TRỚ TRÊU

 

Tiểu dẫn: Trớ trêu  được tác giả gọi là “xã hội tiểu thuyết”, đăng nhiều kỳ trên Tiểu thuyết thứ bảy. Hiện chúng tôi mới chỉ tìm thấy một kỳ.

N.B.S.

 

 

II

 

Cách hai tuần sau, tôi tiếp được mấy hàng chữ này của bác Khán gái do con Sen nhà bác đưa lại:

“Bác Sơn,

Hôm nay tôi khỏe lắm, phiền bác lại nhà hộ sinh đưa tôi đi viếng mộ thầy con Liễu! Rất cảm ơn bác.

Bà NHÂN”.

Tôi tiếp được giấy sửa soạn đi ngay. Khi tôi đến nhà hộ sinh thì đã thấy bác đứng đợi ở ngõ, mặc tang phục. Chúng tôi ra đón tàu điện ở Hàng Giấy để xuống Bạch Mai. Đi đến địa phận Hà Đông thì chúng tôi xuống. Rồi theo một con đường con, dơ bẩn, quanh co, để đi ra đồng nội, trông ra xung quanh những thửa ruộng xanh rì còn đầy cả nước, vì lúc bấy giờ là về chính đầu mùa đông. Bên con đường chúng tôi đi, thấy có một cái mộ con vừa mới đắp chưa có một ngọn cỏ. Hẳn là mộ bác Nhân đấy: Hai viên gạch mà người sinh viên đánh dấu vẫn còn y nguyên. Tôi chỉ cho bác Khán và nói:

− Đấy là chỗ bác giai nghìn thu yên giấc.

Bác Khán lấy mấy nén hương đốt lên và cắm vào mộ chồng. Rồi bác liền sụp quỳ xuống, đâu gục tận đất, cất giọng ai oán gào khóc. Tôi cũng không thể cầm được hai hàng nước mắt.

Bấy giờ trời đã về chiều. Những đám mây đen từ đâu kéo lại làm cho gầm trời như sụp xuống một cách dễ sợ… Một ngọn gió nhẹ đưa qua, những đồng ruộng rung rinh gợn sóng… Một làn khói biếc tỏa lên nối vòng và thoang thoảng mùi hương… Một con chim mò ho ở chốn xa xôi đưa lại mấy tiếng hót véo von để thay cho tiếng khóc não nùng của người thiếu phụ bấy giờ đã im bặt. Chúng tôi đứng im lặng, trong một cảnh im lặng ghê sợ, cảnh im lặng của một thế giới vô hình vô ảnh. Tiếng mò ho vẫn kêu. Không biết nó là một con chim trời giục lúa chín hay nó là sứ giả của một vong hồn cô khổ đương trôi giạt ở ven trời xa thẳm?

Bác khán Nhân trước sự khêu gợi của cảnh im lặng không thể không thổ lộ nỗi khổ tâm. Bác thở dài một cái, rồi đưa mắt nhìn tôi như có ý cầu xin tôi tha lỗi trước cho câu chuyện xấu xa mà bác sắp kể lại cho tôi nghe:

− Bác Sơn ạ! Tôi đây là một người khốn nạn hèn nhát. Giá có ai buộc tôi vào tội giết chồng tôi cũng cam tâm…

Tôi nhìn người thiếu phụ một cách ngạc nhiên.

− Bác nói gì thế. Trời chiều rồi, ta đi về đi thôi..

− Không, bác phải ở lại mà nghe những lời thú tội của tôi. Phải, giá có ai buộc tôi vào tội giết chồng, tôi cũng cam tâm. Tôi là một con ác phụ trời đày xuống để phá hại cả hạnh phúc của một gia đình đương vui vẻ. Bác hãy để yên cho tôi kể cả chuyện nhà cho bác nghe rồi mặc bác định xử.

Sau ngày bác vào Huế độ năm sáu tháng thì nhà tôi thôi làm ở bệnh viện M. Nhà tôi bị thải thật là một sự chẳng ngờ vì bác cũng biết đấy, nhà tôi là một người siêng năng cần mẫn, hết lòng hết sức với những kẻ đau ốm. Nhưng cái bệnh ho lao là kẻ thù ghê gớm của những người quá lao lụy với chức vụ. Cái bệnh ác nghiệt nó đã giày vò nhà tôi một cách khốn khổ: chẳng bao lâu vì sự vệ sinh chung ở trong bệnh viện, ông đốc-tờ M. phải cho nhà tôi nghỉ và nằm ở nhà thương Cống Vọng. Ông đốc-tờ M. thật là người quá tử tế. Trong thời gian nhà tôi nằm nghỉ ở bệnh viện, ông vẫn mỗi tháng cho lĩnh đủ tiền lương. Nhưng trước cái sự khốn khổ man mác của loài người, cái lòng từ tâm của người ta cũng đành chịu bất lực. Tôi không trách ông M. một tý nào ở chỗ sau năm tháng trời,  ông không còn thể giúp tiền lương cho nhà tôi nữa. Đó cũng là lẽ tất nhiên, vì công việc bệnh viện của ông cần phải tiến hành, là vì ông phải dùng một người khán hộ khác vào để thế chân nhà tôi nữa, là vì tháng tháng ông phải phát lương cho thầy khán hộ mới. Tôi không có quyền trách ông, nhưng tôi không thể phàn nàn cho cái cảnh ngộ của tôi: đất khách quê người, chồng thì ốm, con thì dại, mình thì từ xưa đã quen tập những thói ươn hèn. Biết làm nghề gì mà nuôi chồng, nuôi con, mà làm nghề gì được?

Đi buôn ư? Thì còn vốn đâu nữa. Bao nhiêu tiền bạc đã đổ sạch vào thuốc men. Vào nhà máy xin việc làm ư? Không có sức khỏe…

Làm người đàn bà Việt Nam, nếu có lúc phải than vãn cho thân phận mình, tức tối cho sự giáo dục của một nền luân lý nghiêm khắc buộc người đàn bà phải tha thướt như cây liễu, mỏng mảnh như cây bồ, thì chính nhằm những lúc như thế, cái lúc trước sự sống mãnh liệt, mình chỉ thấy sự yếu hèn của mình.

Nghĩ trước nghĩ sau, tôi chỉ còn thấy có một cách, mà bác ôi! cách ấy đã giết tôi. Làm sao tôi quên được cái ngày ấy, cái ngày trong một gia đình ba mạng ăn, mà cạo rương đổ túi tôi không còn kiếm lấy được một đồng xu, – một người nội trợ mà không có một đồng xu trong túi là một điều tối nhục nhã. Làm sao tôi quên được ngày ấy, cái ngày mà tôi phải đánh đổ hết những sự rụt rè e lệ của một người đàn bà Việt Nam, cái ngày tôi mạnh bạo quả quyết thân hành vào nhà một người Pháp để xin một việc làm nuôi chồng nuôi con. Làm thân một người đàn bà, dầu trong sạch đến đâu, khi đến gần người Pháp tránh sao cho khỏi sự nghi ngờ của dư luận, dầu người Pháp ấy có lúc đã là ân nhân của nhà tôi, là một người rộng rãi nhân từ, là ông đốc tờ M…

Bác ôi! Nhưng lúc bấy giờ như có cái gì mạnh hơn sự xì xào của dư luận: lòng hy sinh… Tôi đến nhà riêng của ông M., ở đường Q.T. Người bồi thấy tôi lấp ló ngoài cửa và thấy bộ rụt rè của tôi, hắn buông lời bất nhã. Đã mấy lần tôi muốn lui ra, nhưng sự khốn khổ của chồng con làm cho tôi dày dạn với sự hắt hủi. Trong lúc ấy thì ông đốc tờ M. ở bệnh viện về. Ông bảo người bồi dẫn tôi vào phòng khách, rồi tự thân ông thân hành đến hỏi tôi. Ông nói tiếng An Nam tuy không thạo nhưng cũng đủ cho tôi hiểu.

Khi nghe tôi phơi bày cái tình cảnh khốn đốn của tôi thì tôi thấy ông lộ ra vẻ ngậm ngùi, và hình như ông hối hận vì đã gạch tên nhà tôi ra khỏi quyển sổ của những người làm công của ông, dầu đó là một điều rất hợp lý. Sự thương xót của ông làm cho tôi cảm động quá. Hai hàng nước mắt tự nhiên trào ra!... Ông nói với tôi bằng một giọng rất xót xa:

− Bà cần gì đến tôi nữa?

− Tôi xin ông một chân khâu đầm.

− Được, tôi đương cần một người “khâu đầm”. Tôi muốn vợ tôi ở Pháp qua, những tấm ren thêu đều là những đồ mới, nhưng bà cần bao nhiêu một tháng?

− Tùy lượng ông!

− Được, bà sẽ lãnh hai chục một tháng và lãnh trước.

Rồi ông móc túi đưa cho tôi bốn tờ giấy năm. Những tờ giấy run lẩy bẩy ở trong tay tôi, vì cả thân mình tôi đều như rụng rời: trước một cái ân to lớn, nhiều khi cũng như trước một cái cảnh vĩ đại, lòng ta kính phục đến sợ hãi.

Thế là từ đấy, tôi đã là một người khâu đầm của ông đốc tờ M. Hai buổi tôi đi làm, tối thì lên nhà thương Cống Vọng săn sóc nhà tôi. Ngày ngày ngồi thêu những cái màn cửa, bao gối, khăn bàn, cái công việc tỉ mỉ và chán ngắt. Nhưng tôi cũng không có quyền nói xấu cái nghề của tôi là vì nó đã giúp tôi đắp đổi ngày tháng, giữ được sự vui vẻ êm ấm trong gia đình tôi. Nhà tôi tuy mắc cái bệnh hiểm mà vẫn điềm nhiên như không. Trong lúc những con vi trùng có lẽ đào khoét cả buồng phổi, nhưng một nụ cười vẫn nở luôn ở đầu môi, nụ cười chan chứa biết bao vẻ yêu đời. Giá cứ như thế mà sống thì cuộc đời của nhà tôi dầu ngắn ngủi, nhưng vẫn êm ả thâm trầm.

Nhưng khốn nỗi số phận có để yên cho vậy đâu, những ngày còn lại của nhà tôi trên cõi thế là những ngày đầy sầu thảm gớm ghê…

Là vì cái nghề khâu đầm đã giết tôi, nó đã giết cái hạnh phúc rất bấp bênh của gia đình tôi. Bác sẽ hiểu tại sao vậy…

Từ khi tôi tới làm công nơi nhà riêng ông đốc tờ M. thì các bạn quen biết họ hiểu tôi thì ít mà dị nghị tôi thì nhiều. Cái dư luận xung quanh đối với tôi ngày càng nghiêm khắc, người ta bảo tôi thế này thế khác. Nhưng tôi không hề lấy thế làm khó chịu vì tôi nghĩ chỉ có chồng con hiểu biết mình là đủ rồi. Vả cái cảm tình của ông M. đã an ủi tôi nhiều lắm, tuy rằng cái sự biệt đãi ấy đã khêu lòng ganh tị của những bồi bếp trong nhà. Họ đi phao ra lắm chuyện để phá hoại danh giá tôi. Ở trong một cái xã hội đông đúc hằng ngày tôi thường tiếp xúc, mà luôn luôn tôi cảm thấy sự quạnh hiu vắng vẻ, nếu không có chồng tôi, có con tôi, có ông đốc tờ M. Duy có một điều tôi cứ nơm nớp lo sợ hoài: là cái cảm tình ngày càng khăng khít của ông M. Đã bao lần tôi tự hỏi: “Nếu ông M. sẽ thương ta hơn nữa, hơn nữa… thì ta biết tính làm sao…”. Biết tính làm sao được, vì ông M. là một người tốt, một bậc thần minh, một vị cứu tinh của chúng tôi mà. Tôi vẫn biết: Giá như ông M. có thực lòng thương tôi nữa thì lòng thương ấy cũng chỉ là lòng thương mà thôi. Lòng thương của ông đối với tôi là do lòng thương đối với một sự khốn khổ, sự đau ốm của loài người, đối với bệnh ho lao, đối với một người đàn bà yếu ớt,  với một đứa con thơ, cấu tạo ra. Nếu chỉ có thế thì có gì đáng sợ. Nhưng không hiểu sao có lúc tôi cảm thấy rằng: một sự tai biến ghê gớm thường đi liền bên cái cảm tình của ông M…

Một hôm tôi đương ngồi thêu một mẩu khăn bàn ở trong một phòng con trên gác thượng, bỗng tôi nghe có tiếng giầy nhè nhẹ đi lại phía tôi. Không hiểu sao lòng tôi thấy hồi hộp: ngay từ bữa hôm ấy tôi đã có cảm giác được trước rằng: cái mảy may hạnh phúc còn lại của nhà tôi sắp tan tác. Tôi sợ không dám ngoảnh lại.

Ông đốc-tờ M. đến bên tôi, hỏi thăm sức khỏe của tôi, của chồng tôi… Tôi thấy ông đứng bên tôi, khép nép sợ sệt, tay vò nát mấy cánh hoàng lan mà ông vừa hái ở vườn. Cái thái độ của ông lúc bấy giờ là cái thái độ của một người tội nghiệp, đau đớn, chỉ đáng cầu xin lòng thương xót của mọi người… Ông nhìn tôi và không nói một tiếng…

Tôi hiểu ông lắm rồi!!!

Đến đây, không nén được lòng, bác Khán gục đầu xuống khóc than thảm thiết. Giữa những tiếng nức nở bác lại nói tiếp:

−  Tôi là một con ác phụ, chịu sự trừng phạt của ba mươi sáu ngục hình cũng chưa vừa tội tôi. Trời ôi! Đất ôi! Dưới suối vàng chắc chồng tôi còn ôm lòng căm tức. Bác Sơn ơi! Người như tôi có đáng sống mà ăn bát cơm trời không!!!. Nhưng giá như bác hãy tưởng tượng cái địa vị khó khăn của tôi lúc bấy giờ, hẳn bác cũng lượng cho tôi được một vài phân. Tôi biết rằng tôi sẽ làm ô danh chồng tôi, con tôi, nhưng tôi biết làm thế nào được. Tôi là một người đàn bà hèn yếu, hèn yếu về thể chất cả tinh thần. Ví dụ như lúc bấy giờ tôi có thể quả quyết bịt tai với những lời cầu xin của ông đốc-tờ, bịt tai với những lời cầu xin của một vị phúc tinh, một người nhân từ, vẫn biết điều đó là quá sức một người đàn bà… Tôi có thể cự tuyệt ông đốc-tờ, nhưng rồi đây biết ông có dùng tôi nữa không, hay là lại đem lòng ghét bỏ. Chừng ấy, tay mềm chân yếu biết làm được nghề gì mà nuôi thân, nuôi chồng, nuôi con?...

Thật ra lúc bấy giờ trong cái cử chỉ của ông đốc-tờ, tôi cũng không thấy có cái gì đáng khinh bỉ. Cái cử chỉ quá bạo của ông chẳng phải là do cái lòng thương tôi, thương cái cảnh ngộ khốn đốn của tôi…

Thế rồi… tôi có chửa.

Bác Sơn ơi! Tôi biết cắt nghĩa thế nào cho chồng tôi nghe. Tôi còn nhớ cái hôm ấy, tôi ngồi bên giường bệnh nhà tôi, thỏ thẻ thú tội cùng nhà tôi… Khi nghe tôi kể hết khúc nhôi thì nhà tôi cười sằng sặc! Ôi! Tiếng cười làm cho tôi ghê rởn cả tâm hồn. Kể thì nhà tôi cũng hơi nông nổi thật, nhưng không phải là không lượng xét cho tôi. “… Mình ạ! Tôi thương mình lắm! Tôi hiểu mình lắm! Tôi biết mình là vô tội. Nhưng từ nay, tôi không muốn mình đả động gì tới chuyện ấy nữa… Ta cố quên đi để cùng nhau vui như cũ…”.

Nhưng tôi biết nhà tôi không thể quên được. Bệnh nhà tôi vì thế một ngày một trầm trọng, nhà tôi ho nhiều mặt xanh, người gầy như cây sậy.

Sau “ngày hôm ấy”, ông đốc-tờ lại thường tới nhà thương Cống Vọng thăm nhà tôi. Cái lòng sốt sắng của ông đối với vợ chồng tôi thật không bao giờ vơi. Nhứt là đối với Liễu thì ông săn sóc đủ điều, coi như một người con thật. Ông cho ăn mặc đầm, ông chu cấp cho đi học… Nhưng tôi biết bệnh nhà tôi cũng vì thế mà trầm trọng hơn nữa… Thế rồi đến ngày tôi ở cử thì chồng tôi chết.

 

***

 

Trời đã chập choạng… Những ánh sáng chiều tàn còn lấp lánh ở trên những vũng nước… Tôi nghe những bụi lúa tỉ tê khóc với gió… “Mò ho!”… Mò ho! Tiếng kêu ảo não, tiếng con chim sứ giả của một cô hồn đương thất thểu ở ven trời xa thẳm… Một bầy châu chấu nhảy lắc rắc ở trên bờ cỏ. Một con “làng chài” còn thừa chút ánh sáng mờ mờ, đập cánh chúc đầu xuống nước, đớp một cái mồi cuối cùng. Rồi im bặt… Không một tiếng động. Cảnh ban đêm.

Bỗng tôi giật mình như thấy có kẻ nào đến sau lưng… Tôi quay lại: mảnh trăng lưỡi liềm lấp ló trong một đám mây đen…

− Bác Sơn! Ta về đi, ngọn gió lạnh quá!

− Vâng, chúng ta cùng về…

Những ngôi sao vàng rung rinh dưới ruộng nước, như thực, như ảo…

Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Trớ trêu, II, xã hội tiểu thuyết // Tiểu thuyết thứ bảy, s. 32 (5 Janvier 1935), tr. 393 – 397.