne suis heureuse.

Que si je te vois,

Oui la vie m’est belle

Mais puisque par toi

Ne sois pas cruel

Reste auprès de moi.

Redis moi les serments charmants

Redis les mêmes si tu mens… [b]

…………

Vừa dứt, thì Huy, Miến và Minh, cũng hát tiếp theo một bài hát nữa.

Serait ce un rêve? Un joli rêve?

Cest bien trop beau pour être vrai

N'est ce qu’un songe? Un joli songe,

Qui s’évapore et disparait

La belle histoire, je n’ose y croire

J’aurais trop de chargrin après,

Le plus beau songe n’est qu’un mensonge

Bientôt, je me réveillerai

Le plus beau rêve, un jour s’achève

C’est bien trop beau, je crois pour être vrai  [c]

……

Hát chửa xong, thì đã nghe có tiếng từ giữa dòng sông đáp:

Amusez-vour bien, mes enfants!  [d]

Huy hỏi Miến:

– Tiếng ai như tiếng thằng Nga, Miến hỉ?

– Hay là chính thằng Nga…

Rồi chạy ra đứng ở đầu thuyền, Miến gọi như một người thất thanh:

– Nga, Nga! Nga ơi!

Nhưng mà vẫn không có tiếng đáp. Chỉ nghe có một tiếng cười giòn xa run trong gió…

Huy bấm Minh:

– Hay là "nàng"?

– "Nàng"? Vô lý! "Nàng" không thể có trong giờ này.

– Sao lại không?

– Nhưng mà ta đã hứa không bao giờ còn nhắc đến nàng nữa kia mà!

– Ừ hẹ!

Hai tiếng này từ miệng Huy thốt ra, buồn như lời nói cuối cùng của một người sắp chết. Trời phật phù hộ cho ba người thiếu niên anh dũng ấy quên được "nàng".

 

***

 

Nhưng, một tháng sau, người ta vẫn thấy Huy lởn vởn ở Huế. Ấy là một buổi chiều thứ bảy, người thiếu niên si tình ấy đút tay vào túi áo đi đi lại lại ngay trước trường nữ học Đồng Khánh để đợi giờ tan học. Nhưng mà làm sao, thì giờ hôm ấy như ngân nga kéo dài ra muốn để trêu chàng. Chàng nóng ruột quá, chốc chốc lại giở đồng hồ xem.

Chỉ còn 10 phút nữa thì đến giờ bãi học. Nhưng mà 10 phút ấy, chàng có cảm tưởng như không bao giờ qua hết nữa. Chàng đi phía vườn hoa và đứng xem một con khỉ mẹ bắt chấy cho con. Cái trò đến thú vị và rất "nhân loại". Huy nhận thấy rằng lòng âu yếm ở giống nào, hình như cũng trộn lẫn một chút đê tiện thì nó mới hoàn toàn, mới đầy đủ.

Chàng liên tưởng đến cái tình trong sạch của mình, trong chiều hôm nay, mà chàng rùng mình. Chàng sợ một ngày kia cái hoa sán lạn ấy sẽ mất cả hương vị, và tàn úa ở một vũng bùn.

Một ngọn gió lạnh ở dưới sông đưa lên, chàng kéo cổ áo lại, và nói một mình: "Chết! Mải nghĩ không nghe chuông đánh! Có lẽ học trò đã ra hết rồi!"

Chàng đi vội về phía trường. Và quả vậy, trường đã vắng như một cảnh chùa. Những cái xe nhà đợi ở trước cửa trường đã tản mát đâu hết. Nhưng Huy vẫn cố đợi, đợi một cái gì không bao giờ đến nữa. Chàng đương tựa một gốc mù u, và đá mũi giầy vào nhưng cây cỏ héo, thì có bóng người ở cửa trước bước ra, có lẽ là một người concierge.[a] Huy chạy lại và hỏi một cách hốt hoảng:

– Anh cho tôi hỏi một tí việc. Anh có biết cô Thuý không?

– Nhưng mà thưa thầy, cô ấy học lớp mấy?

– Học năm thứ tư.

– Năm thứ tư chả có ai là Thuý cả, chỉ có người tên là Thuý Hồng. Nhưng mà cô ấy ra từ sớm.

– Ừ chính tên cô ấy là Thuý Hồng đấy, ở nhà người ta cứ gọi cô ấy là Thuý rồi quen đi.

– Thế thầy là người nhà của cô ấy?

– Ừ tôi là anh họ của cô ấy. Nhưng mà học trò lưu trú nhiều thế mà anh cũng có thể biết hết tên?

– Biết hết thế nào được thầy, chỉ trừ cô nào có người năng tới hỏi thì mới biết.

– Thế cô Thuý năng được người ta tới hỏi luôn à?

– Thưa thầy, luôn luôn. Chiều thứ năm và chiều thứ bẩy nào cũng có người tới hỏi.

– Phần nhiều là những hạng người nào?

– Vào hạng thiếu niên như thầy cả. Thường thường họ bảo là anh họ của cô ta cả.

– Cô ta nhiều anh họ rứa lựng?

Người concierge  cười một cách láu lỉnh:

– Câu ấy, lẽ ra để tôi hỏi lại thầy mới phải. Thầy là bà con của cô ta, thì thầy phải rõ hơn tôi chưa!

– Ừ hẹ!

Chàng cũng nhận rằng mình đã hỏi lắm câu dớ dẩn, nhưng vẫn không tự cấm được tính tò mò.

– Thế anh có biết những người anh họ ấy đến hỏi thăm nàng có việc gì không?

– Họ tới chỉ để nhờ tôi đưa thư cho nàng, chỉ có thế. Hiện bây giờ ở trong tay tôi, có đến hai bức thư gửi cho nàng…

– Anh có thể cho tôi xem được không?

– Có gì mà không được. Thầy chỉ xem bì thôi chứ!

– Đã đành!

Đoạn người concierge chạy vào nhà, lấy ra hai phong thư đưa cho Huy và nói:

– Bức thư này, đưa cho tôi từ thứ bẩy trước. Và bức thư này thì mới hôm kia.

Huy cầm lấy hai bức thư, nhìn những nét chữ ở trên phong bì mà không sao nín cười được. Chàng không thể lầm được. Rõ ràng trên bức thư thứ nhất là nét chữ của Miến, và trên bức thư thứ hai là nét chữ của Minh.

– Có việc chi mà cười dữ?

– Cô chi đâu? Hai bức thư này là hai bức thư của tôi, nhờ hai ông bạn tôi đưa hộ. Nhưng này anh cai, sao anh không giúp chuyển hai thư ấy cho đến tay nàng?

– Khó lắm đấy thầy nờ! Cô ấy doạ trình bà Đốc, tôi không van lạy thì không những đã "bể om" mà lại tù nữa chớ chẳng phải chơi!

– Thôi được… anh cầm lấy ba đồng bạc này vì dẫu thế nào anh cũng hết lòng với tôi…

– Thầy tử tế quá…

– Không, đó chỉ là công anh…

– Nào tôi đã giúp được gì cho thầy đâu…

– Được nhiều lắm… và sau này, tôi còn phải nhiễu đến anh nữa mà…

–  Chết, thầy làm em…

– Còn hai bức thư này, thì để tôi giữ lại và tìm cách đưa đến tận tay nàng.

Vừa nói chàng vừa nhét hai bức thơ vào túi áo, lẹ làng như điệu bộ một kẻ gian phi. Rồi chàng "cút" thẳng…

 

***

 

Về đến nhà Huy rút hai bức thư ra, trân trọng để lên bàn. Và bên cạnh hai bức thư ấy, chàng lại đặt một bức thứ ba nữa: Bức thư mà chàng vừa viết hôm qua. Cả ba bức thư cùng một địa chỉ: "Cô Thuý 4ème année collège Đồng Khánh". [b] Chàng nhìn ba bức thư mà hết cả muốn cười, vì một điều mà chàng vừa chàng nhận ra và làm cho chàng đau đớn vô cùng, ấy là cái tình bạn bè ở đời này…

Ba bức thư ấy để cạnh nhau, nhắc đến cho chàng nhớ đến sự kết nghĩa ở vườn đào ngày xưa. Nhưng than ôi! Chỉ là để phản trái lại cái ý nghĩa thiêng liêng của tình bè bạn. Cái thứ tình này, ngày này đã trở nên một điều có thể đưa ra mà đùa được… đã trở nên một trò chơi… ba bức thư kia chứng nhận điều ấy một cách rõ ràng và hùng mãnh… Chàng không dám nghĩ đến những lời thề nguyện của ba vị thiếu niên ở trên đò, chàng không dám nghĩ đến – riêng về chàng – nghĩ đến những cơn chiến đấu ở trong lòng chàng giữa một lời thề nguyện vu vơ và một tình yêu thiết thực.

– Không, ta phải tha thứ cho người khác một cách dễ dàng như ta đã tha thứ cho ta.

Thật vậy, chàng đã tha thứ cho mình một cách quá dễ dàng. Chàng thấy rằng: trước một thiếu nữ trẻ đẹp như Thuý, những cái rung động nào cũng là chân thành, và những cử chỉ nào dẫu là nhố nhăng, cũng được lượng thứ. Chàng đã phản chữ ký ở trên tờ giao ước giữa bạn bè, nhưng khi để chạy theo cái sắc đẹp thì chàng thấy rằng mình phạm tội một cách trong sạch…

Chàng cầm lấy ba bức thư rồi lại đặt vội xuống bàn và cười, cười một cách giòn giã.

Chàng vẫn lại cười và nói một mình:

– Khi ba tâm hồn cũng phạm tội đều như nhau, và cũng vào một lúc, thì tôi nên coi sự phản trắc là một cái tính tự nhiên của loài người; ta có thể nhận lãnh mà không ái ngại…

Lần đầu tiên quỷ sứ đã đường hoàng bước vào trong đời chàng, và ngự ở một chỗ cao khiết nhất trong tâm hồn chàng…

Chàng vẫn cười như thế và một ý nghĩ tàn nhẫn vừa len vào trong trí chàng.

Chàng lấy ra hai phong bì mới, một cái đề tên và địa chỉ của Minh và một cái đề tên và địa chỉ của Miến. Trong cái phong bì đề tên Miến thì chàng nhét bức thư của Minh và trái lại, trong phong bì của Minh thì là bức thư của Miến. Niêm xong, chàng gọi thằng nhỏ lên và bảo đưa ra bưu điện.

Trong lúc ấy, chàng vội nhét bức thư của mình vào túi áo và nói một mình:

–  Còn thư này, thì phải đến tay nàng mới được.

Rồi chàng lại cười, tiếng cười nghe ghê rởn quá. Tình yêu đã làm cho người thiếu niên ấy trở nên một con thú nguy hiểm, vì chàng đã đặt mình ra ngoài luân lý và đạo đức, ngoài xã hội lương thiện, ngoài tập tục hiền lành.

"Yêu, yêu và yêu… chỉ có thế chứ những cái khác, đều không còn đáng kể nữa."

 

***

 

Từ tối đến giờ, Huy chỉ loáy hoáy trước cái bàn toilette [c] của Hiển, người chị gái của chàng.

 – Này chị nhìn xem có được không? Nước da của em có ăn phấn không chị Hiển?

– Khỉ ôi là khỉ? Huy làm trò chi thế?

Chàng nũng nịu đáp:

– Em điểm trang…

– Chị không bằng lòng mô.

– Này chị, em cười có xinh không?

– Trời ôi! Em tôi "điếm" quá!

– Nhưng chị cởi kiềng cho em mượn nữa chứ!

Hiển mắng yêu em:

– Cậu chỉ đùa.

– Em nói thực mà! Chi cởi cho em mượn.

– Không được.

– Được.

– Không được.

– Được.

Rồi hai chị em cùng cất giọng cười như hai đứa trẻ nhỏ.

– Thôi để chị mang vào cho…

Sau khi mang kiềng vào cổ cho em, Hiển đứng ngây người ra:

– Ô! Em giống chị như in.

– Thế à?

– Nhưng chị không bao giờ đánh phấn vụng như em thế này, để chị đánh lại cho nhá!

 – Thôi được, chị đi lấy cho em một cái áo, và một cái khăn trùm…

Hiển chạy tưng tưng như một em bé, một lát sau, cầm ra một xấp áo đủ mùi và nói với Huy:

– Huy lựa mùi gì nào? Mùi da trời nhá!

– Không, mùa thu đã tàn hết.

– Mùi đỏ nhá!

– Em ghê mùi đỏ lắm.

– Thế mùi lá cây.

– Ừ mùi lá cây.

– Còn khăn trùm… mùi mỡ gà nhá?

–  Chị cho mùi trắng…

– Ừ thì mùi trắng… Thôi em mặc áo vào đi…

Như một người con gái được mặc áo mới lần đầu tiên, Huy cũng có một vẻ bẽn lẽn đáng yêu… Chàng nhìn vào gương và cúi mặt…

 – Nào quay lại đây chị xem. Huy quay lại đây… Ồ em, tôi xinh quá, tươi quá! Cậu mà đi bên tôi, thì ra đường ai cũng phải biểu là hai chị em.

Huy cười to lên:

 – Thế chúng mình chẳng phải là chị em à?

 – Chị em gái kia mà!

 – Thế em giống chị lắm à?

 – Như đúc.

 – Thế chị đi với em nhá!

 – Em đi tập đóng kịch, bảo chị đi theo làm gì? Em đi đi, chị xem thử? Đi. Đi…Ồ khéo lắm. Cả bộ đi cũng giống chị như hệt…

 – Em sợ người ta lại tưởng lầm là chị thi khốn?

 – Sao lại khốn?

 – Nhỡ có người lại ghẹo em…

 – Càng hay chứ sao?

 – Chết! Mấy giờ rồi chị…

 – 8 giờ 15.

 – Chết! Quá giờ rồi! Chị cho em mượn cả đồng hồ nữa nhá!

 – Được, nhưng cậu đừng làm bể của tôi đi nhá.

 – Thôi chị ở nhà…Bỏ mẹ, quên cả mang giày… Người ta tóm được đôi Vernis này thì khốn…

 – Thế bây giờ còn qên gì nữa không, thì nhớ lại cho hết…

 – Hết… À còn…một tí nước hoa..

 – Eau de Cologne

 – Ừ, Cologne

 – Suỵt, suỵt! Hình như mẹ gọi cậu đấy.

 – Chị, dạ, đi… – Thưa mẹ: Cậu Huy đi vắng rồi – Nói to lên.

 – Thưa mẹ, cậu Huy vừa lên xe.

 – Nó đi mô rứa?

 – Thưa mẹ, nó đi đóng kịch…

 – Kịch, kịch, kịch, tối nào cũng kịch…

Hiển nói nhỏ với Huy:

 – Nhảy đi! Mẹ xuống chừ đó!

Vì trời tối, Huy bảo xe kéo thẳng vào đến préau, [a] là chỗ người ta đã bắt đầu chiếu bóng.

Theo chương trình nhà trường, thì cứ tối thứ sáu, là nhà trường cũng tổ chức một buổi chiếu bóng "vui và có ích" cho các nữ sinh xem, – nữ sinh lưu trú và nữ sinh ở ngoài… Hôm ấy, người ta chiếu một phóng sự về kỹ nghệ làm ô-tô ở những xưởng lớn bên Pháp.

Hình như khi Huy đến, người ta đã bắt đầu được mười lăm phút. Nhờ bóng tối, cho nên Huy đi lại một cách tự nhiên và không hề ngượng nghịu một tý nào. Huy ngồi lần vào giữa hai cô nữ sinh. Và điều này mới kỳ lạ là Huy không thấy có một thứ cảm giác gì mới khác cả khi động chạm với các cô. Hình như vì quá tưởng tượng, Huy đã trở nên một người thiếu nữ thực thụ.

Nhưng khi cuốn phim đứt quãng, đèn bật lên, thì chàng hơi luống cuống, vì có cảm tưởng khó chịu là bao nhiêu cặp mắt đều đổ dồn cả vào mình.

Vài phút sau, thì chàng đã lại tự nhiên ngay. Chàng mỉm cười, vì vừa tìm thấy nàng đương đứng ở cuối phòng, cạnh một cái cột gỗ. Chàng sẽ rời khỏi chỗ mình, và tiến dần đến phía nàng. Khi đèn lại tắt, thì chàng chỉ cách nàng có hai bước…

Chàng cảm động quá, và bồ hôi chảy ròng ròng. Trái tim chàng đánh mạnh quá. Nhưng chàng đã trở nên mạnh bạo một cách bất ngờ. Chàng đứng khít bên nàng, và sẽ lấy giọng ỏn ẻn hết sức để khơi chuyện:

 – Em hỏi cái này không phải? Thưa chị, có phải chị là Thuý phải không à?

 – Dạ, em là Thuý.

 – Cơ khổ! Em nhận mãi mới ra…

 – Còn chị, thì hình như em đã được thấy chị một lần nào, ở đâu…

 – Em ra khỏi trường đã hơn một năm nay…

 – Chết em nhớ ra rồi. Năm chị học quatre thì em học trois [b] phải không chị.

 – Hình như thế?

 – Chị thay đổi nhiều quá! Nếu chị không nói thì không bao giờ em có thể nhận ra chị được. Có phải chị ở Kim Luông không?

 – Không, em ở Phủ Cam.

 – Có phải chị đậu diplôme năm ngoái không?

 – Không. Độ ấy em đau nên không đi thi được.

Huy cảm thấy rằng mình đã tự nhiên và thân mật bên cạnh nàng lắm. Nhưng nếu kéo dài cái  phút ấy ra, thì có thể là nguy hiểm. Chàng vội rút cái thư trong túi ra, và giao cho Thuý:

 – Tôi gặp chị là cốt để giao chị bức thư ấy, bức thư của một người bạn của tôi và cả của chị nữa.

 – Ai thế chị?

 – Chị đọc sẽ biết. Tôi muốn giữ cho chị một cái bất ngờ. Nói ra, sợ hết cả thú.

 – Thôi chào chị! Đến thứ sáu sau, thế nào tôi cũng gặp chị ở đây. Không tiền, đi xem chạc…Chị đứng đấy, để tôi đi tìm con Nhạn. Chị biết con Nhạn chứ?

 – Nhạn nào hỉ?

 – Để hôm nào, tôi phải giới thiệu chị với nó mới được.

Đoạn, Huy lẩn vào đám đông; và người ta không còn thấy chàng ở đâu nữa, chàng đã trốn thoát như một kẻ gian phi.

 

***

 

Thuý, từ lúc nhận cái thư ở trong tay người thiếu nữ bí mật ấy, thì nàng cảm động quá. Nàng không biết nàng nghĩ những gì, và nàng phải làm thế nào…

Đèn vẫn tắt, và nàng mong rằng cái giờ phút ấy kéo dài ra mãi. Vì khi đèn đỏ lên, thì nàng sẽ cuống quýt. Và mọi người sẽ thấy được cái vẻ cuống quýt của nàng. Cái thư trong tay, nàng đã cảm thấy trước rằng, là một cái gì khác thường, và không được lương thiện.

Có thể người ta đã nhét vào tay nàng một tội lỗi, một điều bất chánh chăng? Hai tay nàng run lên, và mắt nàng không thấy gì nữa… Những hình ảnh trên tấm vải trắng như làm cho nàng chóng mặt… Nàng bỏ préau và đi ra sân cỏ: nàng cầu khí thoáng, nàng cầu gió rộng, nàng cầu không gian. Nàng đã dứng lại ở một cột đèn…

Nàng tưởng nàng không có can đảm, nhìn nét chữ ở trên phong bì, và xé bức thư ra. Không, tính hiếu kỳ của một cô gái đến thì đánh bạt hết những cử chỉ rụt dè, e lệ…

Nàng có cảm tưởng nhất quyết rằng bức thư ấy là của một người đàn ông và nó sẽ đưa  lại cho nàng những cảm giác là lạ, hay hay…

Không, nàng không còn sợ sệt như lúc đầu nữa, và nàng đã bắt đầu thấy thú vị ở trong sự tìm tòi những điều bất ngờ…

Nàng để tay lên ngực, và cả bức thư dài, nàng đọc suốt một hơi…

 

Cô Thuý,

Người hôm nay viết cho Thuý bức thư này là một người bạn thân của Nga, và đã từng tới nhà Thuý chơi, và không biết bao lần đi qua ngõ nhà Thuý.

Người ấy, chiều thứ bảy nào, cũng đến đón ở cổng trường Đồng Khánh để đợi Thuý, nhưng khi thấy những cô bé đầu tiên vội vàng tiến ra, thì người ấy giật mình và tái hẳn mặt đi, và lui dần, và lui mãi đến bên kia mép đường.

Người ấy đứng núp lại sau một thân cây, trái tim người ấy hồi hộp quá làm cho mắt người ấy cũng hoa lên không còn thấy gì nữa.

Có khi giữa đám nữ sinh đổ xô ra khỏi cổng trường, người ấy cũng không nhận thấy có người thiếu nữ xinh đẹp tên là Thuý nữa. Chàng nói một mình: "Dễ thường, thứ bảy này Thuý không ra chăng?". Nhưng mà thực ra Thuý đã đi về phía chàng, đi sát ngang qua chàng… và bước lên cái xe để ngay cạnh chàng. Lúc chàng nhận thấy, thì cái xe đã phủ diềm kín và chạy thẳng.

Ồ không hiểu sao chưa hết mùa thu, mà Thúy đã làm ra vẻ lạnh như thế!

Giá lúc bấy giờ Thuý biết có một thiếu niên theo sau xe Thuý, cố tiến lên trước, và nhìn vào xe Thuý, thì chắc Thuý đã phải hối hận về cái cử chỉ của mình! Nhưng mà người thiếu niên ấy vẫn không nản lòng. Chàng vẫn cho xe chàng đi song song với xe Thuý.

Thuý hãy biết cho: Không có một lần nào chàng oán hận Thuý cả. Chàng vẫn im lặng, thành kính theo xe Thuý, như khi bước vào một ngôi chùa linh thiêng, cổ kính…

Khi xe Thuý ngừng lại, và rẽ vào ngõ nhà, thì chàng cũng cho dừng xe lại cách một quãng độ 10 thước, chàng nép sau một thân cây và hồi hộp nhìn Thuý từ trên xe bước xuống thềm.

Chị Ngọc chạy ra hỏi với một câu hỏi không thay đổi: "À Thuý đã về!... Mai sớm ta lại bơi périssoire nhá!" Thuý không đáp và cũng như bao giờ chỉ mìm cười với chị. Nụ cười làm tươi vui cả khuôn mặt, và như đưa lại một chút trong sáng ở thềm nhà, vào lúc cảnh hoàng hôn đã sắp xuống.

Thuý bước vào nhà, và hình như Thuý bước vội quá, và biến nhanh như một cái bóng.

Chỉ có thế và hết! Thiếu niên ấy lại lủi thủi trở về nhà. Sáng hôm sau, chàng dậy sớm, lấy périssoire và bơi về phía Vĩ Dạ, nhưng khi đi ngang qua nhà Thuý, chàng chỉ thấy dưới bến, nằm buồn thiu hai chiếc périssoire, nước đầy cả khoang, và hình như đã lâu không dùng tới.

Một chiếc tên là " Hoàng Điệp" và một chiếc tên là "Hoàng Hạc".

Chàng nghĩ mãi mà không biết những mái chèo nào đã tẩm bồ hôi của Thuý? Cuối cùng, chàng tin một cách chắc chắn rằng: Chính Hoàng Điệp là chiếc thuyền của Thuý và không hiểu tại sao chàng lại tin như thế…

Rồi từ đấy, trước khi đi ngủ, chàng lại mở ngay cuốn nhật ký và viết vào đấy hai chữ "Hoàng Điệp".

Thuý ơi! Đáng lẽ phải cảm biết những điều ấy trước khi chúng ta nói ra mới phải. Nhưng Thuý có hay biết gì đâu.

Trong lúc chàng ta viết thư này cho Thuý thì Thuý đã lên giường đi ngủ rồi, và có lẽ đương ở trong một giấc mơ đẹp…

Thuý có biết đâu rằng trong lúc Thuý chỉ biết có học, ngủ, mơ và mơ đẹp, thì một người thiếu niên đã vì Thuý, trằn trọc trong những giờ phút hình như kéo dài đến vô tận, trằn trọc với một bóng, với một chữ tên, với một ảo tưởng.

Và đã nhiều lần, những hạt lệ đã trào lên mi mắt. Chàng đã khóc vì sung sướng, vì thấy lòng mình ngập đầy những thương nhớ, những bâng khuâng, và khóc vì đã được sống trước những đau khổ tất nhiên sẽ đến với tình yêu.

Nói đến tình yêu thì có lẽ vội quá, nhưng biết gọi nó là cái gì, cái cảm giác nhè nhẹ hiu hiu như ngọn gió chiều đến phẩy trên đôi má ta; một thứ cảm không phân tích được, nhưng mà nó có thực, đến làm ta say sưa như trong một ngày giá lạnh, được uống một cốc rượu ngọt.

Thuý ạ! Tôi đã yêu Thuý, yêu một cách chân thành, yêu một cách say đắm. Đời tôi không thể nào sống không có Thuý, dầu là trong một ngày. Nếu tôi có một cái tội đối với Thuý, là cái tội thành thực mà thôi.

Tôi đã quá thành thực, nhưng mà khi yêu, thì người ta chỉ có thế, người ta cần phải thế.

Thôi chào Thuý.

Huy

T.B: Bức thư này, Thuý không vì một lẽ gì, để lọt đến tay người khác. Nếu Thuý coi nó như là một kỷ niệm không đáng giữ, thì xin Thuý trả lại cho tôi. Mong là cái ân huệ cuối cùng tôi xin ở Thuý.

 

 

***

 

 

Đọc xong, Thuý gấp vội bức thư lại, và bỏ vào túi. Nàng chạy vào préau, bây giờ đèn đã sáng trưng, vì cuốn film đã chiếu hết.

Nàng cố len, len sâu vào giữa đám đông người và không hiểu để làm gì vậy. Hình như nàng muốn trốn mình, trốn sự im lặng, trốn những tư tưởng mà nàng không dám gọi ra, không dám động tới, nhất là trốn những cảm giác mới lạ trái với ý nàng, đã tới ở trên làn da, trên đôi mắt, trên đôi má. Nàng thấy rạo rực, xao xuyến, say sưa, và trong lúc quá say sưa, nàng đã nắm lấy tay một người, một thiếu nữ bất giờ đi khít cạnh nàng.

Thiếu nữ quay lại, nhìn vào mắt nàng, cười và hỏi: "Thuý! À Thuý làm sao thế?" Thuý gượng cười không đáp được, ngượng nghịu, lại buông tay người thiếu nữ ấy một cách lạnh lùng; nàng cũng không hiểu sao lại nắm tay người ta và trở nên vụng về, buồn cười đến thế.

Một hồi lâu, nàng mới mở được miệng ra để xin lỗi người ta, nhưng người ta đã không còn ở đấy nữa.

Thuý vẫn chưa hết khó chịu. Nàng vẫn có cái cảm tưởng rằng mọi người đều đổ dồn mắt vào mình, mỉm cười chế nhạo vì hình như họ đã đọc được bức thư ở trong túi mình, đã đọc những ý nghĩ ở trong óc mình. Mà trời ơi! Chính nàng, nàng có biết mình đã nghĩ gì đâu!

Có lẽ nàng chẳng nghĩ gì hết. Nàng chỉ đương ở một tâm trạng chập chờn giữa sự vui mừng và sự buồn lo.

 Nàng thoảng thấy phe phẩy, hứng khởi nhưng chốc lại lo âu và sa sầm. Những người học trò chung quanh nàng bây giờ đã tản mác hết. Đã mấy phút đồng hồ, nàng đứng một mình như thế mà nàng không hay biết.

Một cái vỗ mạnh ở trên vai làm cho nàng sửng sốt. Oanh, một người bạn cùng lớp nàng, mỉm cười, hỏi:

 – Chuyện chi, mà đến nỗi thần người ra thế?

Nàng có cảm tưởng như một đứa bé làm một việc gì chùng lén, mà bị người ta bắt được. Nàng luống cuống và xấu hổ. Và như một đứa trẻ con, nàng muốn bật ra khóc. Hồi lâu, nàng mới nói được mấy chữ:

 – Có chuyện chi đâu Oanh?

 – Có.

 – Không.

 – Có mà! Oanh bảo là có.

 – Không! Nhất định không mà!

 – Thuý dối Oanh.

 – Không, Thuý không bao giờ…

Nàng không có can đảm nói hết, vì cái câu nàng định nói là một câu nói dối, mà xưa nay, nàng không bao giờ nói dối với ai cả, nhất là với Oanh.

 – Không, không bao giờ… không.

Nàng, bỗng thấy mình biến thành tội nghiệp như một tội nhân trước một ông quan toà nghiêm khắc.

 – Thuý nói đi! Thuý nói cả với Oanh đi!

Thuý bây giờ mới ngẩng đầu dậy, nhìn chòng chọc vào mặt Oanh và mỉm cười: Nàng mới nhớ ra rằng mình được đứng trước một người bạn thân yêu, hiền lành và sẵn sàng dung thứ. Nàng nắm chặt lấy tay Oanh, đoạn chỉ vào chỗ túi áo:

 – Có… Oanh nà! Một chuyện hay lắm. Nhưng chốc nữa, hãy đợi chốc nữa.

 

***

 

Bấy giờ nàng không biết là mấy giờ. Nhưng nàng nhớ ra rằng nàng đã ngủ được một giấc khá dài mà khi tan études là vào khoảng chín giờ. Dortoir [b] vắng bặt không có một tiếng động nhỏ. Lâu lâu chỉ nghe có tiếng cựa mình, hay chíp miệng. Giờ này, các cô nữ sinh đang mộng đẹp ở trên những làn gối trắng, những mộng im lặng và thần diệu như ánh sáng. Từ một khe cửa sổ cài không kín, lọt vào ngay ở đầu giường nàng, một tia trăng mềm yếu, lạnh lẽo. Nàng muốn gắng gượng nối lại giấc ngủ nhưng mà không thể nào được nữa; nàng cảm thấy hình như có một bàn tay êm dịu như lời thơ, đưa nhẹ trên những vòng tóc của nàng: có lẽ là sự mơn man của ánh trăng, có lẽ là lời quyến rũ của một mối tình vừa đượm ở trong lòng. Nàng sực nhớ đến bức thư lúc chiều tối. Nàng ngồi dậy, khẽ buông màn, rón rén đi lại phía cửa sổ, và từ từ nhè nhẹ mở cánh lá sách ra. Ánh trăng bây giờ như tuôn đổ cả vào trong buồng ngủ. Nàng hơi giật mình và sợ như mọi người sẽ thức dậy. Nàng lại vội vàng khép cửa lại, và trở về giường. Nàng lại đặt lưng xuống giường. Một lần nữa, nàng cố ngủ. Nàng nhắm tịt đôi mắt lại và đếm nhẩm: "Một, hai, ba, bốn, năm…" Nàng đếm đến 236 nhưng mà nàng vẫn không lịm đi được. Nàng lại bắt đầu đếm từ một… Lần này, vẫn không có kết quả gì hơn lần trước. Nàng cựa mình hoài. Và nàng rút tay trên trán xuống và ấp vào giữa hai chân; nàng tưởng co mình thì dễ ngủ hơn, nhưng nàng lại duỗi ra ngay. Nàng đưa tay, rút cái gối kê ở trên đầu, và đắp lên ngực, rồi nàng lại lấy xuống và ấp giữa hai chân, hình như nàng ghì chặt lấy như níu lấy một tư tưởng thân yêu một cảm giác chực trốn thoát…

Nàng thấy trên đôi má nóng bừng. Nàng rút gối ra để lại chỗ cũ, và ngồi phắt dậy. Nàng lấy diêm và châm vào cây nến mà nàng đã để sẵn ở trên đầu giường. Nàng lấy bức thư ra, và đọc lại một lần nữa rồi xếp lại, và nhét vào cái áo gối rồi nàng tắt nến đi, vì nàng có cảm giác lạ lùng là như nghe có tiếng người đi qua trước cửa dortoir. Có lẽ là tiếng chân của người kiểm sát, thoáng thấy bóng đèn, đến tìm hỏi chăng? Không, nàng lầm… và nàng đã tưởng tượng ra những tiếng động không bao giờ có. Nàng đã bắt đầu lo sợ, giật mình bất kỳ vì một cái gì, nhiều khi lại chẳng vì một cái gì hết.

Nàng biết rằng không thể nào ngủ được. Mà nàng vẫn cố nhắm mắt. Khi nàng mở mắt ra, thì nàng không còn nhận thấy cái ánh trăng mềm yếu rọi qua khe cửa. Nàng đã nghe rõ mồn một tiếng người nói chuyện ở dưới đường; những bọn tù đi làm cỏ-vê. Và trời đã sáng. Nàng đứng dậy soi mặt vào miếng cửa kính, nàng thấy mặt mình có vẻ bơ phờ. Và những làn tóc rối tít lại. Lần thứ nhất trong đời nàng, nàng thấy e thẹn, bẽn lẽn với mình. Nàng lấy áo dài và khoác vội vào mình, vì nàng muốn giấu những làn áo trong nhầu nát một cách dễ sợ.

 

***

 

Giờ études vừa tan, các lưu học sinh tản mác mỗi người mỗi ngả. Vì là một đêm trăng, cho nên họ ùa ra cả sân cỏ, đi trên những con đường trắng. Họ không nói to và không cười giòn vì họ là những cô gái Huế. Họ chỉ thủ thỉ, và họ khoác tay nhau, và đi từng đôi một như là nhân tình. Cũng như lệ thường, Thuý và Oanh cũng kéo nhau ngồi dưới một khóm trúc ngà…Trời hơi lạnh, cho nên họ lấy mouchoir buộc lên cổ, và họ ngồi khít lại với nhau, và buông thõng xuống đôi vai. Mặc dầu lệ nhà trường cấm các học sinh trong ban đêm ngồi tóc xoã, Thuý và Oanh vẫn như lấy đó làm một cái thú trộm lén của mình. Đã lâu, hai người ấy không nói chuyện, nhưng sự im lặng nhiều khi giữa hai bạn thân, trong một giờ u tịch, vẫn có một ý nghĩa thiêng liêng hơn là muôn lời nói hay. Có một cái gì đã đến trong cái tình bằng hữu của hai người bạn thân yêu ấy. Trên nét mặt của hai người, nhất là trên nét mặt của Oanh, đã biểu lộ một chút bất bình, hơn thế nữa, một chút lo âu. Không hiểu sao, từ khi Thuý cho đọc cái bức thư tình kia, thì Oanh thấy như có một cái gì ở trong người mình. Nàng thấy bạn mình như đã xa mình đi một tý, và mình xa bạn đi một tý… Giữa hai người đã bắt đầu có một sự cách biệt, và sự cách biệt ấy muốn lan rộng ra mãi… Họ dè dặt lời nói vì họ sợ lời nói trong lúc này có thể có một ảnh hưởng, một kết quả mà họ không thể lường trước được. Nhưng họ cũng sợ im lặng kéo dài ra mãi; và những ý nghĩ, những tư tưởng chìm lặn đi ở trong tâm trí của mỗi người, và rồi có thể có những ý kiến lầm lạc về nhau mà rồi không phương gì bổ chữa được…

Oanh là người nói trước hết, nhưng mà nàng vẫn chưa dám động đến chuyện bức thưc tình kia… Nàng chỉ hỏi bạn, một câu hỏi không đâu:

 – Ngày mai đến giờ géometrie,[c] thế nào mụ Monège nó cùng "truy" bọn mình…Mấy bài toán kỳ trước, Thúy làm được cả chứ?

– Ừ hỉ! Con mụ ấy sao mà ghét cay ghét độc hai đưa mình.

– Ấy cũng chỉ tại giờ nó giảng học, nó bắt được mình xem chung một cuốn "tiểu thuyết"…

 –  Hôm ấy chúng mình xem cuốn gì hỉ?

 –  La Porte étroite[d]

 –  La Porte étroite. – Ừ chuyện thế nào hỉ? Thuý quên mau quá!

 – Chuyện một người đàn bà yêu một người đàn ông…

 – Chỉ có thế?

 – Không, còn nữa. Rồi người ấy khóc lóc, người ấy đau khổ… Rồi người ấy phải làm bộ vui sướng trong lúc gan ruột tơ vò… Rồi người ấy mượn mấy chữ "hy sinh" để tự an ủi mình, để dối mình…Thực ra hy sinh, chính là sự đau khổ đến cực điểm, hy sinh hạnh phúc của mình đi là để đày đoạ cái thân xác mình đó mà thôi… Phải hy sinh là chỉ vì người ta không thể làm khác được.

 – Nhưng ai mượn phải hy sinh?

 – Ai mượn? Yêu thì bao giờ cũng phải hy sinh mình đi một tý…Yêu là buông rải ra nhiều hơn là thu nhận, nghĩa là phải bỏ vào đấy…

 – Vào đấy là vào đâu?

 – Vào tình yêu, phải bỏ vất vào đấy một chút thì giờ, một chút vui vẻ, rất nhiều nước mắt, rất nhiều gân não…Tình cha con, tình anh em, tình bạn bè cũng phải chịu thiệt vào đấy… Một món nợ mà ta phải trả bằng tất cả những gì ta có, – mà lại là một món nợ không bao giờ trả hết.

Oanh như không nén được lời. Nàng nói mãi, nói như một người say sưa. Và những lời nói ấy, ta phải tin là xuất tự một người đã đau đớn. Thực ra, Oanh cũng chưa biết tình là cái gì; nàng chỉ cảm thấy cái vị chua chát của nó mà thôi. Có một điều chắc chắn là từ khi nàng đọc cái thư của người ta gửi cho bạn, thì Oanh thấy rằng cái tình bạn bè thiêng liêng giữa hai người hình như đã bị thương tổn. Có thể là lòng ghen tuông đã xui nàng thốt ra những lời nói khờ dại ấy trước một người thiếu nữ đương bắt đầu yêu chăng?

Ba năm lưu học sinh đã đưa lại cho đôi bạn trẻ một mối tình khăng khít, một mối tình bè bạn đượm thêm chút tình yêu. Đôi bạn ấy đã yêu nhau, như một đôi chim bồ câu. Một huề rập hồn nhiên, thuần tuý của muông chim. Người ta đã từng thấy trong những buổi chiều tan học, hay những đêm khuya trước khi lên buồng ngủ, hai cái bóng thơ ngây ấy tha thướt trên con đường cỏ ở sân trường, hay ngồi kề với nhau trên một cấp đá. Họ thủ thỉ với nhau những mộng thân yêu ẩn giấu trong kẽ lòng, những cảm giác thanh thú đến trên làn da, hay trao đổi cho nhau những cảm tưởng bồng bột sau khi đọc một cuốn tiểu thuyết táo bạo… Có cái gì mà họ không nói cho nhau, đôi tấm lòng ấy như bao giờ cũng sẵn sàng để trao gửi cho nhau vậy. Và hình như họ đã đi qua giới hạn của một mối tình bằng hữu. Họ đã cảm thấy rằng có một cái gì bẽn lẽn, vụng trộm, thầm lén ở trong cái mối khăng khít của đôi người. Họ thấy ngượng nghịu khi hôn vào tóc nhau. Họ thấy cần như phải gối tay nhau mà khóc nhiều khi thấy mình đau khổ. Đau khổ! Than ôi! Thường thường thì họ chỉ tìm, hay bịa ra, những mối đau khổ chỉ có ở trong tưởng tượng. Nhưng cái tình bầu bạn cao khiết và say đắm ấy đã bắt đầu bị uy hiếp vì một người đàn ông đã đến ở trong đời của họ… Oanh là người đầu tiên đã cảm thấy cai tai nạn, và nàng đã bắt đầu dày vò bởi một lòng ghen tuông ghê gớm.

 – Này Oanh! Oanh làm sao thế?

 – Không, Oanh có sao đâu!

 – Nhưng…sao mắt Oanh…?

Oanh như không thể giữ mình được nữa, nàng nói to:

 – Không, Oanh không muốn… Oanh không muốn thế…

Rồi nàng gục vào vai bạn và khóc như một đứa trẻ con.

 – Oanh đứng lên… kẻo các bạn họ trông thấy… Oanh nín đi! Thuý hứa với Oanh…

Nàng không nói tiếp, cúi xuống đặt một cái hôn nhẹ ở trên tóc Oanh, rồi đỡ đầu bạn dậy, lấy khăn lau nước mắt cho bạn…

Oanh ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt Thuý và mỉm cười:

 – Ừ! Bây giờ thì Thuý hứa đi, hứa với Oanh đi!

 Thuý cũng mỉm cười hỏi lại:

 – Nhưng hứa thế nào mới được chứ?

 – Thuý hứa sẽ không bao giờ yêu ai hết, trừ Oanh…

Thuý cười to lên như một người sung sướng:

 – Nhưng trời ơi! Thuý có yêu ai bao giờ?

 – Không, Thuý đừng dối Oanh tội nghiệp!

Thuý cài lại cổ áo, nhìn Oanh một cách sửng sốt:

 – Té ra Thuý đã yêu, yêu một người nào rồi à?

Rồi một lát sau, nàng lại nói, như ở trong mộng:

 – Không, không thể được! Không bao giờ! Vô lý! Không đời nào Thuý lại đi yêu một người như thế…

 – Người như thế? Ai?

 – Không hiểu sao từ xưa Thuý ghét Huy đến thế: Ghét cay ghét đắng. Khốn nạn! mấy ngày nghỉ Thuý ở nhà, sáng nào hắn ta cũng đi qua ngõ… Mà có một bận Thuý trêu hắn, Thuý đóng cửa sổ một cái rất mạnh; tưởng hôm sau hắn không đến, nhưng hắn vẫn đến như thường… Kể cũng tội nghiệp!...

Thuý mỉm cười, nhưng Oanh thì chau mày lại, tỏ vẻ khó chịu:

 – Dầu sao, cũng không nên thương hại, không nên nói "tội nghiệp"! Thuý hứa đi! Thuý phải ghét cay, ghét độc hắn ta…

 – Ừ thì Thuý sẽ ghét cay ghét độc nó, ghét cho đến mãn đời hết kiếp… Oanh hả lòng chưa?

 

***

 

Một tối thứ sáu, Huy lại ăn mặc trá hình và đi vào trường Đồng Khánh để xem chiếu bóng. Chàng đến để lấy thư trả lời của Thuý. Nhưng khi xe đến cổng trường, thì chàng cho xe quay trở lại. Chàng không có can đảm xông thẳng vào préau. Chàng có cảm giác rằng việc đã bại lộ, và chốc nữa Thuý sẽ nhận ra mặt chàng, rồi việc có thể xảy ra to. Nàng có thể giữ lấy chàng, tri hô lên, gọi các bạn lại trình lên bà Đốc… Rồi ngày mai, cả trường Đồng Khánh đều biết, và khắp cả thành phố Huế sẽ nói tới. Chừng ấy, danh diện nhà chàng không còn gì nữa, mà chàng thì phải cút xa… trốn xa như một kẻ khốn nạn. Sở dĩ chàng có cái tư tưởng lẩn thẩn ấy, là vì chàng sực nhớ lại những cái cử chỉ quá lãnh đạm, nhiều khi lại tàn nhẫn nữa của người con gái ấy đối với mình. Chẳng hạn, chàng không có can đảm đứng gần nàng nữa, và yên chí rằng cái tình yêu của chàng từ đấy thế là đoạn tuyệt. Chàng không có quyền mơ ước gì nữa. Từ đấy, chàng cố tập sống quen với những sự trống trải lạnh lùng, để dự bị một ngày kia, đón lấy cái thất vọng tất nhiên của cái tấm tình vô duyên của chàng… Không, chàng thấy rằng mình đưa thư, là làm một việc cuồng dại. Biết rằng không có kết quả gì mà chàng vẫn làm.

Là vì chàng thấy rằng mình cần phải làm một việc liều lĩnh như thế, cho đỡ đau đớn. Thực ra đó chỉ là những tư tưởng giả dối để yên phận mình mà thôi, chứ chàng vẫn hy vọng, vẫn cố tìm lấy một cớ gì để hi vọng. "Biết đâu! Cái bức thư viết bằng một giọng thành thực đến phút cuối cùng lại cảm được nàng. Và nàng đã trở nên một người khác… rồi biết đâu!".

Nghĩ vậy, cho nên một hôm vào dịp lễ Toussaint [a] Huy lại tới nhà Thuý. Nếu dầu việc đã xảy đến thế nào nữa, chàng cũng có chỗ yên tâm là vì chàng đã định được cho cuộc tới thăm của chàng: "Chàng đến để lấy lại bức thư…"

Khi chàng đến, thì Thuý đương đứng ngay ở vườn một mình. Nàng toan trốn chạy, nhưng không kịp nữa: Huy đã tiến đến gần. Chàng không bao giờ thấy mình bạo dạn đến thế. Chàng nói, nói mãi cả luôn một hơi không nghỉ:

 – Tôi vẫn biết Thuý đối với tôi vô tình và nhiều khi lại tàn nhẫn nữa, nhưng tôi vẫn cứ viết thư cho Thuý. Ngay Thuý cũng không cấm tôi được. Lòng tôi muốn thế, tôi không thể dối lòng tôi được. Cái bức thư ấy, có lẽ Thuý không đọc tới, – nhưng ai, bất kỳ một người nào cũng phải kính nể, vì tôi viết nó với sự nóng sốt của những giọt nước mắt. Không, Thuý đừng ái ngại. Thuý cứ nói thẳng đi. Tôi chỉ cần có thế. Và tôi cũng đã dự bị sẵn sàng để đón sự thất vọng, nếu sự thất vọng ấy không thể tránh được. Thuý có ném cái thất vọng ấy vào lòng tôi, – cũng như ngày xưa lúc nhỏ ta chơi ném thia lia xuống ao, mặt ao chỉ gợn sóng một tí rồi lại bình thản như thường… – Thúy hiểu chửa? Tôi đã cảm giác trước cái kết quả… Tôi đến thăm Thuý một lần cuối và để xin lại…

 –  Bức thư?

 –  Dạ! Bức thư. Tôi chả phải đã nói ngay thư ấy với Thuý rằng: Dẫu thế nào, cái bức thư ấy, Thuý cũng không nên để lọt cho một người nào khác xem. Bức thư ấy tôi viết cho Thuý, thì ở trên đời chỉ có Thuý là được xem mà thôi, nếu Thuý không xem, thì Thuý trả lại cho tôi. Tôi đã nói rõ ràng như thế… không thể nào có một sự hiểu lầm nào được. Tôi đã đọc được lòng cô ở trên đôi mắt. Tôi biết cô chẳng có một mảy may cảm tình với tôi. Tôi đến đây, chỉ để xin lại bức thư… Cô đưa trả cho tôi, – và tôi đi ngay, tôi sẽ quả quyết ngay…

Thuý có vẻ lo ngại:

 –  Nhưng lỡ tôi đã để mất…

 –  Không, không thể như thế được.

 –  Thực thế, tôi đã để đâu, tôi tìm mãi, lục hết sách vở, hòm xiểng mà không thấy.

 –  Không, cô nói dối tôi. Tôi xin cô đừng trêu tôi tội nghiệp.

 – Không, tôi không có ý trêu anh. Tôi nói thực.

 – Không, cô không nói thực. Cô phải trả tôi.

 – Trời ôi! Biết làm sao được chứ!

 – Thì cô liệu lấy!

 – Tôi không có cách gì nữa; tôi đã tìm hết, vì không đợi anh nói, tôi cũng đã định trao trả anh.

 – Cô đã định trao trả tôi, thì cô phải trao trả tôi…

 – Thì anh cho tôi khất… ít hôm nữa.

 – Không, tôi không thể chờ được nữa, dầu là một ngày… Tôi không thể đứng đây mãi. Tôi phải đi ngay… cho khỏi phải gai mắt cô.

 – Không, anh cứ đứng lại đây… Để tôi…

Rồi nàng quay lưng lại và gọi thất thanh:

 – Chị Ngọc! Chị Ngọc ơi!

 – Cô đừng gọi. Cô gọi làm gì thế?

 – Không, tôi cần phải gọi chị tôi ra… Vì tôi không biết có cách gì khác, để xử trí với ông nữa.

Nàng lại cất giọng gọi to:

 – Chị Ngọc! Chị Ngọc!

Nhưng khi nàng quay lại, thì Huy đã biến đâu mất… Nàng thấy như có một cơn gió lành luồn qua vạt áo…. Nàng díu hai chéo áo lại và nói một mình:

 – Chết! Biết làm thế nào được, để trả người ta! Tội nghiệp.

Hai chữ "tội nghiệp" hình như nàng nói với lòng yêu nhiều hơn là lòng thương.

 

***

 

Từ lúc Huy đi khỏi rồi thì nàng thấy bâng khuâng, và gần như hối hận về một điều gì… Nàng bước lên thềm nhà và đầu óc choáng váng: Màu nắng xanh làm cho nàng say và chập chờn. Nàng đi lại phía Ngọc, bấy giờ đương ngồi đọc sách ở cạnh bàn. Nàng đứng một lúc lâu sau lưng chị, và không nói gì…

Khi Ngọc quay lại, thì nàng hơi lúng túng, và để rơi xuống một ghế mây cạnh chị. Rồi nàng gục đầu vào trên trang sách mà chị đương đọc dở. Nàng muốn nói một cái gì mà nàng không thể nói được.

Những hạt lệ trào lên mắt và rơi cả xuống trang sách.

Ngọc không hiểu gì, chỉ cầm lấy tay, mân mê những ngón tay:

 – Có việc gì thì em cứ nói với chị? Chị làm gì em phật ý chăng?

 – Thưa chị, không.

 – Thì sao, em khóc… ?

 – Chị nà! Em để mất cái bức thư của người ta, nay người ta nằng nặc đòi cho kỳ được.

 – "Người ta" là ai?

 –  Người ta là anh, anh …

 –  Em cứ nói đi.

 –  Anh Huy… Anh Huy thường hay đến nhà mình, bạn của anh Nga…

 –  Mà làm răng?

 –  Anh ấy gửi thư cho em. Một bức thư dài lắm.

 –  Trong thư nói gì?

 –  Khó nói quá, nhưng em nhớ mang máng là anh ấy nói rằng anh ấy, anh ấy… yêu em lắm… Em đọc xong thư, em nhét vào áo gối, định sẽ đưa trở lại cho anh ấy như lời anh ấy yêu cầu, – nhưng sáng hôm sau em tìm lại thì em không thấy nữa. Em biết chắc rằng một người bạn ở Dortoir II, đã đánh cắp của em. Mà em đành câm miệng, vì nói ra, thì sợ rồi đến tai cô Kiểm sát, đến bà Đốc.

 –  Nhưng mất thì thôi, việc gì mà em sợ. Ai nhủ anh ấy gửi cho em làm gì… Nếu người ta không vất vào sọt rác là may…

 –  Thà là vất vào sọt rác!

 –  Ừ, sao em lại không nói với người ta như thế.

 –  Không thể như thế được… Dẫu thế nào thì mình cũng nể người ta một tý chứ?

 –  Nể cái gì? Em nín đi! Để anh Huy có đến đây, chị sẽ nói cho anh ấy biết rằng: Anh không có quyền đòi bức thư ấy lại.

Ngọc vùng vằng toan đứng dậy, Thuý núm lấy chéo áo chị và van lơn.

 –  Vẫn biết thế nhưng người ta là bạn của anh Nga.

 –  Bạn của anh Nga, không phải là một cái lý để biên thư cho em.

Ngọc không nói gì nữa, đi đi lại lại trong buồng.

Thuý vẫn gục vào bàn mà khóc. Ngọc đang đi bỗng dừng lại, xoa đầu em và lấy giọng âu yếm nói:

 – Thuý, chị hỏi thật. Em có cảm tình với anh Huy không…? Em cứ nói đi!

 – Thưa chị, hình như em đã nói với chị rằng…

Nàng ngập ngừng… Ngọc lại hỏi dồn:

– Em cứ nói đi. Em đừng dối chị một điều gì hết. Từ khi mẹ mất đi, thì nếu chị không lầm, Nga và em vẫn coi chị như …

Ngọc cũng cảm động và không nói hết… Và những tiếng nức nở của Thuý bây giờ to hơn trước. Ngọc cúi xuống hôn em, và rất âu yếm:

 – Em tha lỗi cho chị! Không hiểu sao chị đã làm một điều vô lý như thế! Không hiểu chị đã lấy cái quyền gì mà can thiệp vào trong cái tình yêu của em. Nếu em yêu, đó là quyền của em…

 –  Không, em đã thưa chị là em…

 –  Không, em đừng dối chị…

 –  Không, em sẽ ở mãi với chị, bên cạnh chị luôn luôn.

 –  Cảm ơn em. Nhưng me dầu có sống lại, me cũng không muốn thế: Me cũng muốn em phải đi con đường của em, sống cái đời của em…

 –  Nhưng vì me không còn nữa, thì chỗ của em phải đi là mãi mãi ở bên chị…

Hai người lại im lặng… Và tuy họ đã thốt ra những câu nói trái với ý muốn mình để an ủi nhau, họ đã cảm thấy một cách rõ rệt rằng: Cái gì đã đến trong cuộc đời của họ, để chia cắt dần dần cái mối tình khăng khít của hai chị em không mẹ.

 

***

 

 Một sáng chủ nhật.

Thúy bảo Ngọc là nàng lên Kim Luông để thăm Oanh nhưng thực ra, nàng dừng lại ở Đập Đá, và rẽ vào một ngõ trúc nho nhỏ đưa đến một xóm nhà lá. Nàng thập thò trước một cái ngõ ngâu, và ngập ngừng không dám bước vào.

Một người đầy tớ gái từ trong nhà bước ra vái chào nàng một cái dài:

 – Thưa cô, cô hỏi thăm nhà ai?

 – Tôi muốn hỏi thăm nhà ông, ông… Huy.

 – Thưa cô, cậu tôi đương ngồi viết ở buồng sách và xin rước cô vô.

 – Em vào tin trước cho ông ấy biết rằng có một người đàn bà muốn thăm ông.

Trong lúc người đầy tớ gái bước vào, thì nàng đứng lại bên cổng và mân mê tà áo…

Một lát, thì Huy chạy ra, chàng có vẻ mừng rỡ và sửng sốt…

 – Chết! Cô Thuý.

Thuý cười:

 – Sao lại chết! Tôi đến thăm anh có chút việc.

Huy cũng mỉm cười:

 – Quan trọng?

 – Dạ, quan trọng lắm lắm.

 – Đã biết, việc chúng ta thì bao giờ cũng quan trọng cả.

Chàng nói câu ấy vì sực nhớ lại những cái cớ hay ho mà xưa nay Miến, Minh và chàng thường thác ra, để đến nhà Thuý.

 – Nhưng mời cô vào nhà đã. Nhà tôi được cái vắng lắm. Chỉ có một mình tôi mà thôi. Vì đây, là chỗ tôi tới để xem sách. Và…

Thúy trông ra sông, hỏi Huy:

 – Và câu cá nữa chứ?

 – Dạ, ở đây cá nhiều lắm. Nhiều nhất là cá kình.

 – Ồ thích quá!

Thuý đi theo Huy, qua một cái sân hẹp, rồi bước lên thềm gạch. Một cái thềm cao ráo sạch sẽ… Cái nhà mà nàng vừa bước vào là một cái lều tranh nho nhỏ sơ sài nhưng gọn gàng, mát mẻ. Cửa sổ, cửa sổ, và cửa sổ… Gió từ phương nào cũng vào được. Ngay ở phía sông có một giàn hoa thiên lý. Và hoa bò qua những song gỗ sơn xanh.

Huy chỉ một cái bàn đầy sách và nói:

 – Chỗ tôi đọc sách và ngồi nghĩ vẩn.

 – Ồ anh có nhiều sách quá!

 –  Không nhiều lắm. Chỉ vừa vừa thôi.

Thúy với lấy quyển sách đương để giở ở trên bàn gấp lại và kêu lên:

 –  "Pilié pour les femmes!"  [a] Anh Nga em cũng đương đọc cuốn sách ấy! Láo lắm! Montherlant làm bộ lắm.

 – Thế cô đã đọc rồi!

 – Ấy là chưa đọc mà em còn phẫn đến thế! Nhưng cũng may cái đề ấy làm cho em không đọc nữa.

 – Thế cô bảo những người đàn bà không đáng thương à?

 – Tôi tưởng có bọn các ông mới là đáng thương hơn.

 – Vì lẽ…

 – Tôi tưởng với anh, không cần dẫn ra một cái ví dụ nào hết. Vì chính anh là một chứng cớ rõ rệt nhất về sự đáng thương hại của cái giống đàn ông của các anh.

Nàng nghĩ một lát, và vẫn một giọng nghiêm trang, nàng nói tiếp:

 – Anh hãy nhớ lại, anh đã nói gì trong bức thư của anh. Bức thư của anh là một cái nhục lớn cho giống đàn ông. Tôi đến đây là vì bức thư ấy… bức thư đáng lẽ tôi đã gửi trả cho anh và không ghé mắt tới, thế mà tôi đã phải đọc kỹ càng, và nhớ làu làu từ chữ đầu đến chữ cuối cùng. Cái bức thư ấy, lẽ ra anh đừng động tới nữa, thế mà buồn cười chưa, anh lại đến tận nhà tôi để đòi lại. Đòi lại? Anh đòi lại một cái gì? Một điều lỗi lầm hay một sự khờ khạo? Anh là một người hết sức vô lý… Hôm nay, tôi đến đây là để thay mặt chị Ngọc tôi và để trả lời anh rằng: Anh không có quyền đòi bức thư ấy. Không có quyền! Anh nghe chưa? Anh có biết rằng, anh len vào cuộc đời tôi là anh đã lạm phép không? Tôi không thể là của một người nào được nữa. Ở trường, tôi là sở hữu của Oanh, về nhà, tôi là sở hữu của Ngọc. Anh đến muộn quá rồi. Và tôi có thể nói rằng: Tôi có thể sống đến phút cuối cùng mà không có cái tình của một người đàn ông…

Huy đứng ngây người ra và chàng cũng không ngờ rằng người thiếu nữ đương niềm nở ấy lại biến thành một quan toà nghiêm khắc thế. Chàng biết ngay là nàng sở dĩ có cái thái độ ấy là nàng muốn buộc tội người, trong khi bị người buộc tội. Và nàng đã quay ngọn giáo một cách khéo léo. Huy cố mỉm một nụ cười thản nhiên:

 – Thưa cô, rồi sao nữa?

 – Thưa anh, chỉ có thế. Tôi chỉ muốn cho anh hiểu rằng: Cái bức thư ấy – anh không có quyền đòi nữa…

 – Dạ, xin chiều cô, thì bức thư ấy tôi sẽ không đòi lại nữa… Nhưng, rồi sau còn thế nào nữa chứ?

– Thưa anh thế là hết…

– Nghĩa là giữa chúng ta không còn gì nữa?

– Còn chứ! Còn lại một kỷ niệm không được tốt cho lắm phải không?

– Dạ thật có thế! Không được tốt cho lắm…

Huy cười một cách đắc thắng:

 – Thế thì tôi có quyền xoá cái kỷ niệm ấy đi.

 – Nhưng bằng cách gì?

 – Bằng cách lấy lại bức thư.

 – Anh không có quyền…

 – Có quyền…

 – Không.

 – Có.

 –  Tôi nói cho ông một lần cuối cùng rằng ông không có quyền.

 – Tôi cũng xin thưa với cô một lần cuối cùng rằng tôi có quyền…

 – Không, không, anh không có quyền… Chị tôi bảo rứa! Oanh bảo rứa! Mà tôi cũng bảo rứa! Ông không có quyền…

Thuý nói câu sau này với một vẻ cương quyết và căm hờn. Và không cầm được hai giọt nước mắt tràn lên mi. Nàng đứng im trong một lúc lâu, rồi quên cả chào Huy, nàng chạy ra về. Bỗng, trời đổ xuống một trận mưa thình lình…Huy hoảng hốt gọi thất thanh:

 – Thuý! Thuý! Anh xin em…

Nàng vẫn không nghe thấy gì, cúi đầu chạy. Nhưng khi đến cổng thì nàng đứng lại, không phải là vì trời mưa mà vì nàng vừa chợt nhận thấy rằng mình đã làm một việc vô lý… Nàng không thể dối mình được: Những lời nói giả nghiêm nghị ấy không đủ làm mất cái tình yêu vừa nhóm ở trong lòng nàng. Nàng đã yêu Huy. Và một khoảng to rộng nhất ở trong lòng nàng đã dành cho người thiếu niên ngộ nghĩnh ấy. Nàng đứng dựa vào cái cột gỗ, và mân mê tà áo. Nàng hối hận về cái cử chỉ đáng tiếc vừa rồi. Nàng toan trở vào để xin lỗi Huy, thì Huy đã đến bên cạnh nàng, tay cầm một cái ô giương sẵn… Huy cười và bằng một giọng rất niềm nở:

 – Cô Thuý! Bây giờ thì cho phép tôi tạm quên chuyện hồi nãy, và cho tôi làm phận sự của một chủ nhân, đối với người khách quý. Trời đương mưa, xin mời cô vào nhà ngồi chơi một lúc, thời một hớp trà lạt… vì từ nãy, cô Thuý nà! Cô mải nói, cô chưa kịp ngồi… Xin mời cô trở vô một lát… đợi trời tạnh…

Thuý mỉm cười, và cố hết sức nhã nhặn:

 – Thật không hiểu sao, em lại có thể vô lý và bất nhã như thế được… Anh tha lỗi cho…

 – Không, cô không có lỗi gì hết…

 – Anh đừng nói thế…

Rồi nàng lẳng lặng đi bên Huy, đi khít lắm vì hai người cùng đội chung một ô… Vào đến nhà, nàng ngồi xuống ghế và ngoan ngoãn để cho Huy phủi những hạt mưa ở trên áo. Nàng điểm xong một hớp chè, đứng dậy, nhìn vào gương, bao lại vành tóc. Nàng vẫn không nói gì nữa. Còn Huy chỉ nhìn nàng mà cười tủm tỉm. Chàng cảm thấy rằng câu chuyện vừa xảy ra, chỉ là một tấn kịch giả dối… Chàng trông lại đôi mắt niềm nở của nàng một lần nữa, và kết luận trong trí: "Điều ấy đã bắt đầu rồi!" Điều ấy chính là tình yêu. Chàng sung sướng quá như không còn che đậy được nữa.

 – Thuý từ sáng đã ăn gì chưa hỉ? Để anh pha cà-phê cho em uống nhá!

Rồi chàng đứng dậy đi lại tủ, toan cầm lấy ấm, thì Thuý cũng chạy lại:

 – Để em pha hộ cho! Em pha khéo lắm. Anh uống cà-phê sữa chứ!

 – Sữa, còn em?

 – Cũng thế. Sữa.

 Thấy nàng làm việc, Huy bỗng nảy ra một cái mộng vô cùng khả ái: Mỗi buổi sáng, sẽ luôn luôn cho đến hết đời, có bàn tay êm ái của đàn bà, pha cho chàng những cốc sữa...

Chàng quay lại nhìn Thúy từ đầu đến cuối, và sung sướng, thích khoái vô cùng. Chàng nghĩ đến cái thú vợ chồng, và bất giác nói một câu để tỏ sự lẻ loi của mình:

– Trời hôm nay đã bắt đầu rét, Thúy hỉ?

– Lúc nào cũng kêu rét! Với anh, thì mùa rét đến từ cuối hạ.

Nàng đưa cốc cà-phê đến tận tay Huy, mỉm cười nói:

– Rét, thì uống vào cho ấm bụng...

– Ấm lòng chứ?

– Ừ thì ấm lòng.

Hai người cùng nhìn nhau mỉm cười.

Trời bây giờ đã tạnh ráo... Mải nhìn mấy giọt mưa cùng cùng từ trên những lá hồng rơi xuống sân, Thúy như chợt nhớ đến một cái gì. Nàng đặt cốc cà-phê đương uống dở xuống bàn và nói:

– Anh có đồng hồ đấy chứ!

Huy đưa tay trỏ cái đồng hồ treo ở trên vách, ngay trước mắt nàng và mỉm cười. Nàng nói to:

– 9 giờ rồi! Chết!

– Ấy sao Thúy hay nói gở thế! Anh xin Thúy đừng chết vội thế.

Thúy cười to:

– Thế phải sống nữa à?

– Còn phải sống nhiều nữa để mà...

Thúy bưng lấy miệng và không cho Huy nói hết. Vì cái chữ ấy, Thúy biết là một chữ ác hại...

Nét mặt nàng bỗng sầm lại, và như hối hận vì cái cử chỉ hình như quá suồng sã của mình. Nàng sực nhớ đến lời thề với Ngọc, với Oanh... Nàng thấy như có một cái gì chắn ngang lên ngực. Nàng ngả vào lưng tủ, và đứng im trong xó... Hồi lâu, nàng mới nói:

– Anh Huy! Anh có thể buông tha cho Thúy không?

Rồi như nói một mình, nàng dằn từng tiếng một:

– Anh Huy! Làm sao lại phải cứ nói đến chuyện yêu mới được chứ! Làm như là không yêu, thì không sống được... không cách gì sống được.

Nàng lại im lặng, và đi lại gần Huy:

– Thôi em về đây! Chào anh nhá!

Nàng toan ngoay ngoảy bước đi, thì Huy đã giữ lại:

– Em còn trở lại nữa chứ?

Nàng nói:

– Nhưng lần sau, anh còn đòi thư nữa thôi...

Hai người lại nhìn nhau cười rồi chia biệt. Nàng đi rất nhanh. Và đến ngõ, nàng bước ngay lên một chiếc xe kéo... Cái tâm trạng của nàng bấy giờ chập chờn giữa vui và buồn, cái tâm trạng của một người đương yêu. Ngồi trên xe, ngẩng trông những sợi mây bay rất nhanh, hai mắt nàng bỗng như say sưa và đượm hoan lạc.

 

***

 

Ngọc đương ngồi thêu ở cạnh cửa sổ, bên giường Thúy nằm thì người đầy tớ gái chạy vào bảo nàng:

– Thưa cô, có khách...

– Đàn ông hay đàn bà?

– Thưa cô, đàn ông.

– Ai?

– Thưa, cậu...

Vẻ ngập ngừng của người đầy tớ làm cho nàng đoán và hiểu được ngay. Vì nàng đã dặn kỹ người nhà không được động đến cái tên của Huy trước trước mặt Thúy. Thúy đau mắt đã hơn một tháng nay, mà đau nặng lắm. Đã hơn một tháng nay, nàng không còn thấy mặt trời, và suốt ngày nằm trong buồng tối, cửa cài kín mít. Ánh sáng làm cho nàng xốn [a] lắm và không chịu được. Một người bác sĩ An Nam ngày hai buổi đến thăm nom nàng, và mỗi lần tới, cũng tìm ra cái cớ mới để ngăn cấm nàng. Người ta không muốn cho nàng tiếp khách. Người ta không muốn cho nàng buồn cảm. Người ta không muốn cho nàng nghe những tiểu thuyết tình cảm. Người ta không nói cho nàng những chuyện hay đẹp có thể khêu gợi nàng...

Lại còn một điều này nữa, hình như là hết sức vô nghĩa, là người ta còn cấm cả không cho nàng nhắc nhở đến, hay là được tận mặt tiếp chuyện Huy, người tình của nàng. Và điều sau này có phải là một lời dặn của bác sĩ, hay chỉ là lời dặn của Ngọc mà thôi.

Nhưng Huy, từ khi nàng nằm xuống tới giờ, không mấy ngày là không đến thăm bệnh trạng của Thúy, và không được một lần nào, người ta chịu dẫn chàng tới tận giường của nàng.

Ngọc vừa bước ra, thì đã thấy Huy ngồi ở đi-văng hút thuốc lá và xem cuốn album của Nga: Cái cử chỉ quá thân mật ấy làm cho Ngọc đỡ phải e dè. Nhưng nàng vẫn thấy hơi khó chịu là vì như thế phải buộc xem Huy như người nhà, mà đó là điều nàng không muốn một chút nào. "Không, nếu ta cứ để cho Huy thân mật như thế mãi, thì rồi có lúc ta không thể cấm chàng vào thăm Thúy được... Mà để cho Huy vào thăm Thúy, thì... thì... không, không thể nào được".

Nàng nghĩ vậy, rồi tự nhiên trên mặt nàng, thoáng qua một vẻ ngỡ ngàng bẽn lẽn. Nàng chợt nhận thấy rằng: Cấm Huy vào thăm Thúy là một điều bất công, một điều vô lý. Hình như vì nàng hơn là vì Thúy, vì bệnh tình của Thúy mà nàng cấm Huy vào thăm Thúy. Hai má nàng bỗng ửng đỏ lên... vì nàng có cảm tưởng như vừa nghĩ một điều gì bất chính. Hai tay nàng vẫn không rời cái kim thêu, nhưng đôi mắt nàng đã thóc mách nhìn trộm Huy, một cái nhìn không được ngay thẳng lắm... Nàng ngồi ở ghế salon, vẫn đăm đăm thêu áo, và luôn mồm nói chuyện... Nhưng cuộc nói chuyện như thế gần như ngày nào cũng có, và bao giờ cũng quanh quẩn bên cái bệnh tình của Thúy...

– Hôm nay, chắc Thúy đã đỡ lắm chị hỉ?

– Dạ, đã có đỡ một chút ít... Nhưng thầy thuốc vẫn cấm... vẫn dặn kỹ không cho ai vào thăm hết...

Huy mỉm cười một cách chua chát:

– Tôi nghĩ như thế cũng hơi quá, phải không chị?

– Tôi cũng nghĩ như anh: Hơi quá!

– Người bệnh có thể có cảm tưởng là bị giam lỏng...

– Không, làm chi đến nỗi rứa! Nga và tôi không có mấy lúc là không ở cạnh Thúy... Chúng tôi thường kể những chuyện rất vui cho Thúy nghe. Mà Thúy cũng vui lắm, nói luôn mồm luôn miệng, có khi quên cả là mình đương đau...

– Chị thử nói với bác sĩ để cho tôi vào thăm Thúy một tý.

– Ấy chết!

– Thưa chị, làm sao người ta lại nghiêm ngặt thế? Tôi tưởng chị nên nghĩ đưa cô ấy vào nhà thương thì hơn...

– Ấy tôi và Nga cũng đã có bàn với nhau như thế... Nhưng thế nào cũng hẵng đợi năm, ba tuần nữa ra sao... Vì tôi thấy hình như bệnh tình một ngày một khác...

Huy vẫn theo đuổi cái ý nghĩ hồi nãy, và nói to cái tư tưởng ở trong óc.

– Lạ quá! Không hiểu sao người ta đối với tôi, có vẻ nghiêm ngặt thế. Tôi tưởng tôi, cũng có quyền hơn bất kỳ một người nào để vào thăm Thúy.

Ngọc dừng đan, ngẩng lên nhìn Huy với đôi mắt ngạc nhiên và hỏi lại:

– Anh biểu sao?

– Tôi cho rằng: Người ta đối với tôi, hơi nghiêm ngặt một chút...

– Người ta là ai?

– Là ông bác sĩ ấy...

– Không, tôi tưởng nghiêm ngặt như thế cũng phải...

– Chị dạy sao?

– Tôi nghĩ rằng: Anh không vào thăm em nó, là hết lòng thương em nó đấy...

– Làm sao lại như thế được? Tôi có vào thăm Thúy nữa, thì cũng như chị và anh Nga, tôi cũng cố đưa sự vui vẻ lại cho Thúy...

– Đã đành thế. Nhưng anh nhớ cho: khi anh tới vui vẻ bao nhiêu, thì lúc anh đi, lại buồn tẻ bấy nhiêu...

– Thì rồi mỗi ngày tôi lại đến, thì cũng thế.

Ngọc mỉm cười:

– Nhưng như thế thì sao tiện...

Hai người lại im lặng, Ngọc vẫn chăm chỉ đan. Huy với lấy một tập illustration,[b] và giở xem những tranh ảnh...

Bỗng, Huy gấp vội tập báo lại, và hỏi:

– Thế đến bây giờ chị đã biết cái nguyên nhân làm cho Thúy đau mắt chưa?

– Nguyên nhân, tôi chả thấy có cái nguyên nhân bí mật nào cả. Nguyên xưa kia, me tôi cũng đau mắt mà đau nặng lắm, sinh ra Thúy, Thúy cũng lây phải bệnh ấy... Giá mà chữa ngay từ lúc nhỏ, thì đã việc gì, đằng này, thầy tôi không tin thuốc tây, nhất định uống thuốc bắc, rồi để đến nay cho bệnh trầm trọng ra, mới chịu gọi Đốc-tờ... Được cái ông Đốc-tờ này là một tay chuyên môn về bệnh đau mắt...

– Nhưng bữa trước, – không nhớ hôm nào, – chị nói với tôi, hình như là vì sau một cuộc đi chơi, đi chơi với ai chị hỉ?

– Dạ, tôi có nói với anh như thế đó. Hôm ấy, cách đây đã hơn một tháng, Thúy có đi chơi với anh... toàn là những người bạn mà anh không quen bao giờ cả... đi chơi với anh Hinh và anh Mỹ.

– Anh Hinh người gầy mà đen, có cái sẹo ở cổ phải không à?

– Không, anh Hinh trắng, cao... và có đôi mắt... linh hoạt lắm. Ít nói, nhưng nói bằng một giọng chắc chắn lắm, cương quyết lắm.

– Thế rồi sao nữa?

– Hôm ấy Thúy đi chơi với Mỹ và với Hinh.

– Người ta làm gì à?

– Anh này đến lôi thôi. Một người làm giáo sư ở trường Khải Định, một người nữa là kiến trúc sư cũng giáo sư ở Nữ học Đồng Khánh...

– Nghĩa là thầy học của Thúy!

– Dạ, hình như thế, em Thúy cũng có học với ông Mỹ.

– Ông ấy người Hà Nội?

– Dạ, hình như thế.

– Người Hà Nội, thôi thì lịch thiệp lắm, liến thoắng lắm.

Huy ngừng lại giữa câu nói ấy một cách đột ngột, vì chàng vừa nhận thấy rằng mình đã có cái khuynh hướng muốn nói xấu những người ấy, chỉ có cái tội  là đã quen với Thúy...

– Thế rồi sao nữa?

– Tôi đến mất cả hứng thú mà kể hết nữa. Anh lôi thôi lắm...

– Thôi bây giờ thì chị cứ kể đi. Tôi không ngắt lời chị nữa đâu...

– Thế rồi, hai người ấy đánh xe đến.

– Xe ô-tô?

– Cố nhiên... một cái 11 légères. Họ rủ Nga, tôi và Thúy cũng đi lăng... Tôi thoái thác mãi, họ mới để cho tôi ở nhà. Thành thử chỉ có Nga, Thúy và Đức cùng đi với họ... Xe đi khỏi Chu Ê được một quãng, thì tự nhiên Thúy thấy chóng mặt và bắt mửa. Lạ quá! Thúy đi ô-tô luôn. Lúc ở Nha Trang ngày nào là chả đi xe nhà, thế mà hôm ấy, lại thấy choáng váng. Xe bấy giờ đã đi rất chậm... Thúy mở cửa xe, và giò đầu ra ngoài để nôn, thì một cành hóp ở đầu bên đường chĩa ra và đánh vào mắt Thúy. Thúy thấy hoa mắt lên và nằm choài xuống... cũng may, cả thân hình không xây xát gì cả, trừ đôi mắt. Từ hôm đó, xốn mãi, và đỏ ngầu, ghèn ra bít cả mí và không trông thấy gì. Đốc-tờ khám, nhận ra rằng Thúy đã sẵn có bệnh đau mắt nặng, nặng lắm.

– Thế rồi cuộc đi chơi đành bỏ dở?

– Cố nhiên... Khi thấy Thúy ngã choài xuống, thì chính Hinh... nhảy ra và vực Thúy lên xe, và chở thẳng đến ông Đốc-tờ Phước là ông Đốc-tờ trẻ tuổi hiện đương chữa cho Thúy...

– Thế từ hôm đó, ông Hinh có đến thăm Thúy một lần nào không để xin lỗi...?

– Xin lỗi! Anh còn muốn bắt người ta xin lỗi cái gì. Người ta đã đưa mình đi chơi. Mình bị nạn, người ta vực lên xe, người ta chở về Đốc-tờ… lẽ ra mình xin lỗi người ta không hết, ai đời...

– Thế ra, chính Thúy phải xin lỗi người ta...

– Chính thế. Người ta đến thăm Thúy một bận... Thúy phải gượng ngồi dậy để tiếp chuyện người ta và xin lỗi người ta...

Huy, hơi có vẻ căm tức:

– Thế mà tôi cứ tưởng người ta, chính người ta phải xin lỗi Thúy mới phải. Vì nếu người ta không rủ Thúy đi chơi, thì là gì có cái tai nạn ấy xảy đến cho Thúy.

Ngọc cười:

– Kể thì đằng nào cũng có lý cả. Nhưng mình đã trót xin lỗi người ta rồi, không lẽ bây giờ bắt người ta xin lỗi lại, phải thế không anh?

Nói xong, nàng lại mỉm cười... Huy ngồi thần ra, và không nói gì nữa... Chốc chốc Ngọc lại ngừng đan, ngẩng lên nhìn Huy... Một ngọn gió ở ngoài vườn thổi lạc vào, làm phe phẩy mấy tờ lịch...

– Hôm nay đã 11 tháng chạp rồi hỉ? Mau quá!

– Lại Tết rồi.

– Năm nay anh ăn Tết ở đâu...

– Có lẽ Hà Nội vì tôi định rồi đây lại trở ra Hà Nội.

– Thế anh định ngày nào đi chưa?

– Tôi muốn chờ xem...

Ý Huy muốn nói rằng: chàng chờ xem bệnh tình của Thúy xoay trở ra sao, nhưng mà chàng không nói hết, lòng chàng thấy se lại, khi nghĩ đến sự lãnh đạm của Thúy, sự lãnh đạm mà chàng tin là có thực.

– Anh còn xem... gì nữa à?

Chàng đáp rất mau:

– Tôi muốn chờ thư của một người bạn ngoài ấy.

Chàng mỉm cười tự đắc, như để tận hưởng cho mình đã tìm được một cái cớ hay ho để cứu thoát mình khỏi sự lúng túng... Ngọc thì luôn miệng mủm mỉm, lấy cái đau buồn của Huy làm cái thích khoái của mình.

Bỗng có tiếng gọi từ trong buồng:

– Chị Ngọc! Chị Ngọc ơi!

Ngọc vội vàng đứng dậy, và xin lỗi Huy:

– Em Thúy gọi tôi, xin phép anh một lát...

– Xin chị, cứ... Mà thôi, tôi cũng xin kiếu về. Chào chị.

– Chết! Anh ngồi chơi đã. Tôi lại ra chứ!

– Dạ thôi, chị cho phép... Tôi ngồi đã lâu lắm.

Vẫn lại tiếng gọi ở trong buồng:

– Chị Ngọc! Chị Ngọc...

Tiếng gọi hơi run run... Huy đứng lại có vẻ lo ngại:

– Có chuyện chi không?

– Không đâu, anh yên tâm, em nó gọi tôi vào để đọc tiểu thuyết trinh thám cho nó nghe.

 

Có thể như thế được không? Ngọc là người tàn nhẫn, đã có cái manh tâm phá cái tấm tình trong sạch và đương say đắm của đôi bạn trẻ. Chính Ngọc cũng không biết mình vô tình hay cố ý phá cái hạnh phúc đương nhóm ấy. Nàng có một thứ cảm giác không rõ rệt: Có lúc nàng thấy mình làm việc ấy là vì Thúy, nhưng thường thường thì là vì mình. Có lúc nàng thấy đến ở mình một cái gì gần như là tình ghen... Mà ghen thì tất nhiên đã phải yêu... Không, chính nàng cũng không thể tin được rằng: mình đã yêu, mình có thể yêu được, yêu một người như... Huy. Huy, có lẽ chỉ vào độ tuổi nàng mà thôi, thế mà có cái gì bảo với nàng rằng: Huy chỉ có thể làm em nàng mà thôi... Có lẽ tại nàng đã qua một nhịp cầu rồi, nàng thấy già đi hơn tuổi chăng? Nhưng tình yêu ở trên quyền phép của loài người. Khi nó đến, thì ta không còn phương gì cản trở được...

Người sương phụ ấy đã yêu. Và đó là một tình yêu tội lỗi, thầm lén, vì người nàng yêu, lại là người đã yêu người em yêu dấu của mình.

 

***

 

Hôm ấy, Huy dậy sớm hơn mọi ngày. Chàng ra vườn hái bao nhiêu hoa ở vườn và kết thành một bó. Chàng có ý nhặt góp nhiều hoa sói hơn cả. Không hiểu sao chàng đã chọn hoa sói... Có lẽ không phải là vì chàng có nhiều cảm tình với hoa sói, mà bản ý chàng chỉ muốn thích đặc biệt về một thứ nào bất kỳ là thứ nào. Chàng không phải là hạng người yêu hoa nào cũng giống hoa nào. Kết xong, chàng đặt bó hoa xuống bàn, và đi sửa soạn. Chàng muốn tới nhà Thúy và đưa tặng cho nàng, tận tay nàng cái bó hoa hãy còn đọng những sương mai.

Khi đến nhà Thúy, thì chàng chợt nhớ ra rằng mình đã làm một việc vô lý: Tặng hoa cho một người đau mắt thì chẳng hóa ra trêu người ta. Chàng muốn quay trở về, nhưng không kịp nữa: Ngọc đã trông thấy, chạy ra và đon đả hỏi:

– Chao! Hoa đẹp quá. Hoa anh vừa mua đấy à?

– Không, hoa vườn.

– Chào! Toàn hoa sói. Bình sinh tôi thích hoa sói lắm...

Ngọc cầm lấy bó hoa, và đưa lên mũi:

– Hoa này ngửi gần không thơm... Nhưng mà đẹp quá!

– Chết chị nói se sẽ, lỡ Thúy...

Huy sợ Thúy nghe được thì buồn cho nàng.

Ngọc hiểu ngay, vì lẽ gì Huy không muốn cho Thúy biết việc chàng tặng hoa.

Có lẽ nàng cố ý hiểu mộ cách lầm lạc: Nàng tin rằng Huy mang bó hoa ấy là cốt để tặng cho nàng, cho nàng mà thôi. Và như thế, hẳn Huy đã có chút ít cảm tình đối với nàng. Chút ít cảm tình, vâng nàng chỉ cần có thế. Nàng thấy sung sướng vô cùng, ngẩng lên nhìn Huy để tỏ ý cảm tạ... Nhưng đôi mắt của Huy, từ bao giờ không hề gặp đôi mắt của Ngọc cả: Chàng chỉ có một cái tư tưởng là Thúy.

– Tôi không hiểu sao tôi lẩn thẩn đến thế! Vô tình tôi đã trêu người ta đau khổ.

– Anh bảo sao?

– Tôi nói chuyện về bó hoa... Lẽ ra tôi không nên mang bó hoa tới đây. Lẽ ra, tôi không nên tặng hoa...

– Vì lẽ...

Huy chưa kịp đáp, thì Ngọc đã vội đứng dậy và đặt bó hoa xuống bàn, và quay lưng đi. Nàng sợ câu đáp của Huy sẽ là một câu đáp trái với ý nghĩ, trái với ý muốn của nàng.

– Chị Ngọc! Chị Ngọc...

Nhưng mà cánh cửa đã đóng ập lại, và nàng đã ở bên kia buồng. Huy mỉm cười, cắm bó hoa vào lọ... Chàng nói một mình, như một người trong mộng:

– Ta tin rằng Thúy sẽ sáng mắt trước ngày hạ tàn. Ít ra nàng cũng sẽ thấy được những cánh hoa rụng ở trên bàn, trừ phi là Ngọc quét đi.

Một lát sau, chàng lại mỉm cười:

– Mà Ngọc thì ta tin nàng có thể làm được một việc như thế lắm. Nàng sẽ quét và quét hết bao nhiêu hoa rụng ở trên bàn, cũng như bao nhiêu dấu vết của một cuộc tình ở trong tâm hồn người em gái.

 

***

 

Bó hoa đã héo và đã rụng đến cánh cuối cùng... Mà than ôi! Người thiếu nữ ở trong buồng sâu vẫn không hay biết gì. Mắt nàng vẫn chưa khỏi và có vẻ một ngày một trầm trọng thêm. Nhưng nàng ít khi nghĩ đến đôi mắt, và dần dần đã quen với sự tối tăm. Nàng đã bắt đầu thấy ánh sáng ở trong sự tối tăm. Mọi vật đã lại có mầu sắc... Và nàng thấy sự tưởng tượng hay sự hồi ức cũng cho người ta có một cảm giác "thực" cũng như cảnh thực tại. Đương nằm, nàng bỗng ngồi dậy, kéo màn lên, và nói với Ngọc:

– Hình như nắng rọi qua song cửa phải không chị Ngọc?

Ngọc cảm động quá, như không kịp nghĩ, đáp ngay:

– Nắng! Trời hửng nắng. Từ hôm em đau mắt đến bây giờ, trời mới có được một hôm như thế này!

Thúy, vui mừng như một đứa trẻ con, xỏ chân vào đôi guốc và bảo chị:

– Chị mở giùm hết cả cửa sổ cho em.

Ngọc đi lại mở hai cánh cửa sách, trước mặt nàng. Nhìn qua cửa sổ: nàng thấy trời vẫn nặng nề u ám, hôm nay cũng như bao giờ, trời không còn có sắc màu da xanh thẳm, có những đám mây trắng như bóng và bay rất nhanh.

– Em Thúy nà! Mầu nắng xanh rờn, và những vùng lá như rung động dưới ánh nắng.

– Đâu! Đâu! Chị dẫn em ra ngồi ở cửa sổ nhá!

Ngọc dẫn nàng lại ngay, và đỡ nàng trên khung cửa. Nàng xoa tay và hớn hở reo lên như một đứa trẻ con:

– Ồ nắng ấm quá! Chị Ngọc hỉ?

Ngọc cũng cố vui đáp:

– Nắng ấm lắm.

– Chị lấy lược cho em gỡ tóc.

– Để chị gỡ cho em nhá.

– Em gỡ lấy cũng được.

– Em để chị gỡ cho, và để được ngồi bên em và kể cho em nghe một chuyện đời xưa nhá.

– Không, một chuyện tiên thôi, em chỉ thích nghe những chuyện bà tiên và ông bụt.

– Ừ thì chuyện những bà tiên và những ông bụt.

Rồi vừa đưa lược qua những làn tóc rối của em, Ngọc ung dung kể cho em nghe, tiếng nàng sang sảng như tiếng một bà cụ già:

– Ngày xưa trong xóm La Thôn...

– Nhưng mà thôi chị Ngọc ạ! Trời nắng ấm thế này mà ngồi kể chuyện đời xưa thì uổng quá!

– Thế em muốn làm gì?

– Em muốn đi chơi...

– Đi chơi đâu?

– Em muốn đi lên chùa...

– Đợi đến ngày "sóc" hãy đi.

– Không, em muốn đi ngay...

– Ấy chết! Đốc-tờ cấm em không được đi đâu mà!

– Không, đốc-tờ không có quyền cấm em.

– Chết! sao em lại nói liều thế?

– Đi chơi... Chỉ xin phép đi chơi, mà chị bảo là "nói liều" thì là quá!

Hai người lại im lặng.

 

***

 

Thúy và Ngọc định lên chùa, là chỉ có cái ý vãn cảnh. Vì thế, nên họ đã chọn chùa Trà Am. Nhưng khi bước qua khỏi cổng chùa, và thoảng nghe thấy mùi trầm thì Thúy thấy có một sự gì nhẹ chiếm lấy tâm hồn mình: có thể là lòng tín ngưỡng. Trong tâm trí nàng lóe ra một luống ánh sáng. Nàng thấy rõ rệt Phật hiện lên trong mình nàng. Nàng ngây ngất như được gần gụi một vườn đầy một thứ hoa kỳ dị có một hương vị cũng kỳ dị vô cùng. Đi sát lại bên cạnh chị, nàng, giọng khe khẽ, bảo Ngọc:

– Em muốn vào trong chùa, chị nà!

– Vào chùa làm gì em? Ngoài  này ánh sáng đẹp thế này.

– Không, em muốn vào!

Lặng yên một giây rồi Thúy thú với chị:

– Em muốn vào chùa, vì chị ạ, hôm nay tự nhiên em thấy ngưỡng mộ đức Phật lạ lùng. Em thấy đức Phật hiền từ, quảng đại vô cùng. Em muốn vào chùa để quỳ bên bệ mà cầu nguyện Phật cứu cho em khỏi hết mọi nỗi khổ ở trên đời này. Mà em chắc rằng em cầu thì em sẽ được, thế nào cũng sẽ được, chị nà!

Ngọc nhìn Thúy và thấy nét mặt em đượm đầy một vẻ thành kính, ngưỡng mộ và Thúy lặng lẽ đi, tay chắp lại trước ngực, thì Ngọc cũng cảm động quá. Nàng thấy cái tình thương em nó tràn ngập đầy lòng. Nàng đi sát lại bên Thúy và khe khẽ quàng tay nàng ra sau lưng Thúy, khẽ riết mình Thúy vào với mình nàng. Nàng làm cái cử chỉ của một người tình nhân, che chở cho một người tình nhân.

Hai người đi vào đến sân chùa thì một lũ trẻ con đang nô rỡn, đánh khăng và nhảy vô ở trong sân vội bỏ trò chơi của chúng mà chạy lại ngắm nghía Thúy, như ngắm nghía một vật lạ. Ngọc thấy cử chỉ của lũ trẻ là hỗn xược và trợn mắt lên nhìn chúng nó, thì chúng bèn chạy toán loạn cả ra, vừa chạy vừa reo:

– A! A! Cô thầy bói, cô thầy bói!

Ngọc ngoảnh sang nhìn em tỏ vẻ thương hại. Nhưng cảm động làm sao, nàng chỉ thấy Thúy dịu dàng hỏi nàng:

– Lũ trẻ con đấy à? Chị gọi chúng nó lại đây em cho mỗi đứa một xu!

Rồi tựa như Thúy tỉnh mắt và trông thấy lũ trẻ nô đùa thực, Thúy mỉm cười với chúng, một nụ cười hiền hậu đầy từ tâm.

Vào đến trong chùa thì Ngọc đặt cho Thúy quỳ xuống trước bệ, rồi nàng cũng quỳ xuống theo. Thúy kính cẩn chắp tay vào ngực. Không nghe thấy nàng tụng niệm, nhưng trông nét mặt nàng thì người ta cũng thấy cái sức thành kính ở trong lòng nàng nó đã lên tới bậc nào. Mắt nàng yên lặng và trầm ngâm như trong tâm trí nàng không còn một cái gì là vẩn đục, nó chỉ toàn là thành thực và... toàn là mến thương. Nếu người ta tưởng tượng đến nét mặt của đức Phật tổ ngồi dưới gốc cây bồ đề có lẽ người ta cũng chỉ tưởng tượng được đến thế.

Ngọc không để ý đến Thúy.

Lúc ra đi thì nàng chỉ cốt đi xem chùa. Nhưng vào đến đây lúc này bỗng dưng Ngọc cũng không sao cầm được lòng xao xuyến. Cái không khí âm u như đầy một sự bí mật thiêng liêng, và đượm những mùi hương xạ bâng khuâng ngát, làm cho lòng Ngọc bỗng se lại. Và lúc nàng quỳ xuống bên em, thì trong tâm hồn nàng cũng đầy những trong sạch không kém gì em. Và nàng ngước mắt lên cầu nguyện Phật, thì những lời cầu nguyện đã do một tấm lòng chí thành phát lộ ra.

Ngọc nguyện xong, đứng dậy, thì Thúy vẫn còn quỳ trước bệ. Ngọc đứng ra một bên chiếu, cúi yên lặng. Một bà cụ già cũng vừa cầu nguyện xong, ghé rỉ vào tai hỏi Ngọc:

– Em cô đấy hỉ?

– Thưa dạ!

– Cô ấy đã hỏng cả hai mắt, hỉ?

– Tội nghiệp!

Chưa bao giờ Ngọc thấy cái âm thanh của hai chữ "tội nghiệp" nó vang động ở trong lòng nàng bằng lần này. Nàng thấy như rung chuyển cả lòng đi, và càng nhìn ngắm em, nàng càng thương mến em. Lúc này người "con gái yêu" ở nàng đã mất hết đi, và chỉ còn lại "người chị", người chị đa cảm.

Lúc hai người ra khỏi cổng chùa, Ngọc âu yếm hỏi Thuý:

 – Em nguyện những gì thế em?

Thuý cười sung sướng, một vẻ sung sướng hồn nhiên:

 – Em có nguyện gì đâu! Em mơ đấy thôi chị ạ! Em mơ thấy Bụt cho em nhiều cái sung sướng quá.

 – Thế, hỉ em? Những chi thế, hỉ em?

 – Những gì để lên núi em sẽ kể chị nghe. Trời ơi! Em sung sướng quá chị nà!

Ngọc dắt em đi mau lên phía núi Ngự Bình. Trời hâng hẩng nắng. Một thứ nắng mầu đỏ đẹp như màu những cánh hoa hiên. Trời trong xanh, thưa điểm vài vừng mây, lóng lánh như tơ. Những trận gió heo may cuối cùng, mỗi lúc lại làm rụng từng nắm lá vàng xuống, để rồi lấy chỗ cho ở những đầu cành sẽ nảy ra những cành mầm lộc xanh non. Nhưng ngay những lá vàng cuối cùng này nó cũng đã không có cái màu vàng chết của những lá vàng trong những ngày đông u ám nữa rồi. Nó vàng một màu vàng tươi rời rợi, óng ánh cũng như sắc nắng vàng trên các lối đi.

Ngọc thấy lòng sung sướng vô cùng.

Khi tâm hồn người ta trong trẻo thì lòng người ta rất dễ dàng dung hợp với thiên nhiên.

Ngọc hỏi em:

 – Em có biết nắng không? Nắng tươi đẹp lắm đấy em à!

 – Có, em thấy ấm, và em biết là có nắng. Mắt em không trông thấy, nhưng sao ấy chị nà, em như có một giác quan riêng. Em tưởng tượng rất rõ rệt, ra được hết cái cảnh rực rỡ của sáng nay. Có phải trên núi kia, những bóng thông rải ra cả trên cỏ không chị?

Ngọc không đáp lại vì nàng không nghe thấy Thuý nói gì hết thảy. Nàng chỉ mải nhìn Thuý, nhìn cái vẻ mặt xinh tươi của Thuý, chưa bao giờ nó xinh đẹp bằng sáng hôm nay. Nàng xích lại đặt một cái hôn nồng nàn lên trán em. Thuý cảm động nắm chặt lấy tay Ngọc và hỏi chị:

 – Có tiếng ngựa hí phải không chị? Phải chị, tiết trời này phải có lắm người trẻ đi ngựa lên núi chơi.

Không có tiếng Ngọc đáp mình, nhưng Thuý vẫn nói theo:

 – Em chắc là con ngựa bạch phải không chị? Phải rồi! Đấy chị xem em đoán đã tài chưa?

Thuý vẫn không thấy Ngọc đáp. Nàng chỉ thấy Ngọc dắt tay nàng đi vào một con đường rẽ ngang, nàng vội hỏi:

 – Sao lại đi rẽ ngang ra, hở chị? Không lên đỉnh núi sao, chị?

 – Không! Đi ra phía sau núi này hơn.

Ngọc vội vã kéo em ra phía sau núi, là vì nàng vừa thấy bóng Huy trên đỉnh núi.

Huy cưỡi một con ngựa bạch, và mặc một bộ quần áo xanh, như người trong truyện đời xưa.

Thuý đã nghe đúng, – đúng có tiếng ngựa, và nàng đã đoán đúng là con ngựa bạch. Lúc Thuý bảo Ngọc là Thuý nghe có tiếng ngựa thì Ngọc đã vội vã ngẩng lên. Thì ra là Huy. Cho nên Ngọc đã cảm động quá, và im lặng hẳn đi, không đáp được những lời của Thuý nữa. Ngọc trông thấy Huy thì Ngọc bỗng lo sợ, Ngọc lo sợ Huy sẽ trông thấy hai chị em nàng, chắc thế nào Huy cũng xuống. Huy xuống mà lại trông thấy Thuý thì chắc thế nào Huy cũng vồn vã Thuý. Hôm nay, Thuý lại đẹp thế này thì có lẽ Huy sẽ không những vồn vã Thuý mà thôi, Huy còn tỏ ra trăm nghìn dấu hiệu yêu thương khác với Thuý nữa. Như thế thì Ngọc sẽ không thể nào mà chịu được.

Tự nhiên Ngọc lại thấy nổi dậy rồi sôi nổi lên ở trong mình, cái lòng yêu Huy và lòng ghen tức với Thuý. Cho nên nàng đã dắt tay Thuý và kéo nàng đi ra phía sau núi.

Đi đến một bờ cỏ đã khô hết sương, Ngọc và Thuý ngồi xuống cỏ. Ngọc vẫn yên lặng không nói gì, và mắt nàng nhìn ra chân trời xa, buồn rười rượi. Trong tâm trí nàng hoang mang, bề bộn và lẫn lộn những tình thương, tình yêu, lòng hối hận, lòng ham muốn ghen tuông… Bỗng Thuý bảo nàng:

 – Chị Ngọc, em nói cho chị nghe cái giấc mơ của em ban nẫy ở trong chùa, chị hỉ?

Giọng Thuý nói vẫn vui vẻ, trong trẻo, nghe lanh tanh như tiếng bạc ngân. Thấy Ngọc không đáp, Thuý vui vẻ kể:

 – Em mơ thấy em đau khổ, rồi Bụt đến cứu em, Bụt dắt em qua một chiếc cổng vĩ đại thì đến một khu vườn lãng uyển nhiều thứ hoa lạ lùng và thứ hoa nào cũng thơm ngát như mùi hương xạ. Trong vườn ấy có những lâu đài đẹp quá, và từ một lâu đài bước ra để đón em, anh Huy.

Ngọc giật mình lên. Nàng nhìn em. Nàng thấy trong cái vui vẻ hồn nhiên của Thuý, Thuý đáng thương hại lạ lùng. Nàng thấy như làm cho Thuý khổ thì là một tội lỗi. Nàng nghĩ đến nàng. "Làm cho Thuý khổ là một tội lỗi!" Thế mà nàng lại là chị của Thuý. Thì nàng thành ra tội lỗi biết ngần nào…

Thuý không biết Ngọc đang im lặng nhìn mình, vẫn vui vẻ nói về giấc mơ của Thuý:

 – Rồi chị ạ, thế nào mà em với chị, với anh Huy lại ở chung một nhà. Bụt cho chúng ta vui vẻ và sung sướng lắm chị nà. Chị có vui không?

Ngọc khe khẽ hỏi:

 – Em có biết bây giờ anh Huy anh ấy ở đâu không?

 – Em chả biết anh ấy ở đâu cả. Nhưng em chắc chắn là anh ấy rất sung sướng. Em chắc là anh ấy ra Hà Nội. Anh ấy ở một cái lâu đài rất to. Chỉ có Hà Nội mới có thể là cái vườn hoa đẹp trong giấc mơ của em được thôi. Em chắc là mai, chỉ mai thôi là anh ấy sẽ về đón em và chị đi chị ạ!

Ngọc nắm lấy tay Thuý, Thuý thấy bàn tay chị run lên ở bên tay mình. Thuý cho là chị đã run lên là vì yêu Thuý, và Ngọc cảm động sung sướng vì cái sung sướng của Thuý. Thuý yên lặng vòng tay ôm lấy chị như một đứa bé con làm nũng với mẹ.

Lúc này trong tâm hồn Ngọc lòng thương cảm đã lấn át hết cả tình yêu. Ngọc chỉ còn thương mến em một cách tha thiết vô cùng, – nàng không còn nghĩ một mảy may gì đến Huy nữa. Nàng run run lên gọi Thuý:

 – Em!

Ngoan ngoãn, Thuý:

– Dạ!

Và Thuý càng ngồi nép vào Ngọc. Ngọc lẳng lặng riết Thuý vào lòng. Hai chị em ngồi ấp ủ với nhau một cách âu yếm vô cùng trong ánh nắng vàng tươi rực rỡ.

 

 

***

 

 

Sau khi đi vãn chùa về độ ba tuần, đúng như lời thấy thuốc dự đoán, mắt nàng lại mở ra được.

Hôm ấy Huy đến với một bó hoa và xin tiếp chuyện Thuý.

Hai người mừng rú như được gặp nhau lại sau một cuộc sinh ly lâu dài và đau đớn. Thuý cảm động quá, nước mắt chạy tràn trên đôi gò má.

Nàng hôn bó hoa:

 – Thế mà em cứ lo không bao giờ thấy lại được hoa sói nữa.

 – Em nà! Có một bận anh đến cùng với bó hoa thế này… nhưng…

 – Em hiểu cả rồi! Anh đừng nói nữa.

Hai người lại im lặng.

Thuý dắt tay Huy và nói:

 – Ta đi ra vườn chơi! Từ hôm em đau mắt đến giờ, có hôm nào nắng xanh như hôm nay không anh?

 – Chỉ có hai hôm mà thôi.

 –  Anh nhớ đích thế?

 – Là vì hôm nào có nắng, thì lòng anh nhớ em quay quắt.

Nàng lả lơi kề đầu lên vai Huy. Qua những cành cây, nàng thấy những vờn mây trắng đọng lại trên một nền trời xanh thẫm. Nàng cảm động nói:

– Ồ đẹp quá! Không bao giờ em thấy say sưa như thế này!

Hai người lại im lặng đi trên một con đường con. Mặt trời như rơi từng mảnh xuống hai bên vệ cỏ. Nàng đứng lại và nói rất mau:

 – Ta sẽ lựa một ngày nắng mới như thế này để về ở chung với nhau hỉ anh?

 – Nhưng… em đã bàn với chị Ngọc chưa? Việc ấy phải tuỳ cả ở chị Ngọc.

Hai người lại im lặng.

Trong lúc ấy tiếng đàn tranh từ buồng khách, bay qua cửa sổ, vắt véo ở trên những vùng cây.

Thuý nói bằng một giọng đau thương:

– Đã lâu lắm mới lại được nghe chị Ngọc dạo đàn.

Nhưng tiếng đàn thổn thức đã vội im bặt, và cánh cửa sổ từ từ khép lại. Người sương phụ ở trong cửa buồng đã khép mình lại để trở về khuôn phép, trật tự, về bổn phận một người chị, một người mẹ.

Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Huế một buổi chiều (tiểu thuyết) // Phổ thông bán nguyệt san, tạp chí văn chương ra đầu tháng và giữa tháng, Nxb. Tân dân, Hà Nội, s. 33 (16 Avril 1939), tr. 3-108.


 


[a] “Chàng đã làm gì với mối tình em” (tên bài hát)

[b] “Chàng ơi, xin giữ mãi mối tình em!

Hãy hứa đi, không bao giờ còn yêu nữa.

Đời em vui thú…

Chỉ ngọt dịu vì có anh.

Em chỉ ngập tràn hạnh phúc

Khi thấy anh. 

Vâng, với em cuộc đời thật đẹp

Nhưng đó chỉ vì có chàng.

Xin đừng ác độc,

Hãy ở lại bên em.

Hãy nhắc lại những lời thề duyên dáng

Dù chàng có dối trá, thì cũng cứ nói lại thế đi …”  

 

[c] “Đang mơ sao? Giấc mơ đẹp thế?

Giấc mơ quá đẹp, chẳng thể là cuộc đời này.

Đang mộng mị sao? Giấc mộng đẹp thế,

Đang bốc bay và tan biến.

Chuyện tình đẹp thật, ta chẳng dám tin,

Vì sau đó u sầu sẽ đến.

Giấc mộng đẹp nhất chỉ là dối trá,

Chẳng bao lâu rồi ta sẽ thức tỉnh.

Giấc mơ đẹp nhất rồi cùng có ngày tan,

Thật vậy, giấc mơ quá đẹp, chẳng thể là cuộc đời này.”

[d] “Các con cứ chơi vui cho thỏa thích!” (các câu chữ Pháp trong mấy chú thích a, b, c, d kể trên đều do dịch giả Phạm Toàn dịch giúp; xin cảm ơn dịch giả Phạm Toàn).

 

[a] concierge: người gác cổng.

[b] Cô Thúy lớp đệ tứ trường Đồng Khánh.

[c] bàn toilette : bàn phấn, bàn trang điểm.

[a]  préau : phòng giải trí, phòng vui chơi ở trường nội trú.

[b] quatre: 4; trois: 3; đây là nói tắt về các lớp đệ tứ và đệ tam của bậc cao đẳng tiểu học (gồm 4 lớp) thuộc hệ thống nhà trường Pháp-Việt ở Đông Dương trước 1945. Xem thêm trang:  http://www.thpt-haibatrung-tthue.edu.vn của trường THPT Hai Bà Trưng, Tp. Huế, nguyên là nơi đặt trường nữ sinh (cao đẳng tiểu học) mang tên Đồng Khánh, thành lập ngày 15/7/1917. 

[b] études: (giờ) học; dortoir: buồng ngủ trong nhà nội trú.

[c] géometrie: hình học.

[d] La Porte étroite: Cửa hẹp (1909), tiểu thuyết của nhà văn Pháp André Gide (1869-1951).

[a] Toussaint:  lễ các thánh (của đạo Thiên Chúa), tổ chức vào ngày 01/11 (dương lịch) hàng năm.

[a] ‘Pilié pour les femmes’ (Lòng thương hại dành cho đàn bà): cuốn thứ hai (công bố 1936) trong bộ tiểu thuyết 4 cuốn mang nhan đề chung Les Jeunes Filles (1936-39) của nhà văn Pháp Henry de Montherlant (1895-1972)

[a] xốn: nhức xói, như bị mũi gai đâm vào; xốn mắt: xốn trong con mắt, như bị rác bụi bay vào (H.T. Paulus Của: Đại Nam quấc âm tự vị, 1895-1896);

[b] illustrasion: tranh ảnh minh họa, ở đây trỏ chung loại báo có ảnh, báo ảnh.