LỜI DẪN

 

 

Nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ LƯU TRỌNG LƯ (1911-1991), gia đình nhà thơ dự định biên soạn một số cuốn sách tập hợp các di sản viết của tác gia Lưu Trọng Lư theo một số thể loại: thơ, kịch, tiểu luận phê bình, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký…

        

Theo lời mời của gia đình Lưu Trọng Lư, tôi và bạn Hoàng Minh nhận thực hiện sưu tập truyện ngắn, tiểu thuyết Lưu Trọng Lư.

 

Tôi coi đây là một sưu tập, không phải là tuyển tập, cũng không phải là toàn tập. Làm tuyển tập tức là có chọn có bỏ những tác phẩm nhất định; làm toàn tập tức là phải đưa ra được toàn bộ các tác phẩm đã viết ra trong đời tác gia. Cuốn sách này bao gồm tất cả những tác phẩm thuộc thể loại tự sự − truyện ngắn, tiểu thuyết − của Lưu Trọng Lư mà chúng tôi đã tìm được, không dám chắc rằng tất cả các tác phẩm thuộc các thể tài này của ông đều đã được tìm thấy và đưa vào đây; với tính chất đó, chúng tôi coi đây là một sưu tập về một mảng thể tài của một tác gia.

 

Trong sưu tập này có số lượng lớn những tác phẩm đã hầu như bị quên lãng kể từ sau lần công bố đầu tiên, cách nay 60 – 70 năm; ngoài các bản in cũ, người biên soạn không có loại văn bản nào khác (ví dụ các bản thảo viết tay của tác giả, một vài bản in khác nhau, …) để tham khảo; vì vậy phương diện văn bản các tác phẩm chỉ được xử lý ở mức đơn giản: theo đúng bản in duy nhất hiện đã tìm được, hoặc có đối chiếu các lần in khác nhau để hiệu chỉnh, bổ sung, sửa một số từ ở các dạng không chuẩn về dạng chuẩn hiện hành.

 

Trong việc sắp xếp tác phẩm, sưu tập chia thành 2 phần: truyện ngắn và tiểu thuyết, căn cứ vào tên thể loại mà tác giả đã ghi ở các bản in cũ. Tất nhiên ranh giới này chỉ là tương đối, vì nhiều truyện ngắn khi đăng lần đầu vẫn được gọi là “đoản thiên tiểu thuyết”, đồng thời không ít tác phẩm gọi là “tiểu thuyết” cũng chỉ có dung lượng khá nhỏ.

 

Sau 2 phần trên, chúng tôi đưa thêm hồi ký Nửa đêm sực tỉnh  như một phụ lục, chủ yếu để giúp người đọc có thể tìm thấy ở đấy những chỉ dẫn nào đó về ngọn nguồn của những cảm hứng và chất liệu cho tác gia Lưu Trọng Lư ở những truyện ngắn, tiểu thuyết ông đã viết, trong suốt đời văn của mình.

 

Trong văn bản các tác phẩm đôi khi vẫn có những chú thích của tác giả; người biên soạn giữ nguyên các chú thích ấy, ghi bằng số Arab đồng thời ghi thêm “nguyên chú”; những chú thích của người biên soạn đều được ghi bằng con chữ a,b,c; cuối mỗi tác phẩm đều ghi rõ nguồn của các văn bản được sử dụng.

 

Tháng 2/2011

NGƯỜI BIÊN SOẠN