MỘT THÁNG VỚI MA

LỜI NGƯỜI XUẤT BẢN

Truyện này thuộc về loại "thần kỳ".

Đây là một chút ít Edgar Poe pha lẫn với Bồ Tùng Linh… Cái đầu lâu ghê rợn của phương Tây dưới cái ánh sáng xanh dịu của ngọn nến phương Đông… Tất cả sự hoang đường của “Liêu Trai chí dị”, cạnh những điều nhận xét sáng suốt của Flammarion…[a] Ở trong truyện này, người ta đã nhận thấy một nghệ thuật điều hoà, hai tâm hồn rất biệt dị của phương Tây và phương Đông… Người đọc bị lôi cuốn và một thế giới vô cùng huyền ảo, giữa những sự biểu hiện kỳ quái, lạc vào một cõi không phải của ta, một cõi mà ta không còn nhận ra mình và không nhận ra người nữa. Ở đây, những vật và những cảnh, hiện ra như những luồng ánh sáng, hay như những bóng đen. Ở đây, cõi U và cõi Minh như tranh giành nhau, xen lẫn nhau.

Ở đây, không còn phân biệt được là ma hay là người, những vong hồn hay những hình xác… Đây là một sự biểu dương "rất trung thành" của một tâm hồn. Tâm hồn ấy là cái tâm hồn của tác giả. Một tâm hồn lãng đãng… Vì thế, truyện này là một sức sáng tạo u huyền… Khi đọc xong, có lẽ không ai hiểu rõ ràng cái câu chuyện, đêm hôm ấy sẽ nằm mơ thấy những cảnh kỳ quái ghê rởn mà không một trí tưởng tượng nào có thể nghĩ ra được…

 

 

***

Cách đây bốn năm năm, tôi có làm quen thân với một người có tên là ông Xâu Minh. Ông ta trước kia vào làm ăn ở Lục tỉnh, nên có một độ theo đạo Cao Đài. Cũng nhờ theo cái đạo mới mẻ ấy, mà ông đã trở nên giầu có. Tự khi thành phố nhượng địa Tourane được phép truyền đạo ấy thì ông là người thứ nhất mở ở gần Vũng Thùng, một cái đàn phụ đồng tiên.  Thiên hạ tín đồ hay không cũng đến xem đông đúc. Mỗi người đến xem, bỏ vào phong bì gắn si một mảnh giấy hồng, trong đó có chép mấy câu hỏi, thường là những câu hỏi về gia sự, tình duyên, công danh, tựu trung có một câu đố người "phụ đồng" về tên tuổi, chức tước, nghề nghiệp của mình. Sau mấy câu khấn lấy lệ, người "phụ đồng" theo nhịp những tiếng hát điệu đàn, cầm một ngành đào vạch lên một mâm cát, những vần thơ nôm chính là những câu đáp lại những câu đã hỏi ở trong phong bì. Những câu đáp đúng một cách lạ thường khiến cho khắp thành phố Tourane và cả thành phố lân cận như Faifoo, Tam Kỳ, những đêm trăng thường tìm đến đàn ông Xâu Minh để hỏi những điều bí ẩn của thiên cơ. Đó chỉ là một dịp phát tài lớn cho ông Xâu Minh, vì những người muốn hỏi một điều gì phải trả đến một đồng, mà một đêm trăng ít nhất là có đến hàng trăm người đến xem. Tiếc rằng lúc bấy giờ ở đất nhượng địa vừa xẩy ra mấy việc bắt bớ quan trọng về những người cực đoan, muốn phá rối cuộc trị an, toà Đốc lý thành phố phải ra lệnh cấm ngặt những cuộc tụ họp đông đúc có thể trở nên những cuộc biểu tình về chính trị. Ông Xâu Minh cũng bị thiệt lây. Ông đã mấy lần bị sở liêm phóng đòi lên tra hỏi, và từ đấy sự phụ đồng tiên của ông bị coi như là tà đạo. Thế là ông Xâu Minh bắt buộc phải rời xóm Vũng Thùng.

Từ đấy hình như ông cũng có làm nghề "lãnh hành" nữa, nhưng rút cục thất bại. Bao nhiêu vốn liếng kiếm được nhờ nghề phụ đồng tiên đều trút đổ xuống sông xuống biển cả. Ông Xâu Minh trở lại là kẻ bần bạc như xưa, và lêu bêu lang bang hết chỗ này đến chỗ khác. Rồi một hôm người ta đồn ầm lên rằng: ông Xâu Minh với một vài người bộ hạ nữa sửa soạn ghe buồm đi ra Cù Lao Chàm, một cù lao bấy giờ còn hoang vu, còn u rậm, chỉ lèo tèo có một ít dân chài, tuy cũng là dân Việt Nam, nhưng mà tính tình và phong tục chẳng khác gì mán mọi, nhưng được cái họ là những người độc lập, tự do, họ không phải chịu một thứ thuế má nào cả. Kể cả cái thuế rất "Việt Nam" là thứ thuế đánh vào đầu người. Cù Lao Chàm thực ra đối với nhóm người ấy, thật là to rộng quá, mênh mông quá! Cù lao ấy toàn chỉ có những đụn cát và những lòi cây… Cạnh cù lao có một vài hòn nữa – gọi là hòn "Khô", hòn "Cháy", thật hoàn toàn không có một bóng người, và cũng khó lòng tìm được một bóng cây hay một bóng thú. Ba hòn cù lao ấy cách Cửa Đại độ vài ngày ghe – theo như lời chép trong một quyển sách Tây, thì ba đảo ấy thuộc về tỉnh Thừa Thiên, chứ không phải là Quảng Nam như nhiều người tưởng. Nhưng điều ấy không có một tí gì quan hệ trong cuốn truyện lạ lùng này. Điều quan hệ chính là ở cả ông Xâu Minh, con người có cái công khai phá ba cái hòn đảo kia, và là người có những tính khí kỳ lạ. Truyện người ấy thuộc về những thứ chuyện xưa nay đã làm cho người đêm khuya nghe tới, lạnh cả hai vai và dựng đứng những hàng tóc gáy.

 

***

Trên Cù Lao Chàm cả thảy có bốn năm cái rừng và độ mười cái lòi, mà ông Xâu Minh ở là một cái lòi nhỏ nhất và ở gần bể nhất, chính trong cái lòi ấy ông Xâu Minh nhờ những người dân đảo giúp sức đã làm được một cái nhà to toàn bằng gỗ kiềng kiềng, là một thứ gỗ đặc biệt ở trong đảo. Chính trong cái nhà gỗ ấy, tình cờ lần thứ nhất tôi làm quen lão Xâu Minh. Cái tình quen sơ sài lúc ban đầu, nhờ sự quạnh hiu ở trong đảo đã trở nên, một cách dễ dàng và mau chóng, cái tình bạn bè cốt thiết. Nhờ sự quen thân ấy, mà tôi mới cởi khỏi trí tôi một điều ngộ nhận về hắn: xưa kia tôi cứ tưởng hắn là một người tầm thường dốt nát, có ngờ đâu rằng Xâu Minh – cái tên nôm na làm sao! – Xâu Minh lại là người có học thức hẳn hoi, có điều này làm cho hắn khác hẳn người khác là hắn có những tính tình kỳ dị, lúc vui lúc buồn không chừng, khiến cho hắn gần như là một bậc dị nhân có những năng lực phi thường về tâm linh. Xâu Minh có nhiều sách, sách nho và cả sách Tây nữa, phần nhiều là sách dày của những cố đạo soạn, những sách nghiên cứu về các giống dân bản xứ. Nhưng tôi không bao giờ được cái may mắn trông thấy Xâu Minh đọc sách cả. Thứ tiêu khiển hàng ngày của Xâu Minh là đi săn lợn rừng và đi chài cá. Trong những cuộc săn bắn hay dạo chơi, Xâu Minh thường thường cho một người đầy tớ theo hầu, một người nhà quê ở làng Phước Trạch.

Trái với khí hậu ở Quảng Nam hay Thừa Thiên, khí hậu ở đảo Chàm rất khó chịu. Mùa nóng thì nóng hết sức mà mùa lạnh thì lạnh vô cùng! Cái mùa lạnh ở đấy mới thật là thê lương, ghê sợ! Bấy giờ vào khoảng đầu tháng mười một, một ngày lạnh gắt gao quá chừng, tôi lại lựa một ngày như thế để đến thăm người bạn mới của tôi, mà đã cách đến gần hai tháng tôi không được gặp.

Mặt trời bắt đầu lặn, thì thuyền tôi cập bến, tôi phải rẽ qua những lối rậm mới tới được đến ngõ nhà Xâu Minh. Khi tôi đến cái nhà sàn của hắn thì khác hẳn lệ thường, một cảnh tịch liễu dễ sợ ôm trùm cả cây cối nhà cửa. Tôi lấy gậy gõ và cánh cửa gỗ, gõ đã mấy lần như thế mà không nghe có tiếng đáp. Tôi bất đắc dĩ gọi to người bõ già của va, rồi gọi cả tên của va nữa, nhưng tôi cũng chỉ nghe có tiếng dội lại của những rừng rú. Tôi quay gót đi, thất vọng… Và khi ra đến ngõ thì tôi chợt thấy một cái chìa khoá sắt, để trong một cái giỏ tre treo ở ngõ, tôi vội vàng cầm lấy và chạy lộn vào. Với cái chìa khoá ấy, tôi mở tung cả được hết bao nhiêu cửa ở trong nhà Xâu Minh. Khi tôi bước vào buồng của hắn thì có một điều làm cho tôi ngạc nhiên và bớt sợ, ở ngay giữa buồng, một lò sưởi mà ngọn lửa còn cháy bừng bừng. Tôi vội vàng cởi áo tơi ra, kéo cái ghế đẩu lại gần, vào ngồi sưởi hai bàn tay đã cóng lạnh.

Tôi ngồi như thế được hơn một giờ đồng hồ thì bỗng nghe có tiếng gõ cửa, tôi đoán là một ông khách nào của Xâu Minh tới chơi, vì tôi cũng nghe hắn nói, từ khi ra khỏi đạo Cao Đài, hắn chơi thân với một ông mục sư của đạo Tin Lành ở Tourane. Ông mục sư ấy người Gia-nã-đại, cũng thường có ra chơi với hắn. Nhưng trái với sự đoán tưởng của tôi, người khách vừa gõ cửa chính là chủ nhân của nhà này, chính là hắn. Xâu Minh thấy tôi mỉm cười đi thẳng lại phía tôi ngồi, nắm chặt lấy tay tôi và nói như một nhà nho:

 – Cố nhân lai.

Tôi không kịp đáp thế nào, mải say ngắm hắn ta. Ngắm từ đầu đến chân, tôi nhận thấy ở trong cách ăn mặc của hắn, trong bộ tịch của hắn có một cái gì khác lạ.

 – Đại huynh đi từ đâu về mà trông bộ có vẻ mệt nhọc, xờ xạc?

 – Đệ vừa đi săn về…

 – Săn có được gì không?

 – Hôm nay thật rủi quá chừng, đã bắn ngã được một con "lợn một",  không theo kịp, nó lại quật chạy thoát được. Tiếc quá! Không thì hôm nay có "ghé ngon" (1) để đãi khách.

Rồi hắn cũng lại kéo một cái ghế đẩu khác ngồi xuống cạnh tôi, và đưa tay ra sưởi. Vừa xuýt xoa, hắn vừa nói:

 – Tiếc quá! Đệ có ngờ đâu hôm nay huynh lại tới chơi. Dễ thường cũng đến ba tháng rồi huynh không vượt biển ra thăm đệ nhỉ? Tiếc quá! Hôm nay mà đệ biết huynh ở đây!

Tôi cười đáp:

 – Bác khéo bày vẽ…

 – À cũng may, hôm nay nhà còn được mấy con.

Đến đây hắn cất to giọng gọi người đầy tớ:

 – Chú Đặng ơi! Chú lên tôi hỏi.

Người đầy tớ cũng vừa bước vào:

 – Thưa ông hỏi gì ạ?

 – Nhà hôm nay còn có thức gì lạ để "đánh tửu" không? Anh Ba!

 – Bẩm ông còn được hai con le le…

 – Chỉ có thế?

Tôi xen vào:

 – Bác đừng bày vẽ lắm! Thế cũng là đủ lắm rồi!

 – Le le, nhưng được cái mùa này cũng béo lắm.

Rồi quay lại người đầy tớ dặn thêm:

 – Anh cho quay một con, hầm một con!

 – Dạ!

Người đầy tớ quay đi, Xâu Minh vẫn ra dáng không bằng lòng, vì không tìm được vật quý đãi khách. Hắn ngoảnh lại và nói với tôi:

 – Thật là tiếc quá! Hôm nay đệ không biết huynh ở đây. Chứ đệ biết thì thế nào đệ cũng sức dân trong đảo lùng săn cho được vài con cà niễng…

 – Con cà… cà niễng?

 – Dạ, chính là con cà niễng. Có lẽ là một con vật chỉ ở trong vùng này mới có. Tôi tìm trong những sách khảo cứu của các vị giáo sĩ cũng không có chỗ nào nói đến con vật lạ lùng này cả. Những người ở trong vùng này vẫn gọi là con cà niễng. Một con vật rất gần gũi, rất thân mật với cái đời sống hàng ngày của họ, nên họ có những câu hát rất lí thú về con cà niễng:

Cha mi trên trời xuống

Mẹ mi ở dưới đất lên

Có yêu mi thôi cũng uổng,

Tình nghĩa mi cũng chẳng bền.

Cà niễng… Cà niễng!...

Cha mi trên trời xuống…

 

Nghĩ một lúc hắn lại nói tiếp:

 – Con vật thật là đẹp nhất trần đời. Đôi cánh xanh rờn, cái đầu bạc phếch, lại còn… và thịt nó thì giòn và thơm quá chừng.

 – Nghe bác nói mà tôi phát thèm!

 – Thế thì thế nào cũng xin cầm huynh lại đây một ít hôm, đệ cho bắt môt ít con đãi huynh một bữa.

 – Thế có khó bắt không?

 Kể thì cũng không khó lắm. Nhưng cốt nhất phải dậy thật sớm, vào giờ rạng đông mới đón bắt được nó. Mà đón bắt được nó thì phải giàng những "giò" khắp ở trên đụn cát, vì nó không to lắm, chỉ bằng một nắm tay; và, khi nó bay thì giống con chim, khi nó nằm thì giống một con bọ. Thật là một con vật kỳ quái. Nói miệng thật không sao tả hết được, để đệ…

Hắn lấy trong cái hầu bao ra một tờ giấy bản đã nhàu nát, và lấy một cái bút son vẽ lên giấy. Trong lúc ấy thì người đầy tớ già, đương quay chim ở bếp lửa cũng ngẩng lên và nói với tôi:

 – Thưa ông, cái thứ cà niễng ấy, ăn xong không muốn súc miệng, vì tưởng chúng như cứ thơm mãi…

Ông Xâu Minh hình như không bằng lòng nó xen vào một câu chuyện rất "ngon" của mình, gạt nó đi, và mắng:

 – Khổ quá! Anh thì biết gì! Không khéo lại đốt cháy cả hai con le le của tôi thì khốn.

Người đầy tớ, ngoan ngoãn như một đứa trẻ cúi đầu vào con chim, và chủ nó cũng lại quặp đầu vào trang giấy, và tô những vệt đen đỏ. Một sự im lặng ghê sợ lạ thường… Tôi kéo cái ghế đẩu thêm cho gần lửa, cốt cố ý có một cử chỉ gì để làm hoạt động cái vùng không khí lạnh lùng ở trong gian phòng.

Khi đã vẽ xong, hắn ngẩng đầu dậy, bước lại gần tôi đưa cho tôi cái mảnh giấy nhầu nát. Tôi vừa cầm lấy cái mảnh giấy những chấm đen thì bỗng có một tiếng "ngao ngao" làm tôi giật mình.

Một con mèo đen tứ phía trong buồng tối nhảy ra, và sau khi đã chờm lên vai chủ nó nhảy ngay vào lòng chủ. Ông Xâu Minh âu yếm vuốt ve đầu nó và nói nựng:

 – Miu miu! Thằng Đặng đã cho con ăn chiều chưa?

Hắn nói chuyện với con mèo như nói chuyện với một đứa con nít thân yêu. Tôi vẫn không rời cái tranh vẽ lạ lùng của hắn.

Sau một lúc ngắm nghía, tôi nói với Minh:

 – Thật nhất sinh tôi chưa bao giờ thấy con vật kỳ quái như thế! Nếu quả thực đúng như vậy, thật là ngộ và đẹp quá chừng! Nhưng mà…

Tôi đứng dậy xê đi xê lại cái tranh vẽ và nói tiếp:

– Nhưng mà bác này! Sao tôi trông thấy giống một cái đầu lâu quá chừng, hay là đúng hơn, một cái sọ… người chết.

Ông Xâu Minh cũng đứng dậy rồi và có vẻ sửng sốt kêu lên:

 – Giống cái … sọ người chết? Không, thật là điều tôi không ngờ, nhưng cũng có lẽ đúng.

 – Này! Chỗ này… hai con mắt… cái hàm răng… lại cái hình nó…

 – Này bác Xâu Minh! Lời bác nói cũng tin được lắm! Nhưng tôi sợ bác không phải là họa sĩ khéo, bác vẽ không đúng chăng! Tôi phải xem tận mắt mới rõ con vật ra thế nào được, nhưng hồi nãy hình như bác có nói đến hai cái râu…

 – Phải, nó có hai cái râu nữa. Ấy bác nhìn kỹ lại xem. Tôi cũng đã có hoạ rất rõ ràng ở trên giấy bản rồi.

 – Ừ thì hãy ví như bác không quên vẽ hai cái râu, nhưng vì lẽ gì mà tôi không thấy hai cái râu nhỉ?

Tôi không nói gì thêm nữa, trả cái tranh vẽ lại cho bác Xâu Minh. Bác có vẻ tức giận, nhìn ngắm bức tranh một cách vội vàng và hình như cũng như tôi, bác không hiểu tại sao bác không còn thấy hai cái râu. Bác căm giận, toan vò nát cái mảnh giấy, và tưởng chừng như bác toan vứt vào đống lửa. Nhưng sắc mặt bác đương hồng bỗng tái mét lại. Vẫn ngồi yên ở chỗ cũ, trong một lúc lâu, bác ngắm lại cái tranh vẽ của bác, lần này bác ngắm một cách kỹ càng tường tận.

Một lát sau, bác đứng dậy đi lại gần một cái hòm to, châm một cây nến lớn, và vẫn tựa vào cái hòm, bác lại đưa cái tranh vẽ ra ngắm nghía, khi đưa lên, khi hạ xuống, khi quay bên này, khi quay bên nọ. Trông lên mặt bác thật có vẻ im lặng lạnh lùng. Đã lâu bác không nói một lời nào nữa.

Ung dung, bác rút cái hầu bao của bác ra, đút mảnh giấy vào. Và mở hòm, bác vứt cả cái hầu bao vào khoá chặt lại.

Rồi bác lại trở về phía tôi, nét mặt sầm tối lại. Thực ra bác không có vẻ căm hờn nữa mà có vẻ suy nghĩ lung lắm. Từ đó bác lại càng không nói gì nữa. Cái vẻ mặt của bác làm cho tôi hết cả hứng thú ngồi lại với bác. Số là tôi định ở lại ngủ với bác, nhưng từ khi tôi nhận thấy bác không vui nữa thì tôi nhất định xuống ghe ngủ. Lúc ra đi cũng không có ý cầm giữ. Nhưng khi nắm tay nhau để từ biệt, chúng tôi cũng cảm thấy một vẻ thân yêu đầm ấm, khiến cho sau này khó lòng quên nhau được.

 

***

 

Hơn một tháng sau cuộc gặp gỡ đầy bí mật ấy (và trong khoảng thời gian ấy, tôi cũng không nghe ai nhắc đến tên ông Xâu Minh nữa), một hôm trong nhà trọ ở phố Verdun ở Tourane, tôi thấy người đầy tớ của Xâu Minh đến tìm tôi, có dáng hớt ha hớt hải. Mặt người đầy tớ xanh mét hẳn đi, khiến cho tôi lại càng tin rằng: có điều gì không may đã xẩy đến cho ông bạn ở đảo Chàm.

 – Này anh Ba! Có việc gì thế? Ông Xâu vẫn mạnh khoẻ luôn đấy chứ?

 – Dạ, ông chủ con, kể thì cũng không được mạnh lắm.

 – Tội nghiệp! Thế ông chủ anh làm sao?

 –  Ông chủ con đau.

 – Đau? Thì sao anh lại không nói ngay cho tôi rõ. Thế ông ấy đau ra làm sao?

 – Nhưng kể cũng không phải là đau.

 – Anh đừng giấu tôi. Thế ông ấy có ngồi dậy được không?

 – Bẩm dậy thì cũng có dậy, nhưng ông không đi đâu xa được nữa.

 – Thế thì khó hiểu quá.

 – Dạ khó hiểu lắm.

 – Thế là nghĩa gì?

 – Bẩm con cũng chả hiểu sao cả.

 – Ít nhất anh Ba cũng biết, thường ngày ông chủ anh làm những việc gì chứ!

 – Bẩm điều ấy thì con có biết.

 – Biết thế nào?

 – Hàng ngày ông chủ dậy thật sớm và thức thật khuya, ông đi đi lại lại trong buồng, cúi đầu bóp trán ra dáng nghĩ ngợi nhiều lắm, mặt thì xanh rớt và luôn luôn lạnh như đồng. Ông nghĩ xem, nếu ông chủ con không đau, thì ông làm cái điệu gì lạ lùng thế?

 – Ông ấy làm gì?

 – Bẩm ông ấy cứ loay hoay vào một mảnh giấy và viết những con số để rồi lại xoá đi ngay và để rồi lại viết lại, cứ như thế mãi. Mà thực ra không phải những con số, ông còn làm những dấu hiệu lạ lùng lắm, mà bình sinh con chẳng bao giờ thấy, nhiều khi thấy ông con loáy hoáy như thế, thú thật con phát sợ. Sợ thì sợ nhưng con cũng phải coi chừng không dám để cho ông con đi đâu cả. Thế là một hôm ông con dậy thật sớm, trốn con lẻn ra lòi, mãi đến tối mới về, con chặt sẵn mấy cái hèo định hễ ông con trở về là cho mấy hèo. Không hiểu àm sao con lại có cái ý tàn nhẫn ấy. Tình cảnh ông con thật đáng thương vô cùng.

 – Coi chừng đấy anh Ba! Anh không nên đánh ông, người ông như thế tất phải yếu ớt lắm. Roi vọt chịu thế nào cho nổi. Thế tôi hỏi cái này: tôi tưởng ít ra anh cũng phải hiểu tại sao lại có sự thay đổi ấy, ông lại mắc phải cái chứng bệnh kỳ lạ vậy, và có việc gì đã xảy ra không?

 – Thưa ông quả thật không có chuyện gì đáng tức mình xảy ra cả, từ ngày ông tới chơi. Nhưng hình như trước ngày ông đến, con nhớ có…

 – Anh bảo sao?

 – Bẩm, con muốn thưa ông về chuyện con cà niễng.

 – Con cà niễng?

 – Dạ chính chuyện con cà niễng…

 – Con cà niễng, có phải là con vật lạ Cù Lao Chàm?

 – Dạ, hình như ông con đã tả con vật ấy cho ông thấy rồi thì phải.

 – Nhưng con vật ấy làm sao?

 – Bẩm ông, hình như một hôm ông con bị nó cắn ở một chỗ nào, có thể là ngay ở trên đầu.

 – Căn cứ vào đâu mà anh có thể cả quyết như thế?

 – Bẩm con dám cả quyết như thế là tại vì con vật ấy có hai cái còng sắc nhọn.

 – À ra thế!

 – Không những thế, nó còn có một cái mỏ nữa cũng chẳng kém sắc nhọn, nhưng con nghĩ cho cùng điều quan hệ không phải tại nó có một cái mỏ hay hai cái còng. Ở ngoài Bắc và nhất là ở vùng Nghệ Tĩnh, người ta thường hay nói đến một thứ châu chấu mà người ta gọi là châu chấu ma. Nó đã từng gây ra biết bao nhiêu vụ án mạng ghê gớm, những chuyện kỳ lạ mà Bao Công tái thế cũng không tìm ra manh mối. Con nghiệm rằng con cà niễng cũng nhận như thế, tuy rằng con vật ấy sống thân mật ở trong đời họ, mà họ vẫn kiêng hãi… như bao giờ cũng có thể đưa lại cho họ một sự gì nguy hiểm. Hẳn ông cũng đã nghe ông con kể cho nghe câu chuyện về con vật ấy, cái câu hát ngộ nghĩnh mà hình như có vẻ thần bí khó hiểu:

Cha mi ở trên trời xuống,

Mẹ mi ở dưới đất lên.

Tình nghĩa chẳng lâu bền,

Có yêu mi cũng uổng.

…………………………..

– Kể thì trong bấy nhiêu điều anh nói đó, tôi cũng thấy có chỗ hữu lý lắm. Nhưng mà việc ấy hãy để đó. Tôi cần anh cho tôi biết anh qua tìm tôi có mục đích gì?

 – Bẩm để giao cho ông một phong thư.

 – Phong thư của ai?

 – Của ông con!

 – Thế thì thôi! Sao anh không đưa ngay cho tôi, anh này đến lẩn thẩn.

Anh Ba Đặng mở hầu bao, lấy thư cho tôi. Thư chỉ có thế này:

Bác Lưu Phước Doãn

Đã ba tháng hai ngày rồi mà tôi không được tiếp hữu huynh. Nhớ mong quá!

Ngay lần trước hữu huynh đến, tôi đã có điều muốn nói với hữu huynh, nhưng không hiểu sao chưa muốn nói hết, không thể nói hết. Độ này tôi không được thường lắm. Không bao giờ tôi thấy đảo vắng như bây giờ, mà nhỏ hẹp như bây giờ! Không đủ chỗ để cho tôi chơi. Mà độ này tôi "sổng" khỏi thằng đầy tớ của tôi, là tôi nhảy ra đi chơi mà nào biết chơi đâu! Tôi chỉ chơi với những cây ở đảo và ốc ở bãi. Vì thế tôi đã tìm ra được một thứ cây mới. Nhưng mà trong thơ hữu huynh chước cho, không sao nói hết được. Thể nào hữu huynh cũng bỏ chút thời giờ vàng ngọc qua thăm tôi một ít hôm, qua ta đánh tửu và nói chuyện láo chơi. Chết! Thưa hữu huynh, quyết không phải chuyện láo đâu. Tôi có một điều tối quan hệ, cực kỳ nghiêm trọng sẽ bàn cùng hữu huynh vậy, thế nào hữu huynh cũng cùng với tên đầy tớ già này qua đảo ngay. Mong rằng trong hai ngày được hầu tiếp hữu huynh.

Kính thư

Hồ Văn Minh

 

Tôi đọc đi đọc lại phong thư, tôi thấy lời lẽ không giống lúc bình thường. Trong thư có cái gì làm cho tôi ái ngại lắm. Cái điều gì làm cho tâm trí bạn tôi đâm ra hoang mang thế! Mà lại là một điều tối quan trọng. Dẫu sao thì tôi cũng không nên chậm trễ. Tôi sửa soạn đi ngay với anh Ba Đặng.

Khi tôi bước xuống chiếc ghe của anh Ba, tôi thấy ở trong khoang một cái hái và ba cái chét nước "sắt" còn mới tinh.

Tôi hỏi:

 – Những cái vật gì thế?

 – Ba cái chét và cái hái.

 – Tôi thấy rồi! Nhưng mang cái ấy đi làm gì?

 – Bẩm vật con mới mua ở chợ. Lúc ra đi ông con dặn phải mua cho kỳ được. Không nhớ thì rầy to. Mà con cũng không hiểu mua để làm gì, mà nào có phải rẻ cho cam! Ông có biết chừng này hết bao nhiêu tiền không? Vỏn vẹn hết ba quan đấy.

Tôi biết rằng anh Ba Đặng cũng không hiểu gì hơn, tôi không cần cật vấn anh ta nữa. Tôi giăng buồm cho ghe ra khỏi ngay. Sớm được phút nào hay phút ấy. Mà cũng không hiểu, vội vàng như thế để làm gì? Thực ra lúc bấy giờ tôi cũng ở trong một cơn kinh khủng. Buồm no gió, chỉ độ một đêm một ngày là đến ngay. Sớm hơn sự ước định của tôi đến gần một buổi.

Xâu Minh hình như có vẻ đợi mong tôi nhiều lắm. Hắn bắt tay tôi bằng một cái nắm rất mạnh và rất lâu. Mặt hắn xanh rớt, đôi mắt sâu hoẵm có vòng đen và từ con ngươi toát ra một cái nhìn đầy ánh sáng, một cái nhìn khác thường. Vài câu chuyện hàn huyên lấy lệ, rồi sau một hồi lâu tôi mới hỏi về con cà niễng:

 – Thế bác lần này có bắt sẵn được cho khách một con cà niễng nào không?

Hắn có vẻ lúng túng và hơi thẹn:

 – Chết! Tôi quên lửng bác đi, ngay sau khi bác về, tôi cho săn bắt không biết bao nhiêu là con cà niễng, nhiều lắm, có thể nói là hằng hà sa số, một người dân ít nhất phải có một con cà niễng cho tôi. Tôi ăn không hết. Tôi chơi đã chán! Một hôm tôi cho thả ra cả. Tôi nuôi ngay ở trong buồng tôi. Và bác ạ! Nó ăn với tôi, ngủ với tôi…

 – Con cà niễng ăn với bác, ngủ với bác…

 – Dạ, nó ăn với tôi một mâm, ngủ với tôi một giường.

Tôi thì sảng sốt lên, nhưng bác Xâu Minh vẫn kể với một giọng vô cùng thản nhiên:

 – Tôi yêu con cà niễng có bộ lông xanh rờn ấy lắm. Mà hình như nó cũng thương tôi lắm. Chả thế tôi thả lỏng nó để cho nó ra bãi, tối nó cũng trở về với tôi, tình yêu nó trung thành lắm, tình yêu của thế nhân cũng không bì kịp.

 – Sao bác dám chắc như thế?

 – Sao lại không chắc. Tôi nói khó tin lắm, nhưng mà bác phải tin tôi mới được. Có tin tôi thì sự mời bác qua đây mới có nghĩa, và sự nhờ bác mới có hiệu quả.

 – Vâng, thì bác cứ tin ở tôi, cũng như tôi sẽ tin ở lời bác nói… Nhưng thế rồi sao nữa?

 – Con cà niễng ấy hàng ngày ngồi ở trong lòng tôi. Suốt một mùa lạnh có  được ngày nào nắng tạnh, tôi dẫn nó ra ngồi ở một tảng đá, một tảng đá lớn ngay ở bãi. Tôi ngồi vuốt bộ lông cánh nó. Mây trên trời cũng không thể dịu hơn. Tôi ngồi như thế cho đến khi nắng tắt. Đời tôi bác ạ! Quên làm sao được những tia nắng ấy, tia nắng lấp lánh ở trên lông cánh của nó, lấp lánh mãi ở trong hồn tôi. Thế rồi một hôm…

 – Thế rồi một hôm… con cà niễng mổ vào đầu bác?

 – Chết! Sao bác lại nghĩ thế! Bác không nên có những tư tưởng như thế.

 – Tôi xin lỗi bác!

 – Con cà niễng ấy, tôi đã nói, và bao giờ cũng nói thế: nó đã yêu tôi lắm. Nhưng…

Bác ngừng lại hẳn. Và hình như trong tròng mắt của bác long lanh những hạt lệ. Rồi bằng một giọng rất nhỏ, bác nói tiếp:

 – Thế rồi một hôm, sáng ngủ dậy tôi không thấy con cà niễng đâu cả… Mà ngay ở đầu giường tôi, một lọn tóc, một lọn tóc đàn bà.

Tôi thấy lạnh cả hai vai. Nhưng bác Minh vẫn bình thản nói tiếp:

 – Mẩu tóc ấy, mây ở trên trời cũng không thể dịu hơn.

Nhưng thấy lâu Xâu Minh không nói gì nữa, tôi hỏi:

 – Thế bác có thể cho tôi biết bác gọi tôi qua đây làm gì?

Minh có vẻ ngơ ngác:

 – Tôi còn có nhiều chuyện muốn nói với bác nữa và trong những hành động của tôi từ nay, mong có lúc bác chứng kiến cho. Thằng Ba Đặng thật nó chả có thể hiểu tôi được.

Tôi thấy đôi mắt Minh tự nhiên đỏ ngầu lên, tôi lại bảo hắn:

– Tôi thấy bác hình như trong người khó ở lắm đấy. Tôi khuyên bác nên vào giường mà nghỉ ngay đi! Bác đừng ngại, thể nào tôi cũng sẽ ở lại với bác một ít hôm. Có phải trong người bác có cơn sốt phải không?

Minh cười:

 – Bác thử bắt mạch tôi xem.

Tôi cũng chiều theo ý Minh. Quả trong người hắn cũng hơi sốt thật.

– Bác đã bảo tôi chẩn mạch thì xin hãy coi tôi như một y sĩ. Vậy bác nên nghe lời thầy thuốc mà đi nghỉ đi, nếu không bệnh sẽ lôi thôi đấy.

Hắn hỏi lại một cách thản nhiên:

 – Thế bác bảo tôi có bệnh, nhưng bệnh gì mới được chứ? Tôi tưởng tôi cũng như bác, như mọi người! Tôi không giấu bác, mấy hôm nay tôi bị cảm xúc bởi một câu chuyện.

Tôi toan hỏi nhưng tôi cũng đành hi sinh cả sự hiếu kỳ của tôi:

 – Bác Minh cần phải nghỉ.

Hắn cũng gượng theo lời tôi đi vào giường.

Nhưng hình như Minh có vẻ bâng khuâng lắm. Một giờ sau hắn lại trở ra tìm tôi và nói:

 – Tôi không giấu bác, tôi tìm bác qua đây, là mong bác giúp cho một việc.

 – Nhưng bác hứa là bác sẽ giúp tôi, và sẽ không phàn nàn, không la than gì nhé.

 – Tôi có thể giúp bác đến chừng nào, tôi sẽ giúp bác chừng nấy.

 – Thế thì thật quý hoá quá! Đã mấy hôm nay, tôi định làm một việc, một việc tối quan hệ…

 – Nhưng trong cái việc ấy, có dính líu gì đến con cà niễng không?

 – Cố nhiên là có, nhưng tôi mong bác giúp tôi mà không đòi hỏi gì. Ý tôi muốn nói rằng bác tha cho tôi đừng cật vấn đến điều này hay điều nọ.

 – Nhưng tôi không thể để cho bác kéo tôi vào một việc vô lý, một việc hình như vô lý lắm, nếu không cho tôi rõ đầu đuôi.

 – Thật không phải là vô lý như bác tưởng đâu! Việc ấy thật ra nó có lý lắm. Bây giờ bác không hiểu, nhưng sau này bác sẽ hiểu.

 – Thì tôi cũng xin chiều bác. Nhưng bây giờ bác có thể cho tôi biết, việc ấy là việc gì?

 – Chúng ta sẽ đi: bác, tôi và cả Ba Đặng.

 – Nhưng đi đâu mới được chứ?

 – Bác không cần biết, mà thực ra tôi cũng không biết thế nào mà nói với bác được. Xin bác cứ đi theo tôi là được rồi.

 – Bao giờ mới đi?

 – Chúng ta đi ngay.

 – Thế chúng ta đi độ bao lâu thì về?

 – Chỉ mất một đêm thôi. Sáng mai thế nào chúng ta cũng về cả.

 – Mất một đêm?

 – Vâng, một đêm.

Rồi gọi chú Đặng, Minh dặn:

 – Anh Ba mang cả cái chét và cái hái ra đây. Lại phải nhớ sửa soạn cho tôi mấy bó đuốc.

Thấy vẻ lo ngại của tôi, Minh mỉm cười bảo tôi:

 – Không có gì đáng lo đâu bác ạ! Đảo, nhờ trời, năm nay lành lắm.

Tôi cãi lại:

– Không phải là tôi sợ rừng đâu! Chính cái cuộc đi bí mật của bác mới làm cho tôi lo sợ.

Minh cười ha hả:

 – Không, không có gì bí mật, đi hết một đêm với tôi, bác sẽ thấy… sự thật cũng rõ ràng, rực rỡ như mặt trời sáng mai.

 – Được rồi, bây giờ thì bác lại phải hứa với tôi một điều là: một khi cái việc bí mật ấy đã làm xong rồi, thì bác phải nằm lại một chỗ mà dưỡng mình, và không được đêm ngày loay hoay với những con số, hay những dấu hiệu gì khác.

 – Vâng, thì tôi xin hứa với bác, nhưng bây giờ thì ta không nên mất một phút nào nữa. Ta khởi hành ngay đi thì vừa.

Dầu sao lúc ra đi lòng tôi cũng hơi lo ngại. Chúng tôi khởi hành vào khoảng bốn giờ chiều. Và cả thảy cũng chỉ có ba người. Ngoài một ít bó đuốc, chúng tôi chỉ mang theo hai cái chét và cái hái, mà ngoài Minh ra chúng tôi cũng không hiểu để làm gì.

Thật ra một cuộc du hành bí mật và vô cùng lạnh lùng.

Minh có bộ mặt thê thảm dầu đã mấy lần tôi khơi ra một vài câu chuyện vui, Minh cũng không lưu ý.

Luôn luôn hắn chỉ lẩm bẩm ở trong miệng những gì. Khi tôi hỏi hắn một câu gì, thì hắn chỉ mỉm cười và bảo tôi: "Thì chốc nữa sẽ hay" nhưng cái "chốc nữa" của hắn cũng còn lâu. Chúng tôi đi như thế đã hơn một giờ đồng hồ mà vẫn không thấy gì khác. Sự khác lạ là ở nó chứ không phải ở chỗ nào khác. Minh cầm cái hái và đi trước. Luôn luôn hắn múa cái hái ở trong tay như là để giao chiến với một thứ âm binh ở dọc đường mà chỉ riêng có hắn là trông thấy, thực ra hắn có vẻ một ông thầy phù thuỷ thật, mà biết đâu những lời lẩm bẩm ở trong mồm nó không phải là những câu thần chú.

Có một điều chú ý là hắn cứ nhắm thẳng phía mặt trời lặn mà đi. Và con đường đã bắt đầu lên, hình như chúng tôi đã ở trên cao, cách nhà Minh đến vài trăm thước là ít.

Chúng tôi đi đã hơn hai giờ, thì bắt đầu vào một con đường u rậm hơn và mặt trời đã bắt đầu lặn. Sương chiều cũng đã xuống nhiều.

Cái rừng lau trong sương, nhuộm một màu xám buồn; dưới ngọn gió chiều đã bắt đầu lên mạnh, rừng lau toát một tiếng lao xao, mênh mông và lạnh lùng. Trong tâm hồn tôi, cảnh hoàng hôn như càng thảm đạm hơn. Trong lúc ấy thì Minh không để ý gì khác hơn là cái tư tưởng tàn nhẫn đã chiếm cả tâm trí hắn trong mấy hôm nay. Hắn đưa hái chặt, phát những cây lau ngã xuống con đường hẹp để lấy lối đi. Khít bên đường chúng tôi đi có những rãnh sâu che lấp bởi những bị bờ. Nếu Minh không phải là một người sành thạo đường lối thì khó lòng mà thoát sự nguy hiểm.

Tôi gọi Minh và hỏi:

 – Bác đã có một lần nào đi qua đường này chưa nhỉ?

 – Có, tôi đã đi nhiều lần rồi!

 – Hèn nào bác thạo đường quá! Nhưng mà đi còn xa nữa không bác?

 – Kể thì cũng còn xa lắm, vả thật ra tôi cũng không biết còn xa hay đã gần đến nơi rồi!

Tôi ngạc nhiên hỏi lại có vẻ tức giận, tưởng như mình đã bị hắn đánh lừa:

– Thế nghĩa là làm sao? Chính bác mà cũng không biết là xa hay gần, thì ai mới biết được?

– Quả có thế nhưng tôi đã bảo bác rằng: bác không nên cật vấn tôi lắm. Bác nên theo đúng lời hứa.

Tôi không thể nói sao được nữa, nhưng tôi không thể giấu được vẻ tức giận. Tôi đương lùi lũi bước theo hắn thì bỗng hắn vất mạnh cái hái xuống một bên đám cỏ, thở ra một cách vui sướng và nói với tôi:

 – Dễ thường chúng ta đã đến nơi rồi!

Tôi cười hỏi lại:

 – Sao lại "dễ thường". Tôi thấy rằng từ khi tôi gặp lại bác, tôi không thấy bác nói gì một cách chắc chắn.

Tôi cũng vất cái chét xuống đất và đưa một cái nhìn bao quát cảnh vật xung quanh.

Có một điều này làm cho tôi ngạc nhiên vô cùng. Cách phía hữu chúng tôi đứng độ hai mươi thước có một tảng đá lớn ở giữa, và xung quanh là hai tảng đá con, trông giống như một cái bàn và hai cái ghế. Cạnh đó là những cây đa cao vót. Tôi trỏ cho Minh và nói:

 – Bác có thấy cái gì đấy không?

 – Một cái bàn cờ với hai cái ghế đá chứ gì.

 – Thế bác đã bao giờ có lên đấy chưa?

 – Chưa. Nhưng mới trông qua thì cũng có thể đoán được như vậy.

Anh Ba Đặng cũng ra hiệu bảo chúng tôi im lặng và nói:

 – Này hai ông này! Con nghe tiếng gì như là… như là…

Không cần nghĩ ngợi Minh đáp:

 – Tiếng suối, tiếng suối reo chứ gì?

Anh Ba Đặng nói thêm:

 – Hay là các ông ngồi đợi ở đấy, để con chạy xuống xem có phải là có con suối không. Nếu trong đảo này mà tìm được một con suối, chẳng khác gì tìm được một kho vàng.

Minh đưa tay cản lại:

 – Ấy mà chết! Anh có thấy gì trước mắt anh không?

Cảnh hoàng hôn đã làm mờ dần, cái màu lách lẫn với màu đất. Quả thật, trước mặt chúng tôi là một đám lách dài, san sát. Đám lách ấy biết đâu không che một đám lầy, mà chỉ nhỡ chân bước xuống, người ta cũng có thể bỏ mạng. Tôi quay lại thì thấy Minh đương lấy một cái gậy song, vạch xuống đất. Dưới bóng đuốc tôi thấy ở đất, những dấu hiệu lạ lùng.

Tôi không thể tin đó là sự tính  toán, theo một phương pháp nào. Có lẽ chỉ là những sự biểu diễn kỳ lạ của một tâm hồn thác loạn, của một người mất trí mà thôi. Nhưng thật ra, tôi cũng không tin ở cái thuyết ấy lắm. Tôi vẫn muốn, vẫn cố mà tin rằng sự hành động này của Minh có thể đưa lại cho tôi một cái gì lạ. Nếu không, ít ra, tôi cũng có thể biết rằng bạn tôi là một kẻ mắc bệnh thần kinh, một người điên mà tôi sẽ tìm cách cứu chữa hay là xa lánh.

Bỗng tôi nghe Minh nói với Đặng:

 – Này chú Đặng, chú đi lại đây với tôi. Chỉ một mình chú thôi cũng được.

Tôi phản đối:

 – Còn tôi nữa! Bác bắt tôi "cắm" đây làm cái ngữ gì? Bác cho tôi theo với.

Minh thản nhiên:

 – Ấy là chỉ tại tôi không muốn phiền bác mà thôi. Nếu bác muốn đi theo cũng chẳng sao.

Minh cầm đuốc tiến tới trước. Hai chúng tôi theo sau. Chúng tôi xuống một cái dốc, và đi rất e dè, tưởng như nhỡ chân có thể sa xuống một cái hố nào. Có một điều này đáng lưu ý là hình như Minh bước một cách thong thả, có ý đếm những bước của mình. Đi độ mười phút thì hắn cắm một cái gậy nhọn vào đấy và quay lại phía chúng tôi:

– Này, chúng ta ngừng lại đây!

Rồi từ đấy hắn lấy chét ra "cuốc" cuốc mãi. Hắn mỏi mệt thì lại giao chét cho anh ba Đặng và khi anh ba mỏi mệt thì giao cho tôi. Và chúng tôi cứ thay phiên nhau mà cuốc. Sự mỏi mệt đã hiện trên mặt anh Ba. Trong lòng tôi thì đầy những căm hờn. Khi không, tự buộc mình vào một lời hứa vô nghĩa, lời hứa với một thằng điên. Duy với Minh thì mỗi lát đất cuốc lên như đưa lại cho anh ta một điều gì bất ngờ. Tôi quên làm sao được trong cái đêm hôm ấy, cái bóng người khi ngẩng dậy, khi cúi xuống, trêm một cái huyệt đất, để bới tìm một điều bí mật, và luôn luôn với một vẻ chăm chỉ, thành kính lạ thường. Đêm tưởng như vô hạn mà rừng thì mênh mông, thỉnh thoảng một ngọn gió lạnh, chạy dài trên một bãi lách lao xao động như làn sóng biển. Không có một tiếng chim. Không có một tiếng thú. Hình như rừng và đêm cũng ắng đợi cái vật bí mật sẽ nẩy ra ở dưới lát chét. Bỗng một tiếng sắt đụng vào gỗ. Đời tôi không bao giờ còn nghe được một lần thứ hai, cái tiếng não nùng và ghê lạnh đến thế. Tâm hồn tôi như tan rữa… và tôi tưởng như đụng phải cái yên ổn nghìn thu của một cái chết. Trên da tôi toát những mồ hôi lạnh, tôi toan gọi Minh thì ngừng cuốc đứng thẳng dậy và nói, vẫn cái giọng rất thản nhiên:

– Trời Phật đã phù trợ ta!

Rồi nhất định hắn không nói gì thêm nữa.

Từ nãy anh Ba Đặng vẫn ngồi im cầm bó đuốc, cái tiếng nói của Minh làm cho hắn giật mình, như một người vừa tỉnh mộng, hắn nghiêng cây đuốc xuống cái huyệt vừa đào xong. Một cái "săng" nhỏ vừa để lộ toàn hình. Đặng, sợ hãi lùi cây đuốc lại, nhưng Minh tự tay mình giật lấy cây đuốc và với một chất giọng rất cương quyết, chàng bảo Đặng, lời chàng nghiêm như một tướng lệnh:

– Anh Ba, anh lấy chét cạy cái săng ra cho tôi.

Đặng còn do dự thì Minh đã tiếp:

– Anh sợ? Anh có biết gì ở trong cái săng không mà anh sợ? Tôi bảo trước cho anh biết rằng: cái vật trong cái săng chả đáng sợ một tí nào cả! Một vật rất quý bán ở thế gian.

Đặng, mà cả tôi cũng vậy, lúc bấy giờ nghĩ ngay đến những thoi vàng, những nén bạc mà ở đất Hời người ta thường tìm thấy luôn.

Chả phải tôi thường nghe nói tới luôn những câu chuyện vua quan Hời, trong những lúc luân lạc bỏ nhà chạy trốn thường hay chôn vàng bạc để ở trong những cái săng và xây thành mả để đánh lừa người ta. Đặng và cả tôi tự nhiên vui mừng. Nhưng tôi trông lên mặt Minh vẫn thấy một vẻ lạnh lùng băng giá, đến sợ. Tôi giục Đặng mở săng ra.

Tôi hồi hộp quá. Khi Đặng thò cái chét vào để cạy, nhưng ghê hồn biết bao khi thấy ở trong săng chỉ có một cái đầu lâu, một cái đầu lâu đã sạch nhủn, không còn dính một miếng thịt nào. Điều này mới kỳ. Trên mặt của Minh vẫn một nét lạnh lùng băng giá ấy.

Không hớn hở cũng không thất vọng, hắn xách cao cái đầu lâu và nói với chúng tôi:

– Có phải tôi đã nói với các anh rằng một cái gì quý, rất quý báu ở thế gian? Còn gì quý bán hơn là một cái đầu người, phải không các anh?

Bấy giờ mặt trời cũng vừa lên. Những ánh nắng chiếu vào cái đầu lâu, làm cho cái đầu lâu như vừa thếp một lớp vàng.

Từ hôm ấy dầu Minh cố làm ra dáng thản nhiên cũng không che được sự thất vọng của mình. Vì bao giờ tôi cũng ví dụ rằng cái mục đích sự tìm tòi của Minh phải là một cái gì khác cái sọ người chết. Sự thất vọng ấy lại biểu lộ ra bằng những cử chỉ và hành động kỳ dị hơn. Một hôm cũng vẫn là một đêm gió lạnh rít ở ngoài cửa và biển nổi cơn lôi đình, Minh cùng tôi ngồi bên một lò sưởi. Anh Ba Đặng đi nghỉ từ sớm. Minh tự mình đun trà cho cả hai chúng tôi uống. Tôi trông anh trở nên thuỳ mị hiền lành như một người con gái, mà giọng nói của anh có vẻ ỏn ẻn dễ thương. Anh nói ít lắm, mà nhiều khi lại nói ở trong cuống họng, cho nên tôi phải gắng sức nhiều lắm cho câu chuyện thêm quý báu và trang trọng:

– Này anh Doãn! Trà này ba đời tôi vẫn uống một thứ này. Biết bao là sự di biến đã đến ở dòng họ tôi, nhưng mà bao giờ chúng tôi – từ ông đến cháu, từ cha đến con – đều dùng thứ trà này, mà chúng tôi quen gọi là "trà nhà". Thật ra thứ trà này chỉ là thứ trà Long Hỷ của Tàu, chúng tôi mua về ướp sen thêm một lần nữa. Cái vị nó hơi đậm, người dùng không quen có lẽ không thích bác nhỉ?

– Ấy là bác nghĩ thế chứ! Người nào dùng cũng phải chịu là… sảng khoái.

– Nhân lời bác nói mà tôi nhớ lại một câu chuyện cũng thú vị. Bấy giờ tôi còn ở Vũng Thùng… tôi có mở một phụ đồng tiên. Những bậc tao nhân mặc khách ở tứ xứ đều đến xem giáng bút đông lắm. Tôi còn nhớ hôm ấy là một ngày rằm. Trăng tỏ lắm. Chúng tôi dọn đàn ra ở bãi cát. Bấy giờ chúng tôi phụ mời nhà thi bá Tô Đông Pha lên. Ngài hớp mấy hớp trà này cũng lấy làm sảng khoái lắm. Có vịnh mấy bài thơ về thứ "trà nhà" này, tiếc không nhớ…

Tôi cười:

– Tiên mà cũng còn thích uống nữa là bọn phàm như chúng ta…

Câu chuyện đương thanh đạm và đầm ấm như ở một phòng khách của nhà vương giả. Không ai còn có thể ngờ được rằng, chủ nhân lại là người hôm nọ đã đi bới tìm… một cái đầu lâu.

Hết câu chuyện trà chúng tôi xoay câu chuyện qua văn chương và âm nhạc. Về mặt nào, tôi cũng thấy Minh là một kẻ thông thạo, biết nhiều mà rất nhũn nhặn.

Bỗng tôi thấy ngọn lửa lay động một cách dễ sợ, một tiếng gió rít ở ngoài khe cửa, và cánh cửa đập một cách rất mạnh. Tôi tưởng như cánh cửa mở tung ra. Nhưng không, cánh cửa vẫn cài kín, chỉ có đôi mắt của Minh là long lên. Chàng đứng dậy thủ lễ. Cái thái độ ấy làm cho tôi ngạc nhiên vô cùng. Nhưng chàng vẫn thản nhiên hết sức. Tôi không hiểu gì cũng đứng dậy và không che được cái vẻ ngờ ngợ. Minh mỉm một nụ cười tái nhợt như một làn hoa héo và giới thiệu:

– Đây là ông giáo Lưu Vi Doãn. Và đây là cô Minh Nguyệt, một nữ nhạc sĩ.

Rồi hắn ngồi xuống. Tôi cũng ngồi xuống, tay chân bủn rủn, tưởng như mình vừa ở một cơn mê mà chưa "lại hồn". Minh vẫn nhìn tôi, và không nói gì thêm nữa. Hồi lâu hắn rùng mình một cái, kéo vạt áo lên trên hai chân và xuýt xoa:

– Gió hôm nay lạnh quá! Tôi nghi hàn thử biểu có thể xuống đến năm độ.

Rồi Minh lại nghiêng mình về bên phải, như để tránh khỏi một ngọn gió ở phía trước mặt tạt vào.

Hắn quay lại nói với tôi:

– Bác làm ơn đóng hộ cánh cửa cho một tí.

Tôi toan đứng dậy. Nhưng khi ngoảnh ra thì thấy cửa vẫn đóng:

– Chết! Anh Minh, anh làm sao thế? Anh vừa bảo tôi cái gì nhỉ?

– Tôi muốn nhờ bác đóng hộ cánh cửa, nhưng thôi cứ để cho gió nó vào như thế, thì có ngồi lửa mới thấy khoái.

Tôi cãi lại:

– Nhưng cửa vẫn đóng kia mà!

Minh hình như không để ý đến lời nói của tôi, quay mặt đi về phía khác, và nói bằng cái giọng rất dịu dàng, rất đài các:

– Trời rét thế này mà cô cũng đến được thì quý hoá quá. Hôm nay được cô ở lại và cô cho nghe một bản đàn thì thật là hân hạnh quá!

Tôi giật mình tưởng như đương ở một phòng khách nào ở Hà Nội. Câu chuyện ấy nó thực quá, khiến cho tôi có thể tin được rằng: người ngồi đối diện là một sự tưởng tượng hay là một cái bóng vô hình. Tôi muốn tin rằng: Chính đôi mắt tôi đã hoảng lên và không trông thấy gì nữa. Có một lúc tôi cũng quên mà xen vào câu chuyện:

– Vâng, anh Minh cầm được cô đây ở lại và để cho người khách lạ này được cái hân hạnh nghe một bản đàn, thì thật là quý hoá.

Tôi nói chửa dứt câu, thì Minh đã đứng dậy, nói với tôi:

– Bác cho phép chúng tôi nói một câu chuyện riêng.

Và quay lại với người đàn bà tưởng tượng:

– Chắc hôm nay cô đến đây cũng là để cắt nghĩa cho tôi về câu chuyện hôm nọ. Từ hôm ấy đến nay, tâm thần tôi không yên. Đã mấy hôm không nghĩ…

Rồi quay lại phía tôi xin lỗi một lần nữa:

– Bác cho phép chúng tôi vào buồng trong nói chuyện riêng một lát.

Rồi Minh, thủng thẳng đi vào phía cửa.

Khi chàng đi khỏi, thì chàng đóng cửa lại một cái ập. Còn tôi thì ngồi thừ ra. Tôi không hiểu Minh đã đành, mà tôi cũng không hiểu mình ra sao nữa. Có một điều này là đến nay tôi vẫn tự hỏi luôn luôn là bấy giờ sao tôi lại không cho Minh biết rằng: mắt tôi không thể nào lầm được, và người đàn bà ngồi đối thoại với ông bạn tôi chỉ là một huyễn tưởng mà thôi, là sự bịa đặt của một tâm hồn đã thác loạn. Thực ra, bấy giờ tôi cũng ở một tâm trạng bán tín bán nghi. Tôi vẫn như bị bao phủ bởi những sự bí mật nặng nề ngoài sức khám phá của tôi.

Xui khiến bởi lòng hiếu kỳ, một lát, sau khi Minh trở vào buồng thì tôi cũng lui theo và ghé mắt vào một khe cửa, tôi nhìn trộm những việc xẩy ra ở trong buồng. Nhưng dưới ánh sáng một cây nến, tôi cũng không nhìn thấy một người nào khác ngoài Minh.

Tôi chỉ thấy Minh, khi đứng lên, khi ngồi xuống, khi cất cao giọng, khi hạ giọng xuống, lúc nghiêm trang, lúc suồng sã, thật là buồn cười, và thật là thê thảm.

Hôm ấy tôi nói với anh Ba Đặng:

– Không, tôi đã nghĩ kỹ rồi, anh Ba ạ! Ông chủ của ông phải vào nhà thương Vôi, an nghỉ trong một ít lúc.

Rồi ngay đêm ấy, tôi gióng buồm về Tourane. Được mấy tuần thì anh Ba đến thăm tôi cho hay rằng ông Minh đã tự vẫn, và giao tôi cái tập văn này. Thú thật tôi ghê rởn hơn là buồn rầu. Đến nay, tôi vẫn không hiểu đâu vào đâu. Tôi chỉ muốn cho đó là chuyện một người đã sống với ma. Nhưng mà là ma gì, tôi cũng không biết. Có lẽ chỉ là sự bày đặt của một tưởng tượng đã hoang mang.

Tôi cũng cần cho lời nói ấy là đúng… Và, như thế, trong cái thế giới của những người ốm, người đau khổ, người thất vọng, tôi chắc sẽ có vô số những con ma.

***

 

Bác Lưu Phước Doãn,

Khi bác xem tập tuyệt mệnh này, thì Minh đã ở một thế giới khác – đã về với cái cõi đời chân thật của mình, cõi đời vĩnh viễn của mình – cõi đời mà mình tin, có quyền tin hơn ai hết. Vì Minh là người đã từng đứng làm môi giới cho người cõi này với cõi khác. Lẽ ra, Minh rứt áo ra đi, Minh không nên bịn rịn, đau xót mới phải. Nhưng sự thực bác ạ! Khi Minh rời khỏi cái cuộc đời giả này mà bước vào cõi đời bất diệt, thì Minh thấy tâm hồn mình như chia xẻ trăm chiều. Nào phải tại Minh còn tiếc những ngày tháng vô vị của mình ở cõi đời này, mà tại Minh đã trót để lại đấy những kỷ niệm, không phải một mai một chiều có thể quên phứt đi được, và cũng không phải dễ dàng mà theo mình trong lúc cất chân lên con đường vô hạn này là con đường của người chết. Vì những lẽ đó, Minh phải gửi lại những kỷ niệm ấy cho bác. Dầu bác giữ lấy một mình hay là bác sẽ tuyên bố cho thiên hạ, cái chuyện ấy cũng chẳng có quan hệ gì. Minh chỉ cầu xin một điều là khi bác đọc xong tập tuyệt mệnh này, bác sẽ gấp lại và nói bằng một giọng thản nhiên: "Người bạn tri âm vừa đi, người bạn ấy của ta đã bị ta hiểu lầm một cách tai ác. Vì rằng người ấy không phải là một kẻ điên như ta tưởng. Mà chỉ là một người đau khổ". Cõi đời của ta đương ở, chỉ là một cuộc đời có hạn. Những cái khổ của thế nhân thì thật là vô cùng. Chính sự đau khổ ấy đã làm cho cái đời tạm bợ trở nên có một ý nghĩa. Sự đau khổ ấy làm cho người ta nhớ mãi cuộc đời!...

Minh chỉ xin bác tự cải chính cái điều ngộ nhận đáng tiếc ấy. Hãy ví dụ là Minh đã điên nữa, chữ "điên" đó không nên có cái nghĩa thường của đời người. Một nhà triết nhân đã nói: "Đừng vội trông kẻ kia hoa tay hoa chân nói muôn lời vô nghĩa, mà cho rằng kẻ ấy đã mất hết lý trí. Không, cái lý trí ấy, kẻ kia không bao giờ mất cả. Chỉ có cái não của y là hỏng mà thôi. Rồi cái lý trí ấy đi qua cái não ấy, tự nhiên cũng bị hỏng lây. Chứ cái "lý trí" ấy, mỗi khi xuất khỏi cái não hỏng kia, xuất khỏi con người ấy, thì nó vẫn nguyên lành như thường. Nó vẫn sẽ nói lý mãi, ở ngoài cuộc đời".

Nói thế, không phải là Minh có ý bảo rằng: Minh đã có một cái não hỏng. Chả có cái gì hỏng ở Minh cả. Trừ tình yêu. Nhưng tình yêu, chỉ là một sự biểu diễn của tâm hồn. Nó không phải là tâm hồn, tất cả tâm hồn.

Trong lúc hồn trốn thoát khỏi xác, xác tan nát với gỗ đất, có một cái gì của tôi, vẫn quanh quẩn lại giữa thế giới của người đời, đó là cái tình của tôi. Cố nhiên là cái tình đối với một người đàn bà. Từ khi có sử sách, đã biết bao nhiêu lần, người ta nói về người đàn bà, nhưng nói thêm một nữa, cũng không phải thừa.

Bác đọc tới đây chắc sẽ tắc lưỡi mà kêu lên rằng: "Cha chả! Cái thằng điên ấy cũng nói chuyện tình ái à? Ai mà yêu nó đặng, thương làm sao cho vô?" Vâng tôi vẫn biết thế mà! Dầu tôi có nói gì thì bác cũng vẫn gọi tôi là một thằng điên. Thằng điên ấy cũng cố lấy một cái lý thì thật là buồn cười!

Nhưng nếu nó điên thật, thì sự buồn cười ấy cũng chẳng sao cả!

Mà chết chửa, làm sao tôi lại cứ dong dài như thế này? Lý luận suông bằng nói chuyện ái tình? Bác Doãn! Bác hãy chịu cho tôi kể bác nghe một câu chuyện tình. Chuyện tình ấy đã choán hết cả một quãng đời của tôi. Nếu người ta ví cuộc đời như một canh bạc thì tôi có thể nói: lúc đứng dậy tôi đã phủi sạch hai tay. May chỉ còn một chút… tình dính túi. Chút tình ấy nay tôi lại trút cả cho bác, ngay trong tập tuyệt mệnh này.

Thôi thế là hết! Đời chả nợ tôi. Mà tôi cũng chả nợ đời nữa. Rồi đây, trong những giờ huy hoàng của tôi ở tiên giới, đôi phen tôi có sực nhớ đến cái dĩ vãng của tôi, thì tôi cũng coi như là tưởng nhớ một giấc chiêm bao đã qua: Cảnh thì mờ mà người thì xa, dầu tôi có dư nước mắt như nàng Dương Quý Phi nữa, tôi cũng không khóc được, vì tôi cũng không còn nhớ một người nào để mà khóc. Sự quên, đối với người trên tiên giới, là một điều rất dễ dàng… Nhưng bác ạ! Có một điều này làm cho tôi bâng khuâng nghĩ ngợi mãi: là không biết người đàn bà đã đến ở trong đời tôi, có phải là một người đàn bà như trăm nghìn người đàn bà khác ở cõi trần phàm không? Hay chỉ là một cái bóng, một cái bóng khi đen khi trắng, đã hiện ra rồi để lại biến ngay và như thế để làm gì? Nào tôi có biết!

Bác Doãn ạ! Không hiểu sao tôi lại cứ nói dong dài như thế mà không thấy khó chịu, hẳn làm cho bác nóng lắm, bác hỉ?

Nhưng với một người chết, chắc bác cũng vui lòng lượng dung cho. Chỉ sợ… tôi chưa chết mà thôi. Lẽ thứ nhất là tôi không có can đảm để từ giã cõi đời bằng cách tự vẫn. Lẽ thứ hai là tôi tin rằng: chết vẫn còn là sống; chết chỉ có ý là không sống ở cõi này để sống ở cõi khác mà thôi. Và biết đâu tôi sẽ còn phải gặp lại người đàn bà ấy, như thế thì thật là nguy cho tôi quá chừng! Không, tôi muốn rằng: cái tình của chúng tôi đã chết ở trong lòng chúng tôi rồi, chết hẳn rồi, chết cả rồi! Tôi không cầu xin cho nó một sự siêu sinh nào hết, dầu bất kỳ ở đâu, ở cõi này hay ở cõi kia! Tôi viết lời này rất bình tĩnh: một là bác không tin một tý nào hết, hai là bác phải tin tất cả.

Này bác Doãn ơi! Ngay trên cái án thư tôi ngồi viết đây, vẫn như mọi ngày, có hai cây nến và một cái đầu lâu. Cặp nến ấy, tôi biết là hai linh hồn của hai kẻ thác oan. Còn cái đầu lâu ấy là của một người đàn bà, một giai nhân tuyệt thế! Có thể như thế không bác nhỉ? Không! Không thể như thế được! Tôi tin rằng: người để lại cái đầu lâu ở trên bàn tôi đó, xưa kia, là một trang niên thiếu đầy chí nguyện, đầy hoài bão, đầy tư tưởng sấm sét, đầy mộng yêu đương!

Nhưng, chí lớn hơn người, mộng to hơn đời… một buổi chiều, người ấy chết ngay ở tại mặt trận. Một người niên thiếu nhiều khát khao, nhiều mơ mộng, chết vì không bắt đuổi được tình yêu. Bác Doãn ạ! Ta hãy ví dụ người ấy, cũng như tôi đây, đã mê một người đàn bà, và đã dấn thân làm nạn nhân của người đàn bà ấy. Khi tôi chết rồi, xin bác đặt cái sọ người này, cũng ở cạnh tôi và bác khắc vào hòm mấy chữ: hai cuộc đời đã chết theo vì một cái bóng, cái bóng ấy tuỳ bác muốn gọi là lý tưởng cũng được. Vâng bác ạ! Chỉ có thể là một cái bóng mà thôi đã hiện ra để trêu tôi… Cái bóng ấy, cái "hình người" ấy, bác cúi xuống cho tôi ghé vào tai, nói nhỏ: "Cái bóng ấy, cái hình người ấy – chỉ là hiện hồn của một con cà niễng đã làm cho tôi điêu đứng trăm chiều. Tôi van xin bác đừng cười tôi mà tội nghiệp, lời nói của tôi là lời nói chân thành… Bác lại bảo tôi điên chứ gì? Khổ quá! Tôi biết cắt nghĩa thế nào cho bác biết rằng: một con cà niễng lại có liên can đến một người đàn bà. Làm thế nào mà cắt nghĩa được rằng: một con cà niễng chỉ là một vong hồn, sự hiển hiện của một vong hồn… Vong hồn của một thiếu nữ chẳng hạn! Chính tôi đây, cũng có hiểu đâu vào đâu! Hãy cứ để cho tôi thuật kể lại đầu đuôi câu chuyện… Phí biết bao là tâm lực để tìm tòi, mà kết cục, tôi có dò ra được một tý manh mối nào đâu! Vì say mê trong những cuộc tìm kiếm mà tôi đã mất hẳn cái quan năng về thực tế. Và, có kẻ vì thế, bảo tôi là điên chăng. Mong rằng sau cái chuyện này và sau cái chết của tôi, bác sẽ hiểu tôi hơn. Bây giờ tôi xin phép bác vào chuyện.

 

***

 

Trước lần đầu tiên tôi gặp bác độ hai tuần, một hôm, tôi vào trong xóm thổ dân.

Tôi cũng vào chơi như những lần khác, tôi không nhớ lại vì cớ gì, lần ấy họ tiếp đãi tôi  một cách rất hậu. Họ nhất định giữ tôi lại và thết một bữa chén. Tôi quen họ đã lâu lắm, nhưng lần ấy mới là lần thứ nhất tôi được ăn cơm với họ.

Tất cả ông già, bà lão, con trai từ 18 tuổi, con gái từ 20 tuổi đều được dự tiệc. Tiệc đặt ngay ở giữa trời, và trên những chiếu lác mà chính họ tự đan lấy.

Cá chim họ để nguyên cả con, phải ra tay tự xé lấy mà ăn.

Trước khi ăn, không mời. Khi đứng dậy cũng không xin lỗi.

Họ cũng biết ăn gỏi cá. Những con cá "kềnh hoa" để ở trong một cái ảng, với một con dao con, họ chỉ cần cắt vây và mang đi là bỏ vào miệng nhai. Họ cũng uống rượu: đàn bà uống nhiều hơn đàn ông, con gái uống nhiều hơn đàn bà. Cho nên những cô con gái được đặt ngay gần hũ rượu, một hũ rượu to tướng. Và hũ rượu cố nhiên là đặt ngay trước mặt người khách quý mà họ định đãi.

Vì thế, người khách quý cũng được đặt ngay bên những cô gái "hay rượu" nhất, nghĩa là những cô gái trẻ nhất và, thường thường, cũng là đẹp nhất… Mỗi cô gái thay phiên rót rượu mời khách.

Tiệc rượu tan, khách được có quyền lựa một người theo sở thích của mình. Người con gái ấy ở lại, hay là đi chơi với khách cho đến khi mặt trời mọc.

Người thiếu nữ tôi đã chọn trong hôm ấy tên là Quỳnh, chưa hẳn là đẹp nhất trong bọn, nhưng mà thật là ngộ nhất. Lúc rượu sắp tan, Quỳnh đứng dậy rót một chén và đưa tận môi tôi. Tôi từ chối thì Quỳnh cười nghiêng ngả và nói với tôi:

– Thế thì rõ ràng gái này vô duyên thật! Mấy trản (1) kia của các chị em, thay mặt cả thôn xóm để mời khách. Nhưng trản này thực là của em, của người con gái họ Thôi. Trản rượu ấy bị từ khước, là trọn đời em sẽ là gái năm năm không còn được như các chị em: cái cảnh "dập dìu tài tử giai nhân".

– Cô em nhớ Kiều quá nhỉ?

Một ông lão xen vào:

– Văn thơ ở đảo, chỉ có quyển Lục Vân Tiên và truyện Thuý Kiều… Thưa ông, cô nào cũng thuộc như cháo.

    – Thế thì quý hoá quá! Ở nhà, các bà, các cô đã lâu nhãng bỏ cả văn thơ cũ. 

Nhưng người con gái bắt tôi phải nghĩ đến cái "trản" rượu của nàng.

– Thế bây chừ, ông khách của tôi đã chịu cạn xong trản rượu này cho tôi không nào?

Tôi sung sướng nghiêng ngửa:

– Một trản, chứ mười trản, từ tay cô rót ra tôi cũng xin cạn hết.

Người con gái không cười, đứng dậy rót đủ mười chén để trước mặt khách rồi nói:

– Em xin chiều khách…

Rồi nàng lần lượt, từng chén một, dâng ép. Đến chén thứ mười, thì khách đã say khướt.

Lúc tỉnh, khách mở mắt ra, trên bàn tiệc, khách không còn thấy một bóng người nào, chỉ thấy bừa bãi những vỏ trái. Bỗng từ ở một con đường bên cạnh, người con gái lúc đầu hôm, lại hiện ra… Nàng cười bảo khách:

– Suốt đêm, em không nhắm mắt qua một tý nào! Em chỉ đợi khách tỉnh nhưng khi khách tỉnh, thì mặt trời đã mọc rồi… Bây giờ chỉ là lúc ta tiễn biệt. Gái quê này không có cái gì tặng khách, chỉ có con vật mọn này…

Nàng chỉ con cà niễng ở trong tay:

– Chỉ có con cà niễng này là con vật mà em đã nuôi dạy từ thuở bé. Theo phong tục ở đảo mỗi khi về nhà chồng sẽ mang theo…

Nàng cười thản nhiên:

– Đời người con gái, thật ra chỉ có một lần chồng mà thôi. Chàng có biết đâu rằng: Khi chàng chọn em, là cái số phận của em đã định rồi. Nhưng mà tục lệ ở thôn em nghiêm khắc lắm, không bao giờ cho phép em lấy một ông khách, dầu ông khách đó là một vị đế vương, từ một xứ lạ… Em sẽ phải lấy chồng ở trong thôn, nhưng sau này dù lấy hay không, thì em cũng tự coi như đã qua một nhịp cầu rồi. Một phút cũng là nghĩa, một giờ cũng là nghĩa, huống hồ cả một đêm…

Tôi vuốt ve con cà niễng ở trong tay nàng và hỏi thêm:

– Thế con vật này, ở với cô từ ngày nào?

– Từ ngày tóc em còn để chỏm! Ngày ấy em còn là cô bé ở trên mình trâu. Suốt buổi, con cà niễng này, chính em bắt từ thuở đó và tự tay em nuôi nấng đến bây giờ. Được cái may, là con vật nó không tệ bạc.

Nàng chỉ nói có thế! Và giao cho tôi con vật quý. Tôi nhận lấy và rất cảm động. Tôi cũng không kịp nói gì thêm. Vì những người hôm qua đã đến đây trước thềm để tiễn đưa tôi. Từ đấy tôi không còn gặp nàng vì đã lâu tôi không trở lại thôn nữa. Sau này, cũng có một bận, nhưng nàng đã chết rồi… Người thiếu niên trai tráng dẫn tôi đi xem mộ nàng, với giọng đầy thương tiếc, nói với tôi:

– Ở họ tôi, ba đời mới lại có một người con gái trinh tiết thế!

Từ đấy tôi đâm ra thương nhớ nàng. Và con cà niễng được ở luôn trong buồng tôi… Chuyện sao nhanh lẹ quá, bác nhỉ! Thật khó lòng mà tin được. Chính tôi cũng thường nghĩ như thế! Thực ra từ đây chỉ là chuyện con cà niễng mà thôi.

Tôi nhớ có lần đã nói với bác về con cà niễng này, và cũng đã có tả qua hình dạng nó cho bác nghe rồi thì phải. Tôi là một con cà niễng rất đặc biệt, rất đẹp, có lẽ đẹp hơn cả những con cà niễng ở thế gian. Tôi nhớ cũng đã nói cho bác hay cái tình lưu luyến của con vật. Mỗi khi đi vắng, tôi cũng cứ thả lỏng nó. Và không bao giờ nó rời bỏ tôi mà đi cả. Suốt ngày nó chỉ quanh quẩn ở trong buồng tôi. Chỉ có mấy ngày nắng ráo là tôi đưa nó ra bãi chơi. Tôi để nó ở trong lòng tôi, và vuốt ve đôi cánh của nó. Chao ôi! Tôi làm sao quên được cái ánh nắng lấp lánh ở trên lông cánh.

Nhưng hình như tôi cũng đã nói với bác rằng một đêm con cà niễng tự nhiên bỏ tôi mà đi và để lại, vâng, chỉ để lại trong buồng tôi một lỏn tóc, một lỏn tóc đàn bà…

Lúc đầu thì tôi hơi ghê rởn về lỏn tóc ấy, dần dần, rồi nó cũng quen đi: những lúc trước sân có nắng, tôi lại đưa lỏn tóc ấy ra phơi. Ủa! Mà có điều này lạ, là không hiểu sao tôi nâng niu cái lỏn tóc kia đến thế! Tôi cất ở một chỗ rất kín. Và, như vừa rồi, tôi đã nói, có nắng tôi mới đưa ra phơi! Tôi quên làm sao được cái cảm giác lạ lùng ấy, trong màu nắng xanh tôi tưởng như lấp lánh muôn nghìn tâm hồn vô danh… Cái lỏn tóc ấy, lại có khi, đêm thao thức không ngủ được, tôi đưa ra để ở dưới gối, tức khắc tôi ngủ được và biết bao mộng đẹp đến ở trong giấc ngủ của tôi. Nhưng bác ạ, chuyện không phải chỉ có cái lỏn tóc. Một người đàn bà, một cái bóng đã đến trong đời tôi. Bác nhỉ? Không có một người đàn bà thì làm sao lại có cái lỏn tóc được? Hay là không có cái lỏn tóc thì làm gì có người đàn bà?

Tâm trí tôi bao giờ cũng tin có một sự tương quan giữa một người đàn bà với lỏn tóc. Bác hãy im để cho tôi kể. Tôi cần kể lại theo một thứ tự thiêng liêng. Hình như những sự vật đến trong đời tôi đều có trước sau, có trên có dưới! Một lỏn tóc rồi mới đến một người đàn bà. Hình như sự thứ tự là thế. Mà người đàn bà ấy là một thiếu nữ hình như tôi đã gặp ít ra cũng một lần rồi! Cái trí nhớ của tôi chính vào lúc này mới bắt đầu lộn xộn. Và có khi tôi đã đánh lầm một cách tai ác, những cảnh ấy ở thực tại với những cảnh ở chiêm bao…

Ấy là tôi nghĩ xa xôi lẩn thẩn thế chứ người thiếu nữ ấy phải là người mà tôi đã bắt tận tay… Nhưng mà bác cũng không nên cặn kẽ lắm. Tôi cũng chỉ biết kể, kể lại những cái gì đã đến trong đời tôi, trong tâm hồn tôi.

 

***

 

Tôi không phải là một nhà văn… Cả cái nghệ thuật của tôi là kể lại mà không thêm không bớt cái sự thật đã xẩy ra.

Một hôm, bấy giờ trời đã chiều hẳn, tôi đương đi chơi thơ thẩn ở trên một con đường từ nhà tôi đến một đồi núi ở phía mặt trời lặn, thì từ ở bên kia sườn đồi, tôi thấy một người đàn bà cũng đi về phía tôi… Một người đàn bà ăn mặc tuyền một mầu nâu, ấy là một điều làm cho tôi chú ý đến ngay: sự ăn mặc ấy không phải là sự thường thấy ở trong đảo. Lại nữa, người đàn bà ấy – một thiếu nữ độ hơn hai mươi tuổi – có một dáng điệu đài các, không phải là xuất từ chỗ quê mùa mộc mạc. Quả tôi đoán không sai: người thiếu nữ hỏi tôi bằng một giọng rất nhỏ nhẻ và văn hoa:

– Ông làm ơn, chỉ cho em đường ra bến.

– Đường ra bến kể thì còn xa lắm. Còn qua mấy động nữa! Bây giờ cô cứ xuống và rồi còn lên, lên nữa…

– Ồ, sao ông lại cười! Em có điều gì thất lễ đối với ông chăng?

– Sao cô lại hỏi thế? Tôi chỉ cười là vì thấy cô cười, mà lại cười rất có duyên nữa, thế thôi!

– Ông làm ơn chỉ thật cho em, đường còn xa mà trời…

– Ồ thì cô tưởng tôi bỡn à? Tôi đã bảo cô là Bến ở sau mấy "động" kia, phải xuống, xuống nữa và lên, lên nữa…

– Đừng đùa, ông! Tội nghiệp! Em là gái có chồng?

– Thế đã được mấy con rồi?

– Đám cưới được mấy hôm thì chồng em đi vắng.

– Tệ thì thôi đức lang quân! Nhưng một ngày mấy lần cô nhớ chồng?

– Ngày bao nhiêu buổi thì em nhớ bấy nhiêu lần! Nhưng ông này đến vớ vẩn… Tội nghiệp! Đường thì xa, mà trời đã chiều.

– Hay là mời cô vào nhà tôi nghỉ tạm một đêm. Mai tôi cho người nhà dẫn cô đi. Nhưng chỉ sợ cô chê là chỗ sơ sài…

– Em đâu dám! Ông nói thế làm cho em thêm ngại. Nhưng mà tốt nhất là ông làm ơn cho người dẫn em đi ngay bây giờ thì thật là quý hoá quá!

– Thì dầu thế nào, cũng xin rước cô ghé qua nhà tôi một tý đã!

Nàng nhận lời.

Tôi đi trước. Nàng theo sau… Khi chúng tôi đến ngõ thì mặt trời cũng vừa lặn. Tôi quay lại nói với nàng:

– Tôi trông trời chiều quá rồi cô nà! Không thể nào đi kịp được nữa.

Nàng chưa kịp đáp thì bỗng con chó mực của tôi ở đâu chồm ra, nàng níu lấy áo tôi và rú lên. Một chập lâu, nàng mới lại hồn.

Nàng bỏ áo tôi ra và nói:

– Bình sinh em chỉ sợ có hai con vật nhất: là con chó đen và mèo ngũ thể.

Tôi thấy rằng trong cái sợ của nàng, có cái gì ghê lạ, khác thường! Tôi nói với nàng:

– Ấy đó chỉ là một thói quen từ lúc nhỏ… Chứ con chó đen này, hiền lắm, đêm cũng không bao giờ nghe sủa.

Chúng tôi đã bước vào phòng khách. Tự tay tôi lại pha cái thứ "trà nhà" mời khách uống. Khách khen ngon, và hỏi tôi:

– Trà này chắc phải có tay đàn bà ướp hương vào?

– Chính tôi ướp lấy vì trong nhà đã lâu không có người nội trợ. Tôi cũng không kịp nghĩ đến sự tục huyền.

Câu đáp làm cho nàng ngạc nhiên lắm… Nàng nhìn khắp cách bài trí trong phòng, và tỏ lời khen ngợi:

– Đàn ông như ông thì thật đàn bà như chúng em cũng không thể theo kịp! Ngăn nắp chu đáo quá!

Tôi cười:

– Ấy cũng chỉ vì quá nhàn rỗi.

Sau một lúc nói chuyện, tôi gọi anh Đặng lên bảo:

– Anh Ba, hôm nay nhà ta có khách quý. Anh liệu cơm nước thế nào, cho khách đừng trách tôi.

Cô khách nhí nhảnh cướp lấy lời tôi:

– Nếu ông chủ muốn vậy, tốt nhất là để khách tự làm cơm lấy, khách sẽ bằng lòng hơn hết… Nhờ trời! Khách cũng không đến nỗi vụng lắm.

Rồi nàng cười một cách suồng sã…

Câu đáp của nàng làm cho chúng tôi trở nên thân mật:

– Như thế, càng hay! Nhưng chỉ sợ khách mệt. Tới lúc ăn, lả người ra mà không ăn được gì thì lại mất vui.

Nàng nhất định không nghe, đòi xuống bếp làm cơm cho được.

Thật là một người đàn bà "ngộ" quá chừng. Cơm, chính tự nàng làm lấy. Và cơm xong, lại tự tay nàng thu dọn lấy. Cơm nàng làm ngon. Mà sự thu dọn của nàng cũng hết sức ngăn nắp. Nếu không phải là người sinh ở nhà nề nếp, thì khó lòng có những đức tính ấy. Lại cái cách ăn nói của nàng, thật là thuỳ mị, và những tay chân của nàng cũng "thanh cảnh" khiến cho ta "khó tính" đến đâu cũng không thể ngờ cái nết na của nàng được. Nhưng có một điều rất khó hiểu là tại sao thân gái một mình lại lạc trên một con đường hẻo lánh vắng vẻ như thế này, trong lúc ngày đã tàn? Nàng lại còn xuống bến nữa làm gì, tìm ai hay đi đâu? Nếu là người ở trong "lục địa" ra, thì sao lại có một mình, và đến đây làm gì, trừ phi là nàng đương ở khơi, gặp cơn giông tố và ghe nàng phải rạt vào đảo? Nhưng trông bộ nàng không có vẻ gì một người sống sót. Và nếu như là người ngay ở trong đảo, thì không thể nào tin được: người ở đảo làm gì lại có cái lối ăn mặc và cái giọng nói thuần nhã và đài các thế! Chưa có một lẽ nào làm cho trí tôi có thể hàng được và không bao giờ tôi nghĩ lung như thế. Mà lạ quá! Tại sao tôi không hỏi thẳng quách nàng có phải xong không? Trái lại, trong khi ăn cơm, hay cơm xong, chúng tôi nói chuyện với nhau một cách vui vẻ mà chúng tôi không hề động đến chuyện riêng của nhau. Tôi cũng vậy mà nàng cũng vậy. Tôi nhớ, không có một lần nào, nàng hỏi đến cái lai lịch của tôi cả. Điều ấy cũng không cấm chúng tôi xử sự với nhau một cách thân mật ngay.

Nàng đã theo tôi đi vào buồng riêng của tôi, và thấy những áo quần vất nghiêng ngửa, thì nàng bảo tôi:

– Anh nên lấy vợ đi thôi… Cứ bồ côi bồ cút như thế này hoài, thì khổ lắm.

– Nhưng ai thèm lấy anh!

– Anh không muốn, chứ thiếu gì, em làm mối cho anh một người nhá? Ở ngay quê em.

Một dịp tốt cho tôi vồ lấy:

– Thế quê em ở đâu?

– Quê em ở xa lắm! Có nói anh cũng không biết.

– Em thử nói đi.

– Làng em tên Kẻ Lái.

– Cái tên nghe "Hời" quá cô nhỉ?

– Chính thế! "Hời" lắm.

– Nhưng thuộc về tỉnh nào mới được chứ?

– "Quảng".

– Nhưng "Quảng" gì mới được chứ?

– Quảng Nam.

– Nhưng sao em không nói tiếng Quảng Nam?

– Ấy cũng tại em đi nhiều lắm. Quảng Nam ở trên mặt bể. À mai, anh ra bến với em nhé?

– Được rồi! Nhưng bây giờ em đi nghỉ đi kẻo mệt.

Hôm ấy, tôi nhường cái giường của tôi cho nàng nằm.

Sáng hôm sau tôi dẫn nàng xuống bến.

Tôi hỏi thuyền nàng ở đâu thì nàng gục xuống mà khóc… Nàng đáp tôi:

– Nào em biết thuyền em ở đâu?

– Ô hay! Thế lúc ra đi, em không hạ neo!

– Có chứ! Không những thế, trong thuyền lại có người nữa!

– Mấy người?

– Hai người.

– Thì làm sao lại có thể xẩy ra như thế được?

– Nào em có biết được vì đâu!

Rồi nàng lại gục đầu vào vai tôi mà khóc nữa. Tôi cảm động vô cùng, đưa khăn lau nước mắt cho nàng và nói:

– Thế thì bây giờ em ở lại với anh.

– Nhưng còn thầy, mẹ em?

– Điều ấy khó gì: một ngày kia, anh sẽ sức dân ở trong thôn đóng cho em một chiếc thuyền nhỏ và xinh, một chiếc thuyền hai buồm. Rồi anh sẽ đưa em về tận quê nhà. Em không nên buồn. Vì buồn là trái mệnh trời. Trôi mất chiếc thuyền của em đó là ý trời muốn rằng: em sẽ ở lại đây với anh, nhưng không phải là mãi mãi đâu! Đến lúc nào em chán tình anh, chán cảnh ở đảo, chán những ngày giờ vô liêu, anh sẽ thả em về, cũng như anh trả một con chim cho trời! Nhưng em nên biết rằng: đảo Chàm không phải là một cái lồng để giam em.

Nàng ngẩng dậy nhìn tôi như muốn nói một lời cảm tạ.

– Anh nhỉ! Muôn sự xẩy ra ở đời, đều do Thượng đế an bài cả. Mất cái thuyền này đi, biết đâu em lại có cái thuyền khác… Cái chiếc thuyền tình của người ta thường hay nói đến, anh nhỉ?

Nàng đứng dậy mỉm cười:

– Từ ngày hôm nay, em là gái không cha không mẹ, không bà con, không bạn bè, ở trên đời chỉ có anh, chỉ biết có anh mà thôi. Cái biển bao trùm ta tuy mênh mông, nhưng cái đảo nhỏ này cũng không hề nao núng: chúng ta sẽ yêu nhau trọn đời đằm thắm, ngày cuối cùng cũng như ngày đầu tiên.

Giọng điệu của nàng làm cho tôi nghĩ đến những cuộc gặp gỡ đầu tiên của những người đàn ông và đàn bà, đương ở thời cổ sơ, khi quả đất còn rộng mênh mông, người thì ít ỏi và lòng người còn hoang mang…

Như sực nhớ đến một điều gì, nàng lại sầm nét mặt lại.

Tôi hỏi:

– Chưa kịp vui, em đã lại buồn rồi!

– Em nhớ đến số phận của hai người thân yêu của em ở trên chiếc thuyền con, không biết đã trôi giạt ở bến nào hay còn lênh đênh ở trên biển cả.

Nàng lại im. Bỗng nhiên như tìm được một cái gì, nàng hí hởn nói với tôi:

– Từ nay, anh cho phép em cứ mỗi đêm, em sẽ thắp trong buồng anh, hai ngọn nến. Hai ngọn nến ấy là hai linh hồn của người bạn kia vẫn còn lấp lánh mãi trên trần gian.

 

***

 

Hình như đã lâu tôi nhãng hẳn cái chuyện con cà niễng… Thực ra bao giờ cũng là con cà niễng, chứ không phải là người đàn bà chiếm cái tâm tư của tôi. Nhưng có nên nghi ngờ rằng: quả con cà niễng và người đàn bà ấy có một sự tương quan gì? Về con cà niễng, có lần tôi đã nói với hai bác rằng: theo sự tin tưởng của người dân ở đảo, thì nó có những năng lực kỳ dị, nó có thể biến hoá không thường, hiện đó, lại ẩn đó. Điều này, tôi nói với hết tất cả sự dè dặt. Nếu tôi ngờ con cà niễng làm sao, thì rồi tôi cũng có thể ngờ người đàn bà ấy làm vậy. Vì rằng người đàn bà ấy cũng có một hành tung làm cho ta phải ngạc nhiên hết sức!

Lẽ ra, tôi phải làm đủ cách cần thiết để hiểu nàng hơn, nhưng tôi không làm, là vì tôi không muốn… Tôi đã yêu nàng nặng lắm rồi, khiến cho tôi không có thể nghi ngờ nàng một điều gì nữa! Tôi biết, khổ nhất là cái tình yêu phất phơ trong một sự hàm hồ bất định.

Tình yêu, tôi muốn rằng: có tất cả hay là không có gì hết. Tôi không thể dung thứ được cái gì làm cho tôi chỉ yêu được một chút, yêu được một phần, yêu được một nửa…

Những tư tưởng lan man ấy, cũng may chỉ thoáng qua trong trí tôi mà thôi! Rồi tôi cũng vẫn trở lại một kẻ si tình, một kẻ mê muội… Tôi yêu với tất cả tâm hồn.

Có một điều này làm cho tôi bối rối là tình yêu bao giờ cũng rõ rệt, nhưng những đối tượng của tình yêu của tôi thì mờ ám. Nhiều khi, tôi thấy trong tâm thần tôi: cái hình ảnh con cà niễng trộn lẫn vào cái hình ảnh của người đàn bà! Thật là kỳ quá, đến nay tôi cũng không hiểu sao. Không biết sự thật, là mỗi sinh vật có một linh hồn riêng không, và hai sinh vật lại cùng có thể có chung một linh hồn cho không? Điều ấy làm cho tôi bàng hoàng và có lẽ đã làm bâng khuâng những nhà tâm linh học.

Tôi vẫn thường tin rằng: ở trong vũ trụ có những vật, tuy hình khác nhau, mà đồng chất với nhau, và cùng chịu những luật chung, và cũng có những ảnh hưởng tương tự. Đừng cho lời tôi là ngớ ngẩn. Tôi đã từng cảm thấy một linh hồn chung đã bao trùm nhiều sinh vật. Và sự cảm xúc của sinh vật này có thể làm rung động sinh vật khác.

Bác Doãn gắng sức mà tha lỗi cho tôi: tôi muốn rõ hơn, rõ hết sức, nhưng có lẽ tôi không đạt được ý muốn, tâm hồn tôi bây giờ cũng như lúc bấy giờ, như cái cảnh tượng thái sơ của tạo vật mọi vật vừa "gây hình" theo một trật tự bừa bộn, trong một không khí mờ… Có một điều tôi đã nghiệm thấy và không biết có đủ để mà chứng cái thuyết tôi vừa nói không. Có một hôm, trong khi tôi ẵm con cà niễng vào lòng tôi vuốt ve và nâng niu nó, như muốn ép nó vào trong lòng yêu đương, thì tôi thấy cô bạn của tôi đang quét ở ngoài sân, chạy vào xồng xộc ôm lấy tôi. Tôi cảm động nói với nàng:

– Từ nay, anh sẽ đưa cả cái tình con cà niễng trút cả vào cho em!

– Không, em không muốn thế! Em muốn rằng anh vẫn yêu con cà niễng như xưa, và nếu có thể được, yêu hơn nữa.

Ừ nhỉ? Tại sao lại như thế? Thật lòng, tôi muốn nàng ghen với con cà niễng, và như thế nàng có thể làm cho cái tình yêu của tôi sung sướng hơn. Nhưng không, nàng vẫn muốn tôi không thay đổi gì với con cà niễng cả. Tôi căn cứ vào đấy mà nhận rằng: giữa nàng và con vật ấy, có một sự quan hệ vô hình mà thiêng liêng (1).

Tôi bảo nàng:

– Không, tình yêu của anh không muốn thế: Em, hay là con cà niễng.

Nàng đáp:

– Nếu như thế, em sẽ xin đi… Và khi em đi, thì không có cái gì giữ em được… Đấy, xin tự anh quyết định lấy.

Ấy là tôi chỉ nói đùa mà nàng đã như thế. Giá tôi thực hành thì nàng sẽ cương quyết đến đâu! Vả tôi bao giờ điên gì mà thực hiện một điều như thế. Và như thế thì có ích gì cho tôi? Cái chuyện nhỏ mọn này, tôi đã cho nó một sự quan hệ mà lẽ ra nó không đáng có. Nhưng bác ạ! Khốn nỗi, nhiều việc xẩy ra nữa còn để chứng rằng: nàng với con cà niễng của tôi có một sự tương quan mầu nhiệm. Bác sẽ cho rằng tâm hồn tôi đã bị huyễn hoặc bởi một định ý chăng? Không, tôi đã bình tĩnh hết sức để nhận xét. Và tôi đã nhận thấy rằng: con cà niễng không phải là một con vật tầm thường… Nó là một sứ giả của một vong hồn? Trời ôi! Có thể như thế được chăng? Nhưng tính cách kỳ lạ của con vật khiến cho tôi càng chú ý thêm đến nó. Và tình yêu của tôi đối với nó, bây giờ như đượm thêm một tí lo buồn, một tí ghê rởn. Tôi kiếm cách xa nó dần dần, và có một lúc tôi không để cho nó ở trong cuộc đời thân mật hằng ngày của tôi nữa: tôi bảo anh Ba Đặng cột nó lại ở nhà ngoài. Nhưng một hôm không hiểu vì sao có lẽ vì anh Ba lơ đãng để cho nó lại bén vào buồng tôi, trong lúc tôi đi chơi vắng. Nó làm vỡ của tôi mất một bộ trà kiểu Long Ngự. Tôi đau tiếc quá không dằn được sự căm giận, tôi lấy mẻ chén vứt vào nó. Mẻ chén trúng vào cổ: nó chết ngay lập tức. Thú thật, tôi không thương xót nó chút nào, mà tôi chỉ thấy ghê rởn: tôi có cái tiên giác rằng: một sự không may sẽ xẩy đến cho tôi… Quả vậy, hôm sau thì người thiếu nữ ấy gục đầu xuống vũng máu mà chết. Lần này tôi đau xót hơn là ghê rởn. Từ đấy tôi thấy như điên như dại: Cái tội lớn của đời tôi không còn cách gì có thể chuộc lại được nữa. Duy chỉ có một cách là tôi cũng đi theo nàng để tạ tội. Điều ấy đã quyết lắm rồi… Và vội vã lấy bút chép lại thiên thảm sử này, không phải là để cầu xin sự thương xót của bác mà chỉ mong bác đưa cả sự thông minh tài cán của bác ra mà khám phá hộ những điều bí mật trong chuyện này… Còn tôi, thì xin thú thật rằng tôi chẳng hiểu gì hơn, sáng tỏ gì hơn một kẻ đã mê muội. Cái ánh sáng ở kiếp này không mong gì tìm thấy được nữa, mà chỉ mong đuổi theo cái ánh sáng ở kiếp kia.

Thôi xin, vĩnh quyết. Tôi trở về quê hương yêu dấu của tôi, nơi tôi nguyện sẽ gặp lại những người yêu dấu của tôi.

Kẻ bất hạnh: MINH.

 

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Một tháng với ma, tiểu thuyết, Hà Nội: Nhà in Lê Cường, 96 Route de Hue, Hanoi, in xong ngày 25 Fevrier 1940; 80 tr. 13x19 cm.


 

[a] Nicolas Camille Flammarion (1842-1925) nhà thiên văn học Pháp, tác giả nhiều cuốn sách về các thiên thể, về vũ trụ, như Nhiều thế giới có cư dân («La pluralité des mondes habités», 1862), Những thế giới ảo và những thế giới thực («Les Mondes imaginaires et les mondes réels», 1865), Lịch sử bầu trời («Histoire du ciel», 1873), Thiên văn phổ thông («Astronomie populaire», 1880), v.v…

(1) Một thứ thịt tai. (nguyên chú)

(1) Người ở đảo này cũng như ở nhiều miền sơn cước ở Trung Kỳ, thường dùng "chữ" nhiều hơn là "nôm": cái chén họ gọi là cái trản. (nguyên chú)

(1) Cái lý luận của Minh thật là buồn cười, và bao giờ cũng quả quyết như thế. Nhưng ta cũng chớ nên cười vội. Sự thật có khi lại ở những cái miệng của những đứa trẻ con khờ dại và ngây thơ. – Lời tác giả. (nguyên chú)