KHỎI TRUÔNG

Năm ấy, tôi mới tậu một cái xe hòm đầu tiên, một chiếc Citroën. Tôi không dùng tài xế, vì trước kia tôi có học ba năm ở trường "Bách công" ở Huế, tôi lái và chữa xe hơi thông thạo lắm. Tôi làm Thanh tra cho một hội tư bản lớn ở Hà Nội, nghề tôi bắt buộc mỗi tháng phải đi một vòng từ Hà Nội vào đến Quy Nhơn để thôi thúc và kiểm soát công việc của hội.

Lần ấy tôi nhớ như là vào độ tháng năm, tháng sáu.

Tôi bắt đầu từ biệt Hà Nội đã một ngày. Ngày thứ hai, thì tôi đã đi khỏi truông nhà Hồ ở địa phận Quảng Trị. Bấy giờ vào khoảng trưa, xe cộ lại vắng, cho nên tôi mở cho xe nhanh. Khi vừa qua một cầu hẹp, thì một người đàn bà đưa tay chắn xe tôi lại. Tôi lấy thế làm khó chịu. Một người đàn bà, lại giữa một con đường vắng, tôi tưởng cũng có quyền đón bất kỳ là xe của ai. Huống hồ người đàn bà ấy lại là một người đàn bà tha thướt, yểu điệu, ăn mặc theo kiểu Huế, và có lẽ là con nhà vọng tộc.

Người đàn bà ấy, đối với tôi thể như một cái hoa bất ngờ ở trong bãi sa mạc mênh mông. Và trong thâm tâm tôi, bấy giờ như nở ra một nụ cười xuân vậy. Nhưng xe tôi vừa đến sát người đàn bà ấy, thì tôi thấy chính mình lại lộ vẻ luống cuống: Tôi vừa nhận ra rằng người ấy chính là một bạn học cũ. Còn nàng thì vẫn không nhận ra tôi, chạy lại ở bên tôi, và nói, nói mãi, với thứ giọng ẻo lả, ngọt ngào tỉ tê, cái thứ giọng đài các, phong lưu. Nàng cắt nghĩa cho tôi cái cớ làm cho nàng lỡ tàu... Tôi không để ý lắm, nhưng cũng mang máng hiểu rằng: nàng muốn nhờ tôi, đi hộ một đoạn, hoặc là vào đến Quảng Trị, đến Đông Hà, đến Huế, miễn là khỏi chỗ con đường Truông này mà thôi... Và cái mục đích là cốt đi Tourane nhưng không muốn phiền tôi nhiều lắm.

Tôi thành thực mời nàng lên xe, mà nàng vẫn cứ lai rai nói mãi những câu khách sáo để xin lỗi tôi.

Đột nhiên giữa câu nói, nàng ngừng lại và nhìn thẳng vào đôi mắt tôi. Tôi hiểu rồi, và mỉm cười. Nàng cũng mỉm cười.

Xin lỗi ông... có phải anh là anh Vinh không à?

Tôi vẫn cười:

Thế mà tôi nhận ra chị từ hồi nãy.

Cơ khổ! Em chóng quên quá. Vả lại tại anh nói tiếng Bắc, và trông anh khác ngày xưa nhiều lắm.

Tôi làm ăn vất vả quá, phong trần quá, chị xem tôi đen lắm nhỉ?

Dạ, anh cũng hơi đen. Cũng chỉ tại anh lo làm giầu! Chắc độ này anh giầu lắm.

Sao chị lại nói thế?

Ấy, tôi trông vẻ mặt anh và nhất là cái bụng anh phát tướng.

Cái bụng tôi làm sao chị Vân?

Cái bụng anh đã bắt đầu phệ ra một cách tư bản lắm. Nhưng anh đi đâu đấy?

Tôi vào Faifo.

Ồ thế thì may cho em quá. Em nhờ anh vào thẳng đến Tourane. Không phiền anh lắm chứ.

Chị khách sáo quá! Mời chị lên, để đi, vào cho sơm sớm một tí... qua đèo Ải Vân, mệt nhọc lắm...

Tôi mở cửa cho Vân vào ngồi ở đàng sau, rồi lại trở về volant. Tiếng máy kêu rầm rĩ, khiến cho hai chúng tôi không còn có cái hứng thú nói chuyện nữa. Nàng có lẽ cũng như tôi im ặng theo đuổi một ý nghĩ.

Quãng đời niên thiếu diễn lại trong trí tôi như một đoạn phim rõ rệt. Mười năm trước, hai đứa trẻ cùng học một trường Pháp Việt. Bấy giờ ở Faifo trường nữ học mới lập được bốn lớp dưới, cho nên những nữ sinh học đến lớp nhất, thì phải qua học chung bên trường con trai. Tất cả mười cô được qua học lẫn với chúng tôi. Bây giờ tôi có thể gọi lại được tên của các cô; và vẻ mặt, dáng điệu, tính nết của từng người, tôi cũng có thể tưởng tượng hay hình dung lại một cách dễ dàng... Mận và Liên không đẹp, nhưng nhí nhảnh, tinh quái, hay ngồi vẽ thầy giáo. Kim và Chuyện xấu nhưng lại học giỏi, một cô giỏi tính một cô giỏi luận. Vân và Yến, thì là hai người xinh nhất trong bọn nhưng mỗi người mỗi tật: Yến thích đánh "triangeles" còn Vân thích đọc những truyện kiếm hiệp, những chuyện anh hùng đời xưa... Không, tôi cũng phải nhận cho Vân điều này: Về món lecture, Vân có cái giọng đầm lắm, ai cũng phải nhận như thế.

Tôi nhớ chừng như thủa ấy, ông Varenne[a] vừa nhận chức toàn quyền Đông Pháp ở Sài Gòn, ngài đi ra Hà Nội, và không rõ nhân vào dịp gì ngài nghỉ lại ở Faifo một đêm. Tất cả học sinh trong thành phố đều được lệnh tới chào ngài và Vân được cử đọc một bài discours do một ông giáo soạn.

Tôi còn thấy rõ như mới hôm qua cái dáng điệu gọn gàng khoan thai của Vân, khi nàng trèo mấy tầng cấp để bước lên thềm tòa sứ. Tay nàng nắm một bó hoa, và hôm ấy nàng mặc toàn lụa trắng, và tóc nàng kết bím... Bấy giờ tôi thán phục cái sắc đẹp có vẻ "hoàng hậu" của người con gái trẻ tuổi ấy... và lòng tôi muốn gọi lớn cái tên nàng hay làm một cử chỉ gì khác để cho nàng để ý đến tôi... Cái mộng chưa thành hình ấy đã tan mau trong giây phút... rồi từ đấy, và nhất là khi rời trường tỉnh ra học ở Huế hay ra Hà Nội, tôi không nhắc đến tên nàng một lần nào nữa. Tôi không biết nàng đã làm những gì, và lấy chồng chưa... Có lẽ nàng đã là một người mẹ rồi cũng nên. Không hiểu sao cái ý nghĩ ấy làm cho lòng tôi thắt lại, tôi buồn rầu hỏi nàng:

Chị có nhớ hết những kỷ niệm về quãng đời học trò không hỉ!

Tôi quên rằng tôi nói giữa những tiếng máy rên rỉ. Nàng không nghe gì hết.

Nhưng tôi vẫn có cái khoái cảm rằng hình như nàng cúi xuống bên tôi, và đặt tai nàng cạnh má tôi, những sợi tóc mây của nàng rơi xuống và lướt ở má tôi. Hình như nàng đương thành kính lắng nghe lời tôi. Tôi đổi qua một câu hỏi khác:

Chị còn nhớ chứ, cái hôm chị trèo lên thềm tòa sứ để đọc discours. Tay chị cầm bó hoa...

Dạ, em còn nhớ cả... Chà mới đó mà đã mười năm. Mau quá!

Nghỉ một lát rồi nàng lại nói tiếp:

Anh xem em có khác nhiều không? Em già lắm anh nhỉ?

Tiếng nói của nàng như vọng lại từ một dĩ vãng đã xa. Nàng sợ tôi không nghe rõ, dằn từng tiếng một, và lắp lại:

Em già lắm anh hỉ?

Tôi không đáp... nhưng trong thâm tâm vẫn nghĩ: Nàng có đi nhiều, nhưng nàng vẫn đẹp như xưa. Rồi lúc bấy giờ tôi lại mê man nghĩ gì mà bây giờ tôi không nhớ được nữa.

Xe đã đi qua Huế, qua Cầu Hai, qua Lăng Cô, qua Chân Tượng, qua biết bao nhiêu cảnh đẹp mà tôi không để ý tới...

Và xe đã bắt đầu lên đèo... Khi xe đã lên lưng chừng núi, thì tự nhiên máy nổ một cái, và dừng lại.

Sương lam chiều đã trùm kín đỉnh đèo và cách xa độ vài thước, chúng tôi đã không nhìn thấy nhau nữa. Vân bước ra khỏi xe và hỏi tôi:

Hết xăng anh?

Tôi gật đầu. Nhưng thực ra, tôi hiểu vì cớ gì, xe không chạy nữa.

Nàng hỏi lại tôi:

Thế bây giờ anh tính sao?

Chỉ có một cách là... đợi.

Nàng gượng cười:

Đợi... đêm đến à?

Tôi có lấy vẻ nghiêm nghị:

Không, chúng ta đợi có cái xe nào đi qua, chúng ta sẽ xin mua lại một ít xăng.

Nhưng nhỡ không có cái xe nào đi qua...

Thế cũng đành vậy... nhưng tôi tin trong một vài giờ nữa thế nào cũng có một cái xe của người Tây đi ngang qua...

Anh có chắc không?

Tôi dựa vào đâu mà dám chắc, nhưng chị yên tâm, có thế nào nữa thì không sợ.

Tôi mỉm cười lấy tay gõ vào những miếng kính:

Có thế nào nữa, thì ta cứ vào trong xe, khóa chặt cửa lại những thứ kính sécurites [b] này cọp cũng không thể nào đánh vỡ được...

Thế ở đây có cọp à?

Ấy là tôi nói ví dụ thế... Dầu cọp có thì chúng ta cũng chả sợ...

Anh đừng nói nữa làm em ghê cả hồn...

Thật ra tôi cũng không hiểu được tôi lúc bấy giờ. Tôi vừa nói những điều để làm cho nàng yên tâm, tôi lại vừa kể những chuyện bịa đặt ghê rởn, để làm cho nàng thêm sợ... Không hiểu vì đâu tôi lại có cái tâm lý hèn nhát ấy. Với một giọng nghiêm nghị, tôi nói với nàng:

Đi xe này thì cọp tôi chả sợ chút nào hết... Nhưng đến voi thì phải kiêng... Có một bận, một người bạn của tôi một mình đi qua đèo... Xe bạn tôi bị "pan" vào khoảng nửa đêm, bạn tôi bèn vào xe đóng kín cửa lại, rồi ngủ. Không dè, mới sáng, một con voi đi qua, nó đưa vòi ngang qua xe, móc vào bánh và kéo xe xuống hố... Bạn tôi không chết nhưng bị thương nặng...

Nàng hốt hoảng:

Thế đấy, còn có cả voi nữa, anh Vinh.

Không, ấy là nói chuyện ở ngoài đèo Chân Tượng kia chứ ở đây làm gì có.

Nhưng tôi thấy nàng có vẻ cuống quýt.

Bây giờ có lẽ đã bảy giờ rồi anh nhỉ. Sợ không có xe đi qua thì chết...

Chị đi vào xe ngồi, kẻo lại dội sương...

Một tiếng động, hình như một hòn đá lớn lăn từ trên cao xuống... Hai chúng tôi cùng rùng mình, bước nhào vào xe đóng ập cửa lại.

Vân cầm chặt lấy tay tôi.

Em vẫn chưa hết sợ... Anh nhích lại em chút nữa đi. Nhích lại chút nữa.

Tôi cũng nắm chặt lấy tay Vân, và Vân ngả đầu lên vai tôi... Tôi cảm động quá, lời nói tôi nhẹ như hơi thở.

Vân hết sợ rồi chứ?

Rồi đôi môi nồng nàn của tôi như muốn tìm cái làn da mát rượi của nàng. Nàng vẫn không nói gì... Và hình như những giọt nước mắt đã thấm qua vai áo tôi, và rỉ lạnh đến da thịt tôi. Tôi cầm lấy tay nàng dậy, thì nàng giật mạnh tay tôi và mạnh bạo quả quyết ngồi dậy ngồi ra xa tôi, và nói với tôi như truyền một cái lệnh.

Ông Vinh, tôi xin ông cho xe đi ngay... Tôi cần về Tourane ngay.

Tôi sửng sốt, và không nghe ở đoạn cuối nàng muốn nói... Tôi tái hẳn cả mặt và quên phứt cái kế "hết xăng" tôi đã bày ra, để đánh lừa nàng. Tôi lại mở máy, và cho xe chạy như cũ.

Từ đấy, tôi mở hết máy và trèo đèo mà tưởng như đi ở quãng đường bằng phẳng. Nhưng nàng vẫn ngồi ở cạnh tôi, cho là xe vẫn đi chậm, giục réo như một người điên:

Ông Vinh, ông cho xe nhanh lên, nhanh lên chút nữa, nhanh lên nhiều nữa.

Tôi cứ tuân lệnh như một người lính ngoan ngoãn và không một lần nào dám quay lại nhìn nàng nữa... Cũng may đêm ấy, chúng tôi không lăn xuống hố... Chúng tôi về đến Tourane vào khoảng nửa đêm. Nàng nhờ tôi chở nàng đến tận nhà nàng ở phố Mã Tây. Nghe tiếng xe đỗ, một người đàn ông ở trên gác một nhà lộng lẫy, chạy ra nhìn qua cửa sổ, và hỏi to, giọng nói còn ngái ngủ:

Mình đã về đấy à?

Vân đáp một cách nhỏ nhẻ...

Dạ, em nhỡ tàu, em phải đi nhờ ông, ông...

Ồ sao mình không mời ông vào xơi nước?

Rồi tôi nghe rõ tiếng chân người xuống thang gác, có lẽ để kéo tôi... Nhưng tôi đã mở máy, và trốn thoát. Tôi không can đảm nhìn lại nàng một lần cuối cùng. Mà hình như, nàng cũng thế. Bấy giờ, chúng tôi mới thật hoàn toàn tỉnh mộng, có lẽ là một cơn ác mộng.

 

***

 

Bạn tôi kể đến đây, gạt xong tàn thuốc, im lặng một lúc, rồi lại tiếp:

Anh nghĩ giá trong cơn nhanh chóng điên cuồng ấy, mà chiếc xe của chúng tôi đã đâm xuống hố... Và hai chúng tôi đã chết ngay trong đêm ấy, cùng vùi chung một hố, thì những người sống sẽ dị nghị hai cái vong hồn của chúng tôi ra thế nào? Dầu sao, chúng tôi cũng không có cái lương tâm yên ổn nữa… Tôi tưởng như nàng suốt đời phải nói với chồng cái thứ giọng nhỏ nhẻ ấy, cái giọng của một người ăn năn, một người biết tội mình...

Dầu chồng nàng không hay biết gì chuyện đó, nhưng số phận đã định rằng nàng từ đấy sẽ là người đau khổ đến trọn đời.     

 

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Khỏi truông // Sơn nhân, Hà Nội, Trung Lập xb., 1940, in tại nhà in Văn Lâm; tr. 20-27.


 

[a] Alexandre Varenne (1870-1947) chính khách, nhà báo Pháp, một trong người những sáng lập đảng xã hội Pháp; được cử làm Toàn quyền Đông Dương từ tháng 7/1925 đến tháng 10/1927.

[b] kính sécurites : kính an toàn.