MỘT LẦN TÔI ĐI QUA

 

De la douceur, de la douceur, de la douceur

Paul VERLAINE

 

Bạn tôi hút xong điếu thuốc lá, nói tiếp:

− Nhà nàng lúc bấy giờ còn ở con đường Digue Parreau mà tôi thì ở hàng Trại hàng Hoa, tôi ăn cơm trọ ở nhà một người bà con của tôi làm ở phủ Toàn quyền.

Bấy giờ tôi đương học năm thứ nhất ban Trung học ở Bưởi. Thành thử mỗi buổi đi học hay về học tôi cũng phải đi ngang qua nhà nàng cả. Nhà nàng là một cái biệt thự. Tôi nhớ mường tượng hình như ở ngoài cổng có treo một cái bảng đề là “Les Eglantines”. Cha mẹ nàng làm gì tôi không biết vả tôi cũng không muốn biết, tính tôi không hay tọc mạch. Tôi chỉ nhớ rõ nhà nàng có một cái vườn rất xinh, ở ngoài đường tôi nhìn vào thấy trồng rất nhiều cúc, phần nhiều là cúc trắng. Tuy rằng nhà lấy hiệu là “Eglantines” (hoa tầm xuân) nhưng tôi để ý xem không thấy một cây tầm xuân nào hết: hoặc giả có, mà trồng ở trong những chậu sứ đặt ở buồng khách mà tôi không bao giờ bước tới. Phải, tôi chưa bao giờ được cái hân hạnh bước tới nhà nàng một lần nào hết. Một lần nào! Dầu là tôi đã sống với hình ảnh nàng gần khoảng mấy năm trời. Lần thứ nhất tôi thấy nàng chỉ là một cô bé 15 - 16 tuổi, một cô bé nhí nhảnh, ngây thơ, có lẽ chưa biết gì…

 

Hôm ấy, tôi nhớ hình như là một ngày đầu thu… Tôi đi trên đường nhựa, những lá bàng rơi xuống trên hai vai tôi và là là bay hạ xuống đất. Trời trong sáng. Những hàng cây uốn mình theo chiều gió, có cái vẻ huyền ảo như là ở trong một cảnh mộng… Tôi cứ đi, bước từng bước nhẹ nhàng, như là bị lôi cuốn bởi một sức mạnh gì vậy. Khi tôi đi qua “Les Eglantines” thì bỗng có một quả bàng rơi vào đầu tôi. Tôi ngửng lên nhìn, thấy một con quạ đen rất đen và to, đương hí hoáy trong lá xanh. Tôi không nhìn rõ con quạ làm gì nhưng tôi đoán rằng nó đương làm tổ và vô ý đã đánh rơi một quả bàng chín muồi ở bên cạnh nó. Tôi không hiểu sao cái quả bàng ấy lại nhè tôi mà rụng. Nhưng khi tôi vừa lủi thủi đi được vài bước, thì nghe có vài tiếng lắc rắc ở sau lưng tôi. Tôi trông lại, thấy ở trong vườn của biệt thự “Les Eglantines”, một thiếu nữ độ 15 - 16 tuổi đương ngồi ở trên một cành cây ổi, và đu hai chân như là khi ngồi võng vậy. Nàng nhìn tôi mà cười, rồi khi thấy tôi nhìn thẳng vào mặt nàng, thì nàng lấy cuốn sách nàng đương đọc dở, che miệng lại. Tôi định hỏi sao nàng lại vô cớ cười tôi như vậy, nhưng tôi đỏ mặt lên và không lựa được một câu để nói với nàng. Trong một giây lâu, tôi cuống quýt lên như vậy. Cuối cùng, tôi quay lưng đi để tránh sự ngượng ngùng. Thật là buồn cười. Nhưng anh nghĩ sao, lúc bấy giờ tôi cũng vào khoảng 17 - 18 tuổi. Giá người khác, vào tuổi ấy, thì đã biết thế nào là một câu chuyện với gái, và câu chuyện thế nào mới là “ăn ý”. Nhưng tôi thì còn ngờ nghệch quá: từ nhỏ tôi chỉ thích đọc sách, lẫn lộn cuộc đời với tiểu thuyết, khi mình đứng trước một người thực mà tưởng như là đứng trước một cái bóng một cái hình, một sự hiển hiện ly kỳ! Giá bấy giờ tôi nói được, tôi chỉ cần nói một câu, một câu rất thường, có lẽ trọn đời tôi không còn có điều ân hận nữa. Nhưng than ôi! Tôi đã phải ân hận suốt đời, vì không được bao giờ nói một câu với người mà tôi đã đặt hình ảnh vào trong một chỗ trong sạch nhất của linh hồn tôi. Từ hôm đó, mỗi lần tôi đi qua “Les Eglantines” tôi cũng không còn thấy bóng dáng nàng đâu, mà tôi cũng không biết gì hơn về nàng nữa. Mãi gần một năm sau, cũng một buổi chiều đầu thu, tôi đi học qua nhà nàng. Hôm ấy giời mưa lơ thơ… Cái vườn hoa của nàng, tôi trông có vẻ tiều tụy hơn mọi ngày, nhưng những đoá cúc trắng vẫn đậm đà thắm tươi như cũ. Bỗng tôi nghe từ trong nhà vọng đưa ra, những tiếng dương cầm. Những tiếng trong trẻo  bay qua cửa sổ, và âm thầm tắt ở trong những chòm lá xanh. Tôi ngừng bước nhìn những làn cúc, tôi nhìn thấy những làn cúc trắng tự nhiên rung động anh ạ! Và tâm hồn tôi lao đao, tôi muốn ngã. Những hạt mưa vẫn nhỏ xuống, càng ngày càng nặng. Và tôi thấy trong những giọt nước lại cả cái hình ảnh của cảnh vật xung quanh. Tôi vẫn cứ đứng thần người ra nhìn. Tôi đàn thì kém lắm, nhưng bình sinh tôi thích âm nhạc hơn cả. Tôi cho rằng âm nhạc hơn một bức tranh hơn một bài thơ, có thể diễn tả được hết cả những cái trạng thái của tâm hồn. Huống hồ, cái tâm hồn ấy lại là cái tâm hồn mà tôi yêu, mà tôi đã ôm ấp bên cạnh cái tâm hồn của tôi.

 

Bạn tôi ngừng kể, và nhếch một nụ cười. Bạn tôi nhìn vào một tấm kính và tỳ tay vào bàn lẳng lặng trong một lúc lâu không nói gì thêm nữa. Tôi lấy thuốc lá ra hút, đưa mời bạn tôi một điếu. Bạn tôi hút vài hơi, rồi lại bắt đầu kể:

− Phải tôi đã yêu nàng rồi, tôi còn giấu anh làm gì nữa! Tôi cứ đứng thừ ra như vậy, cho đến khi khúc đàn ngừng mới thôi. Tôi sờ vào áo quần thấy mình đã ướt đầm. Cả những sách vở cũng dầm dề. Tôi bàng hoàng như  tỉnh một giấc mộng. Lúc bấy giờ, tôi thấy ở khung cửa sổ, cái mặt của người thiếu nữ. Vẫn là người năm ngoái. Nhưng anh ạ! Tôi nhận thấy nàng già hơn một chút. Trước kia nàng đẹp một cách nhí nhảnh, sắc sảo, lại có vẻ tàn ác nữa. Nhưng bây giờ thì tôi thấy cái sắc đẹp của nàng trở nên thuần hậu hơn, kín đáo hơn, mà nhất là có vẻ hiền lành vô cùng. Tôi không thấy một người nào hiền lành hơn thế được. Đầu mày cuối mắt như ẩn một sự êm dịu của người đàn bà Huế. Nàng hình như có ý nhìn tôi. Tôi bèn bước nhanh qua chỗ khác. Tôi lấy đồng hồ ra xem đã gần 3 giờ rưỡi. Lớp học của tôi đã bắt đầu nửa giờ rồi. Thế là tôi không thể tới trường nữa. Tôi đi vòng quanh vườn Bách Thảo rồi về nhà. Sau khi thay quần áo, tôi lấy sách ra hơ trên lửa, ngồi cắm cụi một mình hơ từng tờ một. Bỗng trên đôi vai tôi nghe ớn lạnh, và hoả bốc lên cả trên đầu. Tôi biết rằng vì dầm nước mưa lâu, tôi đã bị ốm. Tôi đặt lưng xuống nằm, bảo người em họ tôi lấy dầu cho tôi xoa, và nấu cháo hành cho tôi xông. Nhờ sự tài giỏi của các ông lang ta, bệnh tôi một ngày một trầm trọng. Ngày người ta chở tôi vào nhà thương Phủ Doãn, là tôi mê man không biết gì nữa. Lạ quá! Trong những cơn nóng, mê, tôi vẫn thấy biểu hiện ở trong trí tôi, cái mặt của người thiếu nữ ở trong khung cửa sổ. Vẫn đôi mắt dịu dàng và trong như mùa thu ấy, vẫn đôi hàm răng đều đặn và bóng ngà ấy. Nàng vẫn nhìn tôi mà cười, một nụ cười của người vợ hiền. Có khi tôi tưởng tượng đến sự lạc thú gia đình mà sau này nàng sẽ đưa lại cho tôi, mà tôi quên cả những nỗi đau đớn và nguy nan của bệnh tình tôi. Nhưng đó chỉ là những sự an ủi trong giây lát mà thôi. Bệnh tôi vẫn không thuyên giảm hay là có thuyên giảm một chút ít. Nhưng khi tôi gửi cái tính mệnh của tôi cho các y sĩ Pháp, tôi vững lòng hơn… Tôi vẫn bảo người đánh điện cho thầy tôi ra. Khi thầy tôi ra, bệnh tôi đã khá lắm. Thầy tôi người gầy hư đi nhiều, thầy tôi nhất định mang tôi về Huế, không muốn cho tôi học nữa, vả nhà tôi có nhiều phố cho thuê ở kinh nên cũng không cần trông vào sự học hành của tôi làm gì. Sau ba tháng điều dưỡng, tôi đã bình phục như xưa. Suốt một năm trường ở Huế, tôi chẳng làm gì hết. Tôi chỉ đọc sách. Tôi thích nhất là tiểu thuyết anh ạ! Những nhà văn đương thời, thì không có mấy nhà là tôi không đọc tác phẩm của họ, Proust, Claudel, Giraudoux, Montherlant, Gorki, Barbusse và ngay cả Dekobra, tôi cũng không từ. Tôi đọc một cách lộn xộn, và nhét vào đầu tôi những tư tưởng ngang trái nhau. Thực ra tôi lại riêng thích Giraudoux vì nhà văn thần bí nầy là tác giả của cuốn tiểu thuyết “Les Eglantines”. Tôi thích cái đề cuốn truyện cũng như cuốn truyện vậy, chắc anh cũng đoán được vì sao. Ồ cuốn tiểu thuyết ấy viết khúc mắc quá, tôi phải đọc đến ba lần mới hiểu hết, và khi đã hiểu thì thích quá!

Tôi mỉm cười nhắc bạn tôi:

− Nhưng hình như bạn đã đi ra ngoài câu chuyện rồi, ta hãy để mấy nhà văn sĩ lại một bên, và kể nốt câu chuyện tình của bạn.

− Không biết đó có phải là một câu chuyện tình không? Thật lòng thì tôi tin cái thứ cảm tình nó làm xao xuyến lòng tôi đó, là tình yêu, nhưng có người lại bác đi, họ cho rằng chỉ gọi được tình yêu là khi nào có sự bằng lòng của hai bên, mà hình như trong chuyện tôi đây thì nàng chưa hề bao giờ có một cái biểu thị ái tình đối với tôi cả. Nhưng lý luận làm gì vô ích phải không anh, tôi chỉ biết rằng: nàng chưa hề tỏ một chút tình với tôi, nhưng hình ảnh của nàng, hằng ngày đã được ôm ấp bên cạnh tâm hồn tôi, và đã sống với tôi một cuộc đời thân mật nhất, thì dầu tôi có gọi nàng là vợ tinh thần của tôi cũng không sao kia mà! Nhưng một buổi chiều, tôi quên nàng như quên một giấc mộng xa. Phải, tôi quên một cách hoàn toàn. Nhưng anh cũng đừng trách tôi! Không lẽ bắt tôi sống mãi với một cái mộng hão huyền! Một hôm, thầy tôi bảo tôi cưới vợ. Tôi không từ chối. Tôi không muốn biết vợ tôi đẹp hay không, hiền lành hay không?

 

Bạn tôi thở dài và đứng yên quay về phía vườn, hút thuốc lá, đoạn quay lại nói tiếp một cách hoạt bát hơn:

− Hồi nãy, tôi có nói với anh rằng tôi thích đọc sách. Phải, những nhà văn ấy đã gợi cho tôi một cái thị hiếu, tôi muốn làm cái nghề của họ. Cái thị hiếu ấy nó bồng bột ở trong tôi đến nỗi không có một sức gì ngăn cản được cũng như khi tôi ngồi ở trước một tờ giấy trắng, tôi cũng không để yên cho ngọn bút được. Ấy sự viết văn đối với tôi đã thành một thói quen rồi, hơn thế nữa, một cái bệnh ác nghiệt. Cái thị hiếu ấy, có lẽ ở anh, ở anh Lê, anh Vũ, anh Nguyễn, nẩy nở một cách khác. Nhưng một khi nó đã nẩy nở rồi thì không còn sức mạnh gì thu lại được nữa. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi nhan đề là “Vùng cúc trắng”. Cuốn tiểu thuyết ấy…

− Anh kể nhanh lên một tý!

− Vâng, tôi xin làm vui lòng anh. Thế rồi tôi xin thầy tôi ra Hà Nội mở một cái tùng thư. Thầy tôi cho tôi một cái vốn gần ngàn bạc và dặn vợ tôi theo bên tôi để săn sóc tôi. Hai vợ chồng tôi thuê một cái nhà ở phố Duvilliers và treo ngay cái bảng tùng thư ở đấy. Một hôm, một chiều chủ nhật, cũng như lệ thường, hai vợ chồng tôi đi lên trường Đua Ngựa. Chúng tôi lấy vé tribune. Một lần thứ nhất, tôi đánh con Pégaze, tôi được ngay gagnante, lần thứ hai, vợ tôi đánh con “Nam Anh” thì được Placet. Hôm đấy là cái ngày may mắn trong cái đời đua cá ngựa của chúng tôi vì chúng tôi ít khi cá ngựa lắm. Ba, bốn chủ nhật mới cá một lần, mà thường là cứ thua mãi.

 

Chúng tôi lãnh tiền vừa bước ra, tay còn cầm mấy đồng bạc, thì trước mắt tôi, cách tôi mấy bước, hai người thiếu nữ giống nhau như đúc, đương vui vẻ nói chuyện với nhau. Hai khuôn mặt đấy là hai khuôn mặt tôi đã được nhìn thấy trong hai khung cảnh “Les Eglantines”! Trong óc tôi bỗng đứng dậy cả một cái dĩ vãng đã xa mờ có đề một tấm bảng “Les Eglantines”! Tâm hồn tôi lảo đảo! Chân tay tôi bủn rủn. Tôi có cái cảm giác đi trên mây. Hai cái hình người dần dần biến trước mắt tôi, và tôi chỉ còn thấy hai cái khuôn mặt mà thôi. Hai khuôn mặt chị em nhưng mỗi khuôn mặt có một vẻ riêng, có một nét cười riêng. Một nét cười hiền lành phúc hậu vô cùng. Còn một nét cười có vẻ bộc lộ tàn ác. Một khuôn mặt tôi đã gặp ở dưới một gốc ổi, và một khuôn mặt ở trong khung cửa sổ. Dần dần hai khuôn mặt ấy lại nhập lẫn vào với nhau, rồi lại rời nhau ra… Vợ tôi đánh vào vai tôi:

– Mình làm sao thế?

Tôi tỉnh mộng quay lại phía vợ tôi mỉm cười. Nhưng… những tờ giấy bạc mà tôi cá được, không biết đã bay khỏi tay tôi hồi nào rồi. Tôi cố bình tĩnh nói với vợ tôi:

– Mình ạ! Tôi bị đánh cắp.

Vợ tôi ngạc nhiên hỏi:

– Thế bao giờ mình?

– Tôi cũng không biết nữa.

Tôi cười nói thêm:

– Hôm nay tôi định dành một cái Triple-évent, nhưng xúi quẩy quá, ta nên về đi thôi, để chủ nhật sau ta lại cá nữa mình nhỉ?

Vợ tôi gật đầu, dắt tay tôi đi ra. Tôi quay lại nhìn, tôi không còn nhận thấy hai người thiếu nữ ấy đâu nữa… Mà có lẽ là hai chị em.

Bạn tôi ngừng lại, cắn móng tay, một lát sau lại nói tiếp:

– Mà cũng có thể là một người anh ạ! Có lẽ là trong lúc ấy mắt tôi hoa lên mà trông nhầm và thấy hai người, và tưởng là hai chị em. Nhưng cũng có thể là hai người được anh ạ! Nhưng biết đâu người tôi gặp đầu tiên đương ngồi đu ở cành ổi là một người mà người tôi thấy hiển hiện ra trong khung cửa sổ lại là một người khác biết đâu. Rồi hai vợ chồng tôi dắt nhau ra về, chúng tôi đi bộ từ đấy về cho đến Trại hàng Hoa. Lần này, tôi mới để ý đến biệt thự “Les Eglantines”. Khi đi qua tôi tưởng như nghe có tiếng dương cầm. Những tiếng trong trẻo bay qua cửa sổ… Tôi nhìn vào những làn cúc trắng rung động một cách dễ sợ.

Tôi tưởng như là đi một mình, tôi lầm bầm: Giá trước kia, giá lúc tôi gặp nàng lần đầu tiên, tôi đã nói được một câu, một câu rất thường, có lẽ tôi không phải ân hận suốt đời như thế này nữa, có lẽ nàng đã là vợ của tôi rồi.

Vợ tôi nghe chữ được chữ mất, hỏi lại tôi, tôi chỉ cười không đáp. Tôi vội vã gọi xe ra về. Từ đó tôi không bao giờ đi cá ngựa nữa.  Có một lần, nhưng chúng tôi tránh qua con đường Parreau, và quành qua con đường Bưởi, lên Thụy Khuê. Và từ đó tôi cũng không biết gì hơn về hai thiếu nữ ấy nữa.

 Nghĩ một lát, bạn tôi lại nói tiếp:

– Mà có thể là một người anh ạ! Đến nay tôi vẫn bâng khuâng về điều ấy. Nhưng nghĩ cho kỹ, chẳng là một điều quan trọng, ái tình chỉ là một cái huyễn tưởng. Yêu mà nào ta có biết là ta chắc chắn yêu ai, có khi chỉ là yêu một cái hình, một cái bóng. Cái bóng ấy tôi đặt tên cho là Tâm. Không biết cái tên ấy có đẹp không, nhưng lần đầu tiên tôi lại lựa ngay cái tên đó.

Rồi cứ những lúc ngồi một mình tôi lại tự nói: Đời ta, ta đã yêu một cách tha thiết, yêu một người có tên là Tâm. Nghĩ cho cùng, cái tên cũng chẳng quan hệ gì, ta chỉ đặt ra để gọi một cái huyễn tưởng đó mà thôi.

Một ngọn gió ngoài vườn đưa vào, đánh ập cánh cửa sổ một cái thật mạnh, bạn tôi cầm mũ đi ra khỏi phòng của tôi, như đi ra khỏi một giấc mộng.

 

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Một lần tôi đi qua // Hà nội báo, Hà Nội, s. 43 (28 Octobre 1936), tr. 23 – 28.