TỪ THIÊN ĐƯỜNG ĐẾN ĐỊA NGỤC

 

 

 

Tặng y sĩ

NGUYỄN KHẮC CẦN

 

 

 

 

CHƯƠNG THỨ I

Đã gần nửa giờ, Huy vào giường để đợi Lạc, người vợ mới cưới của chàng. Cái giường mà chàng vừa thuê đóng tháng trước, tại Hà Nội, theo kiểu giường Đức, do một người bạn kiến trúc sư chọn hộ cho chàng.

Huy sở dĩ bảo chọn kiểu Đức, vì kiểu Đức hơn kiểu Pháp ở chỗ nó gần Á Đông hơn, nó giữ cái tính cách giản dị của phương Tây, mà vẫn tỏ được cái vẻ u huyền của phương Đông. Cái giường ấy − mà chàng đã bỏ vào đấy biết bao tâm trí và công phu − chàng thuê đóng chỉ tốn một trăm đồng cả gỗ lẫn đệm. Dưới ánh đèn manchon, chàng thấy cái giường của mình nhẹ nhàng như một đồ chơi, và xinh đẹp như một thiếu nữ.

Chàng đưa tay xếp gọn cái tấm “phủ hoa” và để lộ một tấm “ra” [a] trắng tinh. Hai cái gối đặt song song với nhau, gợi cho chàng một ý nghĩ bẽn lẽn – Lần này là lần thứ nhất, chàng nằm đôi, cạnh một người đàn bà.

Chàng cúi mặt không dám nghĩ tới nữa. Rồi nhẹ nhàng chàng để mình rơi xuống giường. Chiếc lò xo dội nẩy, rồi lại từ từ lún xuống… Sự êm dịu của bông làm cho chàng thêm cái cảm giác rằng: chàng đương lún mãi, lún mãi, lún sâu vào giữa sự mơn trớn…

Huy nhắm tít đôi mắt lại, như để hưởng trước sự khoái lạc, một sự khoái lạc chắn chắn, nhưng mà chàng không thể suy lượng được tính chất…

Chàng đứng dậy đi  lại mở tung hết các cửa sổ. Rồi trở lại giường, nằm như trước. Một ngọn gió nhẹ, ở dưới vườn hoa, đưa lên, và phẩy ở trên hai má chàng… Một cảm giác thanh thú khiến chàng đê mê chạy đều khắp thân thể của chàng…

“Chốc nữa… ta ráng đợi chốc nữa”

Chàng không muốn, thực lòng không muốn rằng: sự khoái lạc của cái đêm tân hôn, đến ở chàng trước người đàn bà ấy, người vợ mới cưới của chàng: Lạc.

“Chốc nữa! Ta ráng đợi chốc nữa…”

Chàng muốn nghĩ tới những điều khác, không có quan hệ đến cái đêm tân hôn, đến việc vợ chồng, nhưng không thể nào được; tâm trí chàng chỉ có một cái ám ảnh ấy mà thôi.

Bỗng có tiếng chân người gõ nhẹ trên thang gác. Chàng lắng nghe, hồi hộp… Chàng đứng dậy, và thấy mình bợ ngợ vụng về. Chàng chạy lại đứng tựa vào một cái cửa sổ cho đỡ ngượng. Nhưng chàng vẫn không thể giấu được vẻ cảm động, đôi môi chàng nhạt hẳn đi.

Lạc bước lên, lộng lẫy, khoan thai như một hoàng hậu. Hôm ấy nàng bận toàn một màu trắng xanh. Trên đôi má nàng chỉ phơn phớt một chút hồng… Và tóc mai bay phủ một cách cẩu thả xuống vầng trán. Trong cách điểm trang của nàng hôm nay cỏ vẻ giản dị, sơ sài và chân thật. Thấy Huy, thì nàng cúi mặt, hơi bẽn lẽn một chút. Nhưng một nụ cười hồn nhiên, dễ dãi, đã chạy trên đôi vành môi. Nàng không muốn nghiêm nghị, và không còn muốn thẹn thuồng nữa. Nàng cố bạo dạn lên, và chỉ bạo dạn lên một chút nữa, thì nàng sẽ vượt qua giới hạn của sự bẽn lẽn, và bước sang cái địa phận của sự tinh nghịch, là cái thái độ rất thường của người con gái trước một người con trai. Dẫu muốn mà nàng cũng không thể thốt ra được một câu bông đùa để trêu ghẹo người chồng trẻ của mình, và để giúp mình bạo dạn lên. Nàng vẫn cúi mặt, và rụt rè ngồi xuống giường.

Huy từ nãy cũng không nói gì, và cũng không dám nhìn thẳng vào mặt vợ. Nhưng khi thấy vợ ngồi vào giường mình trước, thì chàng cũng tự nhiên thấy bớt lạ lùng đối với nàng. Chàng nhẹ nhàng bước tới, ngồi xuống cạnh nàng, vẫn ngồi một cách ý tứ, tránh không đụng chạm đến nàng. Hai người vẫn không nói trong một lúc lâu. Rồi Huy là người đầu tiên phá sự im lặng:

− Đợi lâu lắm, không thấy lên. Sao chậm thế?

Chàng nói nhẹ như một hơi thở, và nói một cách trống không. Đáng lẽ chàng phải dùng đến chữ “mình”, là lối xưng hô rất hợp với cảnh vợ chồng, nhưng chàng cho là ngượng nghịu thế nào.

Lạc cũng đáp lại với một cái giọng rất nhỏ nhẻ ấy:

− Đợi các chị ấy về hết đã chứ. Vội vàng thế, người ta cười chết!

− Cười gì chứ! Cô nào rồi chẳng…

Huy không ngờ mình nói được một câu bạo dạn như thế. Và tự thưởng cho mình, Huy nhích lại gần Lạc thêm chút nữa. Chàng vẫn không có cái can đảm đụng vào da thịt Lạc. Nhưng cái cử chỉ tất nhiên ấy, rồi sẽ phải đến. Huy và Lạc cũng đều biết thế, mà vẫn lo sợ, và cảm động…

Bỗng Lạc cảm thấy hình như có một bàn tay đưa qua lưng nàng, và nhẹ đụng đến lần áo… Nhưng Huy vẫn ngồi yên, và đương cố tìm một câu nói thân mật hơn:

− Thật không ngờ, Lạc nhỉ? Lạc có ngờ có đêm nay không?

− Sao lại không? Cái đêm nay, chỉ đến sớm hơn một hôm, Lạc chỉ không ngờ có thế?

− Còn Huy thì chỉ không ngờ rằng: cái đêm nay lại đến chậm mất một giờ.

Lạc ngẩng đầu lên, mỉm cười để xin lỗi Huy:

− Em làm anh đợi lâu lắm nhỉ?

− Tôi đã bảo chỉ mất có một giờ mà thôi!

− Nhưng một giờ có nghĩa gì đâu, với cả một cuộc đời dài để mà sống nữa kia mà!

Lần này, sự sung sướng làm cho chàng thêm bạo dạn; chàng cầm tay Lạc, nắm chặt lấy, rồi lại buông lỏng ra, và mân mê những ngón tay xinh nhỏ ở trong tay mình. Cái đầu của Lạc, từ từ rơi xuống vai Huy, và những sợi tóc phẩy lên trên má chàng, đưa lại cho chàng một thứ cảm giác thanh thú nhẹ nhàng.

Huy bảo Lạc bằng một giọng run run:

− Mình ạ! Huy yêu mình lắm cơ!

Lạc ngẩng lên nhìn Huy, và có vẻ ngạc nhiên:

− Thế mà tôi cứ tưởng mình chẳng yêu tôi đấy! Thế yêu độ chừng nào?

Huy cười:

− Chỉ bằng có một đốt tay này thôi.

− Nhiều thế a?

− Thế còn mình yêu tôi độ chừng nào?

− Em yêu mình bằng… bằng cả một ông giời.

− Ít thế cơ?

Nhưng bấy giờ Lạc đã ở trong lòng Huy … Hình như, nàng đương nín thở và để tận hưởng cái lạc thú đê mê chạy ở trên những làn thịt mát. Đôi mắt nàng, lơ mơ, nhìn một con mối đợi muỗi ở trên trần nhà.

Huy cũng như Lạc, cũng say sưa, vì những cảm giác mới lạ, những cảm giác khó tả. Chàng chỉ thấy khu xác mình đương biến thành vần, thành điệu, và chuyển thành một khúc nhạc.

Như ở trong một giấc mộng, Huy cúi đầu xuống, và đặt nhẹ một cái hôn thanh khiết trên vầng trán tinh nguyên của Lạc. Nhưng cái sức mạnh của cảm giác đã lôi cuốn lấy Huy, và chàng không còn cưỡng lại được nữa. Chàng nắm chặt lấy tay vợ, và đôi môi chàng ngừng lại trên cái má êm dịu, và rít một cái hôn mạnh, làm ghê rởn cả mình mẩy.

Lạc, với một cái giọng hổn hển, bảo Huy:

− Hãy yên! Ngồi dậy, em nói câu chuyện này đã!

− Chuyện gì thế?

Lạc mỉm cười, bí mật:

− Chốc nữa anh sẽ hay.

Lạc đứng dậy, với rót một chén rượu thanh mai đưa cho chồng. Rồi nàng cũng rót nàng một chén, và bảo Huy:

− Uống rượu đi rồi em sẽ nói.

Nốc một hơi, Huy nhìn thẳng vào mắt vợ:

− Chuyện gì mà bí mật thế?

Nàng ghé gần vào tai chồng, nói rất nhỏ. Nói xong, nàng cười bảo Huy:

− Mình hiểu rồi chứ?

Huy cũng cười:

− Chỉ có thế?

− Vâng chỉ có thế.

Hai người lại nhìn nhau. Rồi lại cùng cười. Sự bẽn lẽn giữa hai người bây giờ mới thật tiêu tan. Huy và Lạc mới bắt đầu cảm thấy một sự sung sướng gần gụi, rõ rệt, chắc chắn. Huy đi vặn lại ngọn đèn manchon xuống. Lạc cười bảo chồng:

− Làm gì mà vội thế?

Nhưng cái ngọn đèn manchon chỉ còn là một cái bóng đen. Dưới nhà có tiếng cười khúc khích.

Lạc bấm tay Huy, và mắng yêu:

− Chết! Người ta cười chúng mình đấy. Em đã bảo.

Huy không nói gì, kéo Lạc nằm xuống giường….

Bây giờ là những mẩu chuyện thì thầm − mà không gián đoạn −  những mẩu chuyện kéo dài từ giờ này qua giờ khác, khi nói bằng một cái giọng hổn hển, khi nói bằng giọng vui thích. Hai người suốt đêm không nhắm mắt… Nhưng đến lúc mặt trời chiếu vào buồng, trên nét mặt hai người vẫn một vẻ tỉnh táo, khỏe khoắn và vui tươi, như vừa tỉnh một giấc ngủ ngon.

Nghe tiếng những con chim lạ kêu chí chích ở vườn, Lạc khẽ nâng cái đầu chồng đương kê ở trên tay mình, rồi đi lại ở cửa sổ, ngồi gỡ những mớ tóc không rối chút nào.

Huy cũng đứng dậy theo Lạc. Chàng mở to cánh cửa. Những bông soan đỏ như huyết rung rinh ở dưới ánh nắng trong một vòm trời xanh ngắt, làm lòng chàng hồi hộp. Chàng cảm động, ngoảnh lại ngắm vợ; nhìn những sợi tóc mây, bay theo một hơi gió vườn.

Chàng thì thầm:

− Giá cứ thế này, mãi thế này!

Lạc hỏi lại:

− Anh bảo sao?

− Anh yêu em.

− Chỉ có thế?

− Còn chưa đủ? Thế còn phải nói thế nào nữa?

− Anh còn phải nói là: chúng ta yêu nhau!

Hai người cùng cười.

 

 

***

 

 

Cũng như những ngày đầu tiên của nàng ở nhà chồng, Lạc dậy rất sớm; nhưng sáng ấy, nàng không xuống nhà ngay, là vì nàng mải đùa với chồng.

Khi những con chim sâu đã bắt đầu kêu chi chích ở trên những cây soan, thì nàng khẽ nâng đầu chồng khỏi tay mình, và rón rén đi lại gần cửa song, mở hé hé cánh gỗ. Nàng làm một cách ý tứ, vì sợ nắng rọi vào nhiều quá phá tan giấc ngủ mai của chồng. Cũng như lệ thường, nàng lấy gương lược ra gỡ tóc. Nhưng khi nàng nhận thấy vẻ xờ xạc của mình ở trong gương, thì nàng có vẻ bẽn lẽn, vội ấp gương vào lòng, và nhìn qua cánh cửa hé, mỉm cười…

Nàng vẫn mỉm cười như thế trong một lúc lâu. Bỗng có hai tay bưng kín lấy mắt nàng; nàng gỡ những bàn tay ấy, và sung sướng giữ chặt lấy:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(đường chấm chấm dưới này là do lỗi khi đánh máy, chưa sửa được, không phải dấu hiệu bị kiểm duyệt của văn bản truyện)

 

 

 

− Mình làm em hết hồn! Sao mình không ngủ nữa?

− Vì trong giấc ngủ, anh thấy Lạc đương mỉm cười, mỉm cười một mình. Hình như em tôi có một điều sung sướng, tôi vội vàng tỉnh dậy để cùng chia vui với Lạc…

− Mình nhầm rồi! Nào em có cái gì vui đâu!

− Không, anh thấy Lạc mỉm cười kia mà, anh thấy với đôi mắt tỉnh táo.

Lạc lơi lả ngả đầu vào vai chồng, rồi cười, vừa cười vừa bưng miệng kẻo lo sợ những người ở dưới nhà nghe thấy. Nàng vẫn nhất định không nói. Huy hỏi dồn, và bằng một cái giọng nghiêm nghị:

− Mình định trêu tôi đấy à?

Lạc ngừng cười, ngoảnh lại nhìn Huy có vẻ ngạc nhiên:

− Huy cáu em đấy à?

− Không, nhưng sao Lạc lại không chịu nói cho anh biết?

− Thế anh muốn em nói với anh chuyện gì chứ?

− Cái chuyện làm cho em vui ấy.

Lạc lại lơi lả ngả đầu vào vai chồng và cất giọng lên cười. Rồi nàng khẽ tát yêu vào má chồng, và thủng thẳng kể với một thứ giọng chớt nhả, ngây thơ:

− Chuyện chỉ có thế này: hôm qua em nằm mơ… Em thấy một người thiếu niên, hình như là một người quen, em đã có gặp đâu vài ba bận ở nhà chị giáo Bản, không biết có phải thế không? Nhưng đây là chuyện trong giấc chiêm bao, anh nghe chửa?

− Hiểu rồi! Giao hẹn mãi!

− Em nằm thấy, em tới chơi nhà chị giáo Bản… Bấy giờ trời bức quá, em ra vườn chơi… Ngay ở đầu hè có một cây roi. Ối chào! Sao mà sai thế! Toàn là những quả đã ửng hồng như má các bà tiên… Em thèm quá, để chảy cả nước rãi… Thế rồi…

− Thế rồi, sao nữa?

− Cái gì mà vội thế? Để em nhớ lại xem. Thế rồi, em nhớ như có một thiếu niên…

− Thế người ta có đẹp trai không?

− Hình như cũng dễ coi. Người thiếu niên ấy trèo lên cây roi, hái vất vào bọc áo em không biết bao nhiêu là quả nữa. Rồi người ta xuống đến bên em nói những gì, bây giờ em không nhớ… Rồi không hiểu sao em đưa tay cho người ta dắt… Người ta dắt em, đến một cái rừng mơ… Hình như đây không còn là quê nhà chị giáo nữa. Một cảnh rừng lạ lùng lắm. Nhiều chim quá, hót tưng bừng... Lại có nhiều con sóc, chạy nhắng nhít ở trên cây, ăn những quả mơ, ném vỏ vào mặt em.

− Sóc gì lại ăn mơ?

− Em đã bảo trong chiêm bao mà!

−  Vâng là chuyện chiêm bao, nhưng thế rồi sao nữa?

− Thế rồi, em cứ để cho người ta dẫn đi không biết đến tận chốn nào nữa… Và đến khi có một cái suối chạy qua trước mắt, thì chúng tôi dừng bước. Người ấy muốn em qua suối theo chàng nhưng xem suối không phải cạn, dầu là để lộ những hòn đá to và sạch như mài. Em ngần ngại… Mà chàng thì ra dáng cả quyết lắm. Chàng nói, nói nhiều quá… hình như chàng van xin, kêu cầu. Em trông chàng có vẻ đáng thương lắm. Mà em không hiểu khi qua bên kia suối, thì chàng sẽ đến chốn nào, có lẽ là một chốn hoan lạc mà chàng mong mỏi chăng? Còn em thì được cái phần thưởng nào không? Em không cần nghĩ tới. Những sự giầu sang phú quý có đợi em ở bên kia bờ suối em cũng không thèm. Nhưng em đã nói, em thấy chàng mà thương hại quá. Em không thể…

− Do dự?

− Vâng, em không thể do dự, vì không qua suối với chàng thì em nhẫn tâm quá. Nghĩ vậy, rồi em, vén quần em bước xuống nước. Không hiểu sao chàng có ý để cho em đi trước. Em mạnh bạo bước lên trên những tảng đá trơn như phủ rêu. Nhưng lạ quá, em có cái cảm giác khó chịu rằng: chàng thiếu niên đi sau lưng em tựa nhìn hai bàn chân trắng nõn, xinh xắn của em một cách thèm thuồng. Ồ! Sao em thấy như mặt anh có vẻ sường sượng thế?

− Không, có làm sao đâu?

− Hình như anh… Em đã bảo anh là chuyện trong giấc chiêm bao kia mà.

− Vâng, anh vẫn biết thế. Nhưng mà anh xin em đừng kể nữa.

− Anh vô lý lắm! Để em kể hết. Thế rồi cái cảm giác khó chịu ấy làm em đi không vững nữa. Em chồng chềnh rồi ngã bùm xuống nước và tỉnh mộng.

Nói xong, nàng cười rồ lên, rồi đặt những cái hôn nồng cháy lên trên tóc, trên da thịt chồng. Huy cũng dần dần tỉnh khỏi cơn ghen vô lý như tỉnh khỏi một cơn ác mộng. Chàng ghì chặt lấy vợ, và trả lại những cái hôn nồng cháy hơn… Chàng sung sướng, và say sưa, say sưa vì một thứ hạnh phúc trong sạch thiêng liêng… Chàng không hề muốn rời Lạc ra nữa, và đứng lặng im để lắng nghe sự khoái lạc nhẹ rót vào trong cái tâm hồn yên tĩnh của chàng. Bỗng chàng nghe có tiếng mẹ chàng nói ở dưới nhà, nói với em gái mình:

− Cô Yến đã dậy chưa để tôi bưng nước vào hầu cô!

 Giọng nói đầy mỉa mai và cay nghiệt. Lạc khẽ đẩy chồng ra và không nói gì, thủng thẳng đi xuống thang gác.

Lạc biết rằng cái lời nói ấy, mẹ chồng có ý “nhắn” cho nàng. Và hôm ấy, chỉ mới là cái hôm thứ mười ở trong cái đời làm dâu của mình.

 

 

 

 

 

 

 (đường chấm chấm dưới này là do lỗi khi đánh máy, chưa sửa được, không phải dấu hiệu bị kiểm duyệt của văn bản truyện)

 

 

 

***

 

 

Huy cảm thấy rằng một sự gì đã đi kèm bên cái hạnh phúc của đôi vợ chồng son, và chực phá tan cái hạnh phúc mỏng manh vừa mới nhóm ấy.

“Sự ấy” ngày càng rõ rệt.

Một hôm sau ngày cưới đã hai tháng.

Một hôm trong cái đời buồn tẻ của một ông “viên chức nhà nước”. Vì hết hạn nghỉ −

 

 

 

 

 

 

nghỉ để cưới vợ − Huy đã phải đi làm.

Huy là một thiếu niên mới 22 tuổi, vừa đỗ Tri huyện và bổ ngay tập sự trong tỉnh nhà, ở dinh quan Tổng đốc. Người ta gọi vị thiếu niên ấy là “quan Hậu”; mà vì quá chiều cha mẹ, Huy ngày nay cũng đã biến thành một quan Hậu thực thụ, cũng khăn đen áo dài chỉnh tề, và ngày hai buổi… cũng ngồi chễm chệ trên cái xe nhà để đi tới dinh. Huy đã bắt đầu thấy mình già, và muốn yên phận già. Chàng thấy cả một tương lai nặng nề u ám chắn ngang trước mặt. Chàng soát lại những chí nguyện tuổi thiếu niên, chàng không còn thấy gì nữa. Nhưng bỗng một ánh sáng đến làm rộn ràng ở trong lòng chàng, cả cái tuổi xuân: ánh sáng ấy là cái ái tình của một người đàn bà, của Lạc, vợ chàng.

Uống xong chén rượu tối tân hôn, chàng thấy ở trong lòng chàng đứng dậy lại cái người thiếu niên yêu đời ngày trước. Với những cái hôn nồng cháy, với những lời nói ngây thơ, với những cử chỉ yêu đương, chàng đã trở lại tha thiết yêu đời, tin ở tình yêu, tin ở tương lai, tin ở mình. Nhưng mộng ảo! Cái lạc quan ấy vừa nhóm lên thì bị dập tắt ngay. Chàng đã cảm thấy rằng những ngày tháng thiên đường của mình đã gần tàn như bông hoa quá mùa…

Một hôm…

Cái hôm, trọn đời trọn kiếp, chàng cũng không còn quên được nữa. Hôm ấy là một ngày chủ nhật. Nhà chiếu bóng chiếu phim “Symphonie Inachevée” [a] một phim mà mọi người thiếu niên đều ao ước. Huy cũng muốn mang vợ đi xem. Và là ngày thứ nhất, từ khi cưới chàng định đi chơi với vợ.

Khi được chồng ngỏ cho hay cái ý ấy, thì Lạc vui sướng quá, quên cả những người xung quanh, quên cả cảnh ngộ hiện nay của mình. Nàng toan reo hò lên, thì bỗng một tư tưởng “hãm” nàng lại, rồi sắc mặt nàng dần dần tái xanh. Nàng chợt nghĩ đến một câu chuyện xích mích giữa mẹ chồng và nàng vừa xảy ra hôm qua, trong lúc chồng nàng đi làm vắng.

Huy, thấy vẻ lo ngại của vợ, thì ngạc nhiên, cầm lấy tay nàng hỏi:

− Em làm sao thế? Hình như em không muốn đi với anh chăng?

Lạc tát yêu chồng:

− Không đi với mình thì đi với ai? Nhưng…

− Em nói mau lên.

Nàng ngần ngại không nói hết, nhưng Huy không phải là không cảm thấy sự đau khổ đương đay nghiến tâm trí người vợ.

Lạc cố mỉm cười bảo Huy:

− Nhưng mình đã xin phép mẹ cho em chưa?

− Xin phép rồi.

− Mẹ cho phép chứ?

− Mẹ cho phép.

Chàng đã dối vợ, mà không hiểu sao, chàng lại không nghĩ đến sự xin phép mẹ. Có lẽ chàng cho thế là không cần. Vì chàng một khi đã có vợ, nghĩa là chủ một cái gia đình nhỏ. Ít ra chàng cũng có một quyền cỏn con như thế. Đi xem chiếu bóng, mà còn phải xin phép mẹ, thì còn làm việc gì nữa, mà có thể không xin phép mẹ? Nghĩ vậy, rồi như có vẻ tức giận, chàng bảo vợ:

− Mình sửa soạn mau lên để đi cho kịp giờ. 5 giờ người ta đã bắt đầu chiếu rồi mình ạ!

Huy vội vàng bưng đưa đến tận tay vợ những đồ trang điểm và vui vẻ giục vợ:

− Thưa bà, bà "phấn son” đi cho tôi một chút. Cả tỉnh đương ngóng trông bà.

Lạc đưa mắt trừng chồng:

− Chỉ được cái nói tầm bậy.

Và soát lại những đồ điểm trang, hạch chồng:

− Thế còn ống “sáp” của tôi đâu nữa, mình?

Trong lúc Lạc đứng trước gương gỡ tóc và đánh phấn, thì Huy lục soạn rương để kiếm lựa một kiểu áo cho vợ, một kiểu áo hợp với buổi chiều hè.

Trong cái chồng áo, Huy đã lựa một màu áo tím nhạt, và chàng tin rằng vợ chàng cũng sẽ đồng ý với mình. Huy lấy áo ra, đưa cho vợ, và sung sướng:

− Đấy, tôi đã lựa được cho mình, cái màu áo của buổi chiếu hè rồi đó. Cả thành phố, chốc nữa, sẽ hoan hô em tôi.

Lạc ngừng lược, nhìn chồng, rồi lại nhìn cái màu áo. Cái màu áo tím nhạt ấy như một ngọn gió nhẹ thổi tan hết những sợi mây ám ở trong tâm hồn. Nàng thấy nhẹ nhàng khoan khoái. Nàng chạy lại đặt một cái hôn trên má chồng, rồi thì nàng đứng nhìn chồng mà cười.

Thấy Huy nhìn mình một cách ngơ ngác, Lạc đưa gương lên mặt Huy và bảo Huy ngắm xem:

− Huy không thấy gì à? Dấu vết của một cái hôn. Hình của đôi môi.

Huy ngắm hai cái vành đỏ trên mặt mình, và nũng nịu:

− Không phải là hình đôi môi đâu. Em nhìn kỹ lại xem: chính là hình của trái tim. Em đã vẽ lên mặt anh một trái tim, trái tim em.

Lạc cảm động, nắm chặt lấy tay chồng, không nói gì, rồi im lặng, nàng lấy vạt áo lau cái vết son ở trên mặt chồng.

Hai người vẫn không nói gì, vì cảm động. Cũng như khi ta cầm ở trong tay một cái hoa đẹp quá ta ái ngại cho hoa, sợ hoa chóng tàn, Huy và Lạc lúc bấy giờ cũng có những cảm giác tương tự như thế: trong lúc được cùng hưởng với nhau cái hạnh phúc tuyệt đích của ái tình, hai người cũng đều ái ngại cho mình, nghĩ vơ vẩn đến cái ngày cách biệt lạnh lùng, là cái kết thúc tất nhiên của những tấm tình thiêng liêng và cao quý, Huy nắm chặt lấy hai tay vợ:

− Nếu như một ngày kia, anh sẽ chết trước…

− Không, em sẽ chết trước.

− Thì hãy ví dụ là anh chết trước em.

− Không, thì hãy ví dụ là em chết trước anh.

− Nếu anh chết trước em, thì em sẽ có thể đi lấy một người khác được nữa không?

− Đấy, đã kiếm cớ để mà ghen, ghen hão ghen huyền.

− Em thề sẽ ôm ấp lấy linh hồn anh suốt đời phải không? Vô lý! Một việc không thể nào có được. Một lời thề hão. Em có biết cái chuyện người vợ góa của nhà ngụ ngôn La Fontaine không?

− Biết. Thế làm sao ấy? Hôm nay anh lại đi nói gở thế này! Anh làm em buồn quá.

Hai người lại im lặng, và cảm động vì thấy sự yêu nhau đã đưa hai người đến những mối lo ngại viển vông, những câu nói gở.

Lạc bảo Huy:

− Thôi ta đừng nghĩ đến những điều vô lý ấy nữa. Anh đưa hộ em cái áo em mặc vào để đi, kẻo trễ.

Khi nhận thấy cái kiểu áo quá mới của mình, thì Lạc nghĩ ngay đến cái dư luận mà kiểu áo ấy sẽ khêu gợi ra. Nàng nghĩ thầm: Chà, cái cổ “lá liễu”  này thôi tha hồ cho bà mẹ chồng bà ấy xì xào. Nhưng nàng vẫn khoác áo vào mình như thường và khi cài xong mấy cái khuy, nàng cho là đã “yên chuyện” rồi. Nàng hỏi chồng:

− Cái cổ áo này, anh cho thế nào?

− Đẹp lắm!

− Nhưng có quá mới không?

− Mới cái gì chứ! Ở Hà Nội, và ngay ở đây, các bà, các cô mặc thường.

Nàng lẩm bẩm:

− Ấy có thế chứ!

Sự đồng ý của chồng càng làm nàng vững dạ. Rồi ngắm lại một lần cuối cùng trong gương, nàng theo chồng bước xuống thang gác. Đi được mấy bậc thang, Lạc muốn quay trở lên quá, nhưng mẹ chồng đã nom thấy. Bà nhìn cô dâu từ đầu đến chân, rồi hỏi với một thứ giọng khắc nghiệt:

− Cái này trông đẹp lắm. Anh Huy mới sắm cho chị đấy à?

− Thưa không ạ.

Lạc đáp thay:

− Bẩm, thưa me, áo này con may từ khi còn bên nhà con.

− Có thế chứ!

Lạc hiểu hết vẻ chua chát ngụ trong câu nói cụt ngủn của bà mẹ chồng. Vẫn như chưa thấy hài lòng, bà còn tiếp thêm:

− Bà Phán bên nhà mới lắm. Còn tôi, thì cổ hủ quá, đành cổ hủ như thế mãi.

Nói xong, bà ngoay ngoảy bước qua chỗ khác. Huy và Lạc lẳng lặng đi ra ngõ. Và từ đấy, mỗi người đấy, mỗi người theo một ý nghĩ.

Đến cửa nhà chiếu bóng, Lạc không thấy mình có hứng thú gì vào xem nữa. Nàng cố vui vẻ nói với chồng:

− Giời hầm thế này, vào xem cũng khổ. Hay là ta đi ra phía đồng ruộng để hứng gió mát?

Rồi nàng lại nói tiếp như dằn từng tiếng một:

− Em cần ra chỗ thoáng khí, dễ thở một chút! Ở trong nhà anh, em thấy khó thở lắm rồi.

Huy hiểu một cách rõ rệt cái ý chán chường của vợ, để lộ trong câu nói ấy. Sự xích mích giữa bà gia nàng dâu, cái tấn kịch bất tuyệt ấy, đã bắt đầu diễn lại trong gia đình chàng. Huy cũng chiều vợ đi ra đồng ruộng. Thấy những con cò trắng bay liệng trên đám mạ xanh, hay nghe những con chim bồ câu gáy ở trên bụi tre, hai người trầm trồ, chỉ trỏ và reo hò một cách vui sướng. Nhưng cái vui ấy cũng chỉ là giả dối mà thôi. Một cái buồn nặng nề đã len vào trí hai người.

Nằm nghênh ngang trên bờ đường, Huy ngửi thấy mùi cỏ thơm phức, chàng không còn thấy thanh khoái như mọi lần, những lần sau giờ tan việc, chàng lên đấy để hứng một chút gió mát. Thấy vợ ngồi thừ ra, bối rối không tìm được một cớ thực thà để cùng vui, chàng thấy thương hại, và cảm thấy rằng cái cảnh làm dâu khe khắt của nàng, chỉ làm cho cái ái tình của nàng đối với mình càng thêm nồng đượm mà thôi. Nhưng chàng không thể vui hưởng một cái hạnh phúc như thế được, cái hạnh phúc ích kỷ của mình, kiếm bởi sự hi sinh đau đớn của người khác, nhất là người ấy lại là vợ mình.

Chàng lắc đầu, và nghĩ thầm : Không, không, ta phải thu xếp cho xong những việc rắc rối ấy. Rồi chàng quay lại phía vợ, cầm lấy tay:

− Hình như mình đau khổ lắm. Mình nói đi.

Lạc cười, cố cãi lại:

− Không, em không đau khổ. Nếu có, cái lòng yêu thương của anh cũng đủ an ủi em. Nhưng em chỉ muốn hỏi anh một điều là ta, một khi ta đã thành một gia đình, sao ta lại không có quyền ở riêng?

− Không hiểu sao, anh không bao giờ nghĩ tới điều đó.

− Không, anh phải nghĩ tới điều đó.

Hai người lặng im. Hồi lâu Huy mới lại nói:

− Thế em mới khó chịu về me anh lắm phải không?

− Không khó chịu lắm. Nhưng em chỉ ước có một cái nhà riêng, nhà của chúng ta, nhà của em để em có thể sửa soạn, trưng bày theo ý riêng của em. Em vừa làm xong mấy cái rideau, và mấy cái abat-jour,[b] nhưng em nghĩ không biết dùng vào việc gì. Vì ở cái nhà hiện chúng ta đương ở, em cảm thấy như là, xin lỗi anh, như là một cái quán trọ của em. Em mắc những thứ ấy lên, nhỡ những người khác không bằng lòng thì sao?

− Em hỏi thế, chứ anh biết em không muốn ở cái nhà này, là vì một cái cớ khác, một cớ chính đáng hơn.

− Chính đáng hơn? Anh bảo thế?

− Chúng ta có quyền thuê một cái nhà riêng mà ở, mà ta sẽ là chủ, ta sẽ sống theo cách của ta, trong cái quyền hạn của ta.

Lạc reo hò lên:

− Ồ khá đấy! Mình cũng biết nghĩ thế à! Để em thưởng cho mình một cái hôn.

Huy vui mừng như một đứa trẻ con, rồi chàng gọi những đứa trẻ chăn trâu lại, và lấy xu ra phát cho chúng. Những đứa trẻ không hiểu gì, nhìn cái sung sướng của hai người, với đôi mắt ngạc nhiên.

 

 

 

 

 


 

CHƯƠNG THỨ II

 

Thanh Hóa, ngày 6 tháng 6…

Anh Thư,

Đã nhiều lần, tôi biên thư cho anh, mà không biết chỗ ở của anh ở đâu.

Tôi không trách anh điều ấy, anh không phải là hạng người có một nơi ăn chốn nằm nhất định. Cái cao quý và có lẽ hạnh phúc của anh ở chỗ đó.

Những bức thư viết cho anh, tôi đành bỏ riêng vào một cái hộp, ngoài cái hộp ấy tôi đề tên anh. Những người khác coi đến tưởng lá thư anh gửi về, nhưng thực ra chỉ là những lá thư viết cho anh mà không bao giờ gửi.

Hôm nay, tôi có được người cho hay cái địa chỉ của anh, tôi mới đưa cái hộp ấy ra soát lại. Tôi đếm cả thẩy được mười cái. Tôi định gửi cả cho anh trong một phong bì. Và như thế, anh có thể hiểu được cái quãng đời của tôi, từ khi vắng anh. Nhưng khi tôi đọc lại tôi đã đốt đi đến 4 cái. Anh không cần hỏi lắm xem tôi nói gì trong những bức thư ấy. Tôi chỉ đáp vắn tắt cho anh rõ là tôi đã đốt đi cái chí nguyện của tôi, cái chí nguyện to lớn mà tôi muốn phơi bày với anh.

Tôi gửi lại 6 cái mà 6 cái thư ấy nói gì, anh sẽ biết. Anh coi ngày tháng ở trên những bức thư, cũng có thể đoán biết được rằng: sau cái thư ấy là viết vào hồi sau này, trong lúc sự buồn nản đã chiếm cứ và chia sẻ tâm hồn tôi. Anh đọc xong, nếu có cảm tưởng gì, anh cũng đừng viết cho tôi. Vì rồi đây, tôi cũng như anh, một con chim không tổ, một con chim tìm những quãng trời trong sáng giữa những ngày âm u hay bão táp.

Bạn anh

Huy

 

 

 

Huế, ngày 12 tháng 1…

Anh Thu,

Hôm nay tôi cho anh hay một cái tin lạ: tôi đã đỗ Tri huyện.

Sau khi nghe người ta tuyên đọc những người trúng cử, độ hai giờ đồng hồ, thì tôi vội đến một khách sạn, đóng chặt cửa buồng lại để biên thư cho anh. Nếu cái thư này mà đến tay anh, thì chắc là chỉ trong ba hôm, anh sẽ gửi điện tín về “phân ưu” với tôi, và có lẽ anh sẽ lựa tặng tôi một thứ hoa gì để mỉa mai cái vui của tôi, chẳng hạn là cái thứ hoa mai trắng mà xưa kia anh đã mua viếng một người bạn chết.

Tôi cũng không nghĩ khác anh. Cái người thanh niên hăng hái ở trong tôi, với cái chí nguyện to tát của hắn đã chết rồi… Một ông Tri huyện 22 tuổi! Anh nghe chưa!

Một ông huyện 22 tuổi. Đối với cái xã hội ta, với cái tuổi ấy có lẽ cũng không sớm để mà khoác vào mình cái áo dài, đội lên đầu cái khăn đen, và để cho người ta gọi mình bằng “quan”.

Ngày mai, ngày kia có lẽ tôi sẽ mặc cái áo thụng xanh, và theo những ông đồng nghiệp tí hon của tôi, vào triều để “bái mạng”. Tôi không nói đùa đâu! Sự thực đấy. Lúc bấy giờ thì thật là dở khóc dở cười; muốn tìm cho một cái cớ để an ủi mình, để miễn lỗi cho mình, cũng không thể nào được.

Tôi đã nói với anh – mà chẳng phải một lần – tôi đã nói với anh rằng: người thiếu niên Việt Nam sinh vào cái thời đại này là một sự may mắn, vì được thấy trước mắt trổ ra trăm nghìn ngả đường. Biết bao việc, mà lại những việc cần kíp để cho ta dùng vào đấy, cái tài lực và cái tâm trí của ta. Ở nước khác, những người như bọn ta, có lẽ muốn cũng không biết làm gì, có thể làm được gì? Nhưng ở nước ta, thì tự nhiên thấy mình là một phần tử quan trọng; và bao nhiêu công việc còn chờ mình xốc vác. Vì ở đây, tôi đã nói nhiều lần, ở đây cái gì cũng cần phải làm lại, từ cái lưỡi cày đến cái ngọn bút, từ cái nghề tưới nước trồng cây đến cái nghề viết văn, in sách, ở đây, cái gì cũng cần có tuổi trẻ, có sự hăm hở của tuổi trẻ.

Thế mà giữa cái tuổi 20, tôi đã tự thú sự bất lực của mình, và giam hãm mình trên một con đường không tương lai, con đường chết.

Chắc có người sẽ cãi lại, người ấy cố nhiên không phải là anh, họ cãi lại rằng:

“Làm quan cũng là một nghề, và ta không có quyền khinh một nghề nào hết. Nếu anh là một kẻ tài trí có lòng tốt, thì anh cũng có thể giúp đời, giúp dân trong cái chức vụ ấy: anh có thể giúp dân mở đường, mở trường, dạy dân biết thêm một chút thường thức ngày nay, chẳng hạn anh có thể chỉ bảo hộ họ cách ăn ở cho hợp vệ sinh hơn…”

Lời nói ấy mới nghe qua thì hình như có lý lắm. Nhưng sau khi đã nghĩ kỹ, thì ta chỉ thấy là một cái lý mỏng mảnh, ta chỉ có thể vin vào đây để tự an ủi cho mình. Chứ thực ra, một khi đã bước vào hoạn lộ, là lạc lối, ta không còn tìm ra con đường của tuổi trẻ nữa.

Trước hết, làm quan là gì? Là phải lo “ăn khớp” với cái vòng khuôn ấy, nghĩa là phải bỏ cái bản sắc của mình đi, để cho dễ giống những người khác. Mà những người khác đó ra thế nào? Mỗi buổi chiều anh chỉ dạo qua cầu Trường Tiền ở Huế một vòng, anh sẽ hiểu họ, biết họ một cách dễ dàng. Họ là những con vật ngồi khúm núm hay chễm chệ trên những cái xe nhà bóng nhoáng. Hãy nhìn kỹ họ, nhìn thẳng vào đôi mắt họ, xem họ muốn gì không, và trên vầng trán của họ, cố tìm lấy một cái dấu hiệu của tuổi trẻ. Ta sẽ lắc đầu mà than rằng: “Những người ấy không bao giờ có tuổi thanh niên. Niên kỷ không thể phân biệt được họ: ông quan 20 tuổi, với một ông quan 50 tuổi, cũng có những bộ tịch, những dáng điệu, những ngôn ngữ tương tự nhau. Họ giống nhau hơn những người lính ở trong một hàng ngũ. Và một khi ta đã nhảy vào cái hàng ngũ ấy, ta đừng có ý nghĩ viển vông ngỗ nghịch là làm khác những người đồng nghiệp. Ta đừng có hòng làm việc này việc nọ, và cai trị người dân theo cái ý muốn của ta, nghĩa là làm cho người dân khôn biết lên, đưa lại một chút ánh sáng nào trong tâm trí họ, trong hoàn cảnh họ. Như thế, sẽ có người đứng bên anh, để hò anh lại, và bảo cho anh biết rằng: anh đi ra ngoài cái nghĩa vụ của một ông quan tốt. Nếu anh cứng cổ, anh sẽ như một miếng sắt gắp ra khỏi lò bác thợ… Lúc ấy, anh sẽ tỉnh ngộ và tự nói: “Ta đã đi lạc đường rồi”. Nhưng bấy giờ anh đã cách xa con đường cũ, cách xa lắm rồi. Và tuổi thanh niên anh đã qua rồi, mà không ích gì, ích cho người, cho mình.

Anh Thu à! Tôi bước vào con “đường quan” này, trí tôi minh mẫn như thế đấy, nhưng tôi cứ bước, hình như xô đẩy bởi một sức mạnh…ghê gớm thiêng liêng. Anh có biết cái sức mạnh đẩy sau lưng tôi nó ra sao? Nó là Cổ truyền, nó là Đạo giáo, nó là Gia phong. Tất cả sự hùng cường oanh liệt của quá khứ, cái quá khứ mê muội cả dân tộc. Cha mẹ tôi chỉ là một kẻ đáng thương hại. Họ chỉ biết có: Con. Và con, họ chỉ thấy một con đường: làm quan. Làm quan để vinh thân mình và rạng rỡ cả nhà, cả họ.

Cả tấn kịch chỉ có thế. Mà tôi đau khổ cũng chỉ vì có thế. Lúc đi thi, tôi đã hết sức cẩu thả trong văn bài, nhưng khi yết bảng, tôi lại thấy tên tôi trên bảng. Anh cũng hiểu: nhà tôi là một nhà đại phú. Tiền bạc muốn gì được nấy. Trong 2 giờ nay tôi đã là một ông quan rồi… khi tôi viết xong cái lá thư này cho anh, và tôi sẽ mở hé cửa buồng này ra, tôi sẽ thấy đổ ập vào đây, những bạn bè, bà con xa gần của tôi, họ đến để chúc mừng tôi khen ngợi tôi. Họ là những người có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp đến sự làm quan của tôi: họ chờ một chút thơm lây.

May ra cũng có một vài kẻ ghen ghét, ganh tị, với cái địa vị cái chức phận của tôi mà họ hằng ao ước. Nhưng khó lòng kiếm được một người khinh tôi. Chỉ có anh, nhưng anh thì xa rồi. Cái thư này, tôi viết ra, chắc gì tôi đã tìm ra chỗ ở anh mà gửi.

Bạn anh,

Huy

 

***

Thanh Hóa, ngày 13 tháng 2…

Anh Thu,

Tôi đã đi làm được hai tháng rồi. Người ta chưa bổ tôi ngay, còn để tôi làm tập sự ở dinh Tổng đốc. Người ta gọi tôi là quan “hậu”. Bây giờ tôi mới hiểu sao cụ Phan Châu Trinh, cụ Ngô Đức Kế ngày xưa không thể rốn ở lâu trong quan trường. Chỉ nghe lọt được một mẩu chuyện của họ trao đổi cho nhau, cũng đủ cho mình chán chường và khó chịu. Cố nhiên toàn là những sự thăng thưởng cao thấp của người đồng sự, hay tính nết khó dễ của một vị quan trên. Chỉ có thế. Nhưng dần dần rồi tôi cũng thấy quen với những sự khó chịu ấy. Đó là một cái triệu chứng rằng tôi có thể trở nên một ông quan, một ông quan “tốt”…

Cho đến một hôm, tôi ở dinh về, tôi đi ngang qua một cái bãi đá bóng. Cái bãi này là chỗ trước đây mấy tháng, tôi cùng nhiều bạn ra đấy tập dượt; bình sinh tôi rất ưa đá bóng nhưng từ khi đã là một ông quan rồi tôi không bao giờ có hứng thú chơi cái môn thể thao ấy nữa. Nhưng hôm nay, thấy các bạn tôi nô đùa ở trên bãi cỏ, thì tôi không thể cưỡng với cái hứng thú của tôi. Không bao giờ tôi thấy khát khao, thèm muốn, được cử động như thế. Thế rồi, tôi bảo thằng kéo xe của tôi, ngừng lại. Tôi chạy ùa vào giữa bãi… Tôi xen lẫn vào giữa những người khác, giành cướp quả bóng, để đá tung lên trời. Được chạy ngược lại với chiều gió, tôi thấy khoái trá vô cùng, và tâm hồn tôi thích thảng như được tắm gội trong một luồng nước nguồn. Rồi đến khi mệt lả, tôi nằm lăn xuống cỏ, và thở cái không khí thơm tho của bãi rộng. Tôi muốn kêu lên một tiếng thật to: “Tôi đã sống! Tôi đã trở về với sự sống”.

Lúc tôi về nhà, thầy tôi lên giọng nghiêm khắc đàn hạch tôi.

Thì ra, me tôi lúc bấy giờ đi chơi ngang qua bãi thể thao, thấy tôi nô đùa với những bạn khác, về thuật lại cho thầy tôi nghe. Tôi không ngờ thầy me tôi bất bình về cái cử chỉ ấy của tôi đến thế, cái cử chỉ ấy theo thầy me tôi có thể làm tổn hại đến danh gia, đến địa vị của của tôi là một ông quan. Đại ý thầy tôi mắng tôi:

Con không biết những người chơi đùa như thế, nếu không phải là đồ du thủ du thực, thì cũng là những đứa trẻ tuổi mất dạy. Chứ con đây đã đường đường là một ông quan, sớm chầy thì rồi con cũng là một ông Huyện, quan trên trông xuống, người dưới trông lên, thể diện một vị cha mẹ dân, con phải gìn giữ trước chỗ công chúng chứ! Con hãy nghĩ xem, khi con chơi mệt, bồ hôi bồ kê ướt đầm đìa, quần áo lại lấm bẩn, lúc bấy giờ dân sự trông thấy, họ sẽ nghĩ thế nào? Hôm qua, còn được, mà hôm nay, không thể được nữa rồi. Con nhớ luôn rằng: “Con đã là một ông quan. Chỗ nào, lúc nào, con cũng phải giữ thể diện một ông quan”. Mà sở dĩ con ngày nay nên ông nên bà, nên danh nên giá cũng là nhờ phước nhà. Con làm điều bậy bạ, con xấu hổ một phần, cha mẹ con xấu hổ mười phần.

Anh Huy cái luận điệu ấy anh nghe có xuôi tai không? Thế mà tôi đã phải nín thinh không hề cãi lại một lời nào. Tôi biết phận tôi lắm: phận một đứa con. Mặc dầu người ta đã lấy hết cả cái quyền sống của tôi, cái quyền sống về tinh thần và cả cái quyền sống về vật thể. Tôi không được đá bóng nữa, một môn thể thao mà tôi ưa thích! Chỉ vì cái lẽ tôi là một ông quan. Tôi tự hỏi người ta vin vào cái lý thiêng liêng nào, và người ta nhân danh ông Thượng đế nào để ngăn cấm tôi làm một kẻ thanh niên, với tất cả những cái ham muốn của mình? Điều ấy, làm cho tôi buồn rầu quá, đau đớn quá.

Nhưng không vì thế, tôi kém phần yêu thương thầy me tôi. Với cái hy sinh ấy, tôi tìm một cái nghĩa cho những ngày còn lại của tôi.

Thầy me tôi sung sướng biết bao khi thấy tôi biết hy sinh cái tuổi trẻ của tôi. Tôi hứa sẽ trở nên một ông “cụ non”, thày me tôi muốn thế. Và ruồi bay vào mặt tôi, tôi sẽ bảo nó: “ Ngươi cứ đậu vào mặt ta”. Như thế thầy me tôi sẽ được hài lòng lắm, khen tôi là một đứa con hiếu thảo, và mấy kiếp tu thân tích đức mới được một đứa con như thế.

Chào anh,

Huy

***

 

 

Thanh Hóa, ngày 20 tháng 3…

Anh Thu,

Tôi đã sắp lấy vợ rồi. Cũng như xưa kia, tôi để mặc cho người ta sử dụng cái cuộc đời của tôi. Tôi tin rằng: sự lấy vợ của tôi cũng chỉ đưa thêm một chút lạnh lùng vào cái đời quá lạnh lùng của tôi mà thôi. Người vợ của tôi, dầu là kẻ thế nào, cũng khó lòng ấp ủ được cái tâm hồn quá nguội lạnh của tôi.

Tôi có ngờ đâu: người vợ sau này của tôi đã đưa lại cho tôi một chút hăm hở của tuổi trẻ. Tôi muốn yêu đời như xưa, và như xưa, tôi mở rộng cõi lòng cho những mơ mộng… Đó là một điều lạ: tâm hồn tôi nở lại, và tươi vui, và tưng bừng như một cảnh hồi xuân. Cái cảnh hồi xuân ấy đưa lại cho tôi bởi một người đàn bà. Khi tôi viết cái thư này cho anh, người vợ chưa cưới của tôi cũng ngồi thêu ở cạnh tôi, chốc chốc tôi ngẩng lên nhìn nàng, nhìn một cách chăm chăm đến khó chịu. Nhưng tôi vẫn không hiểu nàng đã cảm tôi bởi một sức mạnh nào. Tôi nhìn đi và nhìn lại: chỉ thấy nàng là một người đẹp. Chỉ thế thôi. Nhưng có lẽ thế là đủ lắm rồi. Với cái sắc đẹp ấy nàng đã cảm hóa tôi thành một người khác. Ở đây không phải là chỗ tôi ca tụng sắc đẹp như kiểu các nhà thi sĩ. Nhưng tôi phải nhận một sự thực: không cần có điều kiện gì khác nữa, một người đàn bà đẹp trong phút giây đã có thể trở nên một người thân yêu nhất trong đời ta. Đó là một sự mầu nhiệm mà người ta không bao giờ khám phá ra được.

Lạc, người đàn bà ấy, hôm tôi mới gặp lần đầu, và chưa cần đợi nghe nàng thốt ra một tiếng nói đầu cùng, tôi đã cảm thấy rằng mình đã là người chồng chưa cưới của nàng. Hình như nàng với tôi đã có cái duyên nợ với nhau, đã ràng buộc với nhau tự kiếp nào, và kiếp này, chúng tôi chỉ có ăn khớp lại với nhau, dưới sự dàn xếp đưa đẩy của một sức mạnh mầu nhiệm, một sức mạnh ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Tôi thường bảo anh: “Chỉ có cái định mệnh duy vật” là có thực, và đáng làm cho người ta lo ngại mà thôi. Còn ngoài ra không còn một sức mạnh thần bí nào chi phối, định đoạt đời ta được. Ấy thế là vì thuở ấy, tôi chưa được gặp một người đàn bà nào cả. Vì khi gặp một người đàn bà rồi, ta sẽ thấy một cách dễ dãi rằng: người đàn bà ấy không phải bao giờ cũng đưa đến cho ta bởi một lí do về kinh tế, hay bởi một lí do về sinh lí.

Chúng tôi gần gụi nhau, rồi trìu mến lấy nhau, chúng tôi không biết rõ là theo cái nguyên do nào, nhưng chắc chắn là những điều kiện về kinh tế hay sinh lí không có quan hệ gì trong cuộc ái tình của chúng tôi cả.

Anh tha lỗi cho sự thuyết lí dông dài của tôi, và hãy tin rằng: dầu có những ý kiến bất đồng với anh, tôi vẫn là một người bạn thiết của anh. Những ý kiến ấy sẽ làm cho anh ngạc nhiên lắm, tôi biết anh bây giờ cũng như bao giờ vẫn là tín đồ hăng hái của duy vật chủ nghĩa.

Thôi nói mãi, chỉ làm cho anh thêm khó chịu. Chào anh và tin cho anh hay rằng: đến ngày 12 tháng 5 này, thì thầy me tôi định làm lễ cưới cho tôi. Ngày ấy, tôi tin rằng sẽ là cánh cửa mở tưng bừng vui vẻ, mà trong ấy, người ta tận hưởng cho đến cái rung động cuối cùng của sự sống…

Kính thư

Huy

 

***

 

Thanh Hóa, ngày…

Anh Thu,

Anh không tin? Vâng tôi biết anh không thể nào tin được một điều kỳ lạ như thế, dầu là một sự thực phải công nhận, ai cũng phải công nhận.

Anh chỉ có thể biết một người đàn bà yêu một người đàn bà, bởi vì người đàn bà ấy hoặc giả là có những tư tưởng, những quan niệm về thời đại, về nhân sinh giống anh, hoặc giả là cùng chung một cảnh ngộ, một số phận, một giai cấp với anh, nghĩa là những nạn nhân của một chế độ hiện hành, hoặc giả nữa là có một điều cần như anh: tình dục, cái tình dục mà anh vẫn thường ca tụng một cách chính đáng.

Không, tôi cũng như anh, có thể yêu một người đàn bà như thế đấy, nhưng như thế, tôi tưởng thương nhiều hơn là yêu. Mà khi nói thương tức là có sự gượng gạo, sự bắt ép. Còn tôi yêu Lạc, người vợ của tôi đây là vì lẽ gì? Tôi chẳng có những lẽ ấy ở trong ái tình của tôi. Cái ái tình mà tôi có được, đã gây tạo ra, chỉ với một khoảnh khắc. Trong lúc tôi cảm thấy rằng linh hồn tôi sẽ dính dấp với linh hồn nàng cùng rung động theo một nhịp muôn năm, lúc ấy, tôi quả không nghĩ đến những điều khác, nhất là những điều tôi vừa mới nói đó. Tôi không cần tự hỏi, nói cho đúng tôi không kịp hỏi xem nàng có phải là người đồng chí của tôi, nàng có ở chung một cảnh ngộ với tôi không, nàng có giầu không hay là nghèo nàn thanh bạch như ý sở nguyện của tôi. Tôi không xin nàng một điều gì giống tôi cả. Hoặc sau này những điều ấy là cần, cần cho sự sum họp của chúng tôi, cần cho cuộc đời công cộng của chúng tôi, cần cho cái hạnh phúc lâu bền của chúng tôi, nhưng bây giờ chúng ta hãy khoan nghĩ đến những điều ấy đã, hãy giữ cho ái tình cái vẻ thuần túy trong sạch của nó. Anh có muốn cho tôi là một người thế nào thì muốn, một kẻ thần bí, hay là một kẻ “không tưởng”, tôi vẫn tin ở sự nhận xét của tôi, tin ở cái kết quả của sự nhận xét ấy. Và tôi không do dự gì mà không dám nói rằng: Ái tình thuần túy là một sự thực nó đến ở lòng ta trước mọi điều khác, và nó đã cho ta một cái rung động mầu nhiệm, cho ta một khoảnh khắc thiêng liêng mà trong ấy, ta đã hưởng đến cái tột cùng của sự sống. Cái khoảnh khắc ấy, cái cảm giác ấy, tôi không muốn đánh đổi cho một thứ bảo vật gì khác, dầu là bao nhiêu cái kho tàng ở trên quả đất.

Trước kia, tôi đã tự nguyện là một kẻ chiến sĩ xã hội. Rồi bao nhiêu cái chướng lực mà anh đã biết, làm cho tôi phải ngã một cách đau đớn, tuyệt vọng… Bây giờ đây người “chiến sĩ” ở trong mình tôi, như muốn đứng dậy, sắp đứng dậy. Cái sự phục sinh ấy, tôi tin là nhờ ở cái thần lực của ái tình… Ái tình của một người đàn bà… Chào anh và mong anh lượng thứ những tư tưởng đó mà có lẽ anh cho là ngang trái lắm.

Huy

 

***

 

Thanh Hóa, ngày  14 tháng 5…

Anh Thu,

Lạc là vợ tôi đã hai hôm nay rồi. Những ngày tân hôn cho tôi cảm giác mơ hồ là đương ở một cõi nát bàn mà Đức Phật thường hay ca tụng để gợi lòng thèm muốn của chúng sinh. Tôi phải thành thật mà nhận rằng: Ái tình là sự siêu độ. Nó đưa người ta đến những bến ước nguyện cố nhiên không phải là những “bến mê” vì nó là ánh sáng. Vợ tôi đã đưa lại cho tôi một chút ánh sáng, cái thứ ánh sáng xưa kia đã chói lọi tâm hồn tôi, cái thứ ánh sáng làm cho người ta vui nhìn những cảnh khả ái của vũ trụ, và những cảnh đời xán lạn ở trước mắt. Không bao giờ tôi tin ở tôi, tin ở sự sống, tin ở mục đích của sự sống bằng lúc bây giờ. Sống là hành động, lẽ ấy cố nhiên. Nhưng phải hành động trong sự yêu đương. Sự yêu đương ấy bắt đầu từ một người đàn bà, rồi sẽ lan ra những người khác.

Anh chưa qua những giây phút như tôi, nhưng nếu anh còn cho tôi là bạn anh, thì tôi xin anh phải tin rằng: những lời tôi nói đây là hợp đúng, và thành thực như những lời nói trong kinh Thánh. Một ngày kia, anh sẽ hiểu tôi vậy, cái ngày anh yêu một người đàn bà. Ngày đó, anh sẽ yêu những người khác, hơn bây giờ nữa và tin ở đời, nhiều hơn bây giờ nên… Vâng, chiều ý anh, tôi cũng nhận ra rằng, khi tôi cầm tay một người đàn bà, một chút ít tình dục, như làm rạo rực, làm xao xuyến cả tâm hồn tôi. Nhưng nó vẫn là một điều phụ, đến để đượm thêm tình yêu mà thôi, nó không phải là tất cả…

 

***

 

Thanh Hóa, ngày 8 tháng 8…

Anh Thu,

Viết thư cho anh, đối với tôi, cũng giống như là việc viết nhật ký, cốt ghi chép lại những điều mình cảm giác, điều mình tưởng, điều mình sống hằng ngày. Vì những bức thư ấy có bao giờ đến tay anh. Tại sao, anh  phải rõ hơn tôi… Biết thế mà tôi vẫn cứ viết, coi đó là như là một cái thú độc nhất của mình.

Nhưng đã ít lâu nay, quản bút đối với tôi nặng nề quá. Vì sức lực của tôi đã suy kém nhiều lắm. Tôi đã mất cõi thiên đường. Những ngày thần tiên ấy đã héo tàn hết rồi, không để lại một dấu vết. Dần dần tôi thấy mình rơi ngã trước một thực tế chua cay, độc ác. Tôi đã trở về với cái tầm thường vô vị của cuộc đời.

Trước kia sự làm quan đã giết tôi, thì bây giờ sự hôn nhân của tôi lại giết tôi một lần nữa. Tôi đã hai lần chết. Lần thứ nhất, là cái chết của tuổi thiếu niên với bao nhiêu cái chí nguyện của nó. Lần thứ hai, là cái chết của ái tình, chết bởi sự đè nén, áp bức của những người khác. Than ôi, những người khác đó lại là cha mẹ, nghĩa là những người đáng lẽ chỉ muốn một điều: hạnh phúc của tôi. Hạnh phúc đó đã bị đe dọa, đến nay thì đã tan tành. Người đàn bà tiêu biểu cho ái tình của tôi, người đàn bà cho tôi hạnh phúc, người vợ tôi đó, bây giờ ở trong gia đình tôi là một sự ngang chướng, một sự khó chịu, một cái đinh trước mắt. Người vợ thân yêu của tôi bây giờ, ở trong gia đình tôi, là một cái mồi ngon cho những sự ganh tỵ, cho những sự tàn nhẫn độc ác.

Cái tấn kịch đau đớn, cái tấn kịch khốn nạn đã bắt đầu kéo màn. Nó là cuộc xung đột làm hao tổn biết bao giấy mực, biết bao nước mắt, nhưng không bao giờ ngừng. Cuộc xung đột ngấm ngầm đã mấy thế kỷ, mới rõ rệt trong thời đại của chúng ta, không biết đợi đến bao giờ mới kết thúc để đưa lại sự yên vui cho những gia đình?

Ta hãy dàn ra hai bên kia trận thế. Bên này là những bà mẹ, bên kia là những bà vợ. Và chiến trường chính là tâm hồn của ta vậy. Ta là ai? Là một thanh niên từ 15 - 17 tuổi đến 25 - 30 tuổi; một bọn thanh niên không bao giờ được sống cái đời của mình, và chỉ sống theo ý chí của cha mẹ. Họ đã bảo ta lấy vợ. Ta đã lấy vợ. Họ bảo ta yêu vợ. Ta đã yêu vợ. Họ bảo ta ghét vợ. Ta đã ghét vợ. Họ muốn gì nữa, mà ta không nghe theo? Nhưng sau một cuộc đời thanh xuân (?), ta còn lại những gì? Còn lại một nhóm ngày tàn vô bổ, khô héo, mà tâm chí ta đã tan như hạt muối trong đĩa.

Tôi có ngờ đâu tôi tỉnh ngộ sớm thế. Và tôi đã chứng thực một cách rõ rệt cái cảnh ngộ mà hiện nay tôi đang quay cuồng. Tôi đương bị giằng co giữa hai sức mạnh, hai tình yêu. Hai tình yêu ấy than ôi! Chỉ là hai ngọn lửa. Tôi thiên về bên nào, cũng sợ bị cháy lém. Vợ tôi yêu tôi, mà mẹ tôi yêu tôi hơn. Nhưng có cách nào gì để điều hòa được hai cái tình yêu đó không? Tôi cho đó là một điều khó khăn trong những điều khó khăn nhất ở trên đời.

Tôi nghĩ đi nghĩ lại, duy chỉ có một cách là tự mình trốn ra khỏi trận địa. Tôi là cái cớ và cái đích xung đột của hai bên, nay là cái cớ và cái đích ấy không còn nữa, thì sự xung đột tất phải hết.

Như xưa, tôi sẽ không có quyền nói đến ái tình nữa. Và hạnh phúc, tôi sẽ tìm ở chỗ khác vậy. Bỏ gia đình, cái ngục thất của tuổi trẻ đó, tôi tưởng cũng đủ cho tôi ung dung và sung sướng.

Huy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG THỨ III

Cái ngày buồn bã nhất của Huy, có lẽ là cái ngày Huy được tin mình được bổ Tri huyện Thạch Thành. Không hiểu làm sao cái sự đi làm quan đối với chàng có một ý nghĩ chua chát thế. Cõi lòng như thắt lại khi được cái tin vui mừng hay là sầu thảm ấy.

Đã có lúc chàng tự nói một mình: “Nếu mà nước Nam cho ra một nước, xã hội An Nam là một xã hội tốt lành, thì làm quan, là một điều vinh dự biết bao. Ai là người chẳng thèm muốn cái địa vị cao quý ấy để mà có chỗ sử dụng thân mình, đời mình, tài trí mình. Vì làm quan khi đó, sẽ là một nghề tối quan hệ đến người dân, đến xã hội, một ông quan sẽ là một công bộc có thể giúp việc đắc lực hơn hết cho sự tiến bộ của nước. Nhưng làm quan trong thời kỳ này, trong tình thế này chỉ là phụng sự một lý tưởng đồi bại, chỉ giúp thêm sự thối tha, sự mục nát cho xã hội. Một cái bánh xe nguyên vẹn, tốt lành trong một cái bộ máy hư hỏng, thì cũng là một điều xa phí vô ích mà thôi”.

Huy ví mình như một cái bánh xe còn tốt lành ấy, và đã bị dùng sai, và cam phận mình một cách vô lý, nhục nhã. Chàng không hiểu sao mình có thể ở lâu trong cái bộ máy ấy được. Chàng cho là một sự kỳ lạ. Và chàng ngạc nhiên vô cùng.

Mấy tháng trời ở trong hoạn giới, Huy cho là dài đằng đẵng một đời, một kiếp.

Với cái tư tưởng nặng nề ấy, chàng trở về nhà, chàng định giấu không cho ai biết cái tin mừng ấy. Nhưng cha mẹ chàng đã biết trước. Không bao giờ chàng thấy cha mẹ chàng hỏi han một cách niềm nở và âu yếm thế, khiến cho chàng phải tự nghĩ: “Giá mà được như thế này mãi thì ta cũng ráng ở lại ít lâu tại cái nhà ngục này!”

Cái vui mừng của gia đình biểu lộ ra một cách thật thà ở trong bữa cơm gần như là một bữa tiệc. Chàng cố vui để đáp lại cái vui của mọi người. Nhưng chàng biết rằng cha mẹ chàng niềm nở âu yếm chàng, là chỉ niềm nở âu yếm cái ông Huyện ở trong chàng mà thôi. Chàng không cho đó là một cái vui giả dối, mà là cái vui tầm thường. Và dầu thế nào, cái sự niềm nở ấy cũng đáng kính trọng.

Cơm xong, thầy Huy sai con dâu qua nhà cha mẹ nàng, cho hai ông bà biết cái tin mừng ấy, rồi gọi Huy lên dặn:

− Chầy lắm thì vài tuần nữa là anh ra nhậm chức. Tuy rằng còn trẻ mặc dầu, anh cũng không thể lấy cái cớ ít tuổi, mà coi thường cái chức phận cao sang của mình. Lần này là lần chót tôi dặn anh điều ấy. Từ nay, anh đường hoàng là một kẻ “cha mẹ” dân. Anh có bổn phận chăn dạy dân, chăn dạy thiên hạ, không lẽ tôi còn phải kèm theo anh để chăn dạy anh nữa. Làm quan là một nghề rất khó. Ai chả biết là được có kẻ kính, người nể, kẻ sợ, người chiều, bổng lộc, quyền thế lắm. Tôi không khuyên anh phải thanh liêm. Người ta đưa của tận tay mà không thu, thì cũng chỉ thiệt cho mình mà chẳng lợi cho ai? Nhưng anh nên nhớ làm lòng, là bao giờ anh cũng nên coi mình như  ở giữa một đám hùm rắn; trước mình người ta cười nói “dạ dạ vâng vâng” nhưng quay lưng đi, người ta chỉ kiếm cách để “bẫy” mình đó! Anh không nên tin ai hết, cũng không nên tin ở tờ giấy bạc lắm. Anh chả nghe chuyện ông Huyện gì ở Hàm Thuận đó à? Một mặt người ta tới đút cho mình, một mặt người ta đi báo Sứ. Tuy rằng bạc đã nằm ở trong túi mình, nhưng những tờ giấy bạc ấy người ta đã biên số hiệu cả.

Đến đây, thì mẹ chàng bước vào. Bà nhổ bãi trầu một cái toẹt, và lấy một cái mồi thuốc đánh răng, rồi cắt ngang lời chồng:

− Hừ, ông khéo lo. Việc nó, nó phải liệu. Mấy tháng tập sự, ít nhất nó cũng hiểu thế nào là cái nghề làm quan. Không lẽ trèo lên đến cái địa vị cao sang ấy rồi, nó lại vô cớ nhảy xuống. Chỉ trừ khi nó có muối mặt bọn mình, thì nó mới làm thế chứ? Huống hồ là từ trước, anh nó cũng không làm gì là hổ thẹn cho mình cả, vẫn một niềm ngoan ngoãn…

− Bà nói lạ lắm! Làm quan, mà ngoan ngoãn thì chỉ có uống nước lã. Lấy gì mà thù phụng anh em, lấy gì mà cung đốn thầy bạn! Lương một tháng 90$00, không đủ trả tiền dầu xăng, và nuôi một thằng tài xế. À nhân nói đến xe, tôi tin cho anh biết rằng: tôi đã tậu cho anh một cái Citroën 11 ligne rồi đó! Tôi nghĩ rằng đã ra làm quan, trước sau gì mình cũng phải có cái xe, khi lên tỉnh hầu các cụ, khi ra Hà Nội mua sắm, thế nào mình cũng phải ra vẻ một tí chứ? Biết vậy, cho nên tôi xuất tiền nhà ra mà sắm cho anh ngay, để tránh cho anh khỏi tiếng này tiếng nọ. Mua bây giờ thì ai cũng biết là của tôi cho. Chứ sau này khi nhậm chức độ 5 - 7 tháng mà anh mới tậu, thì có hay không người ta cũng buộc cho anh cái tiếng mua ô-tô với cái tiền của thằng dân. Cái xe ấy, tôi tậu đến hơn 3000$00, dần dà anh gửi về trả cho tôi. Mỗi tháng, tôi chỉ giữ tiền lương của anh mà thôi.

Bà mẹ lại cắt lời chồng một lần nữa:

− Gớm, với con mà ông ráo riết quá đỗi, cái tiền ô-tô ấy hãy hạn cho con nó ra làm trong một hai năm, lại giả cho mình cũng được.

Rồi quay lại phía Huy, ra chiều âu yếm:

       − Me thì lại nghĩ khác thầy con. Việc nước, việc dân, thế mà còn dễ xử hơn việc nhà. Việc nhà mà con xử xong, thì việc nước khó gì? Theo ý mẹ, thì không có việc gì trắc trở cả, duy còn có một việc con vợ của con. Nói ra thì ra mình cay nghiệt, nhưng không nói thì thiên hạ cười. Xưa kia, nó là con người ta, bây giờ thì nó là con thầy me. Nó hư, nó hỏng, ai có chê cười cha mẹ nó, mà chỉ chê cười thầy me không biết dạy bảo con dâu. Mà con, thì me thấy như con nuông chiều nó quá. Me nói cho con liệu chừng: thật con không biết dạy vợ một chút nào hết. Nó làm như nhà mình chằng khác như bên nhà nó. Về làm dâu, cũng vẫn giữ cái tính xi xanh xi xẹt ấy, đi ra một bước là giày là dép, là áo này áo nọ, làm lòe chói cả mắt thiên hạ. Thật người ta không chửi là may. Con biết me xưa nay không bao giờ nuông chiều con cái đến thế: con không xem, con Yến đấy, quanh năm me có may sắm gì đâu, mà có may sắm nữa thì có bao giờ nó mang bận. Nghĩ đi thì cũng nghĩ lại, nhiều khi me cũng lượng thứ cho cái tánh đua ăn đua bận của nó, miễn sao nó biết ăn ở là được. Nhưng con xem nó ăn ở với thầy me thế nào? Mỗi buổi sáng, bao giờ cũng dậy một lúc với chồng, mà thảng hoặc có bữa dậy sớm được, thì nó cũng giầy guốc lộp cộp, xem cái giấc ngủ của me không bằng cái giấc ngủ của một con nhài, thằng ở! Lắm lúc, nó kéo đâu đến không biết bao là người ta đến chật nhà. Nó bảo là những bạn bè của nó đấy. Nói vậy thì me cũng hay vậy, chứ bạn bè mà thật như thế, thì thà đừng có còn hơn. Chà các cô ấy tân thời quá, mỗi người mỗi "mốt". Cô nào cũng mặt bự những phấn, mà cô nào cũng giầy cao gót, giầy đầm cả. Cái đời Tây Tàu bây giờ mới hiện ra những đồ tinh đồ yêu như thế, chứ thuở đi xưa đi đôi giày gót hơi cao một chút là bị vua quan tống giam ngay, chứ đừng nói chuyện khác. Vợ con không phải không biết tính me chẳng thích những điều ấy, nhưng hình như nó muốn rủ các cô ấy đến để trêu me. Chà, bạn gì mà lắm thế? Con Yến đấy, một đời không bạn thì đã làm sao?

Thấy Huy vẫn điềm nhiên như không, thì mẹ chàng hơi có vẻ chột dạ, bà cất cao giọng lên, và trong lời nói có vẻ nghiêm khắc hơn:

− Tôi nói thực cho anh biết. Anh không biết dạy vợ. Anh không thể dạy được vợ. Anh để nó lộng quyền lắm rồi. Bây giờ anh phải để nó cho tôi. Anh ra ngoài Huyện, thì tôi cho con Yến theo anh săn sóc trong ngoài. Còn hầu hạ anh thì đã có lính nhà nước. Vợ anh tôi xin anh cho nó ở lại trong này với tôi, một năm, năm bảy tháng, chừng nào nó ra con người, thì tôi sẽ cho nó ra với anh. Làm một bà quan có phải dễ đâu anh? Các cụ đời xưa làm quan cho chồng chớ có phải chơi đâu! Ông Phủ Vĩnh nay đi Án sát chả phải  là nhờ bà Phủ thì nhờ ai? Lại ông Kính Duy được đi Huyện Thọ chẳng phải nhờ bà ấy thì nhờ ai? Làm quan được một người vợ không khéo là phúc nghìn đời. Anh nghĩ xem vợ anh hiện giờ có thể đảm đang cái trách vị nặng nề ấy được không? Mốt này, mốt kia, giầy gót cao, sắc đầm, đó không phải là một bà quan ạ!  Một bà quan trước hết cố nhiên phải là sang trọng nhưng sang trọng mà đừng có điếm đàng chứ. Đấy mới là một việc ăn mặc, mà không phải chỉ có một việc ăn mặc. Nhưng nói lắm với anh cũng vô ích. Tôi chỉ hỏi anh một câu là anh bằng lòng đi về một mình để vợ anh ở lại trong này hầu hạ thầy mẹ anh một ít lâu chứ?

Huy trả lời một cách cung kính:

− Cái ấy, con xin tùy me. Với con thì thế nào cũng được.

Rồi chàng vẫn chẳng nói gì thêm nữa, xin phép thầy mẹ chàng vào nghỉ, lấy cớ ngủ sớm để mai còn đi làm.

Chàng đi vào buồng ngủ. Lạc vẫn chưa về. Chàng đóng chặt cửa buồng lại, rồi lấy giấy bút ra viết. Trong một hồi lâu, chàng cứ gặm cán bút. Trên vẻ mặt sầu não của chàng có khi thoáng qua một vẻ tươi vui bất ngờ gượng gạo. Chàng nghĩ đến những lời nói của thầy mẹ chàng vừa rồi, chàng không sao nín cười được. Chàng tự nói một mình: “Như thế mà cũng tự tin rằng mình có lý. Thì ở đời, phải mỗi người là mỗi lý mỗi lẽ phải, mới đủ”.

Rồi như muốn chẳng nghĩ đến những điều khó chịu ấy, chàng cúi xuống viết. Chàng định viết hai bức thư, một bức thư cho cha mẹ, và một bức thư cho vợ.

 

Thưa thầy me,

Khi thầy me đọc xong cái thư này, chắc thầy me sẽ đau phiền lắm, và hối hận vô cùng vì đã sinh ra đời một đứa con “bất hiểu”. Thầy me nghĩ thế nào con cũng xin chịu như thế cả. Nhưng có một điều con không thể nhịn được nữa là sự làm quan. Con biết chí nguyện của con, tài trí con không phải ở chỗ đó. Vào đó một ngày, con chỉ  thấy mình như một người tù tội. Nay con cúi xin thầy me buông tha cho con, trả lại sự tự do của con, cho con một chút quyền: sống cái đời của con, đời của một người trẻ tuổi. Xin thầy me cho con đi cái đường của con. Đường của con là con đường nào, chí nguyện của con là chí nguyện nào, con có nói cũng là vô ích. Vì thầy me cũng không muốn hiểu. Con biết thầy me thương con lắm, nhưng thương như thế chỉ là khổ cho con mà thôi. Giá mà thầy me cứ ghét con, mà mặc để cho con được sống cái đời của con, thì có lẽ thầy me đã làm cho con sung sướng nhiều lắm, sung sướng hơn thế này nhiều lắm.

Con biết rằng: con trong hoạn giới, thì thầy me sẽ được vinh hiển vô cùng, nhưng phải hy sinh như thế, con đau lòng lắm; con không thể sống mãi một cuộc đời giả dối để đánh lừa thầy me, để đánh lừa con. Thầy me phải thấy rõ sự đau khổ của con, và thương hại đến con. Những lời nói không đủ làm cho thầy me tin, nên con phải buộc dùng đến cái hành động này…

 

 

Viết đến đây, nghe tiếng guốc đi vào buồng, Huy xếp cái thư viết dở bỏ vào túi, Lạc bước vào vui vẻ vỗ vai chồng:

− Ông Huyện Thạch Thành. Ngài đương nghĩ gì mà có dáng thơ thẩn thế? Huyện Thạch béo lắm nhé! Có vịt Trạc Nhật, có dê Hổ Công…

Huy ngẩng lên nhìn vợ ngạc nhiên:

− Em chửi anh đấy à?

− Sao lại chửi? Anh chả phải là một ông Huyện rồi à? Ông Huyện Trạch.

Huy không đáp… Lạc vuốt mấy sợi tóc rủ xuống trán chồng. Nàng vẫn không dám nói gì thêm nữa. Hồi lâu, nàng mới lại kiếm một câu bông đùa để làm nhẹ bớt cái không khí nặng nề giữa hai người:

− Này mình! Có phải thạch nghĩa là đá? Thế ra mình là ông “Huyện đá”. Ồ! Sao ông Huyện đá của em buồn thiu buồn chảy thế này. “Đá” mà cũng chảy thì lạ quá!

Huy chợt nhận thấy sự buồn giận của mình là một điều tối vô nghĩa lý, một sự bất công. Chàng cầm lấy tay vợ và run run, và như thấy ghê lạnh cả mình. Không bao giờ, chàng thấy mình yêu vợ đến thế. Như để chuộc lại một tội lỗi của mình, chàng kéo Lạc vào lòng, và hôn nàng một cái vào trán, như hôn một đứa trẻ tinh nghịch ngây thơ. Chàng hỏi vợ:

− Anh hỏi thực mình có thích làm bà Huyện không?

− Sao lại không?

− Mình đừng đùa.

− Em không cười mà thưa anh rằng: em muốn làm bà Huyện lắm, nhất là bà Huyện Đá.

Huy tát yêu vợ. Rồi chàng lại đứng im, có vẻ thẫn thờ. Chàng nghĩ đến những lời nói của mẹ hồi nẫy, và chắc lưỡi, nghĩ thầm: Chà! Một em bé ngây thơ thế này, đã tội tình gì mà người ta nỡ…

Chàng muốn đưa những điều dự định của mình ra nói cho vợ biết và sẽ bàn tính với vợ kỹ càng, và kéo nàng vào trong sự hành động của mình. Nhưng một ý nghĩ làm cho chàng ngừng lại.

Lạc, từ nãy ngồi cạnh chồng, theo đuổi một ý nghĩ. Bỗng nàng quay lại với chồng, và nũng nịu:

− Lần này, thì chúng mình mới đi khỏi được cái chốn giam cầm này! Chà! Em sung sướng quá! Có lẽ là cái hạn tù của em đã mãn.

Giữa cái vui, đột nhiên mặt nàng âm u lại. Bằng một cái giọng lạnh lùng, nàng nói tiếp:

− Huy có biết tại sao độ này me đâm ra hay gắt gỏng với em không? Bạ một cái gì me cũng kiếm dịp để nói nặng với em. Luôn luôn những câu bóng gió khó chịu. Có khi me đay nghiến cô Yến, nhưng kỳ thật là đay nghiến em. Giá me cứ chỉ thẳng vào mặt em mà me  mắng, me chửi, có lẽ em bằng lòng hơn. Me nghiêm khắc quá, đến nỗi những bạn của em không còn ai dám lui tới với em nữa. Anh nghĩ có buồn không: một hôm chị Sâm đến chơi, em đương quét dọn ở dưới bếp. Lẽ ra me gọi em lên, hay là bảo người ta xuống bếp với em cũng được. Nhưng đằng này, me chẳng nói gì, mời người ta vào salon bảo pha chè cho người ta uống. Uống chán, người ta ra về. Ai hoài công đâu mà đợi nữa, phải không anh? Lần sau, em chắc chị Sâm chị ấy cũng không còn dám tới nữa. Nhiều khi em nghĩ phận dâu con, em cũng phải chiều nể me; nhưng cái gì cũng có chừng mực mà thôi.

Nghĩ một lát, nàng lại hỏi chồng, bằng cái giọng hờn giận:

− Thế giờ mình nhất định cho tôi theo mình chứ? Hay là mình lại gửi tôi cho me nữa. Làm con như mình thật có hiếu quá. Nhưng đời bây giờ, mình biết một ông “hiếu tử” cũng không được người ta trọng vọng lắm, đừng hòng người ta làm sách để ca ngợi…

Chợt nhận thấy sự hồ đồ của mình, nàng dịu lời:

− Thế anh nhất định để cho em đi theo chứ? Anh không cho nữa, thì em cũng trốn theo. Em lấy anh chứ có lấy me anh đâu. Chồng đi đâu thì vợ đi đấy. Xưa kia người ta dạy thế mà nay người ta cũng vẫn dạy thế! À, được ra ngoài huyện ấy, thôi chúng ta tha hồ tự do. Anh cứ để em trưng dọn nhà cửa cho nhé! Với lại anh có thích ăn nem không nhỉ? Để lâu lâu, em làm cho anh một bữa nem Huế. Em làm ngon lắm. Nhưng từ khi em về nhà chồng, thật quả em không dám làm bao giờ. Chỉ sợ me chê non chê già. Không khéo lại còn bị mắng nữa. Anh nói đi. Thế anh thu xếp cho em theo anh ra ngoài huyện chứ? Hay là anh sợ me không dám nói?

Huy gượng cười đáp:

− Me không cho cũng không được. Đằng thẳng ra, thì em ở hay đi, đó chỉ là cái quyền ở anh, quyền ở em mà thôi.

− Khá đấy! Anh tôi cũng biết điều lắm. Thế mới đáng mặt làm giai chứ. Để hôn mình một cái nào.

Một lát, nàng lại nói tiếp:

− Thỉnh thoảng me có ra, me có lên giọng đàn hạch, thì em cũng có thể cúi đầu mà chịu được. Nhưng hiện như bây giờ, ở chung với thầy me, sớm chiều chỉ lo một việc chiều thầy me, phải cũng chiều, không phải cũng chiều, thì em thú thật là em không chịu nổi.

Đến đây, Huy tự nhiên nhìn vào mặt vợ, khiến cho nàng đương nói bỗng ngừng lại. Nàng không bao giờ thấy chồng nhìn mình một cách ảo não thế.

− Mình làm sao thế hở mình?

Huy cố cười đáp:

− Anh nghĩ đến đứa con của chúng ta sau này. Đứa con đầu lòng của chúng ta, anh ước sao sẽ là một đứa con giai. Đến tuổi anh bây giờ, nó sẽ đã là một vị thanh niên mạnh bạo cương quyết, có can đảm sống tất cả cái cuộc đời nó, xốc vác nổi những công việc nặng nề mà cha nó đã từ chối vì hèn nhát. Một người con giai không sợ những trở lực, không sợ nghĩa vụ, không sợ lý tưởng, không sợ sự sống.

Huy không ngờ mình đã ứng khẩu mà thác ra được một cái cớ hay ho thế. Thực ra khi chàng ngồi im lặng như thế là chàng nghĩ đến một điều khác. Chàng toan nói với vợ hay cả sự thực. Với một người mà mình yêu, chàng không thể nói dối được. Vả chàng cũng không định dối vợ. Chàng chỉ cho rằng cái ý định khó nói ra, và khi nói ra, có thể làm cho nàng cảm xúc. Mà chẳng hạn chàng không thể ngồi nhìn một người vợ đau xót, một người vợ khóc lóc được. Chàng sợ mình sẽ rơi ngã mất, và sẽ thối thác cái việc dự định của mình. Chàng không đủ can đảm, đủ tàn nhẫn để nhìn cái đau xót của một người đàn bà.

Chàng nghĩ thầm: Cứ như thế, thì tiện hơn. Ta sẽ viết trong lá thư những điều ta không tiện nói. Cái bức thư ấy sẽ đến làm cho nàng phiền muộn. Nhưng cái phiền muộn ấy, ta không thấy.

Như một người tỉnh mộng, chàng nói với vợ:

− Thôi khuya rồi! Mình đi nghỉ kẻo mệt. Hôm nay anh không ngủ trưa. Bây giờ anh cần phải ngủ bù lại cho đủ…

Rồi chàng cúi hôn nàng một cái. Hôn xong, chàng mới nhận ra rằng chính là cái hôn cuối cùng chàng tặng vợ. Chàng thấy ghê lạnh cả người.

 

 

 

 

 

 


 

CHƯƠNG THỨ IV

Từ Thanh Hóa chàng đi chuyến tầu 5 giờ rưỡi. Mười rưỡi thì chàng đi đến Hà Nội. Lẽ ra chàng không tới Hà Nội làm gì, chàng định đi Sài Gòn, hay đi đâu xa hơn nữa, khỏi biên thùy đất Việt Nam. Chẳng hạn đến một làng Cao Mên kia có một cái tên kỳ lạ. Ở đấy chàng sẽ làm trong một sở đồn điền, làm thư ký hay là “xu qua giang”; được tiếp xúc với bọn lao động và bọn chủ nhân trong một năm, năm bẩy tháng, chàng sẽ mới định đoạt được cái thái độ, cái hành động của mình, và hơn thế nữa, cốt để làm cho thêm củng cố cái tin tưởng của mình, là cái tin tưởng của một chiến sĩ xã hội. Chàng không muốn rằng cuộc thoát ly gia đình của chàng chỉ là một hành động tiêu cực, nghĩa là vì những lẽ ràng buộc bất công của một chế độ thối nát, vì một tình cảnh rắc rối chàng không thể liệu xử được, mà chàng phải trốn chạy ra ngoài. Chàng ra ngoài là còn muốn theo đuổi một chí nguyện bình sinh.

Năm 18 tuổi chàng đọc Marx, năm 19 tuổi chàng đọc Engels. Chàng tin “duy vật sử quan”. Đến năm 22 tuổi, chàng vì quá yêu cha mẹ mà đi làm quan. Và cùng trong năm ấy, chàng lấy vợ. Vì chàng quá tin ở ái tình, chàng thấy chàng không còn hoàn toàn tin ở chủ nghĩa xã hội khoa học nữa, không hoàn toàn tin ở duy vật sử quan nữa. Chẳng hạn vật chất kinh tế có thể chi phối hết cả, nhưng trừ một vài cái tình liêng thiêng ở trong lòng, và trừ vài cái ánh sáng huyền diệu ở trong trí não. Chẳng hạn, cái vấn đề “ái tình” hay cái vấn đề “thiên tài”, duy vật sử quan không thể giải quyết được. Những điều kiện về kinh tế, về vật chất không thể tạo ra hay chi phối được một cái thiên tài như Beaudelaire, hay cũng không thể tạo ra hay chi phối được một người tình nhân tha thiết như chàng. Thiên tài và tình yêu vượt hẳn ra ngoài định luật của xã hội, của kinh tế, của thời đại, thiên tài và tình yêu có thể xuất hiện ra một cách đầy đủ, bất kỳ ở một quãng nào trong thời gian.

Nhưng chút ít hoài nghi ấy không đủ để đánh đổ cái lòng tin đã vững vàng của chàng. Chàng vẫn cho rằng chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa nhân đạo nhất, tất nhiên phải là cái chủ nghĩa của những người giầu lòng thương như chàng. Nhưng xưa nay chàng tin bởi đọc sách thì nhiều, mà bởi sự tai nghe mắt thấy thì ít. Chàng cảm thấy một sự cần tha thiết: lăn mình vào cái thâm tâm của sự thực, thâm tâm của tấn kịch. Vì vậy, chàng mới có cái ý nghĩ đi lên một cái đồn điền cao su là nơi có thể diễn ra một cách đầy đủ cả cái tấn kịch xã hội vĩ đại.

Nhưng đến phút cuối cùng chàng mới thấy rằng cuộc đi xa như thế, không thể nào thành sự thực được, là vì cái lẽ giản dị là chàng không đủ tiền. Muốn đi xa như thế, và muốn đạt ý nguyện ít nhất cũng phải có một vài trăm bạc. Mà số tiền ấy, chàng hiện không thể có. Cũng tại cái việc đến mau chóng quá, chàng không đủ thì giờ trù bị.

Thực ra, chàng định thoát ly gia đình mới độ vài tuần lễ nay mà thôi. Ngay cái đêm chàng ra đi, chàng đã có ý giấu chìa khóa tủ của mẹ chàng. Chàng định làm một “vố” to gấp năm, gấp bảy món tiền dự ước ấy nữa. Chàng đã có cơ hội rồi; nhưng khi trong đêm tối, chàng lẻn mình, sờ soạng đồ đạc để lần tới cái tủ bạc, và khi chàng đút chìa khóa quay một vòng, lắng nghe tiếng rỏng reng thì chàng cảm thấy rằng, mình là một kẻ gian phi, một kẻ khốn nạn. Rồi chàng thấy toàn thân đầm đìa bồ hôi, chàng đứng sửng sốt, ngơ ngẩn trong một lúc lâu. Bỗng có tiếng thầy chàng cựa mình, ho mấy tiếng, không hiểu nghĩ sao, chàng cứ để yên cái chìa ở lỗ khóa và không đả động gì tới nữa. Chàng rảo bước trở về buồng vợ, nằm thao thức một hồi, định trở lại, lần này cả quyết mạnh bạo mở cái tủ ra, và cuốn xấp bạc giấy. Nhưng gà bắt đầu gáy sáng. Chàng nghĩ đến cái lúc nên trốn. Bấy giờ, vợ chàng cũng uốn mình một cái, và đưa tay ôm ngang qua mình chàng. Chàng lắng nghe cái hơi thở đều đều của vợ, chàng đoán là nàng đã ngủ lại… Chàng khe khẽ rút mình ra khỏi hai cánh tay vợ, khỏi sự ôm ghì của tình ái. Bấy giờ trong buồng chàng còn thắp một cái ngọn đèn dầu con… Chàng đứng lại trong một phút lâu, ngắm cái giấc ngủ ngây thơ của vợ.

Ruột chàng như thắt lại và chàng muốn òa ra khóc, chàng thấy mình nhẫn tâm quá, tàn ác quá. Nhưng chàng vội quay lưng, như cả quyết cắt ngang với những sự bịn rịn. Chàng mở cửa sau, đi ra vườn và nhảy qua thành. Khi đi đến đầu phố, chàng đếm lại cái xấp bạc đã quá mỏng của mình, chàng thấy không thể đi xa được nữa. Trong lúc chờ đợi, chàng hãy tạm rơi vào giữa lòng Hà Nội, giữa sự huyên náo của Hà Nội và ẩn náu trong đó, một ít lúc.

Chàng nhớ có chuyến tàu chạy sớm lắm, chàng bèn thuê xe đến ga…

 

 

***

 

 

 

Ở Hà Nội, chàng có rất nhiều bạn quen, nhưng chàng chưa muốn tới nhà người nào hết. Chàng thuê một cái buồng con, ở một nhà hàng cơm nhỏ phố Hàng Lọng. Khi vào buồng, chàng đóng cửa lại ngay. Chàng xin bút giấy, và viết nốt lá thư hôm qua chàng đã phải bỏ dở. Chàng đọc qua một lần nữa những đoạn chàng đã viết, rồi không nghĩ ngợi gì, chàng viết tiếp:

 

Con buộc phải trốn thoát cái nhà của thầy me, cái nhà đã thấy con sinh trưởng. Thầy me cho con nói thẳng: trong cái nhà giam khả ái của con đó, thầy me đương đợi từng giây từng phút cái tương lai rực rỡ, vẻ vang của con, cái tương lai gửi ở trên chốn hoạn trường. Nhưng thầy me đã mang một mối lòng ích kỷ và quên hết một điều tối quan trọng: Cái hạnh phúc của con. Con biết nói thế nào, biết cắt nghĩa thế nào cho thầy me hiểu rằng: không giây phút nào con có thể gọi được là sung sướng, khi con còn nấn ná trong nhà của thầy me. Ở đấy, con chỉ sống theo ý nguyện của thầy me, con chỉ biết có thầy me, mà không nhìn nhận có mình nữa, không nhìn nhận cái năng lực, cái nhiệt huyết của tuổi trẻ, không còn biết gì là sự sống nữa, không biết gì là vui thú nữa.

Đấy là con còn chưa nói đến vợ con, một nạn nhân khác của gia đình, cùng chịu một số phận với con, cũng bị xiềng bởi một giây xích ấy. Nhưng con không muốn nói nhiều về việc này, sợ làm cho me con phiền lòng nữa. Nay con tự mình đã định đoạt số phận mình rồi: con không muốn thầy me lo nghĩ cho con nữa. Duy có vợ con, thì còn ở trong tay thầy me, gửi gắm ở trong lượng của thầy me, con cúi xin thầy me ban trả cho nó chút quyền sinh sống, một chút ít tự do của nó. Nếu không thầy me cho nó về với nhà nó. Ở chốn đất khách nghìn dặm, con xin cầu Trời Phật, gìn giữ sự yên vui cho gia đình. Gia đình thiếu đi một mình con, là cái nguồn đau khổ cho mọi người, con cầu xin rằng gia đình con vẫn cứ đầy đủ như xưa, êm đềm sống trong nền nếp, trong trật tự của cổ tục.

Kính thư

Huy

T.B. Ngày nào em Yến con đi lấy chồng, xin thầy me đăng tin mừng lên báo cho con biết.

 

 

Bức thư thứ hai, chàng viết cho vợ:

 

Em Lạc

Lẽ ra anh phải mang em đi trong cuộc trốn thoát của anh, em chẳng phải là người cùng chung số phận với anh hay sao? Thế mà anh đã phải bỏ em lại trong cái gia đình của anh, nơi mà mọi người chỉ ghen ghét với em mà thôi. Và anh đi một mình, anh là một người hèn nhát vô cùng. Nhưng anh chỉ xin em nghĩ lại một chút: em là người thể chất rất yếu đuối, khó lòng mà dày dạn với gió sương được. Mà cuộc đời anh từ nay sẽ là bắt đầu một cuộc khổ ải, cái khổ ải cần thiết cho linh hồn, cho một người muốn sống.

Em là một người đàn bà, không phải là em không có quyền sống, nhưng xã hội đã làm người đàn bà thành một giống vật hèn yếu. Em cần phải lấy lại đủ khí lực mới có thể sống được, nghĩa là mới có thể đối phó với sự bão táp. Anh biết em chưa chịu đựng được một cuộc đời thất thường, những ngày không cơm, những đêm không quán trọ. Em hãy ráng ở lại trong cái cảnh tù hãm ấy một ít lâu, ở đấy em bị giam cầm, nhưng mọi sự đã dễ dàng, đã có nề nếp, em hãy để cho qua những chuỗi ngày tầm thường vô vị.

Vả còn có một lẽ này, khiến anh còn gửi em lại đấy. Anh nghĩ rằng: trước kia, vì anh mà me anh ghen ghét em, nay anh không còn nữa, thì sự xung đột phải hết, không chừng me anh lại yêu em được, và cùng em đề huề trong một sự nhớ thương chung là sự nhớ thương anh. Anh không dám chắc như thế, nhưng anh xin cầu nguyện được như thế. Cuộc thí nghiệm ấy dài nhất trong năm bảy tháng. Chừng ấy, anh sẽ về mang em theo cũng không muộn, mang em theo trong những hành động của anh. Rồi ta lại lập gia đình khác, mà ở trong ấy, chúng ta sẽ không giam cầm một ai hết, không giam cầm một cái gì hết. Bấy giờ gia đình không có nghĩa là ngục thất nữa, mà là một chốn nghỉ ngơi của những kẻ chiến sĩ. Người chiến sĩ sẽ lấy thêm khí lực ở chốn yên vui ấy, để rồi lại nhảy ra mặt trận. Em hãy kiên tâm và luôn luôn sẵn sàng chờ nghe tiếng gọi thiêng liêng ấy.

Anh thường nghĩ: “Mục đích sự sống chính là sự sống”. Sống đây, không phải chỉ mưu cầu một cái sống về vật chất đầy đủ, dồi dào mà thôi. Cái nguyện vọng cao nhất của một người chiến sĩ là đi từng bước chắc chắn tới cuộc đời tinh thần đẹp đẽ phong phú.

Vì vậy, muốn tạo lập một cuộc đời như thế, anh cần có em, cần có ái tình. Ái tình mới là cái nguồn bất tận của ánh sáng, của tươi vui. Anh không thể sống một ngày mà không có em được. Gần em, anh sống với đôi mắt huyền diệu, xa em, anh sống với hình ảnh xinh đẹp của em. Em hãy tin rằng, trong những giờ đau khổ nhất, nghĩa là những giờ nghiêm trọng nhất, anh sẽ kêu cầu em như kêu cầu một quyền phép ở ngoài cõi thế.

Anh của em

Huy

 

***

 

Huy đương đi thẫn thờ ở phố Huế, thì nghe có tiếng xe đạp xiết qua một bên chàng, làm chàng giật mình. Chàng đứng lại trước một người thiếu niên to mà lùn, nhìn chàng mỉm cười:

− Thế anh không biết tôi là ai à? Anh quên được tôi thì thật là một sự lạ. Các bạn học trước kia của tôi không bao giờ lại có thể quên tôi được. Anh có nhớ, khi chúng ta còn học ở College Nam Định cùng một lớp anh có một thằng tên là Kỷ, nó có cái đầu Nhật Bản, tuy không học võ giu-xiu bao giờ chứ đứa nào vật với nó là nó làm cho ngã oanh oách. Thằng ấy chính là tôi đây.

Huy cũng cười:

− Thôi tôi nhớ ra rồi! Thế bây giờ làm gì?

− Chốc nữa sẽ nói. Nhưng đằng ấy đã ăn cơm chưa?

− Chưa.

− Thế thì tốt lắm. Ta vào cái tiệm khách trước mặt này cùng ăn. Nhà này có món “thịt bò cải làn” khá lắm, “chơi” được.

Kỷ nói câu này to quá khiến cho mọi người đi ngang qua đó phải trố mắt nhìn. Huy cũng hơi ngượng vì cái tính ồ ạt của Kỷ, nhưng được gặp một người bạn ngộ nghĩnh, chàng thấy thích khoái như được ăn một vị ngon, chàng không kể gì những việc khác nữa. Chàng để cho bạn kéo vào tiệm khách.

Khi hai người đã ngồi xuống bàn rồi, thì Kỷ cố nhiên là gọi cái món ăn mà mình vừa ca tụng. Và chàng không quên nói thêm:

− Ở Hà Nội, khắp Hà Nội chỉ có hai tiệm xào thịt bò là đệ có thể dùng được mà thôi. Một ở Hàng Buồm và tiệm thứ hai là ở đây. Nhưng nói thực ra, còn không sánh kịp đệ. Chắc huynh chưa thấy đệ xào thịt bò một lần nào. Ăn một miếng thì thật là ngậm mà nghe. Ăn xong, uống hết một tuần chè long tỉnh, còn ngửi thấy cái vị kỳ thú của nó…

Huy hỏi lại một cách ngớ ngẩn:

− Thế ra anh cũng có mở tiệm?

− Không, nếu mà đệ có mở tiệm cao lâu thì chẳng sớm thì chầy, có những chú khách bị tố, và cuốn gói về Tàu. Không những món xào thịt bò, đệ còn biết nhiều món khác nữa, chẳng hạn là món “hin cà la”, một món ăn Cao Mên nấu bằng một thứ rắn Cao Mên, bọn khách trú ở trong Chợ Lớn thường hay “xài” lắm, và lấy làm thích khẩu lắm. Nói đến cái ăn, ai sánh bằng các chú Quảng Đông, mà ăn bẩn ăn thỉu, ai bằng các chú Hải Nam; thế mà một chú Hải Nam đã mở tiệm cao lâu cho các chú Quảng Đông ăn và ngày nào ngày nấy cái tiệm chú Hải Nam ấy cũng đông như chợ. Sở dĩ chú ấy kéo được đông khách như thế, cũng là nhờ đệ truyền cho cái món “hin cà la” ấy. Để yên, đệ nhớ lại. Vâng, tên chú ấy là A Liên và cửa hiệu của chú ở đường Hôpital Chinois trong Chợ Lớn.

Kỷ ngừng lại để nhìn đĩa thịt bò nóng bốc khói, và ngẩng lên nhìn Huy:

− Rượu được chứ?

− Vâng chút ít thôi.

Rồi quay ra phía một ông khách già ngồi xem nhật trình ở cạnh bàn thanh toán, Kỷ nói một thôi một hồi những tiếng Tàu, và ông khách già cũng như cái tạc đạn được có kẻ châm ngòi, nổ bùng ra một cách thích khoái.

Kỷ, trong câu chuyện đương hứng, quên cả bạn. Huy đói sẵn, cắm đầu vào ăn, lâu lâu chỉ ngẩng lên nhìn Kỷ, để ngạc nhiên về cái tài hùng biện của bạn. Đã nhiều lần, Huy muốn ngắt lời và chẳng hạn để hỏi một câu như thế này “làm sao anh biết cả tiếng Tầu nữa”, nhưng Huy không muốn thấy chú khách nắm được một dịp để khen ngợi ông bạn. Bỗng Kỷ đã hãm câu chuyện lại như hãm một cái máy nói: có lẽ chàng sực nghĩ đến người bạn. Chàng quay lại với Huy, và xin lỗi:

− Chết, tôi mải nói chuyện.

− Chuyện gì mà lắm thế?

− Chuyện Tàu – Nhật chiến tranh.

− Tôi cũng đoán được hẳn là chuyện ấy. Thế người khách ấy đã nói với anh những gì?

Kỷ lần này hạ giọng xuống và nói với Huy:

− Huynh nghĩ có buồn cười không? Nước Tàu mất đã hơn một phần tư nước. Những tỉnh thành lớn như Nam Kinh, Thượng Hải, Bắc Bình, Thiên Tân đã bị chiếm hết cả rồi. Đệ bảo nước Nhật đã thắng, đế quốc lùn đã thắng, thế mà hắn vẫn nhất định rằng nước Tàu không thua thì có lạ không? Hắn nhất định tin rằng nước Tàu rút cục lại sẽ được. Cái ấy thì không biết. Nhưng bây giờ thì phải nhận là mình thua chứ, phải có can đảm mà nhận mình thua chứ. Người Tàu thiếu nhiều lắm, nhất là thiếu can đảm. Họ tin một cách lười biếng, những tin đăng ở nhật trình của ta. Họ có biết đâu rằng, những tờ báo ấy theo cái chính sách “nịnh khách” để cho báo bán chạy mà thôi. Họ cần gì sự thật, miễn sao người đọc cứ tưởng là thật, ấy là được rồi…

Ồ! Huynh cạn chén đi chứ. Tửu lượng xoàng thế kia? Ăn xong huynh về nhà đệ chơi… nói chuyện.

 

 

***

 

 

Huy hơi ngà ngà say… Gió thổi mạnh, kêu rào rào ở trong cây, từng trận lá bàng rơi xuống trên hai vai chàng. Chàng không nghe tiếng giầy mình đập vào đường; và chàng có cảm tưởng như bước ở trên một làn khói. Kỷ vẫn đi ở cạnh chàng, nhưng từ nãy đến giờ đã gần một giờ, Kỷ nhất định không nói một tiếng gì nữa. Huy tưởng mình như đi cạnh một bóng ma. Khi đến một cái nhà ở phố Doudart de Lagrée, thì Kỷ ngưng bước, Huy cũng đứng lại. Kỷ chỉ cái nhà và giới thiệu:

− Nhà đệ đấy.

Huy ngắm Kỷ từ đầu đến gót chân, có vẻ kính phục lắm:

− Cả một dinh thự.

Kỷ không nói gì, mở cửa, mời khách vào. Hai người vẫn không nói gì, đi qua sàn, bước lên một cái tam cấp gạch, và đi thẳng vào một gian phòng trưng dọn có vẻ kỳ khôi…

Một cái bàn khổng lồ, ở trên để một cái đầu người và hai cái xương tay. Bên cái bộ xương người ấy xếp những chồng sách. Những ảnh Hitler đặt cạnh Staline, Nieztsche cạnh Baudelaire, Baudelaire cạnh Poë; và Dante cạnh Gide, sắp đặt theo một thứ tự lộn xộn… Và dưới bàn là báo, ở góc phòng cũng là báo, trên một cái tủ con, cũng nghiêng ngửa những báo, những báo chữ ta hay chữ Pháp.

Trên vách, treo một tấm ảnh của Verlaine, bên cạnh một cái quạt tướng chỉ trơ lại những cái sườn. Dưới quạt có đề mấy chữ “Di tích của một thời oanh liệt. Cái quạt này đã tẩm mồ hôi của một vị anh hùng cứu quốc”. Bên cạnh cái quạt, là một tấm tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân, vẽ một cảnh chùa Cao Mên, với những ông sư bận áo mầu vàng, cái mầu vàng cao sang của dân xứ nắng.

Huy quay lại ngắm Kỷ một cách ngạc nhiên, như ngắm một nhân vật kỳ quái. Chàng nói một cách sống sượng:

− Tôi thú thật là không tưởng tượng được là anh làm nghề gì.

Kỷ, với một vẻ thản nhiên đáp:

− Tôi là một nhà báo.

− Chỉ có thế thôi?

− Nhưng tôi viết văn nhiều hơn là làm báo. Tôi viết những tiểu thuyết tả những cảnh rừng rú Cao Mên mà tôi ưa thích hơn trên hết mọi sự.

− Thế anh đã ở trong ấy bao lâu?

− 20 năm: 10 năm ở Battambang, 2 năm ở Xoairieng, 4 năm ở Pnompenh, 1 năm ở Lovéa, 2 năm ở Kompongchnang, và 1 năm nữa không nhất định ở chỗ nào, một năm dành riêng cho những cuộc du lịch khi ở Đế Thiên Đế Thích, khi ở Ba Hồ…

− Thế anh nói tiếng Cao Mên chắc thạo lắm?

− Cái ấy đã hẳn. Tôi có thể biết hơn một người Cao Mên, những tên thứ rắn kỳ lạ ở xứ Cao Mên.

− Anh thử kể cho tôi một tên…

− “Cờ-rắc”… Anh có bao giờ nghe cái tên cờ-rắc không? Nhưng để khi khác nói chuyện, bây giờ tôi cần xuống nhà báo để xem lại épreuves[a] đã. Anh có mệt nằm đấy nghỉ. À tôi quên hỏi anh ra đây có việc gì thế? Huy có vẻ bối rối.

− Tôi cũng chỉ tạm đây một ít lâu thôi.

− Thế anh đã có chỗ ở?

− Chưa.

− Nếu thế, cứ lại nhà đệ mà ở. Thôi tha hồ, muốn ăn lúc nào cũng được, muốn ngủ chỗ cũng được, đi về giờ nào, cũng có người mở cửa. Ở đây là nhà một nhà văn, nghĩa là nhà của mọi người.

Huy cảm động:

− Nếu được thế thì may cho tôi quá.

− Hình như tôi xem báo, thấy có tên anh ở danh sách những người đỗ Tri huyện.

− Vâng chính thế.

− Thế anh còn là ông Huyện đấy chứ?

− Thôi rồi!

− Thế thì càng hay! Thế có bao giờ ngứa muốn viết văn không?

− Từ trước thì không bao giờ, nhưng từ nay thì không biết…

− Có ngứa đến không chịu được, thì hãy cầm bút, bằng không thì cũng không cần, miễn là chúng ta cùng có một tâm hồn lang bạt như nhau.

− Tôi xin phản đối.

− Nhưng huynh để cho khi khác. Bây giờ đệ cần đi ngay.

Kỉ bước ra, Huy nói một mình:

− Thật là một người kỳ lạ.

Rồi một lát sau, chàng cũng đứng dậy theo ra. Ngay chiều hôm ấy, Huy xách va-li đến ở với con người kỳ lạ ấy.

 

***

 

Khi Huy dọn đồ tới, Huy cũng chưa thấy Kỷ về. Hết xem báo, lại xem báo, Huy chẳng biết làm việc gì khác. Mãi đến giờ ăn, thì có một thằng nhỏ chạy lên soạn bàn. Và một đứa nữa bưng cơm lên. Trên mâm cơm, thấy có ba bát thì Huy ngạc nhiên hỏi chúng:

− Thế chủ chúng mày sắp về à?

− Bẩm chủ chúng con đi, không có độ chừng, có khi về nửa đêm, có khi về liền.

− Thế phải đợi cơm chứ?

− Bẩm không ạ! Chủ chúng con sẽ về ăn phở ạ!

− Thế nhà này mấy người ở…?

− Bẩm chỉ có một mình chủ con.

− Thế sao cơm dọn đến ba bát?

−  Bẩm thường ngày chủ con cho chúng con lên ăn một mâm với chủ con.

− Có khách chúng mày cũng lên ăn như thế?

− Vâng ạ! Nhà này không phân biệt khách, chủ nhà, đầy tớ. Ai cũng là chủ cả!

− Thế thì hay lắm. Thôi chúng mày ngồi lại ăn đi.

Huy có vẻ nghĩ ngợi lắm: cái tính kỳ lạ của Kỷ làm cho chàng bắt đầu say sưa với những cái thú vị bất ngờ của một cuộc đời vô định. Chàng ngoảnh lên nhìn hai đứa bé ngộ nghĩnh, và hỏi bằng một giọng âu yếm.

− Em tên là gì?

− Bẩm con tên là Quỳnh.

− Còn em?

− Tên là Vĩnh.

Huy cười và hỏi tiếp:

− Thế ai đã đặt tên cho hai em?

− Bẩm ông Kỷ.

− Thế chúng em có biết tên của chúng em có nghĩ gì không?

− Thưa ông không à! Chúng con chỉ biết khi chúng con đến, một đứa tên là Cạc, một đứa tên là Lìm, ông con cho là những tên xấu quá. Và ông con đặt lại cho chúng con những cái tên như thế đó.

− Quỳnh, Vĩnh chính là tên hai làm báo nước Nam đấy. Một ông đi tìm vàng ở trên Lào, rồi chết tại đấy, còn một ông đương làm Thượng thư ở trong kinh.

− Ông nói đùa?

− Tôi nói thực đấy. Hai em cứ hỏi lại ông Kỷ thì biết.

Hai đứa nhìn nhau một cách láu lỉnh có vẻ không tin. Bỗng có tiếng gõ cửa, thằng Vĩnh không cần nhìn ra nó đã đáp:

− Ông chủ tôi chưa về đâu. Mai mời ông mang fac-tuya [b] đến.

Nhưng không, nó nhầm. Không phải là cái “ông Vệ sinh” tới hỏi thăm chủ nó, mà chính là người đàn bà… lộng lẫy, trẻ đẹp:

− Tôi muốn hỏi anh Kỷ.

Thằng Quỳnh đứng dậy đáp:

− Thưa bà, bà hỏi nhầm nhà rồi à! Đây là nhà ông Chương.

− Vâng tôi muốn hỏi ông Chương.

− Ông Chương làm nghề gì ạ?

− Làm báo.

− Thưa bà, thế thì không phải… Chủ tôi đi làm ở sở Đốc lý.

− Thế thì lạ quá! Tôi tin chắc chắn là tôi không thể nhầm được? Thế ông Chương mấy giờ mới về?

− Ông tôi đi Nam, không chừng đến sáng mai mới về được ạ.

− Thế thì tôi xin đợi đến sáng mai vậy.

− Nhưng bà nhầm: chủ tôi khoogn làm báo bao giờ.

− Cái ấy tôi không biết. Chừng nào tôi gặp mặt ông Chương mới biết là mình nhầm hay không.

− Thế bà đã ăn cơm chưa?

− Chưa.

Huy đứng dậy:

− Thế thì xin mời bà lại ngồi ăn luôn với chúng tôi một thể cho vui. Chúng tôi mới ngồi lại chưa đầy năm phút.

− Vâng, vâng.

Rồi quay lại phía thằng Vĩnh, Huy bảo nó lấy thêm bát đũa. Trong lúc ấy, người đàn bà nhìn chăm chăm Huy, và hỏi:

− Hình như tôi đã gặp ông một lần, ở đâu?

− Có lẽ bà nhớ nhầm, tôi ít khi ở Hà Nội lắm. Thảng hoặc tôi có ra chơi một ít hôm lại về.

− Thế ông ở đâu?

− Tôi ở Thanh.

− Phải, có lẽ tôi đã gặp ông ở Thanh.

− Ở Thanh? Xin bà tha lỗi.. độ một năm nay, trí nhớ tôi suy kém lắm.. xin lỗi bà thế bà là ai?

− Thưa ông tôi là Hồng Liên ạ!

Huy gật đầu mà không nói gì, Hồng Liên là một tên quen quen, hình như chàng đã có nghe nói một lần nào ở trong đám những người ăn chơi. Chàng ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt người đàn bà, và chàng cúi xuống nghĩ thầm: Người này không có dáng một cô gái giang hồ.

Hai người lại cúi ăn không nói gì nữa. Bỗng có tiếng gõ cửa… Một người đàn bà nữa tiến vào.

Thấy Huy và Hồng Liên có vẻ là hai vợ chồng, và là chủ nhà này, thì người đàn bà kia như muốn tin rằng mình đã lầm nhà. Nàng xin lỗi:

− Ông bà tha lỗi cho. Tôi cứ tưởng đây là nhà ông Kỷ.

Rồi nàng quay gót trở ra ngay, khiến mọi người nhìn nhau ngơ ngác. Hồng Liên hỏi thẳng Vĩnh:

− Ngày thường, cũng có những người đàn bà như thế đến thăm ông Kỷ luôn?

− Thưa bà, luôn luôn như thế. Mỗi ngày ít nhất có vài người tới hỏi như thế.

Hồng Liên có vẻ khó chịu, đặt bát cơm xuống nhìn ra ngoài vườn.

− Mời bà xơi cơm nữa đi!

− Thôi tôi xin đủ ạ!

Nàng đứng dậy, lấy khăn lau tay rồi tự mình lấy nước mà uống. Bỗng nàng quay lại phía Huy, hỏi một cách đột ngột:

− Thưa ông, ông đã quen ông Chương đã lâu nay hay mới à?

− Một người bạn học cũ. Cách nhau đã 6 - 7 năm mới gặp lại. Chúng tôi mới ăn cơm với nhau hồi trưa.

− Nghĩa là ông mới tới nhà này lần này là lần đầu?

− Vâng, mới lần đầu. Nhưng có lẽ tôi sẽ ở lại đây lâu. Tôi ra Hà Nội đã hơn hai tháng rồi, nhưng ở hàng cơm tốn kém mà lại bất tiện quá. Cũng định dọn tạm xuống đây một ít lâu.

Hồng Liên đi đi lại lại, có vẻ bâng khuâng, bỗng ngừng lại, và như hồi nãy, hỏi một câu hỏi đột ngột:

− Thưa ông, theo ý ông, thì ông cho ông Chương hay ông Kỷ đây là người như thế nào?

− Thú thật với cô. Tôi không biết thế nào mà nói. Và tôi cũng không có dịp gần ông ấy lắm.

Rồi Hồng Liên tự trả lời lấy:

− Theo ý tôi, thì ông Kỉ là một người tốt, một kẻ xuất chúng, một kẻ hào hoa, một người đại lượng, một bậc vĩ nhân. Ông ấy có đủ đức tốt, nhưng hình như có một cái tính rất xấu, bao nhiêu tính tốt cũng không thể chuộc một cái tính xấu ấy được. Ông Kỷ là người quen nhiều đàn bà lắm, nhiều quá!

− Thưa cô, cô bảo đó là một tính xấu?

− Một tính xấu! Một tính khả ố!

Huy mỉm cười. Vì tin rằng người đàn bà này có thể là một tình nhân, và những ý tưởng thốt ra đó là do lòng ghen tuông. Nàng nói tiếp:

− Theo ý tôi, người đàn ông, có vợ, hay chưa có vợ, chỉ nên quen thân một người đàn bà mà thôi. Trong sự thực và trong linh hồn, chỉ biết có một người đàn bà đó. Vì lẽ, hai người đàn bà đứng cạnh dầu là chị em, dầu là bạn bè, cũng chỉ là hai người thù địch. Hai người thù địch ấy, không người đàn ông nào dám tự phụ là có thể đứng giải hòa được. Tôi là một người đàn bà, đã đày đọa, khổ sở vì cái kiếp của tôi, tôi tin rằng tôi hiểu đàn bà hơn các ông nhiều. Người đàn bà có thể tử tế với mọi người đàn ông, nhưng ông nhớ cho, họ có thể là thù địch của tất cả những người đàn bà. Trong tình yêu, và ngay cả ngoài tình yêu, ta cũng có thể kiếm được hàng nghìn hàng vạn vạn ví dụ. Chẳng hạn một người mẹ chồng nào có thể yêu một người con dâu bao giờ.

Huy ngẩng đầu lên, nhìn Hồng Liên một cách cảm động như muốn tỏ ý cảm ơn:

− Cô nói có lý lắm. Nếu tất cả bao nhiêu người đàn bà đều nghĩ như cô, thì thế giới sẽ cải tạo trong một ngày.

Huy đứng dậy, rút thuốc mời Hồng Liên một điếu. Hồng Liên cầm lấy điếu thuốc, vừa cám ơn, vừa mỉm cười. Nàng vừa châm thuốc vừa nói:

− Khi nào ông có rảnh thì tới nhà em chơi nói chuyện cho vui.

− Thưa bà, thế bà ở đâu?

− Bẩm tôi ở villa Tân Phương. Tới Vạn Thái, ông hỏi bất kỳ một người nào họ cũng có thể chỉ nhà tôi cho ông.

“Ở Vạn Thái”? Huy tự hỏi một mình như thế, rồi lại ngẩng lên nhìn thẳng vào đôi mắt của Hồng Liên. Chàng lại cúi xuống và nói một mình như hồi nãy:

“Không, nàng không thể là một cô gái giang hồ.” Một lát sau chàng lại nghĩ: “Nhưng nếu là một gái giang hồ thì làm sao? Ta cũng không có quyền khinh một gái giang hồ kia mà!”

Trong lúc ấy, Hồng Liên mở sắc lấy ra một tấm danh thiếp và xếp chéo góc lại đưa cho thằng Vĩnh.

Nàng quay lại phía Huy:

− Tôi không thể nào đợi được nữa. Ai đâu thừa thì giờ đợi ông ấy. Xin phép ông, tôi kiếu về. Khi nào ông rảnh, xin mời ông tới chơi. Ngày mai chẳng hạn.

− Vâng tôi xem có đi được, ngày mai tôi xin xuống chơi.

Rồi Huy tiễn Hồng Liên ra đến ngõ. Chàng vẫn ngắm theo và nói một mình: “ Trông cái bộ đi sao mà giống Lạc quá!”


 

CHƯƠNG THỨ V

Bấy giờ đã gần 10 giờ tối. Huy vừa đặt lưng xuống, và đã hơi lơ mơ ngủ, thì nghe có tiếng đẩy cửa rất mạnh, và tiếng nói bô bô. Huy ngồi nhổm dậy và có bụng mừng, vì có ý đợi Kỷ từ tối hôm qua đến nay, Kỷ đã tiến vào, và theo chân Kỷ, một bọn độ 5 - 6 người. Kỷ giới thiệu từng người:

− Anh Thanh, tác giả cuốn “Một chiến sĩ”.

− Anh Vinh, thông phán phủ Toàn quyền.

− Anh Vy, thư ký Hỏa xa Vân Nam.

− Anh Nguyện, thư kí hãng Radio L. L.

− Anh Nham, chưởng bạ làng Bưởi.

− Và đây anh Huy, một ông bạn ở Thanh vừa ra chơi.

Giới thiệu xong, Kỷ mời các bạn ngồi, rồi đi vào buồng thay cravate. Vừa thắt, vừa nói với Huy:

− Hôm nay đệ khánh thành một cuốn tiểu thuyết mà đệ vừa viết xong, một cuốn tiểu thuyết của thanh niên, của bọn chúng mình. Chúng tôi nhất định kéo anh đi.

− Thế anh muốn tôi đi đâu?

Kỷ quay lại nhìn Huy một cách ngạc nhiên vì không bao giờ Kỷ gặp một câu hỏi ngớ ngẩn như thế. Nói “khánh thành một cuốn tiểu thuyết” tức là nghĩa thế nào, những bạn của Kỷ xưa nay tất đã hiểu. Kỷ ghé vào tai Huy:

− Đi hát.

Phải nói trắng ra như thế, Kỷ hơi lấy làm khó chịu. Nhất là khi thấy Huy từ chối, thì Kỷ lại càng ngạc nhiên vô cùng, một điều không bao giờ có trong chỗ bạn bè của Kỷ.

Nham, một ông khăn đen áo dài, nhảy vào lên giọng “ông làng”:

− Chúng tôi sở dĩ về đây là để “mời” ông đi mà thôi. Ông không đi thật phụ lòng chúng tôi lắm!

Huy cũng kính cẩn đáp:

− Thư ông, để cho khi khác. Hôm nay tôi thấy hơi giở mình.

Kỷ lên giọng pha trò nói với các bạn:

− Cô dâu này nhút nhát quá. Tôi nhờ “các chú” vào dỗ cô ấy ra chào họ cho.

Tức thì, cả bọn nhảy vào, mỗi người đệm một câu. Và cuối cùng Huy phải xiêu vậy. Kỷ gọi hai thằng nhỏ, cho mỗi đứa một hào, rồi cùng các bạn đi ra. Một bọn “cu-li” xe, đã chực sẵn ở trước cửa. Mỗi người lên một xe. Và tất cả sáu cái xe đi hàng hai, từng hàng rất ngay ngắn, và tiến về ngả Vạn Thái.

Kỷ nói với các bạn:

− Chúng mình có vẻ hùng hổ như một đội binh lắm đấy chứ!

Thanh tác giả “Một chiến sĩ”, hạ cái “píp” xuống, ung dung đáp:

− Vâng, một đội binh Thanh Niên lên mặt trận Trụy lạc.

Cả bọn cười rộ. Duy có Huy là hơi nghĩ ngợi: chàng đã bắt đầu lo sợ bâng quơ. Hình như, chàng đã bắt đầu bước vào một con đường bất chính… Bỗng chàng, mỉm cười và tự trách mình: “Nghĩ thế thì chả hóa ra 6 người cùng đi với ta đó là bất chính cả hay sao? Vô lý! Ta là một người vô lý.”

Rồi quay lại về phía xe đi cạnh mình, Huy hỏi chuyện một cách vui vẻ:

− Thế chúng mình định xuống đâu?

− Cái ấy tùy “khổ chủ”.

Tuy rằng mới nghe lần đầu cái danh từ đặc biệt ấy, Huy cũng đoán được nghĩa của nó là gì, và cũng biết hai chữ “khổ chủ” ấy chính là chỉ Kỷ vậy. Cái xe còn sót lại bên cạnh xe Huy, chính là xe ông Chưởng bạ. Còn một cái xe kia, thì đã tiến nhanh vào trong ngọn gió, và xa xa chỉ nghe tiếng nói bô bô của “khổ chủ”.

Xe đi qua một cột đèn, Huy ngóc dậy nhìn chăm chăm lấy Nham, chàng cố nhìn kỹ Nham, để phá một sự nghi ngờ trong óc chàng: chàng không biết Nham là một ông Chưởng bạ chính hiệu nay giả hiệu. Coi cái khuôn mặt, và cách ăn nói lải nhải của Nham, thì Nham có vẻ một ông Chưởng bạ. Nhưng làm sao Kỷ và cả bọn kia nữa lại có thể chơi thân với một ông Chưởng bạ làng Bưởi? Cuối cùng, chàng cũng muốn tin là một ông Chưởng bạ thực, vì với một người như Kỷ, thì những điều kỷ quái cũng có thể là một sự rất thường. Và một ông Chưởng bạ giữa những người làm báo, thì cũng không phải là một sự kỳ quái.

Huy nghĩ đến đây, thì xe mình đã đỗ lại trước một cái nhà nguy nga đèn điện sáng trưng, và từ đằng sau nhà có tiếng kèn đưa lại. Huy chưa nhận được là bài gì, thì ông Chưởng bạ đã nói:

− Rumba đấy. Người ta đương nhẩy Rumba đấy.

Huy nhìn Nham, và mỉm cười, nói một mình: “Có thể là một ông Chưởng bạ làng Bưởi được chăng?”

Huy theo Nham đi qua một gian buồng dài, rồi bước lên thang gác, Huy vừa bước vào, thì Kỷ đã nhảy ra, cầm tay Huy giới thiệu với các chị em:

− Anh Huy, một ông Huyện mới.

Các “chị em” nhìn Huy một cách ngơ ngác. Huy toan cải chính, thì đã bị Kỷ béo vào tay và nói nhỏ:

− Thì đã làm sao!

Huy đành câm miệng, Kỷ ngoảnh lại phía chị em, chỉ từng người một:

− Em Bích Thủy.

− Em Ngọc Hương.

− Em Huệ.

− Em Bạch Cúc.

 Em Bạch Tuyết.

− Và em… Bạch Trọc.

Cả bọn hoan hô:

− Khá đấy! Nguyễn tiên sinh vạn tuế! Tác giả “Cô ba Trà” [c] vạn tuế!

Duy có Huy thì hơi bất bình về cái lối khôi hài quá giới hạn ấy, cũng chỉ tại Huy chưa phải là người ăn nằm ở chốn chị em.

Kỷ thấy vẻ khó chịu hiện trên mặt Huy, vỗ vào vai Huy:

− Bọn chúng ta, một tuần lễ đến sáu ngày tu nhân tích đức, ta chỉ được một ngày để nói những thứ đểu giả ấy!

Rồi quay về phía những người khác:

− Có phải thế không anh em chị em? Ta xuống đến đây chỉ để nói tục cho sướng mồm.

− Vâng, tiên sinh, cứ nói, cứ nói.

Nhưng Kỷ không nói gì nữa, ngoảnh ra phía buồng trước mặt, mà kêu oang oang:

− Bọn “râu xồm” lại xuống hát đây. Này ông đốc Kính, nhà kỹ nghệ pháo, chúng mày có biết thằng cha nào ngồi ôm con Huệ đấy không? Phải chính lão Nghị Phành, cái bộ râu rễ tre ấy lạc đi đâu được. À còn có cả nữ chủ nhân nữa.

Rồi quay lại phía một cô đầu:

− Chị cho gọi kép đi. Và cho bàn đèn ra thôi.

Sau khi đã hát xong vài khổ, tất cả mọi người đều quây quần ở bên bàn đèn. Ông Chưởng bạ vừa tiêm xong điếu thuốc thứ nhất, giơ cao cái dọc tẩu lên mà nói:

− Anh em bằng lòng để cho tôi “thông tẩu” chứ?

− Vâng xin ngài cứ tự tiện.

Ông Chưởng bạ kéo xong điếu thứ nhất, lại hí hoáy tiêm thêm điếu nữa; tiêm xong chàng lại giơ cao cái điếu lên và nói:

− Còn cái điếu danh dự này về ai?

Cả bọn đều đáp:

− Về ông Huyện. Về ông Huyện.

Huy có vẻ bối rối, và lo sợ. Chàng đương kiếm một cớ để từ chối. Nhưng người ta đã đút vào miệng Huy, Huy cố đẩy ra, và nói bằng một cái giọng thành thực:

− Các anh tha cho. Quả tôi không quen hút bao giờ.

Vy bẻ lại:

− Chúng tôi xưa kia cũng nói như anh thế cả. Nhưng rồi chúng tôi cũng hút cả.

Huy cố phân trần:

− Tôi không thích như thế này. Vả tôi đã thề với tôi…

Một tiếng nói ở trong sự ồn ào, hình như là của Thanh:

− Nếu anh ấy đã nhất định thế thì không nên ép.

Một tiếng nói nhỏ, Huy không biết là của ai:

− Cette race de moralisateur. On en a assez.

Nhưng chàng biết là lời nói ấy ám chỉ mình. Chàng hơi có vẻ tức giận và toan đứng dậy, thì Kỷ lên giọng bông đùa:

− Phải ép anh anh hút mới được. Không mất vui.

Kỉ quay lại phía cô Bạch Vân, là một cô đào đẹp nhất trong bọn:

− Em phải dỗ anh ấy cho tôi mới được.

Vân mỉm cười đưa lên tận môi Huy và nũng:

− Xin ông anh nể lòng em một chút. Từ khi em vào nghề này, lần này là lần đầu em nâng điếu để mời khách. Ông anh đừng làm em tủi…

Huy cố từ chối. Nhưng Vân kéo đầu Huy xuống gối mình và đun điếu vào miệng chàng.

Huy hút một cách e dè, cứ “nhắp” từng hơi ngắn. Kỷ hét lên:

− Kéo đi. Một hơi thôi.

Nhưng Huy cũng vẫn “phì phào” như thế cho hết điếu. Hút xong, chàng nhổm dậy, nhổ nước miệng và kêu:

− Ối chào! Tanh quá!

Mọi người cười khúc khích, và quay cả về phía Vân:

− Chúng ta còn đợi gì mà không thưởng cho Vân mỗi người một cái hôn.

Rồi cả bọn ùa lại, đổ xuống trên đầu trên má trên tay Vân một trận hôn dữ dội.

Ông Chưởng bạ lại cúi xuống tiêm, và những điếu thuốc luân chuyển đi từ môi người này qua người khác. Mỗi lần đến lượt Huy, thì vẫn lại một sự khó khăn ấy. Huy vẫn kiếm cách từ chối. Nhưng mỗi lần như thế, đã có một người đàn bà đẹp để bắt ép chàng.

Khi chàng hút xong điếu thứ tư, thì nữ chủ nhân ở phòng trước mặt bước sang. Một tràng pháo tay đón chào nữ chủ nhân. Huy nhìn chòng chọc lấy người đàn bà vừa gặp hôm qua ấy, và tưởng như ở trong một giấc mộng.

Kỷ đứng dậy giới thiệu:

− Anh Huy, một ông Huyện, còn đây là những khách hàng quen của bà.

Và quay lại phía Huy:

− Còn đây là bà Hồng Liên, nữ chủ nhân nhà này.

Rồi Kỷ đổi giọng nghiêm trang ra giọng chớt nhả:

− Hôm qua có đến à? Tìm được nhà cũng giỏi lắm đấy. Xin lỗi nhá! À mình có mang thanh quế xuống cho tôi không?

Hồng Liên đáp:

− Người ta đòi đắt quá. Tôi không thể mua được.

Giọng nói hơi lãnh đạm của Liên làm cho mọi người không ngờ và uể oải lại nằm xuống quanh bàn đèn. Liên hình như biết lỗi mình, nằm xuống cạnh Kỷ và hỏi một cách thân mật:

− Thế cuốn tiểu thuyết “Cô Ba” anh đã viết xong chưa?

Như được có người gãi vào chỗ ngứa, Kỷ lấy làm hả lòng lắm:

− Tôi viết xong. Và hôm nay chính là tôi muốn khánh thành cuốn truyện ấy.

Đoạn lấy ở túi áo ra một tập giấy dầy, đưa cho cô Hồng Liên:

− Bây giờ tôi nhờ Hồng Liên bình lên cho anh em nghe. Quay lại nói với mọi người:

− Văn tôi, chỉ có bà Liên bình, thì nó mới lột hết tinh thần được.

Liên cầm lấy tập giấy, hớp xong một hớp chè, để lấy giọng, rồi đọc.

Mọi người lúc đầu đều lắng nghe một cách chăm chú. Người ta để ý đến giọng của Liên hơn là văn của Kỷ. Không ai nói gì, duy chỉ có Huy là lâu lâu gật đầu một cái để tỏ ý biểu tình hay khoái trá. Nhưng dần dần cái giọng êm đềm của Liên, như hòa với khói thuốc phiện, mà đưa Huy vào trong giấc mộng. Chàng thấy chập chờn và lơ mơ. Tưởng như đang nằm một mình, mà cái giọng bình ấy chỉ là từ một ngọn gió xa mang tới. Có lúc, chàng chỉ nghe tiếng gãi sột soạt của mình mà thôi.

Chàng gãi một cách hung dữ khiến cho ông Chưởng bạ nằm cạnh chàng, phải kêu lên:

− Xin ông đừng có gãi nhằm vào chân tôi đấy.

Mọi người cười rộ lên. Huy mới tỉnh mộng và biết mình đương say thuốc phiện và chính thuốc phiện đã làm cho mình ngứa ngáy. Nhưng cái tiếng bình đều đều của Liên cũng lại ru chàng vào giấc mộng.

Trên khay đèn bấy giờ đã vắng người ta. Cuốn tiểu thuyết đọc chưa xong, nhưng người ta, từng cặp một đã rủ nhau “chuồn” đâu hết, chỉ còn trơ lại một người đọc là Liên, và một người nghe chính là tác giả; và bên cạnh, một người đương gãi sột soạt chính là Huy.

Lúc Huy tỉnh mộng thì thấy Kỷ đương cúi hôn Hồng Liên. Huy luống cuống:

− Tôi xin lỗi anh chị.

Hồng Liên cười:

− Chính chúng tôi phải xin lỗi anh mới phải.

Rồi Hồng Liên gọi các cô đầu vào:

−- Các em vào sửa soạn giường, chiếu và mời các anh ấy đi ngủ, và tôi xin một em vào đây để tiếp chuyện quan Huyện. Chị Vân đâu?

Vân ở đâu chạy vào:

− Quan Huyện ngài say thuốc phiện lắm, để em phải vực ngài vào giường.

Trông Huy vẫn nằm còng queo một cách co ro, Vân lên giọng thương hại:

− Em tôi bé bỏng thế này mà người ta đã bắt làm quan. Tội nghiệp quá!

Hồng Liên mắng yêu Vân:

− Láo! Con bé chỉ láo quen.

Vân cười:

− Việc gì đến chị! Tôi nói nựng chồng tôi, việc gì đến chị?

Vừa nói, nàng vừa cố vực Huy qua cái giường màn bên cạnh. Rồi Kỷ và Liên cũng lui đi qua chỗ khác. Trong buồng chỉ còn Huy và Vân. Và ngọn đèn điện cũng vặn tắt. Bấy giờ chỉ còn âm u một cái đèn a phiện.

− Quan Huyện! Ngài tỉnh đi.

Huy ôn tồn:

− Em đừng gọi tôi là ông Huyện, chướng lắm. Và tôi không còn là một ông Huyện nữa.

− Thế bây giờ anh làm gì?

− Tôi chỉ là một người thất nghiệp, thế thôi.

Vân dang tay ra và đặt đầu Huy lên tay mình, Huy muốn cự tuyệt nhưng không nỡ, chàng không có can đảm để cự tuyệt một gái giang hồ nghĩa là một người đáng thương.

Vân nũng nịu:

− Anh yêu em đi!

− Yêu em thế nào nữa?

− Hôn em đi!

Huy xây mặt đi không nói gì. Vân hơi chột dạ:

− Anh khinh em quá!

Nhưng Huy vẫn không nói! Chàng nhớ lại những cảm giác thú vị say sưa của đêm tân hôn. Những cảm giác trong sạch và thần tiên ấy, biết bao giờ chàng có thể tìm lại được? Chàng cảm thấy một cách chua chát rằng: Chàng đã mất đi một cõi thiên đường. Và chàng thấy nhớ Lạc, thấy một cách rõ rệt rằng: Trong trần gian này chỉ có Lạc là người độc nhất mà chàng yêu. Cảm giác, tư tưởng của chàng chỉ nhận thấy có Lạc. Còn bao nhiêu những người đàn bà khác, dầu có đến cạnh chàng để khiêu khích chàng nữa, chàng cũng cho là vô hiệu mà thôi.

− Anh yêu em đi!

Giọng nói nàng có vẻ tội nghiệp, hình như là một tiếng kêu xin tha thiết xuất tự cõi lòng. Huy hơi ái ngại. Chàng gượng cười, bảo Vân:

− Vân kể cho anh nghe một chuyện gì cho anh vui.

− Một chuyện buồn cũng được chứ?

− Tuỳ em.

− Chuyện của em nhé?

− Càng hay.

Hai người bỗng nhiên im lặng. Vân nói:

− Thôi em không kể nữa.

− Kể đi! Cứ kể đi.

− Em sợ buồn lắm.

Rồi Vân đưa cái chuyện buồn thảm, mà có lẽ nàng đã bịa ra và đưa đọc lại cho Huy nghe, cái bản đàn ấy, nàng gẩy đã biết bao lần, để xin một chút lòng thương của khách làng chơi. Cái thảm sử ấy, chỉ là một cái thảm sử cổ điển ở trong xóm yên hoa.

− Anh ạ! Nếu chẳng có sự rủi ro đâu em phải "nạc" bước chốn này. Trước kia em cũng "nà" con tử tế. Thầy em "nàm" quan, em cũng vào giầy ra dép chẳng kém gì thiên hạ. Nhưng không may, mẹ em chết sớm. Thầy em cưới dì ghẻ về. Rồi vân vân...

Rồi bản đàn cứ một điệu ấy mà gẩy cho biết. Huy cũng "thở dài" một cái lấy lệ. Nhưng trong thâm tâm, chàng vẫn theo đuổi một ý nghĩ để hiện thành một hình ảnh xinh đẹp khả ái là cái hình ảnh của Lạc. Chàng thấy nhớ nàng quay quắt, và như không còn có gì làm cho chàng nguôi được. Nằm bên cô gái giang hồ, chàng chỉ nhớ tiếc lại những giờ ái ân đằm thắm mà chàng đã qua ở bên cạnh vợ... và chỉ bùi ngùi thương xót cho cô thiếu nữ ngây thơ đã sớm đọa đầy bởi một chế độ bất công khe khắt.

− Anh nghĩ gì thế?

Huy giật mình:

− Em kể hết đi!

− Em kể xong rồi, xong từ hồi nãy.

− Thế bây giờ em cần gì không?

− Anh có "nòng" thương đến, em xin cảm ơn. Nếu anh có sẵn, em xin anh một ít tiền để may sắm. Em vay nợ nhiều quá. Không dám hỏi nữa.

Huy móc túi đưa cho Vân ba đồng, tưởng như thế được yên mà ngủ. Nhưng khói thuốc phiện bắt chàng phải thao thức mãi. Chàng vừa chớp mắt được một lúc thì ở những giường bên kia đã nghe có tiếng động: Anh Thanh, anh Vy là những người có vợ phải về trước khi đèn ngoài đường tắt điện.

Sáng hôm sau. Chuông đồng hồ đánh chín giờ thì Huy tỉnh dậy. Chàng đi từng giường một, tìm những các bạn của mình. Nhưng mà chàng không còn thấy một người nào hết. Chàng chỉ thấy trơ một mình lại với một cảnh tượng bi ai, não nuột là cảnh tượng một cuộc vui tàn. Những cái bàn đèn thuốc phiện nghiêng ngửa. Những vết đen bẩn dây xuống chiếu. Những vỏ quýt rải rác đầy nhà. Và vài cái nút chai ở cạnh chân bàn. Những mẩu nhật trình trong góc buồng. Những cái ghế tô-nê lộn xộn, những cái chăn bông chưa xếp, những cái giường màn còn rủ. Và giữa cái đống lộn xộn ấy, đây đó vài cái mặt phấn còn bự, son bết đầy tay, đầy má, đầy trán. Và những mớ tóc rối bù buông xuống che phủ cả những cặp mắt lờ đờ, còn buồn ngủ. Vài cái mồm chưa súc, ngáp những cái ngáp dài. Huy ngửi thấy một mùi vị lạ lùng, một mùi vị không tên, nhưng mà hữu thực, nó làm cho tất cả người ghê lạnh, và chàng thấy muốn nôn, muốn khạc, muốn nhổ, muốn cau có với mình, muốn gây gổ với mọi người, muốn bứt hết tóc, cào hết da thịt, muốn nhìn một dòng máu tươi, muốn giết người...

Một tiếng quý phái "nửa mùa" từ trong buồng nói ra:

− Các cô pha cà phê cho quan Huyện xơi đi.

− Tôi không uống.

Cái lối đối đáp cụt ngủn của Huy, làm cho Hồng Liên, người vừa nói trong buồng đó, hơi khó chịu. Bỗng nàng mỉm cười, nghĩ rằng có lẽ đêm qua anh chàng gặp phải một cô đầu khó tính nên đâm cáu. Nàng gọi Vân đến mà mắng yêu:

− Cô không ra, ông Huy có sai bảo gì không?

Rồi nói nhỏ:

− Chiều ông ấy một tý.

Câu nói sau này lại như càng trêu tức Huy. Chàng xách mũ, đứng dậy, và rảo bước xuống thang gác, với một cái mặt đám ma và không thèm chào hỏi ai hết. Khi chàng đã xuống hết thang gác, thì trên này, các cô đầu góp với nhau một tiếng cười vỡ nhà, Huy biết là bọn họ chế nhạo mình, chàng nói lẩm bẩm một mình:

− Đồ đểu!

 

 

***

 

 

Về đến nhà, Huy đóng chặt cửa buồng lại. Chàng lấy giấy mực ra viết. Với cái mặt thảm đạm ấy, với chút tàn lực còn lại sau một đêm hành lạc, chàng cắm cổ, và uể oải lê ngọn bút một cách tội nghiệp. Cũng như trong những giờ đau khổ khác ở trong đời chàng, Huy viết thư cho Thu, cũng như những người khác viết nhật ký để cho mình xem vậy:

 

Hà Nội, ngày...

Anh Thu,

Tôi viết cái thư này cho anh, trong một giờ đau khổ đau khổ đây không phải là thứ đau khổ cần thiết cho tâm hồn, mà là một thứ đau khổ chán nản, nghèo nàn không ích gì cho sự sống.

Tôi đã "truỵ lạc" trong một đêm, và tôi chỉ sợ đó là môt cái triệu chứng của một sự sa ngã ghê gớm, một sự sa ngã không còn làm ta đứng dậy được nữa.  

Anh Thu, có lẽ khi anh nghe nói tới tên một gái giang hồ, anh sẽ cảm động vì cái cảnh ngộ, cái số phận âm u của họ. Tôi biết anh thương họ, vì anh là một người tin ở chủ nghĩa xã hội, vì trí anh bảo thế, chứ lòng anh có thể lạnh lùng như không! Anh hãy ôm họ vào lòng, cầm lấy tay nặng nề của họ, nhìn vào cái mặt bự phấn của họ, nhìn những vết son loang lổ, và nghe cái giọng nói giả quý phái, thì anh sẽ đẩy họ xuống một cách khinh bỉ. Anh có giữ lại nữa, cũng chỉ là vì một sự cần dùng về sinh lý mà thôi. Chứ thực ra lúc bấy giờ, lòng anh muốn đuổi họ đi như đuổi một vật ghê gớm.

Ta phải can đảm mà nhận rằng: ta không đến cái chỗ ăn chơi ấy với cái óc nghiên cứu, hay cái bầu nhiệt huyết của một chiến sĩ. Ta đến đấy chỉ để mà hành lạc, nhưng khi ta thấy cái vui nó ghê tởm, thì ta phải nhận sự chán nản của ta là chính đáng. Tôi đã thành thực với tôi mà nhận rằng tôi đã ghê tởm một cô gái giang hồ, dầu tôi biết chán rằng họ là "sản vật" của một chế độ xã hội khốn nạn.

Hôm qua, tôi cho rằng: Tôi đã phạm vào một tội lớn với tôi.

Tôi là người đã nguyện giữ mình luôn luôn trong một sự trong sạch, và với sự trong sạch của linh hồn ấy, tôi bước từng bước chắc chắn tới cái mục đích thiêng liêng, cái mục đích mà tôi đã định cho cả một cuộc đời của tôi.

Mục đích ấy là đưa tất cả những sức mạnh cao quý, tốt đẹp tiềm tàng ở trong mình tôi mà phụng sự cho một lý tưởng. Một lời tôi nói, một việc tôi làm sẽ quây quần xung quanh cái trục ấy.

Trục ấy, chính là cái chủ nghĩa xã hội.

Thế mà tôi đã phản tôi.

Tôi đã dấn thân tôi vào một sự truỵ lạc nhơ nhớp.

Tôi đã nằm với cô gái giang hồ.

Tôi đã hút thuốc phiện.

Tôi đã nói những câu tục tằn.

Tôi đã nghĩ những điều bẩn thỉu.

Như thế, không phải là vì cái chủ nghĩa mà tôi nguyện hi sinh cả hồn lẫn xác đâu!

Tôi đã tới chốn yên hoa để tìm một cái vui ích kỷ. Nhưng tôi đã tìm thấy một sự chán nản vô bổ. Đời chiến sĩ của tôi đã bắt đầu hoen một ố điểm. Không biết còn đến bao giờ nữa, tôi mới nhất định rời khỏi cái đất Hà Nội mà ở đấy cái gì cũng như lừa dối, phỉnh gạt để cám dỗ tôi.

Bạn anh,

Huy

 

***

 

 

Kỷ ở nhà báo về, bước vào thấy Huy đương ngồi nghĩ vơ nghĩ vẩn, thì vỗ vai Huy và nói:

− Thôi đừng vơ vẩn nữa. Phải làm việc. Tôi buộc anh phải làm việc. Đệ đã nghĩ kĩ rồi: Ta phải đánh lại thói quen. Ta phải chôn sâu dĩ vãng. Ta hãy coi như ta mới sống, mới bắt đầu sống. Phải làm lại hết. Bắt đầu ngay bây giờ. Huynh nghe chưa? Từ việc nhỏ cho đến việc lớn, ta phải làm lại hết. Từ bây giờ ta phải dậy sớm. Châm ngôn của ta: Thế giới là bảo vật của những kẻ dậy sớm, và của những kẻ làm việc. Ta phải làm việc gấp đôi, gấp ba, năng lực ta cho phép đến chừng nào, ta phải làm việc tới chừng ấy. Ta đã vơ vẫn nhiều quá! Một ngày ta chỉ có quyền ngậm "pip" và nghĩ bâng quơ độ mười lăm phút hay hai mươi phút mà thôi. Dầu là văn sĩ, dầu là thi sĩ, anh cũng không có quyền "vơ vẩn" quá cái giờ phút đã định ấy. Và có một điều này nên trừ tiệt, nên cấm ngặt: Thằng nào mà còn đi hút thuốc phiện là một con chó, một con chó nghe chưa? Nó không đáng sống một giây một phút nào cả. Nên bắn, nên bắn hết cả bọn đệ tử phù dung. Một ngày kia nếu nước Nam độc lập, và đệ giữ quyền chính ở trong tay, điều thứ nhất đệ làm ngay là "tái bản" ở đây cái sắc lệnh của Chính phủ Trung Hoa, là bắn hết những dân nghiện, bắn hết không trừ một người nào, không tiếc một viên đạn. Ba trăm tiệm hút ở Hà Nội! Thật là một điều loạn.

− Còn cô đầu?

− Cũng là một cái họa khác. Nhưng là một cái họa cần thiết. Một cái họa bất đắc dĩ. Đàn bà nước ta nhiều lắm, nhiều quá! Người ta hô hào bỏ chế độ đa thê. Chế độ ấy đã dần dần bỏ. Vậy cái kết quả của nó, là ngày nay ở cái xóm yên hoa thêm dân số. Những người bị sa thải đó, họ cũng cần phải sống, cần ta nuôi sống họ. Đi hát, là làm một việc nghĩa. Nhưng là một việc nghĩa có hại cho ta. Vì vậy, ta phải hạn chế lại cho có chừng mực; một tháng hay là hai tháng, ta mới có quyền xuống thăm chị em một lần.

− Tôi xin phản đối.

− Vô ích. Một là anh nghe tôi, một là anh không nghe tôi. Đừng cãi tôi vô ích! Tôi là một người độc lập. Tôi là một người độc đoán. Tôi chỉ nghe theo một mệnh lệnh. Mệnh lệnh ấy chỉ ở tôi mà ra. Tôi tin ở tôi, hơn hơn ở anh.

− Vâng, tôi cũng thế. Tôi tin ở tôi, hơn tin ở anh. Nhưng tôi còn tin ở lẽ phải hơn tin ở tôi nữa.

− Tôi xin bắt tay anh một cái. Chỉ thiếu một tí thì anh có thể là tôi.

− Không, tôi còn xa anh lắm.

− Thế càng hay, nhưng bây giờ có một điều tôi không muốn anh từ chối là... sự làm việc. Anh phải làm việc nhiều hơn nghĩ vơ vẩn.

− Nhưng anh muốn tôi làm gì chẳng hạn.

− Có hai cách tuỳ anh lựa chọn: Làm một văn sĩ như tôi, hay là một người chữa bài.

− Tôi xin làm một người chữa bài.

− Tốt lắm. Một tháng, người ta sẽ trả cho anh mười lăm đồng. Và bắt đầu chiều hôm nay. Anh nhận lời rồi chứ?

− Vâng, tôi đã nhận lời.

- Thế tôi xin đi đây. Và chốc nữa tôi mang épreuves về cho anh chữa.

Từ khi nhận công việc chữa bài, Huy có cảm tưởng mình là một người thợ, một người lao động. Chàng lấy làm thích thú và tự đắc vô vùng. Từ trước đến giờ, lần này chàng mới có cảm tưởng khoái trá như thế đó: người chiến sĩ ở trong mình chàng, đã hoạt động. Đó là một sự bắt đầu. Và tương lai có lẽ không đến nỗi âm u như chàng thường lo ngại. Cái công việc ấy, còn cho chàng một cái lý thú, một cái ích lợi khác là giúp cho cái trí xét đoán của chàng thêm chắc chắn là nhờ đọc những bài chữa do các văn sĩ viết, chàng có dịp đối chiếu những tư tưởng của họ với những tư tưởng của mình, và nhờ thế có thể "minh định" lại cái thái độ của mình đối với tất cả sự vật. Cũng như những tín đồ khác của chủ nghĩa xã hội khoa học, Huy thường biện luận theo "biện chứng pháp". Nhưng có một điều là chàng không ru rú ở trong một địa hạt chật hẹp để phán đoán. Vì thế, trong những bài báo mà hằng ngày chàng chữa, chàng cũng nhận thấy đôi điều hợp lý và thích đáng. Đọc đến những đoạn ấy, chàng lấy làm thích khoái lắm, và nhiều khi bước qua giới hạn của nghề mình, chàng biên vào cạnh những bài báo ấy, những lời phê bình thích đáng và chặt chẽ của mình. Không bao giờ chàng thấy mình yêu nghề bằng lúc bây giờ, dầu là lương tháng rất ít ỏi. Chàng vẫn vui, và sống như một con chim con ở đồng ruộng, trong quãng trời mai trong sáng. Có khi đương làm việc, ngẩng dậy thấy những hoa tím trổ cả vào buồng mình, và qua khung cửa sổ, chàng thấy quầng trời xanh, say đắm, thì chàng nhảy nhót, và hát nghêu ngao, và quên hết cả, quên cả những việc buồn thảm ở gia đình, chàng tự nói một mình: "Ta là một người sung sướng". Chàng thấy tương lai tươi sáng ra như là như một ngày xuân sắp đến.

 

 

***

 

 

Bấy giờ đã 11 giờ khuya.

Huy đương ngồi chữa bài thi nghe có tiếng gõ cửa. Huy chạy ra: Hồng Liên.

Hồng Liên, trong giờ này, làm cho Huy ngạc nhiên, và hơi ghê sợ. Chàng ghê sợ ban đêm với người đàn bà. Chàng cố trấn tĩnh để nghe Hồng Liên nói, nói bằng một giọng cảm động:

− Tôi xin anh, tôi van xin anh đứng dậy mau lên, đi với tôi ngay, đi đâu anh không cần hỏi. Nhưng tôi cần đi với anh, đi với một người đàn ông. Tôi cần nói. Tôi cần có người nghe tôi, hiểu tôi. Tôi không phải là một cô gái giang hồ, tôi không có cái tầm thường cái ty tiện của một cô gái giang hồ.

Rồi nàng gục xuống vai Huy mà khóc, khiến cho Huy luống cuống, và lo sợ. Huy sẽ nâng đầu của Liên dậy và an ủi:

− Chuyện gì thế, cô cứ nói.

− Nhưng tôi không thể nói được ngay. Tôi cần một người đàn ông, cho tôi phân trần.

− Nhưng tôi tưởng cô nên đứng dậy tử tế. Nhỡ anh Kỷ về trong lúc này, thấy đầu cô ở trên vai tôi thì nguy cho cô, nguy cho tôi lắm.

− Anh Kỷ không có ở đây trong giờ này. Trong giờ này, anh đương ở chỗ khác, anh đương...

− Cô cứ nói hết.

− Tôi không muốn nói ở đây trong cái nhà này. Đi, anh mặc áo đi.

− Không, tôi đã thề với tôi, không bao giờ đi với một người đàn bà. Một người đàn bà trong giờ này, thưa cô, không thể được...

− Vất hết những lời thề. Anh chỉ nên biết có một người đau khổ. Anh không đi với một người đàn bà, anh đi với một người đau khổ. Tôi chỉ cần biết: anh có thể là người nhẫn tâm với sự đau khổ không?

− Xin cô buông tha cho tôi.

− Anh là một người gàn, anh là một người dở hơi.

Rồi với một thứ giọng yêu đương, nàng nói tiếp:

− Anh phải biết. Trừ anh ra, trừ anh Kỷ ra, tôi chưa đi với một người nào hết. Anh phải lấy đó là một điều vinh hạnh.

− Nhưng đi đâu?

− Đến đấy anh sẽ biết.

Hồng Liên dẫn Huy đến một cái nhà đồ sộ phố Chanceaulme. Nàng bước lên thang gác, và gọi bồi thuê một cái buồng lớn. Huy đã có vẻ lo ngại, hình như chàng đa cảm thấy rằng chàng bị đưa dẫn bởi ma quỷ, và sắp bước vào...

Hai người đứng lại trước một cửa buồng. Trái tim Huy hơi hồi hộp, Liên giục:

− Anh bước vào đi.

Nàng cũng bước theo sau, và nói tiếp:

− Tôi muốn nói chuyện ấy trong cái phòng âm u này.

Nàng chỉ cái bàn đèn và cười:

− Hôm nay, tôi phải bắt anh hút hết năm mươi điếu.

Rồi quay lại phía người bồi:

− Anh cho tôi 1$00 thuốc phiện ra đây.

− Thưa bà, có cần người tiêm không?

− Không, tôi tiêm lấy. Anh chỉ cho tôi một ấm nước chè. Chỉ thế thôi.

Huy vẫn đứng tần ngần:

− Bà Hồng Liên, bà dẫn tôi đến một tiệm hút. Thật bà giết tôi.

Hồng Liên cười:

− Ông dạy quá lời. Một người đàn bà như tôi có thể giết được ai? Nhưng ông cởi áo ngoài, và nằm xuống đây.

Và cất giọng, Hồng Liên gọi bồi:

− Anh thay hộ cho tôi mấy cái gối và nệm chăn. À có thuốc rồi chứ. Anh tắt đèn điện đi. Và cho anh đi ra, khi nào cần tôi gọi.

Người bồi vừa đi ra, Liên quay lại phía Huy:

− Sao anh có dáng thẫn thờ thế.

Huy hơi cáu:

− Bà có chuyện gì muốn nói thì nói đi, tôi cần về ngủ.

− Không, tôi không thể nói ngay bây giờ. Phải hút đã.

− Nhưng tôi không hút.

− Tuỳ ý. Thì anh hẵng nằm đó xem nhật trình. Tôi hút ít điếu rồi sẽ nói chuyện. Hôm nay mà tôi không hút thì họa có chết.

Và nói bằng một giọng thân mật:

− Thuốc phiện sẽ làm cho tôi chống cự với đau khổ.

Rồi nàng không nói gì nữa, nằm xuống, hí hoáy tiêm. Tiêm xong  điếu thứ nhất, nàng xin lỗi Huy:

− Anh để tôi hút trước.

Và từ điếu thứ hai, mỗi lần tiêm xong là nàng lại cắm đầu hút ngay, không mời qua Huy một lần nào nữa; cho đến điếu thứ mười, thì nàng vắt dọc tẩu xuống một cách hả hê, vòng tay lại trước ngực và nhìn lên trần. Huy vẫn nằm coi nhật trình, và hình như không thèm lưu ý đến người bạn gái mà chàng biết là rất ngộ nghĩnh. Nhưng bỗng chàng để rơi cái tờ nhật trình che phủ xuống mặt, và tờ nhật trình cứ ở yên như thế.

Trong lúc ấy, giọng đã ngấm thuốc, Hồng Liên bắt đầu kể:

− Tôi là một cô gái giang hồ. Nhưng tôi có mấy cái nhà cho thuê, chủ một tiệm nhảy lớn, và một nhà hát lớn có đến vài chục cô đầu. Xe ngựa ngày thường rộn rịp trước cửa nhà tôi không phải là ít. Một ông Huyện ở dưới Nam lên, một ông Nghị ở Cảng về, cũng lại nhà tôi để qua những giờ khắc thú vị. Cả Hà Nội phong lưu, ai không biết mặt tôi, biết tôi là một kẻ giầu có, biết tôi là môt kẻ tài hoa. Đã mấy ai không cảm về tiếng tỳ là cái ngón cái sở trường của tôi, không cảm về giọng ngâm thơ của tôi. Tôi đã ngâm thơ Yên Đổ, ngâm thơ Chu Mạnh Trinh, ngâm thơ Nguyễn Thượng Hiền; và những bậc thi nhân ấy, nhờ tôi mà được người đời thán phục hơn nữa. Nhưng, không, không, tôi không muốn người đời đánh giá tôi chỉ có thế. Tôi là một kỹ nữ chung tình. Tôi đã hầu tiếp hàng nghìn người khách, tôi đã qua một nghìn đêm bên cạnh họ. Tôi đã thu phục được hàng nghìn quả tim, và đã bỏ túi đến mấy vạn bạc của thiên hạ. Nhưng tôi, tôi chỉ yêu có một người, tôi quý có một người. Mà người ấy đã khinh tôi, người ấy đã ruồng bỏ tôi... Anh nghĩ tôi có phải là hạng người để chịu được một sự nhục nhã? Người ấy chính là ông bạn quý hoá của ông đấy! Nhà viết báo, nhà văn sĩ! Người ấy đã dẫn một cô gái giang hồ qua trước mắt tôi. Người giang hồ không xứng vào cửa nhà tôi, không đáng lau giầy tôi, không đáng tôi tuyển vào để hầu hạ tôi. Người ấy không bì gót chân của những cô đầu nhà tôi. Thế mà anh Kỷ, trời ôi! Anh Kỷ đã mang tới trước mặt tôi để trêu tôi, trêu cái tấm ái tình chân thật của tôi đối với anh. Ồ ông Huy, ông ngủ à? Tôi mời ông tới đây để ông ngủ à?

Nàng lay Huy dậy và giật lấy tờ báo. Nàng khẽ lùi tay lại, và tái cả mặt. Nàng vừa nhận thấy đôi mắt của chàng, đầm đìa những lệ.

Nàng hỏi một cách "thành kính":

− Anh khóc? Anh Huy, anh đã khóc? Cái chuyện buồn thảm của tôi đã làm...

Huy lấy khăn lau nước mắt, và ngắt lời Liên, giọng nói nhỏ như một hơi thở:

− Bà tiêm cho tôi một điếu. Tôi còn đau khổ hơn bà nữa.

Chàng chỉ một cái tin ở báo, đăng ở cạnh một cái quảng cáo:

Hồng Liên cầm lấy đọc:

 

Tin riêng

Anh Huy,

Chị đã từ trần hôm mồng 7 tháng năm. Anh về ngay. Huy ở đâu báo tin cho biết, Thầy me nhớ anh lắm.

YẾN

 

Hồng Liên đọc xong, lại nằm xuống tiêm và nói:

− Tôi xin thành thật chia buồn với anh. Thế chị năm nay đã bao nhiêu tuổi?

− Mới có hai mươi mốt tuổi.

− Tội nghiệp! Còn trẻ quá! Những người ấy mà chết không để cho mình chết thay.

Hai người lại im lặng.

− Mời anh xơi.

Huy ngậm lấy điếu, kéo luôn một hơi.

− Chà, anh kéo đã thạo lắm.

Thấy Liên toan cầm lấy tờ báo đọc, thì chàng giật lại:

− Cho tôi xin điếu nữa.

Hai tuần sau, cũng ở cái gian phòng ấy, trong cái tiệm hút ở phố Chanceaulme, Hồng Liên, Thanh, Chưởng bạ, Vy và Huy quây quần xung quanh ngọn đèn âm u của a phiến.

Có một điều lạ, là trong bọn ấy, người ta không thấy Kỷ.

Thanh hỏi Hồng Liên:

− Thế đã lâu chị có gặp anh Kỷ không?

− Anh ấy có tới tôi một bận nhưng tôi không tiếp.

− Vì lẽ...?

− Vì lẽ tôi không có thì giờ.

Nói xong, Liên hớp một hớp chè, rồi cười, một giọng cười khó chịu.

Thấy không ai nói gì nữa, Thanh lại nói:

− Anh Kỷ tuy là một kẻ có tài. Nhưng cũng như kẻ có tài khác, anh ấy... Tôi không muốn nói xấu một người vắng mặt. Nhưng đây cũng là chỗ bạn quen của anh Kỷ cả, thì tôi tưởng có nói thật cũng không sao. Anh ấy coi đã có vẻ hợm lắm.

Liên ngẩng dậy, lấy làm khoái trá, hỏi lại:

− Anh bảo hợm là nghĩa thế nào à?

− Nghĩa là anh ấy có vẻ tự đắc lắm, cho ta đủ rồi, không cần gì nữa. Anh ấy tự tin ở mình quá!

Chưởng bạ:

− Thì chính anh ấy là sự tự tín, anh ấy cũng thường nhận thế kia mà. Và tự tín không phải là một tính xấu.

Hồng Liên mỉm cười:

− Nhưng tôi tưởng cũng không phải là một tính tốt. Tin ở mình lắm, thì cũng có khi lầm. Vì mình không phải là một ông Thánh.

Thanh tiếp thêm:

− Mà dẫu là ông Thánh nữa, thưa chị, thì ông Thánh cũng còn lầm kia mà!

Vy từ nãy không nói gì bây giờ mới xen vào:

− Nhưng tôi tưởng anh Kỷ thì không có gì gọi là tự tín cả.

Hồng Liên bĩu môi:

− Anh Kỷ mà không tự tín à? Anh ấy tin ở tài sức mình hơn người nào hết.

Vy cãi lại:

− Thì cái ấy đã cố nhiên.

− Anh ấy chỉ có một cái hoài bão là làm vua, và anh ấy tin rằng anh ấy có thể làm vua được. Chả thế một hôm anh ấy nói với tôi: năm hai mươi nhăm tuổi tôi là một hàn sĩ, nhưng năm ba mươi tuổi, tôi sẽ nắm quyền ở trong tay, không nữa ít ra tôi cũng là lãnh tụ một đảng chính trị. Ta phải phát triển hết năng lực của bản thân ta và của giống nòi. Ta phải mạnh. Ta phải đánh bại những người khác. Ta đừng sợ tàn nhẫn, vì đó là một sự cần cho ta. Ta cần phải đánh bại người khác để mà sống. Ở trong thế giới chỉ có một hạng người đáng ghi chép lại lịch sử, đáng nhắc nhỏm lại mãi: những kẻ đã thắng. Và tương lai là của những kẻ muốn thắng.

Vy gật đầu:

− Tôi cũng chỉ nghĩ như anh Kỷ, mà ai lại chẳng nghĩ như thế.

Thanh cãi lại:

− Trong đời họa chỉ có anh, anh Kỷ và những người phát-xít mới nghĩ như thế!

Chưởng bạ vỗ vào vế Liên, và reo lên:

− Fasciste! Voilà le mot. Kỷ est un fasciste!

Vy cãi lại:

− Fat-xit. Ừ thì đã làm sao!

− Đã làm sao? Fat-xit là hạng giết người, hạng bóc lột quần chúng. Hitler và Mussonlini, là hai tên tướng cướp.

Vy cố ôn tồn:

− Nhưng trong tình thế này, nước Nam phải cầu Trời cầu Phật cho có những vị tướng cướp như thế.

− Để làm gì?

− Để làm gì à? Anh phải là người ngớ ngẩn lắm mới hỏi thế. Một dân tộc như dân tộc mình ở giữa cái thế giới bây giờ, nếu không có những tay kỳ kiệt như Mussolini, như Hitler thì không mong gì sống được.

− Đã đành thế. Nhưng tôi xin anh chớ lầm cái sống của một người với cái sống của quần chúng. Hitler là một kẻ đã sống, một vị anh hùng, một bậc kỳ tài. Nhưng ở Đức chỉ có một mình Hitler và bộ hạ là sống mà thôi. Cái danh hiệu anh hùng của hắn đã mua với bao nhiêu cái khổ nhục của quần chúng. Anh có tin ở Đức, một người dân Đức, có dám vỗ ngực và nói như Hitler: "Ta là một kẻ đã sống"?

− Còn như Nga, thì anh tưởng một người dân có thể nói được như thế à?

− Tôi cấm anh nói xấu Nga Xô Viết.

− Tôi cũng có quyền nói đến Staline, cũng như anh nói đến Hitler. Vả anh nhân danh một vị Thượng đế nào mà dám cấm tôi nghĩ khác anh. Theo tôi, Staline chỉ là một kẻ dã man, khát máu đồng loại, ở Moscou, biết bao kẻ đồng chí của va lên đoạn đầu đài. Dễ thường ở đấy không có chế độ độc tài đấy!

Thanh cười gằn:

− Anh chớ nhầm cái độc tài của một người với độc tài của một giai cấp. Anh hãy về đọc sách đi rồi hãy nói chuyện.

Vy giận, hai tay run run, và toan đứng dậy ném cái tách chè vào mặt Thanh, thì Hồng Liên cầm lấy tay chàng, và ôn tồn:

− Các anh dở hơi lắm! Việc đâu đâu mà cũng khéo bắt vào để gây nhau. Tôi phạt anh Vy và anh Thanh hai cốc nước lã.

Nghỉ một lát, Hồng Liên nói thêm một câu nữa, có ý bênh Thanh:

− Tôi học ít không được đọc sách rộng như các anh. Nhưng theo ý tôi, thì cái chủ nghĩa xã hội nó vẫn có nhân đạo hơn. Những người hữu tâm bao giờ cũng ở phe những người đói khát, những người bất hạnh, những kẻ bị bóc lột...

Rồi quay lại phía Huy, nàng hỏi:

− Có phải thế không, ông anh?

Huy mỉm cười, đáp:

− Tôi chả biết gì hết. Chỉ biết có một điều: thuốc phiện. Chị tiêm cho tôi điếu nữa.

Mà thật thế, hút thuốc phiện đã gần trở nên một thói quen của Huy. Từ khi được tin vợ chết, Huy đau khổ vô cùng, không có cách gì làm cho chàng nguôi được nữa. Thuốc phiện làm cho chàng quên được trong giây lát mà thôi, rồi thì cái hình ảnh của Lạc vẫn theo đuổi chàng, Huy đã mất hết sự yên tĩnh. Có khi chàng như một người điên. Một buổi tối kia, người ta thấy Huy ở tiệm hút ra, rồi lang thang, đi quanh hồ Hoàn Kiếm. Chàng trèo lên một cành cây vươn ra ngoài hồ, và ngồi thõng xuống nước. Và như trong cái im lặng của đêm khuya, chàng ngồi đợi một cái gì, một cái bóng, một tiếng chân đi. Chàng ngồi như thế, cho đến khi một thày cảnh sát đi ngang qua, hỏi thẻ thân chàng, thì chàng mới tỉnh mộng. Có khi không có thẻ thân, chàng bị tống vào bóp, rồi sáng ngày ở bóp ra, đầu không mũ, tóc tai bờm xờm trông như môt kẻ thua bạc vừa ở sòng ra.

Thế rồi một hôm chàng từ giã Hà Nội. Chàng đã để lại những cuộc hành lạc, chàng đã trốn giữa những cuộc hành lạc. Một người thiếu niên hăng hái, hăm hở đầy nhiệt huyết, đã bị Hà Nội cám dỗ, đưa đến một cái chết hoàn toàn, vĩnh viễn.

 

 

 

***

 

 

CHƯƠNG THỨ VI

Huy vừa ở chuyến tàu cuối cùng ở Hà Nội về Thanh.

Bấy giờ hình như đã 10 giờ tối. Huy thuê xe về nhà ngay ở phố Brodeurs. Chàng phủ kín màn xe, không muốn cho người hàng phố thấy mặt.

Về đến ngõ, chàng không gọi đầy tớ, tự đẩy cửa mà vào. Trong nhà, những cửa sổ và cửa lớn đã đóng chặt. Ở phòng cô Yến, chỉ còn leo leo một ngọn đèn con. Huy rón rén đi về phía ấy, và gõ cửa nhè nhẹ, Yến hình như ngại ngùng không dám đi lại mở cửa: tiếng gõ cửa trong lúc này, làm cho nàng sợ. Nàng ngừng kim và toan hỏi, thì Huy ghé vào lỗ khoá và nói nhỏ:

− Anh đây! Anh Huy đây!

Yến còn bâng khuâng, chưa biết thực hay giả, thì đã lại nghe có tiếng nói ở trong lỗ khoá:

− Anh Huy. Chính anh Huy của em đây mà! Lại mở cửa anh vào, kẻo anh lạnh lắm.

Yến vui mừng, sung sướng, nhảy xuống giường, quên xỏ chân vào guốc, chạy lại mở cửa. Huy tiến vào, rồi vội vàng khép ngay cửa lại. Yến cầm lấy tay anh, nắm chặt lấy, và nhìn sừng sững vào mặt anh:

− Anh đi gần một năm, tệ quá. Anh gầy đi nhiều lắm. Hai mắt anh sâu hoắm. Nếu me trông thấy anh, chắc me...

− Im! Em nói khẽ, me thức dậy.

− Không, để em gọi thầy me dậy.

− Ấy chết! Hãy khoan!

− Thầy me trông anh từng phút. Và chị, trước khi chết...

− Em hãy dẫn anh ngay qua bên phòng của chị, cái phòng chị đã chết.

Thây Yến toan xỏ chân vào guốc, Huy nắm lấy tay em:

− Thôi em đừng đi guốc nữa. Anh không muốn me dậy trong lúc này. Để me ngủ, xin em đừng động mạnh.

Yến cảm động quá, không nói được một lời, đưa tay dẫn anh, đi trong buồng tối. Hai người nín thở đi qua chỗ cha mẹ nằm.

Khi đến một cái buồng con, Yến để cho Huy bước vào trước, rồi nàng đứng lại cạnh Huy, hai tay vòng cứng lại trước ngực. Bàn thờ của Lạc, đặt ngay ở trong buồng nàng, Huy đi lại đốt vài nén hương, rồi vái ba vái... Yến cũng lại bên anh, vái ba vái. Đoạn, hai người cùng đứng im lặng ở hai bên bàn thờ.

− Anh ạ! Em không ngờ chị chết, chị có thể chết sớm như thế được. Chắc anh cũng biết, chị thường có chứng đau tim rất nguy hiểm. Từ khi anh đi, chứng ấy lại càng trầm trọng. Nhưng chị vẫn vào ra chuyện trò với em luôn. Khi còn anh ở nhà, chị ít khi nói chuyện với me, nhưng khi anh đi rồi, những lúc đêm khuya, chị thường ra ngồi têm trầu và nói chuyện với me. Cái chết của chị, cả nhà không ai ngờ. Chính chị cũng không biết trước. Chị đương ngồi đọc tiểu thuyết, thì bỗng mặt đỏ bừng lên, tay run run, và hai mắt hoa lên. Chị kêu em vào, và ngã xuống tay em. Me sợ không dám vào. Thầy chạy đi mời đốc-tờ. Từ khi ngã gục xuống tay em, chị mê luôn. Cho đến trước khi thở hơi thở cuối cùng, chị có tỉnh một phút. Chị tuy nhắm mắt, nhưng cầm lấy tay em vê những ngón tay và nói, giọng nói yếu như một hơi thở: “Mai kia, anh có về, em nói với anh rằng, chị chết một cách an thoả”. Em hỏi thêm: “Chị chỉ dặn có thế?”. Nhưng chị không còn đáp được nữa.

Yến trông lên thì Huy đã đứng ngã vào một tấm cánh cửa, và nước mắt chảy ra đầm đìa trên hai gò má. Nàng cảm động quá, cũng sụt sùi.

− Em nín đi, để yên me ngủ.

 

 

***

 

 

CHƯƠNG THỨ VII

Anh Thu,

Tôi là một kẻ bại trận. Đời đã đánh ngã tôi rồi. Với một cái mặt hốc hác, tôi trở về với thầy me tôi, nơi ngục thất khả ái của tôi. Không biết tôi còn trở về đây làm gì? Nhưng anh còn muốn tôi đi đâu nữa: lòng tôi không còn một giọt máu nóng nào... Tôi đã hết sống rồi.

Tôi đau khổ vô cùng. Sự đau khổ ấy không ích gì cho tôi cả. Tôi không muốn sống, tôi không thể sống được nữa. Tôi ngồi viết mấy hàng này, hoa tím trổ cả vào buồng tôi. Hình như vạn vật đương nẩy nở, đương rộn rực xung quanh tôi.

Nhưng tuổi trẻ đã hoàn toàn úa tàn ở trong lòng tôi. Tuổi trẻ hết, tôi còn gì nữa để mà sống?

HUY

 

 

● Nguồn:

Lưu Trọng Lư: Từ thiên đường đến địa ngục, tiểu thuyết // Phổ thông bán nguyệt san, tạp chí văn chương ra đầu tháng và giữa tháng, Nxb. Tân dân, s. 21 bis (bìa màu số 4) (ngày 16 Aout 1938), tr. 3-125.


 

[a] “ra” (drap): vải trải giường.

[a] “Symphonie inachevée”: bản giao hưởng chưa hoàn thành.

[b] rideau: rèm cửa; abat-jour: chao đèn.

[a] épreuves: bản in thử.

[b] facture: hóa đơn

[c] Trên thực tế, “Cô ba Trà” là tiểu thuyết của Nguyễn Ý Bửu, do Tín Đức thư xã xuất bản năm 1927 tài Sài Gòn. (N.B.S.)