TÌNH TRONG GIÂY LÁT

 

Hôm ấy, trăng hơi mờ mờ, nhưng sao thì nhiều lắm. Hai đứa chúng tôi ngồi trên một cái chõng tre đặt ở giữa vườn nhà. Gió nhè nhẹ đưa những cành cây. Chúng tôi nói chuyện giữa những tiếng rì rào. Bạn tôi nói rất nhỏ, có khi bị gió át đi, nhưng chính những khi nói the thé, ấy là những lúc tôi lắng tai và để ý hơn hết.

Bình sinh, bạn tôi hay e thẹn như một cô con gái mười lăm; hôm ấy, tôi chỉ thấy bạn tôi nói rất bạo dạn: Không một lần nào, tôi thấy bạn tôi đưa khăn che miệng, hay là khi nói đến những điều thân mật trong cuộc đời mình, thì mắt đưa nhanh lên, má đỏ lên và miệng ấp úng nói không ra... Có lẽ cái cuộc "tình duyên", dầu là một cuộc tình trong mộng, mà bạn đã kể cho tôi nghe, cái cuộc tình duyên ấy đã làm cho bạn tôi trở nên "dầy dụa", mất cái tính thẹn thùng e lệ.

Hút xong điếu thuốc lá, bạn tôi bắt đầu kể:

– Tôi làm cái nghề giáo học, quanh năm sống những ngày bằng phẳng, vô vị, nhạt nhẽo bên cái tuổi ngây thơ thích đùa bỡn, trong lòng mình cũng muốn ngây thơ đùa bỡn mà bổn phận không cho phép. Râu thì chưa có mà ngày nào cũng phải đóng cái vai "mô phạm", nói những câu đạo đức suông mà mình ghét hơn ai hết, thì anh nghĩ có bực tức không chứ! Cho nên gặp được ba tháng nghỉ hè, nhà giáo có cái cảm tưởng như một con chim được sổ lồng...

Thật là "thoát" anh ạ! Đương ở một tỉnh nhỏ, tôi rơi vào Hà Nội, như một con cá con ở lạch bơi ra biển... Vụ nghỉ hè năm xưa tôi đi du lịch từ Hà Nội tới Tourane, dừng ở Huế một hôm, nghe những giọng "Nam ai", "Nam bường", những bài "Kéo neo tàu chạy" với lại "Núi Ngự sông Hương" bây giờ còn văng vẳng những cái nhịp điệu ở trong lòng tôi. Năm kia thì tôi lên mạn ngược, cưỡi ngựa thổ, uống rượu cần, và ngắm trông những cái đại khối mù bay sương phủ... Nhưng không có cái vụ hè nào cho đời tôi được một cái ý nghĩa sâu xa bằng cái vụ hè năm ngoái. Tôi sống trong ba tháng mà cứ như sống trong một thế kỷ anh ạ. Vì chính trong vụ hè ấy tâm giới tôi đã có một cuộc xao xuyến lớn: thú thật với anh, tôi bắt đầu yêu... Không biết đó có phải đó là tình yêu không, nhưng tôi biết chắc rằng: đó là một thứ tình từ khi sinh ra đời, tôi không bao giờ có... Tôi hãy tạm gọi nó là tình yêu vì không có tiếng gì khác... Thực ra cái tình yêu ấy chỉ thoảng qua trong đời tôi mà thôi, nhưng nó đã để lại một cái bóng, cái bóng ấy theo tôi, khi ẩn khi hiện ở bên lưng tôi, chập chờn như một cái bóng ma. Nhưng người thiếu nữ để lại cho tôi cái bóng dễ sợ ấy, anh ạ! là một người có nét mặt rất hiền lành, rất có duyên, rất đẹp mà sao tôi không dám nói ra – Ừ, người ta đẹp thì đã có tội tình gì? Dầu nàng có làm cho tôi điêu đứng hơn nghìn lần thế nữa tôi cũng không có quyền nói xấu nàng kia mà. Có ai đang tâm nói xấu một người đẹp bao giờ? Huống hồ nàng đối với tôi vẫn không phải là một kẻ thù, dầu vì nàng, có đôi lúc tôi đã khổ não, một cách âm thầm. Nếu ở trên đời có một người làm cho tôi đau khổ mà tôi vẫn không có quyền oán trách, ấy là nàng vậy. Giá nàng sinh ra là giai nhân, rồi như một đóa hoa quý, nàng nở rồi tàn ở trên cái bờ sông hoang rậm của một con sông cùng tịch, thì ai còn biết tới nàng, đặt hình ảnh nàng vào một chỗ trong sạch nhất của trái tim. Khốn nỗi, nàng như một ngôi sao, nàng muốn chói lọi, nàng muốn ánh sáng huyền diệu của nàng, từ trên muôn trùng có hình bóng ở dưới muôn nghìn dòng sông lạnh. Chết chửa, tôi nói chuyện văn hoa quá, anh tha lỗi... Ý tôi chỉ muốn nói rằng: Nàng không chịu sống ở trong buồng kín, mà nàng lại mở một cửa hàng sách và ngày hai buổi trưng bày ở đấy.

Người ta bảo rằng: nàng đưa sắc đẹp ra để kiếm lợi cho cửa hàng. Oan cho nàng lắm: vì một người đẹp có bao giờ biết mình là đẹp. Cái gương mà họ thường soi, họ có bao giờ tin nó là một cái gương "trung thành", biết đâu cái gương nó cũng chỉ "nói" những lời giả dối để làm đẹp lòng nàng, để "nịnh" nàng đó thôi... Mà có lẽ khi nàng nghe lọt mấy câu tôi thốt với anh đây, nàng cũng chỉ mỉm miệng, ra dáng nghi ngờ, và cũng muốn coi tôi như một thứ gương giả dối mà thôi.

Tôi không biết cửa hàng sách ấy ở phố Hàng Bông mở đã tự bao giờ nhưng cái hôm ấy tôi và anh Phan đi qua và lưu ý đến cửa hàng ấy, tôi còn nhớ rõ là một buổi chiều thu, giời điểm mấy hạt mưa thưa... Mà hôm ấy, chúng tôi đi dạo vậy chứ cũng không có mục đích gì... Anh Phan là một nhà thi sĩ... Thơ anh ấy chẳng hay ho gì, nhưng mà ai cấm anh ấy là thi sĩ: trời sinh anh ra như vậy. Lần này có lẽ lần thứ một trăm rồi mà anh đi qua phố ấy, thế mà không lần nào anh lưu ý một cách đặc biệt đến cửa hàng sách ấy cả. Thế mà hôm ấy khi thoạt trông vào hàng sách, chợt thấy hai cái bóng thiếu nữ – cô hàng sách còn có một người chị nữa anh ạ! – thì anh cũng không nỡ rời mắt, và chân anh không muốn bước đi nữa... Có lẽ, cái ý ấy rạo rực ở trong óc tôi, nó nhảy qua óc bạn và sai khiến bạn tôi như sai khiến một cái máy. Tôi đã "cách cảm" được bạn rồi vậy... Rồi như một kẻ bị thôi miên, bạn tôi theo tôi bước vào cửa hàng. Thực ra tôi cũng chỉ là một kẻ bị thôi miên khác mà thôi, tôi cũng không hiểu tôi lạc bước vào đây làm gì? Trong lúc bạn tôi vui vẻ với cô chị thì tôi chỉ đứng ngẩn người ra thôi! Mồ hôi rỉ ra ở trên trán những giọt lạnh, tôi lấy khăn ra lau. Hai chân tôi lảo đảo như đứng trên một làn bông. Hai môi tôi mú máy mà không sao mở to ra được. Chặp lâu, tôi mới nói ra được một câu. Anh có biết là câu gì không?

– Thưa cô, cô làm ơn cho tôi mua một tờ báo "N.B."

 Mèn ơi! Thật là ê quá! Sau một hồi nghĩ ngợi, nát óc, vỡ trí, mà tôi chỉ thốt ra được một câu như thế thôi ư? "N.B.", anh có biết là một tuần báo ngày thường tôi khinh bỉ biết bao. Tôi thường hay đọc báo Pháp, thỉnh thoảng cũng có đọc báo quốc âm, nhưng có đọc thì cũng là đọc những tờ báo như tờ Sông Hương, tờ Tiếng Dân, chứ có bao giờ lại bỏ mấy đồng xu ra một tờ báo N.B. Thú thật với anh tôi xem tờ báo ấy cũng như những tờ báo người ta bán từng lô từng bó để gói đồ. Thế mà cái tờ báo khốn nạn ấy đã đến trong trí tôi trước những tờ báo khác và nó đã cứu nguy cho tôi trong lúc không lựa nên một câu để nói cho xuôi cái cớ đưa tôi vào hàng sách. Trong lúc ấy, thì tôi vẫn lắng nghe bạn tôi nói chuyện với cô chị, nói chuyện một cách bình tĩnh tự nhiên, hình như nói cả những chuyện văn chương, xã giao, và cả thể thao nữa, có lúc điểm vào lắm giọng cười đậm đà lắm.

Còn tôi thì khi người thiếu nữ đưa cho tôi cái tờ báo quý hóa ấy rồi, thì tôi giở đi giở lại, làm ra bộ xem một cách chăm chỉ lắm. Có lẽ ông chủ bút báo N.B. không bao giờ lại ngờ trong độc giả vô danh của ông lại có một bạn tri kỷ sốt sắng đến thế. Thực ra, tôi chỉ xem những cái tranh ảnh, những cái tranh khôi hài, và cố điểm một nụ cười rất có duyên, rất thành thực với những bức tranh nhạt nhẽo mà ngày thường tôi chỉ xé đi một cách tàn ác. Nhưng không lẽ đứng ỳ ra đấy mà đọc hết tờ báo từ những bài đại luận cho đến những mẩu chuyện con con.

Tôi nghĩ đã đến lúc phải "chuồn" đi...  Và tôi cả quyết lắm. Tôi gấp tờ báo lại và chào thiếu nữ một cách rất có lễ phép, rồi kéo tay bạn cùng đi ra.

Từ cửa hàng sách về nhà, chúng tôi không nói qua một tiếng, mỗi người yên lặng, theo đuổi một ý nghĩ. Bữa cơm hôm ấy là bữa cơm tẻ nhất trong đời tôi. Những tiếng đũa bát động vào nhau một cách dễ sợ... Tôi có cảm tưởng như là ăn một mâm với ma...

Ăn xong, chúng tôi lấy sách đọc nhưng những hàng chữ như nhảy múa ở dưới mắt chúng tôi. Chúng tôi ngáp dài ngáp ngắn một hồi rồi đi ngủ. Trong một gian nhà rộng, chúng tôi chỉ đặt hai cái giường mà thôi: giường của bạn tôi song song với giường tôi.

Tôi tưởng suốt buổi chiều đi chơi về mệt chắc là ngủ ngon. Nào hay, giờ này qua giờ khác mà tôi vẫn cứ trằn trọc không sao nhắm mắt được. Tôi thao thức mà chẳng khác nào mê man trong một giấc mộng; những hình ảnh đến trong trí tôi, hình như không theo một thứ tự nào hết, khi nhanh khi chậm, khi dịu dàng, khi hung dữ, lúc hiện ra rõ rệt có lúc hiện ra mờ xóa, mà lạ quá, phút sau, tôi đã không nhớ phút trước tôi thấy những gì, tôi nghĩ những gì. Nhưng có một điều chắc chắn là trong cái đám lộn xộn đó, tôi đã nhận rõ có đôi mắt trong sáng vẫn theo tôi như đôi luồng điện. Tôi trách tôi lẩn thẩn bao nhiêu thì tôi khen bạn tôi ngoan ngoãn bấy nhiêu. Tôi phục cái tính cương quyết của bạn, biết nén hết những cái vẩn vơ của cõi lòng, vì tôi cứ tưởng rằng bạn tôi từ khi đặt lưng xuống, bạn tôi đã đánh ngon giấc ngủ của một người vô tư lự.

Bỗng trong cái làn không khí thanh tịnh của đêm khuya, bạn tôi cựa mình mấy cái, rồi tôi nghe có tiếng chân xỏ vào guốc; bạn tôi đứng dậy đi ra sau vườn. Lúc bấy giờ không nhịn cười được, tôi sung sướng như được có người hiểu bụng, chia chung với mình một tội lỗi, – vì lúc bấy giờ tôi cứ tưởng sinh ra đường đường một đấng nam nhi mà cảm vờ cảm hão như thế thì thật là một điều đáng thẹn. Bạn tôi đã lê guốc trở vào. Tôi thấy bạn tôi đi thẳng tới cửa song tựa mình vào đấy và trông ra vườn, nhìn những ánh giăng mờ giải quanh một khóm đào. Tôi đứng dậy rón rén đi lại gần bạn. Tôi vỗ tay vào vai bạn. Chúng tôi nhìn thẳng vào nhau trong một giây lâu. Bỗng nhiên, hai chúng tôi cùng cất giọng lên cười, cười ngặt nghẽo... rồi bỗng nhiên chúng tôi cùng ngừng lại như một cái máy hãm... Riêng tôi, tôi vừa nhận thấy trong tiếng cười của tôi có vẻ tự đắc và mỉa mai đối với bạn. Vì bây giờ tôi tin rằng – mà càng không hiểu sao tôi lại như thế – tin rằng bạn tôi là một người ngớ ngẩn, vì chẳng ngớ ngẩn thì trong hai đóa hoa ở cửa hàng sách ấy, sao bạn tôi lại không biết lựa lấy đóa hoa rực rỡ hơn hết? Tôi tự đắc cho tôi là người nhiều hạnh phúc hơn bạn, và đã làm một sự kén chọn đích đáng, còn trái lại bạn tôi chỉ là một người "dễ cảm" và "dễ tính"... Tôi chưa kịp khinh bạn, thì bạn đã tỏ ý xem thường tôi trước. Bạn tôi nói:

– Anh "xoàng" lắm! Tôi không thể tưởng tượng được rằng một người như anh, lại có thể  "cảm" được một người như thế! Thật là không thể dung thứ được... mới biết "bỉ nhân" có con mắt tinh đời hơn người vậy...

Tôi chỉ so vai mỉm cười không đáp. Vì không lẽ, còn to tiếng cãi nhau, lúc hai, ba giờ sáng?

Tôi giận quá, trở về giường, để ngủ, cố mà ngủ... Ngày hôm sau, ăn cơm xong bạn tôi và tôi mặc quần áo chỉnh tề! Bạn tôi "diện" theo lối thi sĩ, còn tôi thì "diện" theo lối nhà giáo. Rồi không hẹn nhau chúng tôi cùng đi với nhau một đường, con đường tới động Thiên Thai, vì chúng tôi tự cho mình là Lưu Nguyễn (mà chúng tôi quả có trùng họ với người xưa).

Không rụt rè như lần trước, chúng tôi bước vào cửa hàng! Trong lúc bạn tôi dạm chuyện với “cô chị” một cách tự nhiên, thì tôi vẫn lúng túng, rồi cũng chỉ đến như hôm qua, tôi hỏi mua một tờ báo "N.B.". Chúa ơi! Tôi biết đâu rằng tờ báo N.B. ấy chỉ là một tờ báo ra hàng tuần. Thiếu nữ đưa cho tôi một tờ vẫn là số báo ra hôm qua, tôi cũng đưa tay ra nhận lấy như là nhận một tấm tình quý hóa vậy... Rồi tôi cũng đóng lại cái vai trò hôm qua: cũng chăm chỉ giở xem lại những tranh ảnh, những đầu đề mà tôi đã xem rồi. Ngẩng lên, thấy thiếu nữ vừa đưa tay che xong một nụ cười, tự nhiên tôi thấy bạo dạn lên. Tôi cuốn tờ báo lại trong tay, đi đi lại lại như mọi lần tôi đi trước hàng ghế học trò để giảng bài. Bấy giờ tôi mới sực nhớ ra rằng: tôi là một ông giáo vậy. Tôi xáo tung chồng sách cũ ra, và tìm tòi, lục lộn. Tôi làm ra bộ một vị thanh niên hăng hái cầu học, như đã đi lùng khắp hàng sách mà vẫn không sao kiếm được một cuốn sách mình định kiếm... Bỗng tôi cười lên, một tiếng cười sung sướng. Rồi thì tôi xắng xít lên, gọi bạn tôi tới và trầm trồ, chỉ chỏ cho bạn tôi một cuốn sách con bìa đã rách nát. Ấy là một tập truyện vui của Mark Twain, một văn sĩ Mỹ. Anh tưởng tôi mến tài Mark Twain lắm hay sao? Thú thật với anh, từ khi tôi chưa thấy cuốn sách nhỏ và nát ấy, thì tôi chả biết Mark Twain là ai cả, và tôi cũng không ngờ rằng quả đất này lại có mang chở một người có tên là Mark Twain...

Thế rồi tôi nằng nặc bảo bạn tôi mua cho được. Đợi bạn tôi trả tiền xong, tôi giục bạn tôi về ngay. Tôi bước ra làm bộ hoan hỉ lắm. Cái chủ ý của tôi chỉ là muốn tỏ cho ai đó biết rằng tôi là một người có tính tình cao thượng, chỉ thích đọc sách mà thôi, ngoài ra không thiết gì cả. Bạn tôi bị tôi kéo đi như vậy, có vẻ bực tức lắm, nhưng ngoài mặt vẫn vui cười. Đi đến đầu phố Cửa Nam, bạn tôi sờ túi áo và làm ra bộ ngạc nhiên, bèn vội vàng quay trở lại cửa hàng sách. Độ 15 phút bạn tôi đã theo kịp tôi, và không đợi tôi tra hỏi, bạn tôi cắt nghĩa:

– Anh ạ! Suýt nữa, hai cô nàng sách mất toi một hào bạc. Đáng lẽ phải trả bốn hào, tôi chỉ trả có ba hào, mà hai cô không nói gì hết. Sờ túi lại tôi mới nhớ ra. Tôi chạy lại, trả cho người ta.

Tôi không tin một sự vô lý như thế được. Mà dầu thật có như vậy, bạn tôi cũng đã có một cái chủ tâm không tốt: bạn tôi chỉ muốn quay lại một mình không có tôi, để nhìn hai cô hàng sách một lần nữa.

Rồi cứ như thế mãi, chiều nào hai chúng tôi cũng tới cửa hàng sách. Mỗi lần vào cửa hàng, chúng tôi lại viện cho mình một cái cớ, khi thì để mua cho mình một cây bút chì, khi thì một tờ báo, khi hỏi một cuốn sách, khi thì hỏi một điều bâng quơ. Có lúc, chúng tôi cạn trí, không tìm đâu ra được một cái cớ nữa, thì chúng tôi đi ngang qua, chỉ nhìn vào một cái rồi đi về. Một hôm chợt nhận thấy rằng: những cái cử chỉ của mình càng ngày càng vô nghĩa, càng lố lăng, trong một bữa cơm, chúng tôi giơ tay thề với nhau rằng: chẳng còn bao giờ bén chân tới cửa hàng sách ấy nữa. Nhưng lời thề hôm trước, hôm sau đã bị lãng quên rồi!

Hôm sau, một hôm giời mưa lâm râm...

Tôi trốn bạn đi một mình tới cửa hàng sách...

Nhưng khi tới đến cửa ở ngoài đường trông vào, tôi thấy ở bên người thiếu nữ của tôi, một chàng thiếu niên linh hoạt, xinh xắn, với nàng cười cười nói nói ra chiều thân mật. Tôi ghen! Tự nhiên hai chân tôi lảo đảo, tôi gọi xe đi về ngay...

Chiều hôm ấy, tôi ngược tàu lên Phú Thọ. Rồi cũng như trăm nghìn cái khác, nàng bị tôi quên... Cái hình ảnh của nàng bị xóa mờ hẳn trong trí tôi... Buồn cười quá! Trước sau, nàng có tỏ một chút tình gì với tôi đâu, thế mà tôi đã cho mình cái quyền ghen nàng... Tôi không chịu nhận rằng, mình đã ghen một cách vô lý mà tôi khư khư cho rằng nàng là một người không chung thủy. Ngớ ngẩn đến thế là cùng!...

Vụ hè năm nay, tôi lại trở lại Hà Nội, tôi nghe ông bạn thi sĩ của tôi cho hay rằng ông quen thân người anh của hai cô hàng sách ấy, và muốn giới thiệu người ấy cho tôi... Rồi một hôm, bạn tôi dẫn người ấy đến nhà... Tôi ngạc nhiên biết bao, khi nhận thấy người anh nàng lại là người mà năm ngoái tôi tưởng là chồng nàng và là người đã nói chuyện một cách thân mật với nàng, trong một hôm giời mưa lâm râm... Tôi thấy tôi là một nhân vật buồn cười quá, trơ trẽn quá, rồi từ đấy tôi không dám nghĩ đến những chuyện tình ái viễn vông nữa.

Ngày nay, tôi biết nàng vẫn chưa chồng, nhưng tôi không bao giờ dám đến cửa hàng sách của nàng nữa. Một bận tôi đi ngang qua, không dám nhìn vào, chỉ vì sợ... ngượng. Anh ạ! Cái tình của người ta như một cái bọt xà phòng, nó dễ tan lắm. Vô ý anh đã để nó tan mất một lần rồi, là chẳng bao giờ còn mong lành lại được nữa.

 

***

 

Anh giáo Nguyễn kể cho tôi nghe xong câu chuyện tình ấy rồi lại về núi. Đã 4 năm nay, tôi không biết anh ở đâu, mà cũng không một bận nào nhớ tới anh nữa. Hôm nay, tình cờ, túng truyện ngắn cho Hanoi báo tôi tự nhiên sực nhớ đến anh...

Anh giáo Nguyễn! Anh tha lỗi cho tôi đã đưa cái tình thiêng liêng của anh ra mà mua vui cho độc giả... Cái chuyện tình làm cho anh ngớ ngẩn và bâng khuâng, nhiều khi đau đớn nữa, có lẽ có người đọc tới chỉ xem như một tấn tuồng buồn cười đến khuây họ, trong lúc họ giận vợ giận con, hay là thua bài thua bạc.

Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Tình trong giây lát // Hà nội báo, Hà Nội, s. 35 (2 Septembre 1936), tr. 19 – 24.