MỘT NGƯỜI ĐAU KHỔ

BỐN CÔ GIANG HỒ

Cũng như lệ thường, sớm chủ nhật, bốn cô tiên xuống phố với bộ mặt tươi vui hớn hở nhất trong tuần lễ.

Thoa bận áo trắng, Huệ bận áo tím, Nhung bận áo hồng, và Nhạn bận áo đỏ.

Nếu Hà Nội là vườn hoa, thì các cô là những con bươm bướm trong những con bươm bướm khác.

Trời sinh ra các cô chỉ để mà bay lượn và như thế cũng đã làm đẹp mắt vui lòng biết bao người.

Ta hãy theo các cô trong các cuộc bay lượn.

Bắt đầu, các cô vào nhà Gô-đa. Cố nhiên là không phải để mua sắm; đi dạo Gô-đa đối với dân Hà Nội là một thú tiêu khiển không mất tiền, trong ngày chủ nhật.

Nhưng khi ta trông những cái xắc, phình ra ở tay các cô, nhất là cặp mắt tò mò, linh hoạt, cái vẻ rộn ràng của các cô, thì khiến ta không thể tin rằng ta đã theo đuổi những con bướm, mà chính là những con ong siêng năng. Hãy kính trọng sự làm việc; và đừng đi theo làm rộn họ nữa.

Các cô vẫn đi, hết hàng này qua hàng kia… Các cô đã đứng lại và trầm trồ ở tủ đồng hồ, ở chỗ bán đồ nữ trang. Các cô đứng rất lâu ở chỗ bán hàng tơ lụa. Các cô còn đứng lâu hơn nữa, và có lẽ làm cho các cô mất thì giờ hơn hết, ấy là những quyển sách, những quyển sách với những dòng chữ, những hình vẽ bí mật… Các cô hết cầm ngược lại cầm xuôi, hết lục quyển này đến lục quyển kia, hình như là tìm một cuốn sách quý của một tác giả thân yêu mà tủ sách yêu quý của các cô không có. Có khi cao hứng các cô gọi một người bán hàng đến hỏi giá. Nhưng rồi người ta vẫn thấy các cô không mua sắm một cái gì cả. Các cô vẫn ung dung kéo nhau đi.

Có một điều này, tuy không hẹn nhau mà các cô vẫn đồng lòng với nhau, là mỗi khi gặp tấm gương lớn − vật ấy nhan nhản ở trong nhà Gô-đa − thì các cô cùng đứng lại, và hình như các cô quên hết cả thiên hạ xung quanh, rồi cùng chen  nhau để mà  ngắm bóng mình trong gương. Mỗi khi rời gương, nét mặt các cô lại như thêm vẻ hớn hở và trong sáng, vì cô nào cũng có cái cảm tưởng thầm kín rằng mình là một người đẹp, ít ra cũng đẹp nhất trong bọn bốn người, và bao nhiêu công tử ở trong buổi sáng chủ nhật ấy đều chú ý đến mình cả. Mình là mặt giời mà các người con trai bảnh bao ấy là những vị sao hầu.

Cho nên Gô-đa, đối với các cô, là cái cửa hàng bán những thứ cảm giác sung sướng ấy, có lẽ mặc dầu là huyễn tưởng nhưng mà vẫn là sung sướng. Vì thế, trong một tuần lễ nặng nề buồn chán, nhà Gô-đa đối với các cô là những giây phút “thoát ly”. Đi dạo Gô-đa trong ngày chủ nhật, đối với các cô, còn hơn là một thú tiêu khiển; nó là một sự cần.

Nhưng có lẽ cái cảm tưởng thanh thản nhất của các cô là khi đi ra khỏi nhà Gô- đa. Hình như đã lâu lắm, không biết tự ngày chủ nhật nào, các cô đã được bị theo một bên hông, bởi một người đàn ông, một gã thanh niên. Người ấy ăn mặc một cách vừa phải. Và nhất là không có dáng  một “công tử”, − hai chữ này theo nghĩa người ta thường hiểu là một người diện cho thật “mốt” và làm nghề chim gái. Không, chàng không có cái đầu tóc “chẻ hai” cũng không có cái cravate mẫu lòe loẹt và những nếp quần có góc cạnh. Chàng ăn mặc một cách giản dị mà đứng đắn, xoàng xĩnh mà không cẩu thả. Ở trong người ấy, ta thấy sự săn sóc về vật thể cũng không lấn quá sự săn sóc về tinh thần. Nhất là trong đôi mắt trong sáng của người ấy vẫn lộ ra một vẻ đằm thắm dịu dàng. Cái vẻ đằm thắm, dịu dàng của những người không có những ham muốn về  về vật dục.

Nhưng người ta vẫn thấy chàng theo đuổi bốn cô gái giang hồ một cách chăm chỉ, thành kính.

Bốn cô rẽ ra Hàng Khay, lẩn lút vào trong những người đàn bà sang trọng, tấp nập chen chúc nhau trước những cửa hàng Bom-bay. [a]

Các cô tưởng như thế sẽ làm cho chàng lạc lối chơi, nhưng quái lạ, khi bốn cô vừa ra khỏi chỗ đông người và rẽ qua phố Gia Long, thì đã thấy người thiếu niên đó đuổi theo sau.

Và từ đấy, chàng không rời các cô ra nữa.

Các cô rẽ vào đường nào, thì chàng cũng rẽ vào đường ấy, và bao giờ cũng cách các cô độ một quãng vài ba chục thước. Chàng không có ý muốn tiến gần thêm chút nữa, mà cũng không muốn xa hơn chút nữa.

Đã nhiều lần, cái cô áo tím muốn ngoảnh lại, với một vẻ mặt hung hăng, hình như muốn văng vào mặt "chàng công tử" ấy một câu rủa, nhưng cô áo hồng ôn tồn lại đưa tay vuốt ngực bạn, và khoan thai:

− Em xin “mình” bớt nóng. Mình làm như toàn thân mình bọc vàng nạm ngọc cả, đáng để cho người ta theo mình lắm đấy!

Cô áo xanh, cũng lườm cô áo tím, và nói xen vào:

− Chị Thoa làm bộ quá! Chị tưởng người ta theo chị và mộ chị đó sao!

Thoa không nén được sự tức giận, đưa hàm nói bằng một giọng mỉa mai:

− Chị nói cho em tội nghiệp! Xấu xí như em thì có ai mê. Người ta có theo bọn chúng ta, chính là vì có chị đấy!

Cô áo trắng từ nãy đến giờ không nói gì, bây giờ mới đâm vào một câu khôi hài:

− Không, em thì em chẳng biết nói khiêm như mấy chị đâu! Cái anh chàng ấy chính là chạy theo cái sắc đẹp của em đấy.

Nói thế rồi nàng cất giọng cười giòn giã. Nhưng mà các cô kia vẫn không ai cười theo cả.

Và từ đấy, cũng không ai trao đổi một lời nói gì nữa. Không một lần nào ngoảnh mặt lại xem nhưng các cô vẫn lắng nghe tiếng giầy của chàng thanh niên nện đều ở trên đường nhựa… Các cô quặt ra đường Gambetta, rẽ phía hội chợ và theo đường Reinach. Khi đến trường Mỹ thuật, cô áo trắng mới lại bắt đầu khơi chuyện:

− Chúng ta xích mích với nhau vì một chuyện không đâu thì thật là vô lý quá. Cứ bữa chủ nhật nào đi chơi về, cũng kiếm ra một câu chuyện để gây nhau là nghĩa làm sao chứ? Hôm nay, ta phải bỏ cái lệ ấy mới được, các chị có bằng lòng không nào?

− Ô hay, sao chị có thể gọi được là “lệ”! Muốn gây ra chuyện là tự mình chứ nào có ai buộc mà bảo là “lệ”?

Cô áo trắng vui vẻ đáp lại lời cô áo tím:

− Vâng, thì tại chúng mình muốn thế: không việc gì, thì ta gây nhau một chút thế cho vui, nhưng mà gây nhau rồi, mỗi người lại nhất định không nói nữa thì buồn quá, mà lại làm cho quãng đường càng xa thêm nữa.

Vẫn cô áo tím cãi lại lời bạn:

− Ô hay! Chị này nói nghe chướng quá, chúng ta đi chơi, chứ có phải là đi làm việc gì mà ngại đường xa?

− Thưa chị, đường xa, em không ngại cho chúng mình, mà em chỉ thương hại cho cái cặp giò của anh chàng đi theo mình đây. Các chị phải nhớ rằng: “người ta” còn một “cuốc” về nữa.

− Chị khéo lo!

Cô áo hồng:

− Chị có thương hại, thì chốc nữa, chị lại tiễn người ta về.

− Về đâu mới được cơ chứ?

− Về Hàng Gà chứ về đâu nữa!

Cô áo xanh cãi lại:

− Ai bảo chị thế, người ta ở mãi Quán Thánh.

− Hàng Gà mà!

− Quán Thánh.

− Không, Hàng Gà, em biết đích hơn chị nữa.

− Chị cuộc cái gì nào?

− Em đánh cuộc cái thằng nhân tình của em đấy. Em mà nói sai, thì xin gán cho chị cái thằng cha cả Vượng đấy, nghĩa là cả chiếc Mát-fo mà nó bảo là nó tậu cho em đấy…

− Phiệu.

− Ai bảo chị thế? Còn như em được thì chị mất cho em cái gì nào?

− Xin cúng hầu chị chiếc nhẫn này.

− Một chiếc nhẫn mà dám đánh ngang với một chiếc ô-tô. Nhưng em cũng bằng lòng, vì thế nào em cũng được cuộc.

Rồi cô áo tím quay lại phía hai cô áo xanh và áo hồng:

− Còn hai chị có bằng lòng theo chúng em để làm chứng cho chúng em không?

Cô áo hồng đáp:

− Vâng, xin vui lòng, miễn là chiều nay các chị đãi cho một bữa “bánh cuốn lạp xưởng”.

− Chết! Nói khẽ, nhỡ người ta nghe cười cho chết.

− Thế bây giờ mình cùng một lượt quay lại hỏi người ta chứ?

− Ấy chết! Sao lại đường đột thế? Mà ví dụ người ta có nói cũng là bịa mà thôi, tin thế nào được? Thế em chỉ có một cách là ta sẽ tiễn người ta về đến nhà, và đừng cho người ta biết. Nhưng phải đợi đến khi chúng mình về đến nhà đã, lúc người ta quay lưng, thì chúng mình mới lại đuổi theo.

− Khá đấy! Kế ấy hay lắm, người ta không đánh lừa mình được. Chúng mình sẽ biết rõ sự thực.

Về đến nhà, bốn cô vội vàng thay quần áo, và tô điểm thêm một chút nữa, rồi lại trở ra ngay. Lần này cô áo xanh thì mặc chiếc áo hồng, cô áo hồng thì mặc áo trắng, và cô áo trắng thì lại mặc áo tím, và cô áo tím thì mặc áo xanh. Sự thay đổi bộ cánh như thế là một việc rất thường ở giữa những cô đào: Thường thường họ làm như thế là để khoe với mọi người khác rằng họ có nhiều áo, và áo nhiều màu. Nhưng lần này thì cốt để làm bối rối mắt và trí của những công tử lưu ý đến bọn họ.

Thế rồi bốn cô tinh quái ấy lại im lặng đuổi theo cái người thanh niên bí mật. Khi đến đầu phố Khâm Thiên thì người ấy nhảy lên tàu điện, bốn cô cũng vội nhảy lên, nhưng ở toa khác. Tàu đến vườn hoa Hàng Đậu thì chàng công tử nhảy xuống. Đợi chàng đi khỏi một đoạn dài, các cô mới lại xuống và rượt theo. Người thiếu niên ấy rẽ qua phố Jambert, đi thẳng lên đến phố Emile Nolly và bước vào một cái nhà hai tầng, nguy nga đồ sộ, một cái nhà sơn xanh và trước ngõ đầy hoa tím.

Bốn cô gái đứng lại, ngạc nhiên: các cô không ngờ rằng, các cô lại được theo đuổi bởi một người sang trọng như thế. Tuy không nói ra, nhưng trong thâm tâm cô nào cũng cảm thấy rằng mình đã có cái gì để làm cho người mê say và theo đuổi. Các cô cùng một thứ cảm giác sung sướng và tự đắc.

− Thế là chị Thoa, chị Huệ, không ai mất cuộc cả. Chỉ có chúng mình mất một bữa “bánh cuốn lạp xưởng”.

Huệ, một tay làm dấu bảo bạn im, và một tay chỉ vào nhà và nói:

− Các chị có thấy gì không? Qua giàn hoa, các chị không trông thấy cái dáng điệu một người đàn bà à? Suỵt! Người đàn bà ấy lại đi mở cánh cửa sổ và ngồi bên khung cửa. Người ấy lấy áo ra may.

− Chà! Bà ấy đẹp quá!

− Vâng, một cái đẹp hiền lành, thùy mị, vô tội. Cái đẹp của một người vợ hiền.

− Ai bảo chị thế? Người ấy mà hiền à? Em trông người ấy có vẻ sắc sảo, cay nghiệt, tàn nhẫn lắm. Nhưng thế nào cũng là một người đẹp, một sắc đẹp hiếm có.

− Nhưng chỉ tội là phải một người chồng tệ bạc quá! Kể thì cũng lạ! Được một người vợ đẹp như thế mà lại cứ bỏ đi theo gái thì thật là một kẻ đại ngu. Đã có của mà không biết hưởng. Anh chàng ấy chẳng khác nào là một anh trọc phú.

− Phải, được một người vợ đẹp như thế, một cái lầu nguy nga như thế, lại có một cái vườn đầy hoa thế mà chẳng sung sướng thì có lẽ sự sung sướng không có ở đời này nữa.

− Cứ đứng đây mà bình phẩm, nhỡ bà ấy trông thấy, nổi ghen lên ra đuổi cho một mẻ, không kịp chạy bây giờ. Thôi ta về đi!

Rồi đoàn tiên ấy lại trở về Khâm Thiên, mỗi cô có lẽ buồn thêm một chút, dẫu rằng cô nào cô nấy cũng nghĩ thầm tự kiêu rằng: mình đã có cái nhan sắc làm xiêu được một thiếu niên sang trọng.

 

 

MỘT CÁI ĐAU KHỔ IM LẶNG

Thoa, Huệ, Nhung, Nhạn điểm trang xong, ra ngồi “bày” ở salon đợi khách. Dầu hôm ấy là một hôm cuối tháng, họ cũng như bao giờ, vẫn kiên tâm, vẫn vui lòng đợi… đợi một sự bất ngờ. Vì đã dạn dầy trong một cuộc đời vô định, bọn họ chỉ sống về hy vọng, dầu là những hy vọng bất thành. Muốn quên cái cảm tưởng là thì giờ dằng dặc kéo dài ở bên mình, Huệ ngâm một câu sa mạc làm cho mấy cô khác nhăn mặt một cách khó chịu:

− Thế này thì đến chết mất! Chị cho chúng em sống mấy chứ?

Nhưng Huệ vẫn ngân giọng ra và hát tiếp cái điệu vong quốc ấy.

Thoa quay lưng đi, với lấy một nhật trình đã cũ nát, và đọc thầm một cái quảng cáo về thuốc tình. Nhạn ngáp một cái dài đứng dậy, đi lại trước cái gương to, và lấy son vẽ lại đôi vành môi. Và Nhung chạy ra cửa ngoảnh đầu nhìn những dãy phố bên và nói to:

− Nhà chị Thu có khách rồi, chắc là thằng cha Nhân lùn lại trốn vợ lên hát chứ gì.

Ba người vẫn không hề lưu ý đến câu nói của bạn, người nào vẫn làm việc người ấy. Hồi lâu Thoa vứt mẩu nhật trình cũ xuống đất và nói:

− Tiên sư thằng cả Vượng, mình cứ tưởng thằng ấy không biết nói dối.

Ngẩng lên xem đồng hồ, Thoa nói tiếp:

− Mười một giờ rồi. Bây giờ mà hắn không lên thì chắc là chẳng bao giờ nữa.

Huệ ngừng hát:

− Tớ đã bảo là phượu! Thằng ấy phượu lắm, thế mà đằng ấy vẫn không tin.

Rồi để rơi một giọng buồn nản:

− Mưa mãi, đã thế mà giời còn mưa mãi. Thôi ta xoay ra “chắn” một lúc, thế mà lại hay đấy! Các chị có đánh không nào. Tôi nhờ chị Nhung đi lại lấy hộ bộ chắn.

Nhung không nói gì, lại mở tủ lấy bộ chắn và một lát sau bốn cô cùng ngồi quây quần ở trên giường. Bỗng tiếng ô-tô đỗ ngay ở trước cửa.

 Thoa vui mừng một cách đột ngột, ngừng đánh và ngẩng nhìn Huệ có ý bảo:Chị còn bảo phượu nữa thôi! Ô-tô hắn lên đấy kia!

“Hắn” là thằng cả Vượng. Mọi người cùng hồi hộp chờ một tiếng động thứ hai. Quả cánh cửa xe đóng lại một cái ập, và có tiếng chân bước vào. Mọi người xếp vội bộ chắn lại, và ngẩng lên nhìn. Chợt thấy một người đàn ông khoác một chiếc áo ướt, thì họ kêu lên.

− Chết! Các quan!

Nhưng bỗng họ ngừng lại giữa câu nói, vì họ vừa nhận ra rằng người đàn ông ấy chính là người hồi sớm nay và những sớm chủ nhật khác đã săn đuổi bọn họ.

Thoa vừa phủi những giọt mưa còn đọng trên áo chàng và vui vẻ hỏi:

− Thế quan đi hát có một mình thôi à?

− Vâng, tôi đi có một mình thôi. Các anh ấy không biết chốc nữa có đến không?

Rồi bốn cô bâu “nhặng” lên bên cái mồi hiếm có ấy.

− Quan để em cất mũ cho.

− Mời quan xơi nước.

− Quan nghe hát nhá?...

Rồi từ đâu hiện ra một anh kép khô đét một cách thảm hại, vừa chùi mắt vừa lê một cái đàn dài hơn anh ta và theo sau anh, một người đàn bà nặng nề ục ịch, một người đàn bà đã già vấn khăn có đuôi gà, ra trình một cái mặt bự phấn, một lớp phấn có lẽ “đánh” từ hôm qua: Cô đào hát đấy.

Trong khi cô đào đã chễm chệ ở một góc giường và người kép đã thử dây xong thì Thoa đưa trống lại tận tay khách và nhí nhảnh:

− Mời quan lên trống đi.

“Quan” nhìn Thoa ngơ ngác đẩy trống một cách thật thà:

− Chết! Tôi có biết đánh trống bao giờ đâu!

− Quan cứ nói khiêm mãi!

− Không, tôi nói thực…

− Quan mà không biết đánh trống thì họa là…

Nhưng mà “thật tình” “quan” không biết một tý gì về cái nghệ thuật ấy hết.

Anh kép hát vặn mạnh cho cái dây đàn nó đứt để tỏ sự tức giận, rồi cũng lẳng lặng theo gót cô đào đi lên gác. Cái cô đào hát, trước khi đi cũng lườm Thoa một cái, Thoa hẳn là người đã đánh thức cô ấy dậy. Hai người ấy đi, gian phòng như nhẹ hẳn, mọi người đã hơi dễ chịu. Thoa vẫn lại bên khách và mời:

− Quan không hát thì để em lấy bàn đèn ra cho vui nhá!

Khách đưa hai đồng mua thuốc và các thứ quả. Bàn đèn bưng ra, và các thứ quả đã mua về. Khách cổi áo, cổi giày, nằm xuống cạnh bàn đèn, và lần đầu tiên khách mời chào một cách vui vẻ:

− Các chị lại quây quần cả đây cho vui nào!

Mọi người vâng lệnh khách lại trèo lên giường cả. Nhung gọt đào, Thoa gọt mã thầy, Huệ tiêm thuốc, và Nhạn ngồi đưa vế cho khách gối. Điếu thuốc thứ nhất tiêm xong, Huệ đưa tận môi khách. Khách như quên hết phép lịch sự, không mời mọc, ngậm lấy tẩu và kéo một hơi dài. Rồi điếu thứ hai, điếu thứ ba, điếu thứ tư, và điếu thứ mười; khi hút xong một điếu thì một cô đầu lại dâng cho chàng một nhát táo hay một miếng cam, đưa đút tận môi chàng như người ta đút cho một đứa trẻ. Lâu lâu người ấy mở cặp mắt lơ mơ ra, và cố nói bằng một giọng tỉnh táo:

− Em Nhạn cho anh nghe một câu bồng mạc.

− Em Thoa gọt táo nữa đi.

− Em Nhung hôn anh đi, một cái ở trên bàn tay này (chàng đưa một bàn tay uể oải cho Nhung).

− Còn em Huệ tiêm cho anh một điếu thuốc nữa.

− Ồ, các em nói chuyện đi, nói chuyện nhiều nữa đi và cười nữa đi! Các em có uống rượu sâm-banh không? Này…

Chàng đưa ra một cái giấy năm đồng và nói tiếp:

− Này tiền đây, em nào đi mua hộ anh một chai Moet-Chandon.

Và chàng vẫn nhắm mắt nói bằng một cái giọng lơ mơ:

 − Còn thừa bao nhiêu mua thêm một hộp thuốc nữa. Các em phải uống, rồi phải hút nữa, hút nhiều nữa đi, vui lên, Nhung đâu nằm vào lòng anh và cho anh nghe nốt bài “Gửi thư”.

Một lát, rượu và thuốc về; như một con thú bị động, người khách lạ vươn vai một cái rồi chổm dậy, tát yêu Nhung, vỗ vào đùi Nhạn, hôn vào má Thoa, và choàng vai Huệ, rồi nói bằng một cái giọng say:

− Khui rượu đi!

Chai rượu nổ một cái tách.

− Các em uống đi nào!

Mọi người nâng chén lên, thì chàng đưa tay làm dấu bảo ngừng lại:

− Khoan đã! Các em hãy hạ cốc xuống để nghe anh dặn: trước khi uống nghe anh hô: un, deux, trois [b] thì các em cười, cười rống lên, cười cho sập giời, này: un, deux, trois. Cười đi, còn đợi gì mà không cười nữa. Này anh nói lại:  un, deux, trois, cười đi!

Mọi người không hiểu gì, cũng cười rống lên, và khi thấy ai nấy cùng cười, cười một cách vô nghĩa, thì tự mình cũng lại thấy buồn cười, rồi như lôi cuốn bởi quỷ sứ, lại cứ cười rống thêm nữa, khiến cho tiếng cười không còn thể dứt được nữa.

Mãi đến khi bà chủ nhà, một người đàn bà đã có tuổi, ở trên lầu chạy xuống nhìn cái đám người điên cuồng với đôi mắt tròn xoe, mọi người bấy giờ mới ngừng cười, và ngơ ngác như vừa tỉnh một giấc chiêm bao khó hiểu.

Khách cố lấy vẻ điềm tĩnh, bảo thằng nhỏ lấy rót thêm cốc rượu nữa, rồi quay về phía bà chủ nhà:

− Mời bà xơi với chúng tôi một cốc rượu. Và nhân thể, tôi muốn thưa với bà một câu chuyện.

Bà chủ nhà chưa kịp trả lời, thì người khách đã đứng dậy, nhắc ghế lại gần bà:

− Mời bà ngồi xuống đây!

− Xin ông để tôi…

Với một giọng nghiêm trang, khách nói tiếp:

− Thưa bà tôi muốn bà cho biết ý kiến của bà đối với một việc quan thiết đến bà, và đến các em. Tôi muốn xin cho các em “ra”, và tôi chắc bà cũng không hẹp gì, mà không…

Bà chủ nhà chưa kịp đáp, thì khách đã nói tiếp:

− Thưa bà, em Nhung còn nợ bà bao nhiêu ạ?

− Thưa ông, cũng chả bao nhiêu, non 100$00.

− Non 100$00, còn em Nhạn?

− 70p.00

− Còn em Huệ 80p.

− Còn em Thoa?

− Em Thoa, thì chả mấy, chỉ có 30p.00

− 100$00, 70$00, 80$ với lại 30$00, nghĩa là tất cả 280$00…

Người chủ nhà vẫn tưởng cho là khách hỏi đùa, nói qua chuyện khác:

− Thưa ông, hình như lần này là lần đầu có phải ông mới chiếu cố đến nhà chúng em không?

− Vâng, mới lần đầu… Nhưng…

Khách ngừng nói, để lấy cái bót, và rút ra bảy cái giấy 100$00 rải ra bàn:

− Tôi xin bà nhận cho, và để cho tôi xin các em ra…

Mọi người đều châu nhìn khách một cách ngạc nhiên, nhất là bà chủ, thì lại càng có vẻ bối rối:

− Chết, tôi cứ tưởng ông nói đùa…

− Không, thưa bà, tôi không nói đùa đâu ạ! Xin bà nhận cho.

− Ông làm tôi không biết nghĩ thế nào. Phần tôi đã đành, nhưng còn các em nó, không biết các em có bằng lòng như lời ông nói không?

Rồi quay lại phía mấy cô đầu:

− Các em nghĩ thế nào? Các em có bằng lòng theo ở với quan không?

Mấy cô chỉ đưa mắt hỏi nhau mà không có nào dám mở miệng, cũng vì cái ý định ấy đột ngột quá, khiến cho các cô như không còn chủ định được mình nữa.

Khách vội đáp thay:

− Thưa bà, vẫn biết việc có quan thiết đến đời các em. Nhưng chẳng qua cũng là do bà định liệu cả, bà là người đã đưa các cô về đây, các cô ấy là sở hữu của bà. Muốn giữ hay buông ra, đó là cái quyền của bà mà thôi…

− Thưa ông nói như thế cũng phải, nhưng chị em ở với nhau bấy lâu nay, thế nào cũng đã có chút tình gắn bó, một chút tình ấy, thưa ông, dầu có tiền muôn bạc vạn nhiều khi cũng không mua được.

− Nhưng mấy cô ấy nào có phải đi đâu xa, những khi nhàn rỗi, bà lại đây mà chơi với các em cũng được mà. Sỡ dĩ tôi muốn bà nhận số tiền ấy, là vì tính tôi rất ưa sự phân minh dứt khoát mà thôi, chứ thực lòng tôi chả có ý muốn chia rẽ cái tình giữa bà với các cô em, bà hãy tin ở lời tôi nói. Bây giờ đây, tôi chỉ cần bà trả lời cho tôi rõ ràng xem bà có thể nhận ngay số tiền này không? Việc ấy, tôi muốn tính xong ngay trong cái giờ phút này mà thôi. Đợi đến ngày mai, thì tôi chắc rằng những ý kiến ấy ở trong trí tôi đã thay đổi hết.

Bà chủ nhếch miệng cười:

− Thật đời em chưa bao giờ gặp một người lạ như quan, một người có lòng hào hiệp…

− Không, thưa bà, xin bà đừng nói đến hào hiệp. Bà còn nói tới, tôi sẽ đi khỏi nhà bà ngay…

− Nhưng tôi biết gọi thế nào, cái tấm lòng rộng rãi ấy, đã cưu mang đến các em nó, khiến cho tôi không còn tính cách nào được nữa, trừ cách… có lẽ, tôi phải đành xa các em nó, và nhận lấy số tiền của quan… Nhưng thưa quan, quan cho tôi số tiền to quá. Các cô ấy, ở với tôi nào có tốn kém gì cho cam…

Khách xếp mấy tấm giấy, đùn vào tay người đàn bà, rồi quay lại phía các cô…

− Thôi bây giờ thì các cô cạn hết cốc rượu đi thôi… Mời cả bà nữa…

Nhưng người chủ nhà vẫn còn nói thêm:

− Thế thưa quan bây giờ tôi còn phải biên giấy lại cho quan chứ?

Khách cười:

− Thưa bà, bây giờ chúng ta chỉ có uống rượu và hút thuốc phiện. Mời bà nằm xơi thuốc với chúng tôi…

− Xin phép quan tôi lên gác một lát…

Người chủ đi rồi, thì các cô châu lại quanh người khách.

Nhung ghé tai khách và nói:

− Chết, anh điên quá! Nếu quả anh muốn chuộc chúng em ra, thì anh cứ bàn với chúng em, rồi đưa tiền cho chúng em trả nợ, như thế chỉ mất vài trăm bạc là cùng. Anh điên quá, khi không vứt tiền cho con mẹ nó ăn. Anh tin người quá! Con mẹ ấy đáo để lắm đấy.

Rồi Nhạn, Huệ, Thoa, mỗi người cũng tiếp thêm một câu nữa, làm cho khách bối rối, khó chịu. Nhưng khách cũng không muốn ân hận về cái cử chỉ dại dột quá điên cuồng của mình. Cuối cùng, khách chỉ mỉm cười và nói với những cô đầu:

− Các em đừng nhắc tới việc đó nữa!  Nghĩ đến sự cứu chuộc của các em là do một phút điên cuồng, nếu không điên cuồng thì anh không bao giờ nghĩ tới cả: bàn tính kỹ càng thì chắc là anh đã không dám nghĩ tới, không dám làm.

Nghĩ một lát, khách vui vẻ nâng cốc rượu mình và nói:

− Này các em cùng uống nào! Để khen ngợi cái vui sướng của người anh cả của các em.

Nhung nhanh trí, và với một cái giọng nũng nịu, ngây thơ:

− Nhưng anh cả của chúng em tên là gì đã?

− Tên gì? Anh tên là Minh.

− Minh… à anh Minh. Nhưng năm nay anh bao nhiêu tuổi?

− 27 tuổi…

− Anh cả của chúng em làm nghề gì?

Minh tát yêu Nhung và cười đáp:

− Con bé này mà lanh quá! Khi không mình bị nó tra hỏi như tra hỏi bởi một ông quan chánh án.

Nhung cười một cách thực thà  như một đứa trẻ con và nằm vào lòng Minh. Trong lúc ấy, Nhạn tiêm xong điếu thuốc đưa mời Minh:

− Anh hút thêm điếu nữa.

Nhung giữ tay Minh lại:

− Em cấm anh hút nữa. Anh hút nhiều lắm rồi.

Nhạn mím môi, Thoa ghé tai Huệ nói nhỏ:

− Đã biết tính con khỉ ấy, có món sang nào là bắt nhân tình ngay.

Nhung từ trong lòng Minh, ngồi chổm dậy:

− Các chị cười gì thế?

− Ai cười chị đâu nào! Chuyện riêng. Việc gì đến chị mà chị lên tiếng?

− Nhưng tôi cấm các chị nhìn tôi mà cười.

− Ồ, sao mà chị hay cấm thế!

Thoa đáp thế, rồi ngả xuống cầm lấy tẩu và nói với Minh:

− Chị ấy không cho anh Minh hút, thì để em hút thế cho anh ấy vậy.

Mọi người cùng cười, nhưng tiếng cười không được thực thà lắm.

 

 

NHỮNG NGƯỜI EM GÁI

 

Minh hút nhiều thuốc phiện quá. Chàng không nhớ là chàng đã hút đến điếu thứ  mấy, nhưng chàng đã hút không ngớt miệng: mỗi lần Nhạn đưa cái dọc tẩu cho chàng là chàng lại nâng tay đỡ lấy một cách vui vẻ. Chàng không hề biết từ chối. Ít khi người ta được thấy một người hút thực thà như chàng. Đừng nói chi những người nghiện, mà ngay những người hút chơi, trong lòng họ thì háo hức muốn hút chết đi, muốn giữ chặt lấy cái dọc tẩu mà hút một hơi cho thật đã, mà đến khi người ta mời, đưa tận môi mình thì làm bộ từ chối, nào tôi “sợ say” nào tôi “không dám”, nào không thể dùng nhiều… nào nào… họ còn bịa ra một trăm cớ khác để tỏ ra mình là một người trong sạch còn “trinh tiết”, một người đứng đắn, nhưng cuối cùng thì rồi họ cũng hút như ai, hút "thả cửa", hút đầy cả phổi, hút lịm cả người mà không biết nôn ọe.

Minh hút lần ấy mới là lần thứ hai. Nói rằng chàng đã "bắt" được cái hương vị thần tiên của thuốc phiện thì sớm quá. Người ta vẫn thấy chàng mỗi khi ngậm cái dọc tẩu, chàng nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu: cũng như những người mới tập hút khác, chàng nhận thấy rằng: cái dọc tẩu có một mùi tanh hôi… và khi đặt môi lên đó, chàng vẫn như bị theo đuổi bởi một cái ám ảnh ghê sợ: những làn môi run rẩy, những làn môi thanh khiết, hay những làn môi nhầy nhụa, những làn môi còn đỏ thắm của những kẻ thanh tân, hay những làn môi đã tím sẫm của những người thành thạo, ôi những làn môi, những làn môi của biết bao người đã để lên đấy, và đã lưu lại đấy một mùi vị, một dấu vết.

Cái hình ảnh ghê sợ ấy làm cho Minh vứt mạnh cái dọc tẩu chàng đương nắm ở tay, và không kéo hết điếu thuốc đương hút dở! Chàng vòng tay lại trước ngực, và nghĩ lung lắm: vài giọt bồ hôi lạnh rỉ ở trên trán chàng. Nhưng cơn kinh khủng ấy chỉ dài trong một phút mà thôi, rồi như kẻ điên cuồng, Minh lại cầm lấy dọc tẩu và kéo một hơi như có ý muốn cắt đứt cái tư tưởng phản động vừa qua trong óc chàng. Chàng không muốn viện vào một cớ nào về luân lý hay về vệ sinh để cản lại cái mê say của mình. Hút, vâng chàng muốn hút như một kẻ si tình. Chàng muốn quên lãng, muốn bị đắm đuối trong một thói quen nguy hiểm. Sự đau khổ đã làm cho chàng liều lĩnh, bao giờ chàng cũng như muốn phiêu lưu vào những chốn nguy hiểm.

Phù dung đã cho chàng những cảm giác say sưa và mới lạ như đương ngồi ở trên một chiếc xe nhanh chóng băng mình một cách điên cuồng ở trong một xứ mà mình chưa bao giờ bước chân tới. Sự đau khổ làm cho người ta đâm mến cái khí vị giang hồ. Dầu rằng chưa đi đâu xa, Minh cũng đã bắt đầu nếm cái khí vị ấy, cái khí vị của những giờ vô định, những ngày không thường; Minh đã có cái cốt cách của những người ghét những cảnh nề nếp quen thuộc quá tầm thường. Thuốc phiện đã làm cho chàng, trong những giờ quý báu của đời mình, phải bê tha, liều lĩnh.

− Nhung, em cho anh xin điếu nữa!

− Anh hút nhiều quá!

− Tay em tiêm xinh quá, làm cho anh muốn hút mãi…

Bây giờ trong cái im lặng của đêm khuya, trong cái buồng con ở nhà cô đầu, chỉ còn trơ lại có hai người: Minh và Nhung, một người tiêm và một người hút. Lâu lâu hai người mới để rơi một vài mẩu chuyện đứt đoạn giữa tiếng kêu ro ro của thuốc phiện.

− Anh nhấc đầu lên cho em thay đổi cái chân một tý.

Nàng cựa mình một cái, đổi chân, rồi lại nói với Minh bằng một giọng đầy âu yếm:

− Bây giờ anh gối vào vế này…

Một lát, nàng lại hỏi:

− Anh có hút nữa không, để em mở thêm hộp nữa…?

Rồi trong lúc Nhung lúi húi mở hộp thuốc, thì Minh lơ mơ, rồi lịm đi hồi nào không biết. Khi nàng tiêm xong điếu thuốc, quay lại đưa cho chàng thì tay chàng như không còn đủ sức nâng lấy cái dọc tẩu.

− Anh ngủ rồi anh Minh?

Không có tiếng đáp. Nhưng Nhung vừa nhận thấy trên mí mắt của Minh, đôi giọt lệ sắp lăn xuống má. Nhung cảm động, cúi xuống, đặt một cái hôn chùng lén và nhanh chóng. Bỗng chàng mở mắt ra nhìn Nhung, và làm như một người không hay biết gì, và nói bằng một cái giọng ngái ngủ:

− Mấy giờ rồi em Nhung? Có lẽ đã gần sáng rồi em nhỉ?

Chàng nói xong thì đồng hồ trên vách ung dung gõ hai tiếng. Nhung nói với một thứ giọng êm dịu:

− Mới có hai giờ thôi anh ạ!

− À còn sớm nhỉ?

Cái tiếng chuông lạnh lùng của chiếc đồng hồ treo như có thế lực làm rung động cả tâm hồn cô gái giang hồ, và làm cho nàng thêm cảm thấy sự trống trải và lạnh lẽo ở quanh mình, ở trong lòng mình, ở bên đời mình. Như một kẻ điên cuồng nàng lay mạnh Minh dậy:

− Anh, anh dậy đi, anh dậy với em! Anh dậy đi, trời sáng rồi! Sao anh lại khóc? Anh Minh?

Minh cười:

− Anh khóc? Minh khóc à?

Rồi chàng vẫn cười:

− Minh mà lại khóc à?

Chàng ngồi chổm dậy, nắm chặt lấy tay Nhung, và cười, một tiếng cười nghe ghê rợn quá:

− Minh mà khóc à?

Nhung không nói gì, lấy khăn ra lau sạch cái ngấn lệ ở trên má Minh, rồi hai người lại ngồi im lặng và nhìn nhau. Trong một phút, Minh thấy rằng Nhung không còn là một cô gái giang hồ. Cái danh từ khả bỉ ấy, theo người ta thường hiểu, là chỉ một hạng người đàn bà đê hạ, không thể có những tính tình trong sạch, cao quý, chắt lọc của cái hạng đàn bà cao đẳng, quý phái. Nhưng Minh đã quên hết thành kiến về xã hội và thấy mình trước một người ngang với mình về địa vị, chung với mình một sự đau khổ, hình như người đàn bà ấy vừa dùng cái giọng nói nhỏ nhẻ, yếu ớt của người đau khổ, để hỏi mình, cái giọng nói ấy đã đi tự một chỗ thân yêu trong lòng người:

− Anh Minh hình như anh buồn lắm?

Minh vẫn cố thản nhiên:

− Việc gì mà anh buồn? Anh ăn nhiều, ngủ nhiều, và lại hút thuốc phiện nhiều nữa. Người ta chỉ có thế. Anh là một người mãn nguyện.

Rồi chàng cười. Nhung ngây thơ cãi lại:

− Chỉ có những người đau khổ mới lại hay hút nhiều thế thôi.

− Thế à?

− Với lại tại sao anh có cái cử chỉ điên cuồng: khi không anh vứt tiền cho mẹ ấy ăn?

− Ồ thế mà anh cứ tưởng anh chuộc mấy em ra đấy?

− Ai bảo anh chuộc? Với lại không chỉ có thế. Anh có một cái nhà lầu nguy nga, một cái vườn đầy hoa, một cái xe hòm. Với lại…

− Với lại gì nữa, em nói hết đi…

− Với lại anh có một người đàn bà đẹp nữa, em có thể nói là đẹp lắm cơ…

Minh nhìn Nhung, ngơ ngác, tưởng như mình đương đứng trước một người mầu nhiệm mà việc gì cũng thể biết được cả. Chàng vừa cười chúm chím vừa hỏi Nhung:

− Ai bảo em thế. Bịa giỏi thực! Con bé này bịa giỏi thực.

− Em không bịa đâu! Em còn biết rõ nhiều hơn cơ. Chẳng hạn…

− Chẳng hạn gì nữa, em thử nói đi.

− Nhưng anh có cạy răng, em cũng không nói.

Im một lát, Nhung lại nói:

− Em mà có bấy nhiêu cái, thì em đã sung sướng chán.

− Chưa hẳn! Có bấy nhiêu cái chưa hẳn đã sung sướng đâu em ạ?

− Nhưng nếu anh không sung sướng, đó là lỗi tại anh. Chị ấy là một người đẹp. Em tưởng người ta không còn có thể đẹp hơn nữa.

Minh dứt đi mà hỏi:

− Nhung sao em biết được là anh có một người vợ đẹp. Em làm thế nào, cách gì mà biết được.

− Ồ thưa anh, đó là điều bí mật.

Rồi vẫn thẫn thờ như đương nói với một người trong mộng:

− Có một người đẹp như thế mà không sung sướng thì thật là hoài quá! Chả bù cho thằng cha Nhân lùn.

Rồi nàng ngừng lại cười, cười một cách hăm hở, thành thực, như một người yêu đời, thích sống:

− Thực vậy, chả bù cho thằng Nhân lùn, thằng này thì thờ phụng sắc đẹp một cách thái quá. Chả thế mà một lần nọ, nó nói với em: “Em Nhung ạ! Giá anh có được một người tình có cặp mắt say đắm như em, có cái nhìn sắc như dao, có cái miệng xinh, cái tiếng cười giòn như em, thì anh sẽ mua cái xe 8 ngựa đón em về nhà, và một ngày hai bận anh lại quỳ dưới chân em ngẩng mặt thành kính ngắm cái sắc đẹp mê hồn của em. Với anh, em chỉ là một bức tượng thiêng liêng, đặt ở xa những sự dục vọng phàm tục của anh”. Gớm hắn nói nhiều lần quá, đến bây giờ em thuộc lòng cả cái "văn chương" của nó.

− Nhưng mỗi lần hắn nói như vậy, thì em trả lời thế nào?

− Em ấy à? Em chỉ cười… rồi em cũng thành kính chắp tay lại trước ngực như kiểu mấy ông sư và niệm “Nam-mô-a-di-đà phật, xin người buông tha cho kẻ tu hành”. Nhưng mà nó chẳng chịu buông tha cho. Thế rồi anh Minh ạ! Nó đã mua sắm cho em đủ thức, chiều chuộng em đủ cách.

Nàng chỉ cái kiềng đeo ở cổ, và nói một cách tự đắc:

− Của này cũng là do cái gã si tình ấy sắm cho em đấy. Được của, mà trái lại em chả mất gì cả. Em vẫn đinh ninh giữ chặt lấy cái lời hứa lúc đầu của hắn, nghĩa là hắn phải coi em như một bức tượng thành kính của hắn, phải luôn luôn đặt xa những dục vọng phàm tục. Hắn đã mất hết nửa gia tài cho Nhung, mà tội nghiệp! Chả bao giờ được sờ mó vào bức tượng thân yêu của hắn cả. Gã si tình kể cũng đáng thương. Cũng may hắn tỉnh ngộ đã được hai tháng nay. Hai tháng nay, hắn không hát nhà em nữa. Hắn chỉ hát ở nhà chị Hồng bên cạnh, và đêm nào hắn cũng cắp tay chị Hồng, diễu qua trước nhà em như có ý trêu tức em. Buồn cười quá! Nó có ngờ đâu con Hồng ấy lại còn điêu hơn em nữa. Cái nửa gia tài còn lại, gã si tình ấy rồi cũng đến đổ cho con gái già mà thôi! Thật là “ma dắt lối quỷ đưa đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” anh ạ! Lũ chúng em chỉ là một lũ ma quỷ, nhưng cũng chỉ nát được những gã si tình mà thôi. Còn những người không mê gái như anh chẳng hạn, thì các anh là ma quỷ của chúng em. Các anh chỉ biết có…

− Chỉ biết có thuốc phiện.

Trong lúc ấy, Nhạn ở buồng sau vừa bước ra. Minh cầm tay Nhạn kéo xuống giường và nói:

− Thôi bây giờ Nhung đi nghỉ đi kẻo mệt. Nhạn ngồi xuống đây, tiêm cho anh một điếu thuốc nữa. Và kể cho anh một chuyện tình.

− Ấy chết! Em làm gì có chuyện tình. Bảo chị Nhung kia, chị ấy có hàng tá chuyện, hàng tá nhân tình. Còn em xấu xí như thế này…

Nhung cười bảo Minh:

− Nó nói điêu đấy anh Minh ạ! Em chỉ có mỗi một thằng Nhân lùn, nhưng nay nó đã "chuồn mất" rồi. Nhạn, mày có bằng lòng tao kể giùm nhân tình cho mày nhá! Này… này…

Nhạn bưng miệng Nhung:

− Mày định lật tẩy tao à!

Rồi quay lại phía Minh, Nhạn nói tiếp:

− Anh Minh ạ! Em cũng có nửa tá, nhưng toàn là nhân tình khổ cả, không đáng kể.

− Thế thì kể cho anh một chuyện nhân tình khổ cũng được. Nhưng bắt đầu, hãy tiêm cho anh một điếu thuốc đã.

− Vâng, em xin tiêm hầu anh. Nhưng đến chuyện tình thì anh tha cho.

Trong lúc ấy, Nhung đi vào, và như không có người bạn quen, Nhạn đã trở nên bạo dạn hơn.

− Nhưng chuyện tình thì anh tha cho! Thưa anh có điều đáng nói mà cũng có điều không đáng nói, không thể nói, không có can đảm nói, vì nó đã gắn chặt vào lòng mình; gỡ cái này mà không thể không động đến cái kia được. Anh hiểu chưa?

− Đúng lắm! Nói nữa đi.

Nhưng tiếng gà đã ở xa trong xóm đã bắt đầu gáy, Nhạn nhìn Minh, và lè lưỡi:

− Chết! Trời đã sáng. Anh ngủ đi.

 

 

 

 

NHỮNG NGÀY TÊ TÁI

Minh làm chủ cái nhà ở phố Khâm Thiên đã hai tháng rồi; nhưng chỉ ban đêm chàng mới đến, còn ban ngày chàng lại về nhà mình, theo công việc. Chàng cắt phiên cho mỗi cô trông nom nhà cửa một ngày, và hết phiên người này thì đến phiên người khác, thay Minh, tiếp đãi bạn bè, giữ việc chi tiêu, coi sóc tôi tớ… Và vẫn như xưa, cái nhà ấy vẫn là một cái nhà hát. Chỉ khác một điều là cái nhà hát ấy bây giờ lấy tên là nhà chị Thoa. Cái tên ấy không có ý chỉ cái nhà ấy là sở hữu của chị Thoa; sở dĩ Minh mượn cái tên ấy, là vì chị Thoa là một người lớn tuổi nhất trong bọn bốn cô, và Minh cũng muốn cho người ta gọi quen đi như thế tránh tiếng cho mình.

Một hôm, có một ông nghị giá ở vùng ngược về nhóm Hội đồng thường niên của Viện Dân Biểu, có ghé một đêm ở nhà chị Thoa. Nhân cao hứng, cụ nghị có tặng Thoa một câu đối:

Lĩnh tía đùi non ông nghị vỗ

Thân già da cóc chị đầu thoa…!

Thấy câu đối cũng ngồ ngộ, lại trong vế dưới có ba chữ “chị đầu thoa” thêm cái ý phụ muốn chỉ tên người chủ, Minh bèn thuê thợ thiếp hai câu liễn gỗ. Và cho treo ngay ở gian buồng chính. Từ đấy “chị đầu Thoa” lại được thiên hạ chính thức coi như chủ nhân nhà hát ấy. Mỗi khi chi tiền, quan viên cũng đưa tận tay “chị Thoa” và nếu trong khi hành lạc có xảy ra việc gì không hay, người ta cũng trách cứ ở như “chị Thoa” cả. Nhưng có một điều này rất tai hại cho Minh, là hình như có người muốn hiểu Thoa là nhân tình của Minh. Thực ra Minh đối với bốn cô chỉ có một mối cảm tình ngang nhau. Cái cảm tình ấy, còn xa lắm mới đến tình ái. Chỉ phảng phất như cái tình của một người anh giai đối với em gái. Có lẽ nhiều khi chàng bị hiểu lầm, nhưng thực ra bao giờ chàng cũng thấy mình như đã dốc hết cái hăm hở, cái nồng nàn, cái tha thiết, và lòng chàng không còn gì nữa.

Người ta kể chuyện rằng xưa kia có một vị đại thần, một vị tôi trung bị vua ngờ vực, và luôn luôn gặp những sự phản trắc của những kẻ gian nịnh, một hôm trả ấn về vườn. Vị ấy bèn lập một gánh hát bộ, và tháng ngày lang thang khi đây khi đó, quên cả danh phận mình, vị ấy cũng đặt mình ở giữa những đào kép, lấy cảnh giả dối và buồn cười để làm trò chơi cho mình và cho thiên hạ.

Minh bây giờ cũng giống như vị tôi trung thất chí ấy, chàng cũng mua cái nhà hát ấy, cái cảnh đời tạm bợ và giả dối để làm trò chơi cho mình. Bốn cô Thoa, Huệ, Nhạn, Nhung ở trong tay Minh, cũng như những đồ chơi quý báu mỏng mảnh ở trong những ngón tay hững hờ, chán chường, không còn có sự cẩn trọng đáng yêu. Nhưng các đồ chơi ấy, than ôi, lại không thể nào biết được số phận của mình.

Từ khi Minh đến trong cuộc đời của họ, giữa Thoa, Huệ, Nhạn, Nhung đã bắt đầu lởn vởn một đám mây u ám. Các cô đã bắt đầu không nô đùa với nhau một cách thành thực như trước nữa; họ nghi ngờ nhau, họ dò xét nhau, họ khích khí nhau, vì mỗi cô đã im lặng thầm lén dành cho mình một chút tình, một chút tình thừa của Minh, người mà họ kính mến, họ thương hại, họ yêu chỉ vì Minh là một người đau khổ im lặng và lại có những cái cử chỉ hơi ngông cuồng một chút. Là gái giang hồ, − những thoi sắt nhảy ra ngoài lò bác thợ − họ thích một cuộc đời khác thường, một nhân cách khác thường, những cử chỉ hơi vượt ra ngoài khuôn sáo.

Minh là người rất phù hợp với cái tính tình của họ, với sự thất vọng của lòng họ.

Đừng tưởng những con người có cái thần xác nhầy nhụa ấy không còn có thể yêu, không còn biết yêu nữa, yêu một cách không tư lợi, yêu về ái tình.

Đã lâu lắm, Thoa, Huệ, Nhung, Nhạn cứ buồn như thế, buồn một thứ buồn mơ hồ, không rõ rệt, họ không thể biết được nguyên nhân đích xác của cái đau khổ dằng dặc, liên miên của họ, nhưng có một điều họ biết chắc chắn là họ đau khổ, họ buồn như thế từ khi Minh tới trong đời họ.

Cái đời bồng bột, sôi nổi, bão táp của họ bỗng trở nên bình lặng như hồ thu.

Có thể như thế được à? Những cô gái giang hồ ấy đã chán chường những cuộc hành lạc liên tiếp không ngừng, những cuộc hành lạc điên cuồng như một ngọn gió lốc, đã lôi cuốn theo mình những linh hồn cơ khổ, những thân thế đọa đầy? Có thể như thế không? Những cô gái giang hồ đã chán chường những giờ vô định, mà muốn trở về một nơi quy túc?

Lúc đầu thì cái buồn chán của các cô là do một cớ rõ rệt: các cô mỗi khi thấy Minh, cái cảm tình của Minh ngả về người nào thì các cô hậm hực và ghen tuông lẫn nhau một cách vô lý. Nhưng chẳng qua các cô, vì đã nặng lòng với Minh, nên nhìn xét sự thực sai đi, chứ xưa nay tính của Minh không hề thiên vị: đối với cô nào, Minh cũng chỉ có một cảm tình ngang nhau, có lúc đậm đà, song phần nhiều lạnh nhạt.

Các cô, mãi về sau, cũng cảm thấy điều ấy, họ đã trở lại thân mật, tin yêu nhau như xưa, có khi đã bắt đầu nói chuyện với nhau về việc nhà việc cửa, về tính tình của Minh, nhưng cái vui xưa cũng không còn trở về trong cái nhà hát rầm rộ nhất trong xóm.

Những quan viên quen ít khi tới hát nhà “chị Thoa” nữa, vì họ khám phá ra rằng trong nhà ấy có một người đàn ông làm chủ. Mà những người khách lạ chỉ tới một bận rồi họ cũng đâm chán là vì cô đầu không được vui vẻ đằm thắm lắm, nhiều khi lại nhạt nhẽo nữa. Thế rồi nhà chị Thoa trở nên cái chùa Bà Đanh. Tối đến lại tối đến, những cô đầu trang điểm xong lại ra ngồi bày ở salon để đợi khách. Nhưng chỉ ngáp buồn ít rồi lại tắt đèn đi nghỉ.

Nếu nhà hát chết, thì đã có ai chịu, chớ thiệt gì đến các cô.

Từ khi mua lại cái nhà ấy, Minh tính ra mỗi tháng phải chu cấp thêm cho các cô 40$00, để các cô tiêu sắm. Vẫn như bao giờ, Minh vui lòng chịu hết, dầu tiền của ấy Minh đã đổi biết bao bồ hôi nước mắt. Minh làm thầu khoán, ngày thì miệt mài theo công việc, tối từ khoảng 9 giờ chàng mới rảnh, bấy giờ lên nhà hát và nằm đấy hút cho tới sáng. Bữa nào cũng vẫn như thế, Minh tuy đương ở thời kỳ buồn nản, đã làm quen với thuốc phiện, nhưng thuốc phiện chưa phá hủy được cái say mê của đời chàng là làm việc kiếm tiền. Dầu tiền ấy để cung phụng người khác, chàng cũng vui lòng.

Kiếm tiền, kiếm tiền luôn luôn để nuôi sống cái nhà hát, và giữ mãi cái trò chơi ấy, − chàng cho là như thế cũng đủ an ủi mình rồi. Chàng chỉ sợ một điều là một ngày kia chàng sẽ không tiền. Và lúc bấy giờ, người ta sẽ vứt chàng vào một cái hố sâu lạnh lùng và trống trải, rồi tự chàng không còn sức đứng lên được nữa.

Nhưng những cô đầu thì lại nghĩ khác: họ chỉ sợ Minh cứ vẫn có tiền mãi mãi. Ấy cũng là một điều rất đáng ngạc nhiên: cái thói thường của những gái giang hồ là yêu chỉ vì tiền, và đó cũng là một điều rất chính đáng, thế mà khi nói đến Minh, họ không bao giờ trộn vào đấy một chút lý tài. Họ chỉ cầu sao một ngày kia, Minh sẽ sắp ra đi, và chàng sẽ nghèo nàn như họ, Minh sẽ hiểu cái chua chát tột bực của mùi đời, và sẽ hiểu họ hơn…

Cái vẻ mặt hình như lãnh đạm của Minh, những cô gái giang hồ vẫn cho rằng đó là vẻ mặt khinh khỉnh của người có tiền. Nhung là người tinh ranh nhất trong bọn, mỗi khi nói đến Minh, thường nói bằng một giọng chua chát:

− Anh Minh ấy à? Anh có vợ đẹp, có nhà lầu, có xe hơi. Anh ấy yêu gì đến bọn chúng mình. Anh ấy chỉ thương mà nuôi cho là phúc lắm rồi.

Nhạn cũng buồn rầu đáp:

− Nhưng người ta có tội gì mà bắt người ta nuôi "báo cô" mình mãi? Tai hại! Chúng mình chỉ có biết ăn với phá.

Thoa cười, cái giọng cười của một người trải đời hơn:

− Nhưng không ăn không phá thì biết làm gì? Em thì em sợ chị em không có sức phá, chứ phá được chừng nào hay chừng nấy. Hết tiền đã có kẻ khác lo. Người ta cũng có làm sao mới nuôi báo cô mình chứ. Cứ đừng tưởng người ta theo mình thì là người ta mê mình chán? Người ta giận vợ, người ta buồn vì vợ, người ta lên với mình cho khuây đỡ mà thôi. Các chị nên biết thân phận mình, đừng có mong những chuyện xa xôi. Bọn mình cũng như những vai tuồng trên sân khấu. Ai đời họ đưa một mối tình chân thật mà tặng một vai tuồng giả dối?

Câu nói của Thoa làm cho mọi người hả bụng nhưng thực ra họ vẫn muốn nghĩ khác. Mỗi người vẫn muốn tin rằng: Minh đối với mình vẫn có một chút tình tha thiết đặc biệt hơn, rồi vẫn lại nuôi hy vọng hão huyền, cho nên mỗi khi Minh đến, mỗi người vẫn tìm một cách gì để làm đẹp lòng Minh… Nhưng than ôi! Những cử chỉ ấy chỉ tăng thêm cái tình bè bạn của Minh đối với mọi người mà thôi! Minh vẫn là một người không còn thể yêu được nữa. Người ta đã tưởng tượng ra đủ lý lẽ để tự dối mình, nhưng mà người ta vẫn không làm sai xuyển sự thực được. Người ta chỉ ngờ vực nhau một cách vô lý mà thôi, chứ Minh thực ra chưa bao giờ nói với các cô ấy một lời nói gì tự đáy lòng. Minh đã hôn những cô đầu, nhưng những cái hôn mà chàng đã hoang phí đi như tiền bạc của chàng, những cái hôn ấy không còn nghĩa lý gì nữa…

Một hôm, trong lúc chỉ có một mình nằm với Minh, Nhạn kéo Minh vào lòng:

− Anh Minh yêu quý của em, hôn em đi.

Chàng không do dự, đặt một cái hôn ở trên trán Nhạn. Nhưng Nhạn vẫn có ý nghi ngờ cái lòng thành thực của Minh, lại bảo chàng:

− Không, anh hôn lại, anh hôn em một cái nữa ở trên má.

Như một đứa bé con ngoan ngoãn, Minh vẫn hôn nữa. Nhưng Nhạn lần này cũng không vừa lòng hơn lần trước. Nàng nhìn chòng chọc lấy Minh, và nhận thấy một vẻ lạnh lùng không thay đổi ấy. Nhạn lay mạnh tay chàng, căm giận:

− Anh Minh! Anh có bao giờ yêu ai không?

Minh chỉ mỉm cười, khiến cho Nhạn lại càng khó chịu:

− Ô hay, sao anh lại cười, anh đã yêu… anh đã hôn ai như thế bao giờ không?

Chàng chỉ mỉm cười với người trong mộng, và đáp thờ ơ:

− Em hỏi anh à?

− Vâng, em hỏi anh có bao giờ yêu…, bao giờ hôn ai như thế không?

− Hôn như thế thì nhiều lắm em ạ! Nhưng không biết, như thế anh đã bao giờ yêu chưa?

− Hôn như thế trong lúc mọi người đi vắng, chỉ có một mình người ta với anh, nghĩa là như thế này, phải không? Anh đã hôn nhiều lần như thế? Hôn một cách ngoan ngoãn như anh đã hôn em thế này?

Nhạn nói như một người điên. Nhưng chàng vẫn thản nhiên đáp:

− Phải như thế, giống như thế, đã nhiều lần lắm, anh nhớ không ra nữa.

Cái câu nói sau cùng này làm cho Nhạn đau đớn căm hờn và bật ra khóc. Minh vẫn vừa cười vừa nói như một người không thiết một điều gì:

− Em tôi nó lại khóc rồi. Nước mắt đâu mà nhiều thế?

Rồi bằng một giọng thất thanh chàng gọi to:

− Thoa, Nhung, Huệ, chúng em đâu, vào mà xem Nhạn nó đương khóc thút thít này.

Nhạn phải lau nước mắt, đứng dậy, gượng cười, nhưng lòng vô cùng oán giận. Một hôm khác, đến lượt Huệ. Huệ cũng lựa một đêm mà mọi người đi vắng hết, để nói một câu chuyện tâm sự. Nàng tưởng nàng đã có dịp, và nàng sẽ nói, nói nhiều lắm, mở cả cõi lòng cho Minh xem. Nhưng khi nàng đối diện với Minh, thì nàng không thể nói được gì hết. Minh đã thu hết cả tâm hồn nàng, và cưỡng ép nàng vào sự im lặng. Hai bận nàng đặt tay Minh lên trên tay mình, nàng tưởng nàng có thể bật ra khóc được. Ngực nàng đánh mạnh như muốn vỡ ra. Đôi môi nàng mấp máy, và lời nói đã sẵn sàng ở trên đôi môi ấy. Nàng vẫn đợi, bình tâm đợi những tiếng nói thân yêu sẽ rơi khỏi miệng nàng… Nhưng thất vọng, nàng không đủ can đảm để mà làm một việc gì nữa, và có lúc miệng lưỡi người ta bất lực trước một sự xuất diễn khó khăn của một ý nghĩ.

Hôm ấy, nàng chỉ viết mấy chữ lên trên một cuốn sổ tay của chàng mà người ta vừa đưa tới “Em yêu anh lắm lắm”. Cái biểu tượng của tấm lòng thành thực ấy, mấy chữ rụt rè ấy, nàng tưởng sẽ được Minh đọc đi và đọc lại, và mỗi lần đọc lại, chàng sẽ nhận thấy thêm một nghĩa mới của tình yêu. Nhưng than ôi! Chàng chỉ mỉm cười, khi đọc tới. Cái cử chỉ tàn nhẫn ấy, cũng may, Huệ không bao giờ hay biết; cô gái giang hồ thơ ngây có lẽ vẫn tin rằng: mấy chữ ấy có lẽ đã làm hồi hộp lòng người đàn ông đó rồi.

Một hôm khác nữa, đến lượt Thoa. Cái cô đầu khôn ngoan thành thạo, đã lựa cái đêm của mình vào một đêm trăng.

Minh đi cạnh nàng ở trên một con đường nhỏ ở Giám. Trăng như sa xuống trên đầu hai người. Và Thoa thấy tâm hồn mình tỏa ra một mùi hương êm ái như tình yêu. Cỏ ở dưới chân nàng dịu như nhung. Nàng mơ tưởng đến những giờ nhung lụa của một tối tân hôn. Cái hạnh phúc ấy đã xa nàng, bây giờ đã trở về trên bàn tay nàng. Nàng quên mình là một cô gái giang hồ, và nói bằng cái giọng ngây thơ của một cô bé 15 - 16 tuổi. Nàng nói giữa sự cảm động:

− Anh Minh ạ! Hình như anh không phải là một người sung sướng. Có phải thế không, anh nói đi…

Minh cười hỏi lại:

− Ai bào em thế? Em nên tin, anh là một người sung sướng. Anh lạc quan vô cùng.

− Nếu anh không đau khổ thì sao anh hút thuốc phiện nhiều thế?

− Em nhầm! Người ta có ham vui mới hút, vì hút, người ta sẽ vui hơn. Anh là một người lạc quan, anh bảo em thế.

Câu sau này, chàng nói một cách cả quyết, như có ý bảo Thoa: “Chỉ có thế, đừng hỏi nữa”.

Và đến Thoa có hỏi thêm nữa, nói thêm nữa, Thoa cũng chỉ có những câu đáp cụt ngủn lạnh lùng của chàng. Thế rồi câu chuyện của hai người đành kết thúc lại giữa một sự lạnh lùng khó chịu, mặc dầu trăng ở trên đầu hai người như muốn sa xuống gần. Thoa lần này mới cảm thấy một cách rõ rệt rằng lòng mình không còn có vẻ thanh tân như ngày xưa nữa, lòng mình đã già rồi, và lời nói của mình không còn oai lực nữa.

 

 

CÁI VUI ĐI LẤY CHỒNG

Bốn cô giang hồ mỗi cô đã nói với Minh một câu chuyện. Những câu chuyện ấy, như ta đã trông thấy, không đưa lại một cái kết quả thiết thực nào. Các cô vẫn không cướp, không xin của Minh được một chút tình yêu. Minh vẫn là người bí mật mà các cô không thể hiểu được hơn. Các cô vẫn không suy lượng được cái tấn kịch Minh mang ở trên lưng, nó nặng nề cay đắng đến ngần nào. Khi người ta nói với Minh những lời êm ái, người ta sẽ gặp những câu tàn nhẫn; khi người ta lựa những cái buồn rầu cảm động, người ta sẽ gặp những câu xẵng xói, sắt đá. Rút cục, người ta chỉ mang thêm một mối đau khổ vào mình, đau khổ vì cái tình yêu lặng lẽ ích kỷ, thầm lén đã giầy xé mình, các cô vẫn không hề đưa ra ngỏ cho nhau nghe. Cũng vì thế, có lúc các cô đã ngờ vực nhau, ghen bóng ghen gió với nhau. Nhưng cái thời kỳ ấy cũng đã qua rồi. Các cô đã biết hợp lại với nhau những đau khổ, những thất vọng, và kết thành một sức mạnh. Các cô đã bắt đầu thú thực cho nhau những câu chuyện riêng của mình, và thấy mình cũng như nhau bị đưa dẫn đến trước một cái thực trạng ghê gớm: một tấm lòng sắt đá, một người bí mật, một linh hồn kỳ lạ, một người đau khổ, tàn nhẫn và im lặng.

Rồi các cô rủ nhau trở lại vui vẻ như xưa: cái nhà hát chị Thoa đã bắt đầu rầm rộ, hôm nào khách cũng đầy nhà. Cái tử khí giữa mọi người đã bị đánh tan như một đám mây chiều. Ngọn gió hoan lạc đến làm phấn khởi mọi người, đó chính là cái thất vọng chung đã rằn rọc họ. Bây giờ họ ít khi nhắc đến tên Minh nữa, và có nói đến cũng là nói bằng một giọng lạnh lùng lạt lẽo. Cái thái độ của họ không đủ để mà làm cho Minh phải suy nghĩ: thực ra Minh cũng không để ý đến bọn họ hơn và cũng không nhận thấy sự thay đổi đột ngột của những người mà chàng vẫn gọi một cách thân yêu “những em gái của anh”.

Mỗi khi bước vào nhà hát, hay mỗi khi xách mũ ra đi, mặt chàng vẫn một vẻ vừa vui tươi vừa lạnh nhạt ấy. Và đêm nào chàng cũng vẫn hút ly bì, hút thả cửa.

Có điều này, hình như chàng cũng nhận thấy là nhà hát của mình bị cuốn vào trong những cuộc hành lạc điên cuồng, và những cô em gái của mình trong lúc đêm khuya cũng không một người nào lên nằm nói chuyện với mình, nếu có cũng toàn là những câu khôi hài, những câu bông lơn vô vị.

Chàng vẫn im lặng nằm hút, và sống cái đời của kẻ bao giờ cũng như ngồi thiền định: chàng luôn luôn phải nghĩ đến một điều, điều ấy là cái đau khổ của mình. Chàng muốn thoát ra khỏi cái ám ảnh khó chịu ấy, nhưng chàng không thấy xung quanh mình một vật gì hay một người nào có thể giúp mình ra khỏi cái đời bên trong, quá sâu đắm và vô cùng lặng lẽ.

Hình như chàng đã cảm thấy một sự gì trống trải lạnh lùng, lạnh lùng hơn cuộc đời bên trong của mình nữa, đã đến bao phủ lấy mình, như một vùng ánh sáng của chiều tàn ôm ấp lấy một chòm cây lạnh lẽo. Chàng bắt đầu sợ sự yên tĩnh, sợ mình. Chàng cảm thấy sự cần thiết phải nằm bên cạnh một người nào: thuốc phiện không thể nào bù được cái chỗ khuyết điểm ấy.

Một hôm, vào khoảng 11 giờ khuya, chàng nằm hút ở một buồng con trên gác. Nhưng trái với mọi lần, hôm nay chàng lắng nghe những điệu kèn máy vặn ở dưới nhà. Chàng cố đừng lưu ý tới, mà không thể nào được. Tâm hồn chàng vẫn như bị lôi cuốn vào trong những điệu hát lả lơi suồng sã. Rồi như bứt rứt xao xuyến, chàng không thể nằm yên được. Hết đi lại nằm, chàng lấy sách ra đọc, những hàng chữ như nhảy múa ở trước mặt chàng. Chàng không biết mình bâng khuâng vì lẽ gì.

Như một kẻ mất trí, chàng gọi tên Nhạn, Huệ, Nhung, Thoa. Nhưng chàng vẫn không nghe tiếng ai đáp. Chàng đứng dậy, và toan xuống gác. Nhưng khi chàng vừa xuống được ba bực thang, thì chàng tự hãm mình lại. Chàng cúi nhìn, và mỉm cười.

Chàng vừa nhận thấy những cô em gái của chàng đương ôm những người đàn ông lạ mặt, và quay tít theo những điệu nhịp lơi lả. Chàng tự nói một mình, giọng nói nghe xa xôi mơ hồ như ở trong một giấc mộng: “Ô hay! Sao ta lại định phá cuộc vui của họ! Vô lý! Ta là một người vô lý lắm!”. Rồi thong thả, chàng lại trèo lên thang gác, trong lúc tiếng máy hát bỗng ngừng lại. Và chàng nghe rõ có tiếng cười của Nhung, tiếng cười giòn giã, vui tươi. Cái tiếng cười ấy làm cho Minh thèm thuồng cái hạnh phúc của những người khác. Chàng cảm thấy một mối tình là lạ, phảng phất như lòng ghen tuông. Một ý nghĩ tà ác len vào trong trí chàng: chàng muốn cấm các cô ấy đừng vui đùa một cách sỗ sàng như thế, chàng còn muốn đóng cửa nhà hát nữa. Cũng may, chàng nhận thấy ngay rằng mình là một người vô lý, và đã lấn đến quyền tự do của người khác. Nhưng chàng không còn cách gì để an ủi mình nữa. Cái đau khổ của chàng không còn khôn ngoan như trước, và có lẽ nó bắt đầu vỡ ra như dòng nước lũ.

Trong lúc ấy có người bước lên thang gác, và chàng nghe có tiếng Nhung ngâm thơ nữa. Nhung đã đến gần chàng và vẫn ngâm lại một bài thơ tứ tuyệt thân yêu của nàng:

Mùa thu đến gọi ở bên song

Vội vã em đi kiếm tấm chồng

Để về mang ủ lòng em lạnh

Cho khoảng đêm trường đỡ trống không.

Minh cau mặt lại và nói một cách khó chịu:

− Nhung, từ rày anh cấm em ngâm những câu thơ như thế…

Nhung cười:

− Anh cấm em ngâm thơ? Nhưng nếu là thơ của chồng em thì anh cũng cấm à? Anh Minh à, em lấy chồng, trước ngày Trung thu.

Rồi không để cho Minh nói gì, và át cả tiếng chàng, Nhung vẫn lại ngâm to:

Mùa thu đến gọi ở bên song

Vội vã em đi kiếm tấm chồng

Có tiếng cải lại sau lưng nàng:

− Phải nói là "chúng em" chứ!

Rồi một tiếng khác ngâm theo:

Mùa thu đến gọi ở bên song

Vội vã chúng em đi lấy chồng.

Một tiếng khác:

− Đừng ngâm nữa. Phất tốt chơi nào!

Rồi Huệ ôm lấy Thoa và kéo nàng đi. Vừa nhảy, nàng vừa huýt sáo miệng.

Minh nhìn cái sung sướng của mọi người, một cách khó chịu. Nhưng chàng cố tươi tỉnh, ôn tồn hỏi Nhạn:

− Khách về cả rồi em?

Rồi quay lại phía Nhung, chàng nói tiếp:

− Em tiêm cho anh điếu nữa. Chờ em mãi. Không hiểu làm sao anh chỉ thích ngồi nhìn em tiêm thuốc, hình như em tiêm thì anh hút mới ngon.

Nhung cười:

− Nhưng rồi đây, em đi lấy chồng, thì anh sẽ nhờ ai tiêm cho?

− Ồ! Anh chả nhờ ai hết. Mà lúc ấy anh sẽ không hút nữa. Anh sẽ về với gia đình anh.

Cái câu sau này, Minh nói bằng một cái giọng buồn thảm quá, khiến cho mọi người phải im lặng, và như không còn có thể vui vẻ được nữa.

 

 

 

CÁI ĐAU KHỔ BẮT ĐẦU NÓI

Thế rồi một buổi chiều thu, Minh ghé lại nhà hát để thăm mấy cô Thoa, Huệ, Nhạn, Nhung. Có việc phải đi xa Hà Nội, cho nên đã hơn một tháng Minh không đến.

Bấy giờ vào khoảng 10 giờ tối. Nhưng nhà hát đã đóng cửa chặt. Minh có cái cảm giác trước rằng, cái cảm giác ghê sợ rằng: những con chim con đã vượt khỏi cái lồng son của chàng mất rồi. Chàng gõ cửa, và lòng hồi hộp… Chàng gõ mạnh hơn, vẫn không có tiếng đáp. Chàng đứng xa mấy bước để nhìn lên gác: trên gác vẫn không có một bóng đèn. Chàng lại gần để gõ cửa. Lần này, chàng lấy giầy đá thình thình vào cửa. Nhưng vẫn vô hiệu, ở trong nhà vẫn không nghe tiếng chân người hay một tiếng động gì khác. Nhưng có một thiếu nữ ở phố bên chạy ra… và hỏi Minh:

− Thưa ông, ông hỏi ai?

− Tôi hỏi nhà chị Thoa.

− Chị Thoa không còn ở đây nữa. Chị ấy đi lấy chồng rồi ạ!

− Còn chị Nhung?

− Vâng, cũng thế.

− Chị Nhạn…?

− Lấy chồng.

− Chị Huệ?

− Vâng, cũng thế. Họ đã đi lấy chồng tất cả.

Thiếu nữ không nhịn được, buột ra cười. Minh ngẩng lên nhìn thiếu nữ, và có vẻ ngạc nhiên:

− Thưa cô, sao cô lại cười?

Thiếu nữ lại cười:

- Tôi cũng không hiểu tại sao tôi cười! Nhưng tôi không nói dối ông đâu. Các cô ấy lấy chồng tuốt tuột. Này cô Thoa lấy ông chánh Đốc, cô Huệ lấy ông giáo Ngôn, cô Nhung lấy ông giáo Hoan, và cô Nhạn lấy ông ký Bích, lấy hầu thứ ba…

− Thế các cô ấy không gửi lại cái gì cho tôi à?

− Thưa ông, có ạ!

Minh vừa hồi hộp vừa vui mừng:

− Thế các cô ấy gửi lại cái gì cho tôi?

− Thưa ông… Cái chìa khóa nhà ạ!

− À thế!

Thiếu nữ cúi mặt cười một cách láu lỉnh. Minh cũng nhìn thiếu nữ cười tủm tỉm:

− Còn cô, cô bao giờ mới lấy chồng?

− Không, em thì chẳng bao giờ nữa. Em lấy chồng đã đến sáu bận rồi! Một bận sáu tháng, một bận ba tháng, một bận hai tháng, một bận bốn tháng, một bận nữa bốn tháng và bận cuối cùng đến một năm.

− Đến những một năm?

− Sao ông lấy làm lạ thế?

− Tôi muốn hỏi cô tại sao lần cuối cùng, cô ở với chồng được lâu thế?

− Tại sao à? Thưa ông, chỉ vì người chồng cuối cùng của em, hắn khéo chiều em quá, thành thử em cũng phải nể hắn, rồi cái ngày em định "chuồn" hắn, em cứ lần lữa hẹn với em mãi. Ngày tháng đi mau quá mà em không biết. Một năm, chính bấy giờ em không thể tin được rằng: làm sao em có thể ở với hắn đến một năm được.

− Tại cô yêu hắn chứ gì?

− Không phải thế đâu ông ạ! Chúng em không thể yêu ai lâu đến thế bao giờ… Ở chung với bọn họ, chúng em dễ chán lắm. Chết! Em làm mất thì giờ ông. Chìa khóa đây, xin giao ông.

Nàng toan quay đi. Nhưng Minh đã gọi nàng lại:

− Cô có tin rằng những cô ấy lấy chồng lâu không?

Thiếu nữ cười:

− Cái ấy tôi không biết.

Nghỉ một lát, nàng nói tiếp bằng một giọng cả quyết:

− Nhưng tôi đoán già lắm thì hết mùa đông này, các cô ấy lại trở về với ông.

− Tại sao lại phải đợi hết mùa đông?

− Vì mùa đông ở nhà hát lạnh lắm.

− Chỉ tại thế thôi? Nhưng có thể các cô ấy ở mãi cho đến mùa đông sang năm khác, rồi sang năm nữa.

− Thế em hỏi ông nhé! Những con chim yến có bao giờ ở hết một mùa xuân đâu? Chúng phải bay đi chỗ khác chứ, để rồi mùa xuân sau còn trở lại nữa. Nhưng ông này hỏi đến lôi thôi.

Rồi nàng quay lưng, ngoay ngoảy đi.

Minh đứng trông theo một phút lâu. Đoạn chàng thủng thỉnh đi lại cửa, và đút chìa khóa vào lỗ khóa, quay mấy vòng. Tiếng chìa khóa làm chàng hơi ghê lạnh. Chàng kéo mạnh cánh cửa, cho bớt sự vắng vẻ. Chàng lại gần chỗ công-tơ và vặn đèn lên.

Chàng khoanh tay, ngơ ngác nhìn những đồ đạc. Mọi vật vẫn ở trong cái thứ tự hàng ngày, không có một sự xê xích hay mất thiếu nào. Trên vách vẫn thấy mấy bức hình ấy: cô Darrieux vẫn nhí nhảnh bên cạnh Chevalier, và cái cảnh bể Hạ Long đối diện với hình người đàn bà Mọi. Vẫn bộ salon gọn gàng, xinh xắn ấy, vẫn cái tủ kính dí dỏm ấy, và trên một cái bục: một lọ hoa Nhật Bản, nhưng hoa đã tàn, những cánh cúc vàng đã rã xuống nền. Chàng lại đi lên gác. Trong buồng con của chàng, vẫn ngay ở chính giữa giường, cái bàn đèn xinh xắn đáng yêu. Và cạnh giường mình, trên một cái bàn con, những cuốn sách, lần này, như được xếp theo một thứ tự cẩn trọng hơn. Sách Pháp văn vẫn xếp với sách Pháp văn, và sách quốc văn với sách quốc văn, và không có sự lộn xộn như ngày xưa nữa. Chàng mỉm cười nói một mình:

− Phải mất công dạy nhiều lần lắm, con Nhung bây giờ mới chịu làm theo ý muốn của mình đấy. Lần đầu tiên mà có lẽ cũng là lần cuối cùng, con bé biết chịu vâng lời mình. Xưa nay sách mình nó vứt bừa bãi cả.

Nói xong Minh chợt thấy trong câu nói của mình có vẻ buồn rầu. Chàng đứng thẫn thờ ngẩng nhìn qua cửa kính. Rồi hai giọt lệ từ từ lăn trên má. Chàng không còn thể đứng vững nữa, để rơi mình xuống giường, và lấy một làn gối ấp lên bụng. Chàng không ngờ chàng khóc được một cách dễ dàng như thế… Chàng không ngờ hơn nữa là cái điều làm cho chàng khóc, lại là sự vắng mặt mấy cô gái giang hồ. Chàng không biết đã nhớ người nào, nhưng chàng thấy mình nhớ nhiều lắm. Chàng soát lại những tình cảm của mình. Chàng thấy rằng lòng mình đã không nghiêng về một phía nào cả, nó vẫn giữ được sự thăng bằng đáng kính. Cho nên chàng không biết mình buồn vui lẽ gì, buồn vì cô nào, là bởi xưa nay, chàng có để ý đặc biệt đến người nào đâu. Không phải là chàng nhớ riêng Nhung hay Nhạn hay Thoa hay Huệ, chàng thấy mình bâng khuâng vì một điều gì hơn là vì một người nào. “Điều ấy” phảng phất như là ái tình, cái thứ ái tình trong sáng của thời xuân, cái thứ ái tình mới mẻ của một cô gái đến thì. Chàng không muốn tin như thế.  Nhung, Nhạn, Huệ, Thoa lần lượt hiện ra trong trí chàng. Chàng cũng nhận, chàng nhận đã mến đã thương những linh hồn phiêu bạt ấy, nhưng có lúc nào chàng thấy mình đứng trước những người ấy, những nhan sắc truy lạc ấy, chàng thấy rung động đâu? Không có cô nào đã làm xiêu lòng chàng. Nhưng bây giờ, thì các cô ấy như còn để lại cho chàng một chút gì, chẳng hạn một chút nhớ mong, một chút mơ mộng, có thể là một chút ái tình. Nhưng ta phải nhận một điều này: bốn cô ấy không thể còn là những người yêu của chàng. Người yêu độc nhất của chàng chính là cái cuộc đời của các cô ấy, cái cuộc đời đầy phiêu lãng, đầy thi vị của tất cả những gái giang hồ, cái cuộc đời mà chàng làm quen đã gần một năm nay. Chàng đã yêu cuộc đời ấy như yêu một người tình nhân vậy. Nhung, Huệ, Thoa, Nhạn chỉ là những cái biểu tượng linh động của cuộc đời ấy mà thôi. Dầu sao, bây giờ chàng cũng thấy hối hận vì trước kia nhiều lần đã tỏ vẻ lãnh đạm với các cô.

Đến nay các cô ấy bỏ chàng, lỗi ấy cũng tại chàng vậy.

Bỗng có tiếng chân người lên thang gác, mà chàng vẫn chửa tỉnh mộng, tưởng như có người từ cõi dĩ vãng trở về với mình. Nhưng người thiếu nữ hồi nãy đã đến gần bên chàng, với một nụ cười như hoa. Nàng nói bằng một giọng nhí nhảnh:

− Ông ạ! Chị Nhung còn dặn em một điều nữa, mà hồi nãy em quên nói lại với ông, chị ấy bảo khi nào ông có cần người tiêm thuốc, thì nhờ em tiêm hộ cho. Ông ạ! Em tiêm cũng khéo cũng đẹp như chị Nhung!

Minh nhìn thiếu nữ, tỏ ý cảm ơn rồi nói ngay:
− Thế thì tốt lắm. Tôi đương cần hút. Cô làm ơn tiêm cho tôi mấy điếu. Cô rảnh chứ?

− Vâng, bây giờ khách về rồi, em rảnh lắm.

Nghỉ một lát:

− Ông có thuốc rồi chứ?

− Chưa. Nhưng tôi nhớ như…

Rồi chàng đứng dậy lại tủ sách ở trong ngăn tủ một hộp thuốc nhỏ còn nguyên vẹn. Thiếu nữ cầm lấy thuốc và nói:

− Ông giấu kỹ quá. Em biết chỗ, em đã qua ăn trộm rồi đấy. Ông có tiêm chưa?

− Có. Nhưng cô ạ! Cô hứa sẽ lại ở lại với tôi suốt đêm ở đây chứ? Nếu cô về, thì tôi không có can đảm ở lại đây.

− Thế thì em sẽ vui lòng: xin ở lại với ông cho vui ạ!

− Cô là một người tốt quá, tử tế quá.

− Tôi không tốt, không tử tế đâu ông ạ! Ông biết tôi hơn, ông sẽ ghê sợ tôi lắm.

Rồi nàng cười. Minh cũng cười theo:

− Cô em tên gì nhỉ?

− Tên em là Hồng.

− Cô Hồng! Thế em bé năm nay lên mấy?

− Láo! Chỉ láo!

− Hồng biết hút thuốc phiện không?

− Biết, nhưng nhất định không hút. Chỉ tiêm thôi, em thích tiêm cũng như thích hút vậy.

− Thế lại càng hay…

 

 

ĐIẾU THUỐC CUỐI CÙNG

Hồng ạ! Thật chính tôi cũng không hiểu sao hôm nay tôi dám cả quyết đưa cái chuyện tâm sự của tôi ra kể cho Hồng nghe. Cái chuyện tâm sự ấy, là cả cái dĩ vãng, cả đời tôi. Bấy nay đã biết bao người, cả Thoa, Nhạn, Nhung, Huệ biết bao lần giục tôi kể cho họ nghe. Nhưng tôi đã nguyện với tôi rằng không nói với ai hết dầu là một kẻ thân nhất của tôi. Thế mà hôm nay, Hồng không mất một lời nói được tôi van xin thuật là cho Hồng nghe.

Tôi không có ý xin Hồng một chút lòng thương hại, một lời nói vỗ về, hay một nụ cười an ủi. Không, tôi không cần bấy nhiêu thứ ấy mà sống nữa. Tôi bắt Hồng ở lại đây, tôi giữ chặt lấy Hồng cho đến lúc gà gáy sáng, là vì những cô ấy đi, để lại cho tôi một sự trống trải ghê sợ. Chẳng  hạn tôi  không thể ngồi một mình trong giờ này, đối diện với cái đau khổ của tôi, cái đau khổ ấy như muốn đứng dậy và đe dọa tôi, hằm hè tôi, hình như nó muốn vật ngã tôi, nuốt sống tôi. Không, tôi không phải là một người có tinh thần hèn yếu. Nhưng tôi không muốn cưỡng lại một sức mạnh nào, không muốn phấn đấu, tôi không muốn thắng, Hồng sẽ hiểu tại làm sao.

Tôi không muốn một điều gì, tôi không thiết một điều gì nữa. Tôi như một chiếc bèo trên sông, dòng nước sẽ đưa tôi đến đâu tôi sẽ đi đến đó. Dòng nước ấy, Hồng ạ, là sự đau khổ đương làm chúa tể cả linh hồn tôi. Tôi chỉ biết tuân theo, và may ra cái vui thích của tôi là ở đấy. Tôi để cho sự đau khổ nó đưa dẫn, nó nói, nó phân trần với Hồng đêm nay.

Cái nguyên nhân của sự đau khổ của tôi, Hồng ạ, chỉ vì một người đàn bà. Một người đàn bà cũng như Hồng. Một người đàn bà như thế đấy, nhưng ở trong mình bao giờ họ cũng có một cái khí giới giết người… Họ giết người một cách êm thấm, dịu dàng, máu không bao giờ chảy. Và người sẽ chết không oán hận, không căm hờn, chết một cái chết dễ dàng, thơm ngát, chết giữa những mùi hương.

Thuở bấy giờ tôi bị đuổi khỏi trường Trung học Bảo hộ, vì lẽ tôi là người trong bọn cổ động lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh, một chí sĩ của nước ta mà chắc Hồng đã nghe nói. Tôi bị thầy me tôi rầy mắng nhiều lắm, nhưng tôi nhất định không xin vào học lại nữa, hay đầu đơn đi thi vào một công sở nào. Thuở ấy tôi nhắc đến những ông thông, ông phán, như một bọn người buồn cười nhố nhăng. Tôi sở dĩ có cái thành kiến ấy một phần là tôi đã đọc cuốn “Đời cạo giấy” của Courteline,[c] cái lòng khinh những ông thông, ông phán đã bắt đầu từ đấy. Và từ đấy tôi đã tự nguyện sẽ không bao giờ sung vào hàng ngũ ấy.

Bây giờ tôi mới biết rằng cái nhận xét của tôi không được đúng và tôi đã lên một bản án bất công, chứ thực ra trong hạng người này không phải là không có những người không buồn cười, không nhố nhăng, những người trong sạch và lỗi lạc. Nhưng tôi không phải là cái thứ người sinh ra để ăn rồi lại nằm dài, vô dụng, ám chỉ ở trong câu tục ngữ của ta.

Thầy tôi là một người giàu có. Một mình thầy tôi có ba cái đồn điền chè, một cái ở Yên Định (Thanh Hóa), một cái ở Roòn (Đồng Hới), một cái ở Phước Mỹ (Quảng Trị) ba cái đồn điền ấy đều ở trên con đường thuộc địa.[d]

Lẽ cố nhiên tôi là người con một của thầy tôi, sẽ giúp thầy tôi trong việc quản trị mấy cái đồn điền và đó là cái nghề tất nhiên của tôi. Thầy me tôi không bằng lòng lắm, nhưng cũng không tìm được một cái lý chính đáng để bắt ép tôi theo một nghề khác, chẳng hạn, đi thi tòa sứ hay lục sự. Trái lại tôi thích cái nghề thầy tôi vô cùng: được sống một cuộc đời nay đây mai đó, cái cuộc đời phong phú bên cạnh những núi non hùng vĩ, những đồng áng bao la, tôi tưởng sẽ được tìm lại cái vui sống, cái hân hoan, cái khoái cảm của những muông chim, của cái nhân loại hồn nhiên còn ở trong một thời đại êm đềm bên cạnh Tự nhiên. Tháng nào tôi cũng theo thầy tôi đi thăm các đồn điền, coi giúp thầy tôi những công việc phu phen. Nhưng không may cho gia đình tôi, một năm sau ngày tôi bị đuổi khỏi trường thì thầy tôi mắc bệnh thương hàn và chết giữa năm bốn mươi tám tuổi.

Mẹ tôi bây giờ mới hiểu tôi hơn, cho rằng tôi đã biết chọn nghề, và nếu như xưa kia tôi đã đi làm ở một công sở nào thì có lẽ những đồn điền của thầy tôi sẽ bị bỏ phế cả. Thầy tôi mất, công việc dưới quyền chỉ huy của tôi, tôi vẫn tiến hành như trước. Mỗi năm chè tôi bán đi, đưa lại cho tôi hàng ngàn hàng vạn bạc. Mẹ tôi là người Tôn thất cho nên bàn với tôi muốn vào ở Huế, cạnh cậu tôi làm sở Lục lộ. Tôi rất tán thành ý kiến của mẹ tôi, và tậu một cái nhà có vườn rộng ở dưới Vĩ Giạ để cho mẹ tôi dưỡng già, cạnh những người bà con bên ngoại. Mẹ tôi lại muốn được mỗi tháng gần tôi, bèn tậu cho tôi một chiếc ô-tô hơn ba nghìn đồng. Tháng nào tôi cũng từ Hà Nội vào thăm qua các đồn điền, rồi vào ở với mẹ tôi ít hôm, tôi mới trở ra Hà Nội.

Trong lúc này tôi có thể nói là đời tôi thơm ngát, đẹp đẽ như một buổi sáng xuân của hoa bướm. Chỉ được đi được nhìn núi non thay đổi theo mầu trời, được có những cảm giác luôn luôn mới lạ, được gặp những sự đột ngột, cũng đã là kỳ thú lắm rồi. Huống hồ chính trong thời kỳ ấy tôi lại được gặp một người đàn bà nữa, thì đời còn đáng sống biết ngần nào.

Một hôm trên đường của tôi, tôi gặp một thiếu nữ mười tám tuổi, xinh như một bài thơ cổ. Nàng là con một ông phán về hưu. Cha nàng là người Hải Dương. Mẹ nàng người Hoàng phái. Bấy giờ nàng ở Thanh. Chính ở Thanh, mà tôi đã gặp nàng, trong một buổi chiều.

Tôi nhớ như là vào một ngày cuối thu, tôi đi ngang qua Thanh Hóa. Đáng lẽ tôi đi thẳng vào Yên Định. Nhưng vì chiếc xe của tôi hơi bị hỏng ở máy hãm, tôi phải ngừng thuê người ta chữa. Tôi có ngờ đâu sự tình cờ ấy đã buộc tôi vào một cái duyên nợ cơ hồ như không còn thể gỡ ra được nữa. Sau khi tôi đã phó thác chiếc xe cho một người thợ máy, tôi bèn đi xe kéo dạo một vòng quanh phố Thanh Hóa. Vì tuy rằng đi ngang qua tỉnh này luôn, tôi cũng chưa có dịp được dạo xem một cách kỹ càng. Tôi vừa bước lên xe thì bỗng nghe có tiếng người gọi với, tôi ngừng xem: một người thiếu niên mặc Tây bước lại gần tôi vỗ vai tôi và cười hỏi:

− Quên tôi rồi à? Hòa đây.

− À anh Hòa, xin lỗi anh. Làm sao anh lại ở đây. Có một độ, tôi nghe người ta nói anh ở Vân Nam kia mà?

− Vâng, tôi vừa ở Vân Nam về đây. Tôi không giúp việc cho hãng Descours Cabaud nữa.

− Thế bây giờ anh làm gì?

− Chẳng làm gì hết. Nằm nhà chờ thời một độ xem sao. Nhưng anh đi đâu đấy, ăn cơm chưa? Anh về ăn với tôi cho vui.

− Phiền anh quá.

− Không, anh đừng ngại, tôi vẫn chưa vợ.

− Sao anh lại nói thế?

− Thế ra anh có vợ rồi, anh cũng vẫn được tự do à?

− Ai bảo anh tôi có vợ?

− Tôi nói ví dụ thế. Nhưng bây giờ anh làm gì?

− Tôi làm đồn điền.

− Tư bản lắm nhỉ?

− Chỉ một chút thôi anh ạ!

− Nhưng thôi, anh ghé nhà tôi chơi. Mới có bẩy giờ thôi. Anh về ăn với tôi. Khách sạn ở đây tồi lắm.

− Vâng xin cảm ơn anh. Nhưng anh ở tận đâu?

− Kia kìa, đi hết ngõ này thì đến.

− Ngõ này là ngõ gì anh nhỉ?

− Ngõ Ruelle des Hồ.

Rồi anh kéo tôi về nhà. Nhà anh là một ngôi nhà gianh làm theo kiểu tây, có vườn rộng và rất nhiều hoa. Tôi vừa bước vào sân, đã thấy tỏa một mùi hương nhẹ, êm ái, phảng phất trên lối đi. Tôi không hiểu là hoa gì, và hỏi Hòa:

− Ở đây anh có một mùi hương quý hóa quá.

Tôi vừa nói dứt câu, thì có một thiếu nữ trong hoa bước ra, cái câu đó của tôi là do tình thật mà thốt ra, nhưng tôi sợ người ta hiểu lầm nghĩa của nó, và có thể cho tôi là có ý lả lơi muốn ám chỉ người thiếu nữ vừa đi qua chăng, tôi phải ngừng lại giữa câu nói. Hình như Hòa không thấy vẻ luống cuống của tôi, và chàng điềm nhiên đáp lại:

− Hoa ấy là hoa nguyệt dạ hương đấy anh ạ! Me tôi mang từ Huế ra. Nó nở vào ban đêm. Mùi hương nó dễ chịu lắm, êm ái như là tình yêu của một thiếu nữ.

Rồi Hòa cười, tôi cũng cười theo. Chúng tôi vừa bước vào thềm nhà, thì một người đàn bà lối 30 tuổi ăn mặc như kiểu Huế, Hòa giới thiệu với tôi:

− Me tôi đấy!

Tôi cúi chào. Bà nói giọng Huế, cái thứ giọng Huế quý phái, phong lưu, cái giọng Huế của các "Mệ". Chúng tôi nói chuyện một lúc, thì người đầy tớ bưng cơm ra. Bữa cơm cũng dọn theo cách Huế − nghĩa là những món ăn rất ít, dọn ở trong những bát đĩa tý hon, những món ăn cũng như quần áo của người Huế, đủ mầu lòe loẹt: đĩa mắm tôm đỏ ối, cái đĩa khế xanh lè, cái đĩa dưa món trắng… những mầu sắc ấy hình như hòa hợp với nhau, theo cái gu của người đầu bếp, và như có thể tăng mùi vị cho món ăn vậy. Mẹ tôi là người Huế, tôi đã nhiều lần ăn những bữa cơm như thế, cho nên hôm ấy tôi ăn ngon lắm, và sung sướng như sau một quãng xa cách tôi được gặp lại người mẹ yêu dấu của tôi. Cơm xong, chúng tôi bắc ghế ra ngoài vườn ngồi. Trong lúc ấy, giăng lên ở trên một ngọn dừa, và với giăng, một làn gió hiu hiu rất dễ chịu.

Bỗng từ trong một cánh cửa sổ, bay ra và run trong gió, những âm điệu êm ái, lanh lảnh của một khúc dương cầm. Tiếng đàn không réo rắt, không thâm trầm, và không phải là do một tay lành nghề gẩy ra. Nhưng trong cái điệu đàn ấy, tôi nhận thấy có một vẻ ngộ nghĩnh, nhí nhảnh, đáng yêu, và còn một ngụ ý khoe khoang rất ngây ngô nữa: tôi nghĩ ngay đến người thiếu nữ mà tôi gặp hồi nãy. Tôi không dám nhìn rõ thiếu nữ, nhưng tôi cũng thấy thấp thoáng rằng thiếu nữ tuy mảnh khảnh tha thướt nhưng có vẻ nhanh nhẹn linh hoạt lắm.

Tôi tin rằng chính thiếu nữ đã dạo khúc đàn ấy. Và nàng có ý muốn khoe với tôi cái tài nghệ của nàng cũng như đứa bé bạ ai cũng khoe cái áo mới của mình. Rồi bản đàn dứt, tôi cũng không nghĩ gì đến thiếu nữ nữa. Có lẽ nàng hôm ấy, khi gà gáy, một cái mộng đẹp – cái mộng đầu tiên của người con gái − đã đến ở trên gối nàng. Nhưng tôi từ biệt Hòa ngay, và ngay hôm ấy tôi đi lên đồn điền của tôi ở Yên Định.

Tôi mải vui trong công việc, nhất là trong những cuộc săn bắn, tôi không có dịp nào nghĩ đến Hòa, đến người con gái ấy nữa. Người con gái có lẽ xinh đẹp ấy, tôi vẫn chưa biết tên là gì và nàng là gì của Hòa. Giá mà trong đời tôi, nàng chỉ là một cái bóng như thế mà thôi, và đến hết đời, tôi không còn gặp nàng nữa! Nhưng than ôi! Giời đã định rằng nàng ở trên con đường hay đi về của tôi. Mỗi khi qua Thanh Hóa tôi lại ghé thăm nhà nàng. Lần ghé qua thứ hai cách lần ghé thứ nhất chỉ có bốn tháng. Khi tôi bước vào nhà nàng thì tôi cảm thấy một sự lạnh lùng làm cho tôi hơi ái ngại: tôi sợ có việc gì xảy đến cho nhà bạn tôi chăng. Tôi không thấy Hòa, tôi cũng lại không thấy cái bà mẹ đáng yêu của bạn niềm nở ra đón chào tôi như lần trước.

Người tiếp tôi, chính là… mà có lẽ là người thiếu nữ đã dạo đàn hôm nọ. Lần này, tôi được dịp nhìn kỹ nàng, vì chính nàng pha chè mời tôi uống. Tôi phải nhận rằng là một người đẹp có đôi mắt trong và buồn, và một cái miệng như hoa. Ở trên mặt nàng cái vui như ở cạnh cái buồn và hai điều ấy như lầm lẫn với nhau.

Nàng cho tôi hay rằng anh nàng là Hòa, đã trở lên Vân Nam, và mẹ nàng hiện đương ốm nặng ở Huế. Giọng nàng nói dễ thương quá, một thứ giọng pha một chút Huế, một chút Hà Nội, một chút Thanh. Có điều này làm cho tôi ngạc nhiên là nàng nói tiếng An Nam như một người ngoại quốc, nghĩa là có những chữ, những câu ngớ ngẩn đến hay. Nhưng bấy giờ không phải là cái lúc mà tôi có thể ngồi lâu lại đấy, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình nàng. Tôi toan đứng dậy cáo biệt thì nàng đi lại gần tôi, nói thỏ thẻ với tôi:

− Em muốn nhờ ông một chút việc, không biết ông có thể…

− Xin cô cứ nói. Cô hãy tin rằng…

− Ông cũng biết đấy, me tôi hiện nằm ở nhà thương Huế, ngay chiều hôm nay tôi có tiếp được tin me tôi đánh ra, bảo tôi vào ngay. Tôi khó nghĩ quá, vì cái điện tín ấy đến chậm quá, tầu tốc hành đã đi rồi. Tôi nghe nói ông cũng vào Huế. Nhân tiện ông có ô-tô, xin ông cho tôi ngồi nhờ ông từ đây vào đến Huế. Tôi chắc bệnh tình me tôi nguy lắm mới đánh điện gấp cho tôi như thế.

− Xin cô chớ ngại. Nếu được cô cùng đi thì vui lắm. Vậy cô liệu sắm sửa hành lý đi.

Nói xong tôi mới nhận thấy rằng tôi đã dấn thân vào cảnh địa nguy nan. Để cho một người đàn bà, một thiếu nữ cùng đi với mình, trên một con đường xa vắng như thế, còn mong sao tránh khỏi những điều dị nghị có thể hại cho mình và cũng có thể hại cho nàng nữa. Không những là những lời dị nghị, rồi đây, mình có thể chắc đặng rằng đời mình không vì đấy mà trở qua một chiều khác, và tương lai mình biết đâu sẽ gắn chặt với một người đến ngoài sự mộng tưởng. Nhưng còn biết làm sao được, tôi đã hứa lời rồi, mà một lời hứa với một người đàn bà không phải là một chuyện đùa. Tôi bèn vin lấy cớ đi chữa xe, để đi ra ngoài một lúc để tìm kế thoái thác.

Tôi vào một khách sạn gần đấy, tôi uống một tách cà-phê. Nhưng cà-phê vẫn không đưa lại cho tâm trí tôi sự sáng suốt. Tôi vẫn không tìm ra cớ gì chính đáng để từ chối lời nhờ cậy của nàng. Trái lại tôi còn thấy tôi là một kẻ hèn nhát, nếu tôi không chịu giúp nàng. Mười lăm phút sau, tôi lại trở lại và để mang nàng đi.

 Cô Hồng à! Tôi cần nói rõ một điều rất oái oăm này nữa: cái xe tôi chỉ có hai chỗ ngồi thôi, mà cái thời giờ chúng tôi ở đường lại là vào ban đêm nữa. Những sự tình cờ ấy có lẽ là đã định cái tương lai của tôi rồi. Nàng ngồi cạnh tôi cô ạ! Lạ quá, tôi có cái cảm tưởng ghê sợ rằng: số phận có lẽ đã định cái chỗ ngồi của nàng ở cạnh tôi như thế, mãi mãi như thế… Nhưng không ngờ, trong cái cuộc hành trình ấy chúng tôi vẫn không có dịp nói với nhau một lời gì, dầu những cảnh ngộ như nhất định muốn se, muốn ép, muốn gắn chặt hai chúng tôi lại với nhau.

Bây giờ tôi nghĩ lại mới biết tôi là một người kỳ quái, một người có cái nhân cách hiếm lạ. Cô ạ! Tôi đi một quãng đường dài từ Thanh vào đến Đồng Hới gần 300 cây số, mà không có một bận nào tôi đụng, cố ý đụng đến nàng, hay trong óc tôi có lấy một ý nghĩ bất chính.

Vào khoảng 10 giờ tối thì xe tôi đến đèo Ngang, nơi mà chắc cô cũng biết, bà huyện Thanh Quan đã tức cảnh làm cái bài thi tuyệt bút ấy để lưu lại hậu thế. Cũng là một đêm trăng như đêm đầu tiên tôi đến nhà nàng, nhưng đây là trăng của núi cao, của bể rộng, một thứ trăng mênh mông…

Tôi ngừng xe lại ở đỉnh đèo, và chỉ đằng xa, ở dưới chân núi, và nói vói nàng:

− Những làn mây trắng xóa ở đằng xa kia là sóng bể đấy cô ạ. Và xa hơn nữa, một chấm đen là một hòn cù lao nhỏ.

Nàng đứng lên, vuốt lại sợi tóc mai phủ xuống mặt nàng, nhìn quanh, và một luồng khoái cảm chạy khắp toàn thân nàng. Nàng nói với cái giọng hoan hỉ:

− Ồ đẹp quá, ông nhỉ? Giá em có được một cái nhà ở sườn đèo này.

Nàng nói như một đứa trẻ con chửa biết gì, lần đầu đưa dẫn tới trước một cảnh kỳ ảo, cái gì cũng có thể làm cho nàng ngạc nhiên. Rồi vẫn liến thoắng, nàng nói tiếp như nói một mình:

− Tiếc chẳng có được một mình để ngâm lại hai câu thơ của bà Huyện.

Nhưng nàng vẫn ngâm như thường:

Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta

Ngâm xong, hình như nàng mới sực nhớ là có tôi ở bên cạnh. Tôi thấy nàng bẽn lẽn, một thứ bẽn lẽn đáng yêu. Trong một phút lâu, nàng không nói gì, và lại càng làm cho tôi cũng hơi ngượng. Tôi vội nhảy lên xe và bảo nàng:

− Thôi ta đi thôi cô nà! Sớm mơi phải đến Huế mới được.

Nàng theo tôi lên xe và từ đấy nàng không nói gì. Tôi sợ nàng nghĩ đến tôi, nghĩ đến nhiều điều khác, những mộng thân yêu của cô gái mới lớn lên.

Tôi bèn gợi chuyện nàng luôn, tôi bắt nàng phải bàn với tôi về những chuyện văn chương, thể thao, hay phụ nữ. Nàng cũng vui vẻ góp chuyện với tôi. Và từ đấy, tôi có ý cho xe chạy nhanh hơn lên, và tiếng gió thổi vùn vụt ở xe lại cành làm cho chúng tôi thêm say trong câu chuyện. Nhưng than ôi! Trong cái duyên nợ sau này của chúng tôi, quả có trời dự một phần quan trọng.

Vào gần đến Đông Hà, thì mới hay rằng một đoạn đường ở đấy bị nước ngập, và cần phải sửa ít ra trong một hôm nữa mới đi được. Chúng tôi ngã người ra trước cái tai nạn ấy, và chúng tôi chỉ còn một cách là trở lùi. Nhưng trở lùi mãi đến đâu? Có người bảo tôi nên ghé Cửa Tùng. Tôi cho là phải, vì thế mà tôi cũng phải nghĩ đến người thiếu nữ đi cùng với tôi trước đã. Ở Cửa Tùng, tôi chắc được có chỗ trọ tử tế và nàng đã khỏi phải qua một đêm vất vả ở dọc đường. Nàng cũng đồng ý với tôi. Tôi biết rằng nàng nóng ruột lắm, nhưng tôi không một lần nào dám nhắc đến chuyện mẹ nàng hết.

Cửa Tùng là một cái cửa bể ở cách xa đường thuộc địa độ mười lăm cây số. Khi chúng tôi rẽ vào con đường tre, chúng tôi không có cảm tưởng là xuống bể mà hình như đi ngược lên núi, vì đường đỏ ối và lên dốc luôn. Đến Cửa Tùng, chúng tôi định tìm tới một cái quán trọ của người An Nam, nhưng không có cái quán nào hết, có người chỉ cho chúng tôi biết rằng muốn ăn cơm An Nam thì phải tìm đến những người bếp của các "quan Tây" ở đây và nhờ họ nấu cho. Những hotel ở đây không có cơm An Nam bao giờ.

Bất đắc dĩ chúng tôi phải tìm thuê ở khách sạn tây. Chúng tôi đến Hotel de la Plage nhưng ở đây đã hết buồng. Chúng tôi qua Hotel des Caps, thì khách sạn này may còn có được một cái buồng nhỏ. Chúng tôi cũng đành thuê vậy chứ biết làm thế nào được nữa, đêm đã khuya rồi. Người đàn bà Pháp chủ khách sạn tiếp đãi chúng tôi một cách niềm nở, và xin lỗi chúng tôi không ngớt về sự thiếu buồng. Nhưng giá mà người đàn bà ấy còn biết rằng chúng tôi không phải là vợ chồng thì người ấy hẳn còn khổ tâm biết bao.

Sau khi cơm xong, ra bể một lúc, chúng tôi về buồng. Tôi nói xin đưa nàng về buồng rồi tôi lại trở ra bể, nhưng nàng không cho, nhất định kéo tôi về buồng cho được. Tôi đã xem cái buồng nhỏ ấy rồi. Tôi đã thấy rằng buồng ấy chỉ có một cái giường. Nhưng nàng, nàng vẫn chưa hay, chưa kịp nghĩ gì đến chuyện đó. Tôi cũng theo nàng về buồng, và lạ quá! Khi nàng thấy cái buồng con ấy chỉ có một cái giường mà thôi, nàng vẫn đòi cho tôi nghỉ lại nàng mới nghe. Tôi sợ nàng cho tôi có cái ý hèn nhát muốn bỏ nàng trong một khách sạn có nhiều người tây chăng. Tôi bất đắc dĩ cũng phải nhận lời nàng.

Hôm ấy nàng vẫn bận áo dài mà nằm, và có ý nằm lại một góc giường. Còn tôi, đưa sách ra ngồi đọc. Nhưng vì cả ngày lái xe mệt quá, tôi không thể nào ngồi gượng được. Tôi bèn kê hai cái ghế tô-nê lại gần nhau và tạm đặt mình xuống nằm, hai chân phải để thõng xuống đất. Tôi ngẩng nhìn thì thiếu nữ đã nhắm mắt rồi.

Tôi nhìn cái giấc ngủ của nàng mà thương hại, cái giấc ngủ của một cô bé ngây thơ phải xa nhà. Tôi nằm được một lát thì chao ôi bọ chét với muỗi từ đâu đến quấy phá tôi. Hết đập lại quạt suốt một giờ đồng hồ, tôi cứ loay hoay như thế mà không sao chợp mắt được. Nhưng tôi thấy thiếu nữ cũng cựa mình luôn. Nàng nằm ở trong màn, lại ở trên nệm thì hẳn không bị khuấy bởi muỗi và bọ chét. Nhưng chính tôi đã làm cho nàng trằn trọc. Hình như nàng chưa ngủ được một tý nào, và nàng không thể ngủ yên được một mình trong lúc tôi thao thức như vậy. Một hồi lâu, nàng làm bộ ngái ngủ, hỏi tôi:

− Ông nằm thế, ngủ thế nào được. Phiền ông quá.

Tôi vẫn cố cãi lại:

− Cô đừng ngại. Thế nào rồi tôi cũng  ngủ được ngay.

Nhưng tôi chỉ nói thế để cho nàng yên lòng, chứ thực ra, tôi không còn thể nào ngủ được nữa. Mấy phút đầu, tôi cố nằm im trước sự khiêu khích của muỗi, tôi cả quyết không biểu lộ một chút bất bình, và như thế để tỏ cho nàng biết rằng tôi vẫn ngủ được như thường. Nhưng sự kiên tâm của tôi cũng có giới hạn mà thôi: tôi đã lại quạt muỗi, gãi sột soạt để giết bọ chét. Nàng cũng lại vì những sự cựa quậy của tôi mà cũng không thể ngủ được nữa, nàng có lẽ khổ tâm hơn tôi nhiều. Cuối cùng, nàng ngồi chổm dậy, vén màn lên và bảo tôi:

− Hay là ông lên đây ngủ. Bây giờ đến lượt tôi thức vậy.

Cố nhiên là tôi viện ra trăm lý lẽ để từ khước sự mời mọc của nàng. Thấy tôi cả quyết lắm, thì nàng cũng cả quyết nói với tôi:

− Hay là ta không ngủ, thì ta không ngủ cả. Thức cả, nói chuyện cho vui.

Thấy tôi không có ý bằng lòng, thì nàng lại nói tiếp:

− Và nếu như ngủ thì ta cùng ngủ cả. Hay là như thế này, giường rộng, ông lên đây nằm cả cho vui. Ông cần phải ngủ để rồi mai lại lái nữa chứ?

Giọng nói của nàng có vẻ ngay thực, chính đại quá khiến tôi không thể nghi ngờ nàng được. Và nếu tôi từ chối lời nàng, thì chắc sẽ làm cho nàng phải ngượng với tôi. Có một điều này rất lạ: tính tôi xưa nay rất nhút nhát, rất e lệ bên người đàn bà, thế mà tôi không hề lấy thế làm ngạc nhiên. Tôi cười và đáp:

− Phải, có lẽ tôi cũng cần ngủ một chút.

Nàng cũng cười nói theo:

− Không ngủ, thì mai họa ông có đưa tôi xuống hố.

Rồi nàng quay ngang mình lại và tôi cũng bước lên giường. Chúng tôi có ý mỗi người nằm ở mỗi mút giường. Và từ đấy chúng tôi không nói một câu gì cả: có lẽ nàng cũng như tôi, bị xao xuyến, bị rạo rực bởi một thứ  cảm giác mới lạ, thanh khiết, đê mê chạy trên toàn thân. Riêng tôi thấy ngượng nghịu vô cùng: thật từ bé lần này là lần đầu, tôi mới nằm gần cạnh một người đàn bà, độ ấy tôi còn là một anh trai tân, ngây thơ đã biết gì đâu. Bây giờ tôi nghĩ lại thật là buồn cười: tôi cứ nằm vào trong một xó, và không dám cựa mình, và tôi lẩm bẩm đếm từ một đến một trăm cho quên khỏi nghĩ đến những điều lẩn thẩn, những điều bất chính. Thế mà, cô nghĩ xem, nói rằng gần, chứ thực ra tôi còn cách thiếu nữ một quãng giường rộng nữa kia mà! Tôi không biết trong lúc ấy thì nàng làm những gì, tôi không biết nàng có quay lưng lại tôi, và cũng nằm nín thở như tôi thế không. Tôi chỉ nhớ có một bận, nàng cựa mạnh cái chân và đụng nhẹ vào chân tôi, rồi nàng để yên như thế. Tôi thấy trí óc tôi đâm thác loạn, và luống cuống: trước tôi cho rằng nàng định tâm muốn trêu ghẹo tôi, nhưng rồi tôi viện ra đủ trăm lý lẽ để cho rằng: cái cử chỉ ấy là cái cử chỉ của một người đương ngái ngủ. Và cuối cùng tôi nghĩ: nếu dẫu nàng có cố ý đụng vào chân tôi nữa, cái cử động ấy cũng đáng tha thứ, vì lẽ giường chật, và nàng là một người con gái ngây thơ... Nghĩ vậy, rồi tôi lại càng khó tính. Tôi rút chân khỏi chân nàng, thì tôi đã có ý cự tuyệt nàng, như thế tôi không nỡ, vả thật ra tôi không đủ nhẫn tâm, đủ can đảm để làm phật lòng một người mà tôi có rất nhiều thiện cảm. Nhưng cứ để yên vậy, chân nàng ở trên chân tôi, sự ấy, táo bạo quá, khiến tôi không thể nào quan niệm được, dung thứ được. Thật tôi không ngờ cái tình tôi đi nhanh như thế, nhanh hơn ngựa phi. Bây giờ nghĩ lại, mới biết tôi là một người con trai rất ngố, hiền lành hơn Phật, và cũng gàn dở hơn một kẻ mất trí. Nếu lúc bấy giờ, tôi cũng mạnh dạn hơn một chút nữa, thì con chim kia đã ở trong lồng tôi rồi, đến nay, tôi đâu phải ngồi tiếc nhớ hão huyền con chim đã trốn thoát. Tôi đã hững hờ với  nàng, lỗi ấy tại tôi vậy. Cũng may cho tôi lúc bấy giờ − có lẽ nói là rủi đúng hơn − nàng lại rút chân lại và từ đấy chúng tôi nằm yên cho đến sáng. Hôm sau, cả hai chúng tôi đều dậy sớm. Nàng nhìn tôi một cách ngay thẳng và tự nhiên. Còn tôi trái lại, tôi thấy tôi bẽn lẽn, ngợ ngàng, không dám nhìn nàng, hình như chính tôi là kẻ thủ phạm hôm qua và dám ngờ rằng cái cử chỉ ấy, có lẽ là cái cử chỉ không cố ý của người đương ngủ mê. Giá mà lúc bấy giờ, chúng tôi được thoát ngay và vào Huế, mỗi người được đi một ngả! Nhưng điện tín lại báo rằng đường còn chưa chữa xong. Và chúng tôi còn phải ở lại Cửa Tùng để đợi. Trời còn trớ trêu hơn thế nữa: sáng hôm sau, trời vẫn mưa như trút. Có lẽ lại một trận mưa lụt nữa.

Ngồi ở khách sạn, qua cửa sổ, nàng nhìn những giọt mưa xa rơi ở trên mặt bể, bất giác nàng ôm đầu khóc nức nở, khiến cho tôi cảm động vô cùng. Và cuống quýt, và tin rằng chính mình đã gây ra bao chuyện rắc rối.

Tôi không hiểu sao ở trên đời lại có người con trai nhút nhát như tôi. Nàng khóc ở cạnh tôi và tôi thấy đau lòng lắm. Giá như lúc bấy giờ, tôi bạo dạn lên một chút: tôi đi lại cầm lấy tay nàng, kéo nàng vào lòng mình, lau nước mắt cho nàng hay nói với nàng những gì lại không được; thế mà tôi không đủ can đảm để làm gì hết. Tôi chỉ khoanh tay đứng nhìn nàng gục đầu khóc, ruột tôi quặn lại. Tôi lại còn chạy trốn cho thật xa nữa. Tôi sợ khi nàng ngẩng dậy, bắt được cái nét mặt đau đớn của tôi, thì thật là nguy cho tôi. Bây giờ tôi nghĩ lại, thật không biết cái nguy ấy là cái nguy gì. Làm trai mà sợ gái, sợ yêu đến như tôi, thì trên quả đất này có lẽ không đến hai người. Nói rằng sợ yêu thì không đúng lắm, vì lòng tôi bấy giờ từ cái phút thấy nàng khóc, đã hồi hộp, đã bâng khuâng, đã đập theo một điệu nhịp mới. Không, tôi chỉ có một tội là thiếu can đảm mà thôi, thiếu can đảm để biểu lộ bằng nét mặt lời nói cái tấm tình tha thiết. Rồi khi nàng hết khóc và ngẩng dậy, thì nàng không còn thấy  tôi ở bên nàng nữa. Có lẽ nàng đã căm hờn, đã nguyền rủa tôi nhiều lắm. Bấy giờ tôi đương ngồi nói chuyện với người bồi ở ngoài vườn. Khi tôi nghe tiếng nàng đằng hắng ở trong buồng, tôi mới chạy vào. Tôi làm ra bộ vui vẻ − ôi cái bộ vui vẻ ấy Hồng nghĩ có đáng khinh bỉ không − tôi làm bộ vui vẻ như không hay biết gì, nói với nàng:

− Ngớt mưa rồi, cô nà! Tôi tin thế nào, đường đến sớm mai thế nào cũng đi được.

Nàng không đáp lời tôi, ngoảnh ra vườn, nàng nhìn những chiếc lá bàng xanh lấp lánh ánh sáng, và vẻ mặt nàng cũng nở tươi ra như mùa xuân, nhưng tôi vẫn nhận thấy ở trên má những ngấn lệ là cái dấu vết còn lại của cái mùa đông buồn thảm.

Nàng mỉm cười, nói với tôi giọng líu lo như giọng chim:

− Ồ! Biển đẹp quá! Ta đi ra biển chơi đi anh đi!

Tôi sung sướng quá, tôi cũng lặp lại cái câu nói của nàng như một cái máy:

− Ồ! Biển đẹp thật! Phải! Ta đi ra biển.

Rồi nàng đi trước, tôi đi theo sau. Nhiều khi nàng giục tôi:

− Anh đi mau lên.

Nhưng tôi vẫn cố ý không đi kịp nàng: có lẽ  tôi muốn đi lại sau để nhìn những cái dấu chân của nàng in ở trên cát. Ôi những bàn chân xinh xắn, đã rải rắc một cách hoang phí những hình ảnh của mình trên bãi cát. Tôi nảy ra cái ý muốn lấp những cái dấu chân ấy lại và không để cho một người thứ hai biết tới, và noi theo cái dấu vết ấy mà đi tìm tiên. Rồi tôi đi trên cái dấu chân của nàng, cho rằng như thế, là chỉ một mình tôi ở trên quả đất này được hưởng những cái xinh đẹp của tay chân nàng, cả cái mùi hương thơm ngát của tâm hồn nàng. Giá như bấy giờ nàng biết được cái ái tình ích kỷ ở trong lòng tôi, chắc nàng sẽ cảm động biết bao, nhưng than ôi, nàng có hay biết gì đâu. Có lẽ rồi khi nàng trở lại, trên đường nàng thấy những dấu chân của nàng bị xóa, nàng sẽ ngơ ngẩn tự hỏi mình: Không biết ai là người chơi cái trò chơi kỳ lạ này hỉ?

Than ôi! Nàng có hay biết gì đâu! Tôi có đi gần nàng thêm chút nữa, có lẽ nàng cũng vẫn không hay biết gì hơn. Nàng vẫn ngây thơ, nô đùa như một đứa trẻ con. Nàng thấy những cái vỏ ngao, thì nàng mừng quá. Mỗi cái vỏ ngao là một hình đặc biệt, cho nên làm nàng vui thích không ngớt. Mỗi khi kiếm được một cái nào đẹp, thì nàng lại reo hò lên, và nàng bỏ vào túi áo. Và khi túi nàng đã căng rồi, thì nàng gọi tôi lại và giao cho tôi cầm hộ.

Rồi đến lúc chán cái trò chơi ấy, thì nàng nằm lăn mình trên cát mịn và tắm nắng dưới chân tôi và từ đôi mắt nàng như toát ra một luồng hoan lạc, say sưa. Trong trí tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ rất ngộ nghĩnh: tôi ước sao nàng sẽ biến thành một con chó dưới chân tôi, nàng sẽ liếm vào tay tôi, và bấy giờ có lẽ tôi mới dám ôm nó vào lòng, xoa vào đầu nó. Nhưng than ôi! Nàng chỉ là Tình, là Mộng, là một thiếu nữ mới lớn lên, động đến nàng chẳng hạn, tôi không dám. Tôi xin thú rằng: chỉ khi nàng vui, thì tôi dám lại gần nàng hơn, chứ khi nàng buồn, thì tôi lại thích đứng cách xa mà ngắm. Và điều này cũng lạ là trái với lệ thường, nàng khi vui thì đẹp hơn khi buồn nhiều, và cũng có vẻ đáng yêu hơn.  Chính trong lúc ấy, lòng tôi bị rung động nhiều hơn, và tôi lại rất muốn được nàng sai bảo. Trong những buổi đi chơi bể, tôi đã cầm “xắc” cho nàng, nhổ cỏ ở áo cho nàng, và ngồi kể cho nàng nghe những chuyện đời xưa, nhất là những chuyện thần tiên. Không hiểu sao, nàng thích chuyện tiên đến thế, hình như để hồi tưởng lại cái kiếp trước đầy hoa lệ của nàng. Tôi cũng thuộc rất nhiều chuyện tiên, những chuyện tiên Tây và tiên Tầu. Tôi thường kể cho nàng nghe, vào những giờ nắng reo ở trên đầu hai chúng tôi. Nàng cũng như tôi, có lẽ cũng ao ước rằng nắng reo như thế mãi, và những giờ phút của chúng tôi ở Cửa Tùng sẽ êm đẹp biết ngần nào. Nhưng trời nắng − trái với lòng ước nguyện của chúng tôi − đã làm cho đường khô ráo, và những chỗ bị ngập đã chữa lại một cách nhanh chóng. Và chiều hôm sau, chúng tôi đã phải từ biệt Cửa Tùng, và đi một mạch đến Huế. Bảo rằng tôi không yêu nàng một cách tha thiết, thì sao khi vào đến Huế, lòng tôi như thắt lại, và tôi muốn bật ra mà khóc? Vì tôi biết rằng, từ đây, khó lòng, chúng tôi còn có dịp được gần nhau như thế được nữa. Đến Huế tôi đưa đến tận nhà thương. Lúc chia tay, tôi không đến nỗi e lệ nhút nhát lắm. Tôi đã nhìn thẳng vào đôi mắt nàng, và hình như nàng cũng hiểu được cái lời nói im lặng của tôi vậy. Còn phần nàng cũng không thể giấu được cảm động. Tôi nhớ nàng còn hỏi tôi một lần cuối:

− Anh còn ở đây chứ?

Tôi đáp:

− Có lẽ, ngày kia tôi đã phải đi Đồng Hới. Vì lúc vào không ghé được.

Nghỉ một lát, nàng nói tiếp:

− Nhưng anh còn qua Thanh chứ?

− Vâng, tôi còn qua Thanh nữa.

− Khi qua Thanh, thế nào cũng mời anh ghé nhà chơi.

Nàng nói câu này trong lúc xe tôi mở máy. Tôi nhìn vào trong cái gương con ở trước mặt tôi, tôi vẫn thấy bóng nàng đứng nhìn theo xe tôi.

Từ biệt nàng, tôi về thẳng Vĩ Giạ. Me tôi vui mừng khôn xiết, khi nghe tôi kể hết  chuyện dọc đường cho me tôi nghe. Me tôi nói đùa tôi:

− Anh thì cũng chẳng kém thầy anh ngày trước, đi mô là gái theo đó. Có ưng đám nào thì tôi “đi nói” cho.

Tôi lắc đầu mỉm cười. Me tôi lại hỏi:

− Thế anh có ưng đám ấy không? Thời buổi văn minh, me để tuỳ anh đó.

− Thưa mẹ, con chưa muốn lấy vợ.

− Nhưng còn tôi, anh cũng phải cho tôi chút cháu để mà bồng bế cho vui chứ?

Tôi nói lảng qua chuyện khác, vì lần nào tôi về, me tôi cũng đưa chuyện vợ con của tôi ra bàn với tôi. Lần thì bà nói đã đi coi mặt con ông Tuần. Lần thì bà nói đã đi coi mặt con ông Huyện. Mà lần nào tôi cũng cự tuyệt, tôi nhất định không muốn nghĩ đến chuyện vợ con. Như thế tôi đã làm phiền lòng me tôi nhiều lắm, nhưng lòng tôi chưa muốn, thì biết làm thế nào được?

Thực ra, lần này được me tôi tỏ ý muốn chiều tôi trong việc vợ con thì tôi sung sướng lắm. Nhưng khi nghe me tôi nói chuyện “đi nói” người thiếu nữ kia, mà tôi đã tỏ vẻ vui mừng ngay, thì vô tình tôi có thể làm phật lòng me tôi. Như thế chẳng hoá ra tôi chỉ biết có tôi mà coi những ý định trước kia của me tôi chẳng ra gì. Vả nói cho đúng thì tuy lòng tôi đã nặng với người thiếu nữa ấy, tôi cũng chưa khứng nghĩ đến chuyện lấy vợ. Lấy vợ, Hồng ạ! Bọn chúng tôi lấy vợ không phải dễ dàng như bọn các cô đi lấy chồng đâu. Lập một gia đình là định cái số phận nhứt quyết của mình rồi. Nếu may mà  sung sướng thì sung sướng trọn đời. Mà nếu không may phải đau khổ thì chắc phải là đau khổ suốt đời, không còn cách gì di dịch được nữa. Nghĩ vậy, cho nên đối với lời đề nghị của me tôi, tôi vẫn đánh trống lảng đi, không dám nghĩ tới. Giá lúc bấy giờ tôi đã nghe theo lời me tôi mà “đi nói” nàng thì trong mười phần, tôi cũng có thể chắc bảy tám phần là nhà nàng cũng bằng lòng gả cho tôi. Và việc cưới hỏi làm ngay trong thời kỳ ấy thì gia đình của tôi hẳn là hoàn toàn hạnh phúc, có đâu như ngày nay. Gia đình tôi đâu có cảnh tượng buồn thảm ngày nay, nó đã trở nên một cái địa ngục đen tối mà ở trong cái không khí ấy sẽ sinh trưởng cái đoàn con vô tội của chúng tôi. Nhưng tôi chưa muốn nói đến chuyện hiện tại và tương lai vội. Cái dĩ vãng của tôi, Hồng ạ! Thuật lại cũng dài chán, chỉ sợ đêm ngắn mà thôi.

− Thôi, để em tiêm thêm cho anh mấy điếu nữa mà lấy sức để nói.

− Anh kể chuyện, Hồng nghe có vui tai không?

− Chỉ thấy buồn thì có.

− Buồn à?

− Buồn lắm... Nhưng hút xong, anh lại kể nữa đi. Bình sinh em rất thích đọc tiểu thuyết.

− Thế ra đời anh là một cái tiểu thuyết à?

− Cũng gần như thế. Thôi kéo đi anh.

Và chàng  kéo luôn mấy điếu, rồi giương mắt − cái cặp mắt đã lơ mơ vì khói thuốc phiện − nhìn Hồng, và nói như  một người say:

− Hồng, bây giờ em muốn lấy chồng nữa không? Để anh làm mối cho một người nhé?

Hồng tát yêu Minh, và nói:

− Mình chưa ra khỏi hố, lại còn muốn kéo người ta xuống nữa. Người đâu mà sâu hiểm thế. Thôi, kể hết đi.

Cái câu khôi hài ấy không có ý vị chỉ làm Minh thêm buồn thảm.

 

Mimh lại bắt đầu kể:

− Hồng ạ! Giá cái tình của tôi chỉ có thế, và tôi cứ đi xa, xa mãi Vân − tên người thiếu nữ − một ngày xa nàng thêm một chút, thì ít ra tôi cũng có thể sung sướng hơn bây giờ. Tuy rằng xa nàng, tôi cũng đã có những kỷ niệm êm đềm để yên ủi mình và ai cấm tôi đặt cái hình ảnh của nàng ở một chỗ trong sạch nhất của lòng tôi. Nhưng không hiểu sao, tôi cứ muốn gần nàng mãi. Mỗi lần qua Thanh, tôi không thể không ghé qua thăm nhà nàng, khi thì tôi hỏi thăm bệnh tình của mẹ nàng, khi thì tôi hỏi thăm công việc làm ăn của Hoà. Nàng cũng như tôi, mỗi lần được gặp nhau thì hớn hở vô cùng. Nhưng chúng tôi vẫn không thấu nhau hơn. Nhưng lời chúng tôi trao đổi nhau, cũng chỉ là những lời khách sáo không đâu, hình như nói cho có chuyện mà thôi. Chỉ đến lúc chia tay thì chúng tôi mới thật là đau đớn, và chính lúc đau đớn ấy, chúng tôi mới cảm thấy yêu nhau hơn. Thế rồi cứ mỗi tháng tôi ghé thăm nàng một lần. Có khi tôi không gặp nàng thì tôi cũng vui lòng về Yên Định đợi ít lâu để trở lại thăm một lần nữa, kỳ cho gặp được nàng mới nghe. Mà gặp vậy, như tôi vừa nói, là cốt chỉ để lúc chia tay cho thêm chua chát, thêm đau đớn, vì tôi nhận thấy chỉ trong lúc đau đớn mới thấy mình yêu, mới hưởng được cái hạnh phúc tuyệt đích của ái tình. Cũng vì tôi có cái quan niệm như thế, cho nên tôi càng không muốn thân nàng hơn nữa, hay tỏ cho nàng hay cái ái tình của mình. Rồi tôi đã để qua biết bao dịp tốt để nói với nàng một lời gì gọi là để tặng nàng một chút quý báu của cái lòng trong sạch của mình.

Tôi nhớ hôm ấy khi xe tôi vừa ngừng lại trước nhà nàng, tôi thoáng nhìn vào, thấy nàng đương ngồi nói chuyện với mẹ nàng. Nhưng lúc tôi bước vào, thì tôi chỉ thấy nàng ngồi một mình mà thôi. Mẹ nàng lánh vào nhà trong. Tôi cho rằng bà có ý để cho hai chúng tôi nói chuyện với nhau cho tự nhiên. Do đó, tôi đoán rằng mẹ nàng hẳn có ít nhiều thiện cảm đối với tôi. Thế mà than ôi! Tôi đã phụ lòng bà một cách khờ dại. Nàng lấy áo ra đan và ngồi nói chuyện với tôi, nàng ngồi bên khung cửa sổ và ngoảnh ra phía vườn. Còn tôi thì nhắc ghế ngồi gần chỗ nàng. Trong lúc bấy giờ, không có một người đầy tớ, không có một tiếng động. Cái phút ấy rất hợp cho sự thông cảm của những trái tim. Mà hình như nàng cũng chỉ im lặng ngồi đợi tự miệng tôi để rơi một lời nói gì, một lời nói của lòng, của ái tình. Nhưng tôi  đã dùng cái dịp hiếm có ấy để bàn với nàng cái chuyện văn chương và chính trị, nghĩa là những chuyện vu vơ. Thật tôi là một người không biết điều chút nào hết. Nếu nàng không hiểu cho, thì tôi có lẽ cũng đã bị coi như là một người Mường leo cây quế, tôi đã đến làm nhục một người đẹp, một người đáng yêu. Nhưng sự thực như hồi nãy đã nói, có phải tôi là người không biết hưởng hết những cái tinh vi cái tế nhị của ái tình đâu! Chẳng qua chỉ vì một phần là tại tôi có cái quan niệm ái tình hơi ngớ ngẩn: tôi chỉ muốn yêu một cách thầm lén, vụng trộm, im lặng mà thôi, và một phần nữa  là tại tôi dút dát, e lệ trước đàn bà, trước Ái tình. Tôi là một thứ con trai mềm yếu, bủn rủn, ủy mị…

Người ta có lẽ vẫn không nản lòng về tôi, người ta còn dành cho tôi một cái dịp tốt hơn thế nữa. Mấy tháng sau, khi trở lại, tôi cũng vẫn thấy nàng ở nhà một mình mà thôi. Lần này thật ra tôi cũng có bạo dạn hơn lần trước nhiều: Tôi dám mời nàng đi ra Sầm Sơn chơi. Ý tôi là muốn để nhớ lại những ngày vô định ở Cửa Tùng. Nàng cũng nhận lời. Hôm ấy, vì là một ngày cuối thu, cho nên Sầm Sơn vắng không có một con muỗi: Những khách thừa lương đã về hết cả rồi, để lại cho những làn sóng một cái khí vị lạnh lùng vô hạn. Cái quang cảnh lạnh lùng ấy hình như hợp với cái tình yêu im lặng của tôi. Bấy giờ vào khoảng bốn giờ chiều. Nhưng trời trông đã chiều lắm. Nàng đi bên cạnh tôi, lâu lâu nhún vai một cái, tôi đoán nàng hơi lạnh. Tôi nói với nàng:

− Cô Vân ạ! Sương chiều xuống nhiều quá, hay là ta đi về đi, tôi trông dáng cô yếu quá.

Ấy là câu nói âu yếm thứ nhất mà tôi đã nói với nàng. Nàng ngẩng lên nhìn tôi mỉm cười:

− Em mà anh bảo ốm yếu à? Sáng nào em cũng tập thể thao, đàng hoàng lắm.

Nàng nói bằng một giọng nũng nịu đáng yêu quá, làm cho tôi muốn cầm lấy tay nàng mà cắn một cái. Tôi đi lại gần nàng một tý, và tưởng như thế, có thể làm cho nàng ấm áp. Tôi ngẩng lên: biển trời trên đầu tôi như bát ngát mênh mông thêm. Tôi rùng mình, và trong một phút, tôi cảm thấy Ái tình của chúng tôi yếu ớt, lả lướt qua, mỏng manh quá, một tiếng động mạnh có thể làm tan rã được.

Vẫn một giọng nũng nịu, ngây thơ, nàng hỏi tôi:

− Anh Minh! Anh có bao giờ có cái mơ ước một mùa đông thật lạnh, anh tới thuê nhà ở trên một bãi biển và anh có thể ở một mình như thế không? Ở cho hết mùa đông?

− Ở một mình thì chịu thôi. Nhưng sao cô lại chọn mùa đông…

− Em chỉ thích mùa đông ở bãi biển. Vì em có cái tính ích kỷ lắm cơ: bãi biển trong những ngày hè là của mọi người. Nhưng mùa đông, nó hoàn toàn của một mình em. Nhưng đó chỉ là một điều mơ mộng, mà mơ mộng thì chỉ đẹp khi nó không thực hiện được mà thôi. Dầu sao, đi chơi bể vào những ngày hơi hơi lạnh như thế này có phải dễ chịu hơn không? Anh Minh, anh có thấy Sầm Sơn hôm nay đáng yêu hơn mọi ngày không?

− Mỗi mùa có một thú riêng.

− Cái ấy đã hẳn.

Câu đáp của tôi có lẽ làm cho nàng không bằng lòng, vì tôi thấy nàng trả lời tôi bằng một giọng hơi xẵng. Nghỉ một lát, lại lắp lại cái câu nói khó chịu ấy:

− Cái ấy thì đã hẳn!

Có lẽ nàng chê tôi là một người có những sở thích hơi tầm thường, và không hề có một chút mơ mộng, một chút lãng mạn. Nàng có ngờ đâu rằng: tôi có nghĩ khác nàng đâu. Nhưng ai đã qua những phút yêu đương, sẽ hiểu rằng với người tình nhân của mình, người ta thường hay nói trái lại những điều mình nghĩ. Nàng có lẽ căm giận tôi nhiều vì chỗ không chia ý tưởng với nàng. Nàng giục tôi:

− Thôi ta đi lên.

− Nhưng ta còn phải đi xem núi Trống Mái nữa chứ?

Kể thì một người thiếu nữ lúc yêu chẳng khác gì một đứa trẻ con, chỉ thích có người chiều chuộng mình luôn. Cái ý định này của tôi làm cho nàng vui lòng lắm. Nàng trở lại nói liến thoắng:

− Ừ phải đấy! Ta còn phải đi xem Trống Mái nữa. Em nghe trong tiểu thuyết, người ta hay nói đến hòn núi ấy luôn. Nhưng chưa bao giờ có dịp được đi xem cả. Hòn Trống Mái ở tận đâu xa anh?

− Không xa lắm.

Tôi cũng đáp “dẩu” cho nàng vui lòng, chứ thực ra tôi cũng chả biết gì hơn nàng. Dầu sao, tôi cũng mở máy đi vong mạng. Tôi đi khỏi một đường thông ngăn ngắn, thì tôi bắt đầu lên một cái dốc. Rồi từ đấy thì khi lên dốc xuống dốc mãi, tôi cũng không biết đường lối nào mà mở nữa. Thế mà tôi vẫn mở máy cho xe chạy rất nhanh; đường lại ghồ ghề nữa nhiều khi làm cho xe nhảy nhào lên, và nàng ngả vào vai tôi, những khi như thế, nàng reo hò sung sướng. Hình như nàng cũng như tôi say sưa vì nhanh chóng và nhất là ngây ngất vì nguy hiểm, luôn luôn thấy thân mình chập chờn giữa sự sống và chết. Trong những giây phút! Than ôi! Những giây phút bấp bênh đó, người ta mới thấy cái thân thế mình tuy nhẹ như một sợi lông, mà quý giá hơn tất cả vàng bạc ở thế gian, và chính trong giây phút ấy, người ta mới thoát ly hẳn sự xiềng xích của quá khứ, của hiện tại, và được hưởng cái thú vị tuyệt đích của sự sống. Một đời dài trăm năm cũng không quý, chỉ những giây phút ấy mới là đáng kể.

Càng về chiều, càng lên cao, trời càng mù. Chúng tôi cũng không biết mình đương ở đâu, và đi trên con đường nào. Mà hình như chúng tôi đi luẩn quẩn luôn ở một chỗ, một con đường. Vân không tỏ một vẻ lo sợ nào. Tôi thì lại càng muốn lạc vào sâu nữa. Bỗng xe đương lên dốc thì tôi nghe nàng rú lên một tiếng thất thanh, như một cái máy tôi nhanh chân hãm xe lại. Chúng tôi cùng nhảy xuống xe: Trước mặt xe độ vài thước là một cái hố sâu thăm thẳm, nghe tiếng sóng gầm, chúng tôi mới nhận ra là bể. Nàng vẫn chưa hết sợ, cầm lấy tay tôi mà nói bằng một giọng run run:

− Chỉ một tí nữa thì ta đã xuống hố sâu rồi! Không hiểu sao, em lại cảm thấy trước được tai nạn. Hình như thần linh báo trước, chứ thực ra, em có thấy gì đâu.

Hai cái tâm hồn sống sót − trong cái giây phút ấy − trước cái tai nạn ghê gớm ấy, lẽ ra sẽ sát nhập với nhau làm một và từ đấy, sẽ không còn rời nhau ra được nữa. Nhưng cái tai nạn vẫn không đủ thế lực để gắn chặt hai chúng tôi lại với nhau. Từ hôm ấy, chúng tôi vẫn không thân nhau hơn, dầu mỗi lần qua Thanh, tôi vẫn ghé thăm nàng như xưa. Và như xưa, tôi vẫn không dám nói một lời gì với nàng. Cái tình của tôi vẫn im lặng, vẫn kín đáo và vẫn thành kính, và có lẽ càng ngày càng nặng thêm. Nhưng nàng có hay biết gì đâu. Mùa thu qua, mùa đông đến, trong những ngày lạnh, nàng vẫn kiên tâm ngồi đợi một cái gì đến, làm đượm ấm lòng nàng. Nàng vẫn kiên tâm đợi và mùa thu sau cũng đã đến gọi ở cửa nàng, và có lẽ những lá bàng đã bay vào trong buồng nàng làm cho nàng nhớ đến những kỷ niệm êm đềm hay chua chát của mùa thu trước. Nhưng cuộc đời vẫn không đưa lại cho nàng một sự bất ngờ, một điều gì mới lạ cả: lòng nàng vẫn trống không, lạnh lùng như bãi  biển trong một buổi chiều… Trong lúc ấy, thì cái tình của tôi đối với nàng, một ngày một thêm, một nặng; xa nàng tôi đau khổ, tôi buồn nhớ khổ sở cơ hồ không thể nào chịu được nữa. Thế mà tôi lại cố ý trêu tôi: có khi hai ba tháng, tôi không đến thăm nàng − như thế để thí nghiệm cái tình yêu của tôi, và khi xa cách nàng tôi đã tăng sự thương nhớ − nhưng cũng là để tăng sự vui sướng khi gặp mặt. Có một bận suốt một mùa xuân, tôi không đến thăm nàng: tôi có ngờ đâu cái cuộc thí nghiệm ấy nó có thể trở lại nguy hiểm cho tôi như thế. Không hiểu nàng đã nghĩ tôi ra sao, khi nàng vẫn thấy tôi đi qua Thanh mà không ghé thăm nàng. Có lẽ tôi đã bị hiểu lầm và đã bị nghi ngờ một cách bất công. Chẳng hạn, người ta có thể cho tôi là một người lãnh đạm, một kẻ vô tình, hay không nữa tôi đã có vợ rồi, ít ra cũng có dạm hỏi nơi đâu. Bây giờ nhớ lại, thì tôi mới đoán chơi như vậy, chứ thực ra lúc bấy giờ tôi vẫn thành tâm tin ở lòng nàng: tôi vẫn đinh ninh rằng nàng cũng như tôi, vẫn không thể lạnh nhạt với tình được. Cái tình nó ít biểu lộ ra, nào có nghĩa là “không có” đâu, phải thế không Hồng?  Cái quãng cách biệt sau cùng của tôi hơi lâu: vẻn vẹn bốn tháng. Khi tôi đến thì hình như nàng cố ý lánh mặt. Mẹ nàng ra tiếp tôi, hỏi qua loa mấy câu xã giao, rồi như muốn tôi về ngay. Một lần sau nữa, tôi lại đến: cũng lại mẹ nàng tiếp tôi. Tôi vẫn cho rằng nàng làm nũng với tôi, và vẫn thành kính tin rằng: nàng, đối với tôi vẫn còn nhiều kỷ niệm ở dĩ vãng đã gắn chặt chúng tôi lại với nhau, trong tinh thần, trong tư tưởng, khó lòng cho nàng có thể gỡ ra được. Có ngờ đâu, phải, có ngờ đâu…

Hồng ngắt lời đi:

− Anh hút thêm điếu nữa.

− Hồng hãy để tôi kể nốt. Có ngờ đâu, lòng nàng đối với tôi đã lạnh nhạt rồi, bấy giờ tôi cũng không hiểu nguyên nhân vì sao. Tôi đã bắt đầu hơi lo… và nhãng cả công việc đồn điền. Có một bận tôi ở lại Thanh suốt một tháng trời. Thời kỳ ở Thanh Hóa, tôi không muốn bận rộn người nào: tôi bèn ở ngay một nhà khách sạn. Người chủ khách sạn cũng không hiểu tôi có việc gì ở Thanh. Mà chính tôi cũng không hiểu tôi ở lại đấy lâu ngày như thế để làm gì, vì là nếu để gặp mặt người yêu thì sao tôi lại không đến nhà nàng. Hồng ạ! Tôi là một người rất giàu lòng tự ái, chỉ một việc tiếp đãi lạnh nhạt của nàng cũng đủ cho tôi không muốn tới lui nữa. Ngày hai bữa ăn xong tôi lại lái xe đi dạo quanh phố, đi ra đồng ruộng hứng mát hay lên cầu Hàm Rồng nhìn dòng nước cuốn những chiếc bèo, rồi đi về. Có lúc, tôi lại đánh xe lên ngôi chùa ở núi chuyện vơ vẩn với sư cụ rồi về. Và tôi đã bắt đầu nghĩ lẩn thẩn. Lòng tôi thường ước những điều trái với ý nghĩ của tôi. Chẳng hạn trong những lúc đi chơi như thế, tôi ước được gặp lại nàng, và tôi sẽ đến tận mặt nàng hỏi cho ra vì lẽ gì nàng lãnh đạm với tôi, tôi chắc rằng: đến lúc ấy, tôi sẽ có đủ can đảm để chất vấn nàng vậy. Những ngày sóc vọng, tôi thường hay đến các chốn chùa chiền, để rình xem nàng có đi lễ bao giờ không? Nhưng tôi không thấy bóng tăm nàng đâu cả. Có một bận, tôi đi ở chùa Hội Đồng về đến gần nhà thương, tôi thấy ở trước mặt tôi, một người thiếu nữ mảnh khảnh, tha thướt mặc áo xanh cùng đi về một hướng với tôi. Trong đằng sau, người thiếu nữ ấy na ná giống Vân, nhất là khi nàng cũng bận cái áo xanh, cái màu xanh của lá cây, cái màu xanh ưa thích của Vân. Lòng tôi hơi hồi hộp, như một cái máy vô hồn, tôi hãm xe lại cho đi từ từ. Và hình như tôi không can đảm tiến tới trước nàng: nhưng, bỗng như một kẻ điên cuồng, cho xe nổ máy, và tiến lên như một ngọn gió, và rồi đứng lại với một tiếng sạt ở khi bên chân nàng. Thiếu nữ quay lại hoảng hốt. Nhưng tôi lại càng hoảng hốt hơn: tôi đỏ cả mặt và nói không ra tiếng để xin lỗi nàng. “Nàng” là một người mà tôi không bao giờ quen biết cả.

Tôi đã lầm một cách cay độc, chua chát.

Thế rồi một hôm tôi không còn đủ cam đảm để nén sự đau thương: tôi nhớ nàng quay quắt, tưởng như trong ngày hôm ấy không được thấy mặt nàng thì tôi không sống được. Bấy giờ hình như đã mười giờ đêm, tôi còn khoác áo ra đi. Tôi tới nhà nàng. Nhưng tôi chỉ đứng quanh quẩn ngoài ngõ. Tôi đứng ẩn sau một thân cây, và để chờ, một sự có lẽ chẳng bao giờ tới. Tôi đợi nàng, cố nhiên là đợi một cách hão huyền, tôi đợi nàng trong giờ này hoặc nàng có đi ra khỏi ngõ chăng, cho tôi được gặp. Nghĩ xong tôi mới biết, tôi là một người vô lý; giờ này có lẽ nàng đã ngủ ngon như một đứa trẻ con, đã từ lâu nàng còn tơ tưởng gì đến tôi nữa đâu. Tôi toan đi về thì bỗng trong nhà nàng bay ra những điệu dương cầm. Điệu đàn của nàng bây giờ đã thay đổi: tôi không tìm thấy vẻ ngây thơ, nhí nhảnh và cả cái vụng về ngớ ngẩn của ngày trước. Nàng đã là một nhạc công thành thục, điêu luyện lắm. Những tiếng đàn réo rắt thâm trầm bay qua cửa sổ, và như nức nở ở trên những chòm cây. Trong lúc ấy, lòng tôi như thắt lại, và tôi gục đầu vào một gốc cây bàng. Và trong cơn bàng hoàng, tôi đã ngửi thấy cái mùi hương thơm ngát của hoa nguyệt dạ. Có lẽ là cái mùi hương tưởng tượng, chứ hôm ấy không phải là một đêm trăng, làm gì có cái mùi hương kỳ lạ ấy. Đêm ấy là một đêm âm u đầy khí lạnh, cái đêm của kẻ gian phi. Lúc đầu tôi chỉ thấy tôi ngây ngất, rồi về sau tôi thấy tôi mê man. Điệu đàn như rứt xé tâm hồn tôi thành mảnh nhỏ và tôi có cảm giác mình là một vật rời rạc vô hồn. Vài giọt mưa rơi xuống hai vai tôi. Tôi thấy lành lạnh, kéo cổ áo lên. Nhưng về sau tôi không thấy gì nữa, dầu mưa đã bắt đầu rơi nặng hột. Chỉ lúc bản đàn ngừng bặt thì mới thấy mình, sờ lên đầu mới hay tóc mình đã ướt đầm. Trời đã tạnh hẳn, nhưng gió vẫn thổi mạnh. Tôi đi trên con đường vắng. Lá cây rụng xuống trên đầu làm cho tôi có cái cảm giác thanh thú như đi trong một giấc mơ.

Hôm ấy, tôi xao xuyến cả tâm hồn, trằn trọc suốt đêm không ngủ. Sáng hôm sau, tôi đánh xe tới nhà nàng, với một cái quầng đen quanh mắt. Tôi tưởng lần này nàng sẽ ra tiếp tôi và đem lòng thương hại tôi. Nhưng than ôi! Khi tôi đến, chó nhà nàng chạy ra sủa tôi như sủa một người khách lạ. Và vẫn như lần trước, mẹ nàng ra tiếp tôi. Tôi hỏi thăm nàng, thì mẹ nàng bảo là nàng đương còn ngủ.

Đến bây giờ tôi cũng không thể nào quên được cái giọng lạnh lùng mà mẹ nàng đã nói với tôi. Tôi đứng dậy, cáo biệt. Và khi ra khỏi ngõ, chân tôi bước đi không vững: tôi muốn ngã xuống cạnh bụi nguyệt dạ hương.

Ngay chiều hôm ấy, tôi từ biệt Thanh Hóa. Vì mệt quá, tôi chỉ đi đến Vinh thôi. Tôi đương đi lẩn thẩn ở đường Marechal Foch, thì tôi gặp các anh Giao, Tuân, Châu, Phong, những nhà văn, và là những bạn của tôi. Họ không kịp để cho tôi từ chối, phân trần, họ kéo bừa tôi theo họ: cái đoàn quỷ sứ ấy đi lên nhà cô đầu. Tôi hỏi họ vào đây làm gì, thì họ bảo là họ đi xem động Phong Nha, nhưng vì giời xấu, chưa đi được. Những cô đầu hôm ấy, cô nào cũng xinh xắn, cũng dễ thương, biết tiếp khách; những cô đầu thành thạo hiểu nghề cả.

Các bạn tôi vui đùa thả cửa mà trong các cô đầu, cũng không có một cái mặt “đưa đám” nào. Tôi cũng như bị lôi cuốn trong con hành lạc điên cuồng ấy, tôi không còn một dịp nào để nghĩ đến cái tâm sự riêng của mình. Tôi không ngờ tôi đã vui đùa một cách bạo dạn như thế. Nhưng bỗng giữa cơn điên cuồng, mọi người ngừng cười, ngừng nói, và nhìn tôi một cách dễ sợ; tôi lại càng cuống cuồng. Nào tôi đã làm gì họ?

Một giọt nước mắt đã rơi ở trên má tôi. Chỉ có thế mà tôi đã làm hỏng một đêm vui của các bạn. Tôi hối hận vô cùng. Nhưng biết làm thế nào được? Tôi có làm chủ được những hạt lệ của tôi đâu? Giao đi lại bên tôi, nói bằng một thứ giọng âu yếm:

− Minh làm sao thế?

Rồi Giao đưa khăn lau nước mắt cho tôi. Tôi ngẩng lên nhìn Giao và thấy Giao có cái vẻ dịu dàng của một người vợ hiền. Giao vẫn hỏi tôi:

− Tại sao anh khóc?

− Tại… tại… tôi trông Tuyết (tên người cô đầu) tôi nhìn kỹ Tuyết, tôi thấy Tuyết có cái gì làm tôi sực nhớ đến một người tình cũ của tôi. Có lẽ Tuyết có cặp mắt, cái mũi, hay cái dáng điệu của người mà tôi yêu.

Tuân cười gằn, tiếng cười nghe ghê rởn, nghe chua chát quá, có phải chàng này định chế nhạo tôi chăng? Mọi người khó chịu về cái tiếng cười hình như “mất dạy” ấy. Nhưng tôi là người hiểu Tuân hơn hết, tôi biết rằng chỉ gặp một cảnh đời trớ trêu, mỉa mai thì Tuân mới lại có cái tiếng cười không vui, tiếng cười chua chát, tiếng cười đầy tội ác ấy. Trong cái im lặng của gian phòng, Tuân nói như một hơi thở, cái giọng nói của người uể oải:

− Mai đâu, tiêm cho anh một điếu thuốc!

Giao vẫn không để ý đến Tuân, hỏi tôi:

− Thế người ấy bây giờ ở đâu?

− Người ta đã đi lấy chồng rồi.

Tôi mỉm cười. Nhiều người cũng mỉm cười. Nhưng không ai hỏi tôi thêm nữa. Họ lại vui đùa, cố mà vui đùa như sợ hoang phí đi những phút giây quý hóa. Còn tôi? Tôi tự khen tôi đã khéo bịa ra một cái cớ ngộ nghĩnh, buồn cười để che chở cho mình. Chứ sự thực đâu phải thế. Sự thực là nguyên nhân của những giọt nước mắt của tôi chính là cái vui thành thực của mọi người. Chính cái vui ấy đã làm cho tôi cảm thấy sự lạnh lùng, trống trải của lòng tôi, là một miền băng tuyết không có mặt trời, nơi đương ngự trị một hình ảnh ghê lạnh của một người đàn bà. Thật tôi không ngờ một người đàn bà lại có thể coi mình như một trò chơi trong tay của họ. Tôi muốn oán Vân, nhưng oán nàng vì lẽ gì, thực ra tôi cũng không thể nào đoán biết được cái nguyên do đã làm cho nàng thay lòng đổi dạ đối với tôi. Sáng hôm sau, khi từ biệt các bạn để về Huế, tôi thấy Giao và Châu nhìn tôi một cách ái ngại, bấy giờ tôi mới biết rằng cái thân thế của mình đáng thương hại biết bao!  Lần ấy tôi không ghé thăm những đồng điền của tôi ở Đồng Hới và Quảng Trị, tôi chỉ muốn đi thẳng vào Huế, nóng lòng gặp me tôi, và gục đầu vào lòng bà mà khóc, khóc như thuở mới lên ba. Nhưng khi tôi vừa về đến ngõ thì me tôi ở trông nhà chạy ra đón tôi ở thềm, cười nói vui vẻ. Tôi không có can đảm mang sự sầu muộn về cho người mẹ đầu đã hai thứ tóc. Tôi vẫn vui vẻ nói chuyện với me tôi, me tôi lại đưa việc vợ con ra bàn. Tôi cười bảo me tôi:

− Me đừng lo, đến tháng chín này thế nào con cũng lấy vợ, và sang năm me sẽ có cháu bồng.

Me tôi vui sướng như một đứa trẻ con, hỏi lại tôi:

− Thế anh đã thuận chỗ nào rồi, nói cho tôi biết.

− Bay giờ thì con để tùy me, me xem chỗ nào được thì đi nói. Me bằng lòng là con cũng bằng lòng.

Me tôi sung sướng đến muốn bật ra khóc. Cái sung sướng ấy như lây đến tôi trong suốt một tuần lễ ở Huế, tôi ít nghĩ đến Vân và tưởng rằng bên cạnh me tôi, cái vết thương lòng của tôi may ra có thể hàn gắn được. Chỉ cái hôm từ biệt me tôi, tôi mới thấy lòng tôi như đau quặn, nhất là khi nghe me tôi chỉ vạt lúa ngô ở vườn mà nói:

− Tháng sau con về sớm sớm một tí để kịp ăn những trái bắp này, me để dành cho con đó.

Khỏi ngõ, tôi ngoảnh trong lại thấy me tôi đương khom lưng tỉa đậu: trên cái đầu bạc của bà lấp lánh một chút ánh chiều vàng. Cái hình ảnh ấy làm cho tôi vô cùng cảm động. Tôi không hiểu tôi đã dối me làm gì: tôi còn có thể nào vớt vát lấy một chút hạnh phúc ở trong cảnh vợ con? Nếu lấy vợ cốt chiều mẹ tôi thì tôi đã hy sinh mình nhiều quá. Vả tôi đã có thể nào không nghĩ đến Vân được nữa không? Vân là cả tư tưởng, là cả cuộc đời của tôi. Thế rồi tháng sau, trái với ý định, tôi vẫn ghé Thanh như trước. Lần này tôi mới rõ cả sự thực, biết rõ cái nguyên nhân đã làm cho nàng lãnh đạm với tôi.

Chuyện ấy ở tỉnh Thanh nhiều người biết. Mỗi người cho tôi một mẩu, và nhờ thế tôi chắp nhặt thành cả sự thực.

Cách bảy tháng sau, một hôm, vào một ngày lạnh, nàng hơi ho. Mẹ nàng hơi sợ, bèn dẫn xuống một nhà bác sĩ ở trong thành phố để cho người ta thăm bệnh. Bác sĩ người còn trẻ, mới tốt nghiệp, sau khi khám bệnh Vân, thì bác sĩ thấy rằng ở cuống phổi Vân hơi u ám một chút. Như thế không phải là bệnh lao, nhưng bác sĩ dặn phải đề phòng riết không thì một ngày kia mắc phải cái bệnh ác nghiệt ấy. Mẹ nàng hơi lo sợ và mỗi ngày cho nàng tới nhà riêng bác sĩ để điều trị. Những cuộc khám nghiệm ở trong buồng kín không biết có một sự quan hệ nào đến cái cuộc tình duyên sau này của hai người không, nhưng có một hôm, người ta thấy bác sĩ tới xơi cơm ở nhà nàng, và sau bữa cơm, hai vợ chồng ông giáo Lạc, hai vợ chồng ông phán Trương, bác sĩ và nàng cùng thuê xe lên núi Nhồi chơi. Núi Nhồi cách thành phố Thanh Hóa độ năm cây số. Chỉ là một hòn núi đá, chỉ có đá mà thôi và không có lấy một chòm cây. Núi Nhồi chỉ nổi danh về hai bức tượng thiên nhiên ở trên đỉnh núi. Hai bức tượng ấy, nhìn xa, một bức giống một người đàn bà trông chồng, một bức giống ông tiến sĩ tháng tám. Núi không cao lắm, nhưng toàn là đá cả, khi xuống, thật là nguy hiểm. Người ta thuật lại cho tôi cả những cử chỉ nhỏ nhặt của hai người, nhưng không đáng nhắc lại đây. Chỉ nên biết, lúc xuống núi, không có một chòm cây để níu thân. Nếu không khéo bám ghì, thì có thể bị lăn như một viên đá. Thế rồi hình như người ta cảm thấy rằng mỗi người không thể trơ trọi một mình được, ông giáo đưa tay cho bà giáo nắm, ông Phán đưa tay cho bà Phán và, rất tự nhiên, bác sĩ đưa tay cho Vân. Phải, điều ấy không thể là một điều bịa đặt, vì là một điều rất có thể xẩy ra. Đến đây, tôi rất hiểu cái thân phận của tôi và vì sao nàng lãnh đạm với tôi vậy.

Em thử nghĩ, về tiền bạc thì tôi cũng không thua kém ai, nhưng về danh phận thì tôi chỉ là một nhà làm đồn điền, và trong bốn hạng sĩ, nông, công, thương thì tôi chỉ có thể liệt vào hạng “nông” mà thôi. Nếu ra đường có người gọi tôi bằng thầy, bằng ông, hay bằng quan nữa thì người ta cũng là nịnh tôi, nịnh đống tiền của tôi, chứ  thực ra cái địa vị của tôi chỉ là anh Cu, thằng Cạc. Bây giờ, tôi mới hiểu tại sao xưa kia thầy me tôi lại không muốn một người trai trẻ như tôi đã vội dấn thấn vào cái nghề đồng điền, có lẽ là nghề chẳng ưa thích của các thiếu nữ. Tôi không ngờ, Vân đã coi Ái tình của nàng như một bài tính đố, bài tính có một phép, phép ấy là phép “trừ”. Nàng chỉ đặt tôi ở cạnh cái ông bác sĩ, nàng cũng đã thấy sự chênh lệch, sự hơn kém. Lẽ tự nhiên, cái lòng của nàng sẽ nghiêng về một bên, và danh vọng đã thắng! Nếu nói rằng nàng chỉ là một người đáng cho tôi khinh, thì chẳng hóa ra tôi chỉ tìm một cái lẽ gượng gạo để bênh vực cái sự thua kém của mình. Tôi phải can đảm mà thú nhận rằng cái địa vị của tôi ở trong xã hội thua sút bác sĩ, và ở trong lòng nàng cũng vậy.

Hôm nào, anh Châu bảo tôi rằng: “Yêu chỉ là lựa chọn...”  mà câu nói ấy, bây giờ tôi mới kinh nghiệm.

Tôi còn trách nàng nỗi gì. Nàng chỉ là một người đàn bà. Đã 20 thế kỷ nay, người Việt Nam làm gì biết “yêu” và cái tệ ấy còn lưu đến ngày nay. Họ chỉ lựa chọn, rồi lấy nhau, rồi đẻ con. Và họ cũng lại theo cái nề nếp bất di ấy. Mấy trăm thế hệ đúc tạo ở trong nguyên tắc ấy. Người ta chỉ thấy con của sự hôn nhân, không có đứa nào sinh bởi ái tình.

Đó là bởi cảm tưởng xây dựng trong óc tôi, khi được hay câu chuyện này. Thoạt đầu, thú thật, nàng chỉ đáng làm cho tôi khinh mà thôi, tôi không vì nàng mất một giọt nước mắt. Trái lại, tôi lấy làm rảnh rang khi thoát khỏi nàng, tôi cho nàng không xứng với sự nâng niu, sự âu yếm của tôi, nếu tôi mất nàng, tôi cũng chẳng mất gì đáng quý cả. Giá như tôi có cái yên chí ấy cho đến bây giờ, thì tôi đâu có đau khổ, có giày xé như ngày nay. Nhưng tiếc thay, dần dần tôi lại tìm những lý lẽ để đánh đổ sự yên chí ấy: Về sau, mỗi ngày thêm, tôi lại thấy rằng nàng theo bác sĩ, không phải chỉ danh vọng mà thôi, mà chính là vì tôi vậy, vì cái ái tình thiếu thốn hay là quá kín đáo của tôi vậy. Nếu tôi mất nàng, lỗi ấy tại tôi vậy. Hồng sẽ hiểu sao! Hồng thử nghĩ xem, tôi quen Vân từ ngày đầu tiên cho đến ngày Vân bỏ tôi, tôi tính ra là hơn hai năm trời, hai năm dằng dặc, hai năm của tình yêu dài bằng hai thế kỷ, và trong thời gian ấy, tôi có biết bao dịp gần nàng, thân nàng, tỏ tình yêu nàng, thế mà tôi đã bỏ qua hết, và không nói một lời gì để làm ấm áp cõi lòng băng lạnh của nàng. Thực ra, tôi cũng có một bận biên thư cho nàng, nhưng thư ấy chỉ đến tay nàng sau khi lòng nàng đã không còn là của tôi nữa: Tôi muốn cho nàng hiểu tôi, nhưng đã muộn mất rồi. Cái bức thư ấy, từ đầu đến cuối, viết bằng một giọng ủy mị đớn hèn, và không phải là không tha thiết, không nồng nàn, nhưng dầu sao cũng là lời lẽ của một kẻ đã mất lòng tự ái, tự tôn, một kẻ đã bò mình sát đất để cầu xin một chút lòng thương, một chút tình yêu. Cái bức thư ấy, nếu nó đến tay nàng sớm hơn một tý thì là một cái vinh dự cho ái tình, nhưng khi nó đến chậm như thế, thì là một cái hổ thẹn suốt đời cho tôi. Như thế nghĩa là: Trong hai năm trời, tôi không một lần nào động đến tình yêu; một người khác ở địa vị tôi, thì trong thời gian ấy họ cũng đã lấy nàng, có thể họ đã có con rồi nữa, và ít ra họ cũng đã có một lần cầm lấy tay nàng, tặng nàng một bó hoa, hay một cái hôn, không nữa, họ cũng đã nói hay viết cho nàng mấy chữ âu yếm “Em gái yêu quý của anh”, có đâu hững hờ, lãnh đạm như tôi. Tôi tin rằng lẽ cố nhiên nàng phải lạnh nhạt với tôi, chán tôi, và rồi cái kết quả như Hồng trông thấy đó. Bác sĩ đã khéo lựa cái lúc rất hợp để đến trong đời nàng. Trong khi hai năm trường tôi không tỏ được tình yêu, thì bác sĩ đến với nàng trước sau chỉ khoảng trong một tuần lễ, và chỉ trong cái thời gian ngắn ngủi ấy, bác sĩ đã bắt tay nàng, và có lẽ cũng đã nói với nàng những lời mà cả một đời tôi không bao giờ dám nói. Nàng đã phải cảm động trước cái tình chân thật, mau mắn của bác sĩ, người mà hơn tôi, có đủ điều kiện để cho nàng phó thác tâm hồn và thân thế nàng. Có điều này, lạ quá, là trước kia khi tôi cho nàng chỉ là một người hám danh vọng mà thôi, thì tôi không hề vì nàng đau đớn, ghen tuông một chút nào. Nhưng lúc tôi nhận thấy rằng nàng yêu bác sĩ, vì tình, mà cũng có thể là một cái thứ tình chính đáng cần thiết cho những tâm hồn đau khổ đến tê tái, lẩn thẩn đến điên cuồng, ghen tuông đến lố bịch. Suốt ngày, tôi đi vơ vẩn ở ngoài đường. Tôi thương hại tôi và rồi tôi đâm ra thương hại đến mọi người. Có lúc hàng giờ tôi đứng nói chuyện với một người phu xe mà không biết chán, hỏi thăm về thân thế họ, về công ăn việc làm của họ. Có lúc tôi gọi những người ăn mày đến, lấy xu phân phát cho họ, rồi nhìn họ ăn họ uống, như được nhìn một cảnh tuồng vui mắt. Tính tình tôi thay đổi nhiều lắm, tôi đâm ra tử tế, ngọt ngào với mọi người, nhất là những người giúp việc tôi. Một hôm, ở trong buồng sách, tôi đương giở lại những cuốn vở đầu tiên của tôi, những cuốn vở thành kính giữ gìn dưới lớp bụi, tôi đương học lại những bài học cũ, và sống lại cái cuộc đời ngây thơ vô tội của cậu học trò nhỏ ở trên ghế nhà trường thì một thằng nhỏ, bước lại gần tôi, nó bước nhẹ quá khiến tôi không biết, và nó nói với tôi: “Thưa ông, mời ông xuống nhà khách”. Tiếng nói của nó nghiêm trang quá, làm cho tôi giật mình và ngơ ngác. Tôi không thể tưởng tượng được, tôi không thể tin được rằng tôi là một người đã đứng đắn, một ông chủ, vì hình như trước mấy giờ đấy, tôi còn là một cậu học trò nhỏ. Tôi mỉm cười, nhưng thực ra, các việc không quan trọng ấy làm cho tôi đau đớn vô cùng; tôi thấy man mác rằng sống ở đời như là một việc rất đáng buồn; rải rác ra khắp trên con đường mình đi, không biết bao là của quý, mà rồi không biết bao giờ còn lượm lại được nữa. Tôi vẫn mỉm cười, và xoa đầu thằng nhỏ: “Hôm nay tao cho mày một hào bạc, và cho phép mày ra phố chơi hết suốt cả ngày”.

Đại để, lúc bấy giờ, tôi có cái tâm trạng như thế, có những cái cử chỉ như thế, vừa quảng đại vừa điên cuồng một chút.

Cái sự thất vọng của tôi lại còn đổi hẳn những thói quen của tôi nữa: đã lâu tôi không còn đi bắn chim như mọi lần nữa. Cái lòng thương của tôi đã lan đến tất cả những sinh vật. Một  hôm, xe tôi đang đi vào giữa quãng Đông Hà và Quảng Trị, có đứa bé chăn trâu gọi dừng tôi lại và bán cho tôi nửa tá đa đa béo ụ, những con chim ấy, những lần khác, tôi ăn thích khẩu biết ngần nào, thế mà hôm ấy, tôi không có cái hứng thú muốn “quay” sống những con chim con vô tội ấy, nhưng tôi cũng mua hết, và khi xe tôi đến Đồng Lao, thì tôi ngừng lại mở mắt cho những con chim ấy và thả chúng ra giữa rừng cây, trả lại tự do và sinh mạng cho chúng.

Cái lối “phóng sinh” ấy bình sinh tôi cho là một cái đạo đức giả dối của loài người, nhưng tôi không thể không nhận rằng cái cử chỉ ấy ở tôi, là cái cử chỉ thành thực của một tấm lòng đau khổ, mềm yếu vì đau khổ, xót thương vì đau khổ. Nhưng cũng có phút, tôi thấy tôi trở nên tàn nhẫn, đê hạ vô cùng: Tôi muốn nhìn một dòng máu chảy, muốn giết người, muốn phục thù. Tôi cho rằng bác sĩ là kẻ thù của tôi, đã cướp của tôi cái gì quý báu nhất trong đời tôi vậy. Đã có một lần tôi đã nghĩ đến những thủ đoạn tàn ác, đê hèn: có lúc sự đau khổ của tôi đã rồ dại. Tôi định rình bác sĩ đi qua một chỗ vắng, rồi tôi nhảy ra mà cướp lấy cái đời của bác sĩ. Tôi muốn cho máu người thù phải dính tay tôi, tôi muốn làm cho dư luận nổi dậy, tôi muốn công bố cái tình yêu của tôi, tôi muốn cho nàng và tôi sẽ ra đối chất trước tòa án. Nhưng cũng may, tôi còn đủ lương tâm để cấm tôi làm những điều thái quá như thế. Cuối cùng, tôi định viết một bức thư cho bác sĩ, ngỏ hết đầu đuôi cuộc tình duyên cho người thấy. Nhưng bức thư ấy viết rồi, lại xé đi ngay, tôi không có can đảm hay có hèn nhát để mà gửi nó đi vậy. Thế rồi, một hôm, sực nhớ đến những ngô bắp của mẹ tôi, tôi vội vàng về Huế, tôi từ biệt Thanh Hóa như từ biệt một nơi không có việc gì không hay đã xẩy đến cho tôi cả. Nhưng khi tôi về đến Huế, thì những bắp ngô ở trong vườn tôi đã già mất rồi, tôi tìm mẹ tôi để xin lỗi, me tôi chỉ cười và nói:

− Nhưng không có lẽ vì mấy trái bắp của me mà con bỏ cả công việc.

Câu nói của me tôi làm cho tôi thêm ân hận, vì thực ra nào có phải công việc đã ngăn trở tôi không cho tôi về với me tôi đâu. Rồi tôi đưa hết cả cái tình duyên của tôi ra thú với me tôi. Thú xong, tôi gục vào gối me tôi mà khóc. Me tôi đỡ tôi dậy, lau nước mắt cho tôi, và nói với tôi bằng một giọng âu yếm:

− Tại con me khờ chứ! Me như con thì mần răng để đến nông nỗi rứa! “Oản” đến tay thì cứ “ních”! Con không ních là lỗi của con.

Một lát, bà nói thêm:

− Nhưng có lẽ như thế là phước nhà đó: cô “nớ”, mẹ nghĩ, cũng chắc sau ni chẳng làm cho con sung sướng được.

Cái giọng Huế của me tôi như có cái sức cám dỗ của một khúc nhạc. Tôi đứng dậy nói với me tôi:

− Thôi từ rầy, con xin nghe lời me, me ưng đâu, con xin thuận đó.

Nhưng sự thực lại đi trái lại với ước định của hai mẹ con tôi. Một hôm, có người cho tôi hay tin rằng, bác sĩ đã cưới vợ. Mà người vợ của chàng, trời ôi, lại không phải là Vân, − ấy là điều làm cho tôi chưng hửng và ngạc nhiên vô cùng. Tôi không nhớ cái tin ấy lúc bấy giờ làm cho tôi vui hay là buồn, có lẽ buồn thì đúng hơn. Người ta đã trả Vân lại cho tôi, nhưng như thế chẳng khác nào người ta đã tặng cho tôi một viên đạn cuối cùng để kết liễu đời tôi vậy. Hai tháng sau, tôi còn tiếp được một cái thư của Vân. Bức thư ấy là một lời thú tội, một lời sám hối của nàng. Với bức thư ấy, nàng đã làm cho tôi khóc nhiều lắm, và nó đã có cái kết quả như nàng đã sở nguyện: Tôi tha thứ cho nàng. Và trong một ngày cuối thu, me tôi làm lễ cưới nàng cho tôi. Ngày ấy, me tôi cũng không vui gì hơn tôi. Nhưng chúng tôi cũng hết sức che đậy nàng, không cho nàng biết những sự sầu muộn giầy xé lòng chúng tôi. Đôi khi tôi cũng cố vui, và tìm cái hạnh phúc của mình ở trong cuộc sum họp của đôi người, nhưng mà hão huyền, hình như là một việc không thể nào có được nữa. Giữa cơn vui, bỗng tôi giật mình nghĩ đến những chuyện đâu đâu chẳng hạn, những sự xao lãng và lòng ham danh lợi của nàng, những giờ ái ân bên bác sĩ, những cái bắt tay, những lời nói ngọt ngào, những cái nhìn say đắm và có lẽ còn những cái hôn, những cái hôn nồng cháy nữa. Không, tôi phải thành thực nhận rằng tôi không thể nào tha thứ cho nàng được. Tôi bắt nàng phải xa hẳn những hình ảnh, những kỷ niệm làm cho chúng tôi phải nhớ đến những điều đã qua. Tôi giao việc đồng điền cho một người em họ, và không một lần nào đi lại con đường cũ nữa. Chúng tôi ở hẳn Hà Nội, và tôi xuất vốn ra làm những việc lãnh hành. Tôi định quên hết, trong sự làm việc. Nhưng mà quên có có phải dễ đâu, rồi cái kết quả là ngày nay tôi đã sống với những người đau khổ như các cô, sống cái cuộc đời vô định, không nhà không cửa. Và tôi đã hút thuốc phiện. Thật quả đúng lời Nhung thường nói, chỉ có những người đau khổ mới hút thuốc phiện. Tôi là một người đau khổ. Và đây là lời nói đầu tiên của cái đau khổ im lặng của tôi.

Minh ngừng lại, vài giọt bồ hôi lạnh ở rỉ trên trán chàng. Hồng cầm lấy tay chàng và nói bằng một giọng chua chát:

− Để em tiêm cho anh điếu nữa nhé!

− Ừ, anh xin điếu nữa. Chỉ một điếu nữa thôi. Điếu thuốc cuối cùng của đời anh.

Hồng nhìn Minh, ngơ ngác và thương xót, không hiểu sao chàng lại nói thế, đâm ra nói gở thế.

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Một người đau khổ, tiểu thuyết tâm lý // Phổ thông bán nguyệt san, tạp chí văn học ra đầu tháng và giữa tháng, Nxb. Tân dân, Hà Nội: s. 47 (16 Novembre 1939), tr. 3 – 138.

 


 

[a] Cửa hàng Bom-bay ở đây có ý nói cửa hàng tơ lụa; thời ấy lụa Bombay từ Ấn Độ đưa sang được đánh giá rất cao.

[b] Un, deux, trois (chữ Pháp): một, hai, ba!

[c] Georges Courteline (1858 - 1929) nhà tiểu thuyết và nhà viết kịch, Pháp.

[d] Tức là đường quốc lộ số 1.