HƯƠNG GIANG SỬ

 

Con sông Hương nước chảy lờ đờ…

 

I.

GIỌT LỆ ĐẦU TIÊN …

Thuở quả đất còn ở trong cảnh hoang vu….

Một buổi sớm, một người đàn ông vạm vỡ, lông lá đầy người, tay ẵm một đứa con thơ, tay nắm một cây gậy song, lặng lẽ, từ cái hang đá của mình trong núi Giăng Màn đi ra… Chàng nhắm hướng mặt trời mọc mà đi, đi theo bờ sông Hương…

Đến khi mặt trời lặn, thì chàng thấy mình đứng bên một cái rừng rậm lạ lùng mà nghe tiếng hò hét ghê gớm của chốn thâm u lúc các mãnh tướng hùng quân nơi sơn lâm bắt đầu làm việc… Chàng dừng lại, rùng rợn cả mình mẩy. Một tư tưởng sợ hãi len vào trí đơn giản của chàng: một đêm đến, một mình với một đứa con thơ, giữa một chốn ma thiêng hùm dữ. Chàng ngồi sụp xuống một tảng đá, bên bờ sông. Chàng ôm mặt khóc. Đứa bé trong lòng chàng cũng khóc oa oa. Chàng gục đầu sợ không dám nhìn cảnh hoàng hôn càng ngày càng đen… Âm thầm chàng bước vào trong một giấc mộng kín đáo để cố quên những cảnh ghê gớm bên mình.

Bỗng trong vùng không khí nặng nề của chốn rừng thẳm xa xa, chàng nghe có tiếng người, tiếng trong trẻo ca một bài ca mới:

Ta từ nơi chân trời lại,

Ta còn đi, đi mãi không thôi…

Ta rảo khắp bốn phương trời,

Ngọn triều dậy, bóng trăng lên, luồng gió thoảng.

 

Chàng tự hỏi: “Giọng ca nghe quen quen, hay là giọng… Mai Nương?”. Rồi chàng ngẩng đầu dậy. Cảnh hoàng hôn đã tiêu tàn. Một mảnh trăng treo ở trên rừng xa… Thế giới như một bầu pha lê. Con sông Hương trắng phau như một dải lụa mời phiếu.

Chàng đánh bạo cất giọng gọi: “Mai Nương”

Chàng lặng im để nghe tiếng đáp lại, nhưng chàng chỉ nghe có tiếng dội của rừng sâu, tiếng lạnh lùng. Chàng không dám gọi một lần thứ hai nữa. Từ trong một bụi rậm, chàng lại nghe cả một thứ tiếng thở ra, tiếng đều đặn… ầm ĩ. Thì ra, một con cọp, đương ượn mình ở bên một bụi dâu, vây những nhành dâu đưa vào… mồm. Rồi nó hết sức thở ra, cho những lá bay đi mà chỉ còn lại những… hột dâu. Nó nhai khau kháu, những cái nanh cọ nhau, làm thành một tiếng ghê rợn… Bảy vía còn ba, chàng ẵm con, nhảy tùm xuống nước. Bấy giờ chiếc bè của tiên nữ ở ngoài lòng sông, mới rẽ nước bơi vào. Tiên nữ đưa ra một cây sáo cho chàng nắm lấy để lên bè… Rồi chiếc bè lại từ từ ra giữa vời… Hai người cùng im lặng nhìn nhau… Giữa cảnh trời nước bao la, chỉ có tiếng đứa con thơ khóc như mưa như gió.

Thấy cặp cánh của tiên nữ, chàng ngạc nhiên, hỏi:

− Tâu lệnh bà! Bà ở cõi nào lại đây, lại đây để làm gì?

− Tôi từ tiên giới lại. Tôi đi khắp cõi trần hoàn. Tôi ca và tôi hát để an ủi những tâm hồn thất vọng.

− Tâu lệnh bà! Tôi đây chính là một người thất vọng. Tôi đi khắp cõi nhân gian để tìm một người yêu tôi, mến tôi và đã đành đoạn bỏ tôi lại một mình trong hang tối, ngày ngày tháng tháng lại năm năm chỉ nghe tiếng vượn hú.

− Người cứ ngỏ hết cả cho tôi nghe, vì tôi là một người tiên nữ.

− Người bạn trăm năm của tôi – xin lỗi bà – có cái sắc đẹp lộng lẫy và cái tiếng nói trong trẻo của bà… Người ở với tôi bảy năm trời… Người săn sóc việc trong hang tối, còn tôi thì vào rừng rậm để kiếm thức ăn… Tôi làm ăn lam lũ lắm, nhưng mỗi khi về tới cửa hang thấy nụ cười tươi tắn nở ở trên môi nàng, thì bao nhiêu sự buồn rầu, mệt nhọc, đều tiêu tan hết. Cái nụ cười ấy đã cho tôi một tấm lòng ham sống không bao giờ hết… Chúng tôi “ăn ở” với nhau được một đứa con trai. Nhưng khi thằng bé ra đời thì một hôm, không hiểu vì cớ gì, mẹ nó ra đi. Đi đâu? Còn biết đi đâu?

− Không một tăm dấu?

− Không một tăm dấu.

− Nhưng còn đứa con đấy, chả phải là cái hình ảnh…

− Vâng, là cái hình ảnh của nàng, cái hình ảnh rất linh hoạt…

− Thì sao người không nhìn cái hình ảnh ấy mà tự an ủi lấy mình?

− Tâu lệnh bà! Bà là người ở tiên giới, bà tưởng rằng: cũng có thể đưa cái cách luận lý của tiên giới mà phán đoán những sự việc ở trần gian này. Lầm vậy thay! Bọn trần tục chúng tôi, mất đi một người như thấy trống không, lạnh lùng cả một thế giới… Không, tôi không còn có thể vui sống được nữa… Tôi phải đi, đi cùng mười sáu châu, ba đảo để kiếm lại người xưa.

− Nhưng trời nước bao la?

− Thì rồi cũng có lúc tận, mà lòng tôi đây yêu nàng thật là không… cùng. Tôi còn đi, đi mãi, đi cho cái đầu xanh ở trên tay tôi chừng nào hóa ra bạc.

− Người chỉ là một kẻ điên rồ…

− Vâng, một kẻ điên rồ, vì khéo đưa cái ngày tháng hữu hạn của mình mà hy sinh cho một khối tình vô hạn.

− Thôi người hãy đưa con cho ta ấp, rồi đi ngủ đi… ngày mai lại theo cái bước điên rồ của người.

Chàng ngoan ngoãn vâng lời, đặt lưng xuống đánh một giấc ngủ êm đềm. Tiên nữ ẵm đứa con vào lòng, rồi nựng: “Nao Nao! Con tôi ngoan”. Rồi lại cất giọng hát để ru con:

Trăm năm vì lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ, con đò khác đưa…

Hát xong, nàng rầu rầu nét mặt, hai hàng lệ lấp loáng ở trong khóe mắt. Tiên nữ ngồi thừ ra không hát nữa vì tiên nữ sực nhớ lại những ngày vui vẻ và sầu thảm lúc còn ở trần thế, những cái ngày mình còn đội cái tên Mai Nương, những ngày vì quá mê say tình ái, đành xếp cặp cánh lại để làm vợ một người tiều phu. Luôn luôn nàng tự hỏi một câu: “Với một đứa con thơ, mình có thể nhẫn tâm như thế được ru?” Nhưng… kiếp nàng là kiếp tiên. Nàng chỉ quen uống rượu và ngâm thơ. Nàng không được phép gần một kẻ phàm tục, được phép có một đứa con. Nàng đã có chồng, nàng đã có con, đó là một vết nhơ trong cái “tiên sử” của nàng. Nàng cố xóa nhòa đi để sống lại cuộc đời một người tiên nữ vô tư, vô lự, trong sạch nhẹ nhàng như một đám mây, nay còn ở góc trời này mai đã qua góc trời nọ…

Nhưng … hôm nay, trong lúc tiêu diêu ngoại vật, nàng chợt nghe có tiếng gọi của người xưa, tiếng gọi… thảm thiết của một cuộc tình duyên cũ làm cho nàng ngơ ngẩn người. Chao ôi! Có thể như thế được chăng? Nàng là một tiên nữ đi mây về gió bây giờ lại thấy nặng nề, mệt nhọc  như  một con vật khốn nạn.

Nàng khẽ cất giọng hát, cái giọng hát của tiên nữ mỗi khi cất cánh bay về trời.

Nợ duyên gì,

Nghìn dặm ra đi.

Một đi nghìn thu ly biệt…

Đường xa mang nặng khối sầu bi…

Thật là vô tình, tiên nữ đã cho ra một bài ca vô cùng sầu não, vô cùng ai oán, trong mỗi câu như ẩn náu muôn nghìn nỗi u uất… Rồi nàng lại ngồi thừ ra mơ mộng… vẫy chân ở trên mặy nước… Xa xa một tiếng gà rừng đưa lại, như gọi nàng về với cõi thực tại. Nàng giật mình một cái, rồi lẩm bẩm nói một mình: “Ta phải trở về tiên giới, các chị em ta hẳn đương ngóng trông ta lắm”. Khẽ khẽ, nàng ném đứa con ẵm ở trong lòng, xuống bên bố nó. Nàng cúi đầu, hôn vào trán thằng bé một cái thật kêu và nói nựng: “Nao nao! Con tôi khổ quá! Tội nghiệp. Tôi nhẫn tâm quá!” Nàng lại quay mặt với người tình nhân cũ, gục đầu vào ngực người yêu và khóc nức nở: “Hỡi người ta đã yêu! Ta xin thấm vào tận lòng người, những giọt nước mắt nóng sốt của ta. Hãy mạnh bạo lên, phấn chấn lên! Người hãy nuôi lấy con ta, đúc cho nó một cái tinh thần cứng cỏi để đối phó với những cơn mưa sa gió táp ở đời… Người nên nhớ luôn: Ta ở nơi tiên giới, không còn được phép tưởng nhớ đến người nữa. Người hãy mạnh bạo lên để trả thù người tiên nữ hèn nhát đã mang tới cho người những điều phiền não. Người hãy mạnh bạo lên vì người tiên nữ đành đoạn cất cánh bay về tiên giới”.

 Người đàn ông bên đứa con thơ, vẫn lạnh lùng, ngủ…

Tiên nữ sẽ đứng dậy gạt lệ và đưa mắt nhìn bốn phương trời…

Vầng trăng đã lặn ở ngàn tây, còn ngửng đầu dậy, rọi ra những ánh mờ mờ vàng...

Trên trời dưới nước như đầy cả một vẻ mơ màng, hư ảo… Vũ trụ như một cái bọt xà phòng…

Xa xa, một tiếng gà rừng gáy lần thứ hai. Tiên nữ cúi đầu nuốt lệ, vì cái giờ thiêng liêng sắp đến, cái giờ nàng phải trở về tiên giới.

Nhưng… cái mùi tục lụy mà nàng đã tẩm vào tâm hồn người tiên nữ? Mùi tục lụy ấy, nàng sẽ gột rửa đi bằng nước sông Hương. Nàng nhảy tùm xuống nước, ngụp đầu vài cái xuống đáy sông, rồi lại trồi dậy và từ từ cất mình lên từng không. Các bạn ơi! Tiên nữ lâng lâng đã về trời.

Nhưng từ đó, nước sông Hương đầy cả mùi tục lụy, và đã gây nên biết bao cái tình sử thảm thiết, và đã cung cho ta biết bao là tài liệu để viết nên tập “ Hương Giang sử” này. Các bạn đọc những chuyện tình sau đây, và mỗi khi đứng trên bờ sông Hương, nghe khúc nam ai sầu não, hãy nhớ đến người tiên nữ đầu tiên đã rót biết bao nước mắt cho một khối tình tuyệt vọng.

 

Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Hương Giang sử, I. Giọt lệ đầu tiên // Tiểu thuyết thứ bảy, Hà Nội, s. 13 (25 – 31 Aout 1935), tr. 29-32.

 

 

II.

CẢM HÓA

 

Một buổi chiều thu….

Sư ông Bát Nhị, trụ trì chùa Tr. A. đương ngồi niệm phật, trên một tảng đá, dưới bóng một cây cổ thụ. Sư ông bận một cái áo cà sa màu chàm, tay nắm một tràng chuỗi hạt đen bóng nháng… Sư, như đương nán hết gân óc để tập trung cả tư tưởng mình vào mấy chữ “Nam mô a di đà phật” mà luôn luôn sư đọc ở đầu miệng. Xong mỗi tiếng “Nam mô” thì sư lần một hạt, cứ xong một tràng 108 hạt thì sư lại lần qua tràng khác. Bấy giờ, sư đã đến tràng thứ 17. Bỗng sư sầm nét mặt  lại và đưa ra một tiếng thở dài….

Con  số 17 là con số rất quan hệ với đời tu hành của sư ông, vì nó nhắc lại trong trí sư ông một quãng đời sóng gió dữ dội.

Năm 17 tuổi, cái năm sư ông không bao giờ quên được, sư ông còn là một thầy khoá sinh, lanh lẹ, thông minh…. Lều chõng trên lưng, thấy khóa Văn – người ta thường gọi thầy như vậy – hăng hái vào trường Thừa ứng thí. Chắc chắn, ít nhất thầy cũng giật được cái Tú, cái Cử, vì trong vùng Mâu Lệ, thầy có tiếng là hay chữ. Nhưng ước mong một đường, mà sự đời lại xoay ra một nẻo. Thầy khóa Văn bị thải ngay ở trường nhất.

Tin ấy đồn ra, thiên hạ lấy làm ngạc nhiên lắm. Có kẻ an ủi thầy “Học tài thi phận”. Thầy chỉ mỉm cười, vì thầy hiểu chán tại sao thầy trượt. Phận thầy, không phải tại trời định, mà chính tự thầy tạo ra vậy.

Hôm trước khi vào trường, thầy trọ ở trong nhà một người đồng quận, bấy giờ làm Lang trung bộ Hình. Quan Lang có tiếng là người học hành uyên bác, lại có một tiểu thư cực kỳ diễm lệ, mà, theo như người ta nói thì “văn bài” cũng khá. Chính vì thế mà vương tôn công tử lại hay lui tới. Thầy khóa Văn là con một chú thường dân; sở dĩ được bền chân trong nhà một quan Lang, là nhờ có một chút tình châu quận. Nhưng “chút tình” ấy đã đúc nên một khối tình to lớn: Thoạt thấy Vân Nương – lệnh ái quan Lang – thì thầy khóa Văn đã mê mết tâm thần. Chỉ thoáng qua một lần mà đậm đà được như thế, có lẽ vì thầy khóa Văn là người khác chúng; cái gì ở trong thầy, cũng trên sự tầm thường. Những bậc thánh hiền túc nho mà thầy thường ca tụng, bấy giờ thấy nhợt  nhạt, bé nhỏ bên Vân Nương. Thiên kinh vạn truyện không bằng một chữ “Ái tình”…. Khi thầy vào thi, vừa đọc xong cái đầu đề, chính là lúc cái hình ảnh sán lạn của Vân Nương tới trong trí thầy, tới để quấy hại thầy. Thày thấy Vân Nương ngồi đối diện với thày và khẽ cất tiềng vàng ngâm cho thày nghe mấy bài thơ mà nàng vừa mới làm ra. Rồi trong quyển thi của thày hôm ấy, chỉ thấy những bài thơ xướng họa với Vân Nương… Thế là thày bị đánh hỏng. Nhưng thày không chút phàn nàn. Không những thế, thày còn nói với bạn thày “Công danh là việc nhỏ, ái tình là việc lớn”.

Cách hôm sau, khi treo bảng, nhà quan Lang chật ních những thày Tú thày Cử cười nói ra chiều tự đắc lắm. Bỗng lòng thấy ghen ghét hão huyền, buột mồm thày ngâm hai câu thơ cổ: “Đời văn minh mèo biết cầm cờ, thuở bình trị, khỉ ngồi đội mũ”. Có một ông thày Cử hiểu ý, hung hăng đứng dậy, hỏi thày khóa Văn: “Dễ thường cái anh này muốn bảo bọn chúng tôi đây là mèo với khỉ cả phải không?” Rồi cả bọn đứng lên mà “kéo thằng xấc xượt ấy mà tẩn cho hắn 100 roi”. Quan Lang, nãy giờ ngồi im, bấy giờ mới khẽ chen vào: “Thưa quý thầy, kẻ nói được một câu như thế phải là người hay chữ lắm. Quý thày chớ vội nóng. Tôi xin hiến quý thày một cách trừng phạt đã nghiêm khắc lại còn lý thú nữa. Ta hãy đưa ra 20 tờ giấy bản. Một người mài mực, một người xếp giấy và một người cầm sẵn một con roi mây. Rồi ta hãy đưa ra cho “va” (1) một cái đầu đề, hạn cho va phải viết luôn 20 cái bài thi, hễ dừng bút một lát là cứ đưa roi trót vào mông đít cho va”.

Cách trừng phạt của ông quan Lang, kể cũng ác thật, nhưng mà đã cứu được thày khóa Văn…. Thày khóa Văn nhận lời ngay, lại lấy đó là một cái dịp tốt để khoe tài trước mặt người yêu. Một người xuất sắc trong bọn vừa đọc xong đầu đề, thì thày khóa Văn đã đặt bút viết ngay một thôi 20 bài Đường thi. Cả bọn chỉ ngơ ngác nhìn nhau. Ngơ ngác nhất là người cầm roi, vì từ đầu tới cuối chẳng “trót” được cái nào hết… Thày khóa Văn vui vẻ đứng lên cám ơn quan Lang đã giúp mình trả thù một cái chua chát, cái lòng bạc ác của các “quý khách”. Thêm một cái vinh dự cho thày nữa là hôm ấy Vân Nương cũng có dự cái tấn tuồng buồn cười ấy và hẳn đã phải phục cái tài học của thày… Cái ái tình của thày, như thế đã thực hiện được một nửa. Quan Lang xưa nay vẫn có lòng liên tài, bèn lưu thày khóa Văn lại một ít hôm nữa, để cũng ngài xướng họa cho vui.

Một hôm, canh đã tàn, thày khóa Văn trằn trọc ở trong phòng không ngủ được, bỗng nghe có tiếng gõ cửa. Thày cảm giác rằng người đến gõ cửa là Vân Nương, là một bà tiên mang tới cho thày những cái hạnh phúc dịu dàng của tình ái. Thày đứng dậy, khăn đen áo dài chỉnh tề ra nghênh vị tiên nữ. Cánh cửa mở ra, thấy đứng trước mặt là một vị tiên nữ lôi thôi, xấu xí là con sen của Vân Nương. “Tiên nữ” giao lại cho thày một vuông lụa hồng thêu hai chữ “Cử nhân” và một mảnh giấy hoa tiên là đồ kỷ niệm của Vân Nương gởi tặng. Trong mảnh giấy, Vân Nương ước ba năm nữa sẽ có một người trẻ tuổi mặc áo gấm đi tới chốn này, mang trả lại cho nàng cái vuông khăn hồng, và người ấy sẽ là chồng nàng. Thày khóa Văn ngắm nghía hai chữ thêu trên tấm khăn, và mỉm cười. Xưa nay, thày tự tin lắm. Thày tự nghĩ: “Cái mộng của Vân Nương, ta sẽ thực hiện dễ như trở bàn tay”. Rồi sáng hôm sau, thày từ giã nhà quan Lang về quê, để ba năm sau trở lại và lấy nàng.

Ba năm sau, lại lều chõng trên lưng, thày khóa Văn trở lại trường ốc ứng thi. Nhưng lần này, thày không thi nữa vì Vân Nương đã bỏ lời ước cũ, lấy một ông quan tại Triều, và đã bỏ ông quan ấy, và đã dấn thân vào bước giang hồ. Thất vọng, thày khóa Văn không muốn sống ở đời này nữa; bỏ hết, bỏ cả thi cử, bỏ cả cha mẹ, thày lủi thủi lên chùa Tr. A. xin quy y. Và từ đó, thày không tưởng tới người xưa nữa.

Nghĩ đến đó, sư ông bỗng giật mình. “Nam mô a di đà Phật!” Sư ông lại niệm Phật, lại lần tràng hạt, nhưng mỗi hạt sư ông lần là như một bước đời đau khổ của sư ông đã trải qua. Cái hình ảnh Vân Nương vẫn cứ theo dõi sư ông. Nhưng không phải Vân Nương ở trong bộ dạng một tiểu thư đoan chính, mà là Vân Nương trong bộ dạng một con đĩ. Sư ông thấy Vân Nương người gầy gò, xanh lét, mặt trát phấn, môi bôi son, ăn mặc một cách lõa lồ, đi gần tới sư ông vuốt ve sư ông và giơ tay nói những điều thô bỉ lẳng lơ. Sư ông ôm mặt khóc như một đứa trẻ con. Bỗng sư ông gạt nước mắt đứng phắt dậy, niệm to: “Nam mô a di đà Phật! Ta phải cứu nàng”. Như có một tiếng đáp từ trên không: “Nguy hiểm! Nguy hiểm lắm đấy!”

Sư ông hăng hái: “Ta không vào địa ngục, ai vào địa ngục? Một đóa hoa tươi đẹp như thế, ta không nỡ để nó vùi lấm trong vũng bùn. Một tâm hồn quý báu như thế, ta phải đưa về trả lại Phật tổ. Xin Phật tổ chứng minh cho lời đệ tử và giúp cho việc làm của đệ tử chóng thành chánh quả”. Rồi bỏ lốt nhà chùa, áo sa quần hộp, trong lúc hoàng hôn, sư ông mạnh bạo lên đường. Sư ông định đi về phía kinh thành vì chắc chắn rằng người xưa còn trôi dạt trên sông Hương, kiếm ăn bằng cách buôn son bán phấn. Đi trên con đường nhỏ có những hàng thông mảnh khảnh và cao vút, sư ông luôn luôn niệm Phật là lần tràng hạt. Sư ông ví mình như một thiên tướng Trời Phật sai đi bắt những quỷ quái, mà đồ khí giới trong tay chỉ có một tràng chuỗi hạt. Sư ông cứ theo bờ sông Hương mà đi; qua bến Kim Long, sư ông gặp một ông lão đương soi đuốc bắt cua. Sư ông thấy hớn hở vô cùng, tưởng như mình cũng làm một việc tương tự như thế và trong lòng cũng có sẵn một bó đuốc rực rỡ, soi đường cho mình đi, bó đuốc của Phật tổ. Sư ông bèn gọi ông lão kia lại, bảo: “Tôi là người khách lỡ đường, ở đây quán xá không có, tôi muốn thuê chiếc đò, ngủ đỡ một đêm. Nhờ lão thuê giùm cho, tôi sẽ tặng lão ít nhiều để ăn thuốc”. Lão chài ngẩng đầu dậy thấy khách sang thì mừng quý: “Vậy xin mời "quan" xuống đò, lão cũng có đò cho thuê ở đây, đò sạch sẽ lắm”. Rồi lão quay ra phía sông, gọi thoảng: “Hai, chống đò vào nhanh lên, có “quan” xuống chơi”. Lẳng lặng một con thuyền ở ngoài sông chống vào; trong mui bước ra một người thiếu nữ trắng xóa, tóc còn buông xõa. Sư ông hỏi:

– Con gái cụ đấy?

– Con nuôi của già! Già, số phận hiếm hoi, may có nó cũng đỡ buồn.

Lão chài giúp khách bước lên đò. Rồi con đò lại từ từ trở ra sông. Lão chài đương cầm bó đuốc nơi tay, bỗng lão giụi một cái xuống nước. Bó đuốc tắt hắn. Cảnh vật đương vui vẻ, rực rỡ bỗng trở nên buồn rầu đen tối.

Sư ông rùng mình….

– Thế cụ không đi bắt cua nữa?

        Thôi, đã có khách quý tới chơi, phải ở nhà hầu khách.

Lần đầu tiên sư ông hơi nghi ngờ cái lòng sắt đá của mình. Sư ông hỏi một cách rất ghê sợ: “Giá nửa đường cái ngọn đuốc trong lòng ta cũng lại tắt hẳn?” Rồi buột mồm, sư ông niệm: “Nam mô a di đà Phật”.

Ông lão ngơ ngác nhìn không hiểu ra sao cả. Sư ông cố phá tan cái vẻ nặng nề mà mình vừa mang tới ở trong khoang thuyền, làm ra bộ vui vẻ. Sư ông hỏi:

– Này cụ! Ở trên sông có thú gì vui không?

– Bẩm quan! Thú vui ở đây hiếm gì! Quan lớn muốn thú vui tao nhã cũng có, mà thú… gì cũng có.

– Xưa nay, tôi vẫn ước ao được thưởng thức một vài điệu ca Huế; này lão, ở trong thuyền có ai có “giọng tốt” không?

– Trong thuyền lão chỉ có con Hai… nhưng con Hai mới là “tập sự”…. Hay là có chị Ba…

– Thôi đừng phiền lắm! Được cô Hai cho nghe vài điệu cũng là hân hạnh lắm rồi!

        Dạ, nếu quan không nệ, thì để lão bảo cháu ra.

Rồi thò đầu vào khoang trong, lão mắng yêu con nuôi: “Con bé khờ quá! Sao con không vấn tóc lại ra chào quan lớn đi!”. Cô bé ngoan ngoãn vâng lời. Lấy cớ rằng phải cho đò ra ngoài xa nữa, tiếng nghe mới rõ, ông lão bèn đứng dậy ra đằng bánh lái đẩy ít mái chèo…

Trong khoang thuyền, một ngọn đèn con lờ mờ… Một sư ông bên một gái giang hồ. Mùi thiền lẫn mùi son phấn! Một sự ngang trái đáng ghê sợ. Sư ông cố làm ra mặt bạo dạn hỏi trước, vì len chân vào chốn này, làm bao nhiêu điều trái với đạo giáo là chỉ cốt để dò la tăm dấu một người: Vân Nương.

– Thưa cô…

– Không dám, quan lớn cứ gọi em là con Huệ, gần nửa đời ở trong nghề này, em không hề được ai gọi em bằng cô hết. Gọi thế chúng em ngượng chết!

– Vậy, xin lỗi… cô.

– Ấy chết! Quan lớn có lỗi gì đâu!

Huệ nhích lại bên sư ông, nắm tay sư ông, nũng nịu:

– Mình cứ gọi ngay em là con, mà muốn tử tế hơn nữa, gọi em là “Em Huệ”, em Huệ của quan lớn. Ấy! Mình là sao thế?

– Có sao đâu.

– Thì sao mình lại giật tay em đi. Để em lau bồ hôi cho mình nhé! Ông lang gì ấy ông bảo: đổ bồ hôi ban đêm như thế này là một cái bệnh đấy! Mình cố chữa đi cho khỏi, mình nhé!

Huệ lại nũng nịu ngã vào lòng sư ông. Sư ông ghê cả mình mẩy, khẽ đẩy người thiếu nữ ra rồi dõng dạc nói:

– Tôi không bằng lòng thế đâu! Cô Huệ ạ! Phật tổ chả phải đã dạy rằng…

– Nhưng “thần mày trắng” của Huệ cũng lại bảo rằng…

– Vẫn biết thế, nhưng tôi đây chỉ là….

– Một ông quan ở trong làng chơi chứ lại gì nữa? Mà thưa quan, đã nhập làng chơi, thì bất khả vô…

– Tôi rất đau lòng cho những tâm hồn đương đọa lạc vào chốn bẩn dơ…

– Sao mình lại lẩn thẩn thế? Hôm nay mình mỏi óc hẳn. Mình đừng nói nữa, và tốt hơn là mình đi ngủ đi… Ấy chết, chút nữa em quên ca cho mình một bài ca. Bình bán nhé!

Kéo neo tàu chạy….

…. Ô kìa! Mình làm sao mà thở dài?

– Xin cô hãy im, cho tôi hỏi một điều.

– Điều gì, quan lớn cứ hỏi ngay cho…

– Một điều quan trọng.

– Dạ, thì là quan trọng nhưng phải  là cái gì mới được chứ?

– Tôi muốn hỏi xem cô có quen ai tên là Vân Nương không?

– Chỉ có thế mà làm rối rít cả lên.

– Thế cô có biết Vân Nương là ai không?

– Là một bạn đồng nghiệp với em, là một cô gái giang hồ, hay là một người bỏ đi, quan lớn nghe ra chưa?

– … Và là con một ông Lang trung.

– Vâng, chị ấy cũng như chúng tôi đều là con quan cả.

– Thế bây giờ chị ấy ở đâu?

– Ở mãi dưới Vĩ Giạ…

– Giá được cô dẫn tôi đi và giới thiệu giùm…

– Em chịu thôi! Xa lắm!

– Xa thì xa, tôi chỉ muốn gặp cô ấy để hỏi câu chuyện….

– Thì cứ hỏi ngay em đây có được không?

– Không, một câu chuyện riêng…

– Chuyện riêng, em cũng biết thế! Riêng hay tư mai lại nói cũng không muộn đâu mà! Em dám cam đoan với quan rằng: Chị Vân kể cũng chưa già lắm đâu, chị ấy còn sống đến ngày mai để hầu chuyện quan một lần cuối.

– Thế chị ấy có thường lui tới đây không?

– Ngày nào chị ấy lại chả tới.

– Chị ấy có buồn rầu không, và coi bộ chị ấy có khi nào hối hận không?

– Thưa quan, hối hận cái gì ạ?

– Hối hận vì đã lỡ…

– Lỡ gì ạ?

– Lỡ bước vào phường… đĩ thõa.

– Nói thế nghĩa là quan lớn chửi vào mặt chúng em đấy. Em không trách vì chúng em không hay trách. Nhưng thưa quan lớn, quan lớn lầm lắm.

– Lầm thế nào? Ước gì được cô cắt nghĩa cho tôi rõ.

– Thì quan lớn hãy nằm xuống đây đã, và để em hôn vào má quan lớn một cái cho rõ thật kêu…

Sư ông ngồi đừ ra như một người chịu phép, không run rẩy, không kháng cự. Một cái hôn lạnh lùng làm cho Huệ phải ngượng.

– Thế mình làm sao thế?

– Tôi chả làm sao cả.

Huệ nhích ra, ngồi im lặng, rồi buồn rầu khẽ nói:

– Xin phép quan lớn, em đi nghỉ.

Sư ông làm ra bộ vui vẻ, hỏi lại:

– Thế cô quỵt nợ tôi à?

– Không, quan hỏi gì, em xin đáp.

– Tôi hỏi cô tôi lầm ở chỗ nào?

– Thưa quan, một con đĩ như chúng tôi không bao giờ hối hận về cái nghề của mình… Vâng, chính thế, nếu tôi chán thì tôi bỏ nghề này từ bao giờ rồi! Chẳng mấy khi quan lớn xuống chơi đò em, em xin đưa cái gọi là “Hoa nguyệt sử” ra kể cho quan lớn nghe. Quan lớn phải biết cho rằng, khi em nói đến em, tức là em nói đến chị Tuyết, chị Vân đến cả bọn kia mà các quan gọi chung một tiếng là gái giang hồ… Thưa quan lớn, người được hầu chuyện quan lớn đây, cũng là con một ông quan lớn tại triều, trước kia cũng đã từng lên xe xuống ngựa… Suốt ngày em chả làm việc gì khác hơn là ngồi thêu nhưng cặp uyên ương và mơ mộng những chuyện xa xôi… Nhưng càng ngày càng lớn, người ta không để cho mình yên hưởng những cái sự sung sướng, ngây thơ như thế mãi. Cái ngày đã đến mà mình phải nhìn cái cặp uyên ương, cái mộng ở trên tấm lụa phải hiện ra sự thực… Cái ngày đã đến  mà mình phải bỏ hết, bỏ cả cha mẹ anh em, bỏ cả mấy đứa cháu, thằng Song, con Nhạn… bỏ cả một đống người như thế để theo một người… một người mình chưa từng quen biết và mình chỉ mới thấy mặt trong hôm động phòng… Ngày trước mình chỉ quen nằm bên thằng Song, con Nhạn… bây giờ nằm bên một người lạ lùng, thì thấy có những cái cảm giác hay hay, lạ lạ làm cho mình say sưa một cách dịu dàng, êm thấm. Luôn luôn như thấy mình ở trong một giấc mộng, nhẹ nhàng, bay bổng… thoảng hoặc có đụng phải cái bàn tay, cái má người kia chẳng hạn, thì giật mình một cái như tỉnh mộng, nhưng sự thực bên mình vẫn là một sự thanh khiết, êm ái, có thi vị đáo để.

Ôi! Phép lạ của Ái tình! Sáng hôm sau, người lạ lùng ấy đã trở nên kẻ thân mật nhất trong đời em… Nhưng năm qua, lại năm qua,… những cái cảm giác đầu tiên hay hay, lạ lạ đó đã cùng với thì giờ mà tiêu tán đi đâu mất!

Hết rồi! Em đã bước vào một cuộc đời cạn hẹp, chán nản và luôn luôn thấy mình ở bên một bà già hung dữ độc ác… Rồi một hôm em bỏ nhà ra đi, đi tìm lại cảm giác đầu tiên. Mạnh bạo em dấn thân vào bước giang hồ…

Kể đến đây, Huệ dừng lại để thở dài…

Ở cõi xa xôi… thong thả rơi ra mấy tiếng chuông chùa. Sự sống im lặng trầm ngâm… Huệ, nhích lại bên, vuốt ve, nũng nịu:

– Những tiếng chuông chùa thủ thỉ trong đêm khuya như bảo chúng ta yêu nhau…

– Huệ! Cô hãy đứng im đi trong một phút!

– Thì sao lại phải thế?

– Thì cô chẳng nghe chuyện Lương Vũ Đế ngày xưa…

– Chuyện thế nào?

– Ngày xưa có một ông vua….

– Khoan! Hãy để ông vua ấy lại một bên đã. Đợi chị Phù Dung giúp sức mới thanh giọng mà kể chuyện…

Rồi nàng soạn ra một bàn a phiện… Nàng châm đèn lên, rồi hí hoáy trong giây lát đã tiêm xong một điếu, và đưa mời khác:

– Xin thỉnh quan lớn… thế nào cũng phải xơi cho em một điếu, em mới bằng lòng.

– Không thể được…

– Một điếu thì làm sao?

– Nhưng tôi là một kẻ…

– Kẻ sợ… sư tử? Hèn lắm! Tôi phải dạy cho mình một bài học về sự can đảm.

Nàng liền kéo sư ông nằm xuống, và đưa điếu vào tận miệng sư ông…

Không thể đừng, sư ông kéo luôn một điếu, rồi hai điếu và luôn mười điếu. Lúc đầu sư ông còn thấy hơi nhức óc, nhưng dần dần thấy mơ màng, say sưa, say sưa một cách dịu dàng. Sư ông nhìn thấy cái khối xác nặng nề của mình biến thành hương, thành khói và thênh thênh bay vào một cõi lạ lùng: cõi Niết Bàn của đạo Phật.

Lâu lâu, Huệ lại giục: “Mình kể chuyện Lương Vũ Đế đi…”

Sư ông mỉm cười đáp:

– Thôi mình ạ! Tôi chỉ muốn mình tắt đèn đi ngủ…

Ngọn đèn con treo ở trên mui thuyền “ngoan ngoãn vâng lời…” và bó đuốc ở trong lòng sư ông lần này mới thật tắt hẳn.

 

Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Hương Giang sử II. Cảm hóa // Tiểu thuyết thứ bảy, Hà Nội, s. 14 (1 – 7 Septembre 1934), tr. 39-42; s. 15 (8 – 14 Septembre 1934), tr. 35-38.

 

 

 

III

MỘT BUỔI HOÀNG HÔN

 

Một buổi hoàng hôn ở trên sông Hương...

Trong một chiếc thuyền con sạch sẽ, gọn gàng, hai vợ chồng bác hai Vận đương ngồi nhìn nhau bên thằng Nẩn ốm nặng. Thằng Nẩn mới lên sáu, nhưng vì một tháng nay đau liên miên, cặp mắt sâu hóp xuống, xương xóc bày ra, nên trông như một đứa bé lên mười. Nó mắc bệnh gì không ai rõ, chính cả mấy ông lang mời đến thăm cho nó cũng mập mờ, phân vân: ông thì bảo mắc bệnh sán, ông thì bảo mắc "thuốc độc", có ông lại thông cả... "phù thuỷ học” thì bảo: tại thường nó hay theo sắp nhỏ lên nô đùa ở gốc bồ đề bên mé sông, cho nên “Ngài phạt”. Bệnh căn thì các ông thấy khác nhau, nhưng có điều này các ông giống nhau là các ông đều làm thằng bé đã ốm càng ốm thêm... và các ông đã hợp tác với nhau để gây nên cái tình cảnh thảm thiết hôm nay. Hai vợ chồng bác hai Vận trước cái bệnh trầm trọng của đứa con, chỉ nhìn nhau mà ứa lệ...

Hôm qua đây, chị ba Dần lại thăm, mách giùm:                         

– Sao hai bác không mời ông đốc Đạm? Ông đốc ấy thuốc hay lắm. Bệnh trẻ con chữa như thần... Mười đám khỏi cả mười. Ông ấy lại tử tế lắm...

– Thế người ta có lấy tiền không?

–  Sao lại chả lấy, nhưng lấy ít thôi. Độ năm, ba đồng thôi...

Chữa thuốc Tây, hai bác cũng biết là chóng khỏi, nhưng lời mách của chị ba Dần muộn quá rồi, muộn vì hôm nay hai bác đổ rương cạo túi, cũng không một đồng xu nhỏ nữa.

Hai vợ chồng hết nhìn nhau, rồi lại...nhìn nhau, không ai mở miệng nói một tiếng... Mà biết nói thế nào nữa? Suốt ngày chồng chèo vợ chống lượn vượn khắp chợ cùng sông mà nào có kiếm được một người khách “quá giang”...

Bỗng thằng Nẩn quật mình một cái, và kêu lên: “Ôi cha ôi! Ối mẹ ôi! Con đau quá!”

Cha mẹ nó còn đau hơn cả nó nhiều: Hai người không dám nhìn con, cũng không dám nhìn nhau nữa, không hẹn mà cùng quay mặt ra sông, vơ vẩn...

– Hay là... mình ạ!

Nghe tiếng vợ hỏi, bác Hai vội vàng quay lại:

– Hay là... sao? Thì mình cứ nói đi! Mình đã kiếm được cách gì chăng?

– ... Cách gì đâu!

– Sao mình ngần ngại thế? Không lẽ mình ngồi yên thế này mà nhìn con...trong lúc vạn tử nhất sinh.

– Mình chỉ nói bậy thôi! Đã thế nào đâu mà mình sợ! Hôm qua, mình ạ! Tôi “nằm thấy” ẵm thằng Nẩn tôi đi vào một cái quán tranh ở giữa đường, tôi thấy một người đàn bà sắc sảo, vui vẻ chạy ra đến chào tôi... tôi vừa cất nón bước vào ngõ thì không hiểu ở đâu đến một ông cụ già râu tóc bạc phơ, trông vẻ mặt hồng hào lắm. Ông cụ lấy gậy song phang vào lưng tôi mấy cái và đuổi tôi ra ngay. Thế rồi tôi giật mình tỉnh dậy.

Bác Hai đương trầm ngâm nghĩ ngợi, thì vợ lại nói tiếp:

– Thế là điềm tốt đấy mình nhỉ?

–  Điềm tốt. Nhưng...

Nhưng thằng bé lại trở mình một cái, kêu: “Ôi cha ôi! Nẩn chết thôi!”. Bác Hai gái ẵm con vào lòng và dỗ con: “Thôi con nín đi! Mai con khoẻ. Mẹ mua quà cho con ăn nhá!” Thằng bé vẫn không nín. Bác Hai gái ngẩng lên nhìn chồng... Lần này, bác quả quyết muốn ngỏ cùng chồng cái điều bác cứ rụt rè không dám nói:

– Hay là mình cứ để em... may ra có kiếm được đồng nào, chạy thuốc cho thằng Nẩn.

Bác Hai hiểu ý vợ lắm, nhưng bác vẫn lặng thinh không đáp, khiến cho bác Hai gái càng thêm lo sợ.

– Hay là mình nghi tôi...

–  Không phải thế mình ạ. Nhưng mà...

– Mà làm sao? Thì mình cứ nói đi.

Sau một lát ngẫm nghĩ, bác Hai mới gật đầu nói:

– Thôi tuỳ ý mình! Vì ngoài cách ấy ra, thì tôi cũng không còn thấy có cách gì khác hơn để cứu thằng Nẩn...

Rồi bác hai Vận lại vơ vẩn nhìn ra sông. Hai giọt lệ lặng lẽ rơi trên má.

 

***

 

Thằng Nẩn đã ngủ đi được. Bác Hai Vận rón rén đi ra ngoài mũi thuyền, ngóng trông vợ... Cái mặt trăng sán lạn của mùa thu đã gác cao trên làng Đô Cồn. Bác nhìn những tia ánh sáng lăn tăn dưới nước và nghĩ đến cái vận mạng chông chênh của chiếc thuyền mỏng manh ở trên mặt nước thì bỗng có tiếng vợ gọi:

– Anh Hai, anh chống thuyền cho tôi vào mấy!

Bác còn nghe cả tiếng người khách đứng ở bên vợ mình hỏi:

– “Anh Hai” là người nào thế mình?

– Đấy là người nhà em đấy!

Bác Hai đứng dậy chống thuyền vào. Bác nhìn vợ mà ngơ ngẩn, vì lần đầu tiên bác thấy vợ mình đẹp quá! Cái đẹp chất phác ở trong một bộ đồ sang trọng càng thêm lộng lẫy. Bác không hiểu vợ bác đã kiếm đâu được cái bộ đồ lụa xinh xắn ấy, lại cả cái kiềng vàng loè loẹt ấy... Cái da mặt bấy lâu hơi xám vì ánh mặt trời, nay nhờ một chút phấn lại càng thêm nõn.

Bác châm đèn rồi mời khách bước vào đường lái để vào khoang ngoài; còn nàng thì đi ra phía mũi, bấm tay bác Hai một cái, và ghé vào tai bảo nhỏ:

– Mình chớ gọi tôi bằng mình nhé! Và mình phải ngồi luôn bên con, nếu con nó khóc lên, là nguy lắm đấy.

Rồi nàng lại bước vào với khách...

Nàng lấy gối ra cho khách nghỉ.

Khách dặn:

– Mình bảo “chú ấy” chèo về phía Thiên Mụ nghe! Và còn mình, thì mình hãy ca đi cho tôi một bài Nam ai.

Nàng quay ra dặn “chú đó” rồi ngoan ngoãn vâng lời khách...

Nàng cố tìm trong trí nhớ một bài nào ít ảo não hơn hết, nhưng phả vào điệu Nam ai, những bài ca đã nhuần thấm biết bao lần sầu não rồi.

Giọng nàng còn trong trẻo lắm, lại khi lên xuống dễ dàng, khéo léo... Cái điệu ca đã réo rắt, cái điệu lòng nàng càng réo rắt hơn.

Người ngồi trong thì say sưa, mê mệt, mà người ngồi ngoài thì như đứt từng khúc ruột. Mỗi tiếng ca của vợ như nhắc lại cho bác Hai từng đoạn đời quá khứ, cái đoạn đời xấu xa mà vợ bác từng là một gái giang hồ...

 

***

 

Một hôm kia, cách đây đã bảy năm, bác còn nhớ ràng mạch như ngày hôm qua, bác đưa khách ở chợ Tuần về. Đò không, lại được thuận gió thuận nước cho nên không cần phải chèo chống gì hết, bác chỉ ngồi ở đằng sau giữ lái. Cánh buồm rạch nước đi băng băng. Bỗng trong bầu không khí yên lặng ở một nơi núi non cùng tịch trong lúc hoàng hôn, chàng nghe như có tiếng người gọi: tiếng trong trẻo nhưng mà yếu ớt lắm, tiếng của người sắp chết... Chàng cố sức rẽ thuyền lại và cạy vào bến. Nhưng bấy giờ, chàng không còn nghe có tiếng gọi nữa. Không nản lòng, chàng cố tìm cho ra cái tiếng thần bí ấy. Cứ từ chỗ thuyền tạt vào, chàng đi về tay mặt một đoạn nữa, thì quả vậy, chàng thấy một người đàn bà đương gục đầu trên một tảng đá, một thiếu nữ sạch sẽ, xinh xắn, sang trọng mà chàng đoán klhông phải là về hạng bình dân như chàng.

Chàng chưa dám lại gần, thì người đàn bà ngẩng đầu lên, đưa tay vẫy chàng lại và khẽ nói:

– Bác làm ơn cho tôi về Huế với, bác cứu tôi với.

Bác hai Vận gật đầu tỏ ý bằng lòng. Thiếu nữ cố gượng đứng dậy, vịn vào vai bác, rồi theo bác xuống thuyền... Con thuyền lại rạch nước đi.

Thiếu nữ mệt nhoài. Sau khi nằm nghỉ một lát ở trong khoang thuyền, nàng mới nói ra một điều mà nàng nãy giờ không dám nói:

– Bác lái, bác cho tôi xin một bát cơm nguội.

– Ủa! Sao bà không nói... Thôi để nghỉ đò lại, tôi thổi cơm để bà xơi. Trong đó còn gạo và mắm đấy. Nhưng bà không xơi được mắm hẳn?

– Ấy chết! Xin ông đừng nói cái giọng ấy, em đau lòng. Ông đừng phiền lắm, có cơm nguội thì cho em một bát, nếu không thì... thôi vậy.

– Quả không có. Nếu bà không nề cơm mắm, thì tôi thổi ngay, tôi lên bờ, sẵn củi, thổi chóng lắm.

Rồi không cần đợi trả lời, bác đổ một đấu gạo vào nồi, đoạn nhảy lên bờ. Bác vo gạo và bắc lên cái bếp của bác là ba viên gạch hợp lại. Bác đi vào rừng lượm một ít củi khô, rồi nhóm lửa lên thổi. Nước trong nồi reo, bác ngồi đoán cái đời bí mật của người khách hôm nay... Coi cách ăn bận của nàng, bác đoán rằng nàng ở một cảnh phú quý, nhưng sao lại lạc vào một cảnh núi non trong cái giờ này, mặt trời đã lặn sau rặng núi? Có lẽ nàng đương ở trong cái tai nạn ghê gớm chăng? Sống trong cảnh bần bạch, bác không thể hiểu được cái sinh hoạt bình thường của của kẻ giàu sang, cho nên cũng không hiểu những tai nạn gì là tai nạn thường xảy ra cho họ. Bỗng nghe tiếng nàng ở trong thuyền, tiếng mơ ngủ:

– Bắt lấy nó cho tôi! Quân khốn nạn!

Bác lại càng thêm ngạc nhiên. Bác tự hỏi: Con người ấy “mắc bệnh” gì?

Mâm cơm bưng lên, chỉ có một đĩa mắm trích và một đĩa muối vừng. Bác hai Vận của tôi đãi khách sang nhà mình hậu quá! Nhưng coi bộ khách ăn ngon lành lắm, cúi đầu ăn, không hề nói một tiếng... Ngon quá đến nỗi khách quên cả phép lịch sự. Chủ nhân chỉ ngồi ngơ ngẩn nhìn. Mỗi khi thấy khách ăn xong mọt bát, sắp qua bát khác, thì bác gật đầu một cái tỏ ý bằng lòng.

Khi cái dạ dày đã thoả rồi, không cần ai hỏi tới, khách đưa cái “tai biến” vừa xảy đến cho mình thuật lại cho chủ nhân nghe, dường như đấy là một cách đền ơn... kẻ đã cứu vớt mình.

Theo như lời nàng nói, thì từ sáng nàng đi chơi với một “anh Tham” nào đấy, tưởng rằng dưới cụm thông sẽ cùng nhau “bàn chuyện trăm năm”, nhưng nào hay, khi làm xong cái “phận sự” của mình rồi, thì “anh Tham” nhảy lên ô-tô, tếch phương nào chẳng biết, để nàng lại một mình... giữa cảnh rừng rú u rậm.  Nàng chạy hết núi này qua núi nọ, nhưng nào còn thấy bóng “anh Tham” ở đâu. Khi mặt trời đã lặn, thì nàng thấy nàng đứng bên bờ một con sông, mệt nhoài vì bụng đói. Nàng cố kêu lên một tiếng chót “Anh Tham!” Nàng chỉ nghe rừng rú đáp lại lời nàng cũng bằng hai tiếng “Anh Tham!” lạnh lùng. Rồi nàng gục xuống một tảng đá... Trong lúc ấy thì bác hai Vận nghe thấy tiếng nàng kêu, tìm tới.

Thì ra nàng là một cô gái giang hồ bị lừa. Còn chuyện gì... thường hơn nữa, thế mà bác Hai cho là thương tâm lắm. Bác cảm động quá, đến nỗi hai dòng nước mắt muốn tuôn rơi.

Thế rồi... hai người cùng nhau qua một đêm yên lặng, đầy những vẻ dịu dàng đằm thắm của... ái tình. Bác hai Vận đối với nàng cũng như một hòn đá to chắn ngang ở trên một bước “giang hồ” của nàng. Không thể còn đi xa được nữa, nàng bèn kết thúc cái cuộc đời long đong của nàng lại mà cùng bác Hai sống một cuộc đời mới... một cuộc đời có khuôn phép, có trật tự, chắc chắn, lâu dài... Cái ái tình chuyên nhất của nàng đã cho nàng được một đứa con: thằng Nẩn mà nàng yêu dấu vô cùng... Yêu dấu đến nỗi đương ở trong cơn thiếu thốn mà mà nàng thấy đầy đủ.

Nàng không bao giờ nghĩ đến quãng đời cũ nữa, mà bác hai Vận cũng cố không gợi tới nữa, để cho cái hạnh phúc chung được hoàn toàn trong sạch... Nhưng cái đầy đủ về tinh thần đã chắc gì đảm bảo được cho sự thiếu thốn về vật chất... Cảnh nghèo khổ có để yên cho mà sung sướng với nhau đâu! Hôm nay, vì không tiền chạy thuốc cho con, nàng phải làm lại cái nghề cũ: Cái mặt đã sạm đen bây giờ nàng phải chát thêm một lớp phấn giả dối... để đánh lừa người... Lừa người! Cái tiếng gớm ghiếc làm sao! Nhưng có sự gớm ghiếc gì mà nàng không phải làm, để kéo sự sống, dầu trong một giây lát, lại cho đứa con yêu dấu. Đau đớn hơn nữa, là bác hai Vận hôm nay phải hồi tưởng đến những khốn nạn xấu hổ của vợ, mà bác đã thề chôn sâu trong trí nhớ. Số phận trớ trêu đến thế là cùng!

 

 

***

 

 

Tiếng ca ở trong khoang thuyền bây giờ đã vắng bặt... Ngọn đèn con liu hiu cái bóng tàn... Bác hai Vận rón rén bước vào cái khoang trong; qua một cái khe cửa, bác nhìn vào khoang ngoài; Khách đương kề đầu vào lòng “tình nhân” mà ngủ… Bác nhắm mắt lại không dám nhìn nữa, nhưng cái lòng ghen tuông, – độc địa thay! – lại bắt bác giương to mắt ra mà nhìn... Bác tưởng như thấy trước mắt một cặp gian phu dâm phụ đương diễn ra những tuồng nhố nhăng thô bỉ để gai mắt mình... Bác rút con dao phay giắt ở mui thuyền, rồi khe khẽ bác kéo cánh song chia đôi hai khoang thuyền... Nhưng không hiểu vì lẽ gì cánh song lại từ từ đóng lại... Ngọn dao phay cũng giắt về chỗ cũ... Cái bóng đen trở ra đằng mũi thuyền, đứng thẳng dậy, vuốt ngực ba cái rồi một cái “tùm” nhảy xuống nước... Con đò... chênh... Thằng Nẩn trở mình, rên: “Ôi mẹ ôi! Nẩn chết thôi.”

 

Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Hương Giang sử III. Một buổi hoàng hôn // Tiểu thuyết thứ bảy, Hà Nội, s. 16 (15 – 21 Septembre 1934), tr. 33 - 37.

 


 

IV

SAU MỘT ĐÊM SAY SƯA

 

Xưa nay núi Ngự và sông Hương đã làm nên danh tiếng cho đất đế đô. Những núi sông ấy kể cũng đẹp thật, nhưng vẫn là cái đẹp ẻo lả, tha thướt, cái đẹp của cô gái ở bên bờ sông Hương, thiếu cái vẻ hùng dũng, oai nghiêm xứng với cái sự nghiệp của những ông vua anh hùng. Nói vậy là người ta chưa từng biết núi Thiên Thai. Khách du hãy đi về phía đông bắc kinh thành độ năm sáu cây số, sẽ thấy một hòn núi cao sừng sững, như muốn vươn mình lên mấy dặm xanh...!, một hòn núi xanh rì những cây thông to mà cao. Trong cái đại khối ấy, ta thấy có lắm vẻ sâu sắc, bí hiểm, hình như nó cũng có một cái tâm hồn linh hoạt mạnh mẽ, đã từng chứng kiến những việc biến động to tát trong lịch sử Chiêm Thành và lịch sử Việt Nam.

Thiên Thai! Tuy rằng chốn thắng cảnh ấy mượn cái tên đầy thi vị của một cái động tiên, nhưng mà nó vẫn có cái phong cốt của một ông võ tướng lẫm liệt ở trên mình ngựa, tay múa ngọn gươm sáng quắc.

Thế mà khách du qua Huế, có bao giờ biết tới nó, vì người ta chỉ ưa những vẻ đẹp mỏng manh, tha thướt mà thôi. Người ta thích núi Ngự Bình hơn núi Thiên Thai, đó cũng là lẽ tự nhiên vậy. Giả không có chuyện tình sau đây, chắc hai chữ “Thiên Thai” không còn ai nhắc tới nữa. Các bạn ạ! Trên đỉnh núi ấy, đã diễn ra một  tấn kịch về ái tình rất thê thảm!

Ở trên hòn núi kia đứng sừng sững ở giữa khoảng không, trong những đêm mưa gió lạnh lùng, còn nghe có tiếng kêu gào thảm thiết: Đó là khúc ca trường hận của một khối tình tuyệt vọng.

 

***

 

 

Mảnh trăng rằm đã gác cao trên ngọn núi. Trên quãng đường từ kinh thành lên Thiên Thai, một cái bóng trắng tinh của một con ngựa đương thoăn thoắt ruổi giong giữa những rặng cây dương liễu cao vút. Trên mình ngựa có hai cái bóng người im lặng.

Sau khi đã nỗ lực chạy bay trên mấy dặm trường, con ngựa đi chầm chậm lại, vì nó cầm lấy sức để trèo núi. Một ngọn gió nhẹ lướt qua ngàn liễu rung rinh gợn sóng dưới ánh trăng vàng. Mọt cái bóng người hỏi một cái bóng người:    

– Thế em không hay gì hết, dầu đó là một việc quan hệ đến đời của em, cả đến cái hạnh phúc chung của đôi ta?

– Nào em có hay biết gì đâu!

– Thế La tướng công, độ rày qua lại nhà em, có thường ngỏ ý gì không?

– Nào hắn có nói gì đâu?

– Tuyệt không?

– Tuyệt không...

Con ngựa trắng bây giờ đã lên đến đỉnh núi. Hai cái bóng người cùng thoăn thoắt nhảy xuống. Một người thiếu niên anh tuấn và một thiếu nữ xinh đẹp lộng lẫy. Hai người ngồi đối diện với nhau trên một tảng đá. Con ngựa bạch ăn cỏ dưới một gốc thông già, tiếng nó nhai nghe rào rạo. Sau một lúc im lặng, chàng vừa cười vừa hỏi thiếu nữ:

– Em biết uống rượu không?

– Không, trừ phi là rượu của anh.

Rồi hai người cùng nhìn nhau và mỉm cười. Chàng đi lại gần con ngựa, hạ cái bầu rượu đeo ở cổ ngựa xuống. Khi chàng trở lại thì thấy nàng đang ngồi gục đầu xuống, tay chấn lấy ngực.

– Em làm sao thế?

– Em có làm sao đâu!

– Thì sao em không vui lên để ta cùng uống rượu? Thế em không muốn say à?

Chàng lại cất giọng cười ngặt nghẽo:

– Lên đến đỉnh núi Thiên Thai mà không uống rượu, thì thà cứ làm kẻ phàm tục lẩn vẩn ở dưới chân núi còn hơn!

Đoạn chàng rót ra một ly rượu đỏ mới nàng uống. Thiếu nữ đỡ lấy ly rượu, một tay lại chấn qua ngực.

– Anh ơi! Sao hôm nay giữa cuộc vui của đôi ta, em thấy cái cảm giác như một sự tai biến sắp xảy đến, một sự tai biến ghê gớm không thể tránh khỏi được.

– Nói bậy nà!

– Thì ra em chưa uống mà đã nói giọng say rồi anh nhỉ?

– Nếu em uống rồi, thì em sẽ không nói giọng say nữa...

Thiếu nữ nhắm mắt cạn ly rượu. Rồi nàng đòi thêm một ly nữa. Bây giờ nàng không nhăn mặt như trước. Chàng lại cười ngặt nghẽo:

– Cái “tửu lượng” của em tôi khá lắm.

– Chả khá thì cũng phải khá chứ.

Rồi nàng lại nhảy tót lên mình ngựa, rồi nàng giơ tay lên bẻ một nhành thông. Vừa phe phất nhành thông, nàng nghêu ngao hát như một đứa trẻ thơ...

– Khéo khẻo ngã! Em say rồi đấy!

– Em say sưa tình ái...

Nàng lại cất giọng cười, cái giọng cười nghe quái gở lạ, khiến cho chàng rởn cả tóc gáy.

Chàng lại đi bên nàng, đứng dựa vào mình ngựa, tay nắm cái chéo áo của nàng, còn nàng thì đứa hai tay vít lấy cổ chàng mà hát:

Hớp rượu đào...

Bóng trăng xao ([1])...

Đôi ta cùng yêu nhau

Yêu nhau tận lưng trời

Giữa đám mây bay...

................................

Rồi chàng đỡ nàng xuống ngựa, dắt tay nàng mà chạy như một kẻ điên cuồng. Đến khi mệt nhoài thì cả hai người cùng ngả xuống một đám cỏ. Nàng bây giờ mới thật là say ly bì. Chàng cố ngẩng đầu dậy lay nàng: “Em tỉnh dậy!”

Nhưng nàng không tỉnh, luôn luôn mồm cứ nói nhảm. Chàng đứng dậy, nương theo bóng trăng đi đi lại lại, vẻ mặt đăm đăm, hình như đang ngẫm nghĩ một sự gì độc ác lắm! Bỗng chàng đứng dừng lại, vòng tay trước ngực, yên lặng trước người thiếu nữ. Một lát, chàng quỳ xuống, khẽ nâng cánh tay của thiếu nữ, và hôn một cái vào bàn tay trắng nõn. Đoạn chàng thò tay vào túi áo, rút ra một con dao... Nhắm mắt lại, chàng nghiến răng đưa lưỡi dao qua cổ người thiếu nữ. Nàng không kêu một tiếng.

Con ngựa bạch ăn cỏ dưới gốc thông già, tiếng nó nhai nghe rào rào...

Rồi chàng lấy diêm đốt lên một cây nến mà chàng đã đem sẵn theo, và lấy cây bút lông nhúng vào vũng máu, chàng biên lên tảng đá mấy hàng chữ sau đây:

 

Cùng viên tri huyện sở tại,

Ngài không cần phải mất công dò xét, kẻ thủ phạm giết nàng Lệ Xuân chính là Trần Tử Văn quán ở hộ thứ năm thành phố Huế... Tôi giết Lệ Xuân đó là cái quyền của tôi. Tôi là người yêu của Lệ Xuân. Theo cái luật thiêng liêng của ái tình, tôi không thể cho nàng phải qua tay một người khác, chỉ biết lấy quyền thế để buộc nàng yêu. Tôi giết nàng, vì tôi quá yêu nàng, tôi muốn nàng bao giờ cũng là vật sở hữu của ái tình. Tôi không có lẽ gì khác nữa. Trước pháp luật tôi cũng chỉ có một lý lẽ ấy mà thôi.

Trần Tử Văn

(Viết tại Thiên Thai lúc gần sáng)

 

Biên xong, Trần Tử Văn nhảy tót lên mình ngựa, hốt hoảng như một kẻ chạy giặc. Gà rừng đã gáy sáng. Con ngựa trắng càng phóng nước đại dường như sự bóng mặt trời lên.

 

Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Hương Giang sử IV. Sau một đêm say sưa // Tiểu thuyết thứ bảy, Hà Nội, s. 18 (29 Septembre – 5 Octobre 1934), tr. 9 - 11.

 

 

 

V

HÌNH ẢNH CŨ …

 

Tình cờ chùa Sư nữ chiều hôm ấy được tiếp đón một người thiếu nữ xinh đẹp, tươi như một đoá hoa xuân. Thiếu nữ, một nụ cười ở trên môi và một đoá sen ở trong tay, đến xin xuất gia đầu Phật.

“Hãy mở cửa ra và và đón lấy con chim xinh đẹp là biểu hiện của người lạc đạo!”

Rồi cánh cửa từ bi mở rộng để  đón lấy con chim con không biết tự ngọn gió nào đưa tới.

Sư bà và các sư nữ ân cần hỏi han về duyên do xui khiến thiếu nữ phải xuất gia. Nàng vui vẻ đáp: “Nếu vì tình duyên trắc trở, hay vì gia đạo rắc rối mà tôi đến đây, thì chẳng hoá ra bất đắc dĩ mà tôi theo Phật tổ ư? Tôi theo Phật tổ là vì lòng tôi muốn vậy.”

Nghe lời khảng khái của nàng, từ sư bà cho đến các tiểu cô đều đem lòng kính phục. Từ đó họ không hề hỏi đến tung tích nàng, xem nàng như một người mới mẻ vừa ở trên một tinh cầu nào rơi xuống, chưa từng có một cái quá khứ ở cõi trần gian. Lúc đầu người ta thấy nàng vui vẻ, dốc lòng kinh kệ, lại thấy nàng chân yếu tay mềm thì người ta không nỡ để cho nàng làm những công việc mệt nhọc hằng ngày, để cho nàng được rảnh rang mà học tập.

Nhưng một buổi chiều ủ rũ kia, nụ cười ở trên môi nàng đã bắt đầu ... héo. Chùa sư nữ lại trở vào trong cảnh đìu hiu, trong một cảnh đìu hiu mà người ta bao giờ cũng có một cảm giác như đi giữa hai rặng liễu vô cùng tận... nhuộm toàn một màu xanh rì... và luôn luôn hát lên những tiếng lao xao buồn bã.

Người thiếu nữ lạ lùng bí mật ấy vào trong đời các sư nữ cũng như một tia chớp trong khoảng đêm trường. Không ngờ cái tia sáng kia làm cho cái đêm đã tối lại càng tối thêm. Thiếu nữ dần dần đã lộ chân tướng, cái chân tướng một người đã từng qua những cái giờ đau khổ và hiện đang mang nặng một tấm lòng đầy những vết thương. Nhãng cả khói hương, chán cả kinh kệ, suốt ngày nàng chỉ ngồi nuốt lệ, nuốt một cách âm thầm lặng lẽ. Mỗi khi nghe tiếng chuông chiều thì nàng chạy giấu mình ở trong xó tối, và ôm mặt khóc nức nở như một đứa trẻ thơ. Thì ra con chim trời lanh lẹ lúc ban đầu bây giờ đã ủ rũ như một cành liễu sau cơn bão. Người ta lánh xa nàng... Các tiểu cô trong chùa không còn ai dám gần nàng nữa. Cả đến sư bà thấy cái lãnh đạm của của nàng đối với sự tu hành cũng đâm chán nàng, đã nhiều lần muốn đưa nàng ra khỏi cửa Thiền. Con người mà ngày trước người ta cho là có khí vị tiên nga, ngày nay người ta bảo là “nặng” cả mùi tục lụy.

Trong các sư nữ ở chùa, đang có Quỳnh Diêu là tiểu cô mới tới sau nàng hai hôm, duy cô Quỳnh Diêu là thân nàng hơn hết. Quỳnh Diêu thường lân la đến bên nàng để trò chuyện và để an ủi nàng. Quỳnh Diêu mến nàng lắm. Mà nàng đối với Quỳnh Diêu thì lại hững hờ, có lẽ là vì nàng đã từng nguyện với nàng rằng: Chẳng còn bao giờ đưa những cái cao quý ở trong mình ra mà mà hiến cho một người nào nữa? Một tâm hồn đã tê tái đến bậc ấy, đạo Phật cũng không còn phương cảm hoá được nữa. Cố nhiên là kẻ tu hành thiếu lòng tín ngưỡng, đến nửa đường sẽ dừng bước lại. Kẻ thiếu hẳn lòng yêu thương, hay là không muốn có yêu thương nữa, kẻ ấy phải là người đau đời nhất trong những kẻ đau đời. Rồi vì thói quen, lòng nàng trở nên cứng cỏi, khô khan.

Nàng cự tuyệt hẳn Quỳnh Diêu là người bạn cuối cùng của nàng. Và không hiểu vì lẽ gì, nàng không khóc được nữa. Cứ đến buổi chuông chiều thì nàng mang cần câu ra hồ bán nguyệt, ngồi dựa trên cầu vồng, dưới bóng mọt cây liễu, nàng buông câu... Không nói gì thì các ngài cũng biết chắc rằng luật nhà chùa không bao giờ lại để cho kẻ tu hành được tiêu khiển bằng bằng cách độc ác ấy: Một cái lưỡi câu sắc, nhọn vào mồm những con cá vô tội. Nàng đã đọc nhiều kinh kệ, hẳn là nàng không phải là không tường cái lẽ ấy, nàng biết mà nàng vẫn làm. Nàng giết những con cá vô tội để trả thù cho một khối tình vô tội. Trời đất ôi! Trên đời lại có những mối thù lạ lùng, oái oăm như thế được ư?

Nhưng các ngài ạ! Các ngài hãy lấy lượng hải hà mà dung thứ cho cho người thiếu nữ ngây thơ. Người thiếu nữ bí mật ấy tên là Ngọc Nương tiểu thư. Ngọc Nương là con một vị trọng thần. Ngọc Nương ra đời đã nằm trên vàng trên bạc. Ngọc Nương lại có cái tài hoa và có cái nhan sắc của một vị tiên nga. Bao nhiêu cái đó cũng là thừa, nếu tiểu thư thiếu lòng yêu thương. Cô tiểu thư mười tám xuân xanh ước có một tấm ái tình cao thượng, – nói khác ra, là tiểu thư ước có người trai trẻ thông minh, tài hoa, tuấn tú, mà nhất là tài hoa, một người làm cho tiểu thư biết yêu đời, hiểu đời, yêu và hiểu được những cái đẹp đẽ, cao quý ở trong lòng người và ngoài vũ trụ.

“Người yêu ta phải biết làm cho ta yêu mọi người, và yêu cả muôn vật quanh mình ta, yêu bóng nắng của mặt trời ban mai rọi ở trên đầu ngọn tre, yêu ngọn gió lúc chiều hôm lượn qua đồng ruộng xanh... Chỉ có những người lười biếng mới ôm lòng ghét đời. Trong mọi người, dầu là kẻ khốn nạn, trong mọi vật, dầu là vật xấu xa, nếu ta muốn, thì ta sẽ thấy có một tia ái tình. Người ta chê là xấu là ít; còn ta, ta cho là đẹp lắm, nhiều lắm, nhiều hơn cả rừng vàng biển bạc trong thế gian”.

Cái mộng yêu thương của Ngọc Nương chẳng phải là hão huyền, vì trời, – có lẽ vì chấp lời nguyện ước của tiểu thư, – đã đưa tới cho nàng một nhà tài hoa lỗi lạc, một nhà thi sĩ. Cứ mỗi khi tới hứng mát ở vườn Tĩnh Tâm thì tiểu thư lại thấy ở trên gốc cây ngô đồng, kẻ bằng mũi dao nhọn, một bài thơ bốn câu...

Một ngày lại mang thêm bốn câu thơ tuyệt diệu, tặng cho tiểu thư...

Tấm lòng nàng bấy lâu lạnh lùng, bây giờ như có người mơn trớn ấp yêu, tiểu thư Ngọc Nương lần đầu tiên thấy chút lạc thú ở đời, ngoài những sự quyền quý, giàu sang. Chiều đến, tiểu thư một mình đánh xe tới vườn Tĩnh Tâm, bây giờ không phải là để hứng gió... tới Tĩnh Tâm để lượm mấy vần thơ... mà tiểu thư trân trọng chép lại trên mảnh hoa tiên. Tối đến, đợi lúc mọi người đã yên giấc, và vạn vật đã yên tĩnh, tiểu thư, dưới một ngọn đèn liu hiu – vì cái lòng ích kỷ của tiểu thư muốn vậy – tiểu thư giở mảnh hoa tiên ra đọc, ngâm đi ngâm lại cho đến khi mấy vần thơ yêu quý kia thấm thía vào đến tâm hồn, như mấy sợi tơ ở trong một cây đàn. Ngâm xong, tiểu thư gục đầu vào án mà nức nở. Tiểu thư khóc vì thấy đời mình đầy hạnh phúc.

Nhưng một chiều thu ủ rũ, một buổi chiều thu, trong vườn Tĩnh Tâm, ở trên một cành cây ngô đồng, một con quạ đen như mực, kêu oác oác. Con chim xấu xa ấy mang lại cho Ngọc Nương cái sự sầu thảm.

Và theo tiếng quạ, xa xa tiểu thư Ngọc Nương nghe có tiếng khóc não nùng thảm đạm, tiếng khóc trong lúc chiều tàn là tiếng khóc của những vong hồn cô khổ vừa ở cõi âm lên để đi tìm kiếm những cơm thừa canh cặn. Tiểu thư rùng mình, như cả tâm hồn bị rung động. Nàng lại thấy từ trong rặng ngô đồng đi tới, một thiếu niên bảnh bao, một công tử, vẻ mặt sáng sủa, ngồi trên mình một con ngựa. Người thiếu niên tiến đến trước mặt tiểu thư khẽ bảo:

– Tôi báo tin cho tiểu thư biết rằng ở trong hồ hôm nay có một người tự tử.

Tiểu thư sợ hãi xanh cả mặt. Vì cái người đứng trước mặt tiểu thư chính là... Trần Sinh. Trần Sinh, con một nhà quyền thế ở kinh thành, có tiếng là tay ăn chơi đủ ngón. Biếng học tập, Trần Sinh suốt ngày chỉ theo bướm theo hoa. Người mà chàng đã để ý thứ nhất là Ngọc Nương tiểu thư. Dầu đã nhiều lần bị cự tuyệt, chàng vẫn không nản lòng... Trong trường tình ái, cũng như ở chỗ khác, “có chí thì nên”, Trần Sinh là người có chí lắm vậy. Chẳng khác nào như cái bóng của tiểu thư: mỗi buổi chiều đến, ở hồ Tính Tâm, tiểu thư đều bị cái bóng ấy theo đuổi...

Nhưng mấy vần thơ tuyệt diệu khắc ở gốc cây ngô đồng mà tác giả là một kẻ khốn khổ, một anh học trò xác, đau đớn tức tối vì nỗi nhà túng quẫn, vì số phận hẩm hiu, đã mấy lần vào tứ trường mà vẫn cứ bị thải ra... phải chăng vì mấy vần thơ ấy mà Trần Sinh không chiếm được nỗi lòng mĩ nhân?

Trần Sinh thấy mình tình địch với một kẻ hèn mọn như thế, lấy làm xấu hổ. Một tư tưởng độc ác đã ngấm ngầm trong trí chàng. Vả có trừ được kẻ ấy đi, thì chàng mới có hi vọng chứ...

[.....................] [a]

– Thưa tiểu thư, trong hồ hôm nay có người tự tử...

– Thưa công tử, người ta chết ở đâu?...

– Người ta treo mình trên một cành cây ngô đồng.

– Kẻ bất hạnh ấy là ai vậy, thưa công tử?

– Là một anh học trò xác, khốn khổ, rách rưới... hỏng thi rồi đâm ra chán đời, rồi “thơ thẩn”, nay khóc lá rụng, mai khóc hoa tàn... Nhưng cơm đâu ăn mãi để thường được có nước mắt mà khóc hoài, người học trò khốn nạn phải đoạn tuyệt cái đời mình. 

Tiểu thư đứng ngẩn người ra một lúc lâu mới hỏi lại:

– Thế người ta chết xa họ hàng làng nước?

– Không, người vợ thứ ba...

– Thứ ba?...

– Vâng, nhà thi sĩ vẫn đa tình! Người vợ thứ ba của chàng vừa rồi... đã đến đem xác chàng về để khâm liệm... Cái người khóc than thảm thiết hồi nãy đó.

– Người ta có để lại cái dấu tích gì không?

– Một gói áo rách vất ở trên đám cỏ và những bài thơ tứ tuyệt chàng khắc vào gốc cây ngô đồng.

Chàng vừa nói vừa mỉm cười một cách khinh bỉ. Thấy Ngọc Nương vui lòng hỏi chuyện mình, thì Trần Sinh đi lại ngồi khít bên nàng để chuyện trò cho tiện, không ngờ tiểu thư đã vội đứng dậy kiếu về, vì trời đã tối.

Tiểu thư tự nghĩ: “Con chim chết còn khóc than một lần cuối cùng cái kiếp mỏng manh của mình, sao nhà thi sĩ, – nhà thi sĩ thân yêu của ta – trước khi vĩnh biệt cái cảnh hồ tĩnh mịch này để đi vào một cái cảnh tịch mịch hơn nữa, lại không kẻ vào gốc cây ngô đồng kia cho ta thêm một bài thơ tứ tuyệt để kết thúc cái thiên “tình sử” viển vông mơ mộng này? Không, không thể như thế được. Một người mà ta đã biết là đối với bất cứ mọi vật, người đều mang một mối cảm hoài sâu xa, đậm đà, nồng nàn, không lẽ trong khi từ giã cái thế giới tối tăm im lặng đã sắp dần dần chìm vào trong vực thẳm, để bước qua một thế giới khác, vui vẻ hơn, đẹp đẽ hơn, trong những phút đầy thi vị ấy, nhà thi nhân có thể nào không thấy được một cái gì rung động tâm hồn ư? Hoặc giả là thi nhân chết một cách bất ngờ chăng? Hoặc giả là thi nhân bị hành thích chăng? Hoặc giả là thi nhân chết vì những bài tứ tuyệt tặng cho ta chăng? Hoặc giả là thi nhân chết vì kẻ tình địch hung ác? Ủa! Mà sao Trần Sinh khi nói đến người bất hạnh, lại có cái giọng ghen ghét dường ấy?

Hai hàng nước mắt ròng ròng chảy trên hai gò má đỏ: một tia ngờ đã len vào trong trí nàng...

 

***

 

Một hôm, theo thói thường, nàng lại ra hồ bán nguyệt, ngồi trên cầu, dưới gốc liễu, nàng khẽ buông câu... Nàng ngắm bóng mình dưới mặt nước im lặng không có một con cá động ... Bỗng nàng giật mình vì bên cái khuôn mặt xinh đẹp của mình, nàng vừa nhìn thấy cái khuôn mặt đàn ông: Trần Sinh! Rõ ràng như thế! Trần Sinh với một nụ cười lả lơi, khả ố, cái nụ cười mỗi khi gặp nàng. Nhưng trời đất ôi! Khi nàng ngảnh lại thì là cô Quỳnh Diêu ở trong bộ áo sư nữ...

Ngọc Nương gượng cười khẽ hỏi:

– Thế sư cô ra đây từ hồi nào?

Quỳnh Diêu vui vẻ đáp:

– Em vừa mới đi tới.

– Thế à?...

 Rồi Ngọc Nương đứng im lặng nhìn Quỳnh Diêu, càng nhìn càng thấy cái bộ sỗ sàng của Quỳnh Diêu. Bỗng nàng rú lên:

– Sao lại có thế này? Trời đất ôi!

Nàng toan bỏ chạy trốn thì hai bàn tay cứng rắn của Quỳnh Diêu đã túm chặt lấy nàng:

– Tiểu thư hãy khoan!...

– Ông định làm gì thế? Tôi là kẻ tu hành.

– Hãy khoan cho tôi ngỏ một lời...

– Sao ông còn theo tôi làm gì? Nói vô phép, ông là người khốn nạn, ông độc ác lắm! Ông nham hiểm lắm! Thưa ông, người vợ thứ ba của nhà thi sĩ bất hạnh kia, phải chăng đấy là một người đàn bà nhà quê mà ông mượn và để... khóc người bất hạnh và để đánh lừa một cô gái khờ dại là tôi đây. Thưa ông, tôi đã được gặp người đàn bà kia, tôi đã rõ cả cái sự bí mật của hồ Tĩnh Tâm. Tôi muốn ông đừng chối cãi gì nữa. Chỉ xin ông ban cho tôi một cái ân tối hậu là ông để cho tôi...

Dứt tay một cái mạnh, nàng nhảy tùm xuống hồ bán nguyệt. Trần Sinh vẫn điềm nhiên, một lát sau, chàng sẽ chạy vào chùa báo cho mọi người biết cái tin: “Cô tiểu Ngọc Nương câu cá ở trên hồ vô ý té xuống nước”.

 

Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Hương Giang sử V. Hình ảnh cũ // Tiểu thuyết thứ bảy, Hà Nội, s. 20 (13 – 19 Octobre 1934), tr. 35 – 36; s. 21 (20 – 26 Octobre 1934), tr. 9 – 11.

 


 

(1) Tiếng Trung kỳ nghĩa là anh ấy. (nguyên chú)

([1]) Bóng trăng lấp loáng. (nguyên chú)

[a] Ở chỗ này, bản in để chấm lửng một dòng, dự đoán có chừng 8 – 12 từ bị đục bỏ khỏi khuôn in (Tiểu thuyết thứ bảy, s. 21 ngày 20 – 26 Octobre 1934, tr. 9) – N.S.T.