KHÓI LAM CHIỀU

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tiểu dẫn: Tác phẩm này khi đăng Tiểu thuyết thứ bảy có nhan đề Tiếng địch trong rừng sim, phụ đề ‘tiểu thuyết về phong tục miền sơn cước Trung Kỳ’; khi in thành sách riêng đổi tên thành Khói lam chiều.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

 

 

Tặng Lê Tràng Kiều, người đã sống bên cạnh tôi

những ngày gió bụi đầy thi vị  [a]

L.T.L.

 

 

Trên một đám lá ủ lại thành chiếu nằm, con Vịnh vươn mình một cái, đưa tay dụi mắt, rồi ngồi phắt dậy… Trời đã chiều hẳn. Bóng vàng còn lảng vảng trên những chòm thông xì xào hát với ngọn gió chiều.

Con Vịnh nhìn ra bốn phía rừng, tịnh không thấy một bóng người, một bóng thú: những bạn đồng nghiệp của nó đã đập bò về trong xóm từ hồi nào rồi. Mấy con chim "bồ chao", từng hồi một, đánh ở trong bụi rậm, báo trước cảnh hoàng hôn sắp đến, cảnh hoàng hôn dữ dội.

Chết tôi rồi! Con trâu bạch chạy đi ăn lúa ở phương mô rồi nữa!

Mình mẩy toát cả mồ hôi, nó bưng mặt khóc. Nó chợt nghĩ đến những hình phạt ghê gớm mà nó phải chịu trong hôm vừa rồi và sẽ phải chịu trong tối hôm nay nữa. Suốt hôm qua, nó làm việc không hề hở tay… Hết xay lúa rồi nó quay ra giã gạo, rồi giần, rồi sàng, rồi canh một qua, canh hai qua, cho đến canh năm, nó vừa đặt lưng xuống, chưa kịp nhắm mắt thì gà ở ngoài chuồng đã giục giã gáy sáng. Rồi suốt ngày hôm nay nó phải ngủ đứng ngủ ngồi cho lại sức, để con trâu bạch thoát đi hồi nào không hay…

Bỗng… một làn gió chạy qua, trong  những bụi sim già, cành lá sột soạt đánh vào nhau như gọi dậy cái sầu ủ rũ ở trong rừng sâu u tịch. Và từ chốn xa xôi lại, con Vịnh lắng tai nghe có tiếng sáo trúc đưa tới, dìu dặt, khoan thai… Nó thấy như có một tia hi vọng đến làm ấm áp lòng nó. Nó thấy cái lạnh lẽo đìu hiu ở trong rừng sim tiêu tan hết…

Tiếng sáo ngừng hẳn… nó nghe có tiếng véo von hát:

Vì mây cho núi lên trời,

Vì chưng gió thổi hoa cười với trăng…

Rõ ràng là tiếng thằng Đối, con ông phó Thanh, hát ở bên kia bụi lau. Quên cả nỗi buồn bực ở trong lòng, con Vịnh cất giọng nối theo:

Đến đây những suối cùng khe,

Chân sim bóng núi tiếng ve gọi sầu.

 

Thằng Đối ngửng đầu lên, lẩm bẩm một mình:

Giọng ai như giọng con Vịnh.

Rồi lại cặm cụi làm việc; nó cố đan nốt cái giỏ cỏ…

 Anh Đối, trời tối rồi, anh chưa về ư?

Con Vịnh đã lê đến sau lưng, cười nói đon đả.

 Tôi có ý chờ cô để về luôn một thể.

 Cảm ơn anh lắm lắm!

Nhưng nó vừa sực nhớ đến trâu của nó, nó rưng rưng nước mắt, hỏi thằng Đối:

 Anh có thấy con trâu của tôi chạy ngã mô không anh?

Có, nó chạy vào rú rậm.

 Đừng nói đùa, tội nghiệp, anh!

 Nói chơi đấy, tôi thấy nó vào rẫy ông trưởng Điến…

"Trưởng Điến", hai chữ tên ấy, gợi vào trong trí con bé bao nhiêu điều hung ác, khó chịu. Nó còn nhớ rành mạch rằng: đã có lần trâu của nó đã ăn hết một bụi lúa của lão trưởng Điến, bị lão bắt về và đòi cho kỳ được năm quan tiền vạ. Nó còn nhớ chủ nó hôm ấy lột sạch cả áo quần nó, trời rét căm căm, bắt nó nằm ngoài chuồng lợn. Thế đã hết đâu, năm quan tiền vạ ấy chủ nó lại trừ vào tiền công của nó nữa.

Nó lại sợ lần này rồi cũng đến như lần trước, nó khóc oà lên.

Bỗng thằng Đối rú lên một cách dễ sợ:

 Vịnh, mày trông kia kìa; trốn mau! Trèo lên cây!...

Con Vịnh chả trông thấy gì, hoảng hốt theo thằng Đối, trèo lên cây đa. Một bầy lợn rừng hung hăng ở đâu tiến đến, những cái nanh nhe ra như cái lưỡi lê hung tợn.

Con Vịnh đứng ở trên cây, đưa tay nắm chặt lấy tay thằng Đối, quên lửng đi rằng mình năm nay đã mười sáu tuổi. Thằng Đối sung sướng quá, âu yếm bảo con Vịnh rằng:

 Vịnh, em đừng sợ! Chốc nữa bầy lợn tan đi nơi khác, tôi sẽ đưa em về…

Quả vậy, bầy lợn đã đem nhau đi nơi khác, tiếng ục ịch nghe đã xa xa. Yên lòng, con Vịnh theo thằng Đối xuống đất.

Nhưng bấy giờ, cả cảnh rừng đã tối đen lại. Người ta như thấy đi trong một hang tối, và nghe có những tiếng rất lạ lùng ghê gớm. Hai con cú mèo trên cành đa, trao đổi nhau những lời thảm đạm.

 Anh Đối, ngọn gió lạnh quá!

 Để tôi đốt lửa lên mà sưởi cho ấm, rồi ta sẽ cùng về.

Cái ý nghĩ "về" làm cho con Vịnh giởn cả người. Nó lại nhớ đến con trâu của nó, đến những hình phạt đương chờ đợi nó.

–  Về, chả về thì đừng!

 Câu nói của con Vịnh làm cho thằng Đối ngạc nhiên và mỉm cười. Thì chính trong trí thằng Đối vừa rồi cũng có một cái tư tưởng như thế. Nó muốn ở lại trong rừng sâu và qua một đêm thú vị bên cạnh con Vịnh.

Im lặng, nó đi lượm mấy cành củi khô, rồi châm diêm lên đốt. Ngọn lửa như kéo lại sự vui vẻ ở trong lòng cô bé. Hai đứa vừa sưởi vừa chuyện trò giòn giã như ngô rang.

Thằng Đối lấy ra một đùm cơm nắm với một gói muối vừng hồi trưa còn lại, chia nhau ăn rất vui vẻ. Giữa bữa cơm, con Vịnh đưa chuyện nhà ra kể cho thằng Đối nghe, như kể cho một người anh ruột. Con Vịnh khi sinh ra đời chẳng biết có cha. Nó ở với mẹ, một bà cụ già đầu đã lâm râm bạc, và mắt đã bắt đầu muốn loà. Giá nó sinh ra sớm một chút nữa có lẽ đã bớt khổ.

Cảnh nhà thì nghèo, trong lúc mẹ nó không làm gì được vì già yếu, thì nó cũng chả làm công chuyện gì được, vì còn khờ dại. Mẹ già con muộn, lo sống lay lắt cho qua ngày tháng, để đợi… ngày mẹ nó xuống lỗ, còn nó thì… đi ở thuê.

Khen cho tạo hoá cũng khéo xếp đặt, cái nhà xiêu vẹo và rách nát thường che mẹ con con Vịnh lúc nắng lúc mưa, ngày nay vừa vặn bán đi để mua cái thọ đường cho bà cụ. Bà cụ thở hơi thở cuối cùng. Trong khi cái xác ma của bà êm ấm, thì con bà sống cầu bất cầu bơ không nơi nương tựa. Rồi cực chẳng đã, nó phải chui đầu vào ở mướn với ông bá Ngưỡng, một năm được năm quan tiền công, cái số tiền đủ mua lễ vật cho kỳ giỗ mẹ nó. Thằng cha bá Ngưỡng khắp cả làng Phú Mỹ ai lại không gớm cái mặt nó. Nó bủn xỉn, nó keo cú, nó tàn nhẫn đến nỗi con Vịnh làm thuê cho nó sáu bảy năm trời mà nó chỉ sắm cho được vài bộ quần áo vải, và tiền công thì nay lần mai lữa, chỉ mong có dịp để trừ bớt, để quỵt. Con Vịnh ngày thì vào rừng chăn trâu, đêm về thì công việc bề bộn, khổ nhục đến điều. Tôi nghiệp con bé không bao giờ dám mở miệng than lấy nửa lời, nhưng chính lão thì lão kêu ca chẳng biết mỏi miệng. Hôm thì lão bảo trâu lão ăn đói, hôm thì lão kêu trâu lão ốm giơ xương. Bao giờ lão cũng kiếm cho được vài cớ để rầy mắng con bé. Lão có một cách trừng phạt rất lời, lợi cho lão,  là mỗi khi con Vịnh có lỗi, thì lão bắt nó làm việc gấp đôi, gấp ba…

Con Vịnh ngồi thuật chuyện mình cho thằng Đối nghe, hai khoé mắt liu riu như muốn khóc. Thằng Đối thì ngồi tẩn ngẩn không nói một tiếng, lâu lâu nó bỏ thêm vào đống lửa một vài que rèo, cho ngọn lửa cứ đượm mãi, là ý nó không muốn để cho câu chuyện của con Vịnh phải ngừng lại một phút nào... Mỗi khi nó nghe con Vịnh kể tới một chỗ thương tâm thì thằng Đối lại ngửng lên nhìn trộm một cái. Dưới cái bóng lửa rọi lại, nó thấy hai má con Vịnh đỏ ửng, thì nó nhận thấy con Vịnh dễ thương lắm, đẹp lắm, đẹp hơn hết cả những con gái ở vùng này. Nhưng miệng nó không thốt ra được một lời âu yếm, để chia khổ với con Vịnh, trong lúc bụng nó chứa chan cảm tình, muốn nắm lấy tay con Vịnh và kéo vào lòng nó.

 Vịnh, em kể hết chuyện đi.

Hết rồi, chuyện của em chỉ có thế thôi.

Rồi cả hai đứa ngồi thừ ra nhìn những que rèo nổ lắc rắc… Xa xa con cắc kè điểm từng tiếng một, đo cái thời khắc lạnh lùng qua, cái thời khắc trầm trọng ở trong rừng khuya… Chặp lâu thằng Đối chỉ nói được một câu để tỏ cả cái nỗi lòng của nó đối với con Vịnh:

Thôi, em hãy ngủ đi, mai anh sẽ giúp em tìm cho được trâu.

Ngoan ngoãn, con Vịnh ngả xuống cái "chiếu lá", nhưng nhắm mắt lại, nó đã thấy cái hình ảnh giữ tợn của thằng cha trưởng Điến, sừng sộ đòi cho được năm quan tiền vạ. Nó kéo cả thằng Đối nằm bên nó, cho được yên lòng.

Xa xa con cắc kè ung dung điểm từng tiếng một, đó cái thời khắc lạnh lùng qua, cái thời khắc trầm trọng ở trong rừng khuya…

 

 

II

 

Một buổi sáng kia, ông phó Thanh đương ngồi vắt chân chữ ngũ trên bộ ván ngựa, ung dung uống nước trà…

Bên ông, thằng Đối đứng khúm núm van xin:

Thưa thầy, oan con lắm…

Thì sao thiên hạ đồn ầm lên thế? Anh không tin lời nói của tôi là thật thì anh qua bên xóm hỏi bà Nứa. Chính bà ấy vừa nói với tôi khỏi miệng rằng: tối hôm kia, anh ngủ lại trong rừng với con nào… Anh cãi sao thì cãi cho tôi nghe thử.

Thưa thầy, oan con thật! Mệt quá, con ngủ quên trong rừng một mình.

Một mình! Ngủ quên! Hừ! Anh coi tôi như đồ trẻ con chưa biết gì hẳn! Bà Phó đâu! Ra mà nghe đấy! Con bà ăn nói khôn ngoan lắm đấy chớ!

Một bà cụ trạc độ sáu mươi tuổi, lưng đã hơi gù, miệng móm, ở trong nhà ngang bước lên, hầm hầm nét mặt. Bà nhổ cái bã trầu ở trong miệng ra cái "toẹt", tay trỏ vào mặt thằng Đối, mắng luôn:

Con trai con đứa đã mười chín tuổi đầu, còn bé bỏng lắm đó! Anh ngủ trong rừng, nghe nói mà chướng tai! Hừ! Tôi đây cũng còn có cái "ổ" cho anh rúc vào rúc ra chứ? Người như anh cũng chưa đến nỗi phải ngủ xó bụi góc bờ…

Rồi bà quay lại nói với ông Phó:

 Chính con Vịnh cũng khai với ông bá Ngưỡng thế! Đích rồi! Anh chàng chị chàng ngủ với nhau trong rừng chứ lại gì nữa…

Bả lại quát to:

Thôi phen này nó giết tôi!

Thưa mẹ! Quả là người ta thêu dệt…

Thêu dệt? Thêu dệt? Anh không có tội gì hết cả, nhưng ba quan tiền của tôi, tối hôm qua anh đánh cắp cho ai? Ba quan tiền của tôi bán hai thúng lúa, tôi chưa kịp cất đi, còn để trên sập… Ngoài anh ra ai vào đấy nữa… Khôn hồn thì anh trả lại tôi!

Ông Phó giận quá, không nén được nữa. Ở trên phản ông nhảy xuống, nắm lấy đầu tóc thằng Đối, dúi xuống đất. Ông đưa chân nện vào lưng nó và tát vào mặt nó túi bụi…

Thằng Đối chỉ kêu van chứ không nói gì được nữa.

Bà Phó chạy lại xin ông Phó tha cho nó và ngọt ngào dỗ nó:

 Có phải con lấy trộm của mẹ ba quan tiền để cho con Vịnh không? Con cứ khai thật đi, rồi thầy me tha cho con.

 Thưa mẹ, quả không có chuyện ấy.

Không thì con Vịnh đào mồ ông nó cho ra ba quan tiền để nộp vạ cho thằng cha trưởng Điến?

Ông Phó vẫn chưa hết giận; ông lại vớ cái roi mây, nhảy vào, phết cho thằng Đối mấy cái nên thân…

Con chả con thì thôi! Đồ phá gia! Nhà này không thể dung quân ấy được. Anh cởi trả quần áo đây tôi, rồi anh đi mô thì đi!

Thằng Đối giựt ra được, chạy ra đống rơm, ông Phó đuổi theo. Bà Phó cản lại:

 Thôi "thầy hắn" để mặc tôi, đừng làm om lên, hàng xóm bu tới, không tốt.

Nằm trên đống rơm, thằng Đối khóc nức nở. Những lằn roi ở trên lưng nó như thúc giục nó mau ra mà thú hết cả câu chuỵên tình cho thầy mẹ nó hay. Nhưng… nếu rồi đây, chuyện mà vỡ lở, thì danh giá con Vịnh còn gì? Phận tôi đòi, nó cũng có cái danh giá của nó chứ? Nó sẽ ăn nói làm sao với con Cần, con Bích; mỗi khi gặp nó, chúng sẽ chào nó bằng một nụ cười mỉa mai…

Vì tấm ái tình đối với con Vịnh, thằng Đối phải bưng kín miệng bình. Và còn một lẽ nữa, là nó không thể thú với thầy me nó là vì rồi đây con Vịnh sẽ lấy đâu ra ba quan tiền để trả lại cho nó.

Bỗng trong cái trí tối tăm, buồn rầu, nó thấy có một tia sáng. Bây giờ nó muốn đem tất cả câu chuyện thú cho thầy mẹ nó. Dầu là bị rầy bị mắng, bị tấn bị tra, bị treo cẳng lên xà nhà, nó cũng vui lòng chịu hết, miễn là thầy mẹ nó vui lòng để cho nó đường hoàng lấy con Vịnh. Được lấy con Vịnh làm vợ, nó sẽ sung sướng biết bao! Nó tưởng tượng đến cái miệng rất xinh và hai cái má đỏ ửng của con Vịnh, khi con bé kể những chuyện thân mật trong đời nó…. Rồi chẳng ngần ngại gì hết, nó đặt con Vịnh lên trên cả những cô gái quê mỹ miều mà nó gặp ở hội chùa Quang Minh độ nọ.

Con Mít, con ông lý Hân sắc sảo nhưng hơi lẳng một chút; con Sọ, con ông nhiêu Cựu thì được cặp mắt bồ câu, nhưng phải cái miệng toe toét suốt ngày, như cái thanh la vỡ. Con Huệ, con ông chánh Kỳ thì lanh lợi, xinh xắn, hoạt bát, đủ điều, nhưng cặp mày sắc lẻm… gái ấy phải sợ…! Duy chỉ có con Vịnh là trọn vẹn mà thôi. Nó đẹp một cách kín đáo, phúc hậu, lại có duyên thầm, và ăn nói nhỏ nhẻ như một con tép. Nó chỉ có một vết xấu là nó nghèo, nó không cha mẹ, nó phải đi ở thuê… nó là phận tôi đòi…

Thằng Đối bỗng thấy hiện ra trong trí nó một ông cụ già đạo mạo, râu tóc bạc phơ, chắp tay sau đít nghiêm trang bảo nó:

"Không được! Mày định đưa danh dự nhà này ra bôi nhọ hay sao? Tao đây đỗ hai khoa Tú tài, ba lần ăn Tiên chỉ làng Phú Mỹ. Tao sinh ra cha mày, tuy rủi gặp lúc triều đình bãi thi, mà nhờ phúc nhà, cha mày cũng chạy được cái chân Phó tổng, cũng đủ làm rạng vẻ cho tổ tông. Nay đến mày, không làm nên trò trống gì, lại định lấy một đứa ở thuê, một con ăn mày, đồ cầu bất cầu bơ, không nhà không cửa; mày hãy giết cha mày đi, rồi hãy lấy nó…"

Cái ông già ấy là ông nội thằng Đối, chết đã mười năm nay, mà linh hồn vẫn hiện về cầm cương nảy mực cho gia đình nó. Giữa những sức mạnh ấy, con Vịnh cũng hiện ra trong trí nó, khép nép sợ sệt, mà vẫn xinh tươi, ngây thơ, nhìn nó mà cười: một nụ cười thành thực, đầy tình tứ.

Thằng Đối lẩm bẩm: "Ta không nỡ bỏ nó, tội nghiệp. Nó nghèo, nó không cha mẹ. Nó đáng thương và nó có đủ cả mọi vẻ nhu mì để làm cho ta sung sướng!"

 

III

 

Một buổi sáng về mùa xuân, con Vịnh lại đập trâu vào cho ăn trong rừng sim. Nó ngồi chơi một mình dưới gốc cây đa vì đã lâu nó cảm thấy những đứa trẻ khác, như không thèm lại gần nó nữa… Nhưng điều ấy chưa đủ làm cho nó buồn, cho cuộc đời của nó đến nỗi tẻ ngắt như thế. Nó đương ôm một nỗi khổ tâm khác, nặng nề hơn, khó chịu hơn… Đã một tháng nay, nó thấy trong mình nó khác khác, nó thấy mỏi xương, đau lưng, hay buồn ngủ và thèm chua… Nó biết là triệu chứng của một sự khác… thường.

Nó muốn đem chuyện ấy ra hỏi bà Mục ở bên xóm, nhưng nó sợ chuyện vỡ to ra… Rồi nó đành ôm ấp lấy một mình, ngày đêm lo ngay ngáy, đến nỗi hai mắt nó thâm quầng lại và mặt mày xanh như tàu lá…

 Nhưng sao ta không tỏ hết sự tình với anh Đối?

Một con sáo ngà từ đâu bay tới, đậu ngay ở trước mặt nó, trên một cây thông… Con sáo nhảy từ cành này qua cành khác, và hót lên những giọng véo von vui vẻ… Nhưng con Vịnh thấy như con sáo nói với nó những lời mỉa mai sâu độc… Nó liền cúi nhặt một viên sỏi, ném con sáo. Con sáo rũ cánh bay về chốn chân trời xa, không hề kêu lên một tiếng oán trách. Đuổi con chim, con Vịnh tưởng sẽ đuổi hết được  những nỗi buồn rầu cứ lưu luyến theo mình.

Nhưng…

Sao ta không đem hết sự tình nói cho anh Đối nghe? Anh Đối hơn ta  ba tuổi, anh từng trải hơn ta… và chỉ có anh Đối là yêu ta và lo nghĩ đến ta mà thôi.

Nghĩ đến thằng Đối, con Vịnh thấy vững lòng, và bớt lo sợ… Con bé khờ khạo, nó quá tin cậy ở ái tình… Nó không được đọc sách, nó không thấy những sự thất vọng về tình duyên tả trong những cuốn tiểu thuyết. Nó không hề nghe những tiếng khóc thảm thiết của những tình nhân bị ruồng rẫy. Nó là con chim con ở miệng tổ, quá tin ở bầu trời trong sáng. Nó có biết đâu rằng chốc lát nữa đây, từ phương trời xa lạ kia sẽ kéo tới những đám mây u ám và những trận gió hung tàn…

Nó vững lòng tin cậy ở ái tình, ở thằng Đối…

Ta sẽ tìm anh Đối, và kể hết sự tình cho anh nghe. Có thế nào thì anh sẽ thu xếp hộ ta…

Bỗng nó lắng tai nghe từ bên kia bụi lau đưa lại những tiếng sáo trúc dìu dặt, khoan thai. Tiếng trúc lạnh lùng và thảm đạm, nghe như tiếng con chim con lạc loài, gào kêu thảm thiết, trong lúc mẹ nó đã bỏ thân trong một cuộc hành trình xa xôi…

Buồn rầu, con Vịnh ngả mình vào gốc cây đa. Nó thầm trách thằng Đối thổi chi những giọng tiêu tao, làm cho lòng nó thêm ngao ngán.

Nó đứng phắt dậy, hát lên mấy câu cho đỡ buồn:

Một ngày hai bữa trèo non,

Lấy gì mà đẹp mà giòn hả anh?

Một ngày hai bữa cơm dền,

Lấy gì má phấn răng đen hỡi chàng?

 

Bên kia bụi lau, thằng Đối cũng đáp lại mấy câu:

Đôi ta làm bạn thong dong,

Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng.

Bởi chưng thầy mẹ nói ngang,

Để cho đũa ngọc mâm vàng cách xa.

 

Thằng Đối cũng đương có mối đau nén ở trong lòng và cũng cần hát lên mấy câu cho ngực dễ thở…

Nó buồn, nó khổ vì nó sắp phải lấy vợ… Thầy mẹ nó đã đi hỏi con gái ông bà Ngô cho nó. Sở dĩ thầy mẹ nó lo việc hôn nhân cho nó gấp bức như thế, là để chuộc lại miệng tiếng ra vào của thiên hạ. Trầu bé trầu lớn, ông bà Ngô cũng đã thâu nhận cả rồi. Bề ngoài thì làm ra hai bên vì tình cố cựu xưa nay mà kết thông gia với nhau, nhưng kỳ thực bề trong thì chỉ dòm ngó nhau về ruộng vườn nhà cửa. Ông bá Ngô có những bẩy mẫu ruộng chiêm, và hai cái rẫy sắn. Về mặt ruộng vườn thì ông Phó có vẻ kém sút ông Bá, nhưng ông lại hơn về mặt khác. Ông có những bốn con trâu mờm to chắc, và lại có những bạc trăm cho vay nữa… kể thì cũng môn đăng hộ đối đấy chứ sao…Về đám cưới thằng Đối, ông Phó có bán đứt đi hai con trâu để lo liệu công việc, thì rồi ông Bá cũng phải bỏ ra hai mẫu để làm hồi môn cho con gái. Thì của ấy cũng về thằng Đối chứ về ai…?

Bấy nhiêu điều ấy tính toán ở trong óc ông Phó Thanh, thằng Đối có hay biết chi đâu! Miễn sao là đến ngày cưới, thằng Đối chịu bận cái áo thụng xanh, đến nhà vợ làm lễ gia tiên. Thế là yên việc. Thằng Đối nó có yêu vợ nó hay không yêu vợ thì có quan hệ chi.

Con bé thì rỗ chằng rỗ chịt, chưa nói thì đã cười toe toét, thương sao vô?...

Đã biết bao lần, thằng Đối nó lẩm bẩm như thế, nhưng cũng chỉ lẩm bẩm cái bất bình, uất ức của nó một mình mà thôi. Nó không tỏ ra cho thầy mẹ nó biết, vì rằng nó sợ thầy mẹ nó nghi ngờ nó còn say mê con Vịnh… Không, nó không muốn cho ai hay rằng nó yêu con Vịnh, mà sự thực thì trong những lúc xa vắng con Vịnh, nó bứt dứt khó chịu lắm. Hôm nay nó muốn gặp tận mặt con Vịnh và ngỏ hết các sự tình cho con Vịnh nghe. Đã yêu nhau thì không nên có điều giấu giếm nhau nữa. Cái tâm hồn bình dị của nó rất hiểu cái lẽ đơn giản ấy… Nó vui vẻ cất giọng gọi con Vịnh:

 Qua đây "đổ tam quan", Vịnh!

Nghe thằng Đối gọi, con Vịnh hớn hở rúc bụi chạy qua. Hai đứa nhìn nhau mà cười sung sướng như hai bên không hề xảy ra chuyện gì… Muốn gặp nhau để tỏ bày tâm sự cho nhau hay, hai đứa chỉ nhìn nhau mà cười, cười một nụ cười trong trẻo, ngây thơ, yêu đời…

Giọng âu yếm, thằng Đối bảo con Vịnh:

 Em ngồi xuống đây, anh gỡ những gai mắc ở trên đầu cho em.

Con Vịnh ngồi xuống bên thằng Đối, gục đầu vào lòng nó. Thằng Đối dịu dàng đưa tay gỡ những cái gai khô, mà con Vịnh vừa vướng vào tóc, khi rúc qua bụi. Nó thấy như lòng nó cũng được một bàn tay yêu đương, dịu dàng mơn trớn. Thân quê mùa, thô lậu, nó mấy khi được hưởng cái phút thần tiên say sưa mà nó quên rằng nó là một đứa chăn trâu quê kệch. Ái tình quả có cái đức tính ấy: nó làm cho trong sạch thanh tao cả được cái vật chất thô bỉ. Con Vịnh sung sướng quá, hai giọt nước mắt từ từ rơi trên gò má.

 Em Vịnh, em làm sao thế?

 Không, em có làm sao đâu…

Thực ra con Vịnh nó cảm động quá. Từ khi mẹ nó chết rồi, lần này là lần đầu tiên, nó nghe rỉ vào tai những lời dịu ngọt. Nó muốn thốt ra ít lời để cảm tạ cái lòng tốt của thằng Đối, nhưng nó ngập ngừng nói không được. Thằng Đối tưởng bạn nó có điều gì không vui, lựa lời khuyên dỗ:

 Em Vịnh, em đừng buồn. Thế nào rồi đây anh cũng xin phép thầy mẹ cưới em làm vợ… Chúng ta sẽ…

Nó bỗng ngừng bặt giữa câu nói và bẽn lẽn cúi mặt xuống. Nó thấy nó vừa nhẫn tâm lừa dối một người thiếu nữ yếu hèn. Buồn rầu nó bảo con Vịnh:

 Em tha lỗi cho anh.

 Anh thì có lỗi gì?

Con Vịnh tưởng rằng thằng Đối đã đoán được tâm sự mình, toan đem hết cả "sự tình" ngỏ cho bạn hay, thì thằng Đối đã rưng rưng nước mắt cầm lấy tay con Vịnh nói tiếp:

 Em Vịnh, em tha lỗi cho anh nhá. Anh định nói dối em… Đôi ta chắc không lấy nhau được, và chắc trọn đời cũng không lấy nhau được. Anh sẽ lấy con Sáu Lạc, con ông bá Ngô!...Biết làm răng được giờ. Ông trời kia buộc phải thế. Ông bà bá Ngô đã nhận trầu rồi. Có lẽ qua tháng năm thì cưới…

Con Vịnh không hề đổi nét mặt. Những lời nói của thằng Đối không làm nó ngạc nhiên tí nào. Là vì nó yêu thằng Đối, mà nó không hề mảng đến sự cưới xin. Nó không nghĩ đến một ngày kia nó sẽ về đeo chùm thìa khoá và coi sóc cửa nhà cho thằng Đối. Không! Nó biết phận nó lắm. Nó cho rằng thằng Đối không lấy nó là một lẽ tất nhiên. Nhưng nó nghĩ đến cái đêm hôm ấy, cái đêm mà nó ngủ với thằng Đối ở trong rừng, và nhất là nó nghĩ đến sự thay đổi ở trong người nó, trong một tháng nay thì nó không thể không rùng mình.

 Em Vịnh, em làm sao thế! Dầu răng đi nữa, anh thề có mặt trời trên đầu, anh không bao giờ quên em được.

 Thì anh nhớ mà làm gì? Em chỉ cầu sao khi cưới, anh đừng quên cho em một miếng trầu!

Ân hận vì đã thốt ra một câu chuyện chua chát, con Vịnh giở giọng bông đùa:

Hôm cưới anh, em không tặng gạo nếp, tiền nong chi đâu, vì em nghèo lắm. Em bắt chước cậu gì con ông huyện Minh, tặng suông anh một bó hoa… Chơi kiểu "văn minh" ấy thế mà đỡ tốn, mà lại ngộ nữa chứ! Em sẽ vào rừng kiếm hai đoá hoa mồng gà, ba đoá hoa dâm bụt, thật nhiều hoa mẫu đơn, và một ít chùm mù tru nữa anh nhá. Em nghèo tiền nghèo bạc, nhưng em được cái giầu công. Bằng lòng rồi đấy nhá! Anh cho em mừng anh chị một bó hoa.

Thằng Đối có vẻ không bằng lòng lối pha trò ấy, nói lảng sang chuyện khác:

 Thôi ta vào khe uống nước đi! Anh khát lắm.

 Đi thì đi…

Rồi hai đứa dẫn nhau đi, phải lách qua không biết bao là bụi rậm mới đến khe. Dọc đường, con Vịnh chạy nhảy như một đứa trẻ. Hai con mắt luôn luôn thóc mách đi tìm ở bên đường những trái sim chín đỏ, rồi nó hái đưa vào miệng cho thằng Đối. Nó lại bẻ một cành thông làm ô che chung hai đứa. Nó thấy một cây lau ngả xuống chắn ngang đường, nó kéo thằng Đối lại và nũng nịu bảo bạn:

Rồi đây trước khi anh đi lấy vợ, em muốn anh cắt lau tiện cho em một cái sáo, để khi nhớ đến anh…

Bỗng nó thay đổi ý nghĩ:

Nhưng mà đàn bà thổi sáo, trơ lắm phải không anh? Cách đây bốn năm năm, ngày em còn bé, con Bích cho em một ống sáo lau, em ngồi ở trên mình trâu, em thổi luôn miệng. Nhưng về sau, không hiểu vì sao, chủ em bảo em chẻ ống sáo ấy đi.

Hai đứa đã đi tới khe nước. Thằng Đối lấy hai tấm lá me kết lại làm thành cái gáo, rồi múc nước cho con Vịnh uống. Hai đứa lặng lẽ, cùng ngồi trên một tảng đá. Trên đầu chúng nó, những cây hoang, uốn thành vòm, trông như một cái mái nhà thiên tạo. Chúng có cái cảm giác như được biệt lập ra một nơi riêng, cùng nhau hưởng lạc thú vợ chồng, xa những tiếng xì xào của dư luận.

Nũng nịu, sung sướng, con Vịnh đưa chân vẫy. Làn nước gợn mấy vòng, rồi lại bình tĩnh phẳng lỳ, cau nét mặt lại.

Con Vịnh lại buồn. Nó chợt nhận thấy sự ngắn ngủi mỏng manh của cái lạc thú ở đời. Nó lại nghĩ đến cái kiếp nó, cái kiếp tôi đòi không hề thay đổi, vẫn tối tăm, vẫn lem luốc, kéo dài – than ôi! đến biết bao giờ  kéo dài những những ngày vô thú vị. Nó còn nghĩ đến nhiều điều khác nữa. Nó còn nghĩ đến cái ngày rồi đây nó phải lạnh lùng nhìn thằng Đối đi lấy vợ, nhất là cái ngày – chắc chắn lắm – mà nó sẽ thè lè cái bụng… Không, nó mới mười sáu tuổi. Nó còn chưa đủ sức để chịu nổi một mình những mối khổ não đè trên cái lòng bé nhỏ của nó… Buồn rầu và lơi lả, nó tựa đầu vào vai thằng Đối.

Nó toan đem sự tình kể hết cho thằng Đối nghe, thì có tiếng người làm cho nó giật mình:

Chào anh… chị.

Con Vân, người em họ của thằng Đối đã tiến đến trước mặt chúng và mỉm cười một cách chua chát. Nó vẫn mỉm cười và nói tiếp:

Em trách anh chị lắm đấy! Cưới xin lúc nào không cho em được một miếng trầu, tệ quá! Hay là anh chị chê em nghèo, không có chi mừng anh chị chăng?

Nói rồi, nó ngoay ngoảy quay lưng đi.

Thằng Đối nghẹn ngào, đưa mắt nhìn con Vịnh. Nó lẩm bẩm: "Sợ gì! Bức quá thì ta sẽ liều!" Rồi nó nói với con Vịnh:

Con Vân nó có về mách nhà nữa thì đã làm sao! Sợ gì! Bức quá thì ta sẽ liều…

 

Con Vịnh nhìn thằng Đối với con mắt sợ sệt và buồn bã…

 

 

IV

 

Bấy giờ đã quá canh ba. Làng Phú Mỹ đã mê man trong giấc ngủ. Lặng ngắt bốn bề, không có một tiếng động. Thỉnh thoảng chỉ nghe có tiếng mõ cầm canh, nghiêm trang điểm từng hồi một, làm cho cái cảnh im lặng lúc đêm khuya càng thêm nghiêm trọng.

Thằng Đối vai mang một cái khăn gói, nó tìm những con đường hẻo lánh tối tăm mà đi. Nó đi nhẹ nhàng êm đềm như một cái bóng. Nó không dám ho, không dám đằng hắng. Nó trông tả nhìn hữu, sợ sệt như một thằng ăn trộm. Kể thì nó vừa làm một việc nguy hiểm gấp mấy việc ăn trộm. Nó cúi mặt đi, không dám nhìn lại cái nhà nó một lần nữa, dầu là lần cuối cùng… Sự sợ hãi và sự căm tức đã giết mất ở trong trí nó cái tình gia đình, cái tình quê hương; nó quên phứt đi rằng: nó sắp từ giã mà không bao giờ còn gặp lại nữa những người thân yêu của nó, và những vật đã chứng lúc vui lúc buồn của nó: cây cam ở sau vườn, cây bàng ở ngoài ngõ.

Trước khi ra đi, nó chỉ nhớ một điều – mà nó quên làm sao được điều ấy – là cái ái tình dang dở của nó – và cũng chỉ nhớ có một người, là người mà nó yêu thương: con Vịnh… Nó tin chắc rằng trong giờ này mà mọi người thiêm thiếp giấc nồng, chỉ có con Vịnh là còn thức mà thôi, thức để làm hết những công việc nặng nề, quá sức một người con gái yếu ớt… Nó tìm những con đường tối tăm hẻo lánh để tới thăm một lần cuối cùng người tình nương vô phúc của nó.

Đi đến cổng nhà ông bá Ngưỡng, cố nhiên là nó chẳng dám vào cửa chính, nó nương theo một rặng dâm bụt mà đi tới cái nhà ngang. Đứng ngoài, nó lấy tay phách một cái lỗ con qua cái phên nứa, đủ đặt mắt vào đấy. Quả nhiên, nó thấy con Vịnh đương ngồi một mình, sàng gạo dưới ánh sáng một ngọn đèn dầu phộng liu hiu… Con Vịnh, hai tay như một cái máy lia lịa làm việc, mà cặp mắt thì lờ đờ hình như đi vào cõi mộng… Sự thực thì nó chẳng mơ mộng gì đâu, nó cũng chẳng nghĩ tới thằng Đối, chỉ vì mệt quá, nó buồn ngủ…

Vịnh, em Vịnh…

Nghe tiếng gọi, con Vịnh mở mắt trao tráo, nó dừng tay, cố định thần xem ai gọi. Nhìn quanh quất không thấy một ai, nó ngỡ là tiếng gọi xa xăm ở trong giấc mộng… rồi mỉm cười, nó cười nó sao ngơ ngẩn thế.

Vịnh, Vịnh!

Nó nhìn về phía cái lỗ phên, nó đặt cái sàng xuống, chạy lại. Nó lắng tai nghe rõ tiếng thằng Đối nói với nó:

Ra đây em, mau! Đối có câu chuyện muốn nói với Vịnh.

Vội vàng, nó rúc bụi ra với tình nhân. Thằng Đối cầm lấy tay nó, nói với nó bằng một cái giọng rất cảm động, đau đớn:

 Anh đi đây…

 Anh đi đâu?

 Đi xa, lên xứ Lào… Mường Luống, Xà Vằn, xa lắm.

 Anh nói chơi?

 Thật đấy em!

Hai đứa đứng lặng nhìn nhau một hồi lâu. Con Vịnh dậm chân, bưng mặt khóc nức nở…

 Trời đất ơi! Sao lại đến nông nỗi này!

 Se sẽ chứ! Chó nó sủa lên, người ta đổ ra đấy!

 Anh Đối! Sao anh lại phải lên Lào. Anh lên Lào làm gì? Anh Đối!

Chớ em bảo anh còn biết đi đâu nữa. Mà ở nhà thì không sao ở nhà được một phút nữa. Con Vân nó về mách thầy mẹ anh hết. Hắn bảo hắn thấy chúng mình ngồi…tự tình với nhau. Chán lắm rồi! Anh không thể chọi được nữa, những lời rầy mắng của thầy mẹ anh!...

–   Nhưng anh đi đâu thì đi, anh đừng lên Lào…

Chữ "Lào" gợi vào trí non nớt của con Vịnh một non nước xa lạ… ở phương trời thăm thẳm, một xứ có tiếng nói líu lo dễ sợ, có những phong tục ghê gớm dã man, một xứ ma thiêng nước độc.

Em không muốn anh lên Lào! Ông khán Khuyển cũng đã chả phải đi Lào đấy ư? Rồi có đi, không có về, bỏ mạng ở dọc đường dọc xá… Còn ông hương Tạo, ông xã Thính thì được về xứ sở, nhưng bây giờ mang lấy bệnh nghiện, bán cả áo quần vợ mà hút.

Hơi đâu mà lo, em. Đi chết thì ở nhà cũng chả sống được. Em bảo anh cưới con ma ấy về làm gì?... Đi khổ thì ở nhà cũng chả sướng gì… nghe đâu thầy anh định xin ông bá Ngô cưới gấp…

Dầu sao em cũng xin anh đừng lên Lào. Anh lên trên ấy làm gì?

Buôn…

Buôn gì?

Buôn hàng nhẹ. Anh định mua một ít hàng Quảng, lên trên ấy bán một thành mười… Dân Lào chúng nó còn ngu lắm… Nghe người ta nói: chúng nó thấy những màu loè loẹt, rực rỡ, thì đắt mấy cũng đua nhau sắm cho được.

Thế ai bỏ vốn ra cho anh?

Thằng Đối mỉm cười đáp:

Anh xoáy của thầy mẹ anh được ngót trăm bạc.

Ấy chết! Nhà không ai biết à?

Chẳng ma nào biết!

Nó móc trong cái bọc vải ra xấp giấy bạc, giao cho con Vịnh:

Anh muốn giúp em ngần này, để mai sau…

Chết! Em lấy tiền làm chi? Em không cha không mẹ, không chị không em, em lấy tiền nuôi ai?...

Nuôi em, em phải nghĩ đến em, đến mai sau; trọn đời không lẽ em cứ cúi đầu làm thuê làm mướn cho thằng cha bá Ngưỡng. Em cầm lấy cho anh vui lòng.

Con Vịnh ngửa tay, đón lấy hai xấp giấy. Nó cảm động quá, nước mắt tuôn ra như suối. Nó ngập ngừng bảo thằng Đối:

Chiều anh, chớ thật lòng em không nỡ!

Bỗng nó đổi ý nghĩ ngay, nó quả quyết bảo bạn:

Không, không thể được! Xa anh, em còn thiết gì nữa. Tiền bạc! Chà! Tiền bạc có làm cho em sung sướng được không? Em xin trả anh… Anh, đường sá xa xôi, lạ lùng đất khách, khi sa chân lỡ bước anh biết cậy nhờ vào ai? Anh giữ lấy…

Rồi nó nhét cả hai xấp giấy bạc vào cái bao của thằng Đối…

Con Vịnh lơi lả ngả đầu vào lòng bạn, cầm tay bạn, khóc rưng rức:

Anh Đối! Anh đành lòng dứt áo ra đi đấy ư?

Anh sẽ đi nội đêm hôm nay, trước khi mặt trời mọc…

Anh đi một mình?

Không, anh đi với ông Chân.

Đi đằng nào?

Anh đi đằng đèo Măng Gia.

Đi bộ?

Bộ…

Em tiếc trời chẳng cho em làm vợ anh để níu áo anh lại… Em chỉ là người tình nhân dọc đường, gặp đấy rồi quên đấy, phải không anh?

Cần gì phải có cưới xin mới là vợ chồng, em.  Nhờ trời phù hộ cho anh mạnh gối khoẻ chân, thì đôi ta còn có lúc trùng phùng. Còn nếu bất hạnh anh có làm ma xứ người, thì hồn anh cũng cứ hiện về bên em.

Thôi anh chớ nặng lời làm chi! Em đây cũng vậy: sống chết đinh ninh một lòng.

Rồi nó kể:

Nghĩ xa xôi lại nghĩ gần,

Làm thân con nhện mấy lần vương tơ…

 

Gà ở trong chuồng đã giục giã gáy lần đầu…

Thôi anh đi!

Chào em anh đi!

Nhưng bốn tay còn nắm chặt lấy nhau, và bốn mắt còn nhìn nhau rơi lệ.

Trời già độc địa thay!

Không, em đừng trách trời! Muôn sự đều do lòng người gây nên cả!

Gà đã giục giã gáy lần thứ hai…

Bốn tay sẽ sẽ rời nhau ra.

Chúc anh lên đường bình an.

Thôi em ở lại bình an.

Vai mang khăn gói, thằng Đối tìm những đường tối tăm, hẻo lánh mà đi. Nó đi xa, nó trốn xa, đi đến những nơi biên thuỳ xa lạ…

Con Vịnh đứng nhìn nó, cho đến khi khuất hẳn mới trở vào nhà.

Ngọn đèn dầu phộng liu hiu còn đợi nó.

Chết! Công việc còn bề bộn thế này, làm sao cho hết?

Rồi nó lại cầm lấy cái sàng, hai tay lia lịa làm việc, mắt lờ đờ như đi vào cõi mộng. Nó có nghĩ gì đến những chuyện xa xôi nữa đâu. Nó mệt. Nó buồn ngủ.

 

 

V

 

Bây giờ sự ấy đã thành sự thực rồi, sờ sờ ra trước mắt mọi người, không thể che đậy được: con Vịnh có chửa đã ba tháng nay. Nó xấu hổ vô cùng. Mọi người trong làng đều nhìn nó một cách khinh bỉ, cho nó là đồ dâm ô khốn nạn, nếu sinh ra ngày trước, thì đã bị đem ra cho voi chà ngựa xé. Một hôm, nó đi gánh nước ở cái giếng đầu xóm, thằng Dưỡng đương ngồi đan rổ dưới gốc cây bàng, thấy nó đi qua, ứng khẩu đặt một bài vè, để trêu nó. Phảng phất nó nghe có những câu:

Lảng lặng mà nghe,

Cái vè con Vịnh.

Đỏng đảnh đỏng đa,

Lấy nhà thằng Đối.

Mụ trối, mụ trè,

Lè thè cái bụng.

Như trống làng ta,

Xấu xa hết nước.

Đối xước qua Lào…

……………

Nó không dám nghe nốt đoạn cuối. Nó cúi mặt lủi qua chỗ khác. Cách mấy hôm sau, cái vè ấy đã truyền khắp trong làng, đi đâu nó cũng bị trẻ chăn trâu hát vào tận mặt nó.

Nó buồn tủi quá, nó căm tức quá, nhất là trong vè có đả động đến tên thằng Đối. Nó cho rằng thằng Đối chẳng có tội tình gì, muôn sự đều tại nó cả. Mỗi khi nó nghe đứa nào hát vè, nó muốn chửi vào mặt đứa ấy. Nhưng nó thấy nó yếu ớt, phải địch lại với cả một bọn thì nó phải thôi. Nó nén lòng, nuốt thầm giọt lệ. Ra ngoài đường, nó khổ với chúng bạn, về nhà, ông bá Ngưỡng chẳng để cho nó yên. Ông đay nghiến nó, ông mắng nhiếc nó đủ điều. Có khi ông còn dùng đến roi vọt để răn nó nữa, mà thường thường ông bắt nó làm việc gấp đôi gấp ba lên để phạt nó. Một hôm, nó đương ngồi sắt sắn ở sân, bỗng thấy sấn vào một đoàn những ông Lý, ông Phó, ông Trùm và ba bốn thằng xeo, bịt khăn tai chó. Cái đoàn người ấy sừng sừng sộ sộ bước vào như một đoàn mặt ngựa đầu trâu mà Diêm Vương sai đi lùng những quân tội lỗi. Con Vịnh rụng rời tay chân. Nó có cái cảm giác rằng mấy người ấy vào bắt nó để làm tội. Rồi nó bỏ chạy ra chuồng lợn, ôm mặt khóc.

Tiếng ông Lý quát:

Xeo! Bay đâu, vào tóm cổ con Vịnh ra đây cho tao!

Bọn xeo "dạ" ran một lượt, rồi đổ xô vào tóm cổ con Vịnh. Con Vịnh không hề chống cự tý nào hết, nhưng mà nó buồn, nó khổ, nó khóc lên mấy tiếng cho quỷ thần biết rằng nó oan.

Ông Lí lại quát:

Xeo! Bay giải nó ra chợ.

Rồi quay lại bảo ông bá Ngưỡng:

 Chốc nữa ông cũng đi ra ngoài chợ cho tôi hỏi ít câu.

Đoàn đầu trâu mặt ngựa lại ra đi. Ông Lý đi trước, thứ đến ông Phó, ông Trùm, thứ nữa đến bầy xeo, giải áp con Vịnh. Dọc đường những bà lão trỏ vào mặt con Vịnh, xì xào: "Đáng kiếp đồ voi chà, băm ra trăm mảnh còn chưa hết tội".

Trong lúc ấy, ông phó Thanh và thằng Mõ làng Phú Mỹ đương thương thuyết với nhau về một việc quan trọng…

Anh Mõ, anh còn ngần ngại chi nữa. Anh cứ nhận phứt đi. Con ấy mặt mũi cũng sáng sủa đấy.

Con cũng vui lòng nhận lắm chớ. Ngặt vì bây giờ, khắp trong làng ai cũng đồn nó có nghén với anh Đối.

Thì chính vì thế tôi mới cậy đến anh. Việc nó có nghén với thằng Cả nhà tôi, thực hư thế nào không rõ, thằng Cả tôi còn đi làm ăn xa. Nhưng tiếng tăm bây giờ đã vở lỡ ra thì anh giúp tôi nhận phứt đi là anh có ăn nằm với nó, trước là anh có đôi có đũa, mà sau nữa tôi cũng khỏi mang tiếng là không biết dạy con. Tuỳ đó, anh liệu làm thế nào đó thì làm, miễn sao tôi khỏi mang tiếng với họ hàng làng nước. Việc xong xuôi, tôi xin thưởng anh ba chục bạc. Tôi có nói sai thì tôi là con chó.

Dạ, con xin nghe lời ông dạy. Làm dân không nghe lời ông Phó thì nghe ai? Nhưng sợ một điều là nó cứ khăng khăng một hai bảo rằng nó ăn nằm với anh Cả, thì con biết tính sao?

Khó gì việc ấy! Già miệng, anh cứ cãi phăng đi, anh cứ thưa với ông Lý rằng nó có thù riêng với anh Cả nhà tôi, nó muốn vu cho thằng Cả, để bôi nhọ danh thể nhà tôi… Cứ thế anh khai. Chỗ tôi với ông Lý đương thứ làng ta, ông ấy trước cũng có làm việc quan với tôi, thế nào ông ấy cũng bênh vực tôi.

Nhưng con lại sợ: tật nào vẫn tật ấy, nó lại về làm hư gia đạo nhà con.

Anh cứ lấy roi vọt mà trị cho nó chừa. Thôi anh đi đi! Bây giờ có lẽ xeo dịch đã giải nó ra chợ rồi.

Lạy ông! Con đi.

Cố làm cho trôi việc. Về đây, lĩnh ba chục bạc thưởng!

Dạ…

Rồi thằng Mõ chạy một mạch ra chợ… Thiên hạ vòng trong vòng ngoài, đứng xem chật ních… Nó chen lấn hết hơi mới vào được. Nó thấy con Vịnh đương nằm dài trên mặt đất. Trong chợ, các hương chức đang gật gù cùng nhau uống rượu.

Dãy bên này là ông Lý, ông Phó, ông Trùm, ông hương Kiểm, ông hương Bộ… dãy bên kia là các ông hào mục.

Đã ngà ngà hơi men, ông Lý bắt đầu lấy cung:

Hỡi con kia! Mi không biết làng ta xưa nay là một làng có tiếng thuần phong mỹ tục, sao mi dám làm điều xấu xa trái phép thế con kia? Mi ăn nằm với ai thì mi khai đi?

Dạ bẩm, quả con…

Mi không ăn nằm với ai, thì sao mi có chửa?

Ông Trùm nối lời ông Lý:

Nó không chịu khai thì xin ông Lý ra lệnh cho xeo lột hết quần áo tấn cho nó năm chục roi.

Các hào mục cũng nói xen vào:

Xin làng trị tội cho đến nơi để làm gương.

Thằng Mõ bấy giờ đứng vào giữa, chắp tay lạy làng ba cái, rồi gãi đầu gãi tai thưa:

Trước thưa các quan chức, sau trình ông Lý, ông Phó và hai giáp: làng tha, con được nhờ, bắt tội con phải chịu, quả thật con đã trót dại quyến rũ nó.

Ông Lý cười sặc sụa, chỉ vào mặt thằng Mõ, nói:

À! À chính anh Mõ làm cho con này phình bụng ra à? Tôi nói cho anh biết rằng người khác tội còn nhẹ, chứ anh, anh có làm việc làng chút đỉnh, anh phải biết rõ phép làng, anh còn dám làm điều xàng bậy à? Tôi sẽ trừng trị anh thẳng tay, cho anh biết mặt.

Rồi ông quay về phía con Vịnh:

Còn con kia, có phải thằng này ăn nằm với mi không?

Cái cử chỉ của thằng Mõ làm cho nó cảm động quá, nó tưởng như thằng Mõ là một bậc thiên sứ trời sai xuống để cứu vớt danh giá thằng Đối. Chẳng ngần ngại chi hết, nó đáp với ông Lý:

Bẩm con đã trót dại với anh Mõ thật. Nhưng xin ông xét cho. Anh ấy chẳng có tội gì, tội ở nơi con tất cả. Ông tha cho được nhờ, bắt tội con phải chịu.

Thế bây giờ mi có bằng lòng về với thằng Mõ không?

Bẩm ông dạy sao, con xin theo vậy. Ở đất làng nhờ ơn làng.

Còn anh Mõ, anh có bằng lòng chịu cho nó sáu quan tiền vạ không?

Bẩm ông châm chước cho được chừng nào, con nhờ chừng ấy.

Đó là lệ làng. Hẹn cho anh, nội nhật hôm nay anh đưa lại nhà tôi đủ sáu quan và nhận lĩnh con Vịnh về.

Dạ!

Còn con Vịnh! Cho đứng dậy và lạy tạ làng đi.

Ông Trùm còn lôi thôi, lên giọng buộc thằng Mõ một điều rất oái oăm:

Anh là Mõ, ngày mai anh phải đi trình làng thượng hạ, xóm trên ấp dưới, trình cho nam nữ lão ấu, khắp khắp mọi người đều biết cái việc tốt đẹp của mình.

Mọi người đều cười ầm cả lên, rồi giải tán.

 

 

VI

 

Con Vịnh về làm vợ nhà thằng Mõ đã hơn một năm. Cửa nhà nó săn sóc một cách chu đáo, tươm tất. Với ba chục bạc ông phó Thanh cho nó, con Vịnh mở một ngôi hàng xén, bán buôn những đồ tạp hoá ở chợ. Nó bắt tay vào làm việc gì là được việc nấy. Vì nó được cái nết rất siêng năng, cần kiệm. Buôn bán gặp may, nó dành dụm từng đồng một đồng hai, cuối năm nó đã có cái vốn hơn trăm bạc. Thằng Mõ thấy cửa nhà ngày một hưng thịnh, thì nó vui lòng quên cái lỗi xưa của vợ và chiều chuộng vợ đủ điều. Nó đã từ dịch cái chức Mõ và bỏ ba chục để chạy cái chức Hương dịch. Nó không muốn thiên hạ gọi vợ nó một cách khinh bỉ "Cái chị nhà anh Mõ". Từ nay nó là ông Hương dịch, và vợ nó là bà Hương dịch. Mỗi khi nó nghe có người kính cẩn gọi vợ nó bằng "Bà Hương", thì nó sung sướng quá. Một hôm nó bảo vợ nó:

Mụ Hương, ráng làm ăn siêng năng cần kiệm, qua sang năm, tôi sẽ ra ứng cử Phó Lý.

Thôi, khéo đa mang làm chi nữa, ông Hương. Để tiền mà nuôi con!

Mụ Hương nói nghe phải đấy!

Thiên hạ ngó vào, ai cũng tấm tắc khen ngợi hai vợ chồng thằng Mõ biết ăn ở với nhau rất thuận hoà. Những chúng bạn con Vịnh xì xào với nhau:

Số con ấy thế mà lại tốt đấy! Được gặp ngay nhà ông hương Tá (tên thằng Mõ) làm ăn nên nổi.

Nhưng họ có biết đâu rằng: đôi khi con Vịnh hồi tưởng đến những chuyện đã qua, mà ôm lòng đòi đoạn…

Mỗi khi nó nhìn thằng Cu, nhận thấy trên cái mặt thằng bé như in cái hình ảnh của người luân lạc ở phương xa, thì hai hàng lệ lại tuôn ra như suối. Nhưng hễ thấy bóng thằng Mõ ở ngoài đi vào, thì nó vội vàng đứng dậy gạt lệ hỏi chồng:

Ông hương chưa ra thăm ruộng à?

Tôi vào chơi với thằng Cu một tí đã!

Dầu sao thì thằng Mõ cũng là ân nhân của mẹ con nó. Nếu không phải là vì tình ái thì cũng là nghĩa vụ, nó phải vui vẻ mà ra gánh vác giang sơn nhà chồng. Kể thì con Vịnh nó cũng quý mến chồng lắm, chiều chuộng chồng lắm. Đi chợ thấy có con cá nào tươi, nó cũng tranh mua cho được, về nấu nướng cho chồng ăn. Những sự sầu não trong giây lát rồi cũng tiêu tán vào trong những công việc hàng ngày. Làm việc là quên hết mọi sự. Cái hình ảnh thằng Đối, rồi nó cũng phai lạt dần trong tâm trí con Vịnh.

Nhưng, một buổi chiều thu…

Một buổi chiều thu, khi tan chợ rồi, con Vịnh đi vào rừng sim nhặt ít củi khô về thổi. Bỗng tần ngần, nó nghe như từ cái dĩ vãng xa xăm, đưa lại những tiếng sáo trúc não nùng. Những bụi sim già xào xạc, khua động cái buồn ủ rũ trong lúc chiều tà. Buồn rầu, nó ôm bó củi ra về. Đến cây đa, dưới chân rừng, nó thấy đi trước có hai người, một người gánh một gánh kén và một người vác cái cày trên vai. Nó đi sau nghe lỏm câu chuyện của hai người.

Người gánh kén nói:

Va đã về với tôi đến Mường Héo, nghĩa là chính giữa đèo Măng Gia rồi, thì không may va cảm bịnh. Tội nghiệp quá! Ở đấy không có làng mạc nào hết. Va phải nghỉ lại ở giữa đường. Tôi lấy bàn đèn ra tiêm cho va mấy điếu, va đã đỡ, nếu không có việc gì thì hai ba hôm va cũng theo tôi về được nơi xứ sở. Không may trong lúc ấy thì chúng tôi gặp thằng Phỉ, con ông mục Néo ở làng dưới lên. Vô tình, thằng Phỉ đem hết chuyện đã xảy ra cho con Vịnh kể lại cho va nghe. Nào khi con Vịnh có mang, bị xeo đưa ra chợ làm nhục, nào khi về với thằng Mõ… Nghe hết đầu đuôi sự tình, va nổi uất lên. Bịnh trở lại. Chỉ trong hai giờ đồng hồ thì va chết. Tôi với thằng Phỉ phải ở lại đấy mất một ngày, khâm liệm chôn cất va. Tội nghiệp quá! Khi ra đi hai anh em, mà về có một mình, thật là ảo não quá!

Thế vốn liếng của va, có gì không?

Trong lưng va cũng còn được năm ba trăm bạc, tôi còn niêm giữ để giao lại cho ông phó Thanh. Về chuyến này va cũng định trốn đưa con Vịnh lên. Thế là con Vịnh bây giờ đã lấy thằng Mõ rồi?

–  Lấy đã hơn một năm.

–  Con ấy thế mà bạc!

–  Kể thì cũng là bất đắc dĩ.

Con Vịnh đi sau lưng, nghe câu chuyện như sét đánh ngang tai, chân tay rụng rời… Đến cây bàng, ông Chân, người bạn đồng hành của thằng Đối và chàng nông phu kia rẽ vào xóm đình, còn con Vịnh thì đi thẳng về xóm chợ.

Về đến nhà, nghe tiếng thằng Cu khóc, nó vất mạnh bó củi xuống sân, rồi vội vàng chạy vào với con… Nó cầm lấy tao nôi nọ ru thằng bé, mà hát rằng:

 

Yêu anh thịt nát xương mòn,

Yêu anh đến thác cũng còn yêu anh.

 

Lại hát:

Nhớ ai em những khóc thầm,

Năm thân áo vải ướt đầm như mưa.

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,

Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai?

 

Hát rồi, nó tự trách mình sao hát chi những giọng thê lương ảo não. Nhưng những giọt lệ vẫn tiếp nhau rơi tràn trên gò má…

Nó lặng im nhìn ra ngoài trời…

Trước khi tản vào cõi mờ mịt, khói thổi cơm chiều toả ra từng đám xanh như còn lưu luyến những mái tranh màu ảm đạm…

Cảnh vật như thuộc về thời dĩ vãng.

 

● Nguồn:

- Lưu Trọng Lư: Tiếng địch trong rừng sim // Tiểu thuyết thứ bảy, Hà Nội, s. 53 (01 Juin 1935), tr. 1 - 5; s. 54 (8 Juin 1935), tr. 37 - 40; s. 55 (15 Juin 1935), tr. 56 – 60; s. 56 (22 Juin 1935), tr. 78 - 80.

- Lưu Trọng Lư: Khói lam chiều, truyện (tranh vẽ của Nguyệt Hồ), Hà Nội: Nxb. Phương Đông, 1936; 83 tr. 13x19cm.

 


 

[a] Ở bản đăng báo không có lời đề tặng này, chỉ có lời đề từ bằng câu ca dao: Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần; Làm thân con nhện mấy lần vương tơ. Ở phụ đề “tiểu thuyết về phong tục miền sơn cước Trung Kỳ”,  tác giả ghi chú: Nhiều tiếng thổ âm chúng tôi cứ để nguyên không sửa chữa đi. Đấy cũng là một cách làm cho tiếng ta được thống nhất” (Tiểu thuyết thứ bảy, s. 53, ngày 1er Juin 1935, tr. 1) . –  N.S.T.