LY TAO TUYỆT VỌNG

Nhà nho Phan Chí Y đã đọc hết thánh hiền.

Nhưng không phải bao giờ thánh hiền cũng làm cho đồ đệ của mình đắc dụng với đời.

Một bầu máu nóng hăm hở mang ra giúp đời, mà rồi sự nghiệp không thành, đành tiu nghỉu lui về với cỏ cây non nước. Một tấm lòng băng tuyết đèo thêm một mảnh hồn thơ – nhà nho cũng là thi sĩ – tháng ngày Phan sinh chơi trên dòng nước Linh Giang. Nhà nho biết bắt chước Tô Đông Pha. Nhà nho cũng biết bắt chước Lữ Vọng. Nhà nho biết ngâm hoa vịnh nguyệt. Nhà nho cũng biết bủa chài quăng câu. Cái cuộc đời tuy thanh nhàn thích thảng, nhưng cũng có lúc nhạt phèo vô vị. Ngày này tiếp ngày khác, mà ngày nào cũng giống ngày nào: trận mù buổi sáng, mặt trời ban trưa, cơn gió chiều, mảnh trăng khuya… Ôi! Trần ai tri kỷ há chỉ có thế mà được ư? Cho nên chàng Tô Tử trên sông Linh, cũng có khi khóc gió khóc giăng, kêu trời oán phận, lại thường để lộ ra mình là người chán nản, ê chề… thất vọng.

Mà trong những cái ngày lạnh lẽo đìu hiu, nào có thấy một cái gì đến báo trước cho chàng rằng sắp tới một cái gì rất khác với sự thường mà rất giống với chàng, cũng chán nản cũng ê chề: một cái tâm hồn tuyệt vọng như chàng, mà sẽ là tâm hồn tri kỷ của chàng vậy?

Không, trong những ngày lạnh lẽo đìu hiu, chàng vẫn không hay biết một điều gì hết.

***

 

Bấy giờ con nước đã lên. Anh chài Chí Y mới thức giấc dậy để làm việc. Trời lạnh thấu tuỷ xương. Mặt trăng – cái mặt trăng mùa đông, nặng nề ủ rũ như không còn có thể nhích đi được nữa. Cỏ cây cũng rét đơ không lay động được. Các động vật cũng cóng quýu, không cựa quậy được. Hình như quả đất trong cái giờ này cũng không muốn lăn nữa. Nhưng còn có dòng nước lên, còn có anh chài Phan Chí Y phải lặn lội vì sự sống. Chiếc thuyền con từ từ đi. Mái chèo kĩu kịt. Ngọn lửa chài thấp thoáng. Thuyền đi hết cồn Dâu, rồi đến cồn Mụ Đội.

Bỗng dưng trong vùng không khí ngưng trệ, vi lô san sát. Khóm tre la đà. Một ngọn gió nhẹ đưa, đưa lại một giây âm hưởng, tiếng trầm tiếng bổng, tiếng chậm tiếng mau. Tiếng mau như đàn chim vỗ cánh bay cao, tiếng chậm như giọt sương nặng gieo trên tàu lá, tiếng trầm như hòn châu đắm trong bể thẳm, tiếng lên như mảy lông, cuốn theo ngọn gió nồm…

Theo nhịp đàn, một khúc hát du dương, càng nghe càng thấm thía, càng nghe càng thâm trầm:

Ta là nàng Ly Tao,

Ngồi bến Văn Giang, khóc trăng sầu,

Đếm giọt sương gieo, lắng nghe rỉ rầu giọng dế,

Trời đất quạnh hiu, hoạ còn ta đây tuôn thầm dòng lệ,

Gỡ mối tơ lòng, ta sẽ lựa đường tơ,

Ngọn lửa chài, con sông trắng, bóng sao mờ nhấp nháy,

Hồn nghệ sĩ lạnh lùng tê tái,

Ngọn cầm giăng, tơ phím lung lay;

Tính tình tinh, khi mau, khi chậm, khi gieo nặng, khi cao bay,

Rồi một kiếp khóc mướn thương vay cho thiên hạ!

Cảnh đêm khuya trời giá!

Lạnh lùng thay một bóng Ly Tao

Ngồi bến Văn Giang, khóc trăng sầu…

 

Nhà nho Phan Chí Y buông lỏng mái chèo, rụng rời tay chân, ngồi khôn ngồi, đứng khôn đứng. Một tiếng một câu chàng cũng không để lọt ngoài tai, nhưng nào có biết những cái thanh âm ấy tự phương nào đưa lại. Giọng hát nhịp đàn ai vậy? Ai? Người hay là ma? Ấy là tiếng rền rĩ của một vùng không khí lạnh lẽo tái tê, hay là tiếng vỡ lở của một con tim âu sầu ủ rũ?

Con thuyền cứ tự nhiên trôi theo dòng nước. Những cái thanh âm vắng bặt ở đằng xa, rồi chìm nghỉm vào cõi quạnh quẽ hư vô. Bấy giờ thuyền đã đến Vũng Thác là nơi anh chài Chí Y thả câu. Chàng sẽ đưa chèo, rà thuyền lại. Rồi vứt câu ra đằng trước, chàng ngồi đợi. Chàng ngồi thừ ra như người mất trí. Mắt đăm đăm nhìn vào phao, có hồi cá đớp vào mồi mà không biết. Giờ một giờ hai, chàng ngồi đã rũ rượi. Trời rạng đông. Con nước bắt đầu rặc. Ngó vào giỏ tuy còn lưng, mà chàng cũng phải quay thuyền trở về cho kịp chợ mai. Hôm ấy, trong trí anh chài Phan Chí Y đã nghĩ: "Lần này hẳn là ta gặp ma".

 

***

Từ đó trong cái cuộc đời vô sự của nhà nho, như có cái gì đến làm cho nhà nho nghĩ ngợi, bâng khuâng, vướng vít.

Nghe giọng đàn tiếng hát thì Phan sinh như ngây như dại, như uống một cốc rượu nồng mà thêm một cốc khác, như hút một khói thuốc thơm mà thêm một khói thuốc khác.

Rồi hễ đêm nào, đến giờ ấy, thì Phan sinh lại đi qua khoảng ấy. Vẫn cứ nghe giọng đàn ấy, nghe tiếng hát ấy. Có lúc Phan sinh muốn dò cho ra tông tích manh mối. Nhưng chao ôi! Đó có lẽ là một điều mà nhà nho Phan sinh không làm nổi.

Tiếng đàn thánh thót, nhịp hát du dương đã làm cho Phan sinh yếu hèn, mềm nhũn. Chàng tưởng như chàng không có thịt xương nữa. Thân chàng như toàn bằng những sợi tơ, một cái dư âm cũng có thể làm rúng động cả toàn thể. Tuy nghe có thích thú nhẹ nhàng mà vẫn cảm thấy một sự ghê sợ lạ lùng. Ấy là một thứ ghê sợ về một điều thần bí mầu nhiệm. Mà nàng Ly Tao trong câu hát đối với nhà nho Phan sinh cũng là một sự thần bí mầu nhiệm vậy.

Cho nên qua bến Văn Giang, thì Phan sinh buông lỏng mái chèo, mặc cho con thuyền tự nhiên trôi theo dòng nước.

Nhưng Phan sinh bây giờ đã như một người điên, điên… vì tình. Trời đất ôi! Có thể nào được ư? Trước còn dan díu vì giọng đàn tiếng hát, bây giờ bắt đầu yêu cả người nghệ sĩ.

Ta là nàng Ly Tao

Ngồi bến Văn Giang……..

 

Nghe giọng đàn tiếng hát, nhà nho Phan sinh ngồi đoán tâm sự người yêu.

"Ly Tao là một tay âm nhạc tài hoa. Nhưng nghìn thu những khách tài hoa thường đèo thêm mệnh bạc. Có tài lại lụy vì tài. Suốt đời mượn những cái âm điệu thiên nhiên mà đi thương vay khóc mướn cho thiên hạ. Tưởng được tạo hoá giao cho cái thiên chức thiêng liêng ấy thì mình sẽ cho là  con cưng của tạo hoá. Nào hay hết khóc cho người thì lại khóc cho mình. Cái nhạc khí để chia nỗi đau buồn thương xót cho người, ngày nay dùng để gảy khúc tuyệt vọng cho một mình nghe. Bến Văn Giang hiu hắt vừa hát vừa nghe, vừa làm Bá Nha vừa làm Chung Tử. Ly Tao hẳn với ta đây cùng chung một tâm sự. Tâm hồn ta với tâm hồn Ly Tao cùng hoà theo một điệu. Một mối thất vọng, với một mối thất vọng khác sẽ thành một mối hy vọng. Có Ly Tao mà ta sẽ trở lại với đời. Có ta mà Ly Tao còn muốn sống. Có nhau, mà những mối thất vọng của hai ta sẽ hăng hái phục thù".

Nhưng Ly Tao là ai? Hỡi Phan sinh! Giả thử Ly Tao chỉ là một cái vong hồn? Giả thử Ly Tao chỉ là vong hồn của một người cung nữ, tháng ngày lo việc ca hát trong cung nội, rồi hương phai phấn nhạt và phải thải ra ngoài, hết sống trôi thì chết giạt?

Giả thử Ly Tao chỉ là vong hồn của một bậc khuê các Chiêm Thành, tháng ngày lo việc son tô phấn điểm rồi gặp nỗi nhà tan nước mất mà phải bước lạc loài?

Hỡi Phan sinh! Giả thử Ly Tao chỉ là một cái vong hồn?

 

***

 

Cũng như mọi lần, đến con nước thì Phan sinh lại đi qua bến Văn Giang. Nhưng khác với mọi lần, lần này Phan sinh không còn nghe giọng đàn tiếng hát véo von. Một cơn im lìm lặng phắc bao bọc cả một vùng không khí lạnh lẽo tái tê. Chỉ còn nghe tiếng thuyền con buông theo dòng nước. Cái luồng tư tưởng của Phan sinh cũng để buông như con thuyền vậy, nhưng mà mạnh hơn nhiều:

 

Hỡi ôi! Đâu còn có Ly Tao ngồi bến Văn Giang khóc trăng sầu?

Hỡi Ly Tao! Hay là nàng đã bỏ mạng nơi quạnh hiu vắng vẻ này? Hỡi Ly Tao! Sống cho vẻ vang rực rỡ rồi bây giờ về tại chốn này mà trầm châu đắm ngọc?

Hỡi Ly Tao! Hay là trần ai vắng Chung Tử mà cây đàn kia phải trùng dây lơi phím?

Hỡi Ly Tao! Hay là mối thất vọng hết đường than mà ôm cầm đành để năm cung vắng?

 

Con thuyền vẫn cứ trôi theo dòng nước đến Vũng Thác, Phan sinh lại vứt cần ra câu, nhưng trông bộ người ngơ ngẩn lắm. Phan sinh có lẽ đã thất tình. Hình như chàng cũng tựa gối, cũng cúi đầu, cũng vò chín khúc, cũng chau đôi mày, như được ngồi đối diện với mỹ nhân mà nghe tiếng bổng trầm vậy. Cái nhịp đàn đã vắng bặt từ hồi nào rồi, mà độc địa thay, những cái thanh âm réo rắt như còn theo văng vẳng bên tai, làm cho nhà nho nghe mà não nuột.

Phan sinh cứ ngồi mê mẩn, đợi có một con cá đớp vào mồi, thì mới giật mình tỉnh dậy. Tỉnh dậy trong chốc lát rồi lại trở vào cõi mộng. Trời đã rạng. Con nước xuống, Phan sinh quay thuyền trở về. Chàng không đi chợ mai nữa, vì có gì đâu mà bán. Nhưng chàng cũng không quy tội cho ma. Chàng định nhen củi lên sưởi. Chàng sờ vào bếp không còn một thanh củi. Chàng bèn ra ngoài mui, ngồi vớt những que rào trôi theo dòng nước xuống. Chợp một cái, chàng thấy ở đằng xa trôi lại một tấm gỗ. Chàng mừng sẽ được một bữa sưởi ấm. Nhưng không phải, một cái gì khác. Đưa tay vớt lên, thì ra một cây đàn nguyệt. Chàng dơ lên cao mà nói lớn: "Ai có cây đàn quý hoá như thế này?" Rồi giật mình một cái như sực nhớ lại một điều gì ghê sợ đã trải qua.

Chàng sẽ lẳng lặng cúi đầu xuống như một cô gái e lệ. Chàng ôm đàn vào lòng, ngồi im không nói thêm được nửa tiếng. Rồi hai hàng lệ từ từ nhỏ giòng xuống như hai đường tơ vậy. Chàng sẽ đứng dậy đi vào khoang thuyền, đặt cây đàn lên trên chồng sách cũ. Chàng cũng trân trọng như tập Đường thi của chàng vậy. Cái đời nhà nghệ sĩ còn lại chỉ có thế mà thôi! Chỉ có thế mà thôi! Cái kỷ niệm của Ly Tao. Chỉ có thế mà thôi, cái cuộc ái ân gang tấc của nhà nho Phan Chí Y!

 

***

 

Mùa đông năm sau, một đêm kia ngọn gió lạnh thổi buốt cõi lòng. Phan sinh lại túng củi sưởi. Lần này chẳng ngần ngại gì hết, Phan sinh đưa cây cầm nguyệt đã mốc đen ra bửa. Dưới cây rựa vô tình, Ly Tao phân ra từng mảnh rồi lần lượt chui vào bếp lửa. Hình như lửa cũng thì thầm ca rằng:

Ta là nàng Ly Tao

Ngồi bến Văn Giang, khóc trăng sầu,

Đếm giọt sương gieo, lắng nghe…

Nhà thơ Phan sinh cũng cất giọng bổng trầm, ca lại bài ca năm ngoái, tiếng nghe cũng thảm đạm thê lương như mọi khi ngâm khúc Tỳ bà hành của người xưa vậy. Bây giờ cây đàn nguyệt đã hoá ra làn khói bạc, rồi tan dần vào cõi hư vô mờ mịt. Lần này Ly Tao mới tuyệt không còn dấu vết gì trong cõi trần gian ô trọc này nữa.

 

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Ly Tao tuyệt vọng // Người sơn nhân. Ngân Sơn tùng thư, Huế, 15/9/1933, tr. 37-48.